Ðại Phật Ðảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh.

Ðường Trung Thiên Trúc Sa môn Bát Thích Mật Ðế dịch.

Ô Trường quốc Sa môn Di Già Thích Ca dịch ngữ.

La Phù sơn Nam Lâu tự Sa môn Hoài Ðịch chứng thích.

Hòa Thượng Tuyên Hóa Lược Giảng.

Phần Mở Ðầu

Lời Tựa Của Ban Biên Tập

Tựa 2 – Kinh Lăng-Nghiêm Là Chơn Thân Phật

Tựa 3 – KINH “LĂNG-NGHIÊM” CÒN THÌ PHẬT PHÁP CÒN

Tựa 4 – KIẾM CHÉM MA, GẬY HÀNG MA, KÍNH CHIẾU YÊU CỦA PHẬT GIÁO

Giải Thích Tên Kinh

 

Lời Tựa Của Ban Biên Tập

 

Kinh Lăng Nghiêm là bộ kinh “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật.” Năm 1968, tại Giảng Đường Phật Giáo ở thành phố San Francisco (Cựu Kim Sơn), Hoa Kỳ, Tuyên Công Thượng Nhân mở khóa hè “Lăng Nghiêm Giảng Tu” trong 96 ngày, giảng thuật trọn bộ Kinh Lăng Nghiêm cho hơn 30 sinh viên đại học Hoa Kỳ. Đây là bước đầu hoằng pháp tại Tây Phương của Thượng Nhân.

Nội dung nghiên cứu tu học bao gồm Kinh Tiền Huyền Đàm, A Nan Thị Đọa, Ba Lần Phá Thức, Mười Phen Hiển Kiến, Tứ Khoa Thất Đại, Tùng Căn Giải Kết, Chương Hai Mươi Lăm Vị Thánh Sở Chứng Viên Thông, Bốn Loại Thanh Tịnh Minh Hối, Lăng Nghiêm Thần Chú, Thập Nhị Loại Sanh, Lịch Vị Tu Chứng, Thất Thú, Năm Mươi Ấm Ma v.v…, dạy cho chúng ta nhập đạo từ căn bản, từ tự tánh tu tự tánh; với mục đích dứt trừ vọng tưởng điên đảo của mỗi người trong chúng ta, phá tà hiển chánh, bỏ bến mê mà quay về bờ giác.

Trong khóa “Lăng Nghiêm Giảng Tu” này, mỗi ngày từ sáu giờ sáng đến chín giờ tối, Thượng Nhân ban đầu giảng kinh mỗi ngày một thời, sau đó từ từ tăng thêm thành hai thời, ba thời, thậm chí đến bốn thời mỗi ngày; các học viên đều thực tập tu hành ngồi thiền. Sau thời giảng kinh, Thượng Nhân cho các học viên cùng nhau thảo luận để thâm nhập kinh nghĩa, rồi Ngài giải đáp những điều mà đại chúng còn nghi ngờ, đồng thời chỉ dạy, nhấn mạnh thêm về phương cách thiền tọa. Sự chú trọng đồng đều về cả “giải” và “hành” (hiểu rõ và thực hành), giáo pháp dung hợp việc nghiên cứu thảo luận kinh điển với thực hành tu thiền, là phương pháp sáng tạo đầu tiên tại thế giới phương Tây.

Vì muốn cho học sinh chuyên tâm học tập, ngoài việc giảng kinh mỗi ngày từ ba tới bốn thời, Thượng Nhân còn đảm nhận hết mọi công việc lớn nhỏ trong chùa, ngay cả các việc mua rau cải, nấu ăn, quét dọn…, tất cả đều do Thượng Nhân một mình gánh vác. Chính tinh thần “vì Pháp quên mình” này đã khiến cho các học viên lúc bấy giờ đều cảm động, thậm chí phát tâm xuất gia; và người ngày nay nghe đến đều sanh lòng kính phục không thôi.

Nhận thấy học viên đến nghe Pháp phần nhiều là những thanh niên người phương Tây còn sơ cơ và tiếng Trung Hoa không phải là tiếng mẹ đẻ của họ, cho nên Thượng Nhân đã đi ngược lại phương thức giảng kinh của chư đại đức xưa nay, sửa đổi câu văn thành đơn giản, dễ hiểu, và lần lượt phân tích giảng dịch từng câu. Ngài dạy cho người Tây phương học và thâm hiểu ngữ pháp Trung Hoa, rồi phân tích để thấy được điểm tinh túy của Phật Pháp–đây gọi là “thâm nhập nhi thiển xuất,” hiểu biết sâu xa mà nói ra dễ hiểu. Ngài hy vọng độc giả Trung Văn khéo tự mình thể hội kinh nghĩa, chớ vì sự phức tạp hay dễ hiểu của văn tự mà bỏ mất nghĩa lý tinh thâm; đồng thời cũng mong có thể phát huy giáo pháp một cách quang minh chánh đại, khiến cho bộ Kinh Lăng Nghiêm được lưu truyền rộng rãi, để người học Phật sau này có chỗ nương theo, ngõ hầu Chánh Pháp được trụ thế lâu dài.

Trong bản “Kinh Lăng Nghiêm Thiển Thích” phát hành từ lần kết tập thứ nhất, do nhiều chỗ biên tập không được thỏa đáng, nguyên văn và ý nghĩa thâm sâu những lời khai thị của Thượng Nhân bị sửa đổi ít nhiều. Nhằm cải chánh những sai sót, Thượng Nhân dạy phải biên tập lại văn bản mới, vì thế mà có lần kết tập thứ hai này. Trải qua nhiều năm,  cùng với sự hỗ trợ của các đạo tràng chi nhánh hải ngoại, nguồn nhân lực có hạn của Ban Biên Tập đã biên tu phần thiển thích của Thượng Nhân. Từ việc nghe lại những băng ghi âm lời giảng kinh đương thời của Ngài, đến sao chép tỉ mỉ, thậm chí nhuận sắc những lời giảng giải một cách cẩn thận, đều với mong muốn khôi phục lại nguyên trạng, bảo toàn được tinh túy, để thuận tiện cho người đời nay duyệt đọc.

Do lúc bấy giờ các thiết bị ghi âm còn hạn chế, nên những bài giảng của Thượng Nhân ghi âm lại không được hoàn mỹ, nếu y theo đó mà kết tập, e khó tránh khỏi nhiều sai sót. Cho nên vào những thập niên 70, 80, 90, chúng tôi đã mấy lần thỉnh cầu Thượng Nhân giảng bổ sung nhiều tiểu đoạn để văn bản được hoàn chỉnh hơn. Ngoài ra, vào khoảng năm 1987, 1988, Thượng Nhân từng chủ trì các buổi giảng theo phong cách “Chủ Quan Trí Năng Suy Động Lực,” hầu giới thiệu với mọi người cũng như hàng đệ tử về phương thức phát huy não lực, tập trung trí huệ để nghiên cứu Kinh Lăng Nghiêm–mỗi người tự mình giảng nghĩa hoặc phê bình, đưa ra những ý kiến độc đáo, nghĩa lý đặc sắc, và Thượng nhân thì phân tích, bình giảng làm nổi bật các điểm trọng yếu. Đây có thể gọi là thời “học phong đỉnh thạnh.” Đáng tiếc là lúc bấy giờ, công việc chỉ tiến hành đến hết quyển một thì dừng lại. Lại nữa, Thượng Nhân cũng chủ trì “Hội phiên dịch, nghiên cứu Ngũ Thập Ấm Ma” tại Vạn Phật Thánh Thành và Kim Luân Thánh Tự. Về sau, do bôn ba khắp nơi để hoằng truyền Phật Pháp, cứu thế độ nhân, nên thể lực của Thượng Nhân khó tránh khỏi bị hao mòn suy kiệt, vì thế mà Ngài không thể đích thân chủ trì các khóa trình này được nữa.

Để tránh bỏ sót những lời dạy quý giá, ấn bản mới này không chỉ dung nhập phần giảng bổ sung với văn nghĩa, mà còn có thêm phần phụ lục gồm lời bình giảng, phân biệt giải thích của Thượng Nhân trong “Chủ Quan Trí Năng Suy Động Lực” và “Hội phiên dịch, nghiên cứu Ngũ Thập Ấm Ma.” Nếu có sự trùng lặp thì chúng tôi đem dung nhập với nguyên bản văn nghĩa–giống nhau thì bỏ bớt, thiếu sót thì thêm vào. Nếu có giải thích hoặc diễn giảng mới lạ thì không để chung mà đưa vào phần sau của mỗi đoạn, đồng thời chú thích cặn kẽ để tiện cho việc tham khảo.

Lại nữa, bản “Kinh Lăng Nghiêm Thiển Thích” mới này, do tài liệu rất phong phú nên đã được phân thành nhiều tập để ấn hành, hầu thuận tiện cho người đọc duyệt lãm. Trong ấn bản lần này, chúng tôi tuần tự theo nghĩa mà phân thành sách, chứ không y theo quyển hay số lượng. Thí dụ, phần nói về “Hai mươi lăm vị Thánh chứng viên thông” chiếm một phần của quyển 5 và quyển 6, nếu kết tập thành một bản, há chẳng càng thuận tiện cho người nghiên cứu tìm đọc hơn sao? Lại như phần “Ngũ Thập Ấm Ma” được bắt đầu từ nửa phần sau của quyển 9 cho đến giữa quyển 10, nay nếu đem sắp xếp vào cùng một tập sách, độc giả có thể xem thông suốt một mạch mà không phải lật tìm sang tập khác, há chẳng nhanh hơn sao? Vậy nên, nhằm không làm sai lệch nguyên mạo và tánh hoàn chỉnh của văn kinh, giữa hai quyển trong những tập sách như thế đều có ghi chú rõ ràng.

Bản “Kinh Lăng Nghiêm” từ xưa đến nay có nhiều loại, ít nhiều có thêm bớt khác nhau, mà kinh văn được dẫn trong ấn bản lần này là dựa theo “Long Tạng” và “Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh Chánh Mạch Sớ” của Đại sư Giao Quang, hoặc “Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh Giảng Nghĩa” của Đại sư Viên Ánh. Do sự hạn chế nhu liệu điện tử và công việc xếp chữ, một số cổ tự trong kinh văn được thay thế bằng lối chữ viết thông dụng hiện đại.

Sau cùng, vâng theo giáo huấn từ bi của Thượng Nhân, trải qua hai lần kết tập hoàn tất, chúng tôi đã áp dụng khoa phán của Đại sư Viên Ánh vào trong kinh. Cương yếu và mục lục thì lấy khoa phán giản yếu của Đại sư Viên Ánh làm chủ, để cho văn bản được giản dị dễ hiểu, trước sau nhất quán. Trong lần biên tu “Kinh Lăng Nghiêm Thiển Thích” này, e khó tránh khỏi nhiều sai sót, mong quý độc giả lượng thứ cho. Nếu thấy chỗ nào chưa được chính xác rõ ràng, kính xin chư đại đức phân tích chỉ bảo cho, hầu giúp cho bản in sau này được bổ sung đầy đủ hơn. Đây là lời thành thật mong cầu.

Bài tựa viết tại California, Hoa Kỳ, tháng 8/2006.

 

TỰA 2

LƯỢC GIẢI KINH ĐẠI PHẬT ĐẢNH THỦ LĂNG-NGHIÊM1

 

Sa-môn Bát-lạt-mật-đế, người Trung Thiên Trúc, dịch2 thời Đường.

Sa-môn Di-già-thích-ca, người nước Ô-trường, dịch ngữ.3

Sa-môn Hoài Địch ở chùa Nam Lầu, núi La Phù, chứng nghĩa.

Đệ tử Bồ-tát giới Phòng Dung người Thanh Hà,4 chức Tiền chánh nghị (gián) đại phu – Đồng trung thư môn hạ bình chương sự,5 bút thọ.6

Vạn Phật Thánh Thành, Hoa Kỳ – Tuyên Hóa thượng nhân giảng thuật tại Phật Giáo Giảng Đường ở San Francisco (三藩市).

 

  1. KỆ KHAI KINH

Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp
Bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì
Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa

***

Phật pháp rộng sâu rất nhiệm mầu
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu
Con nay nghe thấy chuyên trì tụng
Nguyện rõ Như Lai nghĩa nhiệm mầu.

Kinh Lăng-Nghiêm Là Chơn Thân Phật

 

Trong Phật giáo có rất nhiều bản kinh quan trọng, nhưng quan trọng nhất là kinh “Lăng-nghiêm”: Nơi nào có kinh Lăng-nghiêm là nơi ấy Chánh pháp trụ thế. Nếu kinh “Lăng-nghiêm” không còn nữa, thì thời thời mạt pháp đến rồi vậy. Do đó, mỗi người Phật tử chúng ta cần phải đem hết sức mình, đem cả máu, đem cả mồ hôi để gìn giữ, bảo vệ kinh “Lăng-nghiêm”.

Trong kinh “Pháp diệt tận”6 có nói rất rõ: Vào thời mạt pháp, kinh “Lăng-nghiêm” bị hoại diệt trước tiên, sau đó các kinh khác cũng hoại diệt theo.

Nếu như kinh “Lăng-nghiêm” không hoại diệt thì thời kỳ chánh pháp vẫn tồn tại. Do đó, hàng Phật tử chúng ta phải đem sinh mạng mình để hộ trì kinh“Lăng-nghiêm”, và bằng cả tâm huyết, mồ hôi, chí nguyện của chúng ta mà hộ trì kinh “Lăng-nghiêm”, để kinh “Lăng-nghiêm” mãi rực ánh quang minh, lưu truyền đến mọi ngóc ngách, trụ trong từng hạt vi trần, lưu thông tận hư không, phổ khắp trong pháp giới. Nếu chúng ta làm được như vậy thì thời chánh pháp lại tỏa chiếu hào quang lớn.

Tại sao kinh “Lăng-nghiêm” bị tiêu hủy trước tiên? Vì nó quá chân thật! Kinh “Lăng-nghiêm” là chân thân của Phật, kinh “Lăng-nghiêm” là xá-lợi của Phật, kinh “Lăng-nghiêm” là tháp miếu chân chánh của Phật. Vì kinh “Lăng-nghiêm” chân thật như vậy, nên tất cả ma vương đã dùng mọi cách hòng phá hủy kinh“Lăng-nghiêm”. Trước tiên, chúng tạo lời bịa đặt, cho rằng kinh “Lăng-nghiêm” là giả. Vì sao chúng nói kinh “Lăng-nghiêm” là giả? Vì kinh “Lăng-nghiêm” nói quá chân thật, đặc biệt “bốn lời dạy bảo, khuyên răn thanh tịnh sáng suốt”,7 “hai mươi lăm vị Thánh thuật lại pháp tu chứng viên thông của mình”, và “năm mươi cảnh giới ấm ma”, tất cả dị giáo ngoại đạo, yêu ma quỷ quái không thể thọ nhận giáo lý này. Do đó có nhiều người vô tri nói rằng kinh “Lăng-nghiêm” là ngụy tạo.

Những đạo lý trong kinh “Lăng-nghiêm” nói ra rất chính xác, hợp với đạo lý, nên bọn tà ma, quỷ quái, bàng môn ngoại đạo không thể ẩn hình được. Một số người vô tri, đặc biệt là những học giả, những ông giáo thọ (thầy giáo, giáo sư) do kém hiểu biết, vọng lường lời Thánh, kiến thức nửa vời, mê mờ hồ đồ, học thức không đâu, thiếu trí chân thật, cho nên phê bình một cách ngông cuồng.

Chúng ta là những người học Phật pháp, phải nhận thức sâu sắc về điều này. Cho nên chúng ta đi đâu, ở bất kỳ chỗ nào, đến trú xứ nào cũng phải xiển dương, truyền bá, giảng nói kinh “Lăng-nghiêm”. Vì sao? Vì chúng ta phải giúp cho chánh pháp tồn tại lâu dài ở thế gian.

Tôi nguyện bảo chứng trước mọi người, bảo chứng rằng, kinh “Lăng-nghiêm” là chân kinh! Nếu kinh “Lăng-nghiêm” là chân thật thì dĩ nhiên chẳng có vấn đề gì, còn nếu kinh “Lăng-nghiêm” là giả, thì tôi nguyện vĩnh viễn và vĩnh viễn đọa vào địa ngục bởi vì tôi không nhận thức được Phật pháp, lấy giả làm chân. Như kinh “Lăng-nghiêm” là chân thật, vậy thì tôi nguyện đời đời kiếp kiếp phát nguyện hoằng dương đại pháp Lăng-nghiêm này, và tùy thời tùy chỗ, tôi sẽ xiển dương chân lý Lăng-nghiêm.

Mọi người nên chú tâm vào điểm này: Nếu kinh “Lăng-nghiêm” không phải do Phật thuyết, thì bất kỳ người nào cũng không nói được! Do vậy mới có những người thiếu trí đánh giá, phê bình một cách sai lầm, hy vọng họ sớm tỉnh ngộ, không phải tái tạo một loại nhân khổ là đọa địa ngục “Rút lưỡi”.8 Bất luận học giả nào, bất cứ người học Phật ở quốc gia nào, hãy mau mau thống thiết sửa đổi sai lầm trước đây, tự mình biết sai mà sửa (đổi) thì không có việc thiện nào lớn lao hơn.

Cuối cùng, tôi xin cầu chúc cho những người đọc kinh “Lăng-nghiêm”, nghe giảng kinh “Lăng-nghiêm”, nghiên cứu kinh “Lăng-nghiêm” đều sớm thành Phật đạo!


1 Kinh Đại Phật đảnh thủ lăng-nghiêm: gđ. Đại Phật đảnh Như Lai mật nhân tu chứng liễu nghĩa chư Bồ-tát vạn hạnh thủ lăng-nghiêm kinh (大佛頂如來密因修證了義諸菩薩萬行首楞嚴經 – Mahābuddhoṣṇīṣa-tathāgata-guhyahetusākṣatkṛita-prasanārtha-sarva-bodhisattvacaryā-śūrāṅgama-sūtra), 10 quyển, T19n945.

2 Ngài Bát-lạt-mật-đế (Skt. Prammiti, dịch là Cực Lượng) dịch từ Phạn ra Hoa.

3 Ngài Di-già-thích-ca (Skt. Meghaśikhara, gọi đúng là Di-già-thước-khư, dịch là Vân Phong) chỉnh lý chương cú, văn phạm.

4 Tống cao tăng truyện 2, T50n2061_p718c13, Trinh Nguyên tân định thích giáo mục lục 14, T55n2157_p874a25, Phật pháp kim thang biên  8, X87n1628_p403a9 v.v…, đều nói ông là người Thanh Hà. Tự điển Phật Quang ghi ông là người Lạc Dương, có thể nhầm. Danh sĩ Trung Hoa sống vào đời Đường. Ông là người học rộng nghe nhiều, có học vị Tiến sĩ, làm quan đến chức Chính gián đại phu đồng phượng các loan đài bình chương sự. Đời vua Trung Tông, ông mắc lỗi bị đày đi Cao Châu, sau ông qua đời tại đó. Tương truyền, trên đường đi lưu đày, khi tới Quảng Châu, gặp ngài Bát-lạt-mật-đế dịch kinh Đại Phật đỉnh thủ lăng-nghiêm, ông làm bút thọ.

5 Đồng trung thư môn hạ bình chương sự: nghĩa là cùng với các quan trong Trung thư môn hạ thương nghị quốc sự, hoặc hàng ngày phải vào trực ở cung để xử lý công việc v.v…

6 Bút thọ 筆受: Trong trường dịch kinh, người cầm bút dùng Hán văn ghi chép những văn kinh mà người dịch dịch từ nguyên văn ra. Vì kinh Phật truyền sang Trung Hoa đều bằng tiếng Phạn (Sanskrit), và người thông thạo chữ Hán chưa hẳn đã giỏi tiếng Phạn, ngược lại người biết tiếng Phạn chưa chắc hiểu được văn Hán, nên cả hai phải phối hợp với nhau.

6 Kinh Phật thuyết pháp diệt tận 佛說法滅盡經 (Sutra of the Ultimate Extinction of the Dharma) 1 (mất tên người dịch), T12n396_p119b01.

7 Tứ chủng thanh tịnh minh hối 四種清淨明誨.

8 Hán: Bạt thiệt địa ngục 拔舌地獄, những người tạo nghiệp ác khẩu đều bị đọa vào địa ngục này. Du-già sư địa luận 4, T30n1579_p296b22 nói: “kéo lưỡi trong miệng ra, lấy một trăm cây kim châm vào, banh ra thật căng, thật thẳng, trương ra như trương da trâu vậy.”


TỰA 3

KINH “LĂNG-NGHIÊM” CÒN THÌ PHẬT PHÁP CÒN

Tuyên Hóa Thượng Nhân giảng – Tháng giêng năm 1983

 

“Kinh Lăng Nghiêm” trong Phật giáo là một bộ kinh có tính chất như kính chiếu yêu, tất cả thiên ma ngoại đạo, yêu quái ác tinh (Li Mị Võng Lượng)1 vừa gặp “Kinh Lăng Nghiêm” đều phải hiện nguyên hình, không có chỗ nào có thể ẩn thân, hoặc tháo chạy được. Ngày xưa, Đại sư Trí Giả nghe nói có bộ Kinh như thế nên đã hướng về Ấn Độ vọng bái, lễ lạy suốt 18 năm, dùng tâm chí thành khẩn thiết trong 18 năm trời để cầu nguyện cho bộ Kinh này được truyền đến TrungHoa. Các bậc Cao tăng đại đức ngày xưa, tất cả những bậc Cao tăng trí tuệ không ai mà không tán thán “Kinh Lăng Nghiêm”. Cho nên nói “Kinh Lăng Nghiêm” còn thì Phật Pháp còn; “Kinh Lăng Nghiêm” diệt thì Phật Pháp cũng diệt theo.

Thế nào gọi là thời mạt pháp? Thời mạt pháp đầu tiên là “Kinh Lăng Nghiêm” bị hủy diệt. Ai hủy diệt “Kinh Lăng Nghiêm”? Chính là số thiên ma ngoại đạo này. Thiên ma ngoại đạo nhìn thấy “Kinh Lăng Nghiêm” giống như đinh trong mắt, gai trong thịt vậy, ngồi không vững, đứng không yên, cho nên chúng phải ngụy tạo ra một loại tà thuyết nói “Kinh Lăng Nghiêm” là giả. Chúng ta là đệ tử nhà Phật phải nhận ra chân lý. Đạo lý trong “Kinh Lăng Nghiêm” nói, mỗi một chữ đều là chân kinh chánh điển, không có chữ nào không phải là chân lý. Hiện tại chúng ta nghiên cứu về Năm Mươi Loại Ấm Ma nên càng phải hiểu rõ tính quan trọng này trong Kinh, cái mà yêu ma quỷ quái sợ nhất chính là “Kinh Lăng Nghiêm”.

Lão Hòa Thượng Hư Vân sống đến 120 tuổi, suốt một đời, Ngài chưa hề chú giải qua một bộ kinh (điển) nào, chỉ chú giải duy nhất bộ “Kinh Lăng Nghiêm”. Bản thảo chú giải “Kinh Lăng Nghiêm” được Hòa Thượng giữ gìn kỹ lưỡng trong suốt mấy mươi năm, cuối cùng bị thất lạc trong cuộc chánh biến ở Vân Môn. Việc này để lại niềm hối tiếc lớn nhất trong cuộc đời ngài. Lão Hòa Thượng chủ trương chúng ta là người xuất gia, đều phải nên học thuộc lòng thật nhuần nhuyễn “Kinh Lăng Nghiêm”, học thuộc từ trước đến sau, từ sau ra trước, học xuôi lại học ngược, xuôi ngược đều có thể thuộc lòng. Nhân đây tôi (Tuyên Hóa Thượng Nhân) mới biết trong một đời của ngài, Lão Hòa Thượng vô cùng xem trọng “Kinh Lăng Nghiêm”.

Có người hỏi Lão Hòa Thượng Hư Vân rằng:

– Con nghe nói “Kinh Lăng Nghiêm” là ngụy tạo, Hòa Thượng nghĩ sao về lời đồn này?

Lão Hòa Thượng đáp:

– Đời mạt pháp, vì sao gọi là mạt pháp? Vì có những hạng người này, cho mắt cá là hạt minh châu, không phân rõ ràng phải trái. Người nói lời này thật là đại mê muội, chuyên đi lòa mắt mọi người, khiến người không nhận ra đâu là Phật pháp. Hạng người đó luôn nhận thật làm giả, nhận giả làm thật. Ông xem bọn họ, hễ có ai viết ra bộ sách nào, họ cũng đều lấy đọc, trong khi kinh điển thật sự do Phật nói thì họ lại cất kỹ trên gác cao, hoặc đặt vào kệ sách, không bao giờ lấy ra xem. Từ đây có thể thấy nghiệp chướng của chúng sanh rất nặng nề, nếu nghe tà tri tà kiến thì họ rất tin; còn pháp chánh tri chánh kiến, dù ông có nói, có giảng đến đâu họ cũng không tin. Vì sao như thế? Vì thiện căn không đủ. Do thiện căn không đủ nên mới có lòng nghi đối với chánh pháp, một loại tâm đa nghi của loài hồ ly.

Vạn Phật Thánh Thành của chúng ta ở đây nên lập ra một Đàn tràng Lăng Nghiêm và tốt nhất quý vị ai cũng nên phát tâm mỗi ngày trì tụng bộ kinh “Lăng Nghiêm” này, hoặc có thể trì một tiếng, hai tiếng, hay có thể đọc giống như đọc sách, đọc đến độ có thể ghi nhớ và thuộc lòng. Đọc tụng “Kinh Lăng Nghiêm”, “Kinh Pháp Hoa”, thậm chí cả “Kinh Hoa Nghiêm”, nếu đều có thể tụng mà không cần nhìn Kinh mới thật là điều hy hữu. Nếu ai có thể tụng thuộc lòng được “Kinh Lăng Nghiêm”, “Kinh Pháp Hoa”, “Kinh Hoa Nghiêm” thì lúc đó chánh pháp vẫn còn có mặt trên thế gian này. Chúng ta được ở một nơi tốt như Vạn Phật Thành, mọi người nên phát tâm Bồ đề, quyết tâm làm một ít việc. Nói như vậy không phải là bảo chúng ta tranh đấu với người, mà là chúng ta muốn siêu xuất hơn mọi người về cả tài lẫn đức

[1], thì phải làm nên những việc như vậy.

Trước kia, tôi có một tâm nguyện là học thuộc lòng bộ “Kinh Pháp Hoa” và luôn cả bộ “Kinh Lăng Nghiêm”. Tôi có một người đệ tử ở Hồng Kông học thuộc lòng được bộ “Kinh Lăng Nghiêm”, tôi lại dạy học tiếp thêm bộ “Kinh Pháp Hoa”, nhưng cuối cùng người đệ tử này cũng không học thuộc lòng được trọn vẹn, đây quả thật là một điều đáng tiếc. Được ở một nơi tốt đẹp như chúng ta đây, mọi người nên phát tâm rộng lớn, học thuộc lòng những bộ Kinh và Luật nhà Phật như “Kinh Lăng Nghiêm”, “Kinh Pháp Hoa”, “Luật Tứ Phần”, “Kinh Phạm Võng” v.v.. Đây quả là việc làm quý nhất, có như thế thì nhất định chánh pháp sẽcửu trụ.


1 Li Mị Võng Lượng 魑魅魍魎: Trong Pháp hoa nghĩa sớ 6 (Cát Tạng soạn), T34n1721_p535b1: (ngài Cát Tạng dẫn) Trương bình tử tây kinh phú giải thích rằng: Thần ở trong núi là Li, mang hình cọp; thần ở trong nhà là Mị, mang hình người, đầu heo có đuôi. Còn loài yêu quái ở trong gỗ đá là Võng Lượng.

[1] Hán: Xuất hồ kỳ loại, bạt hồ kỳ tuỵ 出乎其類, 拔乎其萃.

 


 

TỰA 4

KIẾM CHÉM MA, GẬY HÀNG MA, KÍNH CHIẾU YÊU CỦA PHẬT GIÁO

Tuyên Hóa thượng nhân giảng tại Việt Nam, năm 1974.

 

Hôm nay, trước hết tôi xin nói rằng, chúng ta phải nghiên cứu một bộ kinh. Bộ kinh này là gương chiếu yêu của Phật giáo, là gậy hàng ma của Phật giáo, kiếm chém ma của Phật giáo! Đó là bộ kinh gì? Là kinh “Lăng-nghiêm”. Kinh “Lăng-nghiêm” là khai mở trí tuệ, song  hiện nay bộ kinh này bị học giả các nước trên thế giới kỳ thị. Họ nói thế nào? Họ nói bộ kinh này là giả, không phải thật.

Vì sao họ nói kinh “Lăng-nghiêm” là giả mà chúng ta còn nghiên cứu? Vì kinh “Lăng-nghiêm” có giá trị riêng của nó, đáng cho chúng ta y cứ nghiên cứu, bộ kinh chỉ ra tất cả tà tri, tà kiến của bọn bàng môn ngoại đạo, loại tri kiến không hợp với Phật pháp kia, kinh “Lăng-nghiêm” đều nói ra một cách rõ ràng. Cho nên bộ kinh này là gương báu chiếu yêu, là gậy hàng ma, là kiếm chém ma! Như vậy, nếu ai cũng  hiểu thông suốt kinh “Lăng-nghiêm” thì yêu ma, ngoại đạo tự nhiên biến mất hết, và thế giới này chiến tranh cũng không còn, tất cả nhân loại lại được bình an, do đó bộ kinh này rất quan trọng!

Các bạn trẻ thời nay hãy nên nỗ lực nghiên cứu Phật học; nghiên cứu Phật học thì nghiên cứu thế nào? Tôi chủ trương các vị nên tận tâm tận lực nghiên cứu kinh Lăng-nghiêm. Kinh “Lăng Nghiêm” giúp khai mở trí huệ. Nếu mọi người có thể hiểu kinh Lăng-nghiêm thì có thể nói là gần như thông suốt được Phật học, đặc biệt là thần chú “Lăng-nghiêm” không thể nghĩ bàn. Có vị cư sĩ này tên Quân Trọng. Ông nghĩ cái này, tưởng cái kia, bất cứ chuyện gì đều nghĩ thông được rất nhiều, nhưng lại không thể nào nghĩ thông được chú “Lăng-nghiêm”. Vì sao ông ta suy nghĩ thế nào cũng nghĩ không thông? Vì chú “Lăng-nghiêm” có một loại năng lực không thể nghĩ bàn. Trong Phật giáo, người ta gọi chú “Lăng-nghiêm” là Linh văn. Sao gọi là Linh văn? Linh văn là linh diệu không thể nói, nói không thể hết. Mỗi người chúng ta, nếu ai có thể tụng, đọc thuộc lòng chú “Lăng-nghiêm”, thì sẽ có tám vạn bốn ngàn Bồ-tát Kim Cang Tạng thường theo bảo vệ, hộ trì. Chú “Lăng-nghiêm” là chú linh diệu nhất, cũng là bài chú dài nhất trong các chú, có khoảng hơn hai ngàn ba trăm hai mươi chữ. Các bạn trẻ hãy nên phát tâm học chú “Lăng-nghiêm”, tụng đọc kinh “Lăng-nghiêm”, cầm kinh “Lăng-nghiêm” học thuộc lòng, và học thuộc lòng cả chú “Lăng-nghiêm”, như vậy có thể nói, gốc rễ Phật học của vị này đã đâm xuống rất sâu rồi.

Tín chúng:

– Bạch Hòa Thượng! Hòa Thượng chỉ dạy rằng, tất cả phải nên xem kinh “Lăng-nghiêm”, còn phải tụng đọc thuộc lòng kinh “Lăng-nghiêm”, vậy xin hỏi Hòa Thượng, trong kinh “Lăng-nghiêm” giảng nói những gì, và vì sao chúng con phải xem, phải đọc, không đọc có được không?

Thượng nhân:

– Quí vị muốn biết trong kinh nói những gì thì phải đọc; còn nếu không muốn biết thì vốn không cần hỏi câu hỏi này.

Tín chúng:

– Vì sao Hòa Thượng không giới thiệu kinh “Kim-cang”? Như Lục Tổ nhờ nghe kinh “Kim-cang” mà giác ngộ; vì sao Hòa Thượng không giới thiệu “Lục Tổ đàn kinh”?  bản kinh đó giới thiệu Lục Tổ tâm đắc ngộ đạo. Vì sao Hòa Thượng chỉ giới thiệu mỗi kinh “Lăng-nghiêm” mà thôi?

Thượng nhân:

– Tính trọng yếu của kinh “Lăng-nghiêm”, tối qua tôi đã giảng qua rồi. Khi Phật pháp mất thì kinh “Lăng-nghiêm” mất trước tiên; nếu kinh “Lăng-nghiêm” mất rồi thì thế gian này yêu ma, quỉ quái đều xuất hiện. Trên thế gian này có năm ma quân lớn, mà trong kinh “Lăng-nghiêm” có chú “Lăng-nghiêm”, trong chú “Lăng-nghiêm” có năm bộ, năm bộ này kiểm soát, quản lý năm quân ma lớn của thế gian. Nếu không còn người đọc tụng chú “Lăng-nghiêm” thì thế giới này sẽ hoại diệt, và không thể tưởng tượng nổi, tất cả những yêu ma quỉ quái kia sẽ cùng xuất hiện trên thế gian. Sở dĩ hiện nay chúng không cho quí vị trông thấy, không cho quí vị nghe thấy và chúng cũng không dám xuất hiện là vì có chú “Lăng-nghiêm” trên thế gian này; nơi nào có người biết tụng đọc chú “Lăng-nghiêm” thì nơi đó yêu ma quỉ quái đều không dám xuất hiện!

Tín chúng:

– Thưa Pháp sư! Tiếng Quảng Đông gọi là “hạ giáng đầu”,1 vậy xin hỏi có việc mê hoặc đầu độc này không? Vì sao có rất nhiều người đích thân trải qua? Chúng con là người học Phật, đối với loại mê hoặc đầu độc đó quan niệm như thế nào? Tại sao tồn tại nhiều loại tà ác này?

Thượng nhân:

– Thế gian này có hàng trăm, hàng ngàn điều kỳ quái, vì sao có những chuyện như thế? Là vì đại địa rộng lớn, bốn biển mênh mông, không thể không có điều kỳ quái. Nhưng nói tóm lại, con người chúng ta phải giữ chánh tâm; chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Chúng ta có chánh tâm thì bàng môn, ngoại đạo không còn biện pháp gì nữa. Sở dĩ các vị bị người ta dùng thuật “giáng đầu” là do trong tâm các vị trước tiên không (chân) chánh nên mới bị tà thuật đó nhiễu loạn; quí vị phải có chánh tâm, tà không thể thắng chánh, dù là thuật “giáng đầu” thế nào đi nữa cũng không linh nghiệm gì.

Nhất là tôi mới đề nghị các vị nghiên cứu kinh “Lăng-nghiêm”, tụng đọc chú “Lăng-nghiêm”, các vị tụng thuộc lòng chú “Lăng-nghiêm”, thì thuật “giáng đầu” kia thế nào cũng không công hiệu, không hữu dụng. Chú “Lăng-nghiêm” có thể phá tung tất cả võng lưới ác ma, chế ngự pháp thuật của bàng môn ngoại đạo, năng lực trong chú “Lăng-nghiêm” không thể nghĩ bàn. Nếu các vị muốn không bị thuật “giáng đầu” nhiễu loạn thì phải tụng đọc chú “Lăng-nghiêm”, chẳng phải tôi đã vừa mới nói hay sao? Ai thành tâm tụng đọc chú “Lăng-nghiêm” sẽ có tám vạn bốn ngàn Bồ-tát Kim cang đến bảo hộ.

Tín chúng:

– Xin hỏi Hòa Thượng! Lúc nào thì chúng con tụng niệm chú “Lăng-nghiêm” được?

Thượng nhân:

– Không phải quí Phật tử đợi đến lúc lễ Phật mới tụng niệm chú “Lăng-nghiêm”, lúc bình thường đi, đứng, nằm, ngồi quí vị đều có thể niệm, đều có thể hành trì chú “Lăng-nghiêm”. Quí vị trì chú “Lăng-nghiêm” thì tạp niệm không xen vào được. Giống như khi quí vị niệm Bồ-tát Quán Thế Âm không tạp niệm, hành trì chú “Lăng-nghiêm” cũng như vậy, còn khiến quí vị đắc được Tam-muội; Tam-muội là chánh thọ, chánh định, chính là giúp cho tâm quí vị không bị tán loạn và không còn tạp niệm.

Tín chúng:

– Thưa Hòa Thượng! Chúng con không biết niệm chú “Lăng-nghiêm”, nhưng biết niệm chú Đại bi và “thập tiểu chú” (mười chú ngắn), những bài chú đó cũng bao hàm trong chú “Lăng-nghiêm” phải không?

Thượng nhân:

– Chú “Đại bi” và “thập tiểu chú” tuy là một phần trong thời khoá tụng buổi sáng sớm, nhưng không nằm trong chú “Lăng-nghiêm”. Chú “Lăng-nghiêm” chính là năm hội, năm hội đó có năm bộ: Phật bộ, Liên hoa bộ, Bảo sinh bộ, Kim cang bộ, và Yết-ma bộ, năm bộ này cai quản năm phương.


1 Giáng đầu 降頭: hay còn gọi “cống đầu 貢頭”, “cuồng đầu 狂頭”. Theo truyền thuyết dân gian nói rằng, thuật “giáng đầu” này là từ Ấn Độ giáo truyền đến. Ở Trung Quốc, những tỉnh như Quảng Đông, Phúc Kiến, Triết Giang, Giang Tô rất thịnh hành loại thuật giáng đầu này. Người biết thuật này có thể chữa bệnh, giúp cầu tài, hoá giải xung khắc gia đình…, đồng thời người luyện có thể xuất hồn, gọi hồn, hại người khác v.v…


 

Ðại Phật Ðảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh

Quyển Thứ Nhất

Âm Hán Việt:

Ðại Phật Ðảnh Như Lai, Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa, Chư Bồ Tát Vạn Hạnh, Thủ Lăng Nghiêm Kinh

 

Giảng:

Ðại Phật Ðảnh, Như Lai Mật Nhân, Tu Chứng Liễu Nghĩa, Chư Bồ Tát Vạn Hạnh, Thủ Lăng Nghiêm.” Mười chín chữ này là tên của kinh, cộng thêm chữ “kinh” nữa thì tổng cộng là hai mươi chữ—hai mươi chữ này là đề mục của bộ kinh. Mười chín chữ trên thuộc về phần “biệt danh” (tên riêng), còn chữ “kinh” thì thuộc về “thông danh” (tên chung). Biệt danh là gì? “Biệt” là phân biệt; “biệt danh” có nghĩa là chỗ khác biệt với các kinh điển—danh tự không giống nhau. Chữ “kinh” thì tương đồng, giống với chư kinh, vì tương đồng cho nên gọi là thông danh. Thông danh là thông với các kinh, biệt danh là khác biệt của bộ kinh này. Vậy, tên đề của mỗi bộ kinh đều không giống nhau, và đều có hai phần là thông danh và biệt danh.

Ðề mục của các kinh điển do Ðức Phật tuyên thuyết được phân làm bảy loại, gọi là “thất chủng lập đề.” Bảy loại lập đề này bao quát tất cả Tam Tạng, Mười hai phần kinh do Như Lai thuyết giảng, và lại được chia thành ba thứ là đơn tam, phục tam (song tam) và cụ túc nhất.

-Ðơn tam lập đề (ba loại lập đề đơn). “Ðơn tam” là đơn độc và có ba loại:

1) Ðơn nhân lập đề. Như trong đề mục Kinh Phật Thuyết A Di Ðà thì “Phật” và “A Di Ðà” đều là người—vì Phật là người, A Di Ðà cũng là người, cho nên gọi là “đơn nhân lập đề.”

2) Ðơn pháp lập đề. Như Kinh Ðại Bát Niết Bàn thì “Ðại Bát Niết Bàn” là pháp; vì chỉ dùng Pháp để đặt tên cho kinh, nên đề mục của kinh này thuộc loại “đơn pháp lập đề.”

3) Ðơn dụ lập đề. “Dụ” là tỷ dụ, ví dụ. Như Kinh Phạm Võng thì “Phạm Võng” là tỷ dụ. Bộ kinh này ví như tràng phan lưới báu của vua trời Ðại Phạm.

Ba loại đề mục trên chỉ đơn độc có một thứ là nhân (người), hoặc pháp, hoặc dụ trong tên đề, nên được gọi chung là “đơn tam lập đề.”

-Phục tam lập đề (ba loại lập đề kép). Ðây là loại đề mục được thành lập bởi hai trong ba yếu tố—nhân, pháp, dụ—và gồm có ba loại:

4) Nhân pháp lập đề. Như trong đề mục Kinh Văn Thù Vấn Bát Nhã thì “Văn Thù” là người, “Bát Nhã” là pháp. Bởi có người và có pháp—dùng tên người và tên pháp hợp lại thành tên kinh—nên gọi là “nhân pháp lập đề”.

5) Nhân dụ lập đề. Như Kinh Như Lai Sư Tử Hống thì “Như Lai” là người, “Sư Tử Hống” là ví dụ; ý nói rằng khi Phật thuyết pháp thì âm thanh hùng tráng như tiếng gầm của sư tử. Ðây gọi là “nhân dụ lập đề,” dùng tên người và ví dụ để đặt tên cho kinh.

6) Pháp dụ lập đề. Như Kinh Diệu Pháp Liên Hoa: “Diệu Pháp” là pháp, “Liên Hoa” là ví dụ, nên đề mục này thuộc loại “pháp dụ lập đề.”

-Cụ túc nhất. “Cụ túc nhất” là một loại cụ túc, đầy đủ cả ba yếu tố nhân, pháp và dụ:

7) Cụ túc lập đề (một lập đề đầy đủ). Như trong đề mục Kinh Ðại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm thì “Ðại Phương Quảng” là pháp, “Phật” là người, “Hoa Nghiêm” là ví dụ. Bộ kinh này dùng hoa để tỷ dụ với cái nhân của thập độ vạn hạnh, lấy vạn thừa nhân hoa để trang nghiêm quả đức vô thượng. Vậy, đề mục “Ðại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh” có đầy đủ cả nhân, pháp và tỷ dụ, nên thuộc loại “cụ túc lập đề.”

 

Ðề mục của tất cả kinh điển đều không ngoài bảy loại trên. Quý vị xem đề mục của cả trăm ngàn bộ kinh điển trong Ðại Tạng đều bao hàm trong bảy loại lập đề này. Là người giảng kinh, đối với bảy loại lập đề cần phải thấu rõ, mới có thể giảng giải kinh điển được. Nếu ngay cả bảy loại lập đề mà cũng không thông hiểu, thì làm sao có thể dạy cho người khác hiểu rõ được? Tự mình đã không thể giác ngộ, thì làm sao dạy người khác giác ngộ được?! Vì thế điểm này rất quan trọng.

Bảy loại lập đề này, phàm là người học Phật Pháp, đều phải nên biết. Ðừng như những người chỉ mới đọc được chừng hai quyển rưỡi, chưa tới ba quyển sách nữa, thậm chí một “huyền nghĩa,” một “môn phân biệt” họ cũng không biết nữa, chứ đừng nói gì đến Thất chủng lập đề, Ngũ trùng huyền nghĩa, Thập môn phân biệt …, thế mà lại dám vỗ ngực tự xưng mình là Pháp sư, là bậc Ðạo sư đi giáo hóa chúng sanh! Chưa hiểu rõ Phật Pháp một cách chân chánh mà dám giảng kinh thuyết pháp, thì chỉ là dẫn người ta xuống địa ngục mà thôi! Ngay chính bản thân họ cũng phải đọa địa ngục nhưng tự họ lại không hiểu vì sao! Những người nghe theo họ cũng vậy, cũng không biết tại sao mình lại bị rơi vào địa ngục. Ðiều này thật quá đáng thương! Cho nên, người học Phật cần phải chân chánh hiểu rõ Phật Pháp, chân chánh có trí huệ, sau đó mới đi giáo hóa chúng sanh, thì mới có thể không bị lầm lạc.

Ðạo lý được thuyết giảng trong Kinh Lăng Nghiêm thật vô cùng vô tận. Lần giảng kinh này, tôi không giảng theo Ngũ trùng huyền nghĩa (năm tầng nghĩa huyền vi) của Thiên Thai tông, mà theo Thập môn phân biệt (mười môn phân biệt) của Hiền Thủ tông.

Hiền Thủ tông và Thiên Thai tông là hai tông phái lớn của Phật giáo Trung Hoa. Các Pháp sư giảng kinh thường thì có vị hiểu Thiên Thai mà không thông Hiền Thủ, hoặc rõ Hiền Thủ mà chẳng biết Thiên Thai, cho nên lúc giảng kinh không đạt được sự viên dung vô ngại. Nay tôi sẽ y cứ Thập môn phân biệt của Hiền Thủ tông để giảng bộ Kinh Ðại Phật Ðảnh Thủ Lăng Nghiêm này.

Thập môn phân biệt, tức là mười cửa để phân biệt tất cả kinh Phật, gồm có: 1) Tổng thích danh đề; 2) Khởi giáo nhân duyên; 3) Tạng thừa nhiếp thuộc; 4) Nghĩa lý thâm thiển; 5) Năng thuyên giáo thể; 6) Sở bị cơ nghi; 7) Tông thú thông biệt; 8) Thuyết thời tiền hậu; 9) Lịch minh truyền dịch; 10) Biệt giải văn nghĩa.

 

  1. Tổng Thích Danh Ðề

Ðây là môn phân biệt thứ nhất, giải thích tên của bộ kinh một cách tổng quát. Bảy loại lập đề giảng ở trên là bảy phương pháp phân biệt tên của các kinh Phật. Bây giờ chúng ta hãy “tổng thích danh đề,” phân tích đề mục của bộ kinh này.

Bộ kinh này có tên là: “Ðại Phật Ðảnh, Như Lai Mật Nhân, Tu Chứng Liễu Nghĩa, Chư Bồ Tát Vạn Hạnh, Thủ Lăng Nghiêm.”

Chữ đầu tiên là “Ðại.” Sao gọi là “đại”? Bởi kinh này chứa đựng bốn sự to lớn là đại nhân, đại nghĩa, đại hạnh và đại quả.

“Ðại nhân” (nguyên nhân lớn) tức là Mật Nhân, không giống với các nhân khác. Ðây là thứ nhân bí mật, là nhân mà người thường không biết đến, ngoại đạo không hiểu nổi, Nhị thừa cũng chưa phát hiện được, cho nên gọi là “mật nhân.” “Mật nhân” này vô cùng to lớn, cho nên gọi là “đại.”

“Ðại nghĩa” (nghĩa lý lớn) tức là Tu Chứng Liễu Nghĩa, nghĩa lý này cũng rất đặc biệt lớn.

“Ðại hạnh” (công hạnh lớn) là Chư Bồ Tát Vạn Hạnh, hạnh này cũng rất lớn.

“Ðại quả” (quả vị lớn) tức là Thủ Lăng Nghiêm.

Bởi bộ kinh này đầy đủ bốn yếu tố to lớn, vĩ đại trên—nhân lớn, nghĩa lớn, hạnh lớn và quả vị lớn—nên gọi là “đại.”

“Phật.” Quý vị thường nói: “Tôi theo đạo Phật, tôi học Phật pháp”; nhưng quý vị có biết “Phật” nghĩa là gì chăng? “Phật,” gọi cho đầy đủ là “Phật-đà-da,” là phiên âm của chữ Buddha từ tiếng Phạn. Bởi người Trung Hoa thích giản lược nên bỏ bớt hai chữ “đà-da” đằng cuối, chỉ dùng một chữ đầu là “Phật.” Có người cho chữ “Phật” là tiếng Trung Hoa, kỳ thực không phải, vì đó chỉ là tiếng phiên âm—chữ viết là theo chữ Trung Hoa, nhưng âm đọc thì không phải. Thế thì, nếu dịch thành tiếng Trung Hoa thì chữ “Phật” dịch là gì? “Phật” dịch là “Giác.” “Giác” tức là giác ngộ. Có ba loại giác ngộ là tự giác, giác tha, và giác hạnh viên mãn.

“Tự giác” nghĩa là tự mình đã giác ngộ, không còn mê muội nữa; do vậy, khác với người thường. Cảnh giới của người đã tự giác ngộ thì không giống với cảnh giới của hạng phàm phu, những người chưa giác ngộ như quý vị và tôi hiện nay. Ðức Phật thì tự mình đã giác ngộ rồi song Ngài thấy như thế vẫn chưa đủ, nên Ngài còn muốn “giác tha” nữa. Tự mình khai ngộ rồi lại tìm cách giúp người khác cũng được khai ngộ như mình, đó gọi là “giác tha.”

Trong sự giác ngộ của chính mình (tự giác) và giác ngộ người khác (giác tha) có nhiều thứ lớp và trình độ khác nhau bởi vì căn tánh của mỗi người không giống nhau. Giác ngộ thì có tiểu ngộ—sự giác ngộ chưa viên mãn, và đại ngộ—sự giác ngộ đã viên mãn. Ðức Phật đã đạt đến đại giác ngộ, và có thể khiến cho người khác được đại giác ngộ. Khi hạnh nguyện tự giác đã viên mãn và giác tha cũng được trọn vẹn, thì gọi là “Giác hạnh viên mãn” hay “Giác mãn.”

Ðức Phật thì “tam giác viên, vạn đức bị”—Ngài đã viên mãn cả ba sự giác ngộ (tự giác, giác tha, giác mãn) và đầy đủ muôn ngàn đức hạnh.

Tại sao chúng ta phải tin Phật? Vì Phật chính là chúng ta! Chúng ta đều là Phật, song chỉ vì hiện nay chúng ta còn mê muội nên chưa thể chứng đắc được quả vị Phật. Tại sao nói chúng ta đều là Phật? Vì Ðức Phật đã từng nói:

“Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh,

giai kham tác Phật.”

(Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh,

đều có thể làm Phật.)

Nếu tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, thì tại sao đến nay chúng ta vẫn chưa thành Phật? Chỉ vì vọng tưởng, chấp trước! Có vọng tưởng, lại có chấp trước. Chúng ta hết nghĩ đông lại nghĩ tây, hết nghĩ nam thì nghĩ bắc, nghĩ trên nghĩ dưới, vọng tưởng viễn vông trên trời dưới đất, không có chỗ nào mà không nghĩ đến. Vọng tưởng quá nhiều, đếm không xuể. Quý vị nói xem, trong một ngày quý vị khởi bao nhiêu vọng tưởng? Quý vị có biết được là có bao nhiêu không? Nếu biết, thì quý vị đã là Bồ tát rồi; còn nếu không biết thì quý vị vẫn là phàm phu!

Chúng ta không những vọng tưởng mà lại còn chấp trước nữa. Chấp trước những gì? Chấp trước về cái “tôi” và cái “của tôi,” cho nên tất cả những hưởng thụ vật chất đều không buông bỏ được. Thí dụ có người nói: “A! Chiếc máy bay này là của tôi”; hoặc: “A! Ðây là xe hơi của tôi, đời mới nhất đấy!” Hễ có cái gì thì chấp trước, bám chặt vào cái đó—người nam có sự chấp trước của người nam, người nữ có sự chấp trước của người nữ; người thiện có sự chấp trước của người thiện, kẻ ác có sự chấp trước của kẻ ác… Bất luận là chấp trước vào cái gì, những người có lòng chấp trước đều không thể buông bỏ được. Họ cứ níu kéo, nắm bắt mãi, càng có thì càng chấp trước thêm!

Tuy nhiên, có chấp trước không phải là điều tốt! Chấp trước hưởng thụ như thích ăn đồ ngon, ở nhà đẹp, du lịch vui chơi khắp nơi; quý vị cho như thế là tốt à? Chưa chắc là tốt đâu, bởi quý vị phải biết rằng chính vì ham thích hưởng thụ mà chúng ta chưa thể thành Phật! Cho nên Ðức Phật nói: “Do bởi vọng tưởng và chấp trước mà tất cả chúng sanh không thể chứng đắc, không thể thành Phật.”

Ðức Phật cũng từng dạy:

“Cuồng tâm nhược yết, yết tức Bồ đề.”

(Cuồng tâm nếu dứt, dứt tức Bồ đề.)

Ðó là đạo lý trong Kinh Lăng Nghiêm. “Cuồng tâm” tức là cái tâm cuồng vọng tự cao tự đại của mỗi chúng ta. Ðó chính là cái tâm ham thích những việc cao xa, cái tâm khinh thường kẻ khác, tự cho rằng mình là thông minh, tài giỏi hơn mọi người. Thậm chí có những người vốn rất xấu xí, vậy mà nói rằng: “A, tôi xinh đẹp lắm!” Quý vị xem, lòng chấp trước lớn đến như vậy! Mình vốn xấu xí khó coi, lại nói mình rất đẹp, đó đều là chấp trước. Nếu quý vị dứt được cái tâm chấp trước cuồng vọng này, thì “yết tức Bồ đề”—cuồng tâm vừa hết, thì chính đó là Bồ đề. Bồ đề là gì? Chính là giác đạo, là khai ngộ; khai ngộ rồi thì còn cách sự thành Phật chẳng bao xa. Nếu quý vị có thể ngừng cái tâm cuồng vọng của chính mình, thì đó là điều đáng mừng cho quý vị vậy.

Trong ba loại giác ngộ, “tự giác” là sự khác biệt giữa phàm phu chúng ta, những kẻ chưa giác ngộ, với hàng A la hán và Bích chi Phật, các bậc đã tự giác ngộ. “Bích chi Phật” là tiếng Phạn, gọi đủ là Bích chi ca la (Pratyekabuddha). Bậc Bích chi Phật là do tu Thập nhị nhân duyên mà ngộ Ðạo, còn bậc A la hán thì do tu pháp Tứ đế mà đắc thành.

“Tự giác” thì phân biệt phàm phu với Nhị thừa, còn “giác tha” thì phân biệt giữa Nhị thừa với Bồ tát. “Giác tha” là gì? Giác tha tức là làm cho người khác được trở nên giác ngộ, và kẻ tu hạnh nguyện này cần có tâm Bồ tát, cần có tấm lòng vị tha của bậc Bồ tát. “Giác tha” cũng có thể nói là “lợi tha,” làm lợi ích cho người khác. Ai có thể thực hành hạnh lợi tha? Chính là Bồ tát! Bồ tát khác với Nhị thừa vì hàng Duyên giác và Thanh văn chỉ biết tự giác mà không chú trọng việc giác tha; Bồ tát thì phát tâm “giác tha, lợi tha.”

Thanh văn là A la hán, Duyên giác là Bích chi Phật, Bồ tát là Bồ đề tát đỏa; vậy cứu cánh Bồ tát với Thanh văn và Duyên giác là một người, hai người hay là ba người mà tu thành? Ðây có thể nói là một người, cũng có thể nói là ba người; vì sao? Vì có thể có một người trước tiên thì tu hạnh Thanh văn, sau đó tu hạnh Duyên giác, rồi từ Duyên giác mà tu Lục độ Vạn hạnh của Bồ tát—một người mà bao biện tất cả, tu nhiều hạnh, nhiều pháp môn như thế, cho nên có thể nói là một người.

Thế nhưng, lại cũng có thể nói là ba người; vì sao? Ví dụ có người tu hạnh Thanh văn, sau khi chứng ngộ thì chỉ muốn làm “tự liễu hán,” không cầu tiến thủ, tự mình khai ngộ rồi thì không màng đến người khác nữa nên ngừng ngay ở trình độ A la hán, thì đó là một người. Giả sử lại có một người khác sau khi tu đến A la hán thì tiến tu đến ngôi vị Bích chi Phật, và ở quả vị này rồi thì không tiến nữa; như thế vị chi là hai người. Thêm một người như ở trên nữa, tức là trước đã tu Thanh văn, sau lại tu Duyên giác, rồi từ Duyên giác mà tu Lục độ Vạn hạnh của Bồ tát, nên thành ra ba người.

Thế nên, trong ba loại giác ngộ, đạt đến quả vị Bích chi Phật cũng chỉ là tự giác, không phải giác tha; đến Bồ tát thừa mới là giác tha. Bồ tát là do tu Lục độ Vạn hạnh—Lục Ba la mật và vạn hạnh trang nghiêm—mà thành. Thành Bồ tát Ðạo rồi mà vẫn tinh tiến thực hành Bồ tát hạnh, thực hành cho đến khi viên mãn—giác hạnh viên mãn—thì được thành Phật. Cho nên, muốn “giác hạnh viên mãn” thì không được rời hạnh Bồ tát. Giác hạnh viên mãn là sự khác biệt giữa Bồ tát và Phật.

Ba loại giác ngộ, ở đây chỉ nói bấy nhiêu, nhưng ở phương diện thực hành thì thật thiên sai vạn biệt, trong từng trình độ lại có trình độ, trong khác biệt lại có khác biệt. Viên mãn ba hạnh nguyện giác ngộ này rồi thì thành Phật.

“Ðảnh.” “Ðảnh” (đỉnh) có nghĩa là chỗ tối cao vô thượng, không còn cái gì có thể cao hơn. Như chỏm đầu của chúng ta gọi là “đỉnh đầu,” trên đỉnh đầu là trời, cho nên có câu “đảnh thiên lập địa,” tức là đầu đội trời, chân đạp đất. Không riêng gì nam nhân mà ngay cả nữ giới cũng vậy, đều có thể “đảnh thiên lập địa”!

Vậy thì ba chữ “Ðại Phật Ðảnh” dù không giảng, tôi tin rằng mọi người đều hiểu rõ—đó là chỉ cho đỉnh đầu của vị “Ðại Phật,” một đức Phật to lớn, vĩ đại. Ðức Phật đó to lớn như thế nào? Có lớn bằng pho tượng Phật thờ trong chánh điện này không? Thật ra, tượng Phật này không phải là một vị “Ðại Phật,” mà chỉ như một giọt nước trong biển cả, một hạt bụi nhỏ trong Tam thiên thế giới; quý vị chớ nên nhầm lẫn cho rằng đó là vị “Ðại Phật.”

Vị “Ðại Phật” thì to lớn vĩ đại không ai sánh bằng. Ngài lớn mà không lớn, song không có ai lớn hơn Ngài được—đó gọi là “chân đại,” sự vĩ đại chân chánh. Vậy, đây là đức Phật nào? Ðây là vị Phật biến mãn khắp mọi nơi, không chỗ nào mà không có.

Vậy đức Phật này đang ở đâu? Chỗ nào Ngài cũng không ở! Thế thì, nơi nào là nơi Ngài không ở? Chẳng có nơi nào mà Ngài không ở!

Quý vị nói xem, Ngài to lớn như thế nào? Quý vị không có cách nào đo lường được tầm mức của sự to lớn này. Phải đến mức độ nào mới là sự to lớn chân chánh? Ðến khi nào cái tính cách to lớn không còn nữa, không còn gì to lớn hơn thế nữa—đó mới là sự to lớn nhất, vĩ đại nhất.

Thế thì ai là “tối đại,” to lớn nhất? Là Ðại Phật. Mà vị Ðại Phật ấy là ai? Chính là quý vị! Cũng chính là tôi!

Có người thắc mắc: “Nhưng con không to lớn như vậy, và theo con thấy, Thầy cũng không to lớn như thế. Vậy tại sao Thầy lại nói chính là con, và cũng chính là Thầy?”

Nếu không phải là quý vị, không phải là tôi, thì nói làm gì!? Chính vì có quan hệ với tôi và với quý vị, cho nên kinh mới đề cập đến!

“Vậy thì, Thầy và con làm thế nào mà to lớn như thế được?”

Phật tánh mà quý vị và tôi vốn đầy đủ thì rất lớn và chính là vị Ðại Phật này. Vị Ðại Phật này to lớn không có gì sánh bằng, nên gọi là “Ðại Phật.”

Bây giờ chúng ta không chỉ nói về vị Ðại Phật, mà còn đề cập đến tướng đỉnh đầu của Ngài. Vị Ðại Phật này, vốn không có gì lớn hơn, cao hơn; tuy thế, cao hơn Ðại Phật là “đảnh,” đỉnh đầu của Ngài. Và, trên đỉnh đầu của vị Ðại Phật này lại xuất hiện một vị Ðại Phật khác nữa.

Vị Ðại Phật đó lớn đến cỡ nào? Vị Ðại Phật đó thì chúng ta không nhìn thấy được, cho nên trong bài kệ của Chú Lăng Nghiêm có nói: “Vô kiến đảnh tướng, phóng quang Như Lai, tuyên thuyết thần chú.”

“Vô kiến đảnh tướng”—tướng đảnh này thì không hiện hữu, vì là “vô kiến” (không thấy được)! Ðã không nhìn thấy được thì tại sao lại nói là có vị Ðại Phật?

Nhìn mà không thấy được, như thế mới thật là lớn; vì sao? Vì lớn đến độ quý vị không thể nào thấy hết được! Nếu không to lớn, tại sao quý vị không thấy được?

Có người thắc mắc: “Làm sao mà không thấy được? Vật quá nhỏ con mới không thể nhìn thấy, nếu lớn thì con nhất định thấy được!”

Nếu là lớn thì quý vị thấy được ư? Bầu trời bao la như thế, quý vị có thể thấy hết không? Quý vị thấy không suốt hết đâu! Mặt đất mênh mông như vậy, quý vị có thể thấy hết toàn diện không? Không thể nào thấy hết được! Do vì thấy không được mới thật sự là lớn. Nếu không lớn, thì quý vị có thể thấy được ngay!

Vô kiến đảnh tướng của vị Ðại Phật phóng hào quang; hào quang ấy lớn như thế nào? Quý vị nghĩ xem, là một vị Ðại Phật, lẽ nào Ngài lại phóng hào quang nhỏ? Ðương nhiên là phải phóng hào quang lớn rồi! Phật lớn thì phóng hào quang lớn. Hào quang lớn này chiếu khắp tất cả mọi nơi.

Có người thắc mắc: “Thế có chiếu đến thân con không?” Chiếu đến quý vị từ lâu lắm rồi!

Bây giờ hẳn quý vị lại tự hỏi: “Thế thì tại sao con không hay biết gì cả?” Quý vị muốn biết phải không? Tôi đã từng bảo quý vị rằng:

“Tâm thanh thủy hiện nguyệt,

Ý định thiên vô vân.”

(Tâm lắng, nước hiện trăng,

Ý định, trời không mây.)

Tâm của quý vị nếu thanh tịnh đến cực điểm thì hào quang của Phật sẽ chiếu đến. Tâm không thanh tịnh thì ví như hồ nước dơ, vẩn đục, ánh sáng mặt trăng không chiếu xuyên qua được; nếu nước được lắng trong, ánh trăng sẽ soi tỏ mặt hồ. Tâm chúng ta nếu thanh tịnh thì hào quang của Phật sẽ chiếu đến tâm chúng ta cũng như ánh trăng sáng chiếu đến hồ nước trong vậy.

“Ý định thiên vô vân,” ý niệm của quý vị nếu an định thì giống như bầu trời quang đãng, không mây vậy—cảnh giới này vi diệu không thể nói được. Nếu quý vị thật sự thanh tịnh hóa được tâm mình, thì có thể đắc được định lực của Lăng Nghiêm Ðại Ðịnh.

“Như Lai.” “Như” là “vô sở bất như,” tức là không có gì mà không như như bất động. “Lai” là “vô sở bất lai,” tức là không có nơi nào mà không đến. “Như” là bổn thể của pháp. Bổn thể của Phật pháp là “như,” dụng của Phật pháp là “lai”; đó là chữ “thể dụng.” Phật thì “như như bất động, đến mà không đến”; nên nói rằng:

“Như như bất động,

Ðến đến lại đến,

Ðến mà không đến.”

Nếu vậy thì Ngài đi đâu? Không đi tới một nơi nào cả!

Thế thì Ngài từ đâu đến? Cũng không từ nơi nào đến!

Trong Kinh Kim Cang có nói: “Như Lai giả, vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ.”

Không đến chỗ tôi, cũng không đến chỗ quý vị; mà cũng ở nơi quý vị, cũng ở nơi tôi—đó chính là “như lai.”

“Như Lai” là một trong mười tôn hiệu của Phật. Tối sơ, mỗi vị Phật có một vạn danh hiệu, về sau thì giảm bớt dần vì con người không nhớ nổi. Ban đầu thì giảm xuống mỗi vị Phật còn một ngàn danh hiệu; nhưng một ngàn danh hiệu người ta cũng không nhớ nổi, cho nên lại giảm xuống còn một trăm danh hiệu. Bấy giờ, mỗi vị Phật đều có một trăm danh hiệu khác nhau. Thế nhưng, chúng sanh vẫn không nhớ nổi, cho nên lại giảm, giảm đến chỉ còn mười danh hiệu. Mười danh hiệu này, cũng chính là danh hiệu chung của mỗi vị Phật:

1) Như Lai. “Như Lai” có nghĩa là nương tựa vào đạo như thực mà đặng Chánh giác, thành Phật.

2) Ứng Cúng. “Ứng cúng” nghĩa là xứng đáng được trời và người cúng dường.

3) Chánh Biến Tri.

4) Minh Hạnh Túc.

5) Thiện Thệ Thế Gian Giải.

6) Vô Thượng Sĩ.

7) Ðiều Ngự Trượng Phu.

8) Thiên Nhân Sư.

9) Phật.

10) Thế Tôn.

Mỗi đức Phật đều có mười danh hiệu như thế và Như Lai là một trong mười danh hiệu đó.

“Mật Nhân.” Mật nhân là gì? Ðó là bổn thể định lực của mỗi chúng ta. Tại sao gọi là “mật nhân” mà không gọi là “hiển nhân”? Bổn thể định lực thì mỗi người đều có sẵn, đều vốn đầy đủ, không ai mà không có, song chính mình lại không biết; bởi vì không biết nên mới gọi là “mật nhân”—biến thành bí mật. Cái bí mật này chính là bổn thể của định lực–thứ bổn thể định lực của Như Lai và cũng là bổn thể định lực của tất cả chúng sanh. Mọi người đều có bổn thể định lực này, nhưng tự mình không biết, chưa phát giác ra mà thôi; chính vì không biết nên gọi là “mật nhân.”

“Tu Chứng Liễu Nghĩa.” Mật nhân này là để làm gì? Ðể làm nhân tu hành. Chúng ta cần phải tu thì mới có sự chứng đắc. Cần phải tu, nhưng tu như thế nào? Tham thiền hay niệm Phật đều là tu cả, nhưng chữ “tu” ở đây là chỉ cho việc tu thiền, chuyên tham thiền mới có thể chứng đắc. Chứng đắc cái gì? Chứng đắc “liễu nghĩa.”

“Liễu nghĩa” là gì? “Nghĩa” là ý nghĩa. “Liễu nghĩa” là cái nghĩa giải rõ, đủ đều, trọn vẹn rồi, tức là không còn ý nghĩa nữa. Thế thì đó là vô nghĩa, không có ý nghĩa gì cả sao?

Chữ “liễu nghĩa” ở đây có nghĩa là một sự chứng đắc hoàn toàn, không thừa sót đối với tất cả các pháp thế gian và xuất thế gian—chẳng còn pháp gì để tu, không còn pháp gì để chứng nữa. Ðó cũng chính là điều mà Vĩnh Gia Ðại Sư đã nói trong Chứng Ðạo Ca:

“Quân bất kiến:

Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân,

Bất trừ vọng tưởng bất cầu chân?”

(Anh thấy chăng:

Dứt học, vô vi, ấy đạo nhân,

Không trừ vọng tưởng, chẳng cầu chân?)

 

“Tuyệt học” là cái học tối cao, cái học mà không còn gì để học nữa; “vô vi” là không làm; “nhàn đạo nhân” là người ung dung, thanh tịnh, nhàn nhã, cái gì cũng không làm cả.

Bất trừ vọng tưởng, bất cầu chân“: Không trừ vọng tưởng, cũng không cầu chân lý. Tại sao “không trừ vọng tưởng”? Vì đã trừ hết rồi, không còn vọng tưởng, nên mới không phải trừ nữa. “Chẳng cầu chân,” bởi vì đã đạt được chân lý rồi, cho nên không cần cầu nữa. Quý vị chưa đạt đến mới cần cầu; còn người đã đạt đến chân lý rồi thì không cần thiết phải cầu xin nữa. Chưa trừ sạch vọng tưởng mới cần trừ vọng tưởng, vọng tưởng đã không còn thì không cần phải trừ nữa. “Liễu nghĩa” chính là những ý này vậy!

“Liễu nghĩa” còn hàm ý là tất cả nghĩa lý của Phật thuyết ra đã học đến chỗ rốt ráo, đã học đến chỗ không còn gì phải học nữa.

“Bất liễu nghĩa” (không liễu nghĩa) thì vẫn còn nghĩa. Ðến lúc ý nghĩa gì cũng không còn, khô cạn mà thanh tịnh, thì đạt đến Mật nhân, có được bổn thể chánh định, và đó chính là “tu chứng” thành công mà đạt đến cảnh giới “liễu nghĩa” vậy. Nếu quý vị không tu, thì không thể chứng đắc cảnh giới “liễu nghĩa” này. Cho nên, “liễu nghĩa” cũng chính là đại nghĩa, đại nghĩa bao gồm tất cả mọi nghĩa lý.

Có người hỏi: “Nhưng Thầy vừa nói liễu nghĩa là không còn gì nữa?”

Không còn nữa mới chính là thực sự “có” (chân hữu), nếu quý vị còn “có” thì không phải là thực sự có. Cho nên, chứng đắc liễu nghĩa rồi thì không còn nghĩa nào có thể chứng đắc nữa, mà đã đạt đến cực điểm, tức gọi “liễu nghĩa.” Cực điểm là đến trình độ nào? Chính là đạt đến cảnh giới Phật, chứng đắc quả vị Phật.

“Chư Bồ Tát Vạn Hạnh.” Muốn đạt đến cảnh giới Phật, thì cần phải hành Bồ tát đạo, nên nói “chư Bồ tát vạn hạnh.” “Chư,” ý nói là rất nhiều, rất đông đảo. Nhiều là bao nhiêu? Nhiều đếm không xuể, nói chung thì có năm mươi lăm đẳng bậc. Năm mươi lăm đẳng bậc này (sau này sẽ giảng đến, bây giờ không giảng tỉ mỉ), thì gồm có Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Tứ gia hạnh, Thập địa, và Phật. Mỗi đẳng bậc có hàng ngàn hàng vạn Bồ tát, cho nên năm mươi lăm đẳng bậc này không phải chỉ có vỏn vẹn năm mươi vị, mà là vô lượng vô biên vị Bồ tát, nên gọi là “chư Bồ tát.”

Còn “Vạn hạnh” là gì? “Vạn hạnh” có nghĩa là rất nhiều pháp môn tu hành. “Rất nhiều” là bao nhiêu? Là có tới tám vạn bốn ngàn pháp môn!

Ðáng lẽ nói là tám vạn bốn ngàn hạnh môn, ở đây trong tựa kinh chỉ đơn giản là “vạn hạnh.” “Vạn hạnh” là sở tu của Bồ tát. Bồ tát không những tu Vạn hạnh mà còn phải tu Lục độ nữa. Lục độ là gì? Ðó là: 1) Bố thí; 2) Trì giới; 3) Nhẫn nhục; 4) Tinh tấn; 5) Thiền định; 6) Bát nhã.

Có ba loại bố thí là tài thí, pháp thí, và vô úy thí. “Tài” là chỉ tất cả tiền bạc của cải, là thứ mà mọi người đều yêu quý, không nỡ xả bỏ; mà cũng là thứ dơ bẩn nhất, không tinh sạch nhất trên thế gian. Tiền bạc của chúng ta đếm lại đếm đi, qua tay không biết bao nhiêu người, chứa đựng không biết bao nhiêu vi trùng. Trong Phật giáo, tiền bạc được xem là vật “bất tịnh,” không trong sạch. “Bất tịnh” là vì tiền là thứ không sạch sẽ. Tại sao gọi tiền là thứ không sạch sẽ? Thứ nhất, bởi vì nguồn gốc không trong sạch, không rõ ràng, chẳng hạn như do ăn trộm hoặc cướp giật mà có được. Chính vì lai lịch không chánh đáng nên gọi là “bất tịnh.”

Có người nói: “Tiền mà do tôi làm công kiếm được thì không phải là vật bất tịnh!” Tiền mà quý vị làm công kiếm được, tuy lai lịch là chánh đáng, nhưng bản thân của tiền chứa rất nhiều vi trùng! Quý vị xem, tiền không sạch sẽ như thế, nhưng mọi người đều thích tiền, cứ cầm mân mê trên tay rồi đếm tới đếm lui. Có người khi đếm tiền còn đưa tay lên thấm nước miếng để đếm cho dễ, do đó rất dễ lây bệnh truyền nhiễm!

Tiền vốn là thứ không sạch sẽ như thế, nhưng mọi người đều thích tiền—tiền vô càng nhiều càng tốt, bao nhiêu cũng cho là không đủ. Tất cả tiền của nước Mỹ đem cho tôi hết, tôi cũng không nghĩ là quá nhiều; nếu cho hết quý vị, tin rằng quý vị cũng không chê là nhiều quá! Thế nhưng, tiền nhiều rồi thì vấn đề rắc rối cũng nhiều theo! Vấn đề gì? Ngủ không được, cứ trằn trọc suy đi tính lại: “Mình có nhiều tiền như vầy, thì nên cất giấu ở chỗ nào cho an toàn đây?” Rồi cứ vì tiền mà mất ăn mất ngủ, thao thức tính toán như thế!

Tiền vốn là thứ không tốt, vậy mà ai nấy đều trân quý như chính thân mạng của mình, không nỡ xả bỏ. Nếu quý vị có thể xả bỏ, đó chính là bố thí. Bố thí cho người khác chính là thực hành Bồ tát đạo. Bậc Bồ tát tu Lục độ Vạn hạnh thì việc trước tiên phải làm là bố thí—đem tiền bạc tài sản của mình bố thí cho người khác, giúp đỡ người khác, và đó gọi là “tài thí.”

Tuy nhiên, bố thí không phải là việc dễ làm. Tâm con người là “âm dương giao quan xứ,” tức là chỗ giáp mối của âm và dương; lại cũng là “lý dục chiến đấu trường,” tức là chiến trường giữa lý và dục (“lý” là đạo lý, “dục” là dục vọng, sự khao khát của con người). Ví dụ khi thấy một người gặp cảnh khó khăn, không có cơm ăn, lý trí quý vị muốn cho ông ta một đồng để mua thức ăn, nên quý vị bèn đút tay vào túi định lấy tiền ra cho. Nhưng ngay lúc đó, một niệm thứ hai liền dấy khởi: “Khoan đã! Nếu cho ông ta đồng bạc này thì mình không còn tiền đi xe buýt, phải cuốc bộ về nhà, hay là … thôi đừng cho!” Cho nên, niệm thứ nhất thì muốn xả, niệm thứ hai liền nghĩ đến mình, đắn đo bỏ tiền vào túi trở lại, không muốn bố thí nữa.

Sự việc cứ diễn ra như thế, từ vật nhỏ đến vật lớn, từ một đồng cho đến mười đồng, trăm đồng, ngàn đồng, vạn đồng, vạn vạn đồng đều là như vậy—vốn muốn xả để bố thí, niệm đầu tiên muốn xả, nhưng niệm thứ hai lại nghĩ đến mình: “Tôi muốn đi ăn, tôi không có tiền,” nên không thể nào giúp đỡ người khác được. Tài thí thật không dễ dàng! Thậm chí có người còn có tư tưởng: “Tôi bố thí, đem tiền cho người khác là tôi quá dại dột. Tại sao người ta lại không bố thí cho tôi nhỉ?” Thường trong lúc quý vị muốn bố thí, đồng thời cũng sanh cái tâm muốn tự lợi; do vậy, bố thí nói thì dễ, đến lúc làm thì thấy khó.

Loại bố thí thứ hai là pháp thí. “Pháp thí” tức là bố thí pháp. Nay tôi giảng kinh thuyết pháp cũng chính là bố thí pháp. Có câu:

“Chư cúng dường trung,

Pháp cúng dường tối.”

(Trong các loại cúng dường,

Cúng dường Pháp là cao cả nhất.)

Vì sao? Bởi vì bố thí tiền bạc thì có hạn lượng, bố thí pháp thì không có hạn lượng. Như tôi nay giảng kinh, nếu quý vị nghe một câu kinh điển rồi có thể khai ngộ, chân chánh hiểu rõ, chứng đắc một cảnh giới thù thắng, thì công đức của tôi sẽ rất lớn. Tại sao vậy? Vì tôi đã giảng kinh thuyết pháp giúp quý vị thành Phật, quý vị thành Phật được là nhờ có tôi giảng kinh thuyết pháp cho quý vị nghe; do vậy công đức pháp thí là lớn nhất.

Loại bố thí thứ ba là vô úy thí. Bố thí vô úy là gì? Ðó là an ủi, khuyên giải những người đang gặp chuyện không may, tai bay họa gởi, hoặc những việc hoạnh nghịch. Hoạnh nghịch là gì? Ðó là những việc cướp bóc, hỏa tai, hoặc những việc sợ hãi kinh hoàng. Lúc người ta bị kinh hoàng sợ hãi, mình cho người ta sự an ủi giúp đỡ, khuyên giải: “Anh không nên sanh lòng lo lắng, bất cứ việc gì cũng có thể từ từ giải quyết!”; đó chính là vô úy thí vậy.

Hôm nọ có một người đánh mất ví tiền, tôi nhìn thấy vẻ mặt bà ta rất lo lắng, bà hỏi tôi rằng: “Ôi! Con đã làm mất túi tiền, làm sao bây giờ?”

Tôi bảo: “Bà không nên lo lắng, bà sẽ tìm lại được túi tiền.”

Kết quả lời tôi nói quả nhiên ứng nghiệm, bà về lại chỗ cũ và tìm được, vẫn chưa mất. Ðó cũng là vô úy thí—khiến người khác giảm nhẹ nỗi sợ hãi lo âu. Ở đây tôi chỉ đưa ra những vấn đề nhỏ để làm thí dụ, những vấn đề lớn thì rất nhiều; nhưng nếu chúng ta biết được những vấn đề nhỏ, thì những vấn đề lớn cũng dễ dàng hiểu rõ.

Ở trên là lược nói về bố thí, tức là độ thứ nhất trong Sáu độ (Lục độ). Ðộ thứ hai là trì giới. Ðiều quan trọng nhất trong Phật giáo là giới luật. Vậy giới là gì? Giới là “chỉ ác phòng phi”—”chỉ ác” là đình chỉ, chấm dứt tất cả những việc ác; “phòng phi” là đề phòng tất cả tội lỗi sai lầm. Những gì sai lầm, không đúng, gọi là “phi”; còn là đúng thì gọi là “thị.”

Giới cũng chính là “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành”—tất cả việc ác đều không làm, tất cả những việc lành đều làm.

Bây giờ tôi kể cho quý vị nghe một chuyện. Lúc nhỏ, tôi không hiểu nhiều về toán, không biết tính toán. Tại sao nói tôi không biết tính toán ư? Không có tiền thì thôi, chứ hễ có tiền là tôi liền đem cho người khác—có một đồng thì cho đi một đồng, có hai đồng thì cho hết cả hai đồng, tự mình không muốn giữ tiền. Ðiều này, nói theo lẽ thường tình thì có phải là quá khờ dại hay không? Không hiểu cách giúp đỡ chính mình, chỉ lo giúp đỡ người khác—tôi thuở nhỏ là như thế, luôn luôn muốn giúp đỡ người khác.

Giúp người chính là làm lợi cho người, làm lợi cho người chính là Bồ tát phát tâm. Bồ tát phát tâm là muốn đối với người khác có lợi ích, chứ không phải đối với mình có lợi ích. Bậc Bồ tát thà tự mình nhẫn chịu lao khổ nhọc nhằn, chịu oan ức, chứ không làm cho người khác bị oan ức, bị khổ sở. Chúng ta phải phát tâm như vậy, đó gọi là tâm lợi tha. Tâm lợi tha chính là tâm Bồ tát, tâm Bồ tát chính là “chúng thiện phụng hành”—tất cả việc lành đều phải làm.

Chúng ta chớ nên gặp chuyện gì cũng so đo tính toán: “Ðể tính lại xem mình có bị thua lỗ thiệt thòi hay không? Có bị gạt không? Có được lợi lộc gì không?”

Ví dụ, quý vị cần mua sắm món đồ nào đó bèn đến rất nhiều tiệm xem đồ của hãng này, xem hàng của hãng kia, chi li tính toán, rồi so sánh: “Giá cả của hãng này rẻ, đồ lại đẹp, mua hiệu này lợi hơn!”; vì thế bèn chọn mua. Ngờ đâu, đem về dùng thử mới biết đó là một loại đồ giả bằng chất hóa học, nhìn bề ngoài thì rất đẹp, có vẻ tốt, nhưng dùng chưa được bao lâu đã hư rồi. Cho nên, tuy quý vị muốn lợi mà kết quả thì lại lỗ. Ðó gọi là chỉ biết tính lợi ích của riêng mình, chỉ muốn đem phần lợi về cho mình. Chúng ta cần phải nghĩ đến người khác nữa, không nên chỉ tính toán cho cá nhân mình.

Vậy, trì giới chính là:

“Chư ác mạc tác,

Chúng thiện phụng hành.”

Có bao nhiêu loại giới? Giới có rất nhiều loại! Người tại gia học Phật sau khi quy y Tam Bảo, nếu muốn tiến thêm một bước, thì cần phải thọ Năm giới (Ngũ giới). Sau khi thọ Ngũ giới rồi, nếu muốn tiến tu thêm một bước, thì người tại gia có thể thọ Tám giới (Bát giới). Xa hơn nữa thì có Mười giới (Thập giới), tức là giới Sa di. Sau khi xuất gia và thọ Sa di giới, lại phải thọ hai trăm năm mươi giới nếu là Tỳ kheo, hoặc ba trăm bốn mươi tám giới nếu là Tỳ kheo ni. Bồ tát cũng có giới của Bồ tát. Bồ tát giới gồm có mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh. Mười giới trọng nếu phạm thì mang tội rất nặng, một khi đã phạm rồi thì không thể sám hối; phạm các giới khinh thì có thể sám hối, sửa đổi lỗi lầm.

Khi Phật sắp nhập Niết bàn, Tôn giả A Nan thỉnh Phật chỉ dạy bốn việc; một trong bốn việc đó là: “Khi Phật còn tại thế, chúng con lấy Phật làm Thầy, Phật là Sư phụ của chúng con. Thế sau khi Phật nhập Niết bàn, ai sẽ là Sư phụ của chúng con?”

Ðức Phật bèn nói với ngài A Nan rằng: “Sau khi ta nhập Niết bàn, các ông phải lấy Giới làm Thầy.”

Ðó là bảo người xuất gia, tất cả Tỳ kheo, Tỳ kheo ni phải “dĩ Giới vi Sư” (lấy Giới làm Thầy). Vì vậy, người tại gia nếu muốn cầu thọ giới, nhất định phải đến gặp vị xuất gia để cầu giới. Và, vị xuất gia truyền trao giới thể này nhất định phải là Tỳ kheo, bởi vì Tỳ kheo ni không được phép truyền giới. (Trong giới luật của Phật, không cho phép Tỳ kheo ni truyền giới.) Vậy, giới có rất nhiều loại như giới Sa di, giới Tỳ kheo, giới Bồ tát.

Chúng ta muốn tu Ðạo thì nhất định phải thọ giới. Nếu quý vị có thể giữ gìn giới thể thanh tịnh thì sẽ được xinh đẹp, ngời sáng như ngọc lưu ly, vô cùng trân quý.

Trước đây mấy ngày, tôi có giảng về Luật sư Ðạo Tuyên (đời Ðường) ở núi Chung nam, Ngài do trì giới tinh nghiêm nên được thiên nhân đến cúng dường. Vì thế, giới đức vô cùng quan trọng! Người học Phật nếu không thọ trì giới luật, thì tu thế nào cũng chỉ như cái bình thủng đáy, đổ bao nhiêu nước vào đều chảy ra ngoài hết cả!

Thân thể của chúng ta là thân hữu lậu, có sự lậu thoát. Nếu quý vị có thể trì giới thì lâu dần sẽ trở thành vô lậu. Ðạo lý hữu lậu này, tôi nay không thể công khai giảng cho quý vị được. Quý vị nào muốn học pháp môn vô lậu thì cứ từng người một thưa hỏi, tôi sẽ giảng cho nghe, vì hiện giờ không thể công khai giảng được.

Giáo pháp mà tôi đương giảng đây vô cùng vi diệu; thế nhưng, pháp tuy vi diệu, vẫn cần phải có “diệu nhân” (người vi diệu) đến thỉnh mới được. Vị “diệu nhân” này chính là ông Ron Epstein, pháp danh Quả Dung. Khoảng bốn, năm năm trước, khi Phật Giáo Giảng Ðường còn đang ở đường Sutter thì ông ta có đến rồi. Lần đó, ông đến Phật Giáo Giảng Ðường học ngồi thiền cũng được một thời gian; nay được nghỉ hè nên ông lại đến. Nếu như trước kia thì có lẽ ông sẽ nhân dịp này mà đi xem phim, hoặc là đi đá độ, đánh bài, hoặc tìm trò vui chơi giải trí ở những nơi khác rồi; thế thì nay tại sao lại đến đây? Bởi ông ta đã bị lừa. Bị lừa về chuyện gì? Bị lừa về việc học Kinh Lăng Nghiêm!

Có nhiều người vừa nghe nói “bị lừa” là trong lòng thấy chán nản, nói: “Lần này là chết rồi! Bị gạt rồi!”

Tại sao bị gạt? Bởi Pháp hội Lăng Nghiêm lần này là một Pháp hội gian khổ nhất, và cũng là một Pháp hội khó khăn nhất—mỗi ngày đều phải học từ sáu giờ sáng đến chín giờ tối. Có người nói: “Ngay trong trường cũng không phải học nhiều như vậy!”

Nhưng trường học hiện nay của chúng ta là trường học “thoát ly sanh tử,” trường học “hành giải tương ứng.”() Giảng Kinh Lăng Nghiêm là “giải,” tọa thiền là “hành”—giải hành cùng tiến, sự hiểu biết và hành trì phải đi đôi với nhau; đó mới gọi là “chân đạp thực địa, thân hành thực tiễn,” một chút cũng không được cẩu thả dễ dãi, một chút cũng không được lừa dối chính mình. Nếu quý vị dối người thì cũng chính là dối mình. Nay tôi nói quý vị bị gạt rồi, thật ra đó không phải là lừa gạt. Ðó chẳng qua là để giúp quý vị giải quyết vấn đề sanh tử của chính mình, và đem lại lợi ích lớn lao nhất cho quý vị trong tương lai, cho nên quý vị nhất định phải “giải, hành” đồng thời tu tập.

Giảng về “giải hành cùng tiến,” nay tôi đưa ra một ví dụ: Có một người bị mù và một người bị liệt nọ sống chung với nhau, và trong nhà còn có vài người khác nữa để giúp đỡ họ. Một hôm, mọi người đều đi vắng—không phải họ đến Phật Giáo Giảng Ðường để học Kinh Lăng Nghiêm đâu, mà là đi câu cá, đi tắm biển, đishopping, mua sắm…, nói chung là đi làm những việc mà người thế gian ưa thích—chỉ còn người mù và người liệt ở nhà.

Bất ngờ, cũng vào hôm đó, căn nhà của họ bị cháy. Quý vị nghĩ xem, họ phải làm gì bây giờ? Người mù thì không thấy đường nên chẳng biết đâu mà chạy; người liệt tuy nhìn thấy, nhưng lại chẳng thể chạy đi đâu được cả. Quý vị nói có oái oăm, nguy hiểm không chứ!? Người mù sắp bị chết thiêu, người liệt cũng sẽ bị chết cháy!

Lúc đó, có một vị Thiện tri thức đến nói với họ rằng: “Hai ông có thể thoát hiểm, ra khỏi căn nhà cháy này. Chỉ cần lấy mắt của người liệt cho người mù dùng, lấy chân của người mù cho người liệt mượn. Bấy giờ, hai ông sẽ kết hợp với nhau giống như ‘con lang, con bối’ vậy, cùng tương trợ, đỡ đần cho nhau.”

Lấy “con lang con bối” để so sánh, thì hình dung có hơi quá đáng; nhưng tôi ngại rằng mọi người không hiểu, nên phải đưa ra một ví dụ cụ thể mà thôi. Vậy, đem chân người mù cho người liệt mượn, lấy mắt người liệt cho người mù dùng, là như thế nào? Có phải là móc mắt của người liệt ra rồi đắp vào chỗ con mắt của người mù không? Nếu thế thì không có bác sĩ, không thể làm phẫu thuật được, dẫu có móc mắt ra cũng chẳng có ích lợi gì. Nếu đem chân của người mù ghép vào chân người liệt, cũng không phải dễ dàng làm được, mà cũng không có bác sĩ chuyên môn. Vậy phải làm sao đây? Ðó gọi là “nhân sự chế nghi, thông quyền đạt biến,” () tức là người mù cõng người liệt, người liệt chỉ đường cho người mù, bảo người mù đi qua phải, rẽ qua trái, hoặc cứ đi thẳng. Người mù có chân, nhưng không có mắt, không nhìn thấy, nên phải nghe theo lời chỉ dẫn của người liệt. Nhờ được vị Thiện tri thức chỉ bày, nên cả hai người đều có thể tự cứu mình thoát khỏi căn nhà lửa.

Giảng ý nghĩa này, mọi người không nên hiểu lầm ý của tôi mà nói rằng: “Thầy nói chúng con là người mù! Thầy nói chúng con là người liệt!”

Quý vị không phải là người mù hay kẻ liệt, tôi cũng không phải là kẻ liệt hay người mù; chẳng qua là tôi biết được đạo lý này nên dùng tỷ dụ như thế để giảng. Ðây không phải nói về quý vị, cũng không phải nói về tôi; nhưng cũng là nói về quý vị, mà cũng là nói về tôi vậy!

Cho nên, chúng ta không nên tự mãn, không nên cho rằng mình đã hiểu biết rất nhiều, trí huệ mình đã rộng lớn. Bởi, nếu vậy, thì xin hỏi tại sao quý vị vẫn chưa thành Phật? Chính là vì quý vị quá tự mãn, cho rằng mình học được nhiều kiến thức! Kỳ thực, học cái gì thì bị cái đó chướng ngại, quý vị có trí thức nhiều thì bị trí thức chướng ngại; quý vị có năng lực lớn thì bị năng lực chướng ngại; mà có chướng ngại thì không thể thành Ðạo được.

Nay chúng ta nên buông bỏ những tư tưởng phân biệt “tôi, anh, họ,” không cần tới chúng nữa. Hãy làm cho những tư tưởng này lắng xuống, an tĩnh, thanh tịnh, hãy làm cho bụng của mình trống không. Ðể làm chi vậy? Ðể chứa hương vị kỳ diệu như món “đề hồ” của diệu pháp vô thượng!

Tôi còn nhớ năm ngoái có một nữ cư sĩ (hiện nay cô đang học Tiến sĩ) thú nhận rằng trong đầu của cô “có rất nhiều rác, nhiều garbage, dọn dẹp không sạch được”; có đúng vậy không? Vậy, nay tôi sẽ dùng từ ngữ của cô và nói rằng: Chúng ta mỗi người hãy vứt bỏ những garbage trong đầu óc mình, quét sạch những tạp niệm cặn bã trong tâm trí mình, rồi sau đó mới đi nghe giảng kinh, thì có thể được “một nghe ngàn ngộ,” dễ dàng hiểu rõ!

Nay nói tiếp về đề mục của kinh. “Chư Bồ Tát Vạn Hạnh”—”chư Bồ tát” tức là bao gồm tất cả các vị Bồ tát; “vạn hạnh” là muôn vàn công hạnh mà bậc Bồ tát phải tu tập. Bồ tát thì tu Lục độ Vạn hạnh; ở trên đã nói về hai độ là bố thí và trì giới, vậy còn bốn độ nữa.

Vậy, độ thứ ba là nhẫn nhục. Nhẫn nhục có ba loại là sanh nhẫn, pháp nhẫn và vô sanh pháp nhẫn.

Thứ tư là tinh tấn Ba la mật. “Tinh tấn” là hăng hái tiến tới phía trước, không lùi lại đằng sau. Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, ở phẩm Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự có chép việc Bồ tát Dược Vương tự đốt thân cúng Phật—Ngài quấn vải chung quanh mình, rưới dầu thơm, rồi đối trước Phật tự đốt thân cúng dường. Nếu muốn biết rõ hơn, quý vị có thể nghiên cứu Kinh Pháp Hoa, ở phẩm Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự có nói rất rõ ràng.

Tại sao Bồ tát Dược Vương đốt thân cúng Phật? Vì cảm thấy ân đức của Phật rất sâu dày, rất lớn lao, không thể nào báo đáp được, cho nên Ngài quyết đem hết thân tâm tánh mạng của chính mình đốt lên để cúng dường Ðức Phật. Thân Ngài cháy trong bao lâu? Rất lâu, lâu đến nỗi không thể kể xiết.

Thiên Thai Trí Giả Ðại sư khi xem phẩm Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa tới đoạn: “Thị chân tinh tấn, thị danh chân pháp cúng dường,” (đó là chân tinh tấn, đó gọi là chân pháp cúng dường), thì Ngài nhập định. Trong định, ngài thấy Pháp hội Linh sơn, thấy Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni vẫn còn ở đó thuyết pháp, chuyển đại pháp luân, giáo hóa chúng sanh. Ngài liền chứng ngộ Pháp Hoa Tam-muội. Ngài nhập Pháp Hoa Tam muội, và đắc được “Nhất Triền Ðà-la-ni.”() Sau khi xuất định, trí huệ được rộng mở, Trí Giả Ðại sư kiến lập Thiên Thai tông và trở thành Sơ tổ của tông phái này.

Công đức đốt thân cúng Phật của Bồ tát Dược Vương thật bất khả tư nghì; đó mới là tinh tấn chân chánh. Không phải như chúng ta, nhổ một sợi lông tơ trên thân mình cũng tiếc, không nỡ, nên có câu:

“Bạt nhất mao nhi lợi thiên hạ, bất vi dã.”

Nhổ đi một sợi lông tơ mà có lợi ích cho tất cả thiên hạ, cũng không làm. Tại sao vậy? Ðó là vì ích kỷ, chỉ biết tự lợi mà không biết lợi tha, nên không được gọi là tinh tấn.

Thứ năm là thiền định Ba La Mật. Thiền định có Tứ thiền Bát định. Trong Kinh Lăng Nghiêm có nói tới “cửu thứ đệ định” (chín bậc thiền định liên tiếp); vậy đợi đến phần chánh văn tôi sẽ giảng cặn kẽ, nay không đi sâu vào chi tiết làm gì.

Tứ thiền Bát định là gì? Bây giờ tôi sẽ giới thiệu sơ lược về cảnh giới của Tứ thiền.

“Tứ thiền” gồm có sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền. Ở cảnh giới Sơ thiền, mạch tim của quý vị sẽ ngừng đập. Ðến trình độ Nhị thiền, hơi thở của quý vị sẽ đình chỉ; mũi không còn hơi thở ra vào. Phải chăng như vậy là chết rồi? Không phải, đó chẳng qua chỉ là một trạng thái, một thứ cảnh giới mà thôi. Ðến Tam thiền thì thế nào? Bấy giờ, thức sẽ đoạn, niệm cũng đoạn luôn.

Cảnh giới của Sơ thiền là “ly sanh hỷ lạc địa.” Khi quý vị đạt đến cảnh giới hoan hỷ, mạch tim ngừng đập, nhưng tự mình cảm thấy vô cùng hoan hỷ, đó gọi là “ly sanh hỷ lạc địa.” Ở Sơ thiền, định lực vẫn chưa kiên cố. Ðến Nhị thiền, tức là cảnh giới “sanh hỷ lạc địa,” thì định lực kiên cố hơn ở Sơ thiền nhiều. Bấy giờ, hơi thở đoạn dứt, hô hấp bên ngoài đoạn rồi, hô hấp bên trong sống dậy. Chúng ta đều là hô hấp bên ngoài, không hô hấp bên trong được. Nếu hô hấp bên trong được, thì quý vị sẽ không chết, muốn sống bao nhiêu năm cũng được; nhưng sống lâu rồi thì biến thành “quỷ giữ thây,” cứ lo canh giữ “túi da thúi” này, thì có ích dụng gì đâu!

Tam thiền gọi là “ly hỷ diệu lạc địa.” “Hỷ” cũng lìa bỏ. Người tu hành nếu nói happy, chính là hoan hỷ, rất hoan hỷ. Tam thiền gọi là “ly hỷ diệu lạc địa,” loại an lạc này vô cùng vi diệu. “Ly hỷ,” lìa bỏ cái hỷ, mà đắc được cảnh giới diệu lạc này.

Cảnh giới của Tứ thiền là “xả niệm thanh tịnh địa,” buông bỏ niệm thức. Nhập vào loại định thứ tư này mới là tiến một bước trên đường tu Ðạo. Thế nhưng, quý vị không nên cho rằng chứng được Tứ thiền là việc quá tuyệt vời, bởi đó chỉ là sơ bộ, mới bắt đầu tiến một bước về phía quả vị Phật, chứ vẫn chưa chứng được quả vị A la hán. Ðến lúc đó, tất cả những việc trên trời dưới đất quý vị đều có thể biết được, nhưng biết rồi cũng không nên chấp vào cảnh giới. Ðó là đại khái cảnh giới của Tứ thiền. Bát định nói đến thì rất dông dài, nay tạm thời chưa giảng đến.

Ðộ thứ sáu là Bát nhã Ba la mật. “Bát nhã” là tiếng Ấn Ðộ, Trung Hoa dịch là trí huệ. “Trí huệ” là gì? Người đời thường cho rằng thông minh của thế nhân là trí huệ, kỳ thực không phải như vậy. “Thông minh” là thế gian trí, là thứ kiến thức của thế gian; còn “trí huệ” là xuất thế gian trí. Trí hiểu biết về khoa học, triết học, thanh, quang, điện, hóa v.v…, tất cả những gì mà khoa học phát minh ra đều là trí huệ thế gian, không phải là trí huệ xuất thế gian. Vậy trí huệ xuất thế gian là gì? Ðó chính là trí huệ thành Phật. “Trí huệ thành Phật” cũng không chỉ là một loại, mà là ba loại.

Vì sao chữ “Bát nhã” vẫn giữ nguyên, không phiên dịch? Vì từ ngữ “Bát nhã” bao hàm ba nghĩa nên được xếp vào loại “đa hàm bất phiên,” một trong Ngũ chủng bất phiên (năm loại không phiên dịch)—tức là do bao hàm nhiều ý nghĩa nên không phiên dịch ra. Vậy, ba loại Bát nhã là gì? Ðó là:

1) Văn tự Bát nhã. Tất cả văn kinh trong kinh điển đều là văn tự Bát nhã.

2) Quán chiếu Bát nhã. Quán chiếu Bát nhã tức là trí huệ từ sự quán chiếu, hồi quang phản chiếu, phản văn văn tự tánh. Mắt của quý vị thường quen nhìn ra ngoài, nay không nhìn ra ngoài nữa mà phải nhìn vào trong, đó gọi là “hồi quang phản chiếu”—quay trở về soi chiếu chính mình. Quý vị có thể hồi quang phản chiếu, đó gọi là quán chiếu Bát nhã. “Quán” là quán sát; “chiếu” là quang minh phổ chiếu. Nếu quý vị dùng ánh quang minh trí huệ đạt được do sự quán sát để chiếu phá hắc ám, soi sáng bên trong quý vị để được trở nên thanh tịnh, không còn rác rưởi dơ dáy nhiễm ô, thì đó là “quán chiếu Bát nhã” vậy.

3) Thực tướng Bát nhã. Ngoài ra, còn có một loại Bát nhã bất khả tư nghì nhất, vi diệu nhất, đó là thực tướng Bát nhã. Cái gì là thực tướng? Thực tướng Bát nhã chính là “liễu nghĩa” mà bộ kinh này nói đến. Liễu nghĩa cũng là thực tướng, thực tướng cũng chính là liễu nghĩa.

Quý vị có lẽ chưa hiểu “thực tướng” là gì và ngần ngại: “Danh từ này đối với tôi thật là xa lạ, tôi không biết từ ngữ này được giải thích như thế nào!”

Bây giờ tôi bảo cho quý vị biết: “Thực tướng” chính là liễu nghĩa, liễu nghĩa chính là thực tướng. Vậy, thực tướng là gì?

“Thực tướng giả, vô tướng dã, vô sở bất tướng dã.”

“Thực tướng” là không có tướng, nhưng không gì là không có tướng. Quý vị nói nó không có tướng à? Nó cái gì cũng đều là tướng, nên gọi là “thực tướng.”

“Thực tướng vô tướng, vô sở bất tướng.” Cảnh giới này, nếu quý vị hiểu được thì sẽ trở thành hàng xóm láng giềng của Phật, chỉ còn ở cách xa Phật có một bước. Nhưng cảnh giới này nói thì dễ, mà chứng đắc được thì chẳng dễ chút nào. Tuy không dễ dàng, nhưng chúng ta cũng phải nghĩ cách để đi trên con đường này. Nếu thấy khó khăn bèn không đi nữa, chẳng hạn như nói: “Tôi muốn đi Nữu Ước, nhưng xa xôi tốn kém quá, đi bằng máy bay hay xe hơi cũng đều tốn rất nhiều tiền. Thôi, tôi không muốn đi nữa!” Quý vị không đi, thì vĩnh viễn không đến được Nữu Ước, không biết được mặt mũi của Nữu Ước là như thế nào! Việc thành Phật cũng thế—quý vị muốn thành Phật, nhưng vì ngại đường đi quá xa xôi diệu vợi, cần phải trải qua một quãng thời gian dài đằng đẳng, cho nên quý vị “vọng dương hưng thán”() rằng: “Ôi! Sao mà khó khăn đến thế, tôi không học Phật pháp nữa đâu! Tôi muốn tìm việc gì dễ dễ một chút mà làm thôi! ” Vậy thì quý vị vĩnh viễn sẽ không bao giờ thành Phật được cả!! Nếu quý vị không muốn thành Phật, thì chẳng có gì để nói nữa, điều đó tùy ý quý vị. Nhưng nếu quý vị muốn thành Phật, thì cần phải gắng sức vượt qua mọi khó khăn! Có câu:

“Nhân giả tiên nan nhi hậu hoạch.”

Người nhân, thì trước tiên nhất định phải trải qua một phen khó khăn gian khổ, sau đó mới có thể đạt được sự dễ dàng. Cổ đức có câu:

“Bất kinh nhất phiên hàn triệt cốt,

Chẩm đắc mai hoa phác tỵ hương? “

(Không trải qua mùa đông buốt giá,

Hoa mai sao nở được mùi thơm?)

Hoa mai ở nước Trung Hoa thì ngào ngạt hương thơm, chẳng bù với hoa mai ở nước Mỹ, không có chút hương thơm. Giống mai của Trung Hoa thì khác, ở cách xa một hai dặm người ta vẫn còn ngửi được hương hoa thoang thoảng trong gió. Tại sao hoa mai thơm ngát như vậy? Bởi cây mai ra hoa vào giữa mùa đông, phải chịu đựng cái lạnh thấu xương của mùa đông buốt giá, cho nên hoa tỏa hương rất thơm.

Nói về Thực tướng Bát nhã, có phải là có người có, có người không? Không phải vậy! Mỗi chúng sanh đều có loại Bát nhã này, mỗi chúng sanh đều có thực tướng trí huệ; nhưng cũng giống như “mật nhân” trong kinh này vậy—chỉ vì chúng ta không biết làm cho nó hiển hiện ra mà thôi; tài sản quý giá vốn có của mình, mà mình không hay biết, nên đành chịu làm kẻ bần cùng.

Tự tánh Bát nhã của chúng ta là thực tướng vốn có đầy đủ, nhưng vì tự mình không hiểu rõ, để đến nỗi biến thành một kẻ nghèo nàn đối với pháp. 

Kinh Kim Cang nói: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai.”

Tất cả những gì có tướng trạng đều là giả tạm; nếu quý vị có thể từ trong hữu tướng mà biết được vô tướng, thì thấy được Như Lai. Quý vị hiểu rõ bổn thể của Pháp, nghiên cứu tận cùng nguồn gốc của Pháp, thì cũng giống như thấy Phật vậy. Thấy được nguồn gốc của tất cả Pháp, chính là thấy Phật. Cho nên, Thực tướng Bát nhã này chính là trí huệ mà mỗi người trong chúng ta đều có, chúng ta cần phải mở được cửa của kho báu trí huệ này, mới có thể làm hiển lộ “bổn lai diện mục” của chính mình.

Trong quá khứ chúng ta không biết có Thực tướng Bát nhã, thì ví như có mỏ vàng đầy ắp mà không ai hay biết vậy. Tuy có vàng, nhưng nếu không ai biết đến để khai quật lên, thì sẽ không thấy được vàng. Có người tuy biết trong mỏ có vàng, nhưng lại không khai thác, thì cũng như không biết vậy, cũng chẳng thể lấy được vàng. Vậy thì cần phải làm gì? Cần phải khai quật mỏ vàng rồi dùng nhân công nỗ lực khai thác, đào xới, gạn lọc, mới có thể lấy được vàng ròng, và bấy giờ vàng mới hiển hiện ra!

Ðó cũng chính là gì? Chúng ta mỗi người đều có mỏ vàng, nhưng lại không hề hay biết. Mỏ vàng ấy chính là Thực tướng Bát nhã. Nay chúng ta nghe giảng kinh, biết được Thực tướng Bát nhã, song chúng ta vẫn không dùng được Thực tướng Bát nhã, không khai quật “mỏ vàng” Thực tướng Bát nhã của chính mình, như thế thì cũng như không biết vậy. Người nào phát tâm dũng mãnh tinh tấn tu hành, ra công khai quật “mỏ vàng” Thực tướng trong tự tánh của mình, tất Phật tánh vốn có sẽ hiển lộ: “A! Tôi chính là Phật!”

Ðúng vậy! Tất cả mọi người đều là Phật, như Ðức Phật Thích Ca đã từng nói:

“Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh,

giai kham tác Phật.”

(Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, và

đều có thể làm Phật.)

Thế nhưng, chúng ta không thể nói: “Tôi là Phật, bởi ‘tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể làm Phật.’ Ðức Phật nói tôi là Phật, thì tôi chính là Phật rồi! Tôi không cần phải tu hành nữa.” Quý vị không tu, thì như cái mỏ vàng kia, tuy quý vị biết đó là mỏ vàng, nhưng nếu không ra sức khai thác, thử hỏi quý vị có thể lấy được vàng không? Hẳn nhiên là không! Vì vậy, mọi người đều phải chăm chỉ tu tập!

Vừa rồi là nói về Lục độ. “Lục độ” còn gọi là Lục Ba la mật. Thế thì “Ba la mật” nghĩa là gì? “Ba la mật” là tiếng Phạn và ngụ ý là sự thành công rốt ráo. Việc gì thành công, viên mãn rồi, thì gọi là Ba la mật. Quý vị muốn học Phật để rốt ráo thành Phật, thì thành Phật tức là Ba la mật. Quý vị học Ðại học mong lấy được học vị Tiến sĩ, thì đậu Tiến sĩ là Ba la mật. Bụng đói cồn cào nên muốn ăn cơm, thì ăn no rồi là Ba la mật. Quý vị muốn ngủ, bèn nằm xuống ngủ một giấc, đó cũng là Ba la mật.

Nhẫn nhục là Ba la mật, tinh tấn cũng là Ba la mật, thiền định, bố thí, trì giới, Bát nhã—tất cả đều là Ba la mật. Làm xong công việc gì một cách thành công, viên mãn, thì đều gọi là Ba la mật. Theo tiếng Trung Hoa, “ba la” tức là trái khóm, và “mật” là mật đường, hàm ý ngọt ngào. Vì thế, có thể nói rằng hoàn tất công việc gì đó một cách viên mãn, hoặc nếm được vị ngọt của trái cây rồi, thì đều gọi là “Ba la mật.”

Vậy, trên đây là nói về Lục độ Ba la mật, những hạnh môn mà bậc Bồ tát hành trì.

Mỗi người đều có thể học Bồ tát phát tâm, tu hạnh Bồ tát, làm việc Bồ tát—đó là Bồ tát sơ phát tâm. Bồ tát thì không ích kỷ, không bao giờ nói rằng: “Chỉ có ta mới được làm Bồ tát! Ngươi không thể làm Bồ tát, ngươi không thể so sánh được với ta.” Không phải vậy! Không những chúng ta có thể làm Bồ tát, mà còn có thể làm Phật nữa. Mọi người đều có thể làm Phật. Tôi tin rằng mỗi người hiện có mặt tại đây, nhất là những người đã từng nghiên cứu Phật học lâu năm, đều biết rằng mình có thể thành Phật, nên tôi không nói nhiều về điều đó.

“Thủ Lăng Nghiêm.” Nay giảng đến chữ “Thủ Lăng Nghiêm.” “Thủ” có nghĩa là đệ nhất, hàng đầu, đầu của sự việc. Ðầu một việc là gì? Là Lăng Nghiêm. “Lăng Nghiêm” (Shurangama) là tiếng Ấn Ðộ, Hán dịch là “nhất thiết sự cứu cánh kiên cố.”

“Nhất thiết sự” là gì? “Nhất thiết sự” tức là tất cả mọi sự việc. Tất cả sơn hà đại địa, nhà cửa phòng ốc, tất cả người, vật, các loài noãn thai thấp hóa, các loại vấn đề, các thứ đạo lý… –hết thảy đều được bao gồm trong “nhất thiết sự.” “Nhất thiết sự” có thể triệt để kiên cố, tức có thể đắc được bổn thể của định, đắc được định của “mật nhân.” Phải đắc được định của “mật nhân” thì mới có thể chứng đắc “liễu nghĩa.”

Chứng đến trình độ liễu nghĩa rồi, nếu lại tu Lục độ Vạn hạnh của hàng Bồ tát, thì đắc được đại hạnh. Ðắc đại hạnh rồi sau đó thành tựu quả của đại định “nhất thiết sự cứu cánh kiên cố,” tức là được đại quả. Vậy, “Ðại Phật Ðảnh” này chính là “đại nhân, đại nghĩa, đại hạnh, đại quả.” Do đã đạt được chỗ vi diệu của bốn loại “đại” này, nên lại có thể gọi là diệu nhân, lại có thể gọi là diệu nghĩa, lại có thể gọi là diệu hạnh, lại có thể gọi là diệu quả. Tuy bốn thứ “nhân, nghĩa, hạnh, quả” đều đắc được chữ “diệu” rồi, song chữ “diệu” vẫn không thể hoàn toàn thay thế trọn vẹn bốn ý nghĩa trên, nên dùng chữ “đại” vậy.

“Nhất thiết sự cứu cánh kiên cố” là định. “Ðịnh” thì khác với “bất định”; “định” và “bất định” là hai thứ không giống nhau. Thế nào gọi là “bất định”? Như chúng ta muốn làm một việc gì mà do dự, không quyết định dứt khoát, trong lòng thì muốn đi tới hướng nam, nhưng chân lại không nghe lời, cứ theo hướng bắc mà đi; hoặc thâm tâm thì muốn làm việc tốt nhưng không tự chủ được, nên bị lôi cuốn theo việc xấu—như thế gọi là “bất định,” do dự bất định. Cũng như thế, nếu làm việc mà không có hằng tâm, thì sẽ không kiên cố, lâu dài. “Hằng tâm” chính là cái tâm thường hằng bất biến.

Vì thế, nay chúng ta học Kinh Lăng Nghiêm, mọi người cần hội đủ ba điều kiện là kiên, thành, hằng.

1) Kiên. “Kiên” là kiên cố, vĩnh viễn bất biến. Chẳng hạn nói: “Tôi quyết học Kinh Lăng Nghiêm, bất luận khó khăn đến đâu đi nữa, tôi cũng học cho đến khi nào hiểu được các đạo lý trong kinh mới thôi!” Quý vị không thể “giữa đường mà đánh trống rút lui,” không thể mới đi được nửa đường mà lại bỏ cuộc.

Có người nói: “Học suốt mấy ngày trời mà cũng chưa hiểu được. A! Khó quá, thôi, không học nữa!” Ðó gọi là “bán đồ nhi phế,” nửa đường bỏ phế, dở dang; chứ không phải là kiên cố.

2) Thành. “Thành” là thiết tha thành khẩn, niệm niệm không quên. Quý vị học tập kinh điển thì cần phải “phát phẫn vong thực,”() vui mà quên lo: “Tôi quyết chí đến đây học Kinh Lăng Nghiêm, tôi nhất định học cho tới nơi tới chốn. Tôi nằm đó nhưng không ngủ, lúc này tôi không nghĩ tới điều gì khác ngoài những đạo lý nghe được trong kinh!”

3) Hằng. “Hằng” là hằng viễn, không đổi dời. Quý vị không nên mới học được hai hoặc ba ngày là đã đổi ý, muốn rút lui: “Chao ôi, kinh này khó hiểu quá! Phật pháp thật là khô khan vô vị, học tới học lui cũng không thấy có gì hứng thú. Thôi, mình đến công viên hoặc là chỗ nào khác chơi cho xong. Nghiên cứu kinh điển không có thực dụng; nay là thời đại của khoa học kỹ thuật, mà cứ nghiên cứu các thứ xưa rích này, thật không có thú vị gì cả!”; bởi như thế là không có hằng tâm.

Không có hằng tâm thì không phải là “cứu cánh kiên cố.” Có hằng tâm chính là cứu cánh kiên cố, có thành tâm cũng chính là cứu cánh kiên cố. Quý vị có tâm kiên cố thành khẩn và tâm hằng viễn thì càng là “cứu cánh kiên cố.” Không vì hoàn cảnh làm cho thay đổi chuyển dời, đó chính là định lực vậy.

Trên đây là ý nghĩa khái quát của mười chín chữ trong phần biệt danh của bộ kinh này. Bây giờ tôi sẽ giải thích chữ “kinh,” thông danh của mọi kinh điển.

“Kinh.” “Kinh,” tiếng Ấn Ðộ gọi là Tu đa la (Sutra), Trung Hoa dịch là “khế kinh.” “Khế” là khế hợp—trên thì khế hợp với giáo lý của chư Phật, dưới thì khế hợp với căn cơ của chúng sanh—phàm là “khế lý, khế cơ” thì gọi là “kinh.”

“Kinh” có nghĩa là gì? “Kinh” là con đường. Tại sao gọi là “con đường”? Tất cả kinh điển đều có thể giúp chúng ta từ phàm phu đạt đến các quả vị Thánh nhân và quả vị Phật, cho nên “kinh” ví như con đường vậy.

“Kinh” có bốn ý nghĩa, trước kia tôi đã giảng rồi, nhưng có nhiều người chưa được nghe qua, nay tôi sẽ giảng lại. Bốn ý nghĩa đó là: 1) Quán; 2) Nhiếp; 3) Thường; và 4) Pháp.

1) Quán. “Quán” là “quán xuyên sở thuyết nghĩa”—những nghĩa lý mà Phật thuyết ra được nối kết trong kinh giống như dùng một sợi dây xâu kết lại thành chuỗi vậy.

2) Nhiếp. “Nhiếp” là “nhiếp trì sở hóa cơ.” “Cơ” nghĩa là gì? Ðó là đối với chúng sanh nào thì thuyết pháp gì cho thích hợp, thuyết pháp gì thì độ được chúng sanh nào; cho nên nói: “Tùy người thí giáo, tùy bệnh cho thuốc.” Vì người này nên thuyết pháp này, đó gọi là “tùy người thí giáo.” “Tùy bệnh cho thuốc,” tức là thấy chúng sanh mắc bệnh gì thì cho thuốc trị bệnh đó. Như thế cũng gọi là “quán cơ đậu giáo,” xét theo căn cơ mà thuyết giảng giáo pháp thích ứng.

3) Thường. “Thường” là gì? “Cổ kim bất biến viết thường”—xưa nay không thay đổi gọi là “thường.” Kinh điển thì từ xưa đến nay không hề thay đổi, một chữ cũng không bỏ, một chữ cũng không thêm; vì không thay đổi nên gọi là “thường.”

4) Pháp. Còn “pháp” nghĩa là gì? “Tam thế đồng tuân viết pháp.” Tam thế là ba đời—đời quá khứ, đời hiện tại và đời vị lai. Chúng sanh trong ba đời đều phải tuân theo giáo pháp trong kinh mà tu Ðạo, mà thành Phật, mà giáo hóa chúng sanh—tất cả đều phải y theo pháp mà làm. Bởi đầy đủ bốn ý nghĩa “quán, nhiếp, thường, pháp” nên gọi là “kinh.”

“Kinh” ví như cục nam châm có khả năng hút sắt. Chúng sanh ví như thỏi sắt, sắt gặp phải nam châm liền bị hút vào—đó là ý nghĩa của chữ “nhiếp” vừa nói ở trên.

Phật pháp ví như khối nam châm, chúng sanh ví như thỏi sắt. Nam châm hút sắt tức là thu hút, lôi kéo thỏi sắt về phía cục nam châm. Kinh Lăng Nghiêm có thể gọi là “cục nam châm” Lăng Nghiêm. Thường thì cục nam châm rất kiên cố, nhưng Kinh Lăng Nghiêm thì kiên cố hơn thế nữa—hễ đã “hút” chúng sanh nào rồi thì chúng sanh ấy không còn đọa lạc, không bị sa địa ngục, không phải làm ngạ quỷ, cũng chẳng phải làm súc sanh nữa. Tại sao vậy? Vì đã được đại định kiên cố “hút” chặt, muốn chạy cũng chạy không được, muốn thoát cũng thoát không xong. Thật là vô cùng huyền diệu!

Toàn bộ kinh điển Phật giáo được chia làm mười hai bộ (thập nhị bộ kinh), còn gọi là mười hai loại, mười hai môn hoặc mười hai phần giáo:

1) Trường hàng bộ. Bộ thứ nhất là Trường hàng. “Trường hàng” là gì? Trong kinh thường dùng thể văn có từng hàng từng hàng và rất dài, nên gọi là “trường hàng” (văn xuôi).

2) Trùng tụng bộ. Ðây là những bài kệ (văn vần) được “trùng tụng,” nhắc lại ý nghĩa của đoạn trường hàng bên trên.

3) Thọ ký bộ. Gì là “thọ ký”? Trong kinh điển thường đề cập đến việc Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni ghi nhận trước cho một vị Bồ tát nào đó rất rõ ràng, như: “Vào kiếp (nào đó), ông sẽ thành Phật, danh hiệu là (gì đó), thọ mạng (bao lâu), giáo hóa (bao nhiêu) chúng sanh, ở quốc độ (nào) …” Ðó gọi là “thọ ký.”

Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni xưa kia cũng đã từng được Ðức Phật Nhiên Ðăng thọ ký cho.

Lúc Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni ở nhân địa tu hành đạo Bồ tát, cầu Phật pháp, quý vị đoán xem thành tâm của Ngài đã được thể hiện như thế nào? Khi đang hành trì Bồ tát đạo, Ngài đã từng “trải tóc che bùn” cho Ðức Phật Nhiên Ðăng bước qua. “Trải tóc che bùn” là thế nào?

Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni lúc còn tu hành ở nhân địa, Ngài thực hành đủ thứ khổ hạnh. Có một lần, Ngài đang đi thì thấy có một vị Tỳ kheo cũng đang đi tới và sắp phải vượt qua một quãng đường rất lầy lội, nước mưa đọng thành từng vũng. Bấy giờ, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, quý vị đoán xem Ngài làm gì? Ngài nói: “Ôi! Chỗ này lầy lội quá, vị Tỳ kheo này tuổi đã cao, không khéo thì sẽ bị ướt hết!”

Thế là, Ngài nằm dài trên vũng nước, và thỉnh vị Tỳ kheo già giẫm lên thân mình mà đi. Bấy giờ, vẫn còn một chỗ bùn lầy mà thân Ngài không che hết được. Vì ngại rằng chân của vị Tỳ kheo sẽ bị lấm bùn, Ngài bèn xổ tóc ra và trải lên chỗ bùn lầy đó để cho vị Tỳ kheo đi qua khỏi bị dơ chân. Ngờ đâu vị Tỳ kheo già đó chính là Ðức Phật Nhiên Ðăng!

Chứng kiến một sự cúng dường thành tâm như thế, Ðức Phật Nhiên Ðăng rất hoan hỷ, nói rằng: “Như thị, như thị”; tức là: “Ông ‘như vậy,’ tôi cũng ‘như vậy’.” “Như vậy” là gì? Nghĩa là hành Bồ tát đạo là “như vậy.” Bởi vì Ðức Phật Nhiên Ðăng trong quá khứ tu hành Bồ tát đạo cũng “như vậy,” nên cho rằng tu hành “như vậy” là đúng, và liền thọ ký cho Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni: “Trong tương lai, Ông sẽ thành Phật, hiệu Thích Ca Mâu Ni.” Do vậy, kiếp này Ðức Thích Ca Mâu Ni thành Phật. Trong đời quá khứ đó, vì cảm động trước lòng thành của Ðức Thích Ca Mâu Ni nên Ðức Phật Nhiên Ðăng đã thọ ký cho Ngài.

4) Nhân duyên bộ. Do có vô số nhân duyên nên thuyết vô số pháp môn.

5) Tỷ dụ bộ. “Tỷ dụ” có nghĩa là lấy vật này so sánh với việc nọ, dùng ví dụ để hiển minh chỗ vi diệu của Phật pháp.

6) Bổn sự bộ. Bộ này gồm những kinh văn Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni kể lại các sự việc trong đời quá khứ của chính Ngài, hoặc của các Bồ tát.

7) Bổn sanh bộ. Ðây là những kinh văn nói về các sự việc xảy ra trong đời hiện tại này của Ðức Phật Thích Ca hoặc của các Bồ tát khác.

8) Phương quảng bộ. “Phương” là bốn phương, “quảng” là rộng lớn. Giáo pháp được tuyên thuyết thì cực kỳ rộng lớn và vô cùng tinh vi.

9) Vị tằng hữu bộ. Ðây là những giáo pháp mà từ trước tới nay chưa từng tuyên thuyết, đến bây giờ mới được nói ra.

10) Bất vấn tự thuyết bộ. Không có người thưa thỉnh mà Ðức Phật tự phóng hào quang, đại địa rúng động, và Phật bắt đầu thuyết pháp—đó gọi là “bất vấn tự thuyết.”

11) Cô khởi bộ (còn gọi là “phúng tụng”). Ðây là những bài kệ tụng riêng lẻ, mà ý tứ không liên quan gì với đoạn văn trên, cũng không liên quan gì với đoạn văn dưới.

12) Luận nghị bộ. Ðây là những kinh văn có tính cách vấn đáp biện luận.

Trên đây là mười hai bộ kinh điển. Có bài kệ như sau: 

Trường hàng, Trùng tụng tịnh Thọ ký,

Cô khởi, Vô vấn nhi tự thuyết,

Nhân duyên, Tỷ dụ cập Bổn sự,

Bổn sanh, Phương quảng, Vị tằng hữu,

Luận nghị, cộng thành thập nhị bộ.

Quý vị muốn hiểu tường tận hơn thì có thể tham khảo thêm ở bộ Ðại Trí Ðộ Luận, trong đó giải thích rất cặn kẽ về sự phân loại mười hai bộ kinh điển.

Phải chăng Tam Tạng kinh điển chỉ vỏn vẹn có mười hai bộ kinh phân loại theo mười hai bộ này? Không phải vậy! Kỳ thực, mỗi bộ kinh đều bao quát mười hai bộ này, và mỗi đoạn kinh văn đều thuộc một trong mười hai bộ.

Vậy, trên đây là môn phân biệt thứ nhất, Tổng thích danh đề. Bây giờ chúng ta tìm hiểu môn phân biệt thứ hai—Khởi giáo nhân duyên.