English and Chinese: 1 2 3 4 5 6

Đại Thiện Tri Thức Khó Gặp:

Sư Phụ Tôi, Hòa Thượng Tuyên Hóa

 

Đề Án Kể Lại Lịch Sử
Ron Epstein (*) kể lại
Ban Biên Tập tổng hơp

 

  1. Mơ hồ trong Thập Niên 60
  2. Lần đầu gặp Sư phu
  3. Nhận ra Sư Phụ
  4. Những câu chuyện về Khoá tu Lăng Nghiêm
  5. Những người phiên dịch đình công
  6. Sám Hối công khai
  7. Đạo Phật ở phương Tây như ánh sáng bình minh
  8. Nhanh chóng phát tâm bồ đề
  9. Làm thế nào để là một vị Tổng Thống tốt

 

 

  1. Mơ hồ trong Thập Niên 60

Tina:  Trước đó chúng ta đã nói về việc các bạn trẻ đi tìm câu trả lời, ông sẽ nói rằng thế hệ của ông nhiều hoài nghi hơn?

Epstein: Không, về mặt lịch sử, đó là một thời điểm khác. Tôi nghĩ rằng đối với thế hệ của cô, khó có thể hiểu được bối cảnh những gì đã diễn ra. Đó là bối cảnh của những thập niên 50, 60. Trong thập niên 50, có rất nhiều người theo chủ nghĩa tuân thủ. Lần đầu tiên, những người sống vùng ngoại ô rất khá giả. Còn có chủ nghĩa McCarthy (1), đó là khủng hoảng đỏ, và nhiều người sợ bị chỉ điểm và cáo buộc sai. Trong những năm đầu thập niên 60, có Khủng Hoảng hoả tiễn nguyên tử ở Cuba (2) và Chiến tranh Việt Nam khởi sự.

Năm 1968, khi mà khóa tu Lăng Nghiêm diễn ra, là một năm đầy chuyển biến. Trong khi chúng tôi thiền định trong ngôi chùa Thiên Hậu ở khu phố Tàu, thì mọi người đang nổi loạn ở khu Người Mỹ gốc Phi Châu tại San Francisco, và họ đã thiêu hủy phần lớn khu vực đó. Chúng tôi đã nghe tiếng còi báo động của cảnh sát và xe cứu hỏa hầu như mỗi tối. Năm 1968 là thời điểm diễn ra các vụ ám sát Martin Luther King (3) và Robert Kennedy (4). Đó cũng là khi Liên Sô phái quân đội của họ vào Tiệp Khắc (5) , tàn bạo dập tan cuộc cách mạng hòa bình, dân chủ của người dân Tiệp Khắc. Học sinh, sinh viên nổi loạn ở Paris và khắp nơi trên thế giới. Đó là cao điểm của Phong trào dân quyền. Đó là thời điểm biến động thực sự trên toàn thế giới. Nó rất, rất khác so với ngày nay. Thời điểm đó cũng là thời điểm của cái gọi là Phong Trào Ảo Giác và Mùa Hè Tình yêu ở San Francisco. Tất cả pha trộn vào nhau, những biến động chính trị và kích động sự chuyển biến xã hội. Không ai thấy rõ chuyện gì đang diễn ra hay phải làm gì với nó.

Tina: Chắc chắn nhìn lại những năm 60 qua những thước phim, ông nghe thấy nhiều tiếng nhạc “Thay đổi, Thay đổi, Thay đổi…”, tất cả những bài hát phản đối là của Jan Baez có phải không vậy? Vậy thì, đó là đặc trưng của thời điểm lúc bấy giờ, nhưng tôi chắc chắn còn có nhiều thứ khác ngoài âm nhạc.

Epstein: Các bạn trẻ lúc bấy giờ đang tìm kiếm thứ gì đó mới mẻ. Mặt khác, họ có sự hoài nghi về trật tự cũ. Thí dụ như hồi tôi là sinh viên của trường Đại Học Harvard, John F. Kennedy (6) đã bị ám sát. (Thế hệ chúng tôi có một câu nói rằng: ai cũng biết mình ở đâu khi Kennedy bị ám sát). Chúng tôi có cảm giác khi Kennedy đến Washington thì Toà Bạch Ốc là hoàng cung Camelot mới. Kennedy đưa ra những lời phát biểu đầy truyền cảm và thành lập Peace Corp (Đoàn Hoà Bình Thiện Chí) (7), khiến cho nhiều người trong chúng tôi cảm thấy có một sự hy vọng mới về trật tự thế giới mới.  Cho dù người ta chưa rõ ràng về sự lý giải ấy nhưng khi ông bị ám sát, họ có cảm giác cái trật tự cũ tham nhũng hết thuốc chữa kia đã chiến thắng và phải có một cách mới để tồn tại trên thế giới này.

Lúc đó tất cả chúng tôi đều tìm kiếm một thứ gì đó mới mẻ. Mọi người tìm kiếm theo những cách khác nhau. Nhưng không cùng những mối quan tâm như ngày nay về việc kiếm sống, về có một công việc tốt đẹp và cầu nguyện rằng nếu kết hôn thì cộc hôn nhân đó sẽ tồn tại… mọi quan tâm mà mọi người đang có ngày nay đều không có cùng mức độ như thời đó. Rất nhiều người chú tâm vào những cách thức lý tưởng hơn là những thứ trên.

Có một cảm giác đấu tranh vì tương lai của đất nước, những cách thức mới về khả năng của loài người. Rất nhiều trong số đó là sai lầm. Đó là một vài bối cảnh thời đó. Chúng tôi đã không biết nhiều về đạo Phật. Khó có người phương Tây nào hiểu biết nhiều về Phật giáo, kể cả những người Tây phương tự xưng là các vị thầy Phật giáo. Đó là khoảng thời gian rất khác so với ngày nay.

 

 

  1. Lần đầu gặp Sư phụ

Victor: Nghe nói ông đã tìm gặp nhiều vị thầy, cũng như ông đã kiếm tìm rất nhiều trong suốt thời gian đó?

Epstein: Cũng không hẳn. Tôi nghĩ lần đầu nghe đến Phật giáo là khi học trung học. Khoảng năm 1959, tôi có đọc một bài viết tựa đề là Beat Zen, Square Zen, and Zen (Thiền Đánh Hét, Thiền Quy Phạm, và Thiền) (8) của tác giả Alan Watts. Lúc đó tôi là học sinh năm cuối trung học. Tôi đọc bài đó chỉ thấy rằng rất thú vị. Tôi không thể thấy liện hệ chút nào với nó. Năm đầu học tại Đại Học Harvard, tôi nhớ khi đang giở cuốn danh mục các khóa học thì nhìn thấy có một khóa học về Kinh Văn Cổ Phật Giáo Tây Tạng (Medieval Buddhist Tibetan Texts). Người bạn cùng phòng với tôi và tôi đều phá lên cười bởi vì cả hai chúng tôi đều nghĩ rằng người nào có thể học thì quả là ngớ ngẩn nhất. Bởi vì nó không phù hợp và lại quá xa vời cái thế giới mà chúng tôi biết đến.

Sau đó trong suốt năm học đầu, tôi nghe giáo sư Paul Tillich, một nhà thần học Kitô giáo nổi tiếng nói chuyện về Phật giáo trong bài giảng trên lớp của ông. Sau đó tôi bắt đầu đọc một số cuốn sách Phật giáo và xem về nghệ thuật Phật giáo.

Và trong những năm đại học, tôi có một số kinh nghiệm rất sâu sắc đối với nghệ thuật Phật giáo. Sau khi học xong đại học, tôi đến San Francisco để học tiếng Trung Hoa. Tôi biết rằng mình muốn học thiền, mặc dù chưa từng thiền bao giờ. Về căn bản, tôi không biết gì về Phật giáo cả. Cùng một vài người bạn, chúng tôi thuê một căn phòng ở cách San Francisco Zen Center vài tòa nhà. Tôi đã thiền ở đó không đều đặn.

Và rồi một ngày tôi trông thấy vị tu sĩ Trung Hoa này đi ngang qua tôi trên đường phố. Tôi nghĩ đó chính là Hòa Thượng. Tôi nhớ mình đã bị ấn tượng bởi Ngài có vẻ gì đó khác với các thầy tu Nhật Bản. Ngài có gì đó mạnh mẽ hơn, cả về thể chất lẫn tinh thần. Ngài không để ý đến tôi. Ngài hoàn toàn chú tâm khi đi xuống phố, hoàn toàn chánh niệm. Tôi đã không nghĩ gì về Ngài nữa, cho đến khi đi tìm một căn phòng ở khác vào cuối tháng 12 năm 1965. Một người bạn của tôi nói có một phòng cho thuê ở trong tòa nhà mà Hòa Thượng sống. Tôi tới đó gặp Ngài và chuyển đến đó vào tháng 1 năm 1966. Tôi bắt đầu tập thiền với Ngài và thấy phẩm chất thiền của tôi rất khác so với hồi còn thiền ở Zen Center. Vì vậy tôi đã bắt đầu thiền nhiều hơn ở đó và bớt đi ở Zen Center.

Tôi dần quen biết với Ngài và sau khoảng 6 tháng, tôi mới nhận ra một điều gì đó thực sự về Ngài bởi Ngài không hề quảng cáo rằng mình là một Tổ sư thiền. Ngài rất khiêm nhường. Đây là giai đoạn mà Ngài tự gọi là ‘mộ trung tăng’ (vị tăng trong mộ). Lúc bấy giờ không có nhiều người chung quanh. Các đệ tử người Trung Hoa của Ngài thì hiếm khi đến. Chỉ một số ít người đến, có lẽ một tuần một lần.

Cuối cùng khi nhận thấy Ngài là vị Thầy của mình, tôi cố gắng dành càng nhiều thời gian tập thiền cùng Ngài càng tốt cho đến khi tôi đi Đài Loan vào tháng 8 năm 1966. Trước khi đi, tôi đã hỏi Ngài danh sách những người tôi có thể đến gặp ở Đài Loan và Hương Cảng. Hồi đó chúng tôi không thể vào Trung Quốc đại lục. Ngài biểu một người, tôi không biết là ai, viết ra danh sách các tên để đến tham khảo và Ngài nói “Chú nên đến gặp càng nhiều người trong danh sách này càng tốt để xem có tìm được một vị sư phụ tốt để quy y không.” Khi tôi ở Đài Loan và Hương Cảng, tôi đã đến gặp một số người nhưng  hoàn toàn vỡ mộng sau khi đã ở cùng người đó. Và tôi khá sốc khi thấy Phật giáo ở Đài Loan và Hương Cảng ra sao.

  1. Nhận ra Sư Phụ

Epstein: Tôi nhớ một năm sau, khi từ Đài Loan trở về, tôi có thể nói tiếng Hoa kha khá. Điều đầu tiên tôi làm khi ra khỏi máy bay là đi đến chỗ Hòa Thượng để tọa thiền. Dường như  lần tọa thiền cuối trước khi tôi đi và lần toạ thiền đầu tiên sau khi tôi trở lại là một sự hòa hợp với nhau. Tất cả những lần toạ thiền giữa thời gian đó thì kém phẩm chất hơn nên không thực sự tính đến. Sau đó tôi nói chuyện với Ngài và hỏi Ngài cùng những câu hỏi mà tôi nghĩ mình trước đây không hiểu vì lý do ngôn ngữ. Tôi vẫn không hiểu. Phải mất một thời gian dài nghiên cứu Phật giáo và thực hành từ từ trước khi tôi mới có thể hiểu rõ hơn.

Làm thế nào tôi nhận ra Ngài? Tôi có một kinh nghiệm thực sự vô cùng đặc biệt lúc tọa thiền cùng Ngài, tôi nghĩ đó là vào đầu tháng 6 năm 1966, khi nó trở nên rất thật rõ ràng với tôi; tôi có một kinh nghiệm phi thường về tự tánh ẩn sâu bên trong mình. Sau đó tôi nhìn sâu hết sức mình vào Ngài, và điều trở nên rất rõ ràng đối với tôi là Ngài không có bất kỳ tự ngã nào; Ngài như hư không theo ý nghĩa Phật giáo. Tất nhiên sự hiểu biết về Ngài mà tôi có được thì tương đối hời hợt. Khi tôi có được đối với tôi là một kinh nghiệm thiền rất sâu sắc, thì thật rõ ràng là Ngài đã giúp tôi hoá giải, hỗ trợ chút ít khi tôi cần. Sau đó, thật rõ ràng rằng Ngài chính là Sư Phụ tôi. Nhưng Ngài đã không hề nói, “Hãy quy y với tôi.”

Victor: Sau đó, điều gì xảy ra sau khi ông từ Đài Loan trở về?

Epstein: Khi tôi trở lại, Ngài vẫn đang thiền định trong gian phòng khách cũ, trong tòa nhà ổ chuột theo lối kiến trúc cổ điển Victoria của nước Anh, với những chiếc đệm ghế cũ kỹ trên sàn nhà. Tôi bước vào và Ngài đang ngồi đó, hoàn toàn tĩnh lặng và trống rỗng, giống như lúc tôi rời đi. Chỉ có hai người khác có ở đó là Nick và Susan Mechling. Tôi  ngồi xuống và tọa thiền trong một giờ. Chúng tôi nói chuyện sau đó. Tôi ở lại San Francisco cho đến khi phải đi học Đại học Washington. Tôi đến đó với tư cách là một sinh viên hậu đại học. Vào tháng chín, Ngài bắt đầu di chuyển từ Phố Sutter và Webster đến chùa Thiên Hậu, trên đường Waverly Place ở Phố Tàu, có lẽ là ngôi chùa Trung Hoa lâu đời nhất tại Hoa Kỳ.

Chùa Thiên Hậu

Sau khi chúng tôi giúp Ngài di chuyển, tôi đến Seattle để nghiên cứu Phật giáo. Sau khi được thân cận  Hòa Thượng, một lần nữa nó là một cú sốc lớn khi nhìn thấy những gì Phật giáo được giảng dạy tại Đại học Washington và cách mọi người  hiểu về những giáo lý đó. Đó là khoảng thời gian rất khó khăn đối với tôi, vì vậy tôi viết thư hỏi Ngài liệu tôi có thể đến chùa trong kỳ nghỉ mùa đông không. Ngài đã đáp lời tôi lại bằng tiếng Anh nói rằng, được, tôi có thể đến. Vì vậy mà tôi đã đi. Tôi đã không chuẩn bị sẵn sàng cho cái lạnh ấy thế nào. Đó là một mùa đông rất lạnh ở San Francisco. Hầu như không có ai chung quanh ngoại trừ  Ngài và tôi.  Không phải lúc nào Ngài cũng ở đó. Hầu hết trong hai tuần đó chỉ mình tôi ngồi tọa thiền. Trong thời gian đó, tôi hỏi Ngài liệu tôi có thể quy y với Ngài được không. Ngài nói được và định ra một ngày để quy y.

Một số bạn bè từ trường Đại học Washington trên đường đi xuống Trung Tâm Thiền Tassajara, họ biết tôi sẽ có mặt ở đó, và họ tò mò, vì vậy họ ghé ngang qua. Họ gồm có gồm Paul Hansen, Steve Klarer, và Jon Babcock. Tất cả họ đều gặp Hòa Thượng. Họ lên đường đi đến Trung tâm Thiền Tassajara và sau đó ghé ngang lần nữa. Jon Babcock ở lại trong vài ngày. Một ngày nọ, tôi đang nói chuyện với Hòa Thượng và Ngài nói, “Con có nói với Jon rằng con sẽ quy y không?” Tôi nói, “Dạ không, vì sao con phải làm thế ?” Ngài nói tôi nên nói cho anh ta biết, vì vậy mà tôi đã nói, và anh ta cũng thỉnh xin quy y. Chúng tôi vẫn còn giữ một bức ảnh ngày hai chúng tôi được quy y với Hòa Thượng vào ngày 27 Tháng 12 1967. Sau đó, chúng tôi quay trở lại Seattle và thành lập một nhóm thiền hàng ngày ở Seattle, hầu hết tất cả những người tham gia đều là những người đang nghiên cứu Phật giáo tại trường Đại học.

Chúng tôi quyết định thỉnh Hòa Thượng đến Seattle để dự một tuần thiền vào kỳ nghỉ mùa xuân. Chúng tôi viết  thư và nói với Ngài nếu Ngài đồng ý đến, chúng tôi sẽ mua vé máy bay và tìm  chỗ ở cho Ngài. Chúng tôi nói với Ngài có rất nhiều người ở Seattle muốn được tọa thiền cùng Ngài. Ngài đọc cho Nancy Lovett, vợ của Steve Lovett viết một lá thư. (Steve về xuất gia trở thành Pháp Sư Hằng Quán). Và Nancy đã viết xuống những gì Sư Phụ nói. Nói chung bức thư nói rằng: Thầy xin lỗi không thể đi đến Seattle được, vì nếu thầy rời khỏi San Francisco, sẽ có một trận động đất. Tất cả các con nên xuống San Francisco, và chúng ta có thể có một khóa tu ở đây. Vì vậy, toàn bộ chúng tôi đi xuống San Francisco. Ngoài ra còn có một số thanh niên người Mỹ khác ở San Francisco cùng tham dự. Tất cả chúng tôi đều có một tuần thiền với Hòa Thượng ở San Francisco.

Victor: Ông nói ông nhận thấy Hòa Thượng rất khác biệt so với những vị Phật Tử khác ở Mỹ, khi ông đến Seattle và San Francisco. Anh có thể giải thích được không?

Epstein: Sư Phụ luôn rất tử tế với mọi người. Ngài đối xử với mọi người đều tử tế bình đẳng như nhau. Lúc đó, Ngài đang ở phố Tàu. Ngài thật thất vọng bởi hầu hết các đệ tử ở phố Tàu họ đã không thành tâm hay tôn kính trong những buổi giảng kinh. Vì vậy, mà Ngài ra đi. Hầu hết những người trong cộng đồng Phật tử ở khu phố Tàu bị xúc phạm khi ngài làm như vậy, vì vậy mà họ ngưng cúng dường. Chỉ còn một vài người tiếp tục cúng dường Ngài.

Ngài sống trong một tầng ổ chuột tại một tòa nhà cũ kỹ kiểu Victoria theo lối kiến trúc cổ điển của Anh. Bàn thờ nằm trên những chiếc bàn. Khi có người cúng dường, Ngài chia sẻ tất cả những gì mình có được đến mọi người trong tòa nhà. Thỉnh thoảng Ngài mời chúng tôi dùng cơm trưa, mặc dù chúng tôi không biết gì về Phật giáo, về việc cúng dường, về công đức hay bất cứ điều gì như thế cả. Có những nhà bếp công cộng trên tầng hai và tầng ba và nhiều người sống trong những căn phòng đơn đó. Ngài mua những bao gạo một trăm cân Anh (khoãng 50 ký lô), và để trong nhà bếp công cộng, vì mọi người sống trong tòa nhà này rất nghèo, và Ngài muốn bảo đảm mọi người đều có gì đó để ăn.

Điều tôi nhận thức được về Ngài là Ngài khác biệt so với bất kỳ ai mà tôi đã từng gặp, vì Ngài không có chút gì về cái tự ngã, không có gì bên trong cả. Anh có thể quán sát xem Ngài là ai, và khi càng đi sâu vào bên trong càng kinh nghiệm nhiều hơn về sự trống rỗng, nhẹ nhàng, và lòng từ bi của Ngài. Nhưng tôi không bao giờ có thể tìm thấy có một cá nhân rõ ràng nào  tách biệt với tôi. Tôi chưa bao giờ gặp ai như thế trước đây cả. Những gì có ở đó là lòng đại từ. Tôi không hiểu nhiều những gì Ngài nói, nhưng lại rất thoải mái khi được thân cận Ngài.

  1. Những câu chuyện về Khoá tu Lăng Nghiêm

Victor: Còn về Đạo Phật ở San Francisco thì sao?

Epstein: Vào lúc đó ở San Francisco, phần lớn những người Mỹ trẻ quan tâm đến Phật Giáo,  họ đều đến Trung Tâm Thiền (Nhật Bản) “San Francisco Zen Center ” của ông Suzuki Roshi. Nơi đó rất nghi thức, mặc dù chỉ có ít người giữ ngũ giới và trung tâm thiền này cũng không hoàn toàn ăn chay. Cho nên nó có cái cảm giác rất khác lạ. Còn ở Berkeley lúc đó có “vị tái sinh” Tartang Tulku, là một vị thầy dạy thiền người Tây Tạng, ông ấy có vợ và vài đứa con. Ngoài ra còn có  – điều này cũng khá thú vị về mặt lịch sử- – một đám người Mỹ gọi là “Giảng sư Phật Giáo”, họ cảm thấy bị cho ra rìa khi có những vị sư Phật Giáo gốc Á đến đây. Những người Mỹ này thường đến chùa hy vọng sẽ nhận được một sự ấn chứng chính đáng nào đó từ Hòa Thượng Tuyên Hóa để họ có thể tiếp tục thu hút thêm môn đồ. Một số những người này quanh quẩn bên Hòa Thượng, có kẻ “lạc” ít, có người nhiều hơn nhưng tất cả đều rất đa dạng.

Victor: Thế thì ông đã dàn xếp như thế nào cho các sinh viên của trường Đại Học Washington tới đây?

Epstein: Như tôi đã nói, lúc đầu chúng tôi đến đây vào mùa xuân năm 1968 để dự một tuần Thiền thất. Chúng tôi rất hài lòng với khóa thiền và muốn tham dự nữa, cho nên chúng tôi hỏi Hòa Thượng có thể đến đây vào mùa hè để dự một khóa thiền khác. Lúc đó nói chung Ngài đưa ra một chương trình làm chúng tôi hoàn toàn choáng váng: Đó là một khóa thiền và giáo lý mùa hè kéo dài đến 96 ngày. Điều này ra ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi, không một ai trong nhóm nghĩ là mình có thể làm chuyện như vậy. Nhưng Hòa Thượng không biết bằng cách nào đã tạo được niềm hứng thú và đã thuyết phục chúng tôi tham dự, Ngài đã giúp chúng tôi vượt qua và đã làm thay đổi đời sống của tất cả chúng tôi.

Victor: Như vậy thật ra đó là ý kiến của Hòa Thượng.

Epstein: Đúng vậy, tất cả đều là ý kiến của Ngài. Hầu như mọi người trong khóa thiền thậm chí còn chưa biết Kinh Lăng Nghiêm là gì. Lúc đó tôi nghĩ chương trình này hơi căng thẳng, tôi không biết những người khác thì sao chứ tham dự một khóa học hai tuần thôi, đừng nói chi đến 96 ngày, với một thời khóa biểu rất nghiêm khắc – ít ra đối với chúng tôi thời đó – tuy so với thời khoá của chùa Vạn Phật dành cho tu sĩ thì thấy chưa đến nỗi, nhưng với chúng tôi lúc đó, những kẻ có cuộc sống khá buông thả, thì đây là một sự thay đổi khá lớn.

Victor: Ông có thể cho biết thêm về thời khoá biểu này?

Epstein: Tôi không nhớ chính xác nhưng thời khoá thiền đầu tiên trong ngày là khoảng 7 giờ sáng, và chúng tôi có tới 5 hay 6 thời thiền trong một ngày. Chúng tôi cũng luân phiên xen kẻ việc ngồi thiền và việc học giáo lý. Trong khóa hè này hầu như Hòa Thượng thường hay giảng kinh một ngày hai lần, một lần sau khi ăn trưa và một lần vào buổi tối. Chúng tôi khởi đầu bằng một bài tụng rất ngắn – Hòa Thượng dạy cho chúng tôi một bài rất ngắn tụng trước khi thọ trai chứ không phải nghi lễ dài nghiêm chỉnh tụng trên chánh điện. Ngài cũng cho bắt đầu công phu chiều với một nghi lễ rất ngắn và dần dần kéo dài ra theo thời gian qua nhiều năm cho đến khi bằng bây giờ. Các buổi giảng ban đầu cũng có lẽ ngắn hơn là sau này. Hòa Thượng từng bước một từ từ hướng dẫn chúng tôi. Và rồi chúng tôi ngồi thiền và tập thể dục, học kinh điển và cũng như cố nhớ thuộc bài chú Lăng Nghiêm. Những người trong nhóm lo phần phiên dịch thì phải chuẩn bị tài liệu cho buổi giảng kinh. Chúng tôi phân chia ra nhiều nhóm để lo nấu các bữa ăn. Điạ điểm nơi đó thật là nhỏ hẹp với một nhà tắm thật nhỏ và một nhà bếp thật hẹp. Không có nhiều chỗ và mọi người dồn chật cứng vào nhau.

Victor: Những người đến học là ai?

Epstein: Nói chung là có hai nhóm chính đến dự: Đó là nhóm sinh viên tôi gặp ở trường Đại Học Washington, trong đó có Pháp sư Hằng Trì, cô Loni Baur (trước đây là Pháp sư Hằng Ẩn), anh Steve Klarer (trước đây là Pháp sư Hằng Tĩnh) và anh David Fox, là người Tây phương đầu tiên xuất gia sau này, tức là Thầy Hằng Khiêm. Randy và Theresa Dinwiddie, Jon Babcock và một số người khác từ Seattle cũng đến đây. Và nhóm thứ nhì gồm những người đang sống tại San Francisco và đang bắt đầu đến với tu viện, trong đó có gia đình Mechlings, Janice Vickers, Nancy Lovett, Gary Linebarger (trước đây là Pháp Sư Hằng Tả) và Steve Mechling, bạn của Thầy Hằng Tả. Căn bản là hai nhóm này. Ngoài ra còn có một số người khác họ đến rồi đi, đủ mọi thành phần cả nhưng đa số là tuổi trẻ, cũng có những người lớn tuổi đến tham dự và ở lại trong nhiều khoảng thời gian khác nhau.

Hoà Thượng cùng năm đệ tử xuất gia đầu tiên tại Mỹ (Sư cô Hằng Ẩn, Thầy Hằng Khiêm. Thầy Hằng Tĩnh. Thầy Hằng Thọ, Sư cô Hằng Trì), ngoài cùng bên phải là TS Epstein.

 

 

Victor: Ông làm sao khiến họ đến tham dự?

Epstein: Họ nghe nói rồi tự đến. Không có cố gắng lôi kéo hay quảng cáo hay bất cứ điều gì tương tự như thế. Chỉ qua lời nói lại.

Victor: Ông có thể mô tả lại không khí của Khoá Tu Lăng Nghiêm như thế nào?

Epstein: Một mặt thì bầu không khí lúc ấy thật vô cùng lạc quan. Tất cà mọi người đều cảm thấy mình là những kẻ tiên phong về tâm linh – tôi nghĩ đây là cách diển tả khá thích hợp. Chúng tôi đang làm một điều gì đó thật tuyệt vời và mới lạ, một việc mà chưa từng có người ở Tây phương này làm. Chúng tôi đã  hết sức dụng công để thay đổi chính mình và để bước vào một thế giới mới của tri giác, của sự hiểu biết. Nhưng một mặt khác thì có rất nhiều người đến đây với lối sống của thập niên 60, một lối sống bao gồm nhiều thói hư tật xấu, như là không giữ giới, quan hệ không đàng hoàng. Tình huống lúc đó có một loại phân cực giữa nguồn năng lực rất hăng say, đầy nhiệt huyết, lạc quan và những nghiệp chướng đầy rối ren cần được giải tỏa. Hòa Thượng Tuyên Hóa đã vừa liên tục khuyến khích và chăm sóc cho chúng tôi, vừa cố gắng giải quyết những vần đề trong quan hệ giữa người và người trong một môi trường chật chội với một thời khóa biểu thiền thất khắt khe. Cùng lúc Ngài cũng cố gắng chỉ dạy thêm cho chúng tôi — bên cạnh Kinh Lăng Nhiêm– những điều căn bản trong Đạo Phật như về Nghiệp, Nhân Quả, Giới Luật, căn bản các Nghi lễ Phật Pháp và tất cả những gì mà theo tôi đa số mọi người ở Vạn Phật Thánh Thành đều cho là bình thường. Cho nên một bên thì chúng tôi rất là khờ khạo không thể tưởng nhưng bên kia thì chúng tôi – theo tôi nghĩ – đã không bị chi phối bởi những chuyện không quan trọng, những chuyện hạng hai. Ngược lại chúng tôi đã thật sự tập trung chú ý vào những điều căn bản của Phật Giáo. Chúng tôi thành tâm muốn có được những tiến bộ thật nhanh và Phật Giáo mà chúng tôi đón nhận được là rất trực tiếp.

Victor: Ông có nhắc đến sự việc mọi người đang sống khá buông thả trước đó, vậy Hòa Thượng đã làm sao giảng về giới luật, về sự cần thiết của nếp sống kỷ luật, nề nếp.

Epstein: Trước hết, trong tu viện thì có quy luật về cách sống ở đó. Đối với đa số mọi người, đây là một thay đổi lớn. Và mùa hè năm đó, mọi người đều có cơ hội sống cuộc đời trường trai, tuân theo ngũ giới, và đó là một biến chuyển lớn với phần đông chúng tôi. Khi khoá học hè gần chấm dứt, Hòa Thượng có tổ chức một buổi lể Quy y Tam Bảo và Thọ Ngũ Giới. Đa số đều quy y nếu họ chưa quy y, và thọ năm giới. Trong các buổi giảng Kinh Lăng Nghiêm trước đó, Hòa Thượng có giải thích về nguyên do phải giữ giới, cho nên lúc đó ai ai cũng hiểu rõ về chuyện này. Và họ cũng hiểu khá rõ về dục vọng, về nhân và quả, về những gì gây nên đau khổ theo giáo lý căn bản của Đạo Phật. Tất cả đều khá mới lạ đối với phần lớn những người có mặt ở đó, nhiều người lúc đầu đến đây vì chỉ muốn được cảm giác “say thuốc” mà không cần dùng ma tuý. Họ nghĩ “Mình ngồi thiền rồi có thể được say ma tuý vĩnh viễn”. Đó là những gì họ nghĩ về sự giác ngộ, cho nên lúc đó cần chỉ dạy họ rất nhiều.

 

  1. Những người phiên dịch đình công

Victor: Hoà Thượng đã làm các ông khởi sự phiên dịch Kinh điển; chuyện ấy xảy ra thế nào? Một nhóm sinh viên đến đây và Ngài đã chuyển hóa họ vào việc phiên dịch Kinh điển.

Epstein: Có một số ít chúng tôi vừa mới tốt nghiệp về tiếng Trung Hoa ở trường Đại Học Washington. Tôi mới chỉ qua một năm hậu đại học ở đó, nên Tiếng Trung Hoa của tôi không giỏi lắm, nhưng có mấy người khác tiếng Trung Hoa của họ giỏi hơn. Họ bắt đầu phiên dịch. Họ cố gắng hết sức mình. Chúng tôi đều có những tiến bộ nhanh chóng. Chắc chắn bạn đã nghe nói qua, có lúc những dịch giả đình công, nên không có ai phiên dịch cả. Hòa Thượng đã giảng vài bài giảng bằng tiếng Anh. Sau đó Ngài nói chuyện riêng với tôi và nói rằng, “Tôi muốn ông phiên dịch”. Tôi đáp, “Ôi, tiếng Trung Hoa của con chưa đủ giỏi”. Rồi Ngài nói, “Đủ giỏi rồi. Sẽ giỏi thêm nhanh chóng. Nhưng con có sẵn sàng cố gắng không? “ Tôi nói, “Chắc chắn, con sẽ cố gắng”. Tôi là người hủy đình công, rồi khi những dịch giả đình công nhìn thấy tôi phiên dịch, mặc dù tôi làm không giỏi lắm, họ liền quay trở lại làm việc.

Ngoài việc học Đạo Phật và học thêm về làm thế nào để Thiền, mùa hè đó tôi đã học được rất nhiều về tiếng Trung Hoa, nhiều hơn cả năm trước đó khi tôi là sinh viên hậu đại học của trường Đại Học Washington. Khóa hè đó rất hữu ích cho tiếng Trung Hoa của tôi.

Victor: Ông có thể cho chúng tôi biết câu chuyện về những dịch giả đình công không?

Epstein: Tôi không nhớ chính xác tại sao họ lại đình công. Tôi nghĩ họ không vui khi phải tuân thủ giới luật nghiêm ngặt như Hòa Thượng muốn họ tuân thủ. Có một sự bất đồng, và họ nói, “Được rồi, nếu chúng ta không thể làm theo cách của mình, thì chúng ta sẽ đình công”. Họ không thể làm theo cách của họ, và thế là họ đình công.

Cũng cần phải nhớ rằng, trong văn hóa phương Tây và đặc biệt trong mảnh đất văn hóa của Phương Tây, đó là thời gian chống độc tài. Hầu hết những nhân vật quyền thế trong văn hóa đều bị cho là đạo đức giả và họ đã đánh mất uy quyền đạo đức ấy. Toàn thế giới đã trong cuộc nổi loạn chống lại cấu trúc quyền lực xưa cũ, nên ý tưởng rằng anh phải tôn kính đối với một vị Thiền Sư thì về một phương diện bản tánh tự nhiên của chúng tôi là chống lại ý tưởng đi ngược với khuynh hướng đang diễn ra trong nền văn hóa. Tất nhiên là có một sự tôn trọng căn bản, nếu không mọi người đã không thể ở đó, nhưng cái cách của sự cung kính này biểu lộ ra không phải lúc nào cũng rõ ràng. Các hình thức kính ngưỡng Phật giáo truyền thống không phải một phần của văn hóa mà mọi người đã học hỏi. Mặc dù nó nghe có vẻ kinh ngạc rằng những dịch giả đó đã làm như thế, nhưng trong bối cảnh của mọi người và bối cảnh văn hóa, những người đình công đã không có nền tảng và bối cảnh để nhận ra rằng tuyệt đối không thể được hành động theo cách mà họ đã làm.

Cũng có vài người đã có nhiều thói quen xấu, bởi vì họ đã có rất nhiều thói quen xấu, nên họ đã không ở lại. Vì thế, Hòa thượng đã làm việc với tất cả mọi loại người, không chỉ những người hết sức chân thành và có thiện căn. Nhưng Ngài luôn luôn làm việc với những người vừa đến, cho dù tiềm năng của họ như thế nào, cho dù họ có chừng này tiềm năng này hay chừng kia  tiềm năng. Mưa thì rơi xuống đều khắp. Những người có căn rễ tốt hơn thì hút được nhiều mưa Pháp hơn; những người có căn rễ ít hơn thì hút ít hơn. Có nguồn ánh sáng Phật Pháp rất lớn tỏa ra từ Hòa Thượng. Những vị Hộ Pháp cũng ở đó. Có những người đến và họ bị thổi đi bởi họ có quá nhiều năng lượng u ám và họ không thể đón nhận nó. Vì thế, đó là một thời gian rất thú vị.

Victor: Nhưng cuối cùng thì mọi người đã bắt đầu xuất gia sau đó?

Epstein: Tôi đã kinh ngạc khi một số người bắt đầu xuất gia. Ngay cả trong suốt mùa hè, mọi người bắt đầu làm những việc như: ăn ngày một bữa, đêm ngủ ngồi. Điều này không phải vì là Hòa thượng yêu cầu anh phải ăn ngày một bữa. Mà nó chỉ là vì Ngài đã làm như thế và mọi người cố gắng thử xem. Tôi nghĩ đó là một phần văn hóa của người Mỹ, có tính rất thực dụng, rằng “Được rồi, điều này rất thú vị đây. Hãy tự mình làm và xem nó thế nào?”

Victor: Thay đổi đã diễn ra thế nào? Mọi người đi đến ý tưởng rằng họ muốn xuất gia? Và tuân thủ giới luật? Ăn ngày một bữa? Ngủ ngồi? Dường như đó là một sự thay đổi rất đột ngột. Làm thế nào mà điều đó xảy ra trong 96 ngày?

Epstein: Cá nhân tôi không thể nói với anh bởi vì tôi không phải là một trong số họ. Sự thay đổi trong tôi thì từ từ, mặc dù kể từ mùa hè ấy, đó là điều để lại trong tôi suốt cuộc đời này. Nhưng những người khác có nhân duyên với Phật Pháp mạnh mẽ hơn, ngay lập tức hoặc rất nhanh chóng, cộng hưởng sâu xa hơn với những gì đang diễn ra. Chúng tôi đều nhận thấy những thay đổi diễn ra trong thể xác và tâm trí mình. Nó rất thú vị. Nó thực sự rất khó khăn, nhưng lại rất lý thú. Những người này, vì bất kì lý do gì, sau đó đã có thể lao vào, bởi vì, tôi đoán là anh có thể nói rằng, do nghiệp lực trong quá khứ của họ. Những hạt giống nảy mầm và ra trái. Họ quyết định xuất gia. Tôi không biết nói gì nữa. Nó là một thứ trong nội tâm. Nhưng họ đã ở trong bầu không khí rất phong phú, nơi mà những hạt giống có thể nảy mầm và tăng trưởng mỗi ngày với lượng dinh dưỡng Phật Pháp lạ thường. Nó xảy ra rất nhanh cho những người có tiềm năng.

Epstein: Ngài hoàn toàn vô ngã, và rất từ bi. Ngài thông thái hơn tôi rất nhiều. Gần Ngài rất là thú vị. Tôi thấy không gần ai mà được vui hơn gần Ngài. Đơn giản là lúc nào cũng thấy vui thích khi ở gần Ngài. Ngài là người vui tánh nhất mà tôi từng gặp. Mỗi ngày là một chuyến thám hiểm mới, nó giống như là đang đi trên chuyến quan sát thú rừng ở Phi Châu của tâm trí. Nó rất hứng thú. Tất cả những điều này đã xảy ra hàng ngày – những ý tưởng mới, những kinh nghiệm mới, những người mới, thấy những phản ứng kỳ diệu giữa Hòa Thượng và những người có mặt. Nó hay hơn rất nhiều bất cừ điều gì mà tôi đã từng trải qua. Tôi không muốn nói là sự giải trí kỳ diệu vì cách nói đó làm giảm giá trị, nhưng nó thực sự, thực sự rất thích thú khi là  một phần trong đó hay chỉ quan sát điều gì đang diễn ra. Những chuyện kỳ diệu đã diễn ra mọi lúc. Nhưng tôi không muốn cho cô có ý tưởng rằng Ngài trình diễn bất kỳ quyền năng đặc biệt hay gây sự chú ý đặc biệt nào. Ngài đã không làm vậy.

Tôi nghĩ chúng tôi lần đầu tiên xuất bản Báo Bồ Đề Hải là vào mùa thu sau khóa mùa hè đó. Một trong những số báo đầu tiên của Báo Kim Cang Bồ Đề Hải (Vajra Bodhi Sea), Hòa Thượng đã bảo chúng tôi đưa vào “Trảm Ma Kiếm” (Kiếm Chém Ma) thủ nhãn từ bốn mươi hai Thủ Nhãn. Có một người đã thực hiện thiền leo núi và đi trên lửa, anh ta tự gọi mình là Ajari Warwick. Người này cho là những lời chú giải của “Trảm Ma Kiếm” nhắm vào mình, nên rất giận dữ. Ông ta đến với những người đệ tử và thái độ rất hung hăng. Họ bước ầm ầm lên tầng bốn để đưa chuyện này ra với Hoà Thượng, vì họ không vui với những gì được đăng tải trên báo Kim Cang Bồ Đề Hải. Nhưng họ không thể vào trong cửa được, có lẽ do vì nguồn năng lượng ở đó vốn quá thanh tịnh đối với họ hoặc là vì các vị Hộ pháp đã ngăn họ lại. Họ lên đến đỉnh cầu thang, và rất bối rối, và rồi bỏ đi không nói một lời.

Victor: Họ đã đi đến tận nơi rồi lại bỏ đi sao?

Epstein: Đúng thế! Đây là một câu chuyện thú vị khác. Tôi nghĩ câu chuyện này là vào giai đoạn sau khi chúng tôi quay trở lại từ Khóa Tu Thiền mùa xuân năm 1968. Tôi lúc đó vẫn còn là sinh viên hậu đại học tại Seattle, và tôi thường dành nhiều thời gian với Randy và Theresa Dinwinddie, những người đã tham dự khóa tu. Họ có một người phụ nữ trẻ hàng xóm, người này là vợ của một kiến trúc sư. Cô ấy thường nghe chúng tôi nói về Hòa Thượng. Mặc dầu không phải là Phật tử, cô đã quyết định sẽ đi xuống San Francisco để xem thử Ngài như thế nào. Sau khi cô ấy trở về, chúng tôi đã không gặp cô nhiều ngày. Cuối cùng, khi chúng tôi gặp cô ấy và hỏi, “Cô đã đi xuống đó gặp Hòa Thượng chưa?”

Cô ấy trở nên trắng bệch và nói, “Rồi”. Cô ấy rõ ràng rất khó chịu. Chúng tôi nói, “Có chuyện gì vậy?”. Cô ấy trả lời, “Đó là kinh nghiệm kinh khủng nhất trong đời tôi”. Chúng tôi rất bối rối và hỏi, “Chuyện gì xảy ra ? Cái gì khủng khiếp đến thế?”. Cô ấy nói, “À! Tôi đến nơi và nhìn thấy bảng hiệu. Tôi liền đi lên lầu bốn là chỗ của chùa. Tôi mở cửa chùa và Hòa Thượng đã đứng ở đó như là chờ tôi đến. Tôi ngước nhìn Ngài và Ngài nhìn xuống tôi. Ngài nhìn xuyên thấu tôi, và đó là kinh nghiệm khủng khiếp nhất mà tôi đã từng trải qua, rằng ngài ấy đã có thể nhìn thấy hết tất cả mọi thứ đang diễn ra trong đầu tôi, và tôi đã rất sợ hãi. Tôi quay mình lại và chạy nhanh hết sức xuống cầu thang”. Chúng tôi nói, “À thế, vậy cô có cảm thấy ngài ấy có bất kỳ một ý định xấu nào không?”. “Không, không, không có cái gì như thế, nhưng cái ý nghĩ rằng ngài có thể nhìn thấu mọi thứ đang diễn ra trong tâm trí tôi, làm tôi không chịu được”. Chuyện như thế.

Victor: Có phải việc Ngài biết anh đang nghĩ gì vào mọi lúc là một điều rất đáng sợ hay lạ kỳ phải không?

Epstein: Đối với tôi, nó không bao giờ là như thế. Mặc dù tôi có những thói quen xấu và những suy nghĩ không lành mạnh, nhưng thái độ của tôi chân thành. Hòa thượng rất từ bi. Thường khi chúng ta không muốn cởi mở với ai đó, chúng ta cảm thấy họ có cái gì đó đáng sợ. Nhưng tôi chưa bao giờ có cảm giác là có bất kỳ một cái gì đó đáng sợ từ Hòa thượng. Một phần của việc tu hành Phật Pháp là khai mở tâm của mình, không bị sợ hãi khi nhìn thấy những gì ở đó, và giải quyết nó. Ngài đã làm điều đó theo một cách mà đôi khi người ta có thể cởi mở riêng với ngài hơn là cởi mở công khai với tất cả mọi người. Nhưng trong vài trường hợp nào đó, ngài thúc đẩy người ta công khai những việc họ cần công khai, đặc biệt khi người ta sám hối công khai chính thức. Thật không may rằng, hiện không có nhiều thực hành sám hối công khai nữa kể từ khi Ngài qua đời. Có thể vì không ai cảm thấy biết cách làm việc này theo cách của Ngài đã làm, để duy trì bầu không khí chính trực, cảm giác tin tưởng và nâng đỡ cần thiết cho mọi người cởi mở và sám hối công khai. Nhưng đó là một giáo pháp rất mạnh mẽ.

 

  1. VI: Sám Hối công khai

Victor: Tôi nghĩ rằng có điều gì đó mà Hòa Thượng rất tán thành – sám hối. Ông có thể mô tả điều đó và nó là gì vậy?

Epstein: Điều đó (sám hối) thường, nhưng không hẳn là luôn luôn, như thế này: người ta có thể làm cùng với việc thỉnh Pháp. Cũng giống như phương thức thỉnh Pháp bây giờ, người ta thắp hương, đi nhiễu quanh và lạy. Trước khi thỉnh Pháp, mọi người lạy Sư phụ ba lần, quỳ xuống và chắp tay lại. Thực hiện sám hối trước đại chúng có nghĩa là nói những lời từ thâm tâm về những điều sai trái mà họ đã làm và họ muốn sám hối. Một số người có thể sám hối về những điều rất đặc biệt đã xảy ra và người khác có thể lấy đó mà ôn lại toàn bộ cuộc đời của mình. Những điều mà họ đã nhận thức được trong quá trình tu hành và cảm thấy xấu hổ và rồi nói trước công chúng về những điều này và sám hối. Sám hối bao gồm việc lạy trước Tam Bảo, thành thật cảm thấy rằng điều quý vị đã làm là sai trái, có hại cho bản thân mình và người khác, và nguyện sẽ không bao giờ tái phạm nữa (như Lục Tổ đã dạy). Đó là một Pháp rất có công năng. Thật không may rằng, ở Vạn Phật Thánh Thành hiện giờ rất hiếm khi có buổi lễ sám hối trước công chúng như vậy.

Victor: Ông hiểu thế nào với những lời giáo huấn về sám hối của Ngài? Những lời giáo huấn đó có tác dụng lên con người như thế nào?

Epstein: Nó giống như là sự thanh lọc hay ăn chay vậy. Đó là một cách để làm sạch tâm trí bạn. Có quá nhiều thứ làm cản trở chúng ta khiến tâm trí ta bị bế tắc, vì chúng ta không sẵn sàng thừa nhận về những gì mà chúng ta phải chịu trách nhiệm, những điều đã gây hại cho chính bản thân mình và với người khác. Chúng ta hoặc che dấu, pháp che dấu là một trong những phiền não, hoặc không thừa nhận những lỗi lầm của mình, đổ lỗi cho người khác, và cố gắng biện minh cho mình rằng, “Đây không phải là lỗi của tôi”. Giáo pháp căn bản của Đạo Phật là (dạy con người) phải chịu trách nhiệm. Một giáp pháp căn bản khác là chúng ta đều có khả năng để thay đổi. Sám hối, cho dù được làm chính thức hay không chính thức, là một điều kiện tiên quyết để thực sự tu hành trên con đường Phật Pháp. Tôi nghĩ rằng, sám hối là điều thiếu sót trong hầu hết các tôn giáo ở Hoa Kỳ, trong khi lại là một Pháp chính thức trong Đạo Phật.

 

  1. Đạo Phật ở phương Tây như ánh sáng bình minh

Victor: Ông có đề cập rằng quý ông đã bắt đầu thực hiện báo Bồ Đề Hải ngay sau Pháp Hội Thủ Lăng Nghiêm. Ông có thể cho chúng tôi biết một số những phát triển khác từ khóa tu Thủ Lăng Nghiêm đó không?

Epstein: Tôi nghĩ thành tựu lớn là có một nhóm người nòng cốt đã tự nguyện tu hành Phật Pháp dưới sự hướng dẫn của Hòa Thượng. Những thanh niên phương Tây trẻ tuổi đã trải qua một thời gian gay go trong suốt ba tháng hoặc hơn này, đã thật sự tạo ra được nền tảng cho sự tu hành và hiểu biết, dầu sao cũng là những sự khởi đầu cho một nền tảng. Từ việc này, có một số chuyện xảy ra. Chắc chắn, chuyện quan trọng nhất là năm người từ đời sống tại gia đã xuất gia và trở thành Tỳ kheo, Tỳ kheo ni để bắt đầu một tăng đoàn Hoa Kỳ gồm các tăng và ni thọ giới đầy đủ (cụ túc giới). Khác với tổ chức này, ở Hoa Kỳ lúc đó chỉ có những tu sĩ Hoa Kỳ không độc thân, những tu sĩ Nhật Bản có lập gia đình, những tu sĩ Tây Tạng có lập gia đình theo truyền thống Tây Tạng. Không có tăng đoàn theo đúng nghĩa truyền thống của Tăng đoàn, vì vậy đây là sự khởi đầu thực sự quan trọng

Ngoài ra, hội Phật Giáo mà Hòa Thượng đã sáng lập nên khi Ngài đến nước Mỹ đã bước sang một giai đoạn mới và nó đã được cấu trúc lại. Đó là phương pháp làm việc điển hình của Hòa Thượng. Ngài đã lập một buổi họp để mọi người có thể thảo luận với nhau về việc tái cấu trúc. Trước đó, Phật Giáo Giảng Đường là tên được dùng ở Hương Cảng, được thành lập ở Hương Cảng. Ngài bảo rằng, có thể tên đó không phù hợp và chúng ta nên đổi tên. Hòa Thượng hỏi chúng tôi nên đặt tên thế nào? Chúng tôi đã thảo luận khá lâu, có lẽ khoảng một giờ về cái tên. Tôi nhớ lại có một thời điểm, Ngài đã bảo rằng chúng ta nên gọi nó là Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới. Nhưng chúng tôi đều nói, “Ồ, không, không, cái tên đó quá lớn, chúng ta không thể đảm đương nổi”. Cuối cùng chúng tôi đồng ý tên là Hội Phật Giáo Trung Mỹ, vì tên đó dường như đại biểu cho những gì đang diễn ra ở đây. Có một nhóm những người Mỹ trẻ tuổi, và một nhóm những đệ tử người Trung Hoa của Hòa Thượng, hầu hết đều từ khu phố người Hoa. Chúng tôi, với những quan điểm văn hóa khác nhau đều đã rất hòa hợp khi cùng nhau làm việc và học hỏi từ Hòa Thượng. Cho nên cái tên đó dường như là phù hợp – dưới tầm nhìn hạn chế của chúng tôi lúc bấy giờ. Khi cái tên đó trở thành thực sự quá nhỏ bé với những sự phát triển sau này, nó đã được đổi thành Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới.

Nhưng Hòa Thượng không bao giờ nói mọi người phải làm cái gì. Tôi không nhớ, trong suốt bao nhiêu năm, tôi không thể nghĩ tới được dù chỉ một lần Ngài ra lệnh cho tôi rằng: ông phải làm điều này. Đôi khi Ngài có thể đưa ra một vài gợi ý, nhưng hầu hết Ngài thường chờ cho đến khi tôi hỏi. Rồi Ngài mới đưa ra lời khuyên. Nếu tôi cảm thấy không thoải mái với lời khuyên ấy, thì hầu như luôn luôn có thể không nghe theo. Tuy nhiên hầu hết là tôi luôn luôn rất biết ơn và thường nghe theo lời khuyên của Ngài. Hầu như trong mọi lần tôi đều có thể giải quyết được theo những gì Ngài dạy. Ngài không hề là người độc đoán trong mọi giao thiệp cá nhân với mọi người. Ngài có thể rất nghiêm khắc trong phương pháp giáo huấn của Ngài, nhưng Ngài chỉ nghiêm khắc với những người có thể chấp nhận lời giáo huấn đó. Ngài không bao giờ nghiêm khắc với những người mà không chấp nhận được. Ví dụ, thầy Hằng Thật có thể chịu được việc khiển trách công khai mọi lúc, nhiều hơn bất cứ người nào khác, vì thầy ấy có thể chịu đựng được.

Nếu Sư phụ chỉ cần nhìn tôi một cách nào đó trong khoảng ba giây, tâm trí tôi lập tức giật nảy lên và tự hỏi rằng mình đã làm gì sai. Hiệu quả của những dịp hiếm hoi Ngài quở trách tôi một cách công khai mới tuyệt vời làm sao. Chắc chắn lý do khiến tôi vẫn còn luẩn quẩn là bởi vì Ngài đã không bao giờ đi quá xa những gì mà cá nhân tôi có thể chịu đựng được trong việc tu tập của mình. Ngài nhìn vào khả năng của mỗi người và dạy họ tùy theo khả năng ấy – những điều mà họ có khả năng làm được. Điều này luôn luôn nhiều hơn rất nhiều những gì mà chúng ta nghĩ mình có thể làm được. Tôi nghĩ, hầu hết chúng ta đều có ý nghĩ rất giới hạn về những điều mà chúng ta có khả năng làm được so với ý nghĩ của Hoà Thượng. Tôi nghĩ đó là một trong những giáo huấn rất hay của Phật Pháp. Nó khiến người ta tỉnh thức về tiềm năng chân thực của mình ; chúng ta là những vị Phật tương lai.

 

  1. Nhanh chóng phát tâm bồ đề

Victor: Dường như Hòa Thượng luôn gây cảm hứng cho các ông về một tầm nhìn lớn hơn so với những gì mà ông nghĩ là mình có thể.

Epstein: Luôn luôn. Mỗi khi chúng tôi có khóa tu, Ngài khuyến khích chúng tôi nỗ lực dụng công. Ngài dạy rằng, trong khóa tu này, có người sẽ khai ngộ 開 悟. Chúng tôi đều mong muốn – không phải nói vẩn vơ – là được vài loại tỉnh thức nào đó. Không chỉ ở Mỹ, mà còn ở Trung Hoa, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á, người ta thường nghe thấy các vị Thầy nói rằng, trong thời kỳ Mạt pháp, không ai có thể tu hành chân chánh được, vì thế chúng ta phải sử dụng các phương pháp phương tiện và không thể mong đợi quá nhiều. Nhưng Hòa Thượng đã không bao giờ thích điều này. Ngài nói, “Chúng ta sẽ làm thời đại này thành thời kỳ Chánh Pháp. Nếu quí vị tu hành theo Chánh Pháp thì đây chính là thời kỳ Chánh Pháp”. “Đừng khiến tôi phải chờ đợi quý vị”, Ngài nói đi nói lại. “Tôi muốn tất cả quý vị được giác ngộ càng sớm càng tốt, như vậy tôi không phải chờ đợi quý vị”. Trên thực tế, trong khóa lễ tối, mọi người thường nói “Tất phát Bồ Đề Tâm” 悉發菩提心 (9); ngay từ ban đầu, tôi nghĩ đó là vào khóa tu Lăng Nghiêm (10), Ngài đã nói chúng ta nên thay đổi điều này. Không nên dùng “Tất phát Bồ Đề Tâm” 悉發菩提心 mà phải là “Nhanh phát Bồ Đề Tâm” 悉發菩提心 –“nhanh chóng, nhanh chóng, nhanh chóng”. “Tôi không muốn chờ đợi quý vị”. Ngài không muốn chúng ta nghĩ về Giác ngộ như là một việc gì đó cả nhiều đời sau. Ngài muốn mọi người đối đầu với mọi bám chấp và buông xả chúng ngay trong đời này.

Victor: Tôi nhớ khi đọc bài giảng của Hòa Thượng, Ngài đã luôn luôn nói rằng, “Trong khóa tu này, sẽ có người được Giác ngộ”. Vậy có người đã được Giác ngộ trong những khóa tu học này phải không?

Epstein: Thế nào là được Giác ngộ? Chúng ta nói khai ngộ 開 悟, nhưng nghĩa là gì? Có đủ mọi hình thức khai ngộ, có những sự khai ngộ nhỏ, có những sự khai ngộ lớn. Tôi không biết. Có thể có người đã có những khai ngộ lớn và rất yên lặng về điều này. Chắc chắn là có những giác ngộ nhỏ. Mặc dầu chúng tôi đã không hiểu được những sự khác biệt vào lúc đó, tôi nghĩ Ngài đã khuyến khích chúng tôi cố gắng hết sức. Ngài thường nói rằng, hãy cố hết sức mình. Miễn là quý vị cố gắng hết sức mình, thì mọi việc sẽ tốt đẹp cả. Nếu quí vị hoàn toàn rối ren, chỉ cần quí vị cố gắng hết mình, thì sẽ  tốt đẹp thôi.

Victor: Vậy ông đang đề cập đến những người xuất gia và hình thành nên tổ chức theo tầm nhìn của họ.

Epstein: Chúng tôi đổi mới tổ chức thành Hội Phật Giáo Trung Mỹ. Chúng tôi bắt đầu Viện Phiên Dịch Kinh Điển Phật Giáo. Có rất nhiều hoạt động phiên dịch; có những hoạt động thiền tập rất nặng nề. Hòa Thượng giảng Kinh ít nhất một lần trong ngày, 365 ngày một năm. Và cũng giảng vào các buổi chiều chủ nhật, và thỉnh thoảng vào các chiều thứ bảy. Tôi nhớ rằng khi chúng tôi không nghĩ rằng chúng tôi có thể làm hơn nữa, thì Ngài lại làm nhiều hơn. Ví dụ, có rất nhiều cư sĩ ra ngoài làm việc, vì thế Hòa Thượng sắp xếp giờ các lớp học hàng ngày là lúc 5 giờ 15 chiều, ngay sau đó là giờ thiền định, đến 7 giờ là thời khóa tụng kinh tối và giảng Kinh. Sau buổi giảng kinh, mọi người tụng niệm thêm. Tụng sau buổi giảng là mấy vị đệ tử của Sư phụ. Bắt đầu là tụng Kinh Kim Cang bằng tiếng Anh. Mọi người rất tinh tấn. Tôi nhớ là Ngài bảo tất cả chúng tôi giảng dạy các lớp, dạy các ngôn ngữ, và nói rằng chúng tôi nên học nhiều ngôn ngữ khác nhau. Cùng với những gì đang diễn ra, còn có những lớp tiếng Pháp, tiếng Phạn Sanskrit, tiếng Nhật, và tiếng Anh. Ngài dạy thơ kệ về các vị Tổ, cùng với việc giảng Kinh. Không bao giờ có thời gian rảnh rỗi. Thực sự rất khó tìm ra thời gian để chạy theo vọng tưởng. Đó thực sự là một cái nồi áp suất, nhưng Ngài có mặt ở đó khi mọi thứ đang sôi để giải quyết, để đưa mọi thứ đi đúng đường. Đối với các vị tăng ni thì điều này mạnh mẽ hơn rất nhiều so với những người cư sĩ như tôi, lúc ấy là một sinh viên mới tốt nghiệp, có gia đình. Mặc dù việc này không quá mãnh liệt với tôi, chỉ gặt hái tương ưng với công sức mình bỏ ra.

 

  1. Làm thế nào để là một vị Tổng Thống tốt

Khi Hòa Thượng ở bất kỳ nơi nào, với bất kỳ ai, trong từng giây phút, Ngài luôn luôn cố gắng giúp mọi người hiểu được bản thân mình và nhận ra được Chánh Đạo. Không cần phải có dán nhãn hiệu Phật Giáo. Ví dụ, Ngài đã giáo hoá rất nhiều cho những nhân viên môi giới nhà đất trong khi Hội Phật giáo tìm kiếm mua cơ sở. Ngài không bao giờ chỉ tìm kiếm cơ sở làm chùa, mà Ngài còn cố gắng khai mở tâm trí và trưởng dưỡng thiện tánh của những nhân viên môi giới bất động sản mà Ngài gặp. Dù rằng có rất nhiều người môi giới bất động sản tốt, nhưng cũng có một số người có vấn đề. Thỉnh thoảng, Ngài thực sự khiến họ quay vòng vòng, giống như trong những câu chuyện công án truyền thống. Họ không biết được là họ đang đến hay đang đi nữa.

Một ví dụ khác là việc giáo huấn của Ngài với các chính trị gia. Mọi người đã giới thiệu với Hòa Thượng các chính trị gia, những người có quan điểm chính trị từ cực hữu đến cực tả. Một số chính trị gia có đủ thiện căn nên đối với Hòa Thượng họ đã rất thích thú và bị lôi cuốn. Rất thú vị khi được thấy những việc này, vì thỉnh thoảng có những chính trị gia không thể chấp nhận nhau lại đến thăm Hòa Thượng cùng một lúc. Họ đều phải tự kềm chế khi có sự hiện diện của Hòa Thượng.

Giáo sư John Tsu – một trong những người Trung Hoa cao cấp nhất trong ban vận động tranh cử của Tổng thống H.W. Bush và trong chính quyền kế tiếp, đã được đức Hồng Y Paul Yubin (Paul Vu Bình) giới thiệu với Hòa Thượng. Giáo sư Tsu từng là thư ký của đức Hồng Y Yubin, sau này là giáo sư dạy lịch sử ở Đại Học Rutgers và rồi làm giám đốc Khu vực số 9 của Bộ giáo Dục Hoa Kỳ. Đức Hồng Y đã giới thiệu ông ấy với Hòa Thượng và nói với ông ấy rằng, ông nên trợ giúp trường Đại Học Phật Giáo Pháp Giới. Kể từ lúc ấy, ông Tsu đã làm đúng như vậy. Mặc dù ông ấy là người mộ đạo Công giáo, nhưng đã trở thành một trong những viện trưởng của Trường Đại Học Phật Giáo Pháp Giới.

Giáo sư Tsu đã rất vui mừng về việc giới thiệu Hòa thượng với Phó Tổng thống George H.W. Bush. Và vì thế khi Phó Tổng thống ở San Francisco để vận động tranh cử tổng thống, có một cuộc diễu hành để vận động bỏ phiếu ở đại lộ Grant ở khu phố người Hoa với rất nhiều cảnh sát địa phương và những người bảo vệ mật. Giáo sư Tsu nhân cơ hội đó đã thỉnh Hòa Thượng từ Tu Viện Kim Sơn xuống góc đường Sacramento và đường Grant (11). Khi tổng thống Bush đi trên đường Grant, đến gần chỗ ngã tư, giáo sư Tsu đã mời ông ta đến diện kiến Hòa thượng. Đấy là lần đầu tiên họ gặp nhau.

Sau đó, chúng tôi đi cùng với Hòa thượng đến công viên trong khu phố Tàu, ở đấy họ đã dựng lên một khán đài để Tổng thống Bush diễn thuyết. Khu vực dành cho những người quan trọng (VIP) được ngăn rào cản, có rất nhiều người đứng bên ngoài, bao gồm một lượng lớn những người biểu tình. Một số trong chúng tôi được cho phép vào khu vực VIP, Hòa Thượng được mời ngồi trên khán đài với Tổng thống và phu nhân Bush và một số nhân vật chính trị quan trọng của cộng đồng người Hoa. Họ giới thiệu Hòa thượng, nhưng khi Ngài chuẩn bị nói, thì người tổ chức nói rằng trong chương trình không sắp xếp để Hòa thượng nói. Nhưng Hòa thượng không quan tâm đến điều gì và vẫn đi đến chỗ máy vi âm (microphone) và nói. Họ cố ngăn Ngài lại, nhưng Tổng thống Bush nói, “Không, không, không sao”. Tôi không nhớ chính xác từng  lời, nhưng ý chính mà Hòa thượng nói bằng tiếng Trung Hoa là, “Tôi mới gặp tổng thống Bush, nên tôi không biết liệu ông ấy có là một vị tổng thống tốt hay không. Nhưng điều mà tôi có thể nói với quí vị đây là những phẩm chất để làm nên một vị tổng thống tốt”.

Chào đón Phó Tổng Thống Hoa Kỳ George Bush đến phố Tàu San Francisco. Từ trái qua phải: Hoà Thượng Tuyên Hoá (đang nói), bà Barbara Bush, Thống Đốc Tiểu Bang California, and Phó Tổng Thống. (9/1988)

 

Và rồi Ngài nói về Sáu Đại tông chỉ của Vạn Phật Thánh Thánh, từng tông chỉ một. Khi Ngài nói về những điều này, những người phản đối có thể hiểu được tiếng Trung Hoa bắt đầu hoan hô, vì những lý do rất rõ ràng. Và rồi, một trong các vị sư – người phiên dịch cho Hòa thượng hôm đó- đi lên cầm lấy máy vi âm và dịch.  Nhưng điều Hòa thượng vừa nói khiến giáo sư Tsu mắc cở, ông đẩy vị pháp sư  (đang dịch cho Hòa thượng) sang một bên và để tự mình dịch, không phải dịch những gì Hòa thượng vừa nói, mà là những gì ông ấy nghĩ Hòa thượng nên nói như một bài diễn thuyết tiêu chuẩn.của một cuộc vận động bầu cử.

Thậm chí cả với Tổng thống nước Mỹ, Hòa Thượng cũng nói thẳng thắn. Ngài nói những gì Ngài cảm thấy là đúng đắn. Tôi nghĩ tổng thống HW Bush đã nhận thấy phẩm chất ấy trong Ngài, thích Ngài và thỉnh thoảng xin ý kiến Ngài. Ngài là người Phật Giáo duy nhất được mời ngồi với những giới chức quan trọng tại buổi lễ nhậm chức của Tổng thống Bush. Và Ngài là người Phật Giáo duy nhất được mời đến để cầu nguyện tại Nhà thờ Quốc Gia trong buổi sáng sau lễ nhậm chức. Đó là lần đầu tiên đối với Phật Giáo tại Phương Tây.

Như tôi đã đề cập, ngoài những chính trị gia, Hòa thượng cũng đã giáo huấn những người môi giới bất động sản. Tất nhiên, những người môi giới bất động sản đôi khi bị ám ảnh bởi hoa hồng và muốn bán rất nhanh. Hòa thượng làm cho họ nhận thức được về sự bám chấp của mình về tiền hoa hồng bằng cách khuyên họ lấy ít hơn những gì mà họ được quyền hưởng. Điều này có thể thấy dường như chúng ta chuẩn bị mua bất động sản, rồi lại thôi, và rồi lại chuẩn bị mua, rồi lại thôi. Trên thực tế, điều này có thể xảy ra thường xuyên, tôi rất hoài nghi về toàn bộ quá trình khiến tôi đã viết sứ mệnh của Hòa thượng như là mang Phật Pháp tới những người môi giới bất động sản. Tôi đơn giản chỉ không tin rằng chúng tôi chuẩn bị mua bất động sản đó. Cuối cùng, Hòa thượng đã khẳng định việc tôi phải đi cùng Ngài để xem xét bất động sản đó trước khi tôi thực sự tin rằng chúng tôi sẽ mua nó.

Trong những ngày đó, Hòa thượng luôn bảo mọi người đi tìm bất động sản có thể là địa điểm tốt lập tu viện. Một số vị tăng và cư sĩ đi xem và nói với Hòa thượng về chỗ đó. Ngài nghĩ rằng chúng tôi nên mua. Vào lúc ấy, Hội Phật Giáo có rất ít tiền, và bất động sản đó quá lớn, so với tòa nhà nhỏ của Tu viện Kim Sơn ở đường số 15, đến nỗi Ngài thật sự phải thuyết phục mọi người về việc này – một điều dĩ nhiên là Ngài đã mua. Tuy nhiên, những năm đầu rất khó khăn trong trong việc trả tiền cho bất động sản đó.

Hòa thượng không bao giờ yêu cầu bất kỳ ai tài trợ. Buổi chính thức khai quang Vạn Phật Thánh Thành là một sự kiện rất lớn với hơn hai nghìn người tham dự – tôi nghĩ là hai nghìn người đã ở qua đêm. Nhiều người chỉ đến dự lễ, rất nhiều xe buýt đầy người đến, gồm có rất nhiều Phật tử Châu Á, những người rất tò mò. Vào buổi thọ trai hôm đấy, điều đầu tiên Hòa thượng làm là công khai thông báo tới một số người giàu có đến để xem, rằng, họ sẽ không được đối xử như là những vị khách quan trọng – VIP, bởi vì tại Vạn Phật Thánh Thành, tất cả mọi người đều bình đẳng, và bên cạnh đó, Ngài biết rằng đồng tiền của họ là bất chánh.

Vì thế, Ngài đã xúc phạm đến một số nhà tài trợ giàu có tiềm năng, bởi Ngài luôn luôn rất thẳng thắn với mọi người. Ngài luôn rất bộc trực, bất kể người đó giàu có đến cỡ nào và cho dù họ có thể làm lợi ích về tài chánh cho Hội Phật Giáo bao nhiêu đi chăng nữa. Một bài học Ngài đã dạy chúng tôi lúc ấy là không được sơ suất dù chỉ bằng sợi tóc trong hành động của mình, cho dù tưởng như rằng có thể dễ dàng hơn hoặc phương tiện hơn khi làm theo cách khác. Nếu không phù hợp với Phật Pháp thì không làm!

 

Chú thích của Ban Phiên Dịch Việt Ngữ VPTT:

(*) GS Ronald Epstein là cựu Giáo Sư phân khoa Triết Học tại Đaị Học San Francisco, đã về hưu sau gần 30 năm giảng dạy về Phật Học, Á Đông và Triết học Tôn giáo đối chiếu. GS có văn bằng Tiến Sĩ về Phật Học tại Đaị Học UC Berkeley, Bằng Cao Học (M.A) về Ngôn Ngữ và Văn Chương Trung Hoa tại Đại Học Washington. GS đã xuất bản nhiều sách như Buddhism A to Z, The Heart of Prajna Paramita Sutra with the No-Stand Gatha Explanation and Prose Commentary of Gold Mountain Tripitaka Master Hsüan Hua; góp phần cùng Hội Phiên Dịch Kinh Sách Phật Giáo (Buddhist Text Translation Society) dịch sang tiếng Anh các Kinh Đại Thùa như Kinh A Di Đà, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Hoa Nghiêm, Pháp Bảo Đàn Kinh, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Kinh Đạ Bi Đà la Ni … GS hiện đang giảng dạy tại Đại Học Phật Giáo Pháp Giới (Dharma Real Buddhist University) và thường đóng góp bài vở cho nguyệt san Vajra Boddhi Sea (Kim Cang Bồ Đề Hải) và cho các website giáo dục của GS làResources for the Study of Buddhism‘ , ‘Resources for the Study of ReligionGenetic Engineering and Its Dangerscũng như thuyết giảng Tâm Kinh và Kinh Lăng Nghiêm. Xin xem thêm http://www.drbachinese.org/vbs/publish/360/vbs360p039.htm

(1) McCathyism: Phong trào truy tố và cáo buộc tội phản quốc, theo cọng sản, nhiều lúc là vu oan không đủ bằng cớ. http://en.wikipedia.org/wiki/McCarthyism

(2) Khủng hoảng Hoã Tiễn Nguyên Tử tại Cuba: Cuộc đương đầu về hoả tiễn nguyên tử tại Cuba giữa Cuba, Liên Sô và Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 1962, có nguy cơ dẫn đến chiến tranh nguyên tử http://en.wikipedia.org/wiki/Cuban_missile_crisis. Trong thời gian này, Hoà Thượng Tuyên Hoá mới đến Hoa Kỳ và đã nhịn ăn 35 ngày để cầu nguyện hoà bình. Trong bài  http://www.dharmasite.net/sf/life/life7.html ghi lai: Lúc bấy giờ, cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba diễn ra giữa Mỹ và Liên Bang Nga Sô, ngài đã thực hiện ba mươi lăm ngày tuyệt thực hoàn toàn để cầu nguyện cho việc chấm dứt chiến tranh vì hòa bình thế giới. Vào cuối sự kiện tuyệt thực này, nguy cơ bùng nổ chiến tranh đã được kết thúc.

(3) Mục sư Martin Luther King Jr. là một mục sư Tin Lành và là nhà tranh đấu nhân quyền người da đen. Ông bị ám sát vào năm 1968, nhưng đã ảnh hưởng sâu xa đến tư tưởng bình đẳng và cải thiện đời sống dân da màu tại Hoa kỳ http://en.wikipedia.org/wiki/Martin_Luther_King,_Jr.

(4) Robert Kennedy. Em trai tổng thống John F. Kennedy và từng là Bộ Trưởng Tư Pháp dưới thời Tổng Thống Kennedy và Tổng Thống Johnson. Ông Robert Kennedy bị ám sát vào tháng 6 năm 1968. http://en.wikipedia.org/wiki/Robert_F._Kennedy

(5) Liên Sô xâm lăng Tiệp Khắc vào tháng 8, 1968 http://history.state.gov/milestones/1961-1968/soviet-invasion-czechoslavkia

(6) Tổng Thống John F. Kennedy, bị ám sát vào tháng 11 năm 1963 http://en.wikipedia.org/wiki/John_F._Kennedy

(7) Peace Corp, đoàn Hoà Bình Thiện Chí do Tổng Thống Kennedy thành lập năm 1961 http://en.wikipedia.org/wiki/Peace_Corps

(8) Beat Zen, Square Zen, and Zen: Bài viết của tác già Alan Watts giới thiệu Thiền đông phương đến độc giả Tây Phương http://www.thezensite.com/ZenEssays/Miscellaneous/Beat_Zen_Square_Zen.html

(9) Câu thứ sáu trong Bài kệ Hồi Hường tụng cuối buổi lễ mỗi tối:

迴向偈

願以此功德 莊嚴佛淨土

上報四重恩 下濟三塗苦

若有見聞者 悉發菩提心

盡此一報身 同生極樂國

 

 Hồi Hướng Kệ

Nguyện dĩ thử công đức

Trang nghiêm Phật Tịnh Độ

Thượng báo tứ trọng ân

Hạ tế tam đồ khổ

Nhược hữu kiến văn giả

Tất phát Bồ Đề Tâm

Tận thử nhất báo thân

Đồng sanh Cực Lạc Quốc.

 

Kệ Hồi Hướng

Nguyện đem công đức này

Trang nghiêm Phật Tịnh Độ

Trên báo bốn ân nặng

Dưới cứu ba đường khổ

Nếu có kẻ thấy nghe

Tất phát Bồ Đề Tâm

Hết một báo thân này

Đồng sanh cõi Cực Lạc.

 

 

(10) Khóa tu Lăng Nghiêm 96 ngày vào mùa hè năm1968 http://www.drbachinese.org/vbs/publish/467/vbs467p047.pdf

(11) Tu Viện Kim Sơn toạ lạc tại số 800 đường Sacramento, ngay tại góc đường Sacramento và đường Grant. http://www.advite.com/sf/br/br2-1.html