Chinese | Vietnamese
Kinh Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Thiển ThíchPhần Phụ Lục Tuyên Hóa Thượng Nhân giảng thuật |
- Phần Duyên Khởi
- Phẩm Thứ Nhất – Thần Thông Trên Cung Trời Ðao Lợi: 1, 2, 3..
- Phẩm Thứ Hai -Phân Thân Tập Hội
- Phẩm Thứ Ba – Quán Chúng Sanh Nghiệp Duyên
- Phẩm Thứ Tư: Nghiệp Cảm Của Chúng Sanh Ở Cõi Diêm Phù
- Phẩm Thứ Năm: Danh Hiệu Của Ðịa Ngục
- Phẩm Thứ Sáu: Như Lai Tán Thán
- Phẩm Thứ Bảy: Lợi Ích Cho Cả Kẻ Còn Người Mất
- Phẩm Thứ Tám: Các Vua Diêm La và Quyến Thuộc Khen Ngợi
- Phẩm Thứ Chín: Xưng Danh Hiệu Chư Phật
- Phẩm Thứ Mười: Nhân Duyên và So sánh Công Đức Bố Thí
- Phẩm Thứ Mười Một: Địa Thần Hộ Pháp
- Phẩm Thứ Mười Hai: Thấy, Nghe Đều Được Lợi Ích
- Phẩm Thứ Mười Ba: Giao Phó Cho Trời Người
- Phần Phụ Lục
Hôm nay như vậy là đã giảng xong Kinh Địa Tạng, vẫn còn chút ít thì giờ, để tôi kể một vài sự kiện có thật cho quý vị nghe. Có hai người nọ, đều là người Hoa Kỳ—một người tên là Quả Minh. Quả Minh vốn rất thành tâm, song có một thói quen xấu vẫn chưa từ bỏ được. Thói quen gì vậy? Đó là thói thích hút thuốc lá thơm!
Lúc đó là vào năm 1968, tôi đang cư ngụ ở một tầng lầu có diện tích cỡ 50ft x 25ft, tại chùa Thiên Hậu trên đường Waverly. Chúng tôi bấy giờ gồm có chừng ba, bốn chục người cùng sống chen chúc ở đó. Cách ăn ở như thế nào ư? Thì mọi người đều ngủ “giường đất” cả thôi! Chúng tôi trải chăn mền ngay trên sàn lầu thành từng dãy từng dãy như trong quân đội vậy, rồi cứ thế mà ngủ thôi, chứ không có giường.
Thế nhưng, sắp xếp như vậy vẫn không đủ chỗ ngủ cho cả ba, bốn chục người. Do đó, có một số phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất,” ngủ ngay trên sân thượng. Như thế, ngộ nhỡ trời mưa thì phải làm sao? Thì mỗi người bèn dùng một tấm vải mưa trùm kín cái thùng gỗ vuông vắn, vừa vặn cho một người ngồi—cũng có thể ngồi ngủ ở trong đó—cho nên cứ như thế mà luyện môn “tọa Thiền.” Trên sân thượng có chừng mười mấy cái thùng vuông kiểu này, để thành cả dãy như vậy.
Anh chàng Quả Minh này cũng ngủ trên sân thượng. Có một đêm nọ vào khoảng hai giờ sáng, Quả Minh lén mở cửa ra ngoài mà không ai hay biết gì cả. Đến năm giờ sáng thì anh ta trở về kêu cửa, vì cửa đã bị khóa, anh ta không vào được. Hỏi là ai gọi cửa thì anh ta đáp: “Minh đây!” Ở chỗ chúng tôi bấy giờ có một người tên Ninh, vì âm Ninh và Minh nghe cũng từa tựa nhau nên người trong chùa nghe không rõ, tưởng là “Ninh,” bèn mở cửa cho anh ta vào. Vào được rồi, anh ta liền đi thẳng lên lầu, len lén chạy đến cái thùng của mình và chui vào trong. Không ngờ tôi cũng đang ở đó, tôi liền chất vấn anh ta: “Con vừa đi đâu về vậy?”
Anh ta đáp: “Con chẳng đi đâu cả!”
– Chẳng đi đâu cả? Thật hay giả đấy?
– Ơ, con …
Thấy anh ta cứ ngập ngừng, không chịu nói cho ra lẽ, tôi hỏi tiếp: “Con đi từ lúc nào?”
– Ồ, con …
Bấy giờ, anh ta vẫn chưa chịu thú thật, cứ ngần ngừ mãi; tôi gằn giọng: “Con đi ra ngoài để làm gì?”
– Walk! Take a walk! (Con đi tản bộ!)
– Con walk tới chỗ nào?
– Con… con chỉ đi dạo thôi mà!
– Thế con walk đến cây xăng để làm gì?
Anh ta tròn xoe hai mắt, ấp úng: “Con… “
– “Con” làm sao? Con đến đó để làm gì chứ?
– Con đến đó xem cho biết thôi!
– Xem cho biết ư? Thế con đã mua cái gì rồi?
– Ồ! Không… con chẳng mua gì cả!
– Không mua gì cả? Thế thuốc lá thơm của con là từ đâu đến vậy?
Nghe tôi chất vấn như thế, anh ta ngây người ra, trợn mắt thật to, lúng túng đáp: “Con… con đến đó mua thuốc hút!”
– Mua thuốc lá xong, con lại đi đâu nữa?
– Con… walk!
– Walk? Con walk thế nào mà lên tuốt trên xe buýt luôn vậy? Con lên xe buýt để làm gì? Con lên xe buýt để walk ư?
– Con… con đi xe buýt số 5.
– Con đi xe buýt số 5 à? Lúc ở trên xe con có hút thuốc không?
– Không có ạ!
– Không có? Thế tại sao con lại mời cô gái da đen đó một điếu thuốc?
– Ồ!…
Lúc này, anh ta càng sợ hãi hơn nữa.
– Con… con mời cô ấy hút thuốc để dễ bắt chuyện với cô ấy.
– Tại sao ông không bắt chuyện với đàn ông? Tại sao ông phải tìm đàn bà để nói chuyện?
– Ơ… vì không còn ai khác mà!
– Trên xe có đến bốn, năm người mà ông lại nói là không có ai khác nữa à?
Anh ta sửng sốt: “Ai nói với Sư Phụ như thế?”
Tôi nói: “Chẳng phải là con vừa mới nói với thầy đó sao?”
– Con chưa nói cho Sư Phụ biết cơ mà!
– Con chưa nói cho thầy biết sao? Con chóng quên quá đấy! Con vừa mới nói cho thầy biết đây thôi mà!
Tôi hù dọa như thế thôi mà anh ta sợ thật đấy! Mà không phải chỉ hù dọa suông thôi đâu, tôi còn đánh đòn nữa kia! Tôi nói cho quý vị biết: Tôi đánh thật đó, chứ không phải giả bộ đâu. Tôi cầm một cây gậy dài bằng gỗ, ra sức nện vào đầu anh ta một gậy đau điếng; rồi căn dặn: “Thầy cho con biết, từ nay về sau, nếu con không tuân theo quy củ của thầy thì thầy sẽ đánh chết con luôn đấy!”
Từ đó về sau, Quả Minh không dám liều lĩnh trốn ra ngoài nữa!
Đây là lúc ban sơ, lần đầu tiên tôi giáo hóa người Mỹ. Bấy giờ, những người Mỹ đang có mặt ở đó nghe tôi dọa như thế thì đều “sởn tóc gáy,” chẳng hiểu đầu đuôi sự việc như thế nào; một người buột miệng hỏi:
– Sư Phụ! Làm sao Sư Phụ biết rõ đến thế?
– Thế không phải là ông ta vừa mới nói cho tôi biết hay sao?
Ai hỏi tôi, tôi cũng trả lời y như vậy; do đó, cho đến bây giờ họ vẫn chưa hiểu ra sao cả! Hôm nay tôi kể cho quý vị nghe câu chuyện này, để quý vị hiểu được vì sao rất nhiều người Mỹ không dám nói dối trước mặt tôi!
Bây giờ tôi lại kể cho quý vị nghe một câu chuyện nữa, quý vị có muốn nghe chăng? Cũng là một chuyện có thật, chứ không phải bịa đặt. Đây cũng là về một đệ tử người Mỹ của tôi, tên là Quả Tốc. Quả Tốc là một người rất có thành tâm xuất gia. Sau khi xuất gia, chẳng biết vì sao lại không hợp với vị sư huynh hoặc sư đệ nào đó trong chùa, thường hay bị vị đó bắt nạt; không chịu đựng nổi, anh ta bèn bỏ đi.
Trước tiên, Quả Tốc về ở nhà của bà mẹ. Được một thời gian, cảm thấy sống một mình cũng chẳng có gì thú vị, lại cũng chưa thấy khai ngộ, anh ta bèn tìm đến một ngọn núi (dường như ở về phía Bắc của Vạn Phật Thành bây giờ thì phải), và ở lại trên núi đó luôn.
Có một hôm, anh ta về gặp tôi và hỏi: “Bây giờ con muốn về lại đây. Thật ra, con cũng không biết là con nên ở đó hay là về lại đây?”
Tôi nói: “Lúc con bỏ đi, con chẳng màng hỏi ý thầy; thì tại sao khi muốn trở về con lại hỏi? Con đi đã không hỏi thầy, thì con có về lại cũng đừng hỏi thầy!” Ngụ ý của tôi là: Anh muốn trở về thì cứ việc trở về. Lúc đi là do anh tự ý đi; thì khi về, cũng tùy ý anh, đừng hỏi tôi—bởi tôi không thể nói: “Anh hãy về đây đi!” Nếu tôi bảo anh ta về đây thì anh ta sẽ ra vẻ như mình có thế lắm, cho nên tôi không thể nói như vậy được!
Trong khi Quả Tốc quỳ trước mặt tôi nói chuyện, tôi chợt thấy trên vành tai ông ta có vướng một sợi tóc dài khoảng ba tấc, không phải ba tấc thì cũng hai tấc rưỡi. Tôi hỏi: “Ủa! Ở đâu mà con mang về được một bảo bối như thế này?”
(Về việc này, về sau có một người đệ tử viết thành bài văn “Bài ký về một sợi tóc”; không biết có quý vị nào xem qua chưa?)
Tôi nói tiếp: “Con đi đâu về mà lại mang theo bảo bối này thế? Nếu nói sợi tóc này là từ chùa Kim Sơn mang về thì vô lý, bởi ở chùa Kim Sơn chẳng có ai có tóc dài như thế cả. Vả lại, ông nhận ra sợi tóc này là của ai mà—nó đến từ nơi ông đang ở. Tại sao ông lại mang sợi tóc này về? Ông có nhận ra sợi tóc này không?”
– Con nhận ra!
– Nhận ra hả? Đó là tóc của ai?
– Là tóc của một cô gái.
– Tóc của cô ta làm sao lại chạy đến vành tai của ông được? Ông nói thử xem!
– Dạ chẳng có gì cả ạ.
Tôi gặng hỏi: “Chẳng có gì cả ư? Thế thì vì sao cô ấy muốn xách súng bắn chết ông?”
– Ồ!…
Quả Tốc lúc này sợ hãi đến nỗi trợn to đôi mắt, cứng họng, không dám nói thêm tiếng nào.
Tôi dịu giọng: “Con hãy nói cho thành thật. Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì? Cac con vì sao lại đi báo cảnh sát đến đuổi cô ta? Con hãy mau mau thú thật hết đi, đừng để… “
Lúc này anh ta mới kể lể: “Bởi vì con tạm trú trên núi được một thời gian thì có một thanh niên đến ở chung. Chẳng bao lâu sau lại có một cô gái đến ở nữa, cô ta là bạn gái của anh thanh niên kia. Cuộc sống chung đụng này có ảnh hưởng đến người thanh niên nọ, vì anh ta không thích cô bạn gái này nữa, mà chỉ thích tu hành. Cuối cùng, anh ta đã đuổi cô ấy đi.”
Cô bạn gái bị làm nhục đến thế nên tức tối, quyết tâm phải giết cả người thanh niên và Quả Tốc cho bằng được. Lần thứ hai trở lại, cô ta vừa lăm le khẩu súng trong tay vừa hỏi Quả Tốc: “Tại sao anh lại cướp bạn trai của tôi?”
Cô ấy cho rằng Quả Tốc chiếm đoạt bạn trai của mình, nên muốn bắn chết cả người bạn trai lẫn ông đệ tử này của tôi. Lúc bấy giờ cả hai người sợ hãi quá, chẳng biết làm gì hơn, bèn gọi điện thoại cho cảnh sát cầu cứu. Và cảnh sát đã đến thật, đến để bảo vệ họ. Có đến bốn, năm viên cảnh sát cùng đến và bắt giải cô gái này đi. Vì thế mà Quả Tốc không dám ở đó nữa, trở về hỏi ý kiến tôi là anh ta nên về đây hay cứ ở lại đó.
Đó là nguyên nhân khiến hôm nay Quả Tốc có mặt ở đây. Thế nhưng, khi nói xong câu chuyện thì sợi tóc cũng không còn, không biết nó lạc đi đâu? Chẳng có gió thổi, chẳng có gì cả, mà sao tìm không thấy sợi tóc nữa! Đó gọi là “Bài ký về một sợi tóc.”
________________
VẤN ĐÁP
– Hỏi: Có thể cúng dường thuốc men cho Phật được không?
Đáp: Cúng dường món gì cho Phật cũng đều được cả. Những gì mà quý vị yêu thích, thì quý vị đều có thể đem cúng dường cho chư Phật và Bồ Tát.
– Hỏi: Như có khi con nghe được một bài hát hoặc một khúc nhạc rất hay thì con có thể cúng dường ca khúc đó cho chư Phật và Bồ Tát được không? Nếu được, thì phép cúng dường phải như thế nào?
Đáp: Thì cũng là hát ca khúc đó lên thôi! Nhưng quý vị cần phải biết chắc là ca khúc đó không có tính cách dâm đãng, không gợi ý tà dâm thì mới được, mới là chánh đáng. Hiện nay Vạn Phật Thánh Thành của chúng ta cũng có những ca khúc về Phật Giáo, quý vị đều có thể đem cúng dường chư Phật. Chúng ta xướng những bài tán trước tượng Phật, thì đó cũng là dùng ca khúc để cúng Phật vậy. Trong Kinh Pháp Hoa đã có nói rất rõ ràng rằng các ca khúc, âm nhạc, bài tán có tính cách thanh tịnh, trang nghiêm, đều có thể được dùng để cúng Phật.
– Hỏi: Tuần lễ thứ ba của tháng sau là sinh nhật của Sư phụ, chúng con có thể tổ chức lễ mừng sinh nhật cho Sư Phụ chăng?
Đáp: Tôi không ăn mừng sinh nhật! Về sau, tôi đều không có sinh nhật. Ngày nào mà quý vị làm sinh nhật cho tôi, thì tôi sẽ chết. Nếu quý vị muốn cho tôi chết, thì cứ làm; còn nếu không muốn cho tôi chết, thì đừng làm! Nói tóm lại, tổ chức lễ mừng sinh nhật là điều không nên. Vì sao lại không nên?
Bởi vì “sinh nhật” là ngày chúng ta được sinh ra đời, song, đồng thời cũng là ngày “thập tử nhất sanh” của mẹ chúng ta! Đó là “nạn nhật,” một ngày mà người mẹ lâm nạn, nguy hiểm đến tánh mạng. “Nạn nhật” của mẹ thì chúng ta phải niệm Phật nhiều hơn, làm công đức nhiều hơn, làm điều tốt nhiều hơn. Nếu chúng ta tụ tập ăn uống linh đình, ồn ào náo nhiệt, lại còn thâu nhận đồ cúng dường, quà cáp của người khác, thì đây là một việc rất không đúng! Có điều, tôi không muốn nói ra, vì nếu tôi nói ra thì sẽ làm cho rất nhiều người trong quý vị không được vui, lại còn phàn nàn: “Chúng con ai nấy đều có làm sinh nhật cả; Sư phụ nói như vậy khiến cho chúng con không biết nên làm thế nào cho phải?”
Tôi lại hỏi quý vị: Quý vị có biết tổ chức ăn mừng sinh nhật, bất luận là người xuất gia hay tại gia, ai nấy cũng đều có tham cái gì không? Tham náo nhiệt—đó là điều thứ nhất. Còn điều thứ hai là gì? Ấy là tham quà tặng, tham lễ vật. Mừng sinh nhật mà—người thì đem tặng món quà này, kẻ thì biếu cho món quà nọ. Cha mẹ cũng tặng quà sinh nhật cho con cái. Sinh nhật của đứa trẻ con, ít nhất cũng phải tặng cho nó vài món đồ chơi, khiến cho nó mừng rỡ, thích thú.
Thật ra, đây là việc không cần thiết. “Sinh nhật” là ngày mình sinh ra đời—vì sao cần phải ăn mừng? Chúng ta vừa đến cõi đời này là bật khóc ngay, thế thì có gì đáng để ăn mừng nữa chứ? Quý vị cũng thấy đó—trẻ con vừa mở mắt chào đời là khóc thét lên: “Khổ a! Khổ a!”! Lúc đó đứa bé vì chưa biết nói, cho nên chỉ biết dùng tiếng khóc để bày tỏ nỗi niềm: “Khổ a! Khổ a! Đây là khổ a!”
Vì vậy, tôi muốn sửa đổi tập tục này. Quý vị đừng nên cố chấp; chúng ta cần phải phá bỏ mọi chấp trước mới được. Quý vị nghĩ xem, tôi dạy quý vị đừng tham lam, đừng tranh giành, đừng truy cầu, đừng ích kỷ, đừng tự lợi, đừng nói dối; thế mà nếu chính tôi lại mượn cớ làm sinh nhật để nhận “phong bì đỏ” (đựng tiền cúng dường) của mọi người, thì quả thật là chẳng có giá trị gì cả!
Có một đệ tử quy y của tôi nói rằng: “Sư phụ không ăn mừng sinh nhật, khiến con không có cơ hội để bày tỏ lòng thành của mình được. Vậy thì con phải làm sao đây?”
Tôi mách cho quý vị một biện pháp: Quý vị hãy niệm danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát cho thật nhiều! Mỗi ngày, quý vị hãy thay tôi mà niệm danh hiệu các Ngài mười vạn tiếng, như thế chính là chúc mừng sinh nhật cho tôi vậy. Quý vị có làm được không? Đó mới là thật sự làm sinh nhật cho tôi; người tính không bằng trời tính vậy!!!
_________________________________________
Kệ Hồi Hướng
Nguyện đem công đức này,
Trang nghiêm Phật tịnh độ;
Trên báo bốn ân nặng,
Dưới cứu ba đường khổ.
Nếu có kẻ thấy nghe,
Tất phát Bồ Đề tâm
Khi mãn báo thân này
Đồng sanh nước Cực Lạc.
____________
HẾT
***
BÌA SAU SÁCH
Địa Tạng Vương Bồ Tát đời đời kiếp kiếp đều rất hiếu thảo với cha mẹ, do đó bộ Kinh Địa Tạng này chính là một bộ kinh về đạo hiếu (hiếu kinh) của Phật Giáo. Hiếu là nền tảng của con người. Làm con mà chẳng hiếu thuận với cha mẹ tức là trọn một đời chưa chu toàn trách nhiệm làm người; vì sao ư? Cha mẹ sinh ra ta, nuôi nấng ta, nếu ta được lớn khôn mà chẳng biết báo đáp công ơn, thì chính là chưa tròn nghĩa vụ làm người vậy.
“Hiếu” được chia làm bốn loại: Tiểu hiếu, Đại hiếu, Viễn hiếu và Cận hiếu. Thế nào gọi là “tiểu hiếu”? Tiểu hiếu là hiếu đạo trong phạm vi gia đình, tức là chỉ hiếu thảo với cha mẹ ruột của mình, chứ không hiếu thảo với tất cả mọi người, chưa có được lòng hiếu thảo bao la, quảng đại.
“Hiếu quảng đại” là gì? Đó chính là “đại hiếu”—hiếu thuận với khắp thiên hạ, xem tất cả các bậc cha mẹ trên đời như là cha mẹ của mình. Đây gọi là hiếu thuận với tất cả mọi người. Thế nhưng, đại hiếu vẫn chưa phải là hiếu thuận chân chánh.
Thế nào là “hiếu thuận chân chánh”? Chỉ khi nào quý vị thành Phật mới gọi là có lòng hiếu thảo chân chánh, mới là “chân hiếu.” Đây là một loại hiếu thảo đích thực, rốt ráo, vượt hẳn bốn loại hiếu kia.
Thế nào gọi là “cận hiếu”? Noi gương những người con chí hiếu thời cận đại, học cách hiếu thuận cha mẹ của họ—đó gọi là “cận hiếu.”
“Viễn hiếu” là gương hiếu thảo được muôn thế hệ truyền tụng và noi theo; còn cận hiếu là sự hiếu thuận đương thời. Cận hiếu cũng có thể gọi là tiểu hiếu, mặc dù vẫn có vài điểm bất đồng.
____________________
You must be logged in to post a comment.