Chinese | Vietnamese
Mỗi Lời Nói Ra Đều Chân Thật
Hòa Thượng Tuyên Hóa
Những bữa ăn chay ở Vạn Phật Thánh Thành đều rất đạm bạc và thông thường, và cách tiếp đãi cũng không được chu đáo. Tuy nhiên, cách chúng ta tu tập Phật pháp ở đây là cách đúng đắn nhất, chân thật nhất và thành tâm nhất. Hiện tại chúng ta đang cử hành bữa tiệc đại Pháp. Mọi người nên chú tâm nghe Pháp và mang nó (Pháp) về nhà để thực hành một cách thiết thực; bằng cách này, quý vị sẽ đạt được lợi ích vô cùng. Quý vị không nên vào được núi báu mà lại trở về tay không.
Các quy củ ở Vạn Phật Thánh Thành là những giáo điều cơ bản mà tất cả nhân loại đều phải tuân theo; đó cũng là các chuẩn mực của tất cả chư Phật quá khứ, hiện tại, và vị lai .
Khi đến Vạn Phật Thánh Thành, nếu các vị là rồng, các vị phải cuộn mình lại, nếu các vị là hổ, các vị phải cúi mình xuống; nếu các vị là thổ phỉ, thì trước hết, các vị phải vứt bỏ súng và dao ở bên ngoài cổng Thành; nếu các vị là kẻ trộm cắp, các vị phải chặt bỏ “bàn tay” trộm cắp của mình; nếu các vị nói lắm lời, các vị phải “cắt bỏ cái lưỡi của mình.” Ý tôi là gì khi nói những điều này? Đây có nghĩa là bất luận là ai khi đến Vạn Phật Thánh Thành, thì các vị đều không được phép KHÔNG tuân theo quy củ ở nơi này.
Bên ngoài [Vạn Phật Thánh Thành], các vị quen làm bất cứ điều gì mình thích và không tuân theo các quy củ; điều này có thể tha thứ được. Tuy nhiên, một khi đến Vạn Phật Thánh Thành, các vị cần phải tuyệt đối tuân thủ các quy củ của nơi đây; không được có chút lơ là hay cẩu thả. Tất cả các vị cần phải tôn trọng nhân cách của bản thân mình. Các vị tuyệt đối không nên trở thành “đồ phế thải” của nhân loại hay là “thứ cặn bã” trong Phật giáo.
Ở ngoài kia, không có ai thực sự nói với các vị những lời chân thật. Tuy nhiên ở đây, mỗi lời nói ra đều là chân thật – trung thực và chính xác – giống như người thợ đá nện búa lên phiến đá vậy. Vì vậy mọi người cần ghi nhớ rằng: bất luận làm việc gì, các vị không được nhiễu loạn người khác hay làm mất trật tự, gây tổn hại cho kẻ khác để làm lợi cho cá nhân mình; các vị không được tham lam dù là những lợi nhỏ, hay lợi dụng kẻ khác, hay hy vọng thành công dựa theo cơ may. Thay vào đó, các vị nên học cách chịu thua thiệt, cũng như thiết tha tuân giữ Sáu Tông Chỉ của Vạn Phật Thánh Thành: không tham, không tranh, không mong cầu (lợi ích vật chất), không tự tư, không tự lợi, và không nói dối.
Tại sao mọi người phải tuân theo những quy củ? Nếu chúng ta thậm chí không tuân theo những quy củ, thì chúng ta còn (mong) được lợi lạc gì khi lạy Phật? Làm sao chúng ta có thể xem mình là đệ tử của Phật? Làm sao chúng ta có thể được gặp chư Phật? Cho nên Vạn Phật Thánh Thành không phải là một sân chơi, một trung tâm giải trí, một nhà hàng lớn, hay một nơi chơi đùa của trẻ con.
Vạn Phật Thánh Thành là một vùng đất thánh linh thiêng của Tam Bảo. Khi chúng ta đến nơi này, chúng ta lúc nào cũng nên thành tâm và tôn kính như là có sự hiện diện của chư Phật và chư thiên, hay như là chúng ta đang theo học với các vị Thầy vậy. Ở nơi này chúng ta phải thanh tịnh ba nghiệp; chỉ có như thế thì chúng ta mới có thể được cảm ứng của cả vạn đức Phật và Bồ Tát. Nếu chúng ta không chú ý đến những quy củ này, thì dù cho bổn thân của chư Phật hiện đến, các ngài cũng không tài nào giúp chúng ta thoát khỏi những khổ nạn và đạt được sự an lạc.
Bây giờ tôi sẽ nói cho các vị những lời chân thật: Trong thế gian này, điều quan trọng nhất là phải là một người tốt, chỉ có làm người tốt, các vị mới có thể thành Phật trong tương lai được. Phật là từ con người mà thành. Nếu thậm chí các vị không thể là một con người tốt, thì làm sao các vị có thể thành Phật được? Làm sao để trở thành một người tốt? Trước tiên, các vị cần phải hiếu thuận với cha mẹ, rồi cần tôn kính với sư trưởng, và trung thành với quốc gia. Các vị phải trưởng dưỡng lòng trung thành, hiếu thảo, cung kính, nhân từ, lễ nghĩa, công bằng, và liêm sỉ. Có người hỏi: “Pháp Sư, Ngài là người Trung Hoa, nên Ngài trung thành với nước Trung Hoa phải không?”
Nói thật với các vị, từ lâu tôi đã sớm thoát ra khỏi quan niệm về quốc tịch, dân tộc, hay chủng tộc – Tôi là người lang thang mang tánh quốc tế, không trụ ở một nơi cố định nào cả. Tôi không muốn một quốc gia – Tôi thậm chí còn không muốn cả cái bản ngã nữa, chứ đừng nói gì đến quốc tịch. Tôi chỉ nguyện sẵn lòng cống hiến hết sức lực của mình cho lợi ích của toàn thế giới và để phục vụ tất cả tôn giáo của toàn nhân loại.
Trước kia khi ở Manchuria (Mãn châu, Đông bắc), tôi tự gọi mình là “hoạt tử nhân” (người đã chết nhưng còn sống). Thời gian đầu mới tới Mỹ quốc vào năm 1962, tôi sống ẩn tu một vài năm và được gọi là “mộ trung tăng” (nhà Sư trong phần mộ). Sau đó vị “sư trong phần mộ” này ra khỏi mộ phần và cống hiến hết sức lực (Ghi chú: Theo cách nói khiêm tốn của Hòa Thượng Tuyên Hóa, Ngài nói Ngài dùng chút sức lực ít ỏi, nhỏ nhoi của mình) cho lợi ích của Phật giáo.
Bây giờ tôi tự gọi mình là “tiểu mã nghĩ” (con kiến con) hay “tiểu văn trùng” (con muỗi con) và ai ai cũng biết đây không phải là một cái tên tao nhã hay quý phái gì. Tôi muốn có thể “để tâm mình không dính mắc, chẳng bám vào đâu cả (ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm).” Tôi không cầu lợi ích cho bản thân mình, mà chỉ mong cầu phúc lợi cho mọi người.
Nếu muốn thành Phật, các vị trước tiên phải hoàn thiện đạo làm người. Phật quả được viên thành bởi cá nhân mỗi người. Phật là trí huệ, ma là ngu si. Phật làm lợi ích cho con người, trong khi ma lại làm tổn hại cho loài người. Nếu mọi người có thể khắc ghi những lời này trong tâm, như vậy là đủ rồi. Tôi cảm thấy có lỗi khi các vị đã tới đây mà thậm chí không có được một bữa ăn chay ngon miệng, ghế các vị ngồi cũng chẳng được sang trọng; tệ hại hơn nữa là các vị lại còn phải chịu nghe tôi la mắng. “Vị Pháp Sư này cả ngày cứ nói mãi về quy củ! Ở đây khổ quá.” Đúng vậy, các vị nói đúng, các vị đang phải chịu đựng sự hiện diện của tôi, nhưng nếu các vị có thể chấp nhận Pháp mình vừa được nghe, thì các vị đã không phải chịu đựng một cách vô ích vậy.
You must be logged in to post a comment.