Chinese and English | Vietnamese

 

Hình ảnh: http://www.cttbusa.org/iipe/presentation.asp

 

Thuyết Trình Về Kế Hoạch Học Viện Phật Giáo Diệu Giác

 

 

Vào ngày 20 tháng 6, năm 2015, một ngày trước ngày giỗ thứ 20 của Hòa Thượng Tuyên Hóa, sau buổi tụng kinh chiều, ban Giám Sát Kế Hoạch Viện Luận Lý và Đạo Đức Quốc Tế (Học Viện Phật Giáo Diệu Giác) đã đặc biệt tổ chức một cuộc họp để trình bày với đại chúng về những tiến triển mới nhất của dự án này. Buổi thuyết trình được trực tiếp thu hình và nối trực tiếp trên mạng điện tử, do đó các đạo tràng chi nhánh thuộc Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới (DRBA) đều có thể xem trực tiếp qua máy điện toán (computers).


Trước tiên, Thầy Phương Trượng Hằng Luật giới thiệu về dự án. Thầy cho biết rằng Vạn Phật Thánh Thành trước đây vốn là một bệnh viện tâm thần. Toàn thể khuôn viên bệnh viện có thể  phân làm 2 khu vực – Khu vực phía Tây là nơi mọi người đang sinh hoạt. Đây là vùng đất đã được khai phát  – có nước, có điện, có hệ thống cống rãnh, và có nhiều tòa nhà; còn Khu vực phía Đông là một vùng đất nông nghiệp mênh mông, trống trải, không điện, không nước, cũng không có hệ thống cống rãnh, hoặc nhà cửa gì cả.

Dưới sự chỉ đạo của Hòa Thượng Tuyên Hóa, Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới (DRBA) đã mua khuôn viên Vạn Phật Thành vào năm 1976. Lúc bấy giờ, Hòa Thượng đã bắt đầu có kế hoạch phát triển Khu vực phía Đông. Ngài dự định Khu vực phía Tây hiện nay sẽ dành riêng cho mục đích giáo dục – xây dựng cơ sở cho trường tiểu học, trung học và đại học; còn Khu vực phía Đông sẽ được dành cho mục đích tu hành tâm linh, là nơi cư ngụ của các người xuất gia và cư sĩ tại gia thành tâm tu hành. Do đó, sau này ở Khu vực phía Đông cũng sẽ có Chánh điện, Thiền Đường, Giới Đường, Đại Trai Đường, phòng học, thư viện, giảng đường và ký túc xá với quy mô mới mẻ và rộng lớn hơn.

Tuy nhiên, việc khai phát Khu vực phía Đông không phài là một công việc dễ dàng, bởi vì biến đổi một vùng đất nông nghiệp thành vùng đất sử dụng khác là một việc vô cùng khó khăn, đầy cam go thử thách. Cho nên, Hòa Thượng đã dành rất nhiều thời gian và công sức để xin phép được sử dụng Khu vực phía Đông; và cho đến trước khi nhập Niết Bàn, Ngài còn dặn dò chúng ta phải tiếp tục công việc khai phá và phát triển Khu vực phía Đông. Hòa Thượng nhập Niết Bàn đến nay đã 20 năm, thì chúng ta, những đệ tử, phải kế thừa và thực hiện di nguyện của Ngài về công cuộc khai phát Khu vực phía Đông này.

 

Tiến sĩ John Vu, Kỹ Sư trưởng của công ty Boeing, sau khi về hưu đã đổi sang ngành giáo dục, và hiện đang đảm nhiệm điều hành chương trình Cao Học Khoa Học Kỹ Thuật Sinh Hóa, Canh Tân và Điện Toán

[Master of Science in Biotechnology, Innovation and Computing Program] tại trường Đại học Mellon University, và là một thành viên trong ban quản trị kế hoạch Diệu Giác Sơn (IIPE/WEBI). Ông nói rằng Hòa Thượng Tuyên Hóa đã căn cứ theo quy chế của Phật để  thành lập Tăng đoàn tại Hoa Kỳ và Tăng Bảo đã bắt đầu phát triển ở phương tây. Thêm nữa, Ngài cũng kiến lập cơ sở giáo dục để dạy dỗ giới trẻ, cung cấp cho giới trẻ có đầy đủ một nền tảng đạo đức lành mạnh, vững chắc và ổn định. Bên cạnh đó, Hòa Thượng còn thành lập Viện Dịch Kinh nhằm phiên dịch kinh điển Phật giáo sang nhiều ngôn ngữ khác, để cho Phật Pháp được hoằng dương khắp toàn thế giới, và nhờ đó mọi người đều có thể phát triển Phật tánh, trí huệ sẵn có của mình.

Thế giới hiện nay đang gánh chịu một áp lực to lớn từ nhiều cuộc chiến tranh, cũng như từ các nạn đói kém, mất mùa, môi trường bị hủy hoại, và ngay cả việc tiến bộ quá nhanh của khoa học kỹ thuật trong khi chưa có sự hướng  dẫn đúng đắn và kịp thời về đạo đức. Chính những vấn đề hiện hữu cũng như tiềm tàng đã góp phần tạo nên nguy cơ khủng hoảng nghiêm trọng để xem nhân loại chúng ta có thể tự cứu mình thoát khỏi sự tự hủy diệt hay không.

Hôm nay, chúng ta tề tựu ở nơi đây chủ yếu là vì kế hoạch Diệu Giác Sơn chưa hoàn thành của Hòa Thượng mà phụng hiến một phần công sức. Chúng ta hy vọng rằng Học Viện Phật Giáo Diệu Giác sẽ là một “ngọn hải đăng của trí huệ và lòng từ bi cho tất cả chúng sanh trong Pháp Giới”.

Thật vậy, Hòa Thượng đã vượt trùng dương để mang Phật Pháp truyền tới Hoa Kỳ, và dùng chân lý Phật Pháp để cứu độ hết thảy chúng sanh. Là đệ tử của Ngài, tất cả chúng ta phải tiếp tục gánh vác công việc hoằng dương Phật Pháp tại Hoa Kỳ cũng như trên toàn thế giới. Tất cả chúng ta phải phát nguyện ủng hộ kế hoạch Học Viện Phật Giáo Diệu Giác (WEBI) như là một cách báo đáp ân đức của Hòa Thượng.

Tỳ kheo ni Hằng Lương nói: “Một vài quý vị đang ngồi ở đây có lẽ đã từng nghe báo cáo về kế hoạch này, cũng tại căn lều lớn này vào ngày giỗ của Hoà Thượng cách đây 10 năm. Lúc bấy giờ, kế hoạch này có tên là ‘Học Viện Triết Học Luân Lý Quốc Tế (IIPE). Tuy rằng thời gian trôi qua khá lâu, thành quả tiến triển cụ thể lại rất ít, nhưng chúng ta từ trước tới nay vẫn chưa hề từ bỏ kế hoạch này, và trong những năm qua nhân duyên cũng dần dần thành tựu viên mãn.

Vậy, những việc Hòa thượng dự đoán sẽ xảy ra nay đã xảy ra – Vạn Phật Thánh Thành tiếp tục lớn mạnh cho đến khi Vạn Phật Thánh Thành không chỉ là một sự cần có tất yếu mà cần phát triển nới rộng cơ sở. Cách đây 3 thập niên, Hòa Thượng từng chỉ thị chúng tôi rằng: Sẽ có một ngày, Tăng đoàn – cùng với cơ cấu giáo dục của Tăng Đoàn và trung tâm huấn luyện Tăng đoàn sẽ dọn tới Khu vực phía Đông – tới Diệu Giác Sơn; và cho đến khi đó, Khu vực phía Tây sẽ được dành riêng cho chương trình giáo dục của thế gian.

Vậy thì, nay thời điểm để cho di sản về Tăng đoàn do Hòa Thượng sáng lập được tiếp tục phát triển theo giáo nghĩa và truyền thống mà Ngài để lại cho chúng ta được trở thành hiện thực đã đến, và dự án Diệu Giác Sơn không còn là mộng tưởng, mà cần phải trở thành sự thật. Để cho dự án này được thực hiện thành công, đòi hỏi sự ủng hộ từ tất cả quý vị. Nguồn gốc quan trọng nhất của sự ủng hộ này chính là sự thành tâm tu hành của quý vị, cộng với thiện ý chúc phúc và hồi hướng công đức của toàn thể quý vị. Đó cũng là lý do tại sao ngày mai, ngày giỗ thứ 20 của Hoà thượng, chúng ta lại cùng đến Khuvực phía Đông để tụng Chú Đại Bi. Nhân ngày giỗ thứ 20 của Hòa Thượng này, cầu mong mỗi một người trong chúng ta, đều vì mỗi một chúng sanh trong hiện tại và vị lai mà phát nguyện thực hiện kế hoạch Học Viện Phật Giáo Diệu Giác.

Cư sĩ John Chu [Chu Kiến Hòa], một thành viên khác trong ban quản trị kế hoạch Diệu Giác Sơn đã trình chiếu một slide show giới thiệu về thiết kế đồ án sơ bộ của Học Viện Giáo Diệu Giác [IIPE/WEBI]. Ông cho biết rằng khu vực tu hành dành cho nam giới sẽ được xây cất trước. Các thầy đã được thăm dò ý kiến nhưng không có ai phản đối. Mọi người hoặc đồng ý hoặc không ai phản đối , cho thấy là dự án “khởi đầu mà tốt đẹp tức là thành công được một nửa.”

 

Cư sĩ Chu còn nói rằng: Kiến trúc của những tòa nhà của Vạn Phật Thánh Thành có nét đặc thù về kiến trúc riêng. Do đó, sơ đồ thiết kế của Học Viện Phật Giáo Diệu Giác sẽ được tham khảo để mô phỏng theo kiểu kiến trúc của Vạn Phật Thánh Thành, và sẽ được kết hợp với những thiết kế tô điểm thêm theo phong cách của Phật Gìáo Trung Hoa để dung hòa nét đặc sắc giữa các tòa nhà ở Khu vực phía Đông và Khu vực phía Tây, để mọi người có cảm giác là Khu vực phía Đông và Khu vực phía Tây là cùng một quần thể. Khu dành cho nam giới sẽ có Thiền Đường, Giới Đường, Giáo Đường, phòng đa dụng, cùng với Tăng viện. Tăng viện là nhà một tầng, còn những phòng học thì nằm trong tòa nhà 2 tầng.

Bill Dede [Quả Cơ], một đệ tử lâu năm của Hòa thượng, người có bằng kiến trúc sư của tiểu bang California, cũng là một thành viên trong ban quản trị kế hoạch Diệu Giác Sơn, cho biết rằng việc xây cất các tòa nhà của Học Viện Phật Giáo Diệu Giác sẽ không được khởi công cùng một lúc mà được.phân ra làm nhiều giai đoạn. Như đã đề cập ở trước, đầu tiên là xây cất ở phía đông bắc của Khu nam giới – Tăng xá, Thiền Đường, Giới Đường và phòng đa dụng. Tiến triển hiện tại là chúng ta đã mướn được các kiến trúc sư để bắt đầu thiết kế và tính toán thực hiện xây dựng các tòa nhà này.

Trong khi giai đoạn 1 của công trình bắt đầu được thiết kế và sắp sửa xây cất, thì kế hoạch cho giai đoạn 2 cũng đang được nghĩ tới và thiết kế. Chúng tôi bắt đầu bàn về thiết kế của các tòa nhà liên quan khác để chúng tôi có thể xây cất các tòa nhà của giai đoạn 1, 2 và 3 trong cùng một lúc. Chúng tôi hy vọng có thể hoàn tất công trình trong một khoảng thời gian hợp lý. Theo kế hoạch trước mắt thì phải mất ít nhất là 10 năm để hoàn tất dự án này.

Như quý vị nhìn thấy từ slideshow do ông John Chu trình chiếu, kiến trúc của tòa nhà đầu tiên là sự phối hợp giữa phong cách kiến trúc của Trung Hoa với phong cách kiến trúc của những tòa nhà cũ ở Khu vực phía Tây. Do đó, quý vị sẽ thấy các tòa nhà ở Khu vực phía Đông đều mang phong cách này – một sự kết hợp có tính cách thực tế, bền vững và hài hòa giữa hai phong cách kiến trúc của Tây phương và Đông phương.

Trong phần Hỏi & Đáp, câu hỏi đầu tiên là: Liệu chánh điện mới có chứa được một vạn người hay không?

Đáp: (Ni Sư Hằng Lương) Không cách nào dung chứa được một vạn người, trừ phi chúng ta tính luôn cả những chúng sanh vô hình. Chánh điện mới này sẽ có đủ chỗ cho chúng ta khi có đại Pháp hội, bấy giờ, chúng ta sẽ không cần tới căn lều lớn này nữa. Chánh điện mới sẽ có đủ chỗ cho mọi người có mặt ngày hôm nay và có thể nhiều hơn nữa.

Bill:  Chúng ta bị hạn chế bởi quận hạt Mendocino là sức chứa của Chánh điện ở Khu vực phía Đông không được quá 2.800 người. Đó là một trong những quy định khi họ cấp giấy phép cho chúng ta được phép xây cất trên một vùng đất nông nghiệp như Khu vực phía Đông.

Hỏi: Thời gian hoàn tất công trình của giai đoạn 1 là bao lâu?

Bill: Như tôi vừa trình bày, chúng tôi đã mướn kiến trúc sư vẽ đồ án, vì vậy chúng ta có thể bắt đầu giai đoạn 1 -xây cất Tăng xá ở khu vực dành cho nam giới. Công trình này sẽ được khởi công vào đầu năm tới, 2016, và có lẽ sẽ mất 2 năm để hoàn thành.

Hói: Ở Khu vực phía Đông có hồ để phóng sanh không?

John: Cho đến nay thì trong bản thiết kế hiện tại của chúng tôi thì không có hồ phóng sanh ở khu vực đặc biệt này; tuy nhiên chúng ta có quỹ phóng sanh, vì thế chúng ta có thể trong tương lai dùng tiền quỹ này vào việc xây hồ phóng sanh một khi tìm được địa điểm thích hợp.

Hỏi: Đại Điện mới có nằm trong giai đoạn 1 không?

John: Nó thuộc về một phần trong giai đoạn 2.

Hói: Các khu vực phía Đông và Tây sẽ được sử dụng như thế nào?

Bill: Như đã đề cập ở trên, Khu vực phía Đông cơ bản là dành cho chúng xuất gia và các cư sĩ thành tâm, nghiêm túc tu hành cư trú. Khu vực phía Tây, là nơi chúng ta đang sinh hoạt hiện nay, sẽ chú trọng về công năng giáo dục pháp thế gian như cơ cấu giáo dục – các trường nam, trường nữ, trường đại học. Khu vực phía Đông được xây nên không phải để cho du khách đến thưởng ngoạn thắng cảnh hoặc đến ngắm Phật điện. Nó được dành cho những người nghiêm túc tu hành đến để an tâm lo việc tu đạo. Trong một vài Pháp hội nào đó, có lẽ những người ở Khu vực phía Tây có thể được phép đến Chánh điện ở Khu vực phía Đông để tham dự, tuy nhiên điều này cơ bản còn tùy thuộc vào sự hỗ tương điều hợp của nội bộ Vạn Phật Thánh Thành, nhưng điều này đã nằm trong dự định của việc thiết kế. Sẽ có một số sự tách biệt trong việc sử dụng hai khu vực phía Đông và Tây. Khu vực phía Đông là để dành cho chúng xuất gia cùng những cư sĩ thành tâm tu hành, cho nên những người chỉ đến thăm viếng Khu vực phía Tây sẽ không được tùy tiện đi vào Khu vực phía Đông và quấy nhiễu sự tu hành nghiêm túc tại đây.