Làm Thế Nào Để Tiêu Trừ Sợ Hãi Và Nghiệp Chướng

Bài nói chuyện ngày 10 tháng 10 năm 1990 tại Chithurst, nước Anh.

 

Sợ hãi đến từ lo âu. Nếu quý vị không lo thì quý vị sẽ không sợ bất cứ chuyện gì. Nếu quý vị không ích kỷ thì quý vị chẳng cần phải sợ hãi.

 

Hỏi: Chúng ta khéo dùng phương tiện như thế nào để khắc phục vượt qua dục vọng, lo sợ và lòng hoài nghi?

Hoà Thuợng: Không ăn thịt, hành và tỏi. Tránh không dùng các chất kích thích. Hãy xem tất cả người nam như là cha mình và tất cả người nữ như là mẹ mình. Nếu quý vị suy nghĩ như vậy thì quý vị sẽ không sanh dục vọng. Sợ hãi đến từ việc lo âu. Nếu quý vị không lo thì quý vị sẽ không sợ bất cứ chuyện gì. Nếu quý vị không ích kỷ thì quý vị chẳng cần phải sợ hãi. Nếu quý vị không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi và không nói dối, thì quý vị không có gì để sợ hãi cả.

Quý vị còn lòng nghi là vì quý vị không có niềm tin, cứ lúc tin lúc ngờ. Kinh Hoa Nghiêm phẩm Hiền Thủ có nói “Lòng tin là cội nguồn của Đạo, là mẹ của công đức” (1). Hãy tin vào trí huệ có sẳn trong tất cả chúng sanh, và rồi quý vị sẽ không còn nghi ngờ nữa.

Mỗi ngày nói lời thật,

Không sợ bị đánh mắng.

Giết tôi, tôi không sợi.

Giải thoát có gì ngại? (2)

Luôn luôn nói lời chân thật, và không vọng ngữ. Hãy thành thật và ngay thẳng. Không sợ người ta la rầy hay đánh đập mình. Cho dù họ có đánh, quý vị cũng muốn nói lên sự thật, ngay cả khi họ muốn giết, cũng không có gì để sợ. Còn gì để sợ hãi khi đã được thật sự giải thoát? Đâu cỏn gì ở đó để mà sợ hãi?

 

Hỏi: Có một số cư sĩ hỏi chúng con là khi gặp nghiệp chướng, họ thối chí và muốn bỏ cuộc. Nếu đây là định nghiệp chúng con phải trả lời với họ như thế nào? Chúng con có nên khuyên họ tiếp tục tinh tấn thêm?

Hòa Thượng: Tùy vào hoàn cảnh, quý vị phải tùy theo bệnh mà cho thuốc. Phiền não và Bồ đề như băng và nước. Phiền não tức là Bồ Đề. Nơi chỗ tử vong, là cuộc sống mới bắt đầu. Khi tới mức không còn nhẫn chịu được nữa mà mình nhẫn chịu được, khi nào tới cánh cổng mà mình nghĩ sẽ không vượt qua được mà lại vượt qua được, thì như thế mới là đáng kể. Không có gì là đường cùng cả, quý vị không nên nhốt mình vào trong góc hẻm. Xe đến trước núi ắt sẽ có đường đi (3).

Tôi nhớ khoảng 7 hay 8 năm về trước, có một cư sĩ ở New York mời một vị sư đến cư trú tại chùa của ông ta. Nhưng vì ông ta thường hay cãi nhau với vị sư nên vị sư ấy cuối cùng mới bỏ đi. Ngôi chùa là do vị cư sĩ xây lên, nhưng vì ông ta muốn dùng vị sư để thu hút người, ông thường hay sai khiến vị sư. Vị sư đó khi mới tới chùa, đã không vừa ý khi bị một cư sĩ sai khiến, cho nên hai người cứ hay tranh cãi và cuối cùng thì vị sư đã ra đi. Vị cư sĩ rất thất vọng và đã gọi điện thoại cho tôi, nói ông ta sẽ đóng cửa chùa vì ông ta quá chán chường. Ông ấy kể cho tôi nghe mọi vấn đề, kể khổ với tôi, hy vọng là tôi sẽ ngã về phía ông ta và chỉ trích vị sư. Như vậy thì ông ta sẽ là người chiến thắng và sẽ cảm thấy mình đúng.

Nhưng tôi bảo ông ta cứ đóng cửa chùa đi. Tôi nói “Ông đáng ra nên đóng cửa chùa từ lâu rồi!.” Ông ấy lặng thinh. Sự im lặng kéo dài chừng mười phút. Khi thấy ông ấy không còn gì để nói, tôi bảo “Thuở đó khi ông còn nghèo, ông dùng danh nghĩa của Phật giáo để làm giàu. Giờ đây khi giàu có rồi, ông đáng ra nên đóng cửa chùa và nên “qua cầu rút ván”, quên hết những ơn mà đạo Phật đã làm cho ông. Nếu ông không quên ơn thì cần báo ơn. Cỏn nếu ông quên ơn thì ông không cần phải báo ơn. Cho nên đó là lỗi của ông nếu ông phải đóng cửa chùa.” Tôi khiển trách ông ta như thế và từ đó đến nay ông ấy vẫn chưa đóng cửa chùa.

 

Hỏi: Khi chúng con tu hành, chúng con nhiều lúc sanh tâm kháng cự lại khiến gây ra chướng ngại. Chúng con phải đối trị như thế nào?

Hòa Thượng: Nếu có một con cọp đến ăn thịt con, con cũng sẽ cố ăn thịt nó sao? Như vậy là kháng cự, con sẽ làm như vậy sao?

 

Hỏi: Chúng ta thường thảo luận về A La Hán và Bồ Tát. Xin Hòa Thượng giảng về sự tuơng đồng và khác biệt giữa hai bên. Bồ Tát và A La Hán khác nhau như thế nào?

Hòa Thượng: A La Hán và Bồ Tát là danh hiệu dùng cho người có những trình độ trí huệ khác nhau. Bồ Tát thì muốn làm lợi ích cho người trong khi A La Hán chỉ tu hành để tự giúp ích cho bản thân. Cả hai là những gia đoạn trên con đường hành đạo. Là người thường, quý vị không biết được cảnh giới của A La Hán như thế nào. Quý vị cứ tha hồ mà suy đoán nhưng chỉ phí thời gian thôi. Cho dù quý vị có cố suy đoán A La Hán và Bồ Tát là như thế nào đi nữa nhưng cũng không thể nào biết được cảnh giới của họ. Quý vị như là người chưa từng đi học mà lại cho mình biết việc học như thế nào, sẽ học sách nào trong trường trung học và ở trên đại học. Nếu chỉ toàn là suy đoán mà không nỗ lực học hành chăm chỉ thì dù có tưởng tượng đến vô cùng tận thì quý vị vẫn không thể nào tốt nghiệp được. Quý vị không cần phải suy nghĩ đi học trong trường trung học hay đại học sẽ đọc sách gì. Tất cả việc quý vị cần làm là mỗi ngày vào trường và siêng năng học hành. Khi đến được trình độ đó rồi, khi đọc các sách vở đó rồi thì tự nhiên quý vị sẽ biết là nó như thế nào. Mọi suy đoán của quý vị chỉ là lãng phí tinh thần. Ăn no rồi không có gì tốt hơn để làm, quý vị tìm nhữngviệc vô ích để có chuyện làm, đó là theo nhận xét của tôi.

Cho nên người bình thường như chúng ta sau khi xuất gia, trước hết chúng ta muốn thành một Tỳ Kheo tốt. Làm Tỳ Kheo giống như là học sinh trường tiểu học. Sau khi học xong chương trình tiểu học, tất nhiên chúng ta có thể lên trung học. Tại trung học chúng ta không cần lo nghĩ là sẽ làm gì sau khi có bằng Tiến Sĩ. Cho dù chúng ta nên có kế hoạch nhưng chúng ta nên biết khi tới lúc ấy thì sự việc có thể sẽ không xảy ra như đã dự định. Vì thế tốt hơn hết là hãy chú tâm làm Tỳ Kheo cho tốt hơn là nghiên cứu cảnh giới của Bồ Tát và A La Hán.

 

Hỏi: Cha mẹ con không đồng ý cho con xuất gia. Họ không nghĩ xuất gia là điều tốt. Con thật muốn dùng đạo Phật để cảm hóa cha mẹ con nhưng nếu con xuất gia thì cha mẹ con chắc sẽ phản đối hơn. Xin Hòa Thượng chỉ con cách nào để giúp cha mẹ con từ từ chấp nhận Phật Giáo và thiền.

Hòa Thượng: Đúng là rất dễ khiến cho cha mẹ con chống lại việc con xuất gia. Ở Mã Lai có một nhà sư, khi thấy chư Tăng Ni chùa Vạn Phật Thánh Thành mặc áo giới, vị sư đó cũng muốn làm như vậy. Nhưng Sư phụ của thầy không cho phép mặc áo giới trong bất cứ hoàn cảnh nào. Vị Sư phụ đó nói là người xuất gia không cần phải mặc áo giới. Khi nhà sư đến hỏi tôi nên làm cách nào, tôi nói “Hãy về nói với thầy của con là nếu con mặc áo giới, con sẽ luôn được nhắc nhở mình là người xuất gia và sẽ không còn ý niệm dâm dục; nếu con không mặc áo giới thì con cứ mãi nhớ nghĩ đến phụ nữ. Nói cho thầy con nghe như vậy, và hãy xem ông ấy có cho phép con mặc áo giới không.” Khi nhà sư về nói cho điều này với thầy mình, thì vị thầy đó không còn cản trở việc nhà sư mặc áo giới nữa.

Còn về câu hỏi của con, con có thể nói cho cha mẹ mình là “Nếu con không xuất gia thì con muốn ăn nhậu, cờ bạc gái điếm, dùng ma túy và ngay cả phóng hỏa, giết người và làm đủ các loại tội ác khác. Nhưng nếu con xuất gia thì con sẽ không sát sanh mà lại phóng sanh, cho nên tự nhiên con cũng không dám làm các chuyện ác khác.” Hãy nói cho cha mẹ con như vậy và hỏi họ là xuất gia là việc tốt hay không tốt.

 

Hỏi: Pháp môn Niệm Phật là một pháp môn không phổ biến lắm trong Phật Giáo Nam Tông. Như vậy Hòa Thượng khuyên nên dùng pháp môn nào để phát khởi tâm tín ngưỡng?

Hòa Thượng: Tín có thể ví dụ như năm mùi vị. Tất cả các pháp môn Đức Phật dạy đều giống như là những mùi vị khác nhau, nào là chua, ngọt, đắng, cay và mặn. Quý vị không thể cho vị chua là ngon nhất, quý vị không thể nói vị ngọt là đệ nhất. Quý vị cũng không thể cho là vị đắng, cay hay mặn là đệ nhất tại vì mỗi người đều có sở thích riêng. Những người thích ăn đồ chua cho rằng chua là ngon đối với họ, những người thích ngọt thì lại bảo ngọt thì ngon đối với họ, còn người thích đắng cho rằng vị đắng ngon đối với họ. Còn những người thích ăn cay thì món ăn không thể nào thiếu gia vị cay. Bất kể là chúng ta tin vào pháp môn nào, nếu chúng ta tu tập đúng pháp thì tất nhiên sẽ có kết quả, còn nếu làm không đúng thì sẽ không có cảm ứng. Để chọn pháp môn nào còn tùy thuộc vào căn tánh của từng người. Mỗi người đều có nhân duyên của họ, nhưng dù là pháp môn nào đi nữa, nếu quý vị có thể nhất tâm tu trì thì quý vị sẽ được cảm ứng. Thí dụ quý vị tu pháp môn niệm Phật, nó không tốn nhiều công sức hay tiền bạc và cũng không cản trở các công việc khác vì quý vị có ễthể trì niệm cho dù là đang đi đứng, nằm hay ngồi, là ban ngày hay ban đêm. Đây là một pháp môn mà nhiều người có thể thực hành một cách dễ dàng, cho nên nói chung nó thích hợp với nhiều người. Nhưng nếu quý vị không chuyên chú thì có thể sẽ không có cảm ứng. Có câu kệ như sau:

Miệng niệm A Di Đà, tâm tán loạn

Niệm đến khan cổ chỉ phí công. (4)

Cho nên quý vị dù tu pháp môn nào, cũng đều cần có niềm tin. ” Lòng tin là cội nguồn của Đạo, là mẹ của công đức, nuôi lớn tất cả các căn lành.” Tại sao chúng ta không có niềm tin kiên cố? Là vì chúng ta trồng gốc rể chưa được sâu nên chúng ta chúng ta không thể thâm nhập Phật pháp. Vậy thì phải cần làm gì? Chúng ta nên lập công, lập đức và lập ngôn (nói lời thiện lợi ích). Lập Công là làm việc giúp ích cho người. Lập Đức là làm lợi cho người mà không để họ biết. Và Lập Ngôn là:

Với miệng từ bi và lưỡi khéo léo,

Dù nghèo giàu đều tạo nhiều công đức (5)

Nếu chúng ta có thể nói lời chân thật, không nói dối, nếu có thể nói lên đạo lý mà mình đã chứng nghiệm sau bao gian nan khổ cực thì không ai có thể bác bỏ chân lý đó được. Chân lý thì bất biến, không thay đổi, nhưng lại tuỳ duyên. Tuy tùy duyên nhưng lại bất biến. Đây là sự khác biệt giữa chân lý và hư giả. Nếu quý vị nhận ra chân lý và hàng ngày nghiên cứu chân lý thì tự nhiên quý vị sẽ có niềm tin.

 

Ghi chú:

(1) Nguyên văn Hoa ngữ:

信為道元功德母

Tín vi Đạo nguyên công đức mẫu.

(2) Nguyên văn Hoa ngữ:

日日說真話

不怕打與罵
殺我吾不畏

解脫有何罣

Nhật nhật thuyết chân thoại
Bbất phạ đả dữ mạ
Sát ngã ngô bất úy
Giải thoát hữu hà quái.

 

(3) Nguyên văn Hoa ngữ:

車到山前必有路

Xa đáo san tiền tất hữu lộ.

 

(4) Nguyên văn Hoa ngữ:

口念彌陀心散亂

喉嚨喊破也徒然

Khẩu niệm di đà tâm tán loạn

Hầu lung hảm phá dã đồ nhiên

 

(5) Nguyên văn Hoa ngữ:

慈悲口,方便舌,

有錢沒錢多作德

Từ bi khẩu, phương tiện thiệt,

Hữu tiền một tiền đa tác đức.