Chinese and English | Vietnamese

Cảm Nhận Sự Hoan Hỷ Trong Tự Tánh

Bài nói chuyện của Giáo Sư Doug Powers tại Vạn Phật Thành ngày 07 tháng 11 năm 2018.

Dịch từ nguyệt san Vajra Bodhi Sea số tháng Bảy, 2020. Trang 40 – 43.

Tôi muốn nói về những kinh nghiệm của tôi với Hòa Thượng Tuyên Hóa từ thập niên 70 và 80. Những kinh nghiệm đó dựa vào những gì Hòa Thượng dạy và cũng như những khi được ở gần bên Ngài. Để có một khái niệm về tinh thần của Hòa Thượng tôi sẽ đọc một bài kệ từ Kinh Hoa Nghiêm vì tôi nghĩ bài kệ này thật đã tóm tắt được những gì tôi cảm nhận khi ở gần bên Ngài cũng như về tâm thái của Hòa Thượng đối với tôi.

Nhiều vui, nhiều ưa thích.

Lại cũng nhiều tịnh tín

Tâm dũng mãnh rất lớn

Và cùng tâm mừng rỡ.

Xa rời sự đấu tránh

Não hại và giận hờn

Kính thuận mà chất trực

Khéo gìn giữ sáu căn.

Ðấng cứu thế vô thượng

Có bao nhiêu trí huệ

Bực này tôi sẽ được

Ghi nhớ sanh hoan hỷ.

Mới được vào Sơ Địa.

Liền siêu năm điều sợ :

Chẳng sống, thiếng xấu, chết,

Ác đạo, chúng oai đức.

Vì chẳng tham chấp ngã

Và chẳng chấp ngã sở

Các Phật tử như đây

Xa rời năm điều sợ.

Thường thật hành đại từ

Luôn kính tin tùy thuận.

Ðủ công đức tàm qúy

Ngày đêm thêm pháp lành.

Thích thật lợi chánh pháp

Chẳng ưa thọ dục lạc

Tu duy pháp đã nghe

Rời xa hạnh chấp trước.

Chẳng tham cầu lợi dưỡng

Chỉ thích Phật Bồ đề

Nhứt tâm cầu Phật trí

Chuyên ròng không niệm khác.

Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Địa – Phần Hoan Hỷ Địa

Hòa Thượng Tuyên Hóa và Hòa Thượng Quảng Khâm

 

Bài kệ nói về ý chí của vị Bồ Tát là vững vàng bất động như núi, hân hoan, tĩnh lặng, cương quyết, khiêm nhường và kính trọng với một sự chân thành tột đỉnh. Tâm Bồ Đề của vị Bồ Tát rất mạnh mẽ nhưng lại bất bạo động, không gây tổn thương, không giận dữ. Để đat đến cảnh giới này, hành giả tự chủ và nghĩ nhớ đến trí huệ vô lượng vô biên có thể cứu độ thế gian.

Khi đạt đến giai đoạn này, hành giả hoan hỷ, xa lìa tất cả lo âu sợ hãi. Đó chính là nổi lo sợ của sự sống, sợ tai tiếng, sợ chết, sợ ác đạo và sợ uy đức của đại chúng – tất cả những lo sợ đó vĩnh viễn rời xa. Vì sao? Là vì các vị Bồ Tát không còn ý tuởng về ngã (ngã kiến), và thậm chí không trân quý thân xác mình nữa.

Cho nên bài kệ trên đã tóm tắt lại những kinh nghiệm thật sự của tôi khi ở bên cạnh Hoà Thượng. Những gì chúng tôi học được từ Ngài trước hết đó là cái tự tánh căn bản của chúng ta là đầy sự hoan hỷ không thể nghĩ bàn. Mặc dù chúng ta đầu tiên được nghe giảng về “Khổ Đế” nhưng điều mà Đức Phật muốn dạy cho chúng ta biết là phải dẹp trừ cái khổ để đến với cái vui, hạnh phúc, biết đủ (tri túc) v.v. Tất cả chúng ta ai cũng đều có cái căn bản tự tánh đầy niềm hoan hỷ, mãn nguyện này nhưng khi chúng ta bị mê mờ hay chấp trước thì cái khổ mới hiện ra.

Nếu quý vị nhìn cách Hoà Thượng sống, cuộc đời của Ngài hoàn toàn tự tại; tâm Ngài hoàn toàn tự do, không bám chấp vào bất cứ điều gì. Cho nên không có cái gì có thể lay động Ngài được. Và trong cái trạng thái “Như Như Bất Động”, Hoà Thượng có một niềm hoan hỷ không thể nghĩ bàn này, nhưng đồng thời Ngài lại không hề chấp vào niềm hoan hỷ đó. Ngài có tâm an nhiên tự tại – một loại tâm hoan hỷ tri túc không thể nghĩ bàn. Và vì thế nên Hoà Thượng luôn luôn chân thật, nồng hậu, rộng lượng và đầy lòng thương không thể nghĩ bàn cho dù đôi khi nhiều người nghĩ Ngài là khó khăn và nghiêm khắc.

Lý do mà quý vị có thể nghĩ Hòa Thượng nghiêm khắc là vì Ngài thật sự rất lo lắng quan tâm đến mỗi chúng sanh Ngài gặp (theo những cách thức vượt ra ngoài tầm hiểu biết của tôi); Hòa Thượng có tấm lòng từ bi, lo lắng, quan tâm này không thể nghĩ bàn được. Cho nên Hòa Thượng không muốn chúng sanh phung phí thời gian cho những thứ mê muội vô minh. Tôi nhớ ba tôi có gặp Hoà Thượng Tuyên Hóa một vài lần ở chùa Kim Sơn Thánh Tự vào thập niên 70. Sau những lần nói chuyện với Hòa Thượng, tôi hỏi ba tôi: “Ba nghĩ sao về Hoà Thượng Tuyên Hóa?” Ba tôi đáp: “Ngài có một tâm hồn vui vẻ nhất trong những người mà ba từng gặp. Ba chưa hề gặp người nào vui tánh đến như vậy.” Nói chung những người có dịp gặp và trò chuyện với Hòa Thượng đều thấy Ngài có sự nhẹ nhàng, thoải mái vô cùng; nói cách khác là Ngài không phải khó khăn và cố chấp gì cả.

Đối với Hòa Thượng, người ta thật sự không tìm ra điều gì về Ngài – như Ngài muốn đạt được cái gì đó, hay có một kế hoạch, hay là muốn truyền bá một tư tưởng. Thật ra Ngài từng nói: “Tôi không đem Phật Piáo Trung Hoa đến phương Tây, tôi cũng không đem Phật Giáo đến phương Tây. Tôi chỉ đem loài người trở về với tự tánh của họ.” Và người ta có cảm giác là Hòa Thượng nói với mỗi chúng sanh từ đáy lòng của Ngài, từ tâm của Ngài đến tâm chúng ta, khai mở một không gian nhẹ nhàng, tự tại. Có nhiều lần trong những bài thuyết pháp và khai thị, Hòa Thượng thường nói về cái khai mở tâm. Trong một bài giảng về Bồ Tát Quán Thế Âm, Ngài nói “Khi miệng quý vị niệm thì tai quý vị nghe rõ ràng âm thanh từng chữ Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát, đưa các âm thanh đó đi sâu vào trong tâm. Chính tâm quý vị thỉnh mời Bồ Tát. Khi miệng niệm rõ ràng, thì tâm ghi nhớ; khi tâm ghi nhớ thì sáu cánh cửa giác quan (Mắt, tai, mủi, lưỡi, thân và ý) cũng đều nhớ nghĩ Quán Thế Âm Bồ Tát.” Do đó điều trọng yếu mà Hoà Thượng dạy là tu tập thực hành để thành một vị Bồ Tát, như chính Ngài đang tu hành Bồ Tát đạo, đó không phải chỉ là từ bi đối với người như một lý tưởng hay làm các việc thiện như một mục đích. Cách duy nhất mà Bồ Tát có thể tu hành thật sự là phải có một cái tâm khai mở vô úy, bất động và không vướng mắc vào bất cứ điều gì.

Bồ Tát luôn linh hoạt, hiểu biết và dùng tâm của mình cảm đến tâm chúng sanh. Và khi cảm đến chúng sanh như vậy, họ sẽ cảm động mở ra tự tánh của họ, mở ra tâm tràn đầy và mở ra niềm hoan hỷ của họ. Hòa Thượng cũng có nói trong một pháp hội Quán Âm Thất, “Quý vị phải bảo trì chánh tri, chánh kiến, phải giữ chánh tư duy hiện tiền. Khi trì danh hiệu Đức Bồ Tát Quán Thế Âm, quý vị phải nghĩ nhớ đến Bồ Tát Quán Thế Âm của chính quý vị, chứ không nên để tâm đến Bồ Tát Quán Thế Âm của người khác. Tôi nói Bồ Tát Quán Thế Âm của chính quý vị có nghĩa là gì? Đó là quý vị niệm cho đến khi quý vị và Bồ Tát Quán Âm trở thành một”. Điều mà tôi học được từ Hoà Thượng Tuyên Hoá, là Vạn Phật Thánh Thành đặt trọng tâm chính yếu nơi sự tu hành nhưng đồng thời cũng phát triển một tôn giáo đầy hoan hỷ và an lạc, vì tất cà các giáo pháp đêu nhằm giúp chúng sanh thành tựu được những điều này ngay trong chính bản thân họ. Do nhờ nhân duyên và phúc đức được ở gần bên Hoà Thượng nên tôi mới thật sự thấy sự thể hiện niềm hoan hỷ của Ngài và cũng như tất cả chúng ta tại Vạn Phật Thánh Thành đang ra sức giúp mọi người trên thế gian hiểu được vì sao họ khổ và để kinh nghiệm niềm hoan hỷ và an lạc chân thật từ nơi tự tánh căn bản của mình.