Trích Luận Tỳ Bà Sa của Bồ Tát Long Thọ

Bồ-tát nếu vào chùa
Nên hành các oai nghi
Cung kính và lễ bái
Cúng dường các Tỳ-kheo.

Bồ-tát tại gia nầy nếu vào chùa Phật, đầu tiên lúc sắp vào, nơi ngoài cổng chùa, năm vóc gieo xuống đất suy nghĩ như vầy: Ðây là trụ xứ của người thiện, là trụ xứ của người tu hành Không, là trụ xứ của người hành Vô tướng, là trụ xứ của người hành Vô nguyện. Ðây là trụ xứ của những người hành từ bi hỷ xả, là trụ xứ của những người chánh hành, chánh niệm. Nếu thấy các Tỳ-kheo oai nghi đầy đủ, nhìn ngắm tường tận, thu giữ y bát, đi đứng, ngồi nằm, ngủ nghỉ, ăn uống, nói năng, im lặng, tới lui thư thái, đều nên xem xét. Nếu thấy Tỳ-kheo tu hành bốn niệm là xứ, hành trì của bậc Thánh, trì giới thanh tịnh, đọc tụng kinh pháp, thuần tư duy tọa thiền, thấy rồi phải nghiêm trang, tâm cung kính lễ bái, gần gũi hỏi han. Nên nghĩ như vầy:

Nếu ta Hằng sa kiếp
Luôn ở đền thờ trời
Thí lớn không nghỉ, bỏ
Chẳng bằng một xuất gia.

Lúc ấy, Bồ-tát nầy nên nghĩ như vầy: Nếu ta mong cầu có tài sản đúng như pháp để luôn hành bố thí lớn trong Hằng sa kiếp, thì phước đức của những bố thí như vậy cũng hãy còn không bằng phát tâm xuất gia, huống gì là đã xuất gia thật. Vì sao? Vì nơi tại gia có vô số lỗi lầm xấu ác. Xuất gia có khả năng thành tựu vô lượng công đức. Tại gia thì ồn ào, xuất gia thì thanh vắng. Tại gia thì gắn liền với ô trược, xuất gia thì không bị lệ thuộc. Tại gia là nơi chốn hành ác, xuất gia là nơi chốn hành tác thiện. Tại gia thì nhuộm đủ bụi nhơ, xuất gia thì lìa khỏi các thứ trần cấu. Tại gia thì ngập trong bùn lầy năm dục, xuất gia thì lìa khỏi bùn lầy năm dục. Tại gia khó có được thọ mạng thanh tịnh, xuất gia thì dễ có được thọ mạng thanh tịnh. Tại gia thì nhiều kẻ oán, xuất gia thì không có kẻ oán. Tại gia thì nhiều phiền phức trở ngại, xuất gia thì không phiền phức trở ngại. Tại gia là nơi chốn lo buồn, xuất gia là nơi chốn vui mừng. Tại gia là cửa của đường ác, xuất gia là cửa của lợi ích. Tại gia là trói buộc, xuất gia là giải thoát. Tại gia thì lo sợ đủ thứ, xuất gia thì không lo sợ điều gì. Tại gia thì bị đánh đập, xuất gia thì không bị đánh đập. Tại gia có đao, kiếm, xuất gia thì không có đao, kiếm. Tại gia có hối tiếc, nóng nảy, xuất gia thì không có hối tiếc, nóng nảy. Tại gia mong cầu nhiều nên khổ, xuất gia không mong cầu nên vui. Tại gia thì cười đùa ồn ào, xuất gia thì vắng lặng. Tại gia thì đáng thương xót, xuất gia thì tránh khỏi đáng thương xót. Tại gia thì sầu lo, xuất gia thì không sầu lo.

Tại gia thì thấp kém, xuất gia thì cao quý.
Tại gia thì vẫy vùng, xuất gia thì tịch tĩnh.
Tại gia là kẻ khác, xuất gia tức là chính mình.
Tại gia thì ít có uy lực, xuất gia thì có nhiều uy lực.
Tại gia thì tùy thuận cửa nhơ, xuất gia thì tùy thuận cửa tịnh.
Tại gia vướng nhiều gai gốc, xuất gia thì phá trừ gai gốc.
Tại gia thì thành tựu pháp nhỏ, xuất gia thì thành tựu pháp lớn.
Tại gia thì hành tạo bất thiện, xuất gia thì tu thiện.
Tại gia thì có hối tiếc, xuất gia thì không hối tiếc.
Tại gia thì tăng thêm biển nước mắt, sữa, máu, xuất gia thì làm khô biển nước mắt, sữa, máu.
Tại gia thì bị chư Phật, Phật-bích-chi, Thanh-văn quở trách, xuất gia thì được chư Phật, Phật-bích-chi, Thanh-văn khen ngợi.
Tại gia thì không biết đủ, xuất gia thì biết đủ.
Tại gia thì ma vui, xuất gia thì ma lo.
Tại gia thì về sau có suy tàn, xuất gia thì không có suy tàn.
Tại gia thì dễ bị phá, xuất gia thì khó bị phá.
Tại gia là nô bộc, xuất gia là làm chủ.
Tại gia thì ở mãi nơi sinh tử, xuất gia thì hoàn toàn đến Niết-bàn.
Tại gia thì rơi vào hầm sâu, xuất gia thì ra khỏi hầm sâu.
Tại gia thì tối tăm, xuất gia thì sáng tỏ.
Tại gia thì không thể hàng phục các căn, xuất gia thì có khả năng hàng phục các căn.
Tại gia thì kiêu mạn lắm lời, xuất gia thì khiêm tốn.
Tại gia thì thô lậu, xuất gia thì tôn quý.
Tại gia thì có nguyên do, xuất gia thì không có nguyên do.
Tại gia thì bận rộn nhiều việc, xuất gia thì ít việc.
Tại gia thì quả nhỏ, xuất gia thì quả lớn.
Tại gia thì dua nịnh, quanh co, xuất gia thì chân chất, ngay thẳng.
Tại gia thì nhiều lo toan, xuất gia thì nhiều hoan hỷ.
Tại gia thì như tên bắn vào thân, xuất gia thì thân thoát khỏi tên bắn.
Tại gia thì có bệnh tật, xuất gia thì như bệnh đã lành.
Tại gia hành pháp ác nên mau già, xuất gia hành pháp thiện nên trẻ mạnh.
Tại gia thì phóng dật là chỗ chết, xuất gia thì có đời sống trí tuệ.
Tại gia thì lừa dối, xuất gia thì chân thật.
Tại gia thì mong cầu nhiều, xuất gia thì ít mong cầu.
Tại gia thì uống nước xen độc, xuất gia thì uống nước cam lồ.
Tại gia thì bị nhiều thứ xâm hại, xuất gia thì không bị xâm hại.
Tại gia thì bị suy tổn, xuất gia thì không bị suy tổn.
Tại gia thì như trái cây độc, xuất gia thì như trái cam lồ
Tại gia thì oán ghét hòa hợp, xuất gia thì lìa khỏi cái khổ do oán ghét phải gặp nhau.
Tại gia thì khổ vì ái biệt ly, xuất gia thì thân ái hòa hợp.
Tại gia thì si mê trầm trọng, xuất gia thì si mê nhẹ.
Tại gia thì mất hạnh tịnh, xuất gia thì được hạnh tịnh.
Tại gia thì thâm tâm bị phá, xuất gia thì thâm tâm thành tựu.
Tại gia thì không ai cứu vớt, xuất gia thì được cứu độ.
Tại gia thì hoàn toàn cô độc, xuất gia thì không còn cô độc.
Tại gia thì không có nhà, xuất gia thì có nhà.
Tại gia thì không có nơi quay về, xuất gia thì có nơi quay về.
Tại gia thì nhiều giận dữ, xuất gia thì nhiều từ bi.
Tại gia thì mang gánh nặng, xuất gia thì bỏ gánh nặng.
Tại gia thì sự việc không cùng, xuất gia thì không có sự việc.
Tại gia thì tội hội tụ, xuất gia thì phước hội tụ.
Tại gia thì khổ não, xuất gia thì không khổ não.
Tại gia thì có nóng bức, xuất gia thì không nóng bức.
Tại gia thì có tranh cãi, xuất gia thì không có tranh cãi.
Tại gia thì có nhiễm chấp, xuất gia thì không có nhiễm chấp.
Tại gia thì có ngã mạn, xuất gia thì không có ngã mạn.
Tại gia thì quý tiền của, xuất gia thì quý công đức.
Tại gia thì có tai họa xâm hại, xuất gia thì không có tai họa xâm hại.
Tại gia thì giảm mất, xuất gia thì tăng ích.
Tại gia thì dễ được, xuất gia thì khó gặp, ngàn vạn kiếp mới gặp một lần.
Tại gia thì dễ làm, xuất gia thì khó làm.
Tại gia thì xuôi dòng, xuất gia thì ngược dòng.
Tại gia thì trôi nổi, xuất gia thì nương nơi bè.
Tại gia thì bị phiền não nhận chìm, xuất gia thì có cầu bước qua.
Tại gia là bờ bên nầy, xuất gia là bờ bên kia.
Tại gia thì bị trói buộc, xuất gia thì lìa trói buộc.
Tại gia thì mong kết hận, xuất gia thì lìa kết hận.
Tại gia thì theo pháp quan, xuất gia thì theo pháp Phật.
Tại gia thì có những biến cố, xuất gia thì không có biến cố.
Tại gia thì có quả khổ, xuất gia thì có quả vui.
Tại gia thì vội vã hấp tấp, xuất gia thì oai nghi cẩn trọng.
Tại gia thì dễ được bạn, xuất gia thì khó được bạn.
Tại gia thì lấy vợ làm bạn, xuất gia thì lấy tâm kiên định làm bạn.
Tại gia thì bước vào vòng vây, xuất gia thì mở bỏ vòng vây.
Tại gia thì cho xâm hại người là quý, xuất gia thì cho đem lợi ích cho người là quý.
Tại gia thì quý tài thí, xuất gia thì quý pháp thí.
Tại gia thì nắm giữ cờ ma, xuất gia thì nắm giữ cờ Phật.
Tại gia thì có xứ quay về, xuất gia thì phá bỏ hết xứ quay về.
Tại gia thì tăng trưởng thân, xuất gia thì lìa thân.
Tại gia thì đi vào bụi rậm, xuất gia thì ra khỏi bụi rậm.

Lại nữa:

Lại nơi người xuất gia
Tâm nên hâm mộ sâu.

Bồ-tát tại gia nầy suy nghĩ về công đức của hạnh xuất gia như vậy, đối với người xuất gia tâm nên hâm mộ: Biết đến lúc nào ta mới được xuất gia, có được công đức như vậy?

Biết đến lúc nào ta mới được xuất gia, để thứ lớp hành trì pháp của Sa-môn như: Thuyết giới, an cư, bố tát, tự tứ, ngồi theo thứ bậc?
Biết đến lúc nào ta mới được mặc pháp y huân tu của giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến mà Thánh nhân đã mặc?
Biết đến lúc nào ta mới được mang hình tướng Thánh nhân?
Biết đến bao giờ ta sẽ được sống nơi chốn Tòng lâm thanh vắng?
Biết đến bao giờ ta mới được mang bình bát khất thực, được cho hay không được cho, nhiều ít, ngon dở, lạnh nóng, tuần tự thọ nhận để nuôi thân, như bôi mỡ vào xe?
Biết đến bao giờ ta mới có thể đối với tám pháp thế gian tâm không lo, mừng?
Biết đến bao giờ ta mới đóng chặt cửa sáu căn, như buộc giữ chó, nai, cá, rắn, khỉ, chim. Chó thì ưa ở thôn xóm, nai thì ưa núi đầm, cá thì ưa sống ở ao hồ, rắn thì ưa ở hang, khỉ thì ưa nơi rừng sâu, chim thì nương nơi hư không. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý thường ưa thích sắc thanh hương vị xúc pháp, không phải là hàng phàm phu trí cạn, chí yếu kém có thể hàng phục được. Chỉ có bậc trí tuệ, kiên tâm, chánh niệm, mới có khả năng hàng phục lũ giặc sáu căn nầy, không cho chúng gây tại họa, tự tại, không lo sợ?
Biết đến bao giờ ta mới vui thích được tọa thiền, đọc tụng kinh pháp, vui thích cắt đứt phiền não, tu những pháp thiện, vui mặc áo xấu chỉ đủ để che thân. Nhớ lại lúc trước, khi còn ở tục, hành nhiều phóng dật. Nay được lợi mình lại lợi người, nên phải siêng năng tinh tấn?
Biết đến bao giờ ta mới thuận theo đạo pháp của Bồ-tát đã hành trì?
Biết đến bao giờ ta mới được cũng vì thế gian làm phước điền vô thượng?
Biết đến bao giờ ta mới lìa khỏi nẻo tôi tớ của ân ái?
Biết đến bao giờ ta mới được ra khỏi địa ngục gia đình?

Như nói:

Lễ kính các chùa tháp
Nhờ Phật sinh ba tâm.

 

Bồ-tát tại gia nầy đã kính mộ người xuất gia. Nếu khi vào tháp chùa kính lễ Phật nên sinh ba tâm là:

  1. Biết đến khi nào ta mới được nhận lãnh sự cúng dường của các chúng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân, Phi nhân?
  2. Biết đến bao giờ ta mới được thần lực như Xá-lợi lưu hành khắp thế gian tạo lợi ích cho chúng sinh?
  3. Hôm nay, tâm sâu xa của Ta hành tinh tấn lớn, sẽ được quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, thành Phật rồi sẽ nhập Niết-bàn vô dư.

Lại nữa:

Khi đến các Tỳ-kheo
Theo nơi hành phụng sự
Im lặng nghe lời dạy
Giúp kẻ thiếu không tiếc.

Sau khi kính lễ tháp xong, Bồ-tát nầy lại đến cầu hành tác nơi các Tỳ-kheo thuyết pháp, nơi người trì luật, người đọc tụng kinh điển Phật, người đọc tụng Tạng Luận, người đọc tạng Bồ-tát, người sống ở A-lan-nhã, người mặc nạp y, người khất thực, người ăn một bữa trong ngày, người ngồi yên, người quá ngọ không uống nước, người chỉ có ba y, người mặc y vải thô, người trải tòa ngồi tùy thuận, người ở bên gốc cây, người ở gò mả, người ở chỗ đất trống trải, người ít dục, người biết đủ, người xa lìa, người ngồi thiền, người khuyến hóa v.v… Tất cả các vị ấy, Bồ-tát đều nên phụng sự đúng theo pháp hành của các Tỳ-kheo.