Chinese and English 1 | Vietnamese                   Chinese and English 2

Tầm Quan Trọng Của Các Khóa Lễ Sám Hối Trong Việc Tu Hành Đạo Phật

Bài nói chuyện của Tỳ Kheo Hằng Thuận vào ngày 14 tháng 5 năm 2014 tại Phật điện của chùa Vạn Phật Thánh Thành

Trích và dịch từ Nguyệt San Vajra Bodhi Sea số 533, tháng Mười, 2014. Trang 27 – 35; 534, tháng Mười Một, 2014. Trang 29 – 34.

Một trong những điều đầu tiên tôi luôn luôn nói với học trò của mình ở trường Trung học, lớp cao cấp về Phật Giáo rằng những lời dạy của Đức Phật rất đặc biệt và độc nhất vô nhị. Không giống như bất kỳ tôn giáo hay triết học nào khác, Đạo Phật dạy rằng cho dù quý vị có ác đến chừng nào hay quý vị có làm xấu đến đâu, thì quý vị luôn có thể sửa chữa bản thân mình để cho tốt lên. Thậm chí những thành phần tồi tệ hơn của những thực thể trong vũ trụ như Ma Vương Ba Tuần – cũng vẫn có khả năng thay đổi và trở thành những vị Phật giác ngộ hoàn toàn. Điều này thật tuyệt vời và đáng kinh ngạc: không có chúng sinh nào trong vòng sinh, tử luân hồi bị kết án để mãi mãi làm kẻ xấu hay bị mắc vào vòng sinh tử mãi. Tất cả mọi người, cho dù họ là ai hay là cái gì, thì cũng có tiềm năng để thay đổi thành tốt đẹp hơn và cuối cùng sẽ thành Phật. Và tiềm năng này không bao giờ có thể bị mất đi!

Có lẽ một trong những ví dụ khác thường nhất của việc này là một câu chuyện về một trong những đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Chúng ta biết rằng, các chư Phật thường có hai vị đại đệ tử: một người là đệ nhất về thần thông và người kia là đệ nhất về trí tuệ. Với đức Phật của chúng ta, thì Ngài Xá Lợi Phất có trí huệ bậc nhất và Ngài Đại Mục Kiền Liên có thần thông bậc nhất. Bộ Kinh mà chúng ta học có nói về một đời trong quá khứ – cách nhiều triệu kiếp trong quá khứ – lúc đó Đại Mục Kiền Liên thực sự là một Ma Vương, một Quỷ Vương trong một hệ thống thế giới khác.

Cho dù Ngài đã là Quỷ Vương trong một đời quá khứ, Ngài vẫn có thể chuộc lại những lỗi lầm của mình và trở thành một trong những vị đại đệ tử của Phật. Đây là một ví dụ hoàn hảo cho thấy dù hàng xấu ác nhất của thực thể xấu ác cũng vẫn có khả năng để thành bậc Giác ngộ. Thêm một thực tế nữa là Ngài đã trở thành vị đại đệ tử tối thắng của Phật về thần thông, trong kinh Pháp Hoa, Ngài Đại Mục Kiền Liên được thọ ký rằng Ngài rốt ráo sẽ trở thành một vị Phật có tên là Đa Ma La Bạt Chiên Đàn Hương Như Lai (Tamālapattra-candana-gandha Buddha).

Bây giờ, tôi muốn nói về kinh nghiệm đầu tiên của tôi đối với Pháp Sám Hối.

Trước hết, tôi cần giải thích một chút về bối cảnh đằng sau kinh nghiệm này. Vào năm 1974, tôi còn là một Sa di ở Thái Lan. Tôi mới nghe nói về Hòa Thượng (Hòa thượng Tuyên Hóa), vì thế tôi quyết định tới Chùa Kim Sơn ở Mỹ và tu Đạo Phật dưới sự chỉ dẫn của Ngài.

Lúc đầu, tôi có kế hoạch dành vài năm để học trong một tu viện ở BangKok, (Tu viện Bovornivet). Nhưng sau thời gian học tập đó, tôi đã có kế hoạch dành trọn đời mình để thực hành tại một tu viện ở trong rừng phía Bắc Thái Lan (Tu Viện Pa Baan Taad ở Udon Thani) có liên kết với Tu Viện Bovornivet.

Mục tiêu của tôi là phấn đấu để được giác ngộ bản thân dưới sự dạy dỗ của Ngài Ajahn Maha Bua, một trong những vị đại sư trong truyền thống Ajahn Mun tu trong rừng. Tuy nhiên, sau khi đọc tiểu sử của Hòa Thượng (Tuyên Hóa) , tôi đã thay đổi ý định của mình và quay trở về Mỹ để theo học Ngài. Tôi cảm thấy chắc chắn rằng Ngài là vị thầy tinh thần mà tôi đang tìm kiếm.

Tôi tới chùa Kim Sơn vào tháng 6/1974. Bởi vì tôi có khuynh hướng Tiểu Thừa (Nam Tông), nên sau một tuần tôi thấy thật khó khăn và quay trở về Chicago. Tuy nhiên, vài tháng sau, vào đầu tháng tám, tôi quay trở lại chùa Kim Sơn cho khóa tu mùa hè lần thứ hai kéo dài 6 tuần (Từ 3/8 đến 14/9/1974). Vài ngày sau khi tôi tới, có một khóa thiền 7 ngày (5-12/8), khóa thiền bắt đầu từ 3 giờ sáng kéo dài tới nửa đêm mỗi ngày. Tôi hầu như không thể ngồi chéo chân được trong nửa giờ đồng hồ, chứ chưa nói đến ngồi trong nửa giờ trong tư thế bán già hay kiết già. Thực tế, tôi đã mất ba năm để tập luyện, trước khi tôi có thể ngồi trong tư thế liên hoa tọa (kiết già) chỉ được năm phút.

Tuy nhiên lúc đó, làm thế nào đó mà tôi cứng cỏi và qua được tuần đó. Sau đó tôi rốt cuộc đã ở lại đây suốt phần đời còn lại của mình.

Kinh nghiệm đầu tiên của tôi về sám hối tại chùa Kim Sơn trong năm 1974 là khi chúng tôi lạy Đại Bi Sám. Chúng tôi thực hiện sám hối này một ngày trong tuần bằng tiếng Trung Hoa (mỗi thứ bảy) và Sám Dược Sư một tháng một lần (bằng tiếng Anh). Một số tăng ni đã dịch Sám Dược Sư sang tiếng Anh, và họ đã tạo ra giai điệu riêng của mình để thực hiện bằng tiếng Anh. Điều đó thật tuyệt. Tham gia hai khóa lễ sám hối này là lần đầu tiên trong đời mà tôi thực hiện nghi lễ sám hối.

Có hai lý do tại sao tôi có thể vượt qua giai đoạn đầu tiên quan trọng để thích nghi với cách sống ở Chùa Kim Sơn.

Điều đầu tiên xảy ra trong khóa Thiền một tuần đó. Sau chừng khoảng 5 ngày thì thật là khó khăn, tôi suýt nữa thì bỏ đi. Tuy nhiên, đến ngày thứ sáu của khóa thiền, Hòa thượng đã giảng chi tiết về Tứ Diệu Đế. Một lần nữa, quý vị cần hiểu rằng, như tôi đã đề cập lúc trước, tôi đã học Phật Giáo Nam Tông trong nhiều năm và ban đầu có kế hoạch dành trọn phần đời còn lại của mình sống tại tu viện trong rừng ở Thái Lan. Vì thế, tôi vẫn khá bám chấp vào những lời dạy của Tiểu Thừa. Do đó, tôi vẫn phải giằng co với giáo pháp trong Đại Thừa rằng ai ai cũng có thể thành Phật. Thật khó mà thâm hiểu được rằng điều này là có thể. Rồi Hòa Thượng giảng về Tứ Diệu Đế hay hơn bất kỳ điều gì mà tôi đã từng nghe qua. Bài giảng tuyệt vời đó đã giúp thuyết phục tôi ở lại.

Điều thứ hai là sau đó, trong rất nhiều tuần lễ và nhiều tháng, tôi vẫn phải gắng sức để thích ứng với thời khóa nghiêm ngặt của Chùa Kim Sơn. Tôi xin giải thích chi tiết một chút về cách sống tại chùa Kim Sơn lúc bấy giờ. Ngôi chùa ban đầu tọa lạc trên đường 15th khu Mission ở San Francisco là một tòa nhà ba tầng. Chánh điện ở tầng một có chiều dài chừng 120 feet và rộng 30 feet (chiều dài khoảng 36 mét và chiều rộng khoảng 9 mét). Thêm vào đó, khi chúng tôi có bức tượng của Quán Thế Âm Bồ tát chưa được sơn mạ, bức tượng thật vừa vặn trong chánh điện. Trần nhà cao hơn 20 feet (6,096m). Ngay bên cạnh đó là một phòng lớn khác có kích thước tương tự. Ở đó là nhà bếp và phòng ăn.

Vì thế, suốt cả một ngày dài từ lúc đầu tiên chúng tôi tới làm lễ công phu khuya lúc 4 giờ sáng cho đến tận 9:30 tối, chúng tôi không thể trở về phòng riêng của mình ở tầng 3. Chúng tôi liên tục ở trong Chánh Điện hoặc ở phòng ăn – để làm việc, học tập hoặc ngồi thiền. Nói cách khác, chúng tôi liên tục hiện diện trước tất cả mọi người khác. Chúng tôi không có một chỗ nào khác để đi hay ẩn nấp hay làm gì đó riêng tư. Duy chỉ có thời gian chúng tôi quay trở lại phòng mình là sau khóa lễ cuối cùng lúc 9:30 tối. Sau khi về phòng, chúng tôi phải thức dậy lúc 3:30 sáng hôm sau cho khóa Công phu khuya tiếp theo. Vì thế, quả thật hết sức khó khăn để thích nghi với nếp sinh hoạt ấy.

Tôi sẽ vắn tắt nói chi tiết thêm về thời khóa. Vào buổi sáng, chúng tôi làm lễ Công phu khuya trong vòng 50 phút cho đến 01 giờ đồng hồ. Sau đó, chúng tôi nghỉ chừng 10 đến 15 phút. Khoảng 5:10, chúng tôi yên lặng ngồi thiền trong một tiếng. Sau thời gian ngồi này, chúng tôi hành thiền trong 20 phút và rồi lại ngồi yên thiền trong một giờ đồng hồ nữa. Sau đó, chúng tôi làm việc tại chùa và làm bất kỳ công việc hay nhiệm vụ nào mà chúng tôi cần phải làm. Trước giờ trưa, chúng tôi có khóa lễ cúng Ngọ vào 10:40 phút (chứ không phải là 10:30 mà chúng ta đang làm bây giờ) và sau đó đến giờ ăn trưa hằng ngày. Sau bữa ăn trưa, ngoại trừ các ngày thứ bảy, thì không có khóa lễ Sám hối như chúng ta đang có tại Chùa Vạn Phật hàng ngày, vì thế chúng tôi tiếp tục làm việc.

Rồi chúng tôi lại ngồi thiền tiếp từ khoảng 5:30 tới 6:30 tối hoặc từ 5:40 tới 6:40 tối. Buổi tối, chúng tôi có công phu chiều. Khóa lễ vào lúc 7:00 tối thay vì là 6:30. Và rồi sau chừng một giờ lễ, Hòa Thượng giảng Kinh Hoa Nghiêm trong một giờ đồng hồ, bao gồm cả thời gian dịch sang tiếng Anh.

Hòa Thượng giảng mỗi lần trong chừng 10 phút rồi được dịch sang tiếng Anh cứ sau mỗi quãng mười phút. Khi tôi lần đầu tới vào tháng 8/1974, Hòa Thượng đã giảng đến Phẩm thứ ba Phổ Hiền Tam Muội. Ngoài ra, buổi lễ cuối mà chúng tôi thực hiện sau buổi giảng kinh là khóa lễ Vạn Phật Sám. Lễ sám này đã thực hiện nhiều năm trước khi tôi đến. Mỗi tối chúng tôi lễ lạy một phần nhỏ Vạn Phật Sám. Khóa lễ cuối cùng của buổi tối này kết thúc vào lúc 9:30 tối.

Sau khóa thiền, tôi tham dự khóa tu mùa hè; tôi vẫn phải gắng sức. Tôi tiếp tục vật lộn trong rất nhiều tháng nữa với những lời dạy Đại Thừa và tư tưởng làm thế nào mà tất cả chúng ta đều có thể trở thành Phật.

Tuy nhiên, bằng cách thực hiện Đại Bi Sám một tuần một lần, tôi có thể thấy và cảm nhận rằng những nghiệp chướng của tôi dần dần trở nên ít đi. Điều này đã xảy ra mặc dù Nghi thức Đại Bi Sám miêu tả những điều rất khó tin mà lúc đầu rất khó cho tôi có thể hiểu được. Ví dụ, quan điểm cho rằng tất cả chúng ta đều đã tạo vô số nghiệp xấu ác từ hàng triệu kiếp. Tuy nhiên, mỗi khi tôi thực hành lễ sám, tôi cảm thấy rằng những chướng ngại và khó khăn dần dần tan biết mất cho đến một thời điểm – tôi không nhớ là sau nửa năm hay một năm – tôi biết là tôi đã làm được và tôi có khả năng để tiếp tục theo Pháp Đại Thừa tại chùa cho đến hết cuộc đời mình. Lễ Đại Bi Sám thật vô cùng mạnh mẽ và làm biến chuyển. Cùng lúc ấy, cũng có rất nhiều người khác cũng có kinh nghiệm tương tự trong việc thực hiện lễ sám. Đây quả là một phần vô cùng quan trọng trong việc tu hành tâm linh của chúng ta. Do đó, lạy Đại Bi Sám là điều thứ hai đã giúp tôi ở lại chùa.

Chẳng bao lâu sau thay đổi rất mạnh mẽ này, tôi đã trở thành vị sư tập sự (Sa di). Điều này diễn ra khoảng một năm sau khi tôi đến chùa vào tháng 8. Mấy tháng sau đó, Hòa thượng nói rằng chúng tôi sẽ có khóa huấn luyện cần thiết để trở thành Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni thọ toàn giới. Việc này diễn ra trong suốt thời gian đầu năm 1976 (tháng ba hay tháng tư gì đó). Có lẽ có 7 hay 8 vị Tỳ Kheo và cũng con số Tỳ Kheo Ni như vậy hoặc hơn. Vào lúc đó, chúng tôi đang tu sửa lại chùa Kim Sơn để có thể ở được tốt hơn và chống động đất. Chúng tôi tích cực lao động chân tay chừng sáu hoặc bảy giờ mỗi ngày. Điều gì là huấn luyện cho chúng tôi trở thành những vị Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni thọ toàn giới? Chúng tôi chỉ làm việc cho chùa và làm nghi thức lạy sám. Chúng tôi lạy một tiếng rưỡi sau thời khóa thông thường trong buổi sáng – bắt đầu lúc gần 8 giờ (cũng giống như chúng ta luân phiên lạy ở đây tại chùa Vạn Phật từ 5 đến 6 giờ sáng). Rồi đến tối, trước khóa lễ Công phu chiều, chúng tôi lại lạy sám trong một tiếng rưỡi. Đó chính là “huấn luyện căn bản” của chúng tôi để trở thành Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni thọ toàn giới. Tất nhiên là Hòa Thượng đã nói với chúng tôi hết sức chân thành và thật về những lỗi lầm, thiếu sót của mình và thành khẩn ăn năn sám hối và sửa đổi. Đó chính xác là những gì mà chúng tôi đã làm.

Theo như tôi nhớ, đó là tất cả những gì chúng tôi đã làm. Chúng tôi không có bất kỳ lớp học thông thường theo thời khóa nào khác, nhưng chúng tôi vẫn phải tự mình học hỏi và học thuộc lòng. Chúng tôi phải nhớ tất cả 53 bài kệ và chú trong quyển Tỳ Ni Nhật Dụng, cũng như toàn bộ Sa Di Luật Nghi Yếu Lược của đại sư Liên Trì. Dù chúng tôi đã học Oai Nghi Môn của đại sư Liên Trì, nhưng chúng tôi không bắt buộc phải nhớ thuộc. Đó là sự huấn luyện dành cho hầu hết chúng tôi, những người thọ giới vào thời gian ấy (lễ truyền đại giới vào tháng 8/1976). Chúng tôi làm những việc này như những Sa Di trong gần một năm.

Tuy rằng chúng tôi không có những lớp học khác nhau, nhưng mỗi tối, chúng tôi được nghe Hòa Thượng giảng Kinh Hoa Nghiêm trong một tiếng đồng hồ bao gồm cả thời gian dịch sang tiếng Anh.

Cũng như rất nhiều trong số quý vị đã nghe Hòa Thượng giảng đều biết, và thậm chí những người chỉ nghe những băng ghi âm những bài giảng của Hòa thượng cũng nhận ra rằng, bất cứ khi nào họ nghe những bài giảng Pháp của Ngài, quý vị thường có một cảm nhận rằng đấy chính xác là những gì mà quý vị cần nghe. Đó là một sự vi diệu. Trong những ngày lúc đó, khi Hòa thượng vẫn tại thế, điều đó thật kinh ngạc. Dường như Hòa Thượng đã nói đến những vấn đề, những sự cần thiết và những mong muốn của mọi người trong suốt buổi Ngài giảng mỗi tối. Đó là tất cả những điều chúng tôi cần.

Đây là một số bối cảnh lịch sử dựa trên kinh nghiệm cá nhân của tôi đối với Pháp Sám hối. Tôi đã đề cập đến những khóa lễ sám hối mà chúng tôi làm tại chùa Kim Sơn trong thời gian này. Cùng với những khóa lễ sám đại chúng khác, khi lần đầu trở thành Sa di, tôi được truyền cảm hứng bởi những vị Tỳ Kheo khác, những người đã thực hành sám hối đặc biệt trong quá khứ. Cách thực hành này là lạy từng chữ trong Kinh Hoa Nghiêm. Đây là một hình thức sám hối, bởi vì nó bao gồm cả việc đọc lên bài kệ sám hối cùng với mỗi lạy phủ phục đối với từng chữ. Bài kệ từ phần thơ kệ của Phẩm thứ Bốn Mươi Hạnh Nguyện Phổ Hiền Bồ Tát:

Tất cả ác nghiệp trong quá khứ,

Đều do vô thủy tham, sân, si;

Từ thân, khẩu, ý mà gây ra,

Tất cả nay con xin sám hối.

Vì thế, tôi đã lập nguyện trước đại chúng rằng, tôi sẽ lạy từng chữ của Kinh Hoa Nghiêm trong một giờ đồng hồ vào mỗi sáng, một giờ vào mỗi tối. Tôi rốt cuộc đã thực hành như vậy trong chừng sáu năm. Khoảng nửa năm trước khi chúng tôi thọ cụ túc giới, Hòa Thượng bảo tôi bắt đầu làm việc tại văn phòng phía trước của chùa Kim Sơn. Tôi làm việc như là phụ tá cho một vị sư trưởng lúc ấy tên là Hằng Quán. Hồi đó, tôi hiếm khi được nói chuyện trực tiếp với Hòa thượng vì tôi thiếu cả đức hạnh và khả năng nói tiếng Trung Hoa. Thay vào đó, tôi luôn luôn nhờ qua thầy Hằng Quán. Kể từ khi tôi lần đầu tới vào năm 1974 cho đến giữa những năm 1980, thầy Hằng Quán là một nhà sư người Mỹ mà tất cả chúng tôi đều cung kính và ngưỡng mộ. Tuy Thầy có một chút nóng tánh, nhưng Thầy là người vô cùng tài năng và chân thành. Điều quan trọng nhất là Thầy đã hoàn toàn cống hiến cuộc đời mình cho Hòa Thượng. Tôi đã làm phụ tá cho Thầy ở văn phòng, và thời gian trôi qua, tôi đã tạo được một ít thiện nghiệp và cũng có khả năng học tiếng Trung Hoa.

Vào một ngày năm 1977, nhiều tháng sau khi Pháp Sư Hằng Thật bắt đầu chuyến hành hương “Tam bộ nhất bái”, Hòa Thượng đã thông báo đại chúng rằng Ngài sẽ không giảng Kinh Hoa Nghiêm tại chùa Kim Sơn nữa. Ngài sẽ chuyển các buổi giảng kinh về Chùa Vạn Phật Thánh Thành. Lúc đó những bài giảng chúng tôi đang nghe vào mỗi thứ Tư là về Phẩm 26 Thập Địa được thuyết giảng phần lớn tại Chùa Kim Sơn và chỉ thỉnh thoảng là tại Chùa Vạn Phật Thánh Thành. Các bài giảng về Phẩm Thập Địa được giảng từ khoảng tháng 2 cho tới tháng 7 năm 1977 và Hòa Thượng chuyển những bài giảng về Chùa Vạn Phật khoảng tháng 10 năm 1977. Một thời gian ngắn trước khi Ngài ra thông báo đó, Ngài đã hỏi tôi có thể làm “Duy na” hay “người dẫn chúng” thường xuyên cho tất cả các buổi lễ hàng ngày tại chùa Kim Sơn không. Trước đó, các Tỳ Kheo và các Sa Di thường luân phiên nhau làm Duy na. Chúng tôi mỗi người làm một tuần. Vì thế, đây là một sự thay đổi lớn. Và tôi nói là Hòa Thượng “hỏi” tôi bởi vì đơn giản đó chính là cách mà Hòa Thượng như vậy. Mặc dù Ngài là thầy của chúng ta, chúng ta ngưỡng trông Ngài như cha mình, nhưng Ngài không bao giờ ra lệnh chúng ta làm bất cứ việc gì. – Ngài luôn luôn hỏi để chắc chắn rằng chúng ta sẵn lòng với bất cứ việc gì mà Ngài gợi ý chúng ta nên làm.

Do vào lúc đó, hầu hết các sư và ni đã chuyển đến sống tại Thánh Thành đây, chỉ ngoại trừ có vài vị tăng chúng tôi ở Chùa Kim Sơn. Trong năm, hầu hết các vị ni và cư sĩ đã chuyển tới Vạn Phật Thánh Thành sớm hơn một chút. Sau khi mọi người chuyển đến đây, Hòa Thượng chỉ giảng kinh Hoa Nghiêm tại Vạn Phật Thánh Thành, Ngài tới đây ba ngày một tuần. Ngài thường tới vào thứ sáu và ở cho đến sáng thứ hai.

Vì thế, Ngài ở lại Chùa Vạn Phật Thánh Thành này ba ngày và bốn ngày ở chùa Kim Sơn. Nói chung, đó là lịch trình thường xuyên của Hòa Thượng bắt đầu vào cuối năm 1977. Thầy Hằng Quán là người chủ yếu lái xe chở Hòa Thượng đi lại. Tôi luôn ở lại chùa Kim Sơn. Lúc này, mặc dù Hòa Thượng không giảng Kinh ở chùa Kim Sơn nữa, nhưng Ngài vẫn giảng Pháp tại đây. Ngày giảng về tất cả các vị Tổ Sư trong loạt bài giảng mà chúng ta biết là Phật Tổ Đạo Ảnh và những sự phác họa về tiểu sử của những nhân vật lịch sử khác nhau trong loạt bài được biết đến là Thủy Kính Hồi Thiên Lục. Vì thế, tôi được nghe các bài giảng về tất cả các chư Tổ Đạo Phật ở Ấn Độ cũng như tất cả các dòng thiền ở Trung Quốc. Tổng cộng chắc hẳn phải có hơn 300 bài giảng qua nhiều năm. Và tôi cũng đã nghe được hơn một trăm bài giảng khái quát tiểu sử trong Thủy Kính Hồi Thiên Lục.

Vào một ngày nào đó cuối năm 1977 hoặc bắt đầu năm 1978, tôi nhận được một tin nhắn từ thầy Hằng Quán. Thầy nói, “Sư Phụ bảo tôi nói với thầy rằng kể từ nay trở đi, thầy có thể nói chuyện với Ngài bất cứ lúc nào thầy muốn. Thầy không cần phải nhờ qua tôi nữa, thay vì đó, thầy có thể nói chuyện trực tiếp với Ngài qua điện thoại”. Chúng tôi luôn ở trong văn phòng tầng 1 và Hòa Thượng thường ở nơi của mình trên tầng 3. Vì thế, đây là một thay đổi lớn khác với tôi.

Nhiều năm sau, Hòa thượng cho mọi người làm lễ Vạn Phật Sám. Năm đầu tiên là 1983. Tất nhiên là sống tại chùa Kim Sơn, tôi không bao giờ được làm điều đó. Thật không may, thầy Hằng Quán hoàn tục vào năm 1985. Đó là một sự thay đổi vô cùng lớn, bởi vì lúc đó, chúng tôi phải đảm nhận rất nhiều việc khác nhau cho Hòa Thượng: di trú, bất động sản, thuế thu nhập, thư từ vv… Trụ sở chính cho hầu hết các hoạt động hành chính của Tổng Hội Phật giáo vẫn ở Chùa Kim Sơn. Do đó, khi điều ấy xảy ra, có nghĩa rằng tôi có một khối lượng rất lớn công việc và trách nhiệm cần phải quan tâm đến. Vậy Hòa Thượng đã làm những gì?

Đây là một ví dụ rất hay về “Thiện xảo phương tiện” của Hòa Thượng. Hòa thượng nói rằng, “Con có quá nhiều việc để làm. Vì thế, vào lúc này, chúng ta sẽ không tiếp tục giảng Pháp cho đại chúng ở Chùa Kim Sơn được nữa. Chúng ta sẽ chỉ làm khóa lễ bình thường Công phu chiều, rồi sau đó con có thể làm việc của mình. Đó là cách mà con sẽ có nhiều thời gian hơn để lo cho những trọng trách của mình”.

Ngài đã cho phép tôi làm như vậy trong hơn nửa năm.

Và đây là một sự kiện khác để ghi lại. Khi Hòa Thượng giảng Phật Tổ Đạo Ảnh vàThủy Kính Hồi Thiên Lục tóm lược tiểu sử của các nhân vật lịch sử khác. Những bài giảng này thường diễn ra vào các buổi chiều. Vào các buổi tối, thầy Hằng Quán và tôi sẽ thay phiên nhau dịch những bài giảng Kinh của Hòa Thượng đã được ghi âm lại, giống như chúng ta đang làm ở Vạn Phật đây vào các tối. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ dịch những bài giảng và không thuyết Pháp. Tôi cũng nhớ thời gian của bài giảng là một tiếng đồng hồ, từ 8 giờ đến 9 giờ tối, chứ không phải là một tiếng rưỡi. Bây giờ ở chùa Kim Sơn chúng ta có những cuộn băng gốc về những bài giảng của Hòa Thượng khi Ngài giảng Kinh Thủ Lăng Nghiêm vào năm 1968. Có khoảng 22 đến 24 những cuộn băng lớn như vậy (đường kính dài chừng 8 inch – 22,32cm). Và chúng tôi cũng có những cuộn băng gốc mà Hòa Thượng giảng phẩm thứ 40 của Kinh Hoa Nghiêm về phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện vào năm 1969. Những bài giảng này cũng được ghi âm lại trong một số cuộn băng lớn. Chúng tôi đã chạy những băng ghi âm đó bằng chiếc máy phát cũ kỹ kiểu xưa này. Chúng tôi đã nghe và dịch lại toàn bộ các bài giảng về Kinh Lăng Nghiêm, rồi làm tương tự như thế đối với tất cả các bài giảng về phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện. Chúng tôi luân phiên qua lại. Tôi nhớ có lẽ phải mất đến một năm để dịch hết các bài giảng về Phổ Hiền Hạnh Nguyện. Mấy năm trôi qua (từ năm 1977 đến năm 1985), chúng tôi phải nghe mỗi cuộn băng tổng cộng chừng sáu đến bảy lần. Vì thế, mỗi tối chúng tôi nghe những bài giảng Kinh được thâu băng này và vào những buổi chiều khi Sư Phụ ở chùa Kim Sơn, chúng tôi được nghe những bài giảng của Ngài về Phật Tổ Đạo ẢnhThủy Kính Hồi Thiên Lục.

Tôi đã dành toàn bộ thời gian ở chùa Kim Sơn Thánh Tự như thế. Tôi muốn thực hiện sám hối trước đại chúng, tại chùa Vạn Phật Thánh Thành đây về tất cả những lỗi lầm mà tôi đã tạo ra khi tôi làm Tỳ kheo từ những năm 1981 đến năm 1988. Hòa Thượng từ bi cho tôi thực hiện khóa sám hối này vào ngày 30/4/1988. Khỏi cần nói, thực sự khó khăn và lúng túng để nói ra tất cả những điều ngu ngốc mà tôi đã làm trước hàng trăm người. Buổi lễ sám hối đã được thực hiện ngay trước buổi giảng Kinh chiều như thường lệ của Hòa Thượng. Vào lúc đó, sau khi tôi thực hiện việc sám hối của mình, Hòa Thượng đã thuyết một bài Pháp không thể nghĩ bàn này. Thỉnh thoảng, tôi vẫn nghe các phần của bài giảng này trên băng ghi âm mà nó được phát ra trong suốt giờ thọ trai tại Trai Đường. Vì thế, lúc này tôi muốn chia sẻ một vài điều mà Hòa Thượng đã nói trong buổi thuyết Pháp rất cảm động này. Tôi đã may mắn được nghe những bài giảng của Hòa Thượng hàng nghìn lần. Tôi đã nghe chừng 1.200 bài giảng về Kinh Hoa Nghiêm và hơn 1.000 bài giảng các loại tại chùa Kim Sơn Thánh Tự và ở Vạn Phật Thánh Thành. Đây là một trong những bài giảng cảm động nhất mà tôi đã từng nghe. Và Hòa Thượng nói trong suốt buổi giảng rằng điều ấy không chỉ có ý nghĩa với riêng tôi, mà còn cho tất cả mọi người – tất cả các vị Tăng và Ni, và các cư sĩ ở Vạn Phật Thánh Thành đây. Bài giảng của Hòa Thượng có bốn phần.

Ở đoạn cuối của phần cuối cùng, Hòa Thượng đã nói với tôi rằng “Con biết không, con đã tạo vô số lỗi lầm. Con đã làm tất cả những điều sai trái này. Con nên ở đây và thực hành Vạn Phật Bảo Sám. Hãy thanh tịnh nghiệp tội của con. Hãy ở lại đây”. Vào lúc đó, trong suốt 14 năm tôi được học cùng với Hòa Thượng, tôi chỉ sống ở chùa Kim Sơn Thánh Tự. Bây giờ, Hòa Thượng bảo tôi nên sống ở Vạn Phật Thánh Thành và thực hiện Vạn Phật Bảo Sám. Và Hòa Thượng nói, “Thực hiện toàn bộ Vạn Phật Sám”. Như tôi đã đề cập, điều này xảy ra vào năm 1988, khi ấy khóa lễ Vạn Phật Bảo Sám mới được thực hiện lần thứ sáu tại chùa Vạn Phật Thánh Thành này. Vì thế, đó là lần đầu tiên tôi có thể thực hiện buổi lễ sám hối này và tôi đã thực sự có một kinh nghiệm tuyệt vời về việc này.

Vài ngày sau khi khóa sám hối bắt đầu, Hòa Thượng đi vào Phật Điện. Lúc đó là vào khoảng vừa quá trưa, ngay chính giữa thời lễ lạy. Hòa Thượng ra hiệu cho tôi đi bên Ngài ra cạnh Phật Điện. Rồi Hòa Thượng nói với tôi bằng tiếng Trung Hoa, “Có một con quỷ La sát đang muốn lấy mạng sống của con. Nếu con làm lộn xộn thêm lần nữa thì con coi như xong rồi!)”. Rồi tôi quay trở lại tiếp tục lễ lạy. Tôi đã rất trang nghiêm và thành kính. Sau khi thực hiện buổi sám hối thật xấu hổ này, tôi thực sự rất có động lực để nỗ lực trong việc tu hành tâm linh của mình. Và ngay vừa rồi, Hòa Thượng vừa mới nói với tôi rằng, một con quỷ La sát đang muốn giết tôi. Lúc này, tôi thực sự nỗ lực tu hành! Tôi cuối cùng ở lại Vạn Phật Thánh Thành chừng khoảng tám tháng. Sau đó, Hòa Thượng cho tôi trở về chùa Kim Sơn Thánh Tự.

Bây giờ, tôi muốn chia sẻ phần đầu về những hướng dẫn của Hòa Thượng vào lúc đó. Tuy nhiên, trước tiên tôi muốn đề cập rằng mặc dù Hòa Thượng rất nghiêm khắc và khắt khe, nhưng lòng từ bi của Ngài không thể nghĩ bàn. Vài tuần trước, tôi đã nghe ai đó kể một câu chuyện về Hòa Thượng khiến người nghe cảm thấy Ngài rất khắc nghiệt. Trong 15 đến 16 năm được phục vụ Hòa Thượng với vai trò là một trong số các thị giả của Ngài, điều được kể đó không phản ảnh đúng gì cả những kinh nghiệm của tôi với Ngài. Tất nhiên là như vậy, chúng tôi, mỗi người có những kinh nghiệm độc đáo của riêng mình với Hòa Thượng. Bất kể trong hoàn cảnh nào, Hòa Thượng luôn luôn vô cùng từ bi. Chắc chắn có những dịp đặc biệt như thế, có người nào đó cần phải được dạy bảo theo tình thương cứng rắn, nhưng thậm chí như vậy thì điều đó cũng được thực hiện bằng tấm lòng từ bi vô cùng vì lợi ích của người đó.

Phần đầu tiên trong những chỉ dẫn của Hòa Thượng lúc bấy giờ đã thể hiện khá rõ nguyên tắc này. Khai thị ấy như sau:

 

Các vị thiện tri thức, làm người cần:

“Sửa đổi lỗi mình,

Còn Thiện nào hơn.” (1)

Nhưng quý vị phải thực sự thay đổi. Nếu quý vị biết rõ ràng điều đó là sai trái mà vẫn tiếp tục làm, thì quý vị chắc chắn sẽ đọa địa ngục. Sẽ không có lịch sự về điều đó đâu.

Điều này đặc biệt đối với trường hợp những người đã xuất gia trở thành tu sĩ. Nếu quý vị cẩu thả khởi vọng tưởng –bất luận quý vị có xấu hổ hay không – nếu quý vị vẫn có kiểu vọng tưởng ô uế này, quý vị chắc chắn sẽ rơi xuống địa ngục. Đây không phải là do Chư Phật và Bồ Tát đẩy quý vị vào đó, mà là quý vị, chính quý vị đã tự đặt mình vào đó,

Tuy nhiên, nếu quý vị có thể sửa đổi và bắt đầu mới lại, thì:

Tội lớn đầy trời,

Sám hối sẽ tiêu. (2)

Người ta không nên sợ có lỗi mà chỉ nên sợ là có lỗi mà không chịu sửa đổi. Giờ đây, quý vị đang ở ngay lúc bắt đầu khóa lễ Vạn Phật Bảo Sám. Quý vị đã tạo vô số nghiệp tội. Quý vị nên hết sức ăn năn sám hối. Quý vị nên thống thiết nhìn nhận lỗi lầm và triệt để sửa đổi mọi sai trái trước đây. Hãy làm tốt việc lạy bái sám trước mười nghìn vị Phật. Quý vị không thể lười biếng hay cẩu thả.

Nếu quý vị có thể làm theo cách này, thì quý vị vẫn còn có hy vọng – nếu có thể sửa đổi. Dù ai mắc lỗi lầm, nếu có thể sửa đổi những lỗi lầm ấy, họ sẽ có hy vọng. Nhưng điều này chỉ có tác dụng nếu quý vị thay đổi.
Ghi chú:

(1) Nguyên văn Hoa ngữ:

過而能改,善莫 大焉

Quá nhi năng cải, Thiện mạc đại yên.

(2) Nguyên văn Hoa ngữ:

彌天大罪,一懺便消

Di thiên đại tội, nhất sám tiện tiêu.