Thủy Kính Hồi Thiên Lục

Hòa Thượng Tuyên Hóa

Giới thiệu:

Tai ương ách nạn là do sát nghiệp sanh ra, sát nghiệp là do tâm sanh ra; nếu tâm không sanh lòng giết hại, lòng trộm cướp, lòng tà dâm, lòng nói dối, lòng uống rượu mà lại nghiêm trì năm giới, siêng tu tam vô lậu học (giới, định, huệ), thì tất cả ác nghiệp liền được tiêu trừ. Khi đó thì “bổn lai diện mục” không khó nhận thức, “bổn hữu trí huệ” tất tự nhiên hiện tiền. Cảnh vật ở nơi này kỳ diệu biết bao không nơi nào có được. “Bổn địa phong quang” có lý thú kỳ diệu riêng mà ý vị thật vô cùng tận! Chúng ta nếu muốn được thưởng thức cái ý vị đó thì phải phát khởi lòng hướng thiện, gạn lọc tâm tính, phát tâm đại tinh tấn dõng mãnh, lập chí tiến tu nguyện thành đạo quả, để cứu độ nhân sinh cùng tới được bờ bên kia, cùng các bậc thiện nhân cao thượng vui vầy một chỗ, mãi mãi được bầu bạn cùng các bậc Bồ Tát bất thối. Cho nên, tôi viết quyển “Thủy Kính Hồi Thiên Lục” là vì mục đích này!

Hòa Thượng Tuyên Hóa

 

ĐƯỜNG TUYÊN TÔNG

ĐÁNH HÉT KHÔNG NGỘ

Tây Nguyên năm 847 ~ 859

Đường Tuyên Tông họ Lý, tên Thầm. Con của Hiến Tông, chú của Võ Tông, để tránh bị Võ Tông hại, nên Lý Thầm đã vào chùa làm sa di. Một hôm, sa di cùng với thiền sư Hoàng Bá ngắm thác nước, Thiền sư làm thơ hai câu thơ:

Ngàn hang vạn hốc không từ lao.
Xa thấy mới biết từ chỗ cao.

Sa di liền họa tiếp:

Khe suối làm sao lưu giữ được.
Chảy ra làm sóng biển lao xao

Thiền sư biết đó chẳng phải người bình thường. Sa di thấy Thiền sư lễ Phật, liền hỏi:
– Không chấp nơi Phật, không chấp nơi Pháp, không chấp nơi chúng,Thiền sư lễ Phật, là cầu những gì?
Thiền sư đáp:
– Vì lễ Phật mà lễ Phật.
Sa di lại hỏi:
– Thế thì lễ làm gì?
Thiền sư không đáp, tát thẳng vào mặt sa di một cái. Sa di không hiểu, bực mình nói:
– Thô bạo quá!
Thiền sư nói:
– Đây là chỗ nào mà nói thô nói tế.
Thiền sư lại tát thêm mấy tát, làm cho sa di càng không hiểu ra sao cả. Về sau Võ Tông băng hà, sa di hoàn tục về làm vua, Bùi Hưu làm tướng, Phật Pháp rất hưng thịnh.

Khen rằng:

Quý vi hoàng tộc, dị quả thành thục,

Tị nạn xuất gia, tác pháp môn đồ,

Đại hải ba đào, tự tánh hồ đồ,

Bổng hát bất ngộ, định lực vị túc.

Quí là hoàng tộc
Dị quả chín muồi
Lánh nạn xuất gia
Làm đệ tử Phật
Sóng lớn trong biển.
Tự tánh mơ hồ
Gậy quát chẳng ngộ
Định lực chưa đủ.

Lại nói kệ rằng:

Xuất thế nhập thế tuy thù thú,

Pháp nhĩ như thị khởi quái hô,

Hốt nhiên nhi thiên hưởng thắng phước,

Toàn vãng địa ngục bất tri túc.

Hoàng bá từ tâm vô dụng xứ,

Sa di tục niệm hữu dư độc,

Luân hồi lục đạo nhậm quân khứ,

Tái tác đế vương triển hồng đồ.

Xuất thế nhập thế tuy khác đường
Pháp vốn như vậy há lạ chăng?
Bỗng nhiên như trời hưởng phước báo
Xoay về địa ngục không biết đủ
Tâm từ Hoàng Bá không công dụng
Sa di tục niệm chứa nhiều độc
Sáu nẽo luân hồi tùy anh chọn
Làm lại đế vương thành mộng lớn.

Giải thích bằng văn bạch thoại:

Quý vị chớ nên xem thường sa di, sa di ni, tỳ kheo, tỳ kheo ni xuất gia. Ở Trung Hoa, sa di và sa di ni cũng có vị từng làm hoàng đế. Triều Đường có một sa di làm hoàng đế, chính là Đường Tuyên Tông, triều Minh cũng có một sa di làm hoàng đế, đó là Minh Thái tổ Châu Hồng Võ, hiện nay ở Trung Hoa lại có một sa di làm tướng quân đó là Từ Thế Hữu.

Những vị này đều là từ Phật môn ra, sau khi từ bỏ trai giới, làm những việc hồ đồ lầm lẫ̀n.

Đường Tuyên Tông là dòng dõi đế vương, là hậu nhân của vua Đường Thái Tông; Đường Thái Tông tên Lý Thế Dân, đương nhiên vị hoàng đế này cũng họ Lý, tên Thầm, chữ “忱”(Thầm) này có ý nghĩa cảm kích, một nghĩa là nghĩa tình cảm, một nghĩa khác là không nói ra được, không nói ra được nghĩa là sao? Là có chút khổ, lại có chút vui; nếu nói nó là khổ, nó cũng không khổ lắm, nếu nói nó là vui, thì cũng không vui lắm; cho nên không khổ cũng không vui, không nói ra được hết cái ý vị của nó thế nào, thích thú thế này. Thầm là con trai của Đường Hiến Tông, chú của Đường Võ Tông.

Lúc Thầm còn làm thái tử, đại khái là một thái tử chịu nhiều khổ nhục. Làm sao biết được? Nếu Thầm không phải là một thái tử chịu nhiều khổ nhuc thì sao có thể bị cháu cướp ngôi? Có lẽ lúc Thầm làm thái tử, chỉ là bất lực bù nhìn, tự mình khó giữ, cho nên phải lánh đi; bởi vì phải tránh nạn Đường Võ Tông cướp ngôi, Thầm liền bỏ đi làm sa di. Quí vị xem, một người đáng phải làm hoàng đế mà bỏ đi làm sa di! Đường Võ Tông biết Thầm đi tu làm sa di, nhưng không biết Thầm ở chùa nào, vì thế đã tiêu diệt Phật giáo, dụng ý của việc tiêu diệt Phật giáo là hy vọng tìm được Thầm, nhổ cỏ phải nhổ tận gốc. Nhưng có lẽ Thầm vẫn là người có tướng lành nhân thiên, cho nên Đường Võ Tông tìm không được.

Thầm đã làm sa di, nhưng cũng rất kiêu ngạo, làm sao biết được Thầm kiêu ngạo? Bởi vì Thầm cùng với thiền sư Hoàng Bá (chú thích 1) đi ngắm thác nước; trong Phật giáo lúc đó, sa di không được cùng với hòa thượng một chỗ, Vị hòa thượng này có vẻ cũng rất quý Thầm, biết Thầm là thái tử, cho nên cùng Thầm đi ngắm thác nước. Thiền sư Hoàng Bá thấy thác nước đổ cuồn cuộn, giống như hàng vạn con ngựa đang phi nhanh, thế là cảm xúc trào dâng, cảm hứng thi ca phát ra, nên đã đọc lên hai câu thơ; đáng lẽ thơ đều là bốn câu, thiền sư đã nói trước hai câu:

Thiên nham vạn hác bất từ lao ,

Viễn khán phương tri xuất xử cao

(Ngàn hang vạn hốc không từ lao,

Xa nhìn mới biết từ nơi cao.)

Ý câu thơ nói là, dòng thác này phải chảy qua một chặng đường dài ngàn hang vạn hốc khúc khuỷu như thế, đứng gần nhìn thì không cảm nhận được gì cả, phải đứng từ xa nhìn, mới biết đầu nguồn thác là từ trên cao đổ xuống.

Lúc đó thiền sư cũng không có ý nói với sa di này, chỉ do trông thấy cảnh tượng ấy nên đối cảnh sanh tình, đã nói hai câu thơ như thế; hai câu sau, có lẽ thiền sư Hoàng Bá còn đang suy nghĩ, vẫn chưa nghĩ ra. Vị Sa di này đang ở bên cạnh, muốn khoe khoang tài hoa của mình, buông lời thành thơ liền làm tiếp, nói:

Khê giản khởi năng lưu đắc trụ ,

Chung quy đại hải tác ba đào.

(Khe suối há thể lưu giữ được,

Quy về làm sóng biển lao xao.)

Chính là nói, thác nước này từ trên cao đổ xuống, mà khe núi nhỏ bé không chứa được bao nhiêu nước, làm sao chứa được thác nước lớn này! Thác nước lớn này cuối cùng phải chảy ra biển cả, vào trong biển cả biến thành sóng lớn, sóng lớn này tạo ra gió tạo ra những con sóng nhỏ khác.
Ý của thiền sư là thác nước dụ cho sa di, sa di đáng lẽ phải là hoàng đế, từ trong hoàng cung ra, xuất thân từ một địa vị rất cao. “Ngàn hang vạn hốc”, cũng chính là ở trong hoàng cung muôn đầu nghìn mối, tranh quyền đoạt lợi, trôi giạt ra ngoài. “Xa thấy”, chính là nhìn kỹ, tỉ mỉ nhìn xem, mới biết Vị hoàng đế này không tầm thường, cho nên nói “xa nhìn mới biết từ chỗ cao”. Chính sa di có lẽ cũng có cảm xúc, liền nói “Khe núi há có thể lưu giữ được”, sông ngòi nhỏ thế này, giữ không được thác nước cuồn cuộn như thế này, cuối cùng nước cũng phải trở về biển cả; biển lớn không chối từ những dòng suối khe nhỏ, tất cả mọi nguồn nước đều phải trở về với biển cả, trở thành sóng lớn cuộn trào.

Thiền sư Hoàng Bá nghe hai câu thơ tiếp theo của sa di, biết rằng sa di là người có tài hoa, sau này không chỉ làm sa di, nếu tiếp tục làm người xuất gia, sẽ làm một Đại pháp sư, nếu không xuất gia, cũng làm hoàng đế, cho nên biết sa di không phải con vật ở trong hồ. Trong hồ chỉ có thể nuôi dưỡng những loài thủy tộc bình thường như cá nhỏ, tôm tép; nếu như là chú rồng con, rồng con chẳng phải là vật ở trong hồ, không phải hồ nước có thể nuôi được nó. Cũng là nói, e rằng tương lai Thầm xuất gia không thể lâu, không phải cái chùa nhỏ bé này có thể chứa được ông ta.

Một đoạn thơ này, cũng có thể giải thích theo cách khác. Thác nước này lại có thể nói là đầu nguồn của sự truyền bá Phật Pháp, dòng thác Phật Pháp cũng đi qua muôn cửa ngàn nhà, có nhiều đến tám vạn bốn ngàn loại pháp môn như thế; trong đó bất kỳ một pháp môn nào, khởi đầu của nó cũng đều do Phật thuyết, đều tưới nhuần rộng khắp tất cả chúng sanh. Quý vị nghiên cứu kĩ, mới biết sự huyền diệu của Phật Pháp; tám vạn bốn ngàn pháp môn, mỗi một pháp môn đều là đệ nhất, không có pháp môn thứ hai. Bởi vì pháp môn ấy, đúng căn tánh của bạn, đúng chân tính của bạn chính là pháp môn đệ nhất; không đúng chân tính căn cơ của bạn, mà đúng căn tánh của người khác tức là đệ nhất của người khác. Cho nên tám vạn bốn ngàn pháp môn, thì có tám vạn bốn ngàn pháp môn đệ nhất, không có pháp môn thứ hai; đều là pháp môn không hai, là nghĩa đệ nhất nghĩa đế.

Một hôm sa di này lại thêm lắm chuyện, sa di trông thấy thiền sư Hoàng Bá đang lễ Phật, trong bụng có chút nghi ngờ, cảm thấy Lão Hòa Thượng này chẳng hiểu biết gì cả, bình thường nói là không nên chấp trước, không nên chấp trước — không nên chấp Phật, cũng không nên chấp Pháp, cũng không nên chấp chúng Tăng, Phật Pháp Tăng đều không nên chấp; thế ông ở đây một ngày lễ suốt đến tối, đứng lên lại quỳ xuống, còn cúi đầu, nhiều phiền phức thế này! Cho nên sa di rất xem thường thiền sư Hoàng Bá. Có lẽ bình thường sa di đối với thiền sư không chút nể nang, cho nên liền đến vấn nạn:

“ Lúc Hòa Thượng giảng pháp thường nói không chấp Phật, không chấp Pháp, không chấp Tăng, thế Hòa Thượng lễ Phật để cầu gì? ”

Thiền sư liền nói: “Ta vì lễ Phật mới lễ Phật.”

Ý ở đây là nói, ta vốn dĩ như thế, đây là những gì vốn có của ta, ta không có gì để cầu cả, như vậy đây cũng chính là lễ Phật.

Sa di lại hỏi: “ Cần lễ làm gì? ” Ý là nói, Hòa Thượng đã cho là vì lễ Phật mới lễ Phật, thế thì Hòa Thượng còn phải cần đến cái lễ làm gì? Hòa Thượng còn dính mắc tướng kia làm gì? Đây chính là truy vấn dồn dập, là phong cách thiền trong lời nói. Quí vị phải biết, đây là phong cách thiền đầu môi của sa di, đồng thời sa di không hiểu biết gì việc lễ Phật, cáo gọi là: “Trước Phật đảnh lễ tội diệt hằng sa, bố thí một đồng thêm phước vô lượng.” Sa di chỉ hiểu được chút thút ngoài da, chứ không hiểu được có bảy thứ lễ bái: Lễ ngã mạn, lễ cầu danh, lễ nhịp nhàng giữa thân và tâm, lễ phát trí thanh tịnh, lễ hòa khắp pháp giới, lễ chí thành chánh quán tu hành, lễ bằng sự bình đẳng của thật tướng. Nếu thấy người khác lễ, người kia cũng lễ theo đây gọi là tùy hỷ lễ. Thế rồi Sa di liền hỏi: “ Cần lễ làm gì? ” Tại sao nhất định phải lễ Phật? Câu hỏi này cũng giống như một số người Mỹ không hơn không kém, người Mỹ nói: “ Bạn lễ Phật làm gì? Nó là tượng gỗ!”

Vừa hỏi như vậy, thiền sư Hoàng Bá cảm thấy sa di quá ngang tàng, chỉ hiểu chút thiền đầu môi chót lưỡi, đã mang ra giở trò với ta rồi ! Vì thế liền tát thẳng vào mặt sa di một cái, cái tát này đã làm sa di tối tăm mặt mày, nói: “ Thô bạo quá! ” Tác phong của ngài quá thô bạo. Thiền sư nói:
“ Đây là chỗ nào mà ngươi nói thô nói tế !” Cũng là nói, ngươi đã nói không cần lễ, đúng thế! Không phải lễ Phật cũng được; thế bây giờ ta tát ngươi, cũng là không cần tát, ta tát ngươi cùng chưa tát ngươi không có gì khác nhau. Lúc ta tát ngươi, ngươi có cảm tưởng gì? Khi ta chưa tát ngươi, ngươi có cảm tưởng gì? Cũng là nói, ta lễ Phật ngươi nói không cần lễ Phật, đây giống như ta tát ngươi và chưa tát ngươi, ngươi cảm thấy có gì khác biệt? Đến đây sa di mắng thiền sư Hoàng Bá quá thô bạo, thiền sư Hoàng Bá nghe sa di nói như thế, biết sa di vẫn chưa hiểu, vẫn chưa rõ ý sư; vì thế tát tiếp liền mấy bạt tai, bất kể sa di nói gì, vẫn tát cho sa di tóa hỏa tam tinh, tối tăm mặt mày, nhưng sa di vẫn không hiểu cớ gì, cũng không biết rốt cuộc đã phạm tội gì, chịu đòn oan nhưng sa di vẫn không biết cách gì để phản kháng lại.

Đợi đến lúc tội ác của Đường Võ Tông chất chồng phải chịu quả báo, cho nên đã chết. Bấy giờ một số quan văn võ trong triều mới đi tìm hậu duệ của họ Lý, họ đã tìm được Thầm, mời Thầm về làm hoàng đế. Bởi gì Thầm đã làm sa di, cho nên khi làm hoàng đế vẫn tin tưởng Phật Pháp; Thầm phong Bùi Hưu (chú thích 2) làm thừa tướng . Nhờ vậy mà sau khi Đường Võ Tông tiêu diệt Phật pháp, Phật Pháp lại được hưng thịnh trở lại.

Việc thế gian thì lúc thịnh lúc suy, khi bình khi loạn, tốt đến cực điểm lại phải xấu rồi, xấu đến cực điểm lại phải tốt rồi; một người phải là thân thể tráng kiện, khỏe mạnh đến cực điểm, nếu không biết yêu quí giữ gìn nó, không biết giữ sức khỏe thì sẽ có bịnh, bịnh nếu nặng thì sẽ chết. Nếu không cẩn thận mà mắc phải bịnh AIDS, liền trở thành con trùng độc truyền nhiễm trên thế gian, làm cho mọi người lây nhiễm cho nhau, cùng nhau đến chỗ chết. Đây là vì sao? Bởi gì con người vui sướng đến cực điểm, thì buồn rầu đến, gọi là “vui quá sanh buồn”. Chúng ta tốt nhất không nên vui quá, thì sẽ không sanh đau buồn.

Tôi phải cố gắng dùng một số hình ảnh của các thiền sư ngày xưa, cho đến các kinh Chú Đại Bi, Kinh Lăng Nghiêm, các bài tán và kệ tụng để nói rõ vấn đề hơn. Vốn dĩ đoạn văn này dù không nói kệ tụng, không nói tán, người bình thường xem cũng hiểu; nhưng tôi lại thêm vào một bài tán, một bài kệ tụng để giải thích vấn đền thêm rõ ràng hơn. Tán cũng không nhất định là khen ngợi mà là để bình luận vấn đề.

Khen rằng:

Quý vi hoàng tộc, dị quả thành thục,

Tị nạn xuất gia, tác pháp môn đồ,

Đại hải ba đào, tự tánh hồ đồ,

Bổng hát bất ngộ, định lực vị túc.

Quý vi hoàng tộc, dị quả thành thục(Quí là hoàng tộc, dị quả chín muồi): Thầm là con cháu dòng tộc hoàng đế, có thể nói là dòng tộc tôn quí. Nhưng quả báo hai bên của Thầm đều chín muồi. Quả báo hai bên là gì? Một quả sa di, một quả hoàng đế. Đây cũng có thể gọi là “quả dị thục”, quả không đồng loại, không chín cùng một thời gian. Thầm vốn sanh trong nhà hoàng đế, lẽ ra không có tai nạn gì, nhưng lại gặp phải tai nạn người cháu cướp ngôi.

Tị nạn xuất gia, tác pháp môn đồ (Lánh nạn xuất gi, làm đệ tử Phật): Bị cướp mất ngôi, Thầm liền lánh nạn vào chùa xuất gia, làm môn đồ trong cửa Phật, làm sa di.

Đại hải ba đào, tự tánh hồ đồ (Sóng lớn trong biển, tự tánh mê mờ): Tuy Thầm làm sa di, nhưng vẫn chưa quên hoài bảo của thiên tử; cho nên Thầm còn phải dậy sóng trong biển cả, xoay chuyển trong biển người. Tự tánh của Thầm còn mê mờ, tuy Thầm có tài hoa như thế, nhưng vẫn chưa hiểu rõ; nếu thật sự Thầm đã hiểu rõ, thì sẽ không đi làm hoàng đế nữa. Giống như hoàng đế Thuận Trị nhà Thanh, tự biết mình vốn là một chú tiểu trong chùa, không hiểu nguyên do sao lưu lạc vào nhà đế vương? Vì thế liền trở vào chùa làm hòa thượng, không làm hoàng đế nữa. Nhưng hoàng đế Đường Tuyên Tông này vẫn chưa tỉnh mộng, cho nên đánh hét mà cũng không chịu ngộ.

Bổng hát bất ngộ, định lực vị túc (Gậy hét vẫn không ngộ, bởi định lực chưa đủ): Tại sao không ngộ được ý hòa thượng? Bởi gì Thầm còn nuôi mộng làm hoàng đế. Thầm chưa tu giới viên mãn, cho nên định lực không đầy đủ; định lực không đủ, thì huệ lực cũng không đủ.

Lại nói kệ:

Xuất thế nhập thế tuy thù thú,

Pháp nhĩ như thị khởi quái hô,

Hốt nhiên nhi thiên hưởng thắng phước

Toàn vãng địa ngục bất tri túc

Hoàng bá từ tâm vô dụng xứ

Sa di tục niệm hữu dư độc

Luân hồi lục đạo nhậm quân khứ,

Tái tác đế vương triển hồng đồ

Xuất thế nhập thế tuy thù thú (Xuất thế nhập thế tuy khác đường): Xuất gia và tại gia tuy là khác, như trong Lục Tổ Đàn Kinh có nói: “Phật pháp là từ nơi thế gian pháp, không có sự giác ngộ ngoài pháp thế gian, bỏ thế gian để đi tìm Bồ-đề, chẳng khác gì đi tìm lông rùa sừng thỏ”. Tu hành là phải tu nơi thế gian, trên những con sóng của biển khơi, quí vị phải vượt ra khỏi. Quý vị có thể cưỡi gió đạp sóng, phấn chấn tinh thần, không bị trôi nỗi theo tiền tài, sắc đẹp, danh lợi, ăn uống, ngủ nghỉ, tiến thẳng lên, thì có thể vượt ra khỏi; ngay trong thế gian này tu Pháp xuất thế, cho nên nói “xuất thế nhập thế tuy khác đường”, xem ra thì khác nhau, nhưng cùng về một đích.

Pháp nhĩ như thị khởi quái hô (Pháp vốn như thế há lạ chăng): Phật Pháp thì tràn ngập hư không, cùng khắp pháp giới, hư không pháp giới đều đang diễn thuyết diệu pháp, cho nên Tô Đông Pha mới nói: “Tiếng suối cũng là tiếng lưỡi rộng dài đang nói pháp, Sắc núi khác gì pháp thân thanh tịnh” Tiếng suối róc rách, sắc màu của núi rừng, tất cả cùng đang diễn thuyết diệu pháp ! Diễn thuyết Phật Pháp không nhất định phải có người đứng đó để giảng kinh nói pháp mới được xem là thuyết pháp; vạn sự vạn vật trên thế gian cũng như thế đều đang nói Pháp. Nếu như quý́ vị hiểu được vậy, đây đều là chân lý rốt ráo, đều là nơi ẩn tàng diệu pháp; nếu quí vị hiểu không được như vậy, khắp nơi đều là bụi cây gai góc, đều là trói buộc.

Hốt nhiên nhi thiên hưởng thắng phước (Bỗng nhiên được hưởng phước thù thắng như trời): Chúng sanh ở trong sáu đường luân hồi, bỗng chốc lên thiên đường, hưởng thụ phước báo thù thắng của trời; nhưng rồi phút chốc lại rơi xuống địa ngục.

Toàn vãng địa ngục bất tri túc (Xoay về địa ngục không biết đủ): Vì sao bị đọa vào địa ngục? Bởi gì tâm tham, không biết đủ. Nếu không có tâm tham, thì sẽ không rơi vào địa ngục; bởi vì không biết đủ, mới bị đọa vào địa ngục. Điểm này quí vị phải chú ý, đọa vào địa ngục là do tham sân si.

Hoàng bá từ tâm vô dụng xứ (Lòng từ Hoàng Bá không công dụng): Thiền sư Hoàng Bá đã tát hai tát vào má phải má trái của sa di, đây là cái tát bằng lòng từ bi muốn giúp sa di khai ngộ, muốn đánh tĩnh giấc mộng làm hoàng đế của sa di; nhưng có lẽ cái tát còn nhẹ, cho nên không đánh chết được mộng làm hoàng đế của sa di. Đánh chưa tĩnh, thì sa di vẫn chưa khai ngộ, còn tiếp tục mộng làm hoàng đế; nên nói những ý niệm thế gian của sa di nhiều độc hại.

Sa di tục niệm hữu dư độc (Những ý niệm thế gian của sa di nhiều độc hại): Chữ “dư” này không phải dư của dư thừa, mà có nghĩa là rất nhiều, nhiều không kể được. Nhiều như thế nhưng cái độc này nói không cùng, độc phát ra rất nhiều, bình thường con người có tám lạng độc, sa di này thì có đến mười sáu lạng, hoặc ba mươi hai lạng, bốn mươi tám lạng, cái độc dư này của sa di hơn người khác rất nhiều.

Luân hồi lục đạo nhậm quân khứ (Sáu nẻo luân hồi tùy anh chọn): Sáu đường luân hồi bày ra nơi đó, do quý vị tự đến tự đi, muốn đến con đường kia, tùy quý vị vui thích. Nhưng ở đây không phải tự mình có thể kiểm soát được, là do mình tạo nghiệp nên phải đi nhận quả báo, cho nên tự mình không thể khống chế; nếu như mình có thể kiểm soát, thì mọi người đều lên thiên đường hết rồi. Nhưng chỉ trong thoáng chốc đã rơi vào địa ngục, cho thấy rằng bản thân mình không thể khống chế được, mình tạo nghiệp gì thì phải chịu quả báo đó. Xét cho cùng, chính là khởi lên mê hoặc, tạo nghiệp, chịu quả báo; khởi lên mê hoặc là sự mê mờ trong một ý niệm, vì sự mê mờ trong một ý niệm liền tạo nghiệp, tạo nghiệp thì phải chịu quả báo. Cho nên nói, Sáu nẻo luân hồi tùy anh chọn. Quí vị tình nguyện đi theo con đường kia, là quết định nghiệp của chính quí vị tạo.

Tái tác đế vương triển hồng đồ (Làm lại đế vương thành chí lớn): Đường Tuyên Tông đã hoàn thành được giấc mộng hoàng đế, cho nên bắt đầu thực hiện những hoài bảo và chí nguyện của mình. Chí nguyện của Thầm là gì? Là làm hoàng đế. Thế làm được hoàng đế rồi Thầm còn muốn làm gì? Điều đó chẳng ai biết được. Cũng chính là làm việc tốt có qủa báo tốt, làm ác có quả báo ác; bây giờ chưa báo ứng, là do thời khắc chưa đến, lúc thời khắc báo ứng đến, nhất định phải nhận chịu quả báo.

© Hòa thượng Tuyên-hóa giảng vào ngày 22 tháng 8 năm 1987

Chú thích 1: Xem “Phật Tổ Đạo Ảnh” (2) nhà xuất bản Bổn Hội, trang 16, Thiền sư Hoàng Bá Hy Vận đời thứ ba mươi bảy.

Chú thích 2 : Xem “Thủy Kính Hồi Thiên Lục” (1). trang 31. Bùi Hưu