English | Vietnamese
Tam Bộ Nhất Bái
Những lá thư của Tỳ kheo Hằng Thật và Hằng Triều gởi cho Hoà Thượng Tuyên Hóa trong chuyến hành hương đến Vạn Phật Thánh Thành.
Valley Ford, California tháng Sáu 1979.
Đừng cầu mong bất cứ gì ở bên ngoài
Tôi (những vọng tưởng ích kỷ của tôi) càng chết đi nhiều chừng nào, tôi lại càng thấy hạnh phúc hơn chừng ấy.
“Từ khi Bồ Tát tự nhiên nhìn thấy Đức Phật, Bồ Tát đã không còn một niệm ham muốn nào nữa …”
(Kinh Hoa Nghiêm)
Có điều gì đó thật kỳ diệu và không thể nghĩ bàn đã xảy ra vào ngày hôm qua. Mỗi khi lễ lạy vào buổi sáng, như thường lệ, trong tâm mình tôi hồi hướng và cúng dường công đức đó đến chư Phật mười phương.
Ngày hôm trước, tôi bỗng nhận ra một điều: chắc chắn thế nào rồi mình cũng phải chết; không phải chết một lần mà cả hàng triệu lần như thế từ nay cho đến lúc thành Phật. Tôi bèn phát nguyện tu Bồ tát đạo trong suốt những kiếp về sau và lời nguyện đó cũng bao gồm nhiều cái chết.
Tại sao tôi phải lo nghĩ đến việc đạt được những lợi ích nhỏ nhoi, tìm cầu danh tiếng hay lợi ích cho cái túi da mỏng manh dễ hư hoại này? Tại sao tôi không tự tại hạnh phúc và tu hành như một vị Bồ tát thật sự? Tại sao tôi không dành hết mọi thời khắc của cuộc đời này để phục vụ cho chân lý — cho Thưòng Trụ Tam Bảo của Phật pháp?
Tôi sẽ nhất tâm tập trung tu hành. Tôi sẽ dùng thank kiếm Kim Cang Trí Huệ để giữ tâm niệm của tôi an tĩnh và để chuyển pháp luân. Thật không có gì khác đáng làm hơn chuyện này cả. Ham muốn là cội nguồn của khổ đau. Tại sao tôi cứ phải đuổi chạy theo nó?
Nếu có người có thể y theo Pháp cúng dường Đức Phật thì người ấy chỉ nghĩ đến Phật và tâm không còn dao động nữa. Nếu người nào có thể nghĩ đến Đức Phật với tâm bất loạn, thì người đó sẽ luôn luôn được thấy vô số chư Phật.
(Kinh Hoa Nghiêm)
Ngày hôm qua, các vọng tưởng của tôi lai dấy lên như thường lệ. Nhưng lần này, tôi đã thuyết pháp cho các vọng tưởng nghe như thế này:
“Chúng ta đang lạy Phật. Chúng ta đang lạy Pháp, chứ không phải lạy cho cái Ngã. Từ nay trở đi, cứ mỗi một vọng tưởng, mỗi một ý nghĩ ích kỷ, mỗi một ý nghĩ thiện lành sẽ tạo thêm một Đức Phật trên thế gian này. Tôi sẽ làm thật đấy. Tất cả các vọng tưởng sẽ được tái sanh bằng sự chuyển hóa của Pháp. Không còn ham muốn ích kỷ nữa, chỉ có nhiều đức Phật hơn mà thôi. Trong cõi Tam Giới này, tôi khộng còn ham muốn cái gì nữa. Đối với thế gian này thì tôi đã chết mất rồi “.
Nếu ta có thể buông bỏ hết tất cả khi chết thì tại sao lúc còn sống lại không buông xả nhiều hơn nữa? Nếu ta xem sống cũng như chết thì sự khác biệt giữa hai trạng thái ấy là gì? Không có gì khác biệt! Thế thì không có sanh mà chẳng có tử. Hãy nhìn sự kỳ diệu ngay trong một niệm tức thời đó xem sao, chỉ như trở bàn tay vậy thôi.
Và từ đó, mỗi một ý nghĩ của tôi lại bị chém nát bởi thanh kiếm Kim Cang Trí Huệ. Cứ mỗi một giọt ánh sáng muốn lậu thoát ra khỏi các giác quan của tôi liền được tái chuyển hoá bởi sự mong muốn thêm một vị Phật nữa. Chư Phật bây giờ bắt đầu hiện thân trước mắt tôi, dần dần xuất hiện và rồi các vị Phật lại thành sống động với ánh sáng rực rỡ của các màu sắc, các trang nghiêm, và các hào quang.
(Bồ Tát) thường thích tu tập thiện căn Phổ Môn, đều thấy tất cả chúng hội Chư Phật. Như thiện căn hồi hướng của tất cả Như Lai thời quá khứ, Bồ Tát cũng hồi hướng như vậy.
Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Hồi Hướng
Mỗi một vị Phật đang thuyết pháp cho một pháp hội rất lớn với vô số Bồ tát tham dự. Và khi tôi tiếp tục cúng dường chư Phật và hồi hướng đến mọi chúng sanh thì chư Phật lại hóa hiện ra gấp nhiều lần hơn thế nữa. Và rồi các vị Phật đó lại nhập vào nhau thành một đức Phật to lớn; sau đó lại hóa thân ra thành vô lượng vô số các vị Phật; tất cả đều giống nhau, đều vô ngại và dung thông.
Trước vẻ oai nghiêm và trí huệ của chư Phật, tôi cảm thấy bàng hoàng và hổ thẹn. Các Ngài quá toàn diện, quá hoàn hảo, vô biên và tự tại, tuyệt đối hoàn thiện, dõng mãnh, vô uý và từ bi. Các Ngài phóng ra các hào quang thanh tịnh và hoan hỷ.
Tôi cảm thấy bao nhiêu ham muốn lại quay trở về với mình. Lòng tôi trở nên rất bình thản. Thông thường, tôi hay phóng chiếu những ý nghĩ về quá khứ và tương lai và chúng cứ như đám mây bủa vây quanh tôi. Nhưng khi thấy sự viên mãn hoàn hảo của Đức Phật lúc Ngài ngồi tĩnh lặng và thanh thản trong sự hoàn hảo của chân như tự tánh đã khiến tôi không còn muốn mong cầu gì nữa.
Đức Phật đã nói với tôi không bằng lời mà phát ra từ tia sáng của Ngài. Ngài bảo: “Tất cả đều an ổn, con đừng lo lắng ! “
Hình ảnh của chư Phật hiện hữu trong tôi suốt lúc toạ thiền, suốt bữa ăn trưa và kéo dài đến suốt cả buổi chiều bái lạy. Khi chí tâm đảnh lễ chư Phật, tôi lại quán tưởng đến món nợ từ ân đối mà tôi còn thiếu vị thầy của tôi đã chỉ dạy cho tôi con đường đi đến sự an lạc này. Ngay lúc đó, một chiếc xe Chevrolet màu xám dừng tấp vào ven đường và Hoà Thượng Tuyên Hoá bước ra.
“Chào con, con như thế nào rồi?”
Thật không thể nghĩ bàn, hình hài của Hoà Thượng và hình ảnh của chư Phật trong tâm tôi đều hòa nhập lại với nhau thành một. Tôi thật nghẹn lời. Chẳng có gì để nói.
“Con có thấy những cảnh giới đặc biệt nào không?”.
Tôi không thể nào diễn tả được những gì mình đã thấy, và cũng tốt khi yên lặng không nói gì cả.
“Đừng cầu mong bất cứ gì ở bên ngoài. Tất cả những gì con cần thì đã có sẵn trong con. Những gì con có bên trong là đủ rồi, đừng tìm kiếm ở bên ngoài. Tu hành chính là ngay chỗ này, con có hiểu không? ” Hòa Thượng nói như thế.
“Hẹn gặp lại con! Hãy cố gắng hết sức mình! “
Cảnh giới là cảnh giới; những ham muốn của tôi vẫn còn bám rễ sâu. Tôi cũng chưa hiểu hết được. Hình ảnh của chư Phật cũng đã phai nhạt dần khi tâm trí tôi mở ra suốt cả buổi chiều. Hình ảnh đó không cầu mà đến thì khi nó ra đi chẳng có gì phải lưu luyến. Cần phải kiên nhẫn và chăm chỉ thêm nhiều để biến hình ảnh đó thành thật.
“Nếu quý vị sắp được giác ngộ và có thể buông bỏ hết được tất cả ham muốn của mình, quý vị có thể khai ngộ trong chớp mắt. Nếu quý vị rất thật sự hiểu rõ, quý vị có thể khai ngộ ngay lập tức “.
Kinh Lục Tổ – Hoà Thượng Tuyên Hóa
Tôi còn phải chết thêm nhiều lần nữa.
Phần II
Câu chuyện chưa hết. Việc thấy Đức Phật được theo sau bởi nhiều ngày đau khổ và phiền não. “Ma quỷ” làm phiền chúng con bằng những lời thóa mạ, nguyền rủa và sự phóng xe vào. Họ chạy xe tải và xe hơi của họ ra khỏi đường và chạy gần sát chúng con, chỉ cách nửa tấc. Tâm trí của con không ổn định và hoàn toàn không được bình tĩnh, an bình hay hạnh phúc. Tại sao lại không?
Con đã cho phép và bám chấp vào cái thấy hỷ lạc của con. Con xem đó là một thành tựu và là một cái gì đó để bám giữ. Khi cảnh giới mờ dần, con đã cố gắng để có cảnh giới đó trở lại. Điều này chỉ là sự tham lam, sân hận và ngu si xưa cũ. Vì tìm kiếm một cảnh giới, con đã bắt đầu ép buộc tâm trí mình suy nghĩ, và sự tức giận trỗi dậy khi tâm trí con không hành xử theo. Đây là khi các cuộc tấn công của ma quỷ bắt đầu.
Những ma quỷ chính là những tâm niệm tức giận đang đấu tranh trong tâm trí con và thị hiện trước mặt con. Tìm kiếm bất cứ điều gì, ngay cả tìm Đức Phật, không phải là Đạo của Đức Phật. Việc tìm kiếm đó có thể cũng như đang tìm kiếm sự giàu có hoặc danh tiếng; tất cả đều cùng là lòng tham giống nhau.
Giữ Trung Đạo giống như cố gắng giữ một con cá trơn trượt. Chân lý là căn bản; tâm trí của chúng ta là ảo tưởng. Mỗi lần tôi ngừng làm việc vì nghĩ rằng mình “được cái gì đó”, tôi lại thua cuộc.
Nhưng đó là điều kỳ diệu của nó. Mỗi bài học mới đem lại cảm giác đến gần hơn trung tâm an lạc và viên mãn bất động.
Biết đủ, luôn vui,
Nhẫn được, thì an.
Hòa Thượng Tuyên Hóa
Không tìm kiếm cũng không nắm bắt bất kỳ thiện pháp nào. Trong tất cả những gì tâm trí làm, không có gì để đạt (đắc) được. Ở tất cả mọi nơi, đều sanh ý nghĩ xả ly.
Về các thực hành của Bồ Tát, ngài khởi sanh ý nghĩ về tu hành thanh tịnh. Về trí tuệ toàn diện, ngài không có ý nghĩ tìm kiếm hay bám chấp vào.
Bồ Tát trang nghiêm cho mình bằng tấ cả các định và trí tuệ của ngài tùy theo các Pháp Giới.
Kinh Hoa Nghiêm
Đệ tử Quả Chân
(Hằng Thật)
Cung kính đảnh lễ.
Ghi chú:
(1) Nguyên văn Hoa ngữ:
知足常樂,能忍自安
Tri túc thường lạc, năng nhẫn tự an.