Chinese | English | Vietnamese
Chúng Ta Nên Cầu Nguyện Cho Quốc Gia Và Làm Việc Vì Lợi Ích Của Mọi Người
Bài viết của Cung Đồng Tộ (龔同祚 Gong Tongzuo)
Trích dịch từ 宣化老和尚追思紀念專集 – IN MEMORY OF THE VENERABLE MASTER HSUAN HUA
Tuyên Hóa Lão Hòa Thượng Truy Tư Kỷ Niệm Chuyên Tập – Quyển Một.
Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới, Ðại Học Pháp Giới Phật Giáo Xuất Bản
“Người xuất gia không nên tham dự vào chính trị. Nhưng cũng không thể ngồi yên nhìn quốc gia suy tàn” (1)
Hòa Thượng Tuyên Hóa
Đã nhiều năm trôi qua kể từ khi Hòa Thượng Tuyên Hóa mang Phật Giáo đến đất nước Mỹ. Mặc dù Ngài không nhập quốc tịch Mỹ, nhưng sự lo lắng và mối quan tâm của Ngài dành cho nước Mỹ và người Mỹ lại chưa bao giờ giảm đi dù chỉ một chút ít. Hòa Thượng cho rằng mọi lời nói và việc làm của những nhà lãnh đạo chính trị của quốc gia có ảnh hưởng sâu rộng. Người Trung Hoa có câu rằng: “Những gì người trên làm thì kẻ dưới bắt chước theo còn nhiều hơn nữa” (2). Đây là lý do tại sao mà Hòa Thượng kỳ vọng và khích lệ các nhà lãnh đạo chính trị có những phẩm chất cao quý, xuất chúng và thực sự dẫn đầu trong việc làm mô phạm cho mọi người. Có như vậy, xu hướng sa đọa và suy đồi của quốc gia có thể được thay đổi và người dân sẽ lại được hưởng phúc lành.
Khi cựu tổng thống George Bush tái tranh cử vào năm 1992, Hòa Thượng đã nói với một nhân viên giao tế của Tòa Bạch Ốc khi người này đến gặp Ngài ở Viện Phiên Dịch Quốc Tế tại thành phố Bulingame:
“Nếu Tổng thống Bush có thể từ chối nhận tiền lương, tôi có thể bảo đảm rằng ông ta sẽ tái đắc cử.”
Sau đó, Ngài cũng đã viết một lá thư gởi Tổng thống Bush và lặp lại lời khuyên của mình:
Ngày 25 tháng 9,1992
Tổng Thống George H.W Bush Tổng Thống của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ Tòa Bạch Ốc 1600 Đại lộ Pensynvania, NewYork Thủ đô Wahington. 20500
Kính gởi Ngài Tổng Thống,
I. Tôi viết cho Ngài đúng vào thời điểm chuyển tiếp trong lịch sử nước này, thời điểm mà khi những thảm họa tự nhiên như bão lốc, lụt lội và thảm họa nhân loại như bệnh dịch AIDS và những hành vi dân chúng vô luật lệ – xuất hiện ở mọi phía, đang chứng minh cho những hiểm họa tinh thần ở mảnh đất này. Tôi nói những lời này từ trái tim mình và xin gởi tới Ngài lời khuyên để được tái đắc cử vào lúc tình hình gay go trong cuộc vận động tranh cử năm nay. Tôi hy vọng rằng, một lần nữa, như đã làm trong quá khứ, Ngài sẽ không tiếc công sức hay sự hy sinh để phục vụ cho người dân Hoa Kỳ. Thưa Tổng Thống, chỉ có người có đức hạnh mới đủ tư cách và thích hợp để lãnh đạo quốc gia này. Do thói quen đáng tiếc và mất thời gian của các cử tri chúng ta khi đổ lỗi cho các nhà lãnh đạo đương nhiệm về tất cả và bất kỳ vấn đề gì trên mảnh đất này; để Ngài có thể tái đắc cử, trong giờ phút này đòi hỏi sự quả cảm phi thường, một sự hy sinh lớn lao và cần một phương pháp đổi mới toàn diện. Tôi xin đề nghị một phương pháp như vậy cho Ngài, một nguyên tắc sẽ làm mới sự ngưỡng mộ của mọi người đối với phẩm chất lãnh đạo của Ngài. Tôi không lo sợ rằng Ngài sẽ khiển trách khi tôi nói những lời thẳng thắn này. Tôi kêu goi Ngài hãy làm những gì mà một vị Tổng Thống có tầm nhìn thấp kém khó có thể làm được và hãy tình nguyện làm công việc của một người điều hành quốc gia này không vì tiền hay bất cứ một phần tưởng thưởng vật chất nào. Nếu Ngài cho người dân Hoa Kỳ biết rằng Ngài sẽ trả lại toàn bộ tiền lương của mình và có kế hoạch phục vụ đất nước Hoa Kỳ một cách thuần khiết và với danh nghĩa của sư lãnh đạo đức độ thì Ngài sẽ chắc chắn được bầu cho nhiệm kỳ bốn năm tiếp theo. Tôi bảo đảm về chiến thắng này của Ngài. Hơn thế nữa, bằng cách không nhận lương, Ngài sẽ đưa trở lại trong trái tim của mọi người dân Hoa Kỳ tinh thần đức hạnh của Thomas Jefferson và những người cha đẻ của nền Dân Chủ, những người đã dẫn dắt chúng ta vượt qua những thời kỳ khó khăn của đất nước để trở thành quốc gia, mà không một chút quan tâm tới tưởng thưởng cá nhân. Ngọn gió về tấm gương vị tha của Ngài sẽ thổi khắp thế giới, các nguyên thủ quốc gia trên toàn cầu sẽ rời khỏi lòng tham lam mà noi theo lòng quả cảm của Ngài. Một vị Tổng Thống tình nguyện ra ứng cử chỉ vì đó là công việc của mình, vì trách nhiệm phụng sự quốc gia, thì trong giờ khắc lịch sử này, điều đó sẽ được kính trọng trong lòng những người dân Hoa Kỳ và họ sẽ bầu cử lần nữa cho Ngài như một vị lãnh tụ có tinh thần vì cộng đồng và đầy lòng vị tha, người mà chỉ có mối quan tâm duy nhất là vì lợi ích chung của quốc gia này. Một vị Tổng Thống nắm giữ trọng trách hướng dẫn lãnh đạo quốc gia trong khi lại không nhận tiền lương sẽ tạo nên tấm gương sáng chói và mạnh mẽ cho mọi đại biểu Quốc Hội và cho tất cả những công viên chức các cấp trong Chính Phủ, một gương mẫu đáng kính về trách nhiệm tài chánh không thể bị công kích. Thế giới chỉ có thể có được lợi ích từ một vị lãnh tụ quả cảm như vậy. Do đó, tôi khuyến khích Ngài đừng lo lắng gì về những khó khăn cá nhân trong suốt nhiệm kỳ Tổng Thống bốn năm tiếp theo. Sự giàu có về đức hạnh của Ngài sẽ có được sự tôn kính từ trong sâu thẳm trái tim mỗi người dân, họ sẽ xúc động bởi tấm gương thực sự chính trực của Ngài và họ sẽ bầu cho Ngài. Sự an nhiên tâm hồn mà Ngài sẽ có được khi lãnh đạo một quốc gia bằng sự liêm khiết, vì chính nghĩa và công việc được hoàn thành tốt đẹp, sẽ là sự tưởng thưởng cho suốt cuộc đời Ngài. II. Tôi cũng mong rằng với lá thư này để nhấn mạnh vai trò trọng yếu của giáo dục trong một quốc gia dân chủ và thôi thúc Ngài đặt đây là vấn đề ưu tiên số một trong những mối quan tâm của mình. Những học sinh của chúng ta và các trường học của các em là tài sản giàu có thực sự và là tài năng của quốc gia. Việc chu cấp thật dồi dào cho việc giáo dục và đào tạo các em học sinh cần phải được xếp hàng đầu trong số những đầu tư ưu tiên cho sức mạnh của một quốc gia. Một quốc gia đầu tư vào tri thức và trí tuệ cho công dân mình sẽ chuẩn bị cho họ có thể đưa ra những quyết định hợp lý, chín chắn và nhân bản. Sự đầu tư của Chính Phủ vào giáo dục sẽ được hoàn trả hàng ngày thông qua việc người dân đáp ứng lại với các chính sách bằng tình yêu đối với nền dân chủ, hoà bình và trật tự. Không cần thiết phải có những vũ khí tinh vi và lực lượng quân đội, các công dân có giáo dục với sự phán đoán chín chắn, sáng suốt, sự hiểu biết và những giá trị đúng đắn sẽ bảo đảm cho một quốc gia hòa bình và được bảo vệ tốt đẹp. Ngược lại, nếu lớp trẻ không được giáo dục và nổi loạn, nếu họ chống lại các giá trị và thờ ơ với lòng tốt của những vị lãnh đạo quốc gia họ, thì họ sẽ không trân trọng nền tự do dân chủ cũng như không bảo vệ Hiến Pháp. Những tổn hại mà họ gây ra trong sự thiếu hiểu biết bằng cách không tuân thủ luật pháp và quay lưng lại với những giá trị cùng lòng tốt của những nhà lãnh đạo, sẽ đe doạ phá huỷ quốc gia từ bên trong và còn nghiêm trọng hơn bất cứ quân đội ngoại xâm nào. Trong trường hợp này, tiền chi phí cho quốc phòng và dự trữ vũ khí đều là lãng phí; những hỏa tiễn lớn nhất, và những chiến đấu cơ bay nhanh nhất cũng sẽ trở nên hoàn toàn vô dụng, vì kẻ thù nguy hiểm nhất chính là sự thiếu hiểu biết và thiếu trí tuệ trong tâm can của trẻ em chúng ta. Ngài Tổng Thống, tôi thay mặt cho tất cả người dân Hoa Kỳ viết thư gởi Ngài trong giai đoạn quyết định này của cuộc tranh cử, và xuất phát từ một nguyện ước muốn giúp Ngài bảo đảm vị trí chính đáng là người lèo lái con thuyền quốc gia này. Tôi không lo ngại Ngài sẽ cho rằng những đề nghị này quá không thực tế hay những lời của tôi quá thẳng thắn. Nếu Ngài tin tưởng vào phương pháp của tôi, Ngài sẽ chắc chắn tái đắc cứ. Tôi không mong cầu bất cứ sự tưởng thưởng hay lợi ích gì với lời khuyên này. Tôi chỉ muốn đề cử một vị Tổng Thống tốt nhất cho quốc gia này. Nếu Ngài tiếp nhận những lời khuyên của tôi thì việc này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả người dân Hoa Kỳ. Còn nếu Ngài không nhận, thì tôi cũng đã làm xong phận sự của mình rồi.
Với những lời cầu chúc tốt đẹp nhất cho hòa bình trong Phật Pháp! Tuyên Hóa Chủ tịch Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới |
Trong bức thư này, Hòa Thượng đã lập lại lời đề nghị đặc biệt rằng “Tổng Thống không nên nhận lương” và khuyến khích Tổng Thống Bush lãnh đạo Hoa Kỳ bằng chính đức hạnh gương mẫu của mình.
Vào năm 1988, khi Tổng Thống Bush lần đầu tranh cử, Hòa Thượng đã khuyến khích ông hãy là một vị Tổng thống “Không tranh, không tham, không mưu cầu, không ích kỷ, không tư lợi và không nói dối”. Vào năm 1992, khi Tổng thống Bush tái tranh cử nhiệm kỳ thứ hai, nước Mỹ đã ở giữa một cuộc suy thoái kinh tế, và tiếng tăm của Tổng thống đã giảm sút mạnh. Trong tình huống này, theo như lời khuyên của Hòa Thượng về việc không nhận lương hẳn sẽ chứng tỏ sự chân thành của Tổng thống và sự quyết tâm phục vụ người dân.
Trong suốt thời gian đó, Hòa Thượng cũng đã chỉ thị Vạn Phật Thánh Thành và tất cả các đạo tràng chi nhánh của Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới vì lợi ích quốc gia mà cùng trì tụng Thần Chú Đại Bi của Bồ Tát Quán Thế Âm, lễ lạy chư Phật và sám hối. Những việc này đã được thực hiện nhằm duy trì an ninh trong nước và hòa bình trên thế giới. Các đệ tử của Hòa Thượng đã theo sự chỉ dẫn của Ngài và trì tụng Chú mỗi sáng từ ngày 30 tháng 9 cho đến ngày 4 tháng 11 năm 1992, cho tới khi kết thúc cuộc bầu cử Tổng thống.
Vào ngày 23 tháng 10, 1992, ông Edwin Dewinsky, Phó Chủ tịch ủy ban vận động tranh cử của Tổng thống Bush, cùng với giáo sư Tổ Bỉnh Dân, Chủ tịch ủy ban vận động tranh cử những người Mỹ gốc Á cho Tổng thống Bush đã tới viếng thăm Hòa Thượng và đã tổ chức một cuộc họp báo tại Viện Phiên Dịch Quốc Tế. Tại cuộc họp, Hòa Thượng đã chỉ ra rằng nếu Tổng thống Bush không nhận lương, thì chắc chắn ông ấy sẽ tái đắc cử. Nhưng do đến tận thời điểm đó, Tổng thống Bush vẫn chưa quyết định về việc này, nên việc tái đắc cử đã hẳn nhiên có vấn đề. Hòa Thượng cũng đã nói rằng, cho dù trong bất cứ trường hợp nào, tín đồ Phật Giáo cũng phải nỗ lực hết sức để cầu nguyện cho sự bình an của thế giới và nhân loại. Thật không may, cuối cùng Tổng thống Bush và các nhân viên của ông đã quyết định không quan tâm đến lời khuyên của Hòa Thượng, và do đó đã thất cử, đúng như Hòa Thượng đã tiên đoán.
Đất nước Hoa Kỳ đã bị bủa vây bởi nhiều vấn đề. Cùng với thiên tai, các vấn đề như lạm dụng ma túy đang lan tràn. Trộm cướp, tội phạm bạo lực gia tăng và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Tất cả những dấu hiệu này cho thấy phước báu mà quốc gia siêu cường này được hưởng đang giảm dần.
Ông M.C. “Bud” Harrison, cựu thị trưởng thành phố Burlingame đã viếng thăm Hòa Thượng nhiều lần. Với tư cách một thị trưởng, ông đã quan sát với tiếc nuối rằng làm sao một số người Trung Hoa và Nhật Bản là những công dân tốt ở nước của họ, nhưng họ lại thay đổi khi đến Hoa Kỳ. Hòa Thượng đã chỉ ra rằng, đó là do phúc lợi xã hội không được phân bổ một cách hợp lý; điều này cuối cùng đã khuyến khích người ta không cố gắng và lười biếng. Ngoài ra, ở Mỹ mọi người dân có thể dễ dàng tiếp cận với súng, điều này làm tăng thêm sự bất an cho xã hội. Thêm vào đó, giáo dục giới tính và tình dục được dạy cho học sinh tiểu học; học sinh trung học thì buôn bán ma túy, thậm chí giết người và đốt phá; còn sinh viên đại học thì lại ngủ và tắm cùng nhau. Bằng cách này, làm sao chúng có thể lớn lên thành những công dân tốt được? Hơn nữa, một số luật lệ của nước này quá tự do. Đó chính là sự phá sản của giáo dục tại nước Mỹ vậy.
Theo Hòa Thượng, tất cả những vấn đề tích tụ này bắt nguồn từ sự khủng hoảng trong giáo dục. Ngài nói:
“Ngày nay, thậm chí cả những học sinh rất nhỏ cũng không tuân theo quy củ, thì tương lai họ cũng sẽ là những công dân không biết tuân thủ pháp luật. Đây là điều rất nguy hiểm. Những đứa trẻ giết người, không theo quy củ, vốn lúc sinh ra không xấu xa. Nhưng chỉ do không có nền giáo dục tốt. Đó là lỗi của người lớn”. (4)
Vào tháng 1 năm 1992, khi Hòa Thượng được mời đến Tòa Bạch Ốc để dự tiệc, Ngài đã nói chuyện với Thứ Trưởng Bộ Giáo dục về khủng hoảng giáo dục của Hoa Kỳ và nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức. Trong khi Hòa Thượng truyền bá Đạo Phật, Ngài cũng đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục. Mục tiêu của Ngài là đào tạo thế hệ mới gồm những người có giáo dục, họ không ích kỷ và không truy cầu lợi ích bản thân, thay vào đó họ nỗ lực làm việc để cứu nền văn hóa Hoa Kỳ và tương lai của nhân loại.
Trong các bài giảng của mình, Hòa Thượng thường khuyến khích các đệ tử nỗ lực hết sức để giải quyết các vấn đề hiện thời của xã hội Hoa Kỳ. Ví dụ như lạm dụng ma túy là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất của quốc gia này. Không chỉ gây lãng phí một lượng lớn tiền bạc vào ma túy mà nó còn gây lãng phí nhiều cuộc đời con người và là nguyên nhân chính của tội phạm. Vì thế, khi Hòa Thượng giảng trong các Pháp hội lớn, Ngài thường nhắc thính giả hãy nói với tất cả những người thân quen của mình đang có con nhỏ rằng không để cho chúng sử dụng hay buôn bán ma túy. Thay vào đó, trẻ em cần được khuyến khích đóng góp cho xã hội và mang lại hòa bình cùng phúc lành cho quốc gia. Đây là trách nhiệm của chúng ta.
Một vấn đề khác trong xã hội Mỹ là đồng tính luyến ái đang ngày càng trở nên công khai. Các cuộc diễn hành đồng tính hàng năm có ảnh hưởng đáng kể trong việc thu hút sự ủng hộ và công nhận đối với những người đồng tính từ mọi tầng lớp xã hội. Hòa Thượng không thể đành ngồi yên nhìn sự tăng nhanh của hành vi đi ngược với tự nhiên này. Trong những bài giảng của mình, Ngài nhắc nhở các đệ tử rằng tất cả Phật tử cần nhận thức rõ ràng sự nghiêm trọng của vấn đề này. Bất cứ khi nào các chính trị gia Hoa Kỳ tham vấn lời khuyên của Ngài, Hòa Thượng đều nhấn mạnh rằng:
“Chỉ một mình người nữ thì không thể sinh sản, một mình người nam cũng không thể sinh sản. Đồng tính luyến ái là một phương thức hành vi dẫn tới sự tuyệt chủng nhân loại. Chúng ta cần phải khích lệ những người đồng tính thay đổi cách làm của họ, và không dung túng hay khuyến khích cho loại hành vi này.” (5)
Xuất gia là hành động cao cả trong đó người theo cầu Đạo Phật và giáo hóa chúng sanh, mang lại chánh khí trong sáng cho loài người. Thực hành đồng tính luyến ái không phải là mưu cầu sự tịnh hóa cho bản tánh linh diệu của chúng ta; mà đúng hơn là đang mải mê theo đuổi ham muốn tình cảm, điều này chỉ khiến chúng ta sa ngã, từ đó gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn. Hòa Thượng biết rất rõ sức ảnh hưởng của đồng tính luyến ái trong xã hội này đang gia tăng. Dù vậy, Ngài vẫn nói ra theo lương tâm của mình với hy vọng rằng những người đồng tính sẽ thức tỉnh và thay đổi, trân quý Phật tánh vốn sẵn có trong mỗi người và dừng tạo nghiệp xấu để rồi phải chịu lấy quả báo về sau.
Trong suốt những năm này, bất cứ khi nào Hòa Thượng giảng dạy Phật Pháp, Ngài luôn đề xướng Sáu Đại Tông Chỉ. Một số người nghĩ rằng cho dù các tông chỉ này rất giá trị, nhưng trong một quốc gia như Hoa Kỳ, nơi mà chủ nghĩa vật chất thịnh hành, thì có thể rất khó thực hành các tông chỉ này. Hòa Thượng luôn luôn trả lời những người này theo phong cách nhất quán của Ngài là thực hành những gì khó làm và nhẫn chịu những gì khó nhẫn chịu:
Chúng ta muốn làm những gì khó làm. Chúng ta muốn làm những ngọn đuốc có thể chịu được gió mạnh, như vàng ròng có thể chịu được sự nung chảy trong lò lửa. (6)
Ghi chú:
(1) Nguyên văn Hoa ngữ:
出家人不應捲入政治,但同時也不能站在一邊袖手旁觀,眼看國家一天天走下坡。
Xuất gia nhân bất ứng quyển nhập chánh trị, đãn đồng thì dã bất năng trạm tại nhất biên tụ thủ bàng quan, nhãn khán quốc gia nhất thiên thiên tẩu hạ pha.
(2) Nguyên văn Hoa ngữ:
Thượng hữu hảo chi giả, hạ tất hữu thậm yên
(3) Nguyên văn Hoa ngữ:
世界所有眾生迷
財色名食睡纏身
智者能捨此五欲
出類拔萃聖明君
Thế giới sở hữu chúng sanh mê
Tài sắc danh thực thụy triền thân
Trí giả năng xả thử ngũ dục
Xuất loại bạt tụy thánh minh quân.
(4) Nguyên văn Hoa ngữ:
現在的學生,小小的年紀就不守規矩,將來就是不守法律,很危險。小孩子殺人、不守規矩,不是來生就壞,而是沒有好的教育,這是大人的罪過。
Hiện tại đích học sinh, tiểu tiểu đích niên kỉ tựu bất thủ quy củ, tương lai tựu thị bất thủ pháp luật, ngận nguy hiểm. Tiểu hài tử sát nhân, bất thủ quy củ, bất thị lai sanh tựu hoại, nhi thị một hữu hảo đích giáo dục, giá thị đại nhân đích tội quá.
(5) Nguyên văn Hoa ngữ:
孤陰不生,獨陽不長,同性戀是亡國滅種的行為,應該勸他們改過,不可以鼓勵、縱容他們。
Cô âm bất sanh, độc dương bất trưởng, đồng tính luyến thị vong quốc diệt chủng đích hành vi, ứng cai khuyến tha môn cải quá, bất khả dĩ cổ lệ, túng dong tha môn.
(6) Nguyên văn Hoa ngữ:
就是行不通才更要行,我們要做疾風中的勁燭,烈火內的精金。
Tựu thị hành bất thông tài canh yếu hành, ngã môn yếu tố tật phong trung đích kính chúc, liệt hỏa nội đích tinh kim。
You must be logged in to post a comment.