Chinese | English | Vietnamese

ven_master2a1.jpgXuất Gia Không Quên Chí Trung Trinh

Hòa Thượng Tuyên Hóa

Đài Bắc, Đài Loan. Ngày 12 tháng 1, năm 1993.

Trích dịch từ In Memory of the Venerable Master Hsuan Hua. Vol. 2

 

 

Hôm nay có cảm xúc, tôi muốn chia sẻ những điều mình đang nghĩ với quý vị. Nếu quý vị muốn nghe thì cứ nghe thử cho biết, còn nếu không muốn nghe thì có thể rút lui.

Tôi muốn nói những gì? Tôi đến nước Mỹ đã hơn 30 năm rồi, Nhẩm tính thử bao nhiêu ngày, tháng, năm đã trôi qua mới thấy cũng chẳng ngắn ngủi gì. Bất luận là người Mỹ hay người Hoa, ai nấy đều hy vọng tôi sẽ chịu đổi quốc tịch, nhập quốc tịch Mỹ, trở thành công dân Mỹ. Họ nói rằng thẻ thông hành Mỹ là thuận tiện nhất trong việc đi cùng khắp mọi nơi trên thế giới, công dân Mỹ đi đến đâu cũng được người ta cung kính vì nể; trong khi tánh cách của thẻ thông hành của Trung Hoa thì lại không được như vậy. Nếu quý vị có thẻ thông hành của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) thì đảng Cộng Sản sẽ không cấp chiếu khán cho quý vị để vào nước của ho. Người cộng sản sẽ kỳ thị quý vị. Còn nếu quý vị có thẻ thông hành của nước Nhân Dân Trung Quốc, thì đi đến các nước khác càng làm người ta sợ quý vị. Người ta sợ không phải Trung Quốc là một nước lớn đông dân, nhưng sợ chính quyền gây rắc rối. Do đó tốt nhất là hãy trở thành công dân Mỹ càng sớm càng tốt.

Trong hơn 30 năm nay, có rất nhiều người, là viên chức cũng như dân, đã đề cập với tôi vấn đề này. Tôi vẫn là người Trung Hoa, dù cho nước Trung Hoa xấu xa và lạc hậu như thế nào dưới chính thể của Đảng Cộng Sản hay Quốc Dân Đảng. Báo chí nói rằng nếu không phải do Đảng Cộng Sản thì tôi đã không lưu lạc ra nước ngoài. À! Chắc chắn không phải vì sợ Đảng Cộng sản mà tôi ra nước ngoài. Ở Mãn Châu (Manchuria), khi tôi rời Cáp Nhĩ Tân (Harbin) đến Kiết Lâm (Jilin), tôi tự do đi. Nhưng khi tôi muốn quay trở về thì họ đòi phải có giấy đặc biệt, bởi vì tôi không cư trú trong vùng Cộng Sản, nên tôi không thể quay trở về. Từ Kiết Lâm tôi đến Cẩm Châu (Jinzhou). Sau khi tôi rời Cáp Nhĩ Tân, thì Cáp Nhĩ Tân bị Cộng Sản chiếm. Khi tôi đến Kiết Lâm, Quốc Dân Đảng vẫn còn kiểm soát nơi này, nhưng giao thông giữa Kiết Lâm và Cáp Nhĩ Tân thì bị cắt đứt. Tôi bèn đi đến Trường Xuân. Khi tôi đến Trường Xuân rồi thì không thể nào quay về lại Kiết Lâm được. Tôi mới đi đến Liêu Ninh và nghĩ sẽ quay về Cáp Nhĩ Tân. Mọi người lo lắng và khuyến cáo tôi đừng quay trở về. Sau đó tôi đi Thiên Tân và ở tại Đại Bi Viện. Lúc đó tôi vẫn còn là Sa Di (*). Sau đó tôi rời Thiên Tân và đi Thượng Hải, và sau đó đến Vũ Xương.

Dọc đường, tôi vùa rời nơi nào, thì nơi đó bị Cộng Sản chiếm. Và như thế là tôi đến Quảng Châu vào ngày 18 tháng 8 âm lịch. Từ đó tôi đến Hương Cảng. Ba ngày sau khi tôi rời đi, Quảng Châu cũng bị Cộng Sản chiếm. Và sau khi tối đến Hương Cảng thì không còn cách nào để quay về lại Quảng Châu. Điều này là do thời điểm và hoàn cảnh kết hợp tạo nên. Chắc chắn không phải là do tôi sợ Cộng Sản. Suốt cuộc đời tôi, tôi không sợ trời, không sợ đất, không sợ quỷ thần. Và tôi cũng không sợ những người Mỹ biết nói tiếng Trung Hoa! Tôi sống ở Hương Cảng hơn mười năm. Tôi đến Hương Cảng vào năm 1948, và đến Hoa Kỳ vào năm 1962. Khi tôi ở Hương Cảng, tôi có đi đến nước Úc, Miến Điện, Thái Lan và Tân Gia Ba (Singapore). Tuy nhiên những nơi tôi đến thì tôi không được hoan ngênh. Vì sao? Vì tôi không có nhiều nhân duyên với những người nơi đó. Người ta thấy tôi là chạy ra xa. Người xuất gia và tại gia đều như vậy.

Năm 1962, tôi sang Hoa Kỳ và trong thời gian đầu, tôi sống trong một nhà kho nhỏ dưới mặt đất. Căn hầm này chỉ có cửa ra vào chứ không có cửa sổ, ban ngày thì tối om, ban đêm thì đương nhiên càng tối hơn nữa, thật chẳng khác nào đang sống trong ngôi mộ vậy! Vì thế, sau khi đến Hoa Kỳ, tôi tự chế giễu chính mình và tự gọi mình là “Mộ Trung Tăng” (một ông thầy tu ở trong mộ). Tại sao tôi lại tự chọn cho mình biệt hiệu này? Bởi tôi không muốn tranh danh, không muốn tranh lợi với người khác, không muốn cùng người tranh hơn thua. Tôi giống như một kẻ đã nằm trong mộ rồi vậy.

Ở Đông Bắc, sau khi xuất gia, tôi cũng đã từng có một biệt hiệu. Biệt hiệu gì? Đó là “Hoạt Tử Nhân”. Vì sao lại gọi là “Hoạt Tử Nhân”? Bởi tôi tuy rằng thân còn sống, nhưng tôi không hề tranh danh đoạt lợi với người khác. Tôi không tranh chấp với ai cả và tôi cũng chẳng tham lam. Suốt đời tôi, bất luận làm công việc gì tôi cũng không bao giờ mong cầu sự đền đáp, không nhận tiền bạc, cho nên gọi là “Hoạt Tử Nhân”. Tấm thân này tuy vẫn còn sống đấy, nhưng cũng chẳng khác nào đã chết rồi vậy. Đến Hoa Kỳ, tôi lại có thêm biệt hiệu “Mộ Trung Tăng”. Khi các trường đại học mời tôi đến diễn giảng, tôi cũng dùng danh nghĩa “Mộ Trung Tăng” để đi giảng.

Cứ như thế một thời gian, cho đến khoảng năm 1968 hay 1966 gì đó, tôi gặp một người hiện cũng là thành viên và có mặt trong phái đoàn này, đó là Professor Epstein, tức là Tiến Sĩ Epstein, mà cũng là cư sĩ Epstein. Tôi cũng không biết nên gọi ông ta như thế nào cho phải nữa. Sau đó, ông sang Đài Loan để học tiếng Trung Hoa. Tôi bèn căn dặn ông hãy tìm một vị thiện tri thức ở Đài Loan để xin quy y Tam Bảo vì ông vốn là một tín đồ đạo Do Thái. Tôi có giới thiệu với ông về một vài vị Pháp Sư tại Đài Loan; và ông đã đến từng nơi để viếng thăm nhưng lại cảm thấy không có nhân duyên, không phải là con người không có nhân duyên mà là tiền bạc không có nhân duyên! Ông ta nói rằng ở Đài Loan, mọi Phật sự đề đòi hỏi tiền bạc. Quy y với ai cũng phải nộp phong bì đỏ (đựng tiền). Ông ta lại chẳng có bao nhiêu tiền nên không qui y được. Trở về lại Hoa Kỳ, ông ta bèn xin quy y với tôi. Tôi bảo: “hãy từ từ, thong thả đã”.

Sau đó, ông ta dẫn hơn 30 người từ Seatle tới chùa. Những người này đa số là sinh viên đang chuẩn bị lấy bằng Tiến Sĩ, Cao Học, Cử Nhân, ngoài ra còn có một số không phải là sinh viên nhưng cũng tháp tùng theo. Vì ông ta có nhân duyên thuận lợi với người Mỹ nên đã giới thiệu họ đến nghe giảng kinh Lăng Nghiêm. Khóa giảng Kinh Lăng Nghiêm này đã được tổ chức vào dịp hè và kéo dài 96 ngày. Sau đó, có một số sinh viên từ Seatle chuyển trường đến San Francisco và Tiến Sĩ Epstein cũng là một trong số những người này.

Kể từ khi họ dọn đến San Francisco, mỗi ngày tôi đều giảng kinh thuyết pháp. Chí nguyện của tôi là hễ còn dù chỉ một hơi thở thì tôi sẽ vẫn còn giảng Kinh thuyết Pháp, chỉ khi nào không còn hơi thở nữa thì tôi mới thôi giảng Kinh thuyết Pháp! Do đó, mặc dù hiện tại đang bị bệnh hoạn, tôi vẫn có gắng hết sức mình để thuyết Pháp cho quý vị nghe. Tôi biết rằng không hẳn là mọi người đều muốn nghe giáo pháp mà tôi thuyết giảng, thế nhưng tôi cũng không thể vì đại đa số không thíchnghe mà không giảng. Tôi vẫn cứ giảng cho dù là chỉ có độc nhất một người muốn nghe tôi nói Pháp, thì tôi cũng giảng, thậm chí không có người nghe thì tôi cũng vẫn cứ giảng cho quỷ, thần, những kẻ có linh tánh nghe, đây là một ý nguyện đơn giản, đại khái của tôi.

Tôi đọc báo thấy có nói rằng: “Ông Tuyên Hoá này là một Lưu Lãng Hán” (một kẻ lang bạt)! Đúng vậy! Hiện tại tôi là một “Lưu Lãng Hán”. Tuy rằng Trung Hoa Dân Quốc chưa chắc đã ưa gì một quốc dân như tôi và Đại Lục cũng chưa chắc đã muốn có một quốc dân như tôi, bởi có thêm tôi thì quốc gia cũng chẳng đông đúc hơn mà bớt tôi đi thì lại cũng chẳng thấy thiếu vắng gì. Thế nhưng, tôi là người Trung Hoa và tôi vẫn nhớ cội nguồn của mình! Tôi là một người không bao giờ quên quê xưa chốn cũ, cho nên tôi có viết mấy câu bằng văn vần, thơ thì không phải thơ, mà kệ thì cũng chẳng ra kệ, thôi thì tạm gọi đó là những lời nói rất đơn giản vậy.

Nay tôi từ Hoa Kỳ trở về Đài Loan nhưng không phải để giảng Kinh thuyết Pháp, không phải để hoằng Pháp, mà là để viếng thăm, để học hỏi tất cả các bậc kỳ đức cao tăng. Tôi không là cao tăng, cũng chẳng phải kỳ đức, cho nên báo chí gọi tôi bằng những danh xưng như vậy thật khiến tôi vô cùng thổ thẹn, không dám nhận. Trước kia, lúc còn trẻ, tôi muốn làm cách mạng nhưng không có khả năng thành công. Sau đó, tôi không hỏi han gì đến chuyện hưng suy của tình hình chính trị, đến chuyện trị loạn nữa! Tôi cũng không để tâm tới nữa! Tôi đã là một “Hoạt Tử Nhân”, một xác chết còn hoạt động, một thầy tu trong hầm mộ, không thể so sánh nổi với các thầy tu khác. Các thầy đều có đạo có đưc, có khả năng hoằng dương Phật Pháp. Còn tôi là kẻ thiếu tư cách hoằng dương Phật Pháp, nên tôi không có tư cách hoằng dương Phật Pháp, tôi chỉ học hỏi từ quý vị! Sau cùng, tôi muốn nói về mấy câu “Thiển Bạch Đạm Ngữ” của mình.

 

BẤT CẢI QUỐC TỊCH KỆ

Trung Hoa hỗn loạn số thập niên,
Thương thời cảm sự lệ thành tuyền.
Thử sanh quý cụ hồi thiên thủ,
Vãng tích nan đàn lạc nhật huyền.
Thế đồ kỳ khu nhân quỷ trá,
Quan hải phù trầm bỉ thử tiễn.
Xuất gia vị vọng trung trinh chí,
Bảo trì quốc tịch tố bổn nguyên.

 

KHÔNG ĐỔI QUỐC TỊCH

Trung Hoa rối loạn mấy mươi năm,
Xót thương vận nước lệ thành sông.
Thẹn mình chẳng đủ tài chuyển đổi,
Dở dang cung điệu “mặt trời sa”.
Đường đời khúc khuỷu, quỷ, người lấn,
Quan trường chìm nổi đó, đây chen.
Xuất gia vẫn vẹn chí trung trinh,
Bảo tồn quốc tịch – trở về nguồn!

 

Tám câu “Thiển Bạch Đạm Ngữ” này nói rõ tư tưởng, hành vi và chí nguyện của tôi. Bây giờ tôi sẽ giải thích sơ lược tám câu ấy.

Trung Hoa hỗn loạn số thập niên (Nước Trung Hoa đắm chìm trong trong cảnh rối loạn suốt mấy thập niên).

Đây là nói dân Trung Hoa chúng tôi sống trong cảnh (thủy thâm hoả nhiệt) “nước sôi lửa bỏng” mà vẫn chưa thức tỉnh, vẫn chưa có lòng “báo quốc”. Tôi có nói rằng Đài Loan đang ở vào thế “Lũynoãn”, như đang ngồi trên trứng vậy, tại sao? Bởi vì ai nấy đều tự cho mình là chính, không đoàn kết. Những thương nhân phát tài rất lớn thì họ nên tận trung báo quốc, thế nhưng họ đều không tin tưởng ở quốc gia. Làm sao chứng minh được là họ không tin tưởng? Bởi vì họ đều đầu tư ở nước ngoài, tẩu tán tài sản quốc gia mình ra nước ngoài, những thương nhân này không đủ lòng yêu nước. Dù quý vị có “phú xưng địch quốc” (giàu có vô cùng) đi chăng nữa, nhưng nếu không có tư tưởng báo quốc thì quý vị vẫn chỉ là những kẻ nghèo cùng mà thôi! Đây là hạng người không hiểu đạo lý, không yêu nước, không giúp đỡ tổ quốc, mà chỉ biết ích kỷ, mưu đồ lợi lộc cá nhân, đây là một điểm.

Tuy nói rằng bá tánh có kẻ tin Phật, thế nhưng kẻ không tin vẫn còn rất nhiều, đây là một tổn thất cho quốc gia. Nếu bá tánh đều chân chính tin Phật, lễ bái Đức Phật, hiểu nhân quả, thì họ sẽ không làm những chuyện như giết người, phóng hỏa, trộm cắp, cướp giật, nghiện ngập, đầu cơ tích trữ để thủ lợi, chơi xổ số, hoặc mua cổ phiếu, họ sẽ không có những hành vi như vậy! Những hành vi ấy là một trong những điềm bất tường cho nước nhà.

Còn học sinh thì hoàn toàn quên mất giáo dục, chỉ chú trọng đến hình thức giả dối bên ngoài, đem Khổng Giáo để đằng sau đầu óc, không còn ai đề xướng những đạo lý Hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ, trung tâm ái quốc nữa, mà chỉ biết ra sức cầu danh cầu lợi, đây cũng là một điềm bất tường cho nước nhà.

Nếu mọi người đều không biết quý trọng, yêu chuộng tánh mạng và tài sản của chính họ, lại phung phí một cách tùy tiện, cẩu thả, đó cũng là một điều hết sức bất tường đối với nước nhà. Có câu rằng:

“Dân vi bang bổn,
Bổn cố bang ninh”.
(Dân là gốc của nước nhà,
Gốc có vững vàng thì nước mới được yên ổn.)

Hành động như vậy mang lại vô số sự không may, vô số điều bất lợi cho quốc gia, vì thế nên tôi mới nói rằng Đài Loan đang lâm vào thế “Lũy noãn”, đang ngồi trên đống trứng, một tình thế rất là nguy hiểm! Nói như vậy không phải là phóng đại để gây sự chú ý hoặc cố ý làm cho người khác lo sợ, tôi hoàn toàn không có ý đó.

Trong số những người hiện đang phát tài, làm ăn phát đạt, có kẻ nào cống hiến toàn bộ tài sản của mình cho quốc gia đâu? Tài sản nhỏ thì không nói làm gì, tôi muốn nói tới những kẻ có tài sản đồ sộ kia. Tôi chưa hề nghe nói ở Đài Loan có người nào vì quốc gia mà cống hiến hết cả tài sản của mình, hoàn toàn không có! Chỉ rặt toàn là vì cá nhân, ích kỷ, tự lợi, chỉ biết lo để của cho con cháu đời sau mà thôi. Thật ra,

“Dưỡng tử cường như phụ,
Nhĩ lưu tài tố thập ma?”
(Nuôi con mạnh như cha,
Để của lại làm gì?)

nếu con của quý vị mà hơn quý vị, có chí khí, có bản lĩnh hơn quý vị, nếu quý vị phát tài được thìcon quý vị sẽ càng phát tài hơn quý vị nữa, quý vị để của lại cho con nhiều như thế để làm gì kia chứ? Cho nên nói rằng:

“Nhi tôn tự hữu nhi tôn phúc,
mạc vi nhi tôn tác mã ngưu.”
(Con cháu tự có phúc con cháu,
Đừng vì con cháu làm trâu ngựa.)

Quý vị mà tiền càng nhiều, chết đi rồi cũng chẳng mang theo vô quan tài được. Câu nói này của tôi nhiều người đã từng nghe qua, thế nhưng mọi người đều không chú ý tới điểm này, người người đều quên mất cái logic học này, tất cả đều ở đó mà tranh giành, tham lam, cầu khẩn, ích kỷ, tự lợi, nói dối. Tôi nói đây là nói về đại đa số chứ không phải là thiểu số. Quý vị đừng tưởng rằng có người cũng sẵn sàng hiến tặng hết cả tài sản của họ cho quốc gia. Trường hợp đó chỉ là thiểu số, rất hiếm hoi, không nhiều đâu. (cho nên tôi nói là Trung Hoa hỗn loạn số thập niên).

Thương thời cảm sự lệ thành tuyền (Xót thương cho thời thế nên nước mắt chảy thành suối). Bởi tôi đau buồn, xót xa cho thời thế, lại thương cảm cho thế sự, nên nước mắt chảy thành sông. Có rất nhiều người thông minh nhưng lại không làm chuyện thông minh, cứ làm chuyện hồ đồ; và cũng có rất nhiều kẻ hồ đồ muốn làm chuyện thông minh nhưng lại không biết cách làm, đây là một loại không viên mãn, không hoàn hảo (trường hợp đáng tiếc).

Thử sanh quý cụ hồi thiên thủ (Thân này hổ thẹn bởi không có khả năng “xoay trời”). Thân này, cho đến cuối cuộc đời này, tôi thiếu tài “hồi thiên”, không có bản lãnh xoay chuyển cơ trời. Nếu tôi có tài “hồi thiên”, tôi nên khiến cho cả Trung Hoa Dân Quốc và Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hoà đều suy nghĩ, làm cho họ đều biết cách cứu quốc, trị quốc, quản lý thiên hạ và làm sao để có được phong độ của một “đường đường đại quốc”.

Vãng tích nan đàn lạc nhật huyền (Xưa kia khó đàn được cung điệu “mặt trời sa”). Vì sao trước kia tôi muốn làm Cách mạng? Vì thấy Nhật Bản xâm lược Trung Quốc một cách quá không công bình, nên tôi muốn làm Cách mạng để đánh đuổi người Nhật. Tuy nhiên tôi trước sau vẫn không đi theo con đường đó; và vì thế, tôi không còn để tâm hỏi han về tới thế sự nữa.

Thế đồ kỳ khu nhân quỷ trá (Trên đường đời khúc khuỷu, quỷ và người lừa đảo lẫn nhau). Tôi lại thấy rằng “ thế đồ kỳ khu”- con đường của thế gian thật là gập ghềnh khúc khuỷu, quanh co ngoằn ngoèo, khó đi và rất hiểm trở. “ Nhân quỷ trá” – người Trung Hoa thường lừa đảo “ quỷ lão:. “Quỷlão” học được trò này nên cũng dung thủ đoạn ấy trả đũa người Trung Hoa. Họ

[dĩ nha hoàn nha] “ăn miếng trả miếng” – bạn lừa dối tôi, thì tôi cũng gạt gẫm bạn – và toàn thế giới trở thành một nơi lừa đảo lẫn nhau.

Quan hải phù trầm bỉ thử tiễn (Chốn quan trường chìm nổi, kẻ này tranh chấp với kẻ kia). Những người làm quan đều “ bài trừ dị kỷ”- gạt bỏ những kẻ đối lập, không cùng quan điểm với mình. Bạn thuộc về đảng phái này của tôi, thì tôi bài xích, công kích, chống đối bạn, khiến bạn uất ức, bất đắc chí; cho nên nói ở chốn quan trường ai nấy “ hỗ tương ngao tiễn”- hãm hại lẫn nhau.

Xuất gia vị vọng trung trinh chí (Tuy xuất gia nhưng vẫn chưa quên ý chí trung thành với đất nước). Tuy rằng đã xuất gia, tôi không hề quên tư tưởng “ trung tâm vị quốc” – lòng trung thành,lòng yêu nước – tôi không thể thay đổi chí khí của mình. Chí khí của tôi là “ tôi là người Trung Hoa, mãi mãi là người Trung Hoa. “Đời đời, kiếp kiếp, ở mọi nơi, mọi chỗ, tôi sẽ luôn luôn là người Trung Hoa.

Đến lúc người Trung Hoa thật sự được hùng mạnh, cường thịnh, thì tôi có thể vẫn còn mà cũng có thể là không còn tại thế nữa – nhưng bất kể sống hay chết, tôi hy vọng rằng trong đời này, ít nhất là tôi không đổi quốc tịch. Tôi không ham bất kỳ sự lợi lộc và thuận lợi nào cả; cho nên tôi quyếtBảo trì quốc tịch tố bổn nguyên (Không đổi quốc tịch, tìm về với cội nguồn). Tôi không thay đổi quốc tịch của mình – tôi không hề quên cội nguồn.

Đây là mấy câu “ thiển bạch đạm ngữ” của tôi; bây giờ có lẽ quý vị cũng đã hiểu được phần nào về tôi.

 

Ghi chú:

(*) Ở đây Hòa Thượng chỉ kể vắn tắt. Theo sách Cuộc Đời và Đạo Nghiệp của Hòa Thượng Tuyên Hóa http://dharmasite.net/CuocDoi&DaoNghiepCuaHTTH.pdf (trang 17 – 18) thì giai đoạn này là vào năm 1946, Hòa Thượng Tuyên Hóa lúc đó còn là Sa Di. Đến năm 1947 Ngài mới Thọ giới Cụ Túc:

Năm 1946 – 29 tuổi

– Giữa tháng 8, muốn đến Tào Khê thân cận Lão Hòa Thượng Hư Vân, đi ngang qua Trường Xuân, Liêu Ninh đến Thiên Tân. Ở lại Đại Bi Viện nghe Pháp sư Đàm Hư giảng Kinh Lăng Nghiêm. Sau đi thuyền đến Chánh Giác Tự, Hồ Bắc, nhận lãnh nhiều công việc khổhạnh trong chùa.

Năm 1947 – 30 tuổi

– Thọ giới cụ túc Tỳ Kheo tại Pháp Vũ Tự, Phổ Đà Sơn, Chiết Giang, Trung Hoa.