Chinese | Vietnamese
Kinh Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Thiển ThíchQuyển Trung Phẩm Thứ Sáu NHƯ LAI TÁN THÁN Tuyên Hóa Thượng Nhân giảng thuật |
- Phần Duyên Khởi
- Phẩm Thứ Nhất – Thần Thông Trên Cung Trời Ðao Lợi: 1, 2, 3..
- Phẩm Thứ Hai -Phân Thân Tập Hội
- Phẩm Thứ Ba – Quán Chúng Sanh Nghiệp Duyên
- Phẩm Thứ Tư: Nghiệp Cảm Của Chúng Sanh Ở Cõi Diêm Phù
- Phẩm Thứ Năm: Danh Hiệu Của Ðịa Ngục
- Phẩm Thứ Sáu: Như Lai Tán Thán
- Phẩm Thứ Bảy: Lợi Ích Cho Cả Kẻ Còn Người Mất
- Phẩm Thứ Tám: Các Vua Diêm La và Quyến Thuộc Khen Ngợi
- Phẩm Thứ Chín: Xưng Danh Hiệu Chư Phật
- Phẩm Thứ Mười: Nhân Duyên và So sánh Công Đức Bố Thí
- Phẩm Thứ Mười Một: Địa Thần Hộ Pháp
- Phẩm Thứ Mười Hai: Thấy, Nghe Đều Được Lợi Ích
- Phẩm Thứ Mười Ba: Giao Phó Cho Trời Người
- Phần Phụ Lục
Ðây là phẩm “Như Lai Tán Thán,” phẩm thứ sáu. “Như Lai” tức là Ðức Phật, lúc trước tôi đã giảng nhiều lần rồi. “Tán thán” tức là xưng dương tán thán—tấm tắc khen ngợi. Kinh Ðịa Tạng có tổng cộng mười ba phẩm, bây giờ giảng đến phẩm thứ sáu, như vậy là còn bảy phẩm nữa.
Kinh văn:
Lúc đó, toàn thân của Ðức Thế Tôn phóng ra ánh sáng lớn soi khắp trăm ngàn muôn ức thế giới nhiều như cát sông Hằng của chư Phật, lại phát ra âm thanh lớn bảo khắp các thế giới của chư Phật rằng:
“Tất cả hàng Bồ Tát Ma Ha Tát cùng Trời, Rồng, Quỷ, Thần, nhân, phi nhân, v. v… hãy lắng nghe hôm nay Ta xưng dương tán thán Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát về việc ở trong mười phương thế giới, hiện sức từ bi oai thần to lớn không thể nghĩ bàn, để cứu giúp tất cả những kẻ tội khổ.
Sau khi Ta diệt độ, thì hàng Bồ Tát Ðại Sĩ các Ông, cùng với Trời, Rồng, Quỷ, Thần v. v… nên dùng nhiều phương tiện để gìn giữ Kinh này, khiến tất cả chúng sanh đều chứng được cảnh vui Niết Bàn.”
Nói lời ấy xong, trong Pháp Hội có một vị Bồ Tát tên là Phổ Quảng cung kính chắp tay bạch cùng Ðức Phật rằng: “Nay con nghe Ðức Thế Tôn tán thán Ðịa Tạng Bồ Tát có đức oai thần rộng lớn bất khả tư nghì như thế, con trông mong Ðức Thế Tôn lại vì những chúng sanh trong thời Mạt Pháp ở đời sau, mà tuyên thuyết các sự nhân quả của Ðịa Tạng Bồ Tát làm lợi ích cho hàng Trời, Người; hầu làm cho Thiên Long Bát Bộ và chúng sanh trong đời sau thảy đều kính vâng lời của Ðức Phật.”
Lược giảng:
Lúc đó, toàn thân của Ðức Thế Tôn phóng ra ánh sáng lớn. Sự kiện toàn thân Phật đều phóng hào quang rực rỡ như thế, đủ cho chúng ta thấy bộ Kinh Ðịa Tạng này quan trọng đến dường nào!
Bấy giờ, hào quang sáng chói tỏa ra từ thân của Ðức Phật soi khắp trăm ngàn muôn ức thế giới nhiều như cát sông Hằng của chư Phật, lại phát ra âm thanh lớn …” Rồi Ðức Phật lại phát ra âm thanh nghe lớn như tiếng hống của sư tử, và rền vang như tiếng sấm. Âm thanh của Phật vẳng đến tai người nào thì người đó liền sanh tâm hoan hỷ, khởi lòng cung kính.
Thường thì người thuyết giảng kinh sách, nếu có giọng nói khàn đục, không rõ ràng, thì chỉ khiến cho người nghe cảm thấy tẻ nhạt, buồn ngủ, không hăng hái theo dõi buổi giảng; còn giọng nói nếu sang sảng, rõ và trong như tiếng chuông đồng, thì thính chúng dù buồn ngủ cách mấy cũng phải giật mình tỉnh táo, thích thú lắng nghe! Âm thanh của Phật thì khiến mọi người vừa thích nghe, lại vừa hết buồn ngủ, càng nghe càng tỉnh táo, nghe hết câu này liền muốn nghe tiếp câu kế, giống như được thưởng thức một món ăn ngon, không đành lòng bỏ sót vậy.
Ðức Phật phát ra âm thanh tuy lớn, nhưng không phải là la hét chói tai như loài người chúng ta, cũng không ồ ề khó nghe như tiếng thanh la bể! Âm thanh của Phật vốn sang sảng, vang rền, khiến cho người nào được nghe lọt vào tai thì liền nhập “nghe Pháp Tam Muội.” Tiếc thay, chúng ta không được sanh vào thời Ðức Phật còn tại thế để được lắng nghe âm thanh của Ngài! Thật là đáng tiếc biết bao!
Vậy, lúc bấy giờ, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni phát ra âm thanh bảo khắp các thế giới của chư Phật rằng: “Tất cả hàng Bồ Tát Ma Ha Tát cùng Trời, Rồng, Quỷ, Thần, nhân, phi nhân, v. v… hãy lắng nghe hôm nay Ta xưng dương tán thán Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát về việc ở trong mười phương thế giới, hiện sức từ bi oai thần to lớn không thể nghĩ bàn, để cứu giúp tất cả những kẻ tội khổ.”
Tại sao Ðức Phật khen ngợi Ðịa Tạng Bồ Tát? Bởi lòng từ bi của Ðịa Tạng Bồ Tát thì không thể nghĩ bàn, trí huệ của Ngài không thể nghĩ bàn, và oai thần của Ngài cũng không thể nghĩ bàn; cho nên thần thông diệu dụng của Ngài toàn là thứ cảnh giới không thể nghĩ bàn. Ngài Ðịa Tạng phát đại nguyện chuyên cứu độ những chúng sanh phạm tội, bởi Ngài nhận thấy rằng những kẻ chưa phạm tội thì chưa đến nỗi khổ sở lắm, còn những kẻ đã phạm tội thì quá sức khổ sở, khổ khổ chồng chất!
Ðức Phật lại căn dặn: “Sau khi Ta diệt độ, đợi đến sau khi Ta đã nhập Niết Bàn rồi, thì hàng Bồ Tát Ðại Sĩ các Ông, cùng với Trời, Rồng, Quỷ, Thần v. v… nên dùng nhiều phương tiện để gìn giữ Kinh này. Tất cả các vị hãy tận lực rộng làm nhiều phương tiện để bảo vệ Kinh Ðịa Tạng, khiến tất cả chúng sanh đều chứng được cảnh vui Niết Bàn, đạt được cảnh giới Thường Lạc Ngã Tịnh.”
Quý vị xem, bây giờ chúng ta giảng Kinh Ðịa Tạng thì cũng có Thiên Long Bát Bộ và chư Ðại Bồ Tát đến đây để bảo hộ vậy!
Sau khi Ðức Phật nói lời ấy xong, trong Pháp Hội có một vị Bồ Tát tên là Phổ Quảng, vị Bồ Tát đem lại sự lợi ích rộng khắp cho hết thảy chúng sanh, cung kính chắp tay bạch cùng Ðức Phật rằng: “Nay con nghe Ðức Thế Tôn tán thán Ðịa Tạng Bồ Tát có đức oai thần rộng lớn bất khả tư nghì như thế, đức hạnh lớn lao như thế, con trông mong Ðức Thế Tôn lại vì những chúng sanh trong thời Mạt Pháp ở đời sau, mà tuyên thuyết các sự nhân quả của Ðịa Tạng Bồ Tát làm lợi ích cho hàng Trời, Người; hầu làm cho Thiên Long Bát Bộ và chúng sanh đời sau thảy đều kính vâng lời của Ðức Phật, thảy đều y giáo phụng hành.”
Kinh văn:
Lúc bấy giờ, Ðức Thế Tôn bảo Bồ Tát Phổ Quảng cùng tứ chúng rằng: “Lắng nghe! Lắng nghe! Ta sẽ vì các Ông mà lược nói về những sự phước đức của Ðịa Tạng Bồ Tát làm lợi ích cho hàng Trời, Người.”
Lược giảng:
Lúc bấy giờ, Ðức Thế Tôn bảo Bồ Tát Phổ Quảng cùng tứ chúng—Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, bao gồm cả Thiên Long Bát Bộ, rằng: “Lắng nghe! Lắng nghe! Tất cả các Ông hãy chăm chú lắng nghe cho kỹ. Ta sẽ vì các Ông mà lược nói về những sự phước đức của Ðịa Tạng Bồ Tát làm lợi ích cho hàng Trời, Người.”
“Phước đức” là gì? Trong Kinh Thư, ở thiên “Hoằng Phạm” có giảng về chữ “phúc” và phân ra năm loại (Ngũ Phúc) là phúc thọ, phú quý, khang ninh, tu hiếu đức, và khảo chung mạng.
1) Phúc thọ (phước sống lâu). Loại phước thứ nhất là “phúc thọ,” nghĩa là “có phước, có thọ”—một người vừa được phước lại vừa được thọ nữa. Thế nào gọi là “phước”? “Phước” tức là hết thảy đều rất tự nhiên, tự tại. “Thọ” là thọ mạng, tuổi thọ.
Người Trung Hoa thường dùng chữ “thọ” này theo nghĩa “trường thọ” (sống lâu). “Thọ” thì vốn có “trường thọ” và “đoản thọ” (sống ngắn ngủi); song nếu chỉ nói “thọ” mà thôi thì được hiểu là “trường thọ,” chứ không phải là “đoản thọ”; vì thế ở đây dùng chữ “phúc thọ.”
Có câu: ” Phước Lộc Thọ ba sao chiếu quanh” (Phúc, Lộc, Thọ tam tinh củng chiếu). “Tam tinh” có nghĩa là ba ngôi sao—Phúc tinh (sao Phước), Lộc tinh (sao Lộc) và Thọ tinh (sao Thọ). “Phúc” là sự tốt lành may mắn rất tự nhiên tự tại của riêng mình. “Lộc” là bổng lộc, lợi tức. Nếu quý vị làm việc cho chính phủ, thì tiền lương quý vị lãnh được hằng tháng gọi là “bổng lộc” vậy. “Thọ” là thọ mạng, sự sống lâu.
Theo người Trung Hoa, Thọ Tinh Công là một ông tiên quắc thước, trán cao, không có tóc, chỉ có chòm râu dài bạc trắng như cước, và còn được gọi là Nam Cực Tử. Tương truyền, Nam Cực Tử chính là Nam Cực Tiên Ông của Ðạo Giáo, trong đầu có ba quyển “thiên thư” (sách của trời) là quyển thượng, quyển trung và quyển hạ. Bởi có được “thiên thư” nên việc gì Tiên Ông cũng biết rõ cả.
2) Giàu Sang (Phú quý). Loại phước thứ hai là “phú quý,” tức là vừa giàu có lại vừa sang trọng, tôn quý.
3) Khỏe mạnh bình yên (Khang ninh). Loại phước thứ ba là “khang ninh,” tức là thân thể vừa khỏe mạnh lại vừa yên ổn.
4) Thích làm điều lành (Tu hiếu đức). Loại phước thứ tư là “tu hiếu đức,” tức là thích làm việc tốt, thích hướng theo phương diện đạo đức mà xử sự.
5) Chết an lành (Khảo chung mạng). Loại phước thứ năm là sống đến già (chết già, không do tai nạn).
“Ðức” cũng có năm loại (Ngũ Ðức) là ôn, lương, cung, kiệm, nhượng. Có người nào hội đủ được năm đức hạnh này chăng? Ðó chính là Ðức Khổng Tử!
1) Ôn hòa( Ôn). “Ôn” tức là ôn hòa, không nóng không lạnh, ấm áp vừa chừng. Nếu quý vị suốt ngày cứ như Quan Ðế Công, chẳng nói chẳng cười, thì là người quá lạnh lùng, lãnh đạm; còn nếu suốt ngày cứ cười đùa hi hi ha ha, thì lại thành ra quá nhiệt tình, quá niềm nở. Ðức Khổng Phu Tử thì ôn hòa, mẫu mực—đáng cười mới cười, đáng nói mới nói; không đáng cười thì không cười, không đáng nói thì không nói.
2) Lương thiện (Lương). Loại đức hạnh thứ hai là “lương thiện,” nghĩa là có lương tâm, lòng dạ hiền lành, tốt bụng.
3) Cung kính (Cung). “Cung” tức là đối với bất cứ ai chúng ta cũng cung kính lễ độ, không có thói khinh người.
4) Tiết kiệm (Kiệm). “Kiệm” tức là “kiệm phác”; có nghĩa là tiết kiệm, không làm hư hại, không lãng phí của cải vật chất. Thí dụ về vấn đề ăn uống, đáng lẽ phải ăn năm chén cơm mới thật no, nhưng bây giờ mình chỉ ăn ba chén mà thôi, bớt đi hai chén để dành cho những người đói kém hơn; như thế là tự kiềm chế để tiết kiệm cho chính mình. Có câu:
Cho mình thì nên cần kiệm
Đãi khách thì cần rộng rãi.
(Tự phụng tất tu giản ước,
Yến khách thiết kỵ lưu liên.)
Ðối với riêng bản thân mình thì phải cần kiệm, đơn giản, bớt ăn bớt tiêu; những sự chi dụng về đồ ăn thức uống, áo quần giày dép, nơi ăn chốn ở…, thảy đều không nên cầu kỳ, xa xỉ, bày vẽ thái quá. Cho nên, chữ “kiệm” (cần kiệm) này vô cùng quan trọng.
5) Nhường nhịn (Nhượng). Ðây là loại đức hạnh thứ năm. “Nhượng” tức là khiêm nhường, nhường nhịn—đối với bất cứ việc gì chúng ta cũng không tranh giành để được ưu tiên, chẳng e sợ về sau mình bị thiệt thòi. “Nhượng” cũng là nhường cho người khác được “đệ nhất”—cái gì tốt thì để cho người ta được trước, còn cái gì không tốt thì chính mình lãnh lấy, đó gọi là “nhượng.” Chúng ta cần phải học tánh khiêm nhượng, nhường nhịn một cách lễ phép, lịch sự.
Vừa rồi là nói sơ lược về Ngũ Ðức. Bây giờ tôi kể cho quý vị nghe một câu chuyện có liên quan đến đức tánh “nhượng” này; đó là “Dung tứ tuế, năng nhượng lê” (Dung lên bốn, biết nhường lê). Ở Trung Hoa, trước thời Tam Quốc, có một người tên là Khổng Dung giữ một chức quan rất lớn trong triều đình. Thuở ấu thời, lúc Khổng Dung mới được bốn tuổi, có người khách đến nhà biếu một giỏ lê. Người lớn trong nhà bèn bảo Khổng Dung tự chọn lấy cho mình một quả, quý vị thử đoán xem cậu bé bốn tuổi này chọn quả như thế nào? Cậu bé chọn một quả nhỏ nhất trong giỏ!
Bấy giờ, người khách lấy làm lạ, bèn hỏi: “Sao cậu không lấy quả lớn mà lại lấy quả nhỏ thôi vậy?”
Khổng Dung đáp: “Thưa, vì cháu là nhỏ nhất nên ăn quả nhỏ; còn các anh cháu đều lớn hơn cháu, thì nên ăn quả lớn!” Về sau, Khổng Dung được làm quan chức tước rất lớn. Do vì Khổng Dung biết nhường nhịn, để dành quả lê lớn cho các anh, còn mình thì chịu ăn quả nhỏ, nên nói rằng “Dung lên bốn, biết nhường lê.”
Lại có một câu chuyện khác, gọi là “Hương lên chín, biết ủ chiếu” (Hương cửu linh, năng ôn tịch). Ở Trung Hoa, đời nhà Hán, có một người tên là Hoàng Hương, mới chín tuổi mà mỗi tối gần đến giờ đi ngủ là lên nằm trên giường của cha mẹ trước, để giường chiếu đều ủ hơi ấm hầu cha mẹ vào ngủ được ấm áp. Sau khi cha mẹ an giấc rồi, Hoàng Hương mới về giường mình nằm ngủ. Ðó gọi là “ôn tịch,” ủ cho giường chiếu ấm lên, và là một hành động phát xuất từ lòng hiếu thảo—trọn hiếu đạo cũng là một đức hạnh vô cùng cao quý.
Kinh văn:
Ngài Phổ Quảng bạch rằng: “Vâng! Bạch Ðức Thế Tôn! Chúng con vui mừng muốn được nghe.”
Ðức Phật bảo Bồ Tát Phổ Quảng: “Trong đời vị lai, như có thiện nam tử hay thiện nữ nhân nào nghe được danh hiệu của Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát, hoặc là chắp tay, hoặc là tán thán, hoặc là đảnh lễ, hoặc là luyến mộ, người đó sẽ qua khỏi tội khổ trong ba mươi kiếp.
Này Phổ Quảng! Như có thiện nam tử hay thiện nữ nhân nào, hoặc tô vẽ hình tượng, hoặc dùng đất, đá, keo, sơn, vàng, bạc, đồng, sắt, tạc tượng Bồ Tát này, rồi cứ một lần chiêm ngưỡng một lần đảnh lễ, thì người đó sẽ được sanh lên cõi trời Ba Mươi Ba một trăm lần, vĩnh viễn không phải đọa vào ác đạo.
Giả sử phước trời đã hết, phải sanh xuống nhân gian, cũng vẫn làm vị Quốc Vương, không hề mất sự lợi lớn.”
Lược giảng:
Ngài Phổ Quảng bạch với Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni rằng: “Vâng! Bạch Ðức Thế Tôn! Chúng con vui mừng muốn được nghe. Hiện tại chúng con đều sẵn sàng và hoan hỷ lắng nghe.“
Ðức Phật bảo Bồ Tát Phổ Quảng: “Trong đời vị lai, như có thiện nam tử hay thiện nữ nhân nào, kẻ nam hay người nữ nào có thọ Ngũ Giới và biết hành Thập Thiện, nghe được danh hiệu của Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát, hoặc là chắp tay, hoặc là tán thán…” Người đó có thể trầm trồ nói rằng: “Ồ! Bồ Tát Ðịa Tạng quả là một vị Ðại Bồ Tát. Ngài thật là từ bi, lại còn có thần thông diệu dụng nữa; thật là bất khả tư nghì!”
“Hoặc là đảnh lễ, hoặc là luyến mộ…” Có người trông thấy tượng của Bồ Tát Ðịa Tạng thì sanh lòng “luyến mộ”—không đành lòng bỏ đi, cứ đứng mãi ở đó mà lưu luyến ngắm nhìn tôn tượng, đến nỗi quên ăn quên uống, quên hết mọi chuyện. Ðây cũng giống như người đã say mê, ham thích một việc gì rồi, thì quên hết tất cả những việc khác vậy.
Như thế, nếu có người thiện nam hay tín nữ nào khi nghe được danh hiệu hoặc trông thấy hình tượng của Ðại Bồ Tát Ðịa Tạng, liền cung kính chắp tay, thành tâm khen ngợi, hướng về tôn tượng mà cúi lạy, quyến luyến không rời, thì “người đó sẽ qua khỏi tội khổ trong ba mươi kiếp. Tất cả nghiệp tội trong ba mươi kiếp của người đó đều được tiêu tan.“
“Này Phổ Quảng! Như có thiện nam tử hay thiện nữ nhân nào, hoặc tô vẽ hình tượng, hoặc dùng đất, đá, keo, sơn, vàng, bạc, đồng, sắt, tạc tượng Bồ Tát này…” Ðức Phật lại gọi Bồ Tát Phổ Quảng mà bảo rằng: “Giả sử có kẻ nam hay người nữ nào có thọ Ngũ Giới và hành Thập Thiện, có thể dùng bảy màu sắc để tô vẽ tượng Bồ Tát Ðịa Tạng, dùng đất sét để nặn tượng Bồ Tát Ðịa Tạng, khắc chạm tượng Bồ Tát Ðịa Tạng trên đá, dùng nhựa để đắp tượng Bồ Tát Ðịa Tạng, dùng sơn để tô vẽ tượng Bồ Tát Ðịa Tạng, dùng vàng bạc để tạo tượng Bồ Tát Ðịa Tạng, hoặc dùng đồng hay sắt để tạo tượng Bồ Tát Ðịa Tạng…; rồi cứ một lần chiêm ngưỡng, một lần đảnh lễ, thì người đó sẽ được sanh lên cõi trời Ba Mươi Ba—trời Ðao Lợi—một trăm lần, vĩnh viễn không phải đọa vào ác đạo. Nhờ công đức lễ bái Bồ Tát Ðịa Tạng mà người đó mãi mãi không bị đọa lạc vào đường ác.“
“Giả sử phước trời đã hết, phải sanh xuống nhân gian, cũng vẫn làm vị Quốc Vương, không hề mất sự lợi lớn.” Khi các thiện nam tín nữ ấy đã hưởng hết phước báo ở cõi trời của họ rồi và phải sanh trở lại về cõi người, thì họ sẽ được sanh làm vua làm chúa. Cho nên, những vị Quốc Vương trên thế gian hiện nay đều là những người trước kia đã từng cung kính lễ lạy Ðịa Tạng Vương Bồ Tát. Ngay cả những vị Tổng Thống cũng vậy, họ đều nhờ đã lễ bái Bồ Tát Ðịa Tạng mà có được đôi chút công đức, và họ cũng sẽ không bao giờ đánh mất sự lợi ích lớn lao nhất này.
Kinh văn:
“Giả sử có người nữ nào nhàm chán nữ thân, hết lòng cúng dường tượng vẽ của Bồ Tát Ðịa Tạng, cùng những tượng bằng đất, đá, keo, sơn, đồng, sắt, v.v…, ngày ngày như thế, không hề thối chuyển; lại thường đem hoa, hương, đồ ăn, thức uống, y phục, gấm lụa, tràng phan, tiền bạc, vật báu v.v… cúng dường; thì người thiện nữ đó sau khi mãn một báo thân nữ hiện tại, thời đến trăm ngàn muôn kiếp còn không sanh vào thế giới có người nữ, huống hồ là thọ lại nữ thân!
Trừ phi vì nguyện lực từ bi, muốn thọ nữ thân để độ thoát chúng sanh, còn thì nương nơi sức cúng dường Ngài Ðịa Tạng cùng sức công đức, trong trăm ngàn muôn kiếp chẳng còn phải thọ nữ thân nữa.”
Lược giảng:
“Giả sử có người nữ nào nhàm chán nữ thân…” Quý vị nữ giới đừng tưởng rằng làm thân nữ là một điều tốt đẹp mà vội sanh lòng tự mãn, bởi cái thân nữ này có rất nhiều sự phiền toái rắc rối.
Vì sao nói thân nữ có nhiều phiền toái? Quý vị chớ cho rằng tôi cố ý nói như thế để quý vị chán ghét thân nữ, rồi đòi xuất gia làm Tỳ Kheo hay Tỳ Kheo Ni! Thân thể của người nữ quả thật có rất nhiều phiền toái, cho nên cũng có nhiều người nữ không bằng lòng với cái thân mà họ đương có này.
Vì sao phải làm thân người nữ? Quý vị hãy nghiền ngẫm đạo lý này: Nếu hiện đời, quý vị mang nặng những tập khí như ganh ghét đố kỵ, chướng ngại, tham lam, ích kỷ, ưa lợi dụng, thích trau chuốt, thích làm duyên làm dáng, vân vân …, thì đời sau quý vị phải sanh làm người nữ. Thế nhưng, nếu quý vị cung kính chiêm lễ Ðịa Tạng Vương Bồ Tát, thì vấn đề sẽ được giải quyết—quý vị sẽ không phải làm thân nữ nữa; còn nếu không giải quyết được vấn đề này, tức là quý vị sẽ phải mang thân nữ, và như thế thì chẳng vui vẻ gì cả bởi thân nữ thì có năm điều chướng ngại (Ngũ Chướng) và mười việc xấu (Thập Ác).
Năm sự chướng ngại của thân nữ là gồm có những gì? Ðó là:
1) Người nữ không thể làm Ðại Phạm Thiên Vương.
Tại sao người nữ lại không thể làm Ðại Phạm Thiên Vương? Bởi vì Ðại Phạm Thiên Vương vốn do tu hạnh thanh tịnh mà thành (“phạm” có nghĩa là thanh tịnh, trong sạch); trong khi đó, thân thể người nữ có nhiều nhiễm ô bất tịnh, không được sạch sẽ, cho nên không thể nào làm Ðại Phạm Thiên Vương được.
2) Người nữ không thể làm Ðế Thích (Thiên Chủ).
Thế thì quý vị sẽ thắc mắc rằng vị Thiên Chủ của cõi trời Tam Thập Tam không phải là người nữ sao? Ðúng vậy! Có điều, vị ấy đã chuyển thành thân nam; cho nên Thiên Chủ vẫn là nam, chứ không phải nữ. Ðế Thích thì rất ít dục niệm; còn người nữ thì lòng dâm dục nặng nề, cho nên không thể làm Thiên Chủ được.
3) Người nữ không thể làm Ma Vương.
Ðiều này là tốt nhất! Ma Vương vốn rất cang cường, lại vô cùng cứng rắn; còn người nữ thì quá yếu đuối, hễ có việc gì xảy ra là liền hoảng hốt, bối rối, mất tự chủ, phải cầu cứu người khác, cho nên không thể làm Ma Vương được.
4) Người nữ không thể làm Chuyển Luân Thánh Vương (Luân Vương).
“Luân Vương” tức là Kim Luân Thánh Vương, Ngân Luân Thánh Vương, Thiết Luân Thánh Vương và Ðồng Luân Thánh Vương.
Vì sao người nữ không thể làm Chuyển Luân Thánh Vương? Chuyển Luân Thánh Vương thì rất từ bi, rất nhân hậu, thường dạy người đời trì Ngũ Giới, hành Thập Thiện; còn người nữ thì tâm địa nhỏ nhen, lòng đố kỵ rất lớn, cái gì cũng so đo ganh tỵ cả, hễ thấy người khác được điều gì tốt đẹp là trong bụng mình liền bứt rứt xốn xang, sanh tâm ghen ghét. Bởi đố kỵ là bản tánh của người nữ, cho nên họ không thể làm Chuyển Luân Thánh Vương được.
5) Người nữ không thể làm Phật, không thể thành Phật.
Thân Phật thì có vạn đức trang nghiêm; còn thân người nữ thì lại quá nhiều nhơ uế, nhiều xấu ác, lại thường đố kỵ chướng ngại, tâm lượng hẹp hòi, tâm tướng nhỏ nhoi như hạt mè vậy, cho nên người nữ không thể thành Phật được.
Tuy rằng người nữ có năm sự chướng ngại như thế, nhưng nếu họ không còn lòng đố kỵ, không còn lòng dâm dục, không còn yếu đuối nhẹ dạ, không còn những nhơ uế xấu ác, không còn tâm nhiễm ô bất tịnh, thì họ có thể được chuyển nữ thành nam; cho nên, họ vẫn có hy vọng. Ðiển hình là trường hợp của Long Nữ, con gái của Long Vương. Khi nghe Tôn Giả Xá Lợi Phất nói cô ta không thể thành Phật, Long Nữ bèn lấy viên bảo châu mà cô yêu thích nhất, không đành lòng cho đi nhất, đem cúng dường cho Ðức Phật. Phật hoan hỷ thọ nhận sự cúng dường của cô ta.
Bấy giờ, Long Nữ hỏi Tôn Giả Xá Lợi Phất rằng: “Tôi có thể thành Phật ngay bây giờ. Ngài xem, tôi đem bảo châu cúng dường cho Ðức Phật và Phật đã đón nhận; chẳng hay việc đó có nhanh chóng chăng?”
Ngài Xá Lợi Phất đáp: “Thật rất nhanh chóng!”
Long Nữ bèn nói: “Bây giờ tôi thành Phật cũng nhanh chóng như thế, nhanh như tôi đem bảo châu dâng cúng cho Ðức Phật vậy!” Nói vừa dứt lời thì Long Nữ quả nhiên liền chứng đắc Phật thân, tức thời thành Phật.
Cho nên, quý vị nữ giới đừng than thân trách phận hoặc chán ghét cuộc đời, cũng đừng nghĩ là vì có Ngũ Chướng mà mình không còn hy vọng! Chỉ e rằng quý vị phát tâm không được dũng mãnh mà thôi, chứ nếu phát tâm một cách dũng mãnh thì ai nấy đều được thành Phật như nhau cả. Trường hợp “Long Nữ hiến châu, tức khắc thành Phật,” đó là nhờ cô ta dũng mãnh xả bỏ, đem hạt bảo châu là vật mà mình yêu quý nhất dâng cúng cho Ðức Phật, cho nên lập tức được thành Phật.
Về mười điều xấu (Thập Ác) của người nữ, bây giờ tôi chỉ nói sơ lược thôi, chứ không giảng giải cho cặn kẽ được, vì e rằng chúng ta không có đủ thì giờ.
-Ðiều xấu thứ nhất là ngay từ khi vừa lọt lòng, đứa con gái liền làm cho cha mẹ không vui rồi—bởi đó là con gái, nếu là con trai thì cha mẹ rất vui mừng. Tuy rằng không phải là cha mẹ nào cũng đều như thế cả, song có thể nói rằng hầu hết mọi quốc gia đều có một phong khí tương đồng—đó là thích sinh con trai, không thích sinh con gái. Vì thế, vừa mở mắt chào đời, đứa con gái đã gây cho cha mẹ một ấn tượng không vui rồi.
-Ðiều thứ hai là cha mẹ cảm thấy việc nuôi dưỡng con gái là không có ý nghĩa, không thấy vui.
-Thứ ba, con gái thường có tính rụt rè, nhút nhát, hay sợ sệt. Con trai thì không sợ xấu, trong khi đa số con gái đều sợ xấu, sợ người.
-Thứ tư, cha mẹ thường vì chuyện hôn nhân của con gái mà nhọc lòng lo lắng. Khác với người Mỹ là cha mẹ không bận tâm lắm về chuyện hôn nhân của con cái, tại nhiều quốc gia, như Trung Hoa chẳng hạn, lại có phong khí là cha mẹ đặc biệt quan tâm về việc cưới gả của con cái, nhất là việc tìm cho con gái mình một người chồng tốt.
-Thứ năm, con gái rồi sẽ sống xa cha mẹ. Trong tương lai, nhất định con gái sẽ rời bỏ cha mẹ.
-Thứ sáu, con gái sau khi kết hôn thì nể sợ chồng, thận trọng từng li từng tí đối với sự vui buồn của chồng—chồng vui vẻ thì vợ vui theo, chồng nổi nóng thì vợ khép nép sợ hãi.
-Thứ bảy, từ khi thai nghén cho đến lúc sinh nở còn rất nhiều khó khăn trắc trở, người con gái cảm thấy rất lo âu, sợ hãi.
-Thứ tám, khi người con gái phạm lỗi lầm thì mọi người đều trách móc cha mẹ cô ta, rằng họ đã sinh ra một đứa con gái hư hỏng. Cho nên, con gái nết na đức hạnh thì không nói làm gì; rủi mà ăn ở vụng về thì cha mẹ sẽ bị mang tiếng xấu.
-Thứ chín, người con gái thường bị chồng quản chế, không cho phép làm việc này việc nọ. Có rất nhiều phép tắc hạn chế mà người vợ phải tuân theo; bằng không, nếu không phục tòng thì sẽ bị chồng bỏ, buộc phải ly hôn.
Quý vị xem, thật là quá nhiều rắc rối phiền phức, có phải không? Trên đây là chín điều không tốt có thể xảy ra lúc người nữ còn trẻ.
-Thứ mười, người nữ đến khi già cả thì lại bị con cái, cháu chắt xem thường. Con trai, con gái, hoặc cháu nội cháu ngoại, nghĩ rằng: “Bà đã già yếu đến thế rồi mà vẫn chưa chịu chết!” Có câu: “Già mà chưa chết thì thành kẻ cắp”—ngay cả con cái cũng mắng mẹ nữa, quý vị xem có đáng thương không?
Cho nên, người nữ có rất nhiều sự phiền toái phức tạp. Trên đây là mười điều xấu (Thập Ác) của thân nữ; ngoài ra còn có hai mươi điều nữa, nếu kể ra nữa thì nhiều quá, nói không hết được.
Bây giờ chúng ta trở lại với phần kinh văn. Lúc đó, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni bảo Bồ Tát Phổ Quảng rằng: “Nếu có người nữ nào vì thấy thân nữ không thanh tịnh nên sanh lòng chán ghét, không thích cái thân đó nữa, thì phải làm thế nào? Thì người nữ đó phải hết lòng cúng dường tượng vẽ của Bồ Tát Ðịa Tạng, cùng những tượng bằng đất, đá, keo, sơn, đồng, sắt, hoặc là tượng bằng gỗ, v.v…, ngày ngày như thế, không hề thối chuyển. Nếu người nữ đó có thể mỗi ngày đều đặn cúng dường tôn tượng của Bồ Tát Ðịa Tạng như thế, lại thường đem hoa, hương, đồ ăn thức uống, y phục, gấm lụa, tràng phan, tiền bạc, vật báu v.v… cúng dường Ðịa Tạng Vương Bồ Tát, thì người thiện nữ đó sau khi mãn một báo thân nữ này, thời đến trăm ngàn muôn kiếp còn không sanh vào thế giới có người nữ, huống hồ là thọ lại nữ thân!” Sau khi báo thân nữ ở đời này hết rồi, thì cả trăm ngàn vạn kiếp về sau, người thiện nữ đó vĩnh viễn không còn sanh vào thế giới có người nữ nữa. Như vậy thì thế giới nào là thế giới không có người nữ? Chính là thế giới Tây Phương Cực Lạc!
Hiện tôi đã thỉnh tượng vẽ của Ðịa Tạng Vương Bồ Tát về đây, cũng là để giúp đỡ những người nữ, nếu có ai không muốn mang thân nữ nữa thì hãy thành tâm chiêm lễ, cúng dường tượng vẽ của Ngài.
“Trừ phi vì nguyện lực từ bi, muốn thọ thân nữ để độ thoát chúng sanh.” Tuy nhiên, có nhiều người mang thân nữ là do tự nguyện: “Tôi nguyện làm người nữ. Tôi muốn dùng thân nữ để giáo hóa, độ thoát chúng sanh!”
Trong số quý vị có thể có người đã từng phát nguyện, muốn dùng thân nữ để độ chúng sanh, cho nên hiện đời mặc dù không thích mang thân nữ, cũng vẫn sanh làm người nữ rồi. Ðiển hình là trường hợp của Phật Mẫu Ma-Da Phu Nhân. Phật Mẫu dùng Ðại Huyễn Tam Muội mà dạo chơi trong chốn nhân gian, Bà phát nguyện làm mẹ của tất cả đức Phật hạ sanh ở thế gian. Cho nên, một ngàn đức Phật xuất thế (Phật Thích Ca Mâu Ni là đức Phật thứ tư), thì Ma-Da Phu Nhân đều là mẫu thân của cả ngàn vị—đó là hạnh nguyện của Bà.
Lại như trường hợp của Bồ Tát Quán Thế Âm, Ngài vốn là “phi nam phi nữ”—chẳng phải thân nam cũng chẳng phải thân nữ. Tuy nhiên, vì biết rằng tất cả chúng sanh trên thế gian đều thích người nữ có dung mạo mỹ miều, Ngài bèn thị hiện làm một người nữ vô cùng xinh đẹp, đến thế giới Ta Bà để cứu độ chúng sanh.
Quý vị cũng nên học theo hạnh của Bồ Tát Quán Thế Âm, phải độ thoát chúng sanh, song phải cẩn thận, đừng để cho chúng sanh “độ” lại mình. Nói như vậy là thế nào? Nghĩa là quý vị có hảo ý muốn độ chúng sanh, muốn làm cho chúng sanh lìa khổ được vui, nhưng nếu không khéo thì quý vị chẳng những không độ nỗi chúng sanh mà bản thân mình cũng bị rơi vào bể khổ, bị cuốn theo dòng nước, không còn định lực nữa. Lại cũng có nghĩa là nếu quý vị cứ cắm đầu cắm cổ chạy theo ái tình, thì sẽ bị ái tình vây khốn mà trở thành mê muội. Bồ Tát Quán Thế Âm tuy hiện thân nữ, nhưng Ngài không bị mê đắm trong tình ái. Ngài chân chánh yêu thương, che chở chúng sanh, muốn cứu độ chúng sanh; Ngài có thể cứu độ được chúng sanh mà vẫn giữ cho chính mình không bị trầm luân trong biển khổ.
Cho nên, trừ khi là do nguyện lực của chính mình muốn mang thân nữ để cứu độ chúng sanh, “còn thì nương nơi sức cúng dường Ngài Ðịa Tạng cùng sức công đức, trong trăm ngàn muôn kiếp chẳng còn phải thọ nữ thân nữa.” Nhờ nhân duyên sức cúng dường Ðịa Tạng Vương Bồ Tát cùng sức công đức có được từ sự cúng dường này, người thiện nữ đó trong trăm ngàn vạn kiếp về sau đều không phải làm thân người nữ nữa!
Kinh văn:
“Lại nữa, này Phổ Quảng! Nếu có người nữ nào chán thân xấu xí và nhiều bệnh tật, đến trước tượng của Ðịa Tạng Bồ Tát, chí tâm chiêm lễ trong chừng một bữa ăn, người nữ đó trong ngàn muôn kiếp sẽ được thọ sanh thân hình tướng mạo viên mãn. Người nữ xấu xí đó, nếu không nhàm chán thân gái, thì trong trăm ngàn muôn ức đời thường làm Vương Nữ, cho đến Vương Phi, hoặc con gái dòng dõi Tể Phụ, Ðại Quan, Ðại Trưởng Giả, đoan chánh thọ sanh, các tướng viên mãn.
Do chí tâm chiêm lễ hình tượng của Ðịa Tạng Bồ Tát mà được phước như thế.”
Lược giảng:
Ðức Phật dạy tiếp: “Lại nữa, này Phổ Quảng! Nếu có người nữ nào chán thân xấu xí và nhiều bệnh tật…”
Trên thế gian này, cùng là con người song tại sao có người thì tướng mạo đẹp đẽ xinh xắn, có người lại xấu xí cục mịch? Hoặc có người thì thân thể tráng kiện, có người lại ốm đau quặt quẹo? Vì lẽ gì mà có những sự khác biệt như thế?
Có mười nghiệp dữ (Thập Ác Nghiệp) khiến cho tướng mạo con người bị xấu xí; những gì là mười?
-Ác nghiệp thứ nhất là thường hay phẫn nộ, thích sanh lòng căm phẫn. Chữ “phẫn” này là một trong hai mươi thứ phiền não; còn “nộ” là phát cáu, nổi giận.
Người nữ đa số dễ nổi nóng, dễ giận hờn. Tuy rằng không phải người nữ nào cũng như vậy, nhưng phần đông thì đều là dễ nổi giận; họ có thể vì một cây kim hay một sợi chỉ mà sanh ra giận dữ, tức tối. Nổi giận, nổi nóng là đặc tính của người nữ.
-Ác nghiệp thứ hai là trong lòng thường chất chứa một mối hiềm nghi và ghét hận. Người nữ thường có tánh đa nghi, cái gì cũng hoài nghi cả; lại còn có thêm lòng phẫn hận nữa. Họ “hận người,” cho rằng ai cũng có lỗi, cũng đắc tội với mình, cũng đáng cho mình thù ghét cả.
-Ác nghiệp thứ ba là gì? Là ưa nói dối, thích mê hoặc người khác—làm cho người khác bị điên điên đảo đảo, không biết thế nào cho phải nữa.
-Ác nghiệp thứ tư là gì? Là thích não loạn chúng sanh—đa số người nữ rất thích điều này.
-Ác nghiệp thứ năm là không có lòng ái kính chân thành đối với cha mẹ; cũng có người có vậy, nhưng đa số thì không.
-Ác nghiệp thứ sáu là không sanh tâm cung kính đối với nơi chốn tôn nghiêm của Thánh Hiền và Thiện Thần. (Những vị tu học Phật Pháp mà chứng quả A La Hán đều được gọi là bậc “Thánh Hiền.”) Thậm chí ở trước mặt đức Phật, ở chùa chiền, đa số người nữ cũng không sanh lòng cung kính, không có được lòng cung kính chân chánh.
-Ác nghiệp thứ bảy là xâm đoạt tài sản ruộng vườn nhu yếu của Thánh Hiền. Ác nghiệp này chỉ nói về một số người nữ mà thôi, chứ không phải ai cũng như vậy. “Xâm đoạt” tức là cướp lấy, chiếm đoạt một cách ngang ngược.
-Ác nghiệp thứ tám là thường dập tắt những ngọn đèn thắp trước tượng Phật ở trong chùa hoặc trong tháp thờ Phật, không để đèn tiếp tục cháy sáng nữa. Ðây là hành vi thứ tám dẫn đến quả báo xấu xí. Thật ra, cũng rất ít người nữ nào lại thổi tắt đèn thắp trước tượng Phật như thế.
-Ác nghiệp thứ chín là thấy người nào xấu xí thì liền sanh lòng chê bai, khinh miệt, nói rằng: “Ôi! Người gì mà xấu xí quá sức, thật là chẳng ai dám nhìn!” Người nữ thường có thói khinh người như thế—song le, thấy người ta xấu xí mà khinh thường người ta, kết quả là chính bản thân mình cũng bị xấu xí luôn! Quý vị phải biết rằng, trong tự tánh của mình vốn có “tấm gương thu hình”; khi quý vị nhìn thấy một kẻ xấu xí rồi sanh lòng khinh mạn, thì tất cả đều được ghi nhận và thu vào “tấm gương” của quý vị; và đến đời sau, quý vị phải đầu thai làm kẻ còn xấu xí tệ hơn người đó nữa.
-Ác nghiệp thứ mười là thích học theo hoặc bắt chước theo những thói hư tật xấu (ác hạnh), những hành vi không chánh đáng.
Trên đây là mười thứ ác nghiệp hay mười nguyên nhân dẫn đến việc thọ quả báo tướng mạo xấu xí. Lại có mười nguyên nhân khiến cho thân thể mang nhiều bệnh tật; những gì là mười?
-Thứ nhất, là thích đánh đập mọi loài chúng sanh. Bất luận là chúng sanh nào, hễ trông thấy là đều muốn đánh đập—đây là nguyên nhân đầu tiên của quả báo thân thể phải mắc nhiều bệnh khổ.
-Nguyên nhân thứ hai dẫn đến quả báo bệnh tật khổ sở là xúi giục hoặc sai bảo người khác đánh đập chúng sanh—chó, mèo, chuột…, thậm chí cả trẻ em.
-Thứ ba, là khen ngợi việc đánh nhau. Khen ngợi cái gì? Trầm trồ, khen ngợi cách đánh đập, hành hạ chúng sanh. Do vì tán thưởng cách đánh đập của người khác, nên chính bản thân mình phải chịu quả báo nhiều bệnh tật.
-Thứ tư, là thấy sự đánh đập mà vui mừng. Có những kẻ thấy người khác đánh đập chúng sanh thì trong lòng lại vui mừng hớn hở, cho là chuyện thú vị: “Hay thật! Ðáng đời! Ðánh thật là đẹp mắt!”; xem ra còn thú vị hơn cả coi xi-nê nữa!
-Thứ năm, là thấy chúng sanh bệnh tật đau đớn rên siết, thì trong lòng lại hân hoan vui sướng. Có nhiều người hễ thấy kẻ khác bị ốm đau bệnh hoạn, thì trong lòng lại mừng rỡ, thích thú: “Có chúng sanh bị đau ốm rồi. Ồ! Hay quá! Có thế chứ, hắn bệnh rồi đấy!” Họ không cảm thông thương xót đã đành, lại còn vui cười mừng rỡ nữa.
-Thứ sáu, là thấy người bệnh được bình phục thì trong lòng cảm thấy không vui. Có những kẻ thấy người khác mắc bệnh song sau đó được thuyên giảm hoặc khỏi hẳn thì họ không vui, chính vì thế cho nên kiếp sau chính bản thân họ phải chịu quả báo nhiều bệnh tật, hay đau ốm.
-Thứ bảy, là cho chúng sanh uống thứ thuốc không đúng bệnh. Có những người đem thuốc cho chúng sanh bị bệnh, họ cho thứ thuốc gì? Họ cho thứ thuốc không phải trị đúng chứng bệnh mà chúng sanh đó đương mắc phải. Ví dụ, như người bệnh đau đầu thì họ lại cho thuốc đau bụng, chẳng những thế, họ còn huênh hoang: “Quý vị xem, tôi cho bệnh nhân uống thuốc rồi đó.”
-Thứ tám, là thấy người bệnh được thầy thuốc tận tâm chữa trị cho, thì sanh lòng đố kỵ, ghen ghét, nói rằng: “Ôi! Ông bác sĩ đó tốt nhất là chết sớm đi, khỏi cần phải trị bệnh cho hắn nữa! Thấy mà gai mắt!”
-Thứ chín, là thấy người khác ốm đau bệnh hoạn thì lại vui thích, còn mong sao người đó cứ luôn luôn ốm đau, mãi mãi bị bệnh tật hành hạ.
-Thứ mười, là thích ăn vặt, ăn luôn miệng. Mới vừa ăn xong chưa kịp tiêu hóa hết thì lại ăn nữa, miệng lúc nào cũng thấy thèm ăn, muốn ăn luôn miệng, không ngừng nghỉ.
Do mười thứ ác nghiệp này mà phải thọ quả báo nhiều ốm đau bệnh tật.
Chúng sanh sở dĩ tướng mạo xấu xí hoặc thân thể nhiều bệnh tật là đều do phạm vào hai mươi ác nghiệp kể trên mà ra. Nếu không phạm vào hai mươi ác nghiệp đó thì sao? Thì tướng mạo không bị xấu xí, thân thể cũng không bị nhiều bệnh tật.
Như vậy, nếu bị xấu xí và nhiều bệnh tật thì phải làm thế nào? Thì hãy “đến trước tượng của Ðịa Tạng Bồ Tát, chí tâm chiêm lễ, dùng cái tâm thành khẩn thiết tha mà chiêm ngưỡng lễ bái Bồ Tát Ðịa Tạng trong chừng một bữa ăn, trong một khoảng thời gian ngắn ngủi lâu bằng ăn xong một bữa cơm, người nữ đó trong ngàn muôn kiếp sẽ được thọ sanh thân hình tướng mạo viên mãn.”
Thế nào gọi là “tướng mạo viên mãn”? Ðó là mắt thì giống hình dạng của mắt, tai thì có dáng vẻ của tai. Thế thì, quý vị nói mắt như thế nào là không giống mắt? Thông thường, chúng ta thấy hầu hết mọi người đều có đôi mắt dài dài tựa như hạt hạnh nhân vậy, nhưng có kẻ lại có con mắt hình tam giác hoặc vuông vức bốn cạnh; hoặc đa số có tai dài, hình đĩnh vàng, song có kẻ lại có vành tai nhòn nhọn như mũi dao vậy; có người thì mũi lại hỉnh lên, lỗ mũi lộ ra ngoài. Nói theo sách tướng, người có tướng mũi như thế là người chẳng có chút phước báo nào cả—đó là tướng bần cùng. Gặp những người có tướng như thế thì quý vị chớ nên kết giao làm bạn, bởi vì làm bạn với họ sẽ chẳng có gì tốt đẹp cả.
Tôi có biết một vị Pháp Sư nọ có tướng mắt hình tam giác và mũi thì lộ ra. Khi còn ở Hương Cảng thì tôi giúp đỡ ông cũng nhiều, nhưng sau đó ông ta lại tráo trở, dùng đủ cách để bôi nhọ, phá hoại tôi. Tuy vậy, tôi cũng chẳng hề trách móc gì ông ta cả. Về sau, ông ta mắc phải chứng ung thư mà chết. Lúc sắp chết vẫn còn ham thể diện, chưa bỏ được cái “mặt” này, ông căn dặn rằng: Hãy làm như Pháp Sư Từ Hàng vậy—hãy đặt nhục thân của ông ta ngồi trong cái vại lớn rồi niêm lại, sau ba năm thì hãy mở ra xem, nếu nhục thân vẫn còn tươi tốt thì đem ra thếp vàng. Rút cuộc, để chưa tới hai hôm thì đầu của ông đã gục xuống rồi!
Có người nói với tôi rằng nếu là người có công phu tu hành thật sự, thì bất luận chết đã bao nhiêu ngày, nhục thân của họ vẫn trong tư thế đoan nhiên chánh tọa, chứ đầu không gục xuống như thế! Vị Pháp Sư này sang ngày thứ hai đầu đã gục xuống, thế nhưng ông ta còn ham thể diện, dặn đợi đến ba năm rồi mới mở vại. Tuy nhiên, mấy người học trò của ông ta không dám mở vại, vì họ biết rằng không “chắc ăn”! Cho nên, người có tướng mũi lộ ra như thế thì không được tốt cho lắm!
Lại nữa, đàn ông miệng rộng thì tốt, song đàn bà mà miệng rộng thì không tốt, đây là tướng phân nam nữ. Vận hạn của mỗi người, lúc nào thì tốt, lúc nào thì xấu, đều có thể biết được qua tướng mạo. Chỉ cần xem tướng mạo, người ta có thể biết được thời thanh niên quý vị đã thành công như thế nào, thời trung niên sẽ ra sao, và lúc về già hậu vận sẽ như thế nào. Cho nên, sự hiểu biết của người Trung Hoa về lãnh vực tướng số rất uyên thâm, chỉ xem tướng người mà biết được kẻ ấy mai sau tiền đồ có xán lạn hay không.
“Tướng mạo viên mãn” tức là tốt đẹp toàn diện, như Hồng y Yu Bin (Vu Bân) chẳng hạn, tướng mạo của ông ấy vô cùng tốt đẹp, tuổi già được vận may. Quý vị có thể chú ý tướng mạo của ông ấy—mắt, mũi, miệng đều rất cân xứng, hài hòa, tướng người rất phúc hậu, đức độ. Thế nhưng, rốt cuộc ông lại đi lầm đường; nếu theo Phật Giáo, ông ta có thể trở thành một vị Pháp Sư bất khả tư nghị.
“Tướng mạo viên mãn” là quả báo nhờ đã từng niệm Phật, lạy Phật, hoặc lạy những vị Bồ Tát.
Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy tiếp: “Người nữ xấu xí đó, nếu không nhàm chán thân nữ, tuy rằng xấu xí nhưng nếu cô ta vẫn thích thân nữ, vẫn muốn làm người nữ, thì trong trăm ngàn muôn ức đời thường làm Vương Nữ.” Nhờ lễ bái hình tượng của Ðịa Tạng Vương Bồ Tát, cô ta chẳng những được thác sanh làm con gái của vua chúa mà còn được tướng mạo xinh đẹp, viên mãn nữa.
“Cho đến Vương Phi.” Thậm chí cô ta có thể được thọ sanh làm vợ vua, “hoặc con gái dòng dõi Tể Phụ, Ðại Quan, Ðại Trưởng Giả.” Cô ta có thể được làm con gái của quan Tể Tướng, con gái của bậc Ðại Quan, hoặc con gái của vị Ðại Trưởng Giả giàu có.
“Ðoan chánh thọ sanh, các tướng viên mãn.” Tướng mạo của cô ta nhất định là rất đoan trang và vô cùng xinh đẹp, mỹ miều.
Như tôi vừa nói ban nãy, nếu cặp mắt thì xinh đẹp nhưng mũi lại không cân đối, như thế là không viên mãn; mũi rất đẹp mà mắt không cân xứng thì cũng không viên mãn; mắt, mũi đều đẹp cả mà tai lại không đẹp, không tương xứng, thì cũng không gọi là viên mãn, hoàn chỉnh. Chẳng hạn, một tai lớn, một tai nhỏ; một mắt to, một mắt nhỏ; mũi nằm lệch sang một bên mặt; miệng dính liền với mũi, hoặc mũi với miệng không tách rời nhau, không biết đó là mũi hay miệng nữa—các tướng mạo như thế đều là không viên mãn. Cũng đều là có mắt, có tai, có mũi như nhau, nhưng lại không hài hòa, không cân xứng, hoặc là lộn xộn dồn về một chỗ với nhau—mắt, mũi, tai tụ về thành một khối; quý vị nói xem, như thế có dễ coi không? Tướng mạo như thế đều là không viên mãn!
“Do chí tâm chiêm lễ Ðịa Tạng Bồ Tát mà được phước như thế.” Thế thì, tướng mạo viên mãn, các căn hoàn chỉnh, mắt cũng đẹp, tai cũng xinh, mũi cũng tốt, miệng cũng vừa phải, mặt mày đều dễ nhìn, nói chung là tất cả đều đẹp đẽ, tương xứng, là do đâu? Do có lòng tin chí thành, tha thiết chiêm ngưỡng và đảnh lễ Bồ Tát Ðịa Tạng mà được thọ hưởng phước báo tướng mạo đoan trang xinh đẹp như thế!
Kinh văn:
“Lại nữa, này Phổ Quảng! Như có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào có thể đối trước tượng Bồ Tát mà trổi các thứ kỹ nhạc, cùng ca vịnh, tán thán, cúng dường hương hoa, cho đến khuyến hóa được một người hay nhiều người; hạng người đó ở trong đời hiện tại cùng vị lai thường được trăm ngàn Quỷ Thần ngày đêm theo hộ vệ, không để cho những việc hung dữ đến tai, huống là để cho chịu các tai vạ bất ngờ!”
Lược giảng:
“Lại nữa, này Phổ Quảng! Như có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào có thể đối trước tượng Bồ Tát mà trổi các thứ kỹ nhạc …” “Kỹ nhạc” tức là âm nhạc; và ở đây là nói đến thứ âm nhạc khen ngợi Ðịa Tạng Vương Bồ Tát.
“Cùng ca vịnh, tán thán, cúng dường hương hoa, cho đến khuyến hóa được một người hay nhiều người…” Ðức Phật dạy tiếp: “Này Bồ Tát Phổ Quảng! Ta lại nói thêm cho Ông biết rằng giả sử có người nam kẻ nữ nào tu hạnh Thập Thiện, có thể đối trước tượng của Bồ Tát Ðịa Tạng, trổi các thứ kỹ nhạc, hoặc sáng tác một bài hát ca tụng Ðịa Tạng Vương Bồ Tát, hoặc là khen ngợi Ðịa Tạng Vương Bồ Tát, hoặc là mang hương mang hoa đến cúng dường Ðịa Tạng Vương Bồ Tát, hoặc là khuyên được một người phát tâm cung kính cúng dường Ðịa Tạng Vương Bồ Tát, hoặc là khuyên được rất nhiều người sanh lòng cung kính cúng dường Ðịa Tạng Vương Bồ Tát; hạng người đó—những người tự mình biết cúng dường, lại còn khuyên được kẻ khác cúng dường—trong đời hiện tại cùng vị lai thường được trăm ngàn Quỷ Thần ngày đêm theo hộ vệ, không để cho những việc hung dữ đến tai, huống là để cho chịu các tai vạ bất ngờ!”
Những người có thể “tự hóa, hóa tha,” tự độ chính mình được rồi bèn muốn cứu độ tha nhân đó, thì ngay trong đời này và luôn cả đời sau, thường được rất nhiều Thiện Thần Hộ Pháp theo phù hộ; và còn khiến cho những tiếng ác, những lời hung dữ, những âm thanh không kiết tường không vẳng đến tai của họ, huống hồ là để chính bản thân họ chịu đựng những việc không như ý.
“Các tai vạ bất ngờ” (chư hoạnh) tức là những rủi ro xảy ra đột ngột, bất trắc, như bị xe đụng chết, bị nước dìm chết, bị lửa thiêu chết, rớt máy bay chết, xe lửa lật chết, xe đò rớt xuống khe núi, … những cái chết như thế đều gọi là “hoạnh tử.” Thế nhưng, bây giờ những thiện nam tín nữ nói trên không còn phải lo âu về những vấn đề ấy nữa, vì sao? Là vì có rất nhiều Hộ Pháp Thiện Thần thường xuyên theo bảo vệ họ!
Hôm qua có người phàn nàn là không dám đi máy bay, sợ máy bay bị rớt. Ðiều này không có gì đáng phải lo sợ cả, quý vị chỉ cần niệm được Chú Ðại Bi và Chú Lăng Nghiêm, thì sẽ có rất nhiều Thiên Long Bát Bộ, Hộ Pháp Thiện Thần theo phù hộ quý vị. Dù đến bất cứ nơi nào, chỉ cần quý vị đừng khởi vọng tưởng, luôn luôn tin tưởng Bồ Tát, thì Bồ Tát nhất định sẽ che chở cho quý vị. Người tin Phật thì đừng sợ hãi, cũng đừng sợ quỷ, bởi loài quỷ trông thấy quý vị thì đều phải cúi đầu, vì quý vị có công đức. Nếu quý vị không có công đức thì sao? Nếu quý vị không biết làm việc tốt, thì sẽ có những việc không may xảy ra; còn nếu ngày ngày quý vị đều tu tâm dưỡng tánh, giữ lòng hảo tâm, chăm làm thiện sự, thì sẽ không thể có điều gì không may xảy ra cho quý vị cả.
Kinh văn:
“Lại nữa, này Phổ Quảng! Trong đời sau như có ác nhân cùng ác thần, ác quỷ nào thấy kẻ thiện nam, thiện nữ quy kính cúng dường, tán thán, chiêm lễ hình tượng của Bồ Tát Ðịa Tạng, mà vọng sanh khinh chê là không có công đức cùng sự lợi ích, hoặc nhăn răng ra cười, hoặc chê sau lưng, hoặc khuyên bảo người khác cùng chê, hoặc một người chê, hoặc nhiều người chê, cho đến sanh lòng chê bai trong chừng một niệm; những kẻ như thế, sau khi một ngàn đức Phật trong Hiền Kiếp diệt độ cả, vì tội báo khinh chê nên vẫn còn ở trong địa ngục A Tỳ chịu tội cực nặng.
Qua khỏi kiếp này xong mới thọ thân ngạ quỷ, rồi mãi đến một ngàn kiếp sau mới thọ thân súc sanh; lại phải trải qua một ngàn kiếp nữa mới được thân người. Dầu thọ thân người, nhưng là hạng bần cùng hạ tiện, các căn không đầy đủ, thường hay bị nghiệp ác kết buộc vào tâm, chẳng bao lâu lại phải đọa vào ác đạo.”
Lược giảng:
Ðức Phật lại bảo Bồ Tát Phổ Quảng rằng: “Lại nữa, này Phổ Quảng! Trong đời sau như có ác nhân cùng ác thần, ác quỷ nào…” “Ác nhân” là người phạm tội Ngũ Nghịch, Thập Ác. “Ác thần” là hạng tà thần không giữ quy củ phép tắc gì cả. Có những tà thần thường tới các miếu thờ mạo xưng là thần miếu để thọ đồ cúng tế. Như tại miếu thờ phụng Quan Ðế Công chẳng hạn, vì Quan Ðế thỉnh thoảng cũng đi đây đi đó, không ở trong miếu thường xuyên, nên tà thần bèn nhân lúc Ngài vắng mặt mới lẻn vào miếu và giả dạng Ngài để thọ dụng huyết tanh của heo, dê, bò… mà người ta mang đến cúng tế.
“Ác quỷ” thì có đại ác quỷ và tiểu ác quỷ. Ðại ác quỷ chính là quỷ Cưu Bàn Trà, hình thù tựa như trái bí đao. Loài quỷ này còn được gọi là quỷ “yểm mỵ,” bởi chúng thường thừa lúc người nào đó đang say ngủ bèn đè lên thân người ấy, khiến cho người ấy cứ nằm cứng đơ, không nhúc nhích được mà miệng thì ú ớ, thốt không ra tiếng. Ðó là một trong những loại đại ác quỷ.
Lại còn có loại tiểu ác quỷ nữa. Các tiểu ác quỷ thường nương náu trên cây cối và thị hiện thần thông, khiến cho người ta tin tưởng chúng. Ðiển hình là chuyện thọ Giới của cây long não (chương thọ) ở Chùa Nam Hoa (Trung Hoa). Lúc chưa thọ Giới, vị thần cây thường hiển thị thần thông—hễ ai có việc gì mà đến thắp nhang khẩn cầu thần cây thì đều được cảm ứng; cảm ứng như thế nào? Ví dụ như người bị đau ốm đến cầu xin, thì chỉ cần thắp nén nhang là liền được khỏi bệnh ngay; hoặc có người bị mất đồ, bèn thắp hương cầu khẩn, thì liền tìm lại được những đồ đã mất—những chuyện “linh ứng” như vậy xảy ra rất nhiều. Những người đến cầu xin tưởng rằng đó thật là sự linh cảm, là Bồ Tát hiển linh, nên họ liền giết gà, mổ heo, mang thịt của đủ loại súc sanh đến cúng tế để tạ ơn, và thế là thần cây được hưởng “lộc ăn.” Song, thật ra, đó là một loại tiểu ác quỷ tác quái.
Trên thế gian này có rất nhiều chuyện kỳ lạ, cho nên nếu quý vị không hiểu rõ Phật Pháp thì rất dễ nhận lầm các loại ác thần ác quỷ này là Bồ Tát, tưởng rằng có sự linh cảm thật sự. Do vậy, người học Phật Pháp chớ nên nghĩ rằng hễ nơi nào có sự linh ứng mầu nhiệm xảy ra thì đều là Phật Pháp—hoàn toàn không phải như vậy. Quý vị cần phải thông hiểu các đạo lý Phật Pháp một cách chân chánh, thấu đáo, thì mới không dễ bị lầm lẫn.
“Thấy kẻ thiện nam, thiện nữ quy kính cúng dường, tán thán, chiêm lễ hình tượng của Bồ Tát Ðịa Tạng, mà vọng sanh khinh chê là không có công đức cùng sự lợi ích …” Có những ác nhân, ác thần hoặc ác quỷ trông thấy người ta chiêm ngưỡng đảnh lễ hình tượng Bồ Tát thì lại buông lời miệt thị: “Ôi! Các ông các bà còn mê tín quá nhỉ! Cứ dập đầu quỳ lạy mấy cái tượng đất, tượng gỗ đó thì được cái gì chớ? Chẳng được chút công đức nào đâu, các người đừng tin nhảm nữa!”; hoặc lại chế nhạo: “Các ông các bà cứ khom lên khom xuống lạy lục mấy ông phỗng đó để làm gì?” Giống như hiện tại ở nơi này chẳng hạn, cũng có một số ngoại đạo khăng khăng cho rằng việc Phật Giáo lễ bái tượng gỗ là không có công đức—đó cũng là dèm pha, hủy báng vậy.
“Hoặc nhăn răng ra cười.” Những kẻ ác đó thấy quý vị lạy Phật thì lại nhe răng cười chế giễu, tỏ vẻ khinh thường, cho rằng quý vị quá mê tín. “Nhăn răng ra cười” tức là lúc trông thấy quý vị đang lạy Phật thì kẻ ấy liền cười chế nhạo ngay trước mặt quý vị.
“Hoặc chê sau lưng.” Có khi, những kẻ ác ấy không chê cười trước mặt quý vị, mà đợi quý vị đi khuất rồi, họ mới nhỏ to phê bình: “Mấy người ở Phật Giáo Giảng Ðường thật là quá mê tín! Tôi thấy họ cứ mặc áo tràng vào, khoác thêm cái y, rồi chúi mũi lạy Phật và lầm rầm tụng Kinh tụng Chú suốt ngày suốt đêm; chẳng hiểu họ đang làm cái gì và làm như thế thì có lý thú gì chứ?” Chê trách, nói lời xúc phạm kẻ vắng mặt như thế gọi là “chê sau lưng.”
Hoặc những kẻ ác đó lại dèm pha, nói rằng mọi việc của quý vị đều là không đúng, và họ xầm xì với nhau: “Tu Ðạo một mình thì cần gì phải lạy Phật? Lạy Phật có tác dụng gì? Nếu dùng thời gian đó để ngủ thêm thì tốt biết mấy!” Ðó là phê bình, “chê sau lưng” vậy.
“Hoặc khuyên bảo người khác cùng chê.” Hoặc kẻ ác ấy chẳng những chính mình chê bai mà còn rủ rê, xúi xiểm nhiều người khác đừng đi tụng Kinh: “Tụng Kinh có gì tốt đâu? Quý vị đừng đi lễ Phật, cũng đừng đi nghe Kinh nữa! Thay vì đi nghe giảng Kinh thì quý vị dùng thì giờ đó để uống một liều LSD, quý vị sẽ có cảm giác lâng lâng bay bổng, mơ màng tưởng chừng như mình đang ở thế giới Cực Lạc vậy; cần gì phải tin vào những việc kia?” Ðây chính là “khuyên bảo người khác cùng chê,” xúi giục người khác làm sai giống mình, về cùng phe với mình.
Ví dụ, trong đoàn thể Phật Giáo có một người nọ không tuân giữ quy củ; biết là mình yếu thế, cho nên ông ta muốn kiếm một người cũng không giữ quy củ như mình làm “đồng minh,” để dễ biện hộ cho hành vi sai trái của mình. Bởi nếu bị chỉ trích, thì ông ta sẽ bào chữa rằng: “Thì người khác cũng như vậy cơ mà!” Có “đồng đảng” thì dù sao cũng có ưu thế hơn!
“Hoặc một người chê, hoặc nhiều người chê.” Hoặc chỉ đơn độc một người đi khắp nơi rêu rao phá hoại, hoặc nhiều người tụ tập lại một chỗ rồi cùng nhau chỉ trích, chê bai.
“Cho đến sanh lòng chê bai trong chừng một niệm.” Không cần phải lúc nào cũng chê bai mà chỉ trong một niệm, trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, tâm tư chợt dấy lên ý tưởng giễu cợt, phỉ báng.
“Những kẻ như thế, những kẻ nhăn răng ra cười, hoặc chê sau lưng, hoặc một mình chê, hoặc cùng người khác chê, hoặc cùng nhiều người chê, và mặc dù chỉ sanh lòng chê bai trong một niệm ngắn ngủi mà thôi, thì sau khi một ngàn đức Phật trong Hiền Kiếp diệt độ cả, vì tội báo khinh chê nên vẫn còn ở trong địa ngục A Tỳ chịu tội cực nặng.”
Kỳ kiếp hiện tại của chúng ta gọi là Hiền Kiếp; vì sao gọi là Hiền Kiếp? Bởi vì trong thời kỳ này có rất nhiều bậc Thánh Hiền—thánh nhân, hiền nhân—xuất hiện ở thế gian. Kỳ Hiền Kiếp có một ngàn (1.000) đức Phật xuất thế, trong đó, Phật Thích Ca Mâu Ni là đức Phật thứ tư; như vậy là còn chín trăm chín mươi sáu (996) đức Phật nữa sẽ xuất thế. Sau khi có một đức Phật xuất thế, phải qua một thời kỳ rất lâu rất dài mới lại có một đức Phật nữa xuất thế; do đó nếu phải đợi cho đến khi chín trăm chín mươi sáu đức Phật đều xuất thế và diệt độ cả, thì thời gian chờ đợi dài biết chừng nào! Vậy mà trải qua suốt kỳ kiếp dài đăng đẳng đó, những kẻ mắc tội báo khinh chê phá hoại Phật Pháp vẫn còn phải thọ tội ở địa ngục A Tỳ.
Quý vị nên biết rằng một ngày một đêm của thế giới chúng ta đang sống thì lâu bằng sáu mươi (60) tiểu kiếp ở địa ngục A Tỳ. Lại nữa, năm mươi (50) năm ở nhân gian thì đối với cõi trời Tứ Thiên Vương chỉ là một ngày một đêm; và một trăm (100) năm ở nhân gian chỉ bằng một ngày một đêm ở cung trời Ðao Lợi.
Thế thì, vì sao một ngày một đêm của chốn nhân gian lại tương đương với sáu mươi tiểu kiếp của địa ngục A Tỳ? Con người, nếu hôm nào trong lòng vui vẻ thì cảm thấy một ngày rất ngắn ngủi, thời gian trôi qua rất nhanh; trái lại, nếu ngày nào ưu tư lo lắng, gặp việc không ưng ý, phải chờ đợi một ai đó hoặc đang trông mong điều gì đó, thì lại cảm thấy ngày dài lê thê, thời gian sao đi quá chậm! Từ đó suy ra thì chúng ta cũng có thể biết được do đâu mà một ngày một đêm ở nhân gian lại bằng sáu mươi tiểu kiếp ở địa ngục—bởi ở địa ngục quá đau khổ; khi sống trong sự thống khổ thì người ta thường cảm thấy thời gian đi chậm quá, ngày dài quá, còn lúc hưởng thụ sung sướng thì lại thấy thời gian trôi qua vùn vụt!
“Qua khỏi kiếp này xong, mới thọ thân ngạ quỷ.” Sau khi đã chịu tội ở địa ngục A Tỳ trong suốt kỳ Hiền Kiếp một ngàn đức Phật xuất thế rồi, những kẻ ác mắc tội báo phá hoại Phật Pháp đó lại phải đi làm thân ngạ quỷ.
“Rồi mãi đến một ngàn kiếp sau mới thọ thân súc sanh. Lại phải trải qua một ngàn kiếp nữa mới được thân người.” Sau một ngàn kiếp làm ngạ quỷ thì họ được làm thân súc sanh. Làm súc sanh thì cứ sinh ra rồi chết, chết rồi lại sinh ra, luẩn quẩn trong suốt một ngàn kiếp như thế rồi mới được đầu thai làm người. Tuy nhiên, “dầu thọ thân người, nhưng là hạng bần cùng hạ tiện.” Bấy giờ, mặc dù được mang thân người, nhưng lại thế nào? Lại thuộc hạng nghèo hèn, thấp kém trong xã hội.
Hiện nay, nước Mỹ đang khởi xướng những hoạt động tế bần; thế mà khi vừa đặt chân đến nước này thì tôi liền phê bình công tác “cứu nghèo” này ngay. Sở dĩ tôi nói rằng công cuộc tế bần là không có công dụng gì mấy, bởi vì cái nghèo của con người trong đời này vốn do vô lượng nghiệp tội tạo tác từ vô lượng kiếp cho đến nay. Sự cứu giúp của quý vị chẳng qua là giải quyết vấn đề trong lúc nhất thời mà thôi, chứ không thể nào khiến cho họ vĩnh viễn thoát khỏi cảnh nghèo khó được cả. Nếu thật sự muốn tế bần thì cần phải đề xướng đủ loại công việc từ thiện, đề xướng kêu gọi mọi người làm việc tốt, bỏ ác làm lành, đừng tạo nghiệp tội nữa—như thế mới là chân chánh tế bần. Ngoài ra, cần phải đừng xúi người khác hủy báng Tam Bảo, mà nên đi khắp nơi đề xướng Phật Pháp. Như thế, có Tam Bảo, có Phật Pháp Tăng trụ thế, thì nhân loại có thể trồng phước được. Bởi người biết cúng dường Tam Bảo tất sẽ được phước báo; có phước báo thì về sau sẽ không phải nghèo nàn túng thiếu—đó mới là chân chánh tế bần vậy.
Trong phần kinh văn này nói rõ là người hủy báng Tam Bảo sau khi đã trải qua thời kỳ Hiền Kiếp của một ngàn đức Phật rồi, còn phải đọa địa ngục suốt một ngàn kiếp, trầm luân trong cõi ngạ quỷ một ngàn kiếp, và luẩn quẩn trong cõi súc sanh thêm một ngàn kiếp nữa, rồi sau đó mới được đầu thai làm người. Làm người thì thế nào? Thì phải sống trong cảnh nghèo nàn túng quẫn, hèn kém vô cùng.
“Các căn không đầy đủ.” Những kẻ ác nói trên tuy được mang thân người song các căn không được đầy đủ. Họ có thể sanh làm người song phải mang khuyết tật như không có mắt, không có tai, không có mũi, không có lưỡi, không có tay, không có chân …—nói chung là sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý không đầy đủ trọn vẹn. Vừa rồi tôi có nói là “không có lưỡi”; làm sao lại không có lưỡi được? “Không có lưỡi” ở đây ngụ ý là không nói được. Họ có thể là không có mắt hoặc là chỉ có một con mắt mà thôi. Mọi người đều có hai con mắt, nay có kẻ chỉ có một con mắt, quý vị thử tưởng tượng xem như thế trông có khó coi lắm không? Hoặc người chỉ có một lỗ tai thì thế nào? Trên đây là ví dụ cho những trường hợp sáu căn không toàn vẹn, “các căn không đầy đủ.”
“Thường hay bị nghiệp ác kết buộc vào tâm.” Nói chung, tuy những kẻ ác ấy được làm người song mọi việc đều không được thuận lợi, suông sẻ như ý muốn—không thiếu ăn thiếu mặc thì cũng thiếu chỗ ở hoặc gặp phải những sự việc xảy ra ngoài ý muốn. “Nghiệp ác” này cũng chính là “các tai vạ bất ngờ” như đã đề cập ở trên.
Những kẻ ấy cứ gặp các “hoạnh sự,” bị những việc bất như ý, những việc không tốt lành ràng buộc, làm não loạn tâm trí; rồi “chẳng bao lâu lại phải đọa vào ác đạo.” Những người ấy làm người chưa được bao lâu thì lại bị đọa vào ba đường ác lần nữa.
Trong phẩm trước có kể rõ rằng bà mẹ của cô Quang Mục đầu thai vào nhà của con gái và đến mười ba tuổi thì phải chết, đọa lạc ác đạo, cũng là một thí dụ điển hình của trường hợp này vậy.
Kinh văn:
“Cho nên, Phổ Quảng, khinh chê sự cúng dường của người khác mà còn mắc phải tội báo như thế, huống là tự sanh ác kiến hủy diệt!”
Lược giảng:
Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni nói tiếp: “Cho nên, Phổ Quảng, khinh chê sự cúng dường của người khác mà còn mắc phải tội báo như thế…” Khinh chê và hủy báng những người cúng dường Ðịa Tạng Vương Bồ Tát thì phải nhận lãnh những ác báo nào? Ðó là quả báo phải trải qua một ngàn kiếp đày đọa ở chốn địa ngục, một ngàn kiếp trôi nổi trong đường ngạ quỷ, một ngàn kiếp luẩn quẩn trong chốn súc sanh, rồi sau đó mới được đầu thai làm người mà lại là người bần cùng hạ tiện và các căn không toàn vẹn.
Có người thắc mắc: “Có nhất định là phải trải qua đủ số mấy ngàn kiếp như thế rồi mới được làm người không?” Chính thế! Nhất định là như thế! Ðây là luật pháp của địa ngục do chính Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni tuyên nói. Tuy nhiên, trong đó vẫn có sự ngoại lệ đối với những nhân duyên đặc biệt, cho nên có khi lại không nhất định là phải như thế. Nhân duyên đặc biệt như thế nào?
Ví dụ có kẻ đáng lẽ phải làm ngạ quỷ suốt một ngàn kiếp, song trong lúc đang mang thân ngạ quỷ thì kẻ ấy phát tâm từ bi, tự nguyện trợ giúp những người đang tu Ðạo, hoặc thấy người khác lạy Phật, lạy Bồ Tát thì kẻ ấy cũng tùy hỷ phát tâm lễ bái theo và hoan hỷ bảo vệ người tu Ðạo; như vậy là trong thời gian thọ tội, kẻ ấy đã lập được công đức thiện lành, nhờ đó kẻ ấy có thể không cần phải đợi hết một ngàn kiếp mới được đi đầu thai làm súc sanh hoặc làm người. Hoặc là có người trong lúc đang mang thân súc sanh thì được may mắn sống gần gũi với những người tin Phật, như được nuôi trong chùa hoặc trong nhà của các cư sĩ Phật tử, ngày ngày được huân tập huân tu cho nên vô hình trung, cũng sanh tín tâm đối với Phật Pháp. Tin Phật rồi thì tội chướng cũng giảm dần, cho nên người ấy không nhất thiết phải mang thân súc sanh đủ một ngàn kiếp như đã định nữa, mà có thể được thác sanh làm người sớm hơn!
Lúc Hư Vân Lão Hòa Thượng ở Vân Nam (Trung Hoa), có một con gà được mang đến thả nuôi trong chùa, và hằng ngày nó thường lẽo đẽo đi theo những người tu hành ở đó. Khi chư Tăng lên chánh điện niệm Phật thì nó cũng đi theo, và cùng mọi người nhiễu Phật, niệm Phật. Như thế được ba năm thì có một hôm con gà đó đến đứng trước tượng Phật mà vãng sanh. Ðây là một trong những trường hợp nhân duyên đặc biệt vậy.
Như vậy, nếu có nhân duyên đặc biệt, thì kẻ đang mang thân súc sanh nói trên không cần phải trải qua một ngàn kiếp nữa mới được làm người. Lại nữa, nếu trong lúc thọ thân làm người bần cùng hạ tiện, kẻ ấy biết được rằng sở dĩ đời này mình phải chịu quả báo nghèo hèn thấp kém, các căn không đầy đủ như thế, là do vô lượng kiếp về trước mình đã từng hủy báng Tam Bảo, không nghe Phật Pháp, không cung kính Ðịa Tạng Vương Bồ Tát; nên bèn dũng mãnh tinh tấn tu tâm dưỡng tánh, ăn chay niệm Phật hoặc chăm chỉ tu Ðạo, thậm chí xuất gia làm Tỳ Kheo, thì kẻ ấy sẽ không phải đọa vào ác đạo lại nữa.
Nói tóm lại, tất cả đều tùy thuộc vào nhân duyên cá biệt của từng chúng sanh. Nếu gặp trường hợp có nhân duyên đặc biệt thì thời gian thọ báo không nhất thiết là phải lâu dài như đã định. Cho nên Phật Pháp rất linh động, uyển chuyển và rất hữu lý. Không phải là đã biết sám hối và sửa đổi rồi, mà sau đó vẫn phải chịu khổ báo lâu dài như thế. Không phải như vậy!
Trong phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện (Kinh Hoa Nghiêm) có nói rằng tội lỗi nghiệp chướng của chúng sanh thì không có hình tướng, chứ nếu có hình tướng cụ thể thì nghiệp tội của mỗi một kẻ trong chúng ta đã choán đầy hết cõi hư không từ lâu rồi. May mà nghiệp chướng không có hình tướng, không nhìn thấy được, không cần chuẩn bị nơi để chứa nó, do đó có nhiều đến bao nhiêu đi nữa thì cũng chẳng hề gì! Nếu quý vị biết ăn năn hối cải thì bao nhiêu tội chướng cũng đều có thể tiêu diệt, vì vậy mới có câu:
“Trước Phật lễ bái, tội diệt vô số.”
(Phật tiền đảnh lễ, tội diệt hà sa.)
Quý vị đối trước Phật mà lễ bái, chân thành sám hối, thì bao nhiêu tội chướng (dù nhiều như cát sông Hằng) cũng đều được tiêu tan, không còn nữa. Có câu:
“Buông xả một đồng, phước tăng vô lượng”
(Xả tiền nhất văn, tăng phúc vô lượng.)
Trước Tam Bảo xả bỏ tiền của, dốc lòng bố thí, có bao nhiêu thì hoan hỷ bố thí bấy nhiêu, thì phước báo của quý vị sẽ vô lượng vô biên; song cần phải dốc hết chân tâm, đem lòng chí thành mà cúng dường mới được. Mọi việc đều không có gì là nhất định cả; bởi Pháp không nhất định nên nghiệp chướng của con người cũng không nhất định.
“Huống là tự sanh ác kiến hủy diệt!” Khinh chê người khác cúng dường mà còn phải bị quả báo đọa lạc trong ba đường ác suốt mấy ngàn kiếp, thế thì nếu chính mình nảy sanh ác kiến hủy diệt Tam Bảo, phá hoại Tam Bảo, tội ấy hẳn càng lớn, càng nặng biết bao nhiêu!
Kinh văn:
“Lại nữa, này Phổ Quảng! Nếu trong đời sau có người nam hay người nữ nào nằm liệt mãi trên giường gối, cầu sống hay cầu chết đều không được, hoặc đêm mộng thấy ác quỷ cho đến kẻ thân thích trong nhà, hoặc đi trên đường hiểm, hoặc nhiều lần bị bóng đè, hoặc cùng quỷ thần dạo chơi…”
Lược giảng:
“Lại nữa, này Phổ Quảng!” Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni lại gọi Bồ Tát Phổ Quảng mà bảo rằng: “Bồ Tát Phổ Quảng ơi, bây giờ Ta sẽ nói cặn kẽ hơn nữa cho Ông rõ. Nếu trong đời sau có người nam hay người nữ nào nằm liệt mãi trên giường gối …” Giả sử trong đời vị lai, có thiện nam tín nữ nào đó đã thọ Ngũ Giới và biết hành Thập Thiện mà cứ phải nằm một chỗ suốt một thời gian dài.
Tại sao người ấy cứ nằm mãi trên giường? Ðiều này không cần nói thì quý vị cũng biết được ngay rằng đó là vì người ấy bị bệnh. Chính vì ốm đau lâu ngày không ngồi dậy được, nên bị chứng tê bại. Vì sao người ta bị bệnh tê liệt? Nguyên do của căn bệnh này là bởi lòng dâm dục quá nặng nề. Triệu chứng của bệnh liệt là không đi đứng được. Bởi chân thuộc về thận, nếu dâm dục quá nhiều thì chân bị yếu, đi đứng khó khăn; cũng như quý vị thường thấy ở ngoài đường phố, có rất nhiều người chân bị sưng vù lên, bước đi không được vững vàng, cần phải chống gậy rồi lê từng bước. Tất nhiên, ở đây không phải nói tới những người không đi đứng được bởi chân bị thương tích hoặc què quặt do tai nạn hay bom đạn chiến tranh. Những người được đề cập đến trong phần kinh văn này là những kẻ bẩm sinh lành lặn, không hề bị thương tật cũng không bị tai nạn xe cộ, song không thể đi đứng được. Ðây là hạng người có lòng dâm dục quá nặng nề, dâm dục quá nhiều!
Quý vị cũng thấy đó, ở nước Mỹ có rất nhiều người mắc phải bệnh liệt; vì sao ư? Vì họ không biết gì về những tác hại của vấn đề sắc dục, cho nên nay họ phải chịu khổ sở bởi chứng bệnh này; e rằng cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, họ cũng chẳng biết do đâu mà chân của họ lại bị như thế!
“Cầu sống hay cầu chết đều không được.” Giả sử có người ốm đau phải nằm một chỗ đến liệt giường liệt chiếu, không nhúc nhích được, muốn sống nhưng chẳng được sống yên vui, mà muốn chết thì lại không được chết liền ngay! Quý vị thấy như thế có đau khổ không chứ? Bệnh nhân đớn đau khổ sở, sống không ra sống, chết không ra chết—thật là dở sống dở chết!
“Hoặc đêm mộng thấy ác quỷ.” Bệnh nhân đêm ngủ thường chiêm bao thấy ác quỷ và thấy mình đi theo các ác quỷ đó làm những việc không tốt, và làm càng nhiều thì bệnh càng nặng. Người bệnh ấỵ nằm mộng thấy ác quỷ và biết rõ ràng đó là ác quỷ, song vẫn cứ đi theo chúng mà ăn những đồ bất tịnh và làm những việc xấu xa, thậm chí hành dâm cả trong mộng nữa.
“Cho đến kẻ thân thích trong nhà.” Hoặc là bệnh nhân chiêm bao thấy những người thân đã quá vãng, chẳng hạn như nếu cha đã qua đời thì mộng thấy cha, hoặc mẹ đã qua đời thì mộng thấy mẹ, … nói chung là thường nằm mộng thấy những bà con thân thuộc đã chết—và đó là hiện tượng không tốt. Bởi vì người bà con đã chết này có quen biết người bệnh, nên có thể dẫn dắt loài quỷ ở ngoài vào nhà của người ấy, rồi kẻ đã chết đó lại bỏ đi. Bấy giờ, loài quỷ được dẫn vào nhà rồi bèn dùng các phép thuật độc hại để làm cho bệnh tình của bệnh nhân càng ngày càng trầm trọng hơn.
“Hoặc đi trên đường hiểm.” Hoặc là bệnh nhân nằm mơ thấy mình đi lạc vào con đường hiểm trở—như chạy lên đỉnh núi cheo leo, hễ sẩy chân té xuống là tan xương nát thịt—khiến trong lòng sanh ra hoảng sợ. Trong giấc mơ, người bệnh thường thấy nhiều sự việc không tốt lành, khiến cho mình luôn có cảm giác phập phồng lo sợ, hễ nhớ tới tình cảnh đó là trong lòng vô cùng hoảng hốt, sợ hãi. Cũng có khi người bệnh nằm mơ thấy mình đang đi thì gặp phải hổ, sói hay yêu quái … hiện ra chận đường. Nói tóm lại là người bệnh cứ chiêm bao thấy xảy ra những việc rất đáng sợ.
“Hoặc nhiều lần bị bóng đè.” Hoặc trong giấc mơ, bệnh nhân thấy loài yểm mỵ quỷ Cưu Bàn Trà thường xuyên lui tới, một đêm có khi đến ba lần hoặc năm lần, không nhất định. Nếu đến một lần rồi song cảm thấy nhân duyên của chúng với người bệnh chưa hết, thì chúng lại đến lần nữa, rồi lại thêm lần nữa, và đè người ấy đến nỗi thốt không ra tiếng và cũng không thở, không động đậy gì được cả. Người bệnh bấy giờ hai mắt trợn trừng như nhập “ma định” vậy, và đó là thứ “tà định” chứ không phải là Chánh Ðịnh. “Ðịnh” cũng có chánh có tà; chúng ta không nên nhập loại “tà định” này.
“Hoặc cùng quỷ thần dạo chơi…” Hoặc là người bệnh chiêm bao thấy mình kết bạn với quỷ thần; mặc dù biết rõ ràng đó là quỷ nhưng vẫn cứ theo chúng đi du ngoạn. Trong giấc mơ thì không thấy sợ quỷ, thức dậy rồi mới cảm thấy sợ hãi.
Kinh văn:
“Trải qua nhiều ngày nhiều tháng nhiều năm, trở nên gầy mòn, lao sái; trong giấc ngủ kêu gào khổ sở, thảm thiết không vui. Ðây đều là do nơi nghiệp đạo còn đang luận đối, chưa quyết định là nhẹ hay nặng, nên hoặc là khó chết, hoặc là khó lành.
Mắt phàm tục của kẻ nam, người nữ không thể biện rõ việc đó, chỉ nên đối trước tượng của chư Phật, chư Bồ Tát, lớn tiếng đọc tụng Kinh này một biến; hoặc lấy những vật ưa thích của người bệnh như y phục, đồ quý báu, nhà cửa, ruộng vườn…, đối trước người bệnh mà lớn tiếng xướng rằng:
‘Chúng con, tên đó họ đó, xin vì người bệnh này mà đối trước kinh, tượng, thí xả những vật này để hoặc cúng dường kinh tượng, hoặc tạo hình tượng của Phật, Bồ Tát, hoặc xây dựng chùa tháp, hoặc sắm đèn dầu thắp cúng, hoặc cúng vào Thường Trụ.’
Xướng lên như vậy ba lần để cho người bệnh được nghe biết.
Giả sử các thức của người bệnh đã phân tán, đến hơi thở đã dứt, thì hoặc một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, cho đến bảy ngày, cứ lớn tiếng xướng bạch như trên và lớn tiếng tụng Kinh này. Sau khi người bệnh đó mạng chung, thời dẫu cho từ trước có tội nặng, thậm chí năm tội Vô Gián, cũng được thoát khỏi hẳn, thọ sanh nơi nào cũng thường nhớ biết việc đời trước.
Huống nữa là người thiện nam, người thiện nữ nào tự mình biên chép Kinh này, hoặc bảo người biên chép, hoặc tự mình đắp vẽ hình tượng của Bồ Tát, cho đến bảo người khác đắp vẽ, thì quả báo mà người đó thọ nhận tất được lợi ích lớn.
Vì thế, Phổ Quảng, nếu thấy có người nào đọc tụng Kinh này, cho đến chỉ trong một niệm tán thán Kinh này hoặc tỏ lòng cung kính, thì ông phải dùng trăm ngàn phương tiện khuyến hóa người đó phát lòng siêng năng, chứ đừng thối thất, thì sẽ được trăm ngàn vạn ức công đức không thể nghĩ bàn ở hiện tại và vị lai.”
Lược giảng:
“Trải qua nhiều ngày nhiều tháng nhiều năm, trở nên gầy mòn, lao sái.” “Sái” tức là “suy nhược, lắm bệnh gọi là “sái (ngũ lao thất thương vị chi sái)”. Bệnh lao thì rất khó trị; bệnh lao có tới năm loại, và cả năm thứ bệnh lao này đều không có thuốc gì trị lành được.
Bệnh nhân không phải chỉ ốm đau trong một hai hôm là khỏi, mà là suốt một thời gian rất lâu dài, đến nỗi thân thể gầy mòn, chẳng còn bao nhiêu sức lực. Chẳng những thế, mà “trong giấc ngủ kêu gào khổ sở, thảm thiết không vui.” Có nhiều lúc đang ngủ say, bệnh nhân bỗng vùng vẫy la hét, giật mình thức dậy. Ðó là vì người bệnh đang bị loài quỷ truy đuổi, đánh đập, hoặc bị chúng tóm bắt được, cho nên trong giấc ngủ người ấy mới gào thét kêu van và mặt mày lúc nào cũng đượm vẻ buồn rầu ủ dột, không được thanh thản. “Thảm thiết” tức là có vẻ đau thương, như muốn khóc vậy.
Tại sao lại như vậy? “Ðây đều là do nơi nghiệp đạo còn đang luận đối, chưa quyết định là nhẹ hay nặng, nên hoặc là khó chết hoặc là khó lành.” Bởi lúc bấy giờ ở địa ngục đang thảo luận, xét xử nghiệp tội của bệnh nhân, và còn đang cân nhắc xem những nghiệp tội ấy là nặng hay nhẹ, chứ chưa có phán quyết dứt khoát; do đó người bệnh tuy rằng chưa chết, song sống mà thoi thóp lây lất, chẳng thấy vui vẻ gì cả. Người bệnh cũng tự biết rằng mình đã trót gây ra tội lỗi, tất sẽ có ngày bị đọa địa ngục, nên trong lòng cứ buồn bã, không vui.
“Khó chết” nghĩa là muốn chết mà chết không được, cái chết không đến nhanh như ý mình mong đợi. “Khó lành” tức là cứ ốm đau bệnh hoạn dây dưa, không được thuyên giảm một cách nhanh chóng.
“Mắt phàm tục của kẻ nam người nữ không thể biện rõ việc đó.” Người thế gian, cả nam lẫn nữ, bởi chưa đắc Thiên Nhãn Thông, cũng chưa chứng Túc Mạng Thông, nên không hiểu được vì sao bệnh nhân lại ra nông nỗi như thế. Người đời không thể hiểu được, thế thì có biện pháp gì có thể cứu giúp bệnh nhân không? Có chứ! Bấy giờ, những người thân thuộc của bệnh nhân “chỉ nên đối trước tượng của chư Phật, chư Bồ Tát, lớn tiếng đọc tụng Kinh này một biến…” Nếu không có tượng của Ðịa Tạng Vương Bồ Tát thì cứ đối trước tượng của Bồ Tát khác mà cất cao giọng tụng Kinh Ðịa Tạng đủ một biến cũng được.
“Hoặc lấy những vật ưa thích của người bệnh như y phục, đồ quý báu, nhà cửa, ruộng vườn…, đối trước người bệnh lớn tiếng xướng rằng: ‘Chúng con, tên đó họ đó, xin vì người bệnh này—nêu rõ họ tên của bệnh nhân—mà đối trước kinh, tượng, thí xả những vật này …” “Những vật này” tức là những của cải của riêng người bệnh, những thứ mà người bệnh yêu chuộng nhất, luyến tiếc nhất—nhà cửa, ruộng vườn, áo quần, vàng bạc…, nói chung là của cải vật chất của người bệnh.
Thân nhân của người bệnh nên lớn tiếng khấn nguyện rằng: “Chúng con (họ, tên) nay thay mặt người bệnh (họ, tên) mà đối trước Kinh Ðịa Tạng và tượng của Bồ Tát Ðịa Tạng (hoặc tượng của Ðức Phật hay Bồ Tát khác), xin được cúng dường những của cải này để hoặc cúng dường kinh tượng, hoặc tạo hình tượng của Phật, Bồ Tát, hoặc xây dựng chùa tháp, hoặc sắm đèn dầu thắp cúng, hoặc cúng vào Thường Trụ.”
Những người thân thuộc có thể bán đi gia sản của bệnh nhân để lấy tiền mà đúc tượng Phật, tượng Bồ Tát, bởi công đức này là to lớn nhất. Lại nữa, họ cũng có thể dùng tiền ấy để xây chùa dựng tháp, mua dầu đốt đèn thắp cúng trước tượng Phật, hoặc cúng dường cho chùa chiền, tự viện.
“Xướng lên như vậy ba lần cho người bệnh được nghe biết.” Cứ thế mà lập đi lập lại ba lần trước mặt bệnh nhân, và mỗi lần phải chắc chắn là bệnh nhân đều lắng nghe và đều hiểu rõ.
“Giả sử các thức đã phân tán, đến hơi thở đã dứt…” “Các thức” tức là thức mắt (nhãn thức), thức tai (nhĩ thức), thức mũi (tỷ thức), thức lưỡi (thiệt thức), thức thân (thân thức), cùng thức thứ sáu, thức thứ bảy, và thức thứ tám.
Ðặt trường hợp các thức của bệnh nhân lúc bấy giờ đều đã phân tán, bệnh nhân đang hấp hối, sắp trút hơi thở cuối cùng, “thì hoặc một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, cho đến bảy ngày, cứ lớn tiếng xướng bạch và lớn tiếng tụng Kinh.” Trong bảy ngày, ngày nào cũng đều lớn tiếng đọc tụng kinh điển cho người bệnh nghe.
Ðược như thế thì “sau khi người đó mạng chung, thì các tội nặng từ đời trước cho đến năm tội Vô Gián, cũng được thoát khỏi hẳn.” Sau khi người bệnh này chết, thì hết thảy tai ương, hết thảy tai nạn bởi trọng tội trong đời trước của người ấy, thậm chí cả năm tội ác tày trời đáng phải đọa địa ngục Vô Gián cũng đều được tiêu tan, người ấy vĩnh viễn được giải thoát. Chẳng những thế, người ấy “thọ sanh nơi nào cũng thường nhớ biết việc đời trước.”
“Huống nữa là người thiện nam, thiện nữ tự mình biên chép Kinh này, hoặc bảo người biên chép, hoặc tự mình đắp vẽ hình tượng của Bồ Tát, cho đến bảo người khác đắp vẽ, hoặc là trả tiền để mướn người giúp mình đắp vẽ tượng của Bồ Tát, thì quả báo thọ nhận tất được lợi ích lớn, quả báo công đức mà người ấy thu hoạch được thì vô cùng to lớn.”
“Vì thế, Phổ Quảng, nếu thấy có người nào đọc tụng Kinh này—Kinh Ðịa Tạng—cho đến chỉ trong một niệm tán thán Kinh này hoặc tỏ lòng cung kínhđối với Kinh, thì Ông phải dùng trăm ngàn phương tiện khuyến hóa người đó phát lòng siêng năng, tinh tấn dõng mãnh, chứ đừng thối thất, thì sẽ được trăm ngàn vạn ức công đức không thể nghĩ bàn ở hiện tại và vị lai.”
Kinh văn:
“Lại nữa, này Phổ Quảng! Như những chúng sanh ở đời vị lai, hoặc trong mộng trong mị, trông thấy các quỷ thần cùng các hình bóng khác, hoặc buồn bã, hoặc khóc lóc, hoặc rầu rĩ, hoặc than thở, hoặc hãi hùng, hoặc sợ sệt; đây đều là cha mẹ, anh chị em, vợ chồng, quyến thuộc từ một đời, mười đời, trăm đời, hay ngàn đời trong quá khứ, còn đang bị đọa lạc trong ác đạo, chưa được ra khỏi, lại không trông mong vào phước lực nơi nào để cứu vớt, nên mới mách bảo với kẻ có tình cốt nhục trong đời trước, khiến làm phương tiện hầu mong được thoát khỏi ác đạo.
Này Phổ Quảng! Ông nên dùng thần lực khiến hàng quyến thuộc đó đối trước tượng của chư Phật, Bồ Tát, chí tâm tự đọc Kinh này, hoặc thỉnh người khác đọc, đủ số ba biến hoặc bảy biến. Như vậy, kẻ quyến thuộc đang ở trong ác đạo kia, khi tiếng tụng kinh đủ số mấy biến đó xong, sẽ được giải thoát, cho đến trong mộng trong mị không thấy hiện về nữa.”
Lược giảng:
Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni lại gọi Bồ Tát Phổ Quảng mà bảo rằng: “Lại nữa, này Phổ Quảng! Như những chúng sanh ở đời vị lai, hoặc trong mộng trong mị…”
“Mộng” là giấc mộng xảy đến khi chúng ta ngủ say rồi; còn “mị” là lúc chúng ta mới chập chờn, chưa thật sự đi vào giấc ngủ. Không phải là tỉnh hẳn mà cũng không phải là ngủ hẳn, thì gọi là “mị”; nếu hoàn toàn tỉnh táo thì gọi là “ngộ” (thức, tỉnh ngủ) chứ không phải là “mị.” “Giả mị” tức là lúc mắt nhắm lại, lim dim sắp ngủ.
“Mộng” thì có rất nhiều loại:
1) Giấc mộng do tập khí vô minh (Vô minh tập khí mộng). Bởi vô minh nên có thói quen hồ đồ, rồi vì thế mà những việc thấy trong mộng cũng lộn xộn, không mạch lạc rõ ràng, đến khi ngủ dậy thì chẳng còn nhớ gì cả.
2) Giấc mộng báo trước việc lành hay dữ (Thiện ác tiên trưng mộng), cũng gọi là ” giấc mộng dự đoán việc may hoặc rủi (kiết hung dự cáo mộng)” . Ðây là loại mộng báo điềm, mách cho người nằm mộng biết trước là sẽ có chuyện tốt hay xấu, lành hay dữ, may hay rủi, sắp xảy ra.
Có lần, Hư Vân Lão Hòa Thượng mộng thấy Ðức Lục Tổ dạy rằng: “Ông hãy trở về đi! Hãy về bên đó làm một vài công việc!” Lão Hòa Thượng nghe nói như thế thì cứ đinh ninh là mình sắp chết tới nơi rồi, cho nên Lục Tổ mới bảo “trở về”; về sau mới vỡ lẽ là Lục Tổ dặn Ngài đến Nam Hoa Tự để tu bổ chùa chiền! Ðây là thuộc loại mộng báo điềm lành; sự việc chưa xảy ra song Ngài Hư Vân được Ðức Lục Tổ báo mộng, mách bảo cho biết trước.
Có người mộng thấy được mách bảo rằng: “Anh cần phải cẩn thận một chút, coi chừng ngày mai bị đụng xe mà chết đấy!” Anh ta chẳng tin, thế nhưng ngày hôm sau quả nhiên anh ta bị đụng xe mà chết thật! Ðây gọi là “kiết hung tiên trưng mộng,” hoặc “thiện ác tiên trưng mộng,” tức là giấc mộng báo trước việc may rủi, lành dữ sắp xảy ra.
3) Giấc mộng do Tứ Ðại chênh lệch (Tứ Ðại thiên tăng mộng). “Tứ Ðại” là địa (đất), thủy (nước), hỏa (lửa), phong (gió). Theo các sách y học của Trung Hoa thì có bốn trăm bốn mươi (440) chứng bệnh, và tám trăm tám mươi (880) phương thuốc để chữa trị. Kỳ thật, con người có tới tám vạn bốn ngàn (84.000) chứng bệnh, cho nên Ðức Phật mới nói ra tám vạn bốn ngàn (84.000) pháp môn để đối trị tám vạn bốn ngàn chứng bệnh đó.
Khi Tứ Ðại—địa, thủy, hỏa, phong—chênh lệch, tăng giảm không đồng nhau, thì cơ thể sẽ sanh bệnh. Chẳng hạn, nếu “địa” nhiều (“địa” thuộc về “thổ”) thì xung khắc với “thủy,” thế là sanh bệnh; “hỏa” nhiều thì khắc “thủy,” thế là cũng sanh bệnh; “phong” nhiều thì khắc “địa,” thế là cũng sanh bệnh. Những loại bệnh này được gọi là “Tứ Ðại thiên tăng bệnh” (bệnh do Tứ Ðại chênh lệch) hoặc “Tứ Ðại bất điều bệnh” (bệnh do Tứ Ðại không điều hòa). Người bị bệnh do Tứ Ðại mất quân bình cũng có thể nằm mộng, và đó gọi là ” Giấc mộng do Tứ Ðại chênh lệch “.
4) Giấc mộng tìm gặp bạn cũ (Tầm hữu cựu thời mộng). Thế nào gọi là ” Giấc mộng tìm gặp bạn cũ “? Thí dụ trước kia quý vị có quen một người nào đó song đã lâu rồi không gặp mặt, đến lúc chiêm bao thấy người đó tới chơi thì tay bắt mặt mừng, rất là vui vẻ; nhưng sau khi tỉnh giấc mới vỡ lẽ ra tất cả đều là giả—đó gọi là ” Giấc mộng tìm gặp bạn cũ” vậy.
Trên đây là nói về một vài loại “mộng.”
Như vậy, nếu có người nào trong mộng, trong mị, hoặc trong lúc mơ màng sắp ngủ, “trông thấy các quỷ thần cùng các hình bóng khác, hoặc buồn bã, hoặc khóc lóc, hoặc rầu rĩ, hoặc than thở, hoặc hãi hùng, hoặc sợ sệt…” Các quỷ thần này hiện ra với đủ thứ hình tướng kỳ dị—mặt xanh, tóc đỏ, miệng to, răng nanh dài như ngà voi chìa ra khỏi miệng… Ngoài ra, trong cơn mộng mị, người này còn trông thấy vô số hình bóng ma quái đáng sợ khác hiện ra, và khi vừa trông thấy người này thì các bóng ma ấy liền òa khóc tức tưởi, nước mắt nước mũi đầm đìa. Các bóng ma đó dáng điệu rất thiểu não, vừa nhìn là thấy ngay vẻ u ám ủ dột, rầu rĩ không vui, hoặc khiến cho người khác vô cùng kinh hãi. Có bóng ma lại cứ thở dài não nuột: “Ôi chao! Than ôi! Ôi!”
“Ðây đều là cha mẹ, anh chị em, vợ chồng, quyến thuộc từ một đời, mười đời, trăm đời, hay ngàn đời trong quá khứ.” Những quỷ thần hoặc hình bóng lạ mà quý vị thường gặp trong mộng hoặc trong mị có thể là cha mẹ của quý vị trong các đời trước. Cho nên, quý vị phải xem tất cả chúng sanh như là cha mẹ của mình trong đời quá khứ và là chư Phật trong đời vị lai. Và chính vì thế, quý vị cần phải chu toàn hiếu đạo, chớ nên quấy nhiễu, não loạn chúng sanh.
Như vậy, trong mộng hoặc trong mị quý vị có thể thấy vong linh của cha mẹ, anh em, chị em, vợ chồng, hoặc thân bằng quyến thuộc từ nhiều đời trước “còn đang bị đọa lạc trong ác đạo, chưa được ra khỏi.” Vì đã trót gây ra tội lỗi nên họ bị đọa vào các ác đạo—địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh—và cho đến nay vẫn chưa được thoát ra. Thêm vào đó, họ “lại không trông mong vào phước lực nơi nào để cứu vớt.” Các vong linh này lại chẳng có nơi nào để bám víu với hy vọng là sẽ có người lo tụng Kinh và làm việc công đức để giúp cho họ được siêu độ, “nên mới mách bảo với kẻ có tình cốt nhục trong đời trước, khiến làm phương tiện hầu mong được thoát khỏi ác đạo.”
Theo Phật Giáo, tại sao lại có lệ tụng Kinh cho người đã quá vãng và ngay cả người còn sống? Bởi vì trong Kinh Ðịa Tạng đã dạy như thế! “Phước lực” ở đây tức là công đức tụng Kinh. Thế thì, vì những vong linh đó không có nơi nào để kỳ vọng là mình sẽ được cứu vớt, nên họ bèn báo mộng, nói cho những kẻ có tình cốt nhục với họ từ đời trước được biết; cầu mong rằng những người ấy sẽ vì họ mà dùng nhiều phương tiện để làm việc công đức, giúp họ thoát khỏi các ác đạo.
Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni lại gọi: “Này Phổ Quảng! Ông nên dùng thần lực—sức thần thông—khiến hàng quyến thuộc đó đối trước tượng của chư Phật, Bồ Tát, chí tâm tự đọc Kinh này. Ông hãy làm cho thân nhân đời trước của các vong linh đó đem lòng chí thành khẩn thiết mà tự đọc tụng Kinh Ðịa Tạng, hoặc thỉnh người khác đọc.”
Nếu hàng quyến thuộc vì lý do nào đó nên không thể tự đọc tụng được, thì họ có thể bỏ tiền ra nhờ người khác tụng Kinh Ðịa Tạng giúp cho vong linh. Bất luận là ai, người đó đều phải tụng “đủ số ba biến hoặc bảy biến.” “Ba” và “bảy” đều là số dương. Những số 1, 3, 5, 7, 9 đều thuộc dương và là số lẻ; còn những số 2, 4, 6, 8 thì thuộc âm và là số chẵn. Số dương là biểu hiện của sự phá trừ nghiệp tội địa ngục.
“Như vậy, kẻ quyến thuộc đang ở trong ác đạo kia, khi tiếng tụng Kinh đủ số mấy biến đó xong, sẽ được giải thoát, cho đến trong mộng trong mị không thấy hiện về nữa.” Khi tụng xong Kinh Ðịa Tạng, đủ số ba biến hoặc bảy biến, tiếng tụng Kinh vừa dứt thì những vong linh quyến thuộc đang trầm luân trong ác đạo kia cũng đều được giải thoát, và trong mộng lẫn trong mị, quý vị đều vĩnh viễn không còn thấy họ hiện về như thế nữa.
Kinh văn:
“Lại nữa, này Phổ Quảng! Như đời sau có những hạng người hạ tiện, hoặc tớ trai, hoặc tớ gái, cho đến những kẻ không được quyền tự do, rõ biết là do túc nghiệp, cần phải sám hối, bèn chí tâm chiêm lễ hình tượng của Bồ Tát Ðịa Tạng, rồi trong một ngày cho tới bảy ngày niệm danh hiệu của Bồ Tát đủ một vạn biến; những người như thế sau khi mãn báo thân này, trong ngàn vạn đời về sau thường sanh vào nhà tôn quý, không phải trải qua nỗi khổ nơi ba đường ác nữa.”
Lược giảng:
Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni lại gọi Bồ Tát Phổ Quảng: “Lại nữa, này Phổ Quảng! Như đời sau có những hạng người hạ tiện…”
Ðều là con người với nhau tại sao lại có người tôn quý, có người hạ tiện? Do nguyên nhân gì mà người này thì tôn quý, người kia lại hạ tiện? Có năm con đường dẫn tới quả báo hạ tiện; đó là:
1) Kiêu mạn. “Kiêu mạn,” thì kiêu mạn đối với người ngoài là chuyện thường tình, hầu như ai cũng mắc phải; song, ở đây là nói về sự kiêu mạn đối với cha mẹ của mình, không biết kính trọng cha mẹ.
2) Cang cường. “Cang cường,” tức là cứng đầu, bướng bỉnh. Chúng sanh có thói cang cường là những kẻ thiếu lòng thành kính, không kính trọng các bậc sư trưởng, không kính trọng sư phụ; mặc dù các bậc sư trưởng nhọc lòng dạy dỗ, song vẫn không chịu vâng lời.
3) Phóng dật. “Phóng dật” tức là buông tuồng, không tuân giữ quy củ phép tắc. Có nhiều người chẳng những sống phóng dật, không giữ quy củ phép tắc, lại còn không cung kính cả Tam Bảo nữa. Ðây là nhân duyên thứ ba khiến người ta phải sanh vào hàng hạ tiện. “Hạ tiện” (thấp hèn) thường đi đôi với sự nghèo nàn túng thiếu; nếu giàu có thì không hạ tiện, vì nghèo nên mới hạ tiện; cho nên người ta thường nói là “bần cùng hạ tiện.”
4) Trộm cắp (Thâu đạo). Nguyên nhân thứ tư là đời trước thường hay trộm cắp. Có hạng người chuyên lấy việc trộm cắp làm kế sinh nhai, hết tiền thì đi ăn trộm ăn cướp—cướp tiền bạc, hoặc cướp đồ đạc, của cải châu báu,… của người khác đem đi bán; bán được bao nhiêu tiền thì cũng chỉ tiêu xài trong một thời gian ngắn là hết. Họ không làm một công việc gì cả, hằng ngày chỉ rượu chè say sưa, chơi bời lêu lổng, cờ gian bạc lận, nhậu nhẹt hút sách… ; tiêu xài sạch túi rồi thì lại đi cướp nữa, không cần phải làm gì cả; và họ cứ lấy việc trộm cắp để duy trì cuộc sống như thế.
5) Mắc nợ (Phụ trái). Còn nhân tố thứ năm dẫn tới quả báo hạ tiện là gì? Là mắc nợ—mượn tiền của người ta rồi trốn tránh, không chịu trả. Không cần nhiều, cho dù chỉ nợ nần một đồng bạc, chúng ta cũng không được thiếu. Tiền bạc là giả tạm, song có thể được dùng để làm những việc chân thật, thiết thực và hữu ích; do đó chúng ta không nên hoang phí hoặc chi tiêu bừa bãi. Ví dụ, quý vị mượn tiền của người khác rồi không muốn trả, bèn lánh sang nơi khác để trốn nợ, và cho rằng hành động như thế là khôn ngoan, có lợi cho mình. Thật ra, không có lợi chút nào cả, bởi quý vị quỵt tiền của thiên hạ thì sau này, chính mình phải chịu quả báo bần cùng hạ tiện.
Trên đây là năm nhân duyên dẫn tới quả báo làm người hạ tiện.
“Hoặc tớ trai, hoặc tớ gái, cho đến những kẻ không được quyền tự do…” “Không được quyền tự do” có nghĩa là cái thân thể này của mình bị lệ thuộc, mình là kẻ nô lệ và phải nghe theo sự sai khiến của chủ nhân, không được tùy tiện muốn đi đâu thì đi hoặc muốn làm gì thì làm nữa.
“Rõ biết là do túc nghiệp, cần phải sám hối…” Những người mà hiện đời phải thuộc hàng hạ tiện, bị mất tự do, hoặc phải đem thân làm nô tỳ tôi tớ cho kẻ khác, đều là do đời trước họ đã gây ra nghiệp tội rất lớn rất nặng, vì vậy bây giờ họ cần phải thành tâm ăn năn hối cải. Họ có thể lạy Sám Ðại Bi, Sám Tịnh Ðộ, hoặc các loại sám khác, để sám hối các tội lỗi của mình. Tại sao hằng ngày chúng ta đều lạy Sám Ðại Bi? Bởi chúng ta cũng không biết rõ được đời trước mình đã gây ra bao nhiêu nghiệp tội, cho nên lúc nào cũng phải sám hối hết thảy mọi tội lỗi.
“Bèn chí tâm chiêm lễ hình tượng của Bồ Tát Ðịa Tạng, rồi trong một ngày cho tới bảy ngày niệm danh hiệu của Bồ Tát đủ một vạn biến…” Các chúng sanh khốn khổ đó nhờ biết lỗi nên đem lòng thành khẩn thiết tha mà chiêm ngưỡng lễ lạy hình tượng của Ðịa Tạng Vương Bồ Tát; và trong suốt quãng thời gian từ một ngày cho đến bảy ngày, chuyên tâm trì niệm danh hiệu của Ðịa Tạng Vương Bồ Tát được đủ một vạn biến; thì “những người như thế sau khi mãn báo thân này, trong ngàn vạn đời về sau thường sanh vào nhà tôn quý, chẳng phải chịu đựng bao nỗi thống khổ trong ba ác đạo nữa.“
Bần cùng hạ tiện có năm nguyên nhân, thì giàu sang tôn quý cũng có năm nguyên nhân:
-Nguyên nhân thứ nhất là bố thí cúng dường rộng khắp, ban phát ân huệ cho muôn loài; đồng thời đối với người nào cũng bố thí với tâm từ bi bao la rộng lớn.
-Thứ hai, là cung kính cha mẹ, sư trưởng. Chúng ta không được nói những lời phụ bạc như: “Cha tôi sanh ra tôi làm gì? Tôi căm ghét ông ấy!”; cũng không được mắng chửi, trách móc cha mẹ: “Tại sao tôi lại sinh ra trong gia đình này? Thật là khốn nạn mà!”
Ngoài ra, chúng ta cũng không nên có lòng hờn oán hoặc bất mãn đối với những bậc thầy của mình, như nói: “Ông Thầy này thật quá đáng! Ổng cấm đoán tôi đủ thứ, chẳng còn cái gì gọi là tự do cả! Chuyện lớn chuyện nhỏ gì cũng phải nghe theo ổng, thật là bất công!”
Trước mặt thầy thì răm rắp cúi đầu đảnh lễ, nhưng thầy vừa quay lưng là liền nói xấu, chê trách đủ điều; như thế gọi là bất kính với thầy cô, sư trưởng, và đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến quý vị sẽ không được sanh trưởng trong một gia đình dòng dõi tôn quý. Quý vị nói thử xem, có nghiêm trọng hay không chứ? Vì vậy, quý vị chớ nên xét nét xem ông sư phụ này là tốt hay không tốt, rồi lại xầm xì nhỏ to bàn tán; bởi hễ nói ra tức là quý vị có lỗi rồi, sau này tất sẽ không được sanh vào nơi cao sang quyền quý.
Vậy, nhân duyên thứ hai dẫn tới quả báo được sanh vào gia đình tôn quý là biết cung kính cha mẹ và cung kính sư trưởng.
-Thứ ba, là cung kính lễ bái Tam Bảo. Ở trên có nói là do không cung kính Tam Bảo, không lễ bái Tam Bảo nên phải sanh vào hàng hạ tiện; bây giờ nếu biết cung kính Tam Bảo, lễ bái Tam Bảo và cung kính hết thảy các bậc Trưởng Lão, thì sẽ được sanh vào hàng tôn quý.
-Thứ tư, là nhẫn nhục, hòa nhã, khiêm tốn, không sân hận. Nếu bị ai mắng chửi thì quý vị nên tươi tỉnh, bình thản và cần phải nhẫn nại, chớ phiền não gì cả; còn nếu bị người ta đánh đập thì quý vị lại càng phải nhẫn nhục hơn nữa. Quý vị cần phải tu hạnh nhẫn nhục, không nên nuôi lòng sân hận, và cũng đừng nổi nóng. Do đó, muốn đạt được quả báo tốt không phải là chuyện dễ.
-Nguyên nhân thứ năm là gì? Ðó là nghe Kinh Luật nhiều—chăm chỉ nghe Kinh, nghe Pháp, siêng năng học tập Giới Luật.
Do năm nguyên nhân trên mà được sanh làm người thuộc hàng tôn quý, vừa có tiền lại vừa có thế lực. Nếu quý vị hội đủ cả năm nhân tố này thì càng tốt; còn nếu chỉ có được một nhân tố thôi thì cũng được khỏi phải sanh vào gia đình bần cùng hạ tiện. Nói tóm lại, người ta sở dĩ được giàu sang phú quý là nhờ phước báo do sự tu tập từ nhiều đời nhiều kiếp về trước, chứ không phải là đơn thuần nội trong một đời này mà thôi đâu!
“Không phải trải qua nỗi khổ nơi ba đường ác nữa.” Như vậy, người nào hội đủ năm nhân duyên kể trên thì sẽ được trực tiếp sanh vào những gia đình tôn quý và cũng thoát khỏi bao nỗi thống khổ trong ba ác đạo—địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.
Kinh văn:
“Lại nữa, này Phổ Quảng! Như trong đời vị lai, nơi cõi Diêm Phù Ðề, trong hàng Sát Lợi, Bà La Môn, trưởng giả, cư sĩ, tất cả các hạng người và những chủng tộc dòng họ khác, có người nào mới sinh được con trai hoặc con gái, nội trong bảy ngày, sớm vì đứa trẻ đó mà tụng Kinh điển không thể nghĩ bàn này, lại vì đứa trẻ mà niệm danh hiệu của Bồ Tát đủ một vạn biến; thì đứa trẻ mới sinh đó, hoặc trai hoặc gái, nếu đời trước có ương báo thì đều được giải trừ, lại thêm an ổn, vui vẻ, dễ nuôi, thọ mạng tăng trưởng, còn nếu là đứa nương nơi phước lực mà thọ sanh, thì đời nó càng được an vui hơn cùng sống lâu hơn.”
Lược giảng:
Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni lại bảo Bồ Tát Phổ Quảng rằng: “Lại nữa, này Phổ Quảng! Như trong đời vị lai, nơi cõi Diêm Phù Ðề…” Cõi Diêm Phù Ðề còn có tên là Nam Thiệm Bộ Châu, và là một trong bốn châu thuộc Tứ Ðại Bộ Châu. Con người ở Bắc Câu Lô Châu được sinh ra dưới gốc cây, và người mẹ sinh nở rất dễ dàng, giống như con gà đẻ trứng vậy, không đau đớn gì cả; khác hẳn với cõi Nam Diêm Phù Ðề là người mẹ phải chịu nhiều đau đớn. Còn ở Ðông Thắng Thần Châu và Tây Ngưu Hóa Châu thì người ta hoàn toàn không chú trọng đến việc sinh đẻ, mức sanh sản ở đây rất thấp. Ðó là vì lòng dâm dục của con người ở hai châu này rất nhẹ; bởi dục niệm ít cho nên mức độ sanh sản cũng rất thấp. Duy chỉ có chúng sanh ở cõi Nam Diêm Phù Ðề là muốn con cái đông đúc, cho rằng con đàn cháu đống là tốt, mặc dù việc sinh nở vô cùng đau đớn cho người mẹ.
“Trong hàng Sát Lợi, Bà La Môn, trưởng giả, cư sĩ, tất cả các hạng người và những chủng tộc dòng họ khác…”
“Sát Lợi” hay “Sát Ðế Lợi” là một dòng dõi quý tộc ở Ấn Ðộ. “Bà La Môn” cũng là dòng dõi quý tộc, và được gọi là “Tịnh Duệ,” có nghĩa là dòng dõi thanh tịnh, trong sạch. “Trưởng giả” là người giàu có lớn. Ở đây, trưởng giả và cư sĩ là những người có tiền của mà không có lộc vị, vì họ không ra làm quan nên họ có “phú” (giàu) mà không có “quý” (sang). Còn dòng Bà La Môn và Sát Ðế Lợi thì vừa có “quý” lại vừa có “phú.”
Như vậy, ở đời sau, trong toàn thể nhân loại, bao gồm tất cả những người thuộc mọi quốc gia và mọi chủng tộc, giả sử “có người nào mới sinh được con trai hoặc con gái…” Ở cõi Diêm Phù Ðề của chúng ta thì người mẹ phải chịu nhiều đau đớn khi sinh nở, lắm lúc còn nguy hiểm tới tánh mạng, đặc biệt là trong các trường hợp sanh khó như đẻ ngang, đẻ ngược. “Ðẻ ngang” tức là đứa bé ra đời trong tư thế nằm ngang (mông đít ra trước); còn “đẻ ngược” tức là đứa bé được sanh ra trong tư thế lộn ngược (hai chân ra trước). Lại có một trường hợp sanh nở khác cũng rất khó khăn, đó là một chân của đứa bé thò ra trước. Ngoài ra, có trường hợp sanh khó gọi là “bàn tràng” (nhao quấn), tức là khi đứa bé lọt lòng mẹ thì kéo cả dạ con của người mẹ ra theo.
Các trường hợp sanh khó thì rất nhiều, tuy nhiên, cho dù khó khăn trắc trở thế nào chăng nữa, nếu trước khi sanh, “nội trong bảy ngày, sớm vì đứa trẻ đó mà tụng Kinh điển không thể nghĩ bàn này—Kinh Ðịa Tạng, lại vì đứa trẻ mà niệm danh hiệu của Bồ Tát—Nam mô Ðại Nguyện Ðịa Tạng Vương Bồ Tát—đủ một vạn biến, thì đứa trẻ mới sinh đó, hoặc trai hoặc gái, nếu đời trước có ương báo—nghiệp tội, quả báo xấu ác—thì đều được giải trừ, lại thêm an ổn, vui vẻ, dễ nuôi, thọ mạng tăng trưởng.”
“Còn nếu là đứa nương nơi phước lực mà thọ sanh, thì đời nó càng được an vui hơn cùng sống lâu hơn.” Giả sử đứa bé sơ sinh đó không có tội báo, được sinh ra là nhờ ở phước báo, thì đời của đứa bé đó càng được an lạc và thọ mạng càng lâu dài hơn.
Cho nên, cái khổ cái sướng của đời người thì không nhất định, tuổi thọ của con người cũng chẳng có gì nhất định cả. Như có người được thầy tướng số đoán là chỉ sống đến ba mươi tuổi, thế mà đến bốn mươi tuổi anh ta vẫn còn sống nhăn; vì sao? Bởi vì thọ mạng của con người thì linh động, chứ không cứng nhắc cố định—nếu quý vị làm việc tốt thì thọ mạng của quý vị được lâu dài hơn, còn làm việc xấu thì tuổi thọ bị thu ngắn lại. Do đó, hết thảy mọi việc đều không có gì là nhất định cả.
Như trong Kinh đã nói, một người vốn đã gây nhiều tội lỗi, sanh ra trong đời này đáng phải gánh chịu nhiều đau khổ, thế nhưng, nhờ được người khác đọc tụngKinh Ðịa Tạng và niệm danh hiệu của Bồ Tát Ðịa Tạng để trợ giúp cho, nên bao nhiêu thống khổ người ấy đáng phải nhận lãnh đều được tiêu tan. Chẳng những thế, người ấy sẽ là một đứa bé vui vẻ, dễ nuôi, tuổi thọ cũng gia tăng. Từ những điều này, quý vị có thể suy biết rằng đời người chẳng có gì là nhất định—tất cả đều tùy theo cách hành xử của chính mình mà thôi!
Kinh văn:
“Lại nữa, này Phổ Quảng! Trong mỗi tháng, ngày mùng một, mùng tám, mười bốn, mười lăm, mười tám, hăm ba, hăm bốn, hăm tám, hăm chín và ba mươi là những ngày kết tập các nghiệp tội, thẩm định nặng nhẹ. Tất cả mọi cử chỉ, động niệm của chúng sanh trong cõi Nam Diêm Phù Ðề không chi là không nghiệp, không chi là không tội, huống hồ là buông lung giết hại, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, trăm ngàn tội trạng.
Nếu sau này trong đời vị lai, có chúng sanh nào trong mười ngày trai này có thể đối trước hình tượng của Phật, Bồ Tát, cùng chư Hiền Thánh mà đọc tụng Kinh này một biến, thì chung quanh chỗ người đó ở, bốn hướng Ðông Tây Nam Bắc, trong khoảng một trăm do-tuần, sẽ không có các tai nạn. Còn ở chính nhà của người đó, hoặc già hoặc trẻ, về hiện tại và vị lai, trong trăm ngàn năm được vĩnh viễn xa lìa ác đạo.
Nếu trong mười ngày trai này có thể mỗi ngày đều tụng một biến thì ngay đời hiện tại, những người trong nhà không bị tai ương hoặc bệnh tật, đồ ăn đồ mặc lại được dư dật.”
Lược giảng:
Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni lại bảo Bồ Tát Phổ Quảng rằng: “Lại nữa, này Phổ Quảng! Trong mỗi tháng, ngày mùng một, mùng tám, mười bốn, mười lăm, mười tám, hăm ba, hăm bốn, hăm tám, hăm chín và ba mươi là những ngày kết tập các nghiệp tội, thẩm định nặng nhẹ.”
Mỗi tháng, cứ vào mười ngày—mùng một, mùng tám, mười bốn, mười lăm (rằm), mười tám, hăm ba, hăm bốn, hăm tám, hăm chín và ba mươi là tất cả quỷ thần đều tụ họp lại để điều tra tội lỗi của chúng sanh, cho nên mười ngày này chính là những ngày xét xử nghiệp tội. “Kết tập các nghiệp tội” tức là đắn đo cân nhắc tội lỗi của mỗi người, xét xem người này phạm bao nhiêu tội, người kia gây bao nhiêu lỗi. “Thẩm định nặng nhẹ” tức là đưa ra phán quyết, định tội người này nặng như thế nào hoặc tội người kia nhẹ ra sao.
“Tất cả mọi cử chỉ, động niệm của chúng sanh trong cõi Nam Diêm Phù Ðề không chi là không nghiệp, không chi là không tội, huống hồ là buông lung giết hại, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, trăm ngàn tội trạng.”
“Cử chỉ động niệm”—”cử” tức là “động,” và “chỉ” tức là “tĩnh”—trong cả “động” lẫn “tĩnh” đều sanh khởi cái niệm nghĩ suy, mà những niệm này không có cái nào không là tội lỗi cả. Tất cả mọi cử chỉ động niệm của chúng sanh trong cõi Nam Diêm Phù Ðề (tức Nam Thiệm Bộ Châu) đều là tội lỗi—dấy động cái niệm này là nghiệp tội, dấy động cái niệm kia cũng là nghiệp tội—không gì là không nghiệp, không gì là không tội cả. Dù cho quý vị không có hành động sát sanh hại mạng, nhưng chỉ khởi tâm động niệm, dấy lên cái ý muốn sát hại thôi thì cũng đủ để tạo nghiệp tội rồi, huống chi là lại tự ý làm càn, cố tình giết hại chúng sanh?
Trộm cắp đồ vật và tà dâm đều là những hành vi bất chánh. Ðối với đa số người Tây phương thì tà dâm không phải là một vấn đề nghiêm trọng lắm, nhưng trong kinh sách nhà Phật thì đã nói ngay từ đầu: Phạm tà dâm thì mang tội rất lớn, bởi “vạn ác dâm vi thủ” (trong vạn điều xấu thì dâm dục đứng hàng đầu).
“Vọng ngữ” là nói những lời huênh hoang, dối trá, không thật.
Trên đây chỉ kể ra một vài tội trạng đại khái như thế thôi, nếu kê khai cho tường tận thì có đến cả trăm ngàn vạn thứ.
“Nếu sau này trong đời vị lai, có chúng sanh nào trong mười ngày trai này có thể đối trước hình tượng của Phật, Bồ Tát, cùng chư Hiền Thánh mà đọc tụng Kinh này—Kinh Ðịa Tạng—một biến, thì chung quanh chỗ người đó ở, bốn hướng Ðông Tây Nam Bắc, trong khoảng một trăm do-tuần, sẽ không có các tai nạn.”
“Trai” có nghĩa là “tịnh,” tức là chay tịnh. “Mười ngày trai” tức là vào những ngày này thì chỉ ăn những thứ thanh tịnh, sạch sẽ; tuyệt đối không ăn những thức ăn có mùi tanh như thịt, cá … và những thứ có mùi hôi nồng như hành, hẹ, tỏi, nén …
“Do-tuần” là đơn vị đo chiều dài của Ấn Ðộ; và được phân làm đại, trung và tiểu do-tuần. Một đại do-tuần tương đương với tám mươi dặm (lý), một trung do-tuần là sáu mươi dặm (lý), và một tiểu do tuần là bốn mươi dặm (lý).
“Còn ở chính nhà của người đó, hoặc già hoặc trẻ, về hiện tại và vị lai, trong trăm ngàn năm được vĩnh viễn xa lìa ác đạo.” Ngoài ra, tất cả những người đang sống trong nhà người tụng Kinh Ðịa Tạng đó, bất luận là người lớn hay trẻ con, người già hay người trẻ, ngay trong đời này hoặc trăm ngàn năm về sau, sẽ thoát khỏi hẳn mọi quả báo của các chốn địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và A Tu La.
“Nếu trong mười ngày trai này có thể mỗi ngày đều tụng một biến thì ngay đời hiện tại, những người trong nhà không bị tai ương hoặc bệnh tật, đồ ăn đồ mặc lại được dư dật.” Trong suốt mười ngày trai của mỗi tháng kể trên nếu quý vị đều đặn tụng mỗi ngày một biến Kinh Ðịa Tạng, thì ngay đời này có thể khiến cho gia đình của quý vị được đồ ăn đồ mặc sung túc, không ai bị gặp chuyện rủi ro, cũng không ai bị ốm đau bệnh hoạn.
Kinh văn:
“Vì thế Phổ Quảng, nên biết rằng Ðịa Tạng Bồ Tát có trăm ngàn vạn ức không thể nói hết sự đại oai thần lực lợi ích như thế.
Chúng sanh trong cõi Diêm Phù có đại nhân duyên với vị Ðại Sĩ này. Nếu những chúng sanh đó được nghe danh của Bồ Tát, thấy tượng của Bồ Tát, cho đến được nghe chừng ba chữ hoặc năm chữ trong Kinh này, hoặc một bài kệ hay một câu, thì hiện tại được sự an vui thù thắng vi diệu, và trăm ngàn vạn đời về vị lai thường được đoan chánh, sanh vào nhà tôn quý.”
Lược giảng:
Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni lại bảo Bồ Tát Phổ Quảng rằng: “Vì thế Phổ Quảng, nên biết rằng Ðịa Tạng Bồ Tát có trăm ngàn vạn ức không thể nói hết sự đại oai thần lực lợi ích như thế.” Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát có sức oai thần vĩ đại, có thể đem lại trăm ngàn vạn ức sự lợi ích cho chúng sanh, số nhiều đến không thể kể xiết.
Ðức Phật nói tiếp: “Chúng sanh trong cõi Diêm Phù có đại nhân duyên với vị Ðại Sĩ này.” Tất cả chúng ta đều có nhân duyên rất lớn với Ðại Sĩ Ðịa Tạng Vương Bồ Tát.
Quý vị thử nghĩ xem, Phật Giáo Trung Hoa được truyền bá đến nước Mỹ, thì Bồ Tát Ðịa Tạng cũng đến theo và hiện giờ Ngài là bạn đồng tu của quý vị, trợ giúp quý vị trong việc tu tập; đây quả là một nhân duyên vô cùng lớn lao. Thứ “đại nhân duyên” này không phải là đại nhân duyên mới kết trong đời hiện tại, mà là đại nhân duyên đã có sẵn từ nhiều đời nhiều kiếp về trước.
“Nếu những chúng sanh đó được nghe danh của Bồ Tát, thấy tượng của Bồ Tát, cho đến được nghe chừng ba chữ hoặc năm chữ trong Kinh này…”Tất cả chúng sanh chúng ta đều có nhân duyên với Bồ Tát Ðịa Tạng, cho nên nếu chúng ta được nghe đến danh hiệu của Ngài, hoặc được thấy hình tượng của Ngài, thậm chí chỉ được nghe tới ba tiếng “Kinh Ðịa Tạng” mà thôi, thì cũng phá trừ được Tam Hoặc rồi!
Tam Hoặc là gì? Ðó là ba loại mê hoặc—thô hoặc, tế hoặc, trần sa hoặc; và cũng chính là kiến hoặc, tư hoặc, vô minh hoặc. “Kiến hoặc” tức là “thô hoặc”; “tư hoặc” tức là “tế hoặc”; và “vô minh hoặc” chính là “trần sa hoặc.” Chỉ cần nghe được ba tiếng “Kinh Ðịa Tạng” thì quý vị có thể phá được ba mối “hoặc” này, và cũng có thể tiêu trừ được ba mối chướng ngại—nghiệp chướng, báo chướng và phiền não chướng.
Nghe giảng đến đây thì thế nào cũng có người thắc mắc: “Tôi đã nghe kinh nghe kệ lâu rồi, nhiều lắm rồi, nhưng vẫn chưa dẹp trừ được mối chướng ngại nào cả. Tôi vẫn còn nhiều phiền não, tánh tình vẫn còn nóng nảy, vẫn chứng nào tật nấy như hồi chưa hề nghe kinh vậy. Tôi cảm thấy các chướng ngại của mình vẫn còn nguyên vẹn!”
Nếu quý vị cảm thấy các chướng ngại của mình chưa được tiêu trừ, đó là dấu hiệu cho thấy rằng quý vị có ý muốn trừ khử chúng; bởi nếu quý vị cảm thấy chưa muốn tiêu trừ chúng tức là quý vị hoàn toàn không biết rằng mình có nghiệp chướng, báo chướng và phiền não chướng hay không! Trước kia, lúc còn phiền não chướng, quý vị coi phiền não như là báu vật vậy, không hề có ý muốn vứt bỏ; thế mà bây giờ quý vị cảm thấy không bị mất mát, như vậy tức là quý vị đã bắt đầu không còn phiền não nữa rồi!
Ngoài ra, nghe được “ba chữ” trong Kinh Ðịa Tạng, quý vị có thể thành tựu được Tam Trí—Ðạo Chủng Trí, Nhất Thiết Trí và Nhất Thiết Chủng Trí; và cũng có thể chứng được Tam Ðức—Pháp Thân Ðức, Bát Nhã Ðức và Giải Thoát Ðức.
Lại nữa, nếu quý vị được nghe chừng “năm chữ” của Kinh Ðịa Tạng thì có thể phá được Năm Chỗ Trụ Phiền Não (Ngũ Trụ Phiền Não) của mình. Năm Chỗ Trụ Phiền Não là gì? Ðó là:
1) Chỗ trụ phiền não do cái thấy sanh yêu thích (Kiến ái trụ phiền não). Do “kiến” (cái thấy) mà nảy sanh lòng yêu thích (ái tâm)—thấy cái gì thì sanh tâm yêu thích và chấp trước vào cái đó.
2) Chỗ trụ phiền não do dục vọng sanh yêu thích (Dục ái trụ phiền não). Hễ có dục vọng là có phiền não, do vậy có yêu thích là có phiền não; nếu không có yêu thì cũng không có ghét, và như thế thì sẽ không có phiền não. Ðó là “vô ái, vô tằng, vô phiền não.”
3) Chỗ trụ phiền não do sắc trần sanh yêu thích (Sắc ái trụ phiền não). “Sắc ái trụ” là đối với sắc trần còn sanh tâm chấp trước.
4) Chỗ trụ phiền não do vô sắc trần sanh yêu thích (Vô sắc ái trụ phiền não). Sanh đến cõi trời Vô Sắc Giới Thiên thì vẫn còn một thứ phiền não—vô sắc ái trụ phiền não.
5) Chỗ trụ phiền não do vô minh (Vô minh trụ phiền não).
Nếu được nghe Kinh Ðịa Tạng thì có thể phá Năm Chỗ Trụ Phiền Não (Ngũ Trụ Phiền Não), ra khỏi năm ngả luân hồi. Luân hồi vốn có sáu ngả, nhưng vì loài A Tu La ở tản mác trong các ngả đường kia cho nên nói là năm ngả luân hồi (Ngũ Ðạo).
Lại có thể vun trồng Ngũ Căn, rồi từ Ngũ Căn mà sinh trưởng Ngũ Lực. Ngũ Căn tức là Tín Căn, Tấn Căn, Niệm Căn, Ðịnh Căn và Huệ Căn—Tín, Tấn, Niệm, Ðịnh, Huệ. Ngũ Lực là gồm có Tín Lực, Tấn Lực, Niệm Lực, Ðịnh Lực và Huệ Lực.
Quý vị nghe Kinh Ðịa Tạng lại cũng có thể thành tựu được Ngũ Phần Pháp Thân. Ngũ Phần Pháp Thân là gì? Ðó là Giới, Ðịnh, Huệ, Giải Thoát và Giải Thoát Tri Kiến. Một khi ngay cả “tri kiến” cũng giải thoát được rồi thì có thể đắc Ngũ Phần Pháp Thân này.
“Hoặc một bài kệ hay một câu.” Nếu nghe và thâm nhập được các đạo lý của một bài kệ thì có thể “nhất môn siêu xuất,” bước vào con đường trang nghiêm, kỳ diệu. Nếu lãnh hội được đạo lý của một câu kinh, thì quý vị có thể “nhất tánh viên minh,” tánh hải tròn sáng viên dung. Những đạo lý này ý nghĩa rất dông dài, có rất nhiều điều cần phải giải thích, cho nên tôi chỉ nêu ra những danh từ để quý vị nghe cho biết thôi, khi nào có cơ hội thì tôi sẽ giảng cặn kẽ hơn.
“Thì hiện tại được sự an vui thù thắng vi diệu, và trăm ngàn vạn đời về vị lai thường được đoan chánh, sanh vào nhà tôn quý.” Ngay trong đời hiện tại, quý vị sẽ được hưởng sự yên vui, sung sướng lạ thường. Chẳng những như thế mà ngay cả về sau, trong suốt cả trăm ngàn vạn đời, quý vị sẽ luôn luôn có được tướng mạo đoan chánh, trang nghiêm.
Có rất nhiều người tướng mạo không được đoan chánh. “Không đoan chánh” tức là những trường hợp có đầu như đầu khỉ, mặt như mặt ngựa, mắt như mắt chuột. Người Trung Hoa có câu nói:
Ðầu thỏ, mắt rắn, tai chuột, má ưng.”
(Thố đầu, xà nhãn, thử nhĩ, ưng tai.)
Có nghĩa là người mà đầu có hình thù giống như đầu thỏ, mắt như mắt rắn, tai giống tai chuột, má giống má của chim ưng—những người như thế là có tướng mạo không đoan chánh. Con người mà có nhiều tướng súc sanh tập trung lại, biến thành một cái tướng mạo, thì đó là không tốt, không đoan chánh.
Như thế, nhờ được nghe tới Kinh Ðịa Tạng mà đời sau tướng mạo của quý vị sẽ được đoan chánh, và được sanh trưởng trong những gia đình nếu không là quan quyền chức tước thì cũng là phú hộ giàu có. Ở đây nói tới “quan quyền, phú hộ” thì đó chẳng phải là một thứ chủ nghĩa phong kiến sao? Không hẳn như thế! Những người giàu sang phú quý đề cập ở đây là những người có đức hạnh—nhờ có đức hạnh mới được giàu sang. Những người không có đức hạnh thì bị bần cùng hạ tiện, và đó là do họ đã từng chê bai, hủy báng Tam Bảo; còn những người có đức hạnh thì được sanh vào nhà tôn quý.
Kinh văn:
Lúc đó, Bồ Tát Phổ Quảng nghe Ðức Phật Như Lai xưng dương tán thán Bồ Tát Ðịa Tạng xong, liền quỳ xuống chắp tay mà bạch cùng Ðức Phật rằng: “Bạch Ðức Thế Tôn! Từ lâu con đã biết vị Ðại Sĩ này có thần lực không thể nghĩ bàn cùng đại thệ nguyện lực như thế rồi, song vì muốn cho chúng sanh đời sau rõ biết sự lợi ích, nên con mới thỉnh vấn Ðức Như Lai. Vâng, con xin cung kính lãnh thọ. Bạch Ðức Thế Tôn! Kinh này đặt tên là gì và định cho con lưu hành rộng ra như thế nào?”
Ðức Phật bảo Ngài Phổ Quảng: “Kinh này có ba danh hiệu: Một là Ðịa Tạng Bổn Nguyện, cũng gọi là Ðịa Tạng Bổn Hạnh, cũng gọi là Ðịa Tạng Bổn Thệ Lực Kinh. Do vì Bồ Tát này từ thuở kiếp lâu xa đến nay từng phát đại trọng nguyện làm lợi ích cho chúng sanh, cho nên các Ông phải y theo tâm nguyện mà lưu hành rộng ra.”
Ngài Phổ Quảng nghe xong liền cung kính chắp tay làm lễ mà lui ra.
Lược giảng:
Lúc đó, Bồ Tát Phổ Quảng nghe Ðức Phật Như Lai xưng dương tán thán Bồ Tát Ðịa Tạng xong, liền quỳ xuống …
“Hồ quỵ” (có kinh viết là “hỗ quỵ”) tức là tư thế “hữu tất trước địa”—đầu gối chân phải khuỵu xuống sát đất, gối trái không quỳ. Chúng ta bây giờ quỳ cả hai đầu gối xuống đất mà tụng Kinh, tư thế này gọi là “trường quỵ” (quỳ dài). “Trường quỵ” thì không đến nỗi khó khăn lắm. “Hồ quỵ” thì tương đối khó khăn hơn; do đó Ðức Phật cho phép người nữ được “trường quỵ” còn người nam thì phải “hồ quỵ.”
Hiện nay, Phật Giáo Tiểu Thừa ở Thái Lan, Miến Ðiện, khi tân Tỳ Kheo gặp Lão Tỳ Kheo thì đều phải “hồ quỵ,” đầu gối chân phải quỳ xuống chạm đất. Còn Sa Di trông thấy Tỳ Kheo thì không được ngước nhìn mà phải cúi đầu xuống. Theo lệ, trong khi “hồ quỵ” thì đầu phải cúi thấp, không được tùy tiện nhìn ngó bậc Trưởng Lão. Bất luận là nam hay nữ, tất cả đều phải như vậy, không được nhìn ngó đăm đăm.
Bấy giờ, Bồ Tát Phổ Quảng quỳ xuống rồi cung kính chắp tay mà bạch cùng Ðức Phật rằng: “Bạch Ðức Thế Tôn! Từ lâu con đã biết vị Ðại Sĩ này có thần lực không thể nghĩ bàn cùng đại thệ nguyện lực như thế rồi, song vì muốn cho chúng sanh đời sau rõ biết sự lợi ích, nên con mới thỉnh vấn Ðức Như Lai. Con nay bạch hỏi Phật chính là vì muốn giáo hóa chúng sanh trong đời vị lai, làm cho tất cả đều biết đến lợi ích do Ðịa Tạng Vương Bồ Tát ban bố.
“Vâng, con xin cung kính lãnh thọ. Nay con khao khát mong được nghe lời giáo huấn của Phật. Bạch Ðức Thế Tôn! Kinh này đặt tên là gì và định cho con lưu hành rộng ra như thế nào? Ðức Thế Tôn định cho con cùng các Bồ Tát khác lưu thông phân bố bộ Kinh Ðịa Tạng này như thế nào?” Thế nào gọi là “lưu hành rộng ra”? Nếu bây giờ chúng ta đem bộ Kinh này in ra thành nhiều bản rồi đem phổ biến khắp nơi để cho mọi người đều biết đến, thì đó gọi là “lưu hành rộng ra” vậy.
Ðức Phật bảo Ngài Phổ Quảng: “Kinh này có ba danh hiệu: Một là Ðịa Tạng Bổn Nguyện, cũng gọi là Ðịa Tạng Bổn Hạnh, cũng gọi là Ðịa Tạng Bổn Thệ Lực Kinh.”
Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni bảo Bồ Tát Phổ Quảng rằng bộ Kinh này có ba danh hiệu:
1) Ðịa Tạng Bổn Nguyện Kinh, nghĩa là bộ Kinh nói về nguyện lực vốn sẵn có từ trước của Ðịa Tạng Bồ Tát;
2) Ðịa Tạng Bổn Hạnh Kinh, đây là tên thứ hai của bộ Kinh và có nghĩa là Kinh nói về hạnh lực tu hành từ trước của Ðịa Tạng Vương Bồ Tát;
3) Ðịa Tạng Bổn Thệ Lực Kinh, đây là tên thứ ba của bộ Kinh và có nghĩa là Kinh nói về thệ nguyện lực mà Ðịa Tạng Vương Bồ Tát đã phát trước đây.
“Do vì Bồ Tát này từ thuở kiếp lâu xa đến nay từng phát đại trọng nguyện làm lợi ích cho chúng sanh.” Tại sao bộ Kinh này có những danh hiệu như trên? Bởi vì từ rất lâu xa về trước, Ðịa Tạng Vương Bồ Tát đã lập trọng nguyện rộng lớn, muốn làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh. Vì thế, tôi nói cho quý vị biết, thực hành Bồ Tát Ðạo tức là việc gì có lợi cho chúng sanh thì mình cần phải làm, còn việc gì có hại cho chúng sanh thì mình dứt khoát không nên làm. Nếu gặp việc hữu ích thì cho dẫu có kẻ cần đến cái đầu của mình, mình cũng sẵn sàng tặng cho họ; trái lại, nếu là việc có hại cho kẻ khác thì xin chỉ một sợi lông mình cũng tuyệt đối không cho! Cho nên, chúng ta cần phải theo đúng nguyện lực mà làm.
Ðức Phật dạy tiếp: “Cho nên các Ông phải y theo tâm nguyện mà lưu hành rộng ra. Các Ông phải y theo nguyện lực của Ðịa Tạng Vương Bồ Tát để lưu hành, truyền bá rộng rãi bộ Kinh Ðịa Tạng, đồng thời cũng y theo nguyện lực của riêng mỗi vị Bồ Tát trong các Ông mà lưu thông phân bố bộ Kinh này đến khắp nơi.“
Ngài Phổ Quảng nghe xong liền cung kính chắp tay làm lễ mà lui ra. Sau khi Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni dứt lời, Bồ Tát Phổ Quảng bèn chắp tay, mắt hướng nhìn về phía Ðức Phật mà cung kính đảnh lễ, rồi đứng sang một bên.
__________
page 424-496—het pham thu sau
You must be logged in to post a comment.