Sa Môn Trừng Quán, chùa Đại Hoa Nghiêm, núi Thanh Lương, đời Đường, soạn thuật.
Hòa Thượng Tuyên Hóa, chùa Kim Sơn, thành phố San Francisco, Hoa Kỳ, giảng thuật.

cttbbl.jpg

Thay Lời Tựa

Giới Thiệu Kinh Hoa Nghiêm

Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng tại Phật Giáo Giảng Đường, San Francisco, 1979

Bộ Kinh Hoa Nghiêm này chính là kinh của Pháp Giới, cũng chính là kinh của Hư Không. Tận cõi hư không cùng khắp Pháp Giới, không một nơi nào chẳng phải là trú xứ của Kinh Hoa Nghiêm. Mà trú xứ của Kinh Hoa Nghiêm chính là trú xứ của Phật cũng chính là trú xứ của Pháp, cũng chính là trú xứ của Hiền Thánh Tăng, cho nên khi Phật mới thành Chánh Giác, liền nói bộ Kinh Hoa Nghiêm này giáo hóa tất cả Pháp thân Bồ Tát. Bộ Kinh Hoa Nghiêm này vì nó là bộ kinh mầu nhiệm không thể nghĩ bàn, thế nên đem cất giữ nó trong cung rồng để Long Vương giữ gìn. Sau này do Bồ Tát Long Thọ đến long cung và trở về chép lại theo sự ghi nhớ của mình.

Bộ Kinh Hoa Nghiêm này cũng tựa như đám mây lành giữa hư không, chiếu soi khắp ba ngàn đại thiên thế giới, như giọt mưa pháp cam lộ thấm nhuần đến tất cả từng chúng sanh. Bộ kinh này cũng giống như vầng thái dương chiếu khắp đại thiên thế giới khiến cho tất cả chúng sanh đều được ấm áp, kinh này cũng giống như đại địa, có thể nuôi lớn tất cả muôn vật, cho nên có thể nói khi có sự hiện hữu của Kinh Hoa Nghiêm này là Chánh Pháp còn trụ thế lâu dài.

Mỗi ngày chúng ta giảng giải, nghiên cứu Kinh Hoa Nghiêm, mục đích là nương vào đạo lý của kinh mà tu hành, phải dùng kinh điển để chữa trị những thói hư tật xấu của chính mình. Chính mình có tâm tham, nghe được Kinh Hoa Nghiêm thì phải dẹp trừ nó đi, hễ có tâm sân, khi nghe kinh này cần phải đoạn trừ tâm sân, có tâm ngu si khi nghe kinh này rồi cũng phải loại trừ cho được.

Những nghĩa lý được trình bày của bộ kinh này chính là đối trị với những tập khí của chúng ta. Chớ cho rằng những gì được nói trong đây chỉ vì Bồ Tát mà nói, chẳng can hệ gì đến chính mình. Hoặc đây là pháp nói cho hàng A-la-hán, cũng chẳng liên quan gì đối với tự thân. Hàng phàm phu chúng ta nghe kinh này chỉ là nghe nghe vậy thôi, mình tự cho rằng mình không đạt được cảnh giới của bậc thánh. Quý  vị nếu nghĩ như vậy chính là tự ruồng bỏ mình, tự tuyệt nhân với thánh nhơn.

Kinh Hoa Nghiêm từ đầu chí cuối, mỗi một câu kinh đều là pháp bảo vô thượng. Chúng ta phải đích thân làm lấy, tu theo nghĩa lý trong kinh thì chắc chắn sẽ thành Phật. Vì thế Kinh Hoa Nghiêm cũng có thể nói là mẹ của tất cả chư Phật. Kinh Hoa Nghiêm chính là Pháp thân của chư Phật. Đức Phật tán thán kinh Kim Cang: “Hễ nơi nào có kinh điển thì nơi đó có Phật”. Cũng vậy, nơi mà bộ Kinh Hoa Nghiêm này hiện hữu chính là nơi đó có Phật; chẳng qua, bởi nghiệp chướng quá sâu dầy nên đối diện Phật mà chẳng thấy Phật.

Nên nói: “Đối diện mà không nhận ra Quán Thế Âm”. Quý vị nhìn thấy vị Bồ Tát Quán Thế Âm này, Ngài có cả nghìn tay nghìn mắt thường phóng ra vô số hào quang một cách vô ngại, chiếu khắp đến những chúng sanh có duyên trong ba ngàn đại thiên thế giới. Nhưng, chúng ta ngày ngày lễ Phật ở đây, niệm Phật nơi này, lễ Quán Âm Bồ Tát, niệm Quán Âm Bồ Tát mà không thấy được Ngài. Chúng ta làm cho có lệ, chính là người ta lễ, tôi cũng lễ, người ta niệm, tôi cũng niệm. Đấy là chuyển theo cảnh giới của người mà không thực sự quay về thân tâm của chính mình.

“Hằng ngày tôi lễ bái đức Quán Thế Âm Bồ Tát, niệm Quán Thế Âm Bồ Tát. Tôi phải như thế nào? Có phải vẫn nóng giận? Có phải những thói hư tật xấu vẫn không chừa?” Nếu như vậy thì quý vị lễ bái đến tận đời vị lai, quý vị cũng không thấy được Bồ Tát Quán Thế Âm. Quý vị nếu có thể cải ác hướng thiện, có thể thực sự loại trừ các tập khí của mình, ra sức hối cải để làm lại người mới thì Đức Quán Thế Âm chắc chắn sẽ gia hộ cho quý vị. Cho nên có người tu rất lâu cũng không khai phát một chút trí tuệ nào, có người tu hành chẳng bao lâu lại khai mở trí huệ, đạt được biện tài vô ngại. Vì thế hàng Sa môn Thích tử chúng ta phải siêng tu giới định huệ diệt trừ tham sân si, nhất cử nhất động cũng phải hồi quang phản chiếu, tu như vậy mới mong có tiến bộ.

Chúng ta giảng Kinh Hoa Nghiêm, nghe Kinh Hoa Nghiêm, lễ Kinh Hoa Nghiêm, tụng Kinh Hoa Nghiêm mà không tu theo nghĩa lý Kinh Hoa Nghiêm thế thì kinh là kinh, quý vị là quý vị, tôi là tôi, họ là họ, không chút dính dáng nào. Chúng ta phải đem kinh hợp lại thành một với mình. Thực hành theo đạo lý trong kinh thì chính là hợp thành một. Quý vị không thực hành theo kinh điển, tâm từ bi là không đủ, tâm hỷ xả cũng không nhiều, chỉ có vô minh, phiền não theo quý vị. Đây là không hiểu kinh cũng không biết nghe kinh, biết nghe kinh, nghe một câu thì phải nghĩ thử mình phải làm như thế nào, có phải ta chạy theo tập khí của mình không? Hay là ta tu theo nghĩa lý của kinh điển? Thường tự hỏi mình như thế, chắc chắn sẽ đạt được lợi ích lớn. Tại sao không đạt lợi ích lớn? Vì chính quý vị coi kinh là kinh, mình không dính dáng gì tới kinh. Thật ra khi Phật mới nói Kinh Hoa Nghiêm này cũng chính là nói cho tôi, cho quý vị và cho tất cả chúng sanh đang ở trong pháp hội này. Đây là lời chính kim khẩu đức Phật đối diện nói với chúng ta, chúng ta nghe văn kinh này, giống như chính tai nghe được những đạo lý mà Phật đã ân cần dạy dỗ chúng ta, dạy chúng ta nương theo pháp môn này để tu hành.

Bất luận pháp nào cũng không vượt ra ngoài tự tánh của cá nhân chúng ta, mà tự tánh của chúng ta cũng là tận hư không khắp cùng Pháp Giới. Cho nên, nếu quý vị có thể mở rộng tâm lượng của mình thì quý vị sẽ hòa hợp thành một với Kinh Hoa Nghiêm, đó gọi là “hai mà không phải hai” vậy. Người người đều có thể y theo cảnh giới của Kinh Hoa Nghiêm làm cảnh giới của chính mình, thâu nhiếp lại thành trí huệ của mình.

Quý vị xem! Thật là rộng lớn biết bao! Đó gọi là “rộng lớn hết sức mà tinh vi cùng tận,” “thả ra thì đầy khắp vũ trụ, cuộn lại thì thu giấu kín đáo”; thật là kỳ diệu không thể nói được!

Lời Nói Đầu

Hôm nay là một ngày rất quan trọng (1), tại sao nói là một ngày quan trọng? Vì đây là ngày đầu tiên khai đàn giảng Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm. Ở các quốc gia khác có thể đã có người giảng bộ kinh nầy rồi; nhưng ở các nước phương Tây, tôi tin rằng đây là lần đầu tiên. Vì là lần đầu tiên, đáng để chúng ta ghi nhớ, nên mới nói là rất quan trọng.

Xưa nay giảng Kinh Hoa Nghiêm, đầu tiên phải giảng tên kinh, nhưng bây giờ chúng ta giảng bài tựa của phần sớ giải Kinh Hoa Nghiêm trước. Vì bài tựa nầy bao hàm toàn bộ đạo lý trong Kinh Hoa Nghiêm, cho nên sau khi nghe giảng lời tựa nầy rồi, quý vị sẽ hiểu rõ được ý nghĩa đại cương của Kinh Hoa Nghiêm.

Trước khi giảng lời tựa, tôi muốn nói một chút về vị Pháp sư viết bài tựa. Bài tựa nầy do ai viết? Do Pháp sư Trừng Quán—Bồ tát Hoa Nghiêm viết.

Pháp sư Trừng Quán, húy là Trừng Quán, tự Đại Hưu, họ Hạ Hầu, quê quán ở Hội Kê, Việt Châu, thời nhà Đường.

Vị Pháp sư nầy thân cao chín thước (thước Tàu). Thân thì cao như thế, còn cặp mắt thì sao? Mắt Ngài có “trùng đồng,” tức là có hai đồng tử (con ngươi). Ban ngày thì trông Ngài không có gì khác với mọi người; nhưng ban đêm, nhìn vào cặp mắt Ngài thì thấy như có ánh sáng phát ra. Hai tay Ngài rất dài, dài quá đầu gối. Quý vị để ý xem, người có hai tay dài quá gối là có tướng đại quý, đây là một tướng đặc biệt.

Pháp sư có bốn mươi cái răng; người thường thì chỉ có ba mươi hai, ba mươi bốn, ba mươi sáu, hoặc ba mươi tám cái. Đức Phật có bốn mươi cái răng, và ngài Trừng Quán cũng vậy. Ngài đọc sách rất nhanh, xem một lượt bảy hàng chữ; trong khi quý vị mới xem được một hàng thì Ngài có thể xem tới bảy hàng. Vị Pháp sư nầy cực kỳ thông minh.

Tại sao Ngài được tôn xưng là Bồ tát Hoa Nghiêm? Vì Ngài viết ra bộ Hoa Nghiêm Sớ Sao, chuyên giảng Kinh Hoa Nghiêm. Sau khi Pháp sư viên tịch, có một vị A-la-hán nhìn thấy tại biên giới của Ấn Độ và Trung Hoa có hai Bồ tát rất trẻ đang đi trên hư không. Vị A-la-hán nầy có thần thông, và ngài đã dùng thần thông làm cho hai đồng tử áo xanh—chính là hai vị Bồ tát trẻ—dừng lại và hỏi: “Chẳng hay các vị là ai? Đến Trung Hoa để làm gì?” Hai vị đó trả lời: “Chúng tôi là thần ở Điện Văn Thù tại phía bắc Ấn Độ, đến núi Ngũ Đài Trung Hoa để thỉnh răng của Bồ tát Hoa Nghiêm mang về nước chúng tôi cúng dường.” La-hán nghe xong, bảo: “Ồ! Thì ra là thế, quý vị hãy đi đi.”

Sau khi hai đồng tử áo xanh đi rồi, vị La hán nầy cũng đến núi Ngũ Đài và kể lại sự việc ngài gặp được cho mọi người nghe. Bấy giờ, mọi người mở nắp quan tài của Quốc sư Thanh Lương ra xem xét, quả nhiên thấy thiếu hai cái răng–hai cái răng nầy đã được hai Bồ tát trẻ thỉnh về cúng dường. Cho nên, những người trong giới Phật giáo đều biết Pháp sư Trừng Quán là hóa thân của Bồ tát Hoa Nghiêm.

Vị Đại Bồ tát Quốc sư Thanh Lương nầy thật không thể nghĩ bàn, cảnh giới của Ngài không thể nghĩ bàn. Ngài trãi qua chín triều vua, làm quốc sư cho bảy vị hoàng đế. Vì sao Ngài có được khả năng như thế? Vì Ngài tu hành rất chuyên cần, không chút lơ là, khác với người thường tuy miệng nói tu nhưng thân không hành trì, “miệng đúng tâm sai”—miệng nói rất hay nhưng trong lòng thì hoàn toàn trái lại.

Sau khi xuất gia, thọ giới Cụ túc, Ngài luôn lấy mười điều để tự sách tấn bản thân, gọi là Thập Sự Tự Lệ. Mười điều nầy rất quan trọng, mỗi người xuất gia chúng ta đều nên biết. Bây giờ tôi đọc cho quý vị nghe:

Thứ nhất, thân không đánh mất phong cách của bậc Sa môn;

Thứ hai, tâm không trái phạm giới luật Phật chế;

Thứ ba, ngồi không quay lưng lại với kinh của Pháp Giới;

Thư tư, tánh không bị nhiễm cảnh giới chướng ngại của tình cảm;

Thứ năm, chân không đạp trên đất chùa Ni;

Thứ sáu, thân không chạm vào giường của cư sĩ;

Thứ bảy, mắt không nhìn cảnh trái với lễ nghi;

Thứ tám, lưỡi không nếm thức ăn lúc quá ngọ;

Thứ chín, tay không rời chuỗi tràng hạt tròn sáng;

Thứ mười, đêm ngủ không hề lìa y bát.

Tôi sẽ giải thích sơ lược mười điều tự khuyến nầy cho quý vị nghe:

Thứ nhất, thân không đánh mất phong cách của bậc Sa môn (thể bất quyên Sa môn chi biểu): Lúc nào Ngài cũng mặc áo dài, đắp y, rất trang nghiêm, đúng dáng vẻ của một Tỳ kheo. “Biểu” là hình dáng bên ngoài.

Thứ hai, tâm không trái phạm giới luật Phật chế (tâm bất vi Như Lai chi chế): Tâm Ngài luôn tuân thủ theo những khuôn phép Phật nói và những giới luật do Phật chế định, tuyệt đối không trái phạm.

Thứ ba, ngồi không quay lưng lại với kinh của Pháp Giới (tọa bất bội Pháp Giới chi kinh): Kinh Hoa Nghiêm còn được gọi là “Kinh Pháp Giới”. “Bất bội” tức là không vi phạm. Phàm chỗ nào có Kinh Hoa Nghiêm thì Ngài nhất định ngồi day mặt về phía đó. Tất cả quý vị hãy lắng nghe về nguyện lực này–đừng nói là đối với Phật, ngay cả đối với kinh điển, Ngài cũng không bao giờ ngồi quay lưng lại.

Thứ tư, tánh không bị nhiễm cảnh giới chướng ngại của tình cảm (tánh bất nhiễm tình ngại chi cảnh): “Tình” là tình yêu nam nữ; “ngại” là chướng ngại, ngăn trở. Ngài không bị nhiễm thứ tình cảm trói buộc, chướng ngại nầy. “Bất nhiễm” tức là không đắm chìm, không vướng mắc.

Thứ năm, chân không đạp trên đất chùa Ni (túc bất lý Ni tự chi trần): Nguyện thứ năm nầy xem ra không được thỏa đáng lắm, các Tỳ kheo ni sẽ buồn lòng vì điều nầy, nhưng Quốc sư vẫn cứ phát nguyện. Phát nguyện như thế nào? Quốc sư nói Ngài sẽ không bao giờ đặt chân đến ngưỡng cửa của Ni viện; Ngài chẳng những không vào trong chùa Ni, mà ngay cả đến trước cổng cũng không.

“Ni” chính là Tỳ kheo ni. Chùa chỉ có Tỳ kheo ni ở, gọi là chùa Ni. Ngay cả cổng của Ni tự, Ngài cũng không đặt chân đến. Điều nầy có nghĩa như thế nào? Nghĩa là Ngài không đến chùa Ni. Suốt đời Ngài chưa từng đến một Ni tự nào, do vậy mà rất nhiều Tỳ kheo ni cũng không đến chùa Ngài: “Quốc sư không đến thì thôi, chúng ta cũng không đi”.

Quý vị nghĩ xem, nếu là người Tây phương, quý vị ắt sẽ nói rằng: “Ây da! Ông nầy nhất định bị bệnh tâm thần rồi, chuyện có đáng gì đâu chứ? Đến chùa Ni thì có gì không tốt? Mỗi ngày tôi đến đó cả trăm lần mà đều không thấy có vấn đề gì cả. Vị Quốc sư Thanh Lương nầy quá ư ‘thanh lương’ (trong sạch, mát mẻ), đến độ không còn một chút nhiệt tình!” Có đúng vậy không? Ngài quá “thanh lương,” đến một chút tình cảm cũng không có–bởi không có tình cảm gì cả, nên mới có thể phát được lời nguyện “thanh lương” nầy!

Thứ sáu, thân không chạm vào giường của cư sĩ (thân bất xúc cư sĩ chi tháp): Không cần nói đến việc ở lại nhà của người cư sĩ tại gia, ngay cả giường của họ, Ngài cũng không chạm tới. “Bất xúc” tức là không touch, no touch, không tiếp xúc. Quý vị nghĩ lại xem, mình đã làm được việc nầy chưa? Quý vị thế nào rồi?

Thứ bảy, mắt không nhìn cảnh trái với lễ nghi (mục bất thị phi nghi chi thái): “Phi nghi” có nghĩa là không hợp với oai nghi. Phàm những nhân duyên không đúng với khuôn phép lễ nghi thì Ngài đều không để mắt tới. Như những cảnh đóng tuồng, diễn kịch, nhảy múa, ca hát, giả trang làm quái vật hoặc yêu quái nhảy nhót náo nhiệt trên đường phố … Ngài đều không xem.

Thứ tám, lưỡi không nếm thức ăn lúc quá ngọ (thiệt bất vị quá ngọ chi hào): Khi đã quá ngọ, đừng nói là ăn, ngay cả nếm thử để xem mùi vị ra sao, Ngài cũng không nếm. Ngài không hề nói: “Món này hương vị thế nào? Hãy để tôi ăn thử một chút!” Quý vị xem, chỗ làm của các bậc cao tăng đều như thế. Muốn xuất gia, nào có dễ? Nếu không buông bỏ được, quý vị không nên xuất gia!

“Hào” tức là món ăn; “hào soạn” là bữa ăn có nhiều thức ăn, bao gồm cả các loại trái cây. Quá trưa, đừng nói đến cơm với rau cải, thậm chí một quả trái cây, Quốc sư cũng không ăn. Cho nên, tu hành thì việc trì giữ giới luật phải thật nghiêm ngặt.

Có người nói: “Sư Phụ có cho phép chúng con buổi tối được ăn táo, hoặc cam, quýt…, nói chung là các loại trái cây đều được. Chúng con được sự cho phép đàng hoàng cơ mà!” Không sai, chỉ vì quý vị chưa làm được, nên tôi đành miễn cưỡng khai mở phương tiện, cho phép quý vị. Đến khi quý vị thật sự muốn tu hành, muốn xuất gia, thì buổi tối, ngay cả trái cây cũng không được ăn; thậm chí các loại dạng nước như sữa bò… đều không được uống. Giả như quý vị có đói, thì có thể uống một chút nước bột khuấy loãng, chứ không nên ăn lén. Quý vị nghe rõ cả chứ? Phải y theo lời dạy mà thực hành, không được nghe rồi bỏ qua!

Thứ chín, tay không rời chuỗi tràng hạt tròn sáng (thủ bất thích viên minh chi châu): Trên tay Ngài luôn cầm xâu chuỗi niệm Phật, không ngừng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô A Di Đà Phật…”.

Thứ mười, đêm ngủ không hề lìa y bát (túc bất ly y bát chi trắc): Khi ngủ, Ngài luôn đặt y bát bên cạnh, luôn giữ gìn cẩn thận y bát của mình.

Quốc sư Thanh Lương mỗi ngày đều tự lấy mười việc trên để sách tấn, khích lệ bản thân, chứ không phải do một vị thầy nào chỉ bảo cả. Không có một vị sư phụ nào đến bảo Ngài: “Con phải ăn đúng ngọ! Con không được ngồi quay lưng lại với kinh điển.” Không hề có! Tất cả đều là do Ngài tự lập ra mà thôi! Chính vì thế mà Ngài mới có thể “sanh lịch cửu triều, vi thất đế sư”–Ngài trãi qua chín triều đại, trong đó có bảy vị hoàng đế tôn Ngài làm thầy.

Chín vị hoàng đế nầy là ai? Đó là các vị vua của nhà Đường:

  1. Đường Huyền Tông,
  2. Đường Túc Tông,
  3. Đường Đại Tông,
  4. Đường Đức Tông,
  5. Đường Thuận Tông,
  6. Đường Hiến Tông,
  7. Đường Mục Tông,
  8. Đường Kính Tông,
  9. Đường Văn Tông.

Từ triều vua Đường Đại Tông trở về sau, các vị vua nhà Đường đều tôn Ngài Thanh Lương làm Quốc sư.

Vào tháng tư, năm Đường Trinh Nguyên thứ mười bốn, nhân ngày sinh nhật của mình, Hoàng đế Đức Tông triệu thỉnh Ngài (bấy giờ đang trụ trì Chùa Đại Hoa Nghiêm trên núi Ngũ Đài) vào cung để khai thị ý chỉ “Hoa Nghiêm”. Nhà vua nghe giảng xong, sanh tâm vô cùng hoan hỷ, tán thán rằng: “Giảng thật thâm diệu!” Sau đó, vua ban tặng Ngài áo phương bào màu tía (tử nạp phương bào), và tôn Ngài làm “Giáo Thọ Hoà Thượng”–là thầy dạy đạo của hoàng đế, phải thường giảng kinh thuyết pháp cho hoàng đế nghe.

Vì sao Ngài được tôn xưng là “Quốc sư Thanh Lương”? Tháng tư, năm Trinh Nguyên thứ mười lăm, cũng nhân ngày sinh nhật của mình, hoàng đế lại triệu thỉnh Giáo Thọ Hoà Thượng vào nội điện tuyên giảng, xiển dương Đại Kinh Hoa Nghiêm. Sau khi Ngài thuyết pháp cho vua nghe, vua hết lời tán thán: “Ngài thật sự làm cho trẫm được thanh lương (thư thái, mát mẻ)! Trẫm thật sự cảm thấy thanh lương, tự tại!” Thế là nhà vua sắc ban cho Ngài làm Quốc sư, tôn hiệu “Thanh Lương” và tuyên cáo rộng rãi: “Từ nay về sau hãy gọi Pháp sư Trừng Quán là ‘Quốc sư Thanh Lương’; không được gọi tên húy của Ngài nữa!” Người đời sau còn gọi núi Ngũ Đài là núi Thanh Lương.

Quý vị xem, Ngài trãi qua chín đời vua, trong đó có đến bảy vị tôn Ngài làm Thầy; nếu Ngài không có đạo cao đức trọng, làm sao có được sự cảm ứng như thế?

Học vấn của Quốc sư rất uyên bác, Ngài đã đọc qua rất nhiều sách, tất cả sách cho người xuất gia, người tại gia, sách Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo. Ngài cũng đã nghiên cứu tường tận về Kinh Dịch.

Bài tựa này do Bồ tát Hoa Nghiêm viết ra, đương nhiên rất hay, cho nên trước khi giảng Kinh Hoa Nghiêm, đầu tiên phải giảng lời tựa nầy.

(còn tiếp)

 

Ghi chú:

(1) Là ngày 13 tháng 6, 1971.

 

Bài Tựa (Preface):

 

Vãng phục vô tế, động tĩnh nhất nguyên, hàm chúng diệu nhi hữu dư, siêu ngôn tư nhi quýnh xuất giả, kỳ duy Pháp Giới dư.

Phẫu liệt huyền vi, chiêu khuếch tâm cảnh; cùng tánh tận tánh, triệt quả cai nhân. Uông dương xung dung, quảng đại tất bị giả, kỳ duy Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh yên.

Cố ngã Thế Tôn, thập nhân sơ mãn, Chánh Giác thủy thành, thừa nguyện hành dĩ di luân, hỗn hư không vi thể tánh, phú hữu vạn đức, đãng vô tiềm trần.

Trạm trí hải chi trừng ba, hư hàm vạn tượng, kiểu tánh không chi mãn nguyệt, đốn lạc bách xuyên. Bất khởi thọ vương, la thất xử ư Pháp Giới; vô vi hậu tế, sướng cửu hội ư sơ thành. Tận hoành khuếch chi u tông, bị nan tư chi hải hội. Viên âm lạc lạc, cai thập sát nhi đốn chu; chủ bạn trọng trọng, cực thập phương tề xướng.

Tuy không không tuyệt tích, nhi nghĩa thiên chi tinh tượng xán nhiên; trạm trạm vong ngôn, nhi giáo hải chi ba lan hạo hãn. Nhược nãi thiên môn tiềm chú, dữ chúng điển vi hồng nguyên; vạn đức giao quy, nhiếp quần kinh vi quyến chúc.

Kỳ vi chỉ dã, minh chân thể ư vạn hóa chi vực, hiển đức tương ư trọng huyền chi môn; dụng phồn hưng dĩ hằng như, trí chu giám nhi thường tĩnh. Chân vọng giao triệt, tức phàm tâm nhi kiến Phật tâm; sự lý song tu, y bổn trí nhi cầu Phật trí. Lý tùy sự biến, tắc nhất đa duyên khởi chi vô biên; sự đắc lý dung, tắc thiên sai thiệp nhập nhi vô ngại. Cố đắc thập thân lịch nhiên nhi tương tác, lục vị bất loạn dĩ canh thu; quảng đại tức nhập ư vô gian, trần mao bao nạp nhi vô ngoại. Bỉnh thiên tề hiện, do bỉ giới bình; cụ túc đồng thời, phương chi hải tích. Nhất đa vô ngại, đẳng hư không chi thiên đăng; ẩn hiển câu thành, tự thu không chi phiến nguyệt. Trọng trọng giao ánh, nhược đế võng chi thùy châu; niệm viên dung, loại tịch mộng chi kinh thế. Pháp môn trọng điệp, nhược vân khởi trường không; vạn hạnh phân phi, bỉ hoa khai cẩm thượng.

Nhược phu cao bất khả ngưỡng, tắc tích hành Bồ Tát bộc tai lân ư long môn; thâm bất khả khuy, tắc thượng đức Thanh Văn đỗ nhị thính ư gia hội. Kiến văn vi chủng, bát nạn siêu Thập địa chi giai; giải hành tại cung, nhất sanh viên khoáng kiếp chi quả. Sư tử phấn tấn, chúng hải đốn chứng ư lâm trung; tượng vương hồi toàn, lục thiên đạo thành ư ngôn hạ. Khải minh đông miếu, trí mãn bất dị ư sơ tâm; ký vị nam cầu, nhân viên bất du ư mao khổng. Phẫu vi trần chi kinh quyển, tắc niệm niệm quả thành; tận chúng sanh chi nguyện môn, tắc trần trần hạnh mãn. Chân khả vị thường hằng chi diệu thuyết, thông phương chi hồng quy, xưng tánh chi cực đàm, nhất thừa chi yếu quỹ dã. Tầm tư huyền chỉ, khước lãm dư kinh, kỳ do cảo nhật lệ thiên, đoạt chúng cảnh chi diệu; Tu-di hoành hải, lạc quần phong chi cao.

Thị dĩ Bồ Tát sưu bí ư Long cung, Đại Hiền xiển dương ư đông hạ. Cố duy Chánh Pháp chi đại, thượng nặc thanh huy, hạnh tai tượng quý chi thời, ngẫu tư huyền hóa. Huống phùng thánh chủ, đắc tại Linh sơn, Kiệt tư u tông, khởi vô khánh dược.

Đề xưng “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh” giả, tức vô tận Tu-đa-la chi tổng danh; “Thế Chủ Diệu Nghiêm Phẩm Đệ Nhất” giả, tức chúng thiên nghĩa loại chi biệt mục. “Đại” dĩ khoáng kiêm vô tế; “phương” dĩ chánh pháp tự trì; “Quảng” tắc xưng thể nhi chu; “Phật” vị tác tư huyền diệu; “Hoa” dụ công đức vạn hạnh; “Nghiêm” vị sức pháp thành nhân; “Kinh” nãi chú vô kiệt chi dũng tuyền, quán huyền ngưng chi diệu nghĩa, nhiếp vô biên chi hải hội, tác chung cổ chi thường quy. Phật cập chư vương, tịnh xưng “Thế Chủ”; pháp môn y chánh, câu viết “Diệu Nghiêm”. Phân nghĩa loại dĩ chương “Phẩm” danh, quan quần thiên nhi xưng “Đệ Nhất”. Tư kinh hữu tam thập cửu phẩm, thử phẩm kiến sơ, cố vân “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Thế Chủ Diệu Nghiêm Phẩm Đệ Nhất”.

 

Tạm dịch:

Qua lại không ngằn mé, động tĩnh vốn một nguồn, bao hàm chúng diệu mà hằng dư, vượt qua ngoài sự suy lường của ngôn thuyết, duy chỉ có Pháp Giới mà thôi!

Chia chẻ huyền vi làm rạng ngời tâm cảnh. Cùng lý tột tánh, thấu quả trùm nhân, mênh mông bủa khắp, bao hàm cả thái hư. Chỉ có Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm này thôi.

Cho nên Đức Thế Tôn của chúng ta lúc vừa đủ mười thân, Chánh Giác vừa thành, Ngài bèn theo hạnh nguyện để độ cơ. Thâu cả hư không làm thể tánh, đầy đủ vạn đức, làu sạch không còn chút mảy trần.

Sóng lặng nơi biển trí vời vợi bao hàm vạn tượng, vầng trăng tánh không vằng vặc chóng hiện ở muôn sông. Không rời khỏi thọ vương mà bao trùm bảy chỗ nơi Pháp Giới, không trái hậu tế mà thông suốt chín hội nơi sơ thành. Thấu tận huyền tông rộng lớn bủa khắp hải hội khó nghĩ bàn. Viên âm làu làu bao hàm mười cõi, chủ bạn trùng trùng tận đến mười phương cùng thời xướng.

Tuy không không bặt dấu, nhưng muôn sao của một trời nghĩa lại rực rỡ, lẳng lặng quên lời mà sóng cả nơi biển giáo lại trùng trùng. Giả như nghìn môn ngầm chảy thì cùng làm nguồn lớn với chúng điển. Vạn đức đều quay về nhiếp quần kinh làm quyến thuộc.

Chỉ thú sâu mầu của Kinh này: thầm khế hợp với chơn thể nơi vạn hóa, hiển đức tướng nơi cửa trùng huyền. Dụng vô ngần mà luôn như như; trí tròn rạng mà hằng vắng lặng. Chơn vọng giao xen lẫn nhau, nên ngay tâm phàm mà thấy được tâm Phật. Sự lý song tu nương bổn trí để cầu Phật trí. Lý theo sự biến thì duyên khởi một mà nhiều cũng vô biên. Sự đạt lý dung thì dẫu nghìn sai muôn khác hợp lại cũng vô ngại. Cho nên đắc mười thân rờ rỡ mà tương tác. Lục vị không loạn mà gồm thâu. Rộng lớn gom vào mà không ở trong, bụi trần bao bọc mà không ở ngoài. Tỏ rõ đồng hiện, giống như hạt cải và chiếc bình kia đồng thời trọn đủ. Ví như giọt nước và biển cả, một và nhiều không hề ngăn ngại. Giống như nghìn ánh đuốc giữa phòng không, ẩn hiện đồng thời. Như mảnh trăng giữa trời thu, trùng trùng tia sáng, như rèm châu của lưới trời, niệm niệm viên dung. Như thời gian hiển thị trong tịch mộng, pháp môn trùng điệp. Như mây nỗi giữa trời không, vạn hạnh tỏa ngát, như hoa nở trên gấm.

Như cao đến không ngẩng nhìn thấy được nên tích hạnh Bồ Tát phơi vi vảy nơi cửa rồng; sâu mà không dòm thấy được nên Thanh Văn đức trọng nơi Pháp hội mà không nghe thấy. Thấy nghe là chủng tử, bát nạn cũng vượt khỏi thềm Thập địa. Hiểu và thực hành vẫn do nơi mình, nên một đời mà trọn đầy quả vị của nhiều kiếp. Như sư tử chồm lên, chúng hải đốn chứng nơi rừng thẳm; như voi chúa xoay lại, sáu nghìn thành Đạo ngay nơi lời nói. Tỏ rạng nơi đông miếu, trí tròn đầy chẳng khác tâm ban đầu. Di huấn về hướng nam tìm cầu, nhân viên mãn mà không vượt ngoài lỗ chân lông. Phân tích quyển kinh thật chi li thì niệm niệm thành tựu; thấu tột nguyện môn của chúng sanh thì trần trần hạnh mãn. Thật có thể nói là diệu thuyết thường hằng, là mô phạm của muôn nơi, lời mầu xứng tánh, là chuẩn mực của Nhất thừa. Dõi theo huyền chỉ nầy mà lại xem kinh khác thì giống như mặt nhật giữa trời không; thâu tóm hết ánh sáng của mọi sắc cảnh; như Tu-di biển cả nó xếp vào hàng cao nhất của các đỉnh khác.

Đấy là nhờ Bồ Tát sưu tầm nơi Cung Rồng. Bậc Đại Hiền xiển dương nơi Đông Hạ. Nhớ lại vào thời Chánh Pháp mà còn phải ẩn dấu ánh sáng huy hoàng thanh tịnh kia. Lành thay vẫn gặp được huyền hóa này trong thời tượng quý. Huống chi được gặp vua Thánh, lại đắc được Kinh này từ núi Linh Sơn, dốc lòng suy cứu huyền tôn há không vui lắm sao?

Đề tựa là “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh” tức là tên chung của Vô Tận Tu-đa-la. “Thế Chủ Diệu Nghiêm Phẩm Đệ Nhất” tức là mục riêng để phân biệt nghĩa các thiên. “Đại” là rộng rãi đến vô bờ. “Phương” là chánh pháp tự trì. “Quảng” là xứng thể mà tròn đủ. “Phật” là giác ngộ lẽ huyền diệu này. “Hoa” là dụ cho công đức vạn hạnh. “Nghiêm” nghĩa là trang điểm pháp cho người. “Kinh” là nguồn suối chảy bất tận. Tóm thâu diệu nghĩa huyền mầu, nhiếp khắp hải hội vô biên, làm mẫu mực cho muôn thuở. Phật và các vua đều được xưng là “Thế Chủ” bậc Chúa trên đời, pháp môn y chánh đều được gọi là “Diệu Nghiêm”, phân loại để làm rõ tên “Phẩm”. Đứng đầu các thiên nên gọi là “Đệ Nhất”. Kinh này có 39 phẩm, phẩm này đặt trước tiên nên gọi là “Phẩm Thế Chủ Diệu Nghiêm Thứ Nhất” của “Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm”.

 

 

Lược Giảng:

 

A1. Tổng tự danh ý    A2. Quy kính thỉnh gia           A1 (phân làm 10)

B1. Tiêu cử tông thể   B2. Biệt thán năng thuyên      B3. Giáo chủ nan tư

B4. Thuyết nghi chu phổ        B5. Ngôn cai bổn mạt

B6. Chỉ thú huyền vi   B7. Thành ích đốn siêu           B8. Kết thán hoằng viễn

B9. Cảm khánh phùng ngộ     B10. Lược thích danh đề

 

A1. Tổng tự danh ý (Giải thích tổng quát ý nghĩa tên kinh)

 

Đem văn của bài tựa này chia thành 10 cương yếu:

  1. Trình bày tông thể.
  2. Tán thán năng thuyên.
  3. Giáo chủ bất tư nghì.
  4. Nói về sự tròn đủ của nghi tắc.
  5. Ngôn thuyết bao trùm bổn mạt.
  6. Chỉ thú mầu nhiệm.
  7. Thành tựu tột bực.
  8. Tán thán chung về sự sâu rộng.
  9. Cảm khái về sự trùng ngộ.
  10. Giải thích đại khái về tên kinh.

 

B1. Trình bày tông thể (Tiêu cử tông thể):

 

Vãng phục vô tế, động tĩnh nhất nguyên, hàm chúng diệu nhi hữu dư, siêu ngôn tư nhi quýnh xuất giả, kỳ duy pháp giới dư!

Qua lại không bờ mé, động tĩnh vốn một nguồn, bao hàm chúng diệu mà hằng dư, vượt qua ngoài sự suy lường của ngôn thuyết, duy chỉ có Pháp Giới mà thôi!

 

Vãng phục vô tế: Vãng là đi, còn gọi là khởi hành hay còn gọi là cử động, còn gọi là biến. Mà hễ có động thì ắt có biến, có biến ắt có hóa. Chỉ khi nào loài người trong trời đất này hết lòng chí thành thì mới đủ cảm hóa được vậy. Nếu quý vị chí thành thì có thể cảm hóa được bằng ngược lại thì không thể.

Phục chính là trở lại, cũng chính là một trạng thái mất đi, hay còn gọi là một sự tĩnh lặng. Câu này muốn nói động không hề chướng ngại tịnh, tịnh cũng không làm trở ngại động. Động cũng chính là tịnh, tịnh cũng chính là động. Chính vì trạng thái động tịnh nhất như này nên mới gọi là Vô Tế.

Vô tế nghĩa là không có vết tích, không có một con đường nào, cũng chính là nghĩa “Miệng muốn nói mà lời tiêu tán, tâm muốn duyên mà ý bặt dứt”. Tuy miệng muốn nói nhưng không còn lời lẽ nào, nên không cách nào nói ra được. Trong lòng muốn suy nghĩ điều này điều nọ nhưng cũng không cách nào nghĩ ra được. Mọi suy tưởng không còn nên gọi là không hay không biết, không nghĩ không ngợi. Đó là gì? Đó là Dụng Đại của Kinh Hoa Nghiêm. Ý nói tác dụng của Kinh Hoa Nghiêm này là to lớn vậy. Cho nên nói “Qua lại không bờ mé”. Qua mà chưa qua, lại mà chưa lại, qua lại không hai, vì không có hai thể, qua là từ lại mà có, cũng vậy, lại cũng từ qua mà có. Cho nên nói qua lại không bờ mé, không có một con đường nào.

Ý này cũng giống như “Con chim bay trên hư không mà chẳng lưu lại dấu vết”. Một chú chim chao lượn trên tầng không, chẳng hề thấy một đường bay. Quý vị không tìm ra con đường mà con chim đã bay qua. Như “Lấy dao chém nước, nước không hề có vết tích”. Quý vị chém một nhát dao xuống nước, nó chẳng để lại một vết tích nào.

Nói thì nói như vậy, nhưng chim bay qua trên tầng không, không hẳn là không có đường bay, phải có một lằn đường ở đó, vì khi con chim bay ngang qua, phải đợi sau 24 tiếng đồng hồ tức là một ngày một đêm, lằn đường đó mới biến mất. Chẳng qua chúng ta nhìn bằng nhục nhãn nên không thấy được lằn đường ấy nên không biết. Tuy hiện giờ có tia X quang, cũng có kính hiển vi, nhưng cũng không  nhìn thấy được. Chỉ khi thông đạt ngũ nhãn thì chợt nhìn bèn thốt lên: Ồ! Nơi ấy có một chú chim vừa bay qua nên nơi đó không có chút bụi bặm, là chân không. “Như dao chém nước, nước không để lại vết tích”. Dùng dao chém nước, trên mặt nước tuy không có dấu vết. Nhưng nhìn bằng thiên nhãn, thì vết dao ấy cũng trải qua 24 tiếng đồng hồ, nước mới nối lại. Ý muốn nói “Dao chặt nước, nước cũng bị thương sao”? Dao chém người, người cũng đổ máu, tại sao chặt nước, nước lại không bị thương ư! Vì chém nước, nước thấu qua gió, ở trong nước sẽ có một lằn gió. Chẳng qua đó là không phải là một đề tài mà khoa học ngày nay nghiên cứu được. Phải trải qua một hai nghìn năm sau, khoa học sẽ chứng minh được lý này. Bây giờ tôi nói như vậy, có lẽ rất ít người tin, nhưng sau này sẽ có nhiều người hiểu ra và tin tưởng nhiều hơn. Vì sao? Vì sau này họ sẽ tỏ tường nguyên lý ấy và họ sẽ tin rằng: Đây là ý “vãng phục vô tế (qua lại không bờ mé)”. Tức là Dụng Đại vậy.

Động tịnh nhất nguyên: Đây là Thể Đại. Căn nguyên của Động cũng chính là đây. Cội gốc của Tịnh cũng xuất phát từ điểm này. Bản thể này hoàn toàn không có một cái gì gọi là động, cái gì gọi là tịnh. Hễ có động tĩnh thì sẽ có biến đổi, nghĩa là động thì tất biến mà tôi vừa nói. Giống như 64 quẻ Bát Quái

[1] trong “Kinh Dịch”, quý vị lắc nó thế nào nếu nó không động thì đó chính là quái gốc, nếu nó động thì sẽ biến thành quái phụ. Nhưng bản thể của sự động tĩnh này là một. Cội gốc của Động chính là Tịnh và ngược lại cũng thế, hai cái này tuy hai mà là một, vì nó vốn từ một nguồn vậy. Tôi sẽ trình bày một thí dụ đơn giản nữa để quý vị hiểu rõ nguyên lý động tịnh này. Bản thể nó giống như một người mẹ nọ sinh ra hai đứa con. Một đứa gọi là A Động, đứa kia gọi là A Tịnh. A Động gọi mẹ là mẹ, A Tịnh cũng gọi mẹ là mẹ. Cho nên nói đây là sinh ra từ một thể. Trong “Thanh Tĩnh Kinh”- Lão Tử nói:

“Luận về Đạo có thanh có trọc, có động có tĩnh. Trời trong đất đục, trời động đất tĩnh. Nam trong nữ đục, nam động nữ tịnh. Hạ xuống gốc chảy về ngọn mà sinh vạn vật. Trong là nguồn của đục, động là gốc của tĩnh. Con người khéo giữ lòng thanh tĩnh thì trời đất đều quay về.”

Luận về Đạo có trong có đục, có động có tĩnh. Lý của Đạo này hễ có trong thì ắt có đục. Thanh tịnh đến cực điểm thì sẽ đục; đục đến cực điểm thì sẽ trong lại. Đạo có một tính chất tự nhiên giống như điện lực, vừa có động vừa có tĩnh. Động chính là dương, tĩnh chính là âm. Một âm một dương gọi là Đạo. Lão Tử nói: “Trời trong đất đục”. Trời thì trong trẻo còn đất thì ô trọc. “Trời động đất tĩnh” trời thì luôn biến động còn đất thì luôn yên tĩnh. Thực ra khoa học hiện nay đã chứng minh cho thấy, đất là luôn ở trong trạng thái biến động, mà trời thì yên tĩnh. Nhưng lẽ động tĩnh mà chúng tôi giảng ở đây hoàn toàn không phải là cái động tĩnh mà khoa học nói đến. Nhưng nguyên lý động tĩnh này là muốn nhấn mạnh về bản thể của nó. Quý vị xem, đất mà khoa học chứng minh cho là động, trên thực tế trời cũng động. Quý vị thử xem, trời dường như bất động, nhưng thật ra nó đang biến động. Đất vốn động nhưng thực ra nó cũng bất động. Đạo lý này không phải là cái mà hàng phàm phu dùng ngôn ngữ văn từ bình thường có thể hiểu hết được.

Lão Tử lại nói: “ Nam thanh nữ trọc, nam động nữ tịnh”. Người nam thì trong sạch, người nữ thì dơ uế, người nam thì náo động nhưng người nữ lại yên tĩnh. Song có người lại cho rằng: “Lý này tôi không tin, người nam mới là dơ uế, người nữ mới đáng gọi là trong sạch. Vì phụ nữ ngày nào cũng tắm rửa, trang điểm son phấn, trang sức không biết bao nhiêu mỹ phẩm”. Tại sao họ phải trang điểm? Nếu không dơ uế tại sao phải trang điểm? Cũng như mặt đất, nếu nó không có bụi bặm thì quý vị quét làm gì? Sở dĩ quý vị muốn quét là vì nó quá bẩn, vì nó có nhiều rác rến. Cũng vậy, tại sao quý vị đắp mặt nạ, vì quý vị biết rõ mặt mình đang dơ bẩn.

Hiện nay có một số minh tinh điện ảnh muốn đi thẩm mỹ viện để sửa sắc đẹp, vì xưa nay nó luôn giống như da gà, lông hạc. Da mặt thì như da gà, tóc tai lại tựa như lông hạc, nhưng dùng một vài loại mỹ phẩm có thể nhuộm thành tóc đen, gương mặt cũng đắp thành mặt giả, hoặc hút bớt mỡ trên má, hoặc bom vào một chút cho gương mặt đầy đặn, tươi tắn hơn. Hoặc nâng mũi, mặc dầu trông rất đẹp nhưng rất đau đớn. Thế mà mấy ngàn năm trước Lão Tử đã biết việc này rồi. Cho nên ông mới khẳng định với chúng ta rằng: “ Nam sạch nữ dơ, nam động nữ tịnh”.

“Từ cội gốc trôi về ngọn mà sanh vạn vật”. Từ chỗ cội gốc mà lưu lạc đến chỗ mút chót, nghĩa là rơi vào trong lục đạo luân hồi sanh làm người hoặc làm phi nhơn. Phi nhơn đây có nghĩa là sanh làm những loài động vật rất kỳ quái, đâu đâu cũng có. Nói về loài người thì có nhiều chủng tộc khác nhau, có nhiều màu da bất đồng, có những tướng mạo khác nhau, thân hình cũng khác, tánh tình cũng khác. Nói tóm lại, có rất nhiều dị tướng khác nhau. Còn loài động vật khác có thể tưởng tượng mà biết thì càng khác nhau xa vậy. Vạn vật ở đây bao gồm hữu tình và vô tình, hữu tình chúng sanh là động vật, vô tình chúng sanh là thực vật và khoáng vật.

“Trong là nguồn của đục”. Lão Tử không nói trong đục là một nguồn, mà nói, trong là nguồn của đục. Động là nền tảng của tịnh, nên nói con người khéo giữ lòng thanh tĩnh thì trời đất đều quay về. Cho dù chúng ta động tịnh hay trong đục, nay tôi nói “Động tịnh nhất nguyên (động tịnh một nguồn), động đến cực điểm thì nó phải tịnh, tịnh đến cực điểm thì nó lại phải động; cũng vậy trong đến cực điểm thì nó thành đục, đục đến cùng tột thì nó lại trong. Cho nên không có một sự phân biệt nào vì tất cả đều xuất phát từ một nguồn gốc.

Có người nói: “Tôi hoàn toàn không hiểu lý lẽ này!”. Nay tôi sẽ chỉ cho quý vị hiểu một cách dễ dàng, vì pháp phương tiện vốn rất nhiều, pháp chân thật lại rất ít. Thế nào là pháp phương tiện? Thí như ban ngày quý vị không ngủ là do phải làm việc đúng không? Đây chính là động; ban đêm quý vị phải ngủ không làm bất cứ việc gì nữa, đây chính là tĩnh. Quý vị không thể nói ngày nào tôi cũng ngủ không làm việc hoặc ngày nào tôi cũng làm việc không ngủ nghỉ gì. Cho nên cái động tịnh này, động không lìa tịnh, tịnh cũng không lìa động, vì động tịnh vốn một nguồn. Đây chính là thể của Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm. Nghĩa là Thể Đại vậy. Vì thể của nó rộng lớn nên bao trùm cả sự Động Tịnh.

Hàm chúng diệu nhi hữu dư: Chúng diệu ở đây không phải là một thứ diệu. Hàm là bao hàm, hàm tàng, hàm tàng các chúng diệu, không phải chỉ có một thứ diệu mà là hữu dư. Tuy nói đến chúng diệu tức có rất nhiều thứ diệu nhưng ở đây là nói có thừa, còn có nhiều thứ diệu lưu xuất ra, đây là Tướng Đại.

“Qua lại không bờ mé” là Dụng Đại. “Động tịnh một nguồn” là Thể Đại. “Hàm chúng diệu mà hằng dư” là Tướng Đại. Đây là ba cái rộng lớn của Thể Tướng Dụng. Cho nên kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm thể cũng lớn, tướng cũng lớn mà dụng cũng lớn. Lời tựa của ba câu này (vãng phục vô tế, động tịnh nhất nguyên, & hàm chúng diệu nhi hữu dư) chính là nói rõ về ba cái rộng lớn đó vậy.

Chữ diệu ở đây vốn là một cảnh giới bất khả tư nghì. Bây giờ nói về chữ “chúng diệu” này, tức là một danh từ của Đạo Giáo do Quốc sư Thanh Lương mượn để hiển bày đạo lý của Phật Giáo. Nó vốn được trích từ văn kinh của “Đạo Đức Kinh”. Một đoạn văn mở đầu như thế này:

“Đạo khả đạo phi thường đạo; danh khả danh phi thường danh.

Vô được gọi là khởi thủy của trời đất, Hữu là mẹ đẻ của vạn vật.

Cho nên, thường Vô là để quán về lẽ nhiệm mầu của nó, hằng Có là để quán về điềm may mắn của nó. Hai cái này xuất phát cùng một chỗ mà tên gọi khác nhau, cùng gọi là Huyền. Huyền rồi lại càng huyền là cửa của chúng diệu vậy”.

“Chúng diệu” chính là được xuất phát từ đây, tên gọi tuy giống nhau nhưng ý nghĩa thì hoàn toàn khác hẳn. Kinh Hoa Nghiêm nói “hàm chúng diệu mà có dư”. Ở đây là còn có dư, có dư chính là có rất nhiều. Nhưng trong “Đạo Đức Kinh” thì không nói như vậy, về mặt nghĩa lý khác nhau, Đạo Đức Kinh nói “nó là cửa của chúng diệu”, vậy thì sẽ không có dư.

Siêu ngôn tư nhi quýnh xuất giả, kỳ duy Pháp Giới dư: Siêu là siêu việt, nghĩa là vượt qua, ngôn là ngôn ngữ, là tư tưởng. Vượt qua cái gì? Chính là vượt qua mọi ngôn ngữ và tư duy, ý muốn nói mà cũng không nói ra được, muốn nghĩ mà cũng không cách nào nghĩ đến được. Cảnh giới này là một cảnh giới không thể nghĩ bàn được, vì không thể nghĩ bàn nên nói là quýnh xuất, quýnh phải nói bằng chữ “viễn”, nghĩa là xa, mà xa như thế nào? Nó vượt qua ngôn ngữ tư tưởng, vượt qua cảnh giới bất khả tư nghì này, cũng chính là bất tư nghì của bất tư nghì. Cảnh giới này ra sao? “Kỳ duy Pháp Giới dư”. Đây chính là Pháp Giới. Duy là độc nhất, chỉ có Pháp Giới mà thôi.

Pháp Giới có bốn loại:

  1. Sự pháp giới
  2. Lý pháp giới
  3. Lý sự vô ngại pháp giới
  4. Sự sự vô ngại pháp giới

Cho nên Đức Phật Ngài mới nói:

“Nếu ai muốn biết rõ

Ba đời tất cả Phật

Phải quán Pháp Giới tánh

Hết thảy do tâm tạo”.

Pháp Giới lại còn có mười loại, trong mười Pháp Giới này lại chia làm hai, Pháp Giới của Tứ Thánh và Pháp Giới của Lục Phàm. Pháp Giới của Tứ Thánh và Pháp Giới của Lục Phàm gọp lại không ra ngoài một niệm hiện tiền trong tâm của quý vị, một niệm này tròn đủ mười Pháp Giới, mười Pháp Giới không lìa một niệm trong tâm.

Mười Pháp Giới chính là Pháp Giới Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn, đây là Pháp Giới của Tứ Thánh. Còn có Pháp Giới của hàng Lục Phàm, đó là Pháp Giới chư thiên, loài người, A-tu-la, đây gọi là ba đường thiện, còn Pháp Giới của súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục là ba đường ác.

Pháp Giới địa ngục: Tại sao lại bị đọa vào địa ngục? Vì quý vị gieo nhân địa ngục, thí như quý vị giết người, phóng hỏa, phá rối an ninh của xã hội, khiến cho mọi người sống trong xã hội đều bị tổn hại, thế thì sẽ bị đọa vào địa ngục. Vì sao đọa địa ngục? Đó chính là do tâm tham, nếu tâm quý vị tham lam quý vị sẽ rơi vào địa ngục; tâm sân sẽ rơi vào ngạ quỷ.

Nói về địa ngục, lớn thì có 18 loại, nhỏ thì có 500 loại, trong đó còn nhiều đến trăm ngàn vạn địa ngục nữa. Địa ngục không phải là cái tạo sẳn trước để đợi quý vị rơi vào. Vậy nó được hình thành như thế nào? Đó chính là do nghiệp cảm của quý vị hiện ra, quý vị tạo nghiệp địa ngục thì tự nhiên nó sẽ chiêu cảm một địa ngục. Địa ngục này hiện ra ở đâu? Đó chính là hiện ra ở trong tâm quý vị.

Hằng ngày quý vị sống trong tâm trạng không vui vẻ, luôn ưu sầu, thường than khóc, cho nên nói: “mỗi tiếng khóc thì địa ngục mở ra một căn phòng tối”, căn phòng này tối om không có một tia sáng nào, vả lại còn phải chịu khổ hình nữa, ở trong căn phòng tối này không nhìn thấy bất cứ một vật gì, chỉ xuất hiện một lưỡi dao cứa nát thân quý vị! làm cho toàn thân vô cùng đau đớn, rồi sau đó? Một việc hết sức kỳ quái, bỗng nhiên có một luồn gió lạ thổi đến làm cho quý vị sống lại, đây chính là địa ngục.

Pháp Giới ngạ quỷ: Nếu như quý vị bực tức, hoặc nổi sân đùng đùng lên thì sẽ rơi vào ngạ quỷ. Ngạ quỷ có lòng sân hận rất lớn, bất luận việc gì chúng cũng bực tức. Cho nên nếu ai muốn nỗi giận thì sẽ rơi vào cảnh giới ngạ quỷ. Pháp Giới này được tạo thành như thế nào? Đó chính là lúc trong tâm quý vị vô cùng bực tức. Vì vậy nên phải rơi vào ngạ quỷ.

Pháp Giới súc sanh: Do đâu mà thành súc sanh? Súc sanh là do ngu si mà ra, nếu quý vị ngu si không biết điều gì cả thì sẽ chuyển thành súc sanh.

Quý vị thử nhìn xem, tại sao súc sanh lại bị con người sai khiến? Chính vì nó ngu si, nó không thông minh như loài người. Có người nói: “Tôi thấy súc sanh có những loài rất thông minh”. Vậy thì quý vị làm súc sanh đi! Có thể quý vị rất yêu thích và cưng chúng, việc này chẳng có vấn đề gì, chỉ cần quý vị gieo nhân súc sanh thì sẽ trở thành súc sanh, việc này cũng chẳng khó khăn gì. Vậy súc sanh làm việc gì? Chính là những việc ngu xuẩn. Như quý vị nghĩ: “Việc này tuy không hợp với đạo lý, nhưng ta nhất định phải làm cho bằng được, dù nó có phù hợp với đạo lý hay không”? Dù biết rõ việc này tuy không hợp với đạo lý nhưng lại nhất định làm, đó là do vô minh, vì vô minh xuất hiện thì lập tức trở thành ngu si, do đó sẽ biến thành súc sanh. Sở dĩ ba đường ác này xuất hiện là do tham sân si hiện hữu. Còn ba đường thiện sanh ra là nhờ những công đức lành.

Pháp Giới loài người: Nếu quý vị làm những việc tốt quý vị sẽ sanh vào cõi người, nhưng chúng ta muốn làm người nào ư? Điều đó còn phải xem những việc tốt mà quý vị làm lớn hay nhỏ, nhiều hay ít. Nếu quý vị làm nhiều điều tốt quý vị sẽ làm vua dầu hỏa, làm vua xe hơi, hoặc vua mỏ vàng vua mỏ bạc chẳng hạn. Nhiều vị “vua” như vậy.

Pháp Giới A-tu-la: Nói về “lập công” (của “lập công bồi đức”). Có trường hợp quý vị biết đó là công, cho nên làm; nhưng có trường hợp vốn không phải là công mà quý vị cho đó là công, cho nên làm. Giống như đi giết người, giúp nước mình gây chiến, đó chính là cảnh giới A-tu-la. A-tu-la là thích giao chiến với người ta. Nó cho rằng nếu đánh thắng thì chính là họ đã lập công, bởi vậy cho nên họ là A-tu-la.

Pháp Giới A-tu-la này bàng bạc khắp nơi. Cõi trời cũng có, nhân gian cũng có cho đến súc sanh và ngạ quỷ cũng có. Trong bốn đường này đều có sự hiện hữu của A-tu-la. Trong loài súc sanh tại sao có mặt của A-tu-la? Quý vị thử nhìn xem, trong loài vật, có những loài ưa lấn hiếp những con vật khác, giống như ngựa hại bầy. Trong một đàn ngựa, nó không đá con này cũng hất con kia. Đó chính là hành động của A-tu-la. Cũng vậy, như trong cuộc sống của con người chúng ta, quý vị vốn không phiền toái, nhưng người khác lại gây phiền phức cho quý vị, đó cũng là biểu hiện của A-tu-la.

Loài A-tu-la rất ưa đấu tranh. Loài A-tu-la trên cõi trời, chúng có phước trời, chứ không có quyền hạn gì, cũng không có phước đức cõi trời. A-tu-la còn gọi là “vô tửu”, vì chúng không có rượu để uống. Có người nói: “Tôi thích uống rượu, nhưng làm A-tu-la không có rượu để uống, cho nên tôi không làm”. Vậy là tốt nhất.

Quý vị không muốn làm A-tu-la, thì trước tiên đừng nên nổi giận; nếu quý vị ưa nổi giận thì thông với Pháp Giới A-tu-la rồi. Phải tập cho mình một thái độ là tánh tình nguội như tro tàn vậy, nghĩa là bên trong không có lửa nóng giận âm ỉ. Cũng có thể ví tánh như nước, ai khát uống cũng được, vả lại tính chất của nước là nhu hòa không thô cứng. Lại ví tánh như bông vải, vì bông vải bản chất mềm mại, khi trời rét, ai cũng có thể dùng để làm y phục. Như vậy cũng có chỗ lợi ích đối với con người, thế thì sẽ không làm A-tu-la nữa. Lại có người nói: “Tôi không thích làm y phục cho con người”. Đó chỉ là một thí dụ thôi, không phải làm y phục thật đâu!

Pháp Giới chư thiên: Người bình thường không biết Phật Pháp cho rằng sanh thiên là cực điểm. “A! sanh về thiên đường, được gần gũi với Chúa Trời.” Thật ra vị chúa trời này cũng chỉ là một vị thần bảo hộ của Phật Pháp (hộ Pháp). Đừng nói ông không lớn lao gì, mà ngay cả chỗ ngồi cũng không có, thậm chí còn phải đứng nữa. Có người nói: “tôi không tin Chúa Trời lại đứng bên chỗ Đức Phật.” Quý vị không tin ư! Vậy quý vị cứ thử xem. Quý vị tin Chúa Trời của quý vị đi, đừng tin Phật làm gì, điều đó cũng chẳng sao đâu.

Vì lẽ, người không hiểu Phật Pháp họ luôn quan niệm Chúa Trời là đấng tối cao. Thật ra trong Phật Giáo, vị Chúa Trời này là một vị quan cai quản dưới đất. Ông được phái trông coi thần dân trăm họ. Ông nói ta là cao nhất, trên thế giới này không ai lớn hơn ta. Ta cai quản các ngươi, các ngươi phải tuân theo mệnh lệnh của ta. Bởi vì ông ta là viên quan trông coi đất đai ở nhà quê, nên những người dân quê này không biết văn hóa là gì, cũng không biết Phật Pháp là gì, lại còn mù chữ, cho nên khi nghe sự điều khiển của viên quan bảo hộ này bèn bảo nhau rằng “Ông ta là chúa của mình, chúng ta nên thường xuyên gần gũi vị chủ quản này.”

Vị quan bảo hộ này có khi một mình đi thăm Thị Trưởng, gặp Thị Trưởng ông phải nghiêng mình cúi đầu chào hỏi. Vì không ai thấy cảnh tượng này nên bà con dân chúng cũng không biết còn có Thị Trưởng quản lý cả ông nữa. Giả như ông đi thăm Tổng Thống, thế thì ông càng phải lịch sự hơn, Tổng Thống bảo: “Ông ngồi đi!”.

“Dạ, không cần đâu! Tôi đứng ở đây cũng được, tôi đứng đã cảm thấy vinh hạnh lắm rồi”. Ông ta là như vậy.

Trong chú Lăng Nghiêm có câu thế này “ Nam mô nhân đà la da”. Nhân đà la da chính là vị chúa trời này vậy. Cho nên quý vị phải nhận rõ diện mạo của ông ta. Sau này nếu có gặp Nhân-đà-la (Indra), nếu ông ấy nói tôi là Vua Nhân- đà- la, quý vị hỏi thử xem:

“Ngài chính là Chúa Trời phải không?”

Chắc chắn nét mặt ông sẽ đỏ lên và nói: “Đúng vậy, đúng vậy!”

Pháp Giới của chư thiên cũng có vô lượng vô biên, không phải chỉ có một chúa trời mà là rất nhiều. Vị chúa trời này đời trước vốn là thân người nữ, vì nhờ có ba mươi hai người nữ giúp cô tạo tượng Phật, đắp vàng lên tượng, thếp vàng vào thân tượng, sau đó được phước báo sanh làm chúa trời. Đó là một câu chuyện lâu xa về trước truyền cho đến ngày nay, cô vẫn được làm chúa trời. Vậy lâu là lâu bao nhiêu? Có mấy ngàn vạn năm về trước, không tính xuể. Quý vị đừng giống như một nhà sử học, nhất định phải truy cứu, nghiên cứu xem coi có bằng chứng nào? Chẳng có chứng cứ nào! Đây chẳng qua là bây giờ tôi giảng cho quý vị nghe vậy thôi. Quý vị không tin ư? Không tin cũng chẳng sao, tôi cũng không vì thế mà buồn phiền gì. Vì sao? Vì quý vị tin, thì chúa trời cũng là chúa trời; quý vị không tin, Phật cũng là Phật, chẳng thêm bớt gì đâu!

Pháp Giới chư thiên có rất nhiều, không thể đếm xiết.

Pháp Giới Thanh Văn: Tại sao gọi là Thanh Văn? Vì các Ngài nghe âm thanh của Phật, tu pháp Tứ Đế – Khổ, Tập, Diệt, Đạo mà được ngộ đạo. Thanh Văn chính là A La Hán. Quả vị này có bốn bực, như sơ quả A-la-hán, nhị quả A-la-hán, tam quả A-la-hán và tứ quả A-la-hán.

Hỏi: Có quả A-la-hán thứ năm không?

Có một lần tôi giảng Khai Thị, đến đoạn nói về sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền. Thì có một người rất nhanh nhẩu nói: “Tôi biết, ngũ thiền là đặc biệt lại cao hơn một tầng”. Anh ta hư tạo ra cảnh giới ngũ thiền nữa. Thật ra A-la-hán chỉ chứng đến quả vị thứ tư thôi.

Sơ quả phải đoạn sạch 88 món kiến hoặc. Kiến hoặc nghĩa là “khi đối cảnh tâm khởi tham ái”, nghĩa là quý vị thấy cảnh gì liền bị cảnh đó lôi cuốn, đó gọi là kiến hoặc. Thí như khi quý vị thấy một chiếc xe hơi rất đẹp, liền khởi ý tưởng “Nhất định tôi phải mua cho bằng được chiếc xe này rồi ngồi vào đó, ôi chao…..rồi sẽ chạy đến một nơi thật xa, không phải đi bộ nữa”. Đây chính là tham ái, cũng gọi là kiến hoặc. Quý vị không khởi vọng tưởng đối với chiếc xe hơi này, thì không có kiến hoặc. Xe hơi đã như vậy, thậm chí máy bay, hay nhà lầu, quần áo tốt, thức ăn ngon, bao gồm tất cả không nói rõ hết, mình tự hiểu rõ là đủ rồi. Nói tóm lại, quý vị nhìn thấy bất cứ vật gì, hễ sanh lòng yêu thích không dừng được, thậm chí ngủ cũng không được, cứ nghĩ đến những đồ tốt đẹp này: “Ồ! Cái này thật đẹp quá”! nghĩ đến cảnh vật đó nên khi đối cảnh liền khởi tham ái. Một tâm tham xuất hiện thì một tâm yêu thích khởi lên, đây gọi là kiến hoặc.

Tư hoặc là “mê lý khởi phân biệt”. Mê chính là không hiểu rõ. Không hiểu rõ đạo lý liền sanh ra những vọng tưởng phân biệt, thí như nói: “A! ở đây giảng Kinh Hoa Nghiêm….? Không sai? Nhưng e rằng không phải như vậy! Tôi không nên tin, tôi phải tin chính mình, không nên tin Kinh Hoa Nghiêm. Quốc sư Thanh Lương có mười điều tự răn, đó là chuyện của Ngài, chẳng qua chỉ là nói như vậy, chưa chắc Ngài làm được như vậy”. Phân biệt là thế này, không phải là thế này? rồi nghi ngờ giảng như vậy là thật, là giả? Đây gọi là mê lý khởi phân biệt cũng chính là tư hoặc.

Sơ quả Thanh Văn đoạn 88 kiến hoặc, kiến hoặc gồm 88 món, tư hoặc có 81 món. Có người nói: “Tôi đâu thấy nhiều như vậy”.

Không những quý vị không nhìn thấy mà ngay cả nghe cũng chưa từng, thì nói chi đến thấy như thế nào, đúng không?

Kiến hoặc là thô hoặc, Tư hoặc là vi tế hoặc. Chứng được sơ quả A-la-hán sẽ đoạn hết kiến hoặc, chứng được nhị quả A-la-hán đoạn hết Tư hoặc, chứng được tam quả đoạn trần sa hoặc. Trần sa hoặc nghĩa là hoặc nghiệp nhiều như cát bụi vậy, nó rất vi tế. Nếu như đoạn được nghiệp nhiều như trần sa rồi thì việc mê mờ nhiều như cát bụi cũng sẽ rơi rụng hết, sẽ được thấu thoát hết. “Ôi! Thế thì hay quá!” Hay thật, quý vị thử xem, hãy phát tâm tu hành hướng thượng đi!

Pháp Giới Thanh Văn: Thế nào gọi là Thanh Văn? Những vị nghe âm thanh của Phật mà ngộ Đạo. Tu pháp môn Tứ Đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo.

Pháp Giới Duyên Giác: Quả vị này nhờ tu Mười Hai Nhân Duyên mà được ngộ đạo. Khi có Phật xuất thế gọi là Duyên Giác, khi không có Phật ra đời, các Ngài tự ở nơi thâm sơn cùng cốc quán sát mọi sự sinh diệt của vạn vật, nhìn thấy lá rơi hoa rụng rồi tự khai ngộ, đó gọi là  Độc Giác.

Pháp Giới Bồ Tát: Bồ Tát nghĩa là những bậc tự lợi lợi tha, tự độ độ tha, tự giác giác tha, hành lục độ vạn hạnh, tu bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, sáu pháp ba-la-mật. Ba-la-mật là tiếng Ấn độ, dịch sang tiếng Trung Hoa là đáo bỉ ngạn. Sao gọi là đáo bỉ ngạn? giống như đi qua biển, từ San Francisco đếnOakland . Đây gọi là đến bờ kia, thời buổi bây giờ có cầu thì đi trên cầu, không cần chèo thuyền thì cũng phải đi từ bên này sang bên kia, tức là đáo bỉ ngạn vậy. Dù quý vị làm bất cứ việc gì, làm xong, làm tốt chính là đến bờ kia, giống như đang đói bụng khi ăn no rồi thì không còn cảm giác đói nữa. Đây gọi là đến bờ kia, cũng vậy khi khát nước, quý vị uống vào một ly nước mát hay nước trái cây chẳng hạn hoặc uống một loại nước nào đó làm quý vị không còn khát nữa, mà cảm giác không khát đó chính là đến bờ kia. Còn như trước đây không bố thí, bây giờ tôi bố thí, đây chính là đáo bỉ ngạn; trước đây không trì giới, bây giờ trì giới, trì giới là đáo bỉ ngạn, trước kia không nhẫn nhục, bây giờ nhẫn nhục, đây cũng gọi là đến bờ kia, trước đây không tinh tấn, bây giờ tinh tấn đây cũng gọi là đến bờ kia, trước kia không tu thiền định, bây giờ thiền định, bây giờ cũng gọi đến bờ kia, trước đây không tu trí huệ, bây giờ phát tâm tu, cũng gọi là đến bờ kia. Bồ Tát chính là những vị tu sáu pháp ba-la-mật này. Sáu phương pháp đến bờ kia, các Ngài hoàn tất việc lợi mình rồi còn đem làm lợi ích cho người. Đây gọi là tự lợi lợi tha, tự độ độ tha. Nhưng trước tiên phải độ mình nên nói:

Tự tánh chúng sanh thệ nguyện độ

Tự tánh phiền não thệ nguyện đoạn

Tự tánh Pháp môn thệ nguyện học

Tự tánh Phật đạo thệ nguyện thành

 

Bồ Tát luôn phát bốn nguyện rộng lớn này, nguyện độ tự tánh của mình, mà độ tự tánh của mình thì tùy theo đó cũng chính là độ người. Vì tự và tha luôn có một mối quan hệ hỗ tương, bất khả phân ly.

Tại sao Phật muốn độ chúng sanh? Vì tất cả chúng sanh đều là Phật, nhưng vì vô minh che lấp. Nên Chư Phật phải nói rõ đạo lý này làm cho chúng sanh cũng được thành Phật. Còn hàng Bồ Tát, quý Ngài cũng nương vào những hạnh nguyện này để giáo hóa khiến chúng sanh cũng được chứng quả vị giác ngộ, cho nên chư Bồ Tát gọi là giác tha.

Bồ Tát tự giác ngộ chính mình rồi. Ngài nghĩ: “Ồ! Sự giác ngộ này tuyệt vời quá! Cái gì cũng thấu suốt, hết sạch vô minh, sạch hết phiền não, thật là khéo đạt đến chỗ tuyệt đỉnh. Cảnh giới này thật không thể nghĩ bàn, nhưng nếu chỉ có một mình tôi đạt được thì chẳng có ích gì, tôi phải chỉ dạy cho tất cả đồng loại – tất cả mọi người khiến cho họ cũng đạt được cảnh giới tối diệu này”. Thế là các Ngài không chút lưu luyến trụ lại cảnh giới ấy nữa mà bèn vội vàng trở lại hóa độ tất cả chúng sanh, muốn độ chúng sanh, muốn làm cho tất cả chúng sanh cùng đạt được quả vị giác ngộ này. Đây chính là sự phát tâm của Bồ Tát.

Thanh Văn, Duyên Giác cũng được hình thành từ nơi tâm của quý vị. Bồ Tát cũng được uông đúc từ nơi tâm hành của quý vị. Nếu như trong tâm quý vị muốn làm Bồ Tát, thì quý vị cứ hành Bồ Tát đạo; nếu tâm nghĩ: “Bồ Tát đạo ư! Tôi chẳng muốn làm những thứ này. Hành Bồ Tát đạo thật thiệt thòi cho mình quá, tôi không muốn mình chịu thiệt thòi!” Nên không hành Bồ Tát đạo. Vì vậy người hành Bồ Tát đạo chính là người phát tâm Bồ-đề rộng lớn, đem tâm Pháp Giới để tu hạnh Pháp Giới, hành đạo Pháp Giới chính là Bồ Tát vậy.

Pháp Giới Chư Phật: Phật là đấng tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, từ đức hạnh cho đến sự nghiệp tu hành của Ngài đều viên mãn, tất cả tất cả đều viên mãn, cho nên mới thành tựu quả vị Phật. Phật là gì? Phật chính là một con người! chẳng qua Ngài đã phản bổn hoàn nguyên, thấu rõ diện mục xưa nay của mình, tìm được quê hương của mình, cho nên được thành Phật. Khi Đức Phật thành Phật, bộ kinh mà ngài thuyết đầu tiên chính là bộ “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm,” Ngài thuyết bộ kinh này trong vòng hai mươi mốt ngày. Khi Phật nói kinh này không phải do báo thân Ngài nói mà do Pháp thân tuyên thuyết. Phật thị hiện tướng Phật Tỳ Lô Giá Na để nói bộ Kinh Hoa Nghiêm này vậy. Khi Phật nói Kinh Hoa Nghiêm, hàng Nhị thừa chỉ nhìn thấy Phật đang nhập định chứ không thấy Ngài thuyết pháp, chỉ có chư Bồ Tát mới nhìn thấy Phật đang thuyết pháp. Hàng Nhị thừa nhìn thấy Đức Phật chỉ như một vị Tỳ Kheo bằng thân tướng một trượng sáu đang ngồi thiền. Thật ra, Đức Phật đang ngồi thiền chính là hiện báo thân viên mãn diễn thuyết Kinh Hoa Nghiêm. Song hàng Nhị thừa tuy có mắt mà không nhìn thấy Đức Lô Xá Na, tuy có tai mà vẫn không nghe được pháp âm của Ngài. Khi Phật hiện ra Viên Mãn Báo Thân Lô Xá Na Phật. Đức Phật này lớn bao nhiêu, cao bao nhiêu? Thiên trượng Lô Xá Na – Ngài cao một ngàn trượng, Pháp thân biến khắp tất cả chỗ. Phật thị hiện thân Phật Lô Xá Na một ngàn trượng, hàng Bồ Tát đều nhìn thấy Ngài đang thuyết Kinh Hoa Nghiêm, nhưng các vị La Hán không nhìn thấy và cũng không nghe được. Chúng ta đã không phải là La Hán, cũng không phải là Bồ Tát, vậy tại sao hiện giờ chúng ta vẫn được nhìn thấy Kinh Hoa Nghiêm, cũng nghe được Kinh Hoa Nghiêm? Bằng cách nào vậy? Có lẽ do nhiều kiếp trong quá khứ chúng ta đã gieo nhân Bồ Tát rồi, cho nên hiện đời mới có được nhân duyên nghe được giáo pháp thậm thâm này.

Mười Pháp Giới này nếu chia chẻ ra thì nói là mười nhưng gom lại chỉ là một niệm hiện tiền trong tâm của chúng ta. Một tâm niệm này của chúng ta có thể biến khắp hết mười cõi. Cho nên bài kệ có câu: “Nếu muốn biết ba đời tất cả Phật, phải quán Pháp Giới tánh hết thảy do tâm tạo”. Tất cả chư Phật trong ba đời chính là chư Phật đời quá khứ, hiện tại và vị lai. Nếu quý vị muốn biết ba đời tất cả Phật làm sao thành được, thì quý vị phải quán Pháp Giới tánh tất cả do tâm tạo. Bây giờ chúng ta tham dự khóa tu học mùa hè, vậy quý vị đến đây bằng cách nào?

Nói: Tôi mua một tấm vé máy bay rồi bay tới đây, tôi mua một vé xe buýt, đáp xe buýt tới đây. Hay chính tôi tự lái chiếc xe cà tàng cũ rích mất mấy ngày mới tới được đây. Tất cả đều không đúng! Quý vị đều sai rồi, sai như thế nào? Là do tâm quý vị sai khiến quý vị đến. Lòng quý vị nghĩ: “Hội Phật Giáo Trung Mỹ có một khóa giảng giáo lý vào kỳ nghỉ hè. Kỳ thứ nhất gồm chín mươi ngày, lần thứ hai thứ ba cũng chín mươi sáu ngày, còn kỳ thứ tư? Thời gian rút ngắn lại có lẽ rất dễ, tôi đi tham dự khóa tu này thử xem, đến nơi đó chỉ có mấy tuần, khó khăn bao nhiêu cũng có thể chịu được.” Thế rồi trong lòng muốn đi thì đi!

Trong tâm quý vị muốn đi, thì hiện giờ đã tới rồi, đi tới Phật Giáo Giảng Đường tu học Kinh Hoa Nghiêm làm học sinh. Đây không phải là tất cả do tâm tạo sao? Mà đây chính là tất cả do tâm tạo đấy. Nếu lòng quý vị không muốn đi thì dù cho có đủ các phương tiện như máy bay, tàu thuyền, tắc xi, hỏa xa cũng chẳng tác dụng gì, lòng quý vị không muốn đi nghĩa là căn bản không muốn cất bước, một bước cũng không muốn nhích thì làm sao mà đi? Cho nên đây là ý nghĩa tất cả do tâm tạo. Vậy tâm là gì? Tâm chính là Pháp Giới. Nhưng không phải “Bài Tựa” đã nói “kỳ duy Pháp Giới dư” (duy chỉ có Pháp Giới) sao? “Pháp Giới” chẳng qua là một tên gọi; thật ra, chính là tâm của quý vị, chính là  “kỳ duy nhữ Tâm dư”.

“Vậy mà xưa nay tôi luôn cho rằng Pháp Giới chính là cái gì đó to lớn lắm, bây giờ nó trở thành cái tâm của tôi, nhưng tâm tôi lại rất nhỏ.”

Tâm quý vị cũng nhỏ sao? Vừa rồi quý vị không nghe mười Pháp Giới này đều ở trong một tâm niệm hiện tiền sao? Vậy tâm quý vị làm sao lại nhỏ được? mà tâm quý vị còn lớn hơn cả hư không, lớn hơn cả trời đất, chẳng qua quý vị không biết ứng dụng đó thôi.

Tâm quý vị thì: “Tuy nhỏ mà không trong, lớn mà không ngoài” (đại nhi vô ngoại, tiểu nhi vô nội), nhưng quý vị chỉ biết cái tâm này nhỏ như một hạt bụi trần mà thôi, vậy là do cảnh giới của quý vị quá nhỏ bé; nếu tâm lượng lớn thì biết rằng mình có một cái tâm rất lớn.

 

 

B2. Đặc biệt tán thán sự mở bày khiến sáng tỏ được lý mầu (Biệt Thán Năng Thuyên):

 

Phẩu liệt huyền vi, chiêu khuếch tâm cảnh, cùng lý tận tánh, triệt quả cai nhân, uông dương xung dung, quảng đại tất bị giả, kỳ duy “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh”

Chia chẻ huyền vi làm rạng ngời tâm cảnh. Cùng lý tột tánh, thấu quả trùm nhân, mênh mông bủa khắp, bao hàm cả thái hư. Chỉ có Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm này thôi.

 

Phẩu liệt huyền vi: Phẩu ở đây nghĩa là dùng dao để chặt ra. Giống như quả nhãn, như khi ta bóc vỏ ngoài ra. Liệt nghĩa là quý vị chẻ thì nó bèn tách ra. Mổ tách cái gì? Mổ xẻ huyền vi. Thế nào gọi là huyền vi? Huyền nghĩa là huyền diệu, vi là tinh tế, đã huyền diệu lại còn tinh tế, đây chính là Pháp Giới đã nói ở trước, đoạn văn trước đã nói ở phần “trình bày tông thể” (tiêu cử tông thể). Tiêu nghĩa là nêu lên, cử là đưa ra. Nghĩa là nêu lên cái thể của tông chỉ này. Bây giờ trình bày đoạn “Biệt thán năng thuyên” nghĩa là đặc biệt tán thán sự mầu nhiệm huyền vi thâm áo của nó. Phẩu liệt huyền vi nghĩa là mở bày cảnh giới bất khả tư nghì này ra vậy.

Chiêu khuếch tâm cảnh: Chữ Chiêu ở đây về mặt ý nghĩa tương tự như chữ chiếu vậy. Nhưng chiêu nghĩa là “Minh”, chính là minh bạch rõ ràng. Khuếch là khuếch đại, mở rộng ra, từ nhỏ làm lớn lên. Xưa nay nó vốn là vật rất bé nhỏ, giống như chiếc quạt khi xếp lại thì rất bé nhỏ, nhưng khi mở ra thì lại rất lớn. Cũng ví như một cây dù, bình thường nó giống như một cây gậy nhỏ, nhưng gặp lúc trời mưa bung dù lên thì nó sẽ rất lớn, đây gọi là mở ra.

Thế thì cái cần được mở ra ở đây là gì? Đó chính là mở tâm cảnh ra. Quốc sư Thanh Lương biết tâm cảnh chúng ta rất nhỏ, không buông xuống được chút nào. Ai nói quý vị tốt, quý vị lo ôm cái tốt đó mà chạy. Ai nói quý vị xấu, thì quý vị liền mặt chau mày quạu lại. Quý vị xem tình cảnh này làm sao có thể tu hành được? Hoặc bị mắng một cái liền cảm thấy muốn phát điên rồi; hoặc bị chê một phen liền cảm thấy bực bội rồi. Tất cả những thứ này là nghĩa lý gì? Đó chẳng qua là do không biết mở mang tâm lượng, tâm lượng quá nhỏ, nếu có thể chia chẻ chi ly ra, mở mang tâm lượng cho rộng lớn ra thì có thể thấu tột lý tánh vậy.

Cùng lý tận tánh: Đây là một câu được trích ra từ Kinh Dịch. “Cùng lý tận tánh để thấu đạt vận mạng”. Quốc sư Thanh Lương là một người rất có công phu nghiên cứu Kinh Dịch. Bài tựa của kinh này văn từ rất súc tích, đa phần được trích từ Kinh Dịch. Cùng lý – cùng ở đây nghĩa là không còn gì nữa, lý là diệu lý, chính là đã thấu tột cái lý huyền diệu rồi, lại không còn một cái huyền diệu nào có thể sánh với nó được nữa. Tận tánh – Tận cũng là sạch hết, không còn gì nữa, tánh cũng tận đến cực điểm. Thế nào gọi là tận tánh? Thấu tánh người, tỏ tánh mình và cho đến tánh của vạn vật.

Thế nào gọi là thấu tánh người? Thí như có một người, anh ta rất thích leo núi, ưa lên núi dạo chơi; nhưng người kia lại thích bơi lội, thích đến những nơi có ao hồ để du ngoạn, một người khác nữa lại thích ngồi thiền, mỗi người đều có mỗi sở thích, quý vị biết rõ điều đó nên gọi là thấu tánh người.

Tỏ tánh người, còn phải tỏ được tánh mình. Mình đã biết người ta đồng thời phải hiểu rõ mình là người như thế nào. “Có phải mình chẳng có chút định lực nào không? Có phải mình chẳng có chút trí huệ nào không? Có phải suốt ngày mình luôn muốn nổi nóng bực bội không? Kỳ lạ! Ai bảo ta bực bội? Là nghĩa lý gì? Cái bực bội kia từ đâu mà có? A! Hóa ra là do vô minh của mình quá nặng thôi!”. Khi quý vị hiểu rõ lý lẽ này thì chính là đã tận tánh của mình. Đã biết mình rồi thì đừng có xấu như vậy nữa, mà phải bước đi trên con đường tốt hơn. Đó là mình đã tự làm tham mưu cho chính mình, mình làm cố vấn cho mình vậy.

Thế thì tánh người cũng biết, tánh mình cũng rõ, lại phải biết tánh muôn vật. Tách trà cũng là một vật, là dùng để uống trà; lò hương cũng là vật, là dùng để đốt hương. Mỗi thứ đều có công dụng, mỗi thứ đều có sở trường, mình biết rõ công dụng của chúng nên gọi là biết hết tính chất của từng sự vật. Từ đó chiêm nghiệm tường tận tánh mình, tánh người và sự vật, đây gọi là cùng lý tận tánh.

Triệt quả cai nhân: Triệt là thông đạt, cai là bao quát. Triệt cũng chính là từ cái “quả” mà bao trùm cái “nhân”, mà cái “Nhân” cũng thấu đến cái “quả”; cũng tức là nghĩa “nhân trùm biển quả, quả thấu nguồn nhân” (nhân cai quả hải, quả triệt nhân nguyên). Nhân trùm biển quả, khi ở trong nhân địa, thì đã bao trùm quả địa. Quả thấu nguồn nhân, nghĩa là khi ở trong quả địa cũng thông suốt cái nhân rồi. Dụng ý của bộ kinh này muốn nói: “Lúc mới phát tâm tức đã thành Chánh Giác”. Nghĩa là sự phát tâm của một niệm đầu tiên, tức đã thành Chánh Giác rồi, tức là đã thành Phật vậy; Cho nên ở đây gọi là nhân trùm biển quả, quả thấu nguồn nhân. Nó huyền diệu như vậy đó!

Uông dương xung dung: Uông là cái dáng sâu thẳm, có thể giải thích là uông uông, nghĩa là rất sâu rất sâu, không biết nó sâu bao nhiêu, có lẽ nó sâu như biển vậy. Dương nghĩa là rộng lớn, dương dương là rộng bao la, đã sâu lại còn rộng nữa, cho nên nói nó rộng như biển cả vậy. Xung ở đây có lẽ phải giảng như chữ “Hòa”. Dung nghĩa là dung thông, cũng có thể nói là viên dung, thông dung, dung hội quán thông. Đạo lý của Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm này đã sâu lại còn rộng nữa, đồng thời nó lại hòa, lại thông, lại viên dung. Dung hội, nghĩa là dung hợp nó lại; quán thông nghĩa là giống như lấy một sợi chỉ xâu nó lại.

Quảng đại tất bị giả: Đã quảng lại còn đại. Tất bị nghĩa là hoàn toàn đầy đủ, không có một chút khiếm khuyết nào, cũng có nghĩa là không thiếu không dư, không thiếu chút nào cũng không thừa chút nào, vừa vặn đúng đắn. Quảng đại tất bị giả nghĩa là hoàn toàn đầy đủ rồi. Đầy đủ cái gì? Đầy đủ đạo lý vi diệu không thể nghĩ bàn này.

Kỳ duy “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh”: Bảy chữ “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh” là tựa đề của bộ kinh này. Kinh có tên chung và tên riêng. Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm là tên riêng, đồng thời là tên đặc biệt của bộ kinh này, chỉ có một chữ Kinh là tên chung, toàn bộ hệ thống kinh điển đều được gọi là kinh. Tên có chung và riêng, giống như người ta đây kia đều được gọi là người, dù đó là người Trung Hoa hay người Tây phương đều là người. Kinh cũng như vậy, bất luận là bộ kinh này hay bộ kinh nào cũng được gọi là kinh. Đây là một tên gọi thông thường, lại có một tên gọi riêng, như con người ta ai cũng có tên, kinh cũng như vậy. Như người họ Trương gọi là Trương tiên sinh, người họ Lý gọi là Lý tiên sinh, đó là nói về họ. Còn có một cái tên hoặc là Trương Đại hay Lý Tiểu, những cách gọi này đều là tên riêng. Người Tây phương có người tên là Steve, có người tên là Stan có người tên là Frank. Có người gọi tên này có người gọi tên kia, những cách gọi này đều là tên riêng.

Đại, thế nào gọi là Đại? Vì thể của nó bao trùm cả hư không, có khả năng bao cả hư không, mà hư không thì không có bờ mé, nên gọi là Đại.

Phương nghĩa là phương pháp. Phương pháp này cũng chính là Phật Pháp vậy. Nên nói “pháp môn vô lượng,” pháp môn trong Phật Pháp có vô lượng vô biên, rộng như biển cả, cho nên gọi là phương.

Quảng, giảng theo nghĩa ngang dọc, ngang là rộng mà dọc là lớn. Không có một thứ gì có thể rộng lớn hơn nó được nữa. Trong đây cũng chính là bao gồm:Dụng cũng lớn, thể cũng lớn, tướng cũng lớn. Dụng cũng rộng, thể cũng rộng mà tướng cũng rộng, vì vậy ba chữ Đại Phương Quảng này nói đại khái là như vậy.

Phật chính là một con người đã đạt đến trình độ đại giác, lìa cái sở giác mà mình đã giác ngộ. Thế nào gọi là ly giác? Ngày  nào chúng ta cũng muốn mình phải giác ngộ… muốn phải được giác ngộ, thế thì chưa ly khai được ý niệm giác! Sau khi giác ngộ thì chính là lìa giác vậy. Lìa sở giác mà mình đã giác, chính là muốn nói Ngài đã ly khai ý niệm mà mình phải giác ngộ.

Có người nói: “Thế thì tôi cũng lìa ý niệm giác ngộ rồi, vậy tôi cũng chính là Phật”. Có thể quý vị làm một ông Phật giả. Trí huệ của Phật rạng ngời soi khắp, sáng hơn ánh sáng của mặt trời, có thể chiếu khắp tất cả, nếu quý vị có khả năng soi thấu tất cả thì quý vị mới được nói mình đã lìa ý niệm về giác ngộ. Nếu không soi chiếu được thì đừng nói mình đã lìa sở giác.

Mấy năm trước, tôi tình cờ gặp một người Trung Quốc, ông ta cho rằng mình đã khai ngộ. Ông nói, trước đây tôi xem kinh sách Phật Giáo, Đạo Giáo, y học, sách nào cũng nghiên cứu. Bây giờ chẳng xem sách nào nữa, cũng chẳng cần sách nào. Nghĩa là anh ta đã viên mãn, lãnh vực nào cũng biết. Tôi hỏi, hiện nay anh làm gì?

– “Tôi bán rượu.”

– Ấy chà! Thảo nào sách gì anh cũng không xem, vì anh bị rượu chuốc say rồi.

Nghe thế, anh ta cảm thấy hổ thẹn. Ở đây cũng thế, sự khai ngộ không phải do mình công nhận là tôi đã giác ngộ rồi. Quý vị khai như thế nào? Và ngộ cái gì? Thí như một ổ khóa, khi đã được khóa rồi quý vị làm sao để mở? Ở đây quý vị phải có một chiếc chìa khóa mới có thể mở được. Rõ ràng là đã bị khóa mà nói là mở, như vậy làm cách nào mở ra đây? Nếu nói đập nát ổ khóa này thì coi như khỏi cần mở, vậy không cần bàn đến lý lẽ, giống như bọn thổ phỉ, chuyên môn đi cạy két sắt của người.

Còn Đức Phật, Ngài đã lìa mọi ý niệm về giác ngộ, trí huệ sáng ngời, mới được tôn là Phật.

Hoa nghĩa là loài có hương thơm. Thế nào là hương thơm? Chính là đức hạnh viên mãn, dùng đức hạnh để trang nghiêm, có một mùi thơm đặc biệt, cho nên được gọi là hoa.

Nghiêm là trang nghiêm, Phật có mười thân, cho nên đem công đức tu hành này để trang nghiêm mười thân.

Kinh, có rất nhiều nghĩa. Có nghĩa tuôn trào (dũng tuyền), lại có nghĩa thằng mặc.

Thế nào gọi là dũng tuyền? Kinh giống như nước suối từ lòng đất vọt lên, ùn ùn trào ra.

Sao gọi là thằng mặc? Vì kinh trình bày những quy tắc, những phương pháp, khiến cho người noi theo đó mà tu hành, giống như nghề mộc, từ trục mực kéo sợi mực ra để đo cho ngay thẳng. Sợi dây này có khi màu đen, có khi màu trắng, bất kỳ màu nào cũng được gọi là dây mực. Mực vốn là màu đen, nhưng đôi khi cũng có thể thay thế màu đen. Có người nói màu trắng không thể gọi là mực, vậy quý vị muốn gọi nó bằng gì thì cứ thế mà gọi.

Kinh còn có bốn nghĩa: Quán, Nhiếp, Thường, Pháp.

Thế nào gọi là Quán? Nghĩa là xỏ vào xâu lại. Dùng một sợi dây xâu lại. Nó ví như môt xâu chuỗi hạt, mình xỏ từng hạt từng hạt nối liền nhau lại. Kinh là từ lúc bắt đầu cho đến kết thúc, từng lời từng câu cũng được nối kết lại giống như xâu chuỗi hạt vậy.

Thế nào gọi là Nhiếp? Nhiếp có nghĩa là thâu giữ những chúng sanh mình đã hóa độ, giống như đá nam châm có thể hút được kim loại, cũng như quý vị hiện giờ có người đến từ Nữu Ước, đến như thế nào? Đó là bị kinh nhiếp giữ vậy. Có người nói: “Tôi không tin, đây là do chính tôi tự đến”. Quý vị tự đến? Đấy là do sức mạnh của kinh kéo quý vị đến mà quý vị không hề hay biết, đây gọi là thu hút như nam châm hút sắt, kéo quý vị từ Nữu Ước đến đây.

Trong khoá tu học mùa hè năm nay, có một người là bạn cũ của tôi mà cũng là bạn cũ của Quả Dung. Tôi nhớ có một lần tôi sang Nữu Ước ( New York ), ông ta đã đưa tôi đến Hội Thanh Niên, và còn giúp đỡ tôi rất nhiều nữa. Lúc bấy giờ tôi chưa biết tiếng Anh, chẳng những không biết tiếng Anh mà ngay cả Trung văn tôi cũng không thạo lắm. Tuy nhiên, tôi đến Nữu Ước thì không giống như vị tiên sinh họ Đậu này!

Khi ông ta tới Nữu Ước, người ta hỏi: “Ông đi đâu thế?”

Ông đáp: “Tôi đến Nữu Ước!”

Hỏi lại ông lần nữa: “Chẳng hay ông muốn đến nơi nào thế?”; thì ông ta vẫn: “Tôi đến Nữu Ước!”

Suốt hơn bốn tiếng đồng hồ, ông ta toàn là “đến Nữu Ước” mà thôi!

“Ông muốn đến nơi nào ở Nữu Ước vậy?” “Thì tôi đến Nữu Ước!”

Tôi thì chưa đến nỗi “nhà quê” như thế!

Thế là tôi đã gọi điện thoại cho người bạn cũ này, và ông ta liền đi tìm Hội Thanh Niên và sắp xếp chỗ ở cho tôi. Lần đó là tôi tìm đến ông ta, còn bây giờ thì ông ta đến tìm tôi. Việc này là thế nào? Thì cũng là do bộ kinh này thu hút mà đến thôi! Quý vị nói: “Tôi không tin là có chuyện đó!” Quý vị không tin ư? Thế nhưng quý vị đã đến rồi! Ở đây chính là muốn nhấn mạnh ý này vậy. Quý vị không nhất thiết phải tin, cũng không nhất định là phải như vậy. Bây giờ thì quý vị hãy bình tâm, đừng tranh luận với tôi nữa! Đó là “nhiếp trì sở hóa cơ,” nhiếp dẫn những chúng sanh mà mình đã giáo hóa.

Thế nào gọi là Thường? Thường nghĩa là bất biến, không những hiện giờ không thay đổi, quá khứ cũng như vậy, không chỉ quá khứ bất biến mà vị lai cũng như vậy. Đây chính là ý từ lúc khởi đầu cho tới bây giờ đều bất biến.

Thế nào là Pháp? Pháp là phương pháp mà tất cả mọi chúng sanh đều noi theo, đều làm theo phương pháp này. Bất luận là quá khứ, hiện tại, vị lai, là phương đông, phương nam, phương tây, phương bắc, hướng trên dưới hay hướng đông nam, tây nam, tây bắc, đông bắc, mười phương ba đời tất cả chúng sanh đều phải y theo phương pháp này mà tu hành đều gọi chung là Pháp.

Chữ “kinh” này có nhiều nghĩa như thế. Lẽ ra thì còn rất nhiều nghĩa khác nữa nhưng nếu tôi kể ra nhiều quá thì e rằng quý vị nhớ không xuể; mà cũng có thể là tôi đã quên mất rồi. Có người nói: “Thầy chỉ toàn là nói đùa mà thôi!” Không nói đùa thì làm sao có nhiều lời chân thật đến thế để nói? Quý vị nghe như nói đùa, thì đó là nói đùa; quý vị nghe là Phật Pháp, thì đó là Phật Pháp; đây không phải là Pháp sư nói đùa. Nếu quý vị cho rằng không có đạo lý, cho dù những điều tôi giảng là hợp lý thì cũng trở thành không hợp với đạo lý nữa. Nếu quý vị cho rằng tôi giảng có lý, thì dẫu tôi có giảng qua loa, không được hợp lý, quý vị cũng đều cảm thấy không tệ lắm, vẫn còn khá hơn mấy vị Pháp Sư người Mỹ khác một chút! Có phải vậy không? Hẳn là như vậy rồi!

Nghĩa của kinh là thế, kinh còn có bao nhiêu tên gọi? Tên kinh có bảy cách lập đề. Toàn bộ hệ thống kinh điển trong Ba tạng mười hai bộ của chư Phật nói ra đều không ngoài bảy cách lập đề này. Trước đây tôi đã giảng nhiều lần, bây giờ không giảng lại nữa.

 

B3. Luận về sự bất khả tư nghì của vị Giáo Chủ (Giáo Chủ Nan Tư).

 

“Cố ngã Thế Tôn, thập thân sơ mãn, Chánh Giác thủy thành, thừa nguyện hạnh dĩ di luân, hỗn hư không vi thể tánh, phú hữu vạn đức, đãng vô tiêm trần”.

Cho nên Đức Thế Tôn của chúng ta lúc vừa đủ mười thân, Chánh Giác vừa thành, Ngài bèn theo hạnh nguyện để độ cơ. Thâu cả hư không làm thể tánh, đầy đủ vạn đức, làu sạch không còn chút mảy trần.

 

Đoạn văn trên là đoạn nói về “sự bất khả tư nghì của vị Giáo Chủ”.

Cố ngã Thế Tôn: Cố nghĩa là cho nên, cho nên đức Thế Tôn của chúng ta. Ngã Thế Tôn ở đây chính là chỉ cho Đức Phật. Như vậy Quốc sư Thanh Lương Ngài giảng “Ngã Thế Tôn” chính là “Ngã Phật”. Chữ Ngã Thế Tôn này có thể nói “Tương lai chúng ta cũng có thể làm Phật”, đây là một cách nói. Cũng có thể nói “Đức Thế Tôn của chúng ta chính là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni”. Bây giờ đoạn văn này chúng tôi phải giảng “Đức Thế Tôn của chúng ta chính là Đức Thích Ca Mâu Ni Phật.”

Thập thân sơ mãn: Thập thân ở đây chính là chỉ cho mười thân của Phật. Mười thân này đợi đến khi giảng vào phần chánh kinh tôi sẽ giảng kỹ càng hơn, ở đây tạm thời không giảng trước. Sơ mãn, nghĩa là viên mãn đầu tiên, lúc đắc được mười thân này vậy.

Chánh Giác thủy thành: “Thập thân sơ mãn” và “Chánh Giác thủy thành”, ý nghĩa đó như nhau. Mới vừa thành Chánh Giác cũng chính là lúc vừa tròn đủ mười thân. Mười thân vừa thành cũng chính là Chánh Giác mới đủ. Chánh Giác ở đây không giống như những ác giác quán của các hàng ngoại đạo khác. Ngoại đạo cũng có giác quán, nhưng đó là ác quán, không phải chánh giác mà là tà giác, là tà tri kiến. Ngoại đạo cũng có trí huệ, nhưng chỉ là tà trí tà huệ. Còn đức Phật là chánh trí chánh huệ.

Lúc Phật mới vừa thành Chánh Giác, Ngài thốt lên ba tiếng “Lạ thay”!

“Lạ thay! Lạ thay! Lạ thay!”

“Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật, nhưng vì vọng tưởng chấp trước nên không chứng đắc được quả vị này.”

Quý vị thử nghĩ! Đức Thế Tôn nói tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật, không giống như các tôn giáo khác nói “Chỉ có ta là chơn còn các ngươi là ngụy”. Phật không như vậy. Phật nói tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật, chúng sanh ở đây không những chỉ loài người mà còn tất cả các loài khác nữa. Tất cả súc sanh, ngạ quỷ, cho đến những chúng sanh đang chịu khổ ở địa ngục, chỉ cần họ cải ác hướng thiện. “biển khổ vô biên quay đầu là bờ”, nghĩa là biết quay đầu lại thì có thể thành Phật. Cho nên sự vĩ đại của Phật Giáo cũng chính là ở đây. Ngài không nói chỉ có một mình ta mới có thể thành Phật còn các ngươi thì không thể. Không phải như vậy, mà ai ai trong chúng ta cũng có phần, ai ai cũng thành Phật được cả. Lúc Ngài vừa mới thành Chánh Giác, Ngài thấy tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật.

Thừa hạnh nguyện dĩ di luân: Thừa nghĩa là ngồi vào hoặc đáp lên vậy. Đáp lên cái gì? Đáp lên hạnh nguyện của Ngài. Giống như chúng ta đáp thuyền đến một nơi nào đó, đây gọi là thừa thuyền; chúng ta ngồi lên xe để đi gọi là thừa xa; chúng ta cỡi ngựa đi gọi là thừa mã. Cũng vậy những hạnh nguyện mà Ngài đã phát ra trong thời kỳ còn tu nhân là vô lượng vô biên, cho nên nói là di luân.

“Di Luân” cũng là một từ được trích từ Kinh Dịch. Trong Kinh Dịch nói “Thay đổi để cho hợp với quy luật của trời đất, cho nên mới có thể phát triển đạo của trời đất” (Dịch dữ thiên địa chuẩn, cố năng di luân thiên địa chi đạo). Đây chính là ý muốn nói Thánh nhơn tạo ra “Sự thay đổi (Dịch)” cho phù hợp với quy luật của tạo hóa. Cho nên đạo lý này là “Di Luân”. Di Luân cũng có nghĩa là “bao la trùm khắp”. Trùm khắp thì không chừa chỗ nào, không có chỗ nào không tới; bao la nghĩa là bao la vạn hữu, tất cả sum la vạn tượng đều được bao bọc ở trong đó. Cho nên nói là Di Luân.

Nguyện lực của Phật là trùm khắp bao la, không giống như chúng ta mới phát một nguyện bèn cho là đủ. Đức Thích Ca trong thời kỳ tu nhơn đã phát ra vô số nguyện lớn. Mỗi một kiếp phát một nguyện, mỗi một đời phát một nguyện, nguyện nào cũng hướng về Phật Đạo, độ chúng sanh. Đây gọi nương vào hạnh nguyện để hoằng dương.

Hỗn hư không vi thể tánh: Phật giống như hư không, cho nên nói: “Nếu người muốn biết cảnh giới Phật, phải tịnh hóa ý mình như hư không”. Nếu như quý vị muốn biết được cảnh giới chư Phật thì phải tịnh hóa ý mình rỗng rang như hư không. Hỗn là hỗn dung, là dung hội, quán thông, làm cho hợp lại thành một với hư không. Thể tánh được dung hợp như hư không. Mà hư không vốn không có tướng mạo, không có bờ mé, ranh giới. Thể tánh của Phật giống như hư không, cho nên nói “thâu tóm hư không làm thể tánh”.

Phú hữu vạn đức: vạn đức là một từ của tổng tướng. Thật ra không chỉ có vạn đức, mà cả vạn vạn đức. Đức Phật đầy đủ muôn đức, đồng thời được trang nghiêm bằng vạn đức nên sự tôn quý của Ngài cũng đạt đến tối thượng.

Đãng vô tiêm trần: Đãng là bằng phẳng thảnh thơi, nghĩa là sạch hết. Giống như giảng đường này của chúng ta đôi lúc muốn sạch sẽ một tí thì phải dọn quét dọn. Nếu không quét thì sẽ dính đầy bụi bặm. Nhưng ở đây, Phật là đấng đầy đủ vạn đức, sạch làu không còn mảy trần. Ngài không còn vướng chút bụi trần nào. Đầy đủ vạn đức, chính là trí huệ viên mãn. Sạch làu không còn mảy trần, chính là lúc gọt trừ sạch mọi nghiệp chướng, nghiệp chướng đều được tịnh hóa. Trần ở đây cũng được mô tả bằng Kiến hoặc, Tư hoặc, Trần sa hoặc, vì ba thứ này đã được tịnh hóa sạch hết. Cho nên cũng có thể nói là vô minh đã đoạn; vô minh đoạn hết phiền não trần sa cũng không còn. Tịnh trừ sạch hết mọi thứ không thanh tịnh. Đó gọi là bậc “sạch làu không vướng mảy trần”.

 

B4. Phương thức Kinh thuyết là trùm khắp (Thuyết Nghi Chu Phổ):

 

Trạm trí hải chi trừng ba, hư hàm vạn tượng; hiệu tánh không chi mãn nguyệt, đốn lạc bách xuyên. Bất khởi thọ vương, la thất xứ ư Pháp Giới; vô vi hậu tế, sướng cửu hội ư sơ thành. Tận hoành quách chi u huyền tông, bị nan tư chi hải hội. viên âm lạc lạc, cai thập sát nhi đốn chu; chủ bạn vị trùng trùng, cực thập phương nhi tề xướng.

Sóng lặng nơi biển trí vời vợi bao hàm vạn tượng, vầng trăng tánh không vằng vặc chóng hiện ở muôn sông. Không rời khỏi thọ vương mà bao trùm bảy chỗ nơi Pháp Giới, không trái hậu tế mà thông suốt chín hội nơi sơ thành. Thấu tận huyền tông rộng lớn bủa khắp hải hội khó nghĩ bàn. Viên âm làu làu bao hàm mười cõi, chủ bạn trùng trùng tận đến mười phương cùng thời xướng.

 

Đoạn văn trên là đoạn nói về “Phương thức kinh thuyết trùm khắp”, tức là cái phương thức mà giáo nghĩa của Kinh này được diễn bày là trùm khắp Pháp Giới.

Trạm trí hải chi trừng ba: Trạm là trạm tịch. Trí hải nghĩa là trí huệ giống như biển cả, nhưng là trạm tịch, là bất động, là yên tĩnh. Trừng ba nghĩa là sóng biển yên tĩnh trong lặng, tại sao không có một chút sóng mòi nào cả? Không có làn sóng nào cũng chính là không còn chút phiền não nào nữa. Vì không còn làn sóng, cho nên nói “Sóng lặng nơi biển trí vời vợi”.

Hư hàm vạn tượng: Ở trong biển trí giống như hư không bao hàm vạn tượng, cho nên đối với tất cả đạo lý Phật đều thấu suốt, không một pháp nào Ngài không biết, không một vật nào Ngài không rõ.

Hiệu tánh không chi mãn nguyệt: Hiệu nghĩa là tinh khiết, thanh tịnh. Tánh không là chỉ cho Phật tánh nó giống như mặt trăng tròn giữa bầu trời quang đãng. Mãn nguyệt chính là chỉ cho ánh trăng đêm rằm.

Đốn lạc bách xuyên: Bách xuyên chính là chỉ cho những nơi có nước. Đốn lạc, nghĩa là như ánh trăng rằm giữa hư không, ánh sáng vằng vặc kia chiếu thẳng xuống tất cả những nơi có nước đọng, tất cả những nơi có nước đều có ánh trăng. Đó gọi là “Ngàn sông có nước ngàn sông hiện” (thiên đàm hữu nguyệt thiên đàm hiện). Đàm chính là ao sâu, cũng có nghĩa là những nơi có nước thì có ánh trăng hiện trong đó. Đây chính là một câu trong “Chứng Đạo Ca của Đại sư Vĩnh Gia” nói rằng: “Một ánh trăng chiếu khắp tất cả muôn sông, tất cả ngàn sông trăng đều nhiếp vào một ánh trăng” (nhất nguyệt phổ hiện nhất thiết thủy; nhất thiết thủy nguyệt nhất nguyệt nhiếp). Một vầng trăng ở giữa hư không hay ở trong tất cả dòng sông, ánh sáng bủa khắp rồi cũng hiện ra vầng trăng này. Có phải có nhiều vầng trăng như vậy không? Không phải. Vì tất cả ánh trăng trong mỗi dòng sông đều từ một vầng trăng này hiện ra, chiếu khắp. Tuy có trăm nghìn vạn dòng sông và hiện ra trăm nghìn ánh trăng, nhưng bản thể của trăng chỉ là một mà thôi.

“Hiệu tánh không chi mãn nguyệt”. Tự tánh trong sáng được ví như ánh trăng giữa bầu trời không vậy. “Đốn lạc bách xuyên” trong cái chớp nhoáng đều tỏa xuống mọi dòng sông. Cũng vậy trong tâm của tất cả chúng sanh đều có dòng sông, trong Phật tánh thì có ánh trăng chiếu vào trong dòng nước tâm của chúng sanh chúng ta. “Hồ nước tâm chúng sanh thanh tịnh thì Bồ-đề ngày càng tăng trưởng”. Cho nên nói “chóng hiện ở muôn sông”  cũng chính là ý này. Nếu hồ nước tâm của chúng ta thanh tịnh rồi thì quang minh của Phật cũng chiếu soi vào trong đó. Nếu tâm chúng ta không thanh tịnh thì dù có ánh sáng Phật tánh cũng không thể chiếu vào được. Giống như hồ nước, nếu nước trong đó vẩn đục, thì không thể hiện bóng trăng. Nếu nước lặng trong thì sẽ thấy một vầng trăng chiếu trong đó.

Bất khởi thọ vương: Đức Phật Thích Ca thuyết Kinh Hoa Nghiêm là ngồi dưới cội Bồ-đề, Ngài không đến nơi khác mà ngồi ngay đó để nói, đây gọi là bất khởi thọ vương. Thọ chính là cội Bồ-đề vậy, sao gọi là thọ vương? Vì cây Bồ-đề này cao to hơn tất cả các loại cây khác, gốc của nó bám rễ rất sâu, cành lá cũng sum xuê, cho nên gọi là thọ vương, chính là vua trong các loại cây cỏ. Câu “Bất khởi thọ vương” cũng chính là không rời khỏi tòa nơi Bồ Đề Đạo Tràng.

La thất xứ ư Pháp Giới: La là la liệt; bày khắp bảy chỗ. Trong bảy nơi thuyết chín hội Hoa Nghiêm, vì có nơi nói hai lần, có nơi nói một lần, cho nên nói thất xứ cửu hội, tức là Đức Phật ở bảy nơi nói chín lần Pháp hội. Trong bốn mươi chín năm đức Phật thuyết pháp hơn ba trăm hội, “bảy chỗ chín hội” này đều do Phật nói lúc vừa mới thành đạo. Đây là bảy chỗ chín hội của kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm:

Hội thứ  nhất: Nói ở Bồ Đề Đạo Tràng.

Hội thứ hai và hội thứ bảy, thứ tám: đều nói ở điện Phổ Quang Minh.

Hội thứ ba: Nói ở trời Đao Lợi.

Hội thứ tư: Nói ở trời Dạ Ma.

Hội thứ năm: Nói ở trời Đâu Suất.

Hội thứ sáu: Nói ở trời Tha Hóa.

Hội thứ chín: Nói ở rừng Thệ Đa (Jeta), còn gọi là ở Giảng Đường Trùng Các.

Lúc đầu tiên khi Ngài vừa mới thành đạo bèn nói chín hội Hoa Nghiêm, hội sau cùng Ngài thuyết ở rừng Thệ Đa, cũng gọi là ở Giảng Đường Trùng Các. Giảng Đường Trùng Các là do sau này mới tạo dựng; khi Phật mới thành đạo giảng đường này vẫn chưa xây. “Vậy, không có Giảng Đường này làm sao Phật có thể thuyết Kinh Hoa Nghiêm ở đấy?”. Đây chính là muốn nói đến chữ “Diệu”!

Phật có thể thâu vô lượng kiếp quá khứ đem về hiện tại và thâu vô lượng kiếp vị lai đem về hiện tại, cho nên không có cái gọi là quá khứ, cũng không có vị lai, cũng không có hiện tại. Đó gọi là tâm quá khứ bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc. Tại sao? Vì quý vị nói có hiện tại, đây gọi là chấp trước; quý vị nói có quá khứ, cũng là chấp trước; nói có vị lai cũng là một sự chấp trước. Nếu quý vị không chấp trước thì những gì của quá khứ nó cũng qua rồi, hiện tại luôn biến đổi. Nếu quý vị nói bây giờ là hiện tại, một sát-na ngay đây cũng vụt qua rồi. Cho nên hiện tại không ngừng còn vị lai thì vẫn chưa tới, nên nói “Tìm tâm ba thời hoàn toàn không thể được” (tam tâm liễu bất khả đắc), đây chính là muốn phá cái chấp trước của chúng ta.

Hiện giờ Đức Thích Ca Mâu Ni Phật “bất khởi thọ vương”, Ngài chỉ ở tại một chỗ chứ không hề rời khỏi tòa, nhưng lại phân thân khắp mọi nơi để thuyết pháp, có thể ở nơi tất cả các cõi nước của chư Phật mà vẫn không rời khỏi tòa dưới cội Bồ-đề để thuyết pháp cho chúng sanh nghe ở khắp mọi nơi.

Lại có thể nói, Phật ở một nơi này, mà đến một nơi khác thuyết pháp, cũng không rời khỏi tòa nhưng có thể đến một thế giới khác thuyết pháp. Lại có thể nói, Phật ở một chỗ mà biến khắp bảy chỗ để nói pháp. Tại sao vậy? Vì đây chính là một cảnh giới bất khả tư nghì, có thể dung nạp vô lượng kiếp thành một niệm, kéo một niệm làm vô lượng kiếp, thâu vô lượng kiếp lại thì nó dài như chừng một niệm; lại kéo một niệm cho giãn ra thành vô lượng kiếp. Cho nên nói “Không rời khỏi tòa mà hiện hữu khắp bảy chỗ”, ý muốn nói ngồi ở đây mà đến bảy nơi để thuyết pháp, nói chín hội Hoa Nghiêm.

Vô vi hậu tế: Theo quan niệm của chúng ta, chắc chắn có trước có sau, phía sau không thể kéo đến phía trước, phía trước không thể dời ra đằng sau. Nhưng cái chỗ mầu nhiệm của sự thuyết pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không phải là chỗ mà hàng phàm phu có thể biết được.

Khi Phật vừa mới thành đạo, bèn thị hiện ra Trùng Các Giảng Đường tại rừng Thệ Đa để thuyết pháp ở đó. Trùng Các Giảng Đường cũng gọi là Dã Các Giảng Đường, vì tòa lầu này được xây ở chốn núi rừng; do nó có tới mấy tầng lầu nên được gọi là trùng các. Khi Phật mới thành đạo vốn không có giảng đường này, nhưng Phật có thể thị hiện ra giảng đường này đồng thời giảng Kinh Hoa Nghiêm ở đó, cho nên đây gọi là “vô vi hậu tế”, tức không bị cản trở bởi những gì xẩy ra thuộc giới hạn của “phía sau hay về sau”.

Sướng cửu hội ư sơ thành: Đức Phật nói một mạch luôn cả chín hội, lúc mới vừa thành đạo, Ngài nói Kinh Hoa Nghiêm trong vòng hai mươi mốt ngày liền.

Tận hoành quách chi u tông: Tận nghĩa là cùng tận. Hoành nghĩa là rộng lớn. Quách có thể gọi là “Không”, hoặc gọi là “Trương”. Nghĩa là mở rộng ra. U tông, u cũng chính là một nghĩa huyền diệu. Chữ u này vốn là u tối, nhưng chữ u trong đây không có nghĩa là tối tăm, mà chính là cái mầu nhiệm. Cái mầu nhiệm này, một con người bình thường khó mà biết mà thấy mà nghe được, đây gọi là u tông hay tông chỉ này.

Bị nan tư chi hải hội: Bị là giáo hóa, hay còn gọi là gia bị; gia bị cũng chính là giáo hóa. Pháp của Phật có thể giáo hóa vô số chúng sanh không thể nghĩ bàn, không biết bao nhiêu chúng sanh, giống như biển cả gom về một mối. Hải hội nghĩa là như biển cả, mọi người cùng tụ hội về. Phật nói Kinh Hoa Nghiêm là dùng“Hải ấn tam muội” để nói, Phật nói Kinh Pháp Hoa thì nhập vào “Vô lượng nghĩa xứ tam muội”.

Sao gọi là Hải Ấn tam muội? Hải nghĩa là chỉ cho biển nước thơm (Hương Thủy Hải). Biển này vốn lặng trong không hề có một gợn sóng. Nhưng hiển hiện sắc thân của hết thảy chúng sanh trong mười phương thế giới, giống như dùng con dấu, ấn vào một vật nào đó. Tất cả chúng sanh trong mười phương thế giới, loài có hình có sắc đều hiện bóng mình trong biển này, giống như con dấu – mình lấy con dấu đóng vào trang giấy, thì có dấu hiện ra. Vì chúng sanh trong mười phương ở trong biển Hương Thủy đều có một con dấu ấn hiện ra, cho nên gọi là Hải Ấn. Và khi Phật nhập vào tam muội này dùng Hải Ấn Tam Muội để nói pháp, cho nên gọi là “Bị nan tư chi hải hội” (bủa khắp hải hội khó nghĩ bàn).

Viên âm lạc lạc: Tại sao gọi là viên âm? Viên là viên mãn; âm là âm thanh. Âm thanh này rất viên mãn, nên nói Phật dùng một giọng tiếng diễn thuyết pháp, chúng sanh tùy theo chủng loại mà nghe hiểu, khi thiên nhơn nghe thì đó là ngôn ngữ của cõi trời; Bồ Tát nghe thì đó là ngôn ngữ của Bồ Tát; A-la-hán nghe thì đó là ngôn ngữ của A-la-hán; loài người nghe thì đó là ngôn ngữ của loài người; súc sanh nghe thì đó là ngôn ngữ của súc sanh; ngạ quỷ nghe thì đó là ngôn ngữ của ngạ quỷ; chúng sanh ở địa ngục nghe thì đó là ngôn ngữ ở địa ngục sử dụng. Phật nói một ngôn ngữ nhưng bất cứ loài chúng sanh nào khi nghe cũng hiểu được pháp này. “Viên âm lạc lạc” nghĩa là tất cả chúng sanh hễ nghe pháp này thì liền hiểu được, giống như rớt vào trong tâm họ, đây nghĩa là âm thanh mầu nhiệm rót vào trong tâm của mỗi chúng sanh.

Âm thanh này không phải chỉ ở một quốc độ, mà dù cho đang ở nước khác cũng nghe được tiếng này, đồng thời cũng nhìn thấy Phật đang nói pháp. Giống như cái gì? Giống như vầng trăng rằm giữa hư không. Vầng trăng tròn vạnh giữa hư không ai cũng có thể nhìn thấy được và cùng nói rằng trăng đang ở trước mặt mình “Ánh trăng đang chiếu vào tôi”! Phật cũng như vậy, khi Ngài thuyết pháp chúng sanh đều thấy Phật đang đối diện với mình “Phật đang nói pháp chỗ tôi”! giống như ánh trăng kia chiếu vào chỗ mình vậy, cho nên đây gọi là viên âm lạc lạc.

Cai thập sát nhi đốn chu: Cai nghĩa là bao quát; Đốn nghĩa là trong nháy mắt; Đốn chu là trong khoảnh khắc biến khắp tất cả, thấu đến mọi cảnh giới chư Phật và quốc độ chư Phật. Thập sát ở đây là tên chung chỉ cho quốc độ, thật ra không những là thập sát mà vô lượng cảnh giới chư Phật đều hiển hiện hình bóng mà Phật Thích Ca đang thuyết pháp.

Chủ bạn trùng trùng: Chủ là chỉ cho Đức Thích Ca Mâu Ni Phật; Bạn chính là tất cả Bồ Tát. Trùng trùng là trùng trùng vô tận, vô tận trùng trùng; cảnh giới này là cảnh giới bất khả tư nghì.

Cực thập phương nhi tề xướng: Cực nghĩa là đến cực điểm rồi; Cực thập phương nghĩa là đến cõi nước của chư Phật ở mười phương. Nhi tề xướngnghĩa là ở trong cái đồng thời này đều diễn thuyết Kinh Hoa Nghiêm, lúc Ngài giảng Kinh Hoa Nghiêm trong mỗi cõi nước chư Phật đều hiện cảnh bảy chỗ chín hội này. Thế thì những thế giới khác cũng hiện ra tướng bảy chỗ chín hội này. Cảnh không thể nghĩ bàn này là để diễn nói đại Kinh Hoa Nghiêm, cho nên nói cực thập phương nhi tề xướng, nghĩa là cùng một lúc đến diễn nói đạo lý kinh này vậy.

Giảng đến đoạn này có người lại nghi ngờ và nói rằng: “Bạch Thầy! Mấy hôm trước Ngài giảng “Khi Phật nói Kinh Hoa Nghiêm, hàng Nhị thừa có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe”. Hôm nay lại nói Phật dùng một viên âm diễn thuyết pháp, chúng sanh tùy loài nghe mà hiểu được, đây há không phải trước sau mâu thuẩn ư? Đạo lý này Ngài giảng không thông rồi!” Không sai, quý vị hỏi rất hay, nhưng đạo lý này chỉ do chính quý vị nghĩ như vậy. Tôi đã giảng rồi, nói: bất khả tư nghì, bất khả tư nghì, nhưng quý vị vẫn cứ nghĩ “Làm sao như thế!”. Tuy nói hàng Nhị thừa không thấy không nghe, đây là vì duyên vẫn chưa thành thục, cho nên các Ngài không thấy không nghe; đợi đến khi duyên thành thục rồi thì không chỉ là hàng Nhị thừa mà cả Tam thừa Tứ thừa đều có thể nghe thấy. Tam thừa là gì? Đó là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát. Tứ thừa là gì? Thêm vào địa vị Phật nữa. Có một câu như thế này:

Trời mưa tuy lớn nhưng không thấm ướt được những cỏ cây khô héo rụi gốc.

Cửa Phật bao la vẫn khó độ người bất thiện kém duyên.

Hình tượng trời mưa cũng giống như Phật đang thuyết pháp, những cây lớn thì dễ hấp thụ còn những cây nhỏ thì được chút phần, nhưng ở đây cây cỏ đã khô còn rụi gốc, thì nước mưa xối vào cũng không thấm được cũng giống như con người đã thiếu duyên với Phật mà còn khó độ. Đó gọi là “đương diện thác quá, giao tý thất chi” nghĩa là đã đối diện mà bỏ lỡ rồi, không biết được Phật. Cũng như hai người vốn đã tay trong tay, nhưng họ vẫn mất đi cơ hội. Đó cũng có nghĩa là đối diện mà không biết Quán Thế Âm. Quý vị niệm Quán Âm, lễ Quán Âm, tụng Quán Âm, thấy Quán Âm, nhưng Ngài đang đối diện trước mặt quý vị, quý vị vẫn không biết. Có người nói: “Tôi chưa thấy, nếu thấy rồi tôi sẽ biết”. Thật ra ngày nào quý vị cũng thấy, nhưng không ngày nào quý vị nhận ra! Quán Thế Âm Bồ Tát biết quý vị, nhưng quý vị không nhận ra Ngài, cũng chính là đạo lý này.

Phật môn tuy rộng lớn, nhưng người không nghĩ đến điều thiện, không muốn làm việc tốt thì cũng hết cách độ họ. Cho nên có người học Phật Pháp, nhưng học rồi chạy đâu mất giống như cây cỏ không có rễ vậy, dù mưa lớn bao nhiêu cũng không cách nào thấm ướt được, việc học Phật Pháp cũng như vậy. Thế thì bây giờ quý vị biết rồi, đối với việc nghe và thấy cũng cần phải có nhân duyên mới được; nếu không thì muốn thấy cũng không thể thấy được.

Thế nên, hiện giờ quý vị đang dự khóa tu học mùa hè ở hội Phật Giáo Trung Mỹ, chúng ta đều là những người rất có nhân duyên mới có thể cùng gặp gỡ như thế này, đồng thời cùng nhau nghiên cứu Phật Pháp, đó là một việc hết sức vui mừng, một việc rất đáng khen ngợi! Quý vị xem Quả Tôn, Quả Thuẩn, nhà cách đây có tới bốn năm chục cây số mà vẫn đến đây nghe pháp, tôi rất lấy làm phấn khởi!

 

B5. Ngôn ngữ bao trùm gốc ngọn (Ngôn Cai Bổn Mạt): chia 2 phần:

C1. Lý Sự soi nhau mà luận bổn mạt (Lý Sự Tương Vọng Luận Bổn Mạt).

C2. Các giáo soi nhau mà luận bổn mạt (Chư Giáo Tương Vọng Luận Bổn Mạt).

 

C1. Lý Sự soi nhau mà luận bổn mạt (Lý Sự Tương Vọng Luận Bổn Mạt).

 

Tuy không không tuyệt tích, nhi nghĩa thiên chi tinh tượng sán nhiên; trạm trạm vong ngôn, nhi giáo hải chi ba lạng hạo hãn.

Tuy không không bặt dấu, nhưng muôn sao của một trời nghĩa lại rực rỡ, lẳng lặng quên lời mà sóng cả nơi biển giáo lại trùng trùng.

 

Tuy không không tuyệt tích: Đây là tức tướng ly tướng, nghĩa là đang ở trên tướng mà ly khai tướng. Thế nào gọi là ly khai? Quý vị không dính mắc thì gọi là ly khai, nghĩa là ngay nơi tướng mà là vô tướng. Tuy là tuy nhiên. Tuy nhiên nói không, mà cái không đó cũng không có dấu vết (tuyệt tích). Không nghĩa là làmkhông đi cái “tướng”; không không là đem cái “không có tướng” đó cũng làm cho không nốt. Tuyệt tích, vết tích cái không không này cũng đoạn hết[1]. Tuy vết tích đã đoạn tuyệt, hoàn toàn vô tướng, nhưng ngay nơi tướng mà ly tướng[2].

Nhi nghĩa thiên chi tinh tượng sán nhiên: Nghĩa thiên tức là giáo nghĩa rộng lớn như bầu trời vậy, thiên lấy tự nhiên làm nghĩa, mà tinh tượng của nghĩa thiên là ý muốn diễn đạt nghĩa lý kia lớn như bầu trời vậy. Bầu trời rộng lớn kia lại lấp lánh những vì sao, lại tỏa chiếu bởi ánh trăng. Tinh  tượng sán nhiên, sán nhiên là những ánh sao lấp lánh. Câu này muốn nhấn mạnh giáo nghĩa của Phật Giáo rộng lớn như bầu trời, trong giáo nghĩa này cũng bao hàm trùng trùng đạo lý, cho nên nói “nhưng muôn sao của một trời nghĩa lại rực rỡ”.

Trạm trạm vong ngôn: Trạm là trạm tịch, cũng có nghĩa là thanh tịnh, thanh đạm mà tịnh tịch. Vong ngôn nghĩa là không có gì có thể nói, đây chính là“ngay nơi ngôn ngữ mà tiêu vong ngôn ngữ” (tức ngôn khiển ngôn). Tại sao có thể “tiêu vong ngôn ngữ”? Nếu quý vị không có lời để nói, thì sao có thể biểu đạt để hiểu được cái đạo lý “không có lời có thể nói”. Cho nên, nếu muốn rõ đạo lý “ngay trong ngôn ngữ mà lìa ngôn ngữ”, quý vị cần phải dùng ngôn ngữ, để hình dung mà có thể thấu rõ được đạo lý “không có ngôn ngữ” này.

Cho nên đoạn chánh văn này và đoạn sau là nói lên đạo lý “Ngôn cai bổn mạt”, ngôn ngữ bao hàm bổn mạt, lời được nói ra vốn là cội gốc của câu nói mà cũng bao hàm cả cái ngọn; cái ngọn của lời nói cũng trùm cả gốc. Gốc ngọn không hai, đây chính là đầu đuôi như một, cho nên mới nói “trạm trạm vong ngôn (lẳng lặng quên lời) ”.

Nhi giáo hải chi ba lang hạo hãn: Giáo là giáo nghĩa Phật thuyết. Đại sư Trí Giả tông Thiên Thai đem một thời phán giáo của Đức Như Lai chia ra làm “Ngũ thời Bát giáo”. Năm thời gồm:

Thứ nhất: thời Hoa Nghiêm.

Thứ hai: Thời A Hàm.

Thứ ba: Thời Phương Đẳng.

Thứ tư: Thời Bát Nhã.

Thứ năm: Thời Pháp Hoa Niết Bàn.

Đem năm thời này phán định thứ tự thời gian thuyết pháp của Đức Như Lai. Lấy tám giáo để phân biệt nghi thức thuyết pháp của Ngài. Tám giáo: Tạng Giáo, Biệt Giáo, Thông Giáo, Viên Giáo, Đốn giáo, Tiệm giáo, Bí Mật giáo, Bất Định giáo.

Có một bài kệ tụng rằng:

Hoa nghiêm tối sơ tam thất nhựt.

A Hàm thập nhị Phương Đẳng bát.

Nhị thập nhị niên Bát Nhã đàm.

Pháp Hoa Niết Bàn cọng bát niên.

Tạm dịch:

Đầu tiên thuyết Hoa Nghiêm hai mốt ngày.

A Hàm mười hai Phương Đẳng tám năm.

Riêng thời Bát Nhã đến hai hai năm.

Pháp Hoa Niết Bàn trọn tám năm.

Thời Hoa Nghiêm: Thời đầu tiên là nói Kinh Hoa Nghiêm. Bộ kinh này chỉ nói trong vòng hai mươi mốt ngày, nhưng pháp được nói ra trong hai mươi mốt ngày làm sao có thể dài như vậy? còn kinh Pháp Hoa được nói trong tám năm, trong khi đó kinh Niết Bàn chỉ nói trong một ngày một đêm, văn kinh cũng không dài như Kinh Hoa Nghiêm. Bởi vì kinh này do báo thân Phật – do Phật Lô Xá Na thuyết, cho nên nói rất nhanh và rất nhiều.

Thời Hoa Nghiêm, trong hóa pháp chính là thuộc về Viên Giáo đồng thời kiêm luôn cả Biệt giáo; trong hóa nghi lại thuộc Đốn giáo. Cho nên thời Hoa Nghiêm thuộc về Đốn giáo lại kiêm cả Tiệm giáo.

Thời A Hàm: thời thứ hai thuyết A Hàm. Giáo pháp của Kinh, Luật, Luận mà Phật đã nói trong thời gian này thuộc Tam tạng giáo, cho nên thời A Hàm gọi là Tạng giáo. Những giáo pháp Phật thuyết vào thời này gọi là Tiểu Thừa có pháp Tứ Đế và Mười Hai Nhân Duyên.

Tứ Đế là nói về Khổ Tập Diệt Đạo. Nói đến “Tứ Đế”, khoảng mấy năm trước cũng tại Mỹ này, tôi gặp một học giả nghiên cứu Phật Pháp, ông đã nghiên cứu hơn mười năm, một lần nọ ông hỏi: “Có Tứ Đế không? Tứ Đế có thật không?”. Quý vị thử nghĩ, một người nghiên cứu Phật Pháp mười mấy năm mà ngay cả Tứ Đế còn không nhận biết, quả thật là đáng thương! Hơn nữa anh ta là một Tiến sĩ! Nếu như một người bình thường thì chẳng có vấn đề gì, đằng này ông ta là một Tiến sĩ mà ngay cả Tứ Đế còn không hiểu, vậy mà còn nói mình nghiên cứu Phật Pháp mười mấy năm.

Thập Nhị Nhân Duyên: chính là “vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử.”

Thời Phương Đẳng: Thời kỳ thứ ba nói về Phương Đẳng, đây chính là thời hàng Nhị thừa mới hướng về môn đầu tiên của Đại thừa, cho nên thời Phương Đẳng thuộc về Thông Giáo. Sao gọi là Thông Giáo? Vì nó thông trước và thông cả sau, thông đến thời A Hàm phía trước và thông cả thời Bát Nhã phía sau. Cho nên thời Phương Đẳng thuộc về Thông giáo.

Thời Bát Nhã: Thời kỳ thứ tư nói về Bát Nhã. Thời Bát Nhã này thuộc về giáo nào? Bát nhã thuộc về Biệt giáo, vì nó riêng với trước khác với sau, nó có một sự phân biệt với thời A Hàm và Phương Đẳng ở trước, và có sự riêng biệt với thời Pháp Hoa Niết Bàn phía sau; cũng chính là khác biệt với Tạng giáo và Thông giáo ở trước và khác với thời Viên giáo ở sau, cho nên gọi là Biệt.

Thời Pháp Hoa Niết Bàn: Thời kỳ thứ năm nói về Pháp Hoa và Niết Bàn, thời kỳ này gọi là “thuần viên độc diệu”, là thuần túy Viên giáo không hề xen lẫn Tạng giáo, Thông giáo. Biệt giáo, thời này chuyên độ hàng Đại thừa, vì căn tánh Đại thừa mà nói pháp. Trên đây đã thuyết minh sơ lược về năm thừa.

Trong tám giáo mà tông Thiên Thai đã chia ra, Tạng, Thông, Biệt, Viên là Tứ giáo Hóa Pháp; còn Đốn, Tiệm, Bí Mật, Bất Định là tứ giáo Hóa Nghi, hợp lại thành tám.

Tạng: Thời A Hàm thuộc về Tạng giáo, chính là Tam tạng giáo, nói về giáo lý của hàng Tiểu thừa.

Thông: Thời Phương Đẳng thuộc về Thông giáo.

Biệt: Thời Bát Nhã thuộc về Biệt giáo.

Viên: Thời Hoa Nghiêm thuộc về Viên giáo, nhưng kiêm cả Biệt giáo; mà thời Pháp Hoa thì thuần Viên giáo.

Đốn: chính là đạt được rất nhanh, trong nháy mắt liền được khai ngộ, đây gọi là Đốn giáo.

Tiệm: Nghĩa là dần dần được khai ngộ, từng bước từng bước tu hành, khai ngộ từng tí từng tí.

Bí Mật: Những giáo pháp bí mật mà Phật nói ra chính là những thần chú, tất cả chú này đều thuộc Bí Mật. Bí Mật nghĩa là” Nói cho người kia thì người này không biết, nói cho người này thì người kia không biết”, hai bên không biết lẫn nhau, đây gọi là Bí Mật giáo.

Bất Định: Chính là nói: pháp không có pháp cố định, có câu “Pháp còn phải xả, huống gì phi pháp?” không có cố định nên gọi là Bất Định.

Tám cách phán giáo này cũng chính là “Ba tạng mười hai bộ” của đức Phật Thích Ca nói.

Bao la như sóng cả nơi biển giáo (Nhi giáo hải chi ba lang hạo hãn), tất cả kinh tạng nhiều như sóng biển cả, cho nên gọi là giáo hải. Ba lang, ba là làn sóng, lang là sóng lớn; những làn sóng lớn nơi biển gọi là ba lang. Hạo hãn nghĩa là lớn đến nỗi không nhìn thấy bờ mé.

 

 

C2. Các giáo soi nhau mà luận bổn mạt (Chư Giáo Tương Vọng Luận Bổn Mạt).

 

Nhược nãi thiên môn tiệm chú, dữ chúng điển vi hồng nguyên; vạn đức giao quy, nhiếp quần kinh vi quyến thuộc.

Giả như nghìn môn ngầm chảy thì cùng làm nguồn lớn với chúng điển. Vạn đức đều quay về nhiếp quần kinh làm quyến thuộc.

 

Nhược nãi thiên môn tiềm chú: Nhược nãi nghĩa là nương cái trên để mở ra cái dưới, cũng là một lời chuyển ngữ. Thiên môn nghĩa là biểu thị rất nhiều môn, hoàn toàn không phải nhất định là ngàn môn, cũng không nhất định là chín trăm chín, hoặc một ngàn mốt cũng không chừng, nói chung là ngàn môn.

Tiềm chú, tiềm nghĩa là người ta nhìn mà không thấy, nhưng có thể nó chảy vào một nơi nào đó, cũng giống như biển cả, tất cả nước của những sông ngòi, ao hồ, đều chảy vào biển cả. Có khi quý vị nhìn thấy nó chảy vào biển cả có khi quý vị không nhìn thấy nó chảy thì nó vẫn cứ ngày đêm tuôn chảy. Có khi nó chảy ra biển từ trên mặt đất, có khi nó chảy bằng những mạch ngầm dưới lòng đất, nhưng quý vị không nhìn thấy. Cũng có thể nói, nước trong biển cả chảy khắp mặt đất; cũng vậy trên mặt đất, bất kỳ nơi nào hễ quý vị đào đất lên đều thấy nước ngấm ra. “Tiềm chú” ở đây chính là nói trên đất luôn có nước ngầm chảy ra, cho nên quý vị đào đất lên nó mới có nước. Cũng như trên thân chúng ta có máu vậy, khi thân thể không bị sước da thì máu không chảy ra được, nhưng nếu quý vị cào ra hoặc cứa ra thì máu liền rướm ra, vì máu nó ngầm chảy trong thân người.

Giống như một cây kim chích, mình chích vào mạch máu trên thân người bằng một ống kim chứa thuốc, đó cũng gọi là ngầm chảy; cho nên tên gọi của tiếng Hoa là Chú Xạ Dược Châm. Chú xạ, chú nghĩa là nước chảy vào một nơi nào đó; Xạ nghĩa là tiêm cho nó chảy vào vậy, tiêm chích thuốc gọi là chú xạ dược châm.

“Thiên môn tiềm chú”, nghĩa là trong giáo pháp Phật, bất luận là năm thời tám giáo, Đại thừa hay Tiểu thừa, những giáo nghĩa và giáo lý này giống như nước chảy về biển cả vậy, cho nên nói “cùng chúng điển làm nguồn lớn” (dữ chúng điển vi hồng nguyên).

Dữ chúng điển vi hồng nguyên: Chúng điển là chỉ cho tất cả kinh điển trong Ba tạng Mười hai bộ. Tôi đã giảng về mười hai bộ nhiều lần rồi, bây giờ chỉ đọc sơ qua cũng được.

Trường hàng trùng tụng và thọ ký

Cô khởi vô vấn cùng tự thuyết

Nhân duyên thí dụ với bổn sự

Bổn sanh phương quảng vị tằng hữu

Luận nghị cọng thành mười hai bộ

Quảng nhập đại luận ba mươi ba.

Bài kệ tụng trên đây thuộc về mười hai bộ (hay mười hai phần giáo) nếu muốn biết rõ có thể hỏi thăm các vị cao tăng đang hiện diện. Nếu các Ngài nhớ thì sẽ giảng cho quý vị nghe; còn nếu không nhớ thì các ngài phải tra cứu. Như vậy, quý vị sẽ được lợi ích, các ngài cũng được lợi ích. Vì các Ngài quên rồi lại nhớ ra được; quý vị không biết cũng sẽ được biết, cho nên đây là một pháp môn lợi mình lợi người. Hồng nguyên ở đây ý muốn nói kinh điển cũng nhiều như biển cả vậy.

Vạn đức giao quy: Phật là bậc đầy đủ vạn đức, không có đức nào mà không tròn đủ, không chướng nào mà không lặng dứt. (Như Lai tạng vốn tự tịch diệt). cho nên vạn đức này là tên chung của công đức. Giao quy nghĩa là cùng nhau quay về, quay về nơi nào? Quay về Kinh Hoa Nghiêm, đây gọi là “vạn đức giao quy”.

Nhiếp quần kinh vi quyến thuộc: Kinh Hoa Nghiêm là kinh vua trong tất cả kinh điển. Kinh Pháp Hoa là vua trong các kinh. Nhưng Kinh Hoa Nghiêm là vua trong hàng vua, cho nên mới nói “nhiếp các kinh làm quyến thuộc” (nhiếp quần kinh nhi quyến thuộc). Kinh Pháp Hoa chỉ có thể nhiếp kinh điển khác làm quyến thuộc, còn Kinh Hoa Nghiêm thì nhiếp cả kinh Pháp Hoa làm quyến thuộc. Cho nên nói “nhiếp quần kinh làm quyến thuộc”, làm một quyến thuộc với nó, làm bà con với nó, nhưng nó lại làm vua.

 

B6: Chỉ thú huyền vi (phân làm hai):

C1: Lý sự vô ngại.

C2: Sự sự vô ngại.

 

C1: Lý sự vô ngại (phân làm hai):

D1: Trình bày tam đại.

D2: Dung hợp chơn vọng.

 

 

D1: Trình bày tam đại.

 

Nay trình bày về tam đại.

Kỳ vi chỉ dã, minh chân thể ư vạn hóa chi vực, hiển đức tướng ư trùng huyền chi môn, dụng phồn hưng dĩ hằng như, trí chu lãm nhi thường tịnh.

Chỉ thú sâu mầu, vi tế của Kinh này: thầm khế hợp với chơn thể nơi vạn hóa, hiển đức tướng nơi cửa trùng huyền, dụng vô ngần mà luôn như như, trí tròn rạng mà hằng vắng lặng.

 

Kỳ vi chỉ dã: Đoạn văn này ý muốn nói đến sự mầu nhiệm của chỉ thú. Chỉ là tông chỉ; thú là thú hướng. Thú hướng của tông chỉ bộ kinh này rất huyền diệu và vi tế.

Minh chân thể ư vạn hóa chi vực: Minh là ngầm khế hợp, khế hợp với chân thể. Chân thể này cũng chính là bản thể. Vạn hóa nghĩa là một sự khởi đầu tạo ra thế gian này, đồng thời là tổng thể của tạo hóa, cho nên gọi là vạn hóa. Vực là cương giới, là địa phương cũng có thể gọi là “xứ” . Nếu quý vị không hiểu chữ “vực”, thì nên hiểu “vực” nghĩa là một nơi chốn.

“Minh chân thể” nghĩa là thầm khế hợp với bản thể; bản thể cũng chính là Pháp thân Phật. Pháp thân Phật là gì? Đó cũng được ví như Pháp tánh, Pháp tánh ấy được diễn tả như thế nào?

Pháp tánh như hư không

Chẳng nắm cũng chẳng thấy

Tánh không tức là Phật

Chẳng thể suy lường được.

(Pháp tánh như hư không,

Vô thủ diệc vô kiến;

Tánh không tức thị Phật,

Bất khả đắc tư lượng.)

 

“Pháp tánh như hư không”, Pháp tánh kia được ví như hư không. “Vô thủ” nghĩa là không có cách nào nắm bắt được. Quý vị không thể nói Pháp tánh đang ở chỗ kia tôi dời nó đến chỗ này, không cách nào dời được, vì quý vị không thể nắm giữ nó được. “Cũng chẳng thấy”, nghĩa là nhìn cũng chẳng thấy. Vì sao? Vì nó giống như hư không, quý vị làm sao có thể thấy được.

Có người nói “đem hư không cho tôi xem, tôi sẽ nhìn thấy hư không”. Quý vị không cầm nắm được! vì hư không kia vốn không có ngằn mé, quý vị không thể nhìn thấy nó là kiểu gì, hư không nghĩa là chẳng có gì cả. Đã không có gì thì làm sao quý vị nói nó là kiểu gì được, chính vì không có hình dáng nên quý vị không nhìn thấy nó được.

“Tánh không tức là Phật”, nếu quý vị có thể làm cho tánh thể của mình đạt đến không tịch thì gọi đó là Phật. “Không thể suy lường”, chính là cảnh giới không thể nghĩ bàn. Ở trước tôi đã giảng “Nếu người muốn biết cảnh giới Phật, phải tịnh ý mình như hư không”, giống như hư không vậy! Trong quý vị đây nếu ai được như hư không, thì người đó chính là Phật; còn nếu không được như hư không thì vẫn phải tu hành. Phật đã đạt được như hư không, nên nói “Khế hợp với chân thể nơi vạn hóa”. Tuy là hư không nhưng vẫn có Diệu Hữu, trong Chân Không có thể sanh Diệu Hữu, Diệu Hữu không ngại Chân Không, Hư Không không ngại Diệu Hữu, cho nên:

Hiển đức tướng ư trùng huyền chi môn: Hiển là hiển lộ ra. Đức tướng, là tướng của vạn đức, tướng công đức của Phật. Hiển tướng công đức của Phật nơi cửa trùng huyền. Trùng huyền chính là huyền diệu lại càng huyền diệu; chi môn, cũng chính là cửa chúng diệu. Cửa trùng huyền này chính là “huyền chi hựu huyền, chúng diệu chi môn” (huyền diệu lại càng huyền diệu, đồng thời là cửa của chúng diệu) mà Lão Tử đã nói. Ở nơi cửa trùng huyền, cửa này rất huyền diệu, đức tướng của Phật ở nơi cửa huyền diệu đều hiển lộ ra.

Nói đến đức tướng của Phật là không bao giờ hết. Có một bài kệ nói về nói về đức tướng của Phật như vầy.

“Tâm niệm hằng sa vẫn đếm biết

Nước trong biển cả cũng uống sạch

Hư không đếm được gió buộc được

Nhưng không nói hết công đức Phật”.

(Sát trần tâm niện khả sổ tri,

Đại hải trung thủy khả tận ẩm;

Hư không khả lượng phong khả trắc,

Vô năng tận thuyết Phật công đức.)

 

“Sát trần tâm niệm khả sổ tri”: Sát trần chính là số bụi trần trong các quốc độ nhiều như vi trần trong Pháp Giới, không biết là bao nhiêu. Tâm niệm nhiều như vi trần không có cách nào đếm được. Nhưng vẫn có thể đếm được và biết nó được bao nhiêu. “Đại hải trung thủy khả ẩm tận”, nước trong biển cả không có cách nào uống hết được, nhưng vẫn có thể uống cạn sạch hết, một ngụm này liền uống cạn cả ngũ hồ tứ hải. “Hư không khả lượng, phong khả trắc”, hư không đếm được gió buộc được, hư không vốn chẳng cách nào lường được, không cách nào đếm được, nhưng vẫn có thể đếm được số lượng đó là bao nhiêu. Ngọn gió quý vị dùng dây cũng không buộc được, nhưng quý vị vẫn buộc được.  Giả sử như quý vị có thần thông, quý vị có thể buộc gió lại được, có thể đếm được hư không, nước trong biển cả trong một ngụm có thể uống cạn sạch, nhưng “Vô năng tận thuyết Phật công đức”, không thể nói hết công đức Phật. Tâm niệm nhiều như vi trần trong vi trần số cõi nước đều có thể đếm rõ được, nhưng không cách gì nói hết công đức của Phật được!

Cho nên nói “Hiển đức tướng nơi cửa trùng huyền”. vì sao gọi là trùng huyền? Vì nó trùng trùng vô tận, vô tận trùng trùng.

Dụng phồn hưng dĩ hằng như: Công dụng của nó nhiều vô kể. Phồn cũng là nhiều; hưng là hưng khởi, ở đây nói “dụng phồn hưng” chính là nói công dụng rất nhiều. Dĩ hằng tức là luôn luôn. Chữ “như” ở đây cũng có nghĩa là “tịnh”, cũng có nghĩa là “bất động”.

Trí chu giám nhi thường tịch: Trí huệ trọn khắp để quán sát. Giám nghĩa là quán sát; thường tịch nghĩa là hằng tịch tĩnh.

 

D2. Dung hội chơn vọng.

 

Chơn vọng giao triệt, tức phàm tâm nhi kiến Phật tâm; sự lý song tu, y bổn trí nhi cầu Phật trí.

Chơn vọng giao xen lẫn nhau, nên ngay tâm phàm mà thấy được tâm Phật. Sự lý song tu nương bổn trí để cầu Phật trí.

 

Chơn vọng giao triệt: Thế nào là chơn? Thế nào là vọng? Vọng là từ chơn mà ra, chơn cũng từ vọng mà có. Cho nên chơn không lìa vọng, vọng cũng chẳng rời chơn, đây gọi là chơn vọng giao triệt. Nó giống cái gì? Nó giống như sóng và tánh ướt của nước vậy, sóng không lìa tánh ướt, nhưng tánh ướt này không phải là sóng. Tánh ướt và sóng ở đây được ví như chơn và vọng vậy. Vọng chính là sóng, trong tánh ước ấy sanh ra làn sóng, có sóng tức có vọng. Mà tánh ướt này chính là chơn, cho nên trong từng làn sóng ấy cũng luôn mang tánh ướt kia, nhưng bản thể của tánh ướt vốn không có sóng, chỉ thuần là tánh ướt, nó không nhất định có sóng, vì vậy mới mượn nó để thí dụ cho đạo lý chơn vọng giao nhau này, trong cái “chơn” vốn bao hàm cái “vọng”, trong cái “vọng” vốn bao hàm cái “chân”. Tuy là hai tên gọi khác nhau, nhưng thật ra nó chỉ một thể, vốn đều có tánh ướt. Trong bài “Chứng Đạo Ca của Đại sư Vĩnh Gia” có viết: “Không cầu chơn, không đoạn vọng, liễu tri hai pháp không vô tướng”. Tại sao lại không cầu chơn? Vì chơn cũng không có tướng. Tại sao không đoạn vọng? Vì vọng cũng không có tướng mạo. Nếu lúc quý vị mê thì đó là vọng; Nếu khi quý vị ngộ thì đó là chơn, cho nên nói chơn vọng giao triệt. Chơn và vọng vốn không rời nhau, cho nên mới nói:

Tức phàm tâm nhi kiến Phật tâm: Ở đây ý muốn nói ngay nơi tâm phàm phu này quý vị có thể thấy được tâm Phật. Song phàm phu có thể thành Phật, vậy Phật có thể trở lại làm phàm phu không? Không thể nói như vậy được. Vì nếu Phật trở lại làm phàm phu thì con người ta không cần làm Phật. Phật không làm phàm phu, đó chẳng qua là Phật hóa thân vậy thôi, bản thể của Phật vẫn như như bất động. Thế thì phàm phu có phải mãi mãi là phàm phu không? Không phải. Vì ngay nơi tâm của phàm phu có thể nhìn thấy tánh Phật. Vì vậy phải nói như thế này: “Phàm phu có thể thành Phật”. Chứ không được nói: “Phật trở lại làm phàm phu”.

“Tức phàm tâm nhi kiến Phật tâm”, ngay nơi cảnh giới này của phàm phu có thể thấy được cảnh giới Phật. Vì sao? Vì chân vọng giao triệt, không rời nhau. Nhưng chúng sanh làm sao có thể thành Phật được? Vì tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, không chỉ là con người mà bao hàm hết mọi loài. Có người nói: “Giảng lâu như vậy, rốt cuộc thế nào là chúng sanh? Chúng sanh, chúng sanh, giảng đi giảng lại mà tôi cũng không biết”. Bây giờ tôi nói cho quý vị rõ, chúng sanh, nói theo cách thông thường là những loài sanh bằng bào thai, bằng trứng, sanh ra từ nơi ẩm thấp, và loài hóa sanh, nên nói: “Thai thì do tình mà có” bào thai được thác chất do tình cảm của cha mẹ, vì những tình cảm kia mà sanh ra con cái.

“Loài có trứng do tưởng mà sanh” ý muốn nói loài sanh từ trứng là do tưởng mà có. Giống như con gà ấp trứng, nó ấp trên trứng và nghĩ rằng “gà trống con, gà mái con ơi! Hãy mau ra đây, hãy mau ra đây…” Nó nghĩ suốt ngày như vậy, nghĩ tới nghĩ lui, gà trống con gà mái con cũng không ra, gà mẹ cũng nằm im nơi đó. Vì nó muốn các con của nó phải ra, cho dù nơi đó nóng đến nỗi rụng cả lông nó vẫn không đi, thậm chí nó bất chấp tất cả, liều chết cũng phải ấp cho tới khi con nó ra đời, nó nghĩ nhất định phải ra, nhất định phải ra, nhanh lên! Nó nghĩ như vậy, nghĩ tới nghĩ lui. A! quả nhiên tâm tưởng sự thành, những chú gà con này cũng khẻ vỏ chui ra! Khi những đứa con mình chui ra khỏi vỏ, gà mẹ mừng vô kể. Quý vị xem, đây chính là vì tưởng mà tưởng ra! Trước đây gà mẹ đẻ trứng, cũng muốn sanh ra gà trống gà mái, cho nên ấp lại để trứng nở ra!

Khi gà mẹ ấp trứng không hề nghĩ tưởng lung tung, nó chỉ tập trung ý chí vào ổ trứng, nó chỉ nghĩ thế này: “Nhanh lên! Nhanh lên! Đợi một ngày nữa là được”. Thế thì ngày thứ hai ư, vẫn cứ đợi hoài, đợi mãi, đợi đến hai mươi mốt ngày, hoặc hai mươi tám ngày, thì trứng nứt gà con sẽ chui ra.

“Thấp dĩ hợp cảm” Thấp sanh chính là những chỗ ẩm ướt tạo cơ hội cho loài trùng sanh nở, như chỗ ẩm ướt hòa lẫn với đất bùn thì nơi đó có vẻ dơ dáy hôi hám, vi trùng sẽ nảy sinh ở nơi đó. Quý vị nói nó khô sạch, cũng không phải khô sạch. Quý vị nói nó dơ dáy, nhưng nó không sinh côn trùng. Bấy giờ nó vẫn không sinh, nhưng đợi không biết bao lâu, chỗ này đất nước trộn nhau, gặp dịp ánh sáng của mặt trời chiếu vào, thì bấy giờ chính là lúc nó được dịp! hoặc sinh côn trùng hay loài ruồi muỗi.

“Hóa dĩ ly ứng” giống như loài bướm là nó được sanh ra từ kén.

Nếu giảng mười hai loại sanh, ngoài noãn sanh, thấp sanh, thai sanh, hóa sanh, còn kể đến loài có sắc, chính là có hình sắc để nhìn thấy được; loài vô sắc chính là những loài không có hình sắc để thấy; loài có tưởng, nghĩa là những chúng sanh có tưởng, loài vô tưởng, tức chúng sanh không có tưởng, lại có những chúng sanh chẳng có sắc, chẳng phải không sắc, chẳng có tưởng, chẳng phải không tưởng. Có nhiều loài chúng sanh như vậy, nếu quý vị muốn biết rõ, thì có thể nghiên cứu Kinh Lăng Nghiêm. Vì trong kinh này nói rất rõ ràng.

Chúng sanh nghĩa là do chúng duyên hòa hợp mà sanh ra; rất nhiều nhân duyên trợ giúp cho nó sanh ra, cho nên gọi là chúng sanh. Chúng sanh có thể thành Phật, vì tất cả đều có Phật tánh; chính vì thế nên nói chơn vọng giao xen, ngay nơi phàm tâm mà thấy được tâm Phật”.

Lý sự song tu: Sự là sự tướng; là lý thể. Sự thì có tướng, còn lý thì vô hình. Tỷ như chúng ta thành Phật, thì chúng ta thành Phật gì? Chính là là thành tựu một cái lý. Chúng ta biết có một đạo lý đó, một lý lẽ đó, cho nên chúng ta muốn tu. Chúng ta muốn y chiếu theo lý đó để tu hành. Trong Kinh Hoa Nghiêm giảng về bốn Pháp Giới: Sự Pháp Giới, Lý Pháp Giới, Lý Sự Vô Ngại Pháp Giới, Sự Sự Vô Ngại Pháp Giới. Bây giờ nói về “sự lý song tu” – nghĩa là vừa tu sự tướng vừa tu lý thể; sự cũng không ngại lý, lý cũng không ngại sự.

Y bổn trí nhi cầu Phật trí: Bổn trí là trí huệ mà mỗi người chúng ta ai cũng sẳn có. Y theo trí huệ sẳn có này để cầu được trí huệ thành Phật. Trí huệ thành Phật cũng chính là chứng được trí huệ bản lai của chúng ta. Mỗi người chúng ta ai cũng có bản trí, cho nên ai cũng có thể khai mở trí huệ Phật, nếu không có trí huệ căn bản này thì cũng không thể thành Phật được. Đây không phải chỉ con người mới có mà tất cả chúng sanh đều sẳn đủ. Cho nên mới nói Lý sự song tu, nương bổn trí để cầu Phật trí.

Chúng ta nghiên cứu mà cho đến thấu rõ Kinh Hoa Nghiêm, thì chính là “ngay nơi tâm phàm mà thấy được tâm Phật”. Quý vị lại có thể tu hành y theo phương pháp của Kinh Hoa Nghiêm dạy, thì chính là “nương theo bổn trí để cầu Phật trí”, đạt được trí huệ Phật. Quý vị không đọc Kinh Hoa Nghiêm, không biết được sự tôn quý thật sự của Phật; Kinh Hoa Nghiêm chính là kho báu lớn nhất của Phật, mọi thứ trân bảo đều nằm trong đó! Cho nên người nghe Kinh Hoa Nghiêm thì sẽ biết được chỗ mầu nhiệm của Phật Pháp.

Nếu từ lúc mới bắt đầu tới giờ tôi giảng bao nhiêu, quý vị học thuộc bấy nhiêu thì có lẽ tới bây giờ sẽ được nhiều lắm. Nhưng từ lúc bắt đầu tới giờ quý vị không làm như vậy thì tới nay có lẽ đã quên hết, thậm chí nếu muốn học lại cũng cảm thấy rất nhiều. Nhưng người có chí thì sẽ thành công, nếu như quý vị có lòng thì chắc cũng còn kịp. Đợi đến chủ nhật đọc thuộc lòng cho tôi nghe thử, tôi xem ai có thể đọc được. Nếu không ai thuộc được cũng không sao; còn như ai cũng đọc thuộc vậy là tốt quá, tôi sẽ rất vui. Giả như mọi người đều không đọc thuộc tôi cũng chẳng có gì phải buồn. Vì tôi luôn có một câu như vầy: Everything is OK!, cho nên nếu có một cái gì đó không vui thì chính là không OK rồi.


 

[1] Bát bát lục thập tứ quái: Sáu mươi bốn quẻ của Phục Hy.

Bát-quái: 8 quẻ–Càn (tượng là trời), Khôn (tượng là đất), Ly, Khảm, Chấn, Tốn, Cấn, Đoài.

Thái-cực (Vũ trụ) sanh Lưỡng-nghi (nhất Âm, nhất Dương). Lưỡng-nghi sanh Tứ-tượng (Thái-dương, Thiếu-âm, Thiếu-dương, Thái–âm). Tứ-tượng sanh Bát-quái (8 quẻ). Bát-quái gia gấp thành thập lục (16). Thập lục gia gấp thành tam thập nhị (32). Tam thập nhị gia gấp thành lục thập tứ (64).

(Chu Dịch, Sào Nam Phan Bội Châu)

2 Đây có nghĩa là cái sự làm không cái “không tướng” đã rốt ráo, viên mãn bởi vì cái dấu vết của sự làm không đi cái “không có tướng” cũng đã đoạn tuyệt hay tuyệt tích.

3 Ý đây muốn nói là cái việc làm không đi cái “tướng”, rồi làm không đi cái “không tướng” cho đến cái làm không đi cái “không tướng” đó cũng không nữa, tức là hoàn toàn “vô tướng”, thì không có can hệ gì đến “tướng”, mà là do mình có chấp hay không chấp, ngay cả cái không chấp cũng không nữa (tuyệt tích). Đó chính là ngay nơi tướng mà ly tướng (bởi vì nó không liên gì đến tướng).