Chinese | Vietnamese

 

ven_master3

Kinh Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Thiển Thích

Quyển Thượng

Phẩm Thứ Hai

Phân Thân Tập Hội

diatangbotat.gif

HayTha2.jpg

Tuyên Hóa Thượng Nhân giảng thuật

 

 

 

 

Phẩm Phân Thân Tập Hội là phẩm thứ hai trong số mười ba phẩm, và thuộc quyển Thượng trong toàn bộ ba quyển Thượng, Trung, Hạ của Kinh Ðịa Tạng.

“Phân thân”—thân thể làm sao có thể phân chia ra được? “Phân thân” ở đây cũng có thể gọi là “phân linh,” “phân tánh,” hoặc “phân tâm.” Vì sao gọi là “phân linh”? Các bậc Bồ Tát thường có một thứ “linh cảm” có thể nói là “hữu cảm tự thông, vô cầu bất ứng,” và có thể ví với cảnh giới:

“Ngàn ao đầy nước, ngàn trăng hiện,

Vạn dặm không mây, vạn dặm trời xanh.”

(Thiên đàm hữu thủy, thiên đàm nguyệt,

Vạn lý vô vân vân lý thanh.)

Có một ngàn đầm nước thì có một ngàn bóng trăng lung linh phản chiếu trong đầm—các vầng trăng trong những đầm nước này chính là “linh,” là “tánh,” là “thân,” và cũng là “tâm” vậy. Vì có hồ nước cho nên có bóng trăng phản chiếu, song bổn thể của trăng vẫn nguyên vẹn, chẳng hề bị phân chia. Có hồ nước thì có bóng trăng, vậy bóng trăng đó có phải là từ mặt trăng tách ra không? Không phải! Tuy không phải, nhưng trong hồ nước rõ ràng vẫn có bóng trăng hiển hiện, nên nói:

 

“Ngàn ao đầy nước, ngàn trăng hiện,

Vạn dặm không mây, vạn dặm trời xanh.”

Các “phân thân” của Bồ Tát Ðịa Tạng vốn không hiện hữu, vì sao ở đây lại nói là có “phân thân”? Bởi vì các “phân thân” này là do tùy thuận theo cơ duyên của chúng sanh mà thị hiện. Các “phân thân” này là như thế nào? Nói một cách đơn giản, “phân thân” cũng tương tự như hình ảnh vậy—vốn chỉ là một người, sau khi chụp hình thì có được nhiều bức ảnh của cùng một người. Tuy nhiên, hình ảnh thì không có tác động, không có sự cảm thông linh ứng, và cũng chẳng có sinh khí; còn các “phân thân” mà Bồ Tát Ðịa Tạng hóa hiện ra thì đều giống hệt bổn thân của Ngài; cho nên gọi là “ngàn muôn ức hóa thân.” Hễ thấy nơi nào có địa ngục, Bồ Tát Ðịa Tạng liền phân phối một thân của mình đến nơi đó để giáo hóa chúng sanh. Do vậy, khắp ba ngàn đại thiên thế giới, bất cứ nơi nào có địa ngục, Ngài đều hiện diện để giáo hóa chúng sanh. Vì Bồ Tát Ðịa Tạng phát thệ nguyện giáo hóa các chúng sanh trong địa ngục, cho nên ở đâu có địa ngục, thì ở đó có phân thân của Ngài Ðịa Tạng vậy!

“Tập hội” tức là quy tụ, tựu về. Vậy, “Phân Thân Tập Hội” ở đây có nghĩa là tất cả những thân mà Ðịa Tạng Bồ Tát đã hóa hiện ra đều trở về và tụ hội lại với nhau.

 

Kinh văn:

Lúc đó, phân thân của Bồ Tát Ðịa Tạng từ các nơi có địa ngục trong trăm ngàn muôn ức không thể nghĩ, không thể bàn, không thể tính đếm, không thể nói hềt, vô lượng a-tăng-kỳ thế giới, đều đến hội họp tại cung trời Ðao Lợi.

Do nhờ thần lực của Ðức Như Lai, phân thân từ mỗi phương hợp cùng những chúng đã được giải thoát khỏi chốn nghiệp đạo, cũng đông đến số ngàn muôn ức na-do-tha, đồng cầm hương hoa đến cúng dường Phật.

Những chúng cùng đến ấy thảy đều nhờ Bồ Tát Ðịa Tạng giáo hóa, làm cho vĩnh viễn không còn thối chuyển nơi A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ Ðề.

Những chúng sanh này từ nhiều kiếp lâu xa đến nay, trôi lăn trong vòng sanh tử, chịu khổ trong sáu đường, không lúc nào tạm ngừng dứt. Nhờ lòng từ bi quảng đại và thệ nguyện thâm sâu của Bồ Tát Ðịa Tạng, nên tất cả đều chứng được quả vị. Khi đến được cung trời Ðao Lợi, lòng họ vui mừng hớn hở chiêm ngưỡng Ðức Như Lai, mắt nhìn mãi không rời.

 

Lược giảng:

Lúc đó, phân thân của Bồ Tát Ðịa Tạng từ các nơi có địa ngục trong trăm ngàn muôn ức không thể nghĩ, không thể bàn, không thể tính đếm, không thể nói hềt, vô lượng a-tăng-kỳ thế giới, đều đến hội họp tại cung trời Ðao Lợi.

“không thể nghĩ” có nghĩa là không thể nào nghĩ ra được, không thể mường tượng được.

“không thể bàn” là không thể dùng lời lẽ mà luận bàn được.

“không thể tính đếm” tức là không thể nào tính toán, đong đếm hoặc đo lường được.

“không thể nói hềt” tức là ngay cả nói cũng không thể nói cho hết được.

“Vô lượng a-tăng-kỳ thế giới” tức là vô lượng vô số thế giới, nhiều đến nỗi không thể tính đếm ra số lượng được.

Hễ nơi nào có địa ngục thì nơi đó có phân thân của Bồ Tát Ðịa Tạng hóa hiện ra, cho nên có đến vô lượng phân thân của Bồ Tát Ðịa Tạng, và lúc bấy giờ tất cả các phân thân này đều cùng quy tụ về Ðao Lợi Thiên Cung.

Do nhờ thần lực của Ðức Như Lai, phân thân từ mỗi phương hợp cùng những chúng đã được giải thoát khỏi chốn nghiệp đạo, cũng đông đến số ngàn muôn ức na-do-tha, đồng cầm hương hoa đến cúng dường Phật.

Nhờ đại oai thần lực của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, phân thân của Bồ Tát Ðịa Tạng đến từ các phương đều dẫn theo những chúng sanh từng được Ngài cứu độ ra khỏi chốn nghiệp đạo tội lỗi. Cho nên, mỗi phân thân của Bồ Tát Ðịa Tạng đều có cả trăm ngàn vạn ức na-do-tha chúng sanh lũ lượt tháp tùng. Những chúng sanh này cũng như các phân thân của Ðịa Tạng Vương Bồ Tát, ai nấy đều có mang theo hương và hoa để cúng dường Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni.

 

Những chúng cùng đến ấy, tất cả những chúng sanh đi theo các phân thân của Bồ Tát Ðịa Tạng, thảy đều nhờ Bồ Tát Ðịa Tạng giáo hóa, làm cho vĩnh viễn không còn thối chuyển nơi A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ Ðề. Những chúng sanh ấy nhờ được Bồ Tát Ðịa Tạng giáo hóa mà được an trụ mãi mãi trong cảnh giới bất thối chuyển đối với Ðạo Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.

 

Những chúng sanh này từ nhiều kiếp lâu xa đến nay, trôi lăn trong vòng sanh tử, chịu khổ trong sáu đường. Họ cứ thoạt chìm thoạt nổi, ngoi ngóp trong bể khổ sanh tử, chẳng khác nào những đợt sóng biển cuồn cuộn không ngừng—họ cứ sanh ra rồi chết đi, chết rồi lại sanh ra, sanh sanh tử tử như sóng nước bất tận. Cứ thế, họ trầm luân trôi giạt trong sáu nẻo luân hồi, không lúc nào tạm ngừng dứt. Trong Lục Ðạo, họ đã phải liên tục chịu đựng vô lượng khổ não, ngay cả một khoảnh khắc ngắn ngủi để nghỉ ngơi cũng không thể nào có được.

May thay, nhờ lòng từ bi quảng đại và thệ nguyện thâm sâu của Bồ Tát Ðịa Tạng, nên tất cả những chúng sanh khốn khổ ấy đều chứng được quả vị. Bồ Tát Ðịa Tạng đã từng phát nguyện:

“Địa ngục chưa trống không, ta thề chưa thành Phật,

Chúng sanh độ hết rồi, ta mới chứng Bồ Đề

(Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật,

Chúng sanh độ tận, phương chứng Bồ Đề.”)

Chính nguyện lực rộng lớn của Bồ Tát Ðịa Tạng đã khiến cho các chúng sanh ấy đều chứng được quả vị—Sơ Quả, Nhị Quả, Tam Quả, Tứ Quả A La Hán, hoặc các quả vị khác.

Giờ đây, khi đến được cung trời Ðao Lợi, lòng họ vui mừng hớn hở, ai nấy đều sanh tâm đại hoan hỷ, và chiêm ngưỡng Ðức Như Lai, mắt nhìn mãi không rời.

Những chúng sanh này đến được cõi trời Ðao Lợi rồi thì tất cả đều một lòng một dạ hân hoan dõi mắt về phía Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, thành kính ngắm nhìn, không rời một thoáng—đó là biểu thị sự nhất tâm chiêm ngưỡng Ðức Như Lai và lòng cung kính chí thành của họ.

 

Kinh văn:

Bấy giờ, Ðức Thế Tôn đưa cánh tay sắc vàng xoa đảnh các phân thân của Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát trong trăm ngàn vạn ức không thể nghĩ, không thể bàn, không thể tính đếm, không thể nói hềt, vô lượng a-tăng-kỳ thế giới, rồi dạy rằng: “Ta ở trong đời ác Ngũ Trược giáo hóa những chúng sanh cang cường như thế, làm cho lòng chúng nó điều phục, bỏ tà về chánh; nhưng trong mười phần, vẫn còn một hai phần quen theo thói ác.

Ta cũng phân ngàn trăm ức thân, rộng lập ra nhiều phương tiện. Hoặc có kẻ có lợi căn, nghe thấy liền tín thọ; hoặc có kẻ có thiện quả, phải ân cần khuyên bảo mới thành tựu; hoặc có kẻ ám độn, phải giáo hóa thời lâu mới quay về; hoặc có kẻ nghiệp nặng, chẳng sanh lòng kính ngưỡng; Ta bèn phân ra nhiều thân để độ thoát những hạng chúng sanh mỗi mỗi sai khác như thế.

Hoặc hiện thân người nam, hoặc hiện thân người nữ; hoặc hiện thân Trời, Rồng; hoặc hiện thân Quỷ, Thần; hoặc hiện ra núi, rừng, nguồn sông, đồng bằng, sông rạch, ao hồ, khe suối, giếng nước, để làm lợi ích cho con người, khiến tất cả đều được độ thoát.

Hoặc hiện thân Thiên Ðế, hoặc hiện thân Phạm Vương, hoặc hiện thân Chuyển Luân Vương, hoặc hiện thân Cư Sĩ, hoặc hiện thân Quốc Vương, hoặc hiện thân Tể Phụ, hoặc hiện ra thân các hàng quan thuộc, hoặc hiện ra thân Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, cho đến các thân Thanh Văn, La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát… để hóa độ chúng sanh; chớ chẳng phải chỉ có thân Phật hiện ra trước chúng thôi đâu!”

Lược giảng:

Bấy giờ, Ðức Thế Tôn—tức là Ðức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn—đưa cánh tay sắc vàng xoa đảnh các phân thân của Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát trong trăm ngàn vạn ức không thể nghĩ, không thể bàn, không thể tính đếm, không thể nói hềt, vô lượng a-tăng-kỳ thế giới. Ðức Phật chỉ dùng một cánh tay mà có thể xoa đảnh đầu của tất cả phân thân của Bồ Tát Ðịa Tạng từ trăm ngàn muôn ức thế giới, số nhiều đến không thể nghĩ tới, không thể bàn luận, không thể tính đếm được— nhiều đến vô lượng a-tăng-kỳ. Ðây là Phật thị hiện Như Ý Thân—Như Ý Thần Thông—từ một cánh tay mà biến thành cả trăm ngàn cánh tay, do đó với một cánh tay mà Phật có thể xoa đảnh đầu của cả trăm ngàn vạn ức phân thân của Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát trong cùng một lúc.

Rồi Ðức Phật dạy rằng: “Ta ở trong đời ác Ngũ Trược—một thế giới ô trọc xấu ác với năm thứ trược là kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, và mạng trược—để giáo hóa những chúng sanh cang cường như thế.”

Chúng ta hãy lưu ý danh xưng này—”chúng sanh cang cường” là ai? Có thể là quý vị mà cũng có thể là người khác. Người nào cang cường, bướng bỉnh thì người đó tự biết. “Những chúng sanh cang cường” chính là những chúng sanh ương ngạnh, cứng đầu cứng cổ, không chịu giữ quy củ, chẳng muốn vào khuôn phép. Có một đứa bé còn hỏi rằng: “Tại sao phải có quy củ chứ?” Nghe hỏi như thế cũng đủ thấy rằng đứa bé này không thích có quy củ, luật lệ; và đó cũng là do ảnh hưởng của những người lớn xưa nay chẳng muốn tuân theo quy củ mà ra. Nói tóm lại, những kẻ ngang tàng, không chịu giữ gìn phép tắc quy củ, thích thế nào thì làm thế ấy, thì đó chính là “những chúng sanh cang cường” vậy!

“Làm cho lòng chúng nó điều phục.” Ðối với những chúng sanh cang cường ương ngạnh này, muốn khiến cho họ vui vẻ và thành thật cảm phục, thật không phải dễ!

“Ðiều phục.” Thế nào gọi là “điều” (làm cho hài hòa)? Cách nấu ăn của người Mỹ thì không cần tới nhiều gia vị rắc rối; song người Trung Hoa thì rất để ý đến gia vị nêm nấu, họ thường trộn thêm các vị chua, ngọt, đắng, hoặc cay vào thức ăn một cách thích đáng, vừa phải, để thành những món ăn thật ngon lành. Ðó gọi là “điều vị” (điều hòa mùi vị).

Ở Trung Hoa vào thời Liệt Quốc (các nước phân tranh), có một người đầu bếp giỏi tên là Dịch Nha. Mạnh Tử đã từng nói: “Dịch Nha tiên đắc ngã khẩu chi sở tư dã” (Dịch Nha biết trước được những gì mà miệng tôi muốn nếm). Dịch Nha có tài đón ý, đoán biết được khẩu vị của người khác, nêm nấu rất vừa miệng—giỏi về “điều vị.” Dịch Nha là một đầu bếp danh tiếng xưa nay của Trung Hoa; và cũng nhờ tài nấu ăn rất khéo nên được tuyển vào làm đầu bếp trong hoàng cung.

“Phục” là hàng phục, trong lòng vui vẻ và thành thật phục tòng, không còn phản kháng nữa. Những chúng sanh mà Ðức Phật nói bất luận giáo pháp gì họ cũng ngoan ngoãn nghe theo, hoan hỷ tiếp thọ, chẳng chút hoài nghi, không hề phản đối—thì đó chính là những chúng sanh đã được “điều phục,” tánh nết đã thuần thành vậy.

Chớ nói rằng năm trăm năm sau khi Phật nhập Niết Bàn thì chẳng còn ai khai ngộ, hoặc không có ai chứng quả A La Hán nữa. Thật ra, bất cứ lúc nào và ở vào thời nào cũng đều có người được khai ngộ, cũng có bậc A La Hán xuất thế cả; chẳng qua là các bậc A La Hán này sau khi chứng quả đều không muốn thị hiện thần thông, không đi khắp nơi xem xét chuyện thế gian.

Thuở trước, các Pháp Sư từ Ấn Ðộ sang Trung Hoa hoằng Pháp như Tôn Giả Ma Ðằng, Tôn Giả Trúc Pháp Lan, và cả Tổ Sư Ðạt Ma (xuất thế sau khi Phật diệt độ cả ngàn năm) nữa, các ngài đều có thần thông. Gần đây thì có Lão Hòa Thượng Hư Vân, Luật Sư Hoằng Nhất và Lão Pháp Sư Ấn Quang—các ngài đều là những bậc cao tăng thời cận đại của Trung Hoa và là những bậc A La Hán, những bậc Bồ Tát. Ðặc biệt hơn nữa, mọi người đều công nhận Lão Pháp Sư Ấn Quang chính là hóa thân của Ðại Thế Chí Bồ Tát! Như vậy, sau khi Phật nhập Niết Bàn, ở nước Trung Hoa vẫn có rất nhiều bậc đại đức cao tăng xuất hiện. Cho nên, dù Phật vào Niết Bàn đã năm trăm năm, một ngàn năm, hay một vạn năm đi chăng nữa, hễ người nào có thể y theo Phật Pháp mà chân chánh tu hành, thì người đó cũng sẽ được khai ngộ và chứng quả vị như thường.

 

“Bỏ tà về chánh.” Ðức Phật đã khiến cho tất cả chúng sanh từ bỏ mọi tà tri tà kiến, để quay về với chánh tri chánh kiến.

 

“Nhưng trong mười phần, vẫn còn một hai phần quen theo thói ác.” Trong mười người thì có một hoặc hai người vẫn còn giữ các tập khí xấu ác, chưa hoàn toàn từ bỏ được tất cả những thói hư tật xấu.

 

“Ta cũng phân ngàn trăm ức thân.” “Ta” (ngô) là tiếng tự xưng của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni; Ngài nói rằng: “Ta cũng phân thành cả ngàn trăm ức hóa thân và rộng lập ra nhiều phương tiện. Ta lại còn mở bày vô số pháp môn phương tiện nữa.

Trong số các chúng sanh đó, “hoặc có kẻ có lợi căn, nghe thấy liền tín thọ.” Kẻ có “lợi căn” tức là người có thiện căn sâu dầy, thông minh lanh lợi, rất có trí huệ. Những chúng sanh có lợi căn khi nghe được giáo pháp của Phật thì liền mau mắn tin nhận.

 

“Hoặc có kẻ có thiện quả, phải ân cần khuyên bảo mới thành tựu.” Lại có hạng người mà trong đời trước đã từng làm một vài việc thiện, có gieo trồng thiện quả, thì Phật cũng phải ân cần khuyên bảo thêm để họ được nhanh chóng thành tựu Phật Ðạo, và không phải chỉ khuyên bảo một lần mà là rất nhiều lần. “Ân cần khuyên bảo” không có nghĩa là chỉ khuyên bảo một lần rồi thôi. Khi chúng ta có lòng muốn cứu vớt, độ thoát một người nào đó, thì phải nhớ rằng chưa chắc chỉ khuyên bảo một lần mà “độ” được người ấy ngay. Khuyên một lần mà chưa “độ” được thì phải khuyên thêm lần nữa; nếu thêm lần này mà vẫn chưa “độ” được, thì chúng ta lại phải cố gắng thêm nhiều lần nữa. Nếu những người đó ở xa thì quý vị nên viết thư nhắc nhở, kể chuyện Phật Pháp cho họ biết; còn nếu ở gần thì thỉnh thoảng nên gặp gỡ, tiếp xúc với họ để giảng Phật Pháp cho họ nghe.

Lại nữa, hễ đã phát tâm muốn “độ người” thì chớ để cho mình bị “người độ”! Thế nào gọi là bị “người độ”? Thí dụ, ban đầu là quý vị muốn độ họ, muốn làm cho họ tin Phật, nhưng rốt cuộc thì quý vị lại bị lung lạc và bị lôi kéo vào tôn giáo của họ! Thâm tâm mình vốn muốn “độ người,” làm cho họ tin Phật, ngờ đâu lại bị họ làm cho mình chuyển đổi tín tâm, thay đổi tín ngưỡng—như thế là mình bị “người độ” vậy. Muốn “độ người” thì bản thân mình cần phải có Ðịnh Lực; sở dĩ mình bị “người độ” chính là vì mình không có Ðịnh Lực.

“Ân cần khuyên bảo” ngụ ý là thường xuyên nhắc nhở, sốt sắng khuyên lơn. Ví dụ quý vị suy nghĩ: “Người bạn này đối xử với mình quá tử tế, mình phải độ anh ấy, khiến anh ấy tin theo Phật mới được! Lại còn ông chú bà bác kia nữa, họ đều là những người tốt bụng, mình cũng nên độ họ, làm cho họ thích học Phật Pháp!” Do đó quý vị “ân cần khuyên bảo” họ. Không phải chỉ khuyên một lần mà là kiên nhẫn khuyên lơn rất nhiều lần, lần này mình khuyên giải mà họ chưa hiểu rõ thì cố gắng thêm lần nữa, rồi cứ lần này sang lần khác như thế, dứt khoát không chịu bỏ cuộc. Nói tóm lại, quý vị phát tâm độ người thì phải độ cho tới nơi tới chốn, độ được họ phát tâm tin Phật và cho tới khi họ thành Phật—như thế, sứ mạng mới hoàn tất, thệ nguyện mới viên mãn!

“Hoặc có kẻ ám độn, phải giáo hóa thời lâu mới quay về.” “Ám độn” tức là ngu si, căn tánh mê muội, không có trí huệ. Ðối với hạng chúng sanh ám độn, si mê thì cần phải có thời gian lâu dài để giáo hóa, chứ không thể một sớm một chiều mà được ngay đâu. “Ân cần khuyên bảo” thì tính theo số lần; còn “thời lâu” là thuộc vấn đề thời gian. Nếu trong một ngày mà mình chưa độ được họ, thì phải kiên trì cho dù là hai ngày, ba ngày, năm ngày, hoặc một tháng, hai tháng, ba tháng, năm tháng, hoặc một năm, hai năm, ba năm, năm năm…—quý vị phải nuôi trong lòng một chí nguyện bền bỉ, lâu dài, và giáo hóa họ với cái tâm trường cửu, nhất quyết làm cho họ thành tâm tin tưởng đạo Phật. Ðây gọi là “cửu hóa phương quy”—phải trải qua một sự giáo hóa lâu dài họ mới có thể quay về, quy y Tam Bảo.

 

“Hoặc có kẻ nghiệp nặng, chẳng sanh lòng kính ngưỡng.” Lại có hạng chúng sanh nghiệp chướng nặng nề, tội lỗi thâm trọng, hoàn toàn không có lòng kính tin ngưỡng mộ đối với Phật Giáo.

 

“Ta, Phật Thích Ca Mâu Ni, bèn phân ra nhiều thân để độ thoát những hạng chúng sanh mỗi mỗi sai khác như thế.” Bởi mỗi người đều có những nhân quả nghiệp báo khác nhau, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni phải tùy theo đó mà phân thân hóa hiện thành nhiều loại thân để có thể độ thoát tất cả chúng sanh. , Phật Thích Ca Mâu Ni, bèn phân ra nhiều thân để độ thoát những hạng chúng sanh mỗi mỗi sai khác như thế.” Bởi mỗi người đều có những nhân quả nghiệp báo khác nhau, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni phải tùy theo đó mà phân thân hóa hiện thành nhiều loại thân để có thể độ thoát tất cả chúng sanh.

 

“Hoặc hiện thân người nam, hoặc hiện thân người nữ.” Ðức Phật có thể hiện thân làm một thanh niên khôi ngô tuấn tú để đi độ các người nữ, hoặc làm một thiếu nữ xinh đẹp mỹ miều để đi độ các người nam, bởi Phật biết rất rõ dục tâm khát vọng của chúng sanh. Vì chúng sanh thích chuyện nam nữ nên Phật cũng tùy theo căn tánh của chúng sanh mà biến hiện, hầu có thể giáo hóa chúng sanh.

“Hoặc hiện thân Trời, Rồng.” Ðức Phật cũng hiện ra thân Trời hoặc thân Rồng để độ thoát đồng loại của các chúng sanh ấy.

“Hoặc hiện thân Quỷ, Thần.” Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni còn hiện thân làm vị thần đại oai đức, hoặc làm vị đại quỷ vương.

“Hoặc hiện ra núi, rừng, nguồn sông, đồng bằng, sông rạch, ao hồ, khe suối, giếng nước.” Quý vị xem, trong Kinh nói rằng núi non, rừng rậm, nguồn sông, đồng bằng… đều là do Pháp Thân của Như Lai biến hiện ra. Như thế, cũng có thể là chúng ta hiện đang ngồi trên Pháp Thân của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, mà chúng ta lại không ý thức được đó thôi. Như thành phố Cựu Kim Sơn (San Francisco) này chẳng hạn, cũng là do Phật biến hiện ra từ lâu để làm lợi ích cho chúng sanh, khiến mọi người có nơi để sinh sống.

Tuy trong Kinh chỉ nói là Ðức Phật biến hiện ra núi rừng, cây cối, nguồn sông (tức là nơi có nước), và đồng bằng (nguyên dã), song quý vị chớ cho rằng chỗ đất bằng (bình địa) lại không phải là Pháp Thân của Phật. Ðất bằng cũng là từ Pháp Thân của Phật biến hiện ra vậy. Nếu nói rằng chúng ta đang ngồi trên Pháp Thân của Phật, thì tại sao chúng ta lại không thấy được Pháp Thân ấy? Bởi vì chúng ta cũng giống như con kiến đang bò dưới đất hoặc đang bám trên người chúng ta vậy—nó không thể nào nhìn thấy toàn thân của con người được! Chúng ta chẳng khác nào một côn trùng nhỏ bé sống trên Pháp Thân của Phật, nên mới không rõ Pháp Thân ấy đang ở nơi đâu! Thật ra, chúng ta vốn đang sống trên Pháp Thân của Phật, chẳng qua là chúng ta không nhận ra được mà thôi!

Như vậy, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni có thể hóa hiện ra dòng sông, ao hồ, đồng bằng, khe suối, giếng nước … “để làm lợi ích cho con người.” Tóm lại, Phật hóa hiện những thứ này nhằm mang lại sự ích lợi cho nhân loại, khiến tất cả đều được độ thoát.”

Thí dụ Phật biến hiện ra một hòn núi, quý vị đến núi ấy dạo chơi và cảm nhận được đôi chút linh khí của núi nên phát khởi tâm Bồ Ðề; hoặc là quý vị vào rừng hít thở không khí trong lành của thiên nhiên, thì thứ không khí trong lành này chính là “không khí” của Pháp Thân Phật vậy! Không khí trong hư không đều là của Phật, cho nên một khi quý vị được hít thở không khí của Phật thì nhất định quý vị sẽ được khai ngộ.

Quý vị chớ nên chấp trước, cho rằng sau khi Phật diệt độ được năm trăm năm thì chẳng có người nào khai ngộ nữa cả! Kỳ thực, cho dù Phật đã diệt độ cả năm ngàn năm rồi đi nữa, thì cũng vẫn có người được khai ngộ như thường. Chỉ e rằng quý vị không thật tâm tu hành mà thôi; nếu quý vị thật sự dụng công tu hành, tôi bảo đảm là quý vị chắc chắn sẽ khai ngộ!

Ðức Phật có thể hiện ra một con sông, quý vị đến đó tắm rửa và cảm thấy rất thoải mái, dễ chịu, rồi sau đó được khai ngộ. Sông là do Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni hóa hiện, và cả nước ao, nước hồ cũng vậy. Phật cũng hóa hiện ra giếng nước, quý vị uống thứ nước giếng này thì Ðạo tâm của mình sẽ mỗi ngày một lớn mạnh. Cho nên, đây đều là những cảnh giới không thể nghĩ bàn. Tóm lại, nhất cử nhất động của Phật đều là vì lợi ích của chúng sanh, giúp cho muôn loài đều được độ thoát.

“Hoặc hiện thân Thiên Ðế.” Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng có thể hiện thân làm Thiên Ðế. Giả sử quý vị đang ngồi Thiền bỗng có vị Thiên Ðế đến cúi đầu đảnh lễ và nói rằng: “Tôi là Ðế Thích trên cõi trời!” Vì sao Ðế Thích lại lạy quý vị? Vì muốn làm cho quý vị sanh khởi một Ðạo tâm kiên cố và tinh tấn dõng mãnh.

“Hoặc hiện thân Phạm Vương—tức Ðại Phạm Thiên Vương, hoặc hiện thân Chuyển Luân Vương—tức Chuyển Luân Thánh Vương. Chuyển Luân Thánh Vương có vô số bảo bối quý giá, trong đó có chiếc “phi xa” (xe bay). Hiện nay chúng ta phóng hỏa tiễn từ trái đất mà lên tới mặt trăng thì cũng phải mất một thời gian khá lâu, song nếu dùng “phi xa” của Chuyển Luân Thánh Vương thì chỉ nội trong một tiếng đồng hồ là có thể dạo khắp cõi Tam Thiên Ðại Thiên thế giới. Với chiếc “phi xa” này, không phải chỉ nguyệt cầu, tinh cầu, mà bất cứ nơi nào chúng ta cũng có thể đến được một cách nhanh chóng.

Chuyển Luân Thánh Vương còn có rất nhiều “bảo tàng” (kho báu). Bất luận đến nơi nào, Chuyển Luân Thánh Vương chỉ cần nói: “Ta cần dùng tiền,” thì đất nơi ấy lập tức nứt ra để lộ kho báu—Ngài cần dùng bao nhiêu vàng bạc cũng có cả, và muốn lấy bao nhiêu châu báu thì có bấy nhiêu. Vì sao lại được như thế? Bởi phước báo của Chuyển Luân Thánh Vương rất lớn, hết thảy châu báu đều là dành sẵn cho Ngài, tất cả mọi thứ trên thế gian đều là sở hữu của Ngài.

Chuyển Luân Thánh Vương còn có “bảo mã” (ngựa báu), có thể chạy nhanh hơn cả hỏa tiễn; và Ngài cũng có “bảo nữ” (ngọc nữ) nữa. Chuyển Luân Thánh Vương rất thích “bảo nữ”; lúc nào Ngài muốn thì họ liền tự nhiên hiện ra. Vì phước báo của Chuyển Luân Thánh Vương quá lớn, nên Ngài muốn gì được nấy. Nói chung là tất cả mọi sự đối với Ngài đều “tùy tâm, như ý”; do đó Ngài chẳng hề biết tới nỗi khổ mong cầu mà không được toại nguyện!

Ðức Phật hiện ra thân Chuyển Luân Thánh Vương với đầy đủ oai đức, là muốn cho hết thảy chúng sanh trông thấy được thân tướng của Ngài mà phát Bồ Ðề tâm.

“Hoặc hiện thân Cư Sĩ.” Trong số quý vị cư sĩ ở đây, biết đâu chừng cũng có hiện thân của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni! Quý vị chớ cho rằng điều đó không thể xảy ra, bởi cư sĩ cũng có phần vậy!

“Hoặc hiện thân Quốc Vương làm vua cai trị một nước, hoặc hiện thân Tể Phụ, hoặc hiện ra thân các hàng quan thuộc.” Tể Phụ tức là Tể Tướng, là chức quan cao nhất trong triều đình.

“Hoặc hiện ra thân Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di—bốn chúng đệ tử—cho đến các thân Thanh Văn, La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát để hóa độ chúng sanh.” Phật hiện ra vô số thân khác nhau như thế chỉ nhằm để hóa độ chúng sanh mà thôi.

“Chớ chẳng phải chỉ có thân Phật hiện ra trước chúng thôi đâu!” Ngoài thân Phật, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni còn thị hiện vô số thân khác để độ thoát chúng sanh.

Kinh văn:

“Ông xem Ta trải qua biết bao số kiếp cần cù khó nhọc độ thoát những chúng sanh cang cường đầy tội khổ, khó khai hóa như thế.

Còn những kẻ chưa được điều phục, thì phải theo nghiệp mà chịu báo ứng. Nếu họ bị đọa vào đường dữ và chịu nhiều sự thống khổ, thì Ông nên nhớ nghĩ đến Ta ở cung trời Ðao Lợi đã ân cần phó chúc, mà làm cho chúng sanh ở thế giới Ta Bà đến lúc Ðức Phật Di Lặc xuất thế đều được độ thoát, xa lìa vĩnh viễn mọi điều khổ, được gặp Phật và được thọ ký.”

 

Lược giảng:

Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni nói tiếp: “Ông xem Ta trải qua biết bao số kiếp, suốt một thời gian dài đến nỗi chẳng thể biết được là bao nhiêu lâu, cần cù khó nhọc…” Quý vị xem, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni lúc nào cũng siêng năng cần mẫn, không bao giờ lười biếng, và chẳng có lúc nào được sung sướng cả! Ðức Phật cần cù, không biếng nhác, cũng chẳng mong được hưởng thụ sung sướng—thì tất cả là vì cái gì? Vì Ngài muốn “độ thoát những chúng sanh cang cường đầy tội khổ, khó khai hóa như thế.”

Quý vị chớ nghĩ rằng có lẽ không có mình trong số những chúng sanh tội khổ, cứng đầu, khó dạy này. Sự thực thì quý vị và tôi đều nằm trong số các chúng sanh đó! Quý vị có biết Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni đã phí biết bao tâm huyết để giáo hóa chúng ta, độ thoát chúng ta chăng? Thế mà chúng ta đã không biết hổ thẹn lại còn tỏ ra rất đắc ý, cho rằng sự hy sinh đó chẳng có gì đáng kể: “Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni có vất vả đôi chút cũng chẳng sao. Tôi không thích học Phật Pháp, cũng chưa muốn tu hành vội! Tôi thích được ngủ nghỉ nhiều hơn!” Rồi cứ thế mà tự mình giảng đạo lý cho mình, tự mình làm luật sư biện hộ cho mình.

“Còn những kẻ chưa được điều phục, chưa được độ thoát, thì phải theo nghiệp mà chịu báo ứng, thọ lãnh quả báo. Nếu họ bị đọa vào đường dữ—Ðịa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh—và chịu nhiều sự thống khổ, thì Ông nên nhớ nghĩ đến Ta ở cung trời Ðao Lợi đã ân cần phó chúc, mà làm cho chúng sanh ở thế giới Ta Bà đến lúc Ðức Phật Di Lặc xuất thế đều được độ thoát, xa lìa vĩnh viễn mọi điều khổ, được gặp Phật và được thọ ký. Ông hãy nhớ đến những lời dặn dò, gởi gắm tha thiết của Ta ở tại cung trời Ðao Lợi này, mà cố gắng độ thoát tất cả chúng sanh trong thế giới Ta Bà kể từ bây giờ cho đến khi Ðức Phật Di Lặc ra đời, khiến họ được vĩnh viễn xa lìa mọi khổ não, được gặp chư Phật và được các Ngài thọ ký cho họ làm Phật.

Bây giờ chúng ta nói thêm về Lão Pháp Sư Ấn Quang. Ngài vốn người tỉnh Sơn Tây; sau khi thọ Cụ Túc Giới, Ngài đến núi Phổ Ðà “bế quan.” Trong suốt thời gian “bế quan” này, từ sáng đến tối Ngài ngồi ngay ngắn, chuyên chú xem tạng Kinh một cách hết sức cung kính. Mỗi khi ra nhà vệ sinh Ngài đều thay y phục và mang dép khác. Sau khi đi vệ sinh và tẩy tịnh xong, Ngài lại thay bộ đồ ấy ra, rồi mặc lại y phục mà Ngài thường mặc lúc xem kinh. Cho dù nhà vệ sinh rất sạch sẽ, Ngài vẫn thay đổi y phục như thế—y phục mặc lúc xem kinh thì không mặc khi vào nhà vệ sinh, còn y phục mặc khi vào nhà vệ sinh thì không mặc lúc vào phòng xem kinh. Từ sáng đến tối, Ngài đều xem kinh sách với một thái độ hết sức cung kính, cẩn trọng. Ngài tu ở đạo tràng Quán Âm Bồ Tát trên núi Phổ Ðà suốt mười tám năm ròng, và ngày ngày đều chuyên tâm xem kinh sách, không hề xao lãng.

Sau mười tám năm miệt mài tu học, Lão Pháp Sư Ấn Quang đến Nam Kinh giảng Kinh A Di Ðà; quý vị có biết thế nào không? Một bậc cao tăng thạc đức như thế, mà giảng kinh lại không có ai đến nghe cả; ngoại trừ một người duy nhất, ngày ngày chăm chỉ đến và ngồi ở băng ghế. Thấy vậy, Lão Pháp Sư nghĩ rằng người này hẳn rất thích nghe giảng, nên một hôm Ngài vui vẻ hỏi han ông ta: “Ông nghe tôi giảng có hiểu hết không?” Sở dĩ Ngài hỏi như thế là vì Ngài vốn người Sơn Tây, khẩu âm hơi khó nghe.

Người ấy trả lời: “Ồ! Thưa Pháp Sư, tôi không hiểu gì cả!”

-“Ông không hiểu ư!? Thế ông ngồi đây làm gì?”

Người ấy đáp: “Tôi đợi Pháp Sư giảng kinh xong để tôi cất dẹp các băng ghế. Tôi là kẻ có phận sự thu dọn băng ghế ở đây chứ không phải đến nghe giảng!”

Chao ôi! Lão Pháp Sư nghe qua thì trong lòng vô cùng đau xót, tự nhủ rằng từ nay sẽ không đến thuyết giảng ở đất Nam Kinh này nữa! Quý vị xem, Ngài giảng kinh chẳng ai đến nghe, có được một người đều đặn đến thì lại không phải để nghe giảng, mà là chờ Ngài giảng xong để cất dẹp các băng ghế!

Về sau, Hội Cư Sĩ Lâm ở Thượng Hải cung thỉnh Lão Pháp Sư Ấn Quang đến giảng Kinh A Di Ðà; Ngài nhận lời và lần này, khi Ngài thuyết giảng ở Thượng Hải, thì có rất nhiều người đến nghe. Bởi Phật Giáo ở Nam Kinh bấy giờ không được hưng thịnh lắm, cho nên mặc dù Ngài là bậc thạc đức cao tăng, nhưng vì không có người thông báo, phổ biến tin tức, nên chẳng ai biết để đến nghe Ngài thuyết pháp cả. Còn Thượng Hải là nơi có đông đảo đệ tử quy y của Ngài cư ngụ; những người này biết Sư Phụ mình sắp đến giảng Pháp liền loan báo khắp nơi, nên mọi người nô nức rủ nhau đến nghe Pháp rất đông. Trong số thính chúng đó có một cô học sinh trạc mười tám mười chín tuổi, và chưa phải là tín đồ Phật Giáo. Có một đêm nọ cô nữ sinh này nằm mộng, thấy có người mách với cô rằng: “Ngươi nên đến Cư Sĩ Lâm để nghe giảng kinh. Ðại Thế Chí Bồ Tát đang hoằng dương Phật Pháp ở đó, và Ngài hiện đang giảng Kinh A Di Ðà!”

Sáng hôm sau, cô đọc báo, quả nhiên thấy có đăng tin giảng Kinh A Di Ðà ở Cư Sĩ Lâm và người giảng là Lão Pháp Sư Ấn Quang. Cô kinh ngạc tự hỏi: “Thật kỳ lạ! Sao đêm qua mình nằm mơ lại nghe nói là Ðại Thế Chí Bồ Tát giảng Kinh A Di Ðà kia mà?” Thế là cô ta liền rủ thêm một số bạn học và cùng nhau háo hức đi nghe giảng; và cô còn kể cho họ biết rằng cô chiêm bao thấy vị Pháp Sư này chính là Ðại Thế Chí Bồ Tát!

Tuy vậy, cô nữ sinh này cũng không biết Ðại Thế Chí Bồ Tát là ai, nên bèn đi hỏi những người am hiểu Phật Pháp hơn. Những người này lại hỏi cô ta đầu đuôi sự việc, vì sao lại hỏi như thế; thì cô đáp: “Tôi mộng thấy có người mách bảo rằng Ðại Thế Chí Bồ Tát đang giảng Kinh A Di Ðà tại Cư Sĩ Lâm ở Thượng Hải, và bảo tôi hãy đến đó nghe giảng.”

Những cư sĩ nghe cô nói như thế bèn nghĩ: “Vị Pháp Sư này có lẽ là Bồ Tát Ðại Thế Chí hiện thân đến thật đấy!” Thế là họ tới gặp Lão Pháp Sư Ấn Quang và thưa với Ngài rằng có một nữ sinh nằm mộng thấy có người bảo Ngài chính là Ðại Thế Chí Bồ Tát và đang giảng Kinh Di Ðà ở đây. Lão Pháp Sư liền quở: “Các người chớ nói bậy!” Ngài quở trách những người này một hồi, vì vậy không còn ai dám nhắc đến chuyện đó nữa.

Về sau, cô nữ sinh này cũng quy y với Lão Pháp Sư Ấn Quang. Trong giấc chiêm bao ấy, cô còn được cho biết là vị Ðại Thế Chí Bồ Tát này chỉ còn ở lại thêm ba năm nữa mà thôi, và sau đó thì Ngài phải trở về, không ai còn gặp được Ngài nữa. Quả nhiên ba năm sau, nhằm năm Dân Quốc thứ 33, Lão Pháp Sư Ấn Quang viên tịch. Sau khi Ngài viên tịch mọi người mới biết Ngài là Bồ Tát Ðại Thế Chí. Sinh thời, Lão Pháp Sư Ấn Quang rất thích chép chương “Ðại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông” trong Kinh Lăng Nghiêm; và rất nhiều cư sĩ vẫn còn giữ được những bản chép tay đặc biệt này với chính bút tích của Ngài.

Như vậy, Lão Pháp Sư Ấn Quang là điển hình của một bậc cao tăng thạc đức được khai ngộ trong thời cận đại; cho nên không thể nói là sau khi Phật diệt độ năm trăm năm thì không có bậc A La Hán xuất thế! Kỳ thực, chẳng những A La Hán mà cao hơn cả A La Hán cũng có nữa! Sau khi Lão Pháp Sư Ấn Quang viên tịch và nhục thân được thiêu hóa, thì còn lại rất nhiều Xá Lợi. Người chưa chứng quả hoặc chưa khai ngộ thì không bao giờ có Xá Lợi; có Xá Lợi thì không phải là người thường.

Kinh văn:

Bấy giờ, các phân thân của Bồ Tát Ðịa Tạng ở các thế giới hợp lại thành một hình, rơi lệ ai luyến mà bạch Phật rằng: “Từ số kiếp lâu xa đến nay, con nhờ Ðức Thế Tôn tiếp độ dắt dìu, khiến con có được thần lực chẳng thể nghĩ bàn, đầy đủ trí huệ rộng lớn.

Các phân thân của con thị hiện ở khắp trăm ngàn muôn ức thế giới nhiều như cát sông Hằng; trong mỗi thế giới hóa hiện trăm ngàn muôn ức thân, mỗi một thân đó hóa độ trăm ngàn muôn ức người, khiến cho họ quy kính Tam Bảo, vĩnh viễn xa lìa sanh tử, đến được Niết Bàn an lạc.

Những chúng sanh nào ở trong Phật Pháp, dù chỉ làm việc lành bằng chừng một sợi lông, một giọt nước, một hạt cát, một hạt bụi, hoặc mảy lông tơ, con đều độ thoát lần lần, làm cho họ được lợi ích lớn.

Con cúi mong Ðức Thế Tôn chớ vì những chúng sanh ác nghiệp đời sau mà sanh lòng lo lắng!” Ngài bạch cùng Ðức Phật ba lần như thế.

Lúc ấy, Ðức Phật khen ngợi Bồ Tát Ðịa Tạng rằng: “Lành thay! Lành thay! Ta hộ trợ cho điều Ông muốn để Ông thành tựu được các hoằng thệ nguyện đã lập từ số kiếp lâu xa đến nay. Việc quảng độ xong rồi, Ông liền chứng quả Bồ Ðề.”

 

Lược giảng:

Bấy giờ, các phân thân của Bồ Tát Ðịa Tạng ở các thế giới hợp lại thành một hình. Bồ Tát Ðịa Tạng từ một thân mà phân thành nhiều thân, rồi từ nhiều thân lại hợp thành một thân. Bởi từ một thân mà có thể biến thành nhiều thân, cho nên “một” thân cũng chính là “nhiều” thân; nhiều thân có thể hợp lại làm một thân, do đó “nhiều” thân cũng là “một” thân. Nói một cách sâu xa hơn, thì không có nhiều thân mà cũng chẳng có một thân!

Bồ Tát Ðịa Tạng vốn một thân cũng chẳng có. Vì sao lại nói như thế? Vì Ngài đã chứng được “vô ngã”! Nếu Ngài có một cái thân, tức là Ngài có ngã tướng. Chính vì Ngài đã chứng “vô ngã” cho nên tuy là nhiều thân, song nhiều mà chẳng phải nhiều; dù chỉ là một thân, nhưng một mà cũng không phải là một. Do đó, “một” cũng là “nhiều,” mà “nhiều” cũng là “một” vậy. Phân thân của Bồ Tát Ðịa Tạng nhiều vô lượng, mà vô lượng lại hợp thành một—từ một thân mà thành đến vô lượng thân, từ vô lượng thân lại có thể nhập chung trở lại làm một thân. Như vậy, quý vị nói xem, Bồ Tát Ðịa Tạng làm sao có thể có một “cái” thân được? Hơn nữa, nếu nói là có cái thân thì Ngài nhiều thân như thế, quý vị nói cái thân nào là của Ngài, và cái thân nào là không phải của Ngài?

Cho nên, có thể nói rằng mỗi phân thân đều là Bồ Tát Ðịa Tạng, lại cũng có thể nói đó không phải là thân của Bồ Tát Ðịa Tạng. Tại sao nói có thể là thân của Bồ Tát Ðịa Tạng? Căn cứ vào thân thị hiện của Bồ Tát Ðịa Tạng thì có thể nói đó là thân của Ngài; nhưng xét về thân “vô tướng” thì Ngài vốn không có thân tướng, do đó mà nói rằng đó không phải là thân của Bồ Tát Ðịa Tạng.

Lại có thể nói rằng bất cứ người nào phát nguyện học theo gương Bồ Tát Ðịa Tạng, thì bản thân người đó chính là phân thân của Bồ Tát Ðịa Tạng, so với Bồ Tát Ðịa Tạng chẳng có gì khác biệt. Vì sao quý vị phát nguyện muốn noi gương Bồ Tát Ðịa Tạng? Bởi vì quý vị ngưỡng mộ hành vi, trí huệ, nguyện lực của Ngài. Tại sao quý vị ngưỡng mộ Ngài? Ðạo lý này quý vị vốn đã biết rồi, không cần tôi nói ra. Tuy nhiên, vì quý vị không dám thừa nhận là mình đã biết rồi, cho nên nay tôi phải nói rõ, chứng minh quý vị là phân thân của Bồ Tát Ðịa Tạng. Nếu quý vị thích Bồ Tát Ðịa Tạng thì quý vị phải thực hành theo chí nguyện của Ngài—làm một phân thân của Ngài. Tuy là phân thân nhưng quý vị có thể y theo Phật Pháp mà tu hành, trở về với tự tánh viên mãn của chính mình, minh tâm kiến tánh, thì lúc đó quý vị sẽ có thần thông, có thể quay về để hợp thành một thể, nhập thành một hình với Ðịa Tạng Vương Bồ Tát—bấy giờ cũng chính là lúc quý vị trở về với bản nguyên vậy.

Sau khi các phân thân của Bồ Tát Ðịa Tạng hợp chung lại thành một hình, Ngài rơi lệ ai luyến …” “Ai” là bi ai, buồn bã; “luyến” là lưu luyến, quyến luyến chẳng rời, không đành lìa bỏ. Vì sao Ðịa Tạng Vương Bồ Tát lại bi ai, thương cảm? Có bốn điều khiến Ngài bi ai:

1) Thứ nhất, Ðịa Tạng Vương Bồ Tát đau xót bi ai bởi Lục Ðạo chúng sanh mải mê gây nghiệp tạo tội, không biết sửa đổi. Tất cả chúng sanh trong các cõi Trời, Người, A-tu-la, Ðịa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh do tạo nghiệp tội nên cứ luân hồi luẩn quẩn mãi trong sáu nẻo ấy, không biết hối cải, chẳng biết ăn năn sám hối.

2) Thứ hai, Ðịa Tạng Vương Bồ Tát bi ai là vì tất cả chúng sanh đều cứng đầu, khó dạy—giảng Phật Pháp cho họ thì họ không muốn nghe, nhưng nếu nói những điều không phải là Phật Pháp thì họ lại vui vẻ theo dõi câu chuyện ngay!

Ví dụ quý vị nói với mọi người rằng: “Anh A là một người có học vấn cao, phẩm hạnh tốt. Anh ta giỏi về mọi mặt, cái gì cũng biết cả!”; thì người ta sẽ không chú ý nghe cho lắm. Thế nhưng, nếu quý vị kể cho họ biết anh A là người xấu xa hư hỏng ra sao, khéo che đậy những hành vi tội lỗi của mình như thế nào để không ai hay biết…; thì ai nấy liền chăm chú theo dõi câu chuyện, nôn nóng muốn biết cách che giấu chuyện xấu của anh ta ra sao.

Thói thường, quý vị nói điều tốt thì chẳng mấy ai chú ý nghe. Chẳng hạn quý vị khuyên: “Các bạn nên chăm chỉ học Phật Pháp,” thì không ai để tâm tới và cũng chẳng có ai chịu tu học. Tuy nhiên, nếu quý vị rủ rê: “Hiện nay có một loại thuốc, hễ uống vào thì các bạn sẽ có được một cảm giác rất kỳ diệu,” thì sẽ có rất nhiều người tranh nhau để được dùng thử loại thuốc đem lại ảo giác đó ngay. Uống vào rồi thì đầu óc trở nên mơ mơ màng màng, tưởng chừng như mình đang lâng lâng bay bổng đến Cực Lạc Thế Giới vậy! Ðó vốn là một thứ thuốc vô cùng độc hại, thế mà người ta nếm một lần rồi thì liền muốn thêm lần nữa, dần dà không biết đến bao nhiêu lần! Trong lúc “say” thuốc, họ cảm thấy cái gì cũng biến đổi, thậm chí trời đất cũng không lớn bằng họ nữa! Thế nhưng, qua khỏi khoảnh khắc phù du đó rồi thì họ liền cảm thấy cơ thể mệt mỏi dã dượi, khó chịu một cách khổ sở—không đau đầu thì cũng nhức xương, tay chân rã rời, nên không muốn làm gì cả, cứ nằm vật vã một chỗ như cái xác không hồn. Tuy vậy, mặc dù ra đến nông nỗi này, họ cũng chưa tỉnh ngộ, còn thắc mắc: “Tại sao mình lại như thế này?” Ðã thế, họ còn cho rằng dùng thêm một ít thuốc ấy nữa thì sẽ được khai ngộ: “Lần này hẳn là thuốc chưa đủ công lực, chưa đủ mạnh. Nếu tăng liều lượng nhiều hơn chút nữa có lẽ mình sẽ được khai ngộ, sẽ thành công!”

Quý vị nói xem, như thế mà không phải là ngu si đến cực điểm thì là gì? Bảo học Phật Pháp thì không học, cứ lén lút sử dụng độc phẩm. Dù biết là phạm pháp, nhưng họ vẫn muốn làm, thích làm và làm cho bằng được; cho nên đó chính là những chúng sanh cứng đầu, ương ngạnh. “Khó dạy” tức là khó uốn nắn, không dễ giáo hóa, không dễ dạy bảo. Quý vị khuyên họ học Phật Pháp thì họ không thích; nhưng nếu quý vị bày cách lừa đảo, lường gạt kẻ khác thì họ liền vui vẻ bám riết, cắm đầu cắm cổ chạy theo ngay. Quý vị thấy đó, lòng dạ của chúng sanh là như thế!

Vậy, nỗi bi ai thứ hai của Ðịa Tạng Vương Bồ Tát chính là đau xót vì chúng sanh cứng đầu, khó giáo hóa, khó điều phục.

3) Nỗi bi ai thứ ba của Bồ Tát Ðịa Tạng là gì? Ðó là “mặt trời trí huệ” (huệ nhật) Như Lai sắp lặn. Phật ví như vầng thái dương, cho nên Phật sắp nhập Niết Bàn thì chẳng khác nào mặt trời trí huệ sắp lặn mất; do đó Bồ Tát Ðịa Tạng lấy làm bi ai.

4) Nỗi bi ai thứ tư của Bồ Tát Ðịa Tạng là gì? Là việc dặn dò trọng đại ở Ðao Lợi Thiên Cung. Tại cung trời Ðao Lợi, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni ân cần căn dặn Bồ Tát Ðịa Tạng rằng cho đến trước khi Ðức Phật Di Lặc ra đời, Ngài hãy giáo hóa, độ thoát tất cả chúng sanh và khiến họ được gặp chư Phật, được Phật thọ ký. Ðây là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Ðức Phật Thích Ca Nâu Ni đã giao phó trọng trách này cho Bồ Tát Ðịa Tạng, và đây cũng chính là nỗi bi ai thứ tư của Ngài.

Các phân thân của Bồ Tát Ðịa Tạng hợp chung lại thành một thân, rồi rơi nước mắt mà bạch Phật rằng: “Từ số kiếp lâu xa đến nay, con nhờ Ðức Thế Tôn tiếp độ dắt dìu, được mười phương chư Phật từ bi tiếp dẫn, khiến con có được thần lực chẳng thể nghĩ bàn—thứ thần lực không thể dùng tâm trí để nghĩ suy, không thể dùng ngôn ngữ để luận bàn—và được đầy đủ trí huệ rộng lớn.”

“Thần” là thần diệu khôn lường. “Thần lực” là thứ sức mạnh thần diệu, mầu nhiệm khôn lường, quý vị không có cách gì biết được. Muốn cứu độ chúng sanh thì quý vị cần phải có thần lực; song nếu chỉ có thần lực mà không có trí huệ, thì cũng không được; cho nên quý vị cần phải có đầy đủ đại trí đại huệ nữa. Chúng ta dùng đại trí huệ để chi phối thần lực, và dùng thần lực để hỗ trợ trí huệ—trí huệ và thần lực hỗ tương hợp tác, tương trợ lẫn nhau—nhờ vậy mới có thể cứu độ chúng sanh.

 

“Các phân thân của con thị hiện ở khắp trăm ngàn muôn ức thế giới nhiều như cát sông Hằng, chẳng có nơi nào mà con không hiện thân tới. Trong mỗi thế giới hóa hiện trăm ngàn muôn ức thân, mỗi một thân đó hóa độ trăm ngàn muôn ức người.” Ở mỗi thế giới, Ðịa Tạng Vương Bồ Tát đều phân thành vô lượng, vô biên thân; và mỗi phân thân của Ngài có thể độ thoát cả trăm ngàn vạn ức chúng sanh, “khiến cho họ quy kính Tam Bảo.” Vì sao phải quy kính Tam Bảo? Vì tất cả chúng sanh khi chưa quy y Tam Bảo đều được xem là còn “ở bên ngoài.” Ở bên ngoài của cái gì? Ðó là ở bên ngoài Phật Pháp. Quy y Tam Bảo rồi tức là đã bỏ tà theo chánh, từ bỏ bóng tối u ám để trở về với ánh sáng quang minh. Do đó, mọi người đều cần phải quy kính Tam Bảo— quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng.

 

“Vĩnh viễn xa lìa sanh tử, đến được Niết Bàn an lạc—chứng được bốn cái vui Thường, Lạc, Ngã, Tịnh của cõi Niết Bàn.”

“Những chúng sanh nào ở trong Phật Pháp, dù chỉ làm việc lành bằng chừng một sợi lông, một giọt nước, một hạt cát, một hạt bụi, hoặc mảy lông tơ …” Việc thiện mà bằng “một sợi lông” tức là một việc thiện nhẹ nhất, bằng “một giọt nước” là ám chỉ một việc thiện nhỏ nhất, bằng “một hạt cát, một hạt bụi” là chỉ cho một việc thiện vi tế nhất. “Một sợi lông, một giọt nước, một hạt cát, một hạt bụi” là tượng trưng cho sự ít nhất, nhẹ nhất, vi tế nhất, nhỏ bé nhất. Quý vị có biết một sợi lông nặng bao nhiêu không? Rất là nhẹ, có thể nói là nhẹ nhất. Một giọt nước thì quá ít ỏi, một hạt cát thì rất vi tế, và một hạt bụi thì vô cùng nhỏ bé. Khi giảng Kinh Lăng Nghiêm, tôi đã giảng về “lân hư trần”—nếu lấy một hạt bụi (vi trần) mà chúng ta nhìn thấy được đem phân làm bảy phần, thì biến thành “lân hư trần”—đó là thứ nhỏ nhất, vô cùng nhỏ.

“Mảy lông tơ” thì nhỏ hơn “một sợi lông”—sợi lông thì cũng như sợi tóc vậy, cũng là một loại rất nhỏ; song lông tơ trên thân người thì còn nhỏ hơn nữa.

Vậy, Ðịa Tạng Vương Bồ Tát bạch Phật rằng: “Tất cả chúng sanh dù chỉ làm được rất ít việc lành, hoặc việc lành mà họ làm được thì rất nhỏ nhoi, nên họ chỉ gieo trồng được thứ thiện căn cũng ít ỏi và nhỏ nhoi như thế mà thôi, thì con đều độ thoát lần lần, làm cho họ được lợi ích lớn. Con sẽ nghĩ cách để dần dần độ họ, khiến cho họ được xa lìa khổ não, đạt sự an vui.” Thế nào gọi là “lợi ích lớn” (đại lợi)? Có phải giàu to, phát tài tức là “được lợi ích lớn” không? Phát tài không phải là “được lợi ích lớn”! Vậy thì làm quan chăng? Cũng không phải!

“Ðược lợi ích lớn” tức là được thành Phật! Quý vị nghĩ cái “lợi ích” này có lớn lao không? Ai có thể giúp cho quý vị thành Phật? Chính là Ðịa Tạng Vương Bồ Tát—với đại thần lực và đại trí huệ, Ðịa Tạng Vương Bồ Tát dùng vô số diệu pháp không thể nghĩ bàn để giáo hóa, khiến cho quý vị dù không muốn tiếp nhận cũng không được. Cho dù quý vị muốn bỏ cuộc và nói rằng: “Tôi không học Phật Pháp nữa,” nhưng quý vị cũng không có cách nào từ bỏ được—sự vi diệu chính là ở chỗ này. Ai mà có thể làm cho quý vị trở thành như thế? Chính là Ðại Nguyện Ðịa Tạng Vương Bồ Tát, vị đại thiện tri thức của chúng ta. Ngài có rất nhiều phương pháp diệu dụng có thể mang lại những lợi ích to tát cho chúng sanh.

Ðịa Tạng Vương Bồ Tát bạch Phật tiếp: “Con cúi mong Ðức Thế Tôn chớ vì những chúng sanh ác nghiệp đời sau mà sanh lòng lo lắng!” Ngài bạch cùng Ðức Phật ba lần như thế.

Ước nguyện duy nhất của Ðịa Tạng Vương Bồ Tát là mong sao Ðức Phật khỏi phải lo nghĩ về những chúng sanh tạo nghiệp ác trong đời sau. Vì sao Bồ Tát Ðịa Tạng lại trấn an Ðức Phật, xin Phật chớ lo lắng nữa? Ở đây, ý của Ðịa Tạng Vương Bồ Tát là: “Ðó là trách nhiệm của con. Xin Ðức Thế Tôn hãy giao phó trách nhiệm này cho con. Xin Ðức Thế Tôn chớ lo nghĩ nữa; vì nếu tất cả chúng sanh không thành Phật thì con cũng không thành Phật. Bởi con đã lập nguyện ‘Ðịa ngục vị không thệ bất thành Phật, chúng sanh độ tận phương chứng Bồ Ðề,’ thế nên con thỉnh cầu Ðức Thế Tôn đừng bận tâm lo lắng nữa; con sẽ gánh vác trách nhiệm này.”

Ðịa Tạng Vương Bồ Tát bạch với Ðức Phật như vậy và lập đi lập lại đến ba lần—đó là biểu thị tầm trọng yếu và trân trọng của sự việc. Nếu chỉ nói một lần thì tỏ ra mình không hết lòng tận tụy với trách nhiệm, nói hai lần thì chưa đủ thành khẩn, cho nên để bày tỏ lòng trân trọng đối với sự việc này, Ðịa Tạng Vương Bồ Tát mới bạch với Phật đến ba lần, rằng: “Con cúi mong Ðức Thế Tôn chớ vì những chúng sanh ác nghiệp đời sau mà sanh lòng lo lắng! Xin Ðức Thế Tôn đừng ưu tư lo nghĩ về các chúng sanh hậu thế tạo tội gây nghiệp, bởi đã có con là Ðịa Tạng đứng ra chịu trách nhiệm hoàn toàn. Con nhất định sẽ độ tất cả chúng sanh nhiều nghiệp ác đó được thành Phật.”

Nói đến đây, quý vị nghĩ lại xem chúng ta có nên mừng cho chính mình hay không? Chúng ta tạo nghiệp tội nhiều như thế mà vẫn có cơ hội được thành Phật; vì sao vậy? Mấy hôm trước tôi có dự tính mua bảo hiểm cho người này người nọ, bây giờ thì có người mua bảo hiểm cho chúng ta rồi; người đó là ai? Chính là Ðịa Tạng Vương Bồ Tát! Ngài đã bảo chứng trước rằng những chúng sanh tạo nhiều ác nghiệp như chúng ta đều có thể thành Phật—như thế thì cũng như Ngài mua bảo hiểm cho chúng ta vậy. Vì thế, chúng ta, những người hiện đang nghe giảng Kinh Ðịa Tạng, đều không phải lo âu nữa, mà hãy vui vẻ lên, vì tất cả chúng ta đều có cơ hội được thành Phật. Vì sao? Vì từ trước, Bồ Tát Ðịa Tạng đã bảo đảm cho chúng ta đều được thành Phật—Ngài hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc này. Nếu chúng ta không thành Phật, Ðịa Tạng Vương Bồ Tát cũng không chứng Bồ Ðề; cho nên chúng ta đều nên phấn chấn, vui mừng.

Hôm nay giảng đến đoạn kinh văn này, tôi cũng cảm thấy rất hoan hỷ và có làm một bài hát bằng tiếng Anh. Bài hát này có tựa đề là “Tôi Rất May Mắn Gặp Ðược Thiện Tri Thức.” Vị Thiện Tri Thức đó là ai? Chính là Ðịa Tạng Vương Bồ Tát! Chúng ta được gặp Ngài và được Ngài đứng ra làm người bảo chứng, đoan chắc rằng chúng ta sẽ được thành Phật. Làm sao chúng ta biết được? Căn cứ vào câu nói mà Ngài trân trọng nhắc lại đến ba lần với Ðức Phật: “Con cúi mong Ðức Thế Tôn chớ vì những chúng sanh ác nghiệp đời sau mà sanh lòng lo lắng”; chúng ta có thể thấy được ân đức của Bồ Tát Ðịa Tạng đối với chúng ta vốn cao như trời, dày như đất. Ân đức ấy quá thâm sâu, quá cao dày; còn “cao hơn núi Tu Di và kiên cố hơn núi Tu Di” nữa. Cảnh giới của Bồ Tát Ðịa Tạng thật không thể nghĩ bàn vậy.

 

Lúc ấy, vừa nghe Bồ Tát Ðịa Tạng bảo chứng là tất cả chúng sanh sẽ sớm thành Phật, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni quá đỗi vui mừng nên buột miệng khen ngợi Bồ Tát Ðịa Tạng rằng: “Lành thay! Lành thay! Tốt lắm! Tốt lắm!Ðức Phật nói hai lần như thế. Bồ Tát Ðịa Tạng bạch Phật ba lần, Phật khen ngợi Bồ Tát hai lần “lành thay, lành thay”; như vậy chứng tỏ Phật đặc biệt xem trọng Bồ Tát Ðịa Tạng—Ðịa Tạng Vương Bồ Tát xứng đáng là một vị Ðại Bồ Tát!

 

“Ta hộ trợ cho điều Ông muốn để Ông thành tựu được các hoằng thệ nguyện đã lập từ số kiếp lâu xa đến nay.”

Ðức Phật nói: “Ta sẽ giúp Ông việc gì nào? Ta hoan hỷ giúp Ông những việc mà Ông thích, để cho các thệ nguyện rộng lớn mà Ông đã lập từ vô số kiếp lâu xa trở lại đây đều chóng được thành tựu.”

“Hoằng thệ nguyện” là những lời thệ nguyện rộng lớn; tiêu biểu là Tứ Hoằng Thệ Nguyện:

Chúng sanh vô biên, nguyện độ hết

Phiền não vô tận, nguyện trừ sạch

Pháp môn vô lượng, nguyện học trọn

Phật Đạo vô thượng, nguyện thành tựu

(Chúng sanh vô biên, thệ nguyện độ,

Phiền não vô tận, thệ nguyện đoạn,

Pháp môn vô lượng, thệ nguyện học,

Phật Đạo vô thượng, thệ nguyện thành.)

Chúng sanh vô biên, nguyện độ hết (Chúng sanh vô biên, thệ nguyện độ). Mỗi người chúng ta đều nên tự phản tỉnh: “Chúng sanh vô biên, nguyện độ hết ,thế thì mình hiện đang độ người ta hay là người ta đang độ mình? Mình có độ được chúng sanh chăng? Có phải ban đầu mình tin theo đạo Phật nhưng sau đó lại bị tôn giáo khác độ mất?” Có thể là sau khi quý vị  tin theo đạo Phật thì được nghe nói về việc Chúa Giê Su bị đóng đinh trên thập tự giá thật cao cả, vĩ đại, nên quí vị lại muốn theo đạo Thiên Chúa. Nếu thế, thì đó là quý vị bị người độ, chứ không phải là quý vị độ được người!

Vậy, chúng ta phải thường xuyên tự xét xem mình có đang độ vô biên chúng sanh, đoạn vô tận phiền nã, học vô lượng Pháp môm, và sẽ chứng đắc Phật Đạo vô thượng hay chăng.

Phiền não vô tận, nguyện trừ sạch (Phiền não vô tận, thệ nguyện đoạn). Chúng ta cần phải tự vấn: “Mình đã dứt sạch phiền não chưa? Nếu người nào hơi nặng lời với mình một chút thì mình có sanh lòng sân hận hay không? Có dấy khởi cái tâm đại vô minh hay không?” Quý vị cần phải quán xét, xem mình có như vậy hay không. Nếu có tức là quý vị chưa đoạn trừ được phiền não; còn nếu không có thì cũng chưa thể khẳng định được là quý vị đã hết phiền não! Phải chờ cơ hội để thử thách thì mới biết chắc được quý vị có thật sự dứt sạch phiền não hay chưa!

Nếu không dứt trừ phiền não thì việc học Phật Pháp chỉ là hình thức; phải đoạn trừ được phiền não thì mới là chân cchánh lãnh hội được nội dung của Phật Pháp, thực sự tiến vào “biển lớn” Phật Pháp.

Pháp môn vô lượng, nguyện học trọn (Pháp môn vô lượng, thệ nguyện học). Đường vào Phật Pháp thì vô lượng, vô biêm, là có tám vạn bốn ngàn pháp môn, song đó chỉ là một con số tổng thể, chung chung; chứ thực tế làm sao chỉ có tám vạn bốn ngàn mà thôi được? Kỳ thực, có đến vô lượng vô biên pháp môn, cho nên nói “Pháp môn vô lượng, thệ nguyện học.”

Quý vị chớ nghĩ rằng mình học Chú Lăng Nghiêm và thuộc được Chú Lăng Nghiêm là đủ rồi! Phải biết rằng ĐạiTạng Kinh trong Phật Giáo ví như đại dương mênh mông vậy, không thể chỉ mới học được đôi chút bằng chừng một giọt nước, một mảy lông, một hạt cát hay một hạt bụi, mà có thể hiểu rõ được Phật Pháp. Nếu quý vị thực sự thấu suốt Phật Pháp và được uống nước của biển Phật Pháp, nếu chỉ một hớp mà có thể thể uống cạn hết nước trong biển ấy, thì tức là quý vị hiểu được Phật Pháp; nhưng nếu một hớp mà không uống cạn được nước biển đó thì còn phải học tập rất nhiều!

Phật Đạo vô thượng, nguyện thành tựu (Phật Đạo vô thượng, thệ nguyện thành). Không cần chứng minh thì cũng biết là chúng ta chưa thành Phật; bởi nếu thành Phật rồi thì chúng ta không còn thắc mắc gì nữa, mọi vấn đề đều đã được giải quyết xong xuôi. Do đó, chúng ta chớ nên chưa thành Phật mà lại tự mạo xưng mình là Phật! Như có người khoác lác: “Này, không phải chỉ một mình tôi là Phật thôi đâu, ông cũng là Phật nữa đấy! Everybody is a Buddha!” Những người như thế là “Phật” gì? Là “Phật” phiền não, “Phật” tham lam, “Phật” sân hận, hay là “Phật” si mê? Họ là vị “Phật” nào? Cho nên, hạng người dám thốt ra những lời ngạo mạn như thế quả thật là không biết hổ thẹn! Quý vị không nên chạy theo hạng người lầm lạc mà cứ tưởng mình là đúng đó—những kẻ chưa thành Phật mà dám nói mình là Phật, chưa đắc Ðạo mà dám nói là đã đắc Ðạo—đừng bao giờ bắt chước những kẻ “tăng thượng mạn” ấy.

Ðức Phật lại bảo Ðịa Tạng Vương Bồ Tát: “Việc quảng độ xong rồi, một khi hoàn tất việc cứu độ chúng sanh rộng lớn ấy, Ông liền chứng quả Bồ Ðề.”

Vậy thì lúc ấy là lúc nào? Bao giờ Ðịa Tạng Vương Bồ Tát mới chứng được đạo quả Bồ Ðề? Không có thời điểm chính xác—có thể là cho đến lúc cùng tận của đời vị lai. Như thế là Ðịa Tạng Vương Bồ Tát sẽ chẳng bao giờ chứng được Bồ Ðề sao? Ðiều này thì quý vị khỏi phải bận tâm, bởi thật ra, Ðịa Tạng Vương Bồ Tát đã chứng quả Bồ Ðề từ nhiều kiếp lâu xa về trước rồi. Nếu chưa chứng đắc đạo quả Bồ Ðề thì Ngài không thể nào có được thần lực và trí huệ quảng đại đến thế—đây quả là một thứ cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn. Cho nên, quý vị chớ lo rằng Ðịa Tạng Vương Bồ Tát sẽ không khi nào chứng được Bồ Ðề—Ngài đã chứng Bồ Ðề từ lâu lắm rồi! Bây giờ là Ngài chỉ còn đợi cho quý vị chứng quả Bồ Ðề, đợi tôi chứng quả Bồ Ðề và đợi cho tất cả chúng sanh đều chứng quả Bồ Ðề nữa mà thôi. Do đó, chúng ta cần phải tinh tấn, dõng mãnh tu học để sớm chứng được đạo quả Bồ Ðề.

“Bồ Ðề” là gì? Tại sao chúng ta cần phải “chứng Bồ Ðề”? Và “chứng Bồ Ðề” để làm gì? “Bồ Ðề” là phiên âm từ tiếng Phạn, và được dịch là “giác.” Thế thì, “giác” nghĩa là gì? “Giác” là tỉnh thức, sáng suốt, không mê muội hồ đồ. Vừa rồi có người nói rằng “giác” tức là không còn vô minh—đúng đấy! Chúng ta phải mau mau đoạn trừ những vô minh của mình thì mới mong sớm chứng được đạo quả Bồ Ðề!

 

_____________

p 229-264–Hết phẩm thứ hai