Chinese and English | Vietnamese

 

Bạch Sơn Và Hắc Thủy Dưỡng Dục Nhân Tài Hiếm Có

Nguyên tác  – Bạch Sơn Hắc Thủy Dục Kỳ Anh

Phiên Bản mới của Hội Đồng Xuất Bản Tiểu Sử Hòa Thượng Tuyên Hóa. Phiên dịch sang Anh Ngữ bởi Trịnh Cảnh Lâm (Genglin Zhen) và các cộng sự.

Từ báo Bồ Đề Kim Cang Hải số 564 http://www.drbachinese.org/vbs/publish/564/vbs564p016.pdf

 

 

 

87.Tạm Cư Tại Chùa Chánh Giác

Sau một cơn gió bão kinh hoàng, Hòa Thượng cùng Pháp sư Thể Kính và một nhóm người đồng hành đã đến bờ Thượng Hải bình an. Họ lên đường đi Hồ Bắc đến tạm cư tại Chùa Chánh Giác Thiền Tự (1). Tại đây, Hòa Thượng che dấu tông tích, khiêm nhường lau chùi nhà vệ sinh, gánh nước từ giếng lên, làm vườn, gác cổng và chăm sóc nhang đèn nơi chánh điện. Trong giai đoạn tu hành khổ cực, công phu thiền định của Ngài đã được tăng tiến.

Hòa Thượng kể lại:

Người chân chánh tu Đạo thì dù ở đâu cũng không nên tham lam mưu tính hưởng thụ, cũng không mong người ta sẽ chuẩn bị đồ ăn ngon hay chỗ ngủ tiện nghi cho mình. Quý vị không thể có những ý tưởng như vậy. Không nên khi người ta đối xử tốt với mình thì rất vui, nhưng nếu không được đón tiếp nồng hậu thì sẽ tức giận. Người tu hành có ý nghĩ như vậy là đang gieo hạt giống đoa lạc. Người ta cúng dường không phải để lo cung dưỡng cho cái sắc thân của chúng ta mà là để nuôi dưỡng cái pháp thân huệ mạng của chúng ta. Nếu quý vị có đủ ăn và có chỗ ở như vậy là đủ lắm rồi.

Để tôi nói cho quý vị biết, khi tôi đi ra ngoài, tôi không hy vọng kẻ khác đối xử tốt với tôi và tôi cũng không đi quanh xã giao quan hệ với ai. Không ai biết tên tôi, tôi đến từ đâu hay sẽ đi về nơi nào. Tôi tự làm việc của mình, tôi không muốn ai chú ý về mình và tôi cũng không kết bạn với ai. Do đó khi đi đâu, tôi thường ngồi thiền ở chỗ không ai chú ý đến tôi. Tôi lúc nào cũng một mình cô độc đạm bạc.

Khí hậu ở Hồ Bắc rất lạnh rét và thỉnh thoảng lại có tuyết rơi. Nhưng ngày và đêm tôi ngồi thiền trên băng ghế bên cạnh cánh cửa, cũng chẳng có lấy một cái mền. Trên thực tế tôi hầu như không có chi cả, trên người chỉ một bộ áo quần thôi. Người ta hỏi, “Ồi chao, ông không thấy lạnh sao”? Tôi trả lời như kẻ khờ, “Ai bị lạnh?”. Họ lại hỏi tiếp, “Ông không lạnh à”? Tôi đáp, “Ai lạnh”. Họ nói, “Ôi chao, chúng tôi chịu không nổi, chúng tôi không thể tu khổ hạnh được như ông”.

Vào thời điểm đó thân tâm tôi thường thanh tịnh, không có chút lo nghĩ. Hằng ngày tôi ngửi được mùi hương lạ. Mùi hương này rất là đặc biệt, khác hẳng với tất cả loài mùi hương khác trên đời. Nhưng dù có hương thơm ngào ngạt như thế nào, tôi cũng chẳng quan tâm đến. Cho dù không quan tâm nhưng tôi vẩn biết là có mùi hương lạ này. Rất có thể mùi hương kia là của các vị thiên thần trên cõi trời thương hại cho vị tỳ kheo đang lạnh rét này. Khi còn ở Mãn Châu tôi thường có những cảnh giới như vậy, và khi tôi đến Hồ Bắc lại cũng có nữa. Tại sao lại có loại cảnh giới đặc biệt như thế? Tôi nghĩ là do cảm ứng từ việc tu khổ hạnh của tôi. Tại vì tôi tu hành tinh tấn, tất cả chư Phật và Bồ tát đều rất hoan hỷ, lại có các thiên nữ từ cỏi trời đến rải hoa. Cho dù vậy, tôi cũng không chấp trước vào việc đó.

Thời đó mọi người chằng để ý đến, xem tôi như là kẻ vô dụng. Họ không thể ngờ là kẻ vô dụng này đến Mỹ. Có thể có người thắc mắc “Ông không cảm thấy cô đơn khi mà không có bạn bè? Ông không muốn có bạn à?” Không, hoàn toàn không phải vậy. Tôi đối xử kính trọng với mọi người: người già, người trẻ, các bậc trưởng lão xuất gia lâu năm và những kẻ mới xuất gia. Tôi đều đảnh lể với tất cả mọi người nhưng tôi không hề thốt ra một lời, giống như tôi là một kẻ khờ không hiểu biết gì cả. Nếu họ hỏi về trời, tôi sẽ trả lời bằng cách nói về đất. Nếu họ hỏi về người nào đó, tôi sẽ nói về tôi. Nếu họ hỏi “Ông có biết người đó không?” Cho dù là tôi biết người đó, tôi không hé môi nói một lời. Nếu tôi không biết nhân vật đó thì tôi cũng không nói một lời.

Vì tôn kính mọi người nên tôi đã để cho họ sai bảo. Ngay cả khi một sa di trẻ bảo tôi làm chuyện gì, tôi cũng làm. Nếu có ai sai tôi đi hái rau, tôi đi hái rau và rồi về đem rau rửa cho sạch. Tôi được giao nhiệm vụ gác cổng nhưng tôi cũng làm vườn, hái rau, gánh nước. Bình thường là có khoảng 20 đến 30 người và tôi đi lấy nước cho tất cả. Ngoài ra tôi còn dọn dẹp phòng vệ sinh. Ở Trung Hoa thời đó đâu không có bồn vệ sinh dội nước – nên mùi rất “thơm”! Lúc đó tôi nhìn thấy mấy con dòi bọ trong hố cầu, “Quý vị làm sao mà phải vào đây? À, ngày xưa tất cả quý vị là những kẻ rất đố kỵ chướng ngại người khác. Lại ích kỷ và truy cầu tự lợi cho riêng mình, chỉ muốn ăn ngon và không muốn làm công quả trong chùa. Vì vậy nên bây giờ các cậu thành dòi bọ sống trong phân và được ăn mấy thứ “ngon” này! Cho nên tôi nói với tất cả quý vị là không được đố kỵ ganh tỵ. Tánh đố kỵ ganh ghét rất nguy hiểm. Nếu quý vị có lòng đố kỵ ganh tỵ thì chắc chắn quý vị sẽ đọa xuống lổ cầu tiêu.

Năm kế đó có lể truyền giới tại núi Phổ Đà nên tôi đã hỏi vị trưởng lảo có chòm râu đưa lại tiền để tôi đi thọ giới. Ống ấy không đưa lại một xu và nói “Ta không có tiền và chú không được đi! Chú có thể đến chùa Quy Nguyên ở Hán Dương để thọ giới, cũng giống nhau thôi. Chú không cần đi núi Phổ Đà”. Tôi đáp, “Mục đích tôi là đi Phổ Đà Sơn để thọ giới! Nếu tôi không đi thì lời nguyện tôi sẽ không thành.” Ông ta nói “Ta không cần biết”. Ông ta cũng không trả tiền lại cho tôi nên tôi đã ra đi.

Ghi chú:

(1) Chùa Chánh Giác Thiền Tự nằm trên đường Hậu Bổ ở Vũ Xương từng là một trong bốn đại tùng lâm chánh của Phật giáo ở Vũ Hán vốn bao gồm ba thành phố. Ba tu viện kia là chùa Bảo Thông Thiền Tự và Liên Khê Tự ở Vũ Xương, và chùa Quy Nguyên ở Hán Dương. Chùa Chánh Giác Thiền Tự vốn là một trong những chùa Luật tông lớn nhất, được sáng lập bởi Hòa Thượng Vô Niệm vào thời Hồng Vũ triều đại nhà Minh. Vào thời Ung Chánh của nhà Thanh, chùa Chánh Giác Thiền Tự được mở rộng và trở thành ngôi chùa Phật Giáo lớn nhất trong nội thành Vũ Xương. Về sau phần lớn những tòa nhà trong tu viện bị phá hủy trong cuộc nổi loạn Thái Bình. Dưới đời Đồng Trị của nhà Thanh, chính quyên đã xây cất lại Quan Thư Cục (nhà xuất bản chánh) của quận Hồ Bắc trong chùa này. Pháp sư Thể Kính đã khôi phục lại chùa Chánh Giác Thiền Tự.