Những lời kể của Thầy Hằng Lai

Báo Vajra Bodhi Sea số tháng Năm và tháng Sáu, 2008
I. Những Kinh Nghiệm Lạ Của Người Lang Thang

Prajna Murdaya: Đây là buổi phỏng vấn của Đề Án Kể Lại Lịch Sử. Chúng tôi đang ở đây phỏng vấn Pháp Sư Hằng Lai. Đầu tiên tôi muốn hỏi: Làm thế nào thầy biết đến Hòa Thượng? Cuộc sống của thầy hồi đó thế nào?

Thầy Hằng Lai: Tôi chưa bao giờ học bất kỳ Phật giáo nào cả. Nói chung tôi không quan tâm về các vấn đề tâm linh tôn giáo. Tôi từng là người Công giáo, tôi từng ở trong Hải Quân. Trước đó tôi là người phụ việc trên một tàu buồm (tàu buồm chở du khách) ở nước Bahamas, sau đó đi vào ngành hải dương hoc, tôi học lấy bằng thạc sĩ để có thể trở thành thuyền trưởng. Tôi bắt đầu làm việc cho Viện Hải Dương Học Woods Hole trên một chuyến hải hành suốt sáu tháng đến vùng Địa Trung Hải và Hắc Hải. Đó là vào năm 1968, nhưng có vẻ cách đây không lâu lắm. Tính chất công việc là làm các thí nghiệm, đo lượng chlorine và lấy mẫu nước ngày này qua ngày nọ, tháng này qua tháng nọ. Chúng tôi phải đứng canh rất nhiều, nghĩa là phải nhìn về phía chân trời canh chừng những chiếc tàu khác để chúng không đụng vào tàu chúng tôi. Dĩ nhiên, lúc đó tôi không biết, nhưng khi sống trên biển một thời gian dài nó huân tập thành những nhân duyên để̀ thiền lâu dài, thật sự là như vây!

Lúc đó, tôi trải qua tất cả những suy nghĩ “thoại đầu” này. Tôi nghĩ: Thế́ mình là ai? Tất cả thứ này là gì? Con người là gì? Đại loại là những câu hỏi cơ bản mà mọi người đều tự hỏi bản thân khi có thời gian đơn độc một mình. Dần dần theo thời gian tôi lại càng quan tâm về nó nhiều hơn nữa. Lúc đó, tôi không biết gì cả, nhưng càng lúc càng trở thành giống như mối “đại nghi” (nghi ngờ lớn). Tôi tự hỏi: Điều gì đang xảy ra thế này? Cái này là cái gì? Nó ngay đó và tôi ngờ ngợ nhận ra nó. Có cái gì đó cần được giải quyết và tôi thì lại hoàn toàn không biết lý do vì sao. Nó vượt ngoài tầm suy nghĩ, vượt ngoài tầm tri thức. Việc canh chừng tàu mỗi ngày hai lần, mỗi lần bốn tiếng đồng hồ, đã trợ giúp rất nhiều vì chỉ đứng đó không được phép làm gì cả, không được nói chuyện, chỉ có nhiệm vụ canh những chiếc tàu khác và lúc nào cũng phải nhìn về phía chân trời, gọi là đứng canh chừng. Đó là công việc, không thể làm việc khác hay bị phân tâm, mà chỉ giữ tập trung vào công việc này. Vì vậy, cứ liên tục như thế, cuối cùng. . . khoảng ba tháng hành trình, chúng tôi đã đến được Vịnh Lyon nằm trong vùng Địa Trung Hải, gần miền nam nước Pháp.

Đúng vào lúc giữa thời gian canh chừng. Giữa đêm khuya mọi thứ đều giao hòa; tất cả hòa quyện vào nhau, tất cả ăn khớp với nhau. . . nhưng điều này là về vật chất chứ không phải là sự hòa nhập về tâm linh. À, nơi mà bạn có một ý tưởng và bạn giải ra được. Nó có vài phương diện như thế, nhưng cũng về mặt vật lý nữa. Tôi thực sự có thể cảm nhận được điều đó. Toàn bộ suy nghĩ của tôi ngừng lại. Nó chỉ ngừng lại một chốc lát thôi, nhưng thực sự đủ để có ảnh hưởng sâu xa về mặt tâm lý và về bản chất đối với cách tôi nhận thức tất cả mọi thứ vào thời điểm đó. Lúc đó tôi muốn chạy vào và chộp lấy anh thuyền phó, anh ta là người điều hành việc canh chừng tàu. Trên tàu có thuyền phó thứ nhất, thuyền phó thứ hai, và một thuyền trưởng. Tôi đang đứng cạnh người thuyền phó thứ hai, định chộp lấy anh ta và nói “Nhìn, nhìn kìa!” Nhưng đó chỉ là một trong những điều mà không thể nào giải thích cho bất cứ ai. Kinh nghiệm đó chỉ cho một mình tôi mà thôi, nhưng phản ứng đầu tiên tôi có là muốn cho mọi người cùng tham gia, tôi muốn tất cả họ cũng có được những kinh nghiệm đó. Sau đó không biết phải làm gì, tôi đã trải qua đủ loại hiện tượng tâm linh xảy ra, thật rất kỳ lạ. Đêm đó tôi không thể nào chợp mắt ngủ được nhưng lại có thể đi lang thang chung quanh tàu, tôi có thể rời khỏi thể xác mình hầu như tự nhiên. Việc đó không kỳ lạ, cảm giác rất tự nhiên là chỉ việc đi ra từ thể xác, tôi có thể đi từ phòng tàu này đến phòng tàu khác và nghe được mọi người nói chuyện với nhau và gần như tham dự vào. Tôi quan tâm nhiều đến trạng thái tâm linh của họ hơn là những gì họ đang làm hay đang nói. Tôi ở khắp nơi trên tàu trong vài đêm, và rồi khả năng này yếu dần. Toàn bộ kinh nghiệm này có lẽ kéo dài được một tuần. Tôi không nhìn thấy nhiều hào quang, không nhìn thấy bất kỳ vị Quán Âm nào từ cõi trời xuống hay bất cứ điều gì giống như thế cả, tôi không có bất kỳ linh ảnh nào, nhưng kinh nghiệm đó khuấy động tôi rất nhiều. Tôi không có ai để nói về việc này, tôi không có vị Thầy nào để đến gặp hay cùng ngồi xuống, thật rất bất an, tôi không biết cùng ai để nói về vấn đề này.

Chiếc tàu này có một thư viện nhỏ; tàu chỉ dài 210 bộ (chừng 70 thước), là một chiếc tàu hải dương nhỏ, là tàu Atlantis, chiếc tàu đã tìm thấy tàu Titanic. Như thế, chúng tôi có một thư viện nhỏ chỉ là một phòng tàu nhỏ. Có một số sách về tôn giáo, tâm lý học v.v… và cũng có một quyển về yoga. Tôi bắt đầu đọc qua quyển này, tôi quan tâm đến những triết lý ẩn chứa đằng sau yoga hơn là quan tâm về yoga. Ở phần sau quyển sách, vị thầy đưa ra một số giáo huấn về thiền. Nhưng không có ai để cho tôi kể về kinh nghiệm bản thân cả. Tất nhiên lúc đó có rất nhiều người thông minh chung quanh tôi, rất nhiều nhà khoa học, nhưng họ đều thuộc về ngành hải dương và toàn bộ chuyến đi được tài trợ bởi Cơ Quan Khoa Học Quốc Gia. Những người này từ đại học MIT và những nơi tương tự như thế. Nhưng không ai có thể giải quyết được vấn đề này, vì vậy mà tôi biết mình cần phải đi tìm một người nào đó. Sau đó, tôi đọc quyển sách yoga trong đó khuyên rằng bạn cần phải đi tìm một người thầy vào một lúc nào đó trong cuộc đời, vì vậy mà tôi bắt đầu làm điều đó. Đó là điều khiến tôi tìm kiếm. Tôi đã đi viếng thăm những nơi thông thường trong những năm thập niên 60 cùng tất cả những điều nhỏ nhoi lạ lẫm xảy ra vào thời hippy đó. Một số nơi chỉ là ngoại đạo nhằm vụ lợi, một số người chỉ là những hành giả lưng chừng mà mình không biết. Vì vậy, tôi đã thử nhiều phương pháp thực hành khác nhau nhưng dường như vẫn không tìm thấy bất kỳ ai đủ để tôi kính trọng học hỏi theo cả. Có quá nhiều người.!

II. Đó Là Vị Thầy Của Tôi!

Tôi đã đi cùng với một cô bạn đến phía bắc một thời gian, cô đó là bạn của cô Loni Baur

[nguyên là Tỳ Kheo Ni Hằng Ẩn]. Lúc đó Loni vừa trở thành Sa-di ni [ni cô mới xuất gia]. Họ đã là bạn với nhau lúc còn thời học Đại học Washington ở Tiểu Bang Washington. Loni vẫn liên tục viết thư gửi cho Beth, cô bạn gái tôi, giải thích về sự cảm kích của cô ta như thế nào về Sư Phụ, và cô đã nói rất nhiều về Ngài. Tôi nghĩ, điều này có vẻ là sự thật. Không ai biết gì về Sư Phụ hay bất cứ điều gì đang diễn ra cả. Waverly Place là một nơi rất nhỏ…chỉ có số ít người biết về Sư Phụ mà thôi, không giống như một vị Đạo Sư (guru) nơi mà có những thứ khác diễn ra chung quanh. Qua cô ấy mà tôi đã bắt đầu trở nên thích thú và cuối cùng đi diện kiến Sư Phụ. Cuối cùng chúng tôi đi xuống San Francisco tìm gặp cô Loni và cô ấy đã giới thiệu tôi cho Sư Phụ. Nhưng ngay trước chuyến viếng thăm, tôi đã nhìn thấy Sư Phụ đứng ngay trên đường. Tôi nghĩ trước đó Beth cũng đã nhìn thấy và đã gặp Ngài một lần. “Ông ta kìa!” Sư Phụ đang đứng ở góc đường, đang nhìn tôi với nụ cười rạng rỡ hiện trên gương mặt. Tôi nói, “Chuyện gì thế này?” Tôi không biết điều gì đang xảy ra. Chúng tôi chỉ đang lái xe ngang qua khu phố Tàu!

Một hay hai ngày sau đó, chúng tôi đã đến và lên gặp Hòa Thượng. Ngài vẫn giữ nụ cười như thế khi nhìn thấy tôi. Ngay khi gặp được Hòa Thượng, tất cả những gì tôi thấy trên tàu bắt đầu hiện ra lần nữa và bắt đầu thức tỉnh tôi đôi chút. Có cái gì đó rất chân thật về vị này mà không hề có sự giả dối phô trương nào cả. Tối đó tôi đến để nghe giảng nhưng lại không hiểu gì cả… Thậm chí cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu về Phật giáo. Vì vậy, tôi cứ lưng chừng. Tôi thực sự không hiểu gì cả; không hiểu Tịnh Độ Phật giáo hay bất cứ điều gì về Phật giáo cả. Dĩ nhiên tất cả mọi người có mặt tại đó đều rất thông minh. Tất cả các vị sư mới xuất gia này đều là những người rất thông minh. Hầu hết trong số họ đều xuất thân từ các trường đại học, họ đến với Phật Giáo từ tri thức, một số do kinh nghiệm tâm linh trực tiếp hay do kết hợp cả hai, vì vậy họ thật sự thích thú với những kinh điển; họ học càng nhanh càng tốt, họ học tiếng Trung Hoa, tôi thì không thể học được gì cả; hoàn toàn như một tên ngốc. Tôi không biết mình đang làm gì, nhưng đã ngồi đó cho hết buổi. Sư Phụ đến thuyết giảng. Lúc đó, chúng tôi thả những chim bồ câu nhỏ trong buổi lễ phóng sinh, chúng tôi ở trong tầng lầu nhỏ nằm trên tầng ba ở Chinatown, có một sân hành lang nhỏ và lễ phóng sinh chim được cử hành ở đó. Nhưng những con chim bồ câu này vẫn quanh quẩn chung quanh. Chúng rất thích Sư Phụ.

DSC06302

Phật Giáo Giảng Đường trên đường Waverly Place, khu phố Tàu ở San Francisco

 

new_pa1

Hoà thượng và các đệ tử trên sân thượng của Phật Giáo Giảng Đường (1970)

Ngài luôn trêu đùa và chơi với chúng. Chúng luôn đậu trên vai Ngài và luôn muốn những đồ ăn ngon. Ngài luôn đặt đồ ăn cho chúng trong một cái hộp đựng bằng thuỷ tinh, mà là một hộp đựng dài và chúng sẽ cố gắng xuống lấy những đồ ngon đó, nhưng chúng phải thực sự vươn xuống dưới, thật xa để lấy. Ngài luôn dạy điều này: hãy nhìn xem sự tham lam của những con chim này thế nào. Sau đó, Ngài giải thích vì sao chúng lại trở thành chim. Nhưng khi Ngài đang giải thích và nói chuyện với những chim bồ câu, thì Ngài lại luôn nhìn tôi cười. Vì vậy, tôi nghĩ, “Chuyện gì thế này?” Sau đó, chúng tôi bắt đầu khóa tu.
new_pa2new_pa3
Hoà thượng và chim bồ câu

new_pa4new_pa5

Lớp học tại Phật Giáo Giảng Đường (trong hình bên phải cho thấy hai chim bồ câu đang đậu trên tay Hoà Thượng)

Vào khóa tu được khoảng hai tuần thì có thông báo “Sư Phụ chấp nhận cho mọi người quy y”. Họ nói bất kỳ ai muốn ghi danh thì đều có thể được cả. Vì vậy, tôi đã ghi danh. Nhưng sau đó, thầy Hằng Khiêm là một vị thầy mới xuất gia, nói “Được rồi, quý vị muốn quy y à, đây là việc nghiêm túc trọng trong suốt cuộc đời còn lại của quý vị.” Thầy ấy nói đi nói lại về tầm quan trọng như thế nào của việc quy y. Rồi tôi nhìn chăm chú vào bức ảnh lớn treo trên tường với ngón tay bị mất của Lão Hòa Thượng Hư Vân, tôi nghĩ: Những vị này vô cùng nghiêm túc. Điều này không phải giống như trò đùa “hippy” lập dị; họ đang ở đây vì việc sinh tử. Họ nghiêm túc muốn tu hành. Tôi thực sự lo lắng, tôi nói “Tôi nghĩ tôi làm không được rồi. Tôi không muốn quy y nữa. Họ muốn cả cuộc đời của mình.” Tôi bắt đầu thực sự lo lắng, và cuối cùng tôi đến gặp Quả Ninh là một trong các vị xuất gia và nói, “Tôi phải rút lại đơn xin quy y. Tôi vẫn chưa thực sự sẵn sàng. “ Thầy ấy nói “Đừng lo lắng chuyện đó.” Thầy cố gắng xoa dịu tôi “Không có vấn đề gì đâu.” Tôi nói “Tôi thực sự xin lỗi.” Tôi ngồi thiền một lát; tôi lại có nhiều vọng tưởng hơn nữa. Tôi nhảy lên và đến gõ cửa phòng Sư Phụ, và Thầy Hằng Tịnh, một thầy khác, nói “Anh làm gì mà làm phiền Sư Phụ vậy?” Ngay lúc đó Sư Phụ mở cửa và nói: “Đừng lo, cứ vào đi, vào đi.” Ngài thật thân thiện nói “Ngồi xuống, ngồi xuống.” Tôi nói “Con xin lỗi Sư Phụ đã làm phiền nhưng con không thể quy y được.”. “Không sao, ​​không có vấn đề gì đâu. Không cần phải như thế. Không cần phải như thế.” Sư Phụ thật tốt. “Con chưa sẵn sàng. Con chưa đủ sẵn sàng và chưa đủ quyết tâm cho việc quy y.” Ngài nói “Đừng lo, không có vấn đề gì đâu. Cứ đi nghỉ giải lao rồi quay lại sau. Không cần phải dự khóa tu đâu.” Tôi nghỉ ngơi một lát rồi rời đi.

Sau đó, tôi bắt đầu đến các trung tâm khác và nghe giảng. Tôi thích ngồi thiền vì không cần phải tụng niệm, lễ lạy gì cả, tất cả những thứ này tôi không có chút cảm giác thật gì về nó cả. Nhưng những người đó thì hoàn toàn ngược lại. Họ không có chút niềm tin, họ không có một vị thầy tốt. Thầy họ chưa giác ngộ. Tôi có thể cảm nhận được như thế. Họ làm ra vẻ như họ là những bậc thầy vậy. Tôi nghĩ, các ông không hiểu chút gì cả. Những bậc chân sư thì hoàn toàn tự nhiên. Họ không hề có sự giả tạo này. Tôi thích cách bố trí nơi này thật giản dị sạch sẽ. Nhưng những người đó không làm gì cho tôi cả. Bề ngoài họ trông thật ấn tượng và cách họ quản lý gần như là một doanh trại quân đội. Nhưng bên trong họ lại không có cái đó. Sư Phụ thì lại có tất cả. Tôi biết mình cần phải quay lại.

Vào thời điểm đó, họ đang dời về Kim Sơn Tự trên đường Mission, trong một hãng xưởng cũ. Vì vậy, tôi nghĩ Loni đã viết giấy gởi cho tôi: “Tốt hơn hết là anh nên quay lại đây “. Đó là những gì cô ấy ghi trên đó. Vì vậy tôi đã trở lại và Sư Phụ đã làm lớn vấn đề. Khi đang giảng, Ngài bắt tôi ngồi ngay bên cạnh và nói: “Anh ngồi đây, ngồi đây.” Thật là mắc cở nhưng dẫu sao tôi vẫn phải ngồi suốt buổi giảng.

III. Lời giáo huấn đặc biệt

Tôi có nhiều vọng tưởng và muốn quay về đại dương lần nữa. Tôi không phải là người trên đất liền, và tôi cũng không thích sống trên đất liền nhiều lắm. Vì vậy, tôi đã trở lại Bahamas một thời gian; tôi cứ đi đi lại lại và đến các buổi giảng và cứ như thế. Nhưng thật khó cho tôi. Nên, tôi đi xuống Bahamas vì tôi đã từng sống ở đó và đi loanh quanh trong một hay hai tháng. Tôi nhận thức ra rằng mình đang lãng phí cuộc đời nếu như cứ thích sống ở đó. Điều đó lại trở nên mỗi lúc một rõ hơn. Tôi giúp một người đàn ông có chiếc thuyền buồm dài 50, 55ft. Chúng tôi dời thuyền đi khoảng 200 km từ Nasau đến Fort Lauderdale. Anh ấy cần phải làm một số sửa chữa, vì vậy tôi đã giúp anh. Khi ở Fort Lauderdale, một ngày nọ trong lúc đang đi bộ quanh công viên, tôi đã trải qua một trong những kinh nghiệm giống như những gì tôi đã từng có được lúc ở trên tàu. Nó đang trở lại. Lần đầu tiên nó trở lại vả có phần nào mạnh mẽ. Ngay khi xảy ra, tôi nói “Tôi cần phải quay trở lại”. Ngay khi tôi có tư tưởng đó thì có một con chim bồ câu bay đến và lượn vòng ba lần, giống như một đệ tử thường làm hay cái gì đó. Và sau đó đột nhiên, tất cả những bồ câu và chim trong công viên cùng nhau bay lên không trung cùng một lúc, ào …, như vậy đó! Ngay lúc đó, Sư Phụ đến bên tôi. Thật là lạ!

Prajna Murdaya: Ngài đến và đi về hướng thầy.

Thầy Hằng Lai: Không phải về thể xác. Ngài chỉ đến bằng tâm linh. Ngài chỉ nói: “Đừng lo lắng, mọi việc sẽ ổn thôi”. Ngài làm như thế bằng tâm truyền tâm mà thôi. “Chỉ cần thư giãn. Mọi chuyện sẽ tốt đẹp thôi. Tôi là bạn thân của anh, tôi là một người bạn cũ của anh. Về cơ bản, chúng ta đã biết nhau từ rất lâu rồi, tôi sẽ không làm hại anh đâu!”. Ngài ở lại với tôi. Ngài đi thẳng vào. Tôi nhận ra rằng Ngài thực sự trong tôi. Bồ tát thật sự đi vào chúng sinh để giúp đỡ, giống như Quán Âm vậy, đó là những gì các Ngài làm. Các Ngài trở thành người đó; và thật sự có thể trở thành một phần của bạn. Không có gì thật sự huyền bí về chúng sinh, khi đi thẳng vào, thì tất cả gần như giống nhau. Ngài biết mọi thứ về tôi, như một phần linh hồn tôi vậy. Và Ngài dạy tôi rằng, “Chúng ta tất cả đều là chúng sinh, chúng ta tất cả đều có Phật tánh.”. Ngài đang nói Pháp môn này nhưng không phải bằng tiếng Anh. Ngài không nói. Không có cuộc đối thoại nào cả. Giống như ai đó hoà nhập vào bạn. Hoàn toàn đó là Sư Phụ.

Ngài không nói tôi phải làm gì. Ngài chỉ chỉ ra cho tôi thấy những gì để tu hành và vì sao, Phật Pháp thực sự là gì, và những gì Đức Phật đang làm trong thế gian. Không phải về những thứ bên ngoài này; đó chỉ là những thứ về văn hoá mà không có ý nghĩa thiết yếu. Đó chỉ là một pháp môn phương tiện.

Sau đó, tôi phải đi giúp anh bạn thêm vài việc, gọi là chuyên chở khách, tức đưa khách ra khơi. Tôi đã hứa giúp anh ta làm như thế trên chiếc tàu này. Vì vậy, Sư Phụ đi cùng với tôi. Không ai biết điều này. Tất nhiên mọi thứ chỉ diễn ra trong đầu tôi, nhưng tôi vẫn đang cùng đi. Sư Phụ có đủ thứ trò vui bày ra trêu chọc mọi người. Thậm chí mọi người cũng không biết chuyện gì đang xảy ra nữa. Nhưng chúng tôi đang lái thuyền, Ngài dạy tôi khi chúng tôi đang lái thuyền. Ngài dạy tôi làm thế nào để tu hành, ngay cả khi đang làm những việc bình thường trong ngày. Phải dụng công bằng tâm, những gì đang làm bằng đầu óc. Cơ thể chỉ giúp con chút ít nhưng chủ yếu những gì con làm là bằng tâm. Đó là những gì con nên tập trung vào khi con chú tâm vào việc tu hành. Nó sẽ giống như việc con không làm những thói quen thông thường của mình liên quan đến những thứ bên ngoài, con chỉ cần tập trung, liên tục tập trung vào những vấn đề thật sự căn bản và cái gì là tự tánh của con, con chỉ cần quay về với tự tánh chân thật của chính mình là những gì con đã biết.

Trong tất cả chúng ta đều có viên kim cương lớn này. Ngài chỉ dạy chúng ta làm thế nào để khai mở được nó, làm thế nào để có được viên kim cương đó. Nói chung Ngài dạy tôi mỗi ngày phải làm gì. Nếu tôi bị phân tâm nhiều vì những việc thông thường hằng ngày, thì Ngài ở đó để nhắc nhở tôi “Hãy nhìn vào những gì con đang làm. Hãy tỉnh thức. Trở về ngay đây, trở về với bây giờ. Đừng quá phân tâm và đừng vọng tưởng nhiều vì điều đó nó sẽ che mờ con.“. Tất cả vọng tưởng đều tác dụng như vậy, chỉ là những suy nghĩ dày đặc thoáng qua dẫn đến “ngục tù” mà thôi.

Hầu hết chúng ta, hay tôi có thể nói là tất cả chúng ta, cũng không nhận ra rằng mình đang bị che lấp bởi vọng tưởng dày đặc nữa. Cứ nghĩ rằng đó là thật. Chúng ta thật sự là như thế dù cho mọi người nói gì đi nữa. Chúng ta nghĩ rằng đó là thật. Thật ra chúng ta cũng chưa đến gần nó nữa. Chúng ta chỉ đang ở dưới đáy biển. Thỉnh thoảng, chúng ta đủ may mắn để ngoi lên khỏi mặt nước thấy có nhiều núi ngoài kia. Nhưng tất nhiên, những bậc giác ngộ thực sự lại đến đỉnh của những núi này. Hầu hết chúng ta thậm chí còn không biết những núi đó đang hiện hữu nữa. Chúng ta nghe về những núi này, biết về những núi này, chúng ta không thực sự tin có những núi này. Phải đến Missouri, phải tự chính mắt mình thấy. Đó là sự thật, nó là như vậy. Đó là lý do vì sao sự khó khăn lớn nhất của Đức Phật là: Ngài không thể làm bạn giác ngộ. Bạn phải tự giác ngộ. Ngài chỉ có thể chỉ dạy bạn làm thế nào để làm điều đó. Điều này thật gây khó chịu. Vì bạn phải chờ đợi, vô cùng kiên nhẫn với mọi người để đưa họ đi theo hướng đó. Đôi khi họ không muốn làm theo như thế từ đời này sang đời khác. Bạn chỉ phải chờ đợi, chờ đợi và chờ đợi mà thôi. Hãy kiên nhẫn, kiên nhẫn và kiên nhẫn. Thật vô cùng khó chịu vì các vị Bồ Tát phải chịu đựng như thế từ đời này sang đời khác. Cũng giống như Sư Phụ, các Ngài đã phát thệ nguyện để làm chuyện đó mãi mãi. Đó là một nguyện vĩ đại. Những nguyện này là như thế, phải có lòng kiên nhẫn để làm được điều đó.

Dù sao đi nữa, chúng tôi cùng đi trên tàu. Tôi chỉ làm những điều bình thường với mọi người khác. Tôi không có gì quá lạ lùng, tôi cố gắng hành xử không quá kỳ lạ. Nhưng mọi thứ thì lại kỳ lạ. Sư Phụ chỉ ra cho tôi thấy được sức mạnh của tự tánh mình khi tu hành, những gì có thể xảy ra. Một ví dụ là có một con chó đốm Dalmatian, một em bé vừa mới sinh vài tuần tuổi trên chiếc thuyền này, đứa bé còn rất nhỏ. Sư Phụ dường như nói, “Bây giờ xem này.” Ngài không nói ra lời, nhưng tôi cảm nhận được, “Giờ hãy xem này”. Điều tiếp theo tôi biết, tôi thấy được là Ngài có thể là chú chó. Tôi nhìn thật kỹ vào con chó này và không còn là cặp mắt con chó nữa, mà là đôi mắt của Sư Phụ đang nhìn tôi. Ngài lại cười tiếp và nói, “Bây giờ hãy xem này”. Ngài đi vào em bé và cũng làm như thế với đứa bé sơ sinh này, hiển hiện trong đứa bé. Đứa bé không biết chuyện gì đang xảy ra; và những người khác cũng vậy. Thật là kỳ diệu!

Chúng tôi đi thuyền xa hơn một chút. Ngài vỗ nhẹ vai tôi nói, “Bây giờ xem này.” Việc tiếp theo đó là: anh biết không, chiếc thuyền bị mắc cạn, Chúng tôi đã ra khỏi nước và đang nằm trên một bãi cát. Thuyền trưởng chạy lên, chuyện gì xảy ra thế này? Làm thế nào chúng ta vượt đến chỗ đây? Có điều gì quái lạ đang xảy ra vì chúng ta đi đúng lộ trình. Anh ấy đã lái thuyền đoạn đường giữa hai hòn đảo này suốt cả đời, chưa bao giờ sai lầm. Chúng tôi không ở trong bất kỳ hoàn cảnh nguy hiểm nào, chỉ có điều đang bị mắc cạn ở trên bãi cát. Nó đi lệch hành trình vài dặm ngoài khơi. Ngài đã di chuyển toàn bộ chiếc thuyền lên trên đó. Thậm chí không ai biết cả. Nó chỉ xảy ra như thế. Mọi người tiếp tục hỏi “Chuyện gì thế này?” Không có cách nào để giải thích cho mọi người nghe về điều này cả và họ chắc chắn sẽ không tin. Thậm chí tôi có những vọng tưởng nghĩ rằng: điều gì xảy ra nếu tôi nói với FBI về điều này? Không cách nào, sẽ không ai tin cả. Sư Phụ đang thích thú với điều này. Nhưng có điều mỗi lúc một rõ hơn rằng tôi cần phải quay trở lại . Tôi có một việc để làm. Đó là những gì cơ bản xảy ra với tôi, quanh quẩn thêm vài năm nữa… Thậm chí tôi đã không quy y trong một vài năm sau đó. Tôi nghĩ tôi đã quy y vào năm 73 hay 74 gì đó. Phải qua nhiều năm tôi mới quy y; tôi lúc đó nghĩ mình không có đủ tiêu chuẩn. Bây giờ tôi vẫn nghĩ mình không có đủ tiêu chuẩn.

Prajna Murdaya: Sư Phụ có bao giờ nói cho thầy biết về các câu chuyện, giống như nhớ lại những gì đã xảy ra trên thuyền với thầy ?

Thầy Hằng Lai: Không, nhưng ngài thường bảo tôi kể lại câu chuyện. Ngài không tự kể lại câu chuyện. Thỉnh thoảng trong lúc giảng Pháp ngài bảo tôi đi lên và kể một câu chuyện như thế. Ngài không bao giờ tự đánh bóng mình, ngài không bao giờ làm điều đó; nó đi ngược lại giới luật là làm để vui lòng đám đông. Sư Phụ luôn luôn dạy bảo, ngay cả trong một đám đông lớn. Ngài bắt vào tần số của tất cả mọi người, đó là những gì ngài luôn luôn nói với chúng tôi, “Quý vị biết đấy, khi tôi nhìn mọi người, tất cả họ đều nhìn vào những thứ khác, nhưng điều đầu tiên tôi nhìn vào họ là Phật tánh của họ.”. Đó là điều đầu tiên ngài làm. Ngài nhìn vào Phật tánh của họ, và sau đó ngài xem họ còn cách Phật tánh của họ bao xa so với tình trạng hiện tại của họ. Toàn bộ công việc của ngài là làm cho họ trở về Phật tánh. Toàn thể của ngài là như thế.

Một vị Bồ Tát thật sự làm nhiều việc cùng một lúc và luôn luôn đa nhiệm, làm cả triệu thứ cùng một lúc. Ví dụ, khi ngài giảng dạy cho toàn thể đại chúng, ngài nói những điều làm đánh thức nhiều người cùng một lúc: “Ồ, ngài đang nói chuyện với tôi”. Bạn không hiểu, ngài đang điều chỉnh tần số vào tất cả họ. Ngài giống như một nhạc trưởng, ngài quan sát, xem nhạc cụ nào cần được nâng cao âm giai lên. Điều đó giống như một dàn nhạc giao hưởng khi bạn khi bạn quan sát thấy những điều như vậy, nếu bạn biết một chút những gì đang xảy ra. Tôi không hiểu rõ lắm, tôi chỉ có một chút cảm giác về chuyện đó. Nhưng thật vi diệu khi thấy tất cả những gì đang xảy ra. Những người mới đến lần đầu hoặc còn khá mới mẻ sẽ nói, “Tôi nghĩ rằng Sư Phụ đang nói chuyện với tôi.” Đúng, nói với bạn và tất cả mọi người khác. Ngài đã vào bắt tần số của tất cả các bạn. Ngài đã làm điều đó, đó là điều mà một người tu hành thật sự, một vị thánh thật sự, có thể làm.

Cơ hội để gặp người như thế trên thế gian là một phần bốn tỷ (1/4.000.000.0000). Ý tôi là, đó là một cơ hội rất nhỏ để gặp người như thế, người có loại khả năng đó và thanh tịnh về khả năng đó. Bạn sẽ nhìn thấy những người khác nhau ở các mức độ khác nhau trong lãnh vực này bởi vì tất cả mọi người đều có khả năng này ở một giai đoạn nào đó. Tất cả họ đều có thể khai mở ra một cách tự nhiên. Có thể có những người có khả năng chữa lành những người khác; có những người khác có khả năng tâm linh. Họ có thể thật sự có những khả năng này, nhưng họ giống như. . . cách tôi nhìn điều này là như là một người nào đó được dạy một chút cách lái máy bay nhưng họ chưa có bằng lái. Bấy giờ họ nghĩ rằng họ là phi hành gia. Họ không phải là phi hành gia, họ cần phải học thật nhiều giờ nhiều hơn nữa trước khi họ là phi hành gia. Đó là vấn đề. Đó là những gì Kinh Lăng Nghiêm liên tục nói đến. Đó là những hố thẳm trên con đường đi đến giác ngộ: nghĩ rằng bạn đã đến nơi trong khi bạn chỉ mới vừa khởi hành. Phải mất một thời gian dài trước khi bạn có đủ khả năng đi ra ngoài và giáo hóa chúng sanh như một vị Bồ Tát. Cần phải qua một thời gian công phu rất lâu dài.
Prajna Murdaya: Như vậy thầy có cảm thấy việc xuất gia là một quyết định tốt đẹp?

Thầy Hằng Lai: Đó là chuyện tình cờ đối với tôi. Quyết định tốt đẹp là bạn có muốn tu hành hay không, đó là quyết định. Điều đó không liên quan đến việc xuất gia. Xuất gia là một phương tiện tốt để giúp bạn. Việc lớn bạn phải quyết định là có tu hành hay không. Bạn thậm chí không cần nghĩ về việc xuất gia. Nếu mọi người suy nghĩ “Tôi có nên xuất gia không?” thì có nghĩa là họ vẫn không đang tu hành, họ vẫn đang đi loanh quanh tìm mua hàng, đó là điều hoàn toàn tự nhiên. Nhưng sớm hay muộn, bạn sẽ nhận ra: À, tôi sẽ chết. Thời gian rất ngắn ngủi và thân thể này sẽ nhanh chóng bị mất đi. Tôi gần 60 tuổi, tôi chắc chắn sẽ không còn ở trong cơ thể này lâu dài nữa. Qua thời gian nó già nua hơn và yếu kém hơn. Không có gì để bám víu vào. Đó chỉ là một sự chuyển dịch.

Cơ thể không là gì cả ngoài sự chuyển dịch của chân tánh của bạn; nếu có bạn nào đã từng học y học hoặc nói chuyện với những người đang thích thú về y học, họ rất kinh ngạc về cơ thể bởi vì khi bắt đầu tách rời các bộ phận cơ thể ra, họ bắt đầu nhìn thấy tất cả những bộ phận nhỏ phức tạp trong đó. Có các dây thần kinh, có những mạch máu nhỏ trong đó dường như được thiết kế bởi một bậc thầy nào đó, một vị vô cùng thông minh. Họ nghĩ rằng Đức Chúa Trời đã làm ra cơ thể này. Nó thật vô cùng phức tạp. Thật ra, tất cả đó là sự nẩy nhánh của chân tánh riêng bạn, nó chỉ là một chuyển dịch của vọng tưởng của bạn. Vì vậy, bạn có thể tưởng tượng chân tâm của bạn là như thế nào. Nó còn nhiều hơn nữa. Tôi muốn nói là nó nhiều hơn cả vũ trụ, tất cả chúng ta là như vậy.
IV. Sư Phụ: Một người rất đặc biệt

Prajna Murdaya: Tôi có một câu hỏi. Như vậy, thầy và Sư Phụ có gần như phù hợp một cách tự nhiên hay không? Có nhiều hoài nghi không? Thầy có thể nói về điều đó được không?

Thầy Hằng Lai: Bạn luôn có tất cả các loại hoài nghi. Nghi ngờ chỉ là một phần của chúng ta; nếu không có bất cứ điều gì xảy ra cho bạn về việc kinh nghiệm thâm sâu trực tiếp về cái gì đó, thì tôi tưởng tượng sự hoài nghi sẽ rất mạnh mẽ. Sau đó, bạn có đủ loại hoài nghi, bạn có điều được gọi là sự nghi ngờ của chó sói, tức là rất tinh vi, suy nghĩ tri thức diễn ra: “Điều đó không thể đúng vì ABCD và E. …..”. Nó cứ tiếp tục diễn ra như thế, cái đó được gọi là sự nghi ngờ của chó sói.

Buông bỏ những hoài nghi. Hoài nghi có thể là điều tốt và có thể là điều xấu. Hoài nghi có thể gây cản trở bạn hoàn toàn nếu bạn để chúng chi phối. Giống như lên máy bay. Chúng ta trở lại ví dụ về máy bay. Nếu bạn lên một chiếc máy bay Boeing 747, nhiều khả năng là phi công biết những gì ông ta đang làm và nhiều khả năng là chiếc máy bay sẽ giúp bạn đến được nơi bạn muốn đến. Lúc đó bạn có thể bị không tặc, máy bay bay đụng vào một tòa nhà lớn, tất cả đủ loại khủng khiếp có thể xảy ra. Nhưng có nhiều khả năng, bạn sẽ đến được nơi bạn muốn đi đến. Do đó, có một số nghi ngờ là điều tốt, nhưng bạn cần phải cân bằng sự nghi ngờ.

Đối với tôi kinh điển như cẩm nang hướng dẫn sử dụng để tiếp xử sự việc, làm thế nào để tu hành. Nếu bạn quá theo nghĩa đen, bạn sẽ gặp rắc rối. Nếu bạn không xem chúng là nghiêm túc một chút nào, bạn cũng sẽ bị rơi hỏng. Vì vậy, có một phương cách trung đạo trong viêc tiếp cận với các kinh điển; đó là lý do tại sao trong Phật giáo Đại thừa, kinh luôn có những vị Thiện Tri Thức chứng nhận, những người có trí tuệ có thể chứng nhận kinh. Đó là lý do tại sao những lời chú giải này được thực hiện bởi những vị Đại Sư qua nhiều năm đã có một số trí tuệ, họ có thể giải thích các kinh điển. Trong hầu hết các tôn giáo khác, chỉ có bản kinh văn và chỉ chừng đó. Rõ ràng giấy trắng mực đen và bạn không thể thay đổi nó. Và bạn chỉ việc đi vào con đường đó một cách tê dại.

Tôi không cần phải quyết định. Trong trường hợp của tôi, Tôi đã may mắn bởi vì tôi có đủ kinh nghiệm với điều đó. Tôi đã gặp một vài người. Tôi đã không thật sự đi tìm kiếm, gõ cửa “Cốc, cốc, ông có thể là Thầy tôi không?” đại loại như vậy. Tôi chỉ tìm kiếm một số loại thực hành, một người nào đó biết điều gì đó. Tôi không quan tâm họ là ai. Tôi không quan tâm nếu họ là một người tôn giáo hay người gì khác. Tôi quen làm việc như thế. Lúc tôi khoãng 13 tuổi, tôi nhận công việc trên tàu và bắt đầu làm việc cho một thuyền trưởng là người rất tốt. Đó là một loại của mối quan hệ thầy trò.

Kể từ đó, tôi đã luôn luôn hướng về loại quan hệ như vậy. Cả thế giới vận hành theo cách đó. Tất cả mọi thứ thường làm việc theo cách đó. Luôn luôn có một bậc thầy dạy nghề. Nếu bạn muốn trở thành một người thợ mộc, bạn sẽ tìm một người rất giỏi về nghề đó và bạn sẽ làm việc cho người đó. Tôi đã bắt đầu tìm kiếm chung quanh và đã đi đến nhiều nơi khác nhau, nhưng tôi đã không bắt được tần số nào với họ. Đây là một loại cảm giác, không phải là tri thức gì cả. Tôi chỉ không có được cảm giác rằng những người này là chân thật, chỉ thế thôi. Đó chỉ là cảm giác, không phải là họ không biết AB&C, và họ không trả lời đúng câu hỏi. Tôi không quan tâm. Tôi quan tâm đến cảm giác về bầu không khí toàn bộ nơi đó, đến người đó có thật sự là giác ngộ hay không. Tôi có thể cảm thấy điều đó. Tôi đã rất may mắn về phương diện này. Đối với Sư Phụ, không cần phải thắc mắc. Nó có ngay lập tức. Bạn bước vào và ngay lập tức cảm thấy, “Người này rất đặc biệt.”

Khi tôi gặp Sư Phụ lần đầu tiên, cặp mắt ngài có vẻ như họ không nối với cơ thể ngài. Cặp mắt ngài dường như đang làm cái gì khác, điều đó rất lạ. Tôi nói, “Wow.” Ngài chỉ có cơ thể này ở đó như là một vật tạm thời để không làm mọi người hoảng sợ. Giống như là cái hiện thân này ngài để ra đó cho mọi người. Chỉ để có một người ở đó, nhưng bạn có thể nhìn thấy bên trong có vị Bồ Tát không thể nghĩ bàn. Cơ thể đó chỉ là một vật mà ngài có thể sử dụng hay rời bỏ một cách nhanh chóng.

Vào thời điểm đó, thành thật mà nói, đó là cảm giác. Tôi không thể nói lên điều đó. Đó là cảm giác tôi có được ngay lập tức. Không có gì thắc mắc về điều đó. Đó là bởi vì tôi đã từng có kinh nghiệm này trước đó. Tôi đã may mắn về phương diện này, tôi đã có một cái gì đó để tiếp tục. Nếu không tôi đã không đến đó. Tôi không quan tâm đến bất cứ điều gì về tôn giáo cả, hãy quên chuyện đó đi. Từ khi tôi bị ép buộc phải đi đến lớp giáo lý mỗi tuần thuở nhỏ, tôi không bao giờ muốn nhìn thấy một tôn giáo nào nữa. Tôi đã hoàn toàn không quan tâm đến tôn giáo cho đến khi tôi nhận ra tôn giáo thật sự là một sự tìm kiếm tâm linh thật sự. Ngài đã cố gắng đi đến tận cùng chân lý. Phải mất thời gian, phải có cái gì đó làm cho bạn làm điều đó. Cần có sự thực hành về thể chất, không phải chỉ là về tinh thần, mà còn là thể chất nữa. Trong trường hợp của tôi, tôi không biết những gì đang xảy ra. Nhưng về căn bản tôi đã ở trong Thiền, tôi chỉ không biết điều đó mà thôi.

Đó là lý do tại sao Thiền lại quá khó khăn cho con người. Sư Phụ luôn nói, “Thiền là khó nhấtl Đó là pháp môn thanh tịnh nhất nhưng là trực chỉ nhất” Đó là trực chỉ nhất và khó khăn nhất, cho đến nay đó là pháp môn khó nhất. Nó giống như đào tạo phi hành gia, nó giống như bạn đang được huấn luyện cho chương trình không gia Mercury. Hầu hết chúng ta thực sự không đủ tiêu chuẩn cho pháp môn này, đó là lý do tại sao chúng ta có những pháp môn khác.
V. Thành phố Sản xuất 10.000 vị Phật

Tất cả mọi thứ chung quanh Sư Phụ đều liên hệ với Phật giáo. Đó là như thế. Ngài hoàn toàn chú tâm làm cho mọi người thành Phật. Đó là việc của ngài, không có gì khác. Mọi người đều nghĩ Hoà Thượng còn có những điều quan tâm khác. Không bao giờ ! Toàn bộ việc ngài làm là làm mọi người thành Phật. Khi ngài gặp mọi người, bất cứ ai, ngài không quan tâm họ là ai, dù là người thế nào đi nữa. Ngài cố gắng làm cho họ thành Phật, cố gắng đánh thức họ dậy để thấy chân tâm của họ. Đó là việc chính của ngài. Đó là những gì ngài quan tâm đến, và vẫn quan tâm. Đó là tất cả những gì ngài muốn làm. Đó là toàn bộ phương thức hoạt động (operandi modus) của ngài. Không có gì lệch lạc, bí mật hoặc bất cứ điều gì khác ở đó. Rất rõ ràng đơn giản, ngài muốn tất cả mọi người trở thành Phật và thức tỉnh thấy chân tâm của họ.

Vì vậy, ngài chỉ cần nhìn vào nhân duyên của mọi người. Ngài nhìn nhân duyên của tôi và ngài đối xử với nhân duyên của tôi khác với nhân duyên người khác. Ngài luôn giáo hoá mọi người. Ví dụ, khi chúng tôi ở Chùa Kim Sơn sửa sang lại chùa, tất cả mọi người đều được chỉ dạy vào một lúc nào đó. Họ đã vượt qua được những bám chấp của mình. Bởi vì tất cả mọi người đều có bám chấp, do đó, điều đầu tiên là nắm bắt được bám chấp và bắt đầu buông xả chúng. Mọi người đều phải vượt qua điều này.
Sandy: Viễn kiến của Sư Phụ cho Vạn Phật Thánh Thành là gì và thầy nghĩ gì về viễn kiến đó ?

Thầy Hằng Lai: Đối với tôi, điều đó khá đơn giản. Đây chỉ là một nơi phương tiện cho mọi người tu hành. Nhiều người có những điều thích và không thích. Đó là một nơi tuyệt vời cho mọi người cùng đến và cùng tu hành với nhau. Đó là lý do tại sao chúng ta đang cố gắng để xây dựng một hội trường lớn bởi vì ngài luôn luôn muốn điều đó. Bởi vì có rất nhiều người cùng lại với nhau, tất cả năng lượng mọi người giúp họ chú tâm và dẹp trừ các vọng tưởng. Ngài muốn tạo Phật từ tất cả mọi người. Ngài muốn Vạn Phật Thánh Thành, ngài muốn nói theo nghĩa đen, là thành như thế. Ngài muốn tạo ra 10.000 vị Phật. Đây không phải 10.000 vị Phật ban phước cho chỗ này, đây là thành phố sản xuất ra 10.000 vị Phật. Đó là ý tưởng của Sư Phụ. Đây không phải là nơi được 10.000 vị Phật ban phước, đây là nhà máy và chúng ta sẽ tạo ra 10.000 vị Phật.
Prajna Murdaya: Sứ mạng ngài dành cho thầy là gì? Ngài có sứ mạng cho thầy không? Thầy sẽ làm gì?

Thầy Hằng Lai: Ngài không phải như thế. Trở lại điều cũ xưa là để trở thành một vị Phật và một vị Bồ Tát. Đó là nhiệm vụ thật sự. Mọi người đều có chức năng của họ trong đó. Lần duy nhất ngài từng nói điều gì đó với tôi là khi chúng tôi trở về từ Đài Loan, trong chuyến đi vào đầu những năm 80 tham dự Hội Nghị Tăng Đoàn Thế giới. Trên đường trở về, ngài nói tôi trong kiếp vửa qua là một người Trung Hoa và tôi đã phát nguyện giúp ngài, đó là lý do tại sao tôi có ở đây lần này. Tôi nói, “Được rồi, Sư Phụ, con không nhớ.” Ngài nói, “À, không sao!”.

Tất cả mọi thứ đối với Sư Phụ, tôi sẽ cho bạn biết, từng mỗi việc ngài làm, đều là lý do ngài ở trên thế gian này. Ngài không thích thú bất cứ điều gì, ngài nói giống như sống trong bồn vệ sinh, [nếu không phải là để cứu chúng sinh], ngài sẽ không bao giờ ở trong thế giới này. Không có gì trong thế giới này có một chút xíu đáng ưa thích. ”

ConTra2

Hòa Thượng cùng với Thầy Hằng Không (đứng), Hằng Quán (đứng) và cư sĩ Quả Hồi Weber (ngồi – là Thầy Hằng Lai cúc còn là cư sĩ), những người thực hiện 35 ngày tuyệt thực vào tháng 11 năm 1975 để hồi hướng công đức cho hòa bình thế giới.

 

new_pa7

Thầy Hằng Lai xuất gia vào năm 1976

ConTra1img_2440_small

Thầy Hằng Lai cùng đại chúng tại Vạn Phật Thành Thành (hình bên trái) – Thầy Hằng Lai cùng Thầy Hằng Thật (hình bên phải – năm 2007)

Phụ lục:

Năm 1981, Hòa Thượng đề cập đến việc quy y của Pháp Sư Hằng Lai:

Chúng ta có một Quả Hồi (Trở lại) ở đây, có tên khác là Hằng Lai (Đến) hiện tại là vị trụ trì tại Vạn Phật Thánh Thành (1981). Khi lần đầu tiên anh ghi danh quy y, tôi nói với tất cả mọi người, “Bất kỳ ai quy y với tôi đều phải thành Phật. Nếu không muốn thành Phật, thì tốt hơn hết cứ bỏ chạy cho nhanh. Vẫn còn đủ thời gian. Nếu không, tôi sẽ không chấp nhận đâu!” Quả Hồi sẵn sàng trở thành bất kỳ cái gì khác – ngoại trừ thành Phật. Do đó anh ta đã không dám quy y. Anh ta bỏ chạy thật nhanh. Anh ấy đã bỏ đi một vài năm.

Thế anh ta đi đâu? Anh ta đã đi ra đại dương. Có lẽ anh ta sợ rằng nếu anh ta ở trên đất liền thì tôi sẽ tìm ra và bắt anh ta trở lại để trở thành Phật, nên anh ta vào bên trong một chiếc tàu ngầm. Anh nhắm mắt lại và trốn trong biển. “Thấy chưa, giờ Ngài đâu thể tìm thấy tôi!” Nhưng rồi đến một ngày có một tình huống đặc biệt xảy đến. Anh ta nhìn bất cứ nơi đâu cũng đều thấy ma cả. Vậy ma này là ai? Đó là người đã từng bảo anh ta thành Phật trước khi đến dự lễ quy y. Khi nhìn vào cái bàn, anh thấy con ma đó. Nhìn vào cái ghế, anh cũng thấy con ma đó. Dù nhìn vào bất cứ nơi đâu anh ta cũng đều thấy con ma đó cả. Thậm chí anh còn nghe tiếng ma đi trên ván vào ban đêm như đang lê giày vậy. Điều này xảy ra trong chín ngày liên tiếp. Bất cứ nơi nào anh ta nhìn, ngay cả khi anh ta nhắm mắt lại không muốn nhìn, anh ta vẫn nhìn thấy con ma này. Anh nghĩ, “Ồ, tôi đoán là tôi không thể chạy thoát được rồi ngay cả khi lặn sâu dưới đại dương. Tốt hơn hết là tôi nên quay trở lại và thành Phật quả cho rồi!” Đó là lý do vì sao anh ta trở lại. Sau khi trở lại, anh ta muốn ghi danh quy y lần nữa. Đây là lý do vì sao anh được cho tên là Quả Hồi (trở lại) và Hằng Lai (Đến). Lần này anh ta không phải chạy trốn nữa, chỉ có vọng tưởng trốn thoát thoáng qua. Nhưng điều đó cũng không sao. Vì hôm nay có người nói về kinh nghiệm của anh ta, nên tôi kể cho quý vị nghe về Quả Hồi đấy. Tôi không biết chuyện này đúng hay sai. Nếu quý vị tin thì tin; còn nếu quý vị không tin cứ xem như tôi chưa hề nói điều gì cả. Cũng không cần phải nghe nữa!

Ghi chú của Ban Phiên Dịch Việt Ngữ VPTT:

Xin xem thêm Con Trai Tôi Trở Thành Gì Vậy?