Vì sao gọi là “Vũ Trụ Bạch” – Vũ Trụ Trắng Xóa”
Vì trời lạnh ghê gớm, lạnh đên nỗi tất cả đếu đóng thành băng!

 

vu tru bach

Bài thơ Vũ Trụ Bạch trên vách phía đông Vạn Phật Điện

 

Ngày hôm nay tôi muốn nói với quý vị những gì? Tôi muốn kể cho quý vị nghe về Pháp Hội tụng niệm “Chú Sáu Chữ Đại Minh” (Lục Tự Đại Minh Chú) tổ chức tại Kim Sơn Thánh Tự vào năm 1972. Pháp Hội ấy kéo dài suốt bảy ngày bảy đêm và có hơn sáu mươi người tham dự. Những người Mỹ và người Trung Hoa này đều rất tinh tấn, liên tục tụng niệm suốt ngày suốt đêm, không ngơi nghỉ. Mỗi ngày, từ sáng sớm tinh sương cho đến khi chiều tối, suốt hai mười bốn tiếng đồng hồ, mọi người cứ luân phiên nhau mà niệm “Chú Sáu Chữ Đại Minh” này, không nghỉ ngơi, không gián đoạn, không gian lận xén bớt công việc.

Tại sao họ làm như thế? Bởi vì họ muốn cầu nguyện cho thế giới hoà bình, giúp tiêu trừ tai nạn của thế giới này một cách không hình tướng.

Lúc đó chúng tôi tổ chức Pháp Hội này là vì có lời tiên đoán rằng vào năm 1974 sẽ có trận động đất lớn xảy ra tại San Francisco. Động đất thì chúng tôi niệm “Chú Sáu Chữ Đại Minh” này để chắn giữ, khiến mặt đất không rung chuyển. Như vậy là chúng tôi chiến đấu với thiên ma ngoại đạo. Thiên ma ngoại đạo thì muốn cho San Francisco bị động đất, chúng tôi thì muốn xoay chuyển trận động đất ấy của San Francisco . Vì thế mà ai nấy đều dũng mãnh, tinh tấn tụng niệm, chẳng có người nào lười biếng cả.

“Chú Sáu Chữ Đại Minh” này thì quý vị đã biết cả rồi. Có người thì niệm là “Án, Ma Nê Bát Mê Hồng”; cũng có người niệm là “Úm, Ma Nê Bát Mê Hùm”. Trước kia, có một bà cụ lai niệm là “Úm, Ma Nê Bát Mê Bò”. Như thế, bất kể là “hùm” hay “bò”, nói tóm lại, miễn quý vị thành tâm là được. Thành tâm thì sẽ linh nghiệm. Không thành tâm thì không linh nghiệm. Thế nào gọi là thành tâm? Hễ chuyên chú, tập trung tinh thần thì sẽ linh nghiệm, hễ phân tâm thì vô hiệu (chuyên nhất tắc linh, phân đà tắc tệ).

Lúc bấy giờ tôi không tham gia khoá tụng niệm Chú Đại Minh ấy. Vì sao ư? Vì tôi muốn để cho mọi người được tự do hành động. Thí dụ nếu tôi bắt buộc họ niệm, thì họ sẽ thấy xấu hổ nếu không niệm theo. Tuy nhiên, như thế thì không phải họ niệm, cũng chẳng phải là tôi niệm. Đó chẳng qua chỉ là một sự cưỡng ép, bắt buộc niệm mà thôi. Vì vậy nên tôi không tham gia mà chỉ ở đằng sau để theo dõi họ.

Bởi vì, để nói cho quý vị biết, tôi có cái “radar”, nên ở đó có người nào ngủ gục, người nào không ngủ gục, tôi đều có thể trông thấy rõ ràng. Tuy nhiên trong suốt bảy ngày đó, cả sáng lẫn tối đều không có lấy một người ngủ gục trong khi đang niệm chú! Cho nên tôi rất vui mừng! Điều làm tôi vui nhất là thấy người ta tu hành. Điều làm tôi không vui nhất là thấy người ta lừa dối lẫn nhau và chẳng chịu tu hành.

Trong bảy ngày ấy, mọi người đều rất tinh tấn và hết sức dụng công. Có người vận dụng công phu kỳ diệu không thể tả được, có người cảm thấy mệt mỏi vô cùng, có người mong được thần thông, có người thì ở đó niệm mà muốn đắc được quỷ thông, có người thì ở đó niệm mà muốn đắc được nhân thông. Thế mà, kết quả là một thông cũng chẳng thông, không có thần thông, không có quỷ thông, và người cũng chẳng thông!

Sau khi bảy ngày ấy viên mãn, tôi cảm thấy mọi người đều có thành tâm tụng niệm nên tôi viết bài thơ “Vũ Trụ Bạch” này để làm kỷ niệm. Bài thơ này là phỏng theo bài Mãn Giang Hồng của Nhạc Vũ Mục (tức Nhạc Phi 1103-1142, vị tướng nổi tiếng đời Nam Tống, Trung Hoa) là đối nhau từ xa (dao dao tương đối). Tôi tin rằng bài thơ ấy chứa đầy một khí thế hùng tráng un đúc núi sông, có sức mạnh cứu vãn được xã tắc. Tính khí bài thơ rất hùng tráng, mạnh mẽ. Tôi đổi tên nó lại là gì? Là “Vũ Trụ Bạch”! Màu đỏ trong bài thơ của Nhạc Vũ Mục bây giờ được đổi thành màu trắng – không phải chỉ có con sông mà toàn vũ trụ đều một mầu trắng xóa.

Vì sao gọi là “Vũ Trụ Bạch”? Vì “Chú Sáu Chữ Đại Minh” nầy ngời sáng, hào quang chiếu soi cùng khắp khiến cho toàn thể vũ trụ đều biến thành màu trắng. Đây là nguyên do thứ nhất.
Ngoài ra, Chùa Kim Sơn của chúng ta có một biệt danh rất độc đáo – Tủ tuyết (tuyết quỹ), icebox.
Tại sao gọi là tủ tuyết (tuyết quỹ)? Vì không có lò sưởi.
Tại sao không trang bị lò sưởi? Vì không có tiền.
Tại sao không có tiền? Vì không hóa duyên, không đi quyên tiền.
Tại sao không hóa duyên? Vì thà chết đói. Đói đến chết cũng không hóa duyên!

Tuy rằng lúc đó chúng tôi đói lắm, nhưng mọi người vẫn dụng công như thường – dụng công tu hành trong cái tủ tuyết ấy. Bởi tuyết thì màu trắng, nên bài thơ được đặt tên là “Vũ Trụ Bạch” – Vũ Trụ Trắng Xóa. Đây là nguyên do thứ hai.

Đó là nói theo nghĩa hẹp. Nói theo nghĩa rộng thì thế nào? Trên, dưới là “vũ”; đông, tây, nam bắc là “trụ” – “vũ” chỉ hai phương trên và dưới, “trụ” là chỉ cho bốn phương đông, tây, nam, bắc – sáu phương hợp lại gọi là “vũ trụ.”

Vậy, cõi vũ trụ do sáu phương hợp lại hoàn toàn trở thành màu trắng, không còn tối đen, hắc ám nữa.

Bài “Vũ Trụ Bạch” này cũng nói lên sự dụng công rất dũng mãnh của mọi người – suốt bảy ngày trời không ngừng tụng niệm “Chú Sáu Chữ  Đại Minh”, dọn sạch lớp màn đen tối bao phủ khiến tự tánh trở nên sáng sủa, trắng trẻo. Vì lẽ ấy nên bài thơ này có tên là “Vũ Trụ Bạch”.

Tựa đề “Vũ Trụ Bạch” này bao hàm rất nhiều ý nghĩa. “Vũ Trụ Bạch” cũng là nói về những người đang chịu khó dụng công tu hành nơi đây. Có thể nhẫn nại, trong lòng chẳng còn một mảy may tham, sân, si nào cả – như thế cũng gọi là “Vũ Trụ Bạch”.

Bài thơ “Vũ Trụ Bạch” do tôi tạm làm là như thế này:

 

Băng thiên, tuyết địa.
Vô số điều tiểu trùng đông tệ
Thả chập miên.
Tĩnh lý quán sát,
Động trung thẩm đế.
Long tranh hổ đấu thường du hý,
Quỷ khóc thần hào huyễn hóa kỳ.
Chân thật nghĩa tuyệt ngôn.
Bất tư nghị
Đang tiến xu.
Đại tiểu mẫn
Nội ngoại phi.
Vì trần biến,
Pháp giới chu,
Hốt luân cá viên dung,
Hỗ tương vô ngại.
Song quyền đả phá hư không cái,
Nhất khẩu thốn tận sát hải nguyên.
Đại từ bi phổ độ,
Lưu huyết hãn,
Bất hưu tức!

Tạm dịch:

Trời giá băng, đất tuyết phủ.
Vô số trùng nhỏ lớp chết cóng
Lớp ngủ đông.
Trong tĩnh quan sát,
Giữa động suy ngẫm.
Kìa rồng tranh, cọp đấu, đùa vui bất tận,
Nọ quỷ khóc, thần la, biến hóa dị kỳ.
Nghĩa chân thật bặt ngôn ngữ;
Khó nghĩ bàn
Hãy tiến bước.
Không lớn nhỏ,
Chẳng trong ngoài.
Bụi nhỏ biến
Trùm Pháp Giới.
Nguyên vẹn viên dung,
Hỗ tương không ngại.
Hai tay đấm nát mặt hư không,
Một hớp uống cạn nguồn sát hải.
Đại từ bi cứu khắp,
Dẫu máu đổ, mồ hôi tuôn,
Quyết không ngừng nghỉ!

Bài thơ nầy tuy không đầy dũng khí như bài thơ của Nhạc Phi, nhưng cũng không phải là kém cỏi (bất khẳng hậu ư nhân).

Câu thứ nhất “Trời giá băng, đất tuyết phủ” là ám chỉ lúc chúng tôi đang dụng công – dụng công giữa lúc trời đang rét căm căm và tuyết rơi đầy mặt đất, lúc nào cũng lạnh cóng như đang ở trong tủ lạnh vậy!

Chùa Kim Sơn hiện nay tuy không phải là một nơi nổi tiếng trên thế giới nhưng mọi người ở Hoa Kỳ đều biết rằng Chùa Kim Sơn là cái tủ tuyết. Trong tủ tuyết thì “Trời giá băng, đất tuyết phủ.” Giá băng mô tả cái rét lạnh – lạnh lắm, lạnh kinh khủng!

Tại Chùa Kim Sơn, không phải chỉ có tòa nhà mà ngay cả con người cũng rất lạnh – nhà thì lạnh ngắt và người thì lạnh lùng. Mọi người đến Chùa Kim Sơn đều nói: “Ồ, thì ra những người ở Chùa Kim Sơn đối xử với mọi người rất lạnh nhạt, chẳng ấm áp chút nào!” Cho nên những người đến Chùa Kim Sơn cũng thấy tuyệt vọng, không còn trông mong gì nữa: “Ôi! Những người ở đó đều lạnh lùng, chẳng niềm nở gì cả.”

Những con trùng ở Chùa Kim Sơn thảy đều bị chết cóng. “Trời giá băng” tức là trời lạnh buốt, lạnh như nước đá vậy. “Đất tuyết phủ” – tuyết ám chỉ sự đông đặc do lạnh, đóng kết lại như băng tuyết.

“Trời giá băng, đất tuyết phủ”, rất dễ hiểu phải không?
“Vô số trùng nhỏ lớp chết cóng
Lớp ngủ đông.”

Có vô số, rất nhiều con trùng, không biết đích xác tất cả là bao nhiêu. Những con trùng nhỏ bé này chính là vọng tưởng, và cũng là những loại trùng sinh sống ngay trong cơ thể của chúng ta.

Trong cơ thể mọi người đều có vi khuẩn và vi trùng – những vi sinh vật ăn bám, rút tỉa các loại sinh tố như vitamin A, vitamin B, vitamin C, vitamin D, vitamin B12, và vitamin 100 hoặc 1000.

“Chết cóng” tức là bị cái lạnh làm cho toàn thân tê cóng mà chết. Vì con người đã không uống vitamin mà lại cứ dụng công dưới cái lạnh như thế, làm cho những con trùng nhỏ bé ấy đều bị đông lạnh đến chết. Thứ công phu này có thể tiêu diệt hết thảy vi khuẩn, vi trùng và giúp đề kháng các bệnh truyền nhiễm. Đừng nói là bệnh về da, ngay cả vi khuẩn hay vi trùng của bệnh truyền nhiễm cũng đều bị đông lạnh tới chết. Vì vậy nên nói là “vô số trùng nhỏ, lớp chết cóng”.

Thế nhưng những sinh vật nhỏ bé này có biệt tài lẩn trốn. Vào mùa đông, cơ thể chúng cứng đơ ra như bị đóng băng mà chết, nhưng thực sự thì chúng không chết hẳn. Trạng thái đông cứng đơ này chỉ là tạm thời, đến mùa hè – dương khí tới – thì chúng sẽ hồi sinh. Vì thế nên nói là chúng “ngủ đông” – chúng trốn ở một nơi và ngủ suốt cả mùa đông; đến mùa xuân thì chúng thức dậy và sinh hoạt trở lại. Vì đạo Phật chủ trương không sát sanh, nên dù là vi trùng chúng ta cũng không nên tàn sát, gián đoạn sự sống của chúng.

Vậy, có “vô số trùng nhỏ, lớp chết cóng, lớp ngủ đông”. Chúng ngủ một giấc dài cho đến hết mùa đông.

Sự “ngủ đông” tượng trưng cái gì? Ý nói rằng khi yên tĩnh ngồi Thiền và niệm “Chú Sáu Chữ Đại Minh” thì chúng ta dường như đang nhập Định nhưng lại không hẳn là nhập Định, vừa như đang niệm “Chú Đại Minh” mà cũng vừa như đang nhập Định – trạng thái ấy gọi là “ngủ đông”.

Trong thời kỳ “ngủ đông” của chúng ta, mọi người đều cần phải tự tư duy, nên nói: “Trong tĩnh quán sát”. Bấy giờ, đầu óc tỉnh táo, bảy tình sáu dục (thất tình lục dục) cũng chẳng còn nữa. Vì sao không còn bảy tình sáu dục? Vì quá lạnh! Lạnh đến nỗi chẳng thiết gì tới bảy tình sáu dục. Có một số con trùng niệm: “Lạnh quá! Lạnh quá!” Bởi ra sức niệm như thế nên những con trùng nhỏ bé này đều bị đóng băng thái quá, do đó chúng ngủ đông luôn!

Bây giờ, trong trạng thái tĩnh lặng, đầu óc tỉnh táo quán tưởng: “A! Hãy theo dõi cảnh giới hiện tại này của mình xem nó như thế nào!” Trong trạng thái tĩnh, vạn sự vạn vật đều nói Pháp.

Giữa động suy ngẫm (trong lúc động thì ngẫm nghĩ về các đạo lý). Ở vào trạng thái động tức là khi có sự di chuyển, hành động. Quý vị khi thì niệm trong lúc ngồi yên và khi thì niệm trong lúc bước đi – không để cho tiếng niệm bị gián đoạn. Và, trong trạng thái động thì suy ngẫm cặn kẽ các đạo lý Phật Pháp.

Suy ngẫm tức là “tham” – nghiên cứu tới nghiên cứu lui, suy đi xét lại. Quán sát cũng có nghĩa là “tham” – như tham khảo, nghiền ngẫm thoại đầu vậy. Vậy, khi có hành động, quý vị cần phải sáng suốt, tỉnh táo, không được hồ đồ; khi ngủ không được hồ đồ và khi thức cũng không được hồ đồ. Nói chung là phải giữ chánh niệm, dụng công trong chánh niệm – cho nên trong trạng thái động thì cần phải suy ngẫm.

Vào thời điểm này, quý vị đoán sẽ thế nào? Sẽ có một vài cảnh giới ma quái hiện ra. Cảnh giới ma quái nào? “Kìa rồng tranh, cọp đấu, đùa vui bất tận”. Ở nơi ấy, rồng thì cỡi mây làm mưa, cọp thì vượt núi băng ngàn – chơi đùa vui vẻ. Những cảnh giới nầy hiện ra làm con người bị hoa mắt, rối loạn.

Khi thấy rồng tranh nhau, giằng co nhau, quý vị liền bị chi phối và chạy theo cảnh giới: “Mình hãy coi con rồng ấy!” Kết quả là quý vị bị lọt vào ma cảnh – đó gọi là tẩu hỏa nhập ma (lửa ra, ma vào).

Khi cọp vờn nhau thì trông rất ghê rợn, rất đáng sợ. Một khi quý vị để cho sự sợ hãi trấn áp, thì quý vị cũng bị “tẩu hỏa nhập ma”. Đây là cảnh giới xuất hiện trong trạng thái tĩnh và không đáng đề cập tới. Cũng như năm mươi thứ ấm ma mô tả trong Kinh Lăng Nghiêm, những cảnh giới này đều là những cảnh giới biến hóa huyễn hoặc, không thật. Thế thì phải làm sao? Quý vị hãy “nhìn mà như không nhìn, nghe mà như chẳng nghe” vậy!

“Nọ quỷ khóc, thần la, biến hóa dị kỳ”. Vào lúc này quý vị có thể nghe tiếng quỷ hú hoặc tiếng than la gào thét. Sự biến hóa huyễn hoặc này rất kỳ quái và nhiều đến nỗi kể không hết, nhớ không xuể được. Đây cũng là một thứ cảnh giới huyễn hóa, hư vọng.

Quỷ khóc lóc than vãn: “Chao ôi! Tôi chết thật là oan uổng, tức tưởi! Có kẻ hãm hại tôi, hãy cứu tôi với, nhanh lên! Làm ơn tụng kinh thêm cho tôi, giúp cho tôi được siêu thoát với! Xin hãy rủ lòng từ bi. Tôi sẽ không nóng giận nữa. Trước kia là do tôi không hiểu biết!”

Thần gào thét: “Đừng để ý tới nó! Tên này tội lỗi, nghiệp chướng rất nặng nề! Các người giúp không nổi đâu!”

Quý vị xem! Họ cứ đấu nhau, lời qua tiếng lại như thế khiến quý vị cũng rối loạn, không biết bên nào nói đúng, bên nào nói không đúng nữa. Quý vị tự hỏi: “Mình biết làm sao bây giờ?” Và như thế là quý vị khởi vọng tưởng, chạy theo cảnh giới rồi. Kết quả là tà ma đã thừa cơ xâm nhập, làm chủ được quý vị. Khi đã bị ma nhập rồi thì từ sáng đến tối quý vị không còn một chút chánh tri chánh kiến nào cả.

“Quỷ khóc, thần la, biến hóa dị kỳ” – đây là một thứ cảnh giới hư huyễn, không nên lấy làm nghiêm trọng, và cũng đừng chấp trước vào hình tướng. Quý vị cần phải: “Đừng trụ vào đâu cả mà sanh cái tâm đó” – ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm – hãy sanh cái tâm không bám víu vào bất cứ nơi nào cả.

“Nghĩa chân thật bặt ngôn ngữ” (đối với nghĩa lý chân thật thì ngôn ngữ đã bị cắt đứt, vượt khỏi giới hạn của ngôn từ, lời lẽ cạn hết). Chẳng còn lời lẽ nào để nói cả – không có đúng mà cũng không có sai, không có dài mà cũng không có ngắn, không có thiện mà cũng không có ác. Nghĩa chân thật – cái gì cũng không có cả.

”Xưa nay không một vật. Ở đâu dính bụi trần?” – đây chính là chân thật nghĩa. Chân thật nghĩa vốn chẳng phải là một món đồ vật, thì bụi bám vào nơi đâu? Có chỗ nào để bụi dính vào được? Bởi cái gì cũng không có cả, cho nên “bặt ngôn ngữ (tuyệt ngôn).”

Để tôi nói với quý vị thêm một câu nữa. Bài thơ này là tác phẩm đầu tay của tôi. Sau đó thì tôi không muốn viết nữa bởi “văn tự làm chướng ngại” (văn tự chướng) và “văn tự tạo sự chấp trước hình tướng” (văn tự tướng) là những thứ chẳng có ích lợi gì cả. Vì thế tôi không muốn bị cản trở bởi sự chướng ngại của văn tự và cũng không muốn chấp trước vào hình tướng của văn tự.

“Khó nghĩ bàn” (bất tư nghị). Là điều không thể nói được. Quý vị không thể dụng tâm mà nghĩ ngợi, dùng lời mà luận bàn được. Quý vị miệng muốn nói mà lời lại mất, lòng muốn theo mà ý chẳng còn. Cho nên, kỳ diệu đến nỗi không có lời lẽ nào có thể diễn tả cho trọn vẹn – quả là không thể nói được. Muốn suy nghĩ, quý vị cũng không thể suy nghĩ được.

Đường ngôn ngữ bị cắt đứt,
Chốn tâm hành bị hủy diệt.
(Ngôn ngữ đạo đoạn,
Tâm hành xứ diệt.)

Nói cũng nói không ra, nghĩ cũng nghĩ không tới – thật là khó nghĩ bàn.

“Hãy tiến bước”. Thế nhưng quý vị cần phải tu cái Pháp nầy, bởi nếu không, quý vị sẽ chẳng bao giờ có được thứ công phu chân chánh.

“Hãy tiến bước”. Tuy rằng không thể diễn đạt bằng lời nói được, quý vị vẫn phải dùng công phu tu hành này để rèn luyện nó. Đừng thối lui. Quý vị cần phải dũng mãnh, tinh tấn tu tập, đừng lùi bước. Quý vị không thể nói về nó. Nếu quý vị nói thì nó sẽ rơi vào “ngoan không”. Nếu quý vị nói: “Ồ! Cái gì tôi cũng không có cả!”. Thế này là khó nghĩ bàn. Mặc kệ, đành chịu vậy thôi! Hễ buồn ngủ thì lăn ra ngủ, hễ đói bụng thì cứ việc ăn thôi, đến lúc chết thì “Ô hô ai tai, hồ vi thượng hưởng!” – như thế cũng xong một đời người!”. Đó không phải là thái độ đúng đắn. Đó là sai lầm bởi làm như thế tức là để thời gian trôi qua một cách vô ích, lãng phí.

“Không lớn nhỏ”. Cái mà quý vị tiến bước hướng tới thì không có lớn mà cũng chẳng có nhỏ.

“Chẳng trong ngoài”. Nếu quý vị nói rằng vật kỳ diệu này là ở bên ngoài thì không đúng, nói là thuộc về bên trong thì cũng chẳng phải, mà nói là nằm giữa trong và ngoài thì lại không hợp lý. Cả lớn và nhỏ đều bị hủy diệt – chúng đã biến mất, không còn tánh cách lớn và nhỏ nữa. Một khi sự lớn và nhỏ không còn hiện hữu nữa, thì:

Chẳng lớn, chẳng nhỏ, chẳng trong ngoài,
Tự tu, tự ngô, tự lo toan.
(Vô đại, vô tiểu, vô nội ngoại,
Tự tu, tự liệu, tự an bài.)

Bởi nó lớn đến nỗi không có vật gì ở bên ngoài nó (đại nhi vô ngoại), và nhỏ đến mức chẳng có vật gì nằm bên trong nó (tiểu nhi vô nội) được, nên lớn lẫn nhỏ đều bị hủy diệt và trong lẫn ngoài đều biến mất. Không phải trong cũng không phải ngoài – phi nội phi ngoại, chẳng trong chẳng ngoài. Nói là trong thì cũng không đúng.

Như trong Kinh Lăng Nghiêm có nói rằng tâm thì không ở trong cũng chẳng ở ngoài khiến cho Tôn giả A Nan không khỏi phải một phen bối rối.

“Bụi nhỏ biến”. Thế nhưng, bụi bặm rải rác khắp nơi. Trong mỗi một hạt bụi nhỏ li ti đều có cái Phật tánh này, chân lý này, và cái thấy này.

“Trùm Pháp giới.” Pháp giới tuy bao la, nhưng cũng không thể bao trùm luôn cả sự kỳ diệu, tánh giác ngộ này. Có câu rằng:

 

Tánh không sanh ra từ sự đại giác ngộ,
Mênh mông như bọt nước trên mặt biển
(Không sanh đại giác trung,
Như hải nhất âu phát).

 

Chẳng có cách nào mô tả được nó.

“Nguyên vẹn viên dung”. Nó là thứ hoàn toàn, trọn vẹn, không đủ không thiếu. Quý vị không có nhiều hơn và tôi có cũng chẳng ít thua chút nào. Ở Phật thì không tăng, nơi chúng sanh cũng chẳng giảm. Nó là công bằng nhất, là chí công vô tư, là chí thánh không thiên vị. Pháp tánh này là người người đều có sẵn, không ai mà chẳng có. Nó không phải là thứ có thể bị tàn phá hay hủy hoại, mà là viên dung – nguyên vẹn, tròn đầy, hoàn hảo.

“Hỗ tương không ngại” Cũng như ánh đèn, mọi ngọn đèn đều có ánh sáng riêng song ánh sáng của chúng tỏa ra thì chan hoàn, hợp nhất. Quý vị hãy nhìn ánh đèn này, nó không thể nói: “Hừ, ánh đèn của bạn sáng quá khiến tôi phải sanh lòng ganh tỵ. Tôi cho bạn biết là không được rực sáng đến thế. Tôi phải tìm cách làm cho đèn của bạn bị lu mờ để ánh đèn của tôi được nổi bật.” Không phải như vậy. Ánh sáng không đánh nhau với ánh sáng – chúng hỗ tương soi sáng và chẳng hề cản trở nhau. Người người đều cùng nhau tu hành và không chướng ngại lẫn nhau.

“Hai tay đấm nát mặt hư không”. Hai nắm tay nầy hễ vung ra là đấm vỡ hư không, cái nắp của hư không chẳng còn – căn bản hư không cũng chẳng còn hư không nữa. Chẳng còn gì cả. Chẳng thấy gì nữa!

“Một hớp uống cạn nguồn sát hải”. Uống một hơi hết sạch cả nước trong bốn biển lớn, khiến biển đều khô cạn – nuốt trọn toàn thể thế giới. Có lẽ có người lấy làm thắc mắc: “Như vậy không phải là biến thành yêu quái sao?” Quý vị hãy nói đi, thế nào thì không thành yêu quái? Với một ngụm mà nuốt trọn vẹn cả nguồn nước trong cõi Phật – đây chính là Đức Phật, “bậc chẳng lớn, chẳng nhỏ, chẳng trong ngoài; tự tu, tự ngộ, tự lo toan.”

“Đại từ bi cứu khắp”. Bây giờ thì sao? Chính là một người có lòng từ bi bao la muốn phổ độ chúng sanh. Mọi người hãy phát tâm đại từ bi để cứu vớt chúng sanh khắp nơi. Chư Phật và Bồ tát toàn là cứu độ tất cả chúng sanh với lòng từ bi quảng đại, cho nên các ngài phải đổ máu, đổ mồ hôi mà vẫn không ngơi nghỉ. Mặc dầu phải chịu nhiều vất vả, nhọc nhằn như thế, các ngài không bao giờ than thở như chúng ta: “Chao ôi! Mệt quá! Tôi kiệt sức rồi, đuối sức rồi! Tôi muốn được nghỉ ngơi!”

Phật và Bồ tát chỉ biết cứu độ chúng sanh mà quên đi bao nỗi mệt nhọc của họ; vì thế:

“Dẫu máu đổ, mồ hôi tuôn, quyết không ngưng nghỉ!”

Bởi mọi người đều dụng công trong tinh thần nầy nên ngày hay đêm họ cũng đều không nghỉ ngơi. Thấy mọi người siêng năng dụng công đến như thế, tôi bèn làm bài thơ này để kỷ niệm. Sau đó, tôi nhận thấy rằng nhiều người không dụng công nữa, và cứ làm qua loa, lấy lệ mà thôi. Có lẽ nếu tôi không làm bài thơ này thì những người ấy có thể lại càng dụng công hơn nữa. Làm bài thơ này là vừa để khen ngợi họ và vừa để lưu niệm, nhưng kết quả lại như thế nào? Sau đó thì cứ là anh nhìn nhìn tôi, tôi ngó ngó anh, chẳng ai tinh tấn tiến bộ lên cả!

vu tru bach 2

(Lời Ban Biên Tập: “Vũ Trụ Bach”, bài thơ làm xúc động lòng người đến cực điểm, đuợc Hòa Thượng Tuyên Hóa sáng tác vào năm 1972. Vừa mở đầu, bài thơ đã toát ra một khi thể hùng dũng, hiên ngang, tựa như nước sông Hoàng Hà cuồn cuộn đổ xuống, không giống với vần điệu thông thường của thơ văn. Lời thơ chứa đựng một ngữ khí hùng tráng, có đủ khí tượng vạn thiên của triều đại nhà Đường trong thời hưng thạnh, và âm điệu hào hùng làm rung động tâm hồn con người. Ban Biên Tập đặc biệt kết tập những bài giảng của Hòa Thượng có liên quan đến bài thơ này từ năm 1982 đến 1995.)  

Vajra Bodhi Sea April, 1995 trang 24-29; May, 1995 trang 24-28