Chinese | English | Vietnamese

ven_master2a1.jpgĐoạn Dục!

Thích Hằng Hữu

Trích dịch từ 宣化老和尚追思紀念專集 In Memory of the Venerable Master Hsuan Hua

In Memory of the Venerable Master Hsuan Hua. Vol. 2

 

Hôm nay, tôi cảm thấy vừa vui, lại vừa buồn. Tôi vui vì được tiếp cận  với quý vị là những bậc thầy đại thiện tri thức. Nhưng mặt khác, tôi cảm thấy buồn. Trong quá khứ, khi đến Vạn Phật Thành và Tu Viện Kim Sơn, tôi thường được mời lên phát biểu sự hiểu biết của mình về Phật giáo. Trong thời gian ấy, có một người luôn luôn ngồi ở đó. Đôi khi ngài chỉ lặng yên lắng nghe tôi mà không lên tiếng. Có lúc, ngài sửa sai cho tôi hoặc đưa ra vài lời phê bình. Hôm nay, tôi đang ngồi đây, nhưng người ấy không còn nữa. Ngài sẽ không bao giờ sửa sai cho tôi, hoặc giáo hóa tôi. Thực sự hiếm để tìm một người có thể sửa lỗi cho quý vị. Bây giờ tôi đã mất người ấy, người là thầy tôi và cũng là Sư Phụ của quý vị.

Tôi không may mắn như các quý vị sống tại Vạn Phật Thành và Tu Viện Kim Sơn Thánh Tự, đã thường xuyên tiếp cận với Hòa Thượng và nghe sự giáo hóa của ngài. Do nghiệp chướng nặng nề của tôi, tôi đã phải tranh thủ kiếm sống trên thế gian này. Tôi không thể đến Vạn Phật Thành để được tiếp cận Hòa Thượng. Do đó, tôi thực sự trân quý những lời ngài dạy tôi. Vì thế, tôi cố gắng hết sức để áp dụng những lời dạy này vào đời sống của mình. Những lời của ngài cho tôi thì rất ít, nhưng vô cùng quý báu đối với tôi.

Vào tháng 4 năm 1977, tôi đến Canada để trình bày một bài tham luận về cơ khí tại một hội nghị bảy ngày. Sau đó, tôi đến Tu Viện Kim Sơn Thánh Tự để gặp Hòa Thượng. Ngay vừa thấy ngài, tôi có một cảm giác rất quen thuộc. Tu Viện Kim Sơn Thánh Tự lúc ấy nằm trên đường 15, nhưng tôi có cảm giác đã từng ở đây rồi. Tôi chưa từng nhìn thấy một vị sư hoặc vào một ngôi chùa Phật giáo trước đó. Đó là lần đầu tiên tôi đến với Phật giáo và gặp một vị tăng ─ đó chính là Hòa Thượng. Tôi đã phải ra ngoài kiếm  sống khi mới mười hai tuổi. Thật vô cùng vất vả. Từ lúc mười hai tuổi, tôi chưa từng lạy ai hoặc ngay cả có ý nghĩ lạy ai. Nhưng ngay vừa nhìn thấy Sư Phụ, tôi có một cảm giác dễ chịu và quen thuộc không thể diễn tả được, giống như tôi trở về nhà vậy. Có lẽ tất cả quý vị đều có mái ấm gia đình, cho nên không thể hình dung được cảm giác của tôi như thế nào. Không ai có thể biết cảm giác đó ngoại trừ tôi. Ngay lập tức tôi lạy ngài. Ngài cười và nói, “Nhìn kìa, đây một vị giáo sư Đại Học bái lạy tôi!”.

Sau khi lạy rồi đứng lên, tôi cảm tưởng mình như một người khác . Tôi từng là một người rất cứng đầu và không chịu khuất phục. Sao tôi có thể lạy một nhà sư được? Tôi không thể diễn tả cảm giác của tôi. Một sự thay đổi đột ngột đã xảy ra trong tôi. Tôi rất hạnh phúc, và đã quy y với ngài trong chính ngày hôm đó. Khoảng mười giờ đêm hôm đó, sau khi tất cả mọi người đã đi ngủ, tôi ngồi trên băng ghế tại Chánh Điện. Tâm trí của tôi trống rỗng. Tôi ở trong sự bàng hoàng─ không thể diễn tả cảm giác của mình. Rồi ngài bước đến và ngồi xuống bên cạnh tôi. Tôi không nói lời nào, ngài cũng thế. Chúng tôi ngồi ở đó khoảng mười phút, và đột nhiên ngài hét lên, “Đoạn dục!” Tôi không sợ, và cũng không cử động, nhưng tiếng hét “Đoạn dục!” của ngài giống như tiếng sư tử hống. Nó để lại cho tôi một ấn tượng sâu sắc. Tôi sẽ không bao giờ quên! Tôi học Phật giáo từ Lục Tổ Đàn Kinh, nhưng kinh không đề cập thẳng đến dục, mà nói rằng: “Tâm dục vốn là nhân của tâm thanh tịnh.” Lúc đó, ý tưởng về “Đoạn dục” thật sự gây ấn tượng cho tôi. Dục thực sự là đại căn bệnh của tôi, nhưng tôi không nhận ra nó trước đây. Từ ngày đó trở đi, tôi nhận ra căn bệnh này. Tôi đã làm theo sự giáo hóa đó trong nhiều năm. Tôi nỗ lực áp dụng không ngừng, và rất khó khăn. Nó ảnh hưởng không những đến tôi mà cả gia đình tôi. Về sau, tôi nhận ra rằng đoạn dục là giáo lý căn bản của Đức Phật trong tất cả các kinh điển. Đó là sự giáo hóa đầu tiên của Hòa Thượng dành cho tôi.

Năm sau, năm 1978, tôi tham gia phái đoàn của Hòa Thượng trong chuyến viếng thăm Đông Nam Á sáu tuần. Đó là thời gian dài nhất tôi ở gần Sư Phụ và cũng là thời gian tôi nhận được nhiều giáo hóa nhất. Ở đây, tôi chỉ đề cập đến một chuyện đã xảy ra.

Phái đoàn của Hòa Thượng trong chuyến viếng thăm Đông Nam Á – Negeri Sembilan, Malaysia, 1978

Chúng tôi đến một ngôi chùa Nam Tông, vị trụ trì là Hòa Thượng Sri Dhammananda, khá có ảnh hưởng trong chính phủ Malaysia. Trong chùa, Sư Phụ và Hòa Thượng Sri Dhammananda ngồi ở giữa. Chín người chúng tôi ngồi quanh Sư Phụ. Hai đệ tử xuất gia của Sư Phụ và tôi ngồi thiền với mắt nhắm lại. Một cư sĩ, là một giáo sư Đại Học và là cư sĩ hộ pháp của chùa chất vấn Sư Phụ, “Tại sao các Pháp Sư của Phật giáo Đại thừa không tôn kính và lạy Pháp Sư của Phật giáo Tiểu thừa?” Ông ta nói rất nhiều nhưng tôi không nhớ. Sư Phụ không trả lời, và vị cư sĩ tiếp tục chất vấn. Tôi hành thiền cho nên không chú ý đến cuộc trò chuyện, nhưng vì lý do nào đó không rõ, tôi đứng lên và lạy người đó. Tôi hỏi ông ta, “Xin vui lòng cho tôi biết, trước khi tôi lạy, tôi là một người Phật giáo Đại thừa hay Tiểu thừa? Sau khi tôi lạy, tôi là một người Phật giáo Tiểu thừa hay Đại thừa?” Ông không thể trả lời tôi. Lúc đó, một người cư sĩ họ Hoàng, người đã thỉnh cầu Sư Phụ đi Malaysia nói với ông ta, “Ông ấy cũng là một giáo sư Đại Học.” Từ lúc đó, vị cư sĩ rất tử tế với tôi mà không còn chất vấn nữa.

Trong chuyến đi đó, mỗi sáng chúng tôi có một cuộc họp nhỏ để thảo luận về những gì chúng tôi đã làm vào ngày hôm trước. Hòa Thượng ngồi trên ghế cao còn chúng tôi ngồi trên sàn nhà. Sáng hôm sau, Hòa Thượng rời khỏi ghế của mình và ngồi xuống sàn nhà bên cạnh tôi. Ngài nói, “Việc con làm ngày hôm qua tốt lắm!” Tôi nói: “Sư Phụ, xin đừng khen con. Con không sợ lời khen của bất cứ ai, bởi vì con không bám chấp và không quan tâm. Tuy nhiên với Hòa Thượng, con không thể nhận khi ngài khen con. Con sẽ chấp trước, vì con quá sung sướng.” Ngài nói, “Ta không khen ngợi con. Ta đang nói sự thật.” Điều đó còn càng tệ hại hơn lời khen ngợi!