(Những lá thư hai Thầy Hằng Thật và Hằng Triều viết cho Hòa Thượng Tuyên Hóa trong thời gian đi “Ba Bước Một Lạy” hơn 700 dặm trong 2 năm 6 tháng từ chùa Kim Luân ở Los Angeles đến Chùa Vạn Phật tại Talmage, California)(Nguyên Tác: News From True Cultivators published by the Buddhist Text Translation Society, Dharma Realm Buddhist University, City of Ten Thousand Buddhas, Talmage, California – 2003)
|
|
Mục lục:
- Lời tựa của Giáo Sư Huston Smith
- Lời Nói Đầu
- Hòa Thượng Tuyên Hóa: Sơ Lược Chân Dung
- Hằng Triều, Vị Hộ Pháp
- Những kẻ xấu ở khu phố Lincoln Heights
- Các người nghĩ các người đang ở đâu, ở Thánh địa Mecca chăng ?
- Những kẻ theo phái Moonies ở Beverly Hills
- Quán niệm của Hành giả
- Quá nhiều sân hận trên thế giới
- Phạm quy củ, làm bể kiếng
- “Chúng tôi đang cố gắng hết sức để về tới nhà!”
- Nói thì dễ mà làm thì khó
- Vọng Tưởng Gây Ðau Ðớn
- Có vẻ “ngu đần” trong chiếc áo tràng đời nhà Ðường
- Một bài thực tập khác về hạnh “quên mình vì người”
- Hai “tu sĩ” hành hung một thiếu niên
- Suýt chết trên Xa Lộ số 1
- Sai một ly, đi sai ngàn dặm
- Phạm giới khởi nguyên từ vọng tưởng
- A Di Ðà Phật!
- Ðạo Phật Ở Nước Mỹ
- Có phải là cái đó không? Chỉ chừng ấy thôi sao?
- Bảy dặm của đoạn đường nguy hiểm nhất
- Làm thế nào ông có thể đi sai được?
- Tôi có thể nghiền ngẫm một câu kệ trong nhiều tuần
- Nhưng không có gì để bám vào
- Những sinh vật ngoài không gian đang đến
- Tháo băng vết thương cũ
- Tu Sĩ và những người khiêu khích
- Đừng khóc, hãy chết đi!
- Tìm Cái Giả Trong Cái Thật
- Nhân Duyên với Phật Tỳ Lô Xá Na
- Đau đến cực điểm
- Nghĩ thế nào thì nhận thế nấy!
- San Francisco !
- Chân lý phải là điều đơn giản
- Đừng dính mắc mầm bệnh
- Kinh “Tự ngã”
- Chỉ nhìn xem nó phát triển như thế nào!
- Các con chỉ là những đứa trẻ, đương nhiên là không tin rồi!
- Đừng nghĩ!
- Phụng sự Phật pháp
- Từ bi là vô thượng
- Bồ Đề đạo tràng nơi hoang dã
- Nhất Thiết Duy Tâm Tạo
- Bồ Tát Đạo là nhà
- “Vật bay” xâm nhập Trái đất
- Vở Kịch Lớn
- Tất cả đều là thử thách
- Một người phụ nữ già dành cả cuộc đời trong bóng đêm
- Tư tánh của con chứa hết thảy các pháp
- Đến một ngày, bạn sẽ biết Thiền là cao nhất
- Tôi đã tu tập Tham Sân Si
- Ngũ Vị Làm Tê Lưỡi
- Thế Giới Hiện Đại Đã Huấn Luyện Người Ta Tranh Giành
- “Xììì…” Như Tiếng Bánh Xe Bị Xẹp
- Lão Khờ
- Pháp Hội !
- Một Người Phải Trải Qua Rất Nhiều Thay Đổi
- Họ Đang Làm Gì Đó và Chẳng Làm Gì Cả!
- Không Giết Hại
- Làm Sao Có Thể Cắt Cỏ Hết Được?
- Ẩn Mình Trong Phòng Kín, Quan Sát và Chờ Đợi
- Tôi Cá Rằng Không Trở Thành Người Xuất Gia Là Điều Khó
- Những Kẻ Nói Thị Phi Sẽ Đoạ Địa Ngục
- Sắc Đẹp và Sức Khoẻ Sẽ Tàn Phai
- Là Thầy Tu hay Là Con Chồn Hôi
- Không Có Chỗ Nào Để Chạy Trốn Hay Ẩn Nấp
- Căn Bản Thì Ngay Cả Một Vị Phật Cũng Chẳng Có
- Tại Sao Tôi Lại Bị Ném Bong Bóng Nước?
- Tuân Thủ Giới Luật
- Những Gì Chúng Con Cho Đi Chính Là Bản Thân Mình
- Trong Tu Hành, Mọi Việc Là Tự Nguyện
- Cách Nhà 13 Dặm
- Con Có Thể Đi Trên Con Đường Của Thiên Đường
- Lễ Lạy Là Để Từ Bỏ Tánh Ích Kỷ
- Tái bút của Quả Chân (tháng 3, 2011)
- Tái bút của Quả Đình (tháng 3, 2011)
Phụ lục:
“Thông cáo báo chí – Chuyến hành hương Phật Giáo của người Mỹ”
Các bài nói chuyện trong buổi lễ chào đón Thầy Hằng Thật và Thầy Hằng Triều về đến VPTT (11/1979)
Lời tựa của Giáo Sư Huston Smith:
Tôi đã viết lời tựa cho hơn 45 cuốn sách, nhưng tôi có thể nói không chút ngại ngần rằng tôi chưa bao giờ thấy vinh hạnh và nhún nhường như khi tôi được mời để viết lời tựa cho cuốn sách này. Đây là một cuốn sách bị sót quên nhất của thế kỷ 20 – tôi hoàn toàn tự tin và thẳng thắn khi nói như vậy.
Suy nghĩ về điều này cho thấy là hợp lý, vì sự khiêm nhường đòi hỏi rằng tâm linh đích thực và quan hệ với công chúng tương phản với nhau (“Khi bạn cầu nguyện, hãy vào trong tủ nhỏ”). Khiêm tốn biểu lộ trong việc chữ “Tin tức” trong tựa đề là do hình thức những lá thư hàng ngày viết cho Hòa Thượng Tuyên Hóa, do hai đệ tử của Ngài đã thực hiện cuộc hành trình 800 dặm từ Chùa Kim Luân ở Nam Pasadena đến Vạn Phật Thánh Thành gần Ukiah. Họ đã đi hết đoạn dường này theo phương cách sám hối truyền thống:
Ba bước Một lạy. Một người phát nguyện hoàn toàn im lặng trong suốt thời gian của cuộc hành hương và thêm ba năm nữa; còn người kia thì quản lý các vấn đề thực tế khác, đảm trách tất cả các việc nói chuyện, lái xe, nấu ăn, và đối phó với những người khách thù địch thỉnh thoảng xảy ra, trong khi vẫn tìm thời gian để lễ lạy.
Nói rằng đây là quyển sách của thế kỷ 20 bị sót quên nhất, tôi chỉ muốn thêm rằng tôi tìm thấy đây là một trong những quyển sách gây cảm hứng nhất. Qua những lá thư này có thể nhìn vào (và tham gia dù chỉ là thể nghiệm gián tiếp) cuộc sống hàng ngày và các giao tiếp của hai Chân Hành Giả làm cho việc đọc sách này giúp thăng hoa tinh thần gần như tôi đọc Kinh Thánh. Vì vậy, đối với hai Chân Hành Giả này, tôi chắp tay cung kính lễ.
– Huston Smith, May, 2009
Lời nói đầu
Ba bước, một lạy – ba bước dọc theo cạnh xa lộ, rồi lạy một lạy xuống đất; đầu gối, cùi chỏ, bàn tay, trán đều chạm đất, rồi đứng lên, chắp tay, bước thêm ba bước, rồi lại lạy thêm một lạy. Hết giờ này sang giờ khác, ngày này sang ngày khác, trong hai năm rưỡi, họ hành hương lễ lạy theo cách đó. Tại Trung Hoa, những Phật tử thành tâm có những lúc thực hành công việc khó khăn có tính cách cầu nguyện là ba bước một lạy trong vài trăm thước cuối cùng trước khi đến một nơi thánh địa. Nhưng đây là California, và hai tăng sĩ hành hương này là người Mỹ trẻ tuổi. Mặc áo tràng và giới y, không mang tiền bạc, không trang bị gì ngoài kỷ luật và lòng thành kính, họ đã đi bộ và lạy 800 dặm (1) dọc theo vệ đường nhỏ hẹp của Xa Lộ Ven Biển Thái Bình Dương. Mỗi ngày tiến triển một dặm, họ lạy từ trung tâm thành phố Los Angeles về phía bắc dọc theo bờ biển, xuyên qua Thành phố Santa Barbara và dọc theo vùng Big Sur, xuyên qua thành phố San Francisco và qua cầu Cựu Kim Sơn, rồi lạy xa thêm 100 dặm (2) về phía Bắc để đến Vạn Phật Thánh Thành, một trung tâm giáo dục và tôn giáo vừa được thành lập taị quận hạt Mendocino. Khi lễ lạy, họ cầu nguyện thế giới không còn thiên tai, tai họa và chiến tranh.
Vị tăng sĩ tịnh khẩu dẫn đầu là Thầy Hằng Thật. Thầy từ thành phố Toledo , tiểu bang Ohio , vào năm 1974 Thầy đã tự tìm đường đến Tu Viện Kim Sơn Thiền tự tại San Francisco. Tại đó trên một đường phố cạnh khu Mission, có một cao tăng Trung hoa là Hòa Thượng Tuyên Hóa, đang sống thầm lặng trong khi thực hiện công việc tiên phong của ngài là gieo trồng lại truyền thống tăng đoàn Phật Giáo tại phương Tây . Nhờ đức hạnh và trí tuệ của Hòa Thượng làm cảm động, Thầy Hằng Thật đã gia nhập với những người trẻ tuổi Hoa Kỳ khác thọ nhận pháp danh và toàn giới của một tăng sĩ Phật Giáo.
Trong thời gian học hỏi tiếp theo, Thầy Hằng Thật được đọc về cuộc hành hương lễ lạy do Hòa Thượng Hư Vân thực hiện vào thập niên 1880, ngài là một tăng sĩ Trung hoa đặc biệt nhất trong thế hệ của ngài. Hòa Thượng Hư Vân đã lạy mỗi ba bước qua suốt bề rộng của nước Trung Hoa; và mất đến năm năm. Thầy Hằng Thật biết rằng Hòa Thượng Hư Vân là Tổ Sư của dòng thiền Quy Ngưỡng của Thiền tông, và Thầy biết Hòa Thượng trụ trì và cũng là Thầy của Thầy, tức là Hòa Thượng Tuyên Hóa, là vị tổ sư hiện tại, đã nhận được sự truyền pháp từ Hòa Thượng Hư Vân vào năm 1949. Do sự liên hệ gần gũi này gây hứng khởi, Thầy Hằng Thật đã xin Hòa Thượng Tuyên Hóa để được thực hiện chuyến đi hành hương ba bước một lạy. Hòa Thượng chấp thuận nhưng lại nói “Hãy chờ đợi!”. Thầy Hằng Thật phải chờ đợi một năm. Hòa Thượng Tuyên Hóa cho biết điều mà Thầy Hằng Thật cần là một người đồng hành và là người hộ pháp thích hợp. Đó là Thầy Hằng Triều. Vốn quê quán từ thành phố Appleton, tiểu bang Wisconsin, Thầy Hằng Triều đã đến thành phố Berkeley để học võ thuật, và đã trở nên một người tài giỏi về nhiều môn phái võ thuật. Khi người thầy dạy Thái Cực Quyền cuối cùng có nói với Thầy là “Thiền định cao hơn bất cứ võ thuật nào.”, Thầy Hằng Triều đã qua bên kia Vịnh để theo học tại Tu Viện Kim Sơn. Khi vừa nghe lời nguyện của Thầy Hằng Thật, Thầy liền hỏi là Thầy có thể đi theo để cùng lễ lạy được chăng. Và chỉ trong vòng một tuần, Thầy Hằng Triều thọ giới Sa Di và phát nguyện chính thức cùng đi lễ lạy bên cạnh Thầy Hằng Thật, đồng thời phụ trách các công việc như nấu nướng, dọn dẹp, dựng lều, và tiếp chuyện với những người xa lạ.
Như vậy cuộc đi hành hương bắt đầu. Hòa Thượng Tuyên Hóa tiễn đưa họ khi họ rời Tu Viện Kim Luân ở Thành Phố Los Angeles vào ngày 7 Tháng 5, năm 1977. Đối với Thầy Hằng Triệu, là một nhà võ thuật, Hòa Thượng nói: “Con không được dùng võ thuật trong chuyến hành hương. Lời nguyện của Thầy Hằng Thật là mong muốn chấm dứt những thiên tai, tai họa và chiến tranh; như thế làm sao con có thể tự mình dùng bạo lực đuợc? Nếu một trong hai con đấu tranh, hay thậm chí đắm chìm trong cơn giận, các con sẽ không còn là những môn đệ của ta.” Về việc bảo vệ tránh những nguy hiểm trên đường hành hương, Hòa thượng Tuyên Hóa chỉ dẫn họ hãy thực hành bốn vô lượng tâm của Bồ tát là Từ, Bi, Hỷ và Xả. Đó hẳn nhiên không phải là lần cuối cùng mà hai vị tăng sĩ lễ lạy cần đến lời khuyên của Thầy của họ.
Trên đường, hai người hành hương nghiêm ngặt tuân theo kỷ luật tu viện của họ – mỗi ngày chỉ ăn một bữa chay; không vào trong nhà, ngủ ngồi trong chiếc xe băng rộng Plymouth đời 1956 cũ kỹ được dùng làm nơi trú ngụ của họ. Vào những buổi tối sau một ngày lễ lạy, họ học Kinh Hoa Nghiêm qua ánh sáng của ngọn đèn dầu. Họ dịch những đoạn kinh sang tiếng Anh và cố gắng áp dụng đạo lý trong Kinh với những kinh nghiệm ngoài đường hàng ngày của họ, như thầy của họ đã khuyến khích họ làm. Những tăng sĩ này bảo vệ sự tập trung tâm trí của họ bằng cách tránh đọc báo, bằng cách tắt máy radio, và bằng cách giữ thời biểu thiền tập nghiêm ngặt. Thầy Hằng Thật giữ nguyện tịnh khẩu trong suốt chuyến hành trình, vì vậy trả lời những câu hỏi của nhiều người gặp trên đường trở thành công việc của Thầy Hằng Triều. Thỉnh thoảng có những người đến thăm với thái độ thù nghịch, một số người đe dọa dùng bạo lực, nhưng đa số thì hiếu kỳ, và thường những kẻ hiếu kỳ lại trở thành những người hộ pháp cho các tăng sĩ này, mang đến thức ăn và những đồ dùng cho đến khi những tăng sĩ này lễ lạy ra khỏi khu vực.
Tất cả những điều quan trọng xảy ra trên xa lộ – những lỗi lầm và trưởng thành, những thử thách và những cuộc gặp gỡ đáng chú ý, những nguy hiểm và những thâm giải , việc nỗ lực dụng công bằng thân thể và tâm trí – những người hành hương đều báo cáo lại trong những bức thư gởi đến Hòa Thượng Tuyên Hóa. Ngài đích thân trả lời bằng cách thỉnh thoảng đến thăm viếng họ, cho họ những hướng dẫn tâm linh vô giá, những khiển trách, những câu chuyện vui, và những khai thị vừa cao siêu vừa bình phàm vào đúng lúc. Những bức thư đó là nội dung của quyển sách này.
Những bức thư này viết ra không có ý niệm là để xuất bản, mà chỉ là phương tiện hai vị tăng dùng để cố gắng chân thành cởi mở nói ra những kinh nghiệm trên đường của họ. Như vậy, những bức thư này lưu giữ lại một ký sự không tô vẽ về một cuộc hành trình tâm linh xác thực
_____________
Chú thích:
(1) khoảng 1300 Km
(2) khoảng 160km
Hòa Thượng Tuyên Hóa: Sơ Lược Chân Dung
Có lần Hòa Thượng nói “Tôi đã có rất nhiều tên, mà tất cả tên đó đều là giả cả”. Lúc còn trẻ Ngài được biết đến với biệt hiệu Bạch Hiếu Tử (“Người con hiếu thảo họ Bạch”), khi còn là một vị tăng trẻ, Ngài có pháp danh “An Từ”. Về sau ở Hương Cảng, Ngài có pháp danh “Độ Luân” và cuối cùng ở Mỹ Ngài có pháp hiệu “Tuyên Hóa”, có thể được dịch là “Người tuyên dương đạo lý chuyển hóa”. Nhưng đối vời hàng ngàn đệ tử khắp thế giới thì Ngài luôn là “Sư Phụ”, người cha, người thầy, một danh từ hỗn hợp dùng để diễn tả mối quan hệ đặc biệc giữa vị thầy và người đệ tử.
Ra đời vào năm 1918 trong một gia đình nông dân tại một làng nhỏ của bình nguyên Mãn Châu, Hòa Thượng là người con út trong số mười người con. Ngài chỉ đi học được hai năm, trong thời gian đó Ngài học các bài văn cổ điển (Tứ Thư Ngũ Kinh) và quyết chí nhớ thuộc lòng phần lớn các sách đó. Lúc còn là thiếu niên, Ngài đã mở trường dạy học miễn phí cho cả người lớn và trẻ em. Vào lúc đó Ngài cũng bắt đầu thực hành một trong những pháp môn kéo dài suốt cả đời mình, đó là Lễ Bái. Mỗi ngày ở ngoài trời, trong mọi thời tiết, Ngài vẫn lạy hơn 800 lạy như một cách để bày tỏ sự kính trọng đối với mọi người thiện và thiêng liêng trong vũ trụ. Khi Ngài 19 tuổi thì mẹ Ngài qua đời và trong 3 năm Ngài tưởng niệm thân mẫu bằng cách ngồi thiền thủ hiếu trong một túp lều bên cạnh mộ bà.
Cũng trong thời gian đó, vị Đại tổ sư thiền tông của thế kỷ thứ bảy, Ngài Huệ Năng, đã hiện thân trước Hòa Thượng Tuyên Hóa và tiên đoán Ngài sẽ đến Mỹ để truyền pháp. Như một bước đầu tiên để thực hiện mục đích đó, Hoà Thượng đã xuất gia tại chùa Tam Nguyên ở Mãn Châu và nhận Hòa Thượng Thường Trí làm Thầy vào cuối thời kỳ cư tang.
Tiếp theo đó, Ngài thọ giới Tỳ kheo tại Phổ Đà Sơn. Trong suốt 10 năm Ngài ra công nghiên cứu kinh tạng Phật Giáo cũng như tu hành tinh thông cả hai phái Mật Tông và Thiền Tông của Phật Giáo Trung Hoa. Ngài cũng đọc và nghiên cứu kinh văn của Thiên Chúa Giáo, Lão Giáo và Hồi Giáo. Cho nên ở tuổi 30, qua kinh nghiệm bản thân, Ngài đã tạo dựng nên bốn nền tảng chính cho giáo hội của mình sau này ở Mỹ: Trên hết là truyền thống tăng đoàn, vai trò quan trọng của giáo dục, sự cần thiết cho Phật tử tự đứng vững trong các pháp tu hành cổ truyền cũng như đối với các kinh văn chính thống; và tầm quan trọng của sự thông hiểu và quý trọng đối với nhau giữa các tôn giáo. Vào năm 1948, Hòa Thượng đi về miền nam Trung Hoa để diện kiến Hòa Thượng Hư Vân lúc đó đã 108 tuổi và là vị thầy bậc nhất của Trung Hoa. Từ Hoà Thượng Hư Vân, Ngài được truyền thừa dòng mạch tổ của phái thiền Quy Ngưỡng. Sau đó Ngài rời Trung Hoa để đến Hương Cảng. Tại đây, Ngài sống hơn mười mấy năm. Trong thời gian đầu Hòa Thượng ẩn tu, sau đó Ngài thành lập 3 tu viện và giảng pháp tại đó. Cuối cùng vào năm 1962, Hòa Thượng đến Hoa Kỳ theo lời mời của một số đệ tử Hồng Kông của Ngài, những người đã đến lập nghiệp tại San Francisco.
Vào năm 1968, Hòa Thượng thành lập Phật Giáo Giảng Đường trên một tầng lầu tại phố Hoa-kiều của thành phố San Francisco. Tại đó Ngài bắt đầu thuyết pháp bằng tiếng Hoa vào mỗi tối cho một số thính giả thanh thiếu niên người Mỹ. Các bài giảng của Ngài là về các bộ kinh lớn của Đại Thừa. Vào năm 1969, Ngài đã làm cộng đồng tăng ni tại Đài Loan ngạc nhiên khi gởi hai Sa di ni và ba Sa di người Mỹ đến để thọ giới Tỳ-kheo, cả năm người sa di tập sự này đều được huấn luyện đầy đủ và đều rành rẽ một phần nào về tiếng Hoa và về các bộ kinh chánh. Trong những năm kế tiếp, Hòa Thượng đã đào tạo và làm lễ thọ giới cho hàng trăm vị tăng ni từ khắp nơi trên thế giới đến California để tu học với Ngài. Những vị đệ tử xuất gia này hiện đang giảng dạy tại hơn hai mươi ngôi chùa, tu viện và tùng lâm mà Ngài đã thành lập tại Mỹ, Gia Nã Đại và nhiều nước Á Châu khác. Mặc dù Ngài hiểu khá rành Anh Ngữ và nói được khi cần thiết nhưng Hòa Thượng Tuyên Hóa hầu như lúc nào cũng thuyết pháp bằng Hoa Ngữ. Mục đích của Ngài là khuyến khích các đệ tử Tây Phương học tiếng Hoa và các đệ tử người Hoa học tiếng Anh để họ có thể trở thành những người phiên dịch các bộ kinh lớn Đại Thừa. Và nhìn chung, ý định của Ngài đã được thành tựu. Cho đến nay Hội Phiên Dịch Kinh Sách do Hòa Thượng thành lập đã cho xuất bản hơn 130 sách kinh phiên dịch từ các bộ kinh lớn, cùng với một số sách tương đương về các chú giải, khai thị và các câu chuyện từ những buổi thuyết pháp của Ngài.
Là một nhà giáo dục, Hòa Thượng Tuyên Hóa làm việc không mệt mỏi. Từ năm 1968 đến giữa thập niên 80, Ngài đã thuyết giảng hằng chục lần mỗi tuần, và Ngài cũng đi thuyết giảng rất nhiều khắp mọi nơi. Tại Chùa Vạn Phật ở Talmage, California – mục tiêu của cuộc hành trình bái lạy của hai Thầy Hằng Thật và Hằng Triều – Hòa Thượng đã chính thức thành lập một chương trình huấn luyện cho người xuất gia và tại gia; các trường tiểu học và trung học cho nam sinh và nữ sinh, trường Đại học Phật Giáo Pháp Giới cùng các chi nhánh của trường đại học, Viện Tôn Giáo Thế Giới ở Berkeley. Hòa Thượng nêu ra sáu tôn chỉ, đó là không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi và không nói dối. Mặc dù Ngài thán phục tinh thần độc lập của người tây phương nhưng Ngài tin là họ cũng cần một nền tảng đạo đức. Ngài dạy rằng điều quan trọng nhất trong sự tu hành tâm linh là sự chuyển hóa từ bên trong của bản tánh và từ đó mang lại sự phát triển đức hạnh.
Hòa Thượng Tuyên Hóa đặt trọng tâm đến quan hệ liên tôn giáo và Ngài hoan hỷ trong các cuộc nói chuyện với các tôn giáo khác nhau. Ngài thường nhấn mạnh đến các điểm giống nhau giữa các truyền thống tôn giáo, nhất là sự chú trọng đến đức hạnh, từ bi và trí huệ. Ngài cũng là người đi tiên phong tạo nhịp cầu giữa các truyền thống Phật Giáo quốc gia khác biệt, ngoài ra Ngài cũng thường mời các vị sư từ các quốc gia Phật Giáo Nguyên Thủy đến California để cùng nhau chia sẻ trách nhiệm truyền giới. Đối với Hòa Thượng, điểm chính yếu của tất cả tôn giáo có thể được tóm tắt lại trong một chữ: Đó là trí huệ.
Hằng Triều, Vị Hộ Pháp
Ngày 11 tháng 5 năm 1977
Kính thưa Sư Phụ,
Con chí tâm quy y Sư Phụ,
Xin Sư Phụ từ bi thương xót hết thảy chúng sanh!
Việc lễ bái này cũng tương tự như một khóa tham thiền. Mọi thời khắc luôn chuyên nhất quả thật là khó khăn, chúng con từ từ tiến bộ vững vàng. Ba bước, một lạy.
Thầy Hằng Triều là một vị hộ pháp đắc lực. Thầy đã cứu chúng con thoát khỏi một tình cảnh nguy hiểm mà chính thầy sẽ tường thuật lại dưới đây. Các cư sĩ tại gia (1) đã bảo hộ và lo lắng cho chúng con rất kỹ lưỡng. Con không nói chuyện nhiều (2). Ðây là cơ hội tốt mà thệ nguyện của đệ tử có thể được thực hành viên mãn, nghĩa là chỉ nói ra những lời nhằm phụng sự Tam Bảo. Ðệ tử cảm kích bất tận về dịp may tu Ðạo này.
Hằng Thật
*****
Kính thưa Sư Phụ,
Muốn duy trì sự an toàn kỳ diệu của chúng con thì cần phải có tánh thận trọng. Cho tới nay, chúng con chỉ mới gặp phải một vài chướng ngại tương đối nhỏ nhoi, nhưng lại nhiều thử thách.
Ngày thứ nhất, chúng con bắt đầu lễ bái dọc theo các quán rượu trong một khu vực hung bạo. Rất nhiều gã say rượu hắc búa. Vì là lần đầu tiên đơn độc lễ bái ngoài đường phố nên chúng con không khỏi bị đôi chút áp đảo. Lại thêm ướt át và lem luốc bởi đường sá vẫn còn ẩm ướt bùn lầy (mưa vừa tạnh, bầu trời hơi quang đãng khi chúng con bắt đầu lễ lạy), nên trông chúng con không được oai nghi lắm. Sang cái lạy thứ nhì thì có chuyện liền.
Một gã say rượu cao lớn từ đằng sau vỗ vai con mà bảo rằng: “Ê, bạn làm cái gì ở đây vậy?” Con cố gắng giải thích một cách yếu ớt trước sự sửng sốt của hắn. Hắn đứng cách con chừng ba tấc (7 inches). Hắn từ từ rút trong ví ra một tấm ảnh Chúa Giê su (Jesus) với mái tóc dài hippy và nét mặt nhạy cảm. Hắn cứ đưa qua đưa lại bức ảnh trước mặt con, có vẻ chờ đợi. Con khéo léo tiến đến sát bên thầy Hằng Thật. Một chiếc xe hơi thuộc loại souped-up chạy vụt qua: “Nè mấy tên quái đản, hạn cho tụi bây từ đây đến hoàng hôn phải ra khỏi chỗ này!” Ồ, chúng con chỉ mới ra lạy có ba phút thôi mà đã lắm thử thách rồi.
Chúng con tiếp tục lê bước. Nhiều nhóm người tụ tập đằng trước bởi những lời truyền miệng lan nhanh. Có tiếng cười nhạo báng: “Các ông vĩnh viễn không đến đâu được bằng cách đó cả, ha, ha…”
Một người khác chế giễu: “Kìa, Joe! Họ đang chúc phước cho trạm xăng của mày kìa! Ha, ha..”
Có vài người đi ngang qua chúng con, xem chúng con như là những thớt gỗ. Họ cũng không khác biệt gì, như đang nhập thiền định Ti-vi vậy. Nhưng khi chúng con lạy đến thì các nhóm người lại tự động rã ra. Dường như đối với họ chúng con cũng ra vẻ thế nào lắm!
Họ thách thức chúng con bằng lời nó – không hiệu quả. “Ê, tưởng tượng xem tao sẽ đá đít bọn chúng khi chúng quỳ xuống!” Không phản ứng. Một nhóm đàn ông đông hơn tụ họp ở góc phố. Người cầm đầu tướng cao ráo khoảng gần 1 thước 9 (6′ 5″). Một tên đàn em của hắn chen vào giữa chúng con, vỗ vào đầu chúng con, rồi cũng lạy theo, cố tình khiêu khích chúng con. Không phản ứng. Thầy Hằng Thật không ngừng tiến tới phía trước. Con cố thu ngắn khoảng cách. Ðột nhiên, họ tự giải tán, và bảo tên đàn em cứ lẽo đẽo theo chúng con: “Cho họ lạy qua đi, họ sẽ không làm gì đâu!” Chúng con lạy qua nơi đó. Con có cảm giác là hai tên cầm đầu vẫn bám sát chúng con ở đằng sau. Rất khó xả bỏ tất cả công phu võ thuật mà con đã tập luyện hằng bao nhiêu năm trời (3), nhưng con biết rằng không có sự hộ vệ bằng sức mạnh nào có thể cứu được người hành giả thành tâm. Chúng con vẫn đi, vẫn lạy… Cuối cùng, gã to lớn đứng hẳn sang một bên và lễ phép hỏi: “Xin lỗi ông, ông có thể cho tôi biết là các ông đang làm gì không?” Con gật đầu, lạy xong một lạy, rồi đứng dậy giải thích.
“Ồ, kỳ lạ quá, ông ta không nói chuyện à? Công việc của các ông không dễ đâu. Cầu cho thế giới hòa bình, tôi cũng tán thành. Lạy đến tận Ukiah! Ông Phật này là gì? v.v..” Họ đã xúc động. Một cái gì đó vừa dịu dàng vừa chân thành đang lộ ra. Ranh giới biến mất. Băng đá tan thành nước. Gã nói: “Chúc các Ngài bình an,” và làm dấu thánh giá chúc phước lành cho chúng con trước khi bỏ đi: “Hãy cẩn trọng!”
Chúng con mệt lử! Ðã đến lúc phải tìm nơi cắm trại. Mây lại vần vũ. Trời sắp mưa. Quên mang giấy vệ sinh.
Hai giờ rưỡi sáng. Chúng con đậu xe đối diện với xưởng bánh tortilla ở Nam Pasadena. Con thức dậy tụng chú. Con nghe có tiếng bước chân lê lết trên đường và tiếng người thì thầm. Một cái bóng băng vụt qua bên phải chiếc xe. Bang! Một cánh tay thò qua cửa sổ xe không đóng, cố mở chốt cửa. Bên ngoài, chó sủa inh ỏi. Con la lên: “Ê!” Con nhìn thấy bốn bóng đen bỏ chạy. Họ tụ tập lại dưới đường phố. Một lát sau, con nghe có tiếng đá văng chạm vào lề đường chung quanh xe chúng con. Con chùi lớp sương mỏng trên cửa xe và trông thấy bọn họ, bây giờ với gậy gộc trong tay, đang tiến dần về phía chúng con. Họ ném đá và dàn ra giữa đường để tấn công chúng con. Con nhảy vào ghế, mò mẫm tìm công tắc và cho nổ máy xe. Máy không nổ. Hoảng hốt. Con niệm danh hiệu Quán Âm Bồ Tát và cố thử lần nữa. Rù… rù! Tiếng máy gầm lên. Con lái xe vụt ra đường. Một người trong bọn họ nhảy đến định ngăn cản, nhưng chúng con chạy thoát kịp!
Chúng con đến Chùa Kim Luân, đậu xe ngay lối ra vào và ngủ ở đó cho đến bốn giờ sáng. Tinh thần mệt nhọc. Hôm nay là một ngày thử thách lớn lao.
Chúng con vô tình giết chết nhiều kiến và côn trùng nhỏ nằm dưới tay chân chúng con trong khi lễ bái. Mỗi ngày, chúng con cảm thấy sức lực kiên cường hơn, và chuyên nhất thêm. Mơ màng trong mơ màng, mơ thấy mình lễ bái qua suốt vùng L.A. Ba Bước, Một Lạy, thật là huyền diệu không thể nghĩ bàn.
Bình an trong Ðạo,
Hằng Triều
******
Chú thích:
(1) Cư sĩ họ Trương, Bà Phương Quả Ngộ, Hoàng Alice, và hai vợ chồng họ Hồ. (bản Hán văn, quyển thượng, trang 12)
(2) Thầy Hằng Thật phát nguyện hoàn toàn không nói chuyện trong suốt cuộc hành trình “Ba Bước, Một Lạy,” trầm mặc hồi hướng công đức. (bản Hán văn, trang 12)
(3) Thầy Hằng Triều vốn là cao thủ đai đen của Không thủ đạo. Thầy cũng dạy Thái cực quyền và Thiếu lâm quyền trong nhiều năm. (bản Hán văn, trang 14)
******
Những kẻ xấu ở khu phố Lincoln Heights
Thứ bảy, ngày 14 tháng 5 năm 1977.
Kính thưa Sư Phụ,
Chúng con tiếp tục lạy khoảng một dặm rưỡi mỗi ngày, tính ra, trung bình là năm tiếng đồng hồ đi lạy và một tiếng rưỡi nghỉ ngơi (cứ sau một tiếng thì nghỉ hai mươi phút). Chúng con thức dậy lúc bốn giờ sáng để tụng kinh sáng, rồi chấm dứt vào khoảng sáu giờ chiều để tắm rửa và tụng kinh tối như thường lệ. Mỗi ngày còn có giờ học Thái cực quyền với Thầy Hằng Triều vào buổi sáng; tối đến thì chúng con đọc và dịch một đoạn ngắn trong Kinh Hoa Nghiêm trước khi tụng bốn mươi chín lần những câu đầu của chú Lăng Nghiêm, rồi sau đó mới nghỉ ngơi. Chúng con sống trong chiếc xe Falcon van cũ kỹ của một người Ưu bà tắc, ngủ ngoài đường phố L.A. và giặt rửa trong công viên. Thức ăn thọ trai của chúng con là do nhiều Ưu bà di hộ pháp mang đến. Các Ưu bà tắc và Ưu bà di luôn chăm sóc, lo lắng cho chúng con. Nhờ họ mà cuộc hành trình của chúng con được trôi chảy thuận lợi – họ giúp nhận các thư từ từ cảnh sát, cho chúng con tiền cắc để bỏ vào cột đậu xe (parking meter) v.v… Một buổi sáng nọ, vì trời mưa nên chúng con lạy trong nhà đậu xe của cư sĩ họ Woo và thọ trai ở đó (1). Chúng con lạy qua một khu phố hỗn tạp mang tên Lincoln Heights. Chúng con lạy đến trước trường Trung học Lincoln ngay lúc vừa tan học. Lập tức, chúng con bị bao vây bởi một nhóm khoảng bốn mươi hay năm mươi học sinh vừa la hét vừa chửi thề tục tĩu. Khi thấy rằng những lời nói của chúng không lay động nổi chúng con, bọn chúng bắt đầu cười rộ, và chẳng bao lâu sau, chúng bắt chước lạy đằng sau chúng con, cho đến lúc có tới mười bốn nam sinh sắp hàng lạy Kinh Hoa Nghiêm. Tất cả bọn chúng đều tỏ ra cung kính hơn sau khi lạy được chừng sáu lạy – những đứa thô lỗ nhất không thể theo nổi – và chúng bỏ đi, lặng lẽ và điềm tĩnh. Ngày đó không có chuyện gì rắc rối nữa cả.
Ngày kế, lúc mười giờ sáng, đột nhiên con có linh tính là ma quân đang chuẩn bị một cuộc khảo nghiệm khác ở đâu đó, một sự thách thức có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Sáng thứ sáu, khi lạy đến gần cuối khu vực Lincoln Heights vào lúc 10 giờ 15, con linh cảm là có chuyện gì đằng trước, nhưng vì con đã tháo mắt kính ra và đôi mắt luôn dán chặt vào chót mũi trong suốt cuộc hành trình nên không thấy được nhiều chi tiết nhỏ nhặt trên đường đi. Sau này thầy Hằng Triều kể cho con nghe về những gì mà thầy mục kích. Một băng gồm năm lão già tụ họp tại một quầy bánh taco ở góc đường. Một gã trong bọn đúng là một con quỷ – đã xấu xí mà hình thù lại kỳ dị như một quả lê. Gã nhảy nhót vòng vòng và chỉ trỏ về phía chúng con, tay cầm một cây roi sắt xoắn nhọn hoắt, dài chừng một thước rưỡi (5′). Gã kéo một thùng rác tới trước để chận lối đi của chúng con, rồi dùng roi đập vào thùng rác gây ra những âm thanh chát chúa, đinh tai nhức óc và làm móp méo hết các góc cạnh của nó; gã cứ chỉ tay về phía chúng con và cố khiêu khích đồng bọn nhập cuộc. Thầy Hằng Triều nói rằng gã ấy đích thực là một tên bất lương chính hiệu. Vì mải lạy nên con không thấy rõ việc này, nhưng đột nhiên con có trực giác mạnh mẽ về một sự trợ giúp vô hình, một sự hiện diện với thiện lực kỳ diệu. Con cảm thấy thật bình tĩnh, thanh thản và nhẹ nhõm (2).
Thầy Hằng Triều nói rằng ngay khi con lạy thẳng vào giữa đám người tại quầy bánh taco này, thì tên đầu đảng bỗng lao vụt ra như tia chớp. Từ thái độ hung hãn, hống hách, hắn chợt trở nên nhu hòa, ngoan ngoãn như một đứa trẻ. Còn những gã khác thì ngồi bất động tại bàn ăn của họ khi con lạy quanh thùng rác dưới chân họ và băng qua đường để lạy ở phía bên kia. Một thanh niên tươm tất tiến ra cửa và lịch sự hỏi: “Thưa ông, ông có thể cho tôi biết về tôn giáo của các ông chăng? Tôi rất cảm kích về hành động của các ông…” Thầy Hằng Triều giải thích ngắn gọn về mục đích của cuộc hành trình. Thầy cắt nghiã thật khéo léo.
Ðệ tử không dám cả quyết ai là người đã dẫn dắt chúng con vượt qua những đường phố ở Los Angeles, nhưng chắc chắn là có một vài sự cảm ứng thù thắng xảy ra vào buổi sáng hôm đó.
“Nếu có chúng sanh nào có tâm niệm thù hằn đối với Bồ tát, thì Bồ tát vẫn luôn nhìn chúng sanh ấy với ánh mắt từ ái và cho đến điểm cuối cũng vẫn không có một mảy may giận hờn.”
-Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Hồi Hướng.
Ðệ tử Hằng Thật kính cẩn đảnh lễ.
Chú thích:
(1) Quy củ của Ba Bước Một Lạy là không được vào nhà của cư sĩ. (bản Hán văn, trang 16)
(2) Khoảng độ mười trượng ở phía trước, bỗng có một con voi trắng lớn trang nghiêm phi thường xuất hiện. Con không thấy rõ ai đang ngồi trên mình con bạch tượng, nhưng xem ra có đủ oai nghiêm và thần lực thù thắng, bên trái và phải đều có đội ngũ thiện thần hộ pháp như Bồ tát Già Lam oai nghiêm dõng mãnh v.v… Chính mắt con trông thấy Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni cùng Bồ tát Quán Thế Âm rất rõ ràng. Con có cảm giác là chư thần hộ pháp luôn lai vãng đâu đây. Kìa! Voi trắng sáu ngà vàng chói, đôi mắt từ ái, cùng các thiện thần cầm kích hộ pháp. Ngay lúc ấy, tâm con cảm thấy sung mãn liễu tường và vô cùng quang minh sáng suốt. Con tin rằng con được hộ trì bởi Bồ tát Phổ Hiền vì con đang lạy Kinh Hoa Nghiêm. (bản Hán văn, 修行者的 消息 Tu Hành Giả Đích Tiêu Tức trang 16-17)
(3) Thầy Hằng Thật phát nguyện lạy Kinh Hoa Nghiêm cùng Hoa Nghiêm Hải Hội Phật Bồ Tát sau mỗi ba bước và quanh năm luôn mang túi xách có đựng bộ Kinh Hoa Nghiêm trên vai. (bản Hán văn, trang 17)
******
Một số vọng tưởng cùng ký ức: Một nhóm Phật tử (1) mang thức ăn trưa và tiền cắc để bỏ vào cột sắt đậu xe đến cúng dường. Con không thể biết rõ phong tục của người Trung Hoa. Tại phố Tàu, có một cặp vợ chồng người Hoa lớn tuổi thốt lên bằng tiếng Quan thoại: “Ủa! Họ là người ngoại quốc!” Con liền nghĩ: “Không, chúng tôi chỉ mang lại điều đáng giá (đạo Phật) mà quý vị đã bỏ quên. Thật ra, chúng ta đều là người ‘ngoại quốc’, cho đến khi tất cả chúng ta giác ngộ.”
Ống quần bị rách của Thầy Hằng Thật đã được vá lại bằng một mảnh vải có in hình những bông hoa Hạ uy di. Nhờ chiếc áo tràng dài giúp che khuất chỗ vá nên còn giữ được vẻ uy nghi đoan chánh: Bọn trẻ ở Lincoln Heights ắt sẽ ăn tươi nuốt sống chúng con bởi một sự mâu thuẫn như thế. Người ta thường đa nghi, họ dò xét kỹ lưỡng từng hành vi của chúng con – từ sợi dây cột giày cho đến những nơi chúng con để mắt tới. Không được có chỗ sai lầm hay sơ suất, phóng dật.
Bảo trì Trung đạo trong việc tiếp thọ đồ cúng dường thật khó. Như khi nhận được những thứ “tạp nhạp,” thì chúng con phải chỉnh lại bằng cách xả cho hết dầu, làm loãng bớt chất đường và dùng vải vụn để vá lấp các lổ thủng. Khi nhận được “vàng,” thì chúng con phải làm cho mờ xỉn và che giấu đi. Chúng con nghĩ rằng sẽ nhuộm chiếc quần sặc sỡ như hề gánh xiếc này thành màu nâu và xám.
Cư sĩ: Chỉ trong vòng một tháng, quý thầy sẽ lạy ra khỏi Los Angeles.
Tăng: Vậy sao?
Cư sĩ: Vâng. Theo con nghĩ thì quý thầy đã vượt qua khu khó khăn nhất rồi (vùng Lincoln Heights). Khu phố Tàu thì đỡ hơn chút đỉnh, còn khu Beverly Hills thì không thành vấn đề!
Tăng: Phần khó khăn nhất là phần ở bên trong. Không bao giờ dễ dàng cả.
Cư sĩ: Ồ! (cười, cảm nhận.)
Lễ lạy: Thỉnh thoảng, sau vô số lần lạy lên lạy xuống và đi đi tới tới trên nền xi măng, con cảm thấy chẳng có gì hiện hữu cả. Các loại âm thanh, các mẩu đối thoại, các lời chất vấn, các mùi thức ăn từ nhà hàng, các mẩu thuốc lá – tất cả đều không thành vấn đề. Nhiều khi, ngay cả cái “tôi” cũng thất lạc, không đáng kể, dung hòa nhất như, song lại không thể sờ mó và tách rời ra. Tánh kiên nhẫn và khiêm tốn đến dễ dàng hơn sau khi đầu mũi chạm vào bầy kiến ở giữa đống xác kẹo cao su (chewing gum) và chai lọ bể. Cũng tốt thôi. Nơi chốn là hiện tại. Quét dọn nhà cửa, từ trong ra ngoài.
Phố Tàu:
- Có ít Phật tử nhất. Loài vật bị giết sống công khai (“tươi”).
- Tại góc phố chính: Chúng con đang lạy. Một đám tang với băng nhạc diễn hành đang trỗi bản “Chúng Ta Không Còn Thấy Nhau Nữa” lướt qua, xe mô tô cảnh sát, đám đông quần chúng, một gánh xiếc nhỏ bên phải, một ổ bánh dâu tây lớn trên một chiếc ghế hiện ra trước mặt chúng con, một phóng viên của đài truyền hình người Hoa đang chụp hình. Chúng con lạy ngang bên dưới. Chỉ vài người chú ý.
- Lạy cách hồ cá trong chợ chừng hai feet. Chờ chết! Cả hai chúng ta! Thổi, chúng thổi bọt bằng miệng, chúng con âm thầm niệm Phật. Ðôi bên nhìn nhau qua chiếc “bồn” của mình.
- Một bà bị loạn trí lẽo đẽo theo chúng con núp đằng sau, lén đá trúng ngay huyệt đạo của con. Con vẫn tiếp tục lạy, trong lòng thắc mắc không biết trước kia bà ta và con đã gặp nhau ở đâu và mai sau sẽ lại gặp gỡ ở nơi nào. Con cảm thấy như bị nhuốm bịnh.
- Chúng con lái xe vòng quanh góc phố và băng qua một ngã tư để đậu xe. Một vài giây sau, bỗng rầm! Bang, bang! Một tai nạn khủng khiếp. Chúng con hụt khỏi trong tích tắc. Một băng đảng người Hoa vênh váo lướt qua. Thật là một phương pháp tu hành tuyệt diệu! Hai người “ngoại quốc” này chúc tất cả đều được nhiều pháp lạc.
Ðệ tử Hằng Triều kính cẩn đảnh lễ
******
Chú thích:
(1) Các đệ tử tại gia đã quy y với Sư Phụ.
Các người nghĩ các người đang ở đâu, ở Thánh địa Mecca chăng ?
Tám giờ sáng, ngày 18 tháng 5 năm 1977.
Kính thưa Sư Phụ,
Chúng con rất tri ân thời tiết tuyệt diệu mà các vị rồng mang lại cho thành phố Los Angeles. Thời tiết không quá nóng mà cũng không quá lạnh.
Tuy thân rất mệt nhưng tâm chúng con lại an lạc. Mỗi khớp xương, bắp thịt và tứ chi đều nói lên cái “pháp đau nhức (pain-dharma)” của riêng nó, nhưng sự đau đớn này sẽ từ từ biến mất khi việc lễ bái tiến triển và thân thể quen dần với công việc. Mỗi tối, chúng con cảm thấy buồn ngủ ngay sau khi tụng chú Lăng Nghiêm, hoàn toàn mệt đừ; nhưng sáng hôm sau, thức dậy lúc 4 giờ sáng, chúng con lại cảm thấy năng lực hồi phục và sẵn sàng tiếp tục lễ bái. Mỗi ngày, chúng con tăng thời gian lễ bái lên dần dần: hôm qua chúng con lễ bái suốt sáu tiếng bốn mươi lăm phút. Vấn đề nan giải khi ở trong thành phố là việc tìm một chỗ đậu cho cái đạo tràng Bồ đề mạn đà la của chúng con, tức là chiếc xe van này, rồi đi bộ trở lại chỗ lễ bái. Công việc này thật đã làm mất hết khoảng thì giờ nghỉ ngơi.
Dầu thân mệt mỏi, nhưng nhờ vậy mà tâm lại được chuyên nhất. Ðó chỉ là chuyện nhỏ nhặt và chúng con cảm thấy thích thú khi được lễ lạy.
Hôm qua, chúng con thọ nhận thức ăn cúng dường của các Phật tử vùng Los Angeles, và mỗi lần thọ nhận là một kinh nghiệm khiêm nhường. Riêng bản thân chúng con thì không có công đức gì cả. Chúng con nhờ vay mượn phước đức của Sư Phụ mà nhận được sự đối đãi tử tế này. Thực sự, nếu không có lòng tín ngưỡng Sư Phụ của những người cư sĩ ấy, thì cuộc hành trình này sẽ không thể nào thực hiện được. Rất có thể chúng con đã bị đói khát, hoặc bị cướp bóc và đánh đập mỗi tối những khi ngừng lại để nghỉ ngơi.
Hồi quang phản chiếu như thế này mới thấy rõ trách nhiệm của người xuất gia trong mọi thời khắc – học làm cách nào để cư xử với người cư sĩ, với những người xuất gia khác, với người Mỹ và với tất cả mọi người cho đúng đắn. Ðây là thời điểm dành cho chúng con tự học làm thế nào để đại diện cho Phật giáo, nhận lãnh trách nhiệm đối với giáo pháp mà chúng con đã thọ học và thực hành cho đúng.
Chánh hạnh là việc rất khó, cũng khó như lễ bái; và chúng con sung sướng được có dịp học hỏi.
******
Sáu giờ sáng.
Kính thưa Sư Phụ,
Vì có một nam cư sĩ sắp trở về Kim Sơn Tự nên đây là thư viết vội.
Tiến trình của chúng con rất chậm chạp – khoảng mười dãy phố mỗi ngày. Hiện giờ chúng con đang ở tại trung tâm thành phố Los Angeles; và mặc dầu nơi này có những tòa nhà to lớn với các lề đường rộng rãi, nhưng chúng con nhận thấy nó còn đáng gờm hơn cả khu Lincoln Heights hay phố Tàu nữa. Những cư dân giàu có ở đây (1) không muốn chúng con trên các vỉa hè của họ, và trên mặt đều phảng phất vẻ ghét bỏ không tình người khi trông thấy hai người xuất gia sám hối dưới chân họ. Một bà khoảng ngoài bốn mươi, ăn mặc lịch sự, đứng cách đầu chúng con mấy inches, dậm chân chỉ chỏ và nghiến răng nói: “Các người nghĩ các người đang ở đâu, ở Thánh địa Mecca chăng ? Hành động ấy thật đáng ghê tởm tại xứ Hợp Chủng Quốc này!” Thầy Hằng Triều thường không nói chuyện với những người không thành tâm hỏi han, nhưng câu trả lời mà Thầy dành cho bà này hẳn sẽ là: “Vâng, bà nói đúng. Và đó chính là vấn đề. Ðất nước này vẫn còn rắc rối cho đến khi nào việc lễ lạy này không đáng ghê tởm nữa!”
Ngủ đêm ở thành phố này thật rất hồi hộp. Chúng con cố tìm một chỗ gần nơi lễ bái để đậu xe van, nhưng tối qua một tên trộm khác thò tay qua cánh cửa bỏ ngõ. Hắn lẳng lặng bỏ đi khi chúng con đóng cửa xe lại. Chúng con thức giấc đúng giờ và chuẩn bị buổi công phu khuya, nhưng vẫn còn cảm giác bất an. Thầy Hằng Triều kể là tối qua con có thức dậy và bắt đầu nói sảng trong cơn mê về việc “đợi vị hộ pháp ngay bên góc phố cạnh nhà băng.” Thầy ấy nói rằng con nói bằng tiếng Hoa khoảng ba phút trước khi ngủ thiếp đi. Con nói huyên thuyên trong khi vẫn say ngủ.
Khẩu vị của chúng con giảm dần. Chúng con ăn ít lại và lạy nhiều hơn. Nhịp độ của chúng con vẫn còn chậm chạp – như tốc độ thỉnh Pháp tại Kim Sơn Tự. Phương pháp tu hành này thật rất tuyệt diệu.
Ðệ tử Hằng Thật và Hằng Triều
kính cẩn đảnh lễ.
Chú thích:
(1) Ða số là người Mỹ da trắng.
******
Những kẻ theo phái Moonies ở Beverly Hills
Thứ ba, ngày 24 tháng 5 năm 1977.
Kính thưa Sư Phụ,
Chúng con sắp sửa đi qua Beverly Hills – tiến triển tuy chậm nhưng đều đặn. Khi sự giao thông mau chóng và khách bộ hành đông đúc thì dễ gia tăng tốc độ lễ lạy mà lại không hay biết. Thế nên chúng con phải ý thức dụng công giảm tốc độ lễ lạy theo một nhịp điệu dễ nhớ và kết quả là chúng con trở thành vô hình đối với nhiều người. Los Angeles di chuyển quá nhanh đến nỗi chúng con giống như cây cối, đá sỏi hay các cột sắt đồng hồ đậu xe đối với phần lớn những người ngồi trên xe hơi phóng vụt qua; những người khi trông thấy chúng con liền quay kính xuống mà mắng nhiếc, chửi thề, bóp kèn inh ỏi, la hét, cười cợt, thậm chí có nhiều người còn chạy xe chậm lại để khuyên lơn (“đứng dậy,” “đi về đi,” “cút khỏi đường lộ”).
Thỉnh thoảng cũng có người khen ngợi chúng con. Một số nghĩ rằng chúng con là người theo Hồi giáo, theo phái Hare Krishnas, hay Moonies, nhưng thường thì người ta nhận ra chúng con là tu sĩ Phật giáo. Trẻ con tỏ ra cởi mở, hăng say, trong trắng, thánh thiện.
Mặc dầu chúng con không thể ở cạnh Sư Phụ vào ngày lễ Phật Ðản, Thầy Hằng Triều và con ước muốn lạy Sư Phụ chín lạy trong dịp này. Chúng con bao giờ cũng nghĩ tới sự may mắn gặp được Chánh Pháp ở phương Tây này của mình.
Nhờ lòng đại từ bi cùng nguyện lực của Sư Phụ mà việc mang lại lương dược cho chúng sanh đã xảy ra; cuộc đời chúng con có được một mục đích hữu ích và một chiều hướng tích cực để noi theo. Tu Ðạo là một kho tàng vô giá!
Khi chúng con thành tâm thì kết quả lập tức hiển hiện – vẻ giận dữ trên mặt biến mất – sự căng thẳng từ các nhóm người đứng ở góc đường tụ tập lại để nhìn chòng chọc vào chúng con cũng tan biến, và ngay cả khí nóng trong không gian dường như cũng dịu đi chút ít. Nếu chúng con vọng tưởng hoặc trong lòng có nóng giận hay sợ hãi, thì không có sự cảm ứng nào xảy ra khi chúng con lạy vào một khu vực đông đúc cả; hoặc tệ hơn nữa, là sự căng thẳng phát sanh và người ta trở nên nóng nảy hay bực dọc khi chúng con lạy ngang qua mà kết quả là chúng con nhận lãnh thêm nhiều lời nguyền rủa, giận dữ và lo sợ từ đám đông. Sự gay go là một cơ hội hiếm có cho việc tu hành.
Cuộc hành trình được suôn sẻ là nhờ các vị Hộ pháp và sự cam go trên đường phố làm cho cuộc hành trình trở thành một công việc gian nan, thực tế và tốt đẹp. Nhiều sự mầu nhiệm trong chuyến đi này và sự hiện diện của Sư Phụ luôn luôn kề cận.
*****
Quán niệm của Hành giả
Thứ tư, ngày 25 tháng 5 năm 1977.
Kinh nghiệm này thật phong phú cho việc học hỏi, thử thách, và thấy rõ được đủ hạng người và hoàn cảnh. Thầy Hằng Triều và con có nói về những cảnh giới chúng con gặp và việc áp dụng những đạo lý đã được học để giải quyết các vấn đề của chúng con. Lần nào chúng con cũng đều tìm ra vấn đề là do khiếm khuyết trong nhận thức về thực tế của chúng con, do sự vướng mắc, do phiền não, hoặc do một sự bám chấp; chúng con biết rằng chúng con đã tìm thấy căn nguyên của vấn đề và sau đó cảnh giới gần như ngay lập tức được tự giải quyết.
Không phải là điều dễ dàng để hành giả luôn luôn duy trì quán niệm – đặc biệt là ba điều: kiên nhẫn với mọi cảnh giới, từ bi đối với tất cả chúng sanh – thậm chí ngay cả khi các ma quỷ đến khiêu khích chúng con, và lòng xấu hổ – mọi lúc mọi nơi đều luôn nhớ tới những lỗi lầm và khuyết điểm của mình. Khi ba pháp này luôn ở trong tâm con, một loại quyết tâm cứng chắc như kim cang luôn hiện hữu, người khác nhìn xuyên qua con và thay vì thấy con họ lại thấy Kinh Hoa Nghiêm. Đây là điều mà con đang dụng công, con phải làm cho hành vi của mình luôn thanh tịnh. Công việc bây giờ là học hỏi làm thế nào để hành xử đúng đắn như một Tỳ Kheo. Công việc này sẽ không uổng phí!
******
Quá nhiều sân hận trên thế giới
Chủ nhật, ngày 29 tháng 5 năm 1977.
Kính thưa Sư Phụ,
Xin Sư Phụ đừng lo lắng cho chúng con – Thầy Hằng Triều và con đều mạnh khỏe cả – chúng con đạt được một nhịp độ đều đặn – và mỗi ngày lạy khoảng năm tiếng rưỡi tới sáu tiếng đồng hồ. Chúng con bắt đầu lạy lúc bảy giờ sáng, đến mười giờ rưỡi thì nghỉ một tiếng để viết thư và sửa chữa đồ đạc mang theo hay ngồi thiền – rồi lại khởi hành lúc một giờ trưa và lạy cho đến sáu giờ chiều, cứ sau mỗi tiếng đồng hồ thì có hai mươi phút nghỉ ngơi tịch tĩnh. Ðến sáu giờ chiều chúng con tìm chỗ đậu xe qua đêm, tắm rửa, ngồi thiền và chuẩn bị tụng kinh tối. Chúng con nghe Kinh Hoa Nghiêm mỗi đêm – con đọc và dịch từ Chương Một – vì chưa có máy thâu băng nên chúng con chưa thể nghe băng của Sư Phụ giảng được – và sau đó chúng con tụng Chú Lăng Nghiêm bốn mươi chín biến (bản ngắn), rồi nghỉ ngơi, mệt nhừ như những đứa bé trai nô đùa ngoài sân cả ngày. Con quên nói thêm là chúng con dậy lúc bốn giờ sáng, làm lễ công phu khuya, tập thể dục, và chuẩn bị khởi hành vào khoảng bảy giờ sáng. Khi rời khỏi thành phố, chúng con sẽ có thể tăng thêm giờ lễ lạy mỗi ngày.
Thể xác chúng con đã từ từ thích nghi với công việc. Mỗi tối đều mệt nhừ và mỗi sáng đều sẵn sàng để đi nữa. Chúng con đã tháo găng tay từ tuần trước vì cảm thấy mang như thế là không thành tâm lắm. Các vỉa hè này khá nhẵn nên chúng con sẽ không cần găng tay cho tới khi nào gặp phải những mảnh thủy tinh và đá sỏi trên lề xa lộ. Chúng con cũng gỡ kính râm ra vì người ta cứ ngỡ chúng con là không tặc. Do lạy quá nhiều nên đầu gối bên trái của con bị bầm sâu, nhức nhối, nên con bắt đầu dùng miếng đệm bảo vệ đầu gối mấy bữa nay. Nhờ có miếng đệm đầu gối con có thể lạy nguyên ngày – hôm qua chúng con lạy được sáu tiếng hai mươi phút. Khi vết bầm lành thì con sẽ lấy miếng đệm đầu gối ra. Thầy Hằng Triều vẫn đội mũ để che những vết đốt xuất gia trên đầu, chúng sẽ lành nội trong một tuần. Chúng con dứt tuyệt mọi lời nói vô ích – phải bít kín lỗ thủng này.
Cả hai chúng con thật trông mong chuyến viếng thăm Los Angeles của Sư Phụ vào tuần tới. Chúng con khao khát được nghe chuyển Chánh Pháp Luân như trẻ con mong chờ cha mẹ. Tâm trí chúng con luôn hướng về Sư Phụ cùng Hội Hoa Nghiêm như đàn ong hướng về mật.
Chúng con đã lạy qua khu Beverly Hills và đang ở gần trường Ðại học U.C.L.A. tại Westwood. Cuối tuần tới có lẽ chúng con sẽ ra khỏi Santa Monica và đến Xa lộ số 1, sẵn sàng để đổi xe van lấy xe đẩy và bắt đầu lộ trình dài về hướng bắc đến Vạn Phật Thành. Mỗi lần nghĩ tới Vạn Phật Thành, con lại mường tượng đến một ngọn đuốc sáng rực trong đêm tối. Viễn ảnh của Sư Phụ về một thành phố Phật giáo đặt trên nền tảng của đạo lý chân và thiện, là thứ lương dược tốt nhất cho tất cả chúng sanh. Ðôi khi, trong lúc lạy ngang qua Los Angeles, con thấy xúc cảm đến rơi lệ – những giọt lệ sung sướng về triển vọng và thiện hảo dành cho phương Tây. Chúng ta có thể thay đổi đời mình và quay đầu hướng thiện; và giờ đây, chúng con có được một con đường để đi, và con đường ấy sẽ mang chúng con cùng cha mẹ, bạn bè già trẻ của chúng con trở về một nơi thanh tịnh, quang minh, quân bình, hòa hợp. Con không quan tâm cho dù đoạn đường từ Los Angeles đến Vạn Phật Thành là 70.000 dặm thay vì 700 dặm. Con vẫn cảm thấy đi và lạy từng bước trên đường Ðạo là niềm tin thiêng liêng của mình.
Ðệ tử Hằng Thật kính cẩn đảnh lễ.
******
Phạm quy củ, làm bể kiếng.
Kính thưa Sư Phụ,
Thầy Hằng Thật và con nhận thức được chân lý: nếu chúng con giữ giới luật và quy củ thì mọi việc đều êm xuôi, tốt đẹp. Ngày nọ, vì nghỉ ngơi quá lâu sau khi thọ trai nên chúng con đến chỗ bái lạy trễ cả nửa tiếng. Trong khi chúng con đang kề cà nơi tiệm xăng thì bỗng có một chiếc xe van màu đen chạy lướt tới và đụng bể kiếng chiếu hậu của xe chúng con. Quả báo này phản ảnh lỗi lầm: phạm quy củ, làm bể kiếng chiếu hậu. Bây giờ, mỗi lần con phải ngóng cổ ra để xem chừng xe cộ những khi muốn quẹo vì không có kiếng chiếu hậu, con lại nhớ tới lỗi lầm ấy và ý thức rằng lần sau có thể sẽ đến phiên cái đầu của con!
Lạy, lạy, lạy – hãy lạy mãi. Con có quá nhiều kiêu ngạo mà lại không tự thấy được; con chỉ nhận ra nó từ khi bắt đầu lễ lạy. Giống như hơi thở – quá vô ý thức, quá tự động và máy móc. Chỉ đến khi ngưng thở rồi thì người ta mới nhận ra hơi thở quan trọng đến thế nào. Cũng vậy, chỉ khi bắt đầu lễ lạy con mới thấy tánh kiêu ngạo của con lớn cỡ nào. Bái lạy nâng bổng sức nặng ấy khỏi thân thể của con. Cảm giác an lạc nhẹ nhàng luôn theo sau lễ lạy – lạy trong vòng ảo thuật (magic circle).
Vài mẩu đối thoại:
Hai bà lão vây lấy chúng con. Họ có vẻ thân thiện với nhau, nhưng dường như laị không phải thế.
Bà lão thứ nhất: Trông thật tức cười!
Bà lão thứ hai: Cầu xin phước lành đến cho các ngài!
Bà lão thứ nhất: Tức cười!
Bà lão thứ hai: Cầu xin phước lành đến cho các ngài!
Ba cô gái ồn ào như say thuốc (hyped-up) đi ngang qua, nhanh nhẩu hỏi: “Các ông làm gì vậy? Các ông định đi đâu thế?”
Tăng: Như chỗ mà các cô sẽ đi đến – không nơi nào cả.
Các cô: Tại sao các ông phải lạy sụp xuống đất như thế?
Tăng: Ðể chúng tôi khỏi bị lạc đường – vì nếu cao quá thì sẽ dễ bị lạc.
Các cô: Các ông ngủ ở đâu? Nhà trọ ư?
Tăng: Trong túi ngủ (sleeping bags).
Các cô: Tại sao các ông không lái xe thẳng đến Phật Thành này, như thế có phải nhanh hơn không?
Tăng: Thế thì quá dễ. Mọi người đều có thể làm được.
Các cô: Các ông có thuộc phái Hare Krishnas không?
Tăng: Không!
Các cô: Họ cũng cạo đầu vậy?
Tăng: Chỉ giống đến đó thôi.
Các cô: Chúng tôi không hiểu. Tôi muốn hỏi là tại sao các ông phải lạy như vậy?
Tăng: Ðể tẩy rửa hành vi tạo tác của chúng tôi, và hy vọng dẹp trừ được tất cả sự thù hằn, làn sóng xấu xa trên hành tinh này.
Các cô: Chúc các ông may mắn!
Thêm nhiều mẩu đối thoại:
Một cô gái nhỏ đẩy chiếc xe đồ chơi hotwheels lướt tới, từ từ dừng lại cách thầy Hằng Thật vài tấc, và mở to cặp mắt, hỏi: “Ông đang làm gì vậy?” Con giải thích cho cô bé ấy nghe. Lát sau, khi chúng con ngừng lại để nghỉ mệt thì cô ta lại mon men tìm đến: “Tại sao các ông lại dừng?”
Tăng: Chúng tôi không dừng.
Cô bé: Nhưng các ông không lạy nữa.
Tăng: Chúng tôi vẫn lạy bên trong.
Cô bé (im lặng và ra chiều suy nghĩ): Ồ!
Một cô gái lớn tuổi hơn có vẻ bực dọc hỏi: “Thế thì đây là cái gì ?”… Nói chuyện với cô ta không đi đến đâu cả. Cuối cùng cô ta nói: “Vậy ông cứ tin những gì ông đang tin tưởng; tôi cũng vẫn giữ niềm tin của mình. Ông không thuyết phục tôi và sẽ không thay đổi ông!”
Tăng: Cô tin tưởng ở ai?
Cô gái: Tôi tin tưởng ở Chúa.
Tăng: Tôi cũng vậy. Tôi tin tưởng tất cả.
Cô gái (nhấn mạnh, chán chường): Nhưng tôi chỉ tin ở một mình Ðức Chúa mà thôi!
Tăng: Thế Ðức Chúa duy nhất ấy của cô có chỉ tin ở cô mà thôi không?
Cô gái: À, à, …tự bảo trọng (lẩm bẩm đi khỏi.)
Tăng: Cô cũng thế!
Một chiếc xe hơi bóng loáng chạy rít đến: “Ô hô, ô hô, này – này, các người đang làm gì vậy? Các người có phải là Krishnas không?”
Tăng: Không! Chúng tôi là tu sĩ Phật giáo.
Cô gái: Cái gì?
Tăng: Phật tử. Tu sĩ Phật giáo.
Cô gái: Ồ, tu sĩ Phật giáo! Hay lắm! Tôi thích lắm. Tôi thích lắm
Một người đàn ông lớn tuổi: “Họ ở trong giáo đoàn đấy. Ðây chỉ là một phần thử thách mà họ phải trải qua để được gia nhập vào giáo đoàn.”
Một bà lão nhìn với ánh mắt nghi ngờ và suy xét trong khoảng nửa tiếng đồng hồ. Cuối cùng bà nói: “Ðược, cầu Trời ban phước lành cho các ông!” rồi liền rời khỏi.
Thầy Hằng Thật thêm vào: Tôi nghĩ là chúng ta thoát (passed) rồi!
Một thanh niên nhiếp ảnh thành tâm đến xin chụp hình làm tài liệu: “Quý vị có biết không, có cái gì đó thật đẹp, thật tuyệt vời quanh quý vị. Tôi có thể thấy và cảm nhận rõ ràng.”
Hai bà lão cùng đi bộ, đi dựa vào nhau, họ ngừng lại kiên nhẫn quan sát, đợi dịp nói chuyện. Một bà lão rụt rè xin phép được quấy rầy chúng con trong chốc lát.
Bà lão: Tôi không cần biết tôn giáo của các ông là gì. Tôi nghĩ rằng cầu nguyện như thế này thật là kỳ diệu, phi thường. Chúng tôi thật rất khâm phục các ông.
Tăng: Thế giới này đầy dẫy thù hận, nếu chúng ta có thể chuyển thù hận thành hoà bình…
Bà lão: Vâng. Tôi tin chắc rằng những ai quấy rầy các ông sẽ tìm được đôi chút an lạc cho chính họ!
Hôm nay là ngày “gió lớn”!
Ðệ tử Quả Ðình kính lạy
****** *
“Chúng tôi đang cố gắng hết sức để về tới nhà!”
Ngày 8 tháng 6 năm 1977.
Kính thưa Sư Phụ,
Chúng con lái xe đến trước để xem xét đường sá: bên này là những dốc đá thẳng đứng, còn bên kia là những ngôi nhà tư nhân nằm dọc theo bờ biển – được bảo vệ bởi những hàng rào kẽm gai và các bảng hiệu ngăn cấm đe dọa để bảo vệ. Từ đây cho tới Malibu, hay có thể xa hơn nữa, cũng đều như thế cả. Chúng con bất đắc dĩ phải quyết định giữ chiếc xe van thêm ít lâu. “Ðừng bó buộc…hãy thuận theo nhân duyên.”
Có quá nhiều điều phải học để làm tăng sĩ: oai nghi, giới luật, cách hành lễ, lúc nào thì nên nói và lúc nào thì nên im lặng, nên nói với ai và nên tránh những ai. Mọi việc sẽ đến từ từ và khó làm. Thường thì con học được một cách lẹ làng, nhưng ở đây không phải là vấn đề bắt chước hay mô phỏng theo một cách đơn thuần, mà là sự chuyển đổi từ trong ra ngoài. Nói một cách khác, sự nhận thức phải phát xuất từ bên trong. Không thể gian dối, giả tạo. Cả tâm lẫn trí đều phải chuyển đổi; và công việc ấy đòi hỏi phải có thời gian, một vị thầy giỏi, đức tánh siêng năng, cần mẫn, và lòng kiên nhẫn. Trong khi đó, con cứ phạm lỗi từ những sai sót, cẩu thả nhỏ nhặt cho đến những lỗi lầm nghiêm trọng, to tát. Một tăng sĩ giả dối chắc sẽ bị mọi người nhìn thấy rõ ràng, đặc biệt là chính bản thân vị tăng sĩ ấy.
Thầy Hằng Thật khổ não vì phải chiến đấu với bệnh tiêu chảy suốt cả buổi chiều. Không than vãn – chỉ chịu đựng. Nay thầy ấy đang ngủ li bì như chết, người dựa vào chiếc bánh xe xơ cua (spare tire). Sau bữa cơm trưa thì những tiếng còi xe và tiếng la hét bắt đầu trở lại. Một chiếc xe chạy đến: “Ê! Tụi bay có muốn một điếu ma túy không?” kèm theo đó là những lời chửi rủa tục tĩu về Chúa Giê su. Cảnh sát (đó là cảnh sát của quận Los Angeles) ngừng lại để xem xét nhưng không tra hỏi gì chúng con cả. Khi thấy chúng con lạy ngang qua, mấy con chó nhỏ chạy đến bên hàng rào sủa lên vài tiếng, thi hành phận sự canh gác của chúng trong những sợi dây màu hồng. Và mọi người chạy bộ chầm chậm ở đây. Từ lúc chúng con thức giấc cho đến khi đi ngủ, tiếng giày quần vợt (tennis shoes) dậm rầm rầm và tiếng người thở hồng hộc không ngừng bao quanh chúng con. Người ta cũng khá ôn hoà và dễ chấp nhận. Chúng con lạy ngang qua như một giọt nước chảy xuôi theo rãnh nước sau cơn mưa lất phất: không bị chú ý, không gặp trở ngại.
Con hy vọng tất cả mọi người tại Chùa Kim Sơn đều được mạnh khỏe. Chúng con rất nhớ những buổi giảng kinh. Mỗi buổi tối chúng con đều có xem Kinh Hoa Nghiêm vào cùng một giờ giấc như mọi người.
Hôm nay chúng con rất mệt nhọc và lại bị rám nắng. Chúng con lạy sát bên đường lộ (vì không có vỉa hè dành cho khách bộ hành mà chỉ có lề xa lộ nhỏ hẹp) theo kiểu luân phiên nhau để được dễ nhận thấy hơn. Tấm áo tràng dài phủ chùng xuống của chúng con quả là những bửu bối bảo đảm an toàn giao thông thực sự: rất dễ nhận diện cùng với những cái đầu cạo nhẵn thín! Từ bãi biển, có vài người la ó: “Về nhà đi, mấy gã trọc đầu!” Con tự nghĩ: “Chúng tôi đang cố gắng hết sức để về tới nhà – thực sự trở về nhà!”
Vào năm phút cuối trong ngày, trên con đường tấp nập, dơ bẩn này, bỗng có một người đàn ông và một người đàn bà tiến đến. Người đàn ông lạy một lạy đảnh lễ, xong dúi vào tay con một vật gì đó, và nói “chúc bình an” hay là “xin vui lòng” gì gì đó (tiếng xe vận tải chạy bằng dầu cặn quá ồn ào đến át cả tiếng nói, nên nghe không rõ), rồi vội vàng bỏ đi. Ðó là một tờ giấy bạc 50 dollars – nửa bức tượng Phật cho Vạn Phật Thành.
Ðệ tử Hằng Triều kính lạy
Nói thì dễ mà làm thì khó
Ngày 10 tháng 6, năm 1977.
Kính thưa Sư Phụ,
Chúng con đậu xe tại bờ biển Will Rogers; với bên trái là sóng biển Thái bình dương, và bên phải là Xa lộ 1 như một con sông bằng kim loại đang lưu chuyển. Khi lễ lạy, chúng con đã tự tạo ra những làn sóng nhịp nhàng riêng biệt, và núi non dường như đang cúi mình xuống bờ biển trong một dáng điệu thật uyển chuyển, sống động, tưởng chừng như chúng cũng đang lễ lạy trong Pháp thân của Ðức Phật Tỳ Lô Xá Na.
Cơ hội tu hành theo con đường Trung đạo của Ðức Phật dưới hình thức một cuộc hành trình như kiểu “Ba Bước, Một Lạy” thì thật là kỳ diệu. Có người mong mỏi một cơ hội như thế, nhưng lại không thể nào tìm được. Con ghi chép về việc tận dụng cơ hội này vào sổ tay và con sẽ gởi nó (một bài luận văn dài) về Vạn Phật Thành khi cuốn tập đã đầy chi chít. Nói tóm tắt, thì bài luận văn ấy nói rằng tu Ðạo muốn thành tựu thì không thể cẩu thả, giải đãi, hay chỉ tu bán thời gian, hoặc bất cứ hình thức tu tập nào mà không luôn hoàn toàn thành tâm trong mọi thời khắc. Không thể gian dối, ham nghỉ ngơi. Chúng ta phải thực tâm muốn hành đạo Bồ tát, và muốn làm cho toàn bộ công việc khống chế thân, khẩu, ý trở thành một nề nếp tự nhiên và chân thật của đời sống phát xuất từ cốt tủy/tự tánh. Không có gì khác hơn. Nếu cố gắng hành động có đạo đức được một lần rồi lần sau lại quên bẵng đi, thì đó không phải là Ðạo (con đường) của Ðức Phật! Ðể thực sự xứng đáng với sự giáo huấn của Sư Phụ, để trở thành con thuyền có giá trị đối với Ðạo Pháp, thì sự tu hành của chúng con cần phải luôn luôn đúng đắn và chân chánh trong mọi thời khắc. Ðối với con, điều này có nghĩa là lúc lễ lạy con nên lễ lạy mà không có bất cứ một vọng tưởng, một dục niệm, một sự trông chờ, hay một điều mong cầu, ao ước nào cả. Và rồi, khi công việc lễ lạy hoàn tất, thì phải hành động một cách vô tư, không ích kỷ, không mong cầu, không có những ý nghĩ ích kỷ, và chỉ hành động thuận theo lẽ phải; cho nên, mỗi tình huống đều phản ảnh quá trình tu tập và sự nhận thức của một tu sĩ ở Chùa Kim Sơn. Thái độ của chúng con khi ở ngoài đường phố chính là thái độ khi ở tại Chùa Kim Sơn, chẳng có gì khác biệt.
Ðó là lý tưởng và nói thì dễ mà làm thì khó; và muốn cho lý tưởng ấy trở thành sự thật thì cần phải chuyển hóa toàn bộ tự tánh của con. Ngoài ra, không có gì khác có thể đáp ứng được lý tưởng này. Và nếu cứ chậm chạp như chúng con hiện nay, thì có lẽ chỉ vưà đủ thì giờ để đập bể cái “thùng sơn đen.” Không lâu quá một phút, và sự kiện này khiến con thật lấy làm xấu hổ. Việc lễ lạy hằng ngày cho thấy là con có đủ lượng tham, sân, si bằng bất kỳ ba người nào. Và như thế có nghiã là con phải siêng năng, tích cực gấp ba lần để sửa đổi; và nếu con được trở nên hữu dụng cho Tam Bảo, thì đó chính là mục tiêu mà công việc sửa đổi này đang nhắm tới.
Ðệ tử Hằng Thật kính lạy.
*
Vọng Tưởng Gây Ðau Ðớn
Sáng nay (ngày 7 tháng 6), khi lạy dọc theo Pacific Coast Highway, con bắt đầu vọng tưởng về một lá thư mà con cần phải viết. Ðột nhiên con thấy nhức đầu dữ dội – tưởng chừng như có một cái đinh điện đang xoáy vào đầu vậy. Lập tức, con niệm Phật và cơn đau biến mất trong vòng 30 giây.
Tại Kim Sơn tự, trước kia cũng xảy ra tương tự như vậy ngay trước bàn thờ Quán Âm. Cơn đau như một lằn sét đánh và hầu như đã hạ gục con. Sự buốt nhói dần dần lắng dịu xuống khi con bắt đầu niệm Phật.
Dường như lúc bên ngoài tĩnh lặng nhất, thì bên trong lại ồn ào đến điếc tai. Lạy dọc theo công viên ven biển lặng yên, sương mù mờ mịt này tưởng chừng như dễ tập trung tư tưởng lắm. Nhưng bởi một vài nguyên do nào ngờ đó, cái tâm điên cuồng của con lại chạy quay tán loạn, tốc độ thật mau: cố nhớ tên những người bạn cũ, những thức ăn thú vị, những chuyến du lịch thuở xưa, gia đình con. Một số vọng tưởng là “thiện,” một số vọng tưởng là “ác”. Có vẻ chẳng thành vấn đề gì cả. Ðiểm chính là chúng đến và đến mãi như những làn sóng nhấp nhô vỗ về bãi biển dưới kia. Chuyển động liên tục: biển cả và tâm trí con. Con không thể tưởng tượng nổi là con có thể thực sự ngăn chặn được “cái tâm điên cuồng”. “Kiên nhẫn, kiên nhẫn, phải kiên nhẫn!”
Ngay tại điểm này, con cảm thấy được là nó muốn vụt trào ra. Khí lực và sự căng thẳng chồng chất, và nếu con không chú ý kỹ thì sự giận dữ sẽ bùng nổ, hoặc mắt con sẽ bắt đầu đắm vào ngoại cảnh, tai con sẽ để ý và bám theo âm thanh, con cảm thấy bực bội và mất kiên nhẫn – “lửa nổi lên”, và nếu con cẩu thả, vụng về thì nhiều nghiệp xấu sẽ chuyển vận thêm. Lắm khi lạy ngang qua những băng đảng phá phách hay những nhóm thợ xây cất hằn học mà còn dễ chịu hơn là lạy qua một công viên yên tĩnh! Nguy biến bên ngoài bắt buộc bên trong phải hoàn toàn chú tâm: bên ngoài êm dịu dễ chịu thì bên trong lại tự do giải đãi, tán loạn.
Ðệ tử Quả Ðình kính lạy.
* * * * * *
Có vẻ “ngu đần” trong chiếc áo tràng đời nhà Ðường
Thứ bảy, ngày 11 tháng 6 năm 1977.
Kính thưa Sư Phụ,
Lạy ngang qua lề đường đầy dẫy những dầu, mỡ, mảnh chai lọ bể và ghét bẩn của nhựa đường làm lem luốc cả áo tràng lẫn y cà sa…tăng y đầy dầu.
Tại bãi biển. Từ đàng sau vang lên một giọng nói nhỏ nhẹ: “Này, bộ các ông không tự thấy mắc cỡ sao?” Chúng con vẫn cứ lạy. Lại nữa: “Này, các ông đang làm gì thế?” Con trả lời: “Chúng tôi là những tu sĩ Phật giáo. Chúng tôi đang cầu nguyện. Ông đang làm gì?” Ông ta đáp lại không chút do dự: “Ngóng đợi các ông thành những kẻ ngu đần.”
Nhìn sang bên tay trái, con thấy có hàng loạt người mặc đồ tắm đang chơi bóng chuyền, tắm nắng, bơi lội, lướt sóng, chèo thuyền, ăn uống – hưởng thú vui chiều thứ bảy trên bãi biển. Ðôi khi con có vẻ rất “ngu đần” đối với chính mình. Nướng mình dưới cái nắng cháy người này trong chiếc áo tràng đời nhà Ðường, phủi các mảnh chai cùng cát sạn dính ở tay và trán…, ngay lúc này, con thấy mặt nước kia trông thật quyến rũ. Dầu sao, con cũng đã hưởng qua những thú vui tắm biển và phơi nắng đó rồi, cho nên con sẽ tiếp tục công việc tu hành này nhiều hơn. Song le, mặt biển vẫn có vẻ như mời mọc và chúng con trông vẫn “ngu đần”. Ngay đó, con sực nhớ lại lời nguyện của mình và tâm trí con đã sáng suốt, an lạc như thế nào khi phát nguyện; và đột nhiên việc lễ lạy và sạn sỏi và mảnh chai đều cảm thấy như đang ở tại nhà. Chưa bao giờ vui sướng hơn, không bao giờ có vẻ “ngu đần” nữa. Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Tất cả niềm vui trên thế gian này đều là đau khổ.” Chúng con tìm được phản đề cũng xác thực như vậy: “Tất cả nỗi đau khổ trong khi tu hành đều là nguồn vui.”
Ðệ tử Hằng Triều
Kính cẩn đảnh lễ.
Một bài thực tập khác về hạnh “quên mình vì người”
Ngày Lễ Lao động cuối tuần.
Kính thưa Sư Phụ,
“Bồ tát, thiên, long đến không vui,
Tà ma, ngoại đạo tới chẳng buồn.”
Lắm khi thật khó mà kiềm chế được cảm giác vui mừng tột độ. Hôm nay tâm con tràn đầy niềm vui – con khó thể dằn lòng được. Cảm giác ấy tựa như tất cả các dịp lễ Phật đản, Sinh nhật Sư Phụ và Lễ Vu Lan đều được gộp chung lại thành một món quà bất ngờ – một chuyến viếng thăm từ hư không của Sư Phụ cùng với mười bốn hành giả và đạo hữu từ Chùa Kim Sơn.
Nhân dịp gì? Chỉ là một bài thực tập khác về hạnh “quên mình vì người” của hàng Bồ tát. Có nơi nào khác trên thế giới này có những người như những người này, thức dậy lúc bốn giờ sáng, rồi từ San Francisco lái xe suốt 350 dặm về hướng nam để tới Santa Barbara, chỉ để mang thức ăn trưa và động viên, khuyến khích hai thành viên của gia đình đang trên một cuộc hành trình làm việc dài dằng dặc? Không thể diễn tả được! Làm thế nào mà họ tìm ra chúng con – phân nữa bị che trong bóng mát tách khỏi xa lộ độc nhất bên ngoài thành phố Santa Barbara? Vì sao mà cả Thầy Hằng Triều và con đều linh cảm là hôm ấy sẽ có chuyện đặc biệt xảy ra? Sáng nay Thầy Hằng Triều nói: “Hôm nay chúng ta hãy lạy ở phía ngoài và để cho dễ thấy.” Tại sao vài tiếng đồng hồ trước khi mọi người tới, con lại đi quét dọn chỗ ngồi dưới một tàng cây khuynh diệp – chính là gốc cây mà chúng ta đang ngồi này? Tại sao cả ba chiếc xe theo nhau chạy hết tốc độ, không bị giấy phạt, đều phải hỏi khách qua đường mới biết đường đi, mà lại có thể đến đây cùng một lúc – ngay trước giờ thọ trai – được chứ? Chỉ duy nhất là do thiện lực mới có thể khiến cho điều kỳ diệu nhỏ nhoi mà chúng con nhìn thấy hôm nay xảy ra được mà thôi. Tất cả chúng con đều được chứng kiến tận mắt một kỳ công của kỹ thuật thần thông, điều thường hay xảy ra tại Chùa Kim Sơn.
Như thường lệ, hôm ấy, chúng con đang ngồi trong xe van vào giờ thọ trai, vừa tụng xong bài kệ cúng ngọ và mới bới cơm ra chén. Trước khi kịp đút muỗng cơm đầu tiên vào miệng, con thấy đôi mắt Thầy Hằng Triều mở lớn rồi reo lên: “Sư Phụ!” Con tự nghĩ: “Vô lý! Làm gì có chuyện đó. Nhưng, khoan đã! Mình từng biết cảm kích những chuyện không thể có!” Thầy Hằng Triều lại reo: “Sư Phụ!” Con quay nhìn và trông thấy Sư Phụ, thân đắp tấm y vàng rực rỡ, đang băng qua những vệt nắng và tiến đến chỗ xe chúng con.
Kìa, tất cả đang bước đến – ba chiếc xe đầy những khuôn mặt rạng rỡ với ánh sáng từ nội tâm – Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Sa di, Sa di ni và các cư sĩ – đối với con thì những bậc anh hùng, anh thư của Ðạo vốn chăm chỉ và có phẩm cách tốt này còn thân thiết hơn cả bà con ruột thịt: Thật là một chúng hội kỳ diệu và hiếm có!
Tất cả đồng ngồi xuống thọ trai và lắng nghe những mẩu chuyện cùng những lời thuyết giáo. Mọi người cười vui vẻ và chia xẻ thức ăn cùng các thức cúng dường với chư Pháp hữu; sau đó, đại chúng lại đứng lên và ra đi tiếp tục cuộc hành trình diệu vợi trở về thành phố. Họ xuống đây chỉ để mang ánh sáng lại cho chúng con. Kỳ diệu trong kỳ diệu. Con tưởng như mình là người gỗ – sững sờ, bất động. Con muốn cảm ơn và đáp lại lòng tử tế cũng như việc làm của mọi người – nhưng chỉ biết dùng đôi mắt và một tấm lòng nói thay cho mình.
Ngồi cạnh Sư Phụ giống như ngồi cạnh dòng suối ánh sáng trong mát. Mọi ý niệm trong đầu (đầu của ai?) đều dứt bặt. Chú Ðại Bi dường như tự niệm – đều đặn và bình thường như nhịp đập của trái tim. Những cảm nhận đều trong sáng, sắc nét và thanh thản. Không còn âu lo, không còn áp lực. Ngay cả nếu con được giáo huấn hay bị la mắng đều cảm thấy như nước cam lồ. Con chắc chắn rằng ngồi trong Pháp hội của Ðức Thế Tôn cũng rất giống như thế này.
Sau đó, thật là bất khả tư nghị, Sư Phụ đưa tay xoa đảnh đầu con và Thầy Hằng Triều. Con cảm thấy khí lực như một luồng điện chạy xuyên qua tim xuống tới đầu ngón chân, và ngược trở lại. Khi búng đầu ngón tay vào trán chúng con, Sư Phụ cười hỏi: “Chín chưa? Có chín không? Qủa dưa này chín tới chưa?”
Buổi chiều hôm đó, chúng con lễ lạy mà cứ như ở trên không. Chúng con ngước nhìn thấy một đám mây trắng lớn bằng cỡ vùng Sierra Madres bên dưới. Ðám mây độc nhất trên nền trời xanh thẳm này đang bay về hướng tây bắc và có hình dáng tương tự như một con rồng đang uốn lượn với đầy đủ các chi tiết như đuôi, tai, móng… Và khi trời chiều chuyển dần sang đêm tối, con rồng ấy bay xa dần về phương bắc. Chúng con có cảm giác là con rồng này đang bay lượn ở phía trên đoàn xe của các hành giả đang trên đường trở về Chùa Kim Sơn.
Do đó có những ngày đặc biệt, khó lòng mà đè nén được nỗi vui mừng khôn xiết; và Ngày Lao động 1977, cây khuynh diệp cao thon, tàng cây “Bạch hoa thọ” che mát bữa thọ trai dọc bên xa lộ Hoa Nghiêm, tất cả sẽ sống mãi trong ký ức chúng con. Có chia sẻ nhân duyên với những hành giả nguyện dành trọn cuộc đời để làm cho người khác được vui sướng mà không hề có mảy may ý nghĩ về bản thân của chính họ, quả thật sự là một cuộc sống đáng sống.
Ðệ tử Quả Chân (Hằng Thật)
Kính cẩn đảnh lễ.
Sư Phụ và các đệ tử thọ nhận cúng dường vào buổi trai ngọ và chia sẻ Phật pháp cùng các thí chủ cúng dường. (Mùa thu, 1977)
*
Kính thưa Sư Phụ,
Sáng chủ nhật, khi đang lạy, con chợt thấy một cảnh tượng là mọi người ở Chùa Kim Sơn đều đang có cơ hội tự thực hành hạnh lạy một lạy sau mỗi ba bước. Tại gia cũng như xuất gia, tất cả đều theo cái Pháp đặc biệt “tận hư không” của riêng chúng con. Vẻ mặt cùng sự hiện diện của mỗi người đều rạng rỡ và điềm tĩnh. Những gương mặt hân hoan dường ấy! Không một khuôn mặt nào lộ vẻ băn khoăn, nghi ngờ; mỗi mỗi đều dịu dàng, chân thành, rực sáng niềm vui! Thật là đặc biệt! Tuy mỗi người đều khác biệt nhau, song tất cả đều phản ảnh sự thanh tịnh và chân thật như nhau. Có một sự gắn bó mật thiết; một đại gia đình Pháp hữu soi chiếu lẫn nhau.
Và rồi, thứ hai, ngày mốt, ai sẽ đến nữa? Sư Phụ cùng tứ chúng! Con muốn ôm chầm lấy mọi người và tặng họ một vài thứ gì đó. Vài giọt lệ rơi vào tô mì sợi khi con mãi nhìn các gương mặt vây quanh; rồi lòng tốt được san sẻ và chói ngời khi mọi người cùng ngồi dưới những tàng cây khuynh diệp, nơi mà vài phút trước đây đối với chúng con chỉ là một trạm dừng chân tạm nghỉ mà thôi.
Tỳ kheo ni Hằng Ẩn nhón chân đẽo khắc và ghi dấu kỷ niệm buổi họp mặt hôm nay bằng con dao Thụy Sỹ trên một thân cây khuynh diệp to lớn, trong khi một du khách tên Malcolm với dĩa thức ăn chưa được đụng đến đặt trên đùi đang ngạc nhiên trố mắt nhìn. Malcolm đã mang một trái dưa đến chia xẻ với hai tăng sĩ trong một buổi thọ trai tịch lặng, và sau đó mọi người quen nhau. Với lòng từ bi quảng đại và khó cưỡng lại, Sư Phụ ra hiệu mời anh ta cùng đến tham dự. Con thấy mình giống Malcolm một chút: không thốt nên lời và bị choáng ngợp bởi oai đức trang nghiêm của đại chúng.
Mọi người ra về cũng lẹ làng như khi đến. Sư Phụ nói: “Không có vấn đề gì cả!” Một đám mây trắng lớn có hình dạng như con rồng dài chừng một dặm lơ lửng hàng giờ trên bầu trời đáng lẽ không có mây. Nỗi hân hoan và thư thái mà Sư Phụ mang lại cho nội tâm cùng công việc của chúng con, sẽ sống với chúng con qua nhiều dặm đường lễ bái.
Nhưng lại có việc còn kỳ diệu hơn nữa. Sư Phụ biết đích xác đoạn kinh văn trong bộ Kinh Lục Tổ mà chúng con vừa xem đúng vào buổi sáng hôm ấy. Những lời bình phẩm, ám chỉ của Sư Phụ về đoạn kinh văn ấy chỉ thẳng ngay trước mũi! Không những thế, Sư Phụ còn biết được những ý tuởng thầm kín và những vấn đề rắc rối trong tâm con trong mấy ngày qua. Con chưa bao giờ nói với ai, ngay cả với thầy Hằng Thật. Sư Phụ cười và hỏi: “Vậy thì làm thế nào mà Sư Phụ biết được?” Và thầy Hằng Thật cũng gặp trường hợp tương tự. Sau khi mọi người rời khỏi, chúng con trở lại như những đứa bé mười tuổi, tươi cười và chuẩn bị đối mặt với những thử thách mới trên xa lộ Ngày Lễ Lao Động. “Nguyện cho tất cả chúng ta sẽ cùng nhau đi đến Toàn Giác. Tôi hy vọng thế. Tôi ước ao như thế.”(1). Chúc tất cả được nhiều an lành trên đường Ðạo.
Ðệ tử Qủa Ðình (Hằng Triều)
kính cẩn đảnh lễ.
Chú thích:
(1) Lời trong bản nhạc “Study Buddhism”: Hoà Thượng viết lời, Sư Cô Hằng Ẩn phổ nhạc (trong Kinh Nhật Tụng của Vạn Phật Thánh Thành).
***
******
Hai “tu sĩ” hành hung một thiếu niên
Ngày 16 tháng 6 năm 1977.
Kính thưa Sư Phụ,
Chúng con hiện ở cách Malibu ba dặm và đang lạy dọc theo những rãnh nước và những lối xe chạy của Xa Lộ Ven Biển Thái Bình Dương (Pacific Coast Highway). Ông Hồ Quả Thật và bà Hồ Quả Tướng sẽ đến đây vào Chủ nhật này với chiếc xe đẩy nhỏ mà chúng con đã đậu ở Chùa Kim Luân, và họ sẽ lái chiếc xe van màu xanh lá cây về lại South Pasadena. Vùng ngoại thành Malibu trông giống như chốn thôn quê mở rộng và chúng con có thể sẽ tìm được những địa điểm để dựng lều cắm trại lúc về đêm. Bấy giờ, hương vị của cuộc hành trình sẽ thay đổi – không còn “nhảy cừu (leap-frogging)” băng qua traffic tới một khoảng trống đậu xe, và rồi đi bộ trở về nơi khởi điểm để lại bắt đầu lễ lạy. Nhưng để vượt qua những chặng đông dân cư trong cuộc hành trình, vượt qua Los Angeles, thì xe van là phương tiện duy nhất để di chuyển. Hiện tại, chúng con đang lạy trên con đường thênh thang với xe cộ vù vù lướt qua, chân lý của câu cách ngôn: “Hễ đến được núi, tất có đường lên,” thật là rõ ràng. Cái gì dưới con mắt của các tăng sĩ và khách bộ hành như là một chặng đường hoàn toàn không vượt qua được, thì dường như nhìn từ đầu gối lại rất khác biệt . Chỗ trống để lạy luôn luôn hiện ra trước mắt chúng con một cách tự nhiên và không tốn công sức. Thật rất đáng ngạc nhiên. Có nhiều người tiến đến và hỏi: “Các ông đã lạy xuyên qua đó thật ư? Ở đâu?” Con hy vọng là khi chúng con gặp các xa lộ cao tốc thì chúng cũng giống như vậy.
Phật tử Chùa Kim Sơn từng được tiếng tốt với giới chức luật pháp – vì là những công dân biết sống hòa thuận, tôn trọng luật pháp, tuân theo luật lệ. Tuần vừa qua, tại Topanga, không cách xa đây lắm, đã xảy ra một vụ phạm pháp tệ hại: Có hai người đàn ông trẻ tuổi mặc áo tràng, đầu cạo nhẵn, được mô tả là rất giống chúng con, đã hành hung một nam thiếu niên 16 tuổi và dí dao vào người đứa bé ấy cả một tiếng đồng hồ. Hai nhân viên cảnh sát Los Angeles đã chận chúng con lại, khám xét chúng con, và làm một loạt kiểm tra đối chiếu với các lệnh truy nã, thẻ căn cước (I.D.), vân vân…. Khi họ khẳng định rằng chúng con không phải là những kẻ mà họ đang truy lùng, họ mới dịu đi bớt (họ nói là họ nghĩ rằng hung thủ là người thuộc phái Hare Krishnas) và hỏi thêm đôi chút về cuộc hành trình của chúng con. Các viên chức cảnh sát đều có khả năng và họ ra đi sau khi chúc chúng con may mắn. Ba ngày sau (chiều qua), một đoàn gồm bốn chiếc xe tuần tiễu của cảnh sát và một chiếc quân nhu bao vây chúng con một cách bất ngờ. Không biết họ từ đâu hiện ra, mà tụ lại đông đảo như bướm đêm nhung nhúc chung quanh bóng đèn. Nhóm này không biết là đã có nhóm khác đến khám xét trước rồi, nên hầm hừ, thận trọng tiến đến hỏi: “Các ông có mang theo dao gì trong người hay không?” Thầy Hằng Triều trả lời: “Chúng tôi không được phép mang theo vũ khí, vì như thế là trái với luật lệ.” “Ồ! Các ông là Phật tử hay là người theo phái Krishnas?” “Chúng tôi là Phật tử!” “Ồ! Vâng, thì ra là các ông. Okay. Không có gì cả. Này, các ông lạy như thế suốt ngày phải không?” Thầy Hằng Triều đáp: “Phải. Chúng tôi thức dậy lúc 4 giờ sáng, rồi cầu nguyện, ngồi thiền, và đi lạy cho đến 10 giờ tối. Chúng tôi chỉ ăn mỗi ngày một bữa cơm chay mà thôi.” Có tiếng huýt gió thán phục, những nụ cười toe toét và những cái lắc đầu nhè nhẹ từ phía các cảnh sát viên: “Ồ! Mỗi ngày chỉ một bữa ăn duy nhất? Thôi được, hẹn gặp lại các ông sau. Hãy coi chừng xe cộ. Chúc các ông được may mắn!”
Bạch Sư Phụ, chuyến viếng thăm Chùa Kim Luân của Sư Phụ đã đem lại cho chúng con một nguồn khích lệ vô hạn và đã điều chỉnh công việc của chúng con theo những đường hướng kỳ diệu. Ðược tận mắt nhìn thấy Sư Phụ với tấm lòng bao dung, không ích kỷ, đầy đạo đức, và từ bi đã mang lại cho chúng con một niềm hoan hỷ lớn lao. Tại Chùa Kim Sơn, thật dễ dàng để nương tựa vào sự hiện diện thường xuyên và đức hạnh mẫu mực hằng ngày của Sư Phụ. Xa Chùa Kim Sơn, trên đường phố này, va chạm với mọi tầng lớp từ khắp mọi nơi, chúng con càng nhớ và càng cảm kích phong cách cao thượng, biện tài vô ngại, khả năng biết rõ bản tánh chúng sanh và thông hiểu được nhân duyên cũng như căn cơ kẻ khác của Sư Phụ. Ðiều kỳ lạ nhất ở bậc Thánh nhân là sức mạnh của nước: nó không bao giờ tranh chấp dù ở bất cứ thời điểm nào. Nó nhường nhịn, giữ lấy chỗ dưới chót, chỗ thấp kém nhất, tùy thuận theo mọi nhân duyên mà không hề tranh chấp. Nói thì rất dễ, làm thì lại quá khó, và được chứng kiến là đáng kinh ngạc nhất. Con nhận ra mình đang hỏi chính mình: “Sư Phụ sẽ đối phó ra sao nếu gặp phải hoàn cảnh như thế này?” Câu trả lời là: “Ðừng sanh vọng tưởng. Không hề chi! Con định làm gì? Con không thể dựa vào Sư Phụ cả đời được. Hãy tự đứng dậy! Hãy sử dụng trí huệ của riêng con! Hãy tùy duyên mà bất biến! Hãy hồi quang phản chiếu, hãy nhẫn nhục và ‘đừng nóng giận, Ta bà ha.’ Hãy nhu nhuyễn như nước. Tánh mềm dịu thắng được tánh cứng rắn.
Con có viết một bài văn cảm ứng và trong đó có đoạn như sau:
“Con có đạt cảm ứng gì chưa? Không, không có gì huyền diệu. Con là một kẻ sơ cơ quá mới mẻ với quá nhiều nghiệp chướng nợ nần cần phải trả; nhưng mặt khác, con đã từng đạt được sự cảm ứng ngay trong pháp thế gian. Con thấy rõ nền tảng tu hành cùng mục đích đời mình. Ðây là một sự cảm ứng. Con không biết cách bay ngay cả cách chạy. Con chưa biết cách đi như thế nào, nhưng con đang thực hành lễ bái; và chắc chắn, dần dà, dưới sự dẫn dắt nhẫn nại và từ bi của vị Thiện tri thức, sẽ có ngày con biết được cách làm thế nào để tự đứng dậy, cũng như làm thế nào để ủng hộ Phật giáo (2).”
Viết vội trong lúc đợi một case tiêu chảy nữa vào một buổi trưa rất nóng nực:
Ba Bước Một Lạy/Tu Hành Tại Kim Sơn Tự Là:
Không nói chuyện, không uống rựợu, chỉ tụng kinh.
Không nhìn đó đây, không hút thuốc, chỉ tự xấu hổ.
Không đùa giỡn, không đặt lưng nằm xuống, chỉ tự phản tỉnh.
Không nhìn ngắm, không giải đãi, chỉ nghĩ đến kẻ khác.
Không nghe ngóng, không trốn tránh.
Không có tự ngã (no self).
Ðệ tử Hằng Thật kính lạy
Chú thích:
(1) Là ông Bác sĩ Westley Woo (Quả Thật) và vợ là bà Quả Tướng (Helen Woo), hai cư sĩ hộ pháp đác lực cho chuyến hành trình Tam Bộ Nhất Bái này.
(2) Thừa truyền mạch Pháp, vị giáo tăng quang.
Suýt chết trên Xa Lộ số 1
Ngày 16 tháng 11 năm 1977.
Kính thưa Sư Phụ,
Lắm khi, tu hành Bồ tát đạo lại rất “có thể nghĩ bàn”. Chúng con nghỉ chân nơi bãi cát có cây sồi um tùm và cỏ cháy khô cằn. Trên ngọn đồi, ở về hướng tây là Nhà Tù Liên Bang Lompoc, và nằm về phía bắc là Căn Cứ Không Quân Vandenberg. Khó mà hình dung ra được một phong cảnh của tháng mười một âm u, mây mù ảm đạm. Chúng con vừa hoàn tất việc lễ lạy trong ngày và cơn gió lướt qua đỉnh đồi từ ban trưa bây giờ thổi ngược trở lại. Con thắp đèn dầu để viết những dòng chữ này về những gì xảy đến cho con lúc nãy ngay khi mặt trời lặn, ráng đỏ và có gió thổi mạnh.
Công việc của Bồ tát thì không bao giờ xong cả; việc tu hành không phải là ngày ngày từ chín giờ sáng tới năm giờ chiều. Không phải ngày đi làm là thứ hai đến thứ sáu, cũng không có hưu bổng lúc 65 tuổi. Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng chúng sanh thì vô lượng vô biên, không cùng tận, song bậc Bồ tát phát nguyện cứu độ hết thảy. Cho nên, công việc của Ngài không hề ngừng dứt. Bồ tát cũng tự độ lấy chính Ngài; và nhờ y theo Chánh Pháp tu hành, Ngài chứng đắc được trí huệ, lòng từ bi cùng các năng lực thiện xảo. Trí huệ này giúp Ngài nhập vào giữa chốn thế gian dày dạn, bùn lầy mà làm việc để cứu độ chúng sanh ngay tại nơi họ đang sinh sống và chịu nhiều đau khổ nhất. Tuy nhiên, bậc Bồ tát đã phá vỡ, xả bỏ hết mọi ngã chấp. Ngài không còn lòng tham dục, cho nên, những việc mà Ngài làm vì người khác đem lại cho Ngài nhiều an lạc và toại ý hơn là một đời sống với các trò tiêu khiển cùng các thú vui hưởng thụ ích kỷ. Bồ tát nghỉ ngơi ngay trong công việc và làm việc trong lúc nghỉ ngơi. Cuộc sống là công việc và công việc là phúc lạc – một trạng thái kỳ diệu thật sự của nội tâm.
Con vừa viết đến đây thì nghe có tiếng ai gõ vào cửa xe và một giọng nói vội vã vang lên trong bóng đêm: “Này, xe chúng tôi bị lún cát, quý ông có thể giúp kéo lên không?” Thầy Hằng Triều không chút do dự, bước ngay ra ngoài cửa, và thấy hai thanh niên thần thái bất an. Thầy nói: “Ðược, chúng tôi sẽ đến ngay!” Chúng con thu xếp đèn nến và thiền cụ lại, rồi lái xe băng trên cát để lôi một chiếc pickup truck lên đường lộ. Việc trì tụng Chú Ðại Bi vào những lúc không lạy hay tụng kinh đã thành tự động với chúng con. Chính thần lực của Chú Ðại Bi đã nhấc bổng chiếc xe vận tải nhỏ ấy lên dễ dàng và chiếc Plymouth của chúng con cũng góp thêm sức mạnh cứng cáp vào đó. Chúng con băng qua ánh đèn pha trở lại xe mình.
Người đàn ông đã thấy nhẹ nhõm đi nhiều, nói với chúng con: “Xin cảm ơn các bạn. Các bạn thực là vị cứu tinh của tôi!”
Thầy Hằng Triều đáp: “Không có chi!”
Việc nhỏ và thành tựu dễ dàng, nhưng nó đã tiếp thêm niềm vui và ánh sáng cho vùng duyên hải California hiu quạnh này.
Vào những lần khác, những sự kiện xảy ra trong khi tu Ðạo thì quả thật không thể nghĩ bàn. Chúng ta nhìn thấy được rất ít của những gì đang thật sự đang xảy ra trên thế gian đằng sau bề mặt của tri giác. Chúng ta chỉ chắp nối, vá víu những mảnh nhỏ và các tiếng dội của hiện thực lại với nhau. Chiều thứ sáu đang lạy đột nhiên con cảm thấy như có sự hiện diện của Sư Phụ ngay trong tâm mình. Ngài ngồi kiết già, có vẻ đang niệm chú, và ảnh tượng này làm tâm con lắng dịu sâu xa. Ðột nhiên, con nghe tiếng xe thắng rít và một đám khói đen lớn bốc lên ở khoảng 50 thước về phía trước. Sau này thầy Hằng Triều mô tả lại bối cảnh: “Rõ ràng là một người lái xe đã ngủ gật ngay trước tay lái nên đã lái chệch khỏi đường lộ. Chiếc xe ấy phóng lên dốc đá cao sáu bộ Anh (6 feet – khoãng 1 mét 8) rồi quẹo, vẫn chạy hết tốc độ, và lao thẳng xuống hai chiếc xe hơi cùng một chiếc vận tải đang chen chúc ở những đường lanes bên dưới. Không hiểu sao chiếc xe ấy lại len vào giữa một chiếc van và một chiếc vận tải, tránh được cả hai xe trong đường tơ kẽ tóc và tiếp tục lao xuống đường lộ, để lại mấy người lái xe mặt mày thất sắc, tay chân bủn rủn, nhưng vui mừng được sống sót. Nếu mấy chiếc xe này đụng nhau thì chúng ta hẳn sẽ ở ngay chính giữa chỗ xảy ra tai nạn – Diêm Vương sẽ có một ngày bận rộn đón tiếp những linh hồn mới đến từ Xa Lộ 1!”. Kỳ diệu hơn nữa, ngay sau khi sự việc này chấm dứt thì hình ảnh của Sư Phụ trong tâm con cũng từ từ mờ nhạt đi rồi mất hẳn. Cái gì thật sự liên quan? Ai đã cứu những sinh mạng này từ một khoảng cách chừng 400 dặm một cách vô hình và người ấy cũng chẳng trông đợi một lời cảm tạ hay bất cứ một sự ghi nhận về công lao nào cả? Con không hoài nghi gì cả rằng chính sự thị hiện đúng lúc của Sư Phụ đã ngăn cản vụ đụng xe trên đường. Chứng minh ư? Không có cách nào giải thích được làm thế nào một chiếc xe đang chạy rơi xuống lại chen sít sao vào lại đường lộ. Đã bao nhiêu lần rồi những việc tương tự như thế này đã từng xảy ra trong đời nhiều đệ tử : những lần vừa kịp thoát chết, khi Bồ tát Quán Thế Âm hiện ra trước mặt mọi người trong khoảnh khắc nguy hiểm rồi lại biến mất lúc tất cả đã được an toàn?
Khi chúng con nỗ lực làm cho tâm mình thành một nơi thanh tịnh, con thấy mình luôn quay về căn bản. Như điều đầu tiên mà một Phật tử sơ cơ phải học là chắp tay với lòng thành kính chẳng hạn. Chắp tay biểu hiện sự nhất tâm. Vì việc dụng công tu hành vốn đặt trên đất tâm, cho nên sự nhất tâm là trọng yếu nhất. Con nhận thấy cái ấn chắp tay của mình từ từ cẩu thả, có các khe hở giữa các ngón tay và ngón cái. Tuần trước, lúc đứng cạnh Sư Phụ trước khi Ngài thuyết pháp ở Kim Luân tự, con chăm chú ngắm nhìn Sư Phụ lễ Phật. Con thấy lòng xúc động sâu xa. Khi Sư Phụ chắp tay lại, Ngài triệt để quy vào sự lễ bái – một sự hoàn hảo chỉ có được khi tâm niệm quy nhất. Con cố gắng áp dụng lối chắp tay mới mẻ, hoàn hảo trong lúc lễ lạy và sự để tâm vào hình thức bên ngoài quả đã khiến cho nội tâm con lắng dịu. Những vọng tưởng cũng dễ trừ khử hơn khi hai bàn tay con chắp lại khít khao, không còn khoảng cách hay có kẽ hở. Hãy quay về căn bản.
Ðược mục kích sự lễ lạy của Sư Phụ là một bài học về tánh khiêm tốn, một thứ lương dược đối trị ngã mạn và cũng là một mẫu mực cho chư thiên cùng nhân loại. Sự lễ lạy của Sư Phụ là một sự chuyển hóa mầu nhiệm toàn bộ: khi Sư Phụ lạy, Ngài biến mất. Tình trạng hoàn toàn không có tự ngã của Sư Phụ thể hiện rõ rệt, chừng như Sư Phụ đã khế hợp, trở thành một thể với chư Phật mà Ngài đang đảnh lễ vậy. Con không biết được cảnh giới của Sư Phụ khi Ngài cúi lạy hay trong những trường hợp khác, nhưng có cái gì đó rất thanh tịnh và đặc biệt đã xảy ra lúc Ngài lễ Phật. Chỉ là đảnh lễ. Dường như không có người lễ lạy và cũng chẳng có người để đảnh lễ, đó chẳng qua chỉ là một sự kính cẩn thâm sâu và đơn thuần; kỳ diệu khi được nhìn thấy. Trở về đường lộ, con học lại từ đầu để lạy cho đúng đắn. Hết lòng hạ bản ngã thấp xuống mặt đất với tâm chí luôn tưởng đến Thường Trụ Tam Bảo, rồi đứng dậy và chắp hai tay lại với một sự nhất tâm trên suốt quãng đường tìm đến Vạn Phật Thành.
Ðệ tử Quả Chân (Hằng Thật)
Kính cẩn đảnh lễ.
Kính thưa Sư Phụ,
Con hiện đang đợi xe tại một trạm xăng thuộc vùng Lompoc. Trước mặt con là vùng đồng quê hoang vu, trống trải, không có phố xá ngoại trừ một vài trạm xăng dành cho cuộc hành trình “lạy dặm trường.” Do đó, con phải vào thành phố mua đồ phụ tùng và tu bổ lại những chỗ cần thiết để chuẩn bị cho nhiều tuần lễ sắp tới. Thầy Hằng Thật đang lạy trong cánh đồng cao nguyên trơ trọi, nằm trên những ngọn đồi ngó ra Nhà Tù Liên Bang ở bên ngoài Căn Cứ Không Quân Vandenberg. Ðây là nơi chúng con cắm trại tối qua. Những người thợ máy có lời khuyến cáo và bông đùa về những chặng đường sắp đến, và chúc chúng con được may mắn.
Bạch Sư Phụ, thật là buồn cười, nhưng mới đây trong chuyến hành hương này con khám phá ra rằng càng lúc con càng tự nhiên và thành thật giữ im lặng. Nó chẳng phải là không có ý nghĩ hay sự cảm xúc. Con vui vẻ và no nê, nhưng không phải về những lời đàm luận, chuyện trò. Cho nên thật khó đặt bút, bởi vì đây là một chốn mới mẻ và xa lạ. Các lời trong kinh là những gì con thích nghe và thích lập lại nhất, mà đặc biệt là Kinh Hoa Nghiêm. Những lời kinh vang vọng trong tâm chúng con suốt ngày và là một phần của sự tĩnh lặng này. Sự huyên náo cùng các âm thanh khác đến rồi đi, nhưng âm vang của lời kinh vẫn cứ tồn tại, trực tiếp nói lên các kinh nghiệm và hoàn cảnh của chúng con. Âm thanh của lời kinh đều tự nhiên và hòa lẫn với sự tĩnh lặng của gió, cây.
Có một sự khế hợp tinh tế, hài hòa giữa những đạo lý này với tâm chúng con. Khi chúng con đọc các lời trong Kinh điển cho nhau nghe, cả hai khuôn mặt và cặp mắt đều sáng rực, reo lên: “Ồ! Ðúng rồi đó! Nó là như thế đó!” Rồi hai cái đầu cùng gật gù, hai khuôn mặt cùng tươi cười tán thành. Chúng con thường có cảm giác như có thêm một pháp hữu khác nữa – một pháp hữu thông thái, không hề nhầm lẫn, hiểu rõ những ý nghĩ và cảm xúc sâu kín nhất của chúng con – đó là Kinh Hoa Nghiêm!
Những gì chúng con trải qua, kinh điển đều giải thích rõ; và những gì được giảng giải trong kinh điển, chúng con đều trải qua. Khi đạt tới một giai đoạn trong sự tu hành mà trước kia cả hai chúng con đều chưa hề biết đến, thì bao giờ tối đến kinh điển cũng soi tỏ, giảng giải và cắt nghĩa về cảnh giới ấy. Thật là bất khả tư nghị! Và, có quá nhiều điều để thâm nhập, tìm hiểu!
Hôm thứ ba, khi chúng con lạy ngang qua thành phố nhỏ Vandenberg Village vào lúc mặt trời lặn, thì có một nhóm khoảng ba mươi người xúm lại chung quanh – dòm ngó, bàn tán xôn xao và lấy làm lạ về chúng con. Một cụ già thấp bé bước ra khỏi nhà, kính cẩn tiến đến cúng dường. Với nụ cười hiền hòa và dáng điệu chỉ tay về hướng bắc, ông ta bày tỏ không bằng lời nói: “Hy vọng vật thực này sẽ trợ giúp các ông trên đường đi. Hãy tiếp tục. Chúc các ông được may mắn!” Ðột nhiên nhóm người căng thẳng và bất an đang lặng lẽ quan sát lại tản mác ra. Nhiều phút sau, họ trở lại và hùa nhau mang ra tiền bạc cùng những thực phẩm cúng dường. Già, trẻ, cháu chắt, ông bà, tất cả đều tươi cười, bố thí và chúc phúc cho chúng con. Sức mạnh từ sự bố thí và thâu nhiếp của một người đã chuyển hóa cả nhóm người hầu như đối nghịch thành những kẻ chúc phúc hoan hỷ!
Lúc từ trạm xăng trở lại, con thấy thầy Hằng Thật đang lễ bái trong một cánh đồng trống, lộng gió bên ngoài Highway 520, với khuôn mặt tươi cười và tràn ngập vẻ khinh an (nhẹ nhàng, thanh thản). Khi chúng con im lặng ngồi thọ trai trong chiếc xe Plymouth cũ kỹ – bữa ăn gồm có bánh mì, trái cây, đậu và rau cải – con nhận thấy như chúng con đã tự mình lễ lạy vào một thế giới khác – một nơi trong suốt như lưu ly, thanh tịnh và hỷ duyệt – và chúng con chỉ vừa bắt đầu. Tâm trí con đi đến Chùa Kim Sơn và một thoáng về Sư Phụ cùng toàn thể đại chúng. Từng khuôn mặt hiện ra, chen chúc nhau trong chiếc xe, tất cả đều sung mãn pháp hỷ, cùng nhau rời bỏ cõi Ta Bà bụi bặm. Ðây đích thực là nhà : Thường trụ Tam Bảo không nơi chốn hay giới hạn.
Một ngày nào đó, những khuôn mặt mà chúng con gặp gỡ trong lúc lễ lạy sau mỗi ba bước – cảnh sát, trẻ con, thợ máy, hươu nai, kiến, người già, kỹ nữ, phóng viên, gió, đá và mây trời – sẽ thành một khuôn mặt. Tất cả sẽ quay về và nương tựa nơi Thường trụ Tam Bảo ở ngay trong tự tánh thật sự của chúng con. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Tất cả đều sẽ thành Phật. Hôm nay là một ngày rất vui!
Một người đàn bà chạy băng qua bốn lanes của đường freeway với xe cộ chạy hết tốc lực, bị trượt chân trượt té xuống một lề đường dốc để cúng dường những bánh ngọt do bà tự làm lấy và 5 dollars – khuôn mặt nở đầy nụ cười suốt đường đi.
Nhiều an lành trong Ðạo,
Ðệ tử Qủa Ðình (Hằng Triều)
kính cẩn đảnh lễ.
*
Trong chánh điện Chùa Kim Luân sau khi Hòa Thượng khai thị. (tháng 11, 1977)
*
Sai một ly, đi sai ngàn dặm
Ngày 21 tháng 1 năm 1978.
Kính thưa Sư Phụ,
Bây giờ, sau lưng chúng con là thành phố San Luis Obispo và khoảng 12 dặm về phía trước là vịnh Morro Bay; và kế đó, không gì khác ngoài những dặm đường dài tít mù quanh co uốn lượn dọc theo bờ biển dẫn đến thành phố San Francisco. Chặng đường San Luis có vẻ đặc biệt và trông giống một cổng thâu tiền xe không có cổng hơn. Nhiều thử thách lớn lao về sự quyết tâm và tâm chuyên nhất. Chúng con biết rất rõ tin là khoá thiền đang tiến hành tại Vạn Phật Thành và đều cảm thấy công việc của chúng con tựa hồ như một khóa Thiền ngoài xa lộ.
Các khóa Thiền thất phản chiếu sự tu hành của chúng con. Nếu công việc hàng ngày làm cẩu thả thì sẽ thấy ngay trong khi vào thiền thất . Áp lực cho thấy ngay nhựng chỗ rạn nứt và khiếm khuyết. Thay vì thu hoạch, thiền thất lại trở thành tiệm sửa chữa. Lạy trong thành phố cũng giống như vậy. Các tập khí xấu xa thường xem phớt qua hay không rèn luyện đều hiện rõ khi chúng con lễ lạy trong thành phố. Những phương diện giả tạo và che dấu của tâm chúng con đột nhiên hiện rõ dưới ánh đèn pha. Kệ rằng:
“Ờ vùng quê, hãy rèn luyện nó,
Thử tánh nóng ở thị thành,
Vượt qua hay không, vẫn tiến bước
Quán bản thể.”
Khi vị hành giả thật sự dụng công thì thử thách xảy đến không ngừng, ở cả thôn quê lẫn thành thị. Là đệ tử của Sư Phụ, chúng con biết rằng:
“Mọi việc là thử thách,
Xem coi ta làm gì,
Ðối trước mà không rõ,
Phải đào luyện trở lại.”
Thầy Hằng Triều thuật lại thử thách Thầy đối mặt: Nơi công viên quốc gia, Pismo, không một bóng người, Thầy ngước mắt để ngắm xem đôi vòng mống cầu rực rỡ trên nền trời hướng đông trong nhiều giây. Trong chớp mắt, trong đầu hiện đầy những hình ảnh tham dục và tập khí cũ. Ngay chớp mắt đó, thầy “Ngã lăn theo bánh xe.” như bài kệ:
Thấy việc rõ việc, xuất thế gian,
Thấy việc mê việc, đọa trầm luân.
Chỉ vì sai lệch chừng một kẽ tóc ngay lúc khởi đầu mà đến phút cuối, Thầy Hằng Triều đã trật xa cả ngàn dặm và phải luyện lại.
Con cũng đối mặt và thất bại trong một cuộc khảo nghiệm tương tự. Trong trường hợp này, nó sai lệch một khoảng cỡ bằng bề ngang của cá voi thì đúng hơn, nhưng kết quả vẫn là sự hồ đồ giống như vậy.
Chiều tối nọ, gần Căn cứ Không quân Vandenberg, một chiếc xe van quen thuộc tạt vào đậu ngay trước mặt. Đó là chiếc xe loại Chevy của Chùa Kim Sơn. Không mang kính nhưng con đã nghĩ đó đó là chiếc xe của Chùa. Lúc ấy là thời gian cuối của một ngày dài lễ lạy; bản ngã của con mong muốn một bất cứ sự biện minh nào đó cho sự phóng ra bên ngoài. Tự nghĩ “Thật tuyệt diệu! Một cuộc thăm viếng bất ngờ của gia đình chúng ta.” Con phóng chiếu rằng đó là một thầy Tỳ kheo mang đến kinh điển mới, hay thức ăn, hay có thể là lời nhắn nhủ của Sư Phụ. Ngay lập tức con có nguyên một cảnh tượng tham lam diễn bày trong đầu óc. “Nghĩ tức cười! Không ai bước ra khỏi xe đó cả. Không biết họ đang đợi gì? Tại sao thầy Hằng Triều chưa bước qua để đón họ? Ồ! Kệ, hãy lạy cho xong hôm nay rồi nhận phần thưởng sau cũng được. Kìa, cửa xe mở. Ai vậy cà?”
“Này bạn, bạn có nhận Chúa Giê su là đấng cứu rỗi không?”
“Ô không! Một người truyền đạo Thiên Chúa lại trùng hợp lái chiếc xe van Chevy màu xanh lá cây! đó.”
Hãy trở lại tay lái để đào luyện trở lại.
Tiến trình đào luyện cũng giống như công việc hằng ngày tại tu viện. Phải đúng giờ, đừng vội vàng, ăn vừa đủ, chớ tham nhiều, thời thời khắc khắc, nhất tâm nhất ý hành lý Trung đạo, hàng phục bản ngã mọi lúc. Nếu kiên nhẫn, tinh tấn, thành tâm rèn luyện, thì khi đường phố hiển hiện dưới đầu gối của chúng con là lúc đo được độ cứng và độ bền của kim loại. Những chỗ cứng vượt được thử nghiệm; chỗ yếu phải trở lại lò rèn thêm một vòng nữa. Cũng giống như trong khóa thiền, việc tu hành diễn tiến như bình thường, nhưng có phần nhiều hơn. Với sự tập trung tâm trí vào việc trì tụng và ngồi thiền, kết quả công việc hàng ngày được đưa vào kho (để kiểm điểm). Những cây trơ trụi phải tỉa cành ngắn lại để mọc ra vào mùa tới.
Một ví dụ về nội tâm đối thoại khởi lên trong quá trình rèn luyện: “Hàng phục tâm tham danh chưa? Định lực của mình như thế nào khi phóng viên địa phương đến chụp hình ‘cắc, cắc, cắc’ hàng giờ ? Mình có bị chệch ra khỏi tâm điểm và bắt đầu làm bộ dạng? Lăn theo bánh xe. Về thức thì như thế nào? Vẫn bám víu mùi vị cùng ăn cho no đầy phải không?” Hãy thử xem. Ông bà của Sa di Qủa Hữu, Bill và Pat đến với một mâm bánh mì nóng hổi vừa làm tại nhà. Tất cả sáu căn đều động cùng một lúc; tâm thì đầy cả mây mù vọng tưởng. Trở lại lò rèn! Nói đi, mình đang tu hành cái gì ngoài tâm tham bánh mì bắp nóng? Còn ngủ nghê thì thế nào? Giờ là tám giờ rưỡi tối; đã tụng Kinh Hoa Nghiêm xong; bây giờ mỏi mệt trong từng lằn gân tế bào; tập khí xấu làm mình thiếu kiên nhẫn, lại sắp sửa muốn đắm vào giấc ngủ. Đến giờ ngồi thiền, nhưng để làm gì? Mình sẽ chỉ ngủ gục. Sư Phụ, con phải làm gì? Con đã tuyệt vọng rồi! Càng đi sâu hơn vào tâm con, con càng quậy ra thêm nhiều bùn nhơ và rác rưởi. Không có hoa sen ở đây, chỉ có bùn lầy. Nghiệp chướng qúa thâm trọng. Được, đi hỏi thầy mình thì không bị sai, dù trường hợp của con là trường hợp tuyệt vọng. Lòng từ bi của Sư Phụ thâm sâu hơn sự ngu si của con. Con đang tận lực để tự đứng, nhưng đây là thời điểm cần sự giúp đỡ. Trước mặt là quyển Kinh Bốn Mươi Hai Chương Lược Giảng, hãy mở ra xem kinh nói gì:
“Bậc Sa môn học Đạo phải giữ lòng bền vững và tinh tấn lướt tới, chẳng sợ cảnh trước, phá diệt bọn ma, chứng được Đạo quả.
…. Liên kết ba sức mạnh của Giới, Định, Huệ với nhau, tất sẽ dứt trừ được những thói hư tật xấu và thói quen giả dối có từ vô thủy. Vô số thói hư tật xấu này được ví như chúng ma … chớ bỏ dở nửa chừng, và tinh tấn lướt tới, dũng mãnh dấn thân, chỉ có tiến chứ không chịu lùi bước.” (1)
Thật kỳ lạ! Dường như Sư Phụ đang ngồi ở ngay đây! Khi ấy, trong tai con nghe có tiếng Sư Phụ văng vẳng: “Này Quả Chân, con sâu lười biếng! Sao chưa làm xong công quả mà lại dám nghĩ tới chuyện ngủ nghê? Con phải lo làm công quả y hệt như con lo mặc y phục, hay lo ăn cơm vậy. Con có bỏ bữa thọ trai vì quá mệt mỏi không? Chắc chắn là không! Vậy thì, sao con lại không ngồi thiền? Mọi người đều đang nỗ lực dụng công trong kỳ thiền thất, còn con thì viện cớ gì chứ?”
Con ngồi thẳng dậy và bắt tréo chân ngồi kiết già. Bao nỗi mệt nhọc cùng nghi hoặc trong lòng con tan biến dần như màn sương mù trước ánh nắng ban mai. “Dầu thành hay bại, chúng ta vẫn tiếp tục quán tưởng về thực thể.” Ai dám hoài nghi việc thân cận bậc Thiện tri thức là tất cả (một trăm phần trăm) của Ðạo?
Vịnh Morro Bay – cách 13 dặm.
Monterey – cách 135 dặm.
San Francisco – cách 249 dặm.
Vạn Phật Thành – cách chỉ một niệm.
Ðệ tử Quả Chân (Hằng Thật)
kính cẩn đảnh lễ.
Ghi chú:
(1) Kinh Bốn Mươi Hai Chương Lược Giảng – Chương thứ 33.
Phạm giới khởi nguyên từ vọng tưởng
Tháng 1 năm 1978.
Kính thưa Sư Phụ,
Chủ nhật, 3 giờ 45 sáng: Thức dậy làm lễ công phu khuya, trườn người lấy áo ấm mặc vào để tránh cái lạnh ban mai. Xa lộ còn vắng vẻ và yên tĩnh, chỉ có tiếng trăng và tiếng róc rách êm tai của dòng suối nhỏ trước khi chúng con bắt đầu với Chú Lăng Nghiêm.
Từ 5 giờ đến 6 giờ 30 sáng: Chúng con chép và xem kinh điển, đổ dầu đầy cây đèn dầu. Ngồi thiền.
Từ 6 giờ 30 đến 7 giờ sáng: Tập Thái cực quyền – con trượt chân và trượt té trên những trái cây khuynh diệp.
7 giờ 15 sáng: Lái xe đến điểm lạy trên đường đèo trong núi Santa Lucia Mts. Gió thổi nhè nhẹ, lạnh và trong lành. Mặt trời đang nhô lên trên rặng núi.
8 giờ sáng: Bốn đệ tử tại gia từ Los Angeles ra gặp, họ mặc đồ ấm dày và sẵn sàng để lạy.
9:00: Một thanh niên tên Richard, thầm lặng tham gia lễ lạy ngang qua cổng nhà tù tiểu bang bên ngoài thành phố San Luis Obispo. “Tôi vừa thấy quý vị, cảm nhận quý vị rất thành tâm và cảm nhận được mối quan hệ nên tôi quyết định tham gia, có được không?” Anh Richard cũng cho biết rằng đã có tập chút ít Thái cực quyền, Yoga, thiền tập. “Và việc lễ lạy này trông thấy và cảm nhận đều giống nhau”. Anh ta cúng dường rồi rời khỏi lúc 10 giờ để trở về đi làm. Anh là người làm vườn; dự định đến Vạn Phật Thành trong mùa xuân này khi được một tháng nghỉ hè.
10:30: Ngừng lạy, hồi hướng công đức; lái xe ra khỏi xa lộ đến cánh đồng trống thọ trai.
10:45: Hết xăng (xe không có đồng hồ đo xăng).
11:00-11:30: Ngồi thiền.
11:30-12:30: Cúng ngọ, thọ trai. Ðang thọ trai bỗng có một người từ xa đi lại chắp tay, vái và cung kính cúng dường một bọc trái cây cùng một số cành hoa hồng đỏ.
1:00-2:00: Tụng tán Quán Âm, tụng Chú Ðại Bi, Kinh Hoa Nghiêm – phẩm Ðao Lợi (thầy Hằng Thật dịch).
2:00-6:00: Lễ lạy. Trên đường trở về chỗ lạy, con nhập trong định “Vọng tưởng” về việc làm thế nào để đem thực phẩm cúng dường còn dư về Vạn Phật Thành. Chợt thấy một con rùa đang ngước cổ ngay giữa xa lộ; có vẻ hoang mang . Lúc đó con thức tỉnh, suy nghĩ muốn cứu nó, nhưng chúng con đã chạy quá xa. Phải quay xe trở lại. Chúng con trở lại chỉ vừa đúng lúc để nghe thấy con rùa bị dập nát tung tóe bên dưới bánh xe của một chiếc xe Cadillac. Chúng con cảm thấy sinh mạng con rùa chấm dứt ngay trong tâm can mình. Đây là một bài học lớn lao: “Ban đầu sai một ly, cuối cùng sai ngàn dặm.” Nếu con thuận theo duyên, không để thân nơi này, tâm nơi kia, thì chắc con đã quyết ngừng xe lại ngay khi vừa trông thấy nó mắc kẹt giữa đường. Thay vào đó, cơn “định” vọng tưởng về thực phẩm của con khiến con xa rời vài giây và chính điều này đã làm sự việc hoàn toàn khác. Trong giới Bồ tát nói rằng Bồ tát phải giải thoát và cứu giúp chúng sanh. Bài học là: “Phạm giới khởi nguyên từ vọng tưởng và tạo ra bao hoạn nạn khổ đau.”
3:00 pm: Một ông băng ngang xa lộ đầy xe lưu thông để cúng dường, ông ta nói: “Tôi chưa bao giờ biết đến một nơi như thế (Vạn Phật Thành) hiện hữu tại Cali này. Tôi muốn giúp.”
4:00 pm: Một bà ngừng xe trước cổng nhà tù liên bang tiến đến: “Các ngài có nhận thứ này không?” Vừa hỏi vừa chìa tay ra một xấp tiền tem phiếu (1), “Và khi tụng kinh, nhớ cầu nguyện giùm chồng tôi. Ông ta đang ở trong đó.”, bà chỉ tay về phía nhà tù. “Cầu Chúa ban phước lành cho các ngài.”
5:30 pm: “Về nhà, lũ đầu trọc!” một chiếc xe lướt qua.
5:40 pm: Một ông bước đến từ nơi bờ rìa xa lộ nhỏ hẹp, gần như bị trượt té, nhưng vẫn tới, đưa tiền cúng dường cho con, nói rằng: “Khi tâm sùng kính, thì ngay cả răng chó cũng phát ra ánh sáng.” Ông ta quay mình và bỏ đi.
6:00 pm: Chúng con hồi hướng công đức, lạy Tam Bảo và Sư Phụ.
6:30-7:30: Ngồi thiền.
7:30-9:00: Tụng Kinh A Di Ðà cùng các bài tán. Dịch Kinh Hoa Nghiêm.
9:30-10:30: Con tập thể dục võ Thiếu Lâm, sau đó đứng thiền bên ngoài để tỉnh ngủ và xua đuổi cơn lạnh.
10:30-11:15: Tụng chú, lạy chư Tổ.
11:15-12:30: Ðọc nguyệt san Kim Cang Bồ Ðề Hải và ngồi thiền.
12:30: Thổi tắt đèn dầu, nghe tiếng chim cú cô độc kêu “ai, ai” (2), và ngủ thiếp.
Ðệ tử Quả Ðình đảnh lễ.
Ghi chú:
(1): Foodstamps: loại phiếu mua thức ăn do chính phủ phát hành để giúp những người có lợi tức thấp.
(2): Tiếng chim cú kêu gần giống tiếng Anh là “who, who”, có nghĩa là “ai, ai”, là đề mục tham thoại đầu lúc tham thiền (thường tham cứu “Ai, Ai” – “Ai đang niệm Phật?”).
A Di Ðà Phật!
Ngày 22 tháng 2 năm 1978.
Kính thưa Sư Phụ,
Trở lại thiên nhiên.
Chúng con, đệ tử Ba Bước Một Lạy, cầu chúc Sư phụ cùng đại chúng những lời chúc tốt đẹp nhất. Chúng con đang ở thành phố Harmony, tiểu bang California, dân số khoảng 18 ngàn người, ở chặng giữa thành phố Cayucos và Cambria. Ngày ngày, đồi núi càng thêm xanh tươi, nền trời càng xanh thẳm, người càng thưa dần, sương mai càng dầy đặc. Quang cảnh có những con rắn dài và con bò lông dài trên đồng cỏ lạnh. Một sinh viên sinh vật học tại đại học Cal. Poly xác nhận rằng con vật mà thầy Hằng Triều thấy hôm chủ nhật chính là sư tử núi.
Nghe lời khuyên của một hộ pháp, chúng con bắt đầu ăn rau dại mọc dọc theo đường lộ. Hái rau quả là một thiện pháp. Rau dại miễn phí, cũng giống như Phật tánh; không cần dùng tiền mua. Trước khi chúng con khám phá ra rằng chư Phật khắp thời gian và không gian đều do tâm tạo, chúng con đã rong ruỗi khắp Pháp Giới để tìm Đạo. Sau đó chúng con được nghe rằng là Đạo ở ngay trong chân tâm chúng con – điều chúng con cần làm là khai mở ra. Ồ! Rau dại cũng giống như vậy. Cánh đồng trông có vẻ đầy cỏ dại cho đến khi có người nói: “Này, rau dại mà các ngài đang dẫm lên đó có mùi vị giống những thứ rau ngon nhất trong các siêu thị, và hơn thế nữa vì chúng miễn phí, xanh tươi và có rất nhiều.” Ồ! Cánh đồng cỏ dại trở thành vườn rau bổ dưỡng. Thử thách hiện giờ của người hành giả là đừng nghĩ đến bao tử mỗi khi nhìn xuống đất.
Ba bước một lạy mang lại lòng biết ơn nhiều thứ chúng ta đã bỏ sót hoặc cho là đương nhiên. Những rau dại này xứng đáng được đề cập là kho tàng thực phẩm vô tận dành cho những người hành hương và các ẩn sĩ sơn lâm trong tương lai. Chúng con không đi ra xa để thu nhặt – chúng con có thê nhận ra 5, 6 loại rau mọc hầu như khắp nơi. Trong năm phút, chúng con hái đầy một nồi (nhưng phải lưu ý đến côn trùng vì đây cũng là thế giới của chúng!). Sau đó, rửa sạch, luộc khoảng hai phút. Thế là xong. Còn gì nữa? Chúng con tìm rau “đắng” để tẩy trừ “khí nóng” phát sanh do tọa thiền. Cây bồ công anh, cây cải xen xanh có đủ chất đắng thiên nhiên để hạ nhiệt lửa trong người nhưng không quá đắng để có thể nuốt.
Sinh hoạt hằng ngày của chúng con trở nên tự nhiên và đơn giản hơn khi lễ bái dẹp trừ lần lần những tập khí nhân tạo chúng con đã tích tụ qua nhiều năm. Chân lý tự nhiên và đơn giản: “Tất cả pháp duyên sanh đều sẽ hủy diệt.” Thân thể do bốn yếu tố tạm kết hợp: đất nước gió lửa. Không có số lượng thức ăn thiên nhiên nào có thể giữ thân thể khoẻ mạnh khi đến lúc phải chết. Phong trào trở về thiên nhiên thì đi đúng đường, nhưng nếu ngừng ở chỗ “rau dại, hạt” bên vệ đường thì không “quay lại” đủ cho lắm. Phật tử là một phần tử trong phong trào chân thực quan trọng trong thế giới tân tiến hiện nay – phong trào “quay trở về tự tánh chân thật”. Tự tánh chân thật không hư hoại, đó là quyền bẩm sinh của chúng sanh. Bằng cách tu hành theo đường tất cả chư Phật đã qua, chúng ta trở về Thiên Nhiên vĩ đại nhất.
“Gió và ánh sáng của đất tâm có mùi vị đặc biệt vi diệu vô hạn. Nếu chúng ta muốn nếm thử mùi vị của nó, chúng ta đơn giản chỉ cần thanh tịnh tự tâm.
– Thủy Kính Hồi Thiên – Hòa Thượng Tuyên Hóa
Có thể nói rằng ở đây Hòa Thượng nói về cây bồ đề; cây mà chúng ta muốn nhận diện, được ăn và chia xẻ với tất cả pháp hữu. Cây này không có trong sách hướng dẫn các loại cây có thể ăn được ở ngoài các cánh đồng, bởi vì cây này rất đặc biệt – nó sinh trưởng trong đất tâm. Sư phụ chỉ cho chúng con tìm nó ở đâu, làm thế nào để nhận diện, để thu hoạch. Dưới đây là cách thức cây này có thể được liệt kê trong sách Hoa Phật Giáo:
- Chủng loại: giác ngộ.
- Thứ loại: vi diệu
- Môi trường: trong chân tâm tất cả chúng sanh.
- Phân bố: khắp Pháp Giới.
- Mùa thích hợp: mãi mãi
- Mô tả: xem Kinh Hoa Nghiêm để tham khảo.
- Vi diệu không thể nghĩ bàn.
Câu chuyện về chiếc xe:
Chiếc xe hang-động-trên-bánh-xe Plymouth của chúng con chẳng phải một chiếc bình thường. Chúng con nghi ngờ rằng nó là một con rồng, có thể là một đệ tử Sư phụ hóa thân tính nguyện làm việc cho hành trình Ba Bước Một Lạy. Chiếc xe vừa hộ pháp vừa nói Pháp cho chúng con. Có những đêm. nằm dưới ánh trăng sáng nó thực giống rồng, có đủ râu quai hàm, đuôi dài thườn thược. Ðáng lẽ đã rã rời hàng chục lần rồi, nhưng vẫn còn hăng hái lăn bánh. Lần nọ, đầu tháng Hai, gặp một trận bão lớn, xe không chịu nổ máy. Chúng con đành phải đậu xe bên lề xa lộ. Một người thợ máy trong trạm xăng ra rồ máy “rồng” nhưng chẳng nổ máy. Chiếc xe nằm ù lỳ trong khi chúng con lạy bên đường bùn lầy ngập đến mắt cá chân. Dự tính sẽ lái vào vịnh Morro buổi sáng đó để phơi khô đồ của chúng con tại một tiệm giặt ủi, nhưng không có cách gì cả; xe bị ướt hoàn toàn. Ðột nhiên, một xe buýt màu xanh quen thuộc hiện ngay bên cạnh chúng con, với ba tượng Phật vàng kim cột chặt vào ghế xe. Ðó là ưu bà tắc Quả Tài, đến để đón chúng con và mang ba tượng Phật xuống Los Angeles . Nếu chúng con đi đến tiệm giặt đồ thì ông ta chẳng bao giờ tìm được chúng con. “Ðược hãy thử xe lần nữa coi!” Rồ! rồ!, nó bắt đầu chạy như nôn nóng và chúng con đi. Quả Tài nói: “Theo quý thầy, nó cố ý không chịu chạy để đợi tôi xuống à?” “Vâng, còn cách nào khác để giải thích?”. Có đủ thứ kỳ lạ vi diệu trên thế gian – vô số, vô tận, vô lương, vô biên – tất cả đều từ số không (zero) ở trong tâm. Thật không thể nghĩ bàn!
A Di Ðà Phật.
Ðệ tử Quả Chân đảnh lễ.
Ðạo Phật Ở Nước Mỹ
Harmony, California, ngày 23 tháng 2 năm 1978.
Kính thưa Sư Phụ,
Sáng hôm nay con có viết một bài văn ngắn ghi lại vài điều đã trở nên rõ rệt hơn đối với con về Ðạo Phật và nước Mỹ trong lúc đi Ba Bước Một Lạy.
Ðạo Phật Ở Nước Mỹ
Vịnh Morro Bay, California.
Con người với mọi chủng tộc, mọi màu da mà chúng ta có thể hình dung được, đã từ khắp nơi trên thế giới đến định cư tại đất nước này. Tất cả đều cùng san sẻ một vật: Hiệp Chủng Quốc, nơi sẵn sàng dành cho mọi người một dịp may để làm lại cuộc đời, một cơ hội để sửa đổi những thói hư tật xấu cũ và trở thành con người mới. Tất cả đều đang tìm kiếm một thiên đường đã đánh mất. Họ lìa bỏ nhà cửa và những thứ quen thuộc, họ đến đây để tìm một mảnh đất thanh tịnh và để tìm lại bản tánh chất phác tự nhiên của họ. Là những kẻ mơ mộng và là những người lý tưởng, những người này là những người tìm kiếm sự tĩnh lặng và đuổi theo sự tự do và hòa bình tối hậu. Cho tới nay, điều này vẫn đúng thật và người ta vẫn còn đến nước Mỹ vì tự do và vì vườn Ðịa đàng.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa tìm được nó. Vì sao? Các bạn có thể nêu lên một lý do là chúng ta đã tìm không đúng chỗ. Nó rất giống câu chuyện trong Kinh Pháp Hoa về một người đàn ông giàu có nhưng con ông ta lại không thấy thỏa mãn và còn muốn bỏ nhà ra đi . Nhưng trước khi người con ra đi, cha mẹ của cậu ta vì lo sợ rằng con mình sẽ trở thành một kẻ lang thang phiêu bạt, không một đồng xu dính túi, nên đã lén may một viên ngọc như ý vào trong áo quần của người con. Người con bỏ đi và quả thật, đã trở nên nghèo túng. Nhưng người con không hề biết là một viên ngọc vô giá được may giấu trong áo quần của mình, cho nên cậu ta đã không hưởng được sự ích lợi của viên ngọc như ý này.
Người Mỹ rất giống với người con trai của vị phú ông ấy. Chúng ta cứ không thấy vui vẻ, hạnh phúc ở nhà, và cứ bứt rứt mong muốn được tự do. Thế nên, chúng ta chạy ra ngoài: đuổi theo tiền tài và mưu cầu “nhiều hơn, tốt hơn, lớn hơn” – xe cộ, nhà cửa, và những thứ cao xa. Tuy thế, tất cả mọi thành quả thế gian làm cho đất nước này trở nên một quốc gia phồn vinh nhất thế giới lại không thể nào sản sinh ra thiên đường được. Sự thành công về mặt vật chất của chúng ta mang lại một chút tự do hoặc an toàn. Chúng ta vẫn cứ mãi bồn chồn và không cội rễ như thuở nào, và có lẽ còn hơn tệ thế nữa so với cách đây 200 năm. Càng khổ công và nôn nóng săn kiếm “viên ngọc” ở bên ngoài bao nhiêu, thì chúng ta lại càng rời xa quê nhà mình bấy nhiêu. “Sai một ly ở bước đầu”, thì chúng ta “đi sai một ngàn dặm ở chặng cuối”. Vịnh Morro Bay chính là “chặng cuối” theo nhiều phương diện và là một thí dụ điển hình về vấn đề vì sao Ðạo Phật lại đang bắt rễ trên mảnh đất phương Tây này.
Virginia, John McKenzie với bốn đứa con ở vùng Morro Bay là một gia đình người Mỹ tiêu biểu. Họ tốt nghiệp Ðại học, lập nghiệp tại South Pasadena, và bắt đầu sống một đời sống tốt đẹp và đầy hứa hẹn. Virginia kể lại rằng: “Nhưng vấn đề không phải ở chỗ có được cái T.V. màu mà là có được bao nhiêu cái T.V. màu; đó mới là điều đáng kể.” Nhưng họ vẫn thấy thiếu vắng cái gì đó và những thành công hơn nữa về sau cũng không sửa đổi lại sự thiếu vắng đó được. “Do đó chúng tôi bán mấy cái TV và chiếc Cadillac, mua một chiếc xe có phần sau rộng (station wagon), và dọn lên vùng núi non để ở.”. Họ sống ở đó trong ba năm và học hỏi được rất nhiều. “Tôi học cách để dành những sợi dây thun và cảm thấy như đang học lại lớp mẫu giáo.” Nhưng những đứa con nhỏ cần “trường học và hướng đạo” do đó họ dọn đến thành phố Morro Bay như là một thỏa hiệp – là một thành phố, nhưng không ô nhiễm và điên đảo như thành phố Los Angeles, theo họ nghĩ.
Trong thời gian ngắn, các công ty dầu hỏa, các công ty điện lực xây cất những nhà máy khổng lồ. Các “nhà phát triển xây dựng” tràn vào, chia lô và xây dựng, cho đến khi thành phố Morro Bay tăng phồng lên về kích thước và các sự nhức đầu. “Xa lộ từ từ kề cận; và ” cộng đồng an vui yên tĩnh” lại có vấn đề ma tuý trầm trọng đến với trẻ em. Chúng tôi rất lo ngại.” Virginia nói tiếp: “Con của chúng tôi là những đứa trẻ ngoan, nhưng khi ma túy ngay trong trường học thì…”
Gia đình họ McKanzie đọc qua về Vạn Phật Thành đăng trong báo thành phố San Francisco, và thấy chúng con lễ lạy. Họ xông xáo vận động ủng hộ và họ “thật vui vì có dịp cho ra.” Họ thường gởi cho chúng con xăng, nước và thức ăn. Con giải thích ngắn gọn như thế nào mà Tăng đoàn là “ruộng phước” như thế nào. Mọi người bố thí qua chúng con chứ không phải cho chúng con. Bố thí là một cách để trồng thiện căn, trưởng dưỡng những điều Phật giáo tiêu biểu: giác ngộ, từ bi, dứt khổ, và trí huệ viên mãn. Virginia bảo: “Rất chí lý, giống như gieo hạt. Tôi không hiểu nhiều. Tất cả điều tôi suy nghĩ khi tôi cho ra là nơi đó (Vạn Phật Thành). Tôi thấy những khuôn mặt hiền hòa, vùng đất an lạc, những toà nhà tốt đẹp và đang được sử dụng. Tôi gởi lên đó để giúp họ phát triển.” Bà ra điệu bộ như người trưởng đội cỗ vũ (cheerleader). Về năm giới, Virginia nói: “Ồ! Giữ giới sẽ giúp lấy gánh nặng lớn ra khỏi lưng, có phải không?”
Cliff và Vicky, một cặp vợ chồng trẻ, hiện sống trong một khu chung cư phát triển cộng đồng có “tiền mướn mắc” và đông đúc gọi là Bay Wood, ở thành phố Boro Bay. Họ không mấy vui vẻ hay có vẻ ổn định. “Chúng tôi đang tìm kiếm những gì có thể diễn tả được phù hợp với tư tưởng và cảm giác nội tâm của chúng tôi – ở bên trong, bạn có biết không? Sự thành công và các tôn giáo truyền thống không đáp ứng được. Cái đó không phải là ‘nhà’ cho chúng tôi. Rất nhiều người bàn về Con Đường và về Ðạo, nhưng chúng tôi thực chưa tìm thấy ai chân chánh thực hành,” họ giải thích. Khi biết rằng chúng con là một phần của cả một cộng đồng cư sĩ và tu sĩ đang thực hành Phật giáo, Vicky nói: “Tôi không thể xóa đi nụ cười trên khuôn mặt mình trong mấy ngày qua vì tôi quá sung sướng.” Họ cùng bạn bè mang đồ cúng dường, tham gia buổi tụng tán Quán Âm chiều chủ nhật, cùng tụng Chú Ðại Bi.
Tuần rồi Cliff lúc đang lái xe về nhà trong một cơn bão dữ dội. Mưa to gió lớn đã đưa xe anh ta từ lằn đường này sang lằn đường khác trên xa lộ; bỗng chợt một đàn chim tránh bão liệng mình trước xe. Cliff bảo: “Tôi nhìn kiếng hậu thấy một con chim lăn cuộn trên xa lộ. Tôi đã đụng nó, tôi biết con chim đang chết dần. Tôi cảm thấy mình phải làm cái gì đó để giúp nó. Khi ấy, vì lý do nào đó, không suy nghĩ, tôi niệm “Nam mô Quán Âm Bồ tát” khoảng năm hay sáu lần vì tôi nhớ Bồ tát Quán Âm luôn cứu giúp khi đau khổ hay bệnh hoạn. Sau đó điều kỳ lạ xảy ra. Ðột nhiên bầu trời trở lại quang đãng, gió dịu lại. Trời nắng lên và an toàn suốt đoạn đường về nhà.
“Khi bước chân vào nhà, mặt anh ta ngời sáng và vui vẻ!” Vicky nói.
“Tôi biết việc ấy có liên hệ với việc niệm danh hiệu Bồ tát Quán Âm, nhưng tôi không biết tại sao, thế nào? Trong đời tôi chưa bao giờ gặp việc như thế, thật lạ quá !” Cliff bảo.
Họ xin tất cả bản in của Chú Ðại Bi do một cư sĩ ở Los Angeles cúng dường. Họ liên tiếp hỏi han, thành tâm tìm hiểu Phật Pháp. “Pháp thân thanh tịnh là gì?” “Chúng tôi có thể bắt đầu đọc từ đâu?” “Bồ tát là gì?” “Chúng tôi có thể giúp được những gì khác?” “Ai là Phật A Di Ðà?” ….
Hai con chim ưng cuối cùng trong nước được bảo vệ chu đáo tại địa điểm đặc biệt trong vùng vịnh Morro – một hòn đảo nhô cao giữa vịnh. Tự thành phố là nơi nương náu của các loài chim. Mọi người đều biết rõ họ đang sống sát bờ đại lục. Không còn chỗ để mở rộng hay để chạy thẳng lên đồi thưởng thức cỏ xanh tươi hơn. Là một quốc gia, hiện tại cũng như thế: chúng ta đã hết chỗ để chạy ra ngoài.
“Cuộc lẩn tránh vĩ đại”, như một sử gia đã gọi việc tự trốn chính mình của chúng ta, đang đến một giới hạn thiên nhiên và về mặt tâm linh chúng ta đã đi sai cả ngàn dặm. Nhưng người Mỹ là những người lạc quan, đầy nhựa sống. Họ không thất vọng. Sống thực tiễn, tự lực cánh sinh, họ lại tự đứng dậy và tránh lỗi lầm xưa. Ðây gọi là sám hối và sửa đổi. Những người chúng con gặp thường không cảm thấy xấu hổ hay sợ hãi khi chấp nhận rằng họ lạc đường và muốn khởi sự lại cho đúng. Cởi mở và đầy năng lực, nhiều người sẵn sàng rời bỏ “thế giới mới can đảm” để đến “thế giới Hoa Tạng”. Họ sẵn sàng “hồi quang phản chiếu”. Nhưng bắt đầu từ đâu?
“… nơi đó có ai là người trí, được gặp và nghe Phật mà không tu hành nguyện thanh tịnh và bước đi trên cùng con đường mà Đức Phật đã đi?”
-Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Ðao Lợi Thiên.
Sư Phụ thường nhấn mạnh: “Phải xem Phật Giáo là trách nhiệm của chính mình.” Chỉ có điều này mới quan trọng: mỗi Phật giáo đồ phải cố gắng hết mình để buông bỏ cái giả và tìm cái thật. Điều làm cảm động và gây hứng khởi cho người khác là thật sự thực hành – những nguyện thanh tịnh và thực hành. Như chỉ nói suông thì không giá trị. Có rất nhiều người như thầy Hằng Thật và con nhận thức được rằng chúng con thực chưa chân chánh lo làm phận sự của mình, chúng con chỉ lên toa tàu và đi nhờ miễn phí mà thôi. Chúng con đã xài gần cạn phước báo bằng cách thọ hưởng phước. Giống như người con của ông trưởng giả giàu có, chúng con đã chạy ra ngoài phan duyên và phải khởi sự lại từ đầu.
Vạn Phật Thành rất quan trọng. Đó là nơi chốn thanh tịnh chúng ta có thể rửa sạch tâm hồn nhơ bẩn và đặt nền móng đức hạnh cho cuộc đời mình. Vạn Phật Thành đại biểu niềm hy vọng cho vô số chúng sanh để họ chấm dứt khổ não và tìm được tự do chân thật. Vạn Phật Thành đang trở thành một biểu tượng, giống như tượng Nữ Thần Tự Do, của cơ hội và nơi nương náu: một cơ hội để hoàn thành cuộc Cách Mạng Độc Lập Thật Sự bằng cách giải thoát tâm địa.
Nhiều người chúng con gặp đã chia sẻ niềm xác tín này và họ rất vui mừng về Chánh Pháp và Vạn Phật Thành.
Thực tế, cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ để dành độc lập chưa hề hoàn tất. Nhiều người Mỹ cảm nhận được ý nghĩa của công việc chưa hoàn tất trong tâm trí họ. Lịch sử và hành vi của chúng ta tiếp tục trở thành một cuộc tìm kiếm không ngừng nghỉ để tìm gốc rễ tự nhiên và sự giải thoát tối hậu của chúng ta. Có ai ngờ rằng “bảo châu” được may vào ngay trong vạt áo của chúng ta? Bảo châu là gì? Có phải đó là sự giàu có thịnh vượng của chúng ta không? Không! Bảo châu này là thể tánh sáng ngời của tự tánh thanh tịnh thường trụ, tâm bất biến chân thật của chúng ta. Chúng ta thường cho rằng Phật giáo rất mới mẻ tại Hoa Kỳ, những điều này không hoàn toàn chính xác. Như viên ngọc bảo châu, Phật giáo luôn có mặt tại đây. Chúng ta chỉ không biết tìm ở đâu mà thôi. Nay “Mộ Trung Tăng,” vị tăng trong phần mộ đến nước Mỹ và nhắc nhở chúng ta về bảo châu may trong áo của chúng ta – viên ngọc như ý. Lục Tổ nói “Chính thân này là đất giác, chính tâm này là Tịnh Độ”.
Ông Stan, là người gốc ở thành phố Boise, tiểu bang Idaho, tuổi gần 80, về hưu sinh sống với vợ tại vịnh Morro, vẫn mặc áo có in hình, tánh thẳng thắng, đơn giản, chân thật. Ông nói: “Chúng tôi đã đọc báo về quý vị, và về những gì quý vị đang làm tại Bắc Ukiah…”
“Ông nói về Vạn Phật Thành à?”
“Vâng, đúng rồi. Ồ, những gì tôi muốn nói là đất nước này cần thêm nhiều người như quý vị.
Ông Stan đem đồ cúng dường và mời chúng con trú lại nhà ông qua đêm khi còn ở trong vùng này. Con giải thích về những lời nguyện của chúng con không cho phép chúng con làm việc đó, nhưng đó là một sự mời mọc tử tế. “Vâng, rất vinh dự được biết quý vị. Vợ tôi và tôi rất thích thú về việc quý vị đang làm. Ðây là việc sẽ làm cho đất nước vững mạnh. Chúc quý vị may mắn và cảm ơn quý vị!”
Mộ Trung Tăng, vị tăng trong phần mộ đến đây không vô ích. Virginia Mckenzie tỏ lòng muốn cám ơn người nào đó. Chúng con bảo bà ta rằng nếu muốn cám ơn thì tốt nhất nên thực hành giáo pháp, và chúng con nói với bà về những chữ phía trên cửa ra vào tại Chùa Kim Sơn Thánh Tự: “Hãy cố gắng hết mình!”
“Ồ, đúng rồi, có phải không?” Virginia la lên, “Và nếu bạn làm lầm lỗi, thì hãy cố gắng hết mình để cố gắng làm tốt hơn!”
Ðệ tử Quả Ðình đảnh lễ.
Có phải là cái đó không? Chỉ chừng ấy thôi sao?
Bắc Hearst Castle, ngày 16 tháng 3 năm 1978.
Kính thưa Sư Phụ,
Xuân chợt đến hôm nay và chúng con mới cởi mấy lớp y phục lần đầu tiên kể từ tháng 11, có vẻ như vậy . Mặt trời nóng và hàng đàn côn trùng đến thăm viếng.
Rõ ràng mọi việc đều do tâm tạo. Tháng rồi con lục trong giỏ xách tìm đôi vớ ấm. Quá lạnh, vớ mỏng muà hè không thể dùng được. Hôm nay con lục lọi lần nữa, những chiếc vớ len nặng nề trông khổ não trong những ngày nóng bức chẳng còn quyến rũ nữa. Dưới đáy giỏ là những đôi vớ mỏng. Ồ, tuyệt diệu. Những đôi vớ có biến hóa gì trong bốn tháng rồi không? Không chút nào cả. Chính tất cả là do tâm con tạo, tâm đại phân biệt, tìm cầu thoải mái cho túi da. Là một chúng sanh thì có thể chắc chắn là phức tạp và phiền toái.
Thầy Hằng Triều và con từng có nhận thức rõ ràng trong mấy tháng vừa qua rằng Sư Phụ có ở đây với chúng con. Chúng con đạt được sự nhận biết này sau khi kinh nghiệm những khai thị của Sư Phụ đều trở thành sự thật trong tâm của chúng con hết lần này đến lần khác. Thật rõ ràng, đúng thời điểm chính xác! sự tỉnh thức rất kỳ diệu. Bất cứ nơi nào chúng con đi xa ra khỏi ý định ban đầu là đi trên Trung đạo, bất cứ cảnh giới nào phát sinh trong thiền định, chúng con khám phá ra rằng Sư Phụ đều biết hướng đi của chúng con. Và Sư Phụ hoặc chỉ ra một cánh cửa đang mở, và/hoặc dùng vài phương tiện thiện xảo qua lời ẩn dụ hay bài kệ…để dẫn dắt chúng con rời khỏi con đường nào đó, hoặc để đến con đường thẳng tắp hơn và cao cả hơn. Rất khó diễn bày bằng lời, cả hai chúng con đều cảm thấy Sư Phụ luôn hiện diện trong khi tu hành. Điều này luôn rõ ràng, đáng tin cậy, và thường xuyên nếu chúng con vẫn dụng công. Năng lực và trí tuệ của bậc thiện huệ tri thức thật không thể nghĩ bàn.
Trong lịch sử, nhiều hành giả dụng công rất nỗ lực, nhưng lại rơi vào chấp có chấp không, ngưng tiến bộ đơn giản chỉ vì không có bậc thầy, thiện tri thức như vậy dẫn dắt. Thầy Hằng Triều và con đảnh lễ Sư Phụ hằng ngày trên xa lộ: sáng, trưa, chiều, tối, với lòng thành kính thâm sâu, cảm kích vô ngần sự may mắn không ngờ được gặp Thiện Tri Thức trong đời này.
Ðệ tử Quả Chân đảnh lễ.
****
Kính thưa Sư Phụ,
Xuân đến, đột nhiên có gió ấm, âm thanh nhè nhẹ. Những cơn bão tuyết lạnh rét đã qua chỉ để lại những cánh đồng cỏ hoa xanh thẳm, những khe suối chảy róc rách. Chim chóc tìm bạn và xây tổ. Ðó là thời điểm và tất cả năng lực “tự nhiên” của trái đất đều di chuyển về chiều hướng này: ghi dấu tích trên thế gian, xây tổ (căn nhà), và trở nên sáng tạo.
Còn chúng con thì sao? Chúng con cũng đang quay về tự nhiên – tự nhiên bổn nguyên, tự tánh không duyên. Hết đời này sang đời khác, chúng con đã chịu thua trước những dục vọng và khoái lạc của mùa xuân. Hết đời này sang đời khác, chúng con đã “trôi theo dòng” và trở về tổ. Nhưng tổ (nhà) trở thành lồng củi, và chẳng bao lâu, câu hỏi tối hậu nẩy sanh: “Có phải là cái đó không? Chỉ chừng ấy thôi sao? Giao phối và chết đi, chết đi và giao phối. Sanh, trụ, hoại, không chỉ trong nháy mắt. Không gì ngoài ăn, ngủ, và mặc áo quần hay sao ? Nên nhìn như thế nào và nhìn ở đâu?”
“Nếu có chúng sanh không biết cách để vượt thoát ra
Không cầu giải thoát, chỉ lo khóc lóc, mê muội,
Bồ tát vì những chúng sanh đó, thị hiện thí xả quốc thành tài bảo,
Xuất gia tu Ðao, hằng thường tịch tĩnh, an lạc.”
-Kinh Hoa Nghiêm
Hôm qua, Quả Chu, Nicholson ghé qua và Quả Kuei cho hay: “Ngày mai là ngày đặc biệt.”
“Ồ ?” con nói.
“Vâng, ngày mai là ngày Phật Thích Ca Mâu Ni cạo đầu và cỡi ngựa trắng ra đi – ngày xuất gia của Ngài.”
Thật là một hình ảnh mãnh liệt của thanh tịnh và giải thoát: Ðức Phật cạo tóc và cỡi ngựa trắng đi tu hành. Đức Phật đã có một trong những “tổ ấm” tuyệt hảo, tại sao Ngài lại rời bỏ?
“Nhà là chốn tham ái và phiền trược.
Bồ tát mong muốn chúng sanh có thể xả ly;
Nên thị hiện xuất gia đắc giải thoát,
Giữa dục lạc mà không thọ dục lạc.”
-Kinh Hoa Nghiêm
Buổi sáng nay, khi đang lạy dọc trên đường lộ vắng vẻ, con chợt nhận thức rằng con đã xuất gia hơn một năm và mỗi ngày con đều an lạc vui sướng hơn. Có một thôi thúc tự nhiên khác dâng tràn trong tâm chúng sanh. Ðó là sự thôi thúc về sự giác ngộ và tự do tuyệt đối. Sự thôi thúc này mạnh mẽ hơn và căn bản hơn việc giao phối và xây tổ (cần bạn) và đến lúc thì tất cả chúng ta đều theo sự thôi thúc này. Đến lúc thì tất cả chúng ta đều nhận ra nó. “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều sẽ thành Phật.” Xuân này, một số người tìm cầu đôi lứa, một số người sẽ tu hành. Và điều này sẽ đem lại sự khác biệt. Nhưng nguyên thủy vốn không có sự khác biệt, và sớm hoặc muộn tất cả chúng ta đều “có thể xả ly” và ra đi trên con ngựa trắng. Thế nên Sư Phụ thường dạy: “Mọi việc đều okay (everything is okay).”
Mọi người đáng được tự do và hạnh phúc vào mùa xuân này và mỗi ngày đều đi về hướng thiện. Hãy giúp trái tim nhẹ đi, thanh tịnh tâm và tìm cách giúp đỡ tha nhân. Trong một năm lễ lạy, Thầy Hằng Thật và con đang khám phá ra rằng tu hành là ngay tại trong những điều căn bản này. Dẹp trừ tham, sân, si là điều quan trọng và giúp người khác được vui vẻ và tự do. “Nguyện cho tất cả chúng ta sẽ cùng nhau đi đến toàn giác thật sớm. Con hy vọng như vậy (1) . An lạc trong Đạo thật nhiều.
Ðệ tử Qủa Ðình đảnh lễ.
Tái bút: Chư cư sĩ hộ pháp vùng địa phương cực lực đề nghị chúng con nên rời xa lộ số 1 và tìm một đường khác. Con đường có vẻ trở nên quanh co, hẹp và nhiều xe lưu thông. Các người bạn của chúng con trong Cơ quan Kiểm Lâm đang vẽ lộ trình mới cho chúng con đi xuyên qua vùng Ventana hoang vu, cùng rừng cây quốc gia Los Padres. Con đuờng này sẽ đi vòng qua đoạn khúc khuỷu nơi xa lộ số 1 cho đến vùng Carmel. Chúng con sẽ tùy duyên tính đến chuyện này Chúng con đã học được là không nên ép buộc hay chấp trước, dầu là việc nhỏ. Bất cứ chuyện gì xảy ra đều thuận theo nhân duyên phải như vậy, không theo vọng tưởng của chúng con.
Chúng con chỉ có thể nói là chúng con sẽ ở trên xa lộ số 1 thêm bốn hay năm tuần nữa; và sẽ thưa cho Sư Phụ biết ngay khi tìm được đường mới để về Vạn Phật Thành. Không có đường nhất định để đến Vạn Phật Thành! Tất cả các con đường đến đó cuối cùng đều trở về.
Ghi chú:
(1) Lời trong bản nhạc “Study Buddhism”: Hoà Thượng viết lời, Sư Cô Hằng Ẩn phổ nhạc (trong Kinh Nhật Tụng của Vạn Phật Thánh Thành).
Bảy dặm của đoạn đường nguy hiểm nhất
Thành phố Monterey, thác nước thứ ba trên đỉnh Ragger, ngày 8 tháng 4 năm 1978.
Kính thưa Sư Phụ,
Chúng con sẽ không thể về tham dự buổi sinh nhật của Sư Phụ, nhưng xin thành tâm đảnh lễ Sư Phụ chín lạy trên đường lộ, kính chúc Sư Phụ được nhiều vui vẻ. Dưới đây là những thay đổi nội tâm gần đây của chúng con trên hành trình Ba bước một lạy.
Thầy Hằng Triều, Quả Chu và con đang lạy quanh một dốc cao bỗng nhiên trước mắt hiện ra một quang cảnh mà chúng con sẽ sống trong ba tuần lễ sắp đến, nỗi rõ trên nền đá xanh và mặt nước xanh lơ: hai mươi dặm trải dài với những tảng đá kỳ vĩ trong nắng chiếu nghiêng bóng. Quang cảnh đầu tiên của các dốc đá cao vút thằng đứng với mặt đại dương trong xanh làm con há hốc kinh ngạc. Chúng con có thể thấy những đốm lóe của ánh nắng phản chiếu trên kiếng xe: xe hơi, xe cắm trại di chuyển trên xa lộ nhỏ như sợi chỉ dính vào sườn núi. Chúng con sẽ lạy trên đoạn này. Cảm giác đầu tiên là theo tập khí cũ, cho tâm đắm vào mơ mộng giữa ban ngày để tránh đối đầu thực tế. Nhưng con không thể làm như vậy. Một năng lực dương mới đang chậm chạp thành hình chế ngự và đưa tâm con trở về tập trung trong công việc. Ðoạn kinh văn đọc tối qua nầy lại xuất hiện:
Ðều khiến các cõi đều thanh tịnh
Cũng chẳng phân biệt nơi các cõi
Biết tánh các cõi đều không có
Mà khiến ý hoan hỷ thanh tịnh.
Nơi một Phật độ không sở y.
Tất cả Phật độ đều như vậy
Cũng chẳng nhiễm trước pháp hữu vi
Biết pháp tánh kia không y xứ.
-Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thập Hồi Hướng
Con đã áp dụng đoạn kinh trên vào hoàn cảnh này: chỉ vài giờ trước, con đã lạy liên tục trên đường Huntington phía ngoài Kim Luân tự, ở thành phố Los Angeles; Ở đâu có pháp nào để nương vào ? Hiện giờ thành phố Los Angeles ở đâu? Khi ở thành phố Los Angeles, dốc núi đây, biển cả này ở đâu? Giây phút này khác giây phút lúc đó như thế nào? Con không tìm thấy sự khác biệt nào cả! Như thế có cái gì để trốn chạy ? Tại sao lại tìm chỗ nghỉ ngơi trong vọng tưởng ? Chẳng có gì ngoài việc bản ngã nhỏ bé buồn bã tìm cách thối thoát ra khỏi áp lực của việc dụng công chậm chạp, đều đặn trên đất tâm. Sư Phụ sẽ nói gì? “Mọi việc sẽ okay, không vấn đề gì cả. Cứ dụng công. Sợ hãi không ích lợi gì cả!”
Do đó, con lại nhìn vào phong cảnh trước mặt: “A! Thật là một nơi chốn đẹp đẽ, thanh tịnh để tu tập. Thật là một đạo tràng tốt đẹp!”
Tâm con như muốn chấp cánh bay vào vùng không khí trong lành bên trên vũng bùn phiền não. Những tảng đá này chưa thành vi trần thì con nguyện vẫn mãi hành đạo Bồ tát, làm dứt khổ não của tất cả chúng sanh.
Bây giờ, chúng con chú tâm vào những điều căn bản: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn. Cùng tất cả các đệ tử của Sư Phụ, chúng con đang làm việc để tặng thế giới một Vạn Phật Thánh Thành, nơi giới luật sẽ là nền tảng làm người.
Về nhẫn nhục, thì có rất nhiều cơ hội thực hành nhẫn nhục trên sườn núi này. Cư sĩ Quả Ðề Schmitz đang chia sẻ công việc với chúng con trong tuần này, đang nhẫn nại chịu đựng một số thời tiết bất thường nhất của cả chuyến hành trình.
Chúng con đang đi trên bảy dặm của đoạn đường nguy hiểm nhất mà chúng con từng đối diện: cây sồi độc mọc khắp nơi, muỗi mòng độc hại ẩn trong các tàng cây, nắng cháy, gió cuồng của vùng Big Sur, mưa lạnh cóng liền ngưng khi chúng con vừa mặc áo mưa mang giày ống vào, và mưa trở lại khi chúng con vừa cởi áo mưa ra! Hành trình này dạy chúng con biết ơn về môi trường của tu viện. Những tường vách, mái ngói và nền nhà sạch sẽ thật đẹp! Con đã không tận dụng cơ hội để tu hành trong không gian thiền tập lý tưởng của Chùa Kim Sơn. Bây giờ con thật sự muốn dụng công thì đủ loại chướng ngại trổi lên: mỗi chướng ngại trở thành một thử thách về tánh kiên nhẫn, lòng quyết tâm, và công phu chịu đựng gió, côn trùng dưới chân, khu phố chật chội, quá nhiều mưa, nắng, xe cộ – tất cả các pháp này giúp hành giả rèn đúc tâm kim cang. Chúng con hồi hướng công đức, cầu mong Vạn Phật Thành sớm và dễ dàng thành hình để bất cứ người nào phát tâm tu hành, sẽ có một nơi chốn thanh tịnh để thực hiện mong muốn của mình. Họ sẽ không phải chịu đựng bao sự quấy rầy trước khi ngồi thiền Không phải con đang than phiền! Chưa bao giờ con cảm thấy hạnh phúc hơn và khỏe mạnh hơn lúc này.
Những thân xác vụng về chúng con mang đi lòng vòng thật là phiền hà! Chúng con mất qúa nhiều thời gian để lo lắng săn sóc thân thể. Điều có lý duy nhất để dùng chúng là tu Đạo. Con giống như vị Bồ Tát trong HạnhThứ Nhất của phẩm Thập Hạnh (Kinh Hoa Nghiêm): Bồ tát phát nguyện khi thọ sanh sẽ được hóa thân to lớn để dầu có nhiều chúng sanh bị đói muốn ăn thịt ngài thì tất cả đều đuợc thỏa mãn. Sau đó Bồ tát quán sát thân thể của chúng sanh trong qúa khứ, hiện tại, vị lai. Bồ Tát quán sát thân chúng sanh thọ nhận, thọ mạng, hư hoại, hủy diệt của chúng. Kinh nói:
“Bồ tát lại suy nghĩ: lạ thay cho chúng sanh ngu si, vô trí, ở trong sanh tử, thọ vô số thân mỏng manh chẳng tạm dừng, mau về nơi hoại diệt, hoặc đã, hoặc hiện, hoặc sẽ hoại diệt, mà họ chẳng thể đem thân chẳng bền để cầu thân kiên cố. Tôi phải học tập những điều mà chư Phật đã học tập, để được chứng nhứt thiết trí, biết nhứt thiết pháp, rồi vì chúng sanh diễn thuyết tam thế bình đẳng tùy thuận pháp tánh tịch tịnh bất hoại, khiến họ được vĩnh viễn an ổn khoái lạc.”
Con học thuộc đoạn kinh này trong Kinh Hoa Nghiêm, đoạn kinh này đã giúp cho tâm con tiếp tục lạy vượt qua nhiều hoàn cảnh mà túi da cũng như tâm phàm phu của con cứ sợ là không thể tiếp tục được..
Một áp dụng hữu ích tức thời: khi sức nóng và áp lực tạo nên trong chân khi ngồi thiền, điều con phải làm là ôn lại lời trí tuệ trong Kinh và tìm sức mạnh để tiếp tục ngồi mà không lay động thân mình hay phải buông chân ra khỏi thế ngồi kiết già. Kinh gọi điều này là “Lên đường đến thành giải thoát vô ưu”.
Sự khám phá lớn nhất trong tháng Ba: “Có chí thì nên.” Chúng ta có rất nhiều phương pháp tu hành. Điều quan trọng là quyết tâm muốn thành tựu. Lúc đó Đạo (con đường) sẽ mở ra.
Ðệ tử Quả Chân (Hằng Thật) đảnh lễ.
Làm thế nào ông có thể đi sai được?
Ngày 18 tháng 5 năm 1978.
Kính thưa Sư Phụ,
Sư Phụ thường dạy chúng con: “Mọi thứ đều thuyết pháp.” Trong trường hợp này, ngay cả những kẻ trộm cũng trở thành những thiện tri thức giúp phá tan chấp trước của chúng con. Lời khai thị của Sư Phụ tại Chùa Kim Luân rất rõ ràng: “Nếu quý vị không làm tốt việc buông bỏ vọng tưởng những pháp thế gian hàng ngày như thức ăn, áo quần, ngủ nghỉ, thì sự dụng công của quý vị sẽ không giúp ích gì trên đường Ðạo. Hãy tu hành từ những gì gần gũi, hãy tu hành những điều căn bản. Hãy nhẫn chịu những gì không nhẫn chịu nổi.”
Thực tế, con chưa dụng công đúng mức để buông xả những vọng tưởng căn bản của con. Con thường dán mắt vào những pháp cao thâm xa vời, và trượt té về những việc hằng ngày mà con luôn cho là điều đương nhiên. Như vậy trong xe bị lấy cắp những gì? Một phần ba thức ăn của chúng con, mấy bình bát, một đồng hồ báo thức, và quần áo. Vi diệu thay nếu không làm tốt việc niệm kinh của chính mình thì thiện tri thức sẽ xuất hiện để chỉ rõ những khuyết điểm và chấp trước của mình. Hiển nhiên, việc dụng công trước hết phải áp dụng vào những sinh hoạt bình thường hằng ngày: “Tâm bình thường là Ðạo. Trực tâm là đạo tràng.” Như lời của Quốc Sư Thanh Lương:
“Chân, vọng kết hợp lẫn nhau. Chính tâm phàm thấy tâm Phật. Tu cả lý và sự, dựa trên trí huệ căn bản để cầu trí huệ Phật.”
-Kinh Hoa Nghiêm – Phần Tựa
Con nhớ lúc nhỏ thường thích gần gũi những người đàm luận chân lý. Họ là những người thực sự là “người lớn” trưởng thành hiểu luật lệ, và họ xây dựng hành vi hàng ngày trên nền tảng chân lý kiên cố. Ðiều con thích nhất trong Phật Pháp là mọi người đều đáp ứng với sự thật của Phật Pháp. Mọi người thuộc mọi tầng lớp trong xã hội đều nghe Phật Pháp trong tận cùng đáy tim của họ. Và Phật pháp không bao giờ không làm hiển lộ phần tốt đẹp nhất trong chúng ta.
Cư sĩ Quả Trần xuống đây hôm qua, thuật ngắn gọn việc khám phá Phật Pháp của ông và Phật Pháp có ý nghiã gì đối với ông ta. Quả Trần quy y Tam Bảo trong ngày sinh nhật của Sư Phụ tại Vạn Phật Thành, thọ giới cư sĩ vào dịp Phật đản tuần trước. Ông nói: “Cuối cùng, tôi cảm giác rằng mình đang ở tại nhà. Trên nền trời xanh, tôi thấy vầng cầu vồng ngũ sắc đẹp chưa từng thấy. Và ông biết còn gì nữa không? Tôi thấy một hũ vàng ngay phía cuối của cầu vồng, ngay chỗ chúng tôi đứng tại Vạn Phật Thành.” Quả Trần giải thích: “Trước khi gặp Sư Phụ và đạo Phật, mọi việc đều làm tôi chán nản. Cuộc đời là một chuỗi dài thất vọng. Tôi thực hiện một dự án nào đó thành công đến cuối nhưng rồi lại thấy mình không đi đến đâu cả. Sau này, sau khi nghe Sư Phụ thuyết pháp rồi tôi nhìn lại chính mình, đột nhiên nhận thức rằng cuộc đời mình không phải là cuối cùng chẳng có giá trị gì cả. Tôi có một vai trò phải làm – chỉ có việc giữ giới là đại sự. Thêm nữa, nhìn lại tất cả vấn đề, tôi thấy rằng mọi vấn đề việc tôi phải đối diện đều phát sinh từ tâm tôi. Các câu trả lời cho những vấn đề đó cũng phát sinh từ cùng chỗ đó!”
Quả Trần lo lắng là cha mẹ ông ta sẽ khó mà chấp nhận con là một thành phần của một tôn giáo xa lạ. Thầy Hằng Triều nói: “Hãy rất kiên nhẫn đối với cha mẹ của ông. Ðừng tìm cách thuyết phục họ. Ðừng nói ngay cả việc thay đổi của ông. Chỉ giữ giới thật cẩn mật. Ông sẽ được cảm ứng tùy theo sự thành tâm của ông. Giới luật quét dọn tâm một cách tự nhiên và giúp chúng ta hướng thiện. Cha mẹ ông muốn ông được hạnh phúc an lạc, khi họ thấy ông mỗi ngày càng thanh tịnh và sáng hơn, thì tự nhiên họ sẽ tự nhận ra chân lý Phật Pháp. Trên hết là đừng có sự ép buộc nào cả và đừng nóng giận! Ðiều này rất quan trọng. Sau đó, ông đừng giết hại, không dùng ma túy hay rượu, thì ông sẽ rất hạnh phúc. Làm thế nào ông có thể đi sai được?”
Mỗi lần nhìn một bạn đạo đệ tử của Sư Phụ, con đều nhận thấy đặc điểm ánh sáng và sự thiện lành chiếu phát từ đôi mắt cùng trái tim của họ. Điều này khiến chúng con thật vui mừng được làm việc trong đạo pháp và cố gằng hết sức mình để “từng bước, từng bước, đi lần đến điều thiện.”
Ðệ tử Quả Chân đảnh lễ.
Tôi có thể nghiền ngẫm một câu kệ trong nhiều tuần
140 dặm hướng nam San Francisco, xa lộ số 1, chủ nhật, ngày 18 tháng 6 năm 1978.
Kính thưa Sư Phụ,
Kinh Hoa Nghiêm thật tuyệt diệu, là người hướng dẫn toàn mỹ và là ngọn đèn chiếu sáng mọi cảnh giới tâm mà chúng con kinh nghiệm. Hơn nữa, Kinh này còn là cẩm nang chỉ dẫn làm thế nào để sống còn trên đường lộ. Đối với mỗi thứ xuất hiện, từ những con dã thú đến những lần hư xe, chúng con đều quay về Kinh để tìm câu trả lời. Những ai chưa từng nghe Kinh điển hãy đến đây để chỉ nghe Thầy Hằng Thật làm những chữ Hoa ngữ sống lại cho họ. Họ cảm thấy có cái gì đó đặc biệt, gần như là huyền diệu về Kinh điển, và họ có ấn tượng sâu đậm là có người có thể ngồi xuống và đem những chữ xưa này và dịch thành lời mà họ thông hiểu, những lời đi sâu vào tâm khảm.
Một ông nói: “Sao từ trước đến nay chưa ai làm việc này ở Tây phương? Tôi không thể hiểu nó. Kinh này (Hoa Nghiêm) là điều xa vời nhất mà tôi từng đọc hay nghe. Kinh nói hoàn toàn đúng như vậy. Tôi có thể nghiền ngẫm một câu kệ trong nhiều tuần mà vẫn chưa hiểu hết.” Ông ta rất vui mừng khi biết có báo Kim Cang Bồ Ðề Hải và có phần dịch Kinh Hoa Nghiêm cùng chú giải trong đó.
Hôm nay, Kinh Hoa Nghiêm giúp con câu giải đáp mà con đã tìm kiếm trong hai hoàn cảnh. Cảm giác hay tinh thần ở trong tâm con, nhưng Kinh có thể chiếu ánh sáng vào và làm nó nở hoa. Càng lạy nhiều chừng nào, tâm chúng con càng hòa nhập với Kinh. Và tâm chúng con càng hòa nhập gần với Kinh chừng nào thì cuộc sống chúng con càng trở nên đơn giản và trong sạch hơn.
Một cư sĩ nói: Nơi đây lạnh và nhiều gió. Khi mưa xuống nhất định sẽ trở ngại cho quý thầy!
Thầy Hằng Triều trả lời: Mỗi ngày vui hơn một chút. Thời tiết không thành vấn đề.
Cư sĩ: ồ! Thầy đã gần đến đó rồi.
“Gần đến đâu? Cho đến khi mọi người đều đến đó và vì vẫn còn người khác chưa đến, như vậy làm sao chúng tôi có thể đến đó được? Vì còn có đau khổ trên thế gian cho đến khi tất cả chúng sanh đều được sự an lạc họ tìm kiếm, công việc của chúng tôi chưa hoàn tất.”
Bồ Tát chỗ được vui thắng diệu
Ðều đem hồi hướng cho quần sanh
Dầu vì quần sanh nên hồi hướng
Nhưng không chấp trước nơi hồi hướng
Bồ Tát tu hành hồi hướng này
Hưng khởi vô lượng tâm đại bi
Như đức hồi hướng của Phật tu
Nguyện tôi tu hành trọn viên mãn.
Như chư Như Lai đã Thành tựu
Không cầu lợi ích cho tự thân,
Chỉ muốn mọi loài đều an lạc.”
-Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thập Hồi Hướng.
Vì nhiều công việc để làm và không có thời gian vọng tưởng về tại sao hay “đến đó,” hay ngay cả hồi hướng công đức. Tu hành là tự nhiên, không cần suy nghĩ hoặc sắp đặt kế hoạch hay mục tiêu. Khi chúng con nhất tâm lễ lạy thì muôn sự đều tự giải quyết và mọi dị biệt đều biến mất.
Cư sĩ nói: “Có người nói rằng đây là thức ăn mà quý thầy thích, nên chúng con đem lại rất nhiều.”
Thầy Hằng Triều: “Chúng tôi không có ưa thích. Tất cả đều giống nhau. Bất cứ gì làm người khác vui vẻ là điều chúng tôi ưa thích. Những gì người khác vui mừng làm, những gì họ thích cho đó là những thứ chúng tôi thích. Câu: “Qúy thầy có cần gì không, như có cần gì đặc biệt không?” thường được hỏi. Chúng con trả lời: “Bất cứ thứ gì quý vị muốn cho chúng tôi, bất cứ điều gì làm quý vị vui vẻ, đó là điều chúng tôi cần.”
Kinh Hoa Nghiêm dạy rõ:
Vì chẳng tham chấp ngã
Và chẳng chấp ngã sở
….
Thích thật lợi chánh pháp
Chẳng ưa thọ dục lạc
Tu duy pháp đã nghe
Rời xa hạnh chấp trước.
Chẳng tham cầu lợi dưỡng
Chỉ thích Phật Bồ đề
Nhứt tâm cầu Phật trí
Chuyên ròng không niệm khác.
-Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thập Ðịa
Con đã phí nhiều thời gian và công sức để mưu cầu lợi ích và cúng dường cho chính mình và cố gắng thỏa mãn các tham muốn của mình. Thật đơn giản và tự tại tuyệt diệu hơn nhiều khi không còn lo lắng về điều đó nữa, và “Nhất tâm cầu Phật trí, chú tâm không phân tán bởi một niệm nào khác’. Khi chúng con chú tâm thì “mọi chuyện đều tốt đẹp cả”. Phát tâm “mọi chuyện đều tốt đẹp” là báo đáp từ ân của cha mẹ và là món quà cao cả nhất để tặng cho tất cả chúng sanh.
Ðệ tử Quả Ðình (Hằng Triều) đảnh lễ.
Tái bút: Báo Kim Cang Bồ Ðề Hải như là một mặt trời khác trên thế gian. Báo “phát sinh ánh sánh vi diệu soi sáng muôn loài.”
Nhưng không có gì để bám vào
Monterey, Cali., ngày 20 tháng 7 năm 1978.
Kính thưa Sư Phụ,
Chúng con đến thành phố Monterey, trở lại thành phố sau ba tháng cô lập giữa những tảng đá và sóng biển của vùng Big Sur. Thật rất kỳ diệu. Những sự khác biệt con kinh nghiệm qua chỉ hiện hữu trong tâm con. Pháp giới là một tổng thể an lạc. Khi tâm con động thì không còn thấy tổng thể, mình và người trở thành hiện hữu, và vùng Big Sur, thành phố Monterey, và Vạn Phật Thành trở thành những tên gọi trên bản đồ, chia cách bằng những dặm đường lễ bái gian truân. Khi vọng niệm lắng lại và sự phân biệt dừng nghỉ, thì lúc đó dầu ở đâu đi nữa, chúng còn vẫn đang đảnh lễ trước tượng Ðức Bồ tát Quán Âm khổng lồ tại chánh điện Vạn Phật Thành.
Kinh Hoa Nghiêm nói:
“Như thế thì thế gian là gì? Cá gì là không phải thế gian? Thế giới và không thể giới chỉ là danh tự sai biệt. Pháp của quá khứ, hiện tại, tương lai và ngũ uẩn, khi đặt tên thì mang thế giới thành hiện hữu. Khi các pháp nầy diệt thì thế giới không còn. Như thế, cũng chỉ là giả danh mà thôi.”
-Kệ tán Dạ Ma Thiên Cung
Ngôn ngữ và danh cú chỉ là sự tạo tác của tâm thức. Chúng là dụng cụ của tư tưởng và cũng hư vọng như như vậy.
Tại sao Sư Phụ phải đã cho chúng con lời khai thì luôn được nhắc nhở: “Đừng có vọng tưởng nào cả! Phải tìm cách chận đứng luồng vọng tưởng ngay khi chúng vừa phát khởi.” Vì vọng tưởng tạo nên thế giới chúng ta cư ngụ. Vọng tưởng tạo nên nghiệp và quả báo chúng ta gánh chịu. “Mười Pháp giới không ngoài một tâm niệm.” Từ địa ngục đến Phật quả, chúng con gặt quả của những hạt giống chúng con đã trồng trong tâm thức. Khi chúng con kết hợp với Ðạo thì chúng ta làm đúng cũng ngay trong chính tâm đó.
Tổ thứ Ba là Tổ Tăng Xán nói về ngôn ngữ, tư tưởng và Đạo. Ngài nói:
“Càng nói càng suy nghĩ,
Thì càng xa cái ấy.
Nếu ngừng bặt ngôn tưởng,
Sẽ thấy nó cũng khắp.”
-(Tín Tâm Minh)
Thiền thất vưà rồi, Sư Phụ có dạy: “Người tu Đạo tâm không thì đồng với Phật.”
Ðệ tử: Sư Phụ, con đã cố gắng hết sức để dẹp bỏ phàm niệm, chỉ còn Phật niệm.
Sư Phụ: Tốt, hãy nói xem, Phật niệm là gì? Nói đi, câu trả lời của ông là gì?
Ðệ tử: Ồ, à …, ồ, Con biết đó không phải là vọng niệm, con có nhiều vọng niệm …
Sư Phụ: Vì con có nhiều vọng niệm mà con không biết. Cái gì không thể tả ra, không diễn bày được, đó là Phật! Bất cứ cái gì có thể diễn bày bằng ngôn ngữ thì vẫn chỉ là bên ngoài. Người xưa có nói:
Vọng tâm muốn phan duyên,
Nhưng không có gì để bám vào
Đường ngôn ngữ dứt bặt
Chỗ tâm hành bèn diệt. (1)
Hễ còn có niệm tưởng thì vẫn chưa thành Phật quả”
Ðệ tử: Ồ, vậy vô niệm là Phật niệm!
Sư Phụ: (không trả lời.)
“Bồ tát nguyện tất cả chúng sanh được thân không mệt mỏi như kim cang.”
-Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thập Hồi Hướng.
Sư Phụ dạy con rất nhiều về thân cũng như về tâm của con. Trong chuyển hành trình lễ bái nầy, còn đang học niệm kinh “Pháp thân” để thay đổi túi da âm, cong, cứng để lấy thân thắng đứng, uyển chuyển, đầy năng lực dương. Việc bái lạy cùng thiền định đang làm thay đổi toàn thế giới của con. Tu hành là ngọn suối vi diệu. Mỗi ngày con giữ giới và chế phục vọng tưởng con càng cảm thấy trẻ trung ra, thành thật hơn và chân chính hơn. Một cách tự nhiên!
“Tu hành hàng phục thân tâm. Chúng ta điều phục thân để có thể tiếp tục làm việc ngay cả những lúc mỏi mệt; chúng ta điều phục tâm để không khởi sinh vọng tưởng.”
-Sư Phụ Khai Thị, Kim Luân Tự, tháng 5, 1978.
Ðệ tử Quả Chân kính lạy.
Ghi chú:
(1) Nguyên văn Hoa ngữ:
言語道斷,心行處滅
即念離念,念而無念
Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xử diệt
Tức niệm ly niệm, niệm nhi vô niệm
Những sinh vật ngoài không gian đang đến
Santa Cruz, Cali., ngày 28 tháng 10 năm 1978.
Kính thưa Sư Phụ,
Chúng con vừa lạy qua lằn ranh của thành phố Santa Cruz. Phía trước là 80 dặm dọc theo bờ biển hoang vắng trước khi đến San Francisco, và cộng thêm những gì “tâm tạo”. Con sung sướng nhất khi lạy nhiều, ngồi thiền lâu, và không hở môi chuyện vãn. Khi tu hành, con để ý thấy rằng người xung quanh mình trở nên tự nhiên và an lạc hơn nhiều. Quan tâm đến việc của mình làm và để ý đến lỗi của chính mình dường như giúp cho người khác có thêm không gian để phát triển và di chuyển mà không cảm thấy bị áp bức hay cản trở. Con đã giữ tâm mình không lo lắng hay giận dữ, dầu hoàn cảnh thế nào đi nữa. Con đã đầy ắp phiền não quá lâu rồi. Phiền não làm ô nhiễm không khí và làm tóc bạc da nhăn. Bài kệ trong kinh Hoa Nghiêm dưới đây đã đánh vào tâm thức con chỉ con đường đúng đắn phải như thế nào :
“Bồ tát hoàn toàn tự do khỏi sự tranh chấp,
Khỏi rắc rối, bức hại và sân hận.
Ngài biết hổ thẹn, khiêm cung và ngay thẳng.
Và khéo bảo vệ gìn giữ các căn.”
Trong ngày thỉnh thoảng con tụng bài kệ này. Không sai chút nào, bài kệ làm tan đi bóng tối trong tâm con và đem lại cảm giác nhẹ nhàng rất nhiều. Con thật chưa bao giờ gặp cái gì tuyệt diệu và chân thật hơn Phật Pháp.
Tại Santa Cruz chúng con gặp ông Don Penners cùng gia đình . Ông là nha sĩ tại vùng địa phương, ông đang bán cơ sở hành nghề để cùng gia đình về Vạn Phật Thành sinh sống và làm việc. Ông nói: “Chúng tôi đang trông đợi dọn đi. Đó là điều tốt đẹp nhất đang xảy ra trên thế gian này. Sư Phụ là một con người vĩ đại. ” Khi họ mới gặp Sư Phụ lần đầu tiên, họ đã hơi bối rối. “Ồ! lúc đầu chúng tôi không có ấn tượng gì. Ngài trông rất trẻ và khỏe – quá mức để làm Hoà Thượng Trụ Trì – do đó tôi đường đột hỏi: ‘Ông là ai?’ Tôi tưởng ngài là một vị tri khách phụ tá phương trượng. Tôi chưa từng gặp một người trạc tuổi ngài mà trẻ trung và vui vẻ đến thế! Chúng tôi không được ngài trả lời.”
Penners tiếp tục nói: “Ngài chẳng nói câu nào với chúng tôi trong lần gặp đầu tiên. Giống như đang đứng nhìn một tấm kính lớn, những gì chúng tôi thấy là chính mình. Giống như Sư Phụ bên trong đều trống không. Không có những chào hỏi thông thường như ‘Ông mạnh giỏi chứ? Ông hiện nay như thế nào ?’ Chỉ về sau chúng tôi mới biết trân quý cái kinh nghiệm hiếm có và quý giá đó. Chúng tôi đã thấy đuợc hình ảnh rõ ràng của chính mình. Rõ ràng thật là một cái gì kỳ diệu.”
Chúng con cũng đã gặp những người kỳ lạ. Một buổi tối, trong khi con đang ngồi nấu trà sau xe bỗng chợt có hai thanh niên tiến đến, hỏi về cuộc hành trình Ba bước một lạy. Giữa cuộc đàm luận vui vẻ, chợt có một người nói: “Người ta nghĩ rằng Chúa Giê su sẽ trở lại thế giới này; nhưng họ sai lầm hoàn toàn. Những sinh vật ngoài không gian (UFO) đang đến. Họ ở ngoài không gian đang trông chừng chúng ta giống như người nông dân trông coi đồng bắp. Khi đến tinh cầu này, họ sẽ mang đi một số người – bắt sống – ra ngoài không gian. Những người còn lại trên địa cầu sẽ tự hủy diệt bằng vũ khí nguyên tử và không khí ô nhiễm. Đấy là những lời trong Kinh Thánh.”
“Vậy sao ?!”
“Vâng, ông có đọc Thánh Kinh chưa?”
“Ngày xưa ….” con bắt đầu.
“Tôi đã đọc hết rồi! Như vậy ông sẽ làm gì?” anh ta hỏi gấp rút.
“Về việc gì?”
“Khi họ đến – những sinh vật ngoài không gian (UFO). Ông sẽ đi với họ hay ở lại địa cầu ?” anh ta thúc hối.
“Tôi sẽ chỉ tiếp tục lạy đến Vạn Phật Thánh Thành.”, con trả lời.
“Các ông sẽ như vậy? Được, tôi đoán … , nhưng …. được, các sinh vật đó sắp đến rồi. Tôi biết rõ…” Anh ta ngẩng đầu nhìn lên bầu trời đầy trăng sao, âm thanh từ từ bay mất.
Có rất nhiều cách khác nhau để nhìn sự vật. Thầy Hằng Thật và con đã từ từ khám phá ra là với tâm chánh trực, những gì nhìn thấy cũng là chánh trực, với tâm tà kiến những gì nhìn thấy cũng là tà kiến. Chánh tri chánh kiến rất quan trọng, bởi vì chúng ta nhìn bằng tâm như thế nào thì sự vật trở thành như thế. Như kệ của Sư Phụ:
“Gieo nhân tất gặt quả – hãy tự nhìn lại chính mình,
Đến và đi với lòng tôn kính,
Vô tư chính là Đạo”.
Tất cả đều tốt đẹp. Không có vấn đề nào quá lớn đến nỗi một ngày lễ lạy không giải quyết được.”
Đệ tử Quả Đình (Hằng Triều)
đảnh lễ.
Tháo băng vết thương cũ
Ngày 28 tháng 10 năm 1978 .
Phía trên Santa Cruz , trên Xa lộ 1
Kính thưa Sư Phụ,
Hãy thành thật nhận lỗi mình,
Đừng nhìn vào lỗi nguời.
Lỗi nguời đồng lỗi mình;
Đồng thể tức đại bi.
-Hòa thuợng Tuyên Hóa
Một nguời bạn cũ của thầy Hằng Triều nhìn thấy chúng con bên ngoài một công truờng xây cất ở Santa Cruz . Thầy Hằng Triều nói: “Mặt anh ta trông có vẻ nhăn nhó và chỉ sau một cuộc nói chuyện ngắn ngủi, anh chàng bỏ đi khá vội vã”. Sáng hôm sau, truớc thời công phu sáng, con quên canh giữ tâm ý mình và con đã phá luật bằng việc viết một tờ giấy tầm phào và lắm chuyện cho thầy Hằng Triều. Khi đang với tay lấy cây viết và mảnh giấy, con đụng vào cây nhang đang cháy, làm nhang rớt ra khỏi lư hương và làm áo khoác ngoài của con cháy một lỗ. Đây là một dấu hiệu nhắc con phải cẩn thận và nên tự kiểm — hình như có gì đó không ổn? (Nhưng con đã bỏ qua dấu hiệu đó và tiếp tục buớc thêm một buớc sai lầm). Con viết: “Bạn anh chắc nghĩ là anh không những xuống dốc mà còn bị mát điện nữa: Bò lạy dọc theo ven đuờng trong bộ quần áo rách ruới, chung với một nguời bạn tồi tệ chẳng khác gì anh”, và con đã đưa mảnh giấy ấy cho thầy Hằng Triều xem.
Ngay truớc khi nhìn thấy thái độ trên mặt của thầy Hằng Triều, con biết mình đã phạm sai lầm. Thầy Hằng Triều đọc mảnh giấy con đưa, không nói gì nhưng thầy biểu lộ sự thất vọng. Con dùng nguyên cả phần công phu sáng và giờ thiền định sau đó để sám hối tội ngu ngốc của mình. Truớc đó con đã phá luật một lần, giờ đây phải phạm luật lần nữa để nói lên lỗi lầm của mình và xin lỗi. Con ghi: “Viết ra những lời đó quả là một sai lầm. Thứ nhất, nó hủy báng Tam Bảo bằng việc nói dáng vẻ bề ngoài của chúng ta là “tồi tệ” và “rách ruới”. Điều đó phạm vào giới Bồ tát thứ muời: “Không đuợc hủy báng Tam Bảo”. Thứ hai, nó gieo hạt giống hoài nghi vào tâm thức của mình (‘Có thật Hằng Thật cảm thấy như thế đối với việc chúng ta đang làm?’). Thứ ba, nó duy trì thói quen cũ của tôi là xem mình tài giỏi hơn nguời và thuờng hay khó khăn với nguời khác. Thật ra tôi không cảm thấy bị kiệt sức hay thất bại, và dĩ nhiên tôi không có cảm giác như thế đối với anh. Mảnh giấy đó là một cái tát mỉa mai và thiếu từ bi với bạn anh. Thật ra chiếc áo tỳ kheo là chiếc áo đẹp nhất mà tôi có thể mơ tuởng đến. Hơn nữa, tôi không muốn đánh đổi công việc của chúng ta để làm bất kỳ vị vua chúa nào. Bây giờ tôi phải bắt đầu sống xứng đáng với chiếc áo tràng và lời phát nguyện của mình. Tôi có thể bắt đầu bằng việc không bao giờ viết những dòng ngu ngốc và ác nghiệp như thế nữa!
Tất cả những điều tôi có thể nói là trời vẫn còn sớm quá, tôi chưa kịp rút ra thanh kiếm chém vọng tuởng của mình. Một ý tuởng luời biếng, bậy bạ đã biểu hiện qua mảnh giấy. Xin lỗi vì đã gây ra phiền phức.” “Lỗi nguời là lỗi mình.”
Tu Đạo để có sức khỏe tốt thật sự.
Tu Đạo là con đuờng trở về với sức khỏe chân thật của mình. Kinh là liều thuốc. Hòa Thuợng như một vị lương y giỏi, cho nguời những toa thuốc hiệu quả nhất để đối trị với 84.000 loại phiền não đang ngăn cản con đuờng quay trở về với an lạc và hạnh phúc.
Xét về nguồn gốc, mọi phương thuốc chúng ta cần để điều trị căn bệnh trầm kha – bệnh sinh tử – chúng ta đã tự sẵn có, nhưng mình không nhận ra nó, không biết sử dụng nó, do vì dính mắc các tật xấu và các ý tuởng giả tạo điên đảo. Vị thầy lương y đến bảo cho ta biết: Một là chúng ta đang bệnh. Hai là nguyên nhân căn bệnh là vì chúng ta tìm kiếm hạnh phúc ở bên ngoài tự tánh. Ba là có thuốc điều trị, và Bốn là phương thuốc đó là sự tu hành Phật pháp.
Tiếp theo, do vì lòng từ bi bác ái, vị lương y cho chúng ta liều thuốc toàn hảo thích hợp với nhu cầu của ta. Nhưng tùy chúng ta có can đảm uống thuốc đã đuợc ông kê đơn hay không? Về điểm này, thực hành Pháp trở thành phương pháp tự điều trị, tự dứt bệnh.
Con phải nhớ rằng con bị bệnh, cần phải tin vào hiệu quả của liều thuốc và phải tiếp tục uống thuốc. Ý quyết đuợc khỏe mạnh cần có niềm tin vào vị lương y và phương thuốc, cũng như phải đều đặn tu hành, tạo điều kiện cho sự bình phục. Niềm tin, lời nguyện và thực hành chính là toa thuốc để trở thành hoàn toàn khỏe mạnh.
Đoạn đuờng chúng con đi qua Santa Cruz trong tháng này là một tấm gương phản ánh các giai đoạn đầu của phương pháp chữa bệnh bằng Phật pháp. Con suy nghĩ khá lâu về những nghiệp quá khứ của mình chiếu theo lời dạy của Sư phụ và hành vi gương mẫu của Bồ tát trong các Kinh. Lễ lạy qua Santa Cruz , con dễ dàng nhìn thấy con thật sự bị bệnh. Những hành vi trong quá khứ của con giống như danh sách của Thập Ác: Con đã làm điều mà loài quỷ đã làm: sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và uống ruợu. Con không thể nói rằng con đã thay đổi kể từ khi con thực hành để có đuợc sức khỏe tốt. Nhưng bây giờ con nhận ra con đã quá sai lầm và các thói hư tật xấu vẫn còn đủ mạnh để lôi kéo con từ nơi khoẻ mạnh trở về các bệnh cũ. Các thói hư này vẫn còn mạnh và không dễ gì thay đổi chúng. Nhưng con muốn trở thành một đệ tử chân chính của đức Phật. Cho dù phải chịu đựng sự khổ cực thế nào đi nữa, dù có phải uống thuốc gì đi nữa, con quyết định đuợc lành bệnh trở lại. Cảnh giới an lạc và lành mạnh của Sư phụ, lòng thiện tâm sáng ngời của chư Bồ tát trong Kinh Hoa Nghiêm quả thật là kỳ diệu –đó là điều con mong muốn nhất trong tất cả mọi thứ khác.
Các ngài nguyện chúng sanh vĩnh viễn thoát khỏi thân bệnh và đạt đuợc thân tuớng Như Lai.
-Kinh Hoa Nghiêm, phẩm “Thập hồi huớng”
Sư phụ dạy rất rõ: “Hằng Thật, sai lầm nghiêm trọng nhất của con là sự dính mắc với mọi người, đặc biệt với phụ nữ.” Điều đó gọi là “nhận ra căn bệnh”. Buớc kế tiếp là xem bệnh ấy xuất hiện như thế nào trong cách cư xử của con. Và buớc thứ ba là tìm cách chuyển đổi nó. Lời Sư phụ nói dĩ nhiên là đúng. Sư phụ đã chỉ ra vòng nhân quả tạo ra rắc rối cho con. Trong kiếp này con đã tự làm tổn hại mình và gây ra nhiều đau khổ cho nguời khác bằng hành động ích kỷ của mình. Trong quá khứ con đã tự trói buộc mình qua các mối quan hệ xấu với phái nữ, dẫn đến kết quả lối sống tình dục bừa bãi và nguy hiểm cho đôi bên trong đời nay. Truớc khi con gặp đuợc chánh pháp trong kiếp này, con đã gieo trồng các hạt giống xấu xa mà chắc chắn sẽ nẩy nở trong tương lai.
Kinh Lăng Nghiêm nói: “Nếu không thoát khỏi dục niệm, sẽ không ra khỏi bụi trần” (Dâm tâm bất trừ, trấn lao bất khả xuất). Nếu con không hoàn toàn đoạn đuợc dục niệm, không thể cắt đứt nó,con sẽ không thể tu tập để trở thành Bồ tát và trở thành một vị Phật. Con sẽ không thành công. Con tin vào nhân quả. Con thấy những điều con làm trong kiếp này, thấy những điều xấu con đã làm vì những ác nghiệp trong quá khứ. Con đã nhìn thấy bản vẽ cuộc đời tương lai mà con đang tự vẽ nên, và bản vẽ tương lai đó không phải là một bản vẽ tốt đẹp.
Con muốn thay đổi và trong Phật Pháp con đã tìm đuợc thuốc trị bệnh của mình. Thuốc đó được gọi là “Tam bộ, Nhất bái, sám hối và sữa lỗi”. Mỗi ngày con lập lại lời nguyện đoạn trừ dục niệm, và tụng lời nguyện cùng với tất cả chúng sanh, đồng quay về nguồn gốc bổn lai thanh tịnh của mình. Lời phát nguyện có đoạn nói rằng: “Con nguyện các nghiệp duyên xấu từ xa xưa sẽ đuợc chuyển thành quả báo theo một cách thức nào đó khác với tình dục. Con sẽ không bao giờ phải chịu cảnh trả quả bằng hình thức tình dục. Bao nhiêu nợ nần còn thiếu đối với con về vấn đề này, con nay xóa bỏ.” Không biết có đuợc không? Con thật có thể nhổ tận các hạt giống xấu xa mà con đã gieo trồng trong kiếp này để không còn phải nhận quả báo tương tự trong tương lai như con đã chịu đựng trong kiếp này? Con tin lời nguyện của mình sẽ thành tựu. Tuần rồi khi lạy ngang qua bãi đậu xe của một thương xá ở làng Aptos, con đuợc “cúng duờng nuớc cam mà không có ly để uống”, như thầy Hằng Triều đã nói đùa. Khi bị tưới ướt cả người bằng nuớc cam rít chịt do từ một xe tải nhỏ chạy ngang qua, con đã lập tức nghĩ nhớ đến lời nguyện của mình. Cũng chiều hôm đó con đuợc tắm bằng một ly bia do một xe tải màu xanh vứt liệng vào nguời con. Con lập lại lời nguyện của mình, với lòng ước mong hồi huớng mọi công đức có được từ việc làm của con cho tất cả các chúng sanh, để họ có thể trở về với tự tánh thanh tịnh của họ.
Sáng hôm sau con pha trà nóng hổi vào tách Sierra của con. Lúc với tay lấy bình thủy, con hụt tay làm đồ cả tách trà nóng vào bàn chân trần của mình. Nuớc sôi đổ vào vùng bụng của con vì con ngồi kiết già chuẩn bị công phu sáng. Vết bỏng lột da nhức nhối! Và trong đầu con ký ức về việc con đã làm cho nguời khác đau đớn nhức nhối qua các hành động dâm dục, ích kỷ, thiếu trách nhiệm lại trở về với con. (Thầy Hằng Triều nhận xét như sau: “Quả thật trà ngon đã giúp huynh thức tỉnh, phải không?”). Những sự việc này có phải thật là nghiệp dâm dục con đã tạo ra, giờ đuợc thể hiện qua một hình thức khác như con đã nguyện? Con nghĩ là thế. Con tin như thế.
Tam bộ, Nhất bái giúp chữa căn bệnh của con. Ai ném nuớc cam và bia vào nguời con? Là những Thiện Tri Thức. Họ có thể là những nguời con đã gây đau khổ trong quá khứ. Những cô nữ sinh trung học Santa Cruz – những nguời đã ném đá và nguyền rủa con khiến cho tài xế xe tải phải nguợng ngùng là ai? Con thấy họ là những hành vi của chính con trả về lại cho con. Họ là bạn của con, là ruộng phuớc cho con. Như Bồ tát trong Phẩm Thập Thiện của Kinh Hoa Nghiêm nói:
“…Khi nhìn thấy nhóm nguời hành khất đến xin thịt của thân mình để ăn, Bồ tát nói: “Những nguời này là bạn tốt của tôi. Tôi thật sự sẽ đuợc lợi ích. Mặc dù không yêu cầu, nhưng họ vẫn đến giúp tôi thâm nhập vào Phật pháp.”
Con bắt đầu nhìn thấy mức độ nghiêm trọng của căn bệnh của mình. Nhưng đó chỉ là sự bắt đầu, và với liều thuốc tốt con uống, con sẽ dần dần đuợc hồi phục. Sư phụ đã giải thích nguồn gốc cơ bản của nghiệp chướng mê lầm là:
Tất cả rắc rối trên đời này đều do sự hiện hữu của cái tôi mà ra. Không có ngã, ai là nguời đau khổ? Ai là nguời cảm thấy đau đớn? Ngã là ảo tuởng. Quý vị cần nên vô ngã.
Đó là lời nói của vị Lương Y, xé toạc vết băng trên vết thương cũ thay vì chầm chậm tháo gỡ từng miếng như đa số chúng ta đều làm. Sư phụ muốn chúng con đuợc hồi phục ngay bây giờ. Cho đến khi tất cả chúng con thành Phật, Sư phụ vẫn tiếp tục trở về để điều trị cho các đệ tử đau ốm này. Tuy nhiên, một trong những đại kiếp nào đó, tất cả chúng con có thể sẽ chứng được quả Phật. Việc làm của bậc đại truợng phu sẽ đuợc hoàn tất và tất cả chúng con sẽ có thể vân tập lại tại Vạn Phật Thánh Thành và “chiếu hào quang vào phẩm liên hoa cho nhau” trong hệ thống thế giới nhiều như vi trần.
Đệ tử Hằng Thật
Kính cẩn đảnh lễ Sư phụ.
Tu Sĩ và những người khiêu khích
Ngày 8 tháng 11, 1978
Davenport , California
Kính thưa Sư Phụ,
Cuộc sống của nguời xuất gia có một cái gì đó thật an toàn và viên mãn. Sau khi để lại sau lưng những tình cảm riêng tư cá nhân, nguời tu sĩ trở về ngôi nhà rộng lớn bao trùm cả thế giới. Bạn đồng hành của nguời xuất gia là chúng sanh khắp nơi, chốn nương tựa là trụ xứ an lạc với Đấng Vô Thượng Sĩ, Đức Phật, trí tuệ viên mãn và những vị giác ngộ trong Kinh điển, và các thành viên tăng đoàn vô ngã, thanh tịnh, phuớc điền. Còn có niềm hạnh phúc và an lạc nào lớn hơn điều này chăng? Vài tuần trruớc đây con chứng kiến một câu chuyện khá hay mà con xin gọi là “Tu sĩ và Nguời Quá Khích”. Khi chúng con đang lạy ngang vùng Santa Cruz thì có một phóng viên của tờ báo truờng đại học cộng đồng tại điạ phương đến phỏng vấn Thầy Hằng Triều. Cô ta tỏ ra quan tâm đến công việc và thệ nguyện của chúng con. Cô ấy ngạc nhiên khi biết tất cả những đồ dùng chúng con có đều là do sự cúng duờng thiện nguyện.
Ngày hôm sau, sau giờ thọ trai, chúng con đang lạy dọc theo dòng suối Branciforte thì nguời phóng viên đó lại xuất hiện, dáng vẻ hơi lúng túng và bối rối. Đi với cô ta là một nữ sinh viên khác với nét mặt khó chịu.
Nguời phóng viên nói, “Tôi có một vài câu cần hỏi ông nhưng cảm thấy hơi e ngại”. Đó là những câu hỏi thuần về chính trị và kinh tế, lời lẽ có phần giận dữ, hung hăng, đôi lúc sặc mùi đấu tranh. Hình như cô nữ phóng viên này đang bị các bạn cùng lớp chỉ trích và gây áp lực. Họ mạ lị Phật giáo như một thứ ký sinh trùng ăn bám, còn cái gọi là “tam bộ nhất bái” là một thứ trò chơi thuợng lưu, chỉ thu hút và lợi ích đối với một nhóm nguời thiểu số da trắng giàu có, một thành phần elite nào đó trong xã hội.
Nhưng những nguời quá khích này đã chọn lầm đối thủ. Những câu ứng đáp của Thầy Hằng Triều đã làm nhóm sinh viên này cứng miệng không nói nên lời: Cô phóng viên ngạc nhiên trong thích thú, còn nguời bạn khó chịu của cô thì cứng miệng ê chề. Thật ra Thầy Hằng Triều không phải là nguời khờ khạo, không hiểu biết gì về chính trị. Thầy là nguời từng trải với nhiều kinh nghiệm về trò chơi chính trị salon. Truớc khi xuất gia để thành tu sĩ, Thầy đang nghiên cứu cho một luận án tiến sĩ tại Đại Học Wisconsin trong phân khoa Lịch Sử, một viện nghiên cứu với những đòi hỏi khó khăn. Thầy đã truởng thành trong “khói lửa” chính trị của thập niên 60 đầy sôi nổi – một thời đại của xuống đuờng, của sự tụ tập biểu tình và tranh đấu bằng ý thức. Trên thực tế, vì sự cùng đuờng và những hạn vi hẹp hòi của các giải pháp chính trị đối với những vấn đề của thế giới, nó đã làm Thầy thất vọng, đã khiến Thầy đi tìm đến Phật Giáo. Nơi đây Thầy đã tìm thấy các cách giải quyết thật sự cho sự thống khổ mà mọi nguời đang chịu đựng. Thầy đã xuất gia để làm một vị tu sĩ tu học và thực hành Phật Pháp.
Sau đây là những câu trả lời của nguời tu sĩ đối với những câu hỏi khiêu khích cuả nhóm nguời cực đoan:
H: Các thành viên của Hội Phật Giáo Trung Mỹ (Sino-American) thuộc chủng tộc và tầng lớp nào trong xã hội?
Đ. Chúng tôi đến từ giai cấp của tất cả chúng sanh. Hội Phật Giáo Trung Mỹ thật sự có tánh cách quốc tế. Phật Pháp vuợt xuyên qua tất cả những phân chia về giai cấp xã hội, chủng tộc, giới tính tuổi tác, quốc gia, hoàn cảnh tôn giáo và kinh tế. Đây là một thứ ngôn ngữ tâm truyền tâm; là sự giáo hoá tất cả chúng sinh, giáo pháp của tâm. Đây là nguồn gốc vô giai cấp thực sự của con nguời. Không ai trong Hội Phật Giáo Trung Mỹ có lối suy nghĩ theo sự phân biệt này nữa.
H. Làm sao trên thực tế ông có thể tránh đuợc “các thứ loại phân biệt” đó ?
Đ. Tất cả đều do tâm tạo. Nếu bạn muốn nhìn thế gian qua sự giàu và nghèo, trắng và đen, có sở hữu hay không có sở hữu, thì thế giới sẽ là như vậy. Nhưng nếu bạn buớc 2 phân về bên trái hay 2 phân về bên phải hoặc quay đầu ngoái nhìn thì thấy tất cả đều khác hẳn. Nếu bạn cởi mở để chấp nhận tất cả, nếu bạn xoay đầu hẳn lại, thì lúc đó là bạn đến với cái nhìn của Phật giáo. Phật Giáo là giáo pháp của tâm và tất cả các cảnh giới của tâm. Cả hai đều không có khởi thủy và không có kết thúc.
H. Làm sao ông có thể cảm thấy thoải mái dư thì giờ đi làm cuộc hành hương như thế này trong khi những nguời thế giới thứ ba đang có những quan tâm khẩn thiết hơn, như là lo làm sao cho no bụng. Chuyến hành hương của ông chỉ có trong một quốc gia mà nơi đó ai cũng đuợc ăn no mặc đủ. Chỉ như vậy ông mới có thể ngồi không và nghĩ về sự hỷ lạc trừu tuợng.
Đ. Những ai có hiểu biết về con nguời không khi nào cho rằng mối quan tâm duy nhất của con nguời là làm đầy bao tử. Đó chỉ là một nhãn hiệu rẻ tiền mà những kẻ quấy rối dùng để chỉ định cái mà họ gọi là “Thể Giới Thứ Ba” . Trên thực tế, nguời của “Thế Giới Thứ Ba” cũng là con nguời, không phải là những cái miệng ăn hay bao tử . Họ suy nghĩ về sự sống chết, về việc họ đến từ đâu và sẽ đi về đâu. Tất cả mọi nguời đều nghĩ về điều này. Chúng tôi vừa mới trở về từ chuyến du hành Á Châu và chúng tôi đã thăm viếng những vùng nuớc đọng nơi nguời thuộc thế giới thứ ba sinh sống. Những nguời ở nơi đó đã đón nhận Phật Pháp rất nồng nhiệt, cũng mạnh mẽ và nhiệt tình như bất cứ nơi nào trên nuớc Mỹ. Tại sao? Vì Phật Giáo là ngôn ngữ của tâm. Mọi người đều nhận ra nó. Nó vượt lên các quan tâm đơn giản như ăn no bụng. Phật Giáo là ngôi nhà nguyên thủy của chúng ta, những thứ còn lại chỉ là sự hời hợt bên ngoài.
H. Làm sao ông có thể đóng góp vào sự sản xuất của thế giới? Sống như những ký sinh trùng mềm yếu trong một tu viện an toàn, các ông giúp nguời khác bằng cách nào?
Đ. Những nguời tại Tu Viện Kim Sơn, Vạn Phật Thánh Thành, và tại Viện Dịch Kinh Quốc Tế đều quan tâm sâu xa đến những sự đau khổ của con nguời trên thế giới. Và chúng tôi tin rằng chúng tôi phải:
Chân thật nhận lỗi mình,
Không bàn luận lỗi lầm nguời .
Lỗi nguời là lỗi mình,
Đồng thế tức Đại Bi.
Nhưng chúng tôi không chỉ nói suông. Do đó chúng tôi mỗi ngày chỉ ăn một bữa. Một số thầy chỉ ăn một chén cơm một ngày. Vì sao? Vì có nhiều nguời trên thế giới không có đủ thức ăn để ăn mỗi ngày. Chúng tôi đóng góp vào sự sản xuất của thế giới bằng cách không tham lam và giảm bớt sự tiêu thụ của mình.
Chúng tôi không xin bất cứ thứ gì. Tất cả những gì chúng tôi có và sử dụng đều từ việc cúng duờng tự nguyện. Chúng tôi không dùng tiền để mua thức ăn, chỉ dùng rau cải của các siêu thị vứt đi hoặc tự trồng trọt lấy. Chúng tôi sống bằng những thứ mà nuớc Mỹ vứt bỏ. Tiền bạc cúng duờng nào cũng đều dùng để xây dựng đạo tràng và in sách, không ai có tài sản riêng cho mình, tất cả đều thuộc về tu viện. Chúng tôi không mua quần áo mà dùng lại những áo quần nguời khác không cần nữa. Chúng tôi không quan tâm về thời trang bề ngoài, cũng không có giuờng nước trong chùa chúng tôi. Hầu hết những Tăng Ni và ngay cả nguời cư sĩ đều không ngủ nằm – họ ngồi ngủ trong tư thế thiền. Trong các tu viện của chúng tôi cũng không có mở lò sưởi cho dù mùa nào đi nữa. Chúng tôi không làm các công chuyện chỉ vì danh vọng hay lợi ích riêng tư, cũng không sống cho đời sống cá nhân. Các vị Tăng Ni đều sống đời tịnh hạnh xa rời ái dục, họ tin vào việc dẹp trừ tất cả những dục vọng ích kỷ. Đây chính là cuộc cách mạng thật sự. Ba Đại Tông Chỉ của chúng tôi là:
Dù rét chết, không phan duyên.
Dù đói chết, không van nài.
Dù nghèo chết, không cầu cạnh.
Tùy theo nhân duyên, nhung không đổi chí huớng.
Không đổi đạo phong, nhung vẫn thuận theo ngoại cảnh.
Xả mình vì Phật sự.
Tạo mạng là bổn phận.
Sửa mình là việc Tăng.
Gặp sự việc hiểu đạo lý
Hiểu đạo lý làm sự việc
Truyền thừa mạch huyết Tổ sư.
Khi chúng ta thực hành theo những tông chỉ này thì ta mới thật sự giúp đỡ các chúng sanh và Thế Giới Thứ Ba. Giải pháp cho sự đau khổ của thế giới không chỉ đơn thuần là cho họ những gì Hoa Kỳ có, mà đúng ra chúng ta phải chuyển cái phước báo dồi dào của mình thành công đức qua việc nỗ lực dụng công và tu hành trong tự tánh của chúng ta. Có câu nói:
Thọ khổ thì hết khổ,
Huởng phuớc thì hết phuớc
Theo Phật Pháp, lý do thế giới ngày nay rối loạn là vì tâm chúng ta nổi loạn. Nếu chúng ta muốn “trị quốc, bình thiên hạ“, thì truớc tiên ta phải biết thanh tịnh tâm của chúng ta. Là Phật tử, chúng tôi không nói suông, không chỉ bảo nguời khác, mà phải tự mình tu tâm duỡng tánh, tu hành thanh tịnh. Tất cả các vấn đề trên thế giới đều do sự ích kỷ và lòng tham muốn làm lợi cho riêng mình. Vì vậy trọng tâm của Phật Giáo là dạy chúng ta không còn bản ngã. ”Bây giờ nếu bạn không còn câu hỏi nào nữa thì tôi sẽ trở lại tiếp tục công với việc bái lạy của tôi.”. Thầy Hằng Triều nói như thế và chấm dứt cuộc phỏng vấn.
Bằng cách đó, họ huớng về các đạo lý chân thật và đi vào chốn thâm sâu không có tranh cãi.
-Kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka)
Phần II:
Vào một buổi trưa Chủ Nhật, Thầy Hằng Triều kể cho con nghe về câu chuyện thầy gặp gỡ những người sinh viên. Thầy nói, “Tôi đã có suy nghĩ về các câu trả lời của tôi và tôi đáng lẽ tôi còn nóithêm nữa nhưng không có thời gian hay nơi chốn thuận tiện để trình bày cặn kẽ. Tôi sẽ nói về đạo lý từ bi và nhân quả. Hai đạo lý này thật sự mở rộng tâm trí tôi ra khỏi tầm nhìn duy vật và phân chia chính trị. Trước đây, cách suy nghĩ của tôi rất thiển cận. Chỉ là thuần túy tri thức. Quan điểm duy vật chỉ là một chiều, nó chia rẽ thế giới, nó dựa trên đấu tranh. Tư Bản hay Cộng Sản chỉ như là hai mặt của đồng xu, không lối thoát. Không có tấm lòng ở đó. Con người không đơn thuần chỉ là miệng và bao tử và lòng tham giàu sang. Mà về bản thể , chúng ta là những sinh vật có tâm linh.
“Điều này đã làm tôi thay đổi ý kiến. Tôi nhìn sâu vào tâm mình và ý thức rằng trong đó còn có nhiều thứ hơn là chỉ ý muốn làm lợi cho chính mình. Làm sao tôi có thể cho rằng tất cả chỉ có chừng đó trong những người khác? Phật Giáo dựa trên từ, bi, hỷ, xả. Phật Giáo bao gồm tất cả mọi người, không loại trừ một ai. Đại bi tâm thì cao cả và bao la, còn đại phân chia thì nhỏ mọn và đầy thù hận. Và mọi người đều có Phật tánh.”
Thầy chúng ta đã nói gì về giai cấp? Ngài nói:
Tất cả chúng sinh là gia đình tôi,
Toàn vũ trụ là thân tôi.
Hư không là trường tôi,
Vô hình là tên tôi.
Từ, bi, hỷ, xả là dụng của tôi.
“Sau khi nghe chân lý này, còn ai có thể thoả mãn về đấu tranh giai cấp và giặt áo quần dơ của người khác?”, Thầy Hằng Triều hỏi.
“Bây giờ tôi hiểu rằng nhân quả định đoạt thế giới của chúng ta đang sống. Nếu chúng ta phung phí phước và không tu công đức, thì cho dù chúng ta đang giàu có, chúng ta sẽ mất sự giàu có đó ngay trong chính cuộc đời này. Nếu không làm gì cả ngoài việc tiêu hết phước báu và chạy theo lòng tham lam, thì trong kiếp kế tiếp chắc chắn là bị thiếu thốn. Nói một cách khác, trong đời này người ta bị lâm vào cảnh nghèo khó vì trong quá khứ họ đã ăn cắp, phí phạm tài nguyên, bần tiện và không thành thật. Đây là những điều đang thật sự diễn tiến bên dưới bề mặt thế giới vật chất.”
Thầy Hằng Triều nói, “Thật không khó để nhìn xa hơn quan điểm thuần túy chính trị của những người trí thức. Quan điểm đó không có tấm lòng. Bên trong lại có thái đó thật kiêu ngạo và trịch thượng đối với người khác. Điều căn bản cho rằng người nghèo thì khổ hơn người có tiền, và sẽ không hạnh phúc cho đến khi người nghèo có những gì mà người giàu có sở hữu và mong muốn. Nếu nhìn thế giới bằng cách đó, thì nó là như thế: một sự trộn lộn xen lẫn giữa tham lam và tội lỗi. Nếu người của Thế Giới Thứ Ba không muốn những gì chúng ta đang có, thì việc đó làm chúng ta cảm thấy như thế nào về sự dư thừa của chúng ta? Có phải có hai chiếc xe và một cái TV màu và một đời sống sung túc thực sự là phần chia sẻ đúng của chúng ta hay không?”
“Tôi đã từng nghe nhiều ngườI ở Á Châu, nhất là những bậc cao niên, nói rằng khi quốc gia của họ hiện đại hóa và dân chúng dời đến gần hơn các thành phố lớn, họ đều bị nhiều căng thẳng hơn vì cuộc sống ít đơn giản hơn. Không còn có thì giờ để tận hưởng đời sống nữa. Điều mà mọi người chỉ biết là chạy theo đồng tiền, tham muốn chồng chất và khi đó những vật chất giản dị, những tư tưởng đơn giản không làm người ta thỏa mãn nữa. Gia đình bắt đầu đổ vỡ, trở thành nhức đầu và vấn nạn gia tăng liền khi cái văn hoá của Thế Giới Thứ Nhất được nhập cảng vào.”
Thầy Hằng Triều nói, “Thêm nữa, Phật pháp trực diện với những vấn đề trọng đại như sinh tử và đau khổ. Người nghèo ấp ủ Phật Pháp vì họ nhìn thấy rất gần cái rỗng không của cuộc đời và cái đau khổ chung của nhân loại. Họ không bị làm êm ái đối với những điều này như cách của “phần nửa kia tốt đẹp hơn” đang ”bị”.
“Điểm chuyển biến của sự gặp gỡ với những sinh viên này xảy đến khi tôi giải thích sự tu hành thật sự của những thành viên của Hội Phật Giáo Trung Mỹ. Trước đó những người phỏng vấn tôi cho rằng chúng ta cũng chỉ là những sinh viên, mặc y phục ngộ nghĩnh và đang chơi cùng trò chơi chính trị giống họ. Họ cho rằng chúng ta cùng ăn thức ăn giống họ, cùng nghe nhạc giống họ và cùng khiêu vũ những nhịp điệu giống họ. Khi họ nghe về cách tu khổ hạnh của Cuộc cách mạng Phật Pháp của Hội Phật Giáo Trung Mỹ, cuộc đối thoại nhanh chóng trở thành rất chân thực. Đại bi là một tấm lòng tuyệt diệu như thế đó. Hễ bạn bao dung chứa nạp hết tất cả chúng sinh thay vì phân chia, thì sự phân chia và kỳ thị sẽ khô héo đi.”. Thầy Hằng Triều nói, “Như Sư Phụ có nói với chúng ta ở thành phố Los Angeles, một khi bạn nắm được các đạo lý căn bản của Phật Giáo, thì lúc đó không ai mà bạn không thắng được khi tranh luận. Còn ai có thể từ chối không chịu đứng bên trong ánh sáng an bình và hạnh phúc của Đức Phật? Phật pháp là thật sự cao thượng nhất trong tất cả các giáo pháp. Phật pháp không có ngụy biện, nó vượt xa ngôn ngữ và tư duy. Nó thật không thể nghĩ bàn!”.
Đệ Tử Quả Chân (Hằng Thật) kính lễ
Đừng khóc, hãy chết đi!
Ngày 13 tháng 11, 1978
Scott Creek, California
Kính thưa Sư Phụ,
Hôm nay Sư Phụ đi cùng một chiếc xe chở những huynh đệ có đôi mắt sáng đến từ Vạn Phật Thành, mang cho hai vị tăng đang bái lạy “một ít xăng” như lời Sư Phụ nói. Làm thế nào mà chúng con lại hết nhiên liệu? Con cạn nhiên liệu vì nhìn phụ nữ. Rồi con bị nhuốm bệnh. Khi Sư Phụ bước xuống từ chiếc xe buýt rồng vàng (*), ngài bắt đầu quét sạch mọi chướng ngại và phiền não của chúng con. Sư Phụ nói: “Thầy nghe Quả Chân nói rằng con bị bệnh. Thầy hỏi y xem con đã chết chưa. Y nói con chưa chết. Vì con vẫn chưa chết nên Thầy tới gặp con. Nếu con chết rồi thì Thầy không tới nữa. Con hiểu không?” Những câu nói kỳ lạ của Sư Phụ đi thẳng vào tim con. Cuối cùng, con cũng đã hiểu. Đây là toàn bộ câu chuyện:
Lẽ ra con nên xuất gia ngay từ lần đầu tới Tu viện Kim Sơn gần 3 năm về trước. Con đã trở về ngôi nhà thực sự của mình và biết rằng mình thuộc về nơi này. Nhưng con đã không thể buông bỏ ham muốn vị kỷ của mình. Vì thế con đã quay lưng lại với Giác ngộ và quay về bụi trần. Khi là người thế tục, sự thanh tịnh cùng hạnh phúc mà con kinh nghiệm được khi ở tu viện Kim Sơn mau chóng tan biến mỗi khi con trở về nhà. Chẳng bao lâu sau con luôn bị phiền não và tán loạn, con đã cố gắng làm như một người tu Đạo tại gia. Con cố gắng tu Đạo và lãng mạn cùng một lúc. Chỉ vô dụng! Vào lúc cơn khủng hoảng nội tâm tự mình gây ra này lên đến tột đỉnh khi bạn gái con dọa bỏ đi, con đã gọi cho Sư Phụ, mong nhận được sự cảm thông. Sư phụ đã không phí lời hay bày tỏ những cảm xúc giả tạo, nói rằng “Vậy sao? Vậy là cô ta đi. Tốt lắm! Đâu có ai chết đâu! Phải không? Đừng khởi vọng tưởng hay chấp trước!”. Sư phụ cảnh cáo con phải thận trọng và hành xử cho đúng đạo. Con đã không nghe theo. Con không thể đoạn dục nên mọi thứ mới trở nên tồi tệ và cơn “bệnh” làm kiệt quệ sức mạnh tâm linh của con.
Lúc con xuất gia, Sư Phụ từng nhấn mạnh, “Thầy tin rằng con có thể xuất gia tu đạo bởi vì con đã buông bỏ bạn gái rồi. Hãy tinh tấn!” Sau đó Sư Phụ nói với các tu sĩ có mặt tại đó một cách thân tình và từ bi: “Quý vị không thể tùy tiện hay cẩu thả, đặc biệt là bây giờ trên nước Mỹ. Đây là cách duy nhất Phật Giáo sẽ được kiến lập tại phương Tây. Quan trọng nhất là đừng dính mắc với nữ giới… đó là tấm gương quan trọng nhất để quý vị chứng tỏ với nước Mỹ. Quý vị không thể quá gần hoặc quá xa nữ giới, làm vậy đều là sai lầm! Tất cả quý vị đều là bảo vật quý giá của tôi. Tôi sẽ không bán bất kỳ ai. Đừng để lãng phí kho tàng quang minh (quang minh tạng) của mình!” Con có hiểu không? Không!
Vào lúc bắt đầu cuộc hành hương lễ lạy, vọng tưởng về nữ giới đã gây ra cho con cơ man nào là rắc rối. Ác mộng và ma quỷ, khí hậu khắc nghiệt và những cuộc tranh cãi, tất cả đều do cái “mao bệnh” (thói xấu) này của con, con tin là như vậy. Chẳng hạn, tại Santa Barbara, trong khi vọng tưởng về người bạn gái cũ khởi lên, một trái chanh bay ra từ một xe rác chạy ngang qua và trúng vào hàm con, khiến con khụy xuống. Con tự nhủ, “Chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi! Nếu thực sự nó trúng vào mình vì tâm mình nghĩ đến phụ nữ, thì nếu mình tiếp tục nhất định chuyện đó sẽ xảy ra lần nữa.” Vì vậy con tiếp tục tự hỏi liệu bạn gái cũ của con đã có người đàn ông khác chưa và VỤT! Lại một trái chanh nữa trúng ngay vào lưng con, khiến con gục ngã lần nữa! Sau này Sư Phụ nói “Những trái chanh chua đó đến từ suy nghĩ chua chát của con về bạn gái. Giờ thì con biết rằng vọng tưởng của mình là không tốt, đừng làm vậy thêm một lần nào nữa”. Con có hiểu không? Không!
Ở Mã Lai, con đã không thể điều phục được đôi mắt hay ý nghĩ của mình, và bị điên đảo. Nhưng lần này nhiên liệu công đức dự trữ của con đã cạn kiệt. Con bị bệnh nặng vì đã phân tán hết năng lượng của mình vào việc khởi vọng tưởng về nữ giới, con gần như chết. Sư Phụ đã cứu mạng con và mang con trở về từ tay Diêm vương. Lúc nằm liệt giường ở Malacca, chưa bao giờ con thấy rõ ràng đến thế, kể cả lúc mơ lẫn khi tỉnh, rằng sắc dục chính là cội gốc của sanh tử. Sư Phụ đến bên giường con, xoa đầu con và tụng chú vào những lúc nghiêm trọng, xua tan cơn sốt và thanh lọc độc tố. Mọi lúc ngài đều mỉm cười và hỏi “Tốt, tốt. Con chết chưa? Con sẽ chết hả?” Tại Singapore và Hồng Kông, nhân quả vọng tưởng của con và việc con bị bệnh thật kỳ lạ và không thể chối bỏđược. Chưa đầy một giờ sau khi con động tâm là con lại bị bệnh. Sư Phụ vẫn nói: “Bệnh nữa hả? Tốt. Thầy hy vọng con mau chết.” Con có hiểu không? Con nghĩ là có. Nhưng tập khí của con thì ngoan cố và sự ngu si của con thì sâu dày. Con nguyện sẽ vĩnh viễn không bao giờ theo đuổi hình sắc đẹp đẽ nữa.
Khi chúng con trở về Mỹ, thầy Hằng Thật và con bắt đầu tiếp tục lạy gần thành phố Santa Cruz. Chúng con vào thị trấn để liên lạc với cảnh sát và thông báo với họ về cuộc hành trình của mình. Ngạc nhiên quá! Người cảnh sát là một phụ nữ. Con bị động tâm và bắt đầu mỉm cười, và nói huyên thuyên với cô ta trong khi làm công việc. Tối đó con lại bị bệnh. Hoặc là tâm trí dành cho phụ nữ của con sẽ chết hoặc con sẽ chết. Bây giờ thì thật rõ ràng đối với con, mọi tham dục đều khởi nguồn từ sắc dục. Chạy ra ngoài tự tánh của mình và tìm cầu bất cứ thứ gì đều là Chết – một cái chết từ từ của lậu hoặc. Thật vậy, công đức và trí huệ của bổn tánh bị rỉ dần cho đến khi Pháp bảo sáng ngời chỉ còn lại là đống phân chó. Giống như Kinh Hoa Nghiêm có nói:
Lại các chúng sanh bị lưới ái vấn, lọng si che, mà nhiễm trước cõi hữu lậu theo mãi không rời bỏ, vào trong lồng cũi khổ não, thật hành nghiệp ma, phước trí đều hết thường ôm lòng nghi hoặc, chẳng thấy chỗ an ổn, chẳng biết đạo xuất ly, ở trong sanh tử luân hồi mãi, luôn bị ngập chìm trong khổ bùn lầy.
Trong lúc từ từ bình phục ở phía băng sau của chiếc xe Plymouth, con có rất nhiều thời giờ để quán chiếu về “bệnh” của mình và suy nghĩ làm sao để khỏe lại. Những gì con cho là hạnh phúc của thế gian thực ra là khổ đau; và thứ mà con từng nghĩ là khổ đau (tu hành) thực ra lại là hạnh phúc. Sự việc không luôn luôn đúng như mới thoạt nhìn. Vì thế Kinh nói:
Chẳng phải vì tự thân mà con cầu đạo Vô thượng. Cũng chẳng phải vì cầu hưởng phước lạc trong ba cõi mà con tu Bồ đề hạnh. Tại sao vậy? Vì phước lạc thế gian không gì chẳng phải là khổ…
-Kinh Hoa Nghiêm Phẩm Thập Hồi Hướng
Đó quả là những lời trực chỉ! Trong tim con, có những thứ không lời nào có thể diễn đạt được, bây giờ con biết nó là như thế, là những gì Sư Phụ muốn nói khi hỏi khi nào con “chết”. Lời của ngài chứa đầy từ bi và trí huệ. Chính cái vọng tưởng chạy ra ngoài đuổi theo ái dục phải chết để chữa trị căn bệnh sanh tử. Lời của Sư Phụ là liều thuốc hay nhất! “Khi cái tâm hướng về nữ giới của con chết rồi, con có thể tự do. Nếu con không thể giết nó thì con sẽ mãi bị giam hãm trong lồng. Con có hiểu không?”
Con đáp: “Có thưa Sư Phụ. Con đã cố gắng, nhưng con hầu như không thể buông bỏ.”
Sư Phụ nói với một nụ cười từ ái: “Thầy là một người thầy dở. Thầy không thể giáo hóa đệ tử của mình. Tất cả những gì Thầy có thể làm là nói ra những điều xui xẻo và nói mong họ sẽ chết”.
Con viết ra để kể lại toàn bộ câu chuyện, nhờ đó sẽ không có ai nghĩ rằng những lời của Sư Phụ là không cát tường. Con cũng là một đệ tử dở. Ngay cả sau khi được Sư Phụ cứu mạng, con cũng không thể lo liệu để “chết”. Cho nên, Sư Phụ và tất cả huynh đệ của con đã bất chấp giá lạnh và mưa gió để mang đến cho những tu sĩ đang bái lạy một ít “xăng”. Khi mọi người lên xe, Sư Phụ cười và nói: “Hãy cố gắng hết sức mình”. Một cơn bão đang tụ lại bỗng nhiên tan biến và mặt trời chiếu rọi chúng con. Con đã rất cảm kích và muốn khóc. Thực sự tất cả chúng ta đang nhất tâm đảnh lễ Vạn Phật Thành! Rồi con nảy ra một ý nghĩ: “Hãy cố hết sức, Quả Đình. Đừng khóc, hãy chết đi!”.
Giống như Tổ Bồ Đề Đạt Ma giải thoát chú chim trong lồng, Sư Phụ đã chỉ cách cho con thoát khỏi lồng. Nhưng do lầm lầm những thứ trước mắt, con đã bay trở lại vì lầm tưởng cái lồng là lâu đài. Không còn nữa. Khởi đầu của sự trở về với sức khỏe là biết rằng mình bị bệnh. Để tái sanh vào Đạo, người ta phải chết đối với thế gian.
An lành trong đạo,
Đệ tử Quả Đình (Hằng Triều)
cung kính đảnh lễ
Ghi chú:
(*) Xe buýt của Chùa màu vàng có vẽ hình rồng.
Tìm Cái Giả Trong Cái Thật
Ngày 21 tháng 11, 1978
Ano Nuevo , California
Kính thưa Sư Phụ,
Mẹ của Trời và Đất,
Được sinh ra từ Đạo.
Nhật Nguyệt đều sáng ngời,
Vận hành trong quỹ đạo.
Tính căn nguyên mọi loài:
Thật tuyệt vời vô tận!
-Thiền Sư Tuyên Hóa
Bài thơ hôm nay trở thành sống động, khi mặt trời vừa ló dạng trên ven biển đẫm ướt nước mưa. Mưa đã hai hôm nay ở Ano Nuevo. Mọi thứ trong thế giới của chúng con đều ẩm ướt. Hơi nước còn nặng trĩu trong không khí, làm bão hòa không gian vô tận. Ướt ngoài da, ướt trong xương tủy. Sườn núi đầy bụi cát này ửng màu vàng thô của đất, những bụi hoa ngải trắng và cỏ đuôi chồn đã nhú xanh. Cơn mưa làm cảnh vật hân hoan.
Sáng nay mây bị thổi ra xa và mặt trời xuất hiện. Lúc chín giờ sáng có sự chuyển biến; một sự chuyển hóa xảy ra. Sự ẩm ướt bắt đầu nhấp nháy, thay đổi và biến mất. Có thể thấy và cảm nhận giai đoạn ẩm ướt âm tính của chu kỳ thời tiết đạt đến cực điểm và đột nhiên sự khô ráo nảy sanh. Chẳng bao lâu hơi nước bốc ra khỏi quần áo lấm bùn, ra khòi túi ngủ của chúng con, và ra khỏi những vũng nước. Sanh và biến dịch, âm và dương, đều đang tự xảy ra, thật kỳ diệu được chứng kiến. Tất cả đều đúng thời điểm của chúng. Thiên nhiên luôn kiên nhẫn, Đạo dung chứa vạn vật.
Tu đạo còn được gọi là sự đại chuyển nghịch. Sư Phụ nói “Hãy hướng thiện. Hãy hồi quang phản chiếu trong từng tâm niệm. Hãy thay đổi thói xấu thành tốt. Hãy tìm lại cái chân ngã của mình.”. Đây là điều mà tất cả những Kinh điển Phật giáo nói với chúng con. Bởi vì người đi trên đường Đạo đem trở lại năng lực trước đây thường chạy ra ngoài do thói xấu, không bao lâu năng lực ánh sáng tích luỹ này sẽ đạt đến điểm nhấp nháy chuyển hóa. Giống như mặt trời chuyển hóa sự ẩm ướt, quyết tâm hướng thiện và thực hành mang ánh sáng trở vào trong (hồi quang phản chiếu) sẽ chắc chắn đưa hành giả lên con đường cao cả mới mẻ.
Sẽ có sự sản sanh trí tuệ, một sự thay đổi từ bóng tối thành ánh sáng nội tâm. Cơ thể rỉ sét chuyển hóa thành kim cương, sự ích kỷ do vọng tưởng chuyển hóa thành ngọn đèn phố chiếu Đại Bi. Sanh, thay đổi, quay trở về, chuyển hoá.
“Nếu quý vị muốn tìm xem cái gì thật sự là chân thật, đừng tìm nó bên ngoài cái giả”, Hòa thượng nói tại Kuantan ở Mã Lai, “Chính ngay trong cái giả quý vị tìm xem cái gì là thật. Và quý vị cần phải rất kiên nhẫn.”.
“Làm sao tìm ra cái giả trong cái thật?”, một nam cư sĩ hỏi.
“Kim cương từ lòng đất mà ra, có phải không?” Hòa Thượng trả lời.
Bí quyết có vẻ là sự kiên nhẫn và lòng tin. Ba điều tiên quyết được về thế giới Cực Lạc là Tín, Nguyện, Hạnh (đức tin, tâm nguyện và thực hành). Tin có thể có nghĩa là không thúc ép Đạo, không ép buộc và tìm cầu kết quả nhanh chóng. Điều huyền bí của sự thay đổi thời tiết ở Ano Nuevo là sự đúng thời điểm hoàn hảo, không mất công sức. Sự thay đổi diễn ra chậm chạp và hoàn toàn tự nó, ẩm ướt chuyển đổi thành khô ráo, âm chuyển đổi thành dương, tất cả xảy ra trong sự hoà hợp hoàn hảo. Như câu thơ nói: “Nhật Nguyệt đều sáng ngời, Vận hành trong quỹ đạo.”.
Dù chúng ta đã đi nhiều con đường sai lầm trước khi chúng ta bắt đầu thực hành Phật pháp, một khi chúng ta nhận ra lỗi lầm và quyết tâm thay đổi là chúng ta đang bước vào quỹ đạo của Giác ngộ. Kiên nhẫn, tin tưởng “đi về hướng thiện, từng bước một,” như lời Hòa Thượng nói, sẽ chắc chắn mang lại sự Đại Hồi Chuyển. Bây giờ cơn mưa lại đến và gió mùa thu reo vi vu quá mái xe bằng thiếc, là đạo tràng trên bốn bánh xe của chúng con. Chẳng bao lâu nữa mặt trời sẽ mọc và cả một chu kỳ sẽ tiếp tục vận hành trong quỹ đạo. Từ hư không lại có sự sanh ra và biến dịch. “Vi diệu vô tận.”
Đệ tử Quả Chân (Hằng Thật)
Kính Bái.
Nhân Duyên với Phật Tỳ Lô Xá Na
Ngày 23 tháng 11 năm 1978
Ano Nuevo, California
Kính thưa Sư Phụ,
Trong Kinh Hoa Nghiêm Ðức Phật có nói:
Thuận theo tâm nguyện hành trì của mọi chúng sanh
Thấy khắp pháp giới đều tịch tĩnh nhất như .
Con vừa thấy điều này thật đúng trong trường hợp những giấc mộng.
“Nguyện lực”
Phật Pháp rộng lớn, không có ranh giới và sự phân biệt. Các nguyện của chư vị Bồ Tát cũng vậy:
Lại phát đại nguyện : Nguyện ở khắp tất cả thế giới thành Vô thượng Chánh giác, chẳng rời một chân lông mà nơi tất cả chân lông thị hiện sơ sanh, xuất gia, đến đạo tràng, thành Chánh giác, chuyển pháp luân, nhập Niết Bàn, được sức đại trí huệ cảnh giới của Phật trong mỗi niệm thuận theo tâm của tất cả chúng sanh mà thị hiện thành Phật làm cho họ được tịch diệt, dùng Nhứt thiết trí biết tất cả pháp giới chính là tướng Niết Bàn, dùng một âm thanh thuyết pháp làm cho tâm tất cả chúng sanh đều hoan hỷ. Thị hiện nhập đại Niết Bàn mà chẳng dứt hạnh Bồ Tát, thị hiện bực đại trí huệ an lập tất cả pháp. Dùng pháp Trí thông, Thần túc thông, Huyễn thông, tự tại biến hóa khắp tất cả pháp giới. Rộng lớn như pháp giới, rốt ráo dường hư không, suốt tất cả kiếp số vị lai không thôi nghỉ.
-Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Ðịa
Vào tháng Năm năm 1977, khi chúng con bắt đầu khởi hành từ Kim Luân Thánh Tự ở Los Angeles, Sư Phụ đã nói trong một bài giảng rằng tất cả chúng ta trong quá khứ đã cùng với Phật Tỳ Lô Xá Na nghiên cứu Phật Pháp. Và vào thời xa xưa đó, Sư Phụ đã nói là tất cả chúng ta nên đến Hoa Kỳ để nghiên cứu Phật Pháp tại đó. “Bởi vậy giờ đây chúng ta cùng nhau đến đây để hòan thành hạnh nguyện của chúng ta. Những nhân duyên trong quá khứ tạo nên lực liên hợp nơi đây, giờ đây lực liên hợp đó tồn tại qua mọi hòan cảnh. Từ vô lượng kiếp trong quá khứ đến nay, các nhân duyên giữa chúng ta với nhau rất sâu đậm… Mọi người đều là Tỳ Lô Xá Na. Tất cả chung quanh quý vị, phía trước, phía sau chung quanh quý vị đều là Phật. Pháp Thân thanh tịnh của Ðức Phật tràn đầy khắp mọi nơi.”
Tất cả chúng sanh đều có liên quan sâu xa với nhau. Ai có thể nói chúng ta từng ở đâu trong quá khứ hay sẽ ở đâu trong tương lai để tu Đạo và hoàn thành các hạnh nguyện của chư Bồ Tát ? Không có gì là cố định cả. Cái chúng ta có thể thấy không phải là luôn luôn thật, và cái thật thì chúng ta lại thường không thấy được. Sư Phụ kết thúc bài giảng với lời bình luận: “Trong giấc mộng, tất cả chúng ta đến đây làm Phật sự”.
Bình an trong Đạo,
Ðệ tử Quả Ðình (Hằng Triều)
kính cẩn đảnh lễ.
***
Đau đến cực điểm!
Ngày 3 tháng 1, 1979
Phía dưới Vịnh Bán Nguyệt (Half Moon Bay)
Bồ Tát nguyện rằng mọi chúng sanh đều được cửa thiền thanh tịnh.
-Kinh Hoa Nghiêm.
Những thiền giả kiên nhẫn đều biết rằng khi cơn đau xảy đến ở đầu gối , ở mắt cá chân, ở chân và ở lưng sau nhiều giờ ngồi thiền lâu dài, thì hành giá sẽ đạt đến một điểm mà cơn đau thình lình biến mất. Nó giống như cánh cổng mở ra và hành giả đi xuyên qua đến một thế giới khác, không còn phiền não. Đó là một kinh nghiệm kỳ diệu.
Tuy nhiên, trên đường xuyên qua cổng, cần có lòng quyết tâm và kiên nhẫn không để cho sự khó chịu lay chuyển.
Những gì người khác không thể chịu đựng nổi, thì quý vị phải chịu đựng. Khi ngồi thiền mọi người đều phải trải qua kinh nghiệm đau chân. Tất cả chúng ta phải đi qua giai đoạn chịu những gì mà người khác không chịu nổi. Và khi chúng ta đến chỗ chịu đựng cơn đau mà những người khác không thể chịu đựng nổi, thì chúng ta có thể được tin vui. Đây được gọi là “đi xuyên qua cổng khó vào,” và “phá thủng tường cản khó khăn.”.
-Hòa Thượng Tuyên Hóa, Khai Thị Thiền Tháng 12, 1997
Trong xe wagon của chúng con, con ngồi trong chỗ trũng nơi băng ghế sau xếp xuống. Để đến chỗ ngồi của mình, Thầy Hằng Triều phải bò qua đầu gối của con ở phía sau. Giờ giấc ngồi thiền của chúng con thì khác nhau,. Vào một buổi tối Thầy Hằng Triều trở vào xe sau khi đứng thiền, vừa đúng lúc đó con đang ngồi thiền và đang đến điểm đau tột cùng ở đầu gối. Con thực sự toát mồ hôi. Thân thể của con đau nhức rất nhiều, nhưng con quyết định chịu đựng. Niềm hạnh phúc phía bên kia cổng thật tuyệt diệu.
Bây giờ chúng ta đang ở trong Thiền đường và vì sao chúng ta không có định lực nào cả ? Quý vị đau một chút thì chịu không nỗi … thậm chí vì chịu không nỗi, quý vị muốn khóc … quý vị chưa phá xuyên qua cửa đau. Bây giờ, chúng ta muốn phá xuyên qua nó. Chúng ta phá xuyên qua những cửa đau này và chúng ta có thể tự tại với đau nhức .
Lắng Nghe và Suy Nghĩ
Con lúc đó đang ở tại điểm đau tột cùng và do tánh thiếu kiên nhẫn bình thường của con, lúc đó con đang tự tranh luận xem có thể vượt qua được cổng hay không. Sự đau đớn đã tiếp tục có vẻ lâu như nhiều kiếp. Thật ra chỉ chừng nửa giờ, nhưng con đã sẵn sàng để khóc và kêu la. Nếu một con ruồi hạ cánh trên chân của con thì đó cũng là quá sức chịu đựng của con. Mọi tế bào đều đang căng thẳng để giữ chặt thế ngồi kiết già.
Đau đến cực điểm, đến điểm mà chúng ta quên là có mình, có người.
Lắng Nghe và Suy Nghĩ
Thầy Hằng Triều có một cách khéo để đóng cửa xe với bàn chân của Thầy khi Thầy leo qua chỗ ngồi của con. Thầy dùng những ngón chân để móc vào tay kéo cửa xe và kéo chân vào để đóng. Cửa xe quay và đóng lại mà Thầy không cần phải quay mình lại trong khoang cửa hẹp. Đó là một thao tác điệu nghệ, chỉ có điều là lần này lại không hữu hiệu. Thầy Hằng Triều đã trượt trên mép gờ và rơi với tất cả sức nặng của Thầy ngay trên đầu gối đang chịu đau của con. Úi da! Đau đến cực điểm! Đến thấy cả luồng điện xanh trắng! Quá đau đến nỗi không còn thấy đau nữa!
Làm thế nào có đau được ? Không có cái đau. Dù quý vị làm bất cứ việc gì, quý vị cần phải làm cho tới điểm rốt ráo. Khí quý vị tu hành đến cực điểm, ánh sáng của quý vị chiếu khắp.
Lắng Nghe và Suy Nghĩ
Nếu con từng phóng quang thi chắc chắn chính là lần này. Con phải cháy bừng bừng như một ngọn đuốc trong vài giây. Nước mắt ràn rụa – nước mắt của vui mừng. Mũi còn chảy nước và con chỉ có thể cười. Thật là một cảnh tượng nực cười và cái đau thật khổng lồ to lớn. Thầy Hằng Triều xin lỗi, Thầy biết điểm đau này trong việc ngồi thiền, và Thầy thương cảm cho nỗi khổ của con. Câu nói của Thầy: “Có phải tôi đã đưa ông qua cổng?” thật quá đúng. Thầy vừa làm điều đó. Khi mắt con đã khô con nhận ra rằng mình vẫn còn đang ngồi kiết già và con đang ở phía bên kia qua khỏi tường cản khó khăn. Hết còn đau đớn và tâm trí con tĩnh lặng. Không có Hằng Thật và không có Hằng Triều. Không có xe Plymouth và không có Thiền. Đó thật sự là một trạng thái tĩnh lặng. Tu hành Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn trong nơi chỗ tĩnh lặng này là một kinh nghiệm hoàn toàn mới mẻ.
Con không khuyên rằng hành giả tu Thiền nên dựa vào bên ngoài để vượt qua các tường ngăn của Thiền, nhưng có khi những phương tiện bất ngờ xuất hiện để đưa chúng ta vượt qua khi lòng quyết tâm chịu đau của chúng ta vững chắc kiên cố.
Đệ tử Quả Chân (Hằng Thật)
đảnh lễ.
Nghĩ thế nào thì nhận thế nấy!
Ngày 24 tháng 1, 1979
El Granda , California
Kính thưa Sư Phụ,
Đây là những dòng vắn tắt về hai ngày bái lạy hướng về Vạn Phật Thành vừa qua:
Chủ Nhật, ngày 22 tháng 1: Một buổi sáng êm ả. Một đoàn người phi ngựa qua, họ nói: “Việc hai thầy đang làm rất vĩ đại. Tôi cũng sẽ làm vậy nếu có thì giờ”. Rồi họ phi ngựa đi. Một gia đình trẻ trong chiếc xe hơi cũ ngừng lại. “Chúng tôi đang quay lại Bờ Biển Phía Đông (East Coast), nhưng thực sự cảm thấy cần phải thấy chỗ Vạn Phật trước khi đi”
Con đáp “Vạn Phật Thành”.
“Đúng. Có cái gì đó về chỗ đó … chúng tôi sẽ chưa thấy sẵn sàng quay về miền Đông chừng nào chưa thăm được nơi đó. Chúng tôi đang tìm một nơi thanh tịnh và linh thiêng để đặt tên thánh cho đứa con mới chào đời, và thấy Vạn Phật Thành là một nơi thích hợp.” Người mẹ hãnh diện nâng đứa con nhỏ bé của mình lên. “Tôi niệm Án Ma Ni Bát Mê Hồng. Tôi học được từ một tu sĩ Phật giáo Tây Tạng ở New Jersey . Đó là một người tốt, nhưng ở đó không có cảm xúc, thầy biết không? Ý tôi là nó toàn là tri thức. Chúng tôi đang tìm kiếm một phương pháp, một Con Đường thực sự để tu tập và đi trên đó. Chúng tôi có thấy một bức hình Vạn Phật Thành. Bức hình cho cảm nhận thanh tịnh và nhiều ánh sáng. ”
Người đàn ông ngồi ghế sau hỏi “Phật giáo mà các ông theo là loại Phật giáo nào?”
“Phật giáo chính là những gì tốt đẹp nhất trong tâm của tất cả chúng sanh. Nó không có quốc gia hay tông phái. Nó thuộc về tất cả mọi người. Phật giáo là giáo pháp của tất cả chúng sanh. Không ngoại trừ thứ gì, chúng tôi không có phân biệt”.
Họ cười và gật đầu tán thành. “Các thầy đang tu tập theo hệ phái nào?”
“Phật giáo Thế giới. Tất cả truyền thống và mọi tông phái đều được chỉ dạy và thực tập. Bất cứ tông phái nào thích hợp với quý vị thì đều có sẵn – Thiền tông, Luật tông, Mật tông, Tịnh độ tông hay Giáo tông … và có người để chỉ dạy phương pháp. Có mọi pháp môn cho mọi chúng sanh”. Họ lại cười.
“Có bản đồ không?” “Nơi đó có gần núi Shasta không?” “Tốt quá! Hay lắm!”
Sau khi họ đi, có hai người truyền giáo trẻ của phái Mormon trong trang phục sạch tinh đi tới. “Đây là Thầy ____ còn tôi là Thầy ____. Chúng tôi muốn biết các thầy đang làm gì”.
“Chúng tôi là những tu sĩ Phật giáo đang trong hành trình bái hương.”
“Ồ, những Phật tử. Chúng tôi cũng nghĩ vậy. Với mục đích gì?”
“Để chừa bỏ lỗi lầm của chúng ta và cứu giúp thế giới.” Con lúc đó chờ đợi một bài thuyết pháp và cuộc đối thoại để mời vào Đạo của họ, nhưng họ chỉ nói:
“Thật kỳ diệu! Chúng tôi ủng hộ các thầy 100%. Chúc các thầy may mắn!” Rồi họ đi. Có những làn sóng thiện lành.
“Cổng thu lệ phí”
Khi chúng con bái lạy tới ngã tư cuối cùng của thành phố, một người đàn ông lạ xuất hiện. Ông ta di chuyển từ từ, hoàn toàn tự chủ. Khuôn mặt ẩn khuất phía sau bộ râu rậm và bị bóng của cái mũ đen cao đang đội che khuất. Ông ta đi vòng quanh chúng con rồi dừng lại trong cánh đồng cách chúng con chừng 75 thước về phía trước và quan sát chúng con. Ông ta lấy trong cái túi lớn mua đồ những chai rượu whiskey và bia rồi tu hết chai này đến chai khác như uống nước vậy. Ông ta toát ra một vẻ hắc ám và lạnh lùng. Vừa mới nhìn thấy ông ta, con thấy mình đang làm vài thủ nhãn trong Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn.
Sau khi ông ta ổn định xong xuôi ở đó rồi, những việc lạ kỳ bắt đầu xảy đến. Xe cứu hỏa và xe cảnh sát rú còi inh ỏi qua ngã tư, rồi xuất hiện những kẻ kỳ lạ. Một chiếc xe hơi thắng rít lại, chỉ cách đầu của thầy Hằng Thật vài phân, rồi có một người đàn bà đề nghị chở thầy đi. Một gã đàn ông vẫn tiếp tục la lớn từ phía sau người đàn ông đội mũ đen, “Ông theo tôn giáo nào?” rồi cười một cách lạ lùng. Những người trong những bộ đồ kỳ quái và tóc dài lôi thôi vừa đi vừa lầm bầm. Người đàn ông đội mũ đen điềm tĩnh theo dõi tất cả, gật đầu và cười. Rồi ông ta rung những chiếc chuông đeo trên cổ.
Lập tức, trên bờ đê phía bên kia xuất hiện năm hay sáu người đàn ông, la hét và chửi rủa. Họ dữ dằn và hung tợn. Một gã nói “Đây là đất của quỷ”. Gã kia hét lên “Quỷ tha ma bắt các ngươi!”. Một người khác nữa thì đe dọa với một điệu cười đầy hăm dọa “Hãy chờ đến lúc các ngươi tới Dốc Ác Quỷ (Devil’s Slide – là một con đường dốc đứng và hẹp trên vách đá núi, khoảng 7 dặm về phía Bắc. Chúng con đã được cảnh báo nhiều về nơi này). Họ ném đá vào chúng con nhưng trượt. Người đàn ông đội mũ đen tu một hơi dài. Rồi ông ta rung chuông và vẫy những người kia. Họ leo trở lại bờ đê rồi khuất bóng, vẫn chửi rủa và la hét.
Người đàn ông đội mũ đen đến gần để kiểm tra chúng con. Ông ta cười gằn “Ha ha, Phật tử, Krishnas , Phật tử, ha ha…” Con thoáng nhìn thấy khuôn mặt hắn. Nó khiến con có cảm giác rùng mình. Con không thể mô tả cảm giác đó ngoài việc phải nói rằng khuôn mặt đó đầy sự thích thú xấu ác, mập đỏ úng. Ông ta đi lang thang qua ngã tư và đứng sát chiếc xe của chúng con. Ông ta chỉ nhìn chòng chọc và uống. Không cần di chuyển, nhưng người ta có thể cảm thấy được rằng ông ta đang điều khiển toàn bộ màn trình diễn với sự có mặt của mình. Ông ta ra hiệu rồi những gã kia và những con người kỳ quái kia trở lại và kéo đến phía chúng con.
Tình huống này có thể rất gay go. Thầy Hằng Thật và con đã khám phá ra rằng dù xảy ra bất cứ chuyện gì, chúng con có thể vượt qua nếu không để cho tinh thần lui sụt. Nếu không để cho sự sợ hãi, sân hận hay những tâm niệm bất thiện đi vào tim, chúng con có thể lướt qua những nơi khó khăn nhất giống như cá được bôi mỡ vậy. Chúng con đang học trả đòn bằng lòng từ, bi, hỉ, xả thay vì dùng nắm đấm, lời nói và vọng tưởng của mình. ” Tất cả duy tâm tạo… nghĩ thế nào thì nhận thế nấy” (Kinh Hoa Nghiêm). Thật quá đúng. Sự sống sót của chúng con tóm lại là không cho phép một chút nghi ngờ hay năng lượng âm thâm nhập hay làm ô nhiễm tâm mình. Cho ra ánh sáng thì mặt trời chiếu rọi. Cho ra bóng tối thì mưa tuôn rơi. Mưa rơi càng nặng thì càng phải đứng dậy và tỏa rạng.
Vì thế mà họ ở đây, những kẻ thù địch, những người lạ mặt kéo đến để khảo nghiệm tâm tính và tâm của chúng con, và có thể còn tệ hơn thế. Phải làm gì? Mới chỉ ngày hôm trước, chúng con đọc Kinh Hoa Nghiêm, và bài kệ đi vào tâm trí con khi đang bái lạy vào “cổng thu lệ phí” này:
Dường như vừng mặt trời
Khắp soi mười phương cõi
Chẳng phải mặt trời không mọc lên
Kẻ mù không thấy được
Lúc Bồ Tát chịu khổ thế chúng sanh như vậy càng tinh tấn hơn, chẳng bỏ chẳng tránh, chẳng kinh chẳng sợ, không nhàm mỏi.
Tôi chẳng vì tự thân mà cầu giải thoát, chỉ vì cứu tế tất cả chúng sanh, khiến họ đều được Nhứt thiết trí, qua khỏi vòng sanh tử thoát tất cả khổ.
Khi đang niệm thầm những câu Kinh này, thầy Hằng Thật và con bị ngập chìm trong một biển trẻ em. Một chiếc xe búyt chở học sinh dừng lại ngang đường và có khoảng 40 vị hộ pháp nhỏ tuổi, những khuôn mặt trong sáng, vui sướng ùa ra. Các em hoàn toàn vây quanh chúng con – một số em ngồi, một số em đạp xe, và một số thì đứng. Các em cúng dường đồ ăn trưa và những con heo đất của mình. Những gã đàn ông kỳ lạ bối rối và bị cản trở. Chúng không thể đến gần chúng con. Hai gã tiến đến và có gắng quấy rầy thầy Hằng Thật, nhưng sự ngây thơ và năng lượng thiện của các em làm chúng dịu đi ngay tức khắc. Những người xấu trở nên rất lịch sự và mau chóng giữ im lặng.
Một chú bé hỏi “Có thật là có mười nghìn ông Phật trên đó không?” “Lạy cả ngày có mệt không?” “Việc cứu thế giới thật là hay, phải không thầy?” “Các thầy có tắm không?” Chị chú bé đá nhẹ một cái và mắng chú vì hỏi quá riêng tư. Cô bé nói nhỏ “Đương nhiên, các thầy có tắm chứ”.
Chú tiếp tục “Nhưng bằng cách nào? Em muốn tìm hiểu vấn đề sâu hơn”
Một em lại hỏi “Nếu người xấu ném đá vào các thầy thì sao ?”
Con trả lời “Chúng tôi chỉ thấy những điều tốt”
Một em khác thắc mắc “Nếu người ta đi qua và gọi các thầy là kẻ lập dị thì sao ?”
Con trả lời “Chúng tôi chỉ nghe những điều tốt”
“Khi cầu nguyện, thầy nói gì ? Thầy kia (Hằng Thật) có nói lời cầu nguyện không ?
“Nói thật nhỏ, có phải không? Suỵt! Nghe đi, có lẽ chúng ta có thể nghe thầy kia đấy” Những đứa trẻ đứng im lặng ở đó, trên đường xa lộ số 1 ồn ào để nghe tiếng niệm “Hoa Nghiêm Hải Hội Phật Bồ tát” lúc thầy Hằng Thật lạy đến gần.
Những gã đàn ông tức giận, hắc ám lầm bầm, rồi lần lượt biến đi. Kẻ đến đầu tiên và ra đi cuối cùng là người có dáng vẻ hắc hám, đội chiếc mũ cao màu đen. Ông ta chờ đợi phía bên kia ngã tư. Nhưng khi chúng con qua đường, lũ trẻ đạp xe đi theo hộ tống chúng con bằng xe đạp, thế là ông ta từ từ quay mình rồi bỏ đi.
Phía bên kia ngã tư là một khoãng đồng trống. Ngã tư đánh dấu điểm kết thúc về mặt địa lý của vịnh Half Moon (Bán Nguyệt). Rất nhiều vị hộ pháp nhiệt tình đã mang cho chúng con đồ cúng dường và những lời tốt lành. Họ hoan hỷ và tràn đầy ánh sáng. Lũ trẻ từ từ hướng về nhà.
Một phụ nữ lớn tuổi đang cúng dường nói: “Thật thú vị. Một tư tưởng kỳ diệu. Tôi tự hỏi những đứa trẻ kia đột nhiên đến từ đâu từ chỗ đàng kia … Thầy có thấy chúng không? “
Con đáp “Có. Chúng tôi đã thấy chúng. Chắc chắn chúng tôi có thấy!”
Bảng hiệu ghi “San Francisco, 25 dặm”. Phía trước là Dốc Ác Quỷ (Devil’s Slide). Bản đồ của chúng con là Kinh Hoa Nghiêm. Mọi người đều là vị thầy. “Mọi việc đều tốt đẹp. Không sao cả”.
An lành trong Đạo,
đệ tử Quả Đình (Hằng Triều)
cung kính đảnh lễ
*
San Francisco !
21 tháng Hai, 1979
Kính thưa Sư Phụ,
Khi đến nơi vô cầu, sẽ không còn phiền não.
Hôm qua thầy Hằng Triều và con đã lên được đỉnh đồi – phóng tầm mắt về phía Nam , chúng con thấy Dốc Ác Quỷ (Devil’s Slide) và thành phố Pacifica. Hướng về phía Bắc, thật không tưởng tượng nổi, chúng con thấy những cột tháp màu cam của Cầu Cựu Kim Sơn ( Golden Gate ), ngọn núi Tamalpais, tháp TV trên ngọn núi Sutro – San Fransisco! Dường như chỉ mới hôm qua chúng con còn ởSanta Monica suy nghĩ về Xa Lộ số 1 và cuộc hành trình dị thường còn ở phía trước. Vậy mà giờ đây, chưa đầy một cái búng ngón tay, chúng con đã lạy vào tận vùng Vịnh (Bay Area) và rời Xa Lộ số 1 để đi qua thành phố này. Cuộc đời quả thật như một giấc mộng. Như trong Kinh có nói:
Quá khứ, hiện tại, vị lai đều bất khả thuyết.
Hôm qua có thể là ngày hành hương thứ nhất của người đệ tử này. Con đã được một bài học từ tận đáy lòng mà phải mất 21 tháng học tập và kiên nhẫn để thực hành cho tới khi hoàn toàn nắm được. Bây giờ có thực là con đã nắm được không ? Con hy vọng là không, bởi vì mỗi lần con chấp trước vào một cảnh giới là lúc con lại vấp ngã. Bài học như thế nào? Nó có tên là “không mong cầu”.
Sư phụ đã chỉ dạy hàng chục lần theo bằng những phương tiện thiện xảo những điều này : “Đừng mong cầu bất cứ điều gì. Đừng cầu chứng quả Phật, đừng cầu đại trí huệ, đừng cầu giác ngộ. Mong cầu là đặt một cái đầu lên trên đầu của quý vị. Đó chỉ là lòng tham. Chỉ nhất tâm tu hành. Thế là đủ. Tu hành mà không nghĩ tới tự lợi. Tu hành như mình ăn, mặc, và ngủ. Chỉ cần như vậy là đủ rồi. Và đừng nên có cái niệm thứ hai. Hãy nhất tâm!”.
Kinh Hoa Nghiêm đặc biệt chỉ dạy Bồ tát không tham cầu.
Bồ tát chỉ bền giữ tịnh giới. Bồ tát chẳng cầu oai-thế, chẳng cầu chủng-tộc địa vị cao sang, chẳng cầu giàu có, chẳng cầu sắc-tướng, chẳng cầu ngôi vua, tất cả đều không nhiễm trước.
-“Phẩm Thập Hạnh”
Lại nữa:
Bồ-Tát này làm đại-thí-chủ, phàm có vật gì đều bố-thí được cả, lòng bình-đẳng không hề hối tiếc, chẳng trông quả báo, chẳng cầu tiếng tăm, chẳng tham lợi lộc.
-“Phẩm Thập Hạnh”
Thông điệp trên thật quá rõ ràng, không hiểu sao lại không kết nối được với phần sâu thẳm nhất trong trái tim con. Con đã tưởng mình kiểm soát được lòng tham. Thực ra, con lại bị lòng tham khống chế.
Tuần trước chúng con có nói chuyện với Chùa Kim Sơn qua điện thoại. Thầy Hằng Triều cho văn phòng Chùa biết về lộ trình mới của chúng và con dịch lại câu chuyện đã xảy ra với chúng con vào sáng hôm đó. Thật quá vui mừng khi gần về đến nhà. Nhưng trở lại con đường để lễ lạy, đột nhiên con thấy bồn chồn và lo lắng. Tại sao? Con nghĩ “Chà, mình đã làm việc này gần hai năm và mìnhđã có cái gì để biểu lộ sự thành tựu thật sự ? Mình có thay đổi chút nào không?”
Tóm lại, con đã tìm cầu trong Phật pháp. Nhưng vì đối tượng mà con tìm kiếm là trí huệ giác ngộ và từ bi nên con đã cho phép ý nghĩ của mình trụ vào, cảm thấy đó là “mong muốn thanh tịnh”.
Con tự quán chiếu càng lâu thì phiền não tăng trưởng càng sâu.
Sau đó con hiểu được bài học của con. Có ba cậu bé đi ngang qua con trên đường Monterey khi chúng con lạy lên đồi dưới mưa. Lúc đi ngang qua, mấy cậu bé rạng rỡ và tươi cười. Nhưng vừa trông thấy khuôn mặt con, cả ba lập tức mất đi sự rạng rỡ. Những nụ cười biến thành những vẻ buồn bã và đầy lo lắng. Con nhìn thấy sự cố gắng gượng gạo của mình, sự tham cầu của mình được phản chiếu qua đôi mắt của chúng. Con hoàn toàn khiến chúng thất vọng. Khuôn mặt của chúng lặng lẽ nói lên rằng “Này, người này chẳng có gì đặc biệt. Cho dầu ông ta là một tu sĩ, nhưng ông ta cũng không hạnh phúc như những người khác. Ông ta đang tìm điều gì đó và chưa thấy. Thật đáng thất vọng! Ông ta là ai chứ? Một Phật tử? Xì!
Con thật hổ thẹn. Sự mong cầu kết quả tu hành của con đã làm tổn thương ba đứa nhỏ và có lẽ đã khiến chúng quay mặt đi với Phật Pháp.
Không mong cầu sẽ không lo nghĩ.
Thực hiện một việc thánh thiện để đạt điều gì đó sẽ làm ô nhiễm sự thanh tịnh tột cùng của các Pháp. Nếu cầu giác ngộ vì đó là điều lợi tốt nhất thì chuyện đó sẽ không xảy đến. Việc muốn có kết quả lại ngăn cản chúng. Con nhận ra rằng chướng ngại khổng lồ mà con mang trên đỉnh đầu chỉ là bản ngã, cái tôi, sự cầu lợi. Con buông xả chúng ra và đột nhiên cảm thấy như một đám mây đen khổng lồ được nhấc ra khỏi đôi vai con. Con làm điều này không vì bản thân mình, con sẽ thả lỏng và sẽ đón nhận khi nó đến. Trong Kinh nói:
Khi công phu đầy đủ,
Thành tựu đến tự nhiên.
Chẳng vì thân mình cầu lợi ích,
Muốn khiến tất cả đều an vui.
Chưa từng tạm khởi tâm hí luận,
Chỉ quán các pháp không vô ngã.
-Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Hồi Hướng
Thay vì khởi vọng tưởng về tự lợi, sẽ tốt hơn biết bao nếu đem nguồn năng lượng này tin tưởng dùng vào phương pháp thực hành. Thật là một chân lý dễ hiểu và thật lâu biết bao để con có thể thấy được điều đó.
***
Kính thưa Sư Phụ,
Bồ-Tát lại nghĩ: “Từ lâu tôi vì mến chấp thân nầy muốn cho nó được no đủ nên ăn uống. Nay tôi đem thức ăn nầy ban cho chúng-sanh. Nguyện tôi đối với thân thể dứt hẳn sự tham chấp. ”
-Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Vô-Tận-Tạng
Ai cũng thích một hương vị nào đó. Cho tới lúc bắt đầu chuyến bái hương, con đã rất thích đồ ngọt. Mọi thứ thay đổi khi việc bái lạy bắt đầu sinh ra nhiều khí dương hơn. Con nhận thấy đường ngọt làm phân tán sự tập trung của con. Thậm chí giờ đây con không thể nhìn vào đồ ngọt mà không cảm thấy đỏ mặt. Đó là trạng thái tạm thời của con – những người khác có lẽ không có vấn đề gì trong việc ăn đồ ngọt. Cuối cùng, tất cả những sự phân biệt có thể gây trở ngại cho một cá nhân thấy được sự thống nhất cơ bản của pháp thân.
Hai bài thơ rác:
Bài Ca Bi Ai Của Người Hám Ngọt
hay “Đắng hơn thì Tốt hơn” (với con lúc này)
Đường là thuốc độc của tỳ kheo này,
Chỉ một miếng làm mờ tâm trí.
Miếng bánh qui tan chảy xương sống,
làm tôi mê mẩn như người rượu say.
Điên đảo bởi đồ ngọt ăn vào,
Tôi quên hết thảy việc tu hành.
Khuôn mặt đỏ và hơi thở dốc,
Tôi chẳng thiết gì chuyện tử sinh.
Đường ngọt khiến tôi muốn nhảy nhót,
Khiến lưỡi tôi muốn nhảy liên hồi.
Khiến tôi cười và muốn đùa giỡn,
Và dần xa con đường Phật đạo.
Đường ngọt khiến miệng tôi không nghỉ,
Cho đến lúc Định mất đi rồi.
Tỳ kheo này ăn miếng sau rốt,
Đường nho, nước ngọt và mía đường.
Liếm chút đường có lẽ ổn thôi,
Nhưng tham ái làm tôi phát bệnh.
Đường tôi từng nếm quả là tuyệt,
Giờ tôi lại thích chú tâm hơn.
Đường là bạn của kẻ đang yêu,
Ngọt và dính cho tới cuối.
Đường là keo dính của gia đình,
Gắn tôi với anh và anh với tôi.
Trong mọi hương vị, tôi thú nhận,
Tôi gắn chặt với vị đắng cay.
Nên khi được thiết đãi đồ ngọt,
Xin thứ lỗi nếu tôi bỏ qua.
Rồi một ngày, trở thành rất thật,
Tôi cũng phải buông bỏ đường ngọt.
Cho tới lúc đó tôi thích là,
Ngọt ngào, cay đắng và không đường.
Thức Ăn Là Một Trong Ngũ Dục
Đồ ăn thật ngon; tôi thích ăn
Nhưng lòng tham thì thật thông thường.
Ăn quá nhiều khiến tôi thỏa mãn,
nhưng chỉ được một lúc mà thôi.
Quỳ trên lửa,
lửa dục phá thiền định của tôi.
Bữa trưa chỉ ăn nhiều thêm chút ít
là cản trở việc tôi tu hành.
Không quá ít, giữ gìn Trung Đạo.
Đừng tham dục.
Thật hổ thẹn, ham muốn đồ ăn
không cho tôi đến bờ giải thoát
Khi bụng tôi đã no nê rồi,
là lúc tâm Bồ đề thối thất
Thức ăn ngon, nhưng là cái giá
Tôi phải trả vì quá ham ăn
***
Cảnh ngũ-dục này là thứ chướng đạo, nhẫn đến chướng ngại chứng đắc vô-thượng bồ-đề. Do đây nên Bồ-Tát chẳng có một niệm dục-tưởng, lòng thanh-tịnh như Phật. Chỉ trừ phương-tiện giáo-hóa chúng-sanh, nhưng vẫn không rời tâm nhứt-thiết-trí…
-Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Hạnh
Đệ tử của Phật,
Quả Chân (Hằng Thật)
Cung kính đảnh lễ
Chân lý phải là điều đơn giản
Tháng Hai, 1979
Daly City, California
Kính thưa Sư Phụ,
Sáng hôm qua, trong lúc chờ quần áo được sấy khô tại một tiệm giặt đồ tự động, con nhận thấy một điều thật rõ ràng: mọi vấn đề của con và mọi vấn đề trên thế gian này đều đến từ vọng tưởng. Chưa đầy một giây, chân lý đơn giản này tỏa sáng và cắt đứt sự mê lầm vô tận. Con không bao giờ có thể diễn tả thành lời, nhưng ngay khi thấy vậy, con đã nghĩ “Gần hai năm bái lạy, Hằng Triều, ngươi vẫn còn vọng tưởng! Ngươi vọng tưởng về điều gì? Về cái tôi. Về “ngã và sở hữu ngã”. Rồi con tiếp tục độc thoại và hỏi “Nhưng tại sao ý nghĩ về cái ngã lại sai? Ý ta là, ngươi đang ở đây, trong tiệm giặt đồ này. Nếu đó chẳng phải là ngã thì cái gì là thật? Không phải là ta sao?”
Ai là ta?
Ta là ai?
Ngươi hỏi ta,
Ta hỏi “Ai?”
Bài kệ luôn trả lời câu hỏi của con. Không có cái tôi. Do đó ngã là vọng tưởng. Ngã vốn không hiện hữu. Cho nên Kinh Hoa Nghiêm có nỏi:
Phân biệt quán nội thân
Trong đây gì là ta ?
Nếu hiểu được như vậy
Thời biết ta không.
Thân này là giả tạo
Chỗ trụ không nơi chỗ
Nơi thân khéo quan sát
Tất cả đều thấy rõ
Biết pháp đều hư vọng
Chẳng khởi tâm phân biệt.
Mạng sống nhơn gì có
Rồi nhơn gì tan mất
Khác nào vòng lửa xây
Ðầu đuôi chẳng biết được. (1)
Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Bồ Tát Vấn Minh
Thật là những lời dạy trực chỉ! Lời đó thật đơn giản nhưng con vẫn không thể hiểu dù chỉ là những sự thật giản đơn nhất. Con cứ làm ra vẻ thông minh, khéo dùng từ và mang những khuôn mặt giả mạo đến nỗi không thể thấy được điều hiển nhiên. Tuần trước có một người chạy bộ xuất hiện để giúp con tỉnh giấc mộng này.
Rạng sáng, chúng con đứng phía ngoài xe, mặc y phục để bái lạy sau khi tập thể dục. Như một cơn gió, người chạy bộ này bất thình lình chạy đến. Ông ta khỏe và vạm vỡ, sạch sẽ và thẳng thắn, khoảng 45 tuổi. Ông ta có gì đó khác thường. Ông ta tiến thẳng đến không ngừng bước, hầu như hung hãn. Quanh mắt và đầu ông ta, chúng con có thể thấy một nguồn năng lượng – giống như những ngọn lửa bập bùng. Thật khó mà nhìn vào mắt ông ta, bởi vì cái liếc qua của ông ta thật sắc sảo, và khó mà không nhìn bởi ông ta lộ một vẻ đáng kính. Ông ta không một tí lịch sự hay cung kính gì hết. Ông ta hỏi thầy Hằng Thật có nói không và thầy Hằng Thật ra dấu cho ông ta nói với con. Ông ta thách thức và tiến về phía con “À, vậy ra ông nói hả?”
“Các ông là những kẻ đang cố gắng từ bỏ tham lam, sân hận, đố kỵ, kiêu ngạo và tất cả những thứ bất thiện khác, và đi tìm chân lý?” Ông ta lên giọng trêu chọc và gần như là nhạo báng, như thể ông ta không hề tin lấy một lời của chúng con về việc chúng con đang cố gắng làm gì. Con thấy mình thủ thế và không thể trả lời. Ông ta tiến sát gần hơn nữa cho đến khi chỉ cách mặt con vài phân. Gã đàn ông này đang khiến con hồi hộp. Cuối cùng con cũng thốt ra “À…thì, phải, chúng tôi đang…”
Ông ta nói “Tôi thấy rằng bất kỳ một chân lý nào mà ông tìm ra phải là một chân lý đơn giản”. Ông ta nhìn thấu con mà không cần chớp mắt, chờ đợi câu trả lời. Con thấy mọi điều mình nói ra sẽ là ngu ngốc và giả tạo, giả vờ thông thái và tự tại. Sự thật là con đã lúng túng và thấy mình y như một gã ngốc.
“Ông không nghĩ vậy sao?” – ông ta lại hỏi dồn, nhìn chằm chằm xuyên thủng thế phòng ngự và vỏ bọc giả tạo của con. Rồi ông ta cười nói “Được rồi, chúc các ông may mắn!” và chạy đi.
Sau khi ông ta đi, con nhận ra tại sao ông ta khiến con hồi hộp. Con vẫn còn trốn sau từ ngữ và ý nghĩ. Con dùng “con đường ngôn từ” để bám chấp vào ngã. Với cái lưỡi, cây viết và vọng tưởng, con đã tạo ra một sự thật nhân tạo để tránh đối mặt với một chân lý đơn giản: “chân lý của vô ngã”.
Vào những thời điểm gay go nhất của chuyến hành hương, đặc biệt là tại Big Sur, sự trống rỗng của mọi ngôn từ và ý niệm nhìn thẳng vào con y như người chạy bộ đã làm. Con đã sẵn sàng buông xuống đồng hồ, lịch và lưỡi chỉ để bái lạy và ngồi cho đến khi:
Dứt đường ngôn ngữ, bặt tướng tâm hành
Nơi niệm rời niệm, niệm nhưng vô niệm. (2)
Nhưng con đã không thể buông bỏ. Người chạy bộ – vị Thiện tri thức – đã nhắc nhở con rằng “chân lý” thì rất đơn giản: không có tự ngã. Nếu con thực sự hiểu những đạo lý cơ bản của đức Phật thì “ngay cả một từ cũng là quá nhiều”. Con vẫn chưa nhìn thủng được cái tánh không của bản ngã. Nếu con thực sự hiểu đạo lý này thì làm sao con có thể thấy bối rối khi đối diện với người chạy bộ? “Ai” lúng túng và cảm giác như bị dồn vào chân tường?
Mọi người thường hỏi trở ngại hay điều phiền nhiễu lớn nhất mà chúng con gặp phải trong chuyến hành hương là gì. Tâm con chính là chướng ngại lớn nhất. Con là kẻ thù xấu xa nhất của chính mình. Tâm trí con cứ muốn đi vào vòng quay điên đảo của nó và từ không làm cho có. Nơi nào không có rắc rối thì con mang tới rắc rối; nơi nào không có chuyện thì con mang tới chuyện. Ích kỷ là căn nguyên của mọi tội lỗi.
Sau khi người chạy bộ đi khỏi, con thấy quyết tâm. Con nghĩ “Ông ấy đúng! Đừng giả vờ ẩn sau thứ gì, kể cả 1 từ hay một ý nghĩ cho tự ngã. Hãy đi theo cái chân thật. Đừng quá tỏ ra thông minh”.
Niệm trong hiện tại, vọng về chân
Môt niệm không sanh toàn thể hiện (3)
Mấy giờ rồi? Ngày, tháng, năm nào? Đường này, lối kia bao dặm ? Bao giờ chúng ta tới được? Chúng ta tới đó bằng cách nào? Trước giờ chúng ta làm gì? Mai chúng ta sẽ làm gì?
Đây đều là vọng tưởng. “Ai” cần biết chứ? Đã đến lúc làm một kẻ đại ngốc nghếc, và nhất tâm bái lạy, để đóng miệng và mở tâm.
An lạc trong Đạo,
Đệ tử Quả Đình (Hằng Triều)
cung kính đảnh lễ
Ghi chú:
(1) Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Bồ Tát Vấn Minh http://www.dharmasite.net/KinhHoaNghiem10.htm
(2) Nguyên văn Hoa ngữ:
言語道斷,心行處滅
即念離念,念而無念
Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xử diệt
Tức niệm ly niệm, niệm nhi vô niệm
(3) Nguyên văn Hoa ngữ:
念茲在茲妄歸真
一念不生全體現
Niệm tư tại tư vọng quy chân
Nhất niệm bất sanh toàn thể hiện
Đừng dính mắc mầm bệnh
12 tháng Ba, 1979
Sausalito , California
Kính thưa Sư Phụ,
Dường như trong khoảng một niệm mà chúng con đã đi được hàng bao nhiêu dặm. Cúi xuống lạy, thấy cát vùng Pacifica tung bay dưới chân. Đứng lên, phía sau là những cột tháp màu cam của cầuBay Bridge khuất sau những ngọn đồi vùng Marin (*). Chúng con đã gần tới chân núi Tamalpais rồi. Qua ngọn núi này là chúng con sẽ lên Xa lộ số 1, tiến về hướng bắc cho tới khi rẽ sang hướng đông để về Vạn Phật Thành. Thật vậy, trong kinh có nói “Tam thời đều bình đẳng”
Chúng con thường nghe,
Chuyên nhất thì linh ứng
Tán loạn thì vô hiệu.
(Chuyên nhất tất linh,
Phân chi tất tệ.)
Hôm nay trên đường Bridgeway Drive , thành phố Sausalito , con nhận thấy trong tất cả những việc mà con người làm thì tu hành Phật đạo đòi hỏi sự chuyên tâm nhiều hơn cả. Muốn thực sự chuyên tâm phải dùng hết khả năng của con và thậm chí còn nhiều hơn thế. Bái lạy trên xa lộ giúp chuyên chú cao độ bởi vọng tưởng ứng hiện tức khắc trong những ngày này. Thật kỳ lạ!
Bí ẩn về những tiếng còi xe hơi vẫn đang diễn ra là một thí dụ. Kể từ khi cuộc hành trình bắt đầu, mỗi khi tâm con lang thang trong những ý niệm của bản ngã, về những việc mình đã làm hoặc dự định sẽ làm – mỗi lần con dính mắc vào hoàn cảnh chung quanh – là dường như con nghe thấy tiếng còi xe hơi ngay lúc khởi tâm niệm . Thật kỳ lạ! Khi con chuyên chú vào việc bái lạy và tâm niệm không tán loạn thì con đường hoàn toàn tĩnh lặng. Ngày nào cũng hiệu nghiệm như vậy. Đây không thể là trùng hợp ngẫu nhiên được.
Rõ ràng hơn nữa là ở San Francisco vào tháng trước. Buổi chiều đó, lúc con mang mắt kính để bái lạy trên đại lộ Point Lobos, phía bên ngoài quán trọ Seal Rock, thì vọng tưởng khởi lên: “Nhìn vẻ mặt mọi người thay đổi sẽ vui đây”. Không nhận ra đây là một bước đi xuống con đường tâm tán loạn, con để nó ngự trị trong tâm trí.
Thêm hai lạy nữa, một người phụ nữ trông khác lạ đi qua. Vẻ bên ngoài của bà ta không có điểm nào ăn khớp với nhau cả. Bà ta có thể là con người được chế tạo vội vàng. Bà ta trông như một sản phẩm làm vội vàng từ nhà máy chế tạo người. Từ mái tóc tổ ong cong lệch cho đến đôi giày te-nít vàng, trông bà ta thật kỳ lạ.
Bà ta cất lên một giọng nói như máy “Coi chừng. Hãy cẩn thận, đừng dính mắc mầm bệnh” và đi về phía Cliff House.
Con lập tức hiểu rằng việc con để lậu thoát quang minh qua nhãn quang theo đuổi hình sắc không ổn chút nào. Con tháo mắt kính và tiếp tục chuyên chú vào công việc.
Tâm chẳng luyến thích tất cả thế gian, cũng chẳng nhiễm trước nơi công hạnh của mình thật hành, chuyên tâm thọ trì giáo pháp của Chư Phật.
-Kinh Hoa Nghiêm
Một hành giả phải chuyên chú như vật cắt kim cương: tâm cứng và sáng như vậy. Mỗi mặt bóng của nó đều phát sáng. Chuyên chú như thủ môn khúc côn cầu: dục vọng và tập khí bất thiện bay đến từ mọi phía giống như quả bóng cao su cứng. Chuyên chú như chuyên gia tháo gỡ bom mìn: để cho một ý nghĩ sân hận và ích kỷ bám trụ và thế là có thể bị lon Pepsi làm cho mất cái mũi, con đã gần giống như vậy khi ở Pacifica .
Chuyên chú như người huấn luyện sư tử: không cho phép sợ hãi hay hoài nghi cản bước hay làm nhụt chí. Chuyên chú như hoa tiêu bến cảng: biết chỗ nào nước cạn, chỗ nào có đá trong tự tánh của mình, hướng con thuyền Bát nhã qua sông an toàn.
Chuyên chú như người leo núi: đi theo móc leo núi và dấu chân an toàn của những người leo trước để lại. Chuyên chú như bác sĩ phẫu thuật não: hiểu rõ đặc điểm của tâm, lấy ra những bộ phận hỏng mà không làm hư hại những bộ phận lành.
Chuyên chú như người lính phía sau phòng tuyến: tự ngã không muốn bị sai bảo phải chết đột ngột. Phải lừa và hàng phục nó mà không cần đối đầu. Chiến đấu với tâm sẽ chỉ có thiệt mà thôi. Chuyên chú như đức Phật: an nhiên, nhẫn nại, dũng mãnh, với sức mạnh và lòng từ vô thượng. Chuyên chú như một hành giả:
Lấy cảnh giới của Phật
Chuyên niệm không ngừng nghỉ
Người đó thấy chư Phật
Nhiều bằng số tâm niệm.
Dĩ Phật vi cảnh giới,Chuyên niệm nhi bất tức,
Thử nhân đắc kiến Phật,
Kỳ số dữ tâm đẳng
-Kinh Hoa Nghiêm, (Phẩm Đâu Suất Cung Kệ Tán)
Đệ tử của Phật,
Quả Chân (Hằng Thật)
Cung kính đảnh lễ
Ghi chú:
Pacfica là thành phố phía nam San Francsco, Marin là vùng kế cận phía bắc San Francisco.
Kinh “Tự ngã”
Tháng Ba, 1979
Đỉnh Tamalpais, California
Kính thưa Sư Phụ,
Tâm con đã có chuyển biến lớn. Trong vài tuần qua, con bắt đầu thấy được những vọng tưởng sâu kín nhất cùng những thói hư tật xấu thâm căn cố hữu của mình. Con thấy rõ bài “Kinh tự ngã” về “tôi và của tôi” mà con đã tụng hết ngày này qua ngày khác, kiếp này sang kiếp khác. Con gọi đó là “Bài kinh của vị đế vương”. Từng chút, từng chút một, sự thật này lần lượt diễn ra trong con trong suốt cả tháng. Khi con tịnh khẩu và bắt đầu không đọc gì ngoài Kinh Hoa Nghiêm thì thấy sáng suốt hơn. Kinh Hoa Nghiêm được mở ra và trở nên sống động, luôn cả căn bệnh cũ – tâm cho mình là số một – cũng vậy.
Rồi một đêm, ngay sau cái lạy cuối cùng trong ngày, vạn vật đều đứng yên. Trong cái khoảng lặng đó, con chưa bao giờ thấy được chính mình như vậy. Con thấy cái tâm vọng tưởng của mình, chưa được thanh lọc và rõ ràng. Nó không đẹp đẽ gì. Con thấy mình luôn kiếm tìm vị trí số một ra sao, rồi còn luôn vạch lỗi người và hạn chế của họ để thấy mình là số một – luôn ganh đua, tranh giành, ganh ghét và gây khó dễ. Niệm này nối niệm kia như những hạt chuỗi kết thành xâu chuỗi “Ta mới tuyệt vời làm sao!” “Chỉ có ta là số một”. Dường như cả thế gian đều lặng im, chỉ có một âm thanh duy nhất : cái tâm điên cuồng bé nhỏ của con đang tụng “Kinh Hoàng Đế”, âm thanh vang như sấm. Nó cứ lơ lửng trong khoảng không trống rỗng. Nó chỉ là quả bóng nhỏ ồn ào, giống như một đứa trẻ đang gào thét trong hư không vậy.
Con xấu hổ đến phát khóc lên được. Thật xấu, thật không tốt chút nào. Làm sao một “bài ca tự ngã” nhỏ bé, ích kỷ lại đang điều khiển sinh mệnh con như vậy! Rồi con ngồi thiền trên một khoảnh đất trống gần khu nhà trọ Howard Johnson lớn. Con nghĩ “Được rồi, vậy là giờ ngươi đã biết. Ngươi đã thấy con người tồi tệ của mình, đã biết bài kinh của mình rồi. Ngươi định tính sao với nó đây?” THAY ĐỔI. Con biết mình có thể thay đổi. Tâm con thực sự chán ngấy việc cứ ngạo mạn, cứ thổi phồng rồi. Làm thế nào? Con không cần phải nghĩ ngợi về nó. Con biết. Chỉ nhất tâm chuyên chú, không sinh một niệm nào tới khi vọng tưởng của con được độ thành những tư tưởng thiện. Giữ giới thanh tịnh và hồi quang phản chiếu. Tu đạo vô trụ, không sao lãng một giây phút nào. Bản thân không được theo đuổi dù chỉ một ý niệm về cái tôi. Không nhọc công mang vác cái thùng rác chứa toàn danh tiếng và ngũ dục thêm nữa. Nhất tâm lễ lạy, làm “Vô tâm Đạo nhân”. Để mọi thứ qua đi.
Không có vọng tưởng, mọi chuyện đều tốt. Nhất tâm sẽ chẳng còn phiền não. Thanh tịnh và hạnh phúc, tất cả đều đến đi theo lẽ tự nhiên. Không có thì giờ để khởi vọng tưởng thì làm sao con còn bắt lỗi người được? Dọn sạch những thứ tạp nham của chính mình và chỉ lo việc của mình mà thôi.
Con thấy hạnh phúc hòa cùng hổ thẹn, khiêm nhường và mới lạ. Thật sự rất khó. Vọng tưởng và tập khí bất thiện của con quá nhiều. Nhưng không sao, cốt yếu là buông bỏ được vỏ bọc hư dối. Chỉ cần chân thật, thành tâm là đủ.
Đêm đó chúng con đọc Kinh Hoa Nghiêm, trong đó có nói làm thế nào mà bồ-tát “trong một niệm có thể biết được tất cả các niệm”. Vì sao vậy? Vì mọi thứ đều từ cái tâm phân biệt mà ra. Chỉ một niệm về ngã khởi lên là sinh ra tất cả. Biết được cái tâm chân thật của mình là biết toàn thể pháp giới. Nhưng con chỉ thấy được tất cả vọng tưởng của mình vào lúc này. Con thấy được chúng. Con biết mình không là người nào, nhưng con không biết mình là ai. Con thấy trống rỗng như một đứa trẻ, nhưng chưa được hoàn toàn.
Vài ngày sau, Sư Phụ cùng thầy Hằng Lai và một số cư sĩ trên đường về Vạn Phật Thành có ghé qua. Hôm đó là vào trước ngày vía Quan Thế Âm Đản Sanh. Con nói “Bạch Sư Phụ, trong vài tuần qua, con đã thực sự thấy được vọng tưởng và lỗi lầm của mình. Con thật hổ thẹn quá!”
Sư Phụ: “Vậy là tâm con đã có chuyển biến lớn phải không?” rồi chuyển hướng sang các cư sĩ “Đây là em gái của Quả Ngộ, con có nhận ra không? Có nhận ra Quả Ngộ không? Nhất định là con nhận ra hai người họ rồi. Thế con có nhận ra anh ta không? Con có nhận ra sư phụ không? Có tự nhận ra mình không?”
Con cứng miệng không nói nên lời.
Sư Phụ: “Vậy là con có nhiều vọng tưởng phải không?”
Con: “Dạ rất nhiều. Rất nhiều…”
Sư Phụ: “Nhất định rồi. Từ vô thủy vô chung cho đến giờ, con từng làm hoàng đế trong vô số kiếp nên có vọng tưởng cũng là chuyện đương nhiên thôi. Được rồi, thấy được lỗi mình rồi thì con có thể thay đổi.” Lời Sư Phụ đầy khích lệ và lạc quan. Rồi Sư Phụ nói kệ:
Tự tánh chúng sinh vô biên thệ nguyện độ;
Tự tánh phiền não vô tận thệ nguyện đoạn;
Tự tánh pháp môn vô lượng thệ nguyện học;
Tự tánh Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
và hỏi “Con hiểu không?”
Con: “Dạ con hiểu”. Những lời ấy đi thẳng vào tim con và đánh vào những điểm trống. Những giọt nước mắt lĩnh hội tuôn trào nơi khóe mắt.
Sáng hôm sau, khi đang bái lạy, con nhớ lại lời Sư Phụ, nó bắt đầu lớn dần trong tâm con. Tựa hồ như Sư Phụ đang nói “Con có thấy được tất cả là một? Tất cả chúng ta đều có cùng chân như bổn tánh, một pháp cũng bất khả đắc chứ đừng nói đến một cái tôi hay một vị hoàng đế. Giờ con thấy chưa? Không anh, không tôi. Không ta, không người. Con có thấy tự tánh của mình không?“
Toàn thân con chấn động, xương sống ớn lạnh. Con cũng bắt đầu hiểu được đôi chút. Cuối cùng, những câu kệ trong Kinh Hoa Nghiêm mà con đang suy ngẫm vài tuần nay giờ đã sáng tỏ.
Pháp thân Như Lai hiển công hạnh
Tất cả thế gian như tướng đó
Nói các pháp tướng đều vô tướng
Biết tướng như vậy là biết pháp.
Các Phật tử kia biết như vậy
Tất cả pháp tánh thường trống lặng
Không có một pháp hay tạo tác
Ðồng với Chư Phật ngộ vô ngã.
Rõ biết tất cả các thế gian
Cùng chơn như tánh tướng bình đẳng…
Nguyện tất cả chúng sanh khéo vào tất cả pháp bình đẳng, rõ biết pháp giới tự tánh không hai.
-Kinh Hoa Nghiêm
Nhưng cái tôi của con mạnh lắm, còn vọng tưởng thì như bão tuyết vậy. Làm thế nào để thay đổi và mở rộng tâm lượng thành “pháp giới tự tánh không hai”? Từ bi. Từ bi độ kiêu căng. Là một với tất cả sẽ chuyển hóa được cái tâm nghĩ mình là số một. Có lẽ đây là lần đầu kể từ khi xuất gia con hiểu được pháp danh của mình, Hằng Triều. Nó không mang nghĩa “luôn là Hoàng đế” mà là “luôn hạ thấp Hoàng đế xuống”. Khiêm nhường và từ bi. Hạ thấp “cái tôi” xuống. Nhất tâm bái lạy tất cả chúng sanh. Làm một người tốt với tâm khiêm nhường và không gây não hại cho bất kỳ ai.
An lành trong Đạo
Đệ tử Quả Đình (Hằng Triều)
Cung kính đảnh lễ
Tái bút: Bạch Sư Phụ, 120 đô này là của một người mới đến, ông ta nói rằng “Tôi muốn giúp đỡ, ủng hộ việc các thầy làm”. Ông ta dốc cạn túi và thành tâm nói “cảm ơn các thầy” rồi đi.
Chỉ nhìn xem nó phát triển như thế nào!
Mt. Tamalpais, ngày 18 tháng 3 năm 1979.
Kính thưa Sư Phụ,
“Chúng ta đang có Thất Quán Âm. Thầy chắc các con có khởi niệm tham, muốn được về Vạn Phật Thành tham gia phải không? Nhưng đừng lo, đối với hai con đang đi Ba Bước Một Lạy, mỗi ngày đều là ngày Đản sanh của Bồ Tát Quán Âm, và mỗi ngày các con đều ở Vạn Phật Thánh Thành …”
… Sư Phụ đã nói với như vậy khi đến viếng thăm chúng con vào hôm thứ Sáu. Ngài nói rất đúng. Thất Quán Âm là những ngày rất đặc biệt. Vị Bồ tát Đại Bi ban vui bạt khổ bằng những phương cách vi diệu. Nhất tâm niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Âm chuyển hóa mọi nơi thành Vạn Phật Thánh Thành.
Mỗi ngày, hành giả đều cảm nhận một kho tàng học hỏi phong phú đó là học hỏi và hành trì Phật giáo. Cốt tủy của việc học hỏi, bài học lớn nhất là học làm con người tốt.
Chư Phật tử ! Bồ tát này lấy đại bi làm trước … lòng tin tăng thượng… phát sanh lòng bi mẫn… thành tựu đức đại từ… lòng hổ thẹn trang nghiêm…
-Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Địa
Dầu Phật Pháp chứa đựng trí huệ vô thượng, vi tế, thâm sâu, viên mãn diệu trí, nhưng sự áp dụng cao nhất là ngay trong cõi giới chúng sanh. Bằng cách hằng ngày đều hướng về điều thiện, bằng cách dùng lòng từ để làm chúng sanh vui vẻ, dùng tâm bi để chấm dứt đau khổ của chúng sanh, thì mỗi ngày đều là Thất Quán Âm .
Trong ngày Sư Phụ ghé thăm, chúng con đang lạy trên xa lộ Shoreline đầy nước mưa bùn lầy ở vùng Thung Lũng Tamalpais. Một bà lão đi trên đường lộ, đầu trần và đơn độc . Bà mang đôi giày lôi thôi, thụt cổ vào đôi vai chống lại cơn mưa phùn lạnh lẽo. Xe cộ chạy quá nhanh trên con đường hẹp, suýt đụng bà chỉ trong gang tấc. Bà đi mua đồ tại một tiệm thực phẩm “thuận tiện”, sau đó lại lê bước ngang qua chúng con một lần nữa trên con đường về nhà đơn độc. Tâm con thật thương xót cho bà. Sao bà lại liều lĩnh sanh mạng và sức khỏe của mình trên con đường hiểm trở này chỉ để mua thực phẩm để ăn? Gia đình bà ở đâu? Con biết bà có thể đã từng là quyến thuộc của con trong đời quá khứ.
Có hàng triệu người già trên thế gian này nằm trong hoàn cảnh như bà hoặc còn tệ hại hơn nữa . Con nghĩ rằng việc thiết lập Phật Pháp ở Tây phương này chắc chắn sẽ đem lại rất nhiều sự thay đổi thái độ của chúng ta đối với người già. Bà lão này cần được chăm sóc. Bà cần những tiện nghi căn bản như thức ăn và chỗ ở để tránh mưa nắng. Bằng cách làm nhà ở cho các vị cao niên và chăm sóc những người già yếu cô đơn trên thế giới, chúng ta làm những việc thiện và đền đáp phần nào sự từ bi của chư Phật, của cha mẹ, và của các bậc trưởng thượng. Đây là công việc của Bồ tát Quán Âm. Đây cũng là sự hứa hẹn của Vạn Phật Thánh Thành.
Con nhớ lại gia đình họ Hyatt tại Cambria, cặp vợ chồng trẻ dành riêng chỗ trong nhà họ cho ông già Pappa Joe, người cha bệnh tật của họ. Gia đình họ Hyatt đến thăm chúng con và dẫn theo ông già Joe. Ông được cuốn tròn trong một tấm chăn dầy cộm, khuôn mặt tràn đầy nụ cười. Ông vui sướng mặc dầu tật bệnh, sức khỏe yếu kém . Gương từ bi của gia đình họ Hyatt tỏa tràn ánh sáng thiện lành làm cho ngày ấy rất đặc biệt. Mỗi ngày đều là ngày Bồ tát Quán Âm đối với gia đình họ Hyatt.
Khi con thấy bà lão kia trên đường lộ, con nghĩ sẽ tốt biết bao khi mang tất cả những người già cô độc lại với nhau và dạy họ Pháp môn Tịnh Độ, chia sẻ với họ niềm hỷ lạc của niệm danh hiệu Phật A Di Đà cùng Bồ tát Quán Thế Âm. Làm được công việc này thì Phật giáo đồ sẽ đóng góp rất lớn cho thế giới.
Sáng nay con có một giấc mơ, giống như quảng cáo trên T.V., giống như thông điệp của Liên Hiệp Quốc. Một người đàn ông và một bé trai đứng cạnh nhau. Cặp mắt bé trai đó mở to đầy kinh ngạc. Người đàn ông nói, dường như đang nói với thầy giáo vào ngày khai trường: “Đây, con trai tôi. Xin hãy uốn nắn nó cho tốt. Xin hãy dạy dỗ nó cho tốt trong ngôi trường của quý vị và hãy chỉ cho nó làm thế nào để trở thành con người tốt.”
Theo sau ông ta là bốn người đàn ông nữa, mỗi người cũng dẫn theo một đứa con trai và cũng lập lại thông điệp trên. Một người nói bằng tiếng Anh, một người nói bằng tiếng Trung Hoa, một người nói bằng tiếng Nhật, một người nói bằng tiếng Pháp.
Sư Phụ luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của nền giáo dục và làm trường học trở thành nơi cung cấp những dạy dỗ thiện tánh căn bản để các em trở thành con người tốt. Đây là con đường dẫn đến quả Phật.
“Bồ-tát… có chí nguyện rộng lớn không có gì trở hoại được. Lại thêm siêng tu tất cả thiện căn mà được thành tựu… ngày đêm tu tập các căn lành không nhàm đủ… .”
-Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Địa.
Trường Bồi Đức, Đại học Phật Giáo Pháp Giới, các trường trung tiểu học sẽ được thành lập tại Vạn Phật Thành sẽ rất quan trọng cho thế giới. Các em nhỏ mà chúng con được gặp trên con đường lễ lạy này vẫn còn ánh sáng thanh tịnh và sự tin cậy nhiệt thành. Nếu các em trưởng thành với sự hướng dẫn của các Đạo lý chân thật trong nền giáo dục, nếu các em có thể vượt qua những năm khó khăn của tuổi mới lớn trong một cộng đồng mà mọi người đều tin tưởng thực hành nhân, nghiã, lễ, trí, tín, thì thế giới này sẽ tự nhiên chuyển đổi thành một nơi tốt đẹp hơn. Bằng cách nương theo ánh sáng của Bồ tát Quán Âm và tu hành Pháp Đại Bi, chúng ta có thể hoàn toàn chuyển hóa cốt tủy và tinh thần của nền giáo dục hiện đại về lại đường hướng nên có.
Khi người già vui sướng cầu nguyện hòa bình; người trẻ thích thú khám phá về thế giới, về những tư tưởng vĩ đại, và về những đạo lý chân thật; và khi những người trung niên bận rộn như những vị Bồ tát đang hành Đạo và hồi hướng thiện căn cho toàn Pháp Giới, thì lúc đó mỗi ngày đều là Thất Quán Âm và khắp nơi đều là Vạn Phật Thánh Thành.
Đây không phải chỉ là một giấc mơ mà chân thật như một niệm kế tiếp trong tâm của chúng ta. Chẳng bao lâu thế giới sẽ biết Chánh Pháp đã tìm ra căn nhà mới tại Tây phương. Những người như người nông dân tiểu bang Iowa mà chúng con gặp trên xa lộ gần sở thú San Francisco sẽ không còn nói rằng: “Đạo Phật? Tôi nghĩ đó là một tôn giáo ở Á châu. Nhưng các ông là người Hoa Kỳ có phải không ? Các ông có bao giờ đi qua tiểu bang Iowa chưa ?” Con muốn nói: “Vâng, thưa ông. Tôi trưởng thành tại tiểu bang Ohio. Chẳng bao lâu ông sẽ hãnh diện nói với những người láng giềng ở thành phố River rằng con cháu mình đã quy y Tam Bảo, hoặc ngay cả đã xuất gia học Đạo. Chẳng bao lâu các bạn ông sẽ tìm hiểu về ăn chay và tu thiền. Ông có thể sẽ niệm danh hiệu Quán Âm lúc nào không hay. Hãy nhìn xem Phật giáo sẽ phát triển như thế nào!”
Cuộc Đối Thoại Chúng Ta Muốn Nghe: 1984
“Phật giáo đồ hả? Ồ! Vâng, họ là những người có tấm lòng rộng lớn phải không ? Họ là những nhà giáo dục phải không? Họ lo lắng cho người già, tôi hiểu điều đó. Họ là những người không tranh phải không? Vâng, tôi đã từng nghe về họ. Thực sự tôi đang nghĩ sẽ đặt mua báo dài hạn tờ báo đó để tự mình tìm hiểu. Báo đó gọi là gì? ‘Mỹ Phật Hải (Yankee Buddha Sea)’, hay tên gì tương tự như thế. Tôi nghe về báo đó trên đài radio mà họ thường đọc hàng tuần. Nghe rất hay, tôi có thể nói như vậy! Tôi thích nhất phần để hát theo mà họ thường tụng theo điệu Nam Mô vị Bồ tát nào đó. Vâng, tôi thường nghĩ Đức Phật là vị Thượng đế Đông phương (Oriental God), nhưng từ bi hỷ xả sao lại mang màu sắc Hoa kỳ giống như bánh mảnh bắp như thế! Vâng, rất đúng.”
“Bồ-tát vì nhớ có thể làm lợi ích cho chúng sanh nên sanh vui mừng.”
-Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Địa
Những Bảng Hiệu Chúng Con Thích Nhìn:
(treo trên hàng rào, bên ngoài ngọn hải đăng Bồ Câu (Pigeon Point Lighthouse)
CHÚ Ý: Cấm săn bắn, câu cá, giết chóc, đặt bẫy, hay quấy rầy bất cứ sinh vật nào.
Thừa lệnh Tư lệnh bảo vệ vùng duyên hải
(by order of the Commandant, U.S. Coast Guard).
******
Kính thưa Sư Phụ,
Hôm nay tâm con bị kinh ngạc ba lần vì Kinh Hoa Nghiêm và báo Kim Cang Bồ Đề Hải. Mỗi lần con cầm kinh hay báo lên để trích một đoạn kinh văn thêm vào bài viết thì lại lật đến đúng đoạn kinh văn phản ảnh chính xác tư tưởng của con. Dường như lời kinh trên trang giấy đang nói chuyện với con, dùng chính tư tưởng của con. Cảm giác vô cùng kỳ lạ. Đệ tử chúng con thường quen với việc không thể nghĩ bàn là bậc Thiện tri thức có thể biết tư tưởng chúng con ngay cả trước khi chúng con suy nghĩ; nhưng khi những tờ báo khởi sự phản chiếu tâm của chúng con thì đó là một điều khác!
Vòng Hoa Nghiêm (Flower Garland Round)
Tất cả đều do tâm tạo,
Tất cả đều hiện hữu trong Pháp Giới,
Pháp Giới nằm trong Kinh Hoa Nghiêm.
Kinh điển từ miệng Phật xuất ra,Phật sống trong tâm của tất cả chúng sanh,
Tất cả chúng sanh sống trong mười Pháp Giới,
Mười Pháp Giới không rời một tâm niệm.
Tất cả đều do tâm tạo!
(lập lại cho đến khi tâm yên tĩnh)“Từ từ bi và nguyện lực,
Thị hiện thâm nhập các hạnh của tâm địa,
Từ từ tâm được viên mãn,
Các hạnh của trí tuệ không phải cõi giới ảnh hiện.”
-Kinh Hoa Nghiêm.
Chúng con đã học hỏi được rằng không có tư tưởng, câu viết hay lời nói nào quan trọng bằng một cái lạy yên lặng, thành tâm. Cái thấy, trực giác, giấc mơ, và những phát hiện do hành trì Pháp thực sự cũng giống như diêm quẹt phản ảnh trên mặt trời. Chính hành động, sự cố gắng, niềm tin trong việc tuân theo lời dạy, và sự bố thí nói lên câu chuyện, một cách không lời. Thật là một sự khám phá! Thực tế hoàn toàn trống rỗng, chân thật. Nhưng đó cũng hoàn toàn là Pháp, sự thật của thực tế giống như là một món quà từ tâm đại từ của Đức Phật..
Con tôn kính quay về và nương tựa trong Tam Bảo của tất cả thời gian và không gian. Nguyện hết thảy chúng sanh đều nhớ đến căn nhà bổn lai trong Chánh Pháp. Nguyện tất cả chúng sanh, phản bổn hoàn nguyên về lại cội nguồn thanh tịnh nguyên thuỷ.
Đệ tử của Phật,
Quả Chân (Hằng Thật)
Cung kính đảnh lễ
Các con chỉ là những đứa trẻ, đương nhiên là không tin rồi.
Đầu Xuân 1979
Muir Beach
Kính thưa Sư Phụ,
Lúc còn ở Dốc Ác Quỷ, con đã phát nguyện vĩnh viễn không bao giờ tìm cầu những mối quan hệ riêng tư hay bất cứ thứ gì để bài xích, cự tuyệt người khác. Đêm đó con mơ thấy Sư phụ đang lâm chung. Con nhìn thấy một con mãnh long. Lúc Sư Phụ quay lại Pacifica thăm chúng con, Người có hỏi “Có mơ thấy gì không?”. Người nghe con thuật lại giấc mơ rồi nói “Ô… vậy là con muốn Sư Phụ chết đấy hả?”.
Con quả quyết: “Không, bạch Sư Phụ, hoàn toàn không phải như vậy!” .
Sư phụ nói: “Sư Phụ sẽ chết thay con”.
Con đáp: “Con phải tự mình chết lấy” .
“Vậy Sư Phụ sẽ sống thay con”.
“Việc này con cũng phải tự mình làm lấy”.
“Được rồi, vậy một người thầy như ta thì có tác dụng gì chứ?” Rồi Sư Phụ nói kệ:
Ăn để chính mình no
Giải quyết sinh tử cũng do chính mình.
Sau đó, con nghĩ thầm “Có thực là mình muốn Sư Phụ chết không?”. Con không thực sự chắc lắm. Nhưng con cứ để mọi chuyện qua đi, hoặc giả con đã nghĩ vậy. (Cái “chết” này phải đi cùng với “tâm tham dục” chết. Đây chính là cái chết mà Hòa Thượng muốn ám chỉ khi nói rằng Người hi vọng con sẽ chóng chết, đó là “mau diệt trừ ngã kiến và tâm tham dục ích kỷ của mình”).
Lần tới Sư Phụ đến thăm là lúc chúng con đang trên đỉnh Tamalpais. Trong con đã có rất nhiều biến chuyển. Chưa bao giờ con thấy được những thói hư tật xấu của mình như lúc bấy giờ. Con thấy sau 2 năm bái lạy mà mình mới chỉ bắt đầu đối diện với những lỗi lầm nghiêm trọng và đại ngã kiến của mình. Con thấy ô nhục, thấy hổ thẹn. Hơn nữa, cũng nhờ có Sư phụ kịp thời chỉ dạy và cứu giúp nên con mới có thể thấy được như vậy chứ đó không phải là kiến giải của con. Đặc biệt là Sư Phụ đã khuyên con tịnh khẩu. Và khi miệng khép lại, mắt con mở được đôi chút.
Khi Sư Phụ thăm chúng con tại Pacifica, ngay lúc Người chuẩn bị ra về, còn con đã sẵn sàng “tự mình đứng vững”, đột nhiên có hai người đàn ông tiến lại gần với vẻ hận thù. Con tự tin mình có thể khiến họ thay đổi thái độ. Con bắt đầu nói huyên thuyên, rồi tranh luận với họ. Sư Phụ tựa người ra ngoài cửa xe, nói lớn “Không cần phải nói. Đừng nói quá nhiều!” Không hiểu sao con cảm thấy khí lực hao tổn khi nói chuyện với hai người này. Nghe Sư Phụ nói, hai “người đàn ông” tái mặt rồi chạy mất hút vào con đường. Họ hoàn toàn không phải là người. Sư Phụ cười nói “Con thấy đó, Sư Phụ đã đuổi những con quỷ khỏi con rồi đó. Ha ha. Tạm biệt” Bài học đó con sẽ mãi mãi bao giờ quên.
Lúc này đây, trên đỉnh Tamalpais, con đã thấy được sự quả quyết ngu ngốc của mình, quả quyết rằng “Con có thể tự đứng vững” (Để thực sự đứng vững, con cần phải nhận biết chính mình và không còn ngã kiến). Trong suốt chuyến viếng thăm, Sư Phụ nhìn thẳng vào mắt con, cười nói “Vậy là giờ con có thể đứng trên đôi chân mình rồi hả?” Hôm sau, con đã hiểu được giấc mơ chết kia trong khi đang bái lạy. Thực tế con đã hi vọng Sư Phụ sẽ “chết”. Một cách vô thức, tự ngã của con muốn sống, cho nên con mơ thấy Sư Phụ chết. Lần đầu thấy Kinh Kim Cang, con đã chạy trốn và né tránh. Tại sao? Vì con biết Kinh nói lên sự thật của vô-ngã. Lần đầu gặp Sư Phụ, con đã không lạy và sẽ không lạy. Con đã quá kiêu ngạo. “Hoàng đế” không lạy bất kỳ ai cả. Giờ đây, sau hai năm bái lạy và thấy được sự trống rỗng của đại ngã, con vẫn chống cự “cái chết”, thay vào đó là mơ thấy Sư Phụ chết. Ẩn sau giấc mơ là vọng tưởng : “Nếu Sư Phụ chết, sẽ không còn ai ở bên để điều phục mình nữa. Sẽ không còn ai soi đường chỉ lối và hiểu cho mình nữa”. Con căn bản là không muốn đối diện với điều này. Con không muốn thừa nhận rằng mình đã có những suy nghĩ đáng xấu hổ như vậy về Sư Phụ. Con muốn giấu tội, muốn che đậy những cái xấu. Nhưng con đã từng làm thế, giấu giếm và không ngay thẳng. Việc đó chỉ mang lại khổ đau cho mọi người. Con biết mình mắc trọng tội, nhưng con vĩnh viễn sẽ không bao giờ giả tạo để rồi lại mắc tội thêm nữa.
Đã quá muộn để tạ lỗi với Sư Phụ. Người đã đi rồi. Do không thẳng thắn, con lại bỏ lỡ cơ hội. Con luôn che dấu chính mình. Chính vì thế, con cần một vị “Thiện Tri Thức” làm y chỉ.
Tuần này Sư Phụ lại ghé qua.
Sư Phụ: “Có gì muốn nói không?”
Hằng Triều :”Có rất nhiều thay đổi. Bạch Sư Phụ, kể từ lần trước Sư Phụ tới thăm, giờ con đã biết giấc mơ Sư Phụ chết chính là tự ngã của con không muốn chết.”
Sư Phụ: “Chắc chắn rồi, sau đó thì không ai có thể điều khiển con được nữa”
Hằng Triều: “Con hổ thẹn lắm, thưa Sư Phụ, con sẽ thay đổi”
Sư Phụ và con cùng ngồi xuống nói chuyện. Sư Phụ ngồi trên thanh giảm va chạm xe. Trời vừa mưa trước khi Sư Phụ tới. Lúc này trời đang nắng, nhưng mặt đất còn ướt. Chiếc mũ của con nằm trên mặt đất, ngay cạnh chân Sư Phụ. Tình cờ Sư Phụ nhấc chân, dẫm lên mũ con, và bắt đầu chà xuống đống bùn rồi lau vết đất bết ở giày lên đó. Con đã muốn nói “Ơ kìa, Sư Phụ, đừng!!!! Đó là mũ con mà!”.
Nhưng rồi một ý nghĩ chợt đến: “Lẽ ra Sư Phụ nên giẫm lên đầu mình. Mình đáng bị như vậy.” Con nghĩ có lẽ Sư Phụ tưởng đó chỉ là một chiếc mũ cũ kỹ bên đường. Rồi Sư Phụ nhặt chiếc mũ lên, tử tế phủi sạch bùn đất, gấp lại gọn gàng rồi đưa cho con. Con nghĩ thầm “Ơ! Sư Phụ biết đó là mũ của mình. Vậy là sao?”
Sau khi Sư Phụ đi, con đã thấu hiểu được lời dạy vô ngôn của Người bằng cách dùng chiếc mũ này. Lần đầu tới Kim Sơn tự, con cảm thấy khá tốt. Con thấy như đang ở nhà ngoại trừ việc lễ lạy, đặc biệt là thực tập lễ lạy. Thế rồi trong một buổi giảng Kinh khuya, Sư Phụ nói “Hình như có người luôn muốn mình là đệ nhất. Họ luôn muốn tìm kiếm một chiếc mũ cao để đội… muốn tất cả mọi người đưa họ một chiếc mũ cao và mọi người sẽ tung hô “Thầy ấy thật vĩ đại. Thầy ấy là số một” Chẳng phải thế này sao?” Những lời đó đi thẳng vào tâm con. Chính xác đó là thái độ của con và Sư Phụ đã nhìn thấy, đã đọc được. Đêm đó con đã lạy Sư Phụ, chỉ có điều chiếc mũ cao của con vẫn không rơi xuống trong lúc lạy.
Con cảm nhận rằng, bằng việc chà sát chiếc mũ xuống bùn, Sư Phụ đang nói “Vậy là giờ đây con thấy được chút ít rồi đó. Tất cả đều được sám trừ nếu con có thể thay đổi để tốt hơn. Đây, đội mũ lên, nhưng nhớ rằng đó không phải là vương miện đâu. Đừng chạy ra ngoài và làm hoàng đế nữa”.
Tu Di xô đổ giữ tâm bình
Ganh tỵ kiêu căng tuyệt bóng hình
Tu Phật phải đâu cầu diệu quyết
Buông tâm xả tướng đạo viên thành (*).
-Hòa Thượng Tuyên Hóa
Một chiếc mũ bẩn và một bài học về vạn vật bình đẳng. Không ai là số một cả. Cái bản chất thì phẳng bằng như mặt đất. Hãy khiêm nhường. Giữ tâm tàm quý và từ bi. Hãy buông bỏ tất cả, thành Phật sẽ tự biết. Kệ rằng:
Tội từ tâm khởi, đem tâm sám.
Tâm đã tịnh rồi tội cũng không.
Tâm tịnh, tội diệt, thảy đều không.
Ðó gọi là chân sám hối.
Bạch Sư Phụ, con vô cùng hổ thẹn về cái ngu si của mình và về những rắc rối con đã gây ra. Con sẽ thay đổi. Con không muốn “quay lại lâu đài” làm một vị hoàng đế nữa. Ngôi nhà của con là Phật, Pháp, Tăng thập phương thường trụ. Con sẽ quay lại trần tục và giác ngộ. Con sẽ gắng hết sức, lạy sám hối.
An lành trong Đạo
Đệ tử Quả Đình (Hằng Triều)
cung kính đảnh lễ
* * *
“…đứng trên đôi chân mình”
Đã có lúc con nghĩ rằng tự mình có thể nghênh ngang lên núi tu giác ngộ. “Ai cần một người thầy chứ?!” Con đã nghĩ vậy. Nhưng ở một nơi nào đó trong thâm tâm, con biết rằng con cần một vị Thiện Tri Thức. Thật khó để tự mình nhận thấy những trò gạt gẫm của bản ngã và tất cả cảnh giới của tâm hiện ra khi tu tập. Con ma lớn nhất chính là tự ngã của mình và rất khó để vượt qua. Nó giống như việc một con dao cố tự cắt chuôi mình. Nhưng việc có được một vị Thiện Tri Thức không đảm bảo thành công. Cần phải tuân theo sự chỉ dạy mới được.
Tháng này Sư Phụ đã thăm chúng con. Trước khi đi, Ngài nhắc nhở chúng con thận trọng về việc tiếp nhận đồ cúng dường. “Phải hết sức cẩn thận” Chúng con đã không cẩn thận và bị ngộ độc thức ăn. Vào thời điểm chúng con bệnh nặng nhất, Sư Phụ trở lại. Ngài hỏi. “Có gì đặc biệt xảy ra không?”
Con đáp “Có thưa Sư Phụ, chúng con bị bệnh 3 ngày nay rồi. Thức ăn không tốt.”
“Ồ, thấy chưa?” Sư Phụ đáp với một nụ cười hiểu biết và cái nhìn chứng tỏ “Thầy đã cảnh cáo rồi mà, thấy chưa?”
Trong suốt chuyến viếng thăm bên đường, Sư Phụ và con nói về thức ăn, dục tính và tu hành. Con nói “Thưa Sư Phụ, hai năm trước ở Los Angeles , Sư Phụ bảo chúng con rằng hành giả ăn đồ ăn ngon có thể gây cản trở cho đạo nghiệp của mình do chứa quá nhiều năng lượng. Con đã không tin, nhưng giờ con biết đó là sự thật”
Sư Phụ: “Các con chỉ là những đứa trẻ. Đương nhiên là không tin rồi”.
Con tự nghĩ “Sẽ không bao giờ con không tin và con sẽ luôn tuân theo chỉ dạy của Sư phụ”
Sư Phụ nói “Hãy nắm giữ năng lực dư thừa đó và nhẫn nại khi nó muốn phóng chạy ra ngoài – chính đó là tu hành. Nếu không… (Hòa Thượng tả một quả bóng căng phồng khi thấy một thứ gì đó hấp dẫn và ngay lập tức xì hơi). Cái con thấy khiến con điên đảo và hốt nhiên con xả ra. Rồi sẽ không còn rắc rối, không còn sức ép nào nữa. Nếu con không thể xả ra, đó chính là tu hành. Nó ở ngay ‘đây’”.
Ngày hôm sau ấy, sức ép trong con thật dữ dội và dao động rất mạnh. Chúng con nghỉ giải lao để thiền. Con chộp lấy cái chậu rửa để dọn dẹp. Khi con quay ra cửa, có một người phụ nữ đẹp đứng ngay trước mặt chặn đường, vừa cười vừa nhìn con chằm chằm. Cô ta nhẹ nhàng hỏi “Chào thầy, thầy đang làm gì vậy?” Con bắt gặp ánh mắt cô ta và mất chánh niệm trong một thoáng giây. Như một quả bóng đầy hơi…. ”đột nhiên không còn rắc rối nào nữa, không còn sức ép nào nữa”. Gắng một lần nữa, và lần này làm theo lời Sư Phụ dạy.
Nguyện tất cả chúng sanh thừơng được gặp gỡ chư thiện tri thức, phụng hành chẳng trái lời dạy.
-Kinh Hoa Nghiêm – phẩm Thập Hồi Hướng
Con không thể tin được! Sao con lại có thể chậm chạp và ngu si đến vậy! Hôm trước đã nhận được lời dạy rõ ràng đến thế, vậy mà con lại không thể “phụng hành” được. Những lời dạy đúng lúc và chân thật của Sư Phụ lọt vào tai này rồi lại ra tai kia và lần nào con cũng vấp ngã.
“Con có thể đứng trên đôi chân mình” không phải là sự khẳng định của một sức mạnh thực sự. Nó đến từ vọng tưởng, không phải do điều phục tự ngã mà do tự ngã không muốn bị điều phục. Con đã vội vã, đã gượng gạo độc lập – hành động của một bản ngã nổi loạn, không phải giải thoát chân chánh. Con vừa chấp cảnh giới liền bị vọng tưởng làm cho điên đảo. Tự ngã kháng cự cái chết bằng các cách thật khó tin và khó nhìn thấu được. Đây chính là sự quan trọng của Thiện Tri Thức: dù con có tuổi đời bao nhiêu đi nữa thì tuổi trí huệ của con vẫn chỉ là của một đứa trẻ mà thôi. Có câu rằng không thể tin vào tâm ý mình cho đến chừng nào chứng tứ quả A La Hán… huống gì chỉ mới là sa di tập sự? Ngay khi nghĩ rằng mình đạt được cái gì đó cũng chính là thời điểm chín muồi để mất. Lên thì khó, mà xuống thì dễ. Có một vị Thiện Tri Thức là điều rất quan trọng.
Đệ tử Quả Đình
cung kính đảnh lễ
Ghi chú:
(*) Tam tâm tứ tướng: ba tâm – quá khứ, hiện tại, vi lai; bốn tướng – tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả.
Đừng nghĩ!
28 tháng Ba, 1979
Kính thưa Sư Phụ,
Hãy nhận thật lỗi mình,
Chớ bàn tới lỗi người.
Lỗi người là lỗi mình,
Đồng thể, tức Đại Bi.
-Hòa Thượng Tuyên Hóa
Bạch Sư Phụ, thật buồn cười, con không còn có thể chỉ trích ai được nữa. Trong những ngày này, hễ thấy có gì để chỉ trích là ngay lập lức tâm con phản hồi “Khoan đã, ta không nhớ chính ta cũng đã từng vậy sao? Sao ta có thể đứng tách biệt với mọi người và phán xét họ chứ? Hãy hồi quang. Ta đang thấy và chê trách lỗi lầm của chính mình đó. Lấy thí dụ chẳng hạn, trông thấy một tay đua tăng tốc trên khúc quanh, con nghĩ “Sao hắn có thể gây nguy hiểm cho mình, cho người như thế, chỉ vì hào hứng cảm giác mạnh thôi sao?” Rồi con nhớ lại mình cũng đã từng phóng xe thế nào – đâu có khác gì. Hãy hồi quang. Không gây chiến.
Con trông thấy những người khách du lịch nhảy ra khỏi xe, chạy lên và chụp hình cầu Cổng Vàng (Golden Gate), chụp bờ biển đẹp rồi nhảy trở lại xe và phóng đi mà chưa bao giờ thực sự ngắm cảnh, chưa bao giờ ở đó. Có vẻ như đó là một việc làm vô nghĩa. Sau đó con lại nhận được tiếng chuông cảnh báo: “Đừng chỉ trích! Hãy hồi quang. Ta đã từng sống rời xa hiện tại. Mắc kẹt với những ưu lo, những giấc mơ, những ảo tưởng tương lai, chân ta hiếm khi chạm đất. Ta là ai mà đòi chỉ trích người khác? Chỉ là ta đang thấy và bác bỏ tập khí bất thiện của mình mà thôi”. Chuyện gì đang xảy ra vậy? Đó gọi là “chấp tướng” và bị vọng tưởng làm cho mê loạn. Kinh giải thích điều này như sau:
Tất cả thế gian trong mười phương
Đều là chúng sanh tưởng phân biệt
Nơi tưởng, phi tưởng không chỗ được
Với các tưởng Bồ Tát rõ thấu như vậy.
-Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Hồi Hướng
Con bị vọng tưởng lừa gạt hàng bao năm rồi! Con cảm thấy việc gì cũng phải có kế hoạch trước. Con lập ra một danh sách các kế hoạch và ấn định chi tiết trước khi hành động. Tất nhiên con không bao giờ thấy vui lắm. Con bị ràng buộc bởi những suy tính trong tâm trí. Con tìm tự lợi từ mọi hướng. Con biết kết quả trước cả khi thi đấu. Thua cuộc ư? Không bao giờ!
Tại sao con luôn thấy mệt mỏi và nặng nề? Đó là vì tâm phân biệt đúng sai, cầu lợi và trốn chạy nỗi sợ thua cuộc đã làm hao tổn khí lực, để rồi cuối cùng là tuyệt vọng. Các việc đúng sai không bao giờ chấm dứt. Chỉ có từ bỏ tìm cầu tự lợi thì tâm mới bình an được.
Về hành trình Tam bộ nhất bái, Sư phụ đã khai thị “Đừng khởi bất kỳ vọng tưởng nào” “Đừng nghĩ.” Tại sao? Vì Bản ngã, vì cái Tôi cầu lợi là ảo tưởng trú trong vọng tưởng của chúng ta. Ngã là ông chủ, đẩy chúng ta vào cuộc truy đuổi danh lợi lố bịch. Khi niệm ngừng bặt và Ngã không còn thì nơi đâu cũng an bình. Các pháp đột nhiên đều phằng lặng rỗng rang. Mọi hình tướng, đúng sai đều biến mất vì tâm không còn cần tách biệt và gán danh tự cho mọi thứ nữa, không còn cái Tôi để bảo vệ. Ma quỷ bị chế phục và mỗi ngày đều an lạc.
Phụng sự Phật pháp
30 tháng 3, 1979
Phía Trên Bãi Biển Stison
Kính thưa Sư Phụ,
Sự nhiệm màu của Kinh Hoa Nghiêm luôn khiến cho chúng con phải ngạc nhiên. Những thay đổi diễn ra thật rõ ràng vào lúc chúng con tụng Kinh sau mỗi thời công phu khuya. Nếu chúng con có căng thẳng và lo lắng vì vọng tưởng và thói xấu thì Kinh xoa dịu và tiếp thêm dũng khí để chúng con tiến bước. Nếu chúng con có cáu kỉnh hay cảm thấy lệch lạc thì Kinh lại làm cho tâm lắng xuống và đưa chúng con quay trở về nhà. Còn nếu chúng con hoan hỷ thì Kinh phóng hào quang tán dương.
Cách đây vài tuần, có một đêm con thấy đầu nặng trịch, thân thể đau nhức đến từng khớp xương. Con sẵn sàng gây chiến hoặc làm bất kỳ điều gì để xả cái khí này ra. Nhưng khi con mở Kinh để dịch phần Hồi Hướng Thứ Tám thì cái hỏa khí ấy lại chuyển thành một thứ cảm giác của lòng từ bi, sáng rõ như ngọc lưu ly. Nhận ra cảnh giới của mình, con thu lại ánh sáng mà mình chuẩn bị phóng ra. Đọc Kinh xong, khi con đang với tay lấy cây hương để bắt đầu tụng chú Lăng Nghiêm thì hốt nhiên con thấy hiện ra một cảnh tượng về thời đại và tầm quan trọng của Kinh. Thời gian dường như ngừng trôi khi cảnh tượng lóe lên. Đây là những gì con nhìn thấy, nó giống một cuốn phim, cứ như Hollywood đã quay một câu chuyện để làm sáng tỏ một kho báu hiếm có, đó là Phật pháp. Phật pháp rộng sâu rất nhiệm mầu
Một đoàn người thuộc mọi độ tuổi và chủng tộc đang đi qua những hang động sâu và nhiều nguy hiểm. Con đường dài, hẹp và lắm gian truân. Hành trình của họ đòi hỏi sự can đảm, sức chịu đựng và cả niềm tin. Có rất nhiều khảo nghiệm và chướng ngại, nhưng họ vẫn đi mà không hề nhàm mỏi. Họ được một luồng ánh sáng vàng thanh tịnh dẫn lối qua mọi hiểm nguy. Trên vách hang là dấu tích của các nền văn minh cổ đại. Đoàn người đi qua các nấc thời gian vô tận. Từng lớp, từng lớp thế giới cứ đi qua cùng với những câu chuyện về sự sống và cái chết được tạc lại trên đá.
Cuối cùng, đoàn lữ khách cũng tới được nguồn sáng vàng. Đó là một pháo đài bí mật, che giấu bên trong là một thư viện. Thư viện làm bằng kim cương và được phép thuật khóa lại. Chỉ những người có phước báu và thiện căn mới vào được. Có Trời, rồng, quỷ thần giữ cửa.
Vào được bên trong rồi, đoàn người đi về phía những kệ sách đặt ở những phòng ngoài. Trên đó chứa những cuốn sách về tri thức cổ đại: hành tinh, cây cỏ, toán học, âm nhạc, ngôn ngữ, văn học, và bộ sách bách khoa thủ công và lễ nghi. Đoàn người đi qua những kệ sách của tri thức thế gian này. Tri thức ấy quý giá và đáng bảo tồn, nhưng luồng ánh sáng dẫn họ tới một cánh cổng khác bị khóa ở giữa thư viện. Những tướng sĩ uy nghi, cao lớn và thuần khiết bảo vệ hầm mộ này. Họ bày tỏ lòng tôn kính sâu nặng với nó. Trong hầm là một rương châu báu phát ra ánh sáng ngọc ngà chói lọi. Đây là nơi trang nghiêm tối thượng, nơi các vị thánh linh thiêng ẩn náu, là đỉnh cao của trí tuệ vĩnh hằng.
Nắp rương cót két mở và tỏa hào quang thanh tịnh rực rỡ. Đoàn người nín thở quan sát bên trong: những cuộn giấy bị nhàu và một tấm giấy da nát như mạng nhện. Chữ đã mờ, các dấu không còn, khó có thể đoán được nghĩa. Không có ai học hỏi trí tuệ này từ rất lâu rồi, rất ít người thực hành theo. Nhưng có một sự cảm nhận chung quanh rương. Đoàn người nhận ra đây là một bảo vật vô giá, một kho tàng quý giá cần phải được giữ gìn và bảo vệ bằng mọi giá. Kho tàng quý giá này phải được trân quý và tất cả mọi nơi đều phải biết đến. Chân lý của nó phải được mọi người thực hành.
Nhóm người ngồi xuống phía dưới chân của người lãnh đạo, một người có trí huệ và kinh nghiệm. Ông chỉ cho mọi người biết làm thế nào để tôn kính kho tàng quý giá này cho đúng. Ông giảng cho họ nghe về nó. Ông gọi đó là Pháp, những nguyên lý tối thượng, con đường chấm dứt khổ đau, những phương pháp để đạt đến an lạc vĩnh hằng chân thật.
Con nay nghe thấy chuyên trì tụng
Nguyện rõ Như Lai nghĩa nhiệm mầu
Đoàn du hành rất hoan hỷ. Họ đã nhận chân được giá trị của điều mà họ khám phá được và vận may này khiến họ hết sức ngạc nhiên. Họ cùng lập đại nguyện quy mạng Pháp để bảo vệ, truyền đạt, thực tập và khiến cho Pháp được tuyên lưu ở bất kỳ lúc nào, bất kỳ nơi đâu trong tương lai. Khi họ lập nguyện, luồng ánh sáng tỏa ra từ chiếc rương chói sáng gấp đôi. Những câu văn lại có sự thay đổi: chữ trên các trang giấy cổ xưa càng lúc càng rõ hơn. Những cuốn sách có được sinh khí mới và năng lực mới. Các vị Bồ-tát hộ pháp, trời, rồng đều hoan hỷ. Những lời nguyện của nhóm người đã phục hồi lại chánh Pháp và giữ cho lưu truyền trên thế gian.
Luồng sáng từ hầm mộ trong thư viện bí ẩn kia chiếu xuyên qua các vách hang, chiếu sáng cả vũ trụ và mọi nền văn minh trong vô lượng thời gian. Bỗng đoàn người thấy chân mình không còn chạm đất. Giờ họ đứng trên một đỉnh núi thanh khiết, tráng lệ.
Họ có được vô số phương tiện thiện xảo để truyền Pháp tới tất cả chúng sanh trong đại gia đình của mình. Người lãnh đạo nhóm giải thích rằng thư viện bí mật kia cũng đồng ở trong tâm họ. Nhưng cần có chuyến đi xuyên qua hang động và đương đầu với những hiểm nguy gian truân để tìm ra. Đoàn người vui mừng khôn xiết, và với tinh thần đại tinh tấn, họ xuống núi để làm hoàn mãn thệ nguyện của họ. Họ biết rồi sẽ còn gặp lại nhau.
Đó là cảnh tượng, và khi con nhìn kệ Kinh sách trong chiếc xe Plymouth của chúng con chứa đựng những quyển Kinh tiếng Anh và tiếng Hoa in rõ ràng được bọc gọn gàng, con hiểu rõ chúng con không được xem thường sự may mắn của mình.
Các đệ tử của Phật được thấm nhuần chánh Pháp thanh tịnh nhất. Trách nhiệm tối cao của chúng con đó là giữ cho những nhận thức về bảo vật của chúng ta được tồn tại. Sự có mặt của chánh pháp trong chúng con, con đường chân thật đi đến Phật quả, là những châu báu hiếm có nhất. Không có gì không huyền diệu cả.
Cũng giống như các thành viên trong đoàn người trong tâm cảnh con thấy kia, hạnh phúc của con khi được phụng sự Phật pháp và đem thân mạng hiến cho Tam Bảo thật vô cùng vô tận.
Đệ tử của Phật,
Quả Chân (Hằng Thật)
Cung kính đảnh lễ
Từ bi là vô thượng
Tháng Tư, 1979
Xa lộ Shoreline, Stinson Beach
Kính thưa Sư Phụ,
Đây là một kinh nghiệm của con trong suốt mùa lễ năm ngoái mà đến giờ con mới có thời giờ để viết.
Tôi phải cứu vớt tất cả chúng sanh này đặt họ ở chỗ rốt ráo an lạc.Vì vậy Bồ Tát liền phát trí tuệ đại từ bi.
-Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Địa
Tâm từ bi là vô thượng, có thể khiến ta luôn hoan hỷ bởi có được nhờ việc bố thí và khiến người hoan hỷ. Bố thí khiến mọi người đều hoan hỷ. Muốn thực sự từ bi thì phải cho đi bản thân, cho đi phiền não, buông xả tất cả.
Cáu kỉnh, hà khắc thì dễ thôi
Can đảm mới có được lòng từ
Keo kiệt và ích kỷ tự nhiên
Đến với kẻ nhu nhược kém cỏi
Có sức mạnh mới có lòng bi
Chấp ngã không phải là trí tuệ
Cần có niềm tin để giải thoát
Nghi ngờ, sợ hãi thì hám lợi
Muốn hạnh phúc thì phải cho đi.
Giáng Sinh năm ngoái, khi con đang lạy dưới bóng lạnh lẽo của những tảng đá, bỗng văng vẳng bên tai giọng nói của người thầy từ bi và trí tuệ, đã cho con niềm tin và sức mạnh. Người nói “Lẹ lên, hảy buông xả hết đi. Sư phụ sẽ đỡ nếu con trượt ngã.” Trong thâm tâm, con nhắm mắt bước qua vực thẳm, và thấy mình đã sang bờ bên kia. Tâm con không mảy may một niệm, an lạc và nhẹ nhàng là niềm vui tinh khiết. Mọi thứ đều ổn. Tâm con muốn trao tặng niềm hạnh phúc con đã cảm nhận này đến mọi chúng sanh. Con cảm thấy từng nguyên tử thô cứng và ích kỷ vi tế trong thân con tràn ngập ánh sáng của lòng từ bi.
An trụ tâm xả, các căn thơ thới, công đức tăng trưởng, phát chí nguyện lành, thường ưa tu hành hạnh bố thí rộng lớn.
-Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Hồi Hướng
Ngay sau đó con ra khỏi bóng râm và lạy dưới ánh nắng. Và con đã nhìn thấu vào cái tâm ích kỷ, sợ sệt này, cái tâm mà bấy lâu nay con đã hằng sống với nó. Khi con cầu lợi từ người khác, khi con mong họ chấp thuận, đó là lúc con không thể có lòng từ. Khi con chấp ngã và làm người khác sợ, đó là lúc con không thể có lòng từ. Mong cầu sự chấp thuận và sợ đau khổ là nguyên nhân của khổ đau. Chính tâm con đã tạo ra tất cả. Sự sợ hãi chính là độc tố và nỗi đau, không phải đối tượng gây sợ hãi đã gây ra nỗi đau. Hãy từ bỏ sự phóng chiếu thói quen sợ hãi, ngừng mong cầu tự ngã, hãy hồi quang và hạnh phúc sẽ ngập tràn thế gian.
Nương tựa lời Thầy, con thêm sức mạnh
Sức mạnh tiếp dũng khí để tu hành
Dũng khí giúp con cởi bỏ sợ hãi
Không còn sợ hãi, an vui tự đến.
Ngày hôm đó con nghỉ ngơi trong tâm hoan hỷ. Con cảm thấy luồng hắc khí tan biến khỏi cơ thể. Lòng từ bi đến thật tự nhiên khi thực hành bố thí. Càng xả thí, tâm từ bi càng tăng trưởng; càng từ bi, tâm càng hoan hỷ. Giữ tâm hoan hỷ là chuyện dễ làm khi chúng ta bố thí khiến người an vui. Với thiện niệm, ta luôn hạnh phúc và mong chia sẻ để người khác cũng được hạnh phúc. Như vậy làm đầy tràn lại nguồn hạnh phúc nguyên thủy mà không bao giờ vơi cạn.
Bố thí pháp là bố thí tối thượng và nhận được trở lại hạnh phúc tối thượng.
Xuất gia tu đạo là từ bi tối thượng vì khiến một người có thể bố thí Pháp không ngừng nghỉ.
Khi bái lạy trên con đường đầy đá, con nhận thức được việc thực hành Phật Pháp tốt đẹp thâm sâu biết bao. Niệm danh hiệu Phật là đại từ và đại thiện. Khi bái lạy, chúng con niệm danh hiệu Kinh Hoa Nghiêm và Hoa Nghiêm Hội Thượng Phật Bồ-tát. Mỗi một lần lạy, chúng con niệm chữ “Phật” hai lần và “Bồ-tát” một lần. Chỉ riêng việc đơn giản này là một hành vi hạnh phúc, là một cách bố thí cho người khác. Đó là một thiện hạnh. Nó đủ để làm thế gian và trái tim (không phân biệt) tràn đầy ánh sáng, hoan hỷ và an lạc. Tất cả hạnh phúc đều bắt đầu bằng bố thí, bỏ đi cái tôi, quán sát giải thoát. Thật tốt đẹp biết bao khi biết đủ và không mong cầu, không còn bị trói buộc bởi phiền não do chúng ta tạo nên chỉ vì Bản Ngã.
Đạt vô cầu xứ tiện vô ưu. (Đạt đến chỗ “không mong cầu” tất hết lo)
Hãy biết đủ, buông bỏ phiền não, lòng nghi và sợ hãi.
Tri túc thường lạc,
Năng nhẫn tự an
(Biết đủ, luôn vui.
Nhẫn được, tất yên)
Đánh tan mọi ý niệm về Ngã. Dừng khởi niệm và sanh tâm hoan hỷ. Sau đó rải tâm từ và ban vui cho người. Bằng cách nào đây? Bố thí Phật pháp bằng cách tu tập.
Bồ tát nguyện rằng tất cả chúng sanh sẽ thành tựu nói lên Phật đạo đi đến Bồ Đề, và luôn hoan hỷ bố thí tối thượng Pháp.
-Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Hồi Hướng
Sáng hôm đó, gia đình một đạo hữu đến tham gia lễ lạy và “hiện thân thuyết Pháp.” Người qua đường nhìn bảy đệ tử Phật lễ lạy trên xa lộ, tu tập con đường Bồ đề với tâm hoan hỷ.
Bồ tát tu hạnh bố thí , khiến cho tất cả chúng sanh đều hoan hỉ.
Kinh Hoa Nghiêm
Tu hành xả thí
Xả sinh hỷ
Hỷ sinh từ bi và xả
Từ bi khiến tu hành
Trạng thái này có tồn tại không? Không. Đó là một cảnh giới, mà cảnh giới thì do tâm tạo, chúng thay đổi như thời tiết vậy. Đó là lẽ tự nhiên. Con không mong cầu mà tự nó đến. Con không bám chấp mà tự nó đi. Phải nói rằng trong suốt 29 năm sống trên đời này, đây là niềm hạnh phúc lớn nhất mà con có được. Chừng nào chưa hoàn toàn buông bỏ được tự ngã, con vẫn sẽ bị chuyển và trôi trong dòng chấp trước và khởi vọng tưởng. Khi thì hoan hỷ, khi thì phiền não. Con không muốn thế này và cũng không muốn thứ khác đi. Con chỉ muốn nhất tâm tu Đạo và thật sự học bố thí. Con muốn hợp nhất trí tuệ của mình với trí tuệ của Kinh.
Bồ tát trong mỗi niệm đều tăng trưởng viên mãn hạnh bố thí.
-Kinh Hoa Nghiêm
Đệ tử của Phật,
Quả Chân (Hằng Thật)
Cung kính đảnh lễ
Bồ Đề đạo tràng nơi hoang dã
Tháng Tư, 1979
Gần bờ biển Stison , California
Kính thưa Sư Phụ,
Tâm nguyện chúng con lại thêm sâu mỗi ngày. Mỗi lần chúng con đương đầu với ma chướng là một lần mạnh hơn và hoan hỷ hơn trong Đạo. Cả ngày hôm qua, con đã vật lộn với “con quỷ hoài nghi”. Con quỷ này không đến từ bên ngoài mà lại chính là vọng tưởng của con. Con nương nhờ nguyện lực và trí tuệ của Sư Phụ để hàng phục nó. Hôm nay thấy vạn vật dường như đổi khác. Thế gian chẳng đổi, mà chính là tâm con thay đổi.
Sức nặng và bụi bẩn của tất cả sự hoài nghi, của vọng tưởng đều được nhấc bổng lên giống như những đám mây đen sau cơn bão miền duyên hải. Thứ con nhìn thấy rất đơn giản. Trong muôn dặm, vạn vật đều sáng trong, vắng lặng. Là tu sĩ đã được 2 năm rồi nhưng tu viện duy nhất nơi con sống chính là tâm con.
Tại Hồng Kông, Sư phụ đã nói “Trực tâm là đạo tràng” khi cùng mọi người leo lên ngọn đồi dốc để lên thăm một đạo tràng giản dị, Tây Lạc Viên. Câu nói đó luôn ở trong con. Hôm nay con thấy mình quay về đó giống như trở về nhà vậy. Tây Lạc Viên để lại nhiều ấn tượng. Rừng thô, đá gồ ghề, tĩnh lặng, ánh nắng chiếu rọi qua cây và xuyên qua những khung cửa. Ở đây không có gì dư thừa mà cũng không có gì được trang trí cả. Nó giống như một nơi chốn giản dị trong miền hoang vắng chỉ với mục đích che mưa nắng và để ngộ Đạo bên trong.
Tu viện của con, tâm con, nên tự nhiên không tô điểm và đơn giản như thế. Cái gì thực sự quan trọng? Việc của con là làm một con người thật sự, buông bỏ tất cả những vỏ bọc ganh tị, kiêu căng, keo kiệt và phiền não. Việc thiện nhất mà con có thể làm ngay lúc này là dọn dẹp đạo tràng của mình và thực sự thanh lọc tâm ý. Bỏ lại phía sau mọi vọng tưởng và “vô tâm dụng Đạo” Không nghĩ tưởng về quá khứ, hiện tại hay vị lai. Không tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng. Con nên tu hành tinh tấn, sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên và không gây phiền toái chướng ngại cho người. Chỉ cần “thanh tịnh, hỷ lạc”, đó chính là lời Phật dạy. “Tránh làm điều ác. Làm các điều lành. Thanh tịnh tâm ý. Theo lời Phật dạy.”
Con cảm thấy như mình đang bắt đầu từ đầu: xây dựng một đạo tràng thanh tịnh nơi hoang dã. Cố gắng từng bước trở nên chân thật trong cái chân thật. Trong mỗi một niệm chế phục tham, sân, si, và trở về với đạo lý. Quét tất cả tướng, liệng bỏ tất cả các pháp. “Luôn luôn phải lau chùi, chớ để dính bụi nhơ” .
Công việc nền tảng là nhất tâm bái lạy. Bái lạy san bằng lâu đài mạ vàng mà con tự giam mình trong đó. Sống gần thiên nhiên là giữ tịnh giới và bảo vệ tâm tránh khỏi các sai lầm. Thật rõ ràng rằng không có gì ở ngoài cả; tất cả đều do tâm tạo.
Nếu người muốn rõ biết
Tất cả Phật ba đời
Phải quán pháp-giới-tánh
Tất cả duy tâm tạo.
-Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Dạ Ma Cung Kệ Tán
Chúng con đã đọc vài dòng Kinh Hoa Nghiêm vào đêm trước đó, những câu kinh ấy thực sự đi vào tâm con. Con nghĩ “Điều này thật hay và thật đúng. Mình nên như vậy. Nhưng mình không như vậy. Nên bắt đầu từ đâu?” Ngày hôm sau con nhìn thấy điều này và nhận ra rằng tất cả chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai đều chỉ do tâm tạo. Con nên bắt đầu ngay từ nơi con: thanh tịnh giác địa của chính mình, sửa lại tâm chính mình. Đây chính là Đạo tràng chứ không phải nơi nào khác.
Đây là những câu kệ chúng con đọc từ Kinh Hoa Nghiêm:
Bồ tát đầy đủ bình đẳng của Chư Phật quá khứ,
thành tựu bình đẳng của Chư Phật vị lai,
an trụ bình đẳng của Chư Phật hiện tại;
đi nơi cảnh giới của Chư Phật quá khứ,
trụ nơi cảnh giới của Chư Phật vị lai,
đồng với cảnh giới của Chư Phật hiện tại;
được thiện căn của tam thế Chư Phật,
đủ chủng tánh của tam thế Chư Phật,
trụ nơi công hạnh của tam thế Chư Phật,
thuận với cảnh giới của tam thế Chư Phật.
-Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Thập Hồi Hướng
An lạc trong Đạo,
Đệ tử Quả Đình (Hằng Triều)
cung kính đảnh lễ
Tái bút: Tháng trước, khi Sư phụ tới thăm chúng con, Ngài nói: “Ngày mai là ngày vía Quán Âm. Chúng ta sẽ có Thất Quán Âm. Tối nay chúng ta sẽ sái tịnh đạo tràng ( Sư phụ mỉm cười). Các con có khởi niệm tham, muốn được về Vạn Phật Thành tham gia phải không? Nhưng đừng lo, đối với hai con đang đi Ba Bước Một Lạy, mỗi ngày đều là ngày có Thất Quán Âm, và mỗi ngày các con đều ở Vạn Phật Thánh Thành.”
Trực tâm là Vạn Phật Thánh Thành. Khi tâm ngay thẳng thì cho dù đang ở đâu cũng vẫn là ở Thánh Thành. Khi tâm không thẳng thì cho dù có ở Vạn Phật Thành cũng sẽ trở thành Bệnh viện cũ của tiểu bang mà thôi.
Bồ-tát do người mà thành
Phật là do người tu tập
Trực tâm là đạo tràng, có hành mới hiểu;
Trực tâm là Phật Thành, các đức Phật được làm bằng tay.*
Ghi chú:
(*) Tâm ngay thẳng là cõi Phật, chư Phật do thực hành mà thành. Còn ngụ ý Vạn Phật Thánh Thành là nơi tu hành trực tâm, các tượng Phật nhỏ (hơn 10 ngàn tượng trong Vạn Phật Điện tại Vạn Phật Thánh Thành) đều do chính tay Hòa Thượng đúc tạo nên.
NHẤT THIẾT DUY TÂM TẠO
Tháng Tư, 1979
Gần Pt. Reyes, Bờ biển quốc gia
Kính thưa Sư Phụ,
Bồ tát dắt các chúng sanh đi qua đường hiểm sanh tử, đến thành Nhứt thiết chủng trí một cách an toàn. Vì lẽ trên đây nên Bồ Tát phải thường siêng tu.
-Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Địa
Con ăn, ngủ và đắp y mỗi ngày. Con không hề giải đãi về những công việc này chút nào. Tại sao con ăn, ngủ và mặc? Là để có thể tu hành, chứ không phải để ngày mai lại ăn, ngủ và mặc. Con nỗ lực là để tu hành. Con nên dũng mãnh và khẩn trương, tự giải thoát để có thể dẫn dắt chúng sanh “vượt qua sự hiểm nghèo của sinh tử”
Đêm qua, con tự nhủ: “Hiện ngươi đang đi trên con đường vô thượng, vậy mà ngươi vẫn chùn bước và tự dối lừa. Những lời dạy của Sư Phụ chính là những lời vàng ngọc, ngàn kiếp khó gặp, thế nhưng ngươi lại không thật trân quý. Hãy vượt qua và phát tâm chân chánh để chấm dứt mọi khổ đau cho tất cả mọi chúng sanh. Đừng có giải đãi! Hãy bắt đầu bằng việc lễ lạy và hành thiền”.
Vị Thiện Tri Thức bên trong chỉ dạy: “Đừng khởi vọng tưởng. Thứ gì con cho rằng không thể buông thì hãy buông hết ra. Tịnh hóa tâm ý, tâm này. Tất cả có ở trong tâm con chứ không phải bên ngoài. Vắng bặt vọng tưởng và tham độc chính là giác ngộ. Chú tâm đến cực điểm trong khi đi, đứng, nằm, ngồi. Nhất tâm chăm chú, vượt sang bờ bên kia”. Những lời dạy đơn giản thường chứa đựng chân lý thâm thúy nhất.
Đêm qua, trong khi thiền định, con đã đấu tranh với cái đau đớn và tâm bực dọc nhu nhược của mình, nó luôn muốn từ bỏ để làm việc khác. Thật bất ngờ, câu kệ trong Kinh Hoa nghiêm hiện lên:
Lòng chẳng vọng chấp pháp quá khứ
Cũng chẳng tham lấy pháp vị lai
Chẳng thấy hiện tại có pháp trụ
Rõ thấu tam thế đều trống lặng
-Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Hồi Hướng
Tất cả vọng tưởng của con bén sâu trong ba thời. Nếu con nhất tâm thì không có thời cũng không có không (vô) thời. Chỉ là không có gì cả. Tất cả đều “hoàn toàn vắng lặng”. Con động viên mình “Trong việc bái lạy và thiền định, từ giờ trở đi, mi phải thấy như vậy. Chỉ cần “vô niệm/tâm”. Không lo lắng, sợ hãi. Đừng để bị lôi cuốn quá. Hãy buông xả mọi hoài nghi và vọng tưởng.” Thế còn tham chấp thì sao? Con nghĩ những điều con thích và những điều con sợ, những thứ con muốn và những thứ con không muốn. Thứ này, thứ kia, tất cả mọi thứ. Những thứ trong quá khứ con mong có, những thứ con giữ chặt trong hiện tại, và những thứ sẽ đến ở vị lai. Con thầm nghĩ “ngươi định buông bỏ tất cả những thứ trói tâm mình ra sao đây?” Thế rồi, cũng giống như lần trước, Kinh Hoa Nghiêm hiện ra từ nơi trống rỗng của tâm con, với một đoạn mới được phiên dịch.
Nếu Bồ tát có thể không hệ phược với các pháp, thời đối với các pháp cũng không giải thoát. Bởi vì không có chút pháp nào là hiện sanh, đã sanh, sẽ sanh. Không có pháp nào có thể lấy, có thể chấp.Tất cả các pháp : tự tướng nó là như vậy.
-Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Hồi Hướng
Bùm! Có gì rõ ràng hơn thế? Trong hai đoạn kinh văn này là tất cả những gì con cần để làm lắng xuống cái tâm rong ruổi đầy lo lắng của mình. Không lý do gì để con có thể tiếp tục những việc như trước đây: tu hành một chút thì vọng tưởng một chút; tu hành bao nhiêu thì chấp bấy nhiêu. Không hiểu sao, đêm qua, Kinh Hoa Nghiêm đã mở ra một cánh cửa trong tâm con. Trí tuệ của kinh tiếp cho con động lực cần thiết để con được “chín chắn”. Chỉ còn lại sự thực hành duy trì liên tục “tâm thanh khiết, tiếp tục, tiếp tục”. Nếu cuối cùng con không làm cho mọi hoài nghi và những huyên thuyên ngu ngốc của tâm ngừng nghỉ thì ai sẽ làm đây? Bên ngoài không có nơi nào để dựa dẫm, bên trong không có nơi nào để che giấu. Giờ con đã biết rõ rằng vọng tưởng của mình không ổn, những thứ con chấp không phải là thật. Hầu như trong hai năm và chỉ đến giờ con mới thực sự sẵn sàng để bắt đầu nhất tâm bái lạy Vạn Phật Thành.
Tiết trời đang vào xuân. Toàn thể thế gian đang thuyết pháp. Kinh Hoa Nghiêm khắp nơi nơi và mọi thứ đều thuyết giảng “nhất thiết duy tâm tạo, nhất thiết duy tâm tạo”.
Tri ân và hoan hỷ trong Đạo.
đệ tử Quả Đình (Hằng Triều)
cung kính đảnh lễ
Bồ Tát Đạo là nhà
Tháng Tư, 1979
Gần Pt. Reyes, California
Kính thưa Sư Phụ,
Có người nói: “Đi làm đi! Thật uổng phí tài năng làm sao”. Có người lại nói: “Đúng, nhưng tại sao các ông lại từ bỏ những thứ tốt đẹp trên đời? Các ông có thể sống thật thoải mái… một công việc tốt và mọi thứ”.
Tại sao chúng con không “thành đạt”? Khi con đang hoc đại học, số sinh viên còn nhiều hơn số việc cần tuyển. Ai nấy đều căng thẳng, hồi hộp và lo lắng, cạnh tranh khốc liệt đến mức giở trò gian lận và thần kinh suy nhược vì quá lo lắng. Quả thật, đã có nhiều người có thể nói là bị “bệnh lo”.
Tình trạng này không chỉ xảy ra trong lãnh vực dạy học mà toàn bộ thị trường công việc đều thừa thãi người và rất khó để có được một vị trí tốt đẹp. Các bạn học của con, nhiều người đã kết hôn và phải chăm lo cho gia đình. Xoay sở để sống qua ngày không phải là chuyện đơn giản.
Con cũng thấy có nhiều công việc được trả lương cao thì lại đòi hỏi rất nhiều thỏa hiệp. Sự thẳng thắn và tự do cá nhân dường như bị xếp sau để không gây xáo trộn và giữ được chỗ đứng tốt, do đó càng khiến người ta thêm lo lắng và bối rối. Họ lo không có được một công việc tốt, còn khi có việc rồi thì lại lo mất việc.
Con đã tìm những công việc mà không mấy người muốn làm. Phần vì con cảm thấy sẽ bớt đi một người phải lo lắng chuyện kiếm việc hay mất việc, cũng như trợ cấp hay học bổng, cảm thấy như vậy là thành thật và không phải là việc gì to tát. Nó làm giảm đi phần nào sự dằn vặt của người khác và con thích sống một cuộc sống thảnh thơi. Cuộc sống đó cho con nhiều thời gian để nghiên cứu những thứ như yoga, thái cực quyền, đi bộ đường dài (hiking) và thiền định. Những thứ trên tuy không trang trải được mọi thứ nhưng thực sự rất hay.
Khi bắt đầu giảng dạy, con thấy học sinh phải chịu rất nhiều áp lực và không hoàn toàn chắc chắn về cuộc đời mình. Họ có những câu hỏi: “Ta là ai, ta sẽ đi về đâu, thế giới này có quá nhiều bất công và cảnh bần cùng, ta sẽ làm gì đây?” Cái mà con cần dạy không giải quyết được nhu cầu thực tế của họ. Nó không phù hợp với thực tế. Họ học vì điểm, còn con dạy vì tiền lương. Làm sao cái thứ khiến cho các đồng nghiệp của con quá lo lắng và chẳng giúp ích gì cho các học sinh của con, lại đáng theo đuổi như một nghề nghiệp chỉ để kiếm được 15.000-20.000 đô một năm (1) ?
Các bạn sinh viên nhận được hàng trăm lá thư từ chối trên toàn quốc, và ghim chúng trên những cánh cửa văn phòng của họ. Trong các kỳ thi tiến sĩ, anh chàng ngay sát con trong phòng thi hoang mang đến mức đờ người ra. Anh ta chỉ nhìn chằm chằm vào bức tường suốt 8 giờ đồng hồ. Đây là cơ hội cuối cùng để thi đậu, nếu không, anh ta sẽ bị đuổi và mất học bổng đi châu Âu. Anh ta chỉ không chịu nổi áp lực. Khi con chia sẻ cảm tưởng với một vị giáo sư thâm niên trong phân khoa, ông nói một cách thẳng thắn rằng: “Thế nên tôi mới chọn lãnh vực này… anh có thể tránh được những việc này”. Mọi thứ đều như không đúng nữa sau đó.
Bất cứ khi nào con cố giành được một công việc tốt hoặc một vị trí có tiếng tăm là con lại thấy nặng nề và không thành thật. Trong tâm con, con biết mình đang phan duyên, đang gian lận và đang quay lưng lại với lương tâm mình. Khi đó, chính phủ và các doanh nghiệp đầy dẫy nạn tham nhũng và các vụ bê bối. Gần như bất kỳ một công việc tốt nào cũng đều lôi kéo mình đến thứ tà khí này và càng gây thêm khổ đau cho thế gian. Đạo của thế gian là: “Anh mất thì tôi được, ai cũng vì bản thân mình cả”. Con không thể tham gia khi biết như vậy, và cũng không thể buông bỏ nó. Tại sao? Vì con muốn mình là số một ở tất cả mọi thứ. Ham muốn trở thành nhất, thành số một khiến tâm con không còn chân thật nữa và buộc con vào những nút thắt trong một thời gian dài.
Ngay cả những công việc nhỏ cũng đòi hỏi phải “chịu nhục” (eating crow) (mà có lần thầy giáo con gọi là rút lại các nguyên tắc đạo đức của bạn để sống được trên đời). Cuối cùng, con làm công việc trực ca đêm tại khoa tâm thần của bệnh viện vì không thể chấp nhận những phương pháp điều trị sốc điện, thuốc phẫu thuật thùy não và vờ như không biết mình đang làm gì. “Chịu nhục” là sự thua thiệt của mỗi người. Không ai sống đơn độc một mình như một hòn đảo trơ trọi.
Con không còn đủ can đảm hay ảo tưởng để tiếp tục. Con đứng giữa ranh giới của sự cố gắng “tồn tại” và làm những việc phải đạo. Chỉ đến khi tới Kim Sơn Tự (Gold Mountain Monastery), con mới bỏ được cái ranh giới đó và giữ vững lập trường. Bồ Tát Đạo là nhà.
Phật tử, Bồ-Tát này lại tự nghĩ rằng : “Tôi phải tùy thuận tất cả Như Lai, rời tất cả hành vi thế gian, trọn nên tất cả Phật pháp, trụ nơi vô thượng bình đẳng, xem chúng sanh bình đẳng, rõ suốt cảnh giới lìa lỗi, dứt phân biệt, bỏ chấp trước, khéo xuất ly, tâm luôn an trụ nơi thậm thâm trí huệ vô thượng, vô thuyết, vô y, vô động, vô lượng, vô biên, vô tận, vô sắc.”
Phật tử, đây gọi là Đại Bồ-tát Nhiêu Ích Hạnh thứ hai.
-Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Hạnh
Giờ đây, chúng con có một “công việc tốt”, được gọi là “hạnh nhiêu ích”. Cố gắng trở thành số 1 thật vô ích. Ích kỷ làm tổn phước và hao mòn bảo vật bên trong. Truy cầu tự lợi khiến cho toàn thế giới xấu thêm. Chúng ta làm việc cho đức Phật. Đó là công việc tốt nhất ở bất kỳ cõi nào. “Bồ tát bố thí (cho tất cả chúng sanh) bằng việc làm Phật sự” (Kinh Hoa Nghiêm).
Đệ tử Quả Đình (Hằng Triều)
cung kính đảnh lễ
* * *
Tái bút: Chúng con đang ở khu vực để xe của một hiệu giặt tự động. Trong lúc con kết thúc bức thư này, có hai người đàn ông nhìn vào trong xe chúng con. Một người ngó quyển Kinh Hoa Nghiêm đặt trên lòng con và hỏi: “Đang đọc cái gì thế, anh bạn?” Ông ta lắc đầu nói: “Tìm việc mà làm đi chứ!”. Con đang tìm đoạn trích này:
Không làm dơ nhà Phật
Không lìa giới Bồ Tát
Không vui việc thế gian
Luôn lợi ích thế gian
Con nghĩ: “Chúng tôi có việc làm rồi. Đó là ‘không ưa thích việc thế gian’ ”.
* * *
Kính thưa Sư Phụ,
Người đã nói bài kệ này lúc ở Pacifica :
Lời lẽ chủ hư dối
Là khôn khéo ngụy biện
Bảo quý tinh khí thần
Là nhân thành Phật đạo
Trong mộng tắt lời, tâm dừng niệm
Tỉnh ra một chữ vốn hoàn không.
Tên con là Quả Chân, Kết quả của sự Chân thật, bởi vì con đã từng là một kẻ dối trá. Khẩu nghiệp của con rất nặng. Chỉ sau khi thực tập “hồi quang phản chiếu”, “phản cầu chư kỷ” thì con mới nhận ra được tập khí bất thiện của mình về nói lời hư vọng sâu dày đến thế nào. Nó thấm vào tận xương tủy con.
Bồ-tát này thành tựu lời chắc thật đệ nhất… được lời vô nhị của tam thế chư Phật.
-Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Hạnh
Hai tuần qua, con đã viết nửa tá bức thư ngắn cho thầy Hằng Triều nhưng cái nào cũng bị hiểu sai, cũng mang lại kết quả không mong muốn và cần phải viết thêm để làm rõ nghĩa.
Con nhận ra rằng vị hộ pháp của con không tin những gì con nói! Đây là nghiệp nói dối của con. Con phát nguyện dừng viết hẳn, áp dụng đạo lý “vốn không có ngôn từ”.
Sau đó, việc tiếp tục hồi quang giúp con hiểu nhiều hơn. Câu trả lời không phải là cắt đứt lưỡi mà là cắt lìa cái ngã và thói quen nói dối để bảo vệ nó.
Con hỏi: “Bạch Sư phụ, tại sao người ta nói dối?”
Sư Phụ đáp: “Bởi vì người đó muốn che đậy cái xấu của bản thân. Người đó chỉ muốn người khác thấy những điểm tốt của mình nên mới nói dối để giấu tội. Con không nghĩ vậy sao?”
Con hiểu ra câu trả lời chính là không tự [mình] lừa dối mình. Con cũng đâu có tin những gì con nói. Tâm con không thật thà.
“Lời lẽ chủ hư dối
Là khôn khéo ngụy biện”
Cả ngày, con làm gì cũng là vì tự lợi bằng cách né tránh những đạo lý chân thực. Ngôn từ lởn vởn trong đầu óc con mà không có chút thật tâm. Con không ngừng bào chữa cho mình và cho phép mình có hành vi lừa dối mà không hổ thẹn. Con không giữ mình theo những đạo lý mà con biết là chân chánh. Những gì con viết dường như vô nghĩa. Chúng đến và đi như gió ở Bolinas Lagoon, cạnh nơi chúng con đang lạy.
Phương pháp để thanh tịnh nghiệp nói dối là bản thân phải trung thực, chọn đạo lý và coi trọng đạo lý ấy hơn sự ích kỷ và lòng tham danh lợi. Làm theo đạo lý và không khoan thứ cho sự chệch hướng dù là nhỏ nhất. Không tha thứ cho những tư tưởng ích kỷ. Bố thí thiện hạnh để cúng dường chư Phật và hồi hướng công đức tới chúng sanh khắp mọi nơi. Để cho cái tôi dơ bẩn và tập khí bất thiện trở về hư không, nơi mà từ đó chúng đến.
Không ngạc nhiên khi Tự Ngã vẫn đang điều khiển cuộc đời con; con không có chút đức hạnh để có thể chuyển hóa nó. Con không có chút “nội lực” của đức hạnh để chuyển hóa tự tánh chúng sanh theo cái tốt.
Khi lòng tin vào chân tánh của con là vô nhị thì người ta sẽ tin lời con nói. Làm thế nào để đạt được điều đó? “Bảo quý năng lực của mình thì con có thể thành Phật. Vẫn còn mơ? Hãy tịnh khẩu và dừng vọng tưởng…” Nói một cách khác, hãy tu hành! Đừng cố gắng giải quyết bằng ngôn từ. Chính ngôn từ là bệnh. Thay vào đó, tập trung vào kho báu thực sự, phương tiện thực hành vô ngôn: kiếm kim kang, phương pháp lễ lạy, Pháp Luân thanh tịnh thường chuyển. Hồi quang phản chiếu, niệm niệm luôn sám hối. Luôn tin tưởng rằng dương khí mạnh mẽ của Pháp có thể chuyển hóa cái lưỡi gian dối của con thành “lời vô nhị của tam thế chư Phật” (Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Hạnh).
Và nhớ rằng tu hành là việc gieo trồng những hạt giống trí huệ tự nhiên, khỏe mạnh, mới mẻ vào nơi có những tập khí hủ bại ngày xưa. Bằng tâm từ, hãy dẫn dắt nó phát triển một cách nhẹ nhàng, đừng phá hoại nó. Hãy dùng trí huệ. Hãy để nó co giãn một cách tự nhiên như trái tim, như thủy triều vậy. Gượng ép sẽ làm hỏng, sẽ ngăn chặn Pháp.
Dầu chẳng y tựa đường ngôn ngữ
Cũng lại chẳng chấp không ngôn thuyết
-Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Hồi Hướng
Ghi chú:
(1) Tương đuơng 55.000 – 65.000 USD ngày nay (2010).
“Vật bay” xâm nhập Trái đất
Ngày 2 tháng Một, 1979
Phía nam vịnh Bán Nguyệt ( Half Moon Bay)
Kính thưa Sư Phụ,
Giấc mơ tháng trước đã thực sự thúc giục con phải tinh tấn hơn nữa. Trong mơ con thấy: Nó lặng lẽ lướt đến từ không gian bên ngoài, đi qua những dải thiên hà và chỉ trong tích tắc đến được những quãng đường vô tận. Nó khổng lồ, đen và là một thứ hoàn toàn xấu ác. Bị thu hút bởi một đám sương khói bẩn thỉu màu hổ phách, nó đang tiến đến dải thiên hà của chúng ta. Đám sương khói kia là một thứ tà khí có màu, mùi, có kết cấu đang tràn ngập cả vũ trụ của chúng ta. “Vật bay” bị nó hút giống như con ong tìm mật vậy.
Ai cũng tưởng đám sương khói này đẹp như khi ngắm mặt trời lặn đầy màu sắc qua những tầng không khí bị ô nhiễm. Chẳng ai chú ý đến vật bay kia khi nó lặng lẽ tiến vào dải thiên hà của chúng ta, rồi vào Thái dương hệ, và cuối cùng là Trái đất. Trái đất là trung tâm của thứ tà khí thu hút vật bay kia. Vật bay là một thứ xấu xa, đặc, cứng như kim cương và là sự phá hoại. Nó không hề có một chút gì thiện lành cả.
Nó lượn quanh mặt trăng. Sư phụ có thể nhìn thấy dấu chân của các phi hành gia trên bề mặt của mặt trăng. Họ đang nhảy nhót và chơi đùa như những đứa trẻ đang đào cát trong hộp cát (sandbox). Họ chẳng lúc nào để ý đến vật bay kia. Nó có thể biến hình từ kích thước của dải Ngân hà cho đến kích thước một hạt nguyên tử nhanh hơn cả một niệm.
Trên cùng của cầu thang, có một người giống như giáo-sư-đãng-trí sống ở một nơi nguy nga và tuyệt vời. Con hỏi đó là ai thì người ta nói “Ồ, đó là Thượng đế, là Chúa Cha”. Con vô cùng kinh ngạc và nghĩ thầm “Mình sẽ quay trở lại công việc để chống lại vật bay kia”. Sức mạnh của nó vượt xa cả tầm ảnh hưởng của Thượng đế. Ngài đang dự tiệc và như một đứa trẻ vô tư lự, đang chờ đợi niềm vui bất ngờ tiếp theo. Ngài chỉ biết đến vui sướng mà thôi.
Trong một ngôi đền nghĩa trang đầy âm khíkỳ lạ, các tín đồ mặc những tấm áo choàng Hy Lạp – La Mã dài, trắng, tham gia vào các nghi thức kỳ lạ về cái chết và người chết. Nó giống như một nghĩa trang Forest Lawn tà giáo. Họ đang đổ dầu và rượu lên một xác chết, cười đùa như ở nhà. Vật bay vẫn ở đó, điềm nhiên, không một chút xúc cảm.
Một đài phát thanh ở một thành phố lớn: trông bề ngoài thì có vẻ đang phát sóng nhưng bên trong chính là đầu não của vật bay kia. Nó có lẽ hướng dẫn vật bay đi vào với những chương trình phát thanh của nó.
Một “nhà chính trị gia của công chúng” tao nhã, trẻ tuổi, chưa lập gia đình đang ở đài phát thanh. Đó là trụ sở vận động bầu cử của anh ta. Những người phụ tá phấn khởi nói với anh ta rằng có một cuộc cách mạng lớn đang diễn ra tại các trường trung học. Đài đang phát thanh tường thuật các trường học bị giành quyền kiểm soát và kích động bạo lực: “Trường Trung học Orange đã bị chiếm… Trường Trung học Glendale đã bị lấy…… Phía đông của….” Nhà chính trị gia này là một người lạnh lùng và đầy tính toán. Anh ta sẽ dựa vào cuộc cách mạng để đi đến quyền lực chính trị. Đang xảy ra một trận tắm máu – trẻ em đang sát hại cha mẹ và thầy cô của chúng.
Mọi người đang bị mê cuồng nặng, như bị bùa ám vậy. Con tim và tâm trí của họ đã bị tê liệt và vượt ra ngoài tầm lý luận hay lòng thương xót. Trên một phi trường, tất cả đều đã sẵn sàng vì có một chiếc phản lực 707 với một chiếc hoả tiễn đáng sợ được gắn ở mũi máy bay. Không gì có thể chặn được hoả tiễn này. Nó có thể xuyên thủng bất cứ thứ gì và bắn đi bất kỳ nơi đâu. Hoả tiễnnày giống như một mảnh bạc và nó có thể giết một người bằng cách đâm vào mắt, nó cũng có thể xóa sạch một đất nước. Có rất nhiều hoả tiễn như vậy.
Tăng đoàn đang làm việc cả ngày lẫn đêm theo từng nhóm. Họ không bị mê cuồng và họ có thể thấy được tà khí của vật bay kia ở tất cả các hình dạng của nó. Chúng con đến mọi nơi, chiến đấu với nó và gieo trồng những hạt giống thiện, vô hiệu hóa độc tố. Phương pháp của chúng con là Chú Đại Bi và các Chú khác. Chú Đại Bi tụng ở nơi nào thì nơi đó xuất hiện một vòng hào quang rực rỡ và thanh tịnh. Vòng hào quang rất sáng và chân chánh, giống như màu sắc trên bờ biển khi mặt trời ló rạng sau cơn mưa. Màu của đám sương-khói-và-vật bay là màu hổ phách đặc của một bức ảnh cũ kỹ, một căn gác ngột ngạt không có cửa sổ.
Tôi sẽ làm ánh sáng cho tất cả chúng sanh, khiến họ được trí quang diệt si ám; tôi sẽ làm ngọn đuốc cho tất cả chúng sanh để phá tất cả tối vô minh cho họ; tôi sẽ là đèn cho tất cả chúng sanh khiến họ an trụ nơi rốt ráo thanh tịnh.
-Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Hồi Hướng
Tăng đoàn là ánh sáng tinh khiết, đi đến mọi nơi và không sợ điều gì. Chúng con bảo mọi người chỉ cần thành tâm trì chú và “minh tâm kiến tánh”. Thần chú giúp được tất cả một cách vô hình. Rất nhiều người nhận được cảm ứng của chú Đại Bi. “Minh tâm” – lời này được khắc sâu bên trong và xuyên thủng đám sương khói kia. Bất cứ nơi nào Chú được tụng lên thì một thứ thiện lực trong sạch xuyên thủng màn u ám. Những ai thấy được đều hồi thiện.
Chúng con di chuyển bằng xe đạp, xe gắn máy hoặc đi bộ, nói với những người bạn của chúng con và cả với những người có nhân duyên. Nhưng vật bay kia rất to lớn và những nỗ lực của chúng con dường như chỉ là cố gắng ngăn chặn một cơn bão bằng một sợi lông mi. Thế nhưng sức mạnh của Chú là vô thượng và không thể bị phá hủy.
Một người thợ điện đã phối hợp với chúng con và có thể đi qua vài đường dây trong một tấm bảng phía trong của đài phát thanh. Đài này trông có vẻ giống như một công ty dịch vụ công cộng bình thường, nhưng với sự khéo léo của người thợ điện, chúng con đã có thể thấy phía trong là vật bay kia, những nghi lễ tà về cái chết, nhà chính trị gia và một làn sóng của cái ác được phát thanh liên tục.
Ai cũng biết vật bay kia. Nhưng họ thấy nó là một thứ tốt lành. Họ bị mù quáng không thấy được bản chất thực sự của nó vì còn đang mải đắm chìm trong làn sương khói. Họ nói: “Ồ, thật hấp dẫn – giống như truyện khoa học viễn tưởng vậy!” Họ đang hợp nhất tâm trí của mình với nó cũng giống như giáo phái nhà xác vậy. Mặc dù vật bay đang ăn tươi nuốt sống và khuấy đảo cuộc đời họ nhưng họ bị thôi miên và cảm thấy hưng phấn với điều đó. Không ai có thể phân biệt phải trái, đúng sai – họ không còn có “đôi mắt chân chánh” nữa. Sự mù quáng tập hợp đó thật ớn lạnh và khủng khiếp.
Vật bay, phản lực-hỏa tiễn, đài phát thanh, cuộc cách mạng trong trường học, những tôn giáo kỳ lạ và nhà chính trị khôn khéo, tất cả đều có liên hệ với nhau. Vật bay sẽ vào hầm tên lửa ngầm để đẻ trứng. Đài phát thanh và nhà xác là tổ của nó. Phần lớn mọi thứ được diễn ra phía sau màn ảnh. Chỉ cần có người thợ điện bí ẩn đó để thấy xuyên vào đài phát thanh.
Thượng Đế giống như một người chỉ huy sở chữa cháy đang chơi bài mà không nhận ra mình sẽ bị thiêu bởi một khu rừng bốc cháy. Ngay phía dưới thiên đường của Ngài là tất cả những hoả tiễnhủy diệt trong hầm này đã sẵn sàng để phóng đi. Những hầm hoả tiễn trông giống như các ống đàn phong cầm hay tác phẩm điêu khắc và không ai có thể thấy vật bay đi vào đẻ trứng trong đó.
Người thợ điện để cho chúng con nghe phần giới thiệu chương trình của đài với một giọng nói âm vang chải chuốt “Và các bạn hãy nhớ… giết, giết, giết…” Hiện dần lên là một ca sĩ nhạc dân gian nổi tiếng đang che đậy thông điệp xấu với một bài hát đơn giản: “Nơi này là của bạn…” Bài hát khiến thông điệp trở nên dễ nghe.
Có nhiều người tự treo cổ mình trong một buổi lễ có nhiều màu sắc. Đó là một nhóm tôn giáo. Họ đang tự sát để đạt được một loại cảnh giới và cứu rỗi nào đó. Cái chết và vô minh đang được chuyền sang nhau. Những người này cũng đang bị thôi miên và không có một chút ánh sáng trí tuệ nào.
Khi tỉnh dậy, lòng quyết tâm của con càng thêm sâu. Lực lượng ma quỷ và bóng tối to lớn tạo bởi nghiệp bất thiện chỉ có thể được ngăn chặn bằng cách tu hành. Thứ thực sự có giá trị là Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn, Chú Đại Bi và Chú Lăng Nghiêm.
Và trên hết, một trái tim thanh tịnh – một trái tim bao la, không vị kỷ, thiện lành và trong sáng. Đó là nơi ánh sáng đến trong giấc mơ của con, những người thanh tịnh, an lạc đang tụng chú và hồi hướng lợi lạc đến toàn thể chúng sanh. Nhà chính trị gia tuy có màu sắc nhưng không có ánh sáng. Nó là thứ màu của thức ăn ngon và mỹ phẩm chứ không phải ánh sáng của trí tuệ và lòng từ bi. Những người có tâm từ bi trong giấc mơ giống như những mặt trời bé nhỏ của từ, bi, hỉ, xả. Dù những nỗ lực của chúng con dường như nhỏ bé so với bóng tối to lớn nhưng chúng trong sạch và được tạo ra bởi những trái tim bao la vì tất cả mọi người.
Tôi phải như mặt trời, chiếu khắp tất cả mà chẳng cầu báo ân; chúng sanh có kẻ ác hại tôi, tôi đều dung thọ trọn chẳng do đây mà bỏ thệ nguyện; chẳng vì một chúng sanh ác mà bỏ tất cả chúng sanh, tôi chỉ riêng tu tập thiện căn hồi hướng, khiến khắp chúng sanh đều được an lạc. Thiện căn dầu ít, nhưng vì nhiếp khắp chúng sanh tôi dùng tâm hoan hỷ hồi hướng quảng đại. Nếu có thiện căn mà chẳng muốn lợi ích tất cả chúng sanh thời chẳng gọi là hồi hướng.
-Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Hồi Hướng
Điều cốt yếu là không ích kỷ và đại từ bi.
An lạc trong Pháp,
Đệ tử Quả Đình (Hằng Triều)
cung kính đảnh lễ
Vở Kịch Lớn
Tháng 5 năm 1979
Bãi biển Stinson, Olema, Nhà ga PT. Reyes và Points North
Kính thưa Sư Phụ,
Những ngôn ngữ của các chúng sanh
Trong đó rốt ráo vô sở đắc.
Rõ biết danh tướng đều phân biệt.
Hiểu rõ các pháp đều vô ngã.
-Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Hồi Hướng
Bái lạy dọc theo một quãng đường quốc lộ dài vắng vẻ – bên phải là Rừng Quốc Gia Mt. Tamalpais, bên trái là Thái Bình Dương – không khí buổi sáng mát lành, tĩnh lặng và thanh tịnh. Trái lại, trong tâm trí con là một rạp xiếc của sự ngụy biện, tranh luận ngu ngốc về việc sẽ tu hành cái gì để chấm dứt tâm phân biệt và đạt tới vô ngã.
Bước đi nặng trĩu những lời chỉ dẫn, tất cả đều bị hiểu sai. Dùng đạo lý để kiểm soát từng cử động, từng bước đi, phải làm sao cho đúng. Đúng ư? Sai rồi! Tại sao? Vì nghĩ ngợi không thể trị được vọng tưởng. Hễ con nghĩ mình đã hiểu bản thân và sự tu hành thì cũng là lúc không phải như vậy. Cái hiểu đó là giả. Dùng ngôn từ để phân biệt ngôn từ là một mê cung vô tận, là cái bẫy của phiền não, là đường cùng và là một trở ngại lớn.
Có gì không ổn ở đây nhỉ? Nó đang gắn với niệm tham ái rằng trong cảnh giới của ngôn từ và suy nghĩ, có thứ có thể nắm bắt được. Nó đang truy cầu, và trong Kinh có nói “Mọi thứ rốt ráo đều bất khả đắc”.
Con đưa câu Kinh vào trong khối óc, và ra rồi! Cả cái rạp xiếc rơi vào im lặng. Tâm con bỗng nhiên thấy nhẹ như một cơn gió thoảng.
Đạt vô cầu xứ tiện vô ưu. (Đạt đến chỗ “không mong cầu” tất hết lo)
Tất cả đều là một vở kịch! Không có gì là thật cả. Ha! Con đã lo lắng tìm kiếm cái lợi ích nhỏ bé và lừa gạt mình đi vào vở kịch. Phiền não tức Bồ đề, nhưng cần phải dụng công mới chuyển được.
Bồ tát biết tất cả chỉ là một vở kịch lớn. Ngài không bị dính vào đạo cụ, Ngài không chấp vào cảnh vật, Ngài không biến hoàn cảnh của mình thành nghiêm trọng. Ngài muốn mọi chúng sanh biết được rằng đừng chấp pháp, kể cả thân này. Không có gì là tồn tại cả. Ngay khi coi thế giới này là thật thì cũng là lúc nhận lấy khổ đau.
Sự thật căn bản của Phật pháp là: mọi thứ đều là khổ do vô minh và ái dục đã được huân tập. Nó dựa trên tà kiến về sự tồn tại của cái “tôi” và “của tôi”, và con thấy rõ nó trở lại mỗi khi con cố điều khiển thế giới này bằng sức mạnh của thân, khẩu, ý. Khi con xả bỏ tất cả và chỉ tu đạo với một trái tim hoan hỷ, thanh tịnh thì mọi thứ lại đâu vào đó.
Các báo, tùy nghiệp sanh
Giả dối như giấc mơ
Luôn luôn thường diệt hoại
Không người tác nghiệp
-Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Bồ Tát Vấn Minh
Đó là bí mật. Bồ tát dùng pháp nói với ngài rằng mọi cảnh giới đều bình đẳng, trống rỗng và vô ngã. Và với trí huệ này, ngài giải thoát khỏi khổ đau. Không còn tự ngã thì ai lo lắng đây? Không còn tự ngã thì ai cảm giác đau khổ? Còn có gì để tham ái trong khi tự ngã không còn mong cầu cái lợi cho “số 1 của ngày xưa” nữa?
Một người bình thường, trước khi tu hành, có thể nghe những lời này và nói “Nhưng làm sao có thể như vậy được chứ? Hãy nhìn đống hóa đơn chưa thanh toán trên bàn tôi đi! Hãy nhìn những tờ báo đầy rẫy cái xấu và nỗi khổ đau bất tận mà xem! Hãy nhìn 2 chỗ húp dưới mắt tôi. Hôm nay tôi phải đầu tắt mặt tối và tôi chán ngán lắm rồi! Kinh lại nói rằng đó là một vở kịch. Làm sao tôi có thể tin được chứ?”
Như mặt gương sáng sạch
Tùy theo cảnh đối tượng
Hiện bóng sai khác nhau
Nghiệp tánh cũng như vậy.
-Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Bồ Tát Vấn Minh
Vậy thì tại sao lại không buông xuống cái giả và lo tu Đạo? Tại sao con không nhận thấy sự thanh tịnh, bình đẳng của Phật pháp vô thượng? Tại sao lại không? Bởi vì từ kiếp vô thủy vô chung con đã bị rơi vào cái bẫy của vở kịch, lang thang qua các màn kịch bất tận của Vở Kịch Lớn. Bị lòng nghi ngờ che mờ, bị nỗi sợ hãi thúc đẩy, con đã không tin vào con đường giải thoát. Tu tập hoàn toàn tùy thuộc vào mỗi người. Con gieo nhân gì thì sẽ gặt quả nấy.
Cũng như ruộng gieo giống
Chúng đều chẳng biết nhau
Tự nhiên mọc lên cây
Nghiệp tánh cũng như vậy.
-Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Bồ Tát Vấn Minh
Chư Phật và Bồ tát đã nhẫn nại nói đi nói lại với chúng ta rằng “Mọi chuyện đều ổn cả. Căn bản không hề có rắc rối nào, nhưng chúng ta cứ tự rước rắc rối cho mình. Hãy dừng sự luyên thuyên của tâm trí và mọi sự đều được giải quyết”.
Hôm nay con có thể viết ra điều này một cách dễ dàng. Nhưng do nghiệp vô minh nặng nề và sự ham cầu, hôm nay con sẽ có khả năng ra ngoài và lại bắt đầu hối thúc con đường Đạo trong tâm trí. Hôm qua con đã như vậy và bắt được cả lồng ma qủy. Con sẽ tiếp tục làm vậy cho đến khi nhân mà con đã gieo trong quá khứ bị mất hết. Trong khi ấy, con sẽ không có ý định dừng tu tập và than vãn về vận rủi và sự ngu si của quá khứ. Giờ con muốn gieo trồng những hạt giống thiện. Tín tâm của con đối với phước điền của Phật ngày càng lớn.
Tuần này chúng con bái lạy trong trời gió mạnh, mặt đen kịt vì cát bụi, tập trung vào đan điền ở giữa cơ thể để không bị thổi về phía sau mỗi lần đứng dậy.
Một người đàn ông dừng xe tải và nói “Thật đáng kinh ngạc. Các Thầy chỉ dùng tâm để vượt qua mọi trở ngại và khổ đau sao?”
Con nghĩ “Đúng vậy, và không phải buồn cười sao khi tâm cũng chính là nguồn gốc của chướng ngại và khổ đau?” Nếu biết rằng tất cả chỉ là một vở kịch và đừng để tâm bám chấp và cái thiện hay tránh xa cái bất thiện, hãy chỉ ra ngoài và tu tập hạnh thanh tịnh để làm lợi cho người thì chướng ngại và khổ đau không thể cản trở được, và chúng cũng không làm khổ ta được. Tất cả đều bình đẳng. Nó không khiến bạn bớt đau nhưng nó cũng không làm phiền bạn nữa. Không có gì quan trọng cả, kể cả sinh tử. Không còn gì quan trọng nữa. “Nếu con có thể hiểu thực sự rằng mọi việc đều OK, chỉ từng đó nhưng vi diệu không thế nói hết” đó là lời Hòa Thượng nói vào tháng trước, gần Bolinas Lagoon.
Kinh nói rằng:
Nếu được nơi thế gian
Trọn xa lìa chấp trước
Vô ngại lòng hoan hỷ
Nơi pháp được khai ngộ.
-Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Đâu Suất Kệ Tán
Người đàn ông kia hỏi “Các Thầy không dùng đồ đạc (tư lương) gì đặc biệt sao?” Con nghĩ “Thực ra thì có đấy”. Y giới này khiến chúng con có thể quay về. Chúng con có cuốn Kinh chỉ đường (Đạo). Chúng con có Thiện tri thức bảo vệ và chỉ dạy. Chúng con đang nuôi dưỡng tín tâm đối với Tam Bảo. Chúng con hổ thẹn vì phải mất rất lâu để thức tỉnh và quay về chân thật tu hành. Đây đều là tư lương. Nhưng nó sẵn có cho tất cả mọi người.
Đệ tử của Phật,
Quả Chân (Hằng Thật)
Cung kính đảnh lễ
Tất cả đều là thử thách!
16 Tháng Năm, 1979
Marconi Cove
Sư Phụ từ giám,
Con là ai? Cái thân thể này của con là vay mượn và rồi tất cả sẽ sớm về với cát bụi. Dẫu con cố gắng thế nào cũng không thể giữ cho nó khỏi tan rã. Nó là như thế . Con có phải là những gì con nghĩ không? Có lẽ như nhà triết học Descartes từng nói, “Tôi tư duy, vì thế tôi tồn tại (Cogito ergo sum).” Nhưng dường như suy nghĩ của con còn không thực bằng thân thể con. Chúng cũng như sương sớm mai vụt tan rã trước giờ trưa. Tâm là một cơn gió thoảng.
Sáng nay, con thức dậy và bước ra ngoài. Trời vẫn còn tối và tĩnh lặng. Không một chiếc xe, một bóng người –chỉ là hơi sương từ Vịnh Tomales và một vài chú chim. Con bắt đầu cười nhạo quãng thời gian và sức lực mà con đã phí phạm cho việc chiều chuộng cái tôi này và những gì thuộc về tôi! Thật là một sự lãng phí! Trong bức tranh to lớn ấy chẳng hề có con trong đó. Con thật là ngốc nghếch mà! Con đã rong đuổi vọng tưởng và chấp trước cho đến khi ngập cổtrong biển khổ và phiền não này. Ấy vậy mà con chẳng hề hay biết.
Những gì con đã làm thật điên đảo, “ kết hợp với sự đảo ngược” như Kinh Hoa Nghiêm đã dạy. Thậm chí con chẳng hề hay rằng nó là sai trái. Thỉnh thoảng, con thấy dường như tu hành chẳng mang lại kết quả nào. Tất cả những gì con làm chỉ là mắc lỗi. Nhưng, tự bản thân tu hành lại là một lời đáp. Nhận ra những lỗi lầm của mình chính là đang nhận được kết quả.
Tu hành thanh tịnh một lát và rồi có một cách nhìn khác về thế giới này khiến ta thấy rõ ràng hơn đâu là thật, đâu là giả. Sự tương phản rất lớn. Sự tu hành mang đến một cái nhìn sắc bén hơn. Cắt bỏ lớp da và lớp mỡ giả dối này, lộ ra những đốt xương trần trụi. Nhưng giờ đây trước mắt con, con lại bội giác hiệp trần. Chỉ mỗi một hành vi vô minh, “ mầm đau khổ” lại nảy nở, chỉ trong khoảnh khắc một vài giờ trôi qua, con lại vướng mắc vào các nhân liên kết của sự duyên khởi. Tất cả đều rất thật, không phải là triết lý trừu tượng, “Vô minh duyên hành, hành duyên thức…cho đến khổ và chết.” Cũng chẳng cần đến thần thông mới có thể hiểu được rằng chúng ta đã trải qua những vòng quay sinh tử không có điểm bắt đầu, “bị bao phủ bởi lớp màng vô minh.”
Trong vòng vài giây, nhanh như một niệm, là ta có thể quên hết tất cả Chánh Pháp của Đức Phật và rơi vào tà kiến. Ngay trước mặt con là cả câu chuyện. Mỗi một ý niệm trôi qua, con biết tại sao con không phải là Phật và làm cách nào con có thể là Ngài. Có kệ rằng,
Tất cả đều là thử thách,
Để xem bạn làm gì;
Lầm những gì trước mắt,
Quay làm lại từ đầu.
Đêm qua, sau một ngày dài vất vả trì lạy, con đang pha trà ở phía sau đuôi xe. Trời sẩm tối, vài dặm không có đến một bóng người. Con thư giãn một tí và để cho tâm trí và đôi mắt con lang thang, đắm mình trong cảnh hoàng hôn trên biển tuyệt đẹp trong khi chờ nước sôi. Con ngừng trì tụng Chú Đại Bi và ” đem tâm phá giới nhìn ngắm sắc đẹp của người” (Kinh Phạm Võng).
Bất chợt, một chiếc xe ngừng ngay bên cạnh con. Hai người phụ nữ trẻ bước ra khỏi xe . “Xin chào, thầy có cần chút thức ăn cho ngày mai không?”, họ hỏi chúng con. Con có cảm giác con “nhận ra” một trong hai người phụ nữ này, mặc dù con chắc chắn chưa hề gặp cô ấy trước đó. Đó là một kiểu nhận biết khác thường. Tâm trí con xao động. Nhanh hơn cả trở bàn tay, con có cảm giác như cả một nghìn con sâu đổ ào và tràn ra khắp mặt đất.
…Lầm những gì trước mắt, Quay làm lại từ đầu.
Con mất cảnh giác chỉ trong một phút chốc và rơi xuống cả ngàn thước. Trèo lên thì khó, mà trượt xuống thì rất dễ. Đó có phải là dở không? Phải và không. Chúng ta cố gắng tu hành mỗi ngày và không lo lắng về thành công hay thất bại, cao hay thấp. Nếu nó tốt, chúng ta không nhảy lên vì vui sướng. Nếu nó xấu , chúng ta không khóc lóc và nói rằng “Dở làm sao !” Tất cả mọi thứ đều nói Pháp chẳng có điều chi là thật. Vì vậy chúng ta nỗ lực nghe theo và hướng thiện và khi điều đó đến thì đón nhận. Chẳng có gì là dở trừ khi bạn cho nó là dở .
Nếu con thất bại hay gục ngã, thì đó là một bài học. Nếu con đạt được chút thành tựu, thì đó là một thử thách. Trong tu hành, mọi thứ đều tự nhiên vận hành theo quy luật tốt nhất. Chẳng cần phải lo lắng hay lập kế hoạch hay tính toán cho điều này điều kia suốt cả ngày. Hãy thật “thanh tịnh, an bình, và hoan hỷ” là thông điệp của Đức Phật. “Hồi quang phản chiếu.”
Vì vậy, nếu chúng ta tu hành trong một chốc lát và không qua được thử thách, chúng ta không bị trượt quá xa như khi chúng ta chẳng tu hành gì cả. Tu hành là mãi mãi.
Con đã cười nhạo mình vào sáng nay vì con đã thấu được cái nhìn nhỏ nhặt và thiển cận của con nó trông như thế nào. Con cười vì con đã điên đảo và gánh lấy khổ đau, trong khi lúc nào cũng cho rằng mình rất thông minh và làm mọi việc một cách ổn thoả.
Con đang học đoạn này trong Kinh Hoa Nghiêm được vài tuần rồi, con đã không thể hiểu được nó. Và bây giờ con tiếp tục trở lại với nó giống như mảnh kim loại bị hút bởi nam châm vậy. Đoạn này cảm giác rất thật như điều con tự nhiên biết từ bên trong:
Chư Phật tử ! Bồ tát này lại nghĩ rằng : Chánh pháp của Chư Phật thậm thâm như vậy, tịch tịnh như vậy, tịch diệt như vậy, không, vô tướng, vô nguyện như vậy, vô nhiễm như vậy, vô lượng, quảng đại như vậy, mà hành phàm phu sa vào tà kiến, bị vô minh che lòa, dựng cao tràng kiêu mạn, vào trong lưới khát ái, đi trong rừng rậm dua dối không tự ra được. Lòng luôn đi đôi với tham lam ganh ghét, thường tạo, những nhơn duyên thọ sanh trong các loài, tham, sân, si gây thành những nghiệp ngày đêm thêm lớn mãi, do gió phẫn hận thổi ngọn lửa tâm thức hực hực không tắt, phàm họ nói hay làm đều là điên đảo. Dục lưu, hữu lưu, vô minh lưu, kiến lưu nói luôn phát khởi chủng tử tâm ý thức. Trong ruộng tam giới lại mọc mầm khổ, chính là chẳng rời danh sắc. Danh sắc này thêm lớn, thành tụ lạc của sáu loài. Trong đó đối nhau mà sanh ra xúc, do xúc sanh thọ, nhơn thọ sanh ái, vì ái tăng trưởng nên sanh thủ, vì thủ tăng trưởng nên sanh hữu mà có hữu nảo. Chúng sanh thêm hớn quả khổ, trong đây là trống rỗng lìa ngã và ngã sở, vô tri vô giác, vô giác vô thọ như cỏ cây, đá vách, cũng như vang bóng. Nhưng chúng sanh vẫn không hay không biết.
Bồ Tát thấy chúng sanh không thể thoát khỏi khổ quả như vậy, liền phát sanh đại bi trí huệ tự nghĩ rằng : Tôi phải cứu vớt tất cả chúng sanh này đặt họ ở chỗ rốt ráo an lạc. Do vì suy nghĩ phát tâm như vậy nên sanh trí huệ quang minh đại từ.
-Kinh Hoa Nghiêm Phẩm Thập Địa
Con mở Kinh Hoa Nghiêm vào sáng nay và đọc lại đoạn này một lần nữa. Bất chợt con bắt đầu hiểu. Nó đã xác nhận những gì mà con thấy từ lỗi lầm của bản thân con và trì lạy trên con đường với người đồng hành của con. Có lần, con đã đọc đoạn văn này và nó dường như thật là khó hiểu. Ngày hôm nay, con đọc lại cũng đoạn ấy và nó soi rọi tâm trí con. Con đã mê lầmchứ không phải do Kinh khó hiểu.
Trái tim con được soi sáng. Chậm rãi, từng chút một, con biết rằng con có thể thoát khỏi cái nhà tù thế gian này. Và, nếu con có thể đào thoát được, vậy chắc chắn rằng con sẽ có thể giúp những người khác thoát khỏi và “đặt họ ở chỗ rốt ráo an lạc.” Tu hành rất gian nan và rất hạnh phúc. Hướng thiện thật sự khó. Làm lợi cho người khác là niềm hạnh phúc. Từ bi soi sáng thế giới này.
Đệ Tử Quả Đình (Hằng Triều)
Kính lạy
***
Cũng như nước đục khi tĩnh sẽ trong, nếu chúng ta chân thật tu hành thì nước của tâm sẽ tự trong.
Một người phụ nữ già dành cả cuộc đời trong bóng đêm
Tháng năm, ngày 18,1979
Marconie Cove
Kính thưa Sư Phụ,
Ngày hôm nay thật yên tĩnh, vắng vẻ. Tiếng chuông của con tàu theo gió thổi từ một trong những chiếc thuyền đánh cả thả neo ở vịnh. Một con rắn chết nằm dài trên đường. Một làn sương mỏng bao phủ bốn ngày đã bay lên. Một quyết tâm dụng công tinh tấn hơn: bái lạy nhất tâm hơn và thật sự dừng bặt vọng tưởng. Trở thành người có tâm thật sự thanh tịnh – lành thay! Nhất tâm bái lạy là nhà. Xuất gia cũng là nhà.
Niềm vui sanh khởi vì tôi rời bỏ nhân địa phàm phu. Niềm vui sanh khởi vì tôi đến gần Trí Địa.
–Kinh Hoa Nghiêm
Bên trong là một cảm giác bình yên ngay tại lúc này là nơi con đúng ra phải an trụ .
Một bao trái cây và vài bông hoa tươi treo trên cửa xe vào lúc cuối ngày. Bên trong là một bức thư ngắn:
Tôi là một người phụ nữ già nua ngốc nghếch đã lãng phí cả cuộc đời mình trong bóng tối.
Ba năm trước, tôi được cho nhìn thoáng qua sự giác ngộ, và lúc này tôi cố gắng đem chân lý áp dụng vào cuộc sống hằng ngày. Điều đó quả thật không dễ chút nào. Xin các thầy cầu nguyện cho tôi.
Ký tên,”Baraka Bashad”
An lạc trong Đạo,
Đệ tử Quả Đình (Hằng Triều)
kính lạy
Tư tánh của con chứa hết thảy các pháp
Ngày 13 tháng 5, 1979.
Kính thưa Sư Phụ,
Tiết mục Hoa Nghiêm trân trọng giới thiệu bộ phim dài nhất của Pháp Giới: Vở Kịch Bồ Đề. Diễn viên chính: Tự Tánh!
Cảnh do tâm hiện
-Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng tháng 2, 1979
Tâm của người hành giả không cho phép dù chỉ một niệm phiền não. Một niệm ích kỷ sẽ chiêu cảm ma đến, giống như con cá rỉ máu thu hút lũ cá mập vậy. Một niệm sân giận nổ tung như một trái bom, rưới xuống tâm con với những mảnh đau đớn từ các phía. Một niệm chê bai khiến con thấy mình như bước vào hang nhện – tất cả mọi niệm của con đều quay trở lại và bẫy con vào một cái mạng. Đó là một cảm giác khủng khiếp. Một niệm lo lắng hay hoài nghi khiến con trở nên cô đơn nơi tận cùng của thế giới, nơi không có ánh mặt trời. Những trạng thái này thật như thời tiết bên ngoài vậy. Nếu con để chúng bám trụ trong con, chúng sẽ hiện thành những con quỷ bằng xương bằng thịt ngay trước mắt con.
Ví như thấy chư Phật
Nhiều hình sắc sai khác
Tùy tâm hành chúng-sanh
Thấy các cõi cũng khác.
-Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Hoa Tạng Thế Giới
Nhưng, chỉ cần hồi quang và vung kiếm trí huệ, rồi mọi cảnh giới đều trở về khởi thủy. Một niệm thiện từ, bi, hỉ, xả đem ánh sáng của Phật về với tâm ta rất nhanh chóng. Sự thư thái, nhẹ nhõm mà ta cảm nhận được là vô lượng vô biên.
Tự tánh của con chứa hết thảy các pháp. Nó vốn thanh tịnh nhưng con lại phân biệt nơi tâm. Tất cả các pháp đều bình đẳng, nhưng con cứ mặc kệ và khởi niệm phân biệt vì ngu si. Vô minh khởi lên từ dục. Dục niệm tạo nên cái ngã (self) – tồn tại một người muốn đi chệch hướng và muốn đạt được thứ gì đó. Dục tạo ra sự ích kỷ, lòng tham theo ngay sau đó. Lòng tham là chất độc; nó có sức mạnh phá hủy toàn bộ thế giới. Nhưng nó lại không đến từ đâu ngoài tâm niệm của con.
Các báo, tùy nghiệp sanh
Giả dối như giấc mơ
Luôn luôn thường diệt hoại
Như trước, sau cũng vậy.
-Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Bồ Tát Vấn Minh
Mọi rắc rối và phiền não, và cuối cùng sinh tử đi theo con đường này, ra khỏi tự tánh tịch tịnh, viên mãn. Nó xảy ra từ hết niệm này đến niệm khác.
Nó giống như một bộ phim mà con lúc nào cũng xem ở trong tâm mình. Khi con coi đó là thật và để nó đi ra khỏi các căn (senses), con soi chiếu vào thế giới này. Rồi con mua một tấm vé để xem vở kịch vui về khổ đau. Bất kể bộ phim là hài kịch hay bi kịch thì nó cũng đã tạo nên một cái tôi hư giả để cảm thấy khổ đau hay hạnh phúc và phân biệt các pháp.
Cứ theo nghiệp đã tạo
Sanh quả báu như vậy
Ðều không có tác-giả
Ðây là lời chư Phật.
-Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Bồ Tát Vấn Minh
Khi con nghe theo lời chỉ dạy và dùng Phật pháp để quay các niệm về lại màn ảnh trước khi chúng chạy qua khỏi các căn (sense-gates) thì mọi thứ đều ổn. Tu hành là thực tập một phương pháp để đưa những niệm này về nơi chúng khởi lên. Sự chú tâm là tấm vé. Tâm niệm của con là toàn bộ cuốn phim. Kéo chúng lại và bộ phim bị gián đoạn. Pháp Giới giải tán vì không còn cái tôi nào để hiểu cả. Tham dục là chất keo kết nối cuốn phim, từng cảnh một. Đoạn dục và chúng ta bước ngay ra khỏi bộ phim, tự do đến đi. Không phải là những niệm đó dừng lại, mà là chúng không còn lôi kéo được chúng ta nữa. Chúng ta điều khiển bộ phim thay vì bị nó điều khiển. Vốn không có gì cần làm cả. Mọi thứ tự diễn ra rất tự nhiên mà không có ngôn từ nào, cái tôi nào và vấn đề nào cả.
Chúng ta xem loại phim gì? Nó tùy thuộc vào cái nhân mà chúng ta gieo trồng. Phật địa không gì ngoài một niệm của Nhân địa đã viên mãn. Địa ngục đến từ những niệm phiền não và những ý nghĩ ngu si.
Đêm qua khi con ngồi ở trong chiếc xe hơi Plymouth trong suốt thời công phu khuya, tâm con rơi vào hang rắn của sự hoài nghi. Áp lực và sự không thoải mái về tinh thần đã tăng trưởng đột ngột khiến con không thể chịu nổi. Con kiềm lại và thật vậy con đã đánh rơi thanh gươm trí huệ và ngừng chú tâm vào việc hồi quang phản chiếu. Con đã để các tư tưởng của con trôi dạt đi. Như con tàu không bánh lái, con đang hướng thẳng đến đá ngầm. Con nghĩ “Trước đây mình đã từng đi qua bộ phim này rồi, đó là một câu chuyện ghê rợn về lòng tham, sự sợ hãi và tham dục ích kỷ. HÃY DỪNG LẠI!” Vung gươm lên. Chém! Nguồn khí sau lưng của sự nghi ngờ tiêu cực này quay trở về tâm điểm và con cười lớn tiếng. Rốt cuộc thì đó là tất cả sự vô minh của con đã đưa đẩy con, khiến con nhảy múa như một con rối được điều khiển bằng những dây.
Nào ngờ tánh mình vốn sẵn đầy đủ.
Nào ngờ tánh mình hay sanh muôn pháp”.
-Pháp Bảo Đàn Kinh
Thật là một bộ phim khôi hài! Có lúc nó là phim hoạt hình Looney Tunes, có khi nó là kịch mê-lô, đôi khi nó là thước phim du lịch đi qua Ba Đường Khổ, có khi nó là một vở thiên trường ca. Đó là tất cả bộ phim của con, nhưng con không thể thấy mình ở bất kỳ đâu. Khi con có công phu, con ngồi và lặng nhìn nó quay. Tuy nhiên, con thường quên rằng đó là một bộ phim, con dừng tu hành, nhặt một cảnh con thích, hoặc chạy ra khỏi cảnh nào con không thích, và Rầm! Chuyến tàu tốc hành của vọng tưởng làm bẹp một chúng sanh vô minh khác. Hãy tĩnh tại, Quả Chân. Hãy an lạc, tu hành và xem màn trình diễn!
Con đã học cách xem mọi thứ là “vô sự”.
Quán sát pháp sanh diệt theo duyên mà không bám chấp. Mọi chuyện đều ok.
-Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng tháng 11 năm 1977
Đệ tử Quả Chân (Hằng Thật)
Cung kính đảnh lễ
Đến một ngày, bạn sẽ biết Thiền là cao nhất
Ngày 24 tháng 5, 1979
Blackes Landing, California
Sư phụ từ giám,
Chúng con gặp rất nhiều kiểu người khác nhau trên đường. Nhưng rõ ràng những người hạnh phúc nhất, khỏe mạnh nhất đều hoạt động, tập thể dục. Mọi người dừng lại để chạy bộ, đạp xe, tập Thái cực quyền hay yoga hoặc chỉ là đi bộ. Một số người làm việc bên ngoài cả ngày. Tất cả họ đều hừng hực sức trẻ. Nó giống như dòng nước luân lưu thì tinh khiết và trong trẻo, còn nước ứ đọng thì trở nên xấu đi. Thuật châm cứu cũng có cùng nguyên lý: năng lượng tự do lưu thông là chìa khóa của sự khỏe mạnh và sống thọ.
Đây là giá trị của việc ngủ ngồi – nó giữ cho máu và năng lượng tự do lưu chuyển, thậm chí ngay cả khi ngủ, trừ phi dựa vào các vật. Đêm qua, khi ngủ trong tư thế thiền định, con dựa lưng vào mấy cái bao tải đựng đồ. Sáng nay thân thể con cứng ngắc và đau nhức. Khi con có thể ngồi thẳng lưng mà không tựa hoặc dùng vật để chống đỡ cơ thể, thì con thức dậy cảm thấy như mình vừa tắm mát xong hoặc như tập xong một bài Thái cực quyền. Vọng tưởng cũng gây tẵc nghẽn lưu thông như vậy. Sự bám chấp khiến trở nên cứng nhắc, đau mỏi. Không trụ vào đâu, không dựa vào thứ gì chính là bản chất tự nhiên của chúng ta.
Con đã để mắt đến chiếc áo len thầy Hằng Thật có. Con không cần áo len, đó chỉ là vọng tưởng khởi lên. Chiếc áo len đại diện cho tham ái (mọi dục vọng là một dục vọng). Chúng con đã bái lạy trong trời lạnh giá, gió rít mạnh, và sức ép của sự tu hành lên đến tột đỉnh. Không người, không trò chuyện, không thị trấn – tâm con đang đối mặt với sự trống trải và lúng túng. Trong một lúc bốc đồng, con đã cầm lên chiếc áo len. Thầy Hằng Thật thấy sự thích thú của con và đã cho con chiếc áo len. Con đã “ăn cắp” chiếc áo. Do bị sức ép nên con đã làm. Lập tức con cảm thấy có sự thay đổi. Không khí trở nên nặng nề và dày đặc. Con cảm thấy mình đang bị nghẹt thở trong một hang động nhỏ. Đôi mắt con đầy bụi, cảm thấy chiếc áo len thật khó chịu và gò bó. Khi thiền, nó khiến con không thể chịu đựng nổi. Vì vậy con cởi trả lại chiếc áo. Ngay lúc đó, thế gian trở nên rộng lớn, mát mẻ và êm dịu trở lại. Mắt con hết bụi, không còn cảm thấy nặng nề, khó thở nữa. A! lại về nhà! Đó là một bài học hay: lòng tham và sở hữu nhiều thứ làm tắc nghẽn lưu thông, lòng tự lợi là gốc khổ đau và bất an của cả bản thân mình và cả thế gian.
Không lỗi lầm, rộng lớn thanh tịnh, hoan hỷ vui thích, lìa những ưu não, tâm ý nhu nhuyến các căn thanh lương. (1)
-Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Hồi Hướng
Mỗi vọng tưởng và bám chấp, các tham, sân, si gây gián đoạn sự lưu thông. Phiền não lấy mất năng lượng của chúng con. Lo lắng, ghanh tỵ, cao ngạo, sợ hãi dập tắt nguồn ánh sáng và khiến chúng ta mau già. Bất cứ thứ gì mà húng ta không thể nhìn xuyên thấu và buông xã làm che lấp trí huệ sáng suốt của mình. Điều này giống như cười làm cho ta trẻ trung và buồn khóc khiến chúng ta già nua. Cùng một đạo lý giống nhau. Giữ giới thanh tịnh và nhất tâm chuyên chú là nguồn phước, hạnh phúc và ánh sáng trí tuệ thanh tịnh. Khi có thể làm như vậy, chúng ta giống như những đứa trẻ không có nếp nhăn hay mối bận tâm mà tràn đầy năng lượng mùa xuân. Nhưng ngay khi chúng ta giận dữ hay khởi vọng tưởng, phiền phức xuất hiện từ nơi không có gì. Đây là năng lượng của mùa đông.
Thật sự mà nói, tâm (tâm thanh tịnh) là ông chủ. Khi chúng con thành tâm bái lạy, nếu trời lạnh, chúng con thấy ấm áp, nếu trời quá nóng, nó sẽ làm dịu mát. Mưa dông gió giật cũng không thành vấn đề. Dù cho có chuyện gì xảy ra, tâm luôn cảm thấy “ổn”. Nhưng ngay khi chúng con khởi vọng tưởng hay giận dữ, trời nóng lại càng nóng hơn, trời lạnh lại càng lạnh hơn. Gió mưa khiến chúng con giận dữ và chúng con muốn chiến đấu với chúng. Nếu chúng con bị phân tâm, những con bọ và côn trùng khiến chúng con phiền phức. Chúng con càng thấy nóng, chúng càng phá rối. Tất cả do tâm tạo. Cội nguồn của sức khỏe và hạnh phúc là “một tâm thức Giải thoát, không bám chấp, không ràng buộc”. Khi có chánh niệm, mọi thứ đều ổn.
Tập thể dục cho thân thể thì tốt. Nhưng cho dù chúng con có đối tốt với cái túi da này đến đâu, nó cũng sẽ xấu đi và tan rã. Vị thầy dạy Thái cực quyền của con có lần nói “một ngày nào đó, bạn sẽ biết rằng Thiền là cao nhất”. Quay trở lại Pacifica, khi con luyện Thái cực quyền phía bên ngoài một tiệm giặt máy tự đông vào một buổi sáng sớm, con đã có được sự hiểu biết này, “Nếu con không có vọng tưởng và không bám chấp, con sẽ không cần tập Thái cực quyền. Khởi thủy vốn không có chướng ngại hay thiếu sót. Theo tự nhiên, chúng ta khỏe mạnh và tự do. Vọng tưởng và bám chấp tạo ra mọi rắc rối của chúng con – chúng cũng khiến cho thế giới xấu đi”. Bởi vậy có câu:
Huyệt đạo (châm cứu) có năng lực nhất nằm ngay trong tâm ta.
Đây là một bài học lớn trên hành trình bái hương này: “Tất cả do tâm tạo”. Con đường của thế gian là phá hủy những thứ bên trong bạn và cố tạo vẻ bề ngoài tốt đẹp. Con đường tu đạo là về nguồn, tịnh hóa tâm thức và quên đi cái bề mặt hời hợt. Con đang nhìn xem vọng tưởng muốn làm số 1 của mình làm chặn sự lưu thông của mình ra sao. Con chạy đuổi theo hình tướng (dục) khiến con lãng phí năng lượng của mình. Các thói quen xấu và tà kiến làm chặn sự lưu thông của những người khác và chặn dòng năng lượng trên thế gian. Toàn Pháp Giới là một thể – hoàn toàn hợp nhất và bao trùm khắp nơi. Không gì tồn tại độc lập được. Không ai đứng một mình.
Chúng sinh và Pháp giới vốn không hai
Pháp giới và tự tánh là bất nhị.
-Kinh Hoa Nghiêm
Chúng con tu hành và mọi người đều được lợi. Nếu chúng con không tu hành, mọi người đều bị thiệt thòi. Mọi thứ tạo nên từ thân, khẩu và ý có ảnh hưởng đến mọi chúng sinh. Nếu những gì con làm là tốt, thế giới được cải thiện một chút. Nếu những gì con làm là ích kỷ thì mọi người phải hứng chịu khổ. Điều đó trở nên thật rõ ràng với chúng con, những gì đáng quan tâm là những thứ có trong tâm trí chúng con. Thật dễ để che dấu sau vỏ bọc và thực hiện mộtmàn trình diễn hay nhưng sớm muộn gì thì sự thật cũng lộ ra. Tại sao không buông tất cả xuống và nỗ lực hết sức mình? Có việc gì quan trọng hơn ngoài việc tu tập tâm thanh tịnh? Mọi chúng sinh sẽ cùng chứng quả Phật, còn gì đáng giá hơn? Có một điều đặc biệt về việc bái lạy trong thời tiết khắc nghiệt là đã dọn dẹp mọi rác rưởi và khiến việc tu đạo trở nên cao thượng và vững vàng hơn băt kỳ thứ gì.
Như núi Tu Di cao sừng sững trải dài qua các biển lớn,
Khiến các đỉnh những núi cao khác trở nên thấp hơn…
-Phần Tựa Kinh Hoa Nghiêm
Mỗi ngày sự thật về việc tu hành lại sáng lạn thêm cùng với niềm hoan hỷ tăng trưởng. Giống như một bài hát “Tôi rất may mắn được học Phật pháp”. Khi chúng con dụng công nơi tâm địa, chúng con làm việc vì mọi người. Âm thanh của thế gian là âm thanh của trái tim chính mình.
An lành trong đạo
Đệ tử Quả Đình (Hằng Triều)
Cung kính đảnh lễ
Ghi chú của ban Phiên Dịch Việt Ngữ:
(1) Nguyên văn Hoa ngữ: http://www.cbeta.org/result/normal/T10/0279_024.htm
T10n0279_p0129b10(02)║「佛子!此菩薩摩訶薩隨順修學去、來、
T10n0279_p0129b11(03)║現在諸佛世尊迴向之道。如是修學迴向道時,
T10n0279_p0129b12(01)║見一切色乃至觸法若美、若惡,不生愛憎,
T10n0279_p0129b13(02)║心得自在;無諸過失,廣大清淨;歡喜悅樂,
T10n0279_p0129b14(03)║離諸憂惱;心意柔軟,諸根清涼。
Phật tử!Thử bồ tát ma ha tát tùy thuận tu học khứ lai、
hiện tại chư Phật Thế Tôn hồi hướng chi đạo。Như thị tu học hồi hướng đạo thì,
kiến nhất thiết sắc nãi chí xúc pháp nhược mỹ, nhược ác bất sanh ái tăng,
tâm đắc tự tại;vô chư quá thất, quảng đại thanh tịnh;hoan hỉ duyệt nhạc,
ly chư ưu não;tâm ý nhu nhuyễn, chư căn thanh lương。
Tôi đã tu tập Tham Sân Si
Ngày 21 tháng 6 năm 1979
Duncan’s Landing, Califonia.
Kính thưa Sư Phụ,
Đến cuối ngày, có một người đàn ông đi đến bằng một chiếc xe tải nhỏ và dừng lại. Anh ta nói: “Tôi đã theo dõi anh. Tôi nghĩ anh đang sám hối cho những tội lỗi của con người. Tại sao anh không tham gia vào Peace Corps (1) hay giúp đỡ người nghèo? Ồ, cũng tốt thôi, anh đang làm những việc của anh, tôi đoán vậy”
Nhìn bề ngoài thì sự tu hành chỉ là “ làm việc gì đó cho chính mình”, nhưng thực sự, đó là làm cho tất cả mọi người. Tại sao có chiến tranh và khổ đau trên thế giới? Bởi do tâm ích kỷ và luôn mong cầu “thêm nữa”. Tại sao có nghèo khổ và bất công? Bởi do vọng tưởng của tham, sân, si (Tham lam, nóng giận và ngu dốt). Mọi rắc rối và các vấn đề của thế giới đều bắt nguồn từ trong tâm. Nếu con không tự làm sạch và chấm dứt nội chiến bên trong chính bản tâm, thì làm sao con có thể giúp thế giới? Bớt dục vọng cũng là dẹp bỏ chiến tranh. Ngừng vọng tưởng trong tâm thực sự là giúp cho toàn thế giới bên ngoài. Bởi vậy có câu:
Tiểu thế-giới tức là đại thế-giới và đại thế-giới tức là tiểu thế-giới, thế-giới rộng tức là thế-giới hẹp và thế-giới hẹp tức là thế-giới rộng, một thế-giới tức là bất-khả-thuyết thế-giới và bất-khả-thuyết thế-giới tức là một thế-giới , bất-khả-thuyết thế-giới vào trong một thế-giới và một thế-giới vào trong bất-khả-thuyết thế-giới . (2)
-Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm thứ mười bẩy: Sơ phát tâm công đức
Cái thế giới tham lam nhỏ bé trong con làm lớn thêm sự tham lam to lớn của thế giới. Sự giận dữ, ngu si nhỏ bé trong con góp phần cho thế giới của lòng sân hận và sự ngu si kia thêm lớn. Làm sao thế giới lớn ngoài kia có thể thay đổi nếu thế giới nhỏ trong con không thay đổi? Chúng đan quyện vào nhau. Nếu con giữ giới luật thanh tịnh, thì khi đó thế giới nhỏ thiện lành này có thể “vào bất khả thuyết thế giới”. Sự tĩnh tại nhỏ bé của con góp phần cho sự tĩnh lặng rộng lớn hơn và hòa bình vũ trụ. Nếu con có thể tu tập trí huệ, thì điều thiện trên thế giới sẽ tăng trưởng một cách tự nhiên. Cũng tương tự như thế, nếu con không nhận ra và sửa đổi lỗi lầm của mình, thì năng lượng xấu này sẽ gây ô nhiễm cho thế giới và ô nhiễm tới tất cả mọi người và mọi vật dù con không muốn hay biết đến.
Tu hành là vì tất cả chúng sinh trong các thế giới đến cùng tận của hư không.
Con đã không thường thấy điều đó theo cách này. Nhưng tuần trước, một gia đình trẻ ở gần Tomales đã đưa con trở lại tiếp xúc với những phần cuộc sống của con mà trước đây con đã không nhận ra được rõ ràng. Gia đình đó sống trong một nông trại tại một thung lũng nhỏ. Họ sống rất lành mạnh và cơ bản. Họ có bốn đứa con, họ tự trồng lấy hầu hết lương thực. Họ đã “trở về thực tại”, sống tự nhiên với những giá trị và đạo đức truyền thống. Tất cả nhà cửa, mọi thứ trong cuộc sống của họ đều toát lên một điều rằng: “Ít ham muốn, biết đủ”.
Họ đã mời thức ăn và nước uống khi chúng con lễ lạy ngang qua và nói “ cảm ơn”. Tất cả họ đều mạnh khỏe, hạnh phúc và đơn giản. Họ có đôi mắt, khuôn mặt trong sáng. Những phúc lành mà họ có thật hiển hiện và dồi dào. Quả báo lành như vậy có được do họ đã trồng nhân tốt từ lâu xa thủa trước. Những người có cuộc sống hạnh phúc và không bị tai ách, khốn cùng là do họ đã giữ giới luật đạo đức trong quá khứ. Có được sức khỏe, con cái trung nghĩa, không kẻ thù, và tâm an lành là do tu lục độ Ba la mật: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí huệ. Nhân nào, quả nấy. Mọi thứ ta có ngày hôm nay là do nhân đã gieo trồng trong quá khứ. Tương lai được tạo bởi những việc làm hôm nay.
Tất cả quả báo do nghiệp mà ra.
Kinh Hoa Nghiêm
Gia đình hạnh phúc, “giàu có” này khiến con hồi quang phản chiếu cội nguồn sâu xa và phước báo của mình. Con sinh ra trong một gia đình tốt và có nhiều phước báo. Trong vài năm học đại học, con đã đi sai đường và đã làm cạn kiệt gần hết những phước báo của mình. Khi có thiện căn thâm sâu và có nhiều phước báo, thì có thể mở ra cánh cửa để xuất gia và tu Đạo. Đây chính là phước điền cao cả nhất. Nó vượt trội hơn tất cả những sự giàu có và hạnh phúc tốt đẹp nhất của thế gian. Nhưng hưởng những phước này thì sẽ làm hết phước. Con đã từ bỏ những cơ hội tu hành vì đã không buông bỏ được cái tâm “có thêm nữa, luôn luôn muốn thêm nữa “. Con đã lưỡng lự mãi giữa ranh giới cho đến khi sắp kiệt lực. Một tay bám vào lòng tham muốn và tay kia muốn vươn tới trí huệ, điều này đã sinh ra một kẻ thật kỳ lạ: Một kẻ cố gắng chấm dứt đau khổ bằng sự khổ đau hơn. Anh ta phá phạm giới luật, quay lưng lại với cha mẹ, thầy lành, giao du bạn xấu, xem thường nhân quả, coi như trò chơi. Anh ta thả mình trong khoái lạc, nhạo báng và ăn ké khắp nơi. Anh ta ở giữa đúng và sai, giữa thuần khiết và ô uế, và nhận lấy những điều tồi tệ nhất từ cả hai – giống như trà bị ngâm trong nước hơi ấm thôi vậy.
Con đã không nhận ra là con cố gắng để được tự do bằng cách nổi loạn, phóng đãng, nhàn rỗi. Con cắt bỏ giới định huệ và tu tham sân si suốt ngày đêm mà không thấy mệt mỏi. Vì thế, khi đang lễ lạy ngang qua trang trại nhỏ này, con đã suy nghĩ về những năm tháng điên đảo đã qua và làm thế nào mà con đã xóa sạch gần hết khối gia sản tự nhiên sẵn có của mình. Con đã thấy mình sai lầm và ích kỷ như thế nào. Con chẳng thể trách ai cả ngoài chính mình. Tuy nhiên, lúc này đây, con đã thật hạnh phúc và may mắn, là một tu sĩ Phật Giáo đang lễ lạy về Vạn Phật Thánh Thành với người bạn đường tốt. Làm sao mà có thể được như vậy? Con nghĩ, mặc dù có thể bị trôi dạt xa khỏi những điều chân thật và chánh đáng đến đâu đi nữa, thì chỉ một việc làm tốt – một niệm ăn năn và hối cải – cũng có thể kéo chúng ta quay trở lại với đưa trở về phước điền của Phật. Phước điền của Phật san bằng các dị biệt, xóa đi mọi tội lỗi, diệt trừ tất cả phiền não.
Điều này khiến cho tất cả mọi người được vui vẻ và an lạc. Với chỉ một niệm, người ta có thể quay lại và trở về nhà. Phước điền của Phật vốn chẳng đến cũng chẳng đi, chỉ bởi chúng ta quên lãng, không để ý đến nó. Nó chẳng từ chối ai cả, cũng giống như trái đất vĩ đại:
Như Đại Địa là một,
Sanh trưởng đủ lọai mầm,
Đất không ý ưa ghét,
Phật phước điền cũng vậy. (3)
(Kinh Hoa Nghiêm)
Bình an trong Đạo
Đệ Tử Quả Đình (Hằng Triều)
Cung kính đảnh lễ
Tái bút: Cũng giống như nước đục nếu để yên lặng sẽ lắng trong, nếu chúng ta tu hành chân thật, thì màn nước vô minh tâm trí sẽ tự nhiên trở nên thanh tịnh. Con không nên lo lắng, ngụy tạo, hay cố giữ lấy những lợi ích cá nhân. Việc chạy ra bên ngoài để tìm kiếm những thứ tốt đẹp nhất, to lớn nhất chỉ mang lại những rắc rối và mất mát. Con đã từng luôn niệm bản “kinh”: “ nhiều nữa, nhiều nữa, luôn luôn nhiều hơn nữa”, và chẳng bao giờ thỏa mãn. Giờ đây, con đang học niệm câu: “ Thế nào cũng được, không có vấn đề gì. Những gì mình có là đủ rồi”. Và như thế, mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn.
Tái bút lần nữa: Con đã cố gắng kiếm chế nói năng để bắt được tâm loạn động của mình. Nhưng việc không nói chuyện và cố gắng hộ pháp cũng có những lúc khôi hài. Tuần trước, George Miller ở Bay Ranch đã mời chúng con dừng chân khi ngang qua chỗ ở của ông ấy. Chúng con không nhận lời mời thăm viếng người, do đó chúng con đã không có kế hoạch dừng lại.
Nhưng, khi chúng con lạy ngang qua trang trại đó, có một cậu bé đi ra và nói:
“Chào các ông, cháu là Peter Miller. Các ông có thể đến nhà cháu không?”
Con nghĩ cậu bé này đủ lớn để biết đọc, nên con viết lên miếng giấy: “ Không, chúng tôi không đến thăm”. Peter nhìn miếng giấy một cách chăm chú rồi nói: “Tốt, các ông đến ngay nhé?”
Con lại viết một miếng giấy nữa: “Chúng tôi không thể ghé thăm vì chúng tôi đã hứa là không làm những việc như vậy”
Cậu ta nhìn miếng giấy và gật đầu ra chiều hiểu ý rồi nói: “Ồ, tốt. Thế lúc nào ông nghĩ là có thể ghé qua?” cậu bé nói một cách rất tươi vui.
Peter không biết đọc. Nên con đã ra hiệu: “ Được rồi, chúng tôi sẽ ngừng lại vào lúc 7 giờ”, rồi chỉ vào số 7 trên đồng hồ của con. Peter gật đầu và tỏ vẻ rất hài lòng.
Peter cũng không biết xem giờ.
Đến 5 giờ, cậu ta quay trở lại và xem chúng con ngồi thiền và vá y. Cậu bé cứ luôn nhìn vào bức ảnh của Quán Thế Âm Bồ Tát treo trên cửa kiếng xe hơi và hỏi: “Các ông đến bây giờ chứ? Chúng tôi có rất nhiều nước. Các ông có thể mang tất cả các bình đựng nước đi và lấy đầy các bình.” Chúng con đã đi.
Việc cúng dường nước thì được – đó không phải là việc thăm viếng và chúng con đã không phải ghé qua căn nhà của họ và trò chuyện. Peter đã rất vui vẻ. Cậu ta chỉ cho chúng con những con dê của cậu và cúng dường diêm quẹt và cà rốt. Bằng cách nào đó dù không dùng lời, đồng hồ hay gây cảm giác xúc phạm nào, mọi thứ đã diễn ra rất tốt đẹp. Con nhận ra được một bài học nữa.
Ghi chú của ban Phiên Dịch Việt Ngữ:
(1) Peace Coprs: Một tổ chức thiện nguyện của Hoa Kỳ có tầm vóc quốc tế chuyên giúp đỡ thế giới http://en.wikipedia.org/wiki/Peace_Corps
(2) Nguyên văn Hoa ngữ: http://www.cbeta.org/result/normal/T10/0279_017.htm
T10n0279_p0089c03(04)║小世界即是大世界,
T10n0279_p0089c04(05)║大世界即是小世界;廣世界即是狹世界,
T10n0279_p0089c05(06)║狹世界即是廣世界;一世界即是不可說世界,
T10n0279_p0089c06(05)║不可說世界即是一世界;不可說世界入一世界,
T10n0279_p0089c07(03)║一世界入不可說世界
Tiểu thế giới tức thị đại thế giới, đại thế giới tức thị tiểu thế giới
Quảng thế giới tức thị hiệp thế giới, hiệp thế giới tức thị quảng thế giới
Nhất thế giới tức thị bất khả thuyết thế giới, bất khả thuyết thế giới tức thị nhất thế giới
Bất khả thuyết thế giới nhập nhất thế giới, nhất thế giới nhập bất khả thuyết thế giới.
(3) Nguyên văn Hoa ngữ: http://www.cbeta.org/result/normal/T09/0278_005.htm
T09n0278_p0428b01(00)║「譬如大地一, 能生種種芽,
T09n0278_p0428b02(00)║於彼無怨親, 佛福田亦然。
Thí như đại địa nhất
Năng sanh chủng chủng nha
Ư bỉ vô oán thân
Phật phúc điền diệc nhiên
Ngũ Vị Làm Tê Lưỡi
Ngày 23 tháng 6 năm 1979
Shell Beach, Quận hạt Sonoma
Kính thưa Sư Phụ,
Khi đạt đến chỗ không mong cầu,
Thì không còn lo lắng . (1)
Ngày hôm qua con có được một trận cười lớn. Cuộc sống của con rã rời ngay trước mắt con. Tự tánh cá nhân tan chảy như băng tuyết dưới ánh nắng mặt trời. Con cảm thấy vừa ngốc nghếch vừa vui vẻ. Con không thể làm gì khác hơn ngoài việc tiếp tục lạy và luôn tự hỏi: “Mình là ai?” Con không biết con là ai, nhưng con có thể nhìn thấy bóng ma của mình, đó là một kẻ giả tạo. Quả Chân, “Quả Chân Thật,” là một diễn viên. Mọi việc con làm chỉ là giả bộ; diễn kịch cho người khác xem. Vào một lúc nào đó trong vô số kiếp về trước, con có ý tưởng rằng con là một nhân vật rất lớn và quan trọng hàng đầu! Nhân vật số một! Do đó, mọi hành động, lời nói, suy nghĩ của con đều là để phù hợp với hình ảnh giả tạo này. Con nói dối để diễn tiếp vở kịch. Con đeo đủ các mặt nạ, giả tạo tác phong và hành động để trở thành người đứng số một, là “Cây súng nhanh nhất trong thị trấn”.
Một lượng năng lượng khổng lồ biết bao đã dành vào vở hài kịch con diễn này. Trải qua bao nhiêu ngày ở nơi đây, giữa xa lộ vắng vẻ cùng đàn chim hải âu, con tìm kiếm và vất vả, đấu tranh và bực bội, lo lắng về chút tiện ích này, chút lợi nhỏ kia. Thật là điên rồ và con sẽ tiếp tục làm suốt cuộc đời mình. Chẳng ai buộc con phải giả tạo. Chẳng ai khác viết kịch bản cho cuộc đời con. Cùng một lúc, con vừa là tác giả, vừa là diễn viên, vừa là khán giả, và cũng là nhà phê bình.
Tại sao không làm cuộc đời thành một vở kịch hay với chánh tri kiến, từ bi, bố thí và hoan hỷ? Thế gian tràn đầy những nỗi đau nên không có lý do gì để làm tăng thêm đau khổ nữa. Sự mê lầm của con từ đâu đến? Từ lòng tham lam, sân hận, ngu si cùng với sự chấp trước khổng lồ về bản ngã. Sai lầm tệ hại nhất của con, ngoài việc giả tạo, là tìm tự lợi. Vì con tự cho rằng mình là số một, là nhân vật đặc biệt, con tạo ra rất nhiều nghiệp xấu bằng cách thực hiện lòng ham muốn của bản thân. Con tìm kiếm danh lợi trong tất cả việc mình làm. Con không quay ánh sáng trở lại (hồi quang). Thay vào đó, con để năng lượng của mình chạy ra ngoài tìm kiếm những lợi lộc nhỏ nhoi. Con khuấy động mặt nước vốn tĩnh lặng của tự tánh thanh tịnh. Giờ đây, con nhận thức ra những lỗi lầm của mình và vẫn đang trả giá cho những sai lầm đó. Nguyên thủy vốn chẳng có thanh tịnh hay ô nhiễm, nhưng dòng nước xiết của phiền não cứ mãi tạt vào con cho đến khi những đợt sóng do con khuấy động lên từ từ lắng đọng. Trước đây con chỉ biết nhận vào. Con rất keo kiệt và xem thế giới này chỉ là nơi để con thỏa mãn lòng tham của con, là nơi để con tranh đấu và trút cơn giận, là sân khấu để con phô bày sự ngu si của mình. Con cảm thấy thế là vì công việc của con là trở thành số một, quy luật duy nhất của thế giới keo kiệt là con tự do lấy thật nhiều tùy khả năng và chẳng cho đi cái gì cả. Càng nhiều càng tốt. Đó là sự thành công, là khôn ngoan. Đó đã là sự nổi tiếng.
Từ phụ nữ, con lấy đồ ăn, nơi nương tựa và tình cảm yêu thương. Từ đàn ông, con lấy kiến thức và “ánh sáng”. Với những người thông minh hơn, con đã phải chiến đấu và lừa gạt, nói dối và vu khống. Với những người kém hơn, con đạp lên hay làm ngơ. Con cảm thấy xấu hổ vô cùng cho những tổn thương mà tự con đã gây ra do sự tìm kiếm ích kỷ của con để trở thành người giỏi nhất. Trên hết tất cả, con rất lấy làm tiếc cho những việc cho ra mà con đã bỏ lỡ. Cuộc đời con từng là như thế – chả trách con cảm thấy cô đơn, sợ hãi trong một thời gian thật dài; đó chính xác là nghiệp mà con đã gây tạo ra.
Chân thật nhận lỗi mình.
Không bàn tán lỗi người.
Lỗi người là lỗi mình.
Đồng thể tức Đại Bi. (2)
-Hòa thượng Tuyên Hóa
Nhưng đó đã không phải là câu kệ mà con đã học. Con đã luôn tụng niệm nó theo cách này:
Nhanh chóng che lỗi mình
Vạch tất cả lỗi người
Lỗi người là lợi mình
Cảm thấy hơn mọi người
Gọi là Đại Ích Kỷ.
Quả Chân.
Khi con học trò chơi của cuộc đời lớn lên trong thế giới ích kỷ này, con đã cho rằng mình phải thật to lớn, khỏe mạnh, rắn chắc và cường tráng. Do đó, con luôn ăn rất nhiều, làm bộ thông thái và khôn ngoan, học rộng, nhiều liên hệ, thạo tin và chuyên nghiệp. Con cần phải biết mọi thứ. Cho nên, con vẫn đọc bảng số xe khi chúng chạy ngang qua. Con đã cho rằng mình ở bên trong vòng tròn, một phần của đám đông, nhóm tốt nhất. Nên con vẫn cố gắng quan hệ và liên kết với mọi người. Do con tịnh khẩu, nên cũng đã có những lúc buồn cười. Con cho rằng mình cần phải dễ ưa, hấp dẫn, có sức lôi cuốn và đẹp trai. Nên con vẫn giữ nụ cười máy móc giả tạo. Con cho rằng mình có quyền lực. Nên con ép buộc mình vào thế giới và không bao giờ chịu nhường bước. Con cho rằng mình là người có tinh thần trách nhiệm và nghiêm túc. Nên con không bao giờ xem nhẹ cuộc sống. Con cho rằng mình là người có khả năng, có năng lực, giỏi giang và thoải mái, cứng rắn và nhanh nhẹn, một lực sĩ giỏi, là người chiến thắng. Cho dù thế nào, con không thể là người thất bại, con phải chiến thắng!
Bồ Tát nguyện độ tất cả chúng sinh vĩnh viễn thoát ly khổ nạn, họ luôn luôn mở rộng lòng từ bi và không hề có ý niệm mưu hại ai.
-Kinh Hoa Nghiêm
Do con đã học rằng con phải trở thành người nổi tiếng, con vẫn cạnh tranh với Hằng Triều mọi lúc. Tên của trò chơi ấy là gì? Ăn ít ư? Được rồi, thầy ấy ăn bao nhiêu, con sẽ ăn ít hơn. Lễ lạy nhiều hơn ư? Con thà chết khô thành xương, chứ nhất định không lấy nước uống trước Hằng Triều. Ngồi thiền lâu hơn ư? Con sẽ không tháo chân cho đến khi thầy ấy đi ngủ. A ha! Thật xấu xa và ngu si biết bao cái quan niệm tìm kiếm trở thành số một này. Chẳng trách vì vậy con không thể nhận thức được lòng Đại Bi. Con không tu tập lòng Đại Bi. Con tu tập tâm Đại Ghanh Đua. Hôm thứ sáu vừa qua, chúng con bị một chai bia ném vào xuyên qua cửa sổ, con đã thức tỉnh khỏi cảnh giới này. Cái chai trúng ngay sau ảnh của Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát. Đó chính là những tư tưởng giận dữ của chính con đang hiển hiện trước mắt con. Bằng cách quay lưng lại với lòng Đại Bi, con đã ngoảnh mặt với Quán Thế Âm Bồ Tát.
Đây chính xác là nơi các cuộc chiến bắt đầu. Con trút ra năng lượng xấu xa, những xung động ô trược vào bầu khí quyển với mong muốn trở thành số một. Hành động này biến con trở thành một kẻ đạo đức giả, một kẻ nói dối. Và nó chẳng bao giờ kết thúc. Con từng biết những người đạt tới đỉnh cao của sự thành công về vật chất, quyền lực và danh vọng. Hầu hết bọn họ vẫn phải đấu tranh với những tay súng trẻ – những người đến thách thức cho vị trí đứng đầu đó. Những tay súng lớn thì vẫn luôn luôn đói khát, vẫn tìm kiếm nhiều hơn, luôn luôn thêm nữa.
Con đã cố gắng hết sức để trở thành ngôi sao. Con đã làm việc rất chăm chỉ cho vở kịch, đã đeo đúng các mặt nạ, phủ đúng bộ lông theo mùa, nói những điều dối trá đúng lúc khi con cần ghi điểm để trở thành người chiến thắng lớn. Con muốn tránh bỏ những điều này. Quả Chân – kẻ nói dối – đã rời vũ đài. Con bỏ cuộc chiến. Con không muốn làm số một. Trò chơi mang lại cho con nỗi bất hạnh và nghiệp xấu. Bằng tính ích kỷ của mình, con đã gây ra bao nhiêu rắc rối cho những người mà con biết. Tại sao chúng ta đấu tranh? Con đấu tranh vì con sợ phải đứng một mình. Tự đáy lòng, con biết cuối cùng rồi mình cũng phải chết và điều ấy khiến con sợ hãi. Nên, con đang cố nắm lấy thế giới và tìm kiếm những bằng chứng rằng con sẽ không phải bị đau khổ và chết. Con đã và đang luôn cảm thấy rằng nếu mình có thể tạo dựng cuộc đời mình khác thường và đầy thú vị, thật vĩ đại và nhiều ý vị, thì con sẽ ít bị tổn thương và có thể quên đi cái chết. Nhưng thực tế không phải như vậy. Moi thứ trên thế giới này đều giả dối và không thật, ngay cả những “thứ tốt nhất” mà mọi người hằng ao ước. Giàu có rồi trộm mất. Tình dục giống như là một tổ rắn độc đầy rắc rối và thương đau. Danh tiếng chỉ là hư vô, giống như gió khuấy động những con sóng đại dương. Thực phẩm cung cấp năng lượng cho cơ thể cũng giống như xe cần xăng. Ngủ vùi làm lãng phí thời gian quí giá. Điều gì còn sót lại sau cùng hay cái gì là chân thật trong những thứ đó? Tất cả chỉ là vô thường, giống như một giấc mơ.
Đức Phật vốn đã là một thái tử sắp kế vị ngôi vua. Ngài có tất cả những thứ tốt đẹp nhất trên cõi đời: của cải, quyền lực, xa hoa, và danh tiếng. Nhưng Ngài đã thức tỉnh thấy ra sự thật rằng, cho dù cuộc sống của Ngài có tốt đẹp thế nào thì cũng vẫn sẽ phải chết. Ngài đã nhận ra cuộc sống tất cả đều là vô nghĩa khi đối mặt với cái chết. Vàng dù có chất thành đống cao như núi cũng không mua chuộc được Quỷ Vô Thường khi mạng sống của chúng ta hết. Đức Phật đã nhận ra điều đó và ra đi để giải quyết vấn đề sinh tử. Ngài đã thành công. Ngài đã trở thành người số một thực sự trên thế gian. Ngài để lại những lời dạy và khuyến khích để chúng ta cũng có thể tu tập cho chính mình ra khỏi bánh xe đau khổ. Cái gì cản trở trên con đường đó? Ngũ dục và chấp Ngã. Quan niệm sai lầm về bản ngã bắt rễ sâu trong dục vọng. Dục vọng là nguyên nhân của sanh tử.
Ngay khi có dục vọng,
Là có ngay ích kỷ.
Khi có lòng ích kỷ,
Thì lòng tham khởi lên.
Khi vừa có lòng tham,
Mọi rắc rối bắt đầu.
-Hòa thượng Tuyên Hóa, năm 1979
Ví dụ, con đã chưa từng biết rằng con có một ham muốn lớn về đồ ăn và vị ngon cho đến tuần này. Hằng Triều nói với con rằng, trong suốt hai năm hành hương lễ lạy qua, ngày ngày Thầy ấy đã thấy con như thả mình vào bữa ăn với đôi mắt sáng long lanh như xuất thần vậy. Hai má đỏ ửng lên, lưng thì sụp xuống, khuôn mặt nở một nụ cười rạng rỡ như đứa bé sau bữa ăn, như kẻ say trong ly rượu của mình. Đó là sau khi con đã nuốt đủ những thức ăn dinh dưỡng được nấu rất hợp khẩu vị. Con đã rất ngạc nhiên khi nghe điều đó. Con đã chẳng ý thức được là mình đã rơi vào trạng thái đam mê như vậy. Con chỉ biết rằng chánh niệm và khả năng tập trung tinh thần như biến mất vào lúc ăn trưa và chúng chỉ được phục hồi trở lại vài giờ sau khi thức ăn được tiêu hóa.
Suốt một tuần con đã quan sát con quỷ đói trong con trỗi dậy. Thật vậy, ngay khi con nêm chút muối mè, nước tương, dầu vào rau, thì hai má con trở nên nóng ran và đôi mắt bừng sáng lên. Sau đó con khám phá ra rằng đó chẳng phải là do bất kỳ loại thức ăn đặc biệt nào đã đưa con vào thế giới sung sướng vượt ra ngoài không gian ấy; mà là do chính tâm của con đã tạo ra. Có một ngày, con thực sự rất cần một chút rau xanh. Bắp cải đã có trong thực đơn và con đã bổ nhào vào nó. Kết quả tương tự: đỏ ửng, xuất thần, sụp lưng. Ngày tiếp theo con ăn món tàu hủ và lưỡi của con đã “nhập định” trong đó. A biết rồi! Từ bao lâu đến giờ, con đã và đang ăn vì hương vị!
“Cảnh ngũ dục này là thứ chướng đạo, nhẫn đến chướng Vô thượng Bồ đề. Do đây, nên Bồ tát chẳng có một niệm dục tưởng, lòng thanh tịnh như Phật”
-Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Hạnh.
Đứa trẻ người Mỹ được mạ vàng này cảm thấy rằng vì mình là một nhân vật đặc biệt, tất cả thức ăn tôi ăn phải có hương vị đậm đà, được gia vị, và ngon lành. Đó cùng là cái số một cũ kỹ, cái bản ngã to lớn đang tìm kiếm tự lợi. Chẳng trách mỗi ngày sự tu tập của con đều chấm dứt ở tô thức ăn. Vì con đã luôn chải chuốt để được nổi bật và vượt trội hơn người, con đã mong đợi để được có nhiều hơn, và luôn luôn là những thứ tốt nhất. Giống như nhiều người Mỹ khác, con thực sự đi theo đồ rẻ, theo giá hời, giảm giá, đồ tặng thêm, đi theo tô điểm cá nhân, theo mới lạ độc đáo, theo đồ miễn phí. Nếu có cái gì đó giảm giá, nếu con có thể tiết kiệm, nếu nó dễ dàng hay là mới mẻ, thì con đều luôn chạy theo. Đó là gì nếu chẳng phải là lòng tham tự lợi? Đó chính là thức ăn của bản ngã, đó là bản ngã trên hết, là tìm kiếm cái số một cũ kỹ đó. Và nó không bao giờ, không bao giờ được thỏa mãn.
Món tráng miệng luôn là phần hấp dẫn nhất trong mọi bữa ăn. Trái anh đào trong kem hoa quả, kem trong bánh kem, nước sốt trên món khoai tây – tất cả những thứ này đã luôn xoay chuyển con. Trong mọi việc con làm, con luôn tìm kiến tiền thưởng, tiền công, phần tốt, phần thưởng. Và dường như con chưa bao giờ thấy nó. Con tránh né điều gì? Làm việc chăm chỉ, chịu thiệt thòi, nhận khiển trách; con thích những hàng tít lớn, con thích hành động, con thích giật gân, ly kỳ thú vị, những hồi hộp vận tốc nhanh. Con đã không bao giờ làm một cái gì chập chạp hay khó khăn, nhàm chán hay yên lặng, bình thường theo bất cứ hình thức nào. Và con chưa bao giờ biết đến an lạc. Điều này thuần túy là ham muốn tiếng tăm và ham muốn mùi vị. Con đã tìm kiếm nó trong mọi thứ con ăn và mọi lời con nói. Con là một kẻ dối trá bởi vì con cảm thấy rằng mình không thể có bất cứ lỗi lầm gì. Con che đậy những phần xấu xa của mình bằng những lời lẽ huyễn hoặc và những biểu lộ giả tạo. Chẳng ai khác bị lừa. Chỉ có duy nhất mình con tin vào hành động của mình.
Để kết thúc câu chuyện này, ngày hôm qua con đã ăn một bữa thật thanh đạm, không gia vị, không pha trộn cầu kỳ. Con đã ăn mà không có chút tư tưởng gì về việc hưởng thụ phần thưởng từ thức ăn. Chẳng có gì đặc biệt. Chẳng có gì thêm vào. Chẳng có gì quá mức. Con ăn đơn giản, thẳng thắn và thành thật. Con đã ăn theo cách mà Quả Chân, “Fruit of Truth” và Hằng Thật, “Luôn Luôn Chân Thực” nên làm. Điều gì đã xảy ra? Lưỡi của con trở nên điên dại. Tâm trí con nhảy lên như con thỏ đi tìm thức ăn. Dục vọng bùng lên và khiến con run rẩy. “Điều gì khiến anh căng thẳng như thế?” Hằng Triều hỏi con! A ha! Con đã tìm thấy mỏ vàng của dục vọng. Thật là một sự mất mát cho ngôi sao mạ vàng! Con đã hiểu tại sao con đã có giai đoạn khó khăn như vậy để tịnh khẩu trong chuyến hành hương này và tại sao những lời, những chữ của con cũng đều quá giả tạo! Con đã tìm kiếm hương vị. Con phải trở thành người đặc biệt! Con phải chiến thắng! Con phải trở thành phi thường. Tại sao giờ đây con biểu lộ quan tâm như thế? Bởi vì con vừa gặp được Phật pháp. Con vừa thấy Phật và con không phải là Ngài. Con không thuần khiết, không chân thành, không thật thà. Con đã lạc Đạo, mất đi Trung Đạo. Nhưng thông qua tu tập trên con đường Đạo, con từ từ, từng bước dụng công quay trở về nơi thăng bằng và lành mạnh.
Khi bữa trưa kết thúc, con đã nhận ra rằng con đã không rơi vào trạng thái đam mê, con mắt đã phân định rõ ràng, má không ửng đỏ, không sụp lưng nữa. Khi con lạy vào buổi chiều hôm đó, con đã nhìn thấy ‘con người mình’ như chưa từng thấy trước đây: Luôn tìm kiếm, không bao giờ thỏa mãn, luôn luôn chiếm hữu, không bao giờ hạnh phúc, luôn luôn giả tạo, không bao giờ thành thật.
Con nhớ một mùa hè con đã ăn tự do tại một nhà ngon hảo hạng. Sau một tuần thưởng thức những món ăn ngon lạ mắt và hương vị tuyệt vời, lưỡi của con đã chết. Con đã không thể cảm nhận được một cái gì nữa. Quả đúng như vậy, như Đạo Đức Kinh có nói:
“Ngũ vị làm cho người ta tê lưỡi” (3)
-Đạo đức Kinh, chương 12.
Tất cả những gì con muốn là cơm trắng và trà thanh đạm. Con đã quên bài học đó cho mãi đến tận ngày hôm qua. Món ăn thanh đạm vẫn ngon như thường. Công việc cực nhọc chậm chạp bình thường là nơi nó ở, vì nó mãn nguyện.
Biết đủ luôn an lạc.
Nhẫn nại được an lành (4)
Đã từ lâu rồi, chính những ham muốn kéo con lệch lạc, tham lam vô tận, không bao giờ biết đủ, mang đến cho con bao tổn thương. Việc làm Tam bộ bái Phật này tưởng chừng có vẻ đơn giản và nhàm chán. Nhưng nó đầy đủ. Nó là sự phong phú vô tận và tưởng thưởng thực sự. Nó đã mang lại cho con niềm hạnh phúc và sự thỏa mãn. Tìm kiếm để trở thành số một khiến con đau khổ. Lễ lạy đến không còn chính mình và hồi hướng công đức đến tất cả chúng sinh khiến con cảm thấy an lạc và bằng lòng. Đôi câu đối bên cánh cửa của “Chùa Tây Lạc Viên” ở Hương Cảng có viết:
“Nam Hải Đai Bi Quán Thế Âm, dữ thùy tranh đệ nhất?”
Tây Phương Cực Lạc A Di Đà, đồng ngã nguyên vô nhị” (5)
Tạm dịch:
“Nam Hải Đai Bi Quán Thế Âm, với ai tranh đệ nhất?”
Tây Phương Cực Lạc A Di Đà, cùng ta vốn không hai”
Đệ tử của Phật,
Quả Chân (Hằng Thật)
Cung kính đảnh lễ
Quả Cao, đệ tử trung thành của Hòa Thượng, đưa mẹ và hai con trai đến chào hai thầy, mang đồ cúng dường và cùng tham gia lễ lạy với hai thầy dọc xa lộ. | Những người trẻ tuổi từ tu viện Kim Luân cầm bản đồ trong khi hai Thầy kiểm tra đường đi trong lúc họ đến thăm viếng, các cậu bé tham gia Tam Bộ Nhất Bái trong vài giờ. |
Ghi chú của ban Phiên Dịch Việt Ngữ:
(1) Đây là nửa cuối của bài kệ: “Tri sự thiểu thời phiền não thiểu. Đáo vô cầu xứ tiện vô ưu”:「知事少時煩惱少,到無求處便無憂。」dịch nghĩa: Sự đời biết ít, phiền não ít. Đạt đến “không cầu” tất hết lo. http://www.drbachinese.org/vbs/publish/288/vbs288p020.htm
(2) Nguyên văn Hoa ngữ
真認自己錯,
莫論他人非,
他非即我非,
同體名大悲。
(3) Nguyên văn Hoa ngữ: 五味令人口爽 . Lão Tử – Đạo Đức Kinh – Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê.
(4) Nguyên văn Hoa ngữ:「知足常樂,能忍自安」Tri túc thường lạc; Năng nhẫn tự an.
(5) Nguyên văn Hoa ngữ:
「南海大悲觀音菩薩與誰爭第一 ,
西方極樂阿彌陀佛同我原不二 」
“Nam Hải Đai Bi Quán Thế Âm, dữ thùy tranh đệ nhất?”
Tây Phương Cực Lạc A Di Đà, đồng ngã nguyên vô nhị”
Thế Giới Hiện Đại Đã Huấn Luyện Người Ta Tranh Giành
Ngày 1 tháng 7 năm 1979
Bờ biển Sonoma
Kính thưa Sư Phụ,
Kinh Hoa Nghiêm có một năng lực chữa bệnh mãnh liệt cho người tu hành, khiến cho cả ngày lẫn đêm như đi vào một hành trình khám phá. Tu Đạo nghĩa là học hỏi không ngừng. Tất cả mọi người là thầy, thế giới là lớp học, nguyên tắc rèn luyện là Từ, Bi, Hỉ, Xả. Các khóa học gồm có Niềm tin, Tinh tấn, Nhất tâm, Thiền định và Trí huệ. Kiên nhẫn là vị giám thị. Lòng Đại Bi là sự hứng khởi thường xuyên, Bồ Đề giác ngộ của chư Phật là sự tốt nghiệp trong tương lai.
Hàng ngày tu tập, con thấy càng nhiều thói quen xấu bộc lộ. Sự tu tập đã chiếu ánh sáng vào trong những góc tối của tâm trí. Càng làm việc chăm chỉ, con càng cảm thấy hạnh phúc hơn và tốt đẹp hơn. Giống như mở các cửa ra vào và cửa sổ của một căn gác ẩm mốc, không khí trong lành của Phật Pháp tạo nên không gian hữu ích từ những phần cuộc sống mà đã lâu lắm con không để ý tới. Con muốn trở thành Phật. Trước hết con cần phải thay đổi rất nhiều.
Lớn lên trong thời hiện đại, con đã học được cách làm thế nào để đấu tranh cho những gì được gọi là “thành công và hạnh phúc”. Bài học được chia thành cuộc đấu tranh cho quyền lực, khoái lạc, giàu có, lợi nhuận, và danh vọng. Khi mê lẫn với chính trị thì nó được gọi là “cuộc đấu tranh cho tự do”. Cuối cùng đó chỉ là rất nhiều đấu tranh.
Thế giới hiện đại đào tạo tuổi trẻ đấu tranh cho sự thành công. Khi con học được các quy tắc của trò chơi chiến đấu, con đã bị lừa gạt với khái niệm rằng càng thành công sẽ mang lại càng nhiều hạnh phúc, cho dù con có phải làm bất cứ gì, hay có phải chà đạp, lừa gạt, hay gây tổn thương cho bất cứ ai trong quá trình đó. Điểm mấu chốt của trò chơi là có được mọi thứ nhiều hơn. Chỉ có một nguyên tắc duy nhất: chiến thắng. Cho dù thế nào thì cũng phải: Chiến thắng lớn. Chúng con tôn vinh những người phá luật, những kẻ ngoài vòng pháp luật, và những kẻ lừa đảo thông minh. Đó là sự điên đảo.
Con đã hết sức cố gắng để chiến thắng trong trò chơi nhằm thành công điên cuồng này. Con càng làm giỏi trong trò chơi này thì con càng cảm thấy không vui. “Ồ, đó là cảm giác cô đơn khi ở trên đỉnh cao”, như lời một bài hát thịnh hành. Và một phần của trò chơi mà không ai nói với con là cuối cùng thì chẳng có gì là hoàn toàn miễn phí cả. Khi ai đó phá vỡ nguyên tắc để chiến thắng, thì người đó sẽ thất bại. Họ có thể không nhận hậu quả ngay lập tức giống như trận đua ngựa, nhưng nhân quả thì rất chân thật – không sai trật một mảy may.
Chuyến hành hương lễ lạy này đã mở tâm trí của con về sự huấn luyện trong quá khứ. Sau hai năm lễ lạy, chỉ đến tháng này, con mới sâu sắc nhận ra rằng con đã bị cài đặt chương trình để chiến đấu như thế nào. Xuất gia và lập nguyện đưa con vào con đường đúng đắn. Phải mất rất nhiều lần thanh lọc, và vứt bỏ để nhổ sạch gốc rễ những thói quen xấu của mình. Nhờ năng lực của sự sám hối và sửa đổi, con đã được giúp đỡ rất nhiều trong việc hồi phục sức khỏe này.
Khi chúng con lễ lạy xuyên qua vùng ngoại ô đang ngái ngủ của thành phố Daly City, chúng con đã cảm nhận được rất nhiều làn sóng thù địch từ những người trẻ tuổi. Chúng con đã nghe thấy những tiếng hét lên rằng “ Bọn họ đang hôn đất! Thật là lầm lạc!” “ Mày đứng dậy từ chỗ đó. Mày mà hôn cái lề đường lần nữa, tao sẽ bắn mày!” “ Mày không thể làm thế ở đây. Hãy đi chỗ khác mà hôn đất!”.
Con nghĩ, “Thật đáng buồn! Chúng con đã đi gần sáu trăm dặm và chỉ trừ lúc khởi đầu, đến nay lại có những người nghĩ chúng con đang hôn đất. Cái gì đây?”
Vì không tạo nghiệp ác, nghiệp ác không chướng ngại Bồ Tát. Vì không khởi phiền não, phiền não không chướng ngại Bồ Tát. Vì không khinh chê giáo Pháp, giáo Pháp không chướng ngại Bồ Tát. Vì không phỉ báng Chánh Pháp, Bồ Tát không bị quả báo chướng ngại.
-Kinh Hoa Nghiêm.
Cùng ngày một lúc sau đó, có hai thanh niên đã đến với công việc là chỉ cho con thấy rõ hơn về nghiệp đấu tranh của con. Họ đã ném trứng, vỏ hộp sữa, những tờ báo cuộn lại, và đá. Tất cả đều ném không trúng, nhưng con đã nhận được thông điệp tất cả đều như nhau. Những thiếu niên này rất cố gắng trong nỗ lực của họ, tuy trơ tráo. Con cúi lạy và nghe tiếng những bước chân đến gần. Cái gì đó mềm và dính rơi tung tóe ngay phía trên đầu con. Cả một ly bơ thối ụp xuống trên nón con, trùm cả tai trái. Điều đó cảm thấy thế nào? Sự tổn thương đến từ hư không . Làm sao mà con đã dùng tâm trí mình để đấu tranh và gây tổn thương cho mọi người theo cách như vậy trong một thời gian lâu xa như vậy?
Đó chính là hậu quả của việc tìm kiếm thành công bằng bất cứ giá nào. Bồ tát thì nghĩ thế nào?
Bồ tát dùng Phật Pháp để chuyển hóa tất cả chúng sinh với lòng Từ Bi mà không bao giờ làm tổn thương hay gây hại.
-Kinh Hoa Nghiêm.
Bồ tát không tranh đấu, không tranh giành. Họ không phân biệt bất kỳ chúng sinh nào. Như khi con lớn lên, con đã học về sự phân biệt giai tầng xã hội trong nháy mắt, tất cả dựa vào cạnh tranh để trở thành số một. “Không thua kém người láng giềng” là tên của trò chơi. Sự phân biệt dựa trên vẻ bề ngoài, giống như lớp mạ crôm khiến cho xe hơi trông khác nhau. Con mặc áo màu xám, áo choàng rách tả tơi, và đôi tay lúc nào cũng dơ bẩn. Con quan sát mọi người phản ứng với vẻ bề ngoài của con và nhận ra rằng mình đã phân biệt mọi người dựa trên những vẻ bề ngoài và y phục giả tạo đó như thế nào. Con đã chưa bao giờ thỏa mãn. Với những người phong cách hơn thì khiến con cảm thấy ghen tị và thua kém. Với những người chẳng có chút phong cách gì thì khiến con thấy mình cao hơn, như người chiến thắng. Thật là một cái bẫy con đã tự gài mình với những phân biệt đổi xử sai lầm. Thật là một gánh nặng. Điều khôi hài là: Chỉ trong tuần này con mới nhận ra rằng con vẫn suy nghĩ theo cách này. Sau sáu năm là Phật tử và năm năm làm tu sĩ mà con vẫn mang theo những thói quen phân biệt này. Sự tìm kiếm và mong muốn chiến thắng là những chương trình cài đặt sâu sắc nhất trong con. Thực sự rất khó khăn để giũ bỏ!
Làm thế nào mà con khám phá ra điều đó? Tuần trước, con đã đọc những lời chân thật này trong Kinh:
Tội tham dục cũng làm cho chúng sanh đọa ba ác đạo. Nếu sanh trong loài người thời mắc hai quả báo: Lòng không biết đủ và quá tham muốn không nhàm.
-Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Thập Địa
Bữa trưa hôm sau vào giờ thọ trai, con thấy một cái xe dừng lại, một chiếc Cadillac. Một người đàn ông ăn mặc trông bảnh bao, nước da rám nắng bước ra và ngay lập tức con nhận ra ông ta là một người thành công. Có lẽ là một người có nghề nghiệp chuyên môn. Sau đó, có cái gì đó thay đổi trong mắt con. Con nghĩ: “ Này, chờ chút. Ngươi không biết có gì trong tim ông ta. Tại sao ngươi lại cạnh tranh với người khác? Ngươi làm thế để cho cái bản ngã của chính ngươi tồn tại. Đừng làm thế! Lòng Đại Bi không tranh giành. Hãy nói không với bản thân. Hãy để kệ ông ta. Hãy tu tập trên con đường của ngươi. Hãy quay ánh sáng trở lại (hồi quang). Đừng chiến đấu! Người đàn ông đó là cha ngươi. Ông ấy là thầy ngươi. Ông ấy là ngươi. Hãy phát nguyện độ ông ta cho dù ông ta là ai. Sớm hay muộn ông ta cũng trở thành Phật, ngươi cũng thế. Đừng chướng ngại cả hai với nhân duyên tranh giành và giết hại. Đây không phải là trò đùa. Hãy tu hành Phật Pháp, biết bao nhiêu tu bấy nhiêu”.
Tối đó, Kinh lại nói đạo lý cho con lần nữa:
Bồ tát nghĩ rằng: “ Tất cả chúng sinh phân biệt bỉ ngã phá hoại lẫn nhau, đấu tranh, xung đột, sân hận hẫy hừng không ngớt, tôi phải làm cho họ an trụ nơi đạo vô thượng đại từ.
-Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm thứ hai mươi sáu – Thập địa – Phần mười thứ thâm tâm.
Đệ tử của Phật,
Quả Chân (Hằng Thật)
Cung kính đảnh lễ
“Xììì…” Như Tiếng Bánh Xe Bị Xẹp
Ngày 27 tháng 6, năm 1979
Jenner, California
Kính thưa Sư Phụ,
Phần một.
Ai cũng thích nghe nói về bản thân mình. Ai mà chẳng muốn biết họ là ai và từ đâu tới, họ sẽ về đâu và những nguyên nhân sâu xa đằng sau những gì họ làm? Thậm chí những người hoài nghi nhất cũng có thể ngồi hàng giờ nghe say mê về lá số tử vi của họ, chỉ tay, hay bói bài taro. Kinh Dịch và bói toán, xem tâm linh và bảng cầu cơ, và tất cả các hình thức bói toán huyền bí khác thịnh hành bởi mọi người đều thấy rằng còn có nhiều thứ khác trong cuộc sống ngoài những thứ hữu hình và rõ ràng; mỗi người còn có nhiều thứ khác nữa ngoài các phân tử, thức ăn, quần áo và ngủ.
Tối hôm qua, chúng con đã đọc đến phần Thập Thiện trong “Phẩm Thập Địa” của Kinh Hoa Nghiêm. A, thật tuyệt vời làm sao! Khi thầy Hằng Thật dịch, con đã ngồi nghe chăm chú! Con có thể ngồi nghe suốt đêm. Kinh dạy chi tiết những quả báo mà một người phải chịu khi làm từng điều ác trong Thập Ác. Đây là sự thật! Không giống như bói toán là thứ bị pha trộn sự thông thái nửa vời với rất nhiều lời tâng bốc, Kinh Hoa Nghiêm vượt qua tất cả những thứ nhỏ bé hạn hẹp và vượt lên như mặt trời cao trên tất cả bụi bặm thế gian. Không chỉ môn bói toán, thậm chí cả những môn khoa học tâm lý cũng không thể hiểu rõ được cách làm thế nào để thay đổi được số phận hay bản tính, đều là may rủi, mò mẫm theo kinh nghiệm. Phật Pháp rất rõ ràng và hoàn hảo. Nó bao trùm tất cả những nẻo luân hồi và chỉ cách thoát ra.
Kinh đơn giản dạy rằng mọi thứ xảy ra với ta đến từ những việc ta làm. Làm lành thì hưởng quả báo lành, làm ác sẽ chỉ chuốc lấy khổ đau và chướng ngại. Điều này không sai trật mảy may và không do ai khác trừ chính mình. Thầy Hằng Thật và con đã choáng váng khi đọc kinh Hoa Nghiêm. Mặc dù đã cổ xưa hơn ba nghìn năm, nhưng kinh đã nói thẳng vào trong tim chúng con trong lúc chúng con đang ngồi trong một chiếc xe hơi cũ bên bờ biển Califonia trong thời đại Không gian này!
Con đọc đoạn này và đã hiểu được tận cốt tủy bản tính mình. Điều gì chưa rõ giờ trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Những gì con không nhận ra ở mình trước đây, giờ được phơi bày giống như bóc toạc băng dán cũ ra khỏi vết thương
Tội tham dục cũng làm cho chúng sanh đọa vào Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh. Nếu sanh trong loài người thời mắc hai quả báo: Lòng không biết đủ và quá tham muốn không nhàm.
-Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Thập Địa.
“ Này! Đó là tôi” Con nghĩ. Con đã từng có tất cả những lời đoán giải tâm linh và con tưởng đã hiểu được chính mình. Nhưng tối qua, Kinh Hoa Nghiêm đã giúp mở mắt và tim con không giống như bất cứ lần nào trước đây. Rất rõ ràng và thẳng thắn. Không cần rườm rà hay thần bí, thông điệp đó như là “tiếng búa nện trên thép”. Con biết rõ không còn hoài nghi gì nữa về điều mà Kinh Hoa Nghiêm nói là sự thật bên trong sự thật. Kinh xứng đáng được gọi là “Sự hiểu biết tột cùng của tâm trí và tất cả các cảnh giới của tâm”. Đó là lời dạy cao nhất và trí huệ sâu xa nhất của tất cả chúng sinh.
Đó không phải là sự thất vọng hay là sự thỏa mãn của bản ngã để nghe rằng con thực sự là ai. Phật Pháp không như vậy. Sự thật được tiết lộ mà không một chút xúc cảm cũng chẳng giấu giiếm chút nào. Kinh đã được nói ra chỉ để giúp toàn thể chúng sinh kết thúc khổ đau và đạt được hạnh phúc. Điều đó giống như có một vị bác sĩ nhân từ và ngay thẳng nói với bạn chính xác căn bệnh mà bạn mắc phải và bạn cần làm gì để hồi phục.
Con chưa bao giờ biết đủ. Tâm trí “của con” không bao giờ thỏa mãn. Sự thỏa mãn luôn ở đằng kia – trong công việc tiếp theo, thành phố sắp tới, năm tới, nhưng chưa khi nào ở ngay chính trong tim con lúc này. Cho dù có là gì chăng nữa – bạn bè, học vấn, thức ăn, thậm chí khám phá bản thân và tâm trí mình – con cần phải có nhiều hơn, luôn luôn nhiều hơn nữa. Con đã “ từ bỏ cái gần và ra đi tìm kiếm cái xa”. Con không bao giờ biết khi nào dừng lại hay làm thế nào để nói” đủ”. Quá nhiều cũng đồng nghĩa với quá ít.
Phần hai.
Vài tuần trước đây, Hòa Thượng trụ trì cùng một nhóm đệ tử đã dừng lại và cùng chia sẻ với chúng con bữa ăn. Khi tất cả ngồi cùng nhau ngồi dưới mấy gốc cây bên ngoài thung lũng Valley Ford, con đã có cảm giác rất đầy đủ và tự nhiên chỉ tĩnh lặng. Con chẳng có gì để nói, cũng chẳng có gì để hỏi. Hạnh phúc, chẳng tìm kiếm gì cả. Vị thiện tri thức trong con nói: “Được rồi, này Sa di, ngươi đã có đủ thức ăn. Hãy nhớ, ngươi vốn đã có đủ tất cả mọi thứ cần thiết bên trong. Ngươi không cần tìm kiếm cái gì bên ngoài nữa. Mọi rắc rối, phiền não, tai họa đến từ việc tìm kiếm và ham muốn hơn nữa. Khi ngươi ngừng tìm kiếm, mọi lo phiền sẽ biến mất”. Đầy đủ.
Nhưng ngay sau đó, vị ác tri thức trong con lên tiếng, “Này, tất cả những đồ ăn ngon lành này. Có ăn thêm vài miếng nữa thì cũng không hại gì đâu. Ngươi có thể đốt cháy hết nó khi lễ lạy. Hãy ăn thêm một chút thứ này và thứ khác, nhanh lên! trước khi bữa ăn kết thúc!”. Và vì vậy con đã làm. Sau đó, đột nhiên vị hoàng đế trong con nói, “ Hãy nhìn vào đây. Tất cả mọi người và những cơ duyên hấp dẫn này. Ngươi đã chưa nói một lời. Bây giờ mọi người sắp rời đi. Hãy làm liền đi, nhanh lên.” Và một lần nữa, con đã không cưỡng lại được. Con đã mở miệng và hỏi Sư Phụ một câu thật ngu xuẩn chỉ nhằm nổi bật. Con đã nổi bật và ngay lập tức mất đi ánh sáng – “Xììì ” giống như tiếng bánh xe bị xẹp.
Tâm tham như hố sâu không đáy.
Dù thêm vào nhưng khó lấp đầy
Lòng nóng giận hiện ra nhanh chóng
Ngũ dục mê mờ khiến đảo điên,
Vô minh làm thuyền Pháp lật nhào.
-Hòa Thượng Tuyên Hóa
Câu trả lời của Sư Phụ thật nhanh chóng và trực chỉ, “Ăn nhiều hơn, tu hành nhiều hơn, châm lửa cho cháy thêm nữa. Cứ tiếp tục như thế này mãi đi. Nhiều hơn, luôn nhiều hơn nữa. Mọi thứ đều nên nhiều hơn!”. Sư Phụ đã nói lên kinh “dài dòng” này mà con đã tụng trong tâm trí con suốt cả đời. Bởi vì con chưa bao giờ bằng lòng với những gì con có trước đây, con bây giờ đang chịu quả báo “có nhiều ham muốn mà không bao giờ thấy thỏa mãn”. Đạo Phật không phải để thỏa mãn kiến thức. Những điều trong Kinh nói chứa đựng những bí mật đối với tâm trí của chúng ta và vũ trụ.
Về một phương diện, toàn bộ chuyến hành hương này là một nỗ lực nhằm giảm bớt lòng tham của chúng con về “các hương vị của dục vọng”. Mọi thảm họa đến từ dục vọng. Mỗi một chút lòng tham mà ta có thể cắt giảm sẽ đem lại một chút hiểu biết bên trong và lượng hòa bình tương ứng trên thế giới. Tất cả những rắc rối ta gặp phải đều do sự tìm kiếm. Tất cả những vấn đề trên thế giới – chiến tranh, nạn đói, thiên tai, và thảm họa, gia đình suy thoái, cá nhân cảm thấy mất mát và suy sụp tinh thần – không có cái nào là không bắt đầu với một niệm tham lam và tìm kiếm nhiều hơn nữa. Đoạn này trong Kinh Hoa Nghiêm trở thành tiêu đề chính yếu của việc lễ lạy. Chúng con đã dùng điều này như là liều thuốc tốt để chữa trị cho lòng tham của chúng con.
Tôi vì cứu độ tất cả chúng sanh mà phát Bồ đề tâm, chớ chẳng phải vì tự thân mà cầu đạo Vô thượng. Cũng chẳng phải vì cầu hưởng phước lạc trong ba cõi mà tôi tu Bồ đề hạnh. Tại sao vậy? Vì phước lạc thế gian không gì chẳng phải là khổ, là cảnh giới ma, Chư Phật luôn quở trách, chỉ có kẻ ngu mới tham trước, tất cả khổ hoạn đều nhơn đó mà có. Những ác đạo Ðịa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, chỗ Diêm La Vương, giận thù kiện cáo hủy nhục nhau v.v… đều do tham trước ngũ dục mà gây nên.
Bồ Tát quán sát thế gian như vậy và làm giảm lòng tham các hương vị của mình.
-Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Thập Hồi Hướng. (Phần nhập Pháp giới vô lượng hồi hướng).
Chúng con vừa qua cây cầu nhỏ và đi vào quận hạt Sonoma. Phía trước là 125 miles (201km) lễ lạy và là cơ hội để “giảm đi lòng tham về dục vọng”. Ai chính là cái lòng tham vô cùng này? Cho dù chúng con không xem ti vi hay nghe tin tức hay đọc báo chí, chúng con vẫn cảm giác được sự căng thẳng, chiến tranh và thảm họa đang tăng trưởng trên thế giới. Cả thế giới đều ở ngay trong tự tánh của chúng ta. Chúng con biết rằng bây giờ chính là lúc để quay trở lại, buông xuống tất cả và nhất tâm lễ lạy hướng về Vạn Phật Thánh Thành.
An lạc trong Đạo,
Đệ tử Quả Đình (Hằng Triều)
Cung kính đảnh lễ
Bởi nghiệp lực riêng khác của chúng sinh mà có vô lượng vô số thế giới chẳng đồng nhau, trong đó chúng ta bám chấp để sinh tồn và mỗi người thọ khổ vui khác nhau.
-Kinh Hoa Nghiêm
Lão Khờ
Ngày 1 tháng 7, năm 1979
Phía trên Russian Creek, bắc Jenner, Califonia
Kính thưa Sư Phụ,
Khi tu Đạo tiến bộ thì những sự thử thách sẽ gia tăng. Có câu rằng:
Đạo cao một tấc,
Ma cao một trượng,
Đạo cao một trượng,
Ma quá đầu thượng.
-Hòa Thượng Tuyên Hóa, tháng 5 năm 1979, Olema, Califonia.
Vùng đất mới và những thử thách mới. Chúng con đi vào những con đường dốc quanh co dựng đứng theo những vách núi bên bờ biển. Nó gần giống như là Big Sur. Ngày hôm qua, một chiếc xe chở đầy những người đàn ông và phụ nữ lạ trong những bộ áo choàng màu trắng dừng lại. “ Các ông thuộc nhóm nào?” một người hỏi. Con đưa cho họ một bản thông báo. “ Thế các ông đã gặp Gia đình Chúa Giê su chưa?” một người khác hỏi bằng một giọng hung hăng và căm ghét.
Hôm nay, một chiếc xe khác đã dừng lại khi chúng con đang lạy, “Các ông nên học hỏi Đạo Lão…à, hoặc là thử ma túy” người đàn ông nói. Sau đó, ông ta thực sự trở nên tức giận và hét lên, “Các ông là những kẻ thất bại !” Ông ta ném một hòn đá. Nhưng không trúng.
Đến cuối ngày, chúng con lạy trên phía đỉnh con đường chạy ngoằn ngoèo xuống hẻm núi dốc, ngang qua công viên tiểu bang Russian Gulch và con đường chuyển qua nhiều đoạn đi ngược lên một ngọn núi ở phía bên kia hẽm núi. Đó là một nơi thật rộng rãi và yên lặng – không có thị trấn và nhà cửa. Con đột nhiên nhận ra có hai người đàn ông đang theo dõi chúng con từ sau bụi cây bên sườn đồi phía bên phải chúng con. Thật xa phía dưới kia trên bãi biển hoang vắng có ai đó đang la hét chúng con. Nhưng những trận gió lớn đã làm những lời ấy trầm loãng đi. Chúng con lạy và hồi hướng rồi bắt đầu quay trở chỗ dừng xe.
Đằng sau, một người đàn ông trẻ tuổi chạy lên, “ Này, mấy môn đồ kia!” anh ta hét lên. Anh ta đuổi kịp và hỏi chúng con đang làm gì. Anh ta hỏi: “Sống thoát tục à ?”. Con ra hiệu là không nói chuyện và đưa cho anh ta một bản thông báo. Anh ta không đọc. Có cái gì đó thoáng qua nét mặt và đột nhiên, anh ta trở nên rất tức giận và đe dọa. “Tịnh khẩu hả?” anh ta thách thức. “Các ông nên là những tín đồ Cơ Đốc. Cái này không đúng. Các ông sai rồi, … hoàn toàn sai”. Anh ta tự mình rơi vào trong căm ghét điên cuồng. Chúng con tiếp tục đi trở lại xe như chẳng có chuyện gì để lý luận với anh ta cả.
“Các ông thật ngu xuẩn, thực sự ngu xuẩn?” ông ta hét lên. Toàn khuôn mặt và thân hình anh ta trở nên mất kiểm soát, giống y như là đang bị quỷ ám vậy. Anh ta bắt đầu ném đá với sự bạo ác mãnh liệt. “Các ông là những kẻ lầm đường. Các ông đang hướng đến cái chết”. Lúc bấy giờ những hòn đá liên tiếp bay về chúng con rất nhanh và mạnh – kích thước chúng cỡ bằng quả bóng chày. Chúng vỡ vụn ra trên đường nhựa xung quanh chúng con. Mặc dù anh ta ở rất gần, nhưng những hòn đá vẫn cứ bị ném trượt. Anh ta không hề có một chút gì là ngần ngại hay rụt tay lại. Anh ta ném những hòn đá to nhất có thể tìm thấy và mạnh hết sức có thể. Phải làm gì đây?
Khi chúng con đi đến chiếc xe, có hai người đàn ông đã xuất hiện hồi nãy ở trong bụi cây ở trên đồi đi bộ lên. “ Này, xe của chúng tôi bị hư. Các ông có thể đưa chúng tôi đến trạm điện thoại gần nhất được không?” họ hỏi. Người thanh niên ném đá quay trở lại với mấy người bạn. Bọn họ mang rất nhiều đá và đi về hướng chúng con.
“Hướng nào?” con hỏi hai người đàn ông.
“Hướng đó,” họ nói, chỉ tay về hướng ngược lại với hướng những người thanh niên đang xông tới.
“Được rồi, nhảy vô xe.”
Chiếc xe nổ máy, nhưng lại bị chết máy. “ Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát”. Con thử lại lần nữa. Xe nổ máy. Chúng con vòng xe trở lại và hướng về phía Jenner. Những hòn đá liệng đến ầm ầm xung quanh. Qua kính chiếu hậu, chúng con thấy họ vừa chạy vừa ném, đuổi theo chiếc xe khi chúng con đi khỏi. Con đường phủ đầy những hòn đá vỡ. Nhưng không hòn đá nào ném trúng chúng con hay chiếc xe.
“Này, họ đã ném đá vào các ông hả?” một người đàn ông ngồi ghế sau cười hỏi. Con gật đầu. “Họ chỉ là những đứa trẻ con thôi”, người ấy nói bằng một giọng tử tế và hiểu biết.
Con nhớ lại bài kệ này đã được nghe Sư Phụ đọc như là cách ứng xử khi đối mặt với nghịch cảnh:
“ Lão Khờ mặc áo vá
Cơm nhạt bụng no nê
Vá áo để che lạnh
Muôn sự để tùy duyên,
Có người mắng Lão Khờ,
Lão Khờ chỉ nói tốt.
Có người đánh Lão Khờ,
Lão Khờ nằm xuống ngủ.
Khạc nhổ trên mặt lão,
Cứ để tự nó khô.
Lão cũng không phí sức,
Mà người cũng không phiền.
Ba La Mật như vậy,
Là vật báu huyền diệu.
Nếu ai biết lẽ này,
Lo gì không đạt Đạo?” (1)
Hát bài ca này và bạn không thể lầm đường. Nhưng bài ca của Lão Khờ không phải là bài con thường ca. Phương pháp của Lão Khờ là một điều mới mẻ với con.
Con đã lớn lên trong văn hóa “ Đấu tranh của người Ái Nhĩ Lan” và thuyết Manifest Destiny (Thuyết bành trướng do định mệnh) (2). Con đã từng quen thuộc với chiến đấu và chiến thắng, rất khó cho con ngồi xuống chịu sự xúc phạm, đau khổ, vu khống và mất mát. Cũng khó khăn tương tự cho con để không hài lòng với những lời tán dương, nụ cười, những lợi ích, và thành công. Hài lòng với cái này nhưng lại không chịu nổi với cái kia. Thích ngọt ngào nhưng lại không thể chịu đựng nổi cay đắng đều là hai dạng của khổ đau. Được tự do nghĩa là: Không tìm kiếm gì cả và không sợ hãi gì cả. Nhưng muốn thế cần phải thực hành.
Ở ngoài này, chúng con có rất nhiều cơ hội để tu tập. Chúng con lái xe một vài dặm về phía nam của chỗ bị tấn công bằng đá để cắm trại đêm hôm đó. Nhưng đến sáng hôm sau, chúng con phải lễ lạy ngang qua chính cái khe suối nơi mấy người thanh niên trẻ cắm trại ở đó. Với tốc độ lạy khoảng gần một dặm một ngày, chúng con có thể sẽ là những mục tiêu rõ ràng cho họ. Không có con đường nào khác. Con bắt đầu cảm thấy lo lắng, cảm giác căng thẳng và cò thể bị tổn thương. Tại sao? Bởi vì con vừa phát nguyện không tranh chấp nữa. Không còn tranh chấp cho lợi ích cá nhân bằng thân, khẩu, ý, bằng đấm đá, tranh luận, hay ý nghĩ. Như vậy ngày mai là kỳ thi giữa học kỳ, thật rõ ràng, đó là thử nghiệm cho sự quyết tâm của con.
Lượng nội tiết adrenaline (3) trong con tăng lên, làm cho cổ và vai con bị dồn nén đến choáng váng. Con quay trở lại và nhảy lên bất kỳ chiếc xe nào đi ngang qua. Tâm của con không còn muốn tranh đấu nữa, nhưng con đã có thói quen. Con đã buông vũ khí xuống nhưng chưa học được cách nào buông được nỗi sợ hãi và “đập tan đội quân của quỷ dữ” bằng sức mạnh của lòng từ bi, thiện nghiệp và một cái tâm an định.
Nguyện tất cả chúng sanh lìa bỏ tất cả dao gươm, võ khí nghiệp ác, tu hành những nghiệp lành thanh tịnh. Nguyện tất cả chúng sanh lìa khỏi sự bố úy, dưới cội Bồ đề phá quân ma.
-Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm hai mươi năm – Thập Hồi Hướng. (Lúc đại Bồ Tát xả thân mạng cứu chúng sinh, đem thiện căn này hồi hướng).
Con bắt đầu tìm kiếm những lối thoát, suy nghĩ về thức ăn, về thay đổi lộ trình, về thử lý luận với họ – nhưng đều vô dụng, con không thể buông xả và không cố gắng kiểm soát mọi thứ. Con có cảm giác như con đang đi vào trận chiến mà bị bịt mắt. Con nghĩ, “ Điều này y như chiến tranh vậy. Chiến tranh đến từ đâu?” Chiến tranh đến từ những ý nghĩ tham lam, luôn luôn cố gắng chiến thắng và trở thành số một. Trong tâm trí con, có một cái hộp nhạc luôn “mở suốt 24 giờ trong ngày” hát không ngừng nghỉ bài hát “số một”. Bên trong đó, nó đang hát những bản như: Super Bowl, Mười hạng đầu, Vinh danh, Điểm học cao nhất, Tổng sản lượng quốc gia lớn nhất, Cuộc thi hoa hậu Hoa Kỳ, Danh sách bán chạy nhất và Cuộc đua xe Indy 500. Tâm trí con lập các hiệp đoàn, phân nhóm, vòng kết, bán kết, và chung kết, tất cả mọi thứ từ A đến Z. Nó lưu lại bảng ghi điểm vị trí của con, xác suất con có để lên hạng nhất, giống như băng chạy ghi giá cổ phiếu Wall Street Dow Jones. Con cạnh tranh với chính mình, với gia đình, bạn bè, người lạ, quốc gia bên cạnh, vá hư không. “ Số một trên địa cầu, đầu tiên trên mặt trăng”.
Tất cả mọi người ai cũng muốn trở thành số một. Ai cũng muốn trở thành người dẫn đầu, trở thành người giỏi nhất về một cái gì đó. Họ đấu tranh cho vị trí số một. Mọi rắc rối của thế giới đều xuất phát từ ngay đây. Quý vị có tin điều đó không? Đó là sự thật. Tất cả mọi rắc rối của chúng ta xuất phát từ lòng tham và tìm cầu. Xưa nay vốn chẳng có vấn đề gì cả, nhưng con người chúng ta lại tự đem lại cho mình tất cả rắc rối trên thế gian này.
-Hòa Thượng Tuyên Hóa, Chùa Kim Luân. Los Angeles, tháng 1 năm 1979.
Ghi chú: Khi còn nhỏ ở trường học, chúng con không bao giờ có một chút thắc mắc về “bài hát người số một” mà tất cả chúng con đều hát. Chúng con nghiên cứu và so sánh sinh suất, tử suất, tỉ lệ tội phạm, tỉ lệ tự vẫn, và sinh sản; lực sĩ mạnh nhất, phụ nữ đẹp nhất, khoa học gia thông minh nhất và những chiến sĩ can đảm nhất – tất cả mọi thứ từ những Huy chương vàng Thế Vận Hội đến có ít răng sâu hơn đều dạy chúng con cạnh tranh để trở thành người chiến thắng số một. Con đã làm thế về điểm học, các môn thử này, thử kia, do đó có vẻ tự nhiên đến nỗi các quốc gia cũng làm như thế. Khi người Nga phóng vệ tinh Sputnik I vào quỹ đạo, tất cả mọi người đều kinh hoàng . Những chương trình khoa học tăng trong tất cả các trường học được gia tăng. “Người Nga đang dẫn đầu chúng ta! Họ đang chiến thắng trong cuộc ‘Chạy đua không gian’. “, ai ai cũng nói gần như trong hoảng loạn như thế.
Con biến mọi thứ như một cuộc thi và trò chơi; tất cả mọi người trở thành những kẻ thù địch và đối thủ. Lái xe trên xa lộ, có được giao dịch tốt đẹp nhất, luôn luôn chạy đua và gấp rút, nhắm trúng đích và ghi điểm – lớn hơn, tốt hơn, thành tích hơn…Người Chiến thắng! Có người nói phá vỡ quy tắc sẽ thắng mọi trận chiến. Nhưng phá vỡ quy tắc cũng gây nên chiến tranh!
Luôn luôn nỗ lực chiến thắng, dùng ‘trăm phương nghìn kế’, lúc nào cũng vang lên trong tâm trí con. Những ý nghĩ này nhanh chóng tăng trưởng tràn trề và lấp đầy cả vũ trụ với những xung đột và tàn phá. Những xung đột trong ta đã gây ra chiến tranh bên ngoài.
Cuộc chiến nho nhỏ với những kẻ ném đá kia thực chất là một phiên bản với quy mô nhỏ của cuộc chiến tranh lớn hơn đang diễn ra trên thế giới. Tất cả mọi thứ xuất phát ngay từ chính trong trái tim điên đảo của con. “Cần phải làm cho lớn! Cần phải đứng đầu. Cần phải trở thành một ai đó để người ta ngước nhìn với con mắt ngưỡng mộ”. Vì thế con thọ nhận những thứ mà con đã gieo. Con nên nhận lấy chúng mà không được phàn nàn và yếu đuối. Thật là ngu xuẩn làm sao về việc trả đũa! Khi con ngưng đấu tranh, giành giật vì thanh danh và tiếng tăm thì cũng là lúc người ta dừng chiến đấu với con. Cũng như nếu con chơi một cuộc thi đấu, thì con phải nhận lấy những cuộc va chạm. Làm sao thế giới có thể tốt đẹp hơn nếu con không tự thay đổi chính mình?
Nếu tự tôi không tu được chánh hạnh, thời không thể bảo kẻ khác tu.
-Kinh Hoa Ngiêm. Phẩm hai mươi sáu – Thập Địa. Phần mười thứ thâm tâm.
Con nên tu hành cái gì đây? Không sát sinh. Có phải tranh chấp và chà đạp kẻ khác là một cách giết hại không? Khi con cố gắng chiến thắng, thì ai là người thất bại? Con có quan tâm không? Có rất nhiều cách giết và chết.
Đôi khi, điều này rất khó nhận ra. Khi con còn là một cậu bé, con đi xem trận banh chung kết Super Bowl. Giữa trận đấu, họ mang ra “một phi đội” là những người phi công lái may bay chiến đấu. Họ là những người chiến sĩ thả nhiều bom nhất và thực hiện nhiều phi vụ nhất (gây sát thương nhiều nhất) ở Đông Nam Á. Ở đó, họ sắp hàng theo hình chữ T như thể là một “Toán Siêu Đẳng”. Điều này đã làm con đau lòng và giúp con mở mắt để thấy. Chúng con đã lạc lối quá xa so với những gì cổ nhân dạy:
Khi chiến thắng không xem binh khí là vật đáng ưa thích. Vì nghĩ binh khí là vật đáng ưa thích tức vui thích binh khí, và thích binh khí tức thích giết người. Thích giết người thì không trị được thiên hạ. Giết hại nhiều người thì nên lấy lòng thương tiếc mà khóc, chiến thắng thì nên lấy tang lễ mà xử.
-Lão Tử
Những trẻ em luôn hỏi chúng con,” Các ông sẽ làm gì nếu ai đó đánh hay tìm cách gây chuyện và đánh các ông?” Chúng con trả lời thẳng với các em rằng nếu các em đối xử với người với lòng từ, bi, hỷ, xả thì sẽ không ai làm phiền đến các em. “Các em sẽ có rất nhiều bạn tốt và không bao giờ thấy sợ hãi. Ngay khi các em nghĩ đến đấu tranh thì đấu tranh sẽ tìm đến các em. Và khi các em bắt đầu đấu tranh thì rất khó mà dừng lại được – có những hận thù, ‘trả đũa ’ và ‘món nợ cần thanh toán’. Nếu các em bức hiếp người khác, dù chỉ trong ý nghĩ, thì người ta cũng sẽ bức hiếp các em. Sự sợ hãi đến từ những lỗi lầm đã gây ra trong quá khứ”. Vì thế, giờ đây con nhận ra rằng nếu con có sợ hãi cho “trận chiến vùng Russian Gulch” ngày mai thì cũng là bởi vì con đã đánh và giết rất nhiều trong quá khứ. Nghiệp lực do muốn trở thành số một và chiến thắng của con thật sâu nặng. Giờ đây con đang nếm vị thuốc của chính mình. Thầy Hằng Thật không có một chút gì là sợ hãi hay lo lắng. Tại sao? Bời nghiệp của mỗi người đều khác nhau. Có vô lượng vô biên thế giới và thực tế đan xen lẫn nhau, nhưng không một chút nhầm lẫn hay lộn xộn. Vì thế mà hai người có thể cùng đứng cạnh nhau trong cùng một hoàn cảnh nhưng một người thì nhận khổ đau, trong khi người kia lại nhận hân hoan.
Bởi nghiệp lực riêng khác của chúng sinh mà có vô lượng vô số thế giới chẳng đồng nhau, trong đó chúng ta bám chấp để sinh tồn và mỗi người thọ khổ vui khác nhau.
-Kinh Hoa Nghiêm
Ghi chú: Chúng con đã lạy qua vùng Russian Gulch mà không có việc gì xảy ra. Không đá, không có những người thanh niên nóng giận. Tất cả do tâm tạo!
Phần thứ hai.
Tuần vừa rồi, ở gần Carmet, có hai cậu bé liên tục đe dọa chúng con, chúng ném những quả bong bóng đựng nước, ném đá và nguyền rủa chúng con. Lần đầu tiên con nhận ra rất rõ những điều phiền toái này là do quả báo từ vô số kiếp tìm kiếm và chiến đấu để giành vị trí số một. Khi con ngừng tìm kiếm thì rắc rối cũng thôi không tìm đến con. Giờ đây, ‘vũ khí’ duy nhất của chúng con là những lời nguyện của Bồ tát. Sự bảo vệ duy nhất của chúng con là nhất tâm lễ lạy sám hối và sửa đổi. Đây là nền tảng đầu tiên để trở nên ngay thẳng và bảo vệ được người khác.
Dùng sự trang nghiêm của sám hối và sửa đổi, Bồ Tát cần mẫn tu hành đạo vừa làm lợi ích cho mình và vừa lợi ích cho người. Dùng những đại nguyện của Bồ Tát như là khiên chắn, áo giáp để trang nghiêm thân. Bồ Tát cứu giúp và bảo hộ chúng sinh mà không bao giờ thối chuyển.
-Kinh Hoa Nghiêm
Khi ở thành phố Los Angeles, có một phụ nữ đã giận dữ hét lên: “Hãy thôi, đừng lạy nữa. Thật ghê tởm làm sao. Đây là nước Mỹ mà”. Và ở gần Malibu, có một cậu bé hỏi: “Này ông, ông không thấy xấu hổ đấy chứ?”
Lễ lạy rất khó khăn với con. Trong tất cả các pháp môn tu hành, lễ lạy là sự chọn lựa cuối cùng, nó thực sự khiến ta có cảm giác mình không quan trọng và trở nên khiêm nhường. Việc lễ lạy chính là sự đối nghịch của tranh đấu cho bản thân và nỗ lực trở thành số một. Những người chiến thắng không khấu đầu. Đó là dành cho những kẻ thất bại. Ai cũng muốn chiến thắng, chẳng ai muốn thất bại cả. Nhưng chiến thắng thì làm lộn xộn cả thế giới. Vì thế chúng con lễ lạy.
Càng lễ lạy, bản ngã càng bị tổn thương, bản ngã càng bị tổn thương, lễ lạy càng tốt đẹp hơn. Cuộc đời con trở nên tốt đẹp hơn kể từ khi bắt đầu lễ lạy. Tuy nhiên đó không phải là loại hạnh phúc và niềm vui mà mình muốn giữ cho riêng mình. Không có bản ngã thì làm sao có thể nắm giữ bất cứ thứ gì ? Chúng con từ bỏ bản ngã để chấm dứt những thảm họa, tai ương trên thế giới và như thế, tất cả chúng ta cùng thành Phật với nhau. Khi con lễ lạy, con đã không gây ra nhiều rắc rối cho mọi người. Đó là cách giúp thế giới. Đó là rất yêu nước! Nếu con còn thấy xấu hổ, con phải lạy cho đến khi không còn cái gì để “không thấy xấu hổ” nữa.
Ngay khi mấy cậu bé chuẩn bị ném tiếp mấy quả bong bóng đựng nước vào chúng con thì có một người đàn ông lớn tuổi từ trong nhà bước ra. “Tôi có thể hỏi về nghi lễ của các ông và tại sao các ông lại lễ lạy không?”
Khi ông ấy biết được tại sao chúng con làm công việc lễ lạy này thì ông ta đã nở ra một nụ cười thật lớn và nhẹ nhàng, đôi mắt ngân ngấn nước. Ông ta hãnh diện đưa tay ra bắt tay con và tay kia vỗ nhẹ vào vai con. Mấy cậu bé thấy thế liền bỏ đi mất. Bấy giờ, mọi thứ trở nên yên lặng. “ Điều này thật tốt…thưa ngài. Tôi đoán chắc rằng phải mất hai năm để làm việc này” người đàn ông ấy nói.
Con tự nghĩ rằng, “Nếu tôi có thể cư xử với mọi người nam như thể họ là cha, anh em trai của mình thì sẽ chẳng có người trai trẻ nóng giận nào và cũng chẳng có chiến tranh. Nếu tôi có thể dừng lại việc tranh đấu để giành vị trí số một và cư xử với mọi người nữ như là mẹ và chị em gái của mình thì thế giới sẽ bình an biết bao!”
Một suy nghĩ đơn giản, nhưng ở ngoài này đây, đó là những gì đang diễn ra: Từ bỏ tham lam, nóng giận và si mê của chính mình với tâm ngay thẳng và rất nhiều lòng từ bi. Với những người không biết nhiều về Đạo Phật thì hiểu thế này: Lòng ích kỷ phá hủy thế giới, chia rẽ các quốc gia, chia rẽ các gia đình và khiến chúng ta cảm thấy cô đơn và trống trải. Những người dành thời gian để tìm hiểu xem lễ lạy và Đạo Phật đại diện cho những gì thì sẽ hiểu ra ngay lập tức. Giáo Pháp của Phật đã tự nói lên.
“Các ông đang làm việc tốt, hãy tiếp tục!”, một người đàn ông nói khi ngồi trong chiếc VolkWagen. Một người phụ nữ và hai thiếu niên nói: “Chúc may mắn. Chúc hành trình tốt đẹp. Cần có nhiều người làm như thế. Chúng ta sẽ có một thế giới tốt đẹp hơn. Cảm ơn các ông.”
Một người đàn ông gần vùng Ducan’s Landing nói: “Tôi muốn cúng dường các ông chút bánh mì. Hành động của các ông làm thật cao đẹp. Các ông chẳng cần phải nói lời nào cả”.
Đạo Phật thật tinh khiết và đơn giản: Không tranh đấu để giành vị trí số một. Không tìm kiếm tiếng tăm và danh vọng.
“Thấy tất cả mọi người cũng như mình thì gọi là Đại Bi” (4)
-Hòa thượng Tuyên Hóa.
Bồ tát luôn nghĩ nhớ đến chúng sinh với lòng từ bi, tâm lợi ích, tâm thương xót, tâm hoan hỉ, tâm hòa hợp, tâm nhiếp thọ, bỏ hẳn tâm sân hận, tâm căm hờn, tâm thù địch, tâm oán hại, thường nghĩ đến thật hành nhân từ lợi ích, bảo vệ, che chở họ.
-Kinh Hoa Nghiêm.
Chính xác là như vậy!
An lạc trong Đạo,
Đệ tử Quả Đình (Hằng Triều)
Cung kính đảnh lễ
Chú thích:
(1) Bài thơ nói về Hạnh nhẫn nhục của đức Di Lặc Bồ Tát.
(2) Manifest Destiny: Thuyết bành trướng do định mệnh – cho rằng Hoa Kỳ có quyền và nghĩa vụ bành trướng ra khắp lục địa Bắc Mỹ.
(3) Chất do tuyến nội tiết thượng thận sinh ra khi quá lo sợ hay căng thẳng.
(4) Đồng thể tức Đại Bi
Pháp Hội !
10 tháng 7 năm 1979
Fort Ross
Kính thưa Sư Phụ,
Lá thư này tập hợp lại những suy nghĩ tản mạn của con trong suốt tuần qua. Chủ đề là: Hãy vui vẻ, đừng lo lắng, tu hành Phật Pháp là một việc tốt. Càng cần mẫn tu hành, sẽ càng cảm thấy hạnh phúc. Tu hành khiến chúng con hạnh phúc thực sự.
Bậc Thánh Hiền xưa nay chẳng khác
Vô cùng hoan hỷ trong mọi thời.
Phần thứ nhất.
Một vị sư thắp hương và cung kính lạy tượng Phật. Người ấy ngồi xuống trước bàn thờ và chéo chân lại, cầm cây đàn lên và tấu lên giai điệu trầm lắng. Người ấy bắt đầu tụng kinhbằng tiếng Anh:
“ Lúc bấy giờ, thừa thần lực của đức Như Lai, Công Đức Lâm Bồ Tát liền nhập vào Bồ Tát Thiền Định Tư Duy Tam muội. Nhập tam muội này rồi, có vô số chư Phật nhiều như số bụi trần trong mười nghìn cõi Phật đồng đến từ những thế giới nhiều như những hạt bụi trần trong mười nghìn cõi Phật ở mười phương hiện ra trước…”
và người ấy tiếp tục xướng tụng Phẩm Thập Hạnh của Kinh Hoa Nghiêm. Người ấy làm như vậy hàng ngày như là Pháp môn sùng bái của mình; đó là cách cúng dường Kinh và cho chính trí tuệ tự nhiên của mình. Khi người ấy tụng xong, người ấy đều hồi hướng lợi ích cho tất cả chúng sinh ở khắp nơi với mong ước rằng tất cả sẽ làm điều tốt lành tránh điều xấu ác. Người ấy luôn luôn hạnh phúc với công việc này.
Thỉnh thoảng, người ấy xướng tụng Kinh nơi công cộng. Giai điệu đơn giản và những câu chuyện lôi cuốn về phẩm hạnh của Bồ Tát đã đi thẳng vào trái tim của người nghe. Người ấy tự đệm đàn Banjo hoặc đàn hạc (autoharp), thỉnh thoảng người ấy chỉ tụng và để cho những lời Kinh tự âm tạo âm điệu trong hư không:
Tâm trí tôi sẽ an trú nơi an lạc vô thượng, vô ngôn, vô trụ, vô động chuyển, vô lượng, vô biên, vô tận, vô tướng, trí tuệ thậm thâm.
-Kinh Hoa Nghiêm.
Điều này có thể xảy ra khi sự hành trì Chánh Pháp được bén rễ vào mảnh đất phương Tây.
Khi tổ Bồ Đề Đạt Ma giương thuyền đi từ Ấn Độ, thực hiện lời tiên đoán của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni rằng giáo lý Đại thừa sẽ được truyền sang Trung Hoa vào thời của tổ thứ hai mươi tám. Phật Pháp trước đó đã thực sự tồn tại ở Trung Hoa, tuy nhiên lại dường như chưa có ở đó bao giờ. Mặc dù cũng đã có người nghiên cứu, nhưng chỉ có một số ít giảng giải hay tụng đọc Kinh điển và hiếm khi thực hành những nghi lễ sám hối.
-Hòa thượng Tuyên Hóa, Kinh Pháp Bảo Đàn Lược giảng.
Bảng hiệu giới thiệu trên các bảng lớn quảng cáo và cột điện thoại ở khắp nơi: Pháp hội Phật Giáo! Hãy đến đây, Tất cả mọi người! Hãy đến Vạn Phật Thánh Thành! Có những buổi giảng Pháp liên tục! Vào cửa miễn phí ! Đặc biệt Lễ Sám Dược Sư nguyên ngày (có thể đặt phòng tại Thánh Thành hoặc gọi đện thọai số…) Thức Ăn Chay! Vui lòng không sử dụng chất say hay thuốc lá. Triển lãm nghệ thuật.
Các gian hàng: Nấu các món chay, chăm sóc sức khỏe tự nhiên, trồng trọt trong vườn theo thiên nhiên. Các buổi trình diễn của trường Đại học Phật giáo Pháp giới: Thái cực quyền, Châm cứu. Âm nhạc: Hợp xướng Phật giáo, tụng kinh, hòa nhạc của giới trẻ. Trình diễn: Những kịch bản đầu tiên của nhóm diễn viên Trường Bồi Đức. Những buổi lễ tốt nghiệp của các trường Phật giáo và giải thưởng cho những thành tích học xuất sắc. Hướng dẫn thiền tập. Niềm vui cho tất cả mọi người!
Đó có lẽ là cách khéo léo giới thiệu Phật Pháp tới gia đình chúng ta ở phương Tây.
Thế hệ chúng con có những thiện căn với năng lực không thể nghĩ bàn để được tận mặt gặp vị thầy mình. Chúng con có thể học tập và thực hành dưới Pháp tọa của ngài suốt cả ngày lẫn đêm. Kho báu của những đạo lý chân thật mà chúng con nhận được thật phong phú không thể đo lường được. Nhiều thập niên sau, những người kế thừa giáo Pháp của chúng ta vẫn sẽ mãi bận rộn phiên dịch và thu thập Giáo Pháp phong phú xuất xứ từ nguồn tài liệu giảng dạy của chúng ta như một dòng suối vô tận.
Thầy Hằng Triều và con đang nghiên cứu phần Nhị Địa trong Phẩm Thập Địa của kinh Hoa Nghiêm. Đó gọi là “Ly cấu địa”. Trong đó tất cả đều nói về những quy luật cơ bản để trở thành con người: Thập Thiện . Đó giống như là một túi thuốc tùy thân cho những phiền não và đau khổ mà chúng ta đều trải qua. Nó mô tả rõ ràng cả hai thói quen tốt và xấu mà chúng sinh thực hành suốt ngày trong từng hành vi. Thập Thiện là điều chân thật. Kinh chứa đựng những nguyên tắc cổ xưa về hành vi chánh đáng, giáo Pháp chân thật .
Con ra ngoài để lạy, cảm thấy là mình thấy rõ những lỗi lầm của mình và tự làm chủ được. Tuy nhiên khảo nghiệm lại phát sinh, con lại quên tự nhắc nhở, chấp vào cảnh giới và nhận ra rằng mình thực sự không vui. Tối đó, khi con xem lại phần nhị Địa , con nhận ra lỗi của mình qua trang Kinh. Điều này luôn đến cùng với biện pháp sửa đổi kèm theo, với một giọng nhân từ và trí tuệ. Thật kinh ngạc mỗi khi thấy được những hành vi biểu lộ tính ma quỉ của con. Kinh Hoa Nghiêm là một bộ Kinh thánh thiện; vĩnh cửu, tuy nhiên phương Tây vẫn còn chưa biết đến. Kinh trở thành tấm gương, là người bạn tốt, nói thẳng vào trong sâu thẳm trái tim chúng ta bằng phương cách mà chưa có sách nào làm được.
Đây là lý do tại sao mà chúng con luôn nói rằng chúng con thật may mắn và hạnh phúc biết bao! Ai mà không muốn chia sẻ điều kỳ diệu này với mọi người ? Ai mà không cảm thấy biết ơn sâu nặng đối với chư Phật, Bồ Tát và những bậc Thiện tri thức? Những bậc đáng kính đó đã mang đến cho chúng con trí huệ và lòng từ bi Đại Thừa và đặt vào tay chúng con. Công việc của chúng con là nhận ra món quà vô giá này và khiến nó có thể dùng được cho tất cả mọi người. Điều quan trọng nhất là: Thực hành những lời dạy đó với một niềm tin thuần khiết và năng lực vô biên.
Lời nói là Pháp;
Thực hành là Đạo.
Nói hay, nói diệu.
Nhưng nếu không hành,
Thì chẳng là Đạo.
Không nên nói tu hành là nặng nề, phiền toái, mà đó là một lối sống nhẹ nhàng và tràn ngập niềm vui. Trước khi được gặp Phật Pháp, cuộc đời chúng con giống như đứng trong một hầm lửa. Đức Phật vỗ nhẹ lên vai chúng con và trầm tĩnh bảo rằng: “Có một cái thang vững chắc ở đây. Con có thể trèo lên đó mà vượt qua khỏi hầm lửa này nếu con muốn. À, và con hãy cho những người khác biết về điều này trên đường con thoát ra, có được không?” Chắc chắn chúng con sẽ làm !
Công việc của Vạn Phật Thánh Thành là đặt nền tảng cho Chánh Pháp tại đây ở phương Tây. Vì Thánh Thành là một hài nhi Phật khỏe mạnh, mới mẻ; việc thiết lập quy củ, những lễ lạy sám hối, việc nghiên cứu và phiên dịch kinh điển, việc tham gia vào những nghi lễ sáng và chiều, giữ gìn giới luật và tu hành hàng ngày sẽ là nguồn sống của Pháp thân.
Có quá nhiều công việc tốt đẹp phía trước, điều đó giống như nghe đức Phật nói, “Các con sẽ làm việc trên núi châu báu này đến suốt đời còn lại, các con nên phát đại tâm tinh tấn và hoan hỷ vô biên”.
Chúng con có một công việc tốt đẹp nhất thế gian: Những người bố thí Pháp vô thượng. Dù chúng con phiên dịch Pháp vô thượng này, tụng đọc, nghiền ngẫm, đánh máy, giảng giải, lễ lạy Pháp vô thượng này trên xa lộ, toả sáng Pháp vô thượng này qua những tâm niệm hoan hỉ, quán tưởng về Pháp vô thượng này khi chúng con cắt cỏ, trả lời điện thoại, và bón phân cây cối … chúng con đều đang thực hành bố thí sự an lạc, hạnh phúc, thiện lực và Phật quang. Còn gì có thể tốt đẹp hơn nữa? Khi chúng con tu Bồ tát đạo bằng cách tâm thì thực hành một Pháp môn và thân thì giữ gìn giới luật, thì chúng con đang tự chữa lành mình một cách tự nhiên. Chúng con dần dần được khoẻ mạnh! Chúng con tất cả đều trở thành những vị Phật, những chúng sanh toàn hảo, khi sự tu tập của chúng con được viên mãn với nỗ lực và định lực, và đó là tin vui nhất mà con từng được nghe.
Sư: Thưa thầy, có người cố gắng làm chúng con chuyển đạo bằng cách nói: “Đức Phật không thể cứu ông đâu. Ông ấy cũng chỉ là con người. Ông không nên cố gắng quá. Ông cũng không thể được cứu rỗi bằng việc làm đâu”.
Hòa Thượng trụ trì: Vậy thì con hãy nói với họ, “Tôi có thực phẩm để ăn, có áo quần để mặc, tôi có thể lễ lạy Phật, ai là người cần được cứu rỗi? Tôi tự cứu chính tôi”.
Sư: Họ nói “Các ông đang bị trói buộc!”
Hòa Thượng trụ trì: Con nói với họ : “Tốt thôi, tôi thích thế. Tôi hạnh phúc”.
Bồ tát luôn chỉ ra niềm hạnh phúc lớn lao cho chúng sinh.
-Kinh Hoa Nghiêm
Đôi khi, khi hồi quang phản chiếu thì có cảm giác như là lặn sâu xuống dưới hầm phân, đầy những thứ ô uế, xấu xa bên trong mình. Trước khi bắt đầu tu hành, con đã không nhận ra điều này. Tu hành chính là vào ngay trong đó và tẩy trừ những thứ độc hại, là vất vả lội qua những bùn lầy dơ bẩn của bản ngã và tham, sân và si. Cần phải xúc đổ dọn sạch nó đi từng xô, từng xô một. Nhưng Phật Pháp là một thể thanh lọc vĩ đại, là liều thuốc cho tâm, là thảo mộc chữa bá bệnh cho tất cả những phiền não do chất độc gây ra.
Ví như thuốc Già Đà
Tiêu được tất cả độc.
Phật pháp cũng như vậy
Diệt các họa phiền não
-Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm thứ hai mươi bốn – Đâu Xuất kệ tán thán.
Đức Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát chỉ dạy chúng ta nên “sám hối nghiệp chướng”, và đó chính là mục đích của những buổi lễ sám hối. Mỗi khi chúng ta chân thành tự nêu ra những lỗi lầm của mình, nhận ra chúng và nguyện thay đổi, thì trong tâm được sáng lạn hơn một chút. Đây là những chúng sanh phiền não của con, và con nguyện độ tất cả chúng. Cho dù có tự chuốc lấy bao rắc rối gây ra bởi Tham, Sân, Si trong quá khứ, con vẫn sẽ duy trì việc tu tập tốt đẹp này cho đến khi tấm gương của tâm con không còn vương lại một hạt bụi nào nữa. Sẽ là ngày mai chăng? Sẽ là chín đại kiếp nữa chăng? Không thể biết được. Thậm chí có là mãi mãi, thì con vẫn tin rằng chúng con sẽ đồng thành Phật và con tự cho mình công việc là đưa những chúng sinh bên trong của con qua bờ bên kia trước tiên. Đồng thời con cũng không phải phô ra những phiền não của mình để người khác biết đến. Đó là đi tìm sự chú ý. Con tự gây ra tất cả những phiền toái cho mình, con nên chịu đựng với những hậu quả trong yên lặng, không như đứa bé khóc lóc yếu đuối và đương nhiên không gây phiền toái cho người khác bằng những vui buồn hàng ngày của con. Bồ tát làm như thế nào?
Bồ tát luôn là vị thiện tri thức ở khắp nơi cho tất cả chúng sinh. Ngài nói chánh Pháp và khiến chúng sinh tu hành. Cũng giống như đại dương lớn: Không lượng độc tố nào có thể thay đổi hay làm hư hoại đại dương được. Bồ Tát cũng như vậy. Tất cả những người Ngài gặp, dù không có trí huệ…tất cả những thứ phiền não chướng ngại từ những chúng sinh ấy không thể lay chuyển hay xáo trộn Ngài được.
-Kinh Hoa Nghiêm
Với đức tin nơi Đạo
Đệ tử Quả Chân (Hằng Thật)
Cung kính đảnh lễ.
Một Người Phải Trải Qua Rất Nhiều Thay Đổi
Ngày 16 tháng 7 năm 1979
Biển Cove, Califonia
Kính thưa Sư Phụ,
“Giao Lộ Vùng Quê”
Đó là một buổi chiều chủ nhật. Chúng con đang lạy xuyên qua một ngôi làng nhỏ trên đường xa lộ 1, vùng biển Cove. Ở đó có một trạm bơm ga, một tiệm bán đồ vùng quê, một nhà kho chứa rơmđã bị tàn tạ vì mưa gió, và vài căn nhà. Phía trước tiệm bán đồ có mấy thanh niên địa phương đang ngồi trên mấy gốc cây bị cắt, trên mấy cái ghế cũ, trên bửng xe hơi và trên mấy cái xe mô tô. Họ đang uống bia, hút thuốc và hát nói kiểu ráp. Mỗi người đang tìm kiếm cái gì đó, đang mong mỏi chờ đợi, nhưng không ai có thể nói được là họ đang mong đợi điều gì. Dù là có một đám đông nhưng một sự cô đơn trống trải đang lơ lửng trên không như màn sương mù xám xịt hôm nay chưa tan. Họ đều có nhà cửa, nhưng không ai muốn về nhà. Trái tim họ không có chỗ để nương tựa. Chúng con biết họ ở đang đâu, và thấy thông cảm.
Bồ tát thấy tất cả chúng sinh đều cô đơn, không có chỗ nương tựa và Ngài thấy thông cảm.
-Kinh Hoa Nghiêm
Khi chúng con vòng qua một khúc quanh và đi vào tầm nhìn, có hai thanh niên bắt đầu thử thách chúng con với những lời nhạo báng. Một người lái xe mô tô trông dữ tợn nhất, mặc chiếc áo khoácda màu đen và có bộ râu xồm, ghim tờ giấy giải thích việc hành hương lễ lạy (1) lên cánh cửa lưới của tiệm cho mọi người đọc. Tên anh ta là Bobby. Anh ta nói với mấy người thanh niên kia, “ Cầncoi chừng cái miệng đấy tụi bây. Đừng có làm phiền mấy người bạn ấy. Họ đang làm công việc vất vả vì chuyện tốt. Họ đều tốt cả”. “Ừ, nhưng trông họ rất kỳ cục, thực sự rất nghiêm túc. Thậm chí họ không uống bia…những người từ chối tiệc tùng thực sự”, một trong mấy thanh niên trả lời.
“Mày có lẽ cũng sẽ có chút thay đổi nếu lạy trên đường suốt hai năm đấy. Một người phải trải qua rất nhiều thay đổi khi làm việc như thế”, người lái xe mô tô trả lời.
“Hai năm? Như vậy sao ?” một trong mấy người thanh niên nói. “Ừ. Có cái gì đó dành cho họ. Nó dành cho mọi người. Tôi nghĩ là tôi sẽ không để cho bất kỳ một kẻ xấc xược nào phiền nhiễu đến họ”.
“Ừ, chắc chắn là thế, được rồi, Bobby. Bất kỳ điều gì cậu nói”, cậu thanh niên kia nói. Họ đều ngồi xuống lại và yên lặng quan sát. Sau đó, một chiếc xe buýt chạy nhanh đến phía chúng con. Bobby nhảy ra khỏi xe mô tô và bắt đầu hướng dẫn giao thông để chiếc xe buýt có thể đậu lại an toàn. Đó là một con đường hẹp và rất đông xe cộ. Nhóm thanh niên trẻ đó bắt đầu la ó và hét lên về phía chiếc xe buýt đó – làm sự việc hơi khó coi. Bobby quát lên, “Các ông cần tử tế với những người này…phải tử tế, ngay bây giờ”. Họ yên lặng trở lại. Thầy Hằng Không nhảy ra khỏi xe buýt. Thầy và một nhóm đông người đã lái xe tới từ Vạn Phật Thành để gặp hai vị sư đang lễ lạy và cúng dường.
Vì thế tất cả chúng con ở đây, vô lượng chúng sinh từ những thế giới khác nhau, giờ đây cùng hội tụ và gặp gỡ trong ngày hôm nay trên giao lộ đường quê. Trên xe, là những đệ tử Phật với đôi mắt ngời sáng hạnh phúc đến từ khắp nơi trên thế giới. Trong đó có hai vị sư đang lễ lạy này.
Bên ngoài, giọng ca của Mick Jagger và Rolling Stone vang lên trong không gian và làm bồn chồn tinh thần. Những người thanh niên cô đơn đang nói với nhau: “Đừng về nhà vội. Hãy ở lại lâu hơn chút nữa. Tôi sẽ mua mời mỗi người một lon bia nữa”. Chúng ta những con người đều có trái tim giống nhau. Kẻ khổ đau và kẻ hạnh phúc, kẻ phàm và kẻ thánh, kẻ thanh tịnh và kẻ nhiễm ô, kẻ tự tại và kẻ còn bám chấp – tất cả đều trộn lẫn với nhau tại thị trấn giao lộ nhỏ này, giống như tất cả đang trộn lẫn với nhau bên trong mỗi chúng con. Mọi sự khác biệt chỉ là ảo tưởng. Chúng con có cùng một tự tánh – Phật tánh và tánh này không hai, hoà quyện một cách hoàn hảo. Tuy nhiên Phật tánh này chẳng có khuôn mặt hay hình dáng nào.
Pháp tánh thâm nhập khắp mọi nơi,
Khắp các chúng sinh và cõi nước.
Hiện hữu trong ba thời không dư,
Không hình tướng nào để nắm bắt.
-Kinh Hoa Nghiêm
Có những lúc thế giới dường như thật kỳ lạ! Với những ngôi nhà và hàng rào, với những màn che và xe hơi, chúng ta cố tạo ra cái gọi là “bạn” và “tôi”, “tôi và của tôi”, nhưng dù chúng ta có cố gắng thế nào, thì cũng không thế phân chia chân tánh của chúng ta. Tất cả chúng ta đều có mối quan hệ sâu xa. Cuối cùng thì, mọi sự khác biệt đều không thể nhìn thấy được. Không ai có thể ngăn được mối tương quan lẫn nhau giữa tất cả chúng sinh và mọi vật ngoài những hào rào dây thép gai ngăn cản không gian hay cây cầu làm phân chia dòng sông. Hôm nay, con được nhìnthoáng qua về sự bình đẳng của tất cả chúng sinh. Trong thị trấn nhỏ này, con đã nhận ra rằng tất cả mọi khuôn mặt đều chỉ là những chiếc mặt nạ mà chúng ta mang. Bobby có vẻ dữ dằn và thô bạo, nhưng bên trong, anh ta lại rất hiền từ. Đằng sau vẻ bề ngoài dữ tợn là lòng tốt. Đằng sau tất cả những mặt nạ của chúng ta chỉ có một khuôn mặt. Nó chẳng có màu sắc hay hình dáng, cũng không có kích cỡ hay nơi chốn nào cả. Nó cũng chẳng có tướng về kích cỡ. Con đã nghĩ rằng, “Không chỉ có hai vị sư đang thực hiện Tam bộ nhất bái, mà là tất cả chúng sinh. Chỉ có một trái tim. Chúng con không bao giờ rời nó, và nó cũng không bao giờ rời bỏ chúng con”. Một khuôn mặt mà tất cả chúng ta đều có đấy là khuôn mặt Phật. Khuôn mặt Phật có ở khắp mọi nơi.
Bên trong không thân, tâm,
Bên ngoài không thế giới…
Không mình không ta, quán tự tại,
Không sắc không không, thấy Như Lai.
Họ Đang Làm Gì Đó và Chẳng Làm Gì Cả!
Ngày 17 tháng 7 năm 1979
Phía bắc Ocean Cove, Califonia
Kính thưa Sư Phụ,
Sáng sớm, khi trời vẫn còn nhá nhem tối, con thức dậy ở bên ngoài, khi đang ngủ dưới một gốc cây, nhìn xung quanh. Trong một hoặc hai phút, con không thể tìm thấy mình. Bên trong và bên ngoài, phía trên hay phía dưới, ở đây hay ở kia đều không thấy tồn tại.
Tính đố kỵ và kiêu ngạo, ham muốn và sợ hãi mà con thường mang theo trong trái tim mình hết ngày này qua ngày khác, trong vài khoảng khắc dường như chỉ là một giấc mơ. Con nở một nụ cười. “Làm sao mà có thể tự làm mình nghiêm trọng đến thế? Nhìn xem!…Thấy chưa? Về căn bản, không có một vật nào cả. Dù vậy ngay trong không lại xuất hiện diệu hữu”, vị Thiện Tri Thức trong con nói.
Một cách chầm chậm, từng chút một, mọi thứ dần trở nên rõ nét. Lễ lạy mang lại những khoảnh khắc rõ ràng và tĩnh lặng nói với chúng con rằng hãy buông bỏ tất cả những vọng tưởng và bám chấp đi. “Với niềm tin thâm sâu và sự tinh tấn dũng mãnh, hãy là ‘Vô tâm Đạo nhân’. Mọi thứ đáng xảy ra thì tự nó sẽ xảy ra”, trái tim lễ lạy lên tiếng. Khi con thôi gây trở ngại và can thiệp, thì Đạo sẽ đáp ứng lại một cách tự nhiên và không cần nỗ lực gì cả. Khi trái tim không còn bị chướng ngại, thì từ, bi, hỷ, xả sẽ xuất hiện như những chồi non trong mùa xuân. Khi vọng tâm ngừng bặt và lòng tham ngưng nghỉ, thì tự nó, sự thanh cao và phúc lành của bổn lai diện mục sẽ xuất hiện. “Người có thể như thế thì lợi ích cho cả thế giới”, Sư Phụ nói với chúng con như vậy.
“ Họ đang làm gì vậy?” một người đứng ngoài xem hỏi.
“Chẳng gì cả. Họ chẳng làm gì cả,” một người bạn trả lời.
“Tại sao họ lại không làm một cái gì?” người ấy tiếp tục.
“Họ đang làm cái gì đó. Họ đang làm cái không gì cả”, người bạn anh ta trả lời.
“Tôi không hiểu”, người ấy thắc mắc. Nhưng bạn anh ta thì hiểu. Khi chẳng làm gì cả, thì mọi thứ đều được thực hiện. Cũng như vậy, bằng cách không khởi tạo nghiệp bởi Tham, sân, si qua thân, khẩu và ý, thì chân lý tự nhiên và sự thiện lành sẽ hiển hiện. “Không làm gì (vô vi)” là chuyên nhất tâm đến chỗ vô tâm, vô tưởng, vô sở trụ. Điều này được gọi là “làm mà không làm (vi nhi vô vi)”. Đây là mục đích của giới luật, thiền định và trí tuệ. Chúng làm cho tất cả “nguyên chất”. Chúng con chưa đạt đến điểm không làm gì cả. Những lời dạy giản dị vẫn còn đây: “Đừng vọng tưởng. Đừng bám chấp. Hãy cố gắng hết sức!” và câu kệ này soi sáng đường chúng con đi.
Tánh định ma phục ngày ngày vui.
Vọng tưởng không khởi chốn chốn an.
Tâm ngừng niệm đoạn: chân phú quý.
Dục niệm chặt đứt: thật phước điền. (1)
-Hòa thượng Tuyên Hóa
An lành trong Đạo,
Đệ tử Quả Đình (Hằng Châu)
Cung kính lễ lạy.
Chú thích:
(1) Nguyên văn:
Tánh định ma phục triêu triêu lạc,
Vọng niệm bất khởi xứ xứ an
Tâm chỉ niệm tuyệt, chân phú quý
Tư dục đoạn tận: chân phước điền
Không Giết Hại
Ngày 16 tháng 7 năm 1979
Ocean Cove, Califonia
Kính thưa Sư Phụ,
Chuyến hành hương lễ lạy của chúng con mong muốn chấm dứt chiến tranh, thảm họa, thiên tai và tất cả các loại khổ đau. Bản thông cáo giải thích công việc của chúng con ghi, “Nếu việc lễ lạy của chúng tôi là thành tâm, thì mọi tai ương và khổ đau sẽ được giảm bớt, chiến tranh và mọi vũ khí hủy diệt sẽ dần dần biến mất”.
Bồ Tát nguyện tất cả chúng sanh lìa bỏ tất cả dao gươm, võ khí nghiệp ác, tu hành những nghiệp lành thanh tịnh.
-Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm hai mươi lăm – Thập Hồi Hướng. (Lúc đại Bồ Tát xả thân mạng cứu chúng sinh, đem thiện căn này hồi hướng).
Rất nhiều người Mỹ sở hữu súng. Khi còn nhỏ, con thường đeo cái bao súng ngắn mà có thể rút ra rất nhanh và thường bắn vào “những kẻ xấu” trong gương ở buồng ngủ.
Cùng với lũ trẻ con hàng xóm, chúng con chơi trò “bắn súng” khi tan học về. Có nhiều trò khác nhau – Cao bồi và Những người da đỏ, cảnh sát và những tên cướp, Đồng minh với Phát Xít Đức – tất cả cũng là chạy vòng quanh khu đường xá, mang những vũ khí đồ chơi và bắn nhau chết. Đến tối, chúng con học cách chơi những trò ấy qua TV, những bộ phim như Cuộc chiến (Combat), Khói Súng (Gunsmoke), Cuộc Săn Lùng Tội Phạm (Dragnet), Người Thi Hành Luật Pháp (the Lawman), Có Súng, Sẽ Du Hành (Have Gun, Will Travel) …ti vi đã là trường học dạy bạo lực của chúng con. Con được nhồi sọsâu xa để tin tưởng rằng khi mọi thứ không theo ý mình, thì giết hại để giải quyết việc xung đột của mình là điều hoàn toàn bình thường. Không chỉ có riêng mình con có quan điểm này. Nhà nghiên cứu xã hội, Herman Kahn, trong một bài nói chuyện về bạo lực và lối sống Mỹ với sinh viên năm thứ nhất tại một trường đại học danh tiếng, theo con nhớ, đã hỏi những câu như thế này: Có bao nhiêu sinh viên đã từng sống với ông bà của mình? Rất ít người như vậy. Ông ấy hỏi có bao nhiêu người đã sở hữu những khẩu súng BB ở tuổi thiếu niên và những khẩu súng 22 ly trước khi vào đại học. Hơn một nửa đám đông giơ tay. (Con kể lại từ trong ký ức – Cách đây ba năm, con đã đọc một bài trong báo Cùng Tiến Hoá phát hành mỗi ba tháng (Co-evolution Quarterly) – và những thống kê có thể không chính xác).
Người Mỹ không phải là độc nhất trong việc chuẩn bị tinh thần để giết hại. Xã hội nào cũng tôn trọng giai cấp chiến sĩ: Kshatriyas (Sát Đế Lợi – giai cấp chiến sĩ) của Ấn độ (1), Samurai của Nhật Bản (2), Những Đại Đội Trưởng của La Mã (Rome’s Centurions) (3), Hải quân Anh – tất cả đều duy trì cho việc đổ máu. Nền văn minh mà không có quân đội là một ngoại lệ. Người ta có thể lý luận rằng con người bản tánh vốn bạo tàn và độc ác.
Con xuất thân từ gia đình có lai lịch quân đội. Phần lớn những người đàn ông trong họ hàng của con đều đã phục vụ trong quân đội. Con xem chuyện giết hại là điều đương nhiên cho đến cách nay vài năm, khi con bắt đầu tự đặt câu hỏi về việc này. “Mọi thảm họa và đau khổ của thế giới này từ đâu đến?” Con thắc mắc. “Có phải thân phận con người là để giết hại?” Con đã tìm ra câu trả lời. Trái tim con đã tỉnh thức theo lòng từ bi của Đức Phật khi con đọc được những lời này mà Thiền Sư Tuyên Hóa đã viết:
Có quá nhiều chiến tranh! Xót xa biết bao! Đau thương biết bao! Mỗi một tai họa đều đến từ những hành động giết hại…và những hành động giết hại đến từ tâm…Thời đại hiện nay là gì? Đây là thời đại huỷ diệt tuyệt chủng chúng sinh. Khi quan sát khắp Pháp giới, chúng ta sẽ thấy các quốc gia giết hại lẫn nhau, các gia đình đấu tranh lẫn nhau, các cá nhân giành giật lẫn nhau, liên miên mãi cho đến khi những cuộc đại chiến nổ ra giữa các hành tinh…Tôi mong rằng những người lãnh đạo của các quốc gia đều có tinh thần hiếu sinh của Trời Đất, xây dựng chính phủ tốt đẹp và thực thi luật pháp công bằng, chấm dứt mọi sự tranh chấp và dẹp bỏ lòng tham, quên mình và giúp người, làm lợi ích cho mình bằng cách làm lợi ích cho người, coi Vũ trụ như một gia đình, và xem tất cả mọi người như một. Một bậc Thánh Hiền xưa có nói, “nếu có người bị giết, thì như thể là chính tôi đã giết người ấy vậy”…
-Thủy Kính Hồi Thiên Lục – Phần Tựa
Lời phát biểu chống chiến tranh thật hùng mạnh làm sao! Ở đây có nguyên lý vững chắc mà con tìm kiếm. Thật rõ ràng và đơn giản làm sao: Không giết hại. Coi tất cả mọi người như bà con. Nó soi sáng cho sự thiên vị lộn xộn của chúng con về cái chết với sự sống. Bồ tát Giới giải thích điều đó rõ ràng hơn:
Bồ tát không đặng cất chứa những binh khí, như dao, gậy, cung, tên, búa, giáo, v.v… cùng những vũ khí dùng để đánh nhau hay gây chiến, cũng như không cất giữ lưới, rập, bẫy v.v…hay những khí cụ sát sanh
-Giới Khinh thứ mười – trích từ Kinh Phạm Võng
Phật-Tử, chẳng đặng vì quyền lợi và ác tâm mà đi thông sứ mạng cho hai nước hiệp hội quân trận, đem binh đánh nhau làm cho vô-lượng chúng-sanh bị giết hại. Bồ tát còn không được vào, cùng qua lại trong quân trận, huống lại cố làm môi giới chiến tranh.
-Giới Khinh thứ mười một– trích từ Kinh Phạm Võng
Đây là nền tảng của tình thương trong Đạo Phật: Không giết hại. Một vị sư đã có lần hỏi Sư phụ rằng, khi phải đối đầu với kẻ thù nghịch thì có thể đấm trả để tự vệ không. Câu trả lời là: “Tuyệt đối không đánh nhau! Nếu con đánh nhau với bất kỳ ai vì bất kỳ lý do gì, con sẽ không được xem là đệ tử của ta”.
Tranh giành và tức giận là những nguồn gốc của giết hại và chiến tranh. Như có một người nói rằng, “Đức Phật dạy từ bi. Có nghĩa là, ngừng đánh đập kẻ khác ! Tôi không phải là kẻ thù, tôi là bạn anh”. Và đệ tử của Phật không được lấy mạng kẻ khác vì lý do này .
Lòng Đại Bi của chư Phật bao trùm khắp tất cả chúng sinh. Chúng con đã được chỉ dẫn khi bắt đầu chuyến hành trình là “Hãy hết sức cẩn thận với kiến và muỗi”. Sư phụ dạy rằng, “Khi con giết côn trùng, chúng đến gặp ta và nói rằng, ‘Vị đệ tử đó không tốt. Anh ta phá giới!’”.
Đại Bi là coi tất cả chúng sinh như người một nhà. Chúng ta đều cùng chung bản chất. Tất cả những người nam đều là cha và anh em ta, tất cả những người nữ là mẹ và chị em ta. Vậy thì đâu còn chỗ cho những suy nghĩ về giết hại hay giận dữ hay đấu tranh?
Địa thứ hai trong Thập Địa mô tả thái độ của Bồ Tát về việc giết hại thế này:
Bồ Tát thời tánh tự xa rời tất cả sát sanh, chẳng chứa dao gậy, chẳng có lòng oán hận, có tàm có quý, đầy đủ lòng nhân thứ. Với tất cả chúng sinh có mạng sống thời thương, sanh lòng từ làm lợi ích.
Bồ Tát này còn chẳng có lòng ác não hại chúng sinh, huống là với họ mà có chúng sinh tưởng cố ý làm việc giết hại.
-Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm thứ hai mươi sáu – Thập Địa. Phần Bồ Tát Kim Cang Tạng dạy dùng mười thứ thâm tâm thời được vào bậc Ly Cấu Địa thứ hai.
Hiếu thảo là nền tảng cho những lời dạy của Chư Phật về lòng từ bi. Khi gia đình hạnh phúc, thì các thành phố có thể được an bình và các quốc gia trên thế giới sẽ cùng đến với nhau. Trong ngày lễ Độc lập, khi chúng con lạy dọc theo bờ biển Sonoma Coast màu xanh dương với nhiều đá, con đã tiến tới nhóm tụ họp mới đang hò reo vì người Mỹ. Không phải những tiếng hò hét cho cuộc tranh đấu, mà là những tiếng cổ vũ cho hòa bình: Đã đến lúc tôi phải quay trở lại và chấm dứt thói quen giết hại.
Chúng ta cần hiếu thảo, chứ không cần Hỏa lực!
Hãy buông bỏ súng lục, chứ đừng buông bỏ cha mẹ!
Hãy xa lìa súng ống, chứ đừng xa lìa ông bà!
Tại sao chúng ta giết hại? Đó là vì chúng ta bị giết hại trong quá khứ. Bệnh tật và yểu mạng đến từ cùng một nguyên nhân: Giết hại. Nhân và Quả – Nghiệp – không sai trật một mảy may. Như Kinh dạy rằng:
Tội sát sanh có thể làm cho chúng sanh đọa địa ngục, súc sanh và ngạ quỷ. Nếu tái sanh trong loài người thời mắc hai quả báo: Mạng ngắn và nhiều bệnh.
-Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm thứ hai mươi sáu – Thập Địa. Phần mười nghiệp đạo ác.
Lời dạy của Đức Phật về lòng Đại Bi nói thẳng tới chúng con ngay tại đây và ngay lúc này
Chúng ta nếu không kịp thời tỉnh thức ngăn chặn nguyên nhân sát sanh, duyên do sát sanh, phương pháp sát sanh, cùng nghiệp sát sanh, thì khó mà chuyển đổi được tai ách để được an lạc. . Nhìn vào nền khoa học hiện đại: mỗi ngày một mới mẻ và mỗi tháng đều khác. Vũ khí quân sự được hiện đại hóa từng ngày và mỗi tháng đều khác. Cho dù chúng ta gọi đó là sự tiến triển thì nó chẳng có gì hơn ngoài sự tiến triển của sự tàn ác. Khoa học dùng sanh mạng của con người như là một cuộc thử nghiệm – như là trò chơi của trẻ con. Nó làm đầy những tham vọng lớn lao và những mục tiêu bằng sức mạnh …”
-Thủy Kính Hồi Thiên Lục.
Như việc cái vỏ chai bia làm vỡ kính cửa xe hơi của chúng con tháng trước đến từ những ý nghĩ giận dữ của con đối với bạn đồng hành. Nó cũng có thể là một quả bom nguyên tử. Nguồn gốc như nhau, khác nhau chỉ ở mức độ. Hành trình lễ lạy đã giúp con mở mắt về trách nhiệm đem lại hòa bình cho thế giới bằng cách tạo an bình cho chính tâm trí mình. Những tư tưởng của chúng ta tạo nên thế giới. Khi mà con vẫn còn đeo cái bao đựng súng ngắn và thực hành động tác rút súng nhanh và ‘ giả’ giết hại ‘những kẻ xấu xa’ khi mọi việc không theo ý mình, thì con cũng chẳng khác gì người trực tiếp gây sát thương – những người lính và những nhà khoa học. Khi con vẫn còn đấu tranh trong tâm trí mình hay ghanh đua với thế giới cho vị trí số một, Tay súng nhanh nhất, thì con không phù hợp để tự gọi mình là đệ tử của Phật.
Và như vậy, trên tất cả, mục đích tối thượng của con là: chuyển đổi Tham, Sân, Si thành Giới (Đạo đức), Định, và Huệ – được tán dương bởi những bậc Thế Tôn khắp các thế giới, và từ đó sẽ khiến cho tất cả chúng sinh thành Phật. Chưa bao giờ có những ngôn từ nào khác cao thượng hơn những lời này:
Tại sao chúng ta lại không nghĩ rằng, hãy rửa sạch thân tâm mình, quét sạch những bụi bẩn chồng chất, tăng trưởng lòng hổ thẹn, chịu khó thay đổi con người sai trái trước đây của mình và tạo dựng một cuộc sống mới, làm những người tuyệt vời và vô song với đầy đủ những năng lực hùng mạnh, thực hiện những việc làm lợi ích trong Pháp giới, cư xử với mọi công dân của các quốc gia như là anh em và tạo Đức Hạnh, làm gương cho tất cả thiên hạ. Làm như vậy được gọi thế thiên hành đạo. Vì quốc gia, dạy người trung hiếu.
-Thủy Kính hồi Thiên Lục.
Rất nhiều người yêu thích súng, nhưng giờ đây, chúng con có Phật Pháp trên đất nước của mình, chúng con sẽ học cách yêu thích lòng từ bi hơn. Đạo Phật là giáo lý cho con người, giáo lý cho tất cả chúng sinh, giáo lý cho trái tim. Như Sư phụ đã dạy:
Đạo Phật làm thay đổi sự hư hoại của Vũ trụ bằng cách tạo ra năng lượng thiện lành cho thế giới.
Đệ tử Quả Chân (Hằng Thật)
Cung kính cúi lạy!
Chú thích:
(1) Sát Đế Lợi: Giai cấp chiến sĩ của xã hội Ấn Độ thờ xưa, đứng hàng thứ hai trong 4 giai cấp xã hội thời đó. Xin xem thêm http://en.wikipedia.org/wiki/Kshatriya
(3) Samurai: giai cấp võ sĩ của Nhật Bản. Xin xem thêm http://en.wikipedia.org/wiki/Samurai
(3) Rome’s Centurions – Những Đại Đội Trưởng của La Mã, xin xem thêm http://www.bible-history.com/sketches/ancient/roman-centurion.html
Làm Sao Có Thể Cắt Cỏ Hết Được?
Ngày 19 tháng 7 năm 1979
Stewart’s Point
Kính thưa Sư Phụ,
Bồ Tát này làm đại thí chủ, phàm có vật gì đều bố thí được cả, lòng bình đẳng không hề hối tiếc, chẳng trông quả báo, chẳng cầu tiếng tăm, chẳng tham lợi tức, chỉ vì cứu hộ tất cả chúng sanh, vì nhiếp thọ chúng sanh, vì lợi ích chúng sanh..
-Hoa Nghiêm Kinh. Phẩm thứ hai mươi mốt – Thập Hạnh(Đoạn nói về Hoan Hỷ Hạnh).
Cách đây đúng năm năm về trước, con đã sẵn sàng rời khỏi nhà trọ ở Berkeley và chuyển vào Tu viện Kim Sơn sống như một cư sĩ tại đây trong khi hoàn thành văn bằng đại học tại Đại Học UC Berkeley. Đầu tiên, có một chuyến hành trình đi đến Seattle để tham dự Cầu Nguyện Hòa Bình Thế Giới (World Peace Gathering) (1). Cuộc Cầu Nguyện Hòa Bình Thế Giới này đánh dấu kết thúc khóa tu học mùa hè ở Tu Viện Kim Sơn năm 1974 và đó là một thành công lớn. Tỳ kheo Hằng Lai, người được biết đến là Quả Hồi lúc đó, và cư sĩ Quả Thuận Peterson và con đã thực hiện một chuyến đi trong chiếc xe cắm trại của Quả Pháp Olson. Chúng con ngồi đằng sau, nhấp nháp từng ngụm cô ca, và học thuộc lòng Chú Đại Bi.
Trên đường trở về nhà, chúng con dừng ở thành phố Ukiah để xem xét một khu đất đang được rao bán. Nơi đó trước vốn là bệnh viện của tiểu bang Mendocino, nhưng đã bị đóng cửa thời chính quyền Reagan và giờ đang bỏ trống. Người trông coi dẫn chúng con đi vòng quanh khu đất đó. Đó quả là một nơi tuyệt vời.
Con đã có một cảm xúc về chỗ đó. Quả Pháp thì tin tưởng. Quả Hồi thì nghi ngờ, “Quá lớn! Làm sao có thể cắt cỏ hết được?” Có gì đó lấp lánh trong đôi mắt của Quả Thuận. Chẳng ai trong chúng con đoán rằng trong gần đúng hai năm sau, Quả Hồi và con lại có thể được thọ giới Tỳ Kheo tại phòng tập thể dục tại đó. Con đã không thể tưởng tượng rằng chỉ trong vòng gần đúng năm năm, con lại có thể ngồi trong một chiếc xe Plymouth tại Stewart’s Point trên bãi biển Califonia sau khi lạy tám trăm dặm anh (2) để hướng đến chính thành phố kỳ diệu này.
Chúng con quay trở lại Tu Viện Kim Sơn và con đi lên tầng trên để rửa tay. Hòa thượng trụ trì đang ở đó, nhân từ và mỉm cười. Con chưa từng đối diện nói chuyện trực tiếp với Ngài bao giờ.
“Tốt, chỗ đó thế nào?” Ngài hỏi.
“Chúng con đã nhìn thấy một bệnh viện, thưa Sư Phụ!” Con thốt lên.
“Vậy à, nó thế nào?” Ngài vừa hỏi vừa cười rất tươi.
“Nó rộng lớn!” Con nói.
“Con có thích nó không?” Ngài hỏi.
“Ồ, chỗ đó có thể là một Đại Đạo Tràng! Giống như Tu Viện Nalanda!” Con nói liền một hơi không thở.
Ngài cười và hỏi, “Ồ, vậy sao? Tốt. Như vậy con có nghĩ là chúng ta nên mua nó không?”
“Như thế thì thực sự quá tuyệt!”.
Tu Viện Nalanda là một Tu viện khổng lồ, nổi tiếng và là một trường Đại học mà nhà hành hương Huyền Trang đã ghé thăm trong chuyến hành trình tới Ấn Độ năm 640 sau Công nguyên. Đó vốn là trung tâm học tập và tu hành Phật Pháp trong nhiều thế kỷ. Nalanda được dịch là “ Bố Thí không ngừng nghỉ” hay “Nhà từ thiện không mệt mỏi”, và Vạn Phật Thánh Thành cũng như vậy: Là nơi bố thí vô ngã lòng tốt và ánh sánh trong lành cho toàn thế giới. Thật là món quà tuyệt vời làm sao!
“ Chúng ta tất cả ở đây cùng làm Phật sự trong mộng!”
-Hòa Thượng Tuyên Hóa, L.A, 1978.
Một giấc mơ đẹp biến thành sự thật.
Đệ tử Quả Chân (Hằng Thật)
Cung kính cúi lạy!
Chú thích:
(1) Cầu Nguyện Hoà Bình Thế Giới . Xin xem thêm http://www.drbachinese.org/vbs/1_100/vbs52/news.html
(2) khoãng 1,287 km; 1 dặm anh (mile) = 1.609344 km
Ẩn Mình Trong Phòng Kín, Quan Sát và Chờ Đợi
Ngày 21 tháng 7 năm 1979
Gần Salt Point, Califonia
Kính thưa Sư Phụ,
“Những suy tư trên xa lộ về Thời Kỳ Mạt Pháp ”. Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng tất cả ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai đều như nhau. Quá khứ, hiện tại và vị lai đều là những phân biệt sai lầm,
Quá khứ, hiện tại, và vị lai chỉ là ngôn từ.
Vậy thì Thời Kỳ Mạt Pháp cũng như thế có phải không? Đó chỉ là lời nói ngô nghê của ngôn từ sai lạc mà thôi? “Nhất thiết duy tâm tạo”, Kinh dạy như thế. Bạn coi nó như thế nào, thì nó sẽ như thế. Tu Mạt Pháp thì sẽ thành Thời Kỳ Mạt Pháp. Tu Chánh Pháp thì sẽ thành Thời Kỳ Chính Pháp. Không có gì cố định. Tất cả mọi sự khác biệt trên thế giới nảy sinh từ tâm trí của chúng sinh. Bình đẳng, lan tỏa tới khắp mọi nơi, Phật pháp không có bắt đầu và cũng không kết thúc.
Tuy nhiên, tư tưởng về Thời Kỳ Mạt Pháp thực sự gây tổn thương lên tinh thần của mọi người và sự phát tâm Bồ Đề. Đó là một suy nghĩ sai lầm lớn, và là một quan điểm rệu rã về thế giới. Chấp nhận về sự kết thúc của Phật Pháp, ấy là đang bị ngoại cảnh xoay chuyển. Giống như những chúng ma mà chúng con gặp khi đang lễ lạy: Nếu nghĩ về chúng trước thì chắc chắn chúng sẽ hiển hiện ra; lo lắng và ưu phiền với sợ hãi thì sẽ trở nên trầm trọng hơn. Không để tâm tới ác ma và xem chúng như là “chẳng có vấn đề gì”, thì chúng sẽ biến mất. Đừng vọng tưởng về chúng thì chúng sẽ không đến. Người đàn ông xấu xí và người phụ nữ xinh đẹp đến gây trở ngại công việc của chúng ta theo cùng một cách. Chúng ta mang lại tất cả những rắc rối cho mình bằng chính những vọng tưởng của mình. Khi vọng tưởng dừng bặt, thì những phiền toái của chúng ta cũng biến mất. Vì thế có câu:
Khi chú tâm hiện tại
Thì vọng trở về chân.
-Kệ Sổ Châu Thủ Nhãn # 29
Vậy thì quan điểm về Thời Kỳ Mạt Pháp cũng tương tự như vậy ? Với suy nghĩ không mệt mỏi, không thối chuyển của “thanh tịnh tâm ý, hãy tiếp tục, tiếp tục!” – vọng sẽ trở về chân, và sự huỷ diệt Phật Pháp trở thành sự thịnh vượng Phật Pháp. Những bậc tổ sư và cổ nhân không chạy theo cảnh giới – mà chuyển cảnh giới theo họ.
Trước khi tới Tu Viện Kim Sơn, con đã nghe vài lời thế này: “ Ô, Kim Sơn ? Tất cả những người đệ tử Phật đó đều quá cứng nhắc và không uyển chuyển. Họ giữ giới luật quá nghiêm khắc – đặc biệt là ngăn cấm ăn thịt, dùng chất say và tà dâm”. Con lại nghe những người khác chỉ trích, “Bây giờ là thời kỳ hiện đại! Họ thật ngu ngốc. Trong Thời Kỳ Mạt Pháp thì điều huyễn hoặc này không giữ vững. Họ chỉ vì mình thôi. Nhưng họ tuân theo những khổ hạnh và xây dựng Đạo Tràng và bây giờ là một trường đại học lớn…Họ không biết làm thế nào để thuận theo thời đại. Tại sao phải liều lĩnh làm như vậy trong Thời Kỳ Mạt Pháp này ?”.
Trong Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng, tất cả là một và một cũng là tất cả. Tới tận cùng của hư không và tận cùng tương lai, tất cả đều dung thông không ngăn ngại. Không có thời gian, không đến cũng chẳng đi, không chỗ nào để nương tựa hay trụ vào. Nên, con phải trốn ở đâu trong Thời Kỳ Mạt Pháp? Dưới gầm giường ư? Hay trong một ngôi chùa xa xôi hẻo lánh nào đó? Hay có thể trên một hành tinh khác chăng? Dù có đi đến đâu, thì chúng ta cũng không ở ngoài Pháp giới. Tự tánh của chúng ta và Pháp giới là một, không hai. Vậy thì đâu có nơi nào để ẩn trốn chứ?
Ở Cambria, Califonia, có vài người chưa bao giờ được nghe đến Thời Mạt Pháp. Với họ thì đây là thời kỳ Chánh Pháp và mọi việc đang bắt đầu tiến triển, chứ không lui sụt. Don hiện là nhân viên bán bảo hiểm, trước đây từng là thầy giáo. Hôm chủ nhật, anh và gia đình đi ra ngoài, “Đơn giản chỉ vì việc lễ lạy thật rất an lạc và tốt đẹp để được gần gũi”. Họ đã cúng dường và lặng lẽ quan sát. Sau đó, Don quay trở lại và thuật lại rằng công việc của anh đang bấp bênh, và nói rằng “ thành thật mà nói, cuộc đời có rất nhiều thứ thật điên đảo và chẳng có ý nghĩa gì cả”. Anh rất thích thú về Đạo Phật. Anh muốn trở thành người cha, người chồng tốt, và giúp đỡ mọi người, nhưng trong tâm trí không có một nơi nương tựa. Những tôn giáo truyền thống làm anh thấy lạnh lẽo. Anh bắt đầu niệm danh hiệu của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát hàng đêm trong một góc nhà tĩnh lặng. Vài tuần sau anh quay trở lại. Trông anh trẻ hơn và ổn định, lấy lại được cân bằng. Anh nói với chúng con là đã có một công việc mới và “tất cả mọi thứ đang dần trở nên tốt hơn”. Rồi anh tiếp, “Anh biết không, có một đêm, khi tôi đang ngồi niệm Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát, có một điều kỳ lạ xảy ra. Khuôn mặt của một cụ già râu tóc bạc trắng hiện ra. Tôi cảm thấy rất an ổn và không có một chút sợ hãi gì cả”. Sự mô tả anh đưa ra rất phù hợp với Hòa Thượng Hư Vân.
Tom và vợ cùng ba đứa con điều hành một nhà trọ gần biển. Họ đã đến cúng dường và nói, “Chúng tôi ganh tỵ với các ông. Đây chính là điều mà chúng tôi cần phải thực hiện trong đời sống của mình. Nhưng bây giờ thì quá muộn. Chúng tôi đã lập gia đình từ hồi trẻ và có con”. Họ đã nghĩ rằng chỉ có duy nhất một cách có thể thực hành Phật giáo là trở thành tăng hay ni trong tu viện. Họ đã hạnh phúc và ngạc nhiên khi nghe về sự bao hàm tất cả các thành phần và đặc biệt là ở Vạn Phật Thánh Thành. “Ý ông là, mọi người cũng có thể tu hành và mang theo con cái của họ sao?”. Sau đó, Tom quay trở lại và nói với chúng con rằng anh ta đang thực sự cùng đường. Anh đã dùng ma túy và rượu, mắc nợ rất nhiều và cảm thấy bị bó buộc bởi thân nhân và trách nhiệm làm cha. Anh gần như tuyệt vọng. Sau đó, nhân một lần hứng thú, cậu ấy đã thỉnh từ Kim Sơn Thánh Tự một quyển Sa Di Luật Nghi. Đó là những lời dạy căn bản và vững chắc về việc tạo nền tảng cho việc tu hành đạo đức chân chánh. Tom thực sự tâm đắc với nguyên tắc rằng “mọi thứ xảy ra với ta là đến từ những gì ta làm”. Anh cảm thấy rằng lý do khiến cho cuộc sống của mình là một mớ hỗn độn là vì đã không tuân thủ các nguyên tắc. Anh muốn thay đổi và bắt đầu lại tất cả mọi việc.
Một năm sau, Tom và gia đình anh đã dừng lại khi đi chơi bên ngoài vào cuối tuần. Họ thực sự đã rất hạnh phúc và rõ ràng họ đã cùng nhau quay trở lại. Tom rất tự tin và thoải mái. Tất cả mọi cay đắng và bi quan đã biến mất. Những đứa con bây giờ trông tự nhiên và trong sáng, trong khi trước đây chúng căng thẳng và thiếu vẻ tôn kính. “Anh biết đấy”, Tom nói, “cuốn sách đó thực sự đã thay đổi cuộc sống của tôi…của chúng tôi…Tôi không thể bày tỏ được với ông về những thay đổi mà sách đó đã đem lại”.
Gia đình McCauley là những người sùng đạo Công Giáo. Nhưng họ “đã từ bỏ nhà Thờ”, bà Mrs McCauley nói, “vì Đạo này đã không tiến đủ xa. Đây là thời đại không gian và có tâm linh mới. Đặc biệt các con tôi đưa ra những câu hỏi và tìm kiếm những thứ mà chúng tôi chưa từng có can đảm làm khi còn trẻ. Chúng tôi đều thực sự hạnh phúc được biết về chuyến hành hương này và nghe về thành phố ở phía bắc (Vạn Phật Thánh Thành). Đạo Phật dường như bao gồm tất cả mọi thứ trong đó và cũng vẫn đáp ứng được cuộc tìm kiếm giác ngộ của từng người. Mấy đứa con trai chúng tôi đã theo các ông và chúng thực sự thèm muốn được đi tới nơi mà các tôn giáo truyền thống của chúng tôi chưa hề khám phá đến. Điều này rất lành mạnh và tôi hoàn toàn tán thành việc đó. Chồng tôi và tôi sẽ luôn luôn theo sau và học hỏi. Ông biết đấy,” bà ấy nói một cách bình thản, “có rất nhiều người như chúng tôi ẩn mình sau bụi cây mà lén nhìn trộm và giấu mình trong buồng kín quan sát và chờ đợi…”
Bồ Tát lập bốn đại nguyện mà không bao giờ thối chuyển hay đi nghỉ hè, ngay cả trong Thời Kỳ Mạt Pháp,
Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ,
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn,
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học,
Phật Đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Vài người nói rằng, “Hòa bình cho toàn thế giới là điều không thể có. Chấm dứt những thảm họa và khổ đau là chuyện nằm mơ”. Vậy thì sao? Càng là lý do để cố gắng hơn nữa. Hay nhiều người nói, “Xã hội và gia đình đang tan rã”. Đó là điều khiến những lời dạy của Đạo Phật trở nên rõ ràng hơn và cần thiết hơn. Những lý do này khiến ta phải đầu hàng và bỏ cuộc hay sao? Chính vì sự đau khổ của con người mà chư Phật xuất hiện trên thế gian.
Chúng sinh từ vô thủy,
Luôn trôi lăn sinh tử,
Không hiểu Pháp chân thật,
Nên Phật hiện thế gian.
-Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm thứ hai mươi bốn – Phẩm Đâu Suất Kệ Tán.
Nếu như tất cả mọi người đều giác ngộ, thoát mọi khổ đau và nơi xấu ác, thì Phật Pháp dùng để làm gì? Phật Pháp là thuốc. Càng có nhiều khổ đau và lầm lẫn, thì càng cần dùng thuốc. “Nhưng đây là Thời Kỳ Mạt Pháp. Nó vô dụng. Ông thật là ngu si khi liều lĩnh làm như vậy. Cho dù ông có làm gì đi nữa thì Chánh Pháp cũng sẽ tận diệt.”, ai đó nói thế. Thì đó chính là lý do để cần làm. Vì đó là ngu si. Khi mà thế giới đang bị những người khôn ngoan dẫn tới bờ mé sụp đổ, thì dấu hiệu tốt là vẫn còn có những người “ngu si” chẳng biết cách tự lo cho mình, mà chỉ đương đầu để làm lợi ích cho kẻ khác như xem chuyện đó chẳng có vấn đề gì hết.
Nên con tự hỏi, “Này nhà sư, nếu chỉ lo bảo vệ cho bản thân mình, vậy thì ngươi bảo vệ bản thân để làm cái gì?. Khi ngươi chết đi và tách rời với thân xác này, thì ngươi còn làm được điều gì tốt đẹp với thân xác đó nữa? Dẫu thế nào thì Quỷ Vô Thường cũng lấy nó đi. Thỏa thuận thế này. Hãy đem nó ra để có thể làm được việc gì tốt.”. Bồ Tát không chỉ liều lĩnh đương đầu mà còn xả bỏ cả tay, chân, mắt, tai, thậm chí cả xương và tủy xương để làm lợi ích cho chúng sinh. “Không sao”, Ngài nói, “Tôi chỉ muốn chúng sinh chấm dứt khổ đau và được an lạc. Tôi không dành dù chỉ một chút quan tâm tới việc giữ lại “cái tôi và của tôi’ hay bất cứ điều gì thuộc về ‘tôi và của tôi’. Đồng thể với tất cả mọi người là Đại Bi. Thân tôi là Pháp thân”
Thời Kỳ Mạt Phát cũng chỉ là như một ngày khác khi nó đến, không mệt mỏi, không thối chuyển. Bồ tát không bao giờ rời bỏ những lời nguyện Bồ Tát. Dù muôn kiếp có thể cùng tận, nhưng tâm Ngài không bao giờ mệt mỏi.
Với tất cả khổ chẳng sanh nhàm lìa, chỗ tất cả chúng ma không bị dao động, được tất cả Phật hộ-niệm, làm đầy đủ tất cả khổ hạnh của Bồ-Tát, siêng thành-tựu bồ-tát-hạnh không lười trễ, nơi đại-thừa nguyện luôn chẳng thối chuyển.
-Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm thứ hai mươi bốn – Phẩm Thập Hạnh.
Tại sao? Vì có lúc điều “mỗi người chỉ vì mình” đó trở nên rõ ràng rằng không phải là như thế. Thế giới của mọi chúng sinh và vũ trụ ( Pháp giới) là không hai. Mọi vật là một. Không tăng không giảm. Không sinh không diệt. Không có ta hay người, không có gì để bám chấp hay nương tựa vào. Tu hành là mãi mãi, và bởi vì công việc của Bồ Tát là vô tận, vì thế Phật Pháp không bao giờ chết.
Ví như khoan gỗ để tạo lửa. Lửa cháy vô lượng mà lửa chẳng tắt. Cũng như vậy, việc Bồ Tát giáo hóa chúng sinh là vô cùng tận, mà thường trụ ở thế gian, không diệt.
-Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm thứ hai mươi bốn – Thập Hạnh. Phần Bồ Tát Vô Trước Hạnh thứ bẩy. Việt dịch: HT Thích Trí Tịnh.
An lành trong Phật Pháp.
Đệ tử Quả Đình (Hằng Châu)
Cung kính cúi lạy.
Tôi Cá Rằng Không Trở Thành Người Xuất Gia Là Điều Khó
Ngày 30 tháng 7 năm 1979
Sea Ranch, Califonia.
Kính thưa Sư Phụ,
Hôm nay trời nóng. Suốt mấy tiếng đồng hồ lễ lạy tại một nơi vắng vẻ, xuôi theo quốc lộ 1 với những cây thông cao hai bên. Toàn bộ cuộc đời lướt qua trước mặt khi lạy ba bước một lạy theo nhịp đều đặn. Bạn sẽ nhận ra chỗ nào bạn sai và chỗ nào bạn đúng. Tu Đạo ở trên hết tất cả mọi việc mà bạn đã từng làm giống như mặt trời lúc giữa trưa. Đó là trung tâm của ánh sáng và tất cả những điều tốt và đúng đắn trong cuộc đời bạn.
Khi những cội rễ ăn sâu thì hoa trái sẽ sum xuê.
-Kinh Hoa Nghiêm. Phần mở đầu.
Con muốn đền ơn cha mẹ, thầy cô, và các bậc trưởng thượng và muốn hiếu thuận với họ (cây trái trổ hoa là bởi rễ, trái cây sau đó trở lại cội rễ). Con muốn nhìn thấy bạn bè của mình được tự do và hạnh phúc. Con cảm giác như thể mình là một người bạn cũ của mọi chúng sinh. Chúng ta gặp nhau không biết bao nhiêu lần, tìm kiếm một con đường tới bờ bên kia. Người, vật, và tất cả những chúng sinh mà chúng ta không thể nhìn thấy, dừng lại, quan sát và hỏi rằng, “Bạn đã làm được chưa? Bạn thật sự chân thành làm việc đó chứ? Phật Đạo thực sự có thể thực hiện được à? Chúng ta đều có thể thành Phật sao?”. Không một lời nào, chúng con hỏi nhau và tìm một nơi để nương tựa và cái gì đó để tin vào.
Chúng ta đều là một thân thể, một trái tim…Một người trẻ tuổi dừng lại và cúng dường những trái dâu tươi mới hái. “Tôi muốn cúng dường chúng. Tự tay tôi đã hái chúng lúc sáng nay ở Pt. Reyes”. Người này có thể là một người bạn cũ từ chốn xa xưa nào đó, bây giờ đến đây một mình trên chiếc xe buýt V,W. (hiệu Volkswagen) cũ với cái xe đạp được cột chặt ở đằng trước. Chúng con từnggặp hàng trăm người với mọi tuổi tác và phong cách sống biết rằng họ chỉ đi ngang qua một giấc mơ trong thế giới này. Mỗi người một cách đều đang làm một cuộc thám hiểm về tâm linh, và từ sâu trong trái tim, họ cảm thấy gần gũi với chúng con. Họ nghe “Đạo Phật”, “Nhà sư”, “Giác ngộ” và từ sâu thẳm bên trong một cánh cửa nhỏ liền mở ra, một hạt giống bị lãng quên từ lâu đang nảy chồi non. Họ dừng lại, con nghĩ, không phải vì chúng con, mà để nhìn vào một tấm gương. Bây giờ là mùa hè năm 1979, nhưng cuộc phiêu lưu thì là mãi mãi. Chúng ta đều là những người hành hương.
Sau hai năm lạy trên đường, quá rõ ràng với chúng con rằng điều duy nhất đáng giá và chân chính trong thế giới này là tu Đạo. Món quà cao quí nhất là sự bố thí Phật Pháp. Khi người trẻ tuổi này ngồi khoanh chân trên đất, những quả dâu để trên lòng và quan sát chúng con lạy, con nhận ra sự thật mà từ trước đến giờ chưa bao giờ nhận thấy về những điều chúng con đọc được ở trong Kinh Hoa Nghiêm tối qua.
Này thiện nam tử! Trong các thứ cúng dường, Pháp cúng dường là hơn cả. Pháp cúng dường là: Tu hành đúng theo lời Phật dạy để cúng dường, làm lợi ích cho chúng sinh để cúng dường; chịu khổ thế cho chúng sinh để cúng dường; nhiếp thọ chúng sinh để cúng dường; siêng năng tu tập căn lành để cúng dường; không bỏ hạnh Bồ Đề để cúng dường; chẳng rời tâm Bồ Đề để cúng dường.
-Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm thứ 40: Nhập Bất tư nghì giải thoát cảnh giới Phổ Hiền Hạnh Nguyện.
Để thực sự trừ bỏ được tham, sân, si; thoát khỏi tất cả những vẻ bề ngoài giả tạo và mặt nạ giả dối; quẳng đi tất cả những tư tưởng ghanh tị, kiêu ngạo, và hoài nghi; thắp sáng tâm bạn , nhận ra chân tâm của mình và hãy để cho bổn lai diện mục (gương mặt xưa nay) của bạn tỏa sáng – đó mới thực là món quà chân chính. Món quà đó là “bậc nhất” và khó có được nhất.
Ai cũng tìm kiếm “cái chân thật”. Chúng ta tìm quanh quẩn bên ngoài, nhưng “cái chân thật” mà chúng ta thực sự muốn tìm kiếm lại chính là chân ngã của chính mình. Trở thành một người chânthật là bố thí món quà Phật Pháp. Thanh tịnh, bình an, vui sướng, và không vọng tưởng. Một hồ nước trong sạch, mát mẻ. Tấm lòng từ, bi, hỷ, xả vô lượng thì thanh tịnh và vô ngã như bông tuyết mới rơi và tâm trí dường như hư không. Có câu rằng,
Tìm trong hết thảy các thế giới,
Cái chân thật sao thật khó tìm.
Trong một khu nhà mới của tư nhân được rào lại người ta đang chơi tennis và bơi lội. Toàn bộ quang cảnh này giống y như khi chúng con lạy qua một câu lạc bộ nông thôn ở L.A (thành phố Los Angeles) cách đây hai năm. Mọi thứ trên thế gian là không và vô thường, song, chúng dường như không hề thay đổi. Vài người mất đi và những người mới xuất hiện, cũng giống như việc thay cầu thủ của trận đấu tennis. Trò chơi của đau khổ và tìm kiếm diễn ra như là hết trận tennis này đến trận khác.
Một cảm xúc thật thuần khiết và cao quý biết bao, tới tận xương tủy khi được gặp Phật Pháp! Từ từ, con dần nhớ ra làm thế nào để thành một con người thật sự. Chúng con biết rằng cuối cùngchúng con đang đi đúng đường. Việc bố thí Pháp đến tự nhiên, giống như mưa, khi bước chân chúng con trở thành chân thật một cách tự nhiên và không lưu dấu vết .
Kết thúc một ngày lạy liên tục, chúng con cảm thấy cuộc sống mình thật đơn giản và chân thật – rất dễ dàng và tự nhiên – và không một vật gì trên thế gian có thể chạm tới được. Ba thanh niên trẻ tuổi lưng đeo ba lô đi xem thế giới, đã dừng lại và hỏi xin chúng con một ít nước. Họ có một cái bình đựng nước nhỏ. “Này, người trong ảnh là ai thế?” một người hỏi khi nhìn vào ảnh của Hòa Thượng Trụ Trì . “Này, tóc ông mọc lại rồi đấy”, một người khác hóm hỉnh trêu chọc. Và sau đó, anh ta thành thật hỏi, “Làm người xuất gia có khó lắm không?” Bạn anh ta đang đọc bảng hiệu của chúng con trong cửa sổ xe và nhìn vào bức ảnh Phật ngay cạnh đấy, ngước lên nói, “Không, tôi cho rằng cái khó lại là không trở thành người xuất gia !”, anh ấy nói đầy quả quyết. Anh ấy đã lấy ranhững lời ấy từ trái tim con. Khi ra đi, họ nói, “Này, anh biết không, đó thực sự là một điều hết sức tuyệt vời – làm vì mọi người. Tôi muốn nói là, nhờ đó mà tất cả chúng sanh sẽ được hòa bình và hạnh phúc. Đó thật là một con đường thật tuyệt vời”.
Con nghe họ nói thế và một lần nữa, con nhận ra rằng đạo lý của Đạo Phật đều có trong tim mỗi người – Bồ Tát Đạo là tâm tự nhiên của chúng ta. Trong thái độ của họ, có thể họ không biết, họđều đang nói Pháp,
Tâm của con người là Phật,
Phật chính là tâm của con người.
Cầu mong rằng tất cả chúng ta đều đồng thành Phật Đạo, thật sớm!
Chúc cho tất cả chúng sanh an bình trong Đạo.
Đệ tử Quả Đình (Hằng Triều)
Cung kính cúi lạy.
Những Kẻ Nói Thị Phi Sẽ Đoạ Địa Ngục
Ngày 01 tháng 8 năm 1979
Sea Ranch, California
Kính thưa Sư Phụ,
Nếu quý vị lập các Đại nguyện, quý vị không thể có bất cứ vọng tưởng gì. Nếu quý vị lập một nguyện lớn rồi lại có vài vọng tưởng thì chúng có thể làm lu mờ nguyện lớn đó. Vì thế, đừng có một chút vọng tưởng gì về việc giết hại, trộm cắp, và đừng nghĩ về việc nói những lời sai trái…
-Hòa Thượng Tuyên Hóa, 1973
Thưa sư phụ, đệ tử này vẫn đang cố đào lối xuống địa ngục với cái lưỡi của mình. Hôm nay, suýt nữa thì con làm xong việc đó mà chỉ bằng cây viết, thậm chí không cần dùng đến lưỡi của con.
Sáng nay, Thầy Hằng Triều và con có một cảm giác giống y như là trên đỉnh thế giới và chúng con đã bất cẩn. Chúng con đã viết thư sau khi tụng Kinh sáng. Chủ đề là Giới Luật. Thầy Hằng Triều nói, “Thật là tuyệt vời nếu có thể thành một vị Thầy chuyên về Giới Luật hoàn hảo, rất giỏi về giữ giới luật mà lại trông hoàn toàn tự nhiên, không nỗ lực quá và không bao giờ phạm sai lầm.”.
Con đã nắm lấy cơ hội này để phá giới luật và tạo ra một lỗi lớn kinh khủng trong nhân quả. Con đã viết lời này: “Đại Sư Giới Luật Hoằng Nhất có một đôi giày đã dùng hết năm này qua năm khác. Câu chuyện là vị Đại Sưấy lúc đi tựa như đi trên vỏ trứng vậy, c-h-ậ-m r-ã-i, để tránh đạp lên những con bọ”.
Con đã đưa nó cho Hằng Triều xem và quan sát phản ứng của thầy ấy. Khi thấy ấy không nói câu gì, con mới bắt chước điệu bộ một người đang sợ hãi dời chân về phía trước sợ sẽ giết chết những con bọ và rồi đưa tay thể hiện một cử chỉ coi thường và nói “Chuyện tầm phào!”. Con đã viết, “Thầy sẽ chẳng bao giờ nhận ra con người thật sự chân chính”, có nghĩa là nếu ai đó mà đi kiểu như vậy thì không chân thật. Người ấy chắc hẳn chấp vào hình tướng giữ giới luật. Con ám chỉ sự thật rằng vị Thầy chuyên Giới Luật không nên quá gượng ép và giả tạo như thế. Chúng con đã hoàn thành xong bài viết với một thảo luận về áo giới và đồng ý rằng việc giữ giới luật một phần quan trọng nhất của một người đệ tử Phật chân chính.
Ngay khi con đi ra ngoài để lạy, con đã nhận ngay ra rằng những lời con viết, cử chỉ, và thái độ ẩn sau đó, con đã tự đưa mình đến địa ngục vì tội phỉ báng Tam Bảo, phỉ báng Chánh Pháp, phạm tội vọng ngữ, phá Giới Bồ Tát, như là: a) Ca ngợi mình và chế nhạo người khác; b) Có hành vi thiếu tôn trọng và thô lỗ với thầy cô và những bậc Trưởng lão; c) Phỉ báng vô căn cứ; d) Cư xử với các Pháp sư với vẻ khinh miệt.
Con sám hối ngay lập tức, tâm trí con kinh ngạc không ngờ rằng con có thể bất cẩn đến vậy. Sau bữa trưa, con viết mấy lời này với Thầy Hằng Triều: “Mẩu chuyện vắn tắt về Hòa Thượng Hoằng Nhất sáng nay là nhân duyên của tội phỉ báng, vọng ngữ, hai lưỡi, nói lời thô lỗ, ngớ ngẩn, và thị phi. Nó là nguồn gốc của tội lỗi và chướng ngại vô tận. Tôi không được phạm thêm một chút nào nữa! Tôi không đủ tiêu chuẩn để nói về những vị đại sư theo lối ấy. Thật ngu ngốc làm sao khi phỉ báng các bậc Đại Đức của chúng ta như thế! Nó giống như là tự cắt đứt tay mình chỉ để gây cười. Trước hết, tôi thậm chí không biết rằng câu chuyện là thật hay không nữa – chỉ là nghe nói, là chuyện thị phi lúc nhàn rỗi. Tôi biết bất cứ Hòa Thượng nào tinh khiết trong Giới Luật đều hoàn toàn đáng ngưỡng mộ và đáng được ca tụng hết lời. Tư cách này của tôi rất đỗi hổ thẹn. Nó là đám tang của chính tôi – một chuyến tàu tốc hành hướng tới Địa Ngục. Trong thời đại này có quá ít vịtrong tăng đoàn mà tôi lại tự cho mình công việc gây chuyện để tuỳ tiện khinh thường một trong những vị cao tăng nhất. Thật là điên khùng! Nếu tôi không tu tập để kiểm soát cái lưỡi của mình, thì tôi đang tu Đạo gì đây?”
Chiều nay khi con lạy, con lại sám hối , cảm thấy rất may mắn rằng mình đang có thể sám hối. Trong Sa Di Lục kể câu chuyện về một vị sư nọ đã phỉ báng một vị La Hán rằng tiếng vị ấy tụng nghe như chó sủa. Vị La Hán ấy đã thứ lỗi cho nhà sư ngay lúc ấy và nhân từ khuyên vị ấy sám hối. Bởi vì lòng từ bi của vị La Hán ấy, mà vị sư kia đã không bị đọa vào địa ngục Vô gián mà đáng lẽ ra vị ấy phải chịu. Thay vì đó, vị ấy phải đọa làm chó.
Mới tuần vừa qua, chúng con đã đọc đến chương Tam Địa của Kinh Hoa Nghiêm, nói về người tu hành có được Thiên Nhãn thông. Kinh dạy rằng:
Thấy các chúng sanh lúc sống lúc chết, sắc tốt sắc xấu, đường lành đường dữ theo nghiệp mà đi. Nếu chúng sanh đó gây tạo nghiệp ác nơi thân, nơi lời, nơi ý tưởng, chế nhạo Hiền Thánh, đầy đủ tà kiến và nghiệp nhơn duyên tà kiến, sau khi chết tất đọa ác đạo, sanh vào địa ngục.
Tại sao con lại ngu ngốc như vậy khi tự mình đi thử như thế ? Khi con hồi quang phản chiếu, con cảm thấy rất bồn chồn. Con đã rất khổ sở. Con không thở được, những chúng sinh trong con đang cãi vã, đánh nhau, đầy sợ hãi và nghi ngờ. Đầu con là một góc nhỏ của Địa ngục. Con đi vệ sinh và trong lúc đi tay con bị một gai dài bén nhọn đâm vào.
Con sám hối với Tam Bảo và với Thầy của con. Con đã xin lỗi Đại Sư Hoằng Nhất. Con nói: “Cho dù có điều gì xảy đến với con, con muốn nhận lấy. Con không sợ đau khổ, con biết rất rõ rằng con gieo nhân xấu ác thì chắc chắn rằng con sẽ gặp quả báo. Điều con lo sợ chỉ là những lời nguyện của con sẽ bị lu mờ và như thế, con sẽ không thể hoàn thành Đạo nghiệp của mình và làm lợi ích cho tất cả chúng sinh”. Con khiêm tốn cầu xin được Tam Bảo nhiếp thọ, rằng nếu con còn có một chút hữu ích gì cho việc truyền bá Phật Pháp trong tương lai, thì con mong được tha thứ và thuần khiết trở lại.
Ngay khi con vừa thỉnh cầu điều này, một chiếc xe không rõ từ đâu chạy nhanh đến. Chiếc xe cố ý vượt qua chúng con, phóng thật nhanh lên lề đường chỗ chúng con đang lạy. Cửa xe mở tung ra, xe gầm rú lên khi ngang qua chúng con, sượt qua chỉ cách con chừng khoảng một inch (2.54cm). Suýt làm chấm dứt chuyến hành hương. Con tin đó là Tam Bảo đã thương xót cứu giúp con thoát khỏi “nghiệp chướng hiện tiền” trả dứt món nợ của con. Con niệm chú Đại Bi và lúc nào cũng mang theo Chú Thủ Lăng Nghiêm bên người. Những bài chú này có năng lực phi thường để vượt qua nghiệp tội mắc phải của những chúng sinh chân thành nhưng ngu muội . Con tin rằng sở dĩ con vẫn có thể viết được bức thư này đây là vì Tam Bảo đã lưu tâm thương xót và do sức mạnh của việc sám hối. Con thực sự may mắn khi không bị thiêu dưới Địa ngục. Thay vì đó, con còn có một cơ hội để tu Đạo.
Tại sao lúc ban đầu con lại có lời phát biểu ngu ngốc như thế? Ba năm trước đây, Hòa Thưọng trụ trì ngồi trên pháp toà đã nói với đại chúng, “Trong các con, ai mà cứ giữ cái thói thị phi thì sẽ rơi vào Địa ngục. Ta không muốn các con như thế, nhưng Nhân Quả là vô cùng chân thật. Ta không có quyền lực gì để ngăn cản điều ấy. Hãy cẩn thận!”. Làm sao mà con lại không học được bài học của mình thế? Tại sao miệng của con lại gây trở ngại cho chính mình như thế, cho dù con đã cố gắng hết sức để kiểm soát nó? Là vì những chủng tử xấu xa mà con đã trồng từ trong quá khứ, đó là nghiệp chướng của tánh nóng giận.
Ngài Phổ Hiền Bồ Tát giải thích nó như thế này,
“chư Bồ Tát sanh lòng sân với Bồ Tát khác thời liền bị chướng ngại bởi trăm vạn chướng môn.…(trong đó: chướng thành tựu ngữ nghiệp vì hằng khởi bốn thứ tội lỗi”.
Đó là câu chuyện của đời con, và nếu con đã không bắt đầu tu Đạo, thì con đã không bao giờ nhận ra được hay có cơ hội để nghe và thay đổi nó. Con có lẽ mang theo cả núi tội lỗi trong suốt cuộc đời này và cuộc đời kế, và cuộc đời kế nữa, không bao giờ giảm được tội lỗi, luôn luôn vun bồi, mà không nhận ra được nguồn gốc khổ đau của con. Con không bao giờ cho rằng mình là người có nhiều giận dữ. Con quay trở lại xe chiều nay và quan sát kỹ. Đuôi xe bị lõm vào, ống khói phía đuôi xe bị gãy rớt ra, miếng chắn bảo vệ xe bị xoắn lại. Thầy Hằng Triều cho biết cũng chính là chiếc xe chạy sát chúng con, trước đó đã đến thăm chiếc xe Plymouth. Khi những người trong xe đó không thể phá cửa để vào trong xe chúng con, họ liền húc nó từ phía đằng sau, cố đẩy nó xuống dưới đường mương. Đó không phải là một hành động giận dữ sao? Làm sao con có thể phủ nhận một điều: nó chính là quả báo của mình?
Con nhớ lại chuyện chai bia làm vỡ kính cửa phía sau ảnh của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Cái chai đã nói Pháp cho con nghe, rồi hôm nay là chiếc xe nói Pháp. Nó nói rằng, “Này thiện nam tử, có chỗ nào trong hư không cần đến sự đấu tranh của anh sao? Ai đã nói với anh rằng anh cần phải trở thành số một? Ai đã buộc anh đấu tranh để trở nên đặc biệt và khác lạ với mọi người? Tự anh biết anh không như vậy. Anh cũng giống như tất cả chúng sinh, và như thế là đủ. Cần có lòng từ bi, người anh em. Ai cũng làm lỗi. Hãy nhường nhịn hơn nữa. Hãy buông bỏ cái nóng giận đó đi. Anh thấy điều gì nó mang lại cho mình khi có quá nhiều vọng tưởng rồi đó?”.
Con nghĩ về Phật khi con nhìn thấy hình ảnh buồn rầu của mình phản chiếu trên cửa sổ bám bụi của chiếc xe Plymouth. Phật là một người hoàn hảo. Ngài có mười tám phẩm chất đặc trưng của mình. Trong số đó có: Thân, Khẩu, Ý không bao giờ tạo sai lầm. Ngài không bao giờ thấy phân biệt một vật hay một người nào trên thế giới. Tâm trí của ngài không bao giờ phân tán và không bao giờ không xả bỏ bản thân để làm lợi ích cho người khác. Ngài đạt được những năng lực và lòng Đại Bi này là do tu hành trong một thời gian lâu dài. Ngài chắc chắn đã phải chịu đựng rất nhiều sự khổ sở, nhưng Ngài đón nhận chúng mà không hề giận dữ hay sợ hãi. Khi Ngài tỉnh thức về Nhân Quả, Ngài dừng lại việc thụ nạp những độc tố của Tham, Sân, Si và Ngài trở nên tốt hơn một cách rất tự nhiên. Vào một ngày, Ngài đạt tới lành mạnh toàn hảo: thành Phật.
Toàn bộ kinh nghiệm của con hôm nay đây đã củng cố thêm quyết tâm dụng công tu hành và không tạo nhiều vọng tưởng nữa. Điều này đã làm cho niềm tin của con thêm sâu sắc hơn về sức mạnh và sự thuần khiết của pháp sám hối. Con đã có cảm giác như một người cha đang nhìn vào đứa con cứng đầu không chịu lắng nghe lẽ phải này. Khắp khuôn mặt của đứa bé bị trầy trụa và thâm tím, đứa bé lại lần nữa lao xe đạp vào bờ lề đường và bị ngã lăn ra. Người cha đỡ đứa bé dậy và nắn thẳng lại cái ghi đông xe, chỉ đứa bé trở lại đường và nhắc nhở con rằng miễn là con đi trên đường bằng phẳng và đi ở giữa, thì đường đi của con sẽ không bị chướng ngại. “Điều đó đúng cho con, và cũng đúng cho tất cả mọi người nữa. Hãy cẩn thận và đạp xe tốt đẹp nhé”.
Phật Pháp cũng như vậy, nó giữ cho chúng con khỏi đâm mạnh cuộc đời của mình vào bờ lề đường của nghiệp chướng trong khi chúng con hướng về Phật Thành. Chúng con đều ở trên con đường này và đều làm một cách thận trọng.
Việc sám hối đã cuốn đi đám mây u ám khổng lồ ra khỏi đôi vai con. Con nhớ lại ba tuần trước đây, con đã chợt quan sát được một con bọ nhỏ như thế nào. Nó xuất hiện trên một viên đá phía dưới mũi con khi con lạy. Con quan sát con bọ ấy, không lớn hơn cái đầu kim, nó đại tiện trên viên đá; rồi tiểu tiện trong chốc lát. Nó cọ mấy cái tay nhỏ xíu vào nhau, lau mặt rồi nhảy đi mất. Con nghĩ, “Tôi kìa, là tôi đó . Bất kỳ lúc nào tôi quên tu tập thì tôi chẳng khác gì một con bọ. Cuộc đời không phải chỉ có ăn uống và vệ sinh mà thôi. Đừng quá ích kỷ thế, Quả Chân. Hãy đi trồng các nhân thanh khiết. Dụng công chăm chỉ lên! Đừng chỉ lại là một con bọ nữa! Đừng lo lắng về bản thân. Đừng nghĩ ngợi! Hãy Tu Đạo!”
Con không có ý phỉ báng côn trùng. Những con bọ có thể là những vị thiện tri thức. Con thực sự có đồng thể tánh với những côn trùng. Thân xác chúng sẽ biến đổi và phân hủy trong phút chốc, thân con cũng chỉ lâu hơn một chút thôi. Nhưng con không muốn làm một con bọ lười biếng. Những con bọ lười biếng thì bị lôi kéo đi khắp thế gian bởi nghiệp chướng của chúng. Những con bọ tu hành tinh tấn, một ngày nào đó, sau khi đã hoàn thành công việc tốt đẹp rồi, chúng nhận thấy mình “có khả năng tạo ra hàng nghìn sự thay đổi và hàng chục nghìn hoá thân, hoàn toàn tự do làm bất kỳ điều gì mình muốn” như lời Sư Phụ đã nói hồi tháng 12 năm 1977 ở Kim Luân Tự.
Đệ tử Quả Chân (Hằng Thật)
Cung kính cúi lạy.
Sắc Đẹp và Sức Khoẻ Sẽ Tàn Phai
Ngày 12 tháng 8 năm 1979
Gần Vịnh Anchor, Califonia
Kính thưa Sư Phụ,
Chúng con ăn trưa ở đằng sau chiếc Plymouth. Bên ngoài trời gió thổi lạnh và lốc xoáy những đám mây bụi. Một phụ nữ già và yếu chậm chạp loạng choạng vào chỗ ngồi bên trong chiếc xe đậu đằng sau chúng con. Bà ấy níu chặt vào chiếc xe để tựa. Dáng vẻ của bà cứng ngắc và run rẩy. Mắt, tai đều không rõ nữa. Thế giới của bà, liệu có ai biết thế nào chăng? Bà chậm rãi nhìn lên và bất động nhìn chằm chằm ra phía biển. Một tô thức ăn để trên lòng. Thức ăn đó chẳng hấp dẫn bà. Khi bà xoay người ở trong xe, ánh sáng chói lên trên tấm kính chắn gió khiến cho bà ấy như biến đi mất. Tất cả những gì có thể thấy là sự phản chiếu của những đám mây trắng bay trên trời chỗ hồi nãy người phụ nữ già nua đã ở đó.
Con gái bà ấy, và con gái của cô ấy đi cùng với bà ta. Người ta có thể nhận ra trên những khuôn mặt ấy vẻ đẹp, sức khỏe tàn phai đi như thế nào và bị héo úa đi trong vài mùa ngắn ngủi. Ba người họ như những quãng đời khác nhau trong cùng một người. Mọi thứ đang nói Pháp. Con nhìn vào cơ thể mình và thức ăn mà con đang ăn. Rồi nhìn lại vào hình ảnh phản chiếu những đám mấy trắng trong tấm kính xe hơi. “Nó thế đấy (Như thị)”. Mọi vật đều vô thường và giả tạm. Cái gì ngày hôm nay tưởng chừng chắc chắn và bảo đảm, thì ngày mai sẽ trôi đi và biến mất như những đám mây. Mọi thứ đang nói Pháp: Hãy nhanh lên và tu tập đi! Sự giả tạm trôi đi nhanh làm sao! Có quá ít thời gian. Hãy nhanh chóng và hướng về điều chân thật. Hằng đêm, chúng con kết thúc một ngày bằng câu kệ:
Một ngày đã qua,
Mạng cũng giảm dần
Như cá cạn nước,
Nào có gì vui?
Hãy cần tinh tấn,
Như cứu đầu cháy,
Nhớ đến vô thường,
Chớ có buông lung.
Đêm nay, khi chúng con hát những câu kệ này, con sẽ nhớ đến người phụ nữ già nọ. Con sẽ nhớ đến trái thông rơi từ trên cây xuống và những trái dâu đen héo khô trên những cây leo dọc theo con đường. Con sẽ nhớ đến lúc con nhận ra chính thân thể mình cũng chỉ giống như sự phản chiếu của những đám mây đang trôi trên cửa kiếng xe. Con cũng sẽ nhớ đến mọi người đã cùng nhau lạy sau bữa ăn – thâm chí người phụ nữ lớn tuổi đã đứng thẳng và hai tay chắp lại cung kính trong gió lạnh vì chân bà ấy không thể gập xuống để lạy được.
An lành trong Đạo,
Đệ tử Quả Đình (Hằng Triều)
Cung kính cúi lạy.
Là Thầy Tu hay Là Con Chồn Hôi
Ngày 13 tháng 8 năm 1979
Vịnh Anchor
Kính thưa Sư Phụ,
Bức thư này có tựa đề là:
Con chồn hôi hay thầy tu? Nhà vệ sinh hay Phật Điện?
Những suy nghĩ và hành vi của chúng ta quyết định tất cả.
Bản Báo Cáo Của Người Giữ Vệ Sinh :
Hoặc lại có súc sanh
Biết bao hình xấu xí
Do nơi tự ác nghiệp
Thường thọ các khổ não (1)
-Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm thứ năm: Hoa Tạng Thế giới. Phần thứ ba.
Việc Ba bước một lạy đã trao cho chúng con món quà to lớn về niềm tin trong Phật Pháp. Thật khó để chỉ rõ chính xác phần nào chúng con tin tưởng nhất. Nó cũng giống như hỏi giọt nước đại dương nào ướt hơn những giọt khác, hay tia nắng nào tỏa sáng và thuần khiết hơn tia khác. Phật Pháp đều chân thật. Niềm tin của chúng con tăng lên thêm khi chúng con tu hành nhiều hơn. Và càng tu hành, chúng con càng thấy tin tưởng hơn. Nó giống như trương mục ngân hàng tăng lên không ngừng. Ai tu hành sẽ trở thành người giàu niềm tin đến không thể tưởng tượng nổi.
Có lẽ bài học căn bản con đã học trong hành trình này là sự chân thật của Nhân Quả: gieo nhân nào, ắt sẽ gặt quả nấy . Tại sao đứa bé sai vặt Wart lại có thể nhấc thanh kiếm ra khỏi phiến đá trong khi không một ai trong số những hiệp sĩ quý tộc có thể suy chuyển nó được? Bởi vì cậu bé ấy có những nhân duyên trong quá khứ cho phép cậu ấy lớn lên và trở thành vua Arthur (2). Tại sao một người nghèo kiếm củi khi ngang qua khu chợ nghe thấy một câu trong Kinh Kim Cang và trở thành vị Đại Giác ngộ ngay lập tức? Bởi vì nhân duyên quá khứ mà vị ấy đã trở thành Lục Tổ Đại Sư.
Tại sao những chú hải cẩu biển tụ tập trên những tảng đá phía ngoài vịnh Anchor gầm gừ và nói Pháp của loài hải cẩu? Bởi vì trong những kiếp quá khứ, chúng đã cư xử giống như loài hải cẩu và bây giờ chúng sống trong thân thể của loài hải cẩu. Abe Lincoln đã trở thành tổng thống và bị một người lạ bắn vào đầu, có thể là vì trong quá khứ ông ta đã giết kẻ giết người ấy và bây giờ ông ta phải chịu quả báo.
Tất cả những gì được tạo ra đều có nguồn gốc hình thành. Có câu rằng,
Thấy sự hiểu sự, vượt thế gian.
Thấy sự mê sự, đọa trầm luân.
Tuần trước, vào một buổi sáng, con vòng qua một chỗ rẽ trong sương mù, ngay lúc đó con thấy một con chồn hôi chết trên mặt đường nhựa. Nó mới bị xe đụng chỉ vài phút trước thôi. Người nó vẫn còn ấm, là một con chồn đực trưởng thành, nặng khoảng năm pound (2,250 g) có những chiếc răng nanh sắc nhọn để ăn thịt. Con đưa nó ra khỏi làn đường giao thông, thận trọng nắm lấy cái đuôi sọc trắng của cái xác buồn thảm ấy. Con chồn đã nói Pháp cho con. Nó nói rằng, “Trong quá khứ, tôi đã tham lam và giết hại do sự nóng giận và ngu ngốc. Bây giờ, tôi phải trả giá. Vẫn chưa đủ còn bị cái cơ thể hôi thối khiến cho không ai muốn lại gần. Hôm nay, tôi mất đi ngay cả cái túi thịt này. Tất cả là vì khi tôi là người, tôi đã không giữ quy củ tốt đẹp. Tôi đã tự giết chính mình bằng cách nuốt những độc tố của Tham, Sân, Si. Đó đều là lỗi của tôi. Chẳng trách ai được cả”.
Con niệm chú Vãng Sanh cho con chồn và đã cảm ơn nó về bài học. Con nghĩ rằng, “Thật vui mừng biết bao khi có được cơ hội tu Đạo. Làm một con chồn hôi thì có quá nhiều đau khổ. Không thể ngồi kiết già, không thể lạy Phật, không thể cúng dường. Cũng may con là một con người”.
Rồi, bữa trưa, con đã cư xử giống như con chồn hôi. Con thấy mình quan sát tô thức ăn của thầy Hằng Triều, chỉ trích mọi cử chỉ của Thầy ấy và có những suy nghĩ rất cay nghiệt đầy tham lam và giận dữ đối với Thầy. Trong tâm trí con ghanh đua với Thầy ấy như đã từng trước đó. Lần này, con nhớ ra những lời dạy của Sư phụ:
Bỏ vọng tâm giữ chân tâm.
Trực tâm chính Đạo tràng.
Tâm bình thường là Đạo.
Đừng trách mắng và chỉ trích người khác.
Hãy làm một người tốt.
Không tư lợi.
Không ích kỷ.
Bậc vĩ nhân bắt đầu từ những điểm nhỏ nhặt và vi tế.
Phật Pháp chân chính ở ngay trước mắt.
-Hòa thượng Tuyên Hóa, Malaysia, tháng 8 năm 1978.
Ở đây, con đã gieo trồng những hạt giống chủng tử chồn hôi và tiếp tục tiến triển với điều đó! Khi con nhận dạng ra điều mà con đã làm, đột nhiên Nhân và Quả trở nên rõ ràng như Ngày và Đêm. Con đã không kịp quay trở lại. Ai muốn nuốt độc tố đây? Những vị tu hành suy nghĩ trong sáng, những tư tưởng tu hành cao thượng. Từ chỗ nhỏ bé này, cuối cùng họ sẽ thành Phật. Những con chồn hôi nghĩ về những tư tưởng nặng mùi và cuối cùng kết cục giống như cái chết của con chồn nâu mà con đã chú nguyện tuần trước.
Con đã chạy khắp Pháp giới lục soát bên ngoài tìm pháp để khiển trách, để chỉ trích, và phê phán người. Trong suốt thời gian này, lỗi không phải ở các Pháp. Thân, khẩu và ý của con chính là nguồn gốc của tất cả những đau khổ và hân hoan của chính mình. Chẳng ai buộc con làm gì cả. Trong mọi ý niệm, con quyết định làm một vị tu hành hay là một con chồn hôi.
Phật Pháp cho ta những quy củ. Trong mỗi phút đang sống, chúng ta tạo ra Phật Địa hay Nhà vệ sinh tùy thuộc vào những gì chúng ta thực hành trong tâm trí mình. Như Sư phụ đã nói với thầy Hằng Triều tuần trước khi thầy ghé thăm chúng con ở Sea Ranch:
Nếu con không muốn làm vị hoàng đế, trước hết con cần phải dội nước cầu tiêu. Một khi cái cầu tiêu được dội nước rồi, con có thể đi và trở thành Phật. Trước hết, con cần phải làm công việc của chính mình và làm sạch cái nhà vệ sinh. Đừng quá tham lam thành Phật, đừng nghĩ gì về nó. Chỉ tu hành thôi.
Bằng cách truyền lại Giáo Pháp, Chư Phật và Bồ Tát đã ban cho chúng ta món quà từ bi. Con có một cơ hội khác để cố gắng hết sức mình hôm nay để trở thành một người giữ vệ sinh tốt, dùng từng giây để dội thông cầu bị nghẹt trong tâm con. Con có thể chuyển cái nhà vệ sinh của mình trở thành chánh điện. Tại sao làm như vậy? Bởi vì nó có thể làm nên sự bố thí cao cả nhất trong tất cả. Dùng những Đại Nguyện Vương của Đức Phổ Hiền Bồ Tát trong khi lạy và hồi hướng, con cũng đồng thời làm sạch một góc thế gian. Con thực sự tin tưởng rằng việc tu hành những lời nguyện này là một việc tối hậu, điều tốt đẹp nhất mà ai cũng có thể làm trong đời. Cho dù con có từng là một con chồn hôi thối thế nào trong quá khứ đi chăng nữa, bất kỳ ai mà có thể giữ gìn giới luật và không vọng tưởng, thì sẽ có thể hoàn thành đầy đủ những hạnh và nguyện của Ngài Phổ Hiền Bồ Tát, và trở thành Phật. Con tin rằng, những lời nguyện này là “đường tới Thiên đường”, và là những quy củ tối cao của Pháp Giới. Con lạy những lời nguyện ấy và Kinh chứa những điều ấy với niềm tin sâu sắc và cung kính trong từng suy nghĩ. Kinh Hoa Nghiêm thật phi thường biết bao! Rằng, chúng con có những nhân duyên để gặp được Kinh ở đây và bây giờ là kho báu vĩ đại tốt đẹp. Như Quốc sư Thanh Lương nói:
Lại khi gặp được bậc Thánh Chủ,
Thành tựu ở trên núi Linh Sơn
Quán chiếu tột cùng nghĩa huyền vi,
Làm sao lại không vui mừng?
-Kinh Hoa Nghiêm. Lời nói đầu
Chúng con đã lạy trước cổng vào khu đất cắm trại của Vịnh Anchor. Bên trong những người cắm trại và những nhà lưu động có tên như “Vùng hoang dã”, “Mở đường”, “Gió nam”, “Nhà thám hiểm” đầy như cá hộp. Khói từ những bếp nấu ăn và sự huyên náo của đám đông chật ních những người nghỉ mát kia khiến có cảm giác như những khu chợ sầm uất trong trung tâm thủ đô Kuala Lumpur. Tại sao mọi người lại đến giữa bãi biển hoang vắng này trên những chiếc xe đắt tiền để đứng san sát kề nhau giống như ở bất kỳ thành phố lớn nào? Bởi vì những nhân duyên với nhau trong quá khứ. Có người đã chết ngay ở đó chiều nay. Chiếc xe cứu thương hú còi đến gần. Chẳng biết đó là ai và vì sao. Pháp Vô Thường đang nói với tất cả chúng con rằng, “Hãy cố gắng hết sức. Tuân thủ quy củ. Hướng tới điều thiện! Và dội cầu đi”. Chiếc xe cứu thương lăn bánh đi, chúng con lạy lên đồi, khói từ những bánh thịt hambuger nướng tràn ngập không khí, và bên ngoài bến cảng trên những phiến đá, những chú hải cẩu tắm và gầm gừ.
Đệ tử Quả Chân (Hằng Thật)
Cung kính cúi lạy!
Chú thích:
(1) Lúc Ngài Phổ Hiền Bồ Tát nói Trong mười bất khả thuyết Phật sát vi trần số hương thủy hải, có những thế giới nào an trụ, giăng bày như lưới báu của Thiên đế. Vì muốn tuyên lại nghĩa này nên nói kệ. Câu thơ thứ 137-141.
(2) Xin xem thêm http://en.wikipedia.org/wiki/The_Sword_in_the_Stone_(film)
Không có chỗ nào để chạy trốn hay ẩn nấp
Ngày 3 tháng 9 năm 1979,
Trong những ngọn núi trên đường đến Booneville, Califonia.
Kính thưa Sư Phụ,
Đến cuối ngày lạy, chúng con làm lễ hồi hướng và lái xe vào Pt. Arena để bỏ rác. Khi chúng con dừng lại ở một trạm xăng đóng cửa, đột nhiên có khoảng mười thanh niên bao vây chúng con. Trông họ dữ tợn và nồng nặc mùi rượu Whisky. Họ bắt đầu gõ lên kiếng xe.
“Này, đang có chuyện gì thế, ông? Các ông là mấy người lạy trên xa lộ phải không? Là thế nào?” một người hỏi bằng một giọng nhạo báng.
“Ờ, này, họ đấy!” mấy người hò hét lên nhận ra chúng con. “Nào đi xem họ thế nào, nhanh lên!” Và có thêm mấy thanh niên chạy nhào ra từ dãy nhà trọ (motel) ở bên kia đường.
“Ồ, ông không nói chuyện à? Thế còn ông ta thì sao?” anh ta nói chỉ về phía thầy Hằng Thật đang ngồi ghế sau. “Ông ta có nói không? Thế không ai trong các ông nói chuyện!? Thế thì làm sao chúng tôi có thể nói lại với các ông, hả? Hay là dùng sơn viết lên khắp xe của các ông ?” Mọi người đều cười nhưng họ không đùa.
Một người khác bước lên. Anh ta có một vết sẹo lớn ở ngang cổ và một tay đang cầm một chai rượu whisky đã mở. Anh ta chộp lấy tờ thông cáo từ tay một anh khác và bắt đầu đọc những lời trên đó, “Việc của họ là gì thế?” Anh ta nhìn về phía con và nói một cách thô lỗ, “Thế dây thanh quản của ông bị đứt hay làm sao?”
“Không, nó là sự sám hối của họ” ai đó quát lên. Nhiều tiếng cười vang lên.
“Này, đừng có phiền nhiễu họ nữa. Họ đang làm việc của họ”, anh ta nói và đọc xong bản thông cáo về chuyến hành hương. Anh ta giơ cái chai rượu whisky vào mặt con, “Đây. Uống với tôi một ít, hay là ông không thể? Tôn giáo của ông nghiêm cấm điều này à?” Con gật đầu. “Thế còn ông ta thì sao?” anh ta hỏi, chỉ cái chai về phía thầy Hằng Thật, “Ông ta có thể uống không?”
“ Nhìn kìa, ông ta đang cầu nguyện!” ai đó hét lên và bọn họ đồng loạt cười phá lên vào nhà sư đang ngồi thiền .
“ Ông biết không vợ anh ấy vừa sinh em bé. Nên anh ta rất thô lỗ và khó chịu như thế”, một anh cao, bộ râu quai nón lởm chởm và chột một mắt nói.
“Ừ, thường thì tao chỉ cần đi một vòng và đập cho một trận tơi bời, nhưng hôm nay tao đang ăn mừng, nên ông may đấy, có lẽ thế” anh thanh niên ấy trở lại đứng cạnh cửa sổ xe đang mở đáp.
“Ôi! Họ đã như thế này từ L.A (thành phố Los Angeles)! Từ hơn hai năm rồi!” một người đọc bản thông cáo la lên.
“Như thế thì rất nhiều dặm. Có nhiều người phiền nhiễu các ông lắm nhỉ?” một người hỏi. Con lắc đầu “Không”.
“Thật à ! Thế còn chiếc xe của các ông thì sao? Vẫn chạy được chứ? Tôi biết chỗ các ông có thể phá hủy nó thật nhanh và rẻ tiền”, anh ta nói. Nhiều tiếng cười vang lên.
Tình trạng căng thẳng giờ dịu xuống một chút.
Một chiếc tải nhỏ khác dừng lại đằng sau chúng con và có thêm mấy thanh niên nữa nhảy ra. Toàn bộ quang cảnh xảy ra rất lẹ . Nó có thể biến thành bạo lực hay tan biến “như chẳng có chuyện gì”chỉ trong một giây. Thầy Hằng Thật và con cảm thấy mọi sự chú ý hướng về phía chúng con. Mỗi một hành động cần phải chân thành và phù hợp không thì toàn cảnh sẽ nổ tung lên. Họ có xà beng, búa tạ, búa rìu, dây xích trên xe. Bọn họ có thể tiêu diệt chúng con và chiếc xe trong chừng vài phút nếu bị khiêu khích. Chúng con không dám cố kéo cái cửa kính xe lên và rút cái cây ra. Bọn họ có quá nhiều người và chúng con thì như bị bao vây trong hộp. Bên cạnh đó, làm thế cũng chỉ trì hoãn việc chạm trán với họ chừng một hoặc hai ngày, khi chúng con lạy xuyên qua thị trấn. Họ đã theo dõi và chờ đợi chúng con hàng tuần rồi, họ bảo thế. Chúng con đi được một dặm một ngày. Chẳng có chỗ nào để chạy trốn hay ẩn nấp cả. Chúng con phải học cách hoà hợp với mọi người. Những người hành hương thì tự tại. Từ, Bi, Hỷ, Xả là những điều chúng con cần để tồn tại. Tứ vô lượng tâm này bao trùm khắp mọi hoàn cảnh và cho mọi người có cảm giác tốt đẹp. Chúng con cố gắng đối xử với mọi người như nhau. Cho dù điều gì xảy ra, chúng con sẽ chỉ lạy mà không biểu lộ giận dữ.
Ðại Bồ Tát lợi ích hướng cho hàng chẳng phải thân hữu đồng như đối với hàng thân hữu của mình. Vì đại Bồ Tát đã nhập tánh bình đẳng của tất cả pháp, với các chúng sanh không có một quan niệm là chẳng phải thân hữu. Giả sử có chúng sanh nào đem lòng oán hại Bồ Tát, Bồ Tát cũng dùng từ nhãn nhìn chúng sanh đó, tột cùng vẫn thương mến họ trọn không hờn giận.
-Hoa Nghiêm Kinh. Phẩm thứ 25: Thập hồi hướng. Hồi hướng thứ nhất.
Có điều gì đó đặc biệt đối với việc lạy ở bên ngoài, từ từ đi từ thành phố này đến thành phố khác. Rất khó để mô tả, nhưng sau một lúc thôi, mọi thứ dường như nhau và có cảm giác ai cũng như là người thân và bạn bè – “bình đẳng”. Tất cả những người nam dường như là anh em trai hay là cha ta. Tất cả những người nữ dường như là chị em hay mẹ ta. Từ L.A, xuyên qua Châu Á, và trở lại bãi biển nơi chúng con ở hôm nay, mũi Arena, Califonia, mọi thành phố và làng mạc khác nhau hòa trộn với nhau thành một khu láng giềng rộng lớn. Chúng con khó mà nhận ra được việc dời khỏi chỗ này và đến một nơi khác. Một cách tự nhiên, việc lễ lạy san bằng tất cả những khác biệt hời hợt bên ngoài bằng cách nào đó, và ý niệm “trở thành đồng thể với mọi người ” thâm nhập vào trái tim của bạn trước khi bạn nhận ra nó.
Như vẻ thô lỗ và đe dọa của mấy người nghiện rượu kia, thầy Hằng Thật và con đã không cảm thấy căng thẳng hay giận dữ. Không có thái độ thù địch hay loại bỏ trong không khí. Chúng con đều cảm thấy điều này và mọi thứ – tự thân chúng dần dần nguội mát đi. Mấy anh thanh niên ấy dịu lại.
“Vậy thì, mấy ông chắc thỉnh thoảng phải đi cắt tóc. Hay mấy ông cũng tự làm lấy?” một anh nói đùa. Một số chen chúc nhau đọc bản thông cáo. Vài người khác lén nhìn vào chỗ cửa xe nơi có bàn thờ và ảnh của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát và Sư Phụ, trong khi chuyền tay nhau chai rượu whisky đã mở nắp và tu ừng ực.
Chúng con từ từ lùi xe đi, mỉm cười và vẫy tay tạm biệt. “Này!” một người trông thấp và có ria mép hỏi to, “ông có biết karate không?”
“Ờ đúng rồi”, hai người khác cùng nói đồng thời tiến về phía chiếc xe cùng với sự thích thú mới về những cảnh đánh lộn . “Ông biết…võ công, võ thuật không?” Họ bắt chước trên T.V những thế võ. Cầm mấy chai bia trong tay, trong áo khoác dơ bẩn và đội mũ xây dựng, trông có vẻ khôi hài.
Con lắc đầu “không”, chắp tay lại và lạy, ám chỉ “Đó là võ công của chúng tôi”. Họ thích vậy, và mọi thứ êm dịu trở lại. Nụ cười nở ra trên vài khuôn mặt hung tợn như thể nói rằng, “Ừ. Toàn thể thế giới có thể sử dụng nhiều hơn một chút kiểu công phu ấy. Dù sao chăng nữa thì ai muốn đánh nhau đây?”
Khi chúng con lái xe đi, anh thanh niên có vợ mới sinh em bé kêu lên, “Được rồi, tất cả những gì tôi muốn nói là các ông tốt hơn hết phải cẩn thận, hai người vũ trụ. Đừng bay đi và biến mất vào vũ trụ đấy. Đừng để cho vũ trụ nuốt mất các ông”. Mọi người cười và vẫy tay chào tạm biệt. Nó là bài học về lòng Từ và Tùy thuận.
Bởi đối với chúng sanh mà tâm bình đẳng thì có thể sanh lòng đại bi đầy đủ hoàn toàn. Dùng tâm đại bi mà tùy thuận chúng sanh thì có thể thành tựu pháp cúng dường Như Lai. Bồ Tát tùy thuận chúng sanh như thế ấy
-Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm thứ 40: Nhập bất tư nghì cảnh giới giải thoát Phổ Hiền Hạnh Nguyện. Lúc Ngài Phổ Hiền Bồ Tát giảng về “ Hằng thuận lợi chúng sinh”.
Ngày hôm sau, chúng con lạy qua một cái sân trước rào gỗ, lớn và một ngôi nhà ở bên rìa thị trấn. Bọn trẻ con địa phương đang “chơi trò bắn súng”.
“Bang, bang…trúng rồi. Chưa trúng!…Trúng rồi còn gì!… la lớn ‘Ta là Tony, bùm chíu, bùm chíu !” Chúng nhìn thấy chúng con đang lạy, và mọi thứ dừng bặt trong giây lát. Rồi có một viên đá bay đến chỗ chúng con từ đằng sau mấy bụi cây. Nó trúng vào cái vỉa hè gần chỗ chúng con. Chúng con tiếp tục lạy. Bọn trẻ tiếp tục quan sát.
Trong chừng vài phút, một cậu bé gan dạ hơn dần từng bước tiến lại gần. “Ông đang làm gì thế?” chúng hỏi. Con viết xuống miếng giấy và đưa cho chúng:
Chúng tôi đang cầu nguyện giúp cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn và tử tế với cha mẹ. Chúng tôi không nói chuyện.
“Em sẽ đưa cái này cho anh John, anh ấy biết đọc”, một cậu bé nói. John đọc nó cho mọi người nghe. Chúng mỉm cười. Chúng con tiếp tục lạy vào thị trấn. Bọn trẻ dừng chơi trò bắn súng và yên lặng ngồi dưới bóng mát và xem chúng con lạy. Một chiếc xe kêu ren rét bên cạnh và ai đó la hét chúng con. Bọn trẻ đứng dậy và bênh vực chúng con, “Này, tốt hơn hết là ông để cho họ yên; họ là người tốt”, đứa trẻ lớn tuổi hơn nói. Hai đứa trẻ chạy lên với mấy bông hoa đỏ mới ngắt và cúng dường. Đứa trẻ lớn tuổi đạp xe để xem xét lộ trình phía trước. “Tốt hơn là phải canh chừng con chó ở trên đó, nó có thể cắn người. Con kia thì không sao”, Tony nói, chỉ tay về phía con chó lai đang ve vẩy đuôi.
Tất cả chúng ta biến đổi lẫn nhau – người nghiện rượu, nhà sư, trẻ con. Súng biến thành hoa, sân giận biến thành từ bi, lầm lẫn biến thành hiểu biết. Tất cả chúng con cùng nhất tâm lạy hướng về Vạn Phật Thánh Thành.
An bình trong Đạo.
Đệ tử Quả Đình (Hằng Triều)
Cung kính cúi lạy.
Căn Bản Thì Ngay Cả Một Vị Phật Cũng Chẳng Có
Ngày 10 tháng 9 năm 1979
Tất cả chúng sinh là thân của tất cả chư Phật.
Kính thưa Sư Phụ,
Trong một ngày, có bao nhiêu chúng sinh nhìn thấy con? Con nhìn thấy bao nhiêu? Trong một tháng, có bao nhiêu chúng sinh con đã ngang qua và ảnh hưởng đến? Có bao nhiêu chúng sanh ảnh hưởng và gây xúc động đến con? Không chỉ có con người, mà còn những loài hai chân, bốn chân, nhiều chân và không chân. Những chúng sinh có hình tướng hoặc không hình tướng; có tư tưởng hoặc không có tư tưởng; và những loài không có cả tư tưởng lẫn không tư tưởng. Có những chúng sinh sinh ra từ trứng, từ bào thai, từ ẩm ướt và từ hóa sinh. Một số chúng sinh sống trên trái đất. Một số sống trong nước, lửa hay không khí. Có những chúng sinh sống trong không gian hay những chúng sinh được sinh ra và cư trú trong rừng, dưới lòng đất và bên trong sinh vật khác. Có vô lượng hải chúng sinh trong khắp mười phương của vũ trụ (Pháp giới), và tới cùng tận của hư không. Mọi thứ “đang sống”. Thậm chí sỏi đá cũng có thọ mạng. Chúng con chỉ vì đi quá nhanh nên đã không thấy được điều đó. Trong suốt cuộc đời, số lượng chúng sinh mà chúng ta gặp phải không thể tính đếm được.
Các loài (chúng sanh) như vậy tôi đều tùy thuận tất cả mà thật hành các sự vâng thờ, cúng dường, như kính cha mẹ, như thờ bậc thầy, cùng A La Hán, nhẫn đến như Ðức Như Lai đồng nhau không khác. Trong các loài ấy, nếu là kẻ có bịnh thì tôi vì họ mà làm lương y, nếu ai bị lạc đường thì tôi vì họ mà chỉ cho con đường chánh, nơi đêm tối tôi vì họ mà làm ngọn đuốc sáng, người nghèo thiếu tôi làm cho được của báu. Bồ Tát bình đẳng lợi ích cho chúng sanh như vậy.
-Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm thứ 40: Nhập bất tư nghì cảnh giới giải thoát Phổ Hiền Hạnh Nguyện. Lúc Ngài Phổ Hiền Bồ Tát giảng về “ Hằng thuận lợi chúng sinh”.
Nếu con đối xử tốt đẹp với tất cả chúng sinh, thì họ sẽ học được lòng tốt và trở nên tốt đẹp, và cứ thế đối với những người khác. Nếu con không tốt với chúng sinh, họ sẽ nuôi dưỡng căm hờn và oán giận rồi sẽ trả đũa khi có cơ hội. Vì thế, nếu thế giới không tốt đẹp, đó là vì con không tốt đẹp. Nhưng điều này vẫn giữ một quan điểm về ta và người. Nếu con có thể trải rộng phạm vi tâm trí mình để bao trùm khắp thế giới, lúc đó tất cả sẽ là một. Tất cả chúng sinh trong khắp nẻo luân hồi đều là cha mẹ con. Tất cả đất và nước đều đã từng là thể chất của con. Mọi nguyên tố không khí và lửa trước đây đã từng duy trì cho sự sống của một trong những thân mạng con. Đại Bi là trở thành một với tất cả mọi người. Trở thành một với tất cả mọi người chính là thể chất của chư Phật.
Chư Phật, các Ðức Như Lai dùng tâm đại bi mà làm thể.
-Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm thứ 40: Nhập bất tư nghì cảnh giới giải thoát Phổ Hiền Hạnh Nguyện. Lúc Ngài Phổ Hiền Bồ Tát giảng về “ Hằng thuận lợi chúng sinh”.
Vì thế, quan tâm và đối xử tốt đẹp với tất cả chúng sinh cũng chính là đối xử tốt đẹp với chính mình vậy. Và khi con tôn trọng, phục vụ và cúng dường tới tất cả chúng sinh, thì cũng là con đang làm thế với tất cả chư Phật vậy. Đều giống nhau. Tất cả chúng sinh là thân của tất cả chư Phật. Có câu rằng, “Tất cả chúng sinh đều được chứa trong một lỗ chân lông của thân Phật”. Và vậy thì cái gì lớn và nhỏ đây? Bởi vậy cũng có câu rằng:
Trong mỗi cực vi trần đều có chư Phật như số cực vi trong tất cả thế giới
-Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm thứ 40: Nhập bất tư nghì cảnh giới giải thoát Phổ Hiền Hạnh Nguyện. Lúc Ngài Phổ Hiền Bồ Tát giảng về “ Rộng sắm đồ cúng dường”.
Tâm Đại Bi chỉ đơn giản là lòng nhân từ và tốt đẹp với tất cả chúng sinh. Tuy vậy mà thái độ đơn giản này bao trùm và vượt xa sự hiểu biết tột cùng của tâm trí. Phật Pháp là như thế. Vật lý hiện đại đang nỗ lực hết sức và làm nên những đột phá mang tính cách mạng và đi đến cùng những kết luận mà những bậc thánh nhân đã nhận biết từ trong tâm họ từ vô lượng thời gian lâu xa trước đây.
Ngày 24 tháng 7 năm 1979.
Chúng con đang ngồi thiền bên cạnh con đường dưới một cây bách. Không khí ngoài này trong sạch. Chỉ có mùi hương trầm tỏa ra từ cây hương đang cháy. Khi mặt trời lặn, gió thổi nhẹ. Sống ở bên ngoài, người ta luôn luôn phải đối mặt với sự sống và cái chết. Có câu rằng,
Trong tất cả sát chủng
Thế giới bất tư nghì
Hoặc thành, hoặc hư hoại
Hoặc cõi đã hư hoại
Ví như lá trong rừng
Có mọc cũng có rụng
Trong sát chủng như vậy
Thế giới có thành hoại.
-Kinh Hoa Nghiêm. Chương thứ 5: Hoa Tạng Hải thế giới. Ngài Phổ Hiền Bồ Tát nói bài kệ thứ 9. Câu kệ thứ 41-48.
Khi chúng con lạy xuyên qua một đồng cỏ cao và cây dại, chúng con đi vào một biển thế giới của cây cối, bọ, và những sinh vật cực nhỏ. Một số còn non và xanh, một số thì già và bạc úa. Tất cả chúng đang biến đổi – Thành, Trụ, Hoại và Diệt. Động vật, sinh vật biển, con người trong những thị trấn và những chiếc xe chạy ngang qua – tất cả chúng ta đều có phần của sự thực này. Mọi thứ đều biến đổi, chẳng có gì trụ. Nhìn vào cái vỏ rỗng không của con châu chấu, ngôi sao băng, những chiếc răng sâu của con – tất cả chúng đều đang nói cùng một Pháp: Vô thường.
Như khi nước trà bắt đầu sôi, những tia nắng của mặt trời đang lặn soi qua những đám hơi nước. Đám hơi nước được tạo bởi hàng tỉ phân tử nhỏ xíu xoáy tít. Chúng vươn lên trong một màn sương và rồi biến mất vào hư không. Con chưa từng nhìn thấy điều này trước đây. Tất cả những phân tử nhỏ bé không thể tính đếm được! Con xoay người và nhìn vào khói hương. Cũng giống như thế, tuy nhiên được tạo thành bởi những phân tử thậm chí nhỏ bé hơn. “Lúc thấy, lúc không ,“ Trong vật lý, điều căn bản là: Mọi thứ được tạo nên bởi cùng một nguyên tử. Vật chất và năng lượng không thực sự được tạo ra hay mất đi. Tất cả đơn giản chỉ là chuyển đổi hình dạng và hiện tướng. Trong Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh có câu rằng:
Sắc tức thị không,
Không tức thị sắc.
Có hai người dừng lại và hỏi, “Phật là gì?” và “Ông tin Chúa Trời hay ông có vị Chúa Trời của riêng mình?”. Con không thể tìm được một lời để trả lời. Con muốn có thể nói rằng, “ À, nó là như vậy, hay như thế kia”, nhưng con hiểu biết rất ít về nó thực sự thế nào. Một năm trước đây, con có thể đưa ngay ra câu trả lời. Nhưng giờ đây, chúng con lạy trong yên lặng và học hỏi từ mọi người và mọi vật. Tâm trí chúng con rời rã. Con muốn túm lấy và nắm giữ vào một cái gì đó. Chúng con đã từng suy luận ra những điều gì đó và dùng những ngôn từ rất hay để diễn tả chúng. Nhưng giờ đây tất cả đều như là hơi nước trà, khói hương, bãi cỏ và cây dại: chúng không thể nắm bắt được nhưng chúng vẫn tồn tại.
…Pháp giới không hai, (Trong pháp không hai không tăng không giảm, không sanh không diệt, không hữu không vô, không lấy không tựa,) cũng không chấp trước nơi không hai. Ví như hư không, trong thập phương ba thời, tìm vốn không được, nhưng chẳng phải là không có hư không. Cũng thế, Bồ Tát quán: tất cả pháp đều bất khả đắc,nhưng chẳng phải là không có tất cả pháp
-Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm thứ 21: Thập Hạnh. Lúc Bồ Tát Công Đức Lâm nói về hạnh thứ 8: Bồ Tát Nan Đắc Hạnh.
Còn Chúa Trời thì sao? Chúa Trời cũng không thể nắm bắt được. Thậm chí giữa những người có cùng niềm tin, họ cũng không thể đồng ý với nhau về việc Chúa Trời là gì. Mọi người ai cũng có vị Chúa Trời của riêng mình, bởi nhất thiết duy tâm tạo. Điều ấy giải thích tại sao trạng thái tối thượng trong Phật Đạo là không chấp trước. Nó có nghĩa là buông bỏ mọi ngã kiến và bám chấp, làm trống không ngay chính tánh không, như thế chúng ta mới khám phá ra được điều tối thượng ấy.
Người ta hỏi chúng con, “Được rồi, thế Phật không phải là Chúa Trời của ông sao?”
Câu trả lời là không. Bởi vì trong khi đa số các tôn giáo tin tưởng “chỉ có chúa Trời của tôi là chân thật” và hiểu biết, yêu quí, và phụng thờ vị Chúa Trời đó như là đấng tối thượng, Đạo Phật nói rằng tất cả chúng sinh đều có Phật tính và tất cả đều có thể trở thành Phật. Trạng thái tối thượng trong Đạo Phật là không chấp trước, một tâm trí không bám chấp, không ràng buộc, và giải thoát như Kinh Hoa Nghiêm dạy.
Con nhớ có lần nghe được cuộc đối thoại giữa Hòa Thượng Trụ Trì và một đệ tử khi đang đi trong xe ở Kuala Lumpur:
Đệ tử: “Sư phụ, vài người nói rằng chỉ có một vị Phật và những người khác nói rằng có rất nhiều chư Phật. Chuyện này là thế nào ạ? Thế có nhiều chư Phật hay chỉ có một vị Phật thôi?”
Sư phụ: “Về cơ bản, ngay cả một vị Phật cũng chẳng có. Có chăng chỉ là Đại Trí huệ”.
Thỉnh thoảng, sau một ngày lễ lạy lâu dài và tốt đẹp, khi cơ thể trở nên mềm đi và lắng xuống, tâm trí con còn chẳng biết liệu lỗ mũi của mình đang chỉ lên hay hướng xuống nữa, thì con loáng thoáng nhận ra đạo mà Kinh dạy là thế nào. Nó phải là như vậy.
An bình trong Đạo,
Đệ tử Quả Đình (Hằng Triều)
Cung kính cúi lạy.
Tại Sao Tôi Lại Bị Ném Bong Bóng Nước?
Ngày 3 tháng 9 năm 1979
Đường Mountain View, quận hạt Mendocino
Kính thưa Sư Phụ,
Bồ Tát không bao giờ dùng nhơn duyên, pháp hay nghiệp của tham dục mà làm não hại chúng sanh
-Kinh Hoa nghiêm. Phẩm Thập Hạnh.
Chiều hôm qua, khi con cúi lạy, con suy nghĩ về lời nguyện thứ tư của Phổ Hiền Bồ tát, “ sám hối nghiệp chướng”. Con sám hối về những tội lỗi nặng nề mà con đã gây ra thông qua nói chuyện thêu dệt. Lời nói thêu dệt, sai lạc gây nhiễu hại người khác. Nó sinh ra từ cảm xúc và do từ tham muốn trở thành được nổi tiếng và đặc biệt, số một và độc nhất vô nhị. Nó cũng giống như tham muốn về mùi vị trong thức ăn. Những thức ăn nhạt, đơn giản không bao giờ đủ ngon cho con. Con luôn luôn tìm kiếm mùi vị và ngon miệng, những pha trộn đặc biệt, những gia vị tạo cảm giác. Đó là tham dục và nó gây chướng ngại cho sự tu hành của con. Thực sự thì,
Mọi ham muốn cũng là một ham muốn.
Tham vọng của con về danh vọng và hương vị đã làm nhữngngười khác sinh khởi cảm xúc, làm động tâm trí họ, làm mất đi chánh niệm, phá vỡ các hạnh thanh tịnh và tìm kiếm hương vị cùng tham vọng. Ngày hôm nay, con sám hối cho những tội lỗi nói lời thêu dệt sinh từ tham vọng. Đoạn kệ sám hối nói rằng,
Tôi đã làm bẩn chốn chùa chiền, phá phạm hạnh người …
Và con đột nhiên nhận ra rằng chúng sinh mà con đã phạm lỗi nói lời thêu dệt có cả ở ngoài và bên trong tâm trí con. Lý do mà con đã không thể tập trung và mất đi chánh niệm là ở chính điểm này! Con nói lời sai lạc, nói năng cẩu thả và tùy hứng ở ngay chính trong tâm trí con! Con vẫn cho phép mình có những cảm giác quá vui vẻ, giận dữ, u sầu và lo sợ. Con vẫn cho phép mình cảm nhận vui, giận, buồn, sợ quá mức. Con vẫn bám chấp vào thương, ghét, ham muốn. Bảy tình cảm này làm con lầm lẫn và khuấy động mặt nước bản nguyên vốn tĩnh lặng và thuần khiết của tâm trí con. Con gây rắc rối cho những chúng sinh trong tự tánh của mình.
Từ đầu đến giờ con cứ tưởng chỉ kềm chế cái lưỡi của mình và không nói chuyện trong chuyến Tam Bộ Nhất Bái sẽ chuyển hóa được nghiệp tà ngữ.
Nhưng con vẫn không từ bỏ được những cảm xúc và vọng ngữ bên trong mình. Sư phụ đã nói cho con nghe điều đó khi còn ở Los Angeles hai mươi sáu tháng trước đây:
Bên ngoài con không nói chuyện đúng không? Tốt! Thì cũng đừng nói chuyện ngay chính bên trong mình nữa. Nếu con chỉ im lặng bên ngoài nhưng lại đấu tranh ở bên trong tâm trí mình thì nó cũng giống như con đã đấu tranh với người khác vậy, có đúng không?
Con đã thờ ơ với bài học này suốt từ đầu đến giờ, ngay cả khi có sự giúp đỡ rất lớn lao. Tháng trước, con đã được một bài học về nhận thức tại Sea Ranch. Sau bữa ăn trưa, lúc lễ lạy con đã thực sự đi vào tậm niệm sám hối. Con có được những xúc cảm và biểu lộ cao hứng về điều đó. Những giọt nước mắt của niềm hân hoan tuôn chảy. Con cảm nhận được những đợt sóng của nỗi xấu hổ, buồn tủi về quá khứ ích kỷ và sự ngu si của mình. Sự sám hối của con vụng về, nhằm lấy nước mắt như bi kịch trên ti vi. Đột nhiên, không có gì báo trước, một quả bong bóng đầy nước bay từ chiếc xe hơi đang chạy ngang qua thẳng đến ngay chỗ đất đằng sau con. Áo tràng và giới y của con bị ướt đẫm. Con chưng hửng. Ở đây, con thực quá chân thành. Vậy sao lại bị một bong bóng nước thế này?
Nếu con thẳng thắn suy nghĩ về điều này, con có thể hiểu được. Quả bong bóng nước đã nói Pháp cho con nghe. Con đã đắm mình vào trong cảm xúc và chấp trước vào những cảnh giới. Phật Pháp không như vậy. Quốc sư Thanh Lương đã nguyện rằng:
Tự tánh của tôi sẽ không bao giờ bị nhiễm ô bởi những cảnh giới cảm xúc và yêu thương.
Mười tám biệt Pháp của Phật – 4) Không có niệm phân biệt, và 5) Tâm không bao giờ không ở trong Định – mô tả cảnh giới chánh niệm (*). Mặc dù con đã dùng nỗ lực, nhưng đó là sự tinh tấn sai lạc. Xúc cảm làm dao động tâm trí và làm nhiễu loạn chúng sinh. Nó không dẫn đến “nơi vô thượng bình đẳng” mà Bồ Tát trong Hạnh thứ hai nguyện đạt được. Quốc sư Thanh Lương nói rõ ràng trong phần mở đầu của Hoa Nghiêm Sớ Sao:
Khi cảm xúc phát sinh, trí huệ liền mất đi.
Nhưng, con đã không thể hồi quang và áp dụng lời dạy cho chính mình cho tới tận ngày hôm nay. Chúng con đã đi đến chặng cuối cuộc hành trình của tháng thứ hai mươi bảy dọc theo biển Thái Bình Dương. Tuần này chúng con quẹo về hướng đông trên con đường Boonville-Mt. View và hướng về Vạn Phật Thánh Thành. Hôm nay con nguyện bỏ lại đằng sau những ham muốn cảm xúc. Con nguyện cắt bỏ những sự tìm kiếm danh vọng, hương vị, sự đặc biệt và những tội lỗi về vọng ngữ mà những ham muốn này gây ra. Con muốn quay trở lại với chánh niệm và thiền định tịch tĩnh. Con muốn “an trú nơi vô thượng bình đẳng” mà không có những tư tưởng phân biệt. Con muốn làm lợi ích tất cả chúng sinh với công việc này.
1) Con nguyện không bao giờ tái phạm dùng lời nói, cử chỉ, cách biểu đạt, hay điệu bộ xuất phát từ các nhân duyên, phương pháp hay là nghiệp của sự cảm xúc hay tham muốn.
2) Con nguyện chỉ nói Phật Pháp, đạo lý chân chính, và những lời để phụng sự Tam Bảo, theo những quy củ của Địa Thứ hai về Trí Huệ của Bồ Tát
3) Con nguyện sẽ không bao giờ tái phạm tìm kiếm những ham muốn về danh vọng hay hương vị.
Con nguyện sẽ thay đổi bản tính của mình thông qua tu hành mười tâm này:
1) Tâm chân thật
2) Tâm trực chỉ
3) Tâm vô cấu tạp
4) Tâm chánh trực
5) Tâm bình đẳng
6) Tâm thanh lương
7) Tâm khiêm kính
8) Tâm tin tưởng và hoan hỷ trong Phật Pháp thậm thâm, vô thượng, vi diệu.
9) Tâm kham nhẫn
10) Tâm Đại Từ, Đại Bi, Đại Hỉ, và Đại Xả
Đệ tử Quả Chân (Hằng Thật)
Cung kính cúi lạy
Chú thích:
(*) Xin xem về The Eighteen Dharmas Special to a Buddha http://www.cttbusa.org/prologue/prologue_door2_p3_10.asp
Tuân Thủ Giới Luật
Ngày 10 tháng 9 năm 1979.
Đường Boonville
Kính thưa Sư Phụ,
Nguyện cho tất cả chúng sanh đều được an trụ Phật độ thanh tịnh….trụ nơi đạo rốt ráo, nơi chốn an vui
-Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm thứ 25: Thập hồi hướng. Lúc Đại Bồ Tát bố thí phòng nhà đem thiện căn hồi hướng như vậy.
Một phụ nữ trẻ tuổi nói với chúng con sau bữa ăn trưa nay rằng: “ Mẹ con đã trốn khỏi Việt Nam. Không ai nghe nói đến bà. Có thể bà đã bị mất tích ở biển. Con mong rằng Thầy sẽ nghĩ đến mẹ con khi cầu nguyện”.
Chúng con rất xúc động về lời thỉnh cầu rất u buồn của cô gái này. Tại sao chúng ta lại học và thực hành Phật Pháp? Bởi vì qua đó chúng ta tìm thấy sự tốt lành thuần khiết. Phật Pháp là vị thuốc tốt nhất trên trái đất. Nó có thể chữa lành mọi đau khổ của phiền não. Nếu ai cũng cư xử theo những nguyên tắc cổ xưa phổ quát này thì, tất cả mọi chiến tranh sẽ chấm dứt và khổ đau sẽ biến mất.
Ví dụ, Bồ Tát tại địa thứ nhất lập những đại nguyện. Sau đó, tâm được thay đổi. Rồi thành tựu được mười thứ Tâm hay thái độ.
1) Tâm lợi ích. Ai được lợi từ chiến tranh? Ác quỷ. Những người làm dịch vụ tang lễ. Sâu bọ ăn xác người. Những kẻ chế tạo bom.
2) Tâm nhu nhuyến. Tâm không áp đặt lên người khác, huống chi là muốn chiến tranh.
3) Tâm tùy thuận. “Xin các vị sư hãy cẩn thận phía trước, liệu các ngài có thể đi bộ qua chỗ những chiếc xe xây dựng và lạy ở phía bên kia – chỗ an toàn hơn không?” người quản đốc thi công đường xá hỏi chúng con. “Vâng, chúng tôi sẽ, thưa ông. Không vấn đề gì”.
4) Tâm tịch tịnh. “(Chửi tục) … tụi bây cho tao biết tụi bây đang làm cái gì không thôi tao sẽ đập vỡ đầu tụi bây ra!”. Thầy Hằng Triều đáp lại bằng một nụ cười chân thành, “Chúng tôi là những Phật tử, đang đi hành hương. Chúng tôi lạy và cầu nguyện” “Thế à? Phật tử? Tôi tưởng các ông là những thứ … đó. Tốt thôi, chúc các ông may mắn”.
5) Tâm điều phục. Con tự nói với mình, “Tôi chắc chắn muốn làm sạch trơn cái dĩa tàu hủ đó, nhưng tôi khá no rồi. Đạo lý nói rằng nên giữ Trung Đạo: Không quá nhiều, cũng chẳng quá ít. Đạo lý là chân thật, những suy nghĩ của mình là sai lầm. Mình sẽ kiên nhẫn và điều phục lòng tham.
Ồ, nhìn kìa. Chủ nhà đã mang đến cúng dường và ở lại để chia sẻ đĩa đậu phụ đã ăn nó. Nếu mình dùng thêm một chút thức ăn nữa, người ấy có thể bị đói. Đạo lý cổ xưa thật tuyệt vời! Không thể hay hơn được!
6) Tâm tịch diệt. “Tốt hơn hết là mình bỏ cái khăn quàng cổ ra. Đừng, chờ đã. Tập trung. Đừng nghĩ về bản thân. Này, gió đang thổi tới. Tốt hơn hết là mình nên đội mũ vào. Đừng, chờ đã. Đừng cử động. Tập trung. Ý, tới giờ thiền rồi. Hãy yên lặng đi, hỡi cái tâm (lăng xăng) như con khỉ! Hãy Tĩnh lặng!”
7) Tâm khiêm hạ. Vận may tốt đẹp của con trong việc có được một cơ thể đầy đủ và khỏe mạnh là một phần tỷ. Nếu con phá vỡ giới luật, con có thể tìm thấy mình trong thân bò, hay như một đàn châu chấu xanh trên dẻo đất lẻ loi ở Point Arena này, tất cả chỉ trong chớp mắt. Chỉ có nhờ vào lòng đại từ của chư Phật và Bồ Tát, cha mẹ, các bậc sư trưởngcon mới có thể gặp được Phật Pháp. Lòng tham, sân hận của con rộng lớn như dãi núi Rocky. Những tội lỗi của con nhiều như cát của tiểu bang Arizona và New Mexico. Những tà kiến của con nếu có hình tướng thì có thể chất đầy cả hư không. Làm sao con có thể lười biếng và không ra sức tu trì sám hối và sửa đổi được chứ? Làm sao mà con dám biểu lộ sự giận dữ đối với bất kỳ chúng sinh nào?
8) Tâm nhuận trạch. Trận hạn hán năm 1976-1977 đã khiến miền Nam California nhuốm màu vàng úa, khô giòn.Tất cả đều khát nước. Cây cối trơ cành và giòn dễ gẫy. Tất cả động vật đều gầy trơ xương và cáu bẩn. Không chút màu mỡ, phì nhiêu trong đất. Đây là trạng thái trong tâm trí mình khi con giận dữ, tìm kiếm lợi ích cá nhân. Khi con sân hận và cay nghiệt, tâm trí con cũng như vậy. Ngay khi con nhớ làm nhuận trạch tâm trí mình với dòng nước Đại từ, Đại bi, thì nó chuyển vào tháng 5 năm 1979 ở quận hạt Marine. Hoa dại trải khắp các cánh đồng, những con bò mập mạp được thả đi ăn cỏ, những con ngựa non Morgan béo tốt theo bầy phi nước đại ngang qua những gò đất, chim hót và cá bơi nhảy trong những rãnh nước. Tâm nhuận trạch là nơi tăng trưởng và hạnh phúc.
9) Tâm bất động. “ Đồ điên rồ ngu xuẩn, hãy đứng dậy đàng hoàng!” một cậu thanh niên trẻ nói khi đi xe ngang qua.
“Ông là thiện tri thức của chúng tôi. Ông nhắc nhở những tội lỗi vô biên về nịnh bợ và phan duyên của chúng tôi. Tôi nguyện an trú nơi tâm bình đẳng đối đãi với tất cả chúng sinh. Tôi cúi lạy ông với lòng biết ơn. Chúng ta sẽ đồng thành Phật cả”.
10) Tâm bất trược. Chúng con đọc kinh Phật. Chúng con không theo dõi tin tức. Chúng con không nghe quảng cáo. Chúng con không nghe nhạc. Chúng con ăn thức ăn đạm bạc. Chúng con sám hối những lỗi lầm trong quá khứ và canh chừng mọi ham muốn. Chúng con đang học cách tôn trọng giới luật, “điều phục bản thân và quay về đạo lý”.
Điều phục bản ngã tạo ra sự bảo đảm vững chắc, đó là tính cố hữu trong những giới luật cổ xưa. Quay về đạo lý, chúng con khám phá ra sự hài hòa thâm sâu bên trong chúng con. Nó có cảm giác như là gặp phao đánh dấu trong sương mù. Bạn biết rằng bạn sẽ sớm vào hải cảng. Những giới luật cổ xưa dạy chúng con biết vũ trụ thực sự ra sao trước khi có ý tưởng và tranh luận, trước cả những lời nói và ngôn từ. Đạo Phật là con đường cổ xưa dẫn lối về nhà. Nó có cảm giác như là vừa nhìn thấy đèn đánh dấu phi đạo sau chặng bay trong thời tiết giông bão.
Là một người trẻ tuổi ngang bướng và ưa chuộng tự do, con phản ứng tự vệ trước hết với những khái niệm gọi là “Giới luật”. Kỷ luật thân và ý nghe như tòa án, cánh sát, luật sư, và nhà tù. Nhưng sự tôn kính điều chân chính và tôn sùng những điều ấy trong từng ý nghĩ, lời nói và hành động sẽ mang đến tự do thực sự. Đó chính là món quà lớn lao mà Phật Pháp dành cho tất cả chúng ta.
Thầy Hằng Triều và con có cảm giác rằng những Đạo Lý Chân Chánh của Phật Pháp là “những đường ranh sâu thẳm” của bản tâm. Chúng ta đều có, bởi vậy Phật Pháp là ngôn ngữ của Tâm. Chúng con gặp một người thổ dân da đỏ Sioux bên bờ biển Stinson, người ấy nói, “Các ông thật tuyệt vời. Thầy tôi là thầy thuốc của thổ dân Rosebud Sioux. Ông nói rằng khi người ta tuyệt vời như vậy, sẽ không bao giờ có rắc rối. Họ lướt qua được mọi hoàn cảnh”.
Phật là ai? Ngài là một chúng sanh trở nên quá “tuyệt vời” trong việc tuân thủ giới luật đến nỗi Ngài biến mất ở bên trong giới luật. Ngài mất đi chính bản thân mình qua việc hoàn thiện phẩm hạnh theo những lời dạy.
Phật Pháp là gì? Là giới luật. Cách sống, đi đứng, nói chuyện và suy nghĩ thế nào khi chúng ta tìm đường trở về Ngôi nhà bản nguyên.
Tăng đoàn là gì? Đó là những người may mắn đã tìm gặp lối mòn xuyên qua cánh rừng dày đặc của sự mê lầm. Những người từ bỏ những gì là giả tạm để bảo vệ những điều chân thật.
Tại sao chúng con lạy? Mười Đại Nguyện của Đức Phổ Hiền Bồ Tát chỉ dạy chúng con làm như vậy. Mười Đại Nguyện Vương của Ngài là cao thâm nhất giữa những giới luật.
Chúng con lạy để lễ kính chư Phật. Chúng con lạy để xưng tán chư Như Lai. Chúng con lạy như thể cúng dường tới chư Phật và tới tất cả chúng sinh. Chúng con sám hối về việc chúng con đã phá giới luật suốt thời gian trong quá khứ. Còn có sáu nguyện nữa.
Chúng con lạy Vua của các Vua của tất cả những sách về giới luật, là Kinh Hoa Nghiêm. Kinh này là bản đồ của vũ trụ. Là bản vẽ của bản tâm. Giống như cô Virginia đã nói ở vịnh Morro khi cô ấy nghe về Giới luật: “Ồ! Việc tuân thủ giới luật đã thực sự lấy đi gánh nặng khỏi lưng của các ông, có phải không?”
Đệ tử Quả Chân (Hằng Thật)
Cung kính cúi lạy.
Những Gì Chúng Con Cho Đi Chính Là Bản Thân Mình
Ngày 17 tháng 9 năm 1979
9 dặm trên Boonville
Kính thưa Sư Phụ,
(Khi Bồ Tát bố thí…) không mong đợi phần thưởng, không tìm cầu danh vọng hay tiếng tăm, cũng không ham vì lợi ích…bố thí chỉ để nhiếp thọ chúng sinh.
Tam Bộ Nhất Bái là một bài học trường viễn về bố thí. Chúng con đã được bố thí rất vĩ đại. Chúng con từng có xúc động sâu xa bởi sự bố thí mà chúng con đã từng được chứng kiến và những món quà vô biên mà chúng con nhận được.
Tại sao chư Phật và Bồ Tát rất đỗi hoan hỉ? Bởi vì một phẩm chất căn bản: sự bố thí mà các Ngài có thể làm được. Ngược lại,
Tham lam giết chết
Ham muốn là cái chết
Ích kỷ kết thúc thế giới.
Đây là điều mà chúng con học được trên chuyến hành hương. Vì là những nhà sư hành hương, chúng con nhận ra rất nhiều “những cuộc mạo hiểm có thật” và tất cả những hành vi tốt và xấu mà chúng con chứng kiến, những cảnh tượng lưu lại lâu nhất trong tim chúng con là những hành vi của lòng Từ, Bi, Hỉ, Xả.
Từ: Một sáng chủ nhât, tại Sea Ranch. Một chiếc xe cảnh sát dừng lại, quẹo và bò chầm chậm lại theo đường vòng chừng khoảng 200 thước Anh(182.8 m) phía trước chỗ chiếc xe của chúng con đang đậu. Đột nhiên, một chiếc xe tải nhỏ màu trắng nhấn mạnh ga kêu rít lên rồi chạy đi, người cảnh sát nhanh chóng đuổi. Một vụ phá xe để ăn cắp đồ bị ngăn chặn, hai vị sư rất biết ơn. Một món nợ khác về lòng Từ cần được đáp trả.
Bi: Thành phố Mendocino, nhóm người đang sửa tráng đường. Bụi biến không khí thành súp đậu mỗi khi người quét đường đi qua. Chúng con không thể thở được. Bụi làm vẩn đục cả ánh nắng. Rồi một chiếc xe ủi đất lớn chạy dây xích dừng lại. Người lái xe nói với thầy Hằng Triều, “Tôi muốn xin lỗi về tất cả những bụi bẩn và tiếng ồn mà chúng tôi đã gây ra. Tôi ghét làm phiền bất kỳ ai khi đang thực hiện nghi lễ tâm linh. Các ông có định ở đây lâu không? Chúng tôi sẽ làm việc và tạo rất nhiều bụi”. Thầy Hằng Triều đưa cho người ấy một bản thông cáo. Khi người ấy cầm, liền nói, “ Các ông đến từ một nơi ngoài Ukiah à? Tôi hy vọng được thăm viếngnơi đó vào một ngày nào đó. Hẹn gặp lại ông sau. Chúa ban phước lành cho các ông”. Và sau đó, những người quét đường nhấc chổi lên khi chạy ngang qua chỗ lạy.
Hỉ: Buổi sáng sương mù ở Gualala. Một chiếc xe tải trắng lớn đi qua, chầm chậm, dừng lại. Một người đàn ông, cao, có râu đi đôi giày lao động cao ốngnặng nề tới gần. Khuôn mặt rạng ngời. Người ấy đang hạnh phúc hay đang khóc? Ông ấy cúi lạy một cách từ từ, hai tay cầm một quả tao đưa lên quá đầu. Vui vẻ. Người ấy đứng lên, đưa quả táo cho nhà sư, rồi chắp hai tay lại và nói, “Cảm ơn các ông, người anh em”. Người ấy quay đi và biến mất trong sương mù.
Xả: Ngày Lễ Lao Động năm 1977. Các tăng, ni, và cư sĩ thức dậy lúc 3 giờ sáng và lái xe trong bẩy tiếng đồng hồ tới Santa Barbara, đến vừa đúng lúc để mang thức ăn, đồ dùng, và niềm vui nồng ấm cho chúng con. Những luồng năng lượng trắng thuần khiết, dương tính và truyền sức sống. Phần thưởng của họ ư? Không phần thưởng. Rồi lái xe trên con đường dài nóng bức trở lại San Francisco trong dòng xe cộ của ngày Lao động. Họ đã ban cho chúng con Phật Pháp, sự phong phú và sự không sợ hãi. Ai cũng vui vẻ. Đây là loại công việc vô ngã mà chư Phật, Bồ Tát thường làm. Nó dạy chúng con cách bố thí.
Cho đi trái cây
Thu hoạch để ban phát
Trên bàn thờ có ba ba trái cây tròn đỏ: quả cà chua màu đỏ thẫm, trái táo đỏ thơm ngon, và trái quýt đỏ tươi. Những người ở vùng Point Arena mang chúng đến. Họ cúng dường những sản vật từ vườn nhà mình với niềm vui thích. Mỗi lần, trong sự bố thí đều có sự va chạm thật kỳ diệu. “Những thứ này là thành quả lao động của chúng tôi trên mảnh đất này. Tôi muốn chia sẻ trái cây từ sự lao động của tôi với các ông, bởi vì tôi tin tưởng vào những gì các ông làm”.
Con đường hồi hướng của Bồ Tát thực hiện được một loại bố thí hiếm hoi. Tặng phẩm đó là lòng tốt thuần khiết, những phúc lành dương khí, là công đức. Kinh gọi tặng phẩm đó là “thiện căn”. Tất cả chư Phật hồi hướng những thiện căn này như là nền tảng căn bản cho việc tu hành.
Những gì chúng con cho đi khi tu hành là bản thân mình. Bởi bản ngã của con to lớn như quả núi Tu Di, nên con có rất nhiều để cho đi. Cúng dường Phật, bố thí cho tất cả chúng sinh, xả bỏ lợi ích cá nhân, xa lìa xấu ác – tất cả được gói trọn trong việc tu hạnh bố thí.
Nhưng thành quả của công việc này thì không bao giờ được thu hoạch. Chư Bồ Tát hiện thân chỉ để làm việc. Ngài không bao giờ ngừng nghỉ và không mong cầu các phần thưởng. Niềm vui thích duy nhất của Ngài có được là sự tăng trưởng dần dần hiệu quả của mình (đem lại lợi ích cho chúng sinh). Càng tiến bộ về việc bố thí, Ngài càng được làm nhiều hơn. Đức Quán Thế Âm Bồ Tát ban tặng niềm vui thích từ ngàn tay ngàn mắt. Niềm hoan hỷ của Ngài khi bố thí cũng giống như niềm vui của những người làm vườn ở Point Arena, chỉ khác là nhân lên gấp bội. Bồ Tát Di Lặc là vị “Bồ Tát vui vẻ” bởi vì cái túi lớn của Ngài lúc nào cũng chứa đầy quà cho tất cả chúng sinh. Trẻ con vây quanh Ngài cả bầy. Niềm hoan hỷ của Ngài lúc nào cũng tròn đầy như cái bụng của Ngài vậy
Ngay cả cái nguyện ngộ được Phật qủa cũng là sự thu hoạch để ban phát, không phải để nắm bắt hay sở hữu cho riêng mình
Đôi khi, việc từ bỏ những chấp trước với bản thân dường như thật cay đắng và khó mà chịu đựng được. Chỉ một niệm hồi hướng khiến cho nó nhẹ nhàng và vui sướng. Những hạt giống thuần khiết được gieo trồng trong những ruộng phước lành của Phật địa, được nuôi dưỡng bởi những công việc chăm chỉ, vô ngã, sẽ cho ra một vụ mùa phong phú để chia sẻ với toàn thế giới.
“Tôi mong các bạn hành hương sẽ thưởng thức được sản vật này. Nó sản sanh từ vườn của chúng tôi” (câu viết bên trái túi đựng rau củ trên xe của chúng con)
Đệ tử Quả Chân (Hằng Thật)
Cung kính cúi lạy.
Trong Tu Hành, Mọi Việc Là Tự Nguyện
Ngày 27 tháng 9 1979
Trên rặng núi, 15 dặm về phía tây Ukiah
Sư phụ từ giám,
Sau đây là một vài phản ánh sau vài ngày lễ lạy.
Thứ năm, ngày 20 tháng 9 năm 1979.
Chúng con rời khỏi rặng núi tĩnh lặng, vắng vẻ và đi vào vùng thành phố Boonville. Cạo tóc và ăn trưa dưới những cây tùng bách đỏ (reedwood) mát mẽ trong một công viên quận hạt nhỏ bên ngoài thành phố. Vài ngày cuối vứa qua chúng con lạy trên đường dốc xuống. Cần phải có một chút thực tập để tránh khỏi bị trượt xuống dốc lúc trong tư thế lạy xuống. Y và áo chúng con bị vướng gót chân thỉnh thoảng làm chúng con vấp ngã.
Thực sự hạnh phúc. Con không hiểu tại sao. Con không muốn một cái gì cả. Chỉ muốn mọi người được hạnh phúc. Đến cuối ngày, mọi lưu thông xe cộ ngừng hẳn và rất tĩnh lặng. Khi chúng con đi qua dưới cây sồi, tiếng động duy nhất chỉ là tiếng lá rơi. Mỗi một chiếc lá đều khác nhau và giờ đây chúng đều vui vẽ quay trở về một. Mặc dù tất cả những dị biệt, con người chúng ta đều giống nhau. Con nhận thấy mình chìm miên man trong những tầng lớp chân lýt và trí huệ của những lời nói đơn giản này:
Lạ thay, lạ thay, lạ thay. Tất cả chúng sinh đều có Phật tính và đều có thể trở thành Phật. Chỉ vì vọng tưởng và bám chấp mà không thành tựu được đạo quả.
-Đức Thích Ca Mâu Ni Phật.
Trong hơn hai năm lễ lạy, có hai điều nổi bật rõ ràng: Trong tâm, tất cả chúng ta đều như nhau, và ai cũng muốn tu hành. Có thể thấy điều này trên những khuôn mặt và phản ứng của tất cả mọi người chúng con gặp trên cuộc hành trình này. Vài người nói thành lời. Vài người khác không thể tìm được ngôn từ, nhưng tìm cách khác để tỏ bày…như gia đình nông dân nọ đưa rau tươi và nước mát qua hàng rào sân trước trong một ngày mùa hè nóng nực và nói lời đơn giản “cảm ơn”; hay những bông hoa và hương nhang đặt ở bên đường với tờ giấy nhắn kèm theo, “Tất cả chúng tôi luôn bên các ông”; hay như cái bản đồ và một túi đựng trái cây đặt trên xe vào cuối ngày; hay như đứa trẻ nhỏ cúng dường số tiền được cho; hay một nụ cười lớn và cái vẫy tay từ người lái xe tải đốn gỗ chạy ngang qua. Hay như trong đoạn đối thoại này với một phóng viên trên đường Mt. View:
Phóng viên: “Tôi không biết, có thể tôi sẽ là người may mắn rất nhiều nếu tôi từ bỏ nhà, xe, vợ và con cái; nếu tôi chỉ cần nói lời từ giã công việc, tiền bạc và tất cả…nhưng…”
Sư: “Ông không cần phải làm thế để trở thành một Phật tử. Chỉ cần làm tốt dù ông ở đâu. Nếu ông là một người cha và một người chồng, hãy là người cha và người chồng thật tốt. Ông không cần phải trở thành vị tăng hay vị ni sư. Bất kỳ ai và bất kỳ nơi nào cũng có thể tu hành”
Phóng viên: “Đó là điều tốt đẹp để biết đến. Vây là tôi vẫn có thể tu hành như tôi hiện giờ ?”
Sư: “Phải, tất nhiên rồi. Trong tu hành, mọi việc là tự nguyện…”
Phóng viên: “Nhưng nếu không tuân giữ quy cũ – ông biết đấy, bằng cách giữ gìn giới luật – thì không thực sự trở thành Phật tử được, đúng không? Ý tôi là, trọng tâm là gì nếu không thực sự muốn thực hành? Bạn cũng chỉ giống như rất nhiều người sùng tín tôn giáo khác, nói một đằng nhưng làm một nẻo…ví dụ như sát sanh. Đạo Phật thì khác biệt, tôi cảm thấy vậy. Tôi muốn nói, các ông có cái rất độc đáo chính là cái mà các ông thật sự đi và làm điều đó. Cái đó hiếm có”. Chúng con đi trong yên lặng một lúc. Rồi anh ta nói, “Ông biết đấy, tôi càng suy nghĩ lâu về nó, tôi càng nhận thấy nhiều hơn rằng ông có cái gì đó, với đạo Phật. Nó rất là có ý nghĩa nếu mình dừng lại và nhìn vào nó. Nhưng nó không phải là công việc vô cùng vất vả phải không?”
Sư: “Là không nếu như ông tuân theo quy củ và nhất tâm chân thành. Thì lúc đó sẽ dễ dàng. Làm điều mà ông không thực sự muốn làm thì mới vô cùng khó khăn”.
Phóng viên: “Có thể thế. Thỉnh thoảng, khi tôi thực sự bị lôi cuốn vào việc viết bàivà nhiếp ảnh…cuốn hút vào một câu chuyện hay, tôi có thể làm hàng giờ không nghỉ mà không bao giờ để ý. Nó không còn là công việc mà trở thành giống như là, tôi không biết nữa, như không phải là công việc vậy… Thế đấy, dù sao, tôi thích chạy tập thể dục và chấm dứt việc ăn thịt một cách tự nhiên. Không nhớ đến thịt và cảm thấy tốt hơn rất nhiều ở mọi mặt. Tôi đã dùng cơm chay một lần cách đây năm năm – thật ra, chính là tại tu viện của các ông, ở San Francisco đấy, tôi tin thế. Bử ăn rất ngon! Các nhà khoa học nghiên cứu đã tìm thấy giờ đây các tác nhân gây ung thư có ngay cả trong thịt nai”.
Anh ta quan sát việc lễ lạy một lúc. Anh ta muốn ở lại và tu hành. Anh ta yêu cầu được xem kinh Hoa Nghiêm và muốn biết Kinh nói về điều gì.
“Kinh nói về những điều gì vậy, và liệu tôi có thể xem và chạm vào nó được không? Có được phép không?” Anh ta hỏi một cách cung kính. Có thể, anh ta đã nhận thấy chính mình đang tu hành trên xa lộ và sử dụng khả năng báo chí của mình để viếc những bài thấm đẫm Kinh Hoa Nghiêm cho sự hướng thiện của con người, những bài viết xuất phát từ trái tim của anh ta chứ không phải từ áp lực về thời hạn hay tiền lương.
Chúng con đã gặp rất nhiều người như anh ta, những người có cùng ước muốn và gần như muốn nổ tung lên với sự thúc giục để “buông bỏ tất cả xuống và thực sự ra đi và làm điều đó”. Cảm giác họ như là những người trong cùng một nhà. Chúng con mong rằng, mong ước của tất cả họ sẽ thành hiện thực.
Ðại Bồ Tát xem tất cả chúng sanh ở thế gian như con một của mình, muốn cho họ đều được thân thanh tịnh trang nghiêm, thành tựu sự an lạc tối thượng ở thế gian và sự vui trí huệ của Phật, an trụ Phật pháp lợi ích chúng sanh. (1)
-Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm thập Hồi Hướng.
Anh phóng viên tháo kính mát và đưa tay ra nắm chặt. “Hôm nay, tôi thực sự bị thuyết phục bởi điều gì đó, nhưng tôi không thể diễn đạt chính xác là cái gì. Các ông rất có chuẩn mực, đáng tin tưởng. Hãy giữ gìn, chúc hành trình tốt đẹp”.
An bình trong Đạo
Đệ tử Quả Đình. (Hằng Triều)
Cung kính cúi lạy.
***
Tánh định ma hàng tối tối vui
Vọng niệm không khởi chốn chốn an
Tâm dừng niệm bặt, giàu sang thật.Tư dục đoạn sạch, đúng phước điền. (2)
–Hòa thượng Tuyên Hóa
Ghi chú của ban Phiên Dịch Việt Ngữ:
(1) Kinh Hoa NGhiêm – Phẩm Thập Hồi Hướng http://www.dharmasite.net/KinhHoaNghiem25-ThapHoiHuong.htm
(2) Nguyên văn Hoa ngữ:
性定魔伏朝朝樂
妄念不起處處安;
心止念絕真富貴,
私欲斷盡真福田
Tánh định ma phục triêu triêu lạc
Vọng niệm bất khởi xứ xứ an
Tâm chỉ niệm tuyệt, chân phú quý,Tư dục đoạn tận, chân phước điền.
Cách Nhà 13 Dặm
Ngày 28 tháng 9 năm 1979
Cột mốc 7.97, đường Booneville
Kính thưa Sư Phụ,
Chúng con cách nhà 13 dặm. Những quang cảnh và kinh nghiệm của hai năm rưỡi trước đây đang quay tròn trong tâm trí con giống như những chiếc lá trong gió. Con đã có thay đổi chăng? Con đã học được điều gì? Vâng, con đã thay đổi. Không, con chưa thực sự thay đổi, mà con vẫn như trước đây hơn bao giờ hết. Điều này là thế nào?
Sự thay đổi lớn nhất trong con đến từ việc học cách tôn trọng và tuân thủ giới luật. Nó được gọi là “Y giáo phụng hành – cung kính hành xử theo giáo Pháp”. Bất kỳ lúc nào con đặt trọn tâm mình theo giới luật chân chính và những lời dạy của Sư phụ, thì con thay đổi. Khi nào con làm theo quan điểm của riêng mình hay phá phạm giới luật, thì con ngã nhào xuống đường giống như chiếc xe dưới mương. Phật pháp mà con vừa tiếp thụ được trụ vững và thuần khiết trong tâm trí con, giữa tất cả những vọng tưởng vụn vặt và thói quen xấu. Đạo lý chân chánh hướng dẫn những bước đi của chúng con xuyên qua những lối đi nhỏ của tâm trí, tương tự như bảng chỉ dẫn trên xa lộ cảnh giác người lái xe. “Đường gồ ghề”, “Đá lở”, “Đường trơn trợt khi trời ẩm ướt hay giá rét”.
Bồ Tát này nếu thấy những nghiệp nào bị Ðức Như Lai quở trách, bị phiền não nhiễm ô thời đều xa lìa. Thấy những nghiệp nào được Ðức Như Lai khen ngợi, thuận đạo Bồ Tát, thời đều tu hành.
-Hoa Nghiêm Kinh. Phẩm thứ 26: Thập Địa – Đệ tứ Diệm Huệ Địa
Đạo lý: “Không bám chấp vào cảnh giới. Không có điều gì tốt đẹp trong tam giới cả. Đau khổ và hạnh phúc đều không tồn tại”
Cảnh giới: Khởi sanh lòng tham lam và si mê.
Chúng con đang ngồi thiền trong xe sau khi mặt trời lặn, đậu dưới cây tùng bách trên đỉnh một ngọn núi hoang vắng. Có năm phút để thiền trước khi buổi kinh tối bắt đầu. Vì con đã gục đầu và ngủ gà gật trong lúc thiền, Con chưa hoàn toàn “làm tan chảy” được năng lượng trong cơ thể con, vẫn còn có rất nhiều lửa đang lưu chuyển khi con ngồi. Chỉ vài phút nữa thôi thì sẽ được. Ô, có chuông. Quá muộn rồi. Tiếc quá! Giờ thì con không thể ngủ đến khi con làm tan chảy hết năng lương sau khi tụng kinh xong. Con đã phải ngồi với đôi chân như bị đốt cháy suốt qua các khóa lễ. Con chắc chắn sẽ sôi trào ra. Thầy Hằng Triều đã gây cho con rất nhiều điều bực bội. Đó là lỗi của thầy ấy!
Lỗi lầm: Nóng giận và phá phạm giới luật.
Vì con bám chấp vào những suy nghĩ tham lam về cảnh giới của thânthể, con đã nóng giận. Trong suốt buổi giảng kinh, mặc dù con nguyện tịnh khẩu, nhưng con xả hơi nóng vào thầy Hằng Triều, chỉ trích thầy và nói những lời nặng nề.
Quả báo:
Ngay khi những lời giận dữ vừa thốt ra từ miệng con, con cảm thấy tất cả những vị Hộ pháp nhanh chóng rời bỏ đi. Thầy Hằng Triều nói ánh sáng trong con lụi tàn đi giống như ngọn nến. Con cảm thấy lạnh và tê buốt. Suốt đêm, con nằm mơ về ma quỉ đánh cắp đi năng lượng của con. Con tỉnh dậy thấy kiệt sức và không vui.
Tại sao? Nói nặng lời là một trong Thập Ác. Tham lam cũng vậy. Sân hận cũng vậy. Ngu si cũng vậy (tà kiến).
Một niệm chấp vào cảnh giới vui sướng trong quá trình thiền định đã phá giới luật và dẫn đến một chuỗi ảo tưởng, nghiệp mê lầm và quả báo. Nếu con buông xả cảnh giới ấy, tuân theo sự chỉ dẫn, và cố nhẫn nại với thân thể của con, thì mọi việc sẽ tốt đẹp.
Con phải hồi quang và tự nhận ra những lỗi lầm của mình. Con đã ngủ trong khi đáng lẽ phải ngồi thiền để rồi cố gắng che đậy lỗi lầm và thay đổi lịch trình.
Nếu con thừa nhận lỗi lầm của mình, con đã có thể ở ngay Trung Đạo. Con lại đi hành xử như một chúng sanh rồi trở nên sân hận. Bồ tát thực hành lòng từ và nhân đạo. Họ không đổ lỗi cho người khác.
Nhan Uyên hỏi đức Khổng Tử rằng, “Nhân có nghĩa là gì?”
Đức Khổng tử trả lời, “Kìm chế bản thân và trở lại với phép tắc (Khắc kỷ phục Lễ)”.
Hôm thứ ba, chúng con thấy một cái thẻ trên cửa xe. Thoạt nhìn, nó là cái thẻ tín dụng Mastercard. Nhưng đó là cái quảng cáo của nhóm tín hữu Tin Lành được làm giống như là cái thẻ tín dụng quen thuộc màu da cam và vàng. Trên đó ghi, “Hãy để chúa Giê Su cứu rỗi bạn”. Chúng con nghĩ rằng đây cũng là một ý tưởng hay, miễn là chúa Giê Su đại diện cho những nguyên lý phổ quát như Từ, Bi, Hỷ, Xả.
Nhưng nương tựa vào bất kỳ một cá nhân nào cũng vẫn là bám chấp. Đức Phật dạy hãy hoàn toàn dựa vào bản thân mình . Ngài A Nan hỏi đức Phật rằng, “Khi Thế Tôn nhập Niết Bàn, chúng con sẽ tôn ai làm thầy?”
Đức Phật trả lời, “Hãy lấy giới luật làm thầy”.
Nói cách khác, không dựa vào người khác, tuân thủ giới luật. Đây là con đường dẫn tới tự do tuyệt đối. Vậy giới luật là gì? Đơn giản là Phật Pháp.
Trên hết tất cả là niềm tin. Tiếp theo là bố thí. Tiếp đến là đạo đức. Kiên nhẫn, tinh tấn, thiền định và trí tuệ đều là giới luật Phật Pháp.
Về lòng tin và sự bố thí, hai tuần trước đây, khi chúng con trèo lên một mỏm núi bên bờ biển phía Đông trên đường hướng về Vạn Phật Thánh Thành, trời rất nóng. Không khí dày đặc khói từ những đám cháy rừng, và con đường làm bỏng rát tay , đầu gối và trán của chúng con. Chúng con dùng khăn quấn làm thành mũ chống nắng và vừa lạy vừa suy nghĩ những ý nghĩ mát mẻ về niềm tin và sự buông xả.
Đức Địa Tạng Bồ Tát luôn sống trong Địa ngục! Chúng con đã không phải quá cực nhọc như vậy. Ngài nguyện ở trong Địa ngục cho đến khi tất cả những sinh linh sống trong đó đều được giải thoát. Đó mới thực sự là sự bố thí. Quán tưởng đến đức Địa Tạng đã giữ cho chúng con vững bước. Ngài đã cho chúng con lòng tin và sức mạnh. Con nhớ lại câu chuyện của ông Desert Pete trong bài hát xưa Kingston Trio. Ông Desert Pete có một cái giếng nước cho những người du hành khát nước trên sa mạc. Cạnh giếng có một chai nước và một ghi chú viết, “Đừng uống nước trong chai, sử dụng nó để mồi máy bơm. Có rất nhiều nước ở phía dưới, nhưng cái bơm sẽ không hoạt động trừ khi nó được mồi. Hãy kiên nhẫn, anh bạn, và bạn sẽ được phần thưởng”.
Đoạn điệp khúc tiếp:
Bạn phải mồi máy bơm, bạn phải có niềm tin và tin tưởng. Bạn phải tự ra sức trước khi bạn xứng đáng được hưởng. Hãy uống bao nhiêu nước bạn có thể uống, rửa mặt, làm mát chân, để lại chai đầy nước cho những người khác.
Cảm ơn lòng tốt của bạn. Desert Pete.
Ông Desert Pete hiểu được đạo lý của sự bố thí “Khi bạn cho đi một phần, bạn sẽ nhận được lại mười ngàn phần”. Và ông ta đã dạy và chuyển hoá rất nhiều khách du hành khát nước theo cách này. Mỗi lần chúng con phụng hành trong niềm tin tưởng theo đạo lý, thì chúng con nhận lại được mười ngàn phần. Điều này không bao giờ sai cả.
Mùa thu đến rồi. Bay giờ đang có hội chợ của quận hạt và trên đường đầy những bộ mặt vui vẻ . Đây là một năm thu hoạch dồi dào. Phật Pháp đã đến phương Tây. Nước Mỹ có một thành phố mới của ánh sáng và thiện lành. Tâm chúng con ngập tràn lòng biết ơn.
Đệ tử Quả Chân (Hằng Thật)
Cung kính cúi lạy.
Con Có Thể Đi Trên Con Đường Của Thiên Đường
Ngày 14 tháng 10 năm 1979
Ukiah
Kính thưa Sư Phụ,
Thầy Hằng Triều và con nói chuyện với nhau về việc chúng con muốn làm gì khi tới Vạn Phật Thánh Thành và quyết định vẫn tiếp tục lạy. Việc của chúng con chưa xong và lễ lạy rất phù hợp với tự tánh của chúng con, nhưng chúng con không biết là Sư phụ sẽ cho phép chúng con tiếp tục hay không.
“Thầy Hằng Thật!”, thầy Hằng Triều gọi. Con quay đầu lại và Sư phụ đã đứng ở đó, trên lề đường trong bộ y màu vàng sáng rực. Đúng như vậy, trên đường State ở thành phố Ukiah, vào buổi trưa thứ Bảy bên ngoài một nhà trọ.
“Khi các con lạy đến Vạn Phật Thánh Thành, nếu các con muốn, các con có thể lạy dọc theo những con đường. Không hẳn là phải lạy thẳng vào trong Vạn Phật Điện và hành trình của các con kết thúc và như thế là xong. Lạy vòng quanh Phật Điện nếu chúng con muốn”, Ngài nói.
“Điều này rất phù hợp với mong ước của chúng con!”, con trả lời. Quả là một cơ hội để thực hiện công việc bên trong của Tam Bộ Nhất Bái, sự chuyên chú và nhất tâm lễ lạy Vạn Phật mà không có những cái chai bia vỡ! Không xe tải chở thân cây dài, không có kẻ bắt nạt, không có những con đường hẹp, không cây sồi độc, những chiếc mô tô lao vút, quán bar và những người say rượu, sườn núi, cạo đầu với nước lạnh, trở ngại vì thời tiết, chân mỏi nhừ cảm thấy như cao su và hai bàn tay chai dày như da thú vật (1), v.v…Chúng con có cơ hội được lạy trên Thiên đường.
Vào ngày 1 tháng 8, ở Sea Ranch, Sư Phụ bảo rằng, “Có một con đường ở trên Thiên đường, nhưng trước hết, con cần phải hoàn thành con đường ở đây trên mặt đất cái đã. Khi con đã đi hết con đường đó rồi, thì con có thể đi trên con đường của Thiên đường”.
Con tưởng Sư Phụ đang nói ẩn dụ theo cái nghĩa là “Khi làm con người hoàn hảo, thì Phật Đạo tự hoàn thành” (2). Con đã không đoán được rằng thực sự có một con đường trên Thiên đường cho chúng con lạy trên đó!
Vài người cảm thấy rằng tu hành là sự cay đắng và đau khổ. Thầy Hằng Triều và con đã cảm nhận điều ngược lại. Tu hành mang đến cho chúng con hạnh phúc nhiều hơn chúng con tưởng, Kinh dạy rằng,
Tất cả hạnh phúc thế gian, không có gì là không khổ đau.
-Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm thứ 26: Thập Hồi Hướng.
Chúng con học được qua hành trình Tam bộ nhất bái để xem như là điều đương nhiên việc hàng ngày phải đối phó để cố gắng sống một cuộc sống quán niệm bên những xa lộ của Califonia. Ngày hôm qua, Sư Phụ chấp thuận sự mong ước của chúng con được tu hành Phật pháp tại một nơi thanh tịnh, một Thành phố Đạo tràng trang nghiêm! Một cơ hội để tập trung tâm trí với tất cả những “bụi – mệt mỏi” được giũ sạch, một cơ hội để nhất tâm lễ lạy trên Thiên đường.
Như thầy Hằng Triều nói rằng,” Ở căn cứ không quân Pt. Mugu, họ không cho chúng ta lạy quanh chỗ trưng bày hoả tiễn của họ. (Bên cạnh cổng của căn cứ đó gần Los Ageles, có một công viên tưởng niệm bên đường với một khu rừng nhỏ chứa đầy đủ loại những hoả tiễn chiến thuật với kích thước thật được trưng bày. Một buổi sáng, chúng con lạy vòng quanh chỗ đó cho đến khi những người Cảnh sát Quân đội đuổi chúng con đi). Nhưng bây giờ chúng con có thể lạy quanh chư Phật bao nhiêu tùy thích”. Thật tuyệt vời làm sao!
Đệ tử Quả Chân (Hằng Thật)
Cung kính cúi lạy.
“Đạt đến chỗ không truy cầu, thì không có phiền não” (3)
P.S: Khi con đọc lại thư của mình. Con cảm thấy thực sự xấu hổ. Sự ích kỷ của con không thay đổi nhiều lắm kể từ khi hành trình bắt đầu. Con đã mong đợi điều gì khi đi ra ngoài lạy trên con đường chính công cộng – các thảm đỏ? Ngay khi có cơ hội đầu tiên để trốn thoát khỏi thế gian, con liền nắm chụp lấy nó. Không một giây suy nghĩ về sự khổ đau của tất cả những chúng sanh chưa bao giờ được nghe đến Vạn Phật Thánh Thành, con nhảy lên vì sung sướng với viễn tưởng lìa bỏ thế giới này. Đây không phải là Bồ Tát đạo.
Một ví dụ khác: Con tham lam Phật quả. Điều đó giống như bất kỳ ai trên thế gian truy tìm lợi ích cá nhân. Tâm con đóng cửa đối với Xả, Từ, và Bi, tất cả xuất phát từ lòng tham lam ích kỷ cá nhân của con. Con đã không vui. Thầy Hằng Triều cố gắng hết sức làm thư giãn tâm trí con. Thầy ấy nhắc con về Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát – những phương tiện thiện xảo vô thượng cho việc ban vui và lìa khổ. Thầy ấy nói, “Hãy làm mưa hoa sen, đừng bắn ra những viên đạn”.
Sau đó con nhìn thấy cách con tu các hình tướng Đại Bi như thế nào, nhưng tâm bố thí vô ngã thí vẫn không thực sự sống dậy ở bên trong. Con thực sự xấu hổ. Nếu con không thể tập trung được ở ngoài này, thì làm sao ở trên các con đường của Vạn Phật Thánh Thành có sự khác biệt được? Nếu con không học được cách quên đi bản thân mình ở giữa sự khổ đau của Ta Bà thế giới, thì một kỳ nghỉ trên Thiên đường chắc chắn sẽ chỉ làm bổ sung thêm cho tính ích kỷ của con mà thôi. Đó là điều mà lá thư của con phản ảnh: Con vẫn có những suy nghĩ ruồng bỏ thế giới này.
Bài học lớn ngày hôm qua là: Bồ Tát thực hành lòng từ bi ở mọi nơi.
Hiển thị tùy chủng loại,
Biển hiện thành các thần,
Đồng sự lợi hành,
Nhiếp chúng hữu duyên
Quên mình vì người, thật vô ngã.
Nguyện khắp chúng sinh thành Thánh Hiền.
Mặc dù con đã đến được chân núi của Diệu Giác Sơn, nhưng con vẫn còn phải đi một chặng đường dài nữa trước khi đến được Vạn Phật Thánh Thành chân thực.
Đệ tử Quả Chân (Hằng Thật)
Cung kính cúi lạy.
Ghi chú:
(1) Nguyên văn Anh ngữ: rubber-legs and leather-palms. Đối với những hành giả lễ lạy lâu dài, chân có giai đoạn mỏi nhừ mất cảm giác và cảm thấy như làm bằng cao su, không cảm giác liên hệ với thân mình. Hai bàn tay do lễ lạy tiếp xúc với đá, sỏi, mặt đường nóng bỏng … nên nứt nẻ, sau đó chai cứng và da dày ra như da thú vật.
(2) Nhân đạo tận, Phật Đạo thành 人道盡,佛道成. Xin xem thêm http://www.drbachinese.org/vbs/publish/405/vbs405p018.htm
(3) Đáo vô cầu xứ tiện vô ưu. 到無求處便無憂 . Xin xem thêm http://www.dharmasite.net/PhapMonTamDia.htm
Lễ Lạy Là Để Từ Bỏ Tánh Ích Kỷ
Ngày 14 tháng 10 năm 1979,
Ukiah, California
Kính thưa Sư Phụ,
Có một bầu không khí Từ Bi bao quanh Hòa Thượng Trụ Trì. Sau mỗi lần ghé thăm bên vệ đường, một chút không khí ấy được rải lên chúng con. Sau mỗi lần ghé thăm, con sâu sắc nhận biết rằng mình đang được chứng kiến sự cảm thông thật sự, và con luôn luôn cảm thấy xấu hổ về sự gay gắt và cố gắng của bản thân mình. Hôm qua, Sư phụ ghé thăm và dù chỉ qua vài lời nói, nhưng con đã học được rất nhiều.
Con nhìn Sư phụ đặt tay lên đầu thầy Hằng Thật và xoa dịu tâm trí lo lắng của thầy ấy ở bên ngoài một ngôi nhà trọ nhỏ bên rìa thành phố. Con đã nhận thấy lòng Từ bi. Khi con đứng và quan sát, con bắt đầu nhận ra mình đã khắc nghiệt và vô tình như thế nào đối với người mà con đã nguyện bảo vệ và chăm sóc trong chuyến hành trình này.
Ai cũng muốn thành Phật. Mọi người đều đau khổ. Vị Bồ Tát Quán Sát Âm Thanh của Thế Gian giúp mọi người chấm dứt khổ đau và trở thành Phật. Bằng cách nào? Lòng Cảm thương, Đại Bi. Tâm từ bi của đức Quán Thế Âm Bồ Tát thật tròn đầy và phong phú, ngàn tay ngàn mắt được nở ra từ tâm này để cứu giúp và bảo hộ cho chúng sinh khắp nơi.
Chúng con nghe thấy rất nhiều những âm thanh của Thế gian trong hơn hai năm rưỡi qua. Và bởi vì lòng Tham, Sân và Si nên thậm chí những âm thanh dường như hạnh phúc che dấu những âm thanh của khổ đau. Chúng sinh bất hiếu và làm tổn thương lẫn nhau, thường không hiểu biết, và vì thế những âm thanh khổ đau có ở khắp mọi nơi. Chúng con nghe thấy những âm thanh khổ đau trong những tiếng la hét giận dữ, trong những chai bia và rượu rỗng không, trong những phát súng của thợ săn, trong những tiếng còi của giờ cao điểm, tiếng rít bánh xe của chiếc xe tải nhỏ, tiếng khóc của đứa trẻ, tiếng cười của đám tiệc rượu, tiếng còi báo động ngang qua, mùi của chiếc bánh kẹp thịt (hamburgers) từ tiệm lái xe mua thức ăn(Drive-in), con cừu lạc đàn, ngôi nhà dưỡng lão, trận đấu bóng bầu dục (football), trong tiếng gầm rú của xe mô tô, và cứ liên miên thế. Chúng con mãi mãi xa cách những người mình yêu mến và không bao giờ có thể tránh xa được những người mà chúng con không thích. Không ai có được điều mình truy cầu. Và các điều khổ cũng vậy. Sinh, lão, bệnh, tử và “các uẩn đang bừng cháy”. Tất cả đều là khổ đau. Con chưa bao giờ nhận thấy điều này thật rõ ràng cho tới cuộc hành trình này.
Tất cả hạnh phúc thế gian, không có gì là không khổ đau.
-Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm Thập Hồi Hướng.
Vậy thì không có hạnh phúc chăng? Có, tu Đạo là hạnh phúc. Nhưng nó trông không giống như hạnh phúc. Vài người nói tu hành có vẻ thật cay đắng và chán ngắt. Thế nhưng, mọi thứ không phải là những gì mà người ta thấy: Tu hành trông có vẻ khổ cực, nhưng nó lại thật ngọt ngào, hạnh phúc thế gian tưởng chừng ngọt ngào, nhưng nó lại thật cay đắng và buồn chán.
Con đã thực sự không từ bi. Âm thanh của thế giới là những tiếng khóc của khổ đau. Lỗi lầm của chúng con chính là những phiền não và khổ đau của mình. Đổ lỗi người khác trong khi che đậy lỗi và những sai quấy của chính mình gây tổn thương cho chính mình. Nó giống như bị bịnh: Người bịnh cần tình thương và chăm sóc, không phải sự hắt hủi và chỉ trích. Lỗi lầm cũng như vậy. Chúng là những âm thanh khổ đau và tiếng khóc của chúng sinh cần được giúp đỡ. Bồ Tát Đại Bi lắng nghe tất cả âm thanh thế gian và chỉ nghe, “Giúp con với! Con muốn thành Phật, nhưng con không tìm ra đường. Con bị tổn thương. Xin hãy giúp con, con cầu xin…” Và trên mọi khuôn mặt, dù thân thiện hay không thân thiện, xinh đẹp hay xấu xí, Bồ Tát chỉ nhìn thấy khuôn mặt của một vị Phật tương lai.
Đây là lý do tại sao con đến tu viện Kim Sơn Thánh Tự và trở thành Phật tử: Con đã rung cảm sâu sắc đến trào nước mắt khi nhìn thấy hình ảnh của Đức Quán Thế Âm Bồ tát trên tấm áp phích (poster) và đọc những lời:
Nghìn mắt thấy tất cả,
Nghìn tai nghe khắp cõi,
Nghìn tay giữ và giúp
Chúng sinh khắp mọi nơi.
Nhưng cũng rất dễ bị lạc trong tính ích kỷ và quên đi tầm nhìn đó. Rất dễ bị kẹt vào sự nhỏ bé của “Ai cũng chỉ vì mình”. Quan sát lòng Từ, Bi của Sư phụ, con nhận ra con lại một lần nữa để cho tâm lượng của mình thu hẹp lại. Đó là lúc con trải hồn mình ra và để nó lấp đầy Pháp giới với lòng Từ, Bi, Hỷ, Xả. Không hai (Vô nhị) có nghĩa là mình cũng như mọi người.
Chư Phật tử! Bồ Tát này tâm tùy nơi đức từ duy nhứt rộng lớn vô lượng, không oán, không đối, không chướng, không não, đến khắp tất cả chỗ, khắp pháp giới hư không giới, khắp tất cả thế gian. An trụ đức bi, hỷ và xả cũng như vậy.
-Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm thứ 26: Thập Địa – Đệ tam Phát Quang Địa.
Ngày 15 tháng 10 năm 1979
Ngay khi con lập quyết tâm để từ bi hơn, chướng ngại phát sinh. Đêm đó, con thấy mình nằm mơ đang bị mắc kẹt trong một cái hang lộng gió và ngột ngạt trong những bám chấp và những mối quan hệ khó chịu. Con không thể thoát ra được. Con quay đi mọi nơi, tham vọng và tính ích kỷ hút chặt con càng lúc càng sâu hơn xuyên qua những đường hầm tối tăm. Con nói, “Bây giờ tôi cần phải lạy cùng với thầy Hằng Thật, không thể chạy đi đâu được. Tôi không thuộc về cái hang động này”.
Cái cảm giác ngột ngạt và nặng nề xưa kia mà con từng rõ biết khi còn là cư sĩ lại đến với con một lần nữa. Con bị ngộp thở trong sự bám chấp và thiếu hiểu biết của chính mình. Con bắt đầu quỵ lụy, “Làm thế nào mà tôi có thể trở lại nơi này lần nữa khi tôi đã được tự do và hạnh phúc cơ chứ? Không, không, tôi không muốn quay trở lại nữa…!” Con hét lên trong giấc mơ.
Ngay sau đó, con bị đánh thức dậy bởi một ông già “điên” bên ngoài xe. Chúng con đang ở trên một con đường vắng gần một xưởng gỗ và một vườn nho đằng sau sân bay. Lúc đó 2 giờ sáng. Người đàn ông nhìn con qua kính xe và lầm bầm nói những lời khùng điên gì đó. Con nói to với ông ấy giọng ngái ngủ, “Cái gì?”. Ông ta khoác một cái áo choàng dài hay cái áo bành tô và mang một cây gậy giúp đi bộ cao quá vai. Ông ấy thơ thẩn bỏ đi khi con nói to. Sau đó, con nhận thấy mình lại sa vào cơn ác mộng cũ và con hét lên trong cơn mộng, “Không, không, cứu tôi…” Con nghe thấy tiếng gõ nhẹ trên cửa xe và thức giấc, nhận ra ông già đang liếc nhìn vào và gõ côm cốp cái gậy lên cửa sổ. Ông ấy nói điều gì ấy giống như, “Phải ra khỏi nơi đây, phải ra khỏi nơi đây. Nhưng tôi không biết làm thế nào để ra khỏi…”
“Suỵt…” Con thì thầm với ông ấy. Giờ mới là 3 giờ sáng.
“Vâng, được rồi, tôi sẽ yên lặng…nhưng làm thế nào mà tôi ra khỏi đây được?” Ông ấy lầm bầm và gõ nhẹ cái gậy lên mặt đất rồi chậm chạp đi trở lại vào trong sương mù. Con không biết ông ấy là ai, nhưng ông ấy đã cứu con hai lần. Vậy thì ông ấy “điên khùng” hay là từ bi?
Lễ lạy là điều tốt nhất và khó khăn nhất mà con từng làm. Tốt nhất, trong đó nó đập tan ngọn núi kiêu hãnh của con, đặt con gần với vị trí mà con thuộc về. Khó khăn nhất, trong đó bản ngã của con muốn trở thành vị Sơn Vương và cưỡng lại việc cúi lạy với tất cả sức mạnh.
Xô ngã núi Tu Di,
Tâm địa liền bằng phẳng
Ghen tị và kiêu mạn.
Rốt ráo biến vô hình
-Hòa Thượng Tuyên Hóa
Những người tu hành không thực sự biết rõ tâm mình sẽ đối mặt với những nghịch lý. Chúng con biết những lời dạy là đúng đắn và tu Đạo là điều đáng làm duy nhất, tuy nhiên, chúng con vẫn cưỡng lại, chống đối những lời chỉ bảo, và luồn lách ra thông qua mọi kẽ hở. Cổng trước tới Thiên đường mở rộng, nhưng chúng con không bước vào. Địa Ngục không cửa, nhưng chúng con tự đào lối đến. Những thói quen xấu từ vô thủy bám dính lấy như cái bóng và ám ảnh chúng con như hồn ma. Mỗi khi chúng con nhượng bộ con ma ấy, chúng con lại ân hận. Cho dù chúng con có bỏ chạy đi đâu, hay bao lâu, chúng con luôn nhận thấy chính mình quay trở lại Phật Pháp giống như trọng lực hút kéo tất cả mọi thứ trở lại trái đất. Truy tìm sự Giác ngộ và đạt tới Phật qủa là bản năng tự nhiên của chúng ta. Nếu con nghĩ về tu hành con có thể bị làm bất động với những suy nghĩ vẩn vơ tiếp theo. Nếu con tuân theo lối đi với con tim và cứ làm, thì nó tuyệt vời không lời nào diễn tả được. Vì thế có câu rằng:
Những gì nói ra được đều là giả;
Những gì thực hành mới là thật..
Khi hành trình kết thúc tại Vạn Phật Thánh Thành, chúng con sẽ tiếp tục lạy. Điều này là ngu si chăng? Mọi người hỏi chúng con, “Các ôngsẽ làm gì khi về đến đó?” Tất cả đều nghĩ chúng con không thể chờ để chấm dứt “việc lễ lạy điên khùng” này và quay trở lại “bình thường”. Nếu chúng con nói với mọi người rằng chúng con sẽ lạy lên xuống và vòng quanh tất cả những con đường của Vạn Phật Thánh Thành, họ có thể phản ứng như một người đã nói thế này: “Ông mất trí rồi! Hoàn toàn là những kẻ kỳ dị ngu ngốc. Nó có ý nghĩa gì?!” Một cậu thanh niên dừng xe lại sau khi muốn ủi chúng con ra khỏi đường đang lạy và hét lên, “Áaaa, đồ quái dị! Tôi không thể chịu được!”. Sau đó cậu ta quay trở lại, dịu xuống rồi nói, “Ban đầu, tôi nghĩ các ông kỳ dị, nhưng điều này có cái gì đó, ông biết không? Ý tôi là, bản thân tôi sẽ không bao giờ làm thế, suy nghĩ xem, nhưng tôi ngưỡng mộ sự cống hiến của các ông. Điều này đòi hỏi có khí phách, hay cái gì đó”, cậu ta bắt tay rồi lặng lẽ lái xe đi.
Toàn bộ ý nghĩa thiết yếu của việc lễ lạy là để từ bỏ sự ích kỷ. Mọi thảm họa, thiên tai và khổ đau trên thế gian này xuất phát từ lòng ích kỷ. Để chân thành giúp thế gian, trước tiên, bản ngã phải chết đi một ít. Lễ lạy là một cơ hội tuyệt vời để chết đi. Nếu chúng ta chân thành, chúng ta có thể lễ lạy tới điểm biến mất.
Núi cùng nước tận ngờ hết lối, Qua liễu thấy hoa lại gặp làng (*)
An bình trong Đạo,
Đệ tử Quả Đình (Hằng Triều)
Cung kính cúi lạy.
****
Bồ Tát này lại nghĩ rằng: trong tất cả chúng sanh, tôi sẽ là thượng thủ, là thắng, là thù thắng, là diệu, là vi diệu, là thượng là vô thượng, nhẫn đến là bực y chỉ của nhứt thiết chủng trí .
-Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm thứ 26: Thập địa – Đệ tứ Diệm Huệ Địa.
Chú thích:
(*) Sơn cùng thuỷ tận nghi vô lộ, liễu ám hoa minh hựu nhất thôn 山窮水盡疑無路 柳暗花明又一村 Trong Thiền tông Phật Giáo dùng với ý nghĩa “khi sơn cùng thủy tận, không còn đường nào để đi thì chính chỗ chuyển thân quay mình đó sẽ khai ngộ.”.
Ghi Chú của Ban Biên Tập
Vào sáng ngày 17 tháng 10, 1979, Thầy Hằng Thật và Thầy Hằng Triều lạy vào cổng Vạn Phật Thánh Thành, được Hòa Thượng và đại chúng chào đón. Hai Thầy tiếp tục lễ lạy Tam Bộ Nhất Bái thêm hai năm trên các con đường trong khuôn viên Vạn Phật Thánh Thành. Sau đó hai Thầy về lại Chủa Kim Luân Thánh Tự, nơi hai Thầy đã khởi hành chuyến hành hương và từ đó bắt đầu hoằng Pháp cho đến ngày nay.
Tái bút
Những lá thư này là mối liên hệ duy nhất mà tôi có được với thế giới bên ngoài trong gần ba năm của cuộc đời mình. Trong suốt toàn bộ thời gian của chuyến hành hương (ba mươi tháng) và rồi ba năm rưỡi nữa, tôi đã tuân thủ hoàn toàn im lặng. Người duy nhất mà tôi nói chuyện trong suốt toàn bộ sáu năm là Hòa thượng Tuyên Hóa, và đó là trong những dịp Ngài đến thăm viếng không thường xuyên hoăc là trong các chuyến đi của chúng tôi tới gặp Ngài. Giữa những lần thăm viếng này, viết những lá thư gửi đến Hòa thượng từ trên xa lộ là một cách để tôi giao tiếp với vị thầy của mình. Đây là một thách thức cá nhân đối với tôi: cố gắng diễn đạt những suy nghĩ và cảm xúc từ nơi xa và chỉ qua cây bút viết.
Về nhiều phương diện, tôi có hai chuyến hành hương: cuộc hành trình bên ngoài lạy trên xa lộ, và cuộc hành trình nội tâm yên lặng. Một kết quả cụ thể của việc giữ im lặng là mọi ngôn từ đã trở nên trong suốt đến sâu sắc đối với tôi. Tôi đã nhìn xuyên thấu những ngôn từ và sự diễn đạt đến những động cơ ẩn đằng sau lời nói của tôi; những động cơ này thường bị ảnh hường, bẻ cong và hiếm khi thẳng thắn. Thường xuyên hơn là tôi nói để có tác động và chỉ quan tâm chút ít tới sự thật hoàn toàn. Nếu có gì đó tôi học được từ việc thực hành im lặng (tịnh khẩu) thì đó là: một tấm lòng không còn lừa dối là điều thiết yếu để phát triển tâm ý tĩnh lặng. Cuộc hành hương đã dạy cho tôi biết nhìn vào đằng sau mọi ngôn từ cho tới mọi suy nghĩ của mình. Để làm tâm ý thẳng thắn, tôi cần phải ngay thẳng mọi ngôn từ của mình.
Vì thế, khi tôi có cơ hội để gởi những lá thư tới Hòa thượng, tôi cảm thấy cám dỗ để phóng đại thêm kinh nghiệm. Khi còn là một thanh niên, tôi đã trở nên khéo léo về việc thêm gia vị cho các câu chuyện bằng “muối và dấm”, bằng kịch nghệ và bài hát, để làm cho cuộc đời bình thường có thêm hương vị. Lúc này, tuy là một nhà sư hành hương giữ nguyện tịnh khấu, không có khán giả, và chẳng có bất kỳ ai để gây ấn tượng, tôi chỉ còn lại mình tôi với cây viết để nói lên tấm lòng của mình, và như tôi đã viết, thói quen của việc phóng đại sự thật đã trồi lên để nhìn kỹ lại. Tôi vật lộn với cả hai phía của bản tính mình: ‘con ma’ tìm kiếm để được xem là đặc biệt, và một nhà sư phấn đấu để chân thật. ‘Con ma’ ném ra ngoài cơn thịnh nộ, đòi hỏi sự chú ý, hy vọng trong từng bước chân để được lưu ý đến. Còn nhà sư đang lạy thì cố gắng ghìm mình lại và thu nhỏ cái tôi (bản ngã) lại. Thêm áp lực nữa là tôi biết Hòa Thượng đã nhìn thấu sự giả dối vi tế nhất và sự khao khát trở nên đặc biệt của tôi. Viết những bức thư tới một vị thầy trí huệ và thông suốt trong những hoàn cảnh này quả thật là vừa cảm thấy khiêm nhường và vừa thấy giải thoát. Tôi đã bắt đầu thấy ra, thường bằng một cách đau đớn, những lời lẽ giả dối sẽ chẳng bao giờ mang lại những kết quả chân thật mà tôi khao khát có được. Bằng cách không thành thật, thay vì tiến về phía trước, tôi đã cản trở chính mình. Việc thực hành lễ lạy trong im lặng đã cho phép tôi khám phá và lắng nghe Tiếng Nói chân thật của mình, không còn ham muốn để gây ấn tượng và để được ưa thích nữa.
Tôi hy vọng rằng, những lá thư này sẽ khiến cho người đọc chia sẻ với hai nhà sư người Mỹ trẻ tuổi những bước đi dò dẫm vào cuộc đời của việc tự tu hành dưới sự chỉ dẫn kiên nhẫn của một bậc thầy trong Phật giáo. Những lá thư ghi lại những nỗ lực chân thành của chúng tôi nhằm thông báo tới Thầy mình những bước đi và những bước sai lầm của chúng tôi, và để nhận nguồn cảm hứng của Thầy mình khi chúng tôi lớn lên trong Pháp trên Xa lộ ven biển Thái Bình Dương, cách tu viện thật xa.
Đệ tử Quả Chân cung kính cúi lạy.
Tháng 3, 2011
Tựa đề sách ban đầu “Thư chân hành giả” (News from True Cultivators) đã được Hòa thượng Tuyên Hóa, sư phụ của chúng tôi đặt cho tập thư này. Các lá thư được viết ra không phải như là một bản ghi chép duy nhất. Chúng tôi cũng không nghĩ rằng chúng sẽ được in ra thành sách. Về lý do tại sao Hòa Thượng lưạ chọn tựa đề sách này, chúng tôi chỉ có thể suy đoán mà thôi. Những lời chỉ dạy của Ngài cho chúng tôi về việc ghi chép là:
Các con nên ghi chép hằng ngày. Viết “từ hông” (ngài chỉ vào chiếc túi xách tu sĩ đeo trên vai và nằm bên hông, trong túi chúng tôi có một tập vở ghi chú tốc ký), từ suy nghĩ khởi lên đầu tiên, và ghi lại đúng y như vậy. Đừng phóng đại và cố gằng tô vẻ cho đẹp. Quan trọng nhất, liên hệ những kinh nghiệm hằng ngày của các con lúc trên đường với kinh Hoa Nghiêm. Khám phá đạo lý của Kinh trong từng việc tu hành dọc trên xa lộ, và để cho những kinh nghiệm trực tiếp của các con được các đạo lý này dẫn dắt. Hãy để chúng “dung thông vô ngại”. Khi chúng trở thành một, không hai, những điều gì đó đáng giá sẽ có thể hiển lộ từ những bài viết của các con.
Trên hết, Ngài đã sách tấn chúng tôi phải “chân thật”. “Trong mỗi bước các con đi, từng tâm niệm, từng việc các con làm, các con đều phải chân thật”. Tất nhiên những lời chỉ dạy này mang nhiều tầng lớp ý nghĩa. Trong đó có nhiều lớp nghĩa chưa được bóc mở, và chưa được khám phá. Nhưng, ý nghĩa trực tiếp nhất là chúng ta tự xác định vị trí của mình (ngay cả khi cách xa sư phụ mình rất nhiều dặm), giống như chúng ta đang trực tiếp mặt đối mặt với sư phụ. Và trong “sự hiện diện” đó, người ta luôn nói ra từ tận đáy lòng – từ đệ nhất niệm không che đậy, không giả dối, minh bạch thẳng thắn và trực chỉ. Hòa thượng sẽ không nghe thứ gì khác, hoặc ít nhất, ngài cũng kiên nhẫn lắng nghe chuyện trẻ con tầm phào như vậy cho đến khi chúng ta tìm thấy, hoặc được đẩy nhẹ vào giọng nói đó, vào tấm lòng đó. Bởi vì chỉ khi ở trong sự cởi mở như vậy, gần như sự không phòng vệ của trẻ nhỏ, thì mới có thể tu học chân chính và sự chuyển hóa mới xảy ra.
Cảnh giới của tâm thức này không phải là một tu viện hay đền thờ, mà chính là “tu viện” thật sự của chúng tôi. Những bức thư là nỗ lực của chúng tôi muốn giữ cho những chỉ dạy của Hòa thượng lúc chia tay còn sống mãi “Ở trên xa lộ, phải như chưa bao giờ rời khỏi tu viện”.
“Hành giả” là một từ ngữ xuất phát từ tiếng Trung Hoa, có nghĩa là những người nỗ lực thực hành nghiêm túc, chân thành, những người thực sự “làm việc” (hành). Nó chuyên chở ý nghĩa nỗ lực thực hành để thanh lọc lòng mình, để làm ngay thẳng cái tâm. Những bức thư của chúng tôi là những báo cáo thực nghiệm đến sư phụ về sự tranh đấu cùng với sự thực hành sống động này. Tự tu hành thật sự thì không phải luôn luôn bóng bẩy tao nhã hay lịch sự, nó có một đặc tính bất toàn. Hơn nữa, chúng tôi thường viết những bức thư này trong thời tiết giá lạnh, dưới gốc cây để tránh nắng mặt trời, hoặc chen chúc trong xe trong một cơn bão. Các bức thư trên xa lộ phản ảnh những hoàn cảnh bên trong và bên ngoài này. Các bức thư này đã và vẫn là những ghi chú được viết thảo trong phòng thí nghiệm về những người mới tu tập tại một lò luyện đang cố gắng rèn luyện họ thành một thứ có thật, một thứ mới được chuyển hóa.
Chúng tôi nghĩ “Tin tức” (News) có nghĩa là “tin mới ra lò, mới xảy ra, tin nóng hổi”. Nó ghi nhận các kinh nghiệm xảy ra trên xa lộ: những sự việc, khảo nghiệm và thất bại diễn ra liên tục không chuẩn bị trước. Không giống với cách tin tức hằng ngày đến với chúng ta, “tin tức” này đến ngay liền, còn thô, tươi mới, và không thể dự đoán. Nó sống động, vụng về và không bị gián đoạn.
Tất nhiên người đọc là chính Hòa thượng, người mà chúng tôi muốn thổ lộ, đôi khi là thú tội, và trên hết, là người chỉ dẫn cho chúng tôi. Hơn nữa, ngồi xuống viết bên lề đường, chúng tôi luôn cảm thấy chúng tôi chuyển sang một không gian khác, nơi chúng tôi đang liên lạc với một người nào đó hoặc một thứ gì đó vĩ đại hơn nhiều. Chúng tôi được tiếp cận với một vũ trụ của các thiện tri thức rộng lớn hơn – cộng đồng của những hành giả tu đạo cùng tâm chí – nơi không có thời gian lẫn không gian.
Sau này chúng tôi biết được rằng Hòa thượng đã cho đọc lớn tiếng các bức thư này cho toàn thể những người có mặt trong buổi giảng kinh tối của Ngài. Vậy là, chúng tôi đang viết cho tất cả đệ tử của Ngài, chứ không phải viết riêng cho một người. Nói tóm lại, những bức thư này, cũng như việc bái lạy, là một bài tập để tịnh hóa tâm hồn của chúng tôi và cố gắng chỉnh đốn lại chúng tôi cho phù hợp với “bổn tánh” của mình.
Và thường trong chính các buổi giảng kinh tối này mà mọi người được dạy bảo, là nơi chúng tôi mở rộng trái tim, tâm trí đón nhận các lời dạy, nêu lên nghi vấn và câu hỏi, mang “đống quần áo bẩn” của mình ra để sám hối những tội lỗi trong quá khứ và sai lầm hiện tại, phát những lời nguyện cao cả, và nói chung là nói lời chân thật và nghe lời chân thật. Chúng tôi thường cảm thấy không thoải mái, dễ bị tổn thương, vụng về, nhưng đồng thời cũng cảm thấy thú vị, giải thoát, và tinh thần hoàn toàn được nâng cao. Kinh nghiệm viết những lá thư này của chúng tôi cũng vậy.
Đệ tử Quả Đình cung kính đảnh lễ
Tháng 3, 2011
Phụ lục:
“Press Release – American Buddhist Pilgrims”
Two American Buddhist Monks from San Francisco’s Gold Mountain Monastery are making a bowing pilgrimage from Gold Wheel Temple in Los Angeles to the City of Ten Thousand Buddhas near Ukiah. Bhikshu Heng Sure has made the vow to bow to the ground in a full prostration every three steps along the road. Heng Ch’au has vowed to accompany him on the journey, to protect him and to assist in the work.
Their purpose is to influence humankind to cease all hatred and hostility, to stop the creation of destructive weapons and to work to prevent disasters, wars, and suffering of all kinds. The monks are dedicating their work to all beings everywhere.
“Our goal is to endure a bit of hard work on behalf of others,” said Heng Sure. “Our job is to turn our own greed into balanced, moral behavior, to change our own anger and hatred into compassion for others, and into inner concentration, and to transform selfish, stupid actions into enlightened awareness and wisdom,” said Heng Ch’au.
“We hope to generate a response in the hearts of men and women and among the spiritual beings in the universe. If our bowing is sincere, then afflictions, calamities, and suffering will gradually disappear, and hatred, hostilities, and wars will be reduced,” said Heng Sure.
The monks began their pilgrimage May 7, 1977, at Gold Wheel Temple, the Los Angeles branch of the Sino-American Buddhist Association. They expect the journey will require a full year to complete. Their destination is the Sino-American Buddhist Association’s new center for world Buddhism, the City of Ten Thousand Buddhas.
“Thông cáo báo chí – Chuyến hành hương Phật Giáo của người Mỹ”
Hai tu sĩ Phật Giáo người Mỹ tại Kim Sơn Tự thuộc San Fancisco đang thực hiện chuyến hành hương lễ lạy từ Kim Luân Tự ở Los Angeles đến Vạn Phật Thánh Thành gần Ukiah. Tỳ kheo Hằng Thật đã phát nguyện lạy sát đất sau mỗi ba bước trong tư thế hoàn toàn phủ phục dọc suốt theo đường đi. Thầy Hằng Triều đã phát nguyện cùng tham gia vào hành trình để bảo vệ và trợ giúp.
Mục đích của họ là gây ảnh hưởng tới toàn nhân loại nhằm chấm dứt tất cả mọi căm hận và thù địch, ngưng việc tạo ra các vũ khí hủy diệt và ngăn chặn mọi loại thảm họa, chiến tranh và đau khổ. Các vị tu sĩ này đang hồi hướng công việc của mình cho chúng sinh ở khắp mọi nơi.
“Mục đích của chúng tôi là cam chịu một chút việc khó làm vì những người khác”, thầy Hằng Thật nói. “Công việc của chúng tôi là chuyển hóa lòng tham của chúng ta thành hành vi đạo đức và hài hòa; biến sân hận và căm thù thành lòng từ bi đối với người khác, và thành sự chú tâm ở bên trong; chuyển hóa sự ích kỷ, những hành vi ngu si thành sự tỉnh giác và trí huệ ”, thầy Hằng Triều nói.
“Chúng tôi hi vọng tạo ra được sự hưởng ứng trong trái tim của mọi người nam, nữ và giữa tất cả các sinh linh trong vũ trụ. Nếu việc lễ lạy của chúng tôi là chân thành, thì mọi hoạn nạn, tai ương và đau khổ sẽ dần dần biến mất; căm hận, thù địch và chiến tranh sẽ giảm đi” thầy Hằng Thật nói.
Các tu sĩ đã bắt đầu chuyến hành hương vào ngày 7 tháng 5 năm 1977 tại tu viện Kim Luân – chi nhánh tại Los Angeles của Hiệp hội Phật Giáo Trung Mỹ.Họ nghĩ rằng hành trình sẽ mất một năm để hoàn thành. Đích cuối cùng của họ là trung tâm mới cho Phật Giáo thế giới của Hiệp hội Phật Giáo Trung Mỹ – Vạn Phật Thánh Thành.
Các bài nói chuyện trong buổi lễ chào đón Thầy Hằng Thật và Thầy Hằng Triều lạy về đến VPTT (11/1979)
Phần ghi và dịch lại từ video buổi lễ chào đón Thầy Hằng Thật và Thầy Hằng Triều lạy về đến Vạn Phật Thánh Thành sau 2 năm 6 tháng Tam Bộ Nhất Bái từ chùa Kim Luân ở Los Angeles đến Chùa Vạn Phật tại Talmage, California.
Welcome Dharma Master Heng Sure and Dharma Master Heng Chau – 11/1979 |
Hòa Thượng:
Ban đầu tôi muốn ngồi ở dưới; tôi không muốn ngồi trên khán đài ngày hôm nay. Nhưng hai vị hành giả “Tam Bộ Nhất Bái” (Ba bước một lạy) này là đệ tử của tôi, vì thế tôi bất đắc dĩ phải ngồi trên khán đài này. Và có hai chỗ ngồi ở trên đây dành cho họ. Những người chuẩn bị khán đài này, tôi không biết tại sao, nhưng họ đã để đến bốn cái ghế. Và tôi không biết người thứ tư mà họ dự trù trong đầu là ai. Và tôi phải suy nghĩ kỹ xem mình nên chọn người nào để ngồi vào chiếc ghế trống này, vì nếu tôi để Quả Zhan ngồi ghế đó, thì có thể sẽ khiến cho Quả Hàng ghen tị. Và nếu Quả Dật (Guo Yi) lên ngồi ghế đó thì có thể Quả Tu sẽ “uống giấm chua” (ghen tỵ) mà nói rằng vị thầy của họ thực sự không công bằng. Bây giờ, mặc dù chúng ta biết rằng mình có ngồi trên khán đài hay không, thì thực sự cũng chẳng có gì khác biệt, nhưng con người rất kỳ lạ. Nếu quý vị tham dự một cuộc họp nào đó và ngồi không đúng vị trí của mình, một số người sẽ bắt đầu phàn nàn, vì thế, tôi đã bảo Quả Wei đem cất cái ghế thừa ấy đi và như thế sẽ không còn ai có thể ghen tị, tranh chấp hay thất vọng cả. Vì thế, tôi đã ngồi ở đây và tôi nghĩ tôi cũng nên có vài lời với quý vị.
Bây giờ, tôi nghĩ tôi nên đi thẳng vào vấn đề và nói vài điều mặc dù tôi không phải là người diễn thuyết giỏi, bởi điều ấy không thành vấn đề; nếu quý vị là những người biết lắng nghe, thì đó mới là điều đáng kể. Giờ đây, hai vị chân hành giả “tam bộ nhất bái” có thể không muốn phát biểu, cho nên tôi nghĩ tôi cần dọn đường trước cho họ, và khi đã sẵn sàng rồi thì họ sẽ không e dè nữa.
Mặc dù tôi không ra ngoài và thực hiện cuộc bái hương “ba bước một lạy”, tôi nghĩ có lẽ là trong ngôi chùa mà tôi đang ở này, tôi đã làm việc vất vả, và chịu đựng nhiều phiền não hơn họ rất nhiều. Tại sao tôi lại nói như thế? Đó là vì, hằng ngày tôi đã rất bận rộn trợ giúp để cho họ không bị vướng vào bất kỳ vấn đề rắc rối nào. Đó là những gì mà tôi đã hy vọng mình sẽ làm được, tôi không nói là tôi đã thật sự làm được, nhưng tôi quả thật đã mong muốn điều ấy xảy ra.
Quý vị cần phải biết rằng tôi nói là tôi chỉ hy vọng họ không gặp chuyện rắc rối; chứ tôi không nói rằng tôi đã giữ cho họ không gặp phải rắc rối – quý vị cần lưu ý là câu nói này đã được diễn đạt một cách cẩn thận như thế nào. Có thể nói rằng có một vài vấn đề xảy ra và người ta đã đồn quanh với nhau rằng: “Ồ, vị Pháp sư ấy nói rằng mình có thần thông, vậy thì tại sao đệ tử của ông ta lại bị vướng vào những chuyện rắc rối khi đang đi lễ lạy?”
Vấn đề không phải là tôi thực sự quan tâm về danh tiếng của mình theo cách này, mà là tôi vẫn muốn ngăn cản họ tránh khỏi những sự rủi ro như bị xe đụng hay khỏi những vụ tai nạn, có thể bị gió thổi đi hay bị dìm chết. Lúc bấy giờ thì đó sẽ là vấn đề. Đó là lý do tại sao tôi nói tôi có thể làm việc vất vả hơn họ.
Vì thế, khi họ ở ngoài đường trong suốt thời gian qua và họ đã bất chấp mưa gió hay nắng gắt . Vì thế, hôm nay không ai ở đây nên đội mũ nón cả. Nếu có ai đó đội mũ, thì đó có thể là thiếu tôn trọng đối với các vị hành giả. Vì lẽ đó, có người đưa cho tôi một cây dù để che nắng, nhưng làm sao tôi có thể làm như vậy được chứ? Sẽ ra thể thống gì khi không ai có cây dù nào cả, và tôi, một người thật yếu đuối lại ngồi đây với một cây dù, hay tôi cố gắng hành xử kiểu như là vị hoàng đế. Vì vậy, tôi muốn giống như tất cả mọi người, và nếu như trời nắng quá gay gắt thì quý vị cứ tự nhiên đội mũ lên vì tôi có một chút tóc ở trên này rồi, không thành vấn đề đâu, nhưng với ai mà mới cạo tóc thì mặt trời có thể làm phồng rộp da đầu của quý vị đó.
Cho nên, quý vị không nên nghe theo những gì tôi nói vì mọi điều tôi nói là nửa thật và nửa giả; nó không hoàn toàn đúng và cũng không hoàn toàn sai. Nếu phần sai mà có ý nghĩa với quý vị thì hãy tin vào đó, và nếu quý vị nghĩ phần đúng có ý nghĩa với mình, thì hãy tin vào đó; tùy vào quí vị; quý vị chọn lựa điều gì phù hợp với mình. Tôi không thể nói điều này quá rõ ràng được, vì nếu tôi nói toàn bộ với quý vị thì quý vị sẽ không thể đưa ra quyết định của mình được, không dùng trạch Pháp nhãn của quí vị. Và nếu quý vị khăng khăng đòi tôi nói mọi thứ cho quý vị thì điều này không được đúng lắm.
Vì vậy, tôi chỉ nói với quý vị rằng đó là nửa thật và nửa giả. Bây giờ thì quý vị đã hiểu chưa? Nếu quý vị chọn phần sai và tin vào nó, thì quý vị sẽ bị tôi lừa. Còn nếu quý vị chọn phần đúng và rồi y Pháp tu hành, thì quý vị sẽ gặt hái thành tựu.
Có lẽ những điều đã xảy ra là những vị hành giả này đã lắng nghe lời giáo huấn nửa này nửa nọ của tôi và họ đã tìm cách chọn ra cái phân nửa đúng, tu hành theo hướng đó và họ để yên phần sai không đụng tới. Chỉ vậy, chỉ có vậy thôi.
Thầy Hằng Triều:
Sư phụ vừa hỏi tôi trong khi chúng tôi bước lên (khán đài) rằng, là tôi chết chưa, và tôi xin giải thích điều này để không ai có một ấn tượng sai lầm rằng Sư phụ có thể đã mong muốn điều xấu cho bản thân tôi. Cái chết mà Sư phụ vừa nói đây là cái chết của bản ngã, cái chết của tham muốn, chứ không phải cái chết của sự vĩnh cửu, (Ngay lúc đó, một luồng gió thổi đến làm rơi vỡ bình hoa nhỏ phía đằng trước thầy), chứ không phải là cái chết của hành giả.
Tôi nên thực sự cẩn thận bởi vì mọi thứ đều đang thuyết Pháp, gió thuyết Pháp, và khi tôi mở miệng và không nói lời thực sự chân thật thì sau đó quả báo đến, và ở ngay đâythảm họa bắt đầu và vì thế có thể cái bình này đang nói Pháp rằng, “Hằng Triều, đây là lời cảnh báo, mọi lời thầy nói cần phải rất chân thật và đúng đắn, và không một mảy may kiêu ngạo và sai trái bởi vì nếu làm như vậy thì chắc chắn rằng điều xấusẽ xảy đến, không chỉ với riêng mình thầy, mà còn với tất cả chúng sinh, bởi vì thầy là người xuất gia. Và vì thầy là người xuất gia cho nên mọi điều thầy làm phải vì mọi người và không chỉ riêng cho mình thầy. Vì lẽ đó, ngọn gió đã cho tôi lời cảnh báo rằng cần phải rất cẩn thận, vì vậy tôi nên lắng nghe. Và đó là những gì tôi thực sự muốn nói đến, đó là ví dụ về Phật Pháp mà chúng tôi đã học được trong suốt hơn hai năm rưỡi lễ lạy – để trở nên thực sự chân thật, thật sự thành thật và thực sự ngay thẳng trong mọi việc mình làm.
Một người bạn mới tiến đến và hỏi rằng, “Tại sao các thầy lạy?” Và tôi trả lời, “Chúng tôi lạy để cố gắng xóa bỏ mọi thảm họa, thiên tai và khổ đau trên thế giới”. Và người ấy nói, “Vậy à, ý thầy là gì? Ý thầy là những thảm họa nhân tạo giống như gia đình đổ vỡ và những đứa trẻ bất hiếu, những tai nạn xe cộ, hay ý thầy là những thảm họa thiên nhiên, như là động đất, lốc xoáy, lũ lụt và nạn đói?” Và tôi trả lời rằng, “Ý tôi là cả hai, bởi vì cả hai đều như nhau. Cả hai đều có cùng một nguồn gốc”. Rồi người ấy nói, “Tôi không hiểu”. Khi thầy Hằng Thật và tôi bắt đầu chuyến hành hương này, chúng tôi cũng chẳng hiểu. Chúng tôi lớn lên trong xã hội phương Tây này, được giáo dục theo những lề lối khoa học tốt nhất và vì thế một cách khá tự nhiên rằng chúng tôi không thực sự tin vào điều gì cả, chỉ tin vào cái bản ngã và bản thân mình thôi. Chúng tôi đã không tin những điều như trong kinh Hoa Nghiêm dạy rằng, “Tất cả quả báo đều sinh ra bởi nghiệp tội”. Nghĩa là mọi thứ xảy đến với bạn đến từ những gì bạn làm. Vì thế, chúng tôi quyết định rằng, đó là vấn đề sinh tử với chúng tôi, và phải thực sự cẩn thận với những gì chúng tôi làm khi thực hiện Tam Bộ Nhất Bái, và thực hiện một thử nghiệm khoa học nhỏ và vì thế chúng tôi có chút gì đó để chia sẻ với những ai không tin vào điều này, vì nếu quý vị không tin vào điều này (quả báo), thì không có cách gì để chấm dứt khổ đau. Không ai cứu quý vị cả trừ chính quý vị, không ai có thể và không ai sẽ cứu quý vị cả. Chính bản thân quý vị phải tự đi trên con đường; chư Phật chỉ chỉ ra con đường cho chúng ta mà thôi.
Cho nên, Sư Phụ nói rằng ngài nói nửa đúng, nửa sai. Nếu quý vị không biết theo cái nào, thì quý vị sẽ lâm vào tình huống rất xấu đó. Nếu quý vị biết theo cái nào, thì mỗi ngày là hạnh phúc và nơi nơi đều an bình. Vì thế, hôm nay tôi muốn chia sẻ chỉ một chút kinh nghiệm chúng tôi đã đi Tam Bộ Nhất Bái, và những gì chúng tôi học được. Tôi thực sự cầu xin lòng Từ Bi của Hoa Nghiêm Chúng Hội của chư Phật và chư Bồ Tát giúp tôi bảo đảm những lời nói của mình là thật và không chút kiêu mạn hay sai dối nào để vì lợi ích cho toàn thể chúng sinh.
Hai bài học nổi bật trong toàn bộ chuyến hành hương đều nằm trong Kinh Hoa Nghiêm. Một là “Nhất thiết duy tâm tạo”, và thứ hai là “Mọi thứ xảy ra với bạn đến từ những gì bạn làm”.
Ngày đầu tiên chúng tôi xuất phát từ Los Angeles, chúng tôi đã nhận thấy được điều này. Ngay lập tức, chúng tôi gặp những người và những chúng sanh với phong cách thật lạ lùng đến để thử nghiệm lời nguyện của chúng tôi; họ đến thử nghiệm lời nguyện tịnh khẩu của thầy Hằng Thật, cố gắng để coi họ có thể làm thầy ấy nói không; họ thử nghiệm lời nguyện không nóng giận của chúng tôi bằng cách thực sự đẩy chúng tôi tới đường cùng với những tình huống thử thách, và trong tất cả những điều này, chúng tôi đã được chỉ dẫn ngay lúc ban đầu rằng: Cho dù có bất kỳ điều gì xảy ra thì chúng tôi không được tranh, không giận dữ và tất cả những gì chúng tôi có thể dùng là lòng Từ, Bi, Hỉ, Xả để đối đãi với mọi hoàn cảnh. Điều này thật sự khó khăn cho tôi bởi vì tôi thường quen tranh, không quá nhiều với nắm tay, nhưng với lời nói và tư tưởng, và thường lấn hiếp kẻ khác, và đó chỉ là một hình thức tranh khác; nó không hiệu nghiệm. Chúng tôi nhận thấy rằng khi chúng tôi giữ giới luật, điều này thực sự quan trọng. Ngũ Giới là nền tảng của tất cả mọi thứ; nếu quý vị giữ gìn Ngũ Giới thì chắc chắn rằng không chỉ không bị tái sinh vào những cõi giới thấp hơn như địa ngục, ngạ quỷ hay súc sinh, mà chắc chắn quý vị sẽ luôn được tái sinh ít nhất là làm người. Điều này thực sự rất quan trọng!
Và nếu quý vị giữ lời nguyện của mình, quý vị có thể lập những lời nguyện và giữ chúng, rồi dù quý vị có ở đâu thì cũng sẽ an ổn thôi. Chúng tôi đã nhận ra điều này khi chúng tôi bắt đầu lạy và tôi đang nghĩ đến căn cứ không quân Vandenberg. Vào lúc này, có những trận bão kinh khủng ập tới, tôi đoán quý vị gọi chúng là những cơn bão nhiệt đới, có những cơn gió thổi mạnh hơn 100 dặm một giờ khắp mọi nơi, và lụt lội rất nặng nề; những chiếc xe tải kéo và xe chở hàng bị gió thổi dạt ra khỏi đường; toàn bộ thị trấn nhỏ hoàn toàn bị san bằng bởi những trận gió này. Vào lúc ấy, chúng tôi thực sự chẳng làm điều gì quá tệ cả, cho nên chúng tôi giữ giới luật khá và giữ chặt lời nguyện của mình, và vì một vài lý do nào đó mà chúng tôi đi qua rất an ổn, chúng tôi không hề bị gió hay mưa tấp vào mình. Cho dù chúng tôi có đi đến đâu, ai đó đã theo dõi và quan tâm tới chúng tôi rất từ bi, và chúng tôi đã an ổn cả. Thực tế nhiều ngày trôi qua, khi trời đổ mưa tầm tã, nhưng chúng tôi không hề bị mưa và ngay khi chúng tôi bắt đầu có vọng tưởng như, “Lạ thật, mưa không rơi lên chúng ta”, thì chúng tôi bị ướt sũng. Có những lần khi chúng tôi thực sự cảm thấy một sự hiện diện, tôi không biết phải nói ra sao nữa, những thần linh bảo vệ, không chỉ của thầy của chúng tôi mà còn là của những vị thần linh đang ở chung quanh chúng tôi, bảo vệ cho chúng tôi. Điều này xảy ra khi chúng tôi bắt đầu ở Los Angeles. Một lần, thầy Hằng Thật đã nhìn thấy đức Quán Thế Âm Bồ Tát ngay trước khi vụ tai nạn xảy ra và kết quả là chẳng có tai nạn nào xảy ra cả.
(phút thứ 21:54, ghi âm bị đứt khoãng một chút)…con gái của ông ta bỏ đi theo một người đàn ông. Cô bé lúc ấy mới 15 tuổi và ông ta rất lo lắng rằng ông đã thực sự ngược đãi con gái mình về thể chất lẫntinh thần. Ông ta và vợ đang dự tính ly thân. Sau khi đọc về Giới Luật, ông ấy thực hành và khoảng bẩy hay tám tháng sau đó, họ đã dừng lại trên đường đi nghỉ hè và trông họ rất tốt đẹp. Họ ở cùng với nhau, hạnh phúc và con gái lớn, con gái nhỏ cũng đã quay trở lại nhà sống cùng với họ, trông bọn trẻ thực sự rất vui vẻ và hạnh phúc, góp phần cho sự rạng rỡ vui mừng đó.
Đọc Giới Luật, tuân thủ giới luật dường như rất lỗi thời, nhưng điều này lại làm nên một sự khác biệt lớn trong đời tôi. Nhờ đó mà chúng tôi nhận thấy rằng tất cả mọi vấn đề của mình đến từ sự ích kỷ và mọi thảm họa đều xuất phát từ Tham, Sân, Si. Chúng tôi cũng nhận ra điều này theo những cách thức lớn hơn và tôi muốn nói về những thứ này bởi vì chúng thường không được nói tới. Thầy Hằng Thật và tôi đã thực sự rất hoài nghi về những điều này, nhưng giờ thì tôi rất tin tưởng. Ví dụ, thực tế là đã không có trận động đất nào xảy ra ở San Francisco. Tại sao nó lại như vậy? Và San Francisco ở ngay trên đường nứt San Andreas và đáng lẽ phải có động đất, nó phải bị chìm xuống đại dương lâu lắm rồi. Và rất rõ ràng là do nguyện lực, hay giới luật hay đức hạnh của Sư phụ chúng ta. Tôi không nói điều này để đề cao ai đó bởi vì chúng tôi đã được dạy là không được đề cao; Tôi đề cao quyền năng của Phật Pháp và năng lực của Giới luật thanh tịnh, cảm ứng đạo giao và tâm tưởng đến; nếu chúng thực sự thuần khiết, thì những điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Thành phố San Francisco chưa có bất kỳ trận động đất nào, Hồng Kông bên kia cũng chẳng bị trận bão nhiệt đới nào đều vì cùng một lý do – vì tu hành, bởi vì sức mạnh của giới luật thanh tịnh.
Khi ở Los Angeles, chúng tôi đi xe xuống Los Angeles và chúng tôi đến Los Angeles một cách rất khó khăn, những trận bão lớn đến nỗi những con đường đều ngập nước, và lúc đó chúng tôi ở trong một chiếc xe Volkswagen. Chúng tôi đã trôi trên vài vũng nước trên xa lộ, bánh xe thậm chí không chạm mặt đất dù rất nặng. Chúng tôi tới Los Angeles và có buổi lễ Dược Sư Sám đang diễn tiến và mọi người ở vùng Los Angeles đến chùa Kim Luân tham dự lễ Dược Sư Sám để diệt trừ mọi nhân duyên của thảm họa, bệnh tật, khổ đau và thiên tai. Lúc ấy thật là lạ vì vị thị trưởng của Los Angeles đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Trên thực tế, rất nhiều gia đình bị phá hủy hoàn toàn, mọi thứ đều xấu tệ và còn có nhiều trận bão đang ập tới, nhưng tu viện Kim Luân và vùng xung quanh không có chuyện gì xảy ra và có rất nhiều vị đệ tử khi quay trở về đã báo rằng vào lúc ấy, những cây cổ thụ khổng lồ bên nhà hàng xóm đã đổ xập xuống và phá hủy nhà của những người hàng xóm đó ngay sát kế bên trong khi nhà của mấy vị đệ tử đó không có chuyện gì xảy ra cả. Và tôi nhớ lúc này (có người tên là Kean hay Dean gì đó?) Nói rằng điều này là bởi ở lòng thành của họ đã tham dự khóa lễ Dược Sư Sám vào cuối tuần đó. Chính chúng tôi đã chứng kiến, thật khó tin, không chỉ có vậy mà trong suốt khóa lễ một con sóng thủy triều khổng lồ từ đại dương tiến vào và khi gần tới thành phố LA thì đột nhiên nó bị xua tan đi mất.
Với mỗi ý nghĩ, hành vi, lời nóimà thầy Hằng Thật và tôi đã nói hoặc đã làm hoặc đã nghĩ đến có dấu vết lòng tham về thức ăn, tiếng tăm, tiền tài, sắc dục, hay những gì mà chúng tôi tìm kiếm, đều mang đến rắc rối cho chúng tôi, mang đến thảm họa cho chúng tôi. Bất kỳ lúc nào chúng tôi giữ gìn năm giới luật không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không dùng chất kích thích hay chất say, thậm chí không nghĩ đến những điều này, chúng tôi sẽ luôn được an ổn và thực sự có những cảm ứng rất kỳ diệu đối với những điều này (phần âm thanh bị mất tiếng đoạn này).
Vì thế, điểm cốt yếu của toàn bộ chuyến hành hương này là chúng tôi đã học được rất nhiều. Giờ thì tất cả những gì dường như là đắng cay hay khổ đau trong tu hành, không có gì là không phải niềm hạnh phúc. Có câu rằng, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cõi giới của vua Diêm La, tất cả thù hận, căm ghét, xung đột, những lời vu khống lăng mạ, tất cả những thứ ma quỉ này được sinh ra bởi lòng tham và sự bám chấp vào ngũ dục. Vì thế đây là những gì mà Sư phụ đã dạy khi Ngài hỏi rằng, “Con đã chết chưa?”. Bởi nếu tôi còn ngượng ngùng để quay trở lại lạy đại chúng này và rồi ngồi trên đây, nếu tôi còn chút gì xấu hổ trên mặt thì vị hoàng đế vẫn chưa chết, và vì thế ham muốn cũng chưa chết và bởi ham muốn vẫn chưa chết nên thảm họa vẫn tiếp diễn. Bởi vậy mà thầy Hằng Thật và tôi thực sự cảm thấy rằng nếu chúng tôi từ bỏ được những dục vọng của bản thân đi một chút, thì toàn thể thế giới cũng sẽ tốt hơn lên một chút, và rồi nếu chúng tôi cố nắm chặt lấy ham muốn nhỏ bé của bản thân và nghĩ ồ, nó chỉ là một chút ham muốn nhỏ nhoi và nó là của tôi, thì thế giới cũng sẽ bị nhiễm ô bởi chút ham muốn nhỏ bé ấy. Và vì thế, có câu rằng chư Bồ Tát xem xét tất cả những thứ này và hiểu rằng, “Lạ thật, chúng ta đều có tương quan, không ai là tách biệt cả, mọi việc chúng ta làm đều có ảnh hưởng lẫn nhau”. Ngài quan sát, nhận biết và giảm bớt đi lòng ham muốn về mùi vị của ngũ dục. Kết quả là chúng tôi đã thực sự cố gắng từ bỏ lòng tham đối với thức ăn. Bây giờ chúng tôi ăn uống khác rất nhiều so với lúc chúng tôi bắt đầu (hành trình); lúc khởi đầu, chúng tôi đã ăn rất nhiều đồ ngọt và thức ăn rất ngon, rồi chúng tôi nhận ra rằng điều này đã mang lại rất nhiều rắc rối.
Tôi đã rất cố gắng để kiểm soát và giảm bớt lòng dâm dục bởi vì hơn tất cả mọi thứ, đây là cốt yếu của mọi ham muốn. Bởi lòng ham muốn người khác, bởi tôi không thể nhìn thấu suốt bản thân, bởi tôi không rõ ràng về chính mình, tôi không rõ ràng về người khác, và bởi vì như vậy mà trong chuyến hành trình này, tôi đã gần chết bởi lòng tham dục của mình. Trên thực tế, nó là (không nghe được) trong một chuyến du hành Châu Á, quả tham dục của tôi đã chín muồi và tôi đã gần chết, và nếu không phải nhờ lòng Từ Bi của Sư phụ thì có lẽ ngay lúc này tôi đã có thể bị phân rã theo tứ đại rồi và ai mà biết được linh hồn tôi ở đâu – chắc chắn là trong thế giới của vua Diêm La rồi. Vì thế, điều đó dạy tôi một bài học rằng, điều gì ngọt ngào thì đó thực sự là trái đắng và điều gì tưởng chừng cay đắng thì lại thực sự đem lại cho ta một tâm ý ngọt ngào. Cho nên, nó đã trở nên dễ dàng hơn chút ít bởi vì khi nào tôi ham muốn phụ nữ thì tôi nhận thấy điều này rất rõ ràng rằng đó không phải là phụ nữ mà là sự ích kỷ của chính mình mà tôi đã không xoay chuyển được. Vậy nên có câu rằng, một khi quý vị ngưng tìm kiếm, thì sẽ không còn lo lắng, và rồi quý vị có thể đạt tới niềm hạnh phúc chân thật tối thượng.
Vì vậy, tôi muốn nói rằng chúng tôi cố gắng hết sức để chết và chúng tôi có thể chỉ bị bệnh nhẹ. Tiếp tục lạy và tôi mong rằng những gì chúng tôi học được là có giá trị cho tất cả nhân loại và những gì chúng tôi làm …(phút thứ 30:00 đến 30:25 của bài nói chuyện bị sót, không nghe được do bị nhiễu bởi tiếng máy bay đang bay qua)…Tôi mong rằng chúng ta sẽ đều sớm chết. Tôi mong rằng chúng ta sẽ cùng chết và cùng tái sinh, hết lần này đến lần khác cùng nhau tu Đạo và cùng giúp nhau đạt Đạo. Cuối ngày lễ lạy, chúng tôi đều hồi hướng đến Vạn Phật Thánh Thành ở đây, đến toàn thể chúng sinh, để chấm dứt thảm họa và thiên tai, và để tất cả chúng ta có thể cùng thành tựu được Phật quả, tôi thực sự mong muốn rằng điều này có thể được như vậy.
Hôm nay tôi đội mũ vì tôi cạo đầu và bị một vết bỏng rộp. Tôi nên dừng tại đây…
(Vỗ tay)
(Thầy Hằng Thật lạy Hòa Thượng Tuyên Hóa và lạy thính chúng)
Hòa Thượng:
Quý vị, trong trường hợp quý vị không biết, thầy Hằng Triều đã không nói trong một thời gian dài. Ngày hôm nay, thầy ấy có cơ hội nói chuyện và hôm nay thầy ấy đã lâm vào một cuộc nói chuyện điên rồ và nói suốt 100 giờ.
Thầy ấy chẳng để ý xem mọi người ngồi ở đây đang bị đổ mồ hôi dưới ánh nắng mặt trời (không nghe thấy). Bản thân tôi không thể chịu được. Tôi thực sự…thực sự muốn bỏ đi khỏi chỗ này nhưng tôi có thể làm được gì?
Tôi sẽ không nói gì thêm nữa…(không nghe được)
Thầy Hằng Thật:
…(không nghe được)
…đấu tranh với những người bên ngoài, đấu tranh với thầy Hằng Triều, là đấu tranh với chính tôi ở trong tâm mình…(không nghe được)…Và ngay lúc đó, một chai bia bay đến và làm vỡ tan cửa kính bên hông xe, ngay bên cạnh bức tranh của đức Quán Thế Âm Bồ Tát, vị Bồ Tát của lòng Đại Bi. Và tôi đã học được rằng, sân hận gây ra chiến tranh, đó là mối quan hệ trực tiếp. Vì thế, chúng tôi đã học được rằng nguồn gốc của chiến tranh nằm trong chính tâm chúng ta, và theo cách này, bằng cách kiểm soát sự sân hận của chính mình, chỉ cần không để cho sự sân hận trong mình tăng trưởng, cũng không làm tăng trưởng lòng sân hận ra bên ngoài với bất kỳ chúng sanh nào, dù ở đâu, chúng ta cũng không được gây trở ngại cho chính mình và không được gây rắc rối cho người khác…Điều thứ ba mà hàng ngày chúng tôi hồi hướng là Vạn Phật Thánh Thành có thể nhanh chóng và dễ dàng thành tựu vì lợi ích của toàn thể chúng sanh trên thế giới. Chúng tôi thực sự tin tưởng, chúng tôi có một niềm tin bất hoại rằng, đây là cội nguồn của rất nhiều thiện lành trên thế giới và khi tôi cúi lạy tất cả mọi người trong đại chúng (không nghe rõ). Tôi đang lạy mười ngàn chư Phật, tôi đang lạy tới mười ngàn chư Phật trong tâm của quý vị và tôi đang lạy mười ngàn vị Phật trong tâm tôi, và tôi đang lạy mười ngàn vị Phật trong hư không khắp cả. Đó là những gì mà chuyến Tam Bộ Nhất Bái này đối với tôi. Và đây chính là cội nguồn của niềm tin bất hoại đối với Chư Phật, Phật Pháp, tăng đoàn và tất cả Phật Pháp trong trắng thuần khiết có thể hồi hướng được, và chư Bồ Tát, Pháp sư, những giáo pháp Phật giáo, giống như nhân và quả, như bố thí là sự thực hành của niềm hạnh phúc. Chúng tôi học được rằng bố thí là sự thực hành của lòng từ bi. Tôi nguyện tới tất cả năm niềm tin bất hoại, và các vị Bồ Tát Pháp sư, niềm tin bất hoại vào các thần thông của Đạo Phật, niềm tin bất hoại ở nơi những thiện xảo phương tiện của chư Đại Bồ Tát, những người có thể dẫn dắt chúng sinh vô minh như kẻ này, cho dù những chúng sinh ấy có tham lam, thù hận, có nhiều lỗi lầm thế nào, thì các Ngài đều có cách khiến chúng ta quay hướng về điều thiện và đó là niềm tin bất hoại của tôi.
(Vỗ tay)
Hòa Thượng:
Thầy Hằng Triều nói rằng, vị hoàng đế vẫn ngự trị bên trong thầy ấy, vì thế nên mọi người nên nhìn thầy ấy rõ ràng và xem thử coi thầy ấy có phải là một vị hoàng đế không? Liệu thầy ấy trông có giống như một vị hoàng đế không? Thầy ấy có cái mũi của vị hoàng đế, hay đôi mắt, hay đôi tai của vị hoàng đế? Hay là cái miệng? Thật sự thì thầy ấy là gì? Hay cái gì…
Tại sao tôi lại nói điều này? Bởi vì bây giờ thầy ấy đang nghĩ ra rằng thầy ấy ngồi đằng sau cái bục giảng này để nói chuyện còn thầy Hằng Thật thì vẫn còn ở dưới đất, vì thế nên thầy ấy có lẽ đã nghĩ rằng vị hoàng đế …(không nghe được)…
Thầy Hằng Triều:
… Vì vậy, tôi ở Vạn Phật Thánh Thành, có thể có người suy nghĩ rằng ít nhất là giờ đây họ đã có thể đã giác ngộ rồi và họ có vài loại thần thông nào đó. Những gì tôi có thể nói là tôi thực sự cảm thấy xấu hổ vì tôi tạo nên ấn tượng này và nó không phải như vậy. Hằng ngày tôi vọng tưởng, hằng ngày tôi có chấp trước, hằng ngày tôi làm những điều xấu, hằng ngày tôi có những suy nghĩ xấu với thầy Hằng Thật. Hàng ngày tôi cảm giác rằng Sư phụ đã đánh lừa tôi vào việc tu đạo. Tôi ngày nào cũng vọng tưởng rằng, có thể tôi vẫn có thể làm một vị cư sĩ và làm như thế này. (Ngay lúc đó, Hòa thượng cười lớn, nhìn về phía thầy Hằng Triều mà nói: Đúng thế, đúng thế…)
Rồi tôi lại nghĩ: không, mình không thể là cư sĩ và làm thế này bởi vì điều này sẽ khiến mình phát bệnh. Mình không thể quay trở lại, quay trở lại sẽ làm tôi bệnh, tất cả những gì mình có thể làm là người xuất gia, mình bị lừa. Tôi nghĩ về tất cả những điều này như vậy.
Vậy thì điều cao quý và thuần khiết trong công việc này ở chỗ nào? Tôi cảm thấy xấu hổ, giờ đây tôi kể những chuyện này và quý vị không biết cái gì đang thực sự diễn ra. Người đàn ông đứng dậy và nói chuyện và nói đúng thế, giống như hạt giống, rất đơn giản trên bề mặt nhưng phía dưới lại vô cùng phức tạp.
You must be logged in to post a comment.