Chinese and English | Vietnamese

Bắt Đầu Từ Trại Phật Căn

Bài nói chuyện của ông Peter Schmitz tại Vạn Phật Thánh Thành, ngày 27 tháng 2, 2019

Dịch từ nguyệt san Vajra Bodhi Sea số tháng 8, 2020. Trang 37 – 38.

 Vào năm 1974, có hai vị Tỳ kheo người Mỹ đã thực hiện chuyến hành hương Tam Bộ Nhất Bái đầu tiên từ San Francisco, qua tiểu bang Oregon, tới thành phố Seattle, tiểu bang Washington. Năm 1975, những vị chủ nhân Trại Phật Căn đã tổ chức khoá tu niệm Phật A Di Đà trong bảy ngày ở vùng ven biển tiểu bang Oregon. Sư Phụ đã đồng ý thuyết Pháp tại trường Đại học Oregon ở thành phố Eugene, các vị Tăng và Ni đã tới khu đất của bạn tôi ở bên ngoài thành phố Eugene, và bạn tôi đã mời tôi tới gặp họ. Đó là một buổi chiều nắng ấm và tất cả mọi người thưởng thức thời tiết tuyệt đẹp bên ngoài.

Tôi đến nhà bạn tôi một mình, và Sư Phụ đứng đó ở trong phòng, không nói một lời nào. Một kiểu giao tiếp huyền bí diễn ra. Tôi nhìn Sư Phụ và biết rằng đó là Thầy của tôi, và rằng Đạo Phật sẽ là con đường tương lai của tôi. Vào mùa Giáng sinh năm 1976, cũng người bạn đó lại rủ tôi cùng với một nhóm lái xe tới Chùa Kim Sơn Thánh Tự ở San Francisco để tham dự khoá Thiền thất A Di Đà Phật bảy ngày.

Trước đó tôi chưa tham dự khoá tu nào, cũng chưa từng dự khoá thiền nào bao giờ. Trong suốt khoá thiền thất đó, tôi đã có những kinh nghiệm khác thường. Trong một thời gian ngồi thiền, một con hổ trắng hai sừng bước đi xuống lối đi ở giữa. Sư Phụ đang ngồi kiết già trên đóa hoa sen trắng trên lưng con hổ. Sau này, tôi biết được rằng cái thấy đó chính là hoá thân của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi. Khi tôi nhìn thấy Sư Phụ cỡi hổ, kinh nghiệm thấy hình ảnh đó thật kỳ diệu, nhưng sự hiểu biết của tôi thì ít ỏi. Tôi chỉ mới 30 tuổi và chẳng biết gì về Đạo Phật. Cách dạy đó của Sư Phụ được gọi là Nhiếp Thọ Pháp. Sau hơn bốn mươi năm tu tập, ý nghĩa đó ngày càng trở nên mạnh mẽ và sâu sắc hơn, đặc biệt là khi phải nói câu chuyện này trước đại chúng.

Vào cuối khoá thiền thất đó, một buổi lễ quy y được tổ chức cho gia đình của một vị Tăng người Việt. Họ hỏi xem tôi có muốn tham dự buổi lễ đó không; Tôi đã tham dự buổi lễ quy y đó và trở thành đệ tử của Sư Phụ.

Thật không thể nào giải thích về việc Đạo Phật đã giúp tôi sâu xa như thế nào trong việc chuyển hoá cuộc đời tôi thành tốt hơn. Nói cách khác, tôi có một mong muốn rất lớn để cải thiện cuộc đời mình. Sau khi tôi trở về từ khoá thiền thất đó, cuộc sống bình thường của tôi vẫn tiếp tục.

Một đêm nọ, khi tôi đang ngủ ở nhà, Sư Phụ xuất hiện trong phòng tôi. Ngài nói tôi nên quay trở lại Chùa. Lúc đó có một tấm hình của bạn gái tôi ở trên tủ quần áo. Sư Phụ nhìn vào tấm hình và nói, “Hãy từ bỏ người đó đi.” Tôi đã sắp xếp những công chuyện của mình, lái xe tới San Francisco, bắt đầu sống và làm tình nguyện viên ở Chùa Kim Sơn Thánh Tự.

“Tại quốc gia này, tôi đề xướng mọi người niệm danh hiệu Phật; Tôi cũng đề xướng mọi người tham thiền. Tại sao như vậy? Bởi vì tôi có nguyện ý giáo hóa một số người thành “Hổ có sừng”, những người khác sẽ sợ hãi khi nhìn thấy những người này. Hổ thì vốn đã rất oai phong rồi, nhưng nó sẽ càng lẫm liệt hơn nếu có hai sừng. Do đó trong tương lai, tất cả quý vị đều cần nên thành hổ có sừng. Hãy là một con hổ có sừng; tôi không bảo quý vị ăn thịt người, nhưng hãy đi khắp nơi hoằng dương Phật Pháp, hàng phục Thiên ma và ngoại đạo, hãy khiến cho Ma Vương phải điều phục khi nhìn thấy quý vị. Tôi nói đây chỉ là thí dụ; quý vị không nên nghĩ bản thân mình thật sự là một con hổ thật có hai sừng, và rồi chạy khắp các ngọn núi và khắp các nơi. Có câu rằng “Có Thiền có Tịnh Độ, cũng như hổ có sừng” (1). Quý vị vừa tham thiền vừa niệm Phật, thì quý vị giống như con hổ có sừng.

Khai thị của Hoà Thượng Tuyên Hoá trong tháng 8 năm 1975 tại trại Phật Căn Điền.

 

Ghi chú:

(1) Câu kệ đuợc Hòa Thuợng Tuyên Hóa nhắc đến là từ bài kệ của Vĩnh Minh Đại sư đời nhà Tống, cũng là tổ thứ sáu của môn Tịnh độ:

永明禪師 – 四料簡。

(一) 有禪有淨土,猶如戴角虎。現世為人師,來生作佛祖。

(二) 無禪有淨土,萬修萬人去。若得見彌陀,何愁不開悟。

(三) 有禪無淨土,十人九蹉路。陰境若現前,瞥爾隨他去。

(四) 無禪無淨土,鐵床並銅柱。萬劫與千生,沒個人依怙。

 

Vĩnh Minh Thiền Sư – Tứ Liệu Giản

Hữu thiền hữu tịnh độ,
Do như đái giác hổ。
Hiện thế vi nhân sư,
Lai sanh tác Phật Tổ.

 

Vô thiền hữu tịnh độ,
Vạn tu vạn nhân khứ。
Nhược đắc kiến Di Đà,
Hà sầu bất khai ngộ

 

Hữu thiền vô tịnh độ,
Thập nhân cửu tha lộ。
Âm cảnh nhược hiện tiền,
Miết nhĩ tùy tha khứ。

 

Vô thiền vô tịnh độ,
Thiết sàng tịnh đồng trụ。
Vạn kiếp dữ thiên sanh,
Một cá nhân y hỗ.

Hòa thượng Thích Thiền Tâm dịch:

Có thiền, có tịnh độ,
Cũng như cọp mọc sừng.
Đời nay làm thầy người,
Đời sau làm Phật, Tổ.

Không thiền, có tịnh độ,
Muôn tu, muôn người sanh.
Khi được thấy Di Đà,
Lo gì không tỏ ngộ!

Có Thiền, không Tịnh độ,
Mười người, chín ngại đường.
Khi ấm cảnh hiện ra,
Chớp mắt đi theo nghiệp

Không thiền, không tịnh độ
Giường sắt, cột đồng lửa.
Muôn kiếp lại ngàn đời.
Chẳng có nơi nương tựa!