Chinese | English | Vietnamese

 

Câu Chuyện Về Lòng Từ Bi Cứu Độ Của Hòa Thượng Tuyên Hóa

Ngô Liên Huy

Phước đức của chúng sanh quả thật là mỏng. Chúng không đủ để chiêu cảm được vị cao tăng bậc nhất của thời đại này là Hòa Thượng Tuyên Hóa ở lại thế giới này. Hòa Thượng Tuyên Hóa đã dành hết mọi phước đức và sự hoan hỷ mà đáng lẽ ra là Ngài phải nhận được cho Pháp Giới chúng sanh. Đồng thời, Ngài cũng đã lập nguyện gánh chịu mọiđau khổ của Pháp Giới chúng sanh.

Những bệnh tật mà Hòa Thượng Tuyên Hóa chịu đựng là những bệnh tật của tất cả chúng sanh. Khi Hòa Thượng nhập Niết Bàn, phước đức của chúng sanh cũng tận diệt. Kể từ nay, mỗi chúng sanh chỉ còn tự mình cầu phước đức cho mình bằng cách tuân theo những lời giáo huấn nghiêm khắc của Hòa Thượng, tuân theo Lục Đại Tông Chỉ, và cương quyết gìn giữ gia phong của Vạn Phật Thánh Thành với hy vọng gìn giữ Chánh Pháp trong thế giới này và ngăn chặn những thảm họa đe dọa nhân loại.

Thân người khó gặp, Phật pháp khó nghe, Thiện Tri Thức khó gặp. Thật là may mắn cho tôi được làm thân người, có đủ các căn, được nghe Phật Pháp là Chánh Pháp của tổ sư tâm truyền, và được gặp Thiện Tri Thức một trăm triệu kiếp khó gặp – đó là Hòa Thượng Tuyên Hóa.

Tôi hãy còn nhớ vào buổi trưa ngày 8 tháng Mười Một năm 1988. Hòa Thượng đang truyền Pháp, chuyển pháp luân ở Đài Trung. Với sự ngang ngạnh và bướng bỉnh, tôi đã ngạo mạn đến để xem đó là việc gì. Chỗ tôi đứng là ngay ở phía đằng trước chỗ ngồi của Hòa Thượng. Khi tôi nhìn chằm chằm vào Hòa Thượng lần đầu tiên, tôi đã dùng tâm phàm phu của mình để nhìn một vị thánh nhân. Tôi đã không có một chút cung kính, nhưng Hòa Thượng nhìn tôi hiền từ. Sau một lúc thì tôi muốn rời khỏi nơi đó nhưng tôi không thể bước ra ngoài vì có rất đông người. Tôi không còn cách nào khác, đành phải tham gia Pháp Hội.

Tôi đã không biết đó là một buổi lễ quy y (do trước đây tôi chưa từng quy y qua). Ngược lại với ước muốn của tôi và hoàn toàn bối rối, rốt cuộc tôi đã quy y. Với suy nghĩ có thể đã đến lúc điều kiện đã chín muồi mà riêng bản thân tôi không nhận ra nên tôi bình tĩnh lại. Tuy nhiên tôi đã không thể chấp nhận yêu cầu của việc lạy mười ngàn lạy (bởi vì ở Đài Loan chúng tôi chưa từng nghe qua việc này). Khi nhận được sổ chứng nhận quy y vào tháng Một năm kế đó, tôi hăm hở mở ra và xem tất cả các trang trong sổ. Khi tôi đọc Mười Tám Đại Nguyện cui3a Hòa Thượng Tuyên Hóa, tôi sững sờ một lúc lâu. Nhìn lại quãng đời đã qua của mình, tôi bắt đầu nhận ra sự quá hồ đồ, sự vô minh và những chướng ngại của mình. Sao tôi có thể dùng tâm phàm phu để đánh giá một thánh nhân, không thể hiện một chút kính trọng nào cả chứ? Ngay lập tức một cơn sóng của sự xấu hổ, hối hận, và sám hối tràn ngập lên tôi và tôi đã khóc.

Sau đó tôi đã đắm chìm trong việc đọc những bài giảng Pháp của Hòa Thượng, và đức hạnh, lòng từ bi và tâm nguyện của Hòa Thượng đã chiếm trọn sự kính trọng hoàn toàn của tôi. Tôi đã tự mừng cho mình đã không đánh mất cơ hội đã đến với tôi. Trong vòng mười hai ngày, tôi đã hoàn thành mười ngàn lạy và ngay lập tức tôi được ngập tràn trong pháp hỷ. Sau đó, tôi bắt đầu lạy 150 lạy mỗi buổi sáng như một nguồn Pháp Thực.

Vào năm 1990 tôi đảm nhận trọng trách quản lý công ty của gia đình mà đã bị ngập chìm trong nợ nần trong hơn mười năm qua. Vào ngày 3 tháng Chín, đúng vào cao điểm khủng hoảng của công ty, Hòa Thượng đã đến hoằng pháp ở Đài Trung, tôi đã gia nhập vào nhóm những người làm công quả giúp cho Pháp Hội. Với sự gia hộ vô hình và những lời khuyên của Hòa Thượng, sự khủng hoảng đang đe dọa gia đình chúng tôi đã kết thúc và đã được giải quyết một cách không thể nghĩ bàn. Khoản nợ nặng nề của nhà băng đã được giải quyết tốt đẹp, và tôi đã thoát khỏi những khoản nợ nần của bảo hiểm mà tôi đã phải trả trong vòng mười năm nay. Lần này cũng giải thoát tôi khỏi sự trừng phạt biến thành bò, ngựa hay lạc đà trong kiếp sau của tôi.

Vào đầu năm 1991, tôi bắt đầu mò mẫm thực hành tư thế ngồi kiết già với thân thể cứng ngắc bốn mươi tuổi của tôi. Bởi vì tôi đã không có bất cứ kỹ năng nào nên tôi đã làm tổn thương đầu gối của tôi. Tôi đã đến bác sỹ để tìm kiếm phương pháp điều trị. Bởi vì tôi muốn mình có thể ngồi kiết già, tôi đã tiếp tục thực hành dù đau đớn. Vào buổi sáng sớm ngày 11 tháng Tư, ngay khi vừa thức giấc sau một giấc ngủ sâu, tôi mở choàng mắt và thấy Hòa Thượng mặc y và đang ngồi kiết già trên không trung bên cạnh giường của tôi.

Tuy tôi tỉnh táo và có thể cử động đôi mắt của mình, nhưng tứ chi của tôi không thể cử động được một chút nào cả. Hòa Thượng hiền từ nhìn tôi với một nụ cười. Khi tôi đang còn nằm trên giường, Hòa Thượng cầm tay mặt của tôi, đặt lên đỉnh đầu của Ngài và dùng lòng bàn tay phải của Ngài nhấn mạnh lên mu bàn tay của tôi. Ngay lập tức, năng lượng từ lòng bàn tay của Ngài chạy xuyên thẳng đến chỗ bị thương. Thình lình tôi cảm thấy một sự đau đớn nhức nhối. Sau đó thì Hòa Thượng bay vào không trung và biến mất. Tôi chụp lấy chiếc đồng hồ cạnh giường và nhìn xem: lúc đó chính xác là 4 giờ 28 phút sáng. Khi tôi thức dậy và ngồi thiền, tôi phát hiện ra chỗ bị thương đã lành lại và tôi có thể ngồi trong tư thế kiết già.

Vào ngày 23 tháng Tư, lần đầu tiên tôi ra nước ngoài, trong một chuyến hành hương đến Vạn Phật Thánh Thành. Việc  làm thủ tục nhập cảnh  tại khu hải quan thật không thể nghĩ bàn. Sau này tôi có kể lại cho Hòa Thượng biết. Câu nhận định của Hòa Thượng là, “Tâm thành thì linh ứng.” Tôi đã chứng nghiệm qua và đó không chỉ là một huyễn cảnh. Vào ngày 28 tháng Tư, khi tôi từ giã Hòa Thượng, Ngài đã phóng quang từ cánh tay của Ngài và gia trì cho tôi.

Một vài người trong gia đình của tôi đã gây khó khăn cho Hòa Thương khi họ vô trách nhiệm không trả những khoản nợ, vì thế đã phụ lòng tốt của Hòa Thượng trong việc giúp đỡ họ trước đây. Để ngăn chặn họ không mắc một lỗi lầm về nhân quả, mặc dù điều đó gây đau đớn cho tôi nhưng tôi vẫn quyết định giải quyết vấn đề bằng con đường luật pháp vào ngày 6 tháng Mười Một năm 1993. Tháng Năm năm sau, khi có một vị cư sĩ đến Hoa Kỳ để dự sinh nhật của Hòa Thượng, Hòa Thượng bảo ông ta chuyển lại cho tôi một bài kệ tụng xưa. Bài kệ như sau:

Thiên lý tu thư chích vi tường, nhượng tha tam xích hựu hà phương?
Vạn lý trường thành kim do tại, bất kiến đương niên Tần Thủy Hoàng. (1)

Tạm dịch nghĩa:

Ngàn dặm viết thư chỉ vì tường, nhường họ ba thước có sao đâu?
Vạn Lý Trường Thành nay còn đó, nhưng đâu còn thấy Tần Thủy Hoàng xưa. (2)

Khi tôi nhận ra Hòa Thượng muốn tôi hãy nhường nhịn và dùng đức năng để giao tiếp với người, và rằng Ngài hãy còn dạy tôi khi chúng ta ra đi, chúng ta không thể mang theo gì ngoài nghiệp chướng, bất thình lình tôi cảm thấy không còn phiền não nữa. Tôi dừng ngay việc kiện tụng. Mỗi chúng ta phải tự gánh chịu nhân quả của chính mình. Điều này đã hóa giải xung đột trong gia đình tôi.

Ngày 15 tháng Hai năm nay (1995) là sinh nhật lần thứ 85 của mẹ tôi. Bà đã quy y với Hòa Thượng vào năm 1990. Bà niệm Phật và ăn chay trường hơn 30 năm nay. Do tuổi cao, sức khỏe của bà yếu đi và sinh bệnh. Tim của bà yếu đi và bà phải đeo máy điều hoà nhịp tim. Buổi sáng hôm đó tôi tụng Kinh Địa Tạng và hồi hướng công đức. Vào buổi trưa, người chị đã xuất gia của tôi chủ trì một buổi lạy Đại Bi Sám. Vào buổi chiều, chúng tôi niệm hồng danh Phật và hồi hướng công đức. Trong khi mọi người đang nhất tâm niệm Phật thì bỗng nhiên tôi muốn chụp hình để lưu lại khoảnh khắc này. Sau khi rửa phim, có một bức ảnh có hình Hòa Thượng trên bàn thờ và đôi lông mày của Ngài đang phóng quang. Trong một bức ảnh khác của Hòa Thượng được đặt trên kệ đựng Kinh sách của chúng tôi thì toàn thân của Ngài phóng quang. Sau đó thì sức khỏe của mẹ tôi tốt lên rõ rệt. Điều đó thật không thể nghĩ bàn. Đó là minh chứng cho bức câu đối được viết cạnh bên bức ảnh của Hòa Thượng:

慈悲普度 信者得救成正覺
過化存神 禮之獲福悟無生

“Từ bi phổ độ tín giả đắc cứu thành Chánh Giác.”  

Quá hóa tồn thần lễ chi hoạch phúc ngộ Vô Sanh

Tạm dịch:

Từ bi độ khắp kẻ tin được cứu thành Chánh Giác

Hóa độ giữ thần kẻ lễ được phước ngộ Vô Sanh

Để thực hành Mười Tám Đại Nguyện của Ngài để hóa độ chúng sanh tại chín Pháp Giới thành chánh đẳng chánh giác, Hòa Thượng đã hy sinh thân thể của Ngài để gánh chịu mọi nghiệp báo của tất cả chúng sanh. Ngài đã thực hành Bồ Tát Đạo, hy vọng có thể giúp chúng sanh lìa khổ được vui, và kết thúc vòng sinh tử luân hồi nhanh chóng hơn. Để truyền giáo chánh pháp Phật Đà trụ lại thế gian, Ngài đã vì Pháp quên mình, chịu đựng tất cả mọi sự phỉ báng, phá tà hiển chánh. Hơn thế nữa, Ngài đã đem trí lực cống hiến cho việc phiên dịch các Kinh điển Phật Giáo để cải hóa thế giới và cứu vãn nhân loại. Ngài thường nhắc nhở mọi người về sự quan trọng của giáo dục và tám đức của văn hoá Trung Hoa (Hiếu, Để, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ). Ở Vạn Phật Thánh Thành, Ngài đã thành lập trường Tiểu Học Dục Lương, trường Trung Học Bồi Đức và trường Đại Học Pháp Giới. Ngài đã cống hiến mình cho nhiệm vụ vĩ đại của giáo dục. Nguyện lực của Hòa Thượng Tuyên Hóa cùng với lòng từ bi đồng với các đại nguyện và lòng từ bi của chư Phật. Ngài là một vị Đại Thiện Tri Thức trăm ngàn vạn kiếp khó gặp được. Ngài là pháp thân phụ mẫu của chúng ta. Nỗi đau buồn của tôi sâu đậm như thể chính cha mẹ tôi qua đời vậy. Tôi chí tâm phát nguyện cung kính tuân theo những lời chỉ dạy và thực hành giáo pháp của Ngài. Tôi cũng nguyện cho đến các kiếp trong tương lai, tôi sẽ tiếp tục nghe theo giáo pháp Chánh Pháp của Ngài và tu hành tinh tấn. Tôi hy vọng điều này sẽ báo đáp một phần nhỏ bé trong vạn ức phần từ ân của Ngài.

A Di Đà Phật.

 

Đệ tử bất hiếu hổ thẹn sám hối và cảm ân

Quả Huy chí tâm đảnh lễ.

Ngày 16 tháng Sáu năm 1995

 

 

Ghi chú:

  1. Nguyên văn Hoa ngữ

千里傳書只為牆,讓他三尺又何妨;
萬里長城今猶在,不見當年秦始皇。

  1. https://trithucvn.net/van-hoa/chi-lan-moc-duoi-nui-sau.html