Chinese and English | Vietnamese
Lễ Tiễn Biệt Ông Đỗ Trọng Thi
Jennifer Lin viết bằng tiếng Trung Hoa và dịch sang tiếng Anh, ngày 9 tháng 5, 2007
Dịch từ nguyệt san Vajra Bodhi Sea số tháng 7, 2007. Trang 44-46.
Trong ký ức tôi, ông Thi Đỗ luôn là một người khiêm nhường, thận trọng và giữ lễ. Mặc dù tôi không phải là Pháp Sư, nhưng ông ấy vẫn luôn cúi mắt và chắp tay với dáng vẻ cung kính khi nói chuyện với tôi. Chú Lăng Nghiêm đã là cầu nối giữa tôi với gia đình này. Giờ đây, ông Đỗ đã khuất rồi và để tưởng nhớ tới mối liên hệ đặc biệt này, cũng là người đồng tu theo cùng một Sư Phụ, và là cô giáo của hai người con gái của ông, tôi đã trì ba biến chú Lăng Nghiêm để cầu nguyện tiễn biệt ông ấy.
Tôi nhớ lại hồi năm 1991-1992, khi tôi đang dạy ở trường học, làm quản lý bếp ăn của học sinh, làm việc tại Trung Tâm Tiếp Khách và đón tiếp những khách nữ giới đến viếng thăm chùa. Hồi đó, tôi cũng ở trong khu ký túc dành cho gia đình nằm ở phía sau khu vực cư dân, như thế tiện cho tôi trông coi hai khu dành cho khách ở gần đó – Khu nhà Mã Minh (Ngựa Hí) và khu nhà Sư Tử. Tôi cũng giúp một vài việc khác như đổ rác, thay bình nước uống, điều chỉnh nhiệt độ máy sưởi trong những tháng mùa đông, giặt những tấm vải trải giường trong trường hợp cần gấp và cung cấp các vật dụng lặt vặt cho khách. Tất cả những sự tương tác này giúp tôi tạo được mối liên quan rất tốt đẹp với khách viếng thăm, một số người sau này đã chuyển về ở Vạn Phật Thánh Thành, gia đình ông họ Đỗ là một trong số họ.
Tôi vẫn nhớ việc ấy bắt đầu từ chuyến viếng thăm của một gia đình người Việt khác, gia đình họ Nguyễn đến từ Los Angeles. Họ lái một chiếc xe lớn có toa kéo chứa đầy người. Sáng hôm sau, khi tôi tới Điện Phật nhỏ ở toà nhà Mã Minh để thắp hương thì ông Nguyễn đã hỏi tôi là Vạn Phật Thánh Thành có băng niệm chú Lăng Nghiêm với tốc độ chậm hơn dành cho người mới bắt đầu để có thể tụng theo dễ dàng không. Tôi nói với ông ta có thể tìm thấy băng ghi âm Hoà Thượng trì chú ở hiệu sách của Chùa, tôi cũng đưa cho ông ta một cuộn băng cassette mà tôi đã thâu âm lại từ một vị Pháp Sư. Ông Nguyễn nói rằng ông đã có cả hai cái băng này rồi; tuy nhiên, cái do vị Pháp Sư tụng thì lại quá nhanh, còn băng ghi âm Hoà Thượng tụng thì lại hơi chậm một chút và không phù hợp để trì tụng mỗi ngày. Rồi ông ta đưa một cuốn băng trống và hỏi rằng tôi có thể tụng Chú và thâu âm lại cho ông ấy không. “Tôi sao? Làm sao tôi có đủ tư cách làm việc này?” Lúc ấy tôi đã bang hoàng kinh ngạc, nhưng thấy vẻ chân thành và mong đợi của ông ấy, tôi nghĩ, “Được rồi, vì đức Khổng Tử dạy rằng ‘Khi làm theo đức Nhân ái thì có thể không nhường Thầy học.’ (1). Được rồi, vậy tôi sẽ làm”.
Một năm nữa qua đi, ông họ Nguyễn và bạn là ông Đỗ Thi cùng với gia đình của họ đều dọn nhà từ thành phố Los Angeles đến Vạn Phật Thánh Thành ở. Trước đó, gia đình ông họ Nguyễn đến đây hai hoặc ba lần. Lần đầu tiên ông ấy nói với tôi rằng ông đã sao lại (copy) nhiều băng trì Chú Lăng Nghiêm do tôi tụng và trao tặng tất cả họ hàng và bạn bè của ông ấy để giúp họ học cách trì Chú. Tôi cảm thấy rất mắc cỡ, “Ôi trời ơi. Làm sao lại có thể đi phân phối như vậy vì cái băng ấy ghi âm với giọng ồ ồ của tôi?” Nhưng tôi vẫn cảm thấy hoan hỷ vì giúp được mọi người. Lần thứ hai ông họ Nguyễn đến với một gia đình khác. Ông ấy nói do mọi người học tụng Chú Lăng Nghiêm nên Bồ Đề Tâm của họ tăng trưởng. Rồi ông ấy và ông Đỗ quyết định đưa cả gia đình vào ở tại Vạn Phật Thánh Thành giống như tôi và cho con cái họ học ở đây. Đó là lần đầu tiên tôi gặp ông Đỗ. Vẻ trầm tĩnh của ông ấy trái ngược với vẻ vui cười của ông Nguyễn, nhưng cả hai họ đều hết sức chân thành. Do đó, gia đình ông Đỗ đã trở thành hàng xóm của chúng tôi, và con gái lớn của ông ấy trở thành học sinh lớp tiếng Trung Hoa của tôi. Cô bé rất vâng lời, là học sinh giỏi, mặc dù không nói nhiều, nhưng luôn rất tập trung trong giờ học và làm bài tập về nhà rất kỹ càng.
Hai con gái của ông Đỗ có cá tính khá khác nhau; cô bé nhỏ tuổi hơn thì rất vui vẻ và đáng yêu. Tuy nhiên, cả hai cô bé đều rất thuần khiết, có đức tin tốt đẹp và có long thành đối với Phật Pháp; và cả hai đều thích vẽ hình Phật nữa. Điều đó làm tôi hài lòng và tôi quý mến hai em từ tận đáy lòng mình. Đó là lý do tại sao khi tôi nghe ông Đỗ nói rằng hai người con gái của ông mong muốn được xuất gia, tôi liền xin phép Hòa Thượng cho họ được xuất gia. Hoà Thượng hoan hỷ và từ bi cho phép họ ngay lập tức. Do đó, hai chị em này cùng với một số nữ học sinh đã trở thành Sa Di Ni, (sau này có tên là Sư Quả Phương và Sư Quả Hà). Ông Đỗ trở nên siêng năng hơn và làm đủ tất cả mọi công việc bảo trì, sửa chữa ở Vạn Phật Thánh Thành. Ông Đỗ luôn cẩn thận hỗ trợ cho hai người con gái và bảo hộ cho việc phát Bồ Đề Tâm của hai em.
Do sự kết nối giữa tôi và ông Đỗ được xây đắp từ Chú Lăng Nghiêm nên tôi muốn trì Chú Lăng Nghiêm để cầu chúc cho vị hành giả chuyên cần và chân thành này. Tôi mong rằng ông Đỗ sẽ vui thích nghe lời tụng này của tôi. Ông Đỗ, sau khi thoát được những đau khổ do bệnh tật của sắc thân này, tôi mong rằng ông sẽ đi trước về Cõi Tịnh Độ Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà. Nguyện rằng mọi người sẽ cùng gặp nhau ở đó trong tương lai không xa.
Ghi chú:
(1) Nguyên văn Hoa ngữ câ của Đức Khổng Tử: 「當仁不 讓於師」 – Đương nhân bất nhượng ư sư.
Điếu văn của Thầy Hằng Luật, Trụ Trì của Chùa Vạn Phật Thánh Thành trong Lễ Tiễn Biệt ông Đỗ Trọng Thi vào ngày Thứ Năm, ngày 10 tháng 5, 2007.
Ông Đỗ Quả Thi cùng với gia đình dọn đến Vạn Phật Thánh Thành ở vào mùa hè năm 1992. Sau đó, hai người con gái của ông đã trở thành Sa Di Ni. Mọi cư dân ở đây đều nhận thấy ông là người rất thành thật, khiêm nhường và là người có trách nhiệm. Ông luôn làm việc hết mình làm lợi ích cho cộng đồng qua các công việc như sửa chữa dây điện thoại, máy vi tính và tất cả các thiết bị điện của các trường học, trường Đại Học Phật Giáo và cho các gia đình của các cư dân ở đây. Ông đã luân phiên làm việc ở Văn Phòng Quản Trị, và đặc biệt rất nhiệt thành chào đón những khách viếng thăm là người Việt Nam và nhiệt thành phiên dịch Phật Pháp, (Hơn thế nữa, trong một thời gian dài vào cuối tuần, ông ấy đều đặn đến Chùa Pháp Giới ở thành phố Sacramento để làm tất cả mọi việc). Ông vui thích trong việc học và trì tụng Chú Đại Bi, giữ các giới Bồ Tát. Ông đã viết giấy xin phép vắng mặt tại Phật Điện khi bị bệnh và thường xuyên trả tiền ăn ở tại đây. Bằng những cách đó, ông Đỗ đã là một người gương mẫu về sự tham gia cộng đồng và về tư cách của ông.
You must be logged in to post a comment.