Vài Nét Về Vạn Phật Thánh Thành
Hằng Lý
Từ lâu ý nghĩ của tôi, cũng như các huynh đệ muốn giới thiệu sơ về đời sống tu học tại Vạn Phật Thánh Thành để các vị đồng tu ở xa có thể hiểu phần nào về Thánh Thành. Mãi đến nay mới có cơ hội. Tuy nhiên điều mắt thấy tai nghe không thể nào kể hết được, chỉ xin ghi lên đây ít điều giúp chư vị du lịch Thánh Thành qua những dòng chữ đơn sơ này.
Vạn Phật Thánh Thành hầu như rất nhiều người đã nghe đến và cũng lắm người hữu duyên đặt chân đến. Ðối với đời Mạt Pháp hiện nay rất hiếm có đạo tràng tu hành thanh tịnh. Ðó cũng là một trong những điều khó mà đức Phật thường nói : ‘Nan kiến hảo đạo tràng’. Ðạo tràng tốt không phải là cao sang mỹ lệ, lầu các nguy nga, để cho người thưởng ngoạn, chụp hình. Mà đạo tràng tốt là chỗ để kẻ thành tâm, chân thành tu hành : Nơi mà tiếng kệ lời Kinh không dứt đoạn; ngày đêm sáu thời luân phiên tụng niệm, lễ bái, tham thiền. Ai muốn tu pháp môn nào cũng đều có cả; nào niệm Phật, trì chú, tham thiền, lạy Phật, sám hối v.v.. đầy đủ mọi căn cơ, mọi Pháp môn. Và đặc biệt ở đây không phân biệt người Tây phương, người Hoa, hoặc người Việt … Ai muốn tu gì cũng được, đầy đủ mọi điều kiện, tiện nghi; từ chỗ ăn, chỗ ngủ, tới chỗ tu hành. Người tu khỏi lo việc gì cả, chỉ có điều là quý vị nào muốn tu thì hãy gác chuyện nhà, buông bỏ việc thế tục trước khi bước vào cổng Thánh Thành. Khi vào Vạn Phật Thánh Thành quý vị không còn cơ hội nghe việc thế tục, thị phi nữa; hầu như cũng không có ai rảnh, cũng không có ai hứng thú bàn việc đời chuyện thế với quý vị. Ai nấy suốt ngày đều lo tu, lo học, lo làm công quả. Họ đều có thời gian ở đây quý báu vô cùng. Nhiều vị đến rồi không muốn đi. Vì sao ? vì họ thích tu, thích cảnh thanh tịnh, không muốn bon chen, lăn lộn với đời. Ðời là bể khổ, còn ở đây đất thanh tịnh; mảnh đất thanh tịnh để cho những ai muốn thoát sanh tử luân hồi, vãng sanh cõi Phật.
Nghe đến tên Vạn Phật Thánh Thành tôi cảm thấy lòng bớt phiền não. Nếu ai nghe và đọc nó cũng gieo được nhân duyên với Phật Pháp. Vì đức Phật có nói rằng : ‘Nếu người nào chỉ cần nói một tiếng ‘Phật’ hoặc ‘Nam mô Phật’ thì người đó tương lai sẽ được Phật cứu độ và giải thoát. Có câu chuyện rằng : Thuở xưa có một chàng thanh niên, không biết gì về Phật Pháp, đang lúc đi vào rừng bị một con cọp hung dữ chạy rượt muốn ăn thịt anh ta. Anh ta hoảng hốt, sợ hãi, vội trèo lên cây trốn. Vì quá sợ anh luống cuống chỉ biết kêu lên một tiếng ‘Nam mô Phật’. Trải đến thời gian lâu xa đến thời kỳ đức Phật Thích Ca, anh ta nhờ nhân duyên niệm một tiếng ‘Nam mô Phật’ mà được Phật Thích Ca độ cho giải thoát.
Vạn Phật, tức là 10,000 vị Phật, cũng có nghĩa là vô biên vô số vị Phật, còn chữ Thánh là các bậc Thánh nhân, chư vị Bồ Tát, A-La-Hánh. Vậy niệm lên há không phải là gieo nhân duyên với Phật Pháp sao?
Vạn Phật Thánh Thành lấy lục đại tông chỉ làm căn bản: không tranh, không tham, không truy cầu, không ích kỷ, không tư lợi và không vọng ngữ. Ðặc biệt, các em học sinh, sinh viên lớn nhỏ đều không hút thuốc, không rượu chè, không xem truyền hình, cho đến các Phật tử cũng thế. Ở đây Tăng, Ni nam nữ đều sống riêng biệt, không chuyện trò với nhau.
Có nhiều người khi đến chùa họ hay nói chuyện đời, việc danh lợi, thị phi, phiền não, thậm chí nhiều cô cậu trẻ đến chùa để tìm ý trung nhân, chứ không phải lên chùa để tu. Nếu vậy, các vị ấy sẽ thất vọng lắm khi tới chùa đây. Có nhiều người độc thân, hoặc có vợ có chồng, đến đây trong khoảng một thời gian ngắn thì xin xuất gia tu đạo, nguyện sống đời tu hành thanh tịnh. Cũng có người xuất gia chưa được bao lâu lại hoàn tục, cho rằng tu ở đây quá khổ. Tuy nhiên, đâu có gì là khó, bởi vì việc tu ở đây chỉ là nối tiếp truyền thống của Phật xưa kia, và vô số người tu đạo đều làm đặng. Người quan niệm tu khổ vì họ chưa có cơ hội tìm hiểu sâu xa, cơ hội thích ứng và lòng nhẫn nại. Ở đây, mỗi ngày chư Tăng Ni chỉ ăn một bữa trưa. Khi chưa quen với một bữa cơm, bạn sẽ thấy đói lắm, khi quen rồi thì bạn sẽ thấy sao dễ dàng quá! Dầu một song chư Tăng sức khỏa đều đầy đủ. Chư Tăng Ni đa số đều phát nguyện ngủ ngồi, đêm ngủ khoảng bốn tiếng, 3 giờ rưỡi thức dậy, 4 giờ khóa lễ công phu sáng. Ngủ ngồi nếu tập được rất lợi như : ngủ ngồi khiến lòng tiết dục, giảm bớt khởi nghĩ tưởng điều xấu xa, tinh thần luôn tỉnh táo. Nhất là khi thức dậy, tinh thần minh mẫn hơn ngủ nằm. Trước hoặc sau khi ngủ có thể ngồi thiền tại chỗ. Và khi đi đâu xa, nhất là trường hợp đông người, phòng xá chật hẹp, khỏi phải lo về vấn đề chỗ ngủ. Nếu so sánh với thời xưa lúc Phật Tổ tu hành việc độ ngọ, ngủ ngồi đời nay thật quá sung sướng gấp trăm gấp ngàn lần. Xưa kia Phật Tổ phải đi khất thực, từ sáng đến trưa, thậm chí có ngày không được cúng dường, các Ngài phải nhịn đói. Còn bây giờ cơm canh có sẵn tại chùa. Song le của đàn na tín thí dâng cúng, để tạo điều kiện cho chúng ta khỏi mất thời giờ đi khất thực, chuyên tâm tu tập, phụng sự ngôi Tam Bảo. Nếu ăn không ngồi rồi, thì muôn kiếp phải trả, nên cổ nhân nói :
‘Thí chủ nhất lạp mễ
Trọng nhược Tu Di Sơn
Thực liễu bất tu đạo
Bì mao đãi giác hoàn.Nghĩa rằng:
‘Hạt gạo thí chủ cho
Nặng bằng núi Tu Di
Ăn xong chẳng tu đạo
Ðeo sừng, đội lông trả’.
Còn ngủ thì thời xưa nhiều vị Thánh Tăng ngủ dưới gốc cây, hoặc ở nghĩa địa, chịu sương, chịu gió. Quý Ngài xem thân mạng nhẹ như sợi lông. Các Ngài ngày đêm chuyên cần hành đạo, trau giồi trí tuệ để thoát sinh tử luân hồi. Thời nay Vạn Phật Thánh Thành cũng muốn noi gương duy trì sự khổ hạnh của thời chư Phật, Tổ Sư xưa kia. Vả lại thời bây giờ ngũ dục quá thạnh hành, nếu thực hiện được lối tu khổ hạnh này thì sẽ diệt trừ đặng ngũ dục. Sở dĩ Tăng Ni ở đây tu khổ hạnh là nhờ có tấm gương của Hòa Thượng Tuyên Hóa, người sáng lập ra Vạn Phật Thánh Thành. Ngài là vị kế thừa vị Hòa Thượng Hư Vân bên Trung Hoa. Cuộc đời ngài Hòa Thượng Tuyên Hóa rất phi thường. Ðức độ và đạo hạnh của Ngài rất ít có trong đời Mạt Pháp bây giờ. Ngũ dục chẳng động tâm Ngài. Thành, bại, được, mất chẳng bận lòng Ngài. Lòng từ bi của Ngài vô hạn, phổ độ tất cả kẻ ác, người lành. Ðại nguyện của Ngài sâu rộng vô biên, cứu vớt tất cả kẻ khổ đau, thành tựu tất cả người tu hành. Những ai chân chánh phát tâm tu hành, Ngài đều hộ trì dẫn dắt khiến cho thành tựu đạo nghiệp.
Ðặc biệt tại Vạn Phật Thánh Thành, Kinh điển rất phong phú. Ngoài Tam Tạng Kinh Ðiển ra còn có rất nhiều Ngữ Lục, Thánh điển bằng Hán ngữ của các vị Thánh Tăng, các vị Tổ, Kinh bằng tiếng Anh cũng khá nhiều. Nhưng tiếng Việt quá ít. Mong sao trong tương lai có nhiều vị thiện trí thức đến đây tu học và góp phần phiên dịch Kinh điển ra Việt ngữ để cống hiến cho dân tộc Việt ta. Nguyện cùng chia xẻ hương vị giáo pháp, cùng nhau sách tấn tu hành giải thoát và giác ngộ.