KINH LĂNG NGHIÊM

NĂM MƯƠI LOẠI ẤM MA

 Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng tại

Phật Giáo Giảng Ðường San Francisco

California _ USA _ 1968

 DSC06229.JPG (109883 bytes)

SẮC ẤM

A. TRẠNG THÁI TÂM LÝ THANH TỊNH TRƯỚC KHI ÐI VÀO CẢNH GIỚI SẮC ẤM

B. PHẠM VI SẮC ẤM

C. KHI VƯỢT QUA SẮC ẤM, THẤY ÐƯỢC CỘI GỐC CỦA SẮC ẤM

D. MƯỜI LOẠI CẢNH GIỚI SAI BIỆT CỦA SẮC ẤM

1. Tâm Thoát Ngại

2.Nhặt Trùng Sán Trong Thân

3. Nghe Tiếng Thuyết Pháp Giữa Hư Không

4. Phật Hiện Thân

5. Hư Không Biến Thành Màu Sắc Bảy Báu

6. Thấy Vật Trong Phòng Tối

7. Thân Không Còn Cảm Giác, Ðồng Như Cây cỏ

8. Thấy Mọi Nơi Không Ngăn Ngại

9. Thấy Và Nghe Cảnh Vật Ở Phương Xa

10. Vọng Kiến Vọng Thuyết (Thấy Cảnh Giới Huyển Giả, Thuyết Pháp Tà Vọng)

KINH VĂN:

Lúc bấy giờ Đức Như Lai sắp rời pháp tòa. Từ tòa sư tử Ngài vịn tay vào chiếc bàn bằng bảy báu. Nhưng, Đức Như Lai xoay thân hình mầu sắc núi vàng tía của Ngài lại, rồi tựa lưng vào ghế và bảo khắp đại chúng cùng A Nan rằng: Các ông là hàng Thanh Văn, Duyên Giác hữu học, ngày nay hồi tâm hướng về Vô Thượng Bồ Đề, và Như Lai cũng đã dạy pháp tu chân chính cho các ông rồi.


Giảng:

Lúc bấy giờ Đức Như lai sắp rời khỏi pháp tòa: là chỉ cho Đức Phật giảng gần xong bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm.

Từ tòa sư tử Ngài vịn tay vào chiếc ghế bằng bảy báu. Đức Phật đang ở trên pháp tòa, tức tòa sư tử. Pháp âm của Như Lai ví như tiếng gầm của sư tử. Khi sư tử gầm lên, tất cả loài thú đều sợ hãi. Nên chỗ Như Lai ngồi giảng pháp được gọi là tòa sư tử. Chiếc ghế Như Lai ngồi được làm bằng bẩy thứ báu để trang nghiêm.

Nhưng, Đức Như Lai xoay thân hình mầu sắc như núi vàng tía của Ngài lại, rồi tựa lưng vào ghế và bảo.Thân của Đức Phật giống như ngọn núi bằng vàng tía ánh sáng rực tía khắp nơi. Khắp đại chúng cùng A Nan rằng:các ông là hàng Thanh Văn Duyên Giác Hữu học.Trước khi đạt được quả vị A La Hán, họ vẫn còn được gọi là hàng Hữu học. Thanh Văn là những vị được giác ngộ do tu tập pháp “Tứ Diệu Đế”. Duyên Giác là những vị được giác ngộ do tư tập pháp “mười hai nhân duyên”. Nay hồi tâm hướng về Vô Thượng Bồ Đề.Các ông bây giờ đã hồi tâm từ quả vị Tiểu thừa hướng về Đại thừa. A Nan cùng hàng Nhị thừa đã phát tâm cầu Vô Thượng Diệu Giác Đại Bồ Đề, không có sự giác ngộ nào vượt hơn sự giác ngộ nhiệm mầu này.

Tôi đã chỉ dạy pháp tu chân chính cho các ông rồi. Đức Phật đã chỉ dạy pháp tu chân chính cho các ông rồi.

KINH VĂN:

Nhưng các ông còn chưa biết những ma sự nhỏ nhiệm có thể xảy ra lúc tu Chỉ (Shamatha) và Quán (vipashyan). Nếu các ông không thể nhận ra ma cảnh khi nó hiện ra, là do việc thanh tịnh tâm ý của ông không phù hợp với pháp chân thật, nên bị rơi vào tà kiến.

Giảng:

Nhưng các ông còn chưa biết những ma sự nhỏ nhiệm có thể xảy ra lúc tu Chỉ, Quán. Trước đây A Na đã thưa thỉnh Đức Phật cách thức tu hành, Ngài đã vì chúng sanh trong đời vị lai mà thỉnh cầu giáo pháp. Dù bây giờ Ngài đã hiểu được đạo lý tu hành rồi nhưng vẫn còn chưa có được kinh nghiệm tu tập. Ngài đã hiểu được lý thuyết, nhưng do thiếu kinh nghiệm tu tập, nên Ngài không biết được những gì có thể xảy ra trong khi hành trì. Nên Đức Phật dạy: nhưng các ông vẫn còn chưa biết những ma sự nhỏ nhen sẽ xảy ra khi tu tập Chỉ, Quán. Tu Chỉ (shamatha) tức là tu tập Lăng Nghiêm Đại Định và tu Quán (vipashyana) là tu pháp quán chiếu rất miên mật. Các ma sự nhỏ nhiệm sẽ xuất hiện vào lúc này. Trong tiến trình tu tập, rất nhiều quần thể ma cảnh sẽ phát hiện, không phải ma cảnh nào cũng hiển bày rõ ràng, mà chúng rất là vi tế.

Nếu ông không thể nhận ra ma cảnh khi nó hiện ra.Khi các ông công phu phương pháp phản văn văn tự tánh (hướng tánh nghe vào bên trong để nhận ra tự tánh vốn có của mình) thì ma cảnh có thểõ xuất hiện. Nếu các ông không nhận ra ma và không biết ma là gì,là do việc thanh tịnh tâm ý của ông không phù hợp với pháp chân thật.Vì ông thanh tịnh tâm ý hay “rửa tâm” không đúng, có hơi sai lệch, không phù hợp với chánh tri kiến. Do đó bị rơi vào tà kiến.Nếu chánh tri kiến của các ông không được chân chính ( không đúng với chánh pháp) Các ông sẽ bị dính mắc vào ma cảnh.

KINH VĂN:

Ông sẽ bị quấy nhiễu bởi một loại ma từ ngũ ấm của ông. Hoặc là thiên ma, hoặc bị dính mắc bởi quỷ, thần hoặc gặp loài ly, mỵ. Nếu tâm ông không sáng suốt, ông sẽ nhận lầm kẻ giặc là con mình. 



Giảng:

Ông sẽ bị quấy nhiễu bởi một loại ma từ ngũ ấm của ông. Đó là một loại ma phát sanh từ chính tâm thức của mình (tự tâm ma). Hay là một trong mười loại ma phát sanh từ sắc uẩn, cũng là do từ ông mà ra.

Hoặc là thiên ma.Tại sao một loài ma từ trên trời lại đến để quấy rầy ông? Vì ông, người tu hành, tu tới chỗ có định lực rồi. Vấn đề không phải là vì ông có định lực mà là (vì định lực) khiến cho cung điện của ma vương bị chấn động giống như bị động đất vậy. Vì ma vương có được thần thông, nên ngay khi cung điện của nó bị chấn động, nó liền quan sát: “A! Tại sao cung điện của ta lại vô duyên vô cớ chấn động, lại đổ vỡ hủy hoại thế này? ” Nó khám phá ra trên thế gian có người sắp sửa thành tựu đạo nghiệp, nên có thứ định lực phá hủy tan tành cung điện của nó. Thiên ma mới suy nghĩ: “Mày muốn phá hủy bọn tao sao? Được, tao sẽ phá hủy định lực của mày trước. ” Thế là nó đến phá hoại định lực của người tu hành.

Hoặc bị dính mắc bởi quỷ thần. Quỷ thần cũng vậy: chúng thấy ông tu hành sắp sửa chứng quả thì ghen tức lắm. “ Hà! Mầy sắp chứng quả hả? Tao sẽ phá hủy việc tu hành của mày.” Thế rồi bọn chúng đục vô tâm ông hay gá nhập vào thân ông khiến ông không thể có định lực, rồi tẩu hỏa nhập ma. Bị dính mắc ma, như đã nói ở phần kinh văn phía trước, thì quan trọng lắm. Vì sao bị ma dính vào? Vì ông “thanh tịnh tâm ý không phù hợp với chánh pháp”, và bởi lập tâm không chính, động cơ không chân chánh. Do vậy, a ha! tâm ông có chút tà vạy, và thế là ông dính ma ngay. Đó gọi là tẩu hỏa nhập ma: mất hỏa hầu, nhập vào ma.

Hoặc gặp phải loài ly, mỵ, hoặc là vọng lượng.Các loài này đều là những loại yêu quái. Nếu tâm ông không sáng suốt, ông sẽ nhận lầm kẻ giặc là con.Khi gặp cảnh giới, tâm ông không nhận thức, không thấu suốt rõ ràng, thì ông sẽ nhận lầm “ kẻ cướp là con mình”. Ông nghĩ xem, những thứ quý báu của ông, lẽ nào chúng không trộm đi, cướp mất? Khi ông dẫn cướp vào nhà, thì những thứ trân quý vô giá trong nhà đều bị nó lấy sạch. Cái gì là vật trân quý vô giá? Tôi xin thành thật nói cho các ông nghe, mong quý vị nhớ lấy! Đừng nên nghi ngờ, không tin lời tôi nói. Vì sao? Vì nó quan hệ lớn lao đến tiền đồ và sinh mệnh của quý vị. Vậy thì vật vô giá ấy là gì? Chính là bản hữu Như Lai Tạng Tánh của quý vị. Chúng có thể đoạt lấy Như Lai Tạng Tánh của quý vị sao? (Chú thích: ma quỷ không thể đoạt mất Như Lai Tạng Tánh, nhưng chúng có thể đoạt mất phương tiện, nhịp cầu để ta đạt tới Như Lai Tạng Tánh. Phương tiện ấy chính là tinh, khí, thần. Khi phương tiện ấy bị phá hủy thì bạn sao thành Phật được).

Phần trước tôi đã không nói đến tinh, khí, thần rồi sao? Nếu quý vị muốn khôi phục lại Như Lai Tạng Tánh, trước hết quý vị phải bảo trì tinh, khí, thần của mình. Nếu không giữ gìn chúng, thì của gia bảo của quý vị sẽ bị cướp đoạt. Quý vị hãy hết sức cẩn thận.

KINH VĂN:

Lại nữa, do trong khi tu tập, cảm thấy hài lòng, thỏa mãn khi có chút ít thành quả. Như Tỳ Kheo Vô Văn đã đạt được Tứ Thiền, vọng ngôn cho rằng mình đã chứng Thánh. Khi phước báu cõi trời hết, tướng suy xuất hiện, liền phỉ báng quả vị A La Hán còn phải chịu sanh tử. Ngay đó ông ta liền rơi vào ngục A Tỳ.


Giảng:

Lại nữa, do trong khi tu tập, cảm thấy hài lòng thỏa mãn khi có chút ít thành quả. Trong khi tu tập, dù không bị dính mắc với quỷ thần, ông cũng cần phải có trí tuệ chân chính và có con mắt trạch pháp. Trạch là sự tuyển chọn, Pháp là Phật Pháp. Nếu ông nhận ra được Phật Pháp, thì tự ông biết mình đang tu tập đạt đến trình độ nào. Đừng đắc được chút ít cho là đủ, rồi cảm thấy thỏa mãn như Tỳ Kheo Vô Văn đã đạt đến tứ thiền, vọng ngôn cho rằng mình đã chứng Thánh. Gọi là Tỳ Kheo Vô Văn vì ông ta không hiểu biết nhiều. Ông ta chỉ biết chút ít Phật Pháp. Tại sao gọi ông ta là Vô Văn? Căn bản là bốn quả vị A La Hán (Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, và A La Hán) đều vượt trên các cõi trời Tứ Thiền. Đức Phật dạy: vị nào đạt được quả vị thứ tư (A La Hán), thì không còn chịu sanh tử luân hồi nữa. Vị Thánh khi chứng được quả vị thứ hai (Tư Đà Hàm) được gọi là Nhất Lai, phải còn thọ sanh một lần lên cõi trời và một lần trở lại trong cõi người. Còn phải trải qua một lần sanh tử nữa. Vị Thánh đạt quả vị thứ nhất (Tu Đà Hoàn) còn phải chịu trải qua bẩy lần sanh tử. Tất cả những cảnh giới này đều vượt trội hơn các cõi trời Tứ Thiền. Vô Văn Tỳ Kheo chỉ mới đạt đến cảnh giới Thiền thứ tư trong quá trình tư tập của ông thôi, nhưng ông ta tưởng rằng ông đã chứng được quả vị thứ tư của A La Hán. Thực ra ở trình độ cảnh giới Thiền thứ tư, vẫn chưa chứng được quả vị gì, và vẫn còn là phàm phu.

Nhưng tỳ kheo Vô Văn tuyên bố rằng: Ông ta đã chứng được quả vị thứ tư của hàng A La Hán. Thế mà hiện nay vẫn có người cho rằng quả vị thứ tư trong hàng A La Hán vẫn còn thấp so với họ. Họ trơ tráo tuyên bố rằng chính họ là Phật. Nhưng một Đức Phật thì có đủ Tam thân, Tứ trí, Ngũ nhãn, Lục thông. Quý vị có thể hỏi những người tự tuyên bố mình là Phật xem họ có được mấy món thần thông? Trong Lục thông thì ma quỷ có ngũ thông, chỉ thiếu lậu tận thông. Tôi tin chắc rằng những người tự cho mình là Phật, đừng nói tới sáu thông hay năm thông, ngay cả một thông cũng chẳng thông. Vì một thông cũng chẳng thông nên họ tự xưng là Phật. Nếu họ chỉ có một thông, họ đã không đưa ra lời đại vọng ngôn như thế.

Khi phước báu cõi trời hết.Khi đời sống của họ ở cõi trời hết, và những tướng suy xuất hiện. Các ông có nhớ năm tướng suy tôi đã giảng phần trước không? Khi thọ mạng của một chúng sanh ở cõi trời hết, khi họ sắp chết thì có năm dấu hiệu xuất hiện, gọi là năm tướng suy, Một là vòng hoa trên đầu héo rũ, hai là quần áo trở nên dơ bẩn, ba là nách xuất mồ hôi, bốn là thân thể trở nên hôi thối, năm không thích ngồi lâu.

Ông ta phỉ báng: Chứng A La hán còn phải chịu sanh tử. Do vậy, liền rơi vào địa ngục A Tỳ.
Khi phước báu trên cõi trời sắp hết, năm tướng suy xuất hiện, báo hiệu cuộc sống trên cõi trời đã đến lúc chấm dứt. Vị Tỳ Kheo Vô Văn nổi giận. Ông ta tức giận điều gì? Ông ta nói “ Ta đã bị Phật lừa dối, Đức Phật là kẻ lừa đảo bịp bợm, Đức Phật nói rằng: người nào chứng được tứ quả A La Hán thì không còn phải kinh qua sanh tử luân hồi nữa. Tại sao bây giờ mạng sống của tôi lại sắp kết thúc? Tại sao tôi lại phải chịu tái sanh? Tại sao tôi lại phải trải qua luân hồn lần nữa? Đức Phật là kẻ lừa dối”. Chúng ta biết ngay điều gì xảy ra khi ông ta hủy báng Đức Phật như thế. Ông ta đọa ngay vào ngục A Tỳ.
Địa ngục A Tỳ còn gọi là ngục Vô Gián. Vốn là do không chứng được quả vị A La Hán, mà tuyên bố đã chứng được, nên khi hưởng hết phước báo ở cõi trời xong, khi chấm dứt mạng sống ở đó, ông ta rơi vào địa ngục. Ông ta không nhận ra lỗi lầm của mình mà còn cho rằng Đức Phật giảng pháp không đúng. Thực sự Đức Phật đã nói rằng “ Ông chưa chứng được quả vị thứ tư của hàng A la Hán, nếu ông đã chứng được dĩ nhiên ông chẳng còn sanh tử luân hồi nữa! Sao lại còn có năm tướng suy hiện ra?” Bởi vì hủy báng Đức Phật, nên Vô Văn Tỳ Kheo tức thời rơi vào địa ngục Vô Gián.
Quý vị có thể tưởng tượng được những người tự tuyên bố mình là Phật sẽ đi về đâu? Tôi không biết rồi họ kết thúc sinh mạng ở nơi nào nữa?

KINH VĂN:

Các ông nên lắng nghe kỹ, Như Lai sẽ giảng giải chi tiết cho các ông.

Giảng:

Các ông nên lắng nghe kỹ. A Nan ông nên đặc biệt lưu ý, hãy lắng nghe cho kỹ, Ta sẽ giảng giải chỉ hết cho các ông. A Nan cùng đại chúng, ta sẽ giảng giải tường tận, từng chi tiết cho các ông nghe. Vậy nên đừng có thất vọng, đừng sanh tâm cô phụ.

KINH VĂN:

A Nan đứng dậy, cùng hàng Hữu học trong chúng hội, vui mừng đảnh lễ, im lặng lắng nghe lời chỉ dạy từ bi của Đức Phật.

Giảng:

A Nan đứng dậy, cùng hàng hữu học trong chúng hội. Đó là các vị Bồ Tát, các vị Đại A La Hán, các vị Đại Tỳ Kheo và các vị Hữu Học, những người đã chứng được sơ quả, đệ nhị và đệ tam quả A La Hán.

Vui mừng đảnh lễ. Vì Đức Phật sắp giảng giải vấn đề rất chi tiết. Nên mọi người đều hớn hở cùng nhau vui mừng đảnh lễ Đức Phật.

Im lặng lắng nghe lời chỉ day từ bi của Đức Phật. Họ tự nhiếp phục tâm ý của mình, không để cho còn một niệm tưởng lăng xăng nào dấy khởi, như vậy mới có thể lắng nghe với sự chú tâm trọn vẹn vào giáo pháp Đức Phật sắp chỉ dạy.

 

KINH VĂN:


Đức Phật bảo ngài A Nan cùng toàn thể chúng hội “ Các ông nên biết, mười hai loại chúng sanh trong thế giới hữu lậu, đều có sẵn bản tâm vốn sáng suốt nhiệm mầu (bổn giác diệu minh), là tâm thể giác ngộ trọn vẹn (giác viên tâm thể), bản tâm ấy chẳng khác với tâm thể giác ngộ của mười phương chư Phật.

Giảng:

Đức Phật bảo A Nan cùng mọi người trong chúng hội. Tất cả các ông nên biết mười hai loại chúng sang trong thế giới hữu lậu, đều có bản tâm vốn sáng suốt nhiệm mầu. Là tánh giác sẵn có xưa nay, là chân tâm vốn sáng suốt nhiệm mầu, là tâm thể giác ngộ trọn vẹn, không khác tâm thể mười phương chư Phật Hoàn toàn giống nhau, chẳng khác chút nào. Chư Phật mười phương cũng có bản tâm sáng suốt nhiệm mầu ấy, và mười hai loại chúng sanh cũng có sẳn bản tâm hoàn toàn sáng suốt giác ngộ nhiệm mầu ( Bản giác diệu minh, giác viên tâm thể )và nó còn được gọi là Như Lai Tạng.

KINH VĂN:


Do ông vọng tưởng, mê lầm chân lý, si và ái phát sanh gây ra mê lầm cùng khắp, nên có hư không. Cái mê biến hóa không dừng, nên có thế giới. Do vậy các cõi nước không phải vô lậu, nhiều như số vi trần trong mười phương, đều dựng lập từ mê, ngoan và vọng tưởng.



Giảng: 


Do ông vọng tưởng mê lầm chân lý. Này A nan, tự tánh của ông và tự tánh của mười hai loại chúng sanh cùng với chư Phật chẳng khác. Là một, là như nhau. Tuy nhiên, vì nương nơichân mà ông dấy khởi vọng tưởng, trở nên mê muội chân lý, thành ra lỗi lầm sai trái từ đó mà phát sanh. Lỗi lầm lớn nhất là gì? Là ngu si và ái. Có thể nói si và ái là hai thứ, cũng có thể gom thành một thứ: Si ái. Bởi vì có vô minh, thành ra thứ gì cũng không hiểu thấu, chỉ biết ái. Từ sáng đến tối chỉ nghĩ đến thứ này: đó là nghĩ đến sự dâm dục và ái dục. A! Chẳng thể buông bỏ dù chỉ trong chốc lát. Nếu quý vị chú tâm, thích thú tham cứu Phật Pháp cũng như khi say mê ái dục vậy thì sẽ thành Phật rất chóng. Nhưng tiếc thay quý vị không thể chuyển đổi ý thích dục lạc thành ý thích Phật Pháp. Do vậy, càng học Phật Pháp, càng thấy vô vị. Rằng: “Tật xấu của tôi nhiều như thế đó, Phật Pháp đều nói toạc ra cả. Úi! Thật là tôi không muốn học chút nào. Phật Pháp kêu gọi tôi thay đổi tập khí, làm sao mà tôi có thể làm được điều ấy?” Đó là một ví dụ về si ái. Ở trên kinh văn có nói “Do vọng tưởng, mê lầm chân lý thành ra lầm lỗi” Nay tôi có thể nói rằng: “Do ông vọng tưởng, có lòng si ái nên lầm lỗi.” 

Si ái phát sinh gây ra mê lầm cùng khắp. Vì ông có si ái nên sinh ra mê muội. Chuyện gì cũng mê muội. Môt khi si ái thì ông sẽ không còn hiểu biết rõ ràng, chuyện gì cũng chẳng màng đến.“Đọa địa ngục thì cũng mặc, sợ gì!”. Chuyện gì ông cũng không để tâm tới.

Nên có hư không. Vì si ái nên ông lầm lỗi, từ sáng đến tối cứ nghĩ đến người nữ. Nếu là người nữ thì cứ nghĩ đến người nam. Từ đó phát sanh ra một thứ tánh “ không” hư vọng. Thứ mê này biến hóa không cùng nên có thế giới. Từ một thứ mê biến ra hai thứ mê, hai thứ mê biến thành ba thứ mê, cứ thế tiếp tục không ngừng. Người thông minh nên chú ý vào đoạn kinh văn này, nhìn kỹ vào đây. Bởi vì đoạn văn này nói rõ đến tận xương cốt của quý vị, nói toạc ra tật xấu của các ông rồi đấy.

Do vậy, các cõi nước không phải vô lậu nhiều như số vi trần trong mười phương đều được dựng lập từ mê, ngoan và vọng tưởng. Thế giới khắp mười phương không phải bất hoại. Nó không phải là thế giới vô lậu, vì nó không có thể tánh riêng biệt, mà chỉ là sự dựng lập của vọng tưởng. Mê nghĩa là mê muội không thấu suốt. Ngoan nghĩa là ngu si ương ngạng. Thế giới đều là do vọng tưởng của quý vị tạo thành, quý vị có biết chăng?

KINH VĂN:


Nên biết hư không sanh trong tâm ông ví như chút mây điểm trên nền trời xanh. Huống nữa là các cõi nước thế giới ở trong hư không thì nhỏ đến cỡ nào? 


Giảng:

Vấn đề chủ yếu ngay bây giờ các ông phải nên biết: Hư không sanh trong tâm ông ví như chút mây điểm trên trời xanh. Hư không sanh từ tâm ông cũng như phiến mây điểm trên nền trời xanh. Đem phiến mây trên bầu trời để so sánh với tâm ông. Một phiến mây trên bầu trời thì nhỏ, nhưng bầu trời, tượng trưng cho tâm ông, thì lớn mênh mông. Trong đoạn kinh trước (quyển 6) đã nói:

“Không sanh đại giác trung như hải âu phát”

Nghĩa là:Hư không sanh trong biển lớn giác ngộ, giống như hòn bọt nổi lên trong biển cả. Bây giờ lại nói: “Hư không trong tâm ông giống như đám mây điểm trên nền trời xanh.” Tất cả hư không hiện hữu đó đều nhỏ cả, thế thì tâm ông lớn biết chừng nào? Huống nữa là các cõi nước ở trong hư không còn nhỏ đến cỡ nào. Tất cả thế giới so với hư không ắt là nhỏ. Nếu hư không ở trong tâm ông thì thế giới ắt còn phải nhỏ hơn nữa. Điểm này mô tả tánh giác trùm khắp mọi nơi.

KINH VĂN:


Nếu chỉ có một người trong các ông, phát minh chân lý và quay về bổn tánh, thì mười phương hư không đều tiêu mất. Làm sao các cõi nước trong hư không kia không bị hủy diệt? 


Giảng:


Nếu chỉ có một người trong các ông phát minh chân lý và quay về bổn tánh. Phát minh chân lý và quay về bổn tánh có nghĩa là thành Phật. Chứng quả vị thứ tư của hàng A La Hán cũng có thể được gọi là phát minh chân lý quay về bổn tánh. A Nan, nếu một người trong các ông thành Phật thì mười phương hư không đều tiêu mất. Làm sao mà các cõi nước trong hư không kia không bị hủy diệt? Hư không không còn nữa thì làm sao mà thế giới trong nó còn tồn tại được? Thế giới cũng tiêu trầm luôn vậy.

Có người nói: “Nếu có nhiều người đã thành quả vị Phật rồi, thì lẽ ra hư không phải hoàn toàn tiêu diệt hết, thế tại sao hư không chưa biến hẳn đi?” 

Từ cái nhìn của hàng phàm phu thì hư không còn tồn tại, nhưng chư Phật thì nhìn thấy không còn có hư không. Đó là những cái nhìn khác nhau. Thế nên các ông không nên luận bàn theo lối khái quát. Ví dụ như người đạt được Ngũ Nhãn thì có thể nhìn thấy được những gì đang xảy ra ở nước này và nước khác cách nhau hàng ngàn dặm. Ông là người chưa khai Phật nhãn, liệu có thể thấy được những việc như vậy chăng? Do vậy ta không thể nói: Tôi thấy được nó nên nó phải hiện hữu. Ôâng có thể thấy như nó đang tồn tại, nhưng qua tầm nhìn của Đức Phật thì không có gì tồn tại cả. Ngay cả hư không cũng chẳng có.


KINH VĂN:


Các ông tu thiền đạt được chánh định (Tam-ma-đề), tâm ông tương thông tương hợp với tâm của chư vị Bồ Tát, và các vị vô lậu đại A la Hán trong mười phương, nên ngay đây mà được thanh tịnh trạm nhiên.

Giảng: 


Khi các ông tu tập thiền định, đạt được chánh định (Tam-ma-đề), đắc được định lực, tâm của ông tương thông tương hợp với tâm của chư vị Bồ Tát và các vị vô lậu đại ALaHán trong khắp mười phương. Cho nên, ngay đây mà được thanh tịnh trạm nhiên, mà an trụ trong cảnh giới thanh tịnh vắng lặng sẵn có. Sự thanh tịnh vắng lặng (thanh tịnh trạm nhiên) này, ông chớ đi nơi khác tìm kiếm. Nó ở ngay nơi ông (đương xứ), ngay đây (đương xứ tức thị) chính là Như Lai Tạng Tánh, vốn thanh tịnh vắng lặng và trùm khắp Pháp giới.

Tại sao tâm của chư vị Bồ Tát, các vị ALaHán và với những người tu tập thiền định hỗ tương thông hợp như vậy? Bởi vì các Ngài cùng tu một thứ định như nhau, đều dùng pháp “phản văn văn tự tánh, tánh thành vô thượng đạo” hướng cái nghe vào bên trong để nhận ra tự tánh của mình cho đến khi thành Phật đạo. Quý ngài đều tu tập Thủ Lăng Nghiêm Đại Định nên các Ngài đều như nhau. Đã như nhau nên tâm của các Ngài kế hợp, hỗ tương thông đạt. Như thểø có dòng điện nối liền giữa các Ngài với nhau vậy.

Sự thông hợp này không chỉ xảy ra ở cảnh giới của chư Phật, chư Bồ Táùt và các vị A La Hán, mà đối với hàng phàm phu chúng ta cũng có. Hễ ông nghĩ đến ai thì giống như ông đánh một bức điện tín đến tâm người đó. Hỏi rằng: “Người kia có biết (tôi nghĩ đến họ) chăng?” Tự tánh của người ấy thì biết rõ, dù tâm thức của người ấy có thể không hề biết. Trong tự tánh của hai người, họ đều cảm nhận được.
“Nếu tôi cứ nghĩ đến người đó ngày đêm; nhớ nghĩ, nhớ nghĩ, nhớ nghĩ mãi… Vậy thì người ấy cũng nhớ nghĩ về tôi không?”

Ôâng có thể nghĩ nhớ tới chết cũng chẳng ích gì! Giống như sự si ái mà tôi giảng trước đây. Nếu một người si ái anh ta sẽ nghĩ về những cảnh đam mê tình ái suốt ngày, không lúc nào dừng lại được những vọng tưởng ấy. Nhớ nghĩ, nhớ nghĩ, nhớ nghĩ… cho đến anh ta muốn chết. Làm sao chết? Là nghĩ đến việc kết hôn. Kết hôn tức là hôn mê luôn. Khi hôn mê thì từ từ sẽ chết. Nên nói: kết hôn tức là hôn mê, hôn mê tức là ngu si, chuyện gì cũng không biết.

Trong Hán văn, ông có thể suy luận về nghĩa của hai chữ Kết Hôn. Hôn có nghĩa là mờ tối. Trong Hán văn thì ý nghĩa là thế. Không biết trong Anh văn ý tứ thì ra sao.


KINH VĂN: 


Thì tất cả ma vương, cùng các loài quỷ thần, các cõi trời phàm phu đều thấy cung điện của nó vô cớ mà đổ vỡ. Đại địa rung động, các loài thủy lục không hành thảy đều kinh sợ. Hàng phàm phu mê muội thì chẳng hay biết những sự biến động này. 


Giảng: 


Khi đạt được Đại Định Thủ Lăng Nghiêm, là chân Tam-ma-đề (Chánh định), thì ma quân rúng động. Tất cả ma vương, cùng các loài quỷ thần, các cõi trời phàm phu của sáu cõi Dục và Tứ Thiền đều thấy cung điện của mình vô cớ mà đổ vỡ. Vô duyên vô cớ cung điện bỗng dưng đổ vỡ.

Khi còn ở Mãn Châu tôi có một chú đệ tử trẻ tuổi. Tuy chỉ mười bốn tuổi, nhưng thần thông chú không nhỏ. Chú có thể lên trời xuống đất tùy ý. Tuy đã mở được ngũ nhãn nhưng chưa chứng được lục thông. Chỉ có ngũ thông chớ không có lậu tận thông. Nếu đạt được lậu tận thông thì được gọi là A La Hán.
Một hôm, chú lên trời để tiêu khiển. Khi lên đó, Vua trời (ma vương) rất vui mừng và dụ chú ta vào trong cung điện của chúng. Đó là một tòa lâu đài tuyệt đẹp làm bằng ngọc lưu ly trong suốt. Chú Sa Di đã bị mắc bẫy trong ấy.

Do chú có được ngũ nhãn, nên chú có thể thấy được thân của mình đã bị cầm giữ bởi Tha Hóa Tự Tại Vương. Do vậy chú ta báo cho tôi biết: Thưa thầy, con lên trời nay không thể về được nữa. 

“Thế là chú bị kẹt trên trời rồi! Hừ thế trước kia ai đã chỉ cho chú lên đó”. 

Con nghĩ là ở đó sẽ rất vui nên con lên đó để xem cho biết. Bây giờ người ở trên đó không muốn cho con trở lại.

Tôi bảo: “Đi chơi, con không nên đến đó chơi. Các Thiên ma ở các tầng trời cõi Dục đều muốn tìm cơ hội để phá hủy định lực của người tu đạo.”

Thế rồi tôi nói với chú: “ Đừng sợ, thầy sẽ đưa con về.”

Tôi kêu chú về, nhưng ma vương ở đó vây chú lại không để chú đi. Đến lúc đó, chú trở nên thật hoảng sợ và nói: Hắn không để con đi,vậy làm sao bây giờ? 

Tôi bảo: “Đừng lo thầy sẽ đưa con về ngay.”

Rồi tôi dùng chú Thủ Lăng Nghiêm, đoạn chú văn chuyên phá vỡ ma thuật tức là Ngũ Đại Tâm Chú (tức là năm câu: Sất Đà Nể, A Ca Ra, Mật Rị Trụ, Bát Rị Đác Ra Da, Nảnh Yết Rị mà trong bản Kinh Nhật Tụng tiếng Hoa và trong “Lăng Nghiêm Chú Sớ” là từ câu 104 đến 108). Ha! Khi ấy cung điện của ma vương tức khắc sụp đổ tan tành. Do vậy chú mới ra về được. 

Bấy giờ cung điện của ma vương hủy hoại rồi sụp đổ. Đại địa chấn động. Mặt đất nứt nẽ nhiều nơi. Các sanh vật dưới nước trên không thảy đều kinh sợ. Tất cả những loài sinh vật ở dưới nước, trên mặt đất, các loài bay nhảy, sợ hãi bò lên hoảng loạn không còn kiềm chế mình được nữa. Hàng phàm phu tối tăm (hôn ám) thì chẳng hay những biến đổi này.Hàng phàm phu chẳng có được tri giác bén nhậy, họ không nhận ra được quả đất đang kinh qua những sự biến đổi như vậy. Họ không có đủ sự nhậy bén để nhận biết sáu thứ chấn động đang xảy ra.

KINH VĂN:


Các loài này đều có năm thứ thần thông, trừ lậu tận thông, đương tham luyến cảnh trần lao. Làm sao nó để các ông phá hoại chỗ ở? Vậy nên các loài quỷ thần, thiên ma, lỵ mỵ, võng lượng lượng, yêu tinh… trong lúc ông tu pháp Tam Muội đều đến quấy phá.


Giảng:


Bây giờ các ông hiểu rồi chứ? Vì sao ma lại đến phá? Chỉ vì các loài thiên ma, quỷ thần này đều có năm thứ thần thông (thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm thông, túc mạng thông), chỉ trừlậu tận thông mà thôi. Nếu có lậu tận thông chúng sẽ không quấy phá các ông làm gì. Chỉ vì không có lậu tận thông nên chúng vẫn còn muốn làm người xấu, người ác đến phá hoại người tu đạo. Do vậy mà thấy: khó đắc được lậu tận thông lắm. Thế nào gọi là lậu tận? Tôi sẽ giảng rất tường tận về điều này. Tôi xin nói thật cho các ông nge: bất luận là nam hay nữ, hễ nam nghĩ đến nữ hay nữ nghĩ đến nam, đó gọi là lậu. Nếu ý nghĩ (nam nữ) không đoạn thì các ông không đắc được lậu tận thông.

Lại nói sâu hơn một chút cho các vị nghe, nói thực cho các vị biết, vì rằng nếu không nói thật, cứ che đậy úp mở thì biết bao giờ các vị mới hiểu sự thật bên trong? Nói thật thì: Nếu các vị không để mất tinh thì gọi là lậu tận. Nếu tinh mất thì gọi là lậu. Không những tinh không mất mà ngay cả tư tưởng ý niệm (dâm dục) cũng phải không có. Khi ý niệm vi tế nhỏ nhiệm về dâm dục không có nữa thì mới lậu tận. Hiện tại các vị đã hiểu chưa? Vì sao thiên ma không lậu tận? Vì chúng có tâm dâm dục. Quỷ thần cũng có tâm dâm dục.

Vì nó đương tham luyến cảnh trần lao. Thế nào là trần lao? Chính là sự dâm dục. Trần lao chính là dâm dục mà dâm dục chính là trần lao. Vì thiên ma tham luyến sự dâm dục nên nó không muốn quý vị buông bỏ việc dâm dục. Nó khiến quý vị tham luyến. Chúng nói: “Chúng ta là bạn tốt. Tôi không buông bỏ chuyện dâm dục, nhưng anh muốn từ khước, buông bỏ việc này sao? Không thể được!” Vì thế tụi nó tới tìm quý vị. Để làm gì? Nói toạc ra, là vì chúng không thể để quý vị giải thoát khỏi thế giới này. Nên các loài quỷ thần, thiên ma, lỵ mỵ, yêu tinh đến phá hoại khi ông tu tập pháp Tam Ma Đề. Khi tôi đề cập đến chữ yêu tinh trước đây các ông chưa rõ nghĩa, hôm nay tôi sẽ giải thích. Ông có biết chữ yêu ( ) trong tiếng Hán gồm có chữ nữ ( ) và chữ yểu ( ) ghép lại. Tức là cô giái (nữ) yểu mạng (sống không lâu). Yểu là gì? Chết trước ba mươi tuổi thì gọi là chết yểu. Các ông nhìn xem nghĩa của chữ, không cần tôi giải thích dài dòng, thì cũng hiểu ý. Gái chết non thì làm quỷ đoản mạng, thanh niên chết yểu rất có khả năng làm yêu tinh.

Lúc ông trong định, chúng đều hè nhau kéo lại. Lại để làm gì? Để ăn thịt Đường Tăng. Ai là Đường Tăng? Tức là pháp sư Huyền Trang đời Đường. Rất nhiều yêu tinh muốn ăn thịt Ngài, tức là muốn phá hủy định lực của Ngài. Nếu ông tu hành có được định lực thì yêu ma quỷ quái đều muốn ăn thịt ông cho bằng được. Nhưng không phải là ăn thịt ông đâu. Tôi sẽ hết sức chân thực trình bày cho ông được rõ chẳng giữ lại điều gì. Điều gì thực sự sẽ xảy ra? Chỉ vì ông không nghĩ đến dâm dục, tinh đầy đủ, khí đầy đủ, thần đầy đủ, nên bọn chúng thấy rằng lúc này ông có nhiều của báu. Chúng nói: “Ta nhất định tới đoạt bảo bối của mày!” Thế là bọn kéo lại phá hoại ông. Nguyên nhân là chúng muốn đoạt bảo bối. Nếu ông có một người bạn gái và bà có một người bạn trai, thì những người ấy cũng sẽ cướp đi của báu trân quý của ông vậy. Ông thử nghĩ có điều gì khác sẽ xảy ra?

Ông nói: “Tôi học Phật Pháp, Phật Pháp dạy rằng phải biết bố thí, vậy nên tôi đem bảo bối tặng người ta kia mà!”

Thế thì tốt lắm! Nếu vậy tương lai ông sẽ biến thành quỷ đói, đọa địa ngục. Người cướp bảo bối của ông bấy giờ không thể tới (địa ngục) nói với ông rằng: “Đây này, tôi sẽ trả lại cho ông một ít của báu, để ông có thể thoát ra đây!” Lúc đó, chẳng có cách gì giúp ông được cả, ông suy nghĩ kỹ lại đi! 


KINH VĂN:

Các loài ma ấy tuy có giận giữ, nhưng vẫn còn ở trong trần lao. Trong khi ông ở trong chánh giác vi diệu. Bọn nó chẳng ảnh hưởng gì đến ông, như gió thổi chẳng làm lay động ánh sáng; hoặc như dao chẳng cắt được nước. Ông như nước sôi, trong khi ma vương giống như tảng băng, khi gần hơi nóng, băng sẽ tiêu tan. Chúng nó ỷ vào thần lực nhưng chỉ là khách thôi!

Giảng

Khi ông đạt được ít định lực trong khi công phu, ma vương sợ hãi nên đến phá hủy. Nó không muốn ông đạt được định lực, dù các loài ma ấy đến để quấy nhiễu ông và dù nó hết sức phẩn nộ, giận dữ nhưng nó vẫn còn ở trong trần lao. Nhưng nó có trần lao ô nhiễm. Trong khi ông ở trong tánh vi diệu. Bọn nó chẳng ảnh hưởng gì đến ông, như gió thổi chẳng làm lay động chút ánh sáng hoặc như dao cắt nước. Nó chẳng làm gì được ông cả, chỉ như gió không đủ làm ánh sáng lay động, và chỉ như dao dù bao nhiêu lần chém nước, nước chẳng hề hấn gì.

Ông như nước sôi” trong cách so sánh này, định lực phát sanh từ công phu tu tập của ông được ví như nước sôi. Trong khi ma vương giống như tảng băng, ma vương được ví như tảng băng giá trong mùa đông. Khi gần hơi nóng, băng sẽ tiêu tan, cứng như băng nhưng sức nóng của nước sôi cũng sẽ dần dần làm băng tan chảy, chúng nó ỷ vào thần lực nhưng chỉ là khách thôi. Nó chỉ trông mong vào thần lực của chính nó nên nó chẳng bao giờ được gọi là chủ, nó chỉ là “khách” (chẳng ở được lâu ). Nó không thể thành công trong nỗ lực quấy phá ông.


KINH VĂN:


Nó có phá rối được chỉ tại tâm ông, vốn là chủ nhân của ngũ ấm, nếu chủ nhân mê lầm thì khách mới được dịp quấy phá.


Giảng:


Nó có phá rối được chỉ tại tâm ông, vốn là chủ nhân của ngũ ấm. Căn bản là nó chẳng thể phá rối được. Tuy nhiên, nếu chủ nhân mê lầm, nếu tâm ông vốn là chủ nhân của ngũ ấm mà mê lầm, thì khách sẽ được dịp quấy phá.

Khách sẽ được dịp quấy phá. Còn nếu như ông là chủ nhân không mê lầm thì nó không thể làm được điều gì hại ông cả. Ai là chủ? Đó là tự tánh của ông, nếu tự tánh của ông bị mê mờ, ma quỷ có cách để hại ông. Còn nếu tự tánh của ông không bị mê lầm thì nó đành chịu bó tay, chẳng làm gì được ông.


KINH VĂN:


Khi trong thiền định: sáng suốt không mê lầm thì các ma sự kia không làm gì được ông, khi năm ấm tiêu trừ ông thể nhập vào bản tánh sáng suốt, bọn tà ma kia đều nương vào khí u-ám. Do sáng phá được tối, nên bọn chúng sẽ bị tiêu hủy khi đến gần ông. Làm sao còn dám ở lại nhiễu loạn thiền định.


Giảng:


Khi trong thiền định, ông làm cho tâm ý mình được thanh tịnh, đạt được chánh định, ông được sáng suốt không mê lầm, các ma sự kia chẳng làm gì ông được. Ma quỷ không thể nhiễu loạn ông bằng cách của nó được, khi năm ấm tiêu trừ ông thể nhập vào bản tánh sáng suốt. Ma quỷ thuộc về bóng tối (âm) bóng tối có thể bị xua tan đi như băng tiêu trong nước sôi. Lửa trí huệ của ông rất sáng nên ông hoàn toàn thể nhập vào với ánh sáng.

Bọn ma kia gồm yêu ma quỷ quái, tà ma ngoại đạo nương vào khí u- ám. Mọi chiến thuật (phá hoại) của nó đều nương vào u khí tối tăm. Do ánh sáng phá được tối, nếu ông đạt được định lực và trí huệ chân chánh thì năng lực của ánh sáng trí huệ sẽ chiếu sáng và xua tan mọi u ám. Nên bọn chúng sẽ bị thiêu hủy khi đến gần ông, sao còn dám ở lại nhiễu loạn thiền định? Nó không dám ở lại để quấy nhiễu ông.


KINH VĂN:


Nếu không tỏ ngộ, bị ngũ ấm làm mê lầm thì chính ông – A Nan – ắt phải làm con của ma, sẽ thành loài ma. 


Giảng :


Nếu không tỏ ngộ. Nếu ông không hiểu biết và thức tỉnh mà lại bị mê lầm bởi ma của ngũ ấm, thì chính ông A Nan ắt phải làm con của ma sẽ thành loài ma. Ông sẽ trở thành quyến thuộc của ma.

KINH VĂN:


Như ông gặp nạn Ma Đăng Già, là việc nhỏ nhặt. Cô ta dùng chú thuật bắt ông phá hủy luật nghi của Phật; nó mong trong tám muôn hạnh, ông chỉ hủy phạm một giới. Nhưng vì tâm ông thanh tịnh nên chưa bị chìm đắm.


Giảng:


Ông gặp nạn con gái của Ma-Đăng-Già, là việc nhỏ nhặt. Đó chỉ là một việc dính líu đến ma sự bình thường. Cô ta dùng chú thuật bắt ông phá hủy luật nghi của Phật, cô ta dùng chú thuật của Tiên Phạm Thiên để mê hoặc, bắt ông phá hủy luật nghi của Phật. Nó mong trong tám muôn tế hạnh ông chỉ hủy phạm một giới, nhưng vì tâm ông thanh tịnh nên không bị chìm đắm. Vì ông đã chứng được Sơ quả A la hán, ông không bị nó khống chế, nên không bị đọa lạc.


KINH VĂN:


Đây là nỗ lực muốn phá hoàn toàn sự giác ngộ quý báu của ông. (Nếu nó thành công ), ông sẽ như quan Tể Tướng bỗng nhiên bị lưu đày, gia đình ông ta trở nên xiêu bạt, bơ vơ, không thể thương xót cứu hộ.


Giảng:


Đây là nỗ lực muốn phá hoại hoàn toàn sự giác ngộ quý báu của ông. Đó là hành vi nỗ lực làm cho ông đọa lạc. (Nếu nó thành công), ông sẽ như quan Tể Tướng bỗng nhiên bị lưu đày. Giống như một quan chức bỗng nhiên bị lưu đày, tài sản bị nhà vua tịch thu, gia đình ông ta trở nên xiêu bạt, bơ vơ, không thể thương xót cứu hộ. Ông hoàn toàn bơ vơ, không có nơi cầu cứu, không có người thương xót giúp đỡ.

SẮC ẤM

A. TRẠNG THÁI TÂM LÝ THANH TỊNH TRƯỚC KHI ĐI VÀO CẢNH GIỚI SẮC ẤM.

KINH VĂN:


A Nan nên biết, khi ông ngồi thiền nơi đạo tràng, tiêu trừ các vọng niệm. Khi các vọng niệm đã hết sạch, chẳng còn một niệm phân biệt trong tâm ông. Trạng thái thanh tịnh, sáng suốt này dù trong động hay tĩnh đều không biến đổi, dù ông nhớ hay quên, đều như nhau. 


Giảng:

A Nan nên biết, khi ông ngồi thiền nơi đạo tràng, tiêu trừ các vọng niệm. A Nan ông nên biết rằng: Ông tu tập “phản văn văn tự tánh” (Quay trở lại tánh nghe để nhận ra tự tánh của mình). Khi công phu như vậy, mọi vọng niệm đều sẽ tiêu trừ. Khi các vọng niệm đã dứt sạch, chẳng còn niệm phân biệt trong tâm ông. Trạng thái thanh tịnh sáng suốt này, tức là trí huệ và định lực này, dù trong động hay tĩnh cũng không biến đổi, dù ông nhớ hay quên đều như nhau. Dù động hay tĩnh, trạng thái thanh tịnh sáng suốt (trí huệ và định lực) này không thay đổi, dù ông nhớ hay quên trạng thái đó đều như một, không hai.

B. PHẠM VI SẮC ẤM.

KINH VĂN:


Đương khi an trụ trong trạng thái đó mà vào được chánh định, như người sáng mắt nhận ra được chính mình nơi u ám. Tuy bản tánh của ông là nhiệm mầu thanh tịnh, nhưng tâm chưa tỏa phát được trí huệ sáng suốt. Đây được gọi là phạm vi của Sắc ấm.


Giảng:

Khi an trụ trong trạng thái đó mà vào được chánh định. A Nan! Ông nên biết khi hành giả tu tập định lực, an trụ trong trạng thái thanh tịnh, động tịnh không thay đổi, nhớ quên đều như một đó. Như người sáng mắt nhận ra được chính mình nơi u ám. Ông ta như người có đôi mắt sáng tỏ, sống trong ngôi nhà tối tăm. Tuy bản tánh thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu, nhưng tâm chưa tỏa phát ra trí huệ sáng suốt. Tuy bản tánh của ông ta là thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu, tâm ông ta chưa đạt được ánh sáng của trí huệ chân thực, đây gọi là phạm vi của Sắc ấm.

C. KHI VƯỢT QUA SẮC ẤM, THẤY ĐƯỢC CỘI GỐC CỦA SẮC ẤM.



KINH VĂN:


Nếu mắt sáng tỏ, rõ thấu mười phương, không còn tối tăm, gọi là hết sắc ấm. Người ấy có thể vượt ra khỏi kiếp trược. Quán sát nguyên do của sắc ấm, nhận ra vọng tưởng kiên cố là cội gốc.


Giảng:

Nếu mắt sáng tỏ, rõ thấu mười phương rộng mở, không còn tối tăm. Cảnh giới này gọi là gì? Gọi là hết sắc ấm. Trong năm ấm (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), sắc ấm đã hết. Người này có thể vượt ra khỏi kiếp trược. Quán sát nguyên do của sắc ấm, nhận ra vọng tưởng kiên cố là cội gốc. Khi người này vượt qua kiếp trược, mọi hành động của người đó sẽ đều phát xuất từ vọng tưởng kiên cố. 3


D. MƯỜI LOẠI CẢNH GIỚI SAI BIỆT CỦA SẮC ẤM


1. Tâm Thoát Ngại

KINH VĂN:


A Nan, ngay trong lúc này, do chuyên chú cứu xét ánh sáng vi diệu ấy, tứ đại không còn đan dệt với nhau nữa, chẳng bao lâu thân có thể thoát ra khỏi sự ngăn ngại. Trạng thái này gọi là: “Tinh minh nhập vào tiền cảnh”. Đó chỉ là trạng thái nhất thời do dụng công, không phải là biểu hiện sự chứng quả Thánh. Nếu không khởi tâm chứng Thánh thì đó là cảnh giới tốt, nhưng một khi đã nghĩ mình chứng Thánh liền bị tà ma dẫn dụ.


Giảng:


Bây giờ giảng đến phần ngũ ấm ma. Ngũ ấm là gì? Là sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Sắc có mười thứ ma, thọ cũng có mười thứ ma, tưởng, hành và thức mỗi thứ đều có mười thứ ma. Tổng cộng là năm mươi loại ấm ma. Người tu đạo cần phải hiểu thấu đáo cặn kẻ năm mươi loại ma sự này. Nếu không rõ năm mươi ấm ma, rất dễ làm quyến thuộc của ma vương. Đến khi làm quyến thuộc của ma vương rồi, quý vị cũng không biết vì sao mình làm quyến thuộc của chúng. Vẫn không nắm được yếu lĩnh, không biết vì sao! Do vậy các vị phải đặc biệt chú ý.

A Nan, ngay trong lúc này, do chuyên chú cứu xét ánh sáng vi diệu ấy, khi sắc ấm sắp sửa tiêu dung, ông ta thấy mười phương rỗng rang, sáng rực không còn tối tăm nữa. Bởi vì lúc ấy có một loại ánh sáng; trong khi ông ta hết sức chuyên chú quán xét cảnh giới sáng suốt vi diệu này, tứ đại không còn đan dệt với nhau nữa, chẳng bao lâu thân thể thoát ra khỏi sự ngăn ngại. Tứ đại sẽ không còn kết hợp với nhau, không còn tác dụng ngăn ngại. Chẳng bao lâu thân thể sẽ trở nên không bị chướng ngại, như hư không rỗng rang. Đó được gọi là: Ý sanh thân, nghĩa là có một thân khác tách rời khỏi thân vật chất. Trước đây tôi đã kể chuyện về chú đệ tử của tôi đến các cung trời bằng Định thân của chú ấy, thân ấy cũng được gọi là: Ý sanh thân. “Ýù” đây tức là một trong sáu thức (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý ). Thân ấy do ý sanh, tạo nên bởi tâm thức nên không bị ngăn ngại (như là sắc thân kết hợp bằng tứ đại).Trạng thái này gọi là: “Tinh minh nhập vào tiền cảnh”. Ánh quang minh tinh diệu lưu nhập vào tiền cảnh 4. Đó là trạng thái nhất thời do dụng công. Cảnh giới này nhất thời, bất quá chỉ do siêng năng tu tập mà thôi; nó chỉ nhất thời, không phải hằng có. Khác với khả năng xuất nhập một cách tự tại, trong mọi thời mọi lúc muốn đến nơi nào liền đến nơi ấy, muốn trở lại liền trở lại. Với sự thong dong tự tại này, ông có thể:

Phóng chi tắc nhi lục hợp
Quyển chi tắc thốâi tàng ư mật.

Thả ra nó sẽ trùm khắp Tam thiên đại thiên thế giới; tuy nhiên, có thể thu lại bất kỳ lúc nào. Nếu ông không thể làm được việc này bất kỳ lúc nào ông muốn, thì cảnh giới của ông chỉ là nhất thời. Đó là cảnh giới ông gặp phải trên con đường tu hành, khi sự dụng công của ông đến được trình độ nào đó. Cảnh giới (ý sanh thân) trên chỉ là tạm thời. Ông sẽ không thường xuyên có được một sắc thân vượt qua mọi sự chướng ngại, không phải là sự biểu hiện chứng quả Thánh. Ông chưa phải đã đạt được quả vị Thánh. Cảnh giới của Thánh nhân chứng quả không phải giống như vậy.

Nếu không khởi tâm chứng Thánh thì đó là trạng thái tốt. Nghĩa là ông không nên nói: “Ồ tôi tu hành thật sự có công phu, tôi có thể xuất hồn ra khỏi thân từ đỉnh đầu (xuất huyền nhập hóa)”. Nếu ông tự mãn, ngạo mạn như vậy thì điều gì sẽ xảy ra? Ông kể như “xong” rồi. Tuy nhiên, nếu ông không xem cảnh giới này như một bằng chứng của sự chứng đạt quả Thánh, thì cảnh giới ấy không phải là sự chướng ngại to lớn và cũng chẳng có gì sai lầm nghiêm trọng. Nhưng một khi nghĩ mình đã chứng Thánh thì liền bị tà ma dẫn dụ. Nếu như ông nghĩ: “Công phu tu tập của mình hiện nay quá siêu tuyệt rồi, ta thật kỳ diệu, ta là Thánh nhân xuất thế, ta là A la hán”. Nếu ông nghĩ như thế, bọn ma sẽ xông vào ông ngay. Một khi ma đến rồi, thì tương lai ông sẽ rơi vào địa ngục.

2. Nhặt Trùng Sán Trong Thân


KINH VĂN:

A Nan, nếu lại dùng tâm chuyên chú cứu xét ánh quang minh sáng suốt vi diệu trên, sẽ thấy ánh sáng rỗng suốt khắp thân. Bỗng nhiên có thể lượm ra những con trùng sán từ trong thân mình, mà thân thể vẫn nguyên vẹn, không bị tổn thương. Trạng thái này gọi là: “Tinh minh lan ra thân thể”. Đây chỉ là trạng thái nhất thời do tinh tấn công phu, chẳng phải là chứng Thánh. Nếu không nghĩ mình chứng Thánh thì đó là trạng thái tốt, còn nếu nghĩ mình chứng Thánh thì liền rơi vào tà ma.

 

Giảng:

Đây là ma cảnh thứ hai của Sắc ấm ma. Vì sao ma cảnh xuất hiện? Vì ông tu hành, tinh tấn tu tập mới có, nếu không tinh tấn dụng công thì tìm không ra những cảnh giới ma sự này. Ma chẳng thèm để ý tới ông. Vì ông là người nghèo thì chúng tới tìm ông cũng chẳng ích gì. Khi ông tu tới chỗ có bảo bối thì chúng mới tới: chúng muốn cướp đoạt bảo bối.

Vậy ông phải làm gì khi chúng đến? Ông cần phải như như bất động, liễu liễu thường minh (nghĩa là: tâm không khởi vọng niệm, nhưng quán sát rõ ràng mọi chuyện). Không nên sinh tâm chấp tướng. Không nên nghĩ: “Cảnh giới ấy quá tuyệt vời, ước gì nó lại hiện ra”. Đừng mong ngóng nó, cũng đừng ruồng rẫy xua đuổi nó. Mà nên giữ thái độ như không có chuyện gì xảy ra, bởi vì đây không phải là cảnh giới chứng quả. Nếu quý vị không có tư tưởng rằng mình chứng quả thì tốt lắm. Nếu quý vị cho rằng mình chứng quả rồi nói: “ A! Ta là người phi thường, ta có thể nhặt từng loài chúng sanh từ trong thân mình ra”. Nếu quý vị nghĩ rằng mình đã đạt được thần thông tự tại thì quý vị thực sự mê lầm. Chỉ với một niệm tự mãn ấy bọn ma liền len vào tâm quý vị và nó khống chế ông, nó khống chế ông cho đến khi ông mất hết định lực. 

Do đó, người tu đạo phải chân chính hiểu thấu đáo đạo lý này thì mới không rớt xuống hố, rơi vào bẫy ma hay lạc vào đường tà. Khi không hiểu Phật Pháp, quý vị rất dễ lạc đường. Chẳng có công phu thì chẳng có vấn đề gì để nói. Một khi có công phu, có được chút ít định lực, thì ma vương mỗi giây mỗi phút đều canh cánh nhìn quý vị. Chúng chờ cơ hội có thể len vào quý vị, thì liền tới nhiễu loạn quý vị ngay.

A Nan, nếu lại dùng tâm chuyên chú cứu xét ánh quang minh vi diệu trên, sẽ thấy ánh sáng rỗng rang thông suốt khắp thân. Nếu ông siêng năng miệt mài trong việc tu tập, ông sẽ có thể thấy được mọi thứ bên trong thân mình. Nếu thường thường thấy được như thế thì có thể khả dĩ, nhưng nếu ông chỉ có thể thỉnh thoảng thấy được thì đó là trạng thái của sắc ấm.

Bỗng nhiên có thể lượm ra những con giun-sán từ trong thân mình, mà thân thể vẫn nguyên vẹn không bị tổn thương. Trong trạng thái này, bỗng nhiên ông có thể lượm giun-sán từ trong bụng mình ra, đủ loại dài ngắn, lớn, nhỏ. Ông chỉ cần thọc tay vào bụng là lôi chúng ra được. Những con giun-sán được lôi ra là thực không phải là hư giả, song bụng ông không bị tổn thương. Quý vị nói thử xem những con trùng-sán ấy được lấy ra như thế nào? Nếu quý vị thọc tay vào trong bụng để lấy được trùng sán ra thì đáng lẽ bụng sẽ bị tổn thương, nhưng bụng lại hoàn toàn không bị rách bể, thân thể vẫn nguyên vẹn. “Thân thể vẫn nguyên vẹn” có thể giải thích theo hai cách. Có thể nói là thân thể của những con giun-sán vẫn toàn vẹn chẳng bị tổn thương chút nào, vẫn còn sống, khoẻ mạnh. Cũng có thể nói là bụng ông vẫn toàn vẹn không bị tổn thương.

Cảnh giới này gọi là “tinh minh lan ra thân thể”. Một ánh sáng rất là trong suốt tràn ngập khắp thân thể của ông. Thực ra chẳng phải quý vị đưa tay vào trong bụng mình để nhăït giun-sán ra, mà tự nó từ trong thân quý vị trào ra. Đây chỉ là cảnh giới nhất thời do tinh tấn công phu, chẳng phải là chứng Thánh. Cảnh giới này là tạm thời không phải thường xuyên như vậy. Nếu là cảnh giới xảy ra thường xuyên thì tình huống khác hẳn. Đây không phải cảnh giới khi chứng quả Thánh. Nếu không nghĩ mình chứng quả Thánh thì gọi là cảnh giới tốt. Sẽ là tốt đẹp, không gây lên vấn đề gì nghiêm trọng. Còn nếu nghĩ mình đã chứng quả Thánh thì liền bị tà ma dẫn dụ. Nếu ông cho rằng: “Ta vừa chứng Thánh quả, ta có thể lấy những trùng sán này từ trong bụng ra. Các người thấy chẳng phải tuyệt diệu hay sao? Các người đâu được cảnh giới như thế!” Nếu ông mống tâm cống cao ngã mạn, một khi khởi tâm đắm trước vào cảnh giới liền sẽ bị ma vương dẫn dụ mà thành quyến thuộc của nó.

3. Nghe Tiếng Thuyết Pháp Giữa Hư Không


KINH VĂN:

Lại nữa, nếu dùng tâm, quán xét tinh tường trong ngoài, khi ấy hồn, phách, ý, chí, tinh, thần sẽ giao tiếp nhau, thay phiên làm khách, làm chủ, nhưng không ảnh hưởng đến sắc thân. Rồi bỗng dưng nghe giữa hư không có tiếng thuyết pháp, hoặc nghe mười phương đều diễn bày nghĩa lý thâm mật. Cảnh giới này gọi là: “Tinh thần thay phiên nhau khi rời xa, khi kết hợp để cùng nhau gieo trồng những hạt giống tốt”. Nhưng đó cũng chỉ là trạng thái nhất thời chẳng phải là chứng Thánh. Nếu chẳng nghĩ mình đã chứng Thánh thì đó là cảnh giới tốt. Nếu nghĩ mình đã chứng Thánh thì rơi vào tà ma.


Giảng:

Lại nữa, nếu dùng tâm, quán xét tinh tường ánh quang minh sáng suốt nhiệm mầu trên, cứu xét trong ngoài, cầu đến chỗ tinh sâu. Hồn phách trải qua một sự thay đổi. Có ba hồn và bảy phách (vía) ở trong thân thể con người. Tôi đã đề cập đến mười anh em này trước rồi. Một số trong mười hồn vía ấy, chỉ có tai hoặc mắt, có trường hợp chỉ có mũi nhưng không có môi, mắt, tai. Mỗi trường hợp chỉ làm chủ một giác quan, thiếu năm giác quan kia, thế nên nó không có tác dụng riêng lẻ, độc lập. Nó phải hợp tác hỗ tương với nhau như một đội bóng. Những ai có tai sẽ giúp cho người không có tai, ai có mắt giúp cho người không có mắt. Nó hỗ trợ giúp đỡ cho nhau. Mười thứ hồn phách ấy cùng với ý, chí, tinh, thần sẽ giao tiếp nhau nhưng không ảnh hưởng đến sắc thân. Chúng thay phiên làm khách, làm chủ. Nó thay đổi vai trò hỗ tương giúp đỡ lẫn nhau, nó thay nhau đóng vai chủ và khách.

Rồi bỗng dưng nghe giữa hư không có tiếng thuyết pháp. Có người đang thuyết pháp giữa hư không. Ai vậy? Ông nghe được tiếng nhưng không thấy được hình, thực ra đó chỉ là ý, chí, tinh và thần của chính ông, nó thay phiên nhau đóng vai chủ và khách để giảng pháp. Hoặc nghe mười phương đều diễn bày nghĩa lý thâm mật. Ông có thể nghe tiếng giảng pháp từ giữa không trung. Sao vậy? Vì sự công phu tu tập của ông trong những đời trước ông từng nghe giảng rất nhiều kinh pháp, nên hồn, phách, ý, chí, tinh và thần của ông không không quên. Thế nên trong đời này, khi ông dụng công dồn ép đến cực điểm thì những kinh nghiệm trong quá khứ chợt trào ra. Trạng thái này gọi là: “Tinh thần thay phiên nhau khi rời xa, khi kết hợp để cùng nhau gieo trồng những hạt giống tốt”. Nó cùng hợp tác với nhau, cùng lập thành một dây, cùng nhau kết nhóm, cùng nhau tách rời ra. Chúng có thể giảng nói Phật Pháp khiến cho ông có thể hiểu được những điều mà trước nay ông chưa hiểu. Vậy nên ông mới có thể gieo trồng những chủng tử tốt cho đời sau. Đó chỉ là trạng thái nhất thời, không phải là thường xuyên, không phải là chứng Thánh. Đừng khởi ý tưởng cho rằng trạng thái này rấy vi diệu, rồi nói: “Hãy xem ta đây, ta chẳng cần đến nơi Pháp hội, ta có thể nghe giảng pháp ở trong không trung bất kỳ khi nào ta muốn”. Ôâng có thể được nghe giảng pháp nhưng cũng không có nghĩa là ông đã chứng Thánh. Nếu chẳng nghĩ mình đã chứng Thánh. Nếu ông không trở nên tự mãn, không tự cho rằng mình là kẻ phi thường, nếu không muốn dối gạt mọi người thì đó là trạng thái tốt. Giả sử như ông nói:

– Ồ tôi có thể nghe pháp ngay cả khi chẳng ai giảng nói cả. Anh có được điều ấy không?
– Không!
– Thế mà chuyện ấy lại đến với tôi.

Nếu ông quảng cáo (khoe khoang ) để mong có người tin ông, thì điều gì sẽ xảy ra? Nếu ông nghĩ rằng mình đã chứng Thánh thì liền rơi vào tà ma. Một khi ông mống tâm cống cao, tự mãn cho mình là ghê gớm liền bị bọn ma nhập vào. Chúng nhập vào ông để làm gì? Để làm ông đọa lạc, để làm ông trở thành quyến thuộc của chúng.

4. Phật Hiện Thân

KINH VĂN:


Lại nữa khi tâm lặng yên, tỏ lộ, sáng suốt, thấu triệt, ánh sáng từ tâm chiếu khắp cả mười phương thành sắc Diêm Phù Đàn. Tất cả loài hữu tình đều hoá thành Như Lai. Lúc ấy, bỗng thấy Đức Phật Tỳ Lô Giá Na ngồi trên đài Thiên Quang, có ngàn Đức Phật vây quanh, trăm ức cõi nước cùng với hoa sen đồng thời hiện ra. Cảnh giới này gọi là:“Tâm và hồn tiêm nhiễm sự linh ngộ” Khi tập trung tham cứu đến tận nguồn tâm thì ánh sáng từ trong tâm chiếu khắp cõi nước. Đây chỉ là trạng thái tạm thời, không phải là chứng Thánh, nếu không nghĩ mình chứng Thánh gọi là cảnh giới tốt, nếu tự cho mình là Thánh thì liền rơi vào tà ma. 



Giảng:


Lại nữa khi tâm lặng yên thanh tịnh, tỏ lộ, sáng suốt tột bậc. Ánh sáng từ trong tâm chiếu khắp cả mười phương thành sắc Diêm Phù Đàn. Ánh sáng rực rỡ tỏa chiếu từ trong tâm, khắp mười phương cõi nước đều phủ mầu Diêm Phù Đàn. Tất cả loài hữu tình (thai sanh, thấp sanh, hoá sanh, noãn sanh ) và tất cả các loài chúng sanh khác đều hoá thành Như Lai.

Lúc ấy, bỗng thấy Đức Phật Tỳ Lô Giá Na. Tỳ Lô Giá Na (Vairochana) nghia là “suốt khắp mọi nơi” là danh hiệu của Đức Phật. Ngài không hiện hữu riêng ở một nơi nào, vậy nên chẳng nơi nào mà Ngài không hiện hữu, thân thể của Ngài trùm khắp mọi nơi. Người này bỗng nhiên thấy được đức Phật Tỳ Lô Giá Na, vị Phật có thân trùm khắp mọi nơi. Ngồi trên đài làm bằng ánh sáng của cõi trời (Thiên Quang) hiển bày thân cao ngàn trượng. Đức Phật Tỳ Lô Giá Na được ngàn Đức Phật vây quanh cùng với trăm ức cõi nước cùng với hoa senxanh, vàng, đỏ, trắng đồng thời hiện ra. Cảnh giới này gọi là: “Tâm và hồn tiêm nhiễm sự linh ngộ” Ông đừng cho rằng cảnh giới này là thật. Tâm và hồn phách ông bị ảnh hưởng, nhiễm bởi một dạng linh cảm của giác ngộ. Do vậy nó không thật. Khi tập trung tham cứu đến tận nguồn tâm thì ánh sáng từ trong tâm chiếu khắp các cõi nước. Khi tâm ông được sáng suốt sẽ chiếu khắp cả mọi thế giới. Đây chỉ là trạng thái tạm thời, không phải là chứng Thánh. Những gì đang diễn ra không phải là lâu dài vĩnh viễn. Ông chẳng phải là đã chứng Thánh quả. Nếu không nghĩ mình chứng Thánh thì gọi là cảnh giới tốt. Còn nếu tự cho mình chứng Thánh thì liền rơi vào tà ma. Nếu ông nói: “Thật tuyệt diệu! Ta vừa thấy Đức Phật Tỳ Lô Giá Na. Ông có thấy chăng? Công phu của ông chẳng sâu bằng tôi, tôi thật là đã đạt được điều ấy”. Một khi ông khởi lên niệm như vậy thì ma vương liền đến lôi kéo ông vào địa ngục.

5. Hư Không Biến Thành Màu Sắc Bảy Báu


KINH VĂN:

Lại nữa, khi người ấy dùng tâm cứu xét một cách tinh ròng ánh sáng nhiệm mầu ấy, quán sát không dừng, đè nén, hàng phục tâm mình, ngăn không cho nó kích động đến chỗ thái quá. Bỗng dưng hư không mười phương biến thành mầu sắc của bảy loại châu báu hoặc mầu sắc của trăm loại châu báu, đồng thời cùng khắp, không ngăn ngại nhau. Những mầu xanh, vàng, đỏ, trắng hiện ra rõ ràng. Cảnh giới này gọi là “ Sức công phu hàng phục vọng tâm quá phần”. Đó là trạng thái tạm thời không phải là chứng Thánh. Nếu không khởi tâm cho rằng mình chứng Thánh, đó gọi là cảnh giới tốt. Còn nếu nghĩ rằng mình là bậc Thánh, liền rơi vào tà ma.


Giảng:


Lại nữa, khi người ấy dùng tâm cứu xét một cách tinh ròng ánh sáng suốt nhiệm mầu ấy, quán xét không dừng, đè nén hàng phục tâm mình, không cho nó kích động thái quá. Ông cố gắng chế ngự, ngăn dứt tâm mình, ép giữ không cho nó kích động, mạnh mẽ quá đà. 

Bỗng dưng hư không trong mười phương biến thành mầu sắc của bảy loại báu, hoặc mầu sắc của trăm loại châu báu, đồng thời cùng khắp, đầy khắp không gian mà không ngăn ngại lẫn nhau. Chúng không hề chướng ngại nhau.

Những loại mầu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng đều hiện ra rõ ràng. Mỗi thứ đều phô bày mầu sắc riêng biệt của nó. Cảnh giới này gọi là: “Sức hàng phục vọng tâm quá phần”. Ông dụng công tu hành chế ngự vọng tâm, không để cho vọng tưởng xen vào, không để cho nó dấy khởi những tạp niệm. Sau khi sự kiềm chế ấy xảy ra một thời gian dài, nó trở nên căng thẳng quá mức. Đó là ông đã vượt quá mức độ bình thường lẽ ra nên có. 

Đó là trạng thái tạm thời không phải là chứng Thánh. Ông chỉ tạm thời thấy được sắc mầu bảy báu trong không trung thôi. Vậy nên trạng thái này không có nghĩa là ông đã chứng được Thánh quả.
Nếu không khởi tâm cho mình đã chứng Thánh, đó là trạng thái tốt. Sẽ là hoàn toàn tốt đẹp, không phải là tình trạng xấu. Còn nếu nghĩ rằng mình là bậc Thánh, liền rơi vào tà kiến. Liền bị lũ tà ma vây khốn, ông tức sẽ đọa lạc.


6. Thấy Vật Trong Phòng Tối


KINH VĂN:


Lại nữa, khi người ấy dùng tâm tham cứu đến chỗ lặng suốt, cho đến khi ánh sáng tinh thuần không còn tán loạn. Bỗng nhiên giữa đêm có thể thấy các thứ vật hiện ra trong phòng tối, không khác gì ban ngày, trong khi các thứ ở trong phòng tối cũng không biến mất. Cảnh giới đó gọi là: “Tinh luyện tâm vi tế đến chỗ cực điểm và cái thấy vô cùng trong lặng, nên thấy được trong bóng tối”. Đó là cảnh giới nhất thời, không phải chứng Thánh. Nếu không khởi tâm chứng Thánh quả, đó là cảnh giới tốt, nếu nghĩ là chứng Thánh, liền rơi vào tà ma.


Giảng:

Lại nữa, khi có người dùng tâm tham cứu đến chỗ lặng suốt, cho đến khi ánh sáng tinh thuần không còn tán loạn. Lại nữa, khi người ấy dùng tâm trong định quán sát cảnh giới, cho đến khi linh quang từ tâm sáng suốt trở nên rất lắng đọng, không tán loạn nữa, ông ta đạt được một loại định lực. Bỗng nhiên giữa đêm có thể thấy các thứ vật hiện ra trong phòng tối, trong ngôi nhà không có ánh sáng vào ban đêm, không khác gì ban ngày, trong khi các vật ở trong phòng tối cũng không biến mất. Không những ông ta có thể thấy các vật ở trong nhà mà còn có thể thấy được các vật ở bên ngoài ngôi nhà. Không những ông chỉ thấy được đồ vật đã có sẵn trong nhà, mà ông sẽ thấy được rất rõ ràng những vật từ bên ngoài đến hiện ra trong nhà.

Cảnh giới này gọi là: “tinh luyện tâm vi tế đến chỗ cực điểm và cái thấy vô cùng trong lặng, nên thấy được trong bóng tối.” Tâm ông được tinh lọc đến chỗ cực điểm và cái thấy của ông được thanh tịnh đến mức tột cùng. Với cái nhìn trong suốt ấy, ông có thể nhìn được mọi vật ngay trong bóng tối. Nhưng đó chỉ là trạng thái tạm thời, không phải là chứng Thánh. Ông chớ cho là chứng Thánh quả bởi vì đó không phải là chứng Thánh quả. Nếu không khởi tâm chứng Thánh gọi là cảnh giới lành. Nếu nghĩ mình chứng Thánh liền mắc vào tà ma. Nếu ông khởi tâm tự cao tự mãn, nghĩ rằng mìng đã đạt được công phu ghê gớm trong khi tu hành, thì ông sẽ tự rước lấy ma chướng vào mình.

Một số người tu, khi thanh tịnh đến tột điểm, thì bỗng dưng có thể thấy hết mọi vật. Thế nào có thể thấy hết mọi vật? Bởi vì vị đó đã mở Phật nhãn. Tuy nhiên, không phải ai ai cũng có thể mở Phật nhãn, cũng không phải một khi mở rồi thì vĩnh viễn mở hoài. Cảnh giới mà vị hành giả cảm nghiệm diễn tả trong đoạn kinh nầy, chỉ là cảnh giới Phật nhãn khai mở tạm thời, cho nên khiến cho ông ta có thể ở trong phòng tối mà thấy được mọi vật như là đang ở chỗ sáng vậy. Tôi cũng mới nói là, ông ta không những thấy hết những vật hiện có trong phòng, mà những gì từ bên ngoài đến ông ta cũng thấy rõ ràng. Vậy thì từ bên ngoài đến là những gì? Quý vị có thể thấy thần, hoặc quỷ, hoặc Bồ tát, hoặc Phật từ ngoài vào. Cảnh giới nầy không nhất định là quý vị sẽ gặp phải!

Các cảnh giới diễn tả trên không phải cố định, cũng không phải mọi người nhất định đều phải trãi qua, cũng không phải mọi người nhất định không trãi qua. Đây chẳng qua là cảnh giới mà có lúc người tu gặp phải. Do vậy quý vị chớ nghĩ rằng người tu đều gặp cảnh giới giống nhau. Không phải vậy đâu!
Nói tới Phật nhãn thì có người khai mở Phật nhãn rồi vĩnh viễn mở khai nó. Đó gọi là “báo đắc thông” (thần thông do quả báo mà ra). Thế nào là báo đắc thông? Như kiếp trước quý vị tu hành dụng công, tu trì Pháp Thiên Thủ Thiên Nhãn nên cảm ứng đời kiếp kiếp đều khai mở đặng Phật nhãn. Có người khai nhãn nhưng chỉ tạm thời, không vĩnh viễn. Vì sao không vĩnh viễn? Vì tâm của y không phải mỗi giây mỗi phút lúc nào cũng thanh tịnh. Nếu quý vị đời trước có tu Đại Bi Pháp thì có thể khai nhãn vĩnh viễn. Do đó việc khai nhãn có khác biệt, không đồng.

7. Thân Không Còn Cảm Giác, Đồng Như Cây Cỏ


KINH VĂN:


Lại nữa, khi người ấy tâm hoàn toàn nhập vào tánh hư dung (emptiness), tứ chi bỗng nhiên đồng như cỏ cây, lửa thiêu dao cắt cũng không hay biết. Lửa thiêu cũng không nóng, dù bị lóc thịt cũng giống như chẻ cây. Cảnh giới này gọi là: “Trần cảnh và tứ đại hòa lẫn thành một thể đồng nhất”. Đó là cảnh giới tạm thời, không phải là chứng Thánh. Nếu không nghĩ mình chứng Thánh gọi là cảnh giới tốt. Nếu nghĩ là chứng Thánh liền rơi vào tà ma.


Giảng:

Lại nữa, khi tâm hoàn toàn nhập vào tánh hư dung. Khi tâm hòa nhập vào “không”, nó tròn khắp nhưng hư dung. Nói nó có, cũng không phải là có, nói nó không có, nó cũng không phải là không có. Tứ chi bỗng nhiên đồng như cỏ cây, lửa thiêu dao cắt cũng không hay biết. Nếu ông lấy dao cắt hay lấy lửa đốt tay chân mình, sẽ không có một chút cảm giác nóng hay khó chịu nào cả. Lửa thiêu cũng không nóng. Khi ông có đốt thân, thân vẫn không thấy nóng. Dù bị lóc thịt cũng giống như chẻ cây. Nếu ông lóc thịt ra khỏi tay chân, thì cũng chỉ như bóc vỏ cây, chẳng thấy đau đớn gì cả.

Cảnh giới này gọi là: “Trần cảnh và tứ đại hòa lẫn thành một thể đồng nhất”. Các trần tướng cùng hợp lại, và tánh đất, nước, gió, lửa hợp lại thành một thể. Tuy vậy, đó chỉ là cảnh giới tạm thời, một kinh nghiệm chợt có, không phải là cảnh giới vĩnh viễn, không phải là chứng Thánh. Đừng nghĩ rằng ông đã chứng được quả vị Thánh.

Nếu không nghĩ mình chứng Thánh gọi là cảnh giới tốt. Nếu nghĩ là mình chứng Thánh, trở nên tự mãn, đại ngã mạn, sanh tâm kiêu ngạo liền rơi vào tà ma, sẽ bị bọn tà ma tấn công và vây chặc.

 


8. Thấy Mọi Nơi Không Ngăn Ngại


KINH VĂN:


Lại nữa, khi người ấy tâm thành tựu tánh thanh tịnh, công phu tịnh tâm đã đến mức cùng tột. Bỗng dưng thấy núi, sông, đất liền khắp mười phương đều thành cõi Phật, có đầy đủ bảy loại báu, ánh sáng chiếu khắp mọi nơi. Lại thấy hằng hà sa chư Phật, Như Lai khắp cõi hư không, cùng thấy lâu đài tráng lệ. Dưới thấy địa ngục, trên xem thấy thiên cung mà không ngăn ngại. Cảnh giới này gọi là: “Tư tưởng ưa chán ngưng đọng ngày một sâu, tưởng lâu mà thành.” Đó không phải là chứng Thánh quả. Không khởi tâm chứng Thánh gọi là cảnh giới tốt, nếu nghĩ mình chứng Thánh tức thì mắc vào tà ma.


Giảng:


Lại nữa, khi tâm thành tựu tính thanh tịnh, công phu tịnh tâm đến mức cùng tột. Chuyên chú tâm mình vào công phu tu đạo, thực hành pháp tu tam-muội (chánh định) đạt được trạng thái cực kỳ thanh tịnh. Lúc đó bỗng dưng thấy được núi, sông, đất liền khắp mười phương đều thành cõi Phật, có đầy đủ bảy loại châu báu ánh sáng chiếu khắp mọi nơi.Mỗi cung điện đều được trang hoàng bằng bảy loại châu báu: Vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, xích châu, mã não, san hô. Các loại châu báu này phát ra ánh sáng chiếu khắp mười phương. Lại thấy hằng hà sa chư Phật, Như Lai khắp cõi hư không, cùng thấy các lâu đài hoa lệ. Dưới thấy địa ngục. Nhìn xuống dưới thấy được toàn cõi địa ngục. Nhìn lên phía trên có thể xem thấy được những gì xảy ra trên thiên cung mà không ngăn ngại. Bất kỳ nơi nào cũng đều thấy được hết.

Cảnh giới này gọi là: “Tư tưởng ưa chán ngưng đọng ngày một sâu, tưởng lâu mà thành” như vậy. Tại sao ông lại có thể thấy được những cảnh này? Là vì ông thường có tâm yêu và ghét. Ông muốn lên cõi trời và cõi Phật và ghét việc xuống địa ngục. 

Ông ngưng lắng những tư tưởng yêu ghét này, chuyên chú như gà mái ấp trứng, như mèo rình chuột, như rồng nuôi ngọc vậy. Chẳng nghĩ đến chuyện gì khác, mà chỉ nghĩ về những cảnh giới tốt đẹp ở cõi Phật và cảnh khổ biết bao nơi địa ngục. Tâm ưa thích những nơi chốn an vui Thánh thiện và ghét nơi đau khổ bất hạnh. Cuối cùng tư tưởng trở nên chuyên nhất, trở thành nhất phiến; và ngày càng lắng đọng, nghĩ tưởng lâu ngày mà hóa thành cảnh giới trên.

Đó không phải là chứng Thánh. Không nên nghĩ rằng mình đã chứng được quả vị Thánh hay có công phu ghê gớm. Nếu không khởi tâm chứng Thánh, gọi là cảnh giới tốt. Thế thì không phải là xấu. Nếu nghĩ là chứng Thánh,và nói: “Cảnh giới này thật tuyệt. Ta đang ở cùng một nơi với chư Phật. Thực vậy, chính ta là Phật.” Liền mắc vào tà ma. Nếu nghĩ như vậy thiên ma và ngoại đạo liền đến lôi kéo ông làm bạn đồng hành với ông. Chúng nói: “Ông nói ông đang ở nơi chư Phật phải không? Tốt lắm, chúng ta cùng kết bạn và chúng tôi sẽ theo thân cận với ông”.

9. Thấy Và Nghe Cảnh Vật Ở Phương Xa

KINH VĂN


Lại nữa, khi người ấy dụng tâm nghiên cứu sâu xa, thoạt giữa đêm khuya thấy được những cảnh ở phương xa, thấy rõ phố chợ, giếng nước công cộng, đường phố, ngõ hẻm, bà con thân quyến, hoặc nghe lời họ nói chuyện với nhau. Cảnh giới này gọi là: “Do dồn ép tâm cùng tột, nên tâm phóng vọt ra và thấy nhiều thứ ở xa và cách ngại như vậy”. Đó không phải là chứng Thánh. Nếu không nghĩ là chứng Thánh, thì đó là cảnh giới tốt. Còn nếu tự xem mình là Thánh, liền lạc vào tà ma.

Giảng:

Lại nữa, khi dụng tâm nghiên cứu sâu xa, bỗng nhiên có thể thấy được những hiện tượng cảnh huống khác nhau ở những nơi chốn xa xôi vào lúc giữa đêm khuya. Có thể thấy được phố chợ, nơi hàng hóa được bán đầy trên phố. Giếng nước công cộng, nơi mọi người lấy nước dùng. Đường phố lớn, ngõ hẻm nhỏ. Có thể thấy được luôn cả những bà con, quyến thuộc họ hàng thân tộc, cùng nghe được những lời họ nói chuyện với nhau. Nghe được lời họ bàn bạc, nói chuyện với nhau.

Cảnh giới này gọi là: “Do dồn ép tâm cùng tột, nên tâm phóng vọt ra và thấy được nhiều thứ ở xa và cách ngại như vậy”. Trong việc tu tập của ông, ông đã ép chế tâm, không cho vọng tưởng. Lúc thúc ép tâm mình đến cực điểm thì ông có cảnh giới tâm mình được bay vọt ra mà thấy hết mọi vật bất kể là bao xa. Bình thường ông cố gắng không nhìn xem ngoại cảnh này. Nhưng a ha! Bây giờ hốt nhiên tâm ông vỡ ra, cái gì cũng thấy cả. Đó không phải là chứng Thánh. Đừng nghĩ rằng đây là cảnh giới tốt. Nếu không nghĩ mình đã chứng Thánh thì đó là cảnh giới tốt. Còn nếu tự xem mình là Thánh, liền lạc vào tà kiến. Nếu ông tuyên bố rằng mình đã chứng được Thánh quả, trong khi ông chẳng hề chứng được, hoặc ông tuyên bố rằng ông đã đắc đạo, trong khi ông chưa đắc đạo, thì liền quần ma vây khốn.

10. Vọng Kiến Vọng Thuyết (Thấy Cảnh Giới Huyển Giả, Thuyết Pháp Tà Vọng)



KINH VĂN:


Lại nữa, khi người ấy dụng tâm nghiên cứu cùng tột, thấy vị Thiện tri thức hình thể biến đổi. Chỉ trong chốc lát biến đổi thành nhiều loại khác nhau mà không thể giải thích được. Cảnh giới này gọi là: “Tà tâm bị loài ly mỵ hay bị thiên ma nhập vào vô cớ thuyết pháp, thông suốt diệu lý”. Đó không phải là chứng Thánh. Nếu không nghĩ mình đã chứng Thánh thì các ma sự liền tiêu hết. Còn nếu nghĩ mình đã chứng Thánh liền mắc vào lũ ma.


Giảng:

Đây là trạng thái ma thứ mười của sắc ấm, gọi là vọng kiến và vọng thuyết.

Lại nữa khi người ấy dụng tâm nghiên cứu cùng tột, thấy hình thể của Thiện tri thức. Người mà ông đã theo học giáo pháp trong quá khứ biến đổi ngay trước mặt ông. Vị Thiện tri thức ấy chợt biến thành một ông lão, lát sau vị ấy biến thành một người trung niên, lát sau vị ấy biến thành một người thiếu niên. Đó là nếu Thiện tri thức vốn là người nam lại biến thành người nữ. ông sẽ nghĩ rằng: “Ồ người Thiện tri thức của ta đời trước là một người phụ nữ”. Thực ra, những gì ông thấy được đều không có thực. Những sự biến đổi này là kết quả của vọng tưởng của ông. Chỉ trong chốc lát, nhiều sự biến chuyển xảy ra mà không giải thích được. Mọi việc biến đổi và trở nên khác với bình thường. Điều này tương tự với những gì mà người sử dụng ma túy (LSD) đã trải qua. Đối với họ mọi vật trở nên có mầu sắc sáng chói, họ không thể nhìn rõ các vật thể ấy. Họ vẽ lên nhưng bức tranh kỳ quái không ai hiểu nổi, vì họ chỉ làm văng tung tóe bừa bãi các mầu sắc trên khung vải. Sau khi họ vẽ xong có người nói “ Ồ thật là một danh họa!” 

Có người thắc mắc: “Nhưng đây có phải là trường hợp của người tu đạo đã dùng ma túy không?”
Không. Cảnh giới trên gây nên do ma vương. Cảm giác “khác thường” của ông khi dùng LSD cũng là do ma vương gây nên. Nó làm cho mọi cảm giác trong ông biến đổi. 

Cảnh giới biến đổi của sắc ấm, có khi tốt có khi xấu. Nếu người tu có đầy đủ thiện căn, thì sự biến đổi sẽ hướng chiều tốt đẹp. Nếu người tu không đủ thiện căn, sẽ hướng sang chiều không tốt. Cho nên có trùng trùng biến đổi.

Cảnh giới này gọi là: “Tà tâm bất chính bị loài ly mỵ hoặc thiên ma nhập vào, vô cớ giảng pháp thông suốt diệu lý.” Tâm tà không chánh. Khi loài ly mỵ hoặc thiên ma nhập vào tâm ông, ông sẽ giống như những người tự xưng là biết nói Pháp, tự xưng là biết giảng Kinh, tự xưng là đã khai ngộ, tự xưng là bậc trưởng lão. Những người này không duyên cớ gì lại “biết” thuyết pháp, và tự chính họ cũng không biết mình nói điều gì nữa. Họ nói rằng họ đã thông đạt diệu nghĩa (của Phật Pháp) nhưng thật ra không phải là diệu nghĩa hay thông đạt gì hết. Họ cho rằng thuyết pháp nhưng thật sự không phải là thuyết pháp. Họ đã lấy điều sai, cho là đúng rồi tuyên bố rằng “Pháp” của họ là vi diệu. Họ tự khen mình và hủy báng người, tự xưng mình là đệ nhất, là trưởng lão.

Đó không phải là chứng Thánh. Cảnh giới đó là một cảnh giới không tốt. Nếu không nghĩ mình chứng Thánh các ma sự liền tiêu tan. Bọn quân ma sẽ tự biến mất. Còn nếu nghĩ mình đã chứng Thánh liền mắc vào lũ ma. Nếu cho mình mình đã chứng Thánh quả, thì rất chóng ông sẽ đến địa ngục. Thì ông sẽ tự thấy chính mình đã chứng được địa ngục quả.

KINH VĂN:


A Nan, mười thứ cảnh hiện ra trong thiền định như thế, là do sắc ấm và tâm dụng công giao xen nhau mà có.


Giảng:

A Nan, mười thứ cảnh giới mô tả ở trên hiện ra khi thiền định, hay tĩnh lự. Do sắc ấm và tâm dụng công giao xen nhau mà có. Những cảnh giới trên thuộc về sắc ấm, khi dụng công thiền tập đến cực điểm, người tu có lúc gặp phải những cảnh giới hay trạng huống trên.

KINH VĂN:

Chúng sanh ngu mê, không biết suy xét tự lượng. Gặp nhân duyên này, mê không tự biết, nói là chứng Thánh, thành tội đại vọng ngữ, phải đọa vào địa ngục Vô Gián.


Giảng:

Chúng sanh ngu mê không suy xét tự lượng. Chúng sanh ngoan cố khó chuyển hóa, ngu mê khó thức tỉnh. Họ không tự duyệt xét lại mình, xem xét lại trình độ tu học của mình ở mức độ nào. Gặp nhân duyên này các cảnh giới ma sự, mê muội không tự biết, nói là chứng Thánh. Chúng tuyên bố: “Ồ! Ta là Phật, ta đã giác ngộ, ta đã chứng Thánh quả.” Ông nói như vậy tức là đại vọng ngữ. Nói đại vọng ngữ, cho mình là Phật, thì nhất định sẽ đọa vào địa ngục Vô Gián


KINH VĂN:

Trong đời Mạt Pháp, sau khi Như Lai nhập diệt, các ông nên nương theo và truyền bá giáo pháp này. Đừng để cho thiên ma được dịp khuấy phá; ủng hộ bảo toàn Pháp bảo, khiến cho thành tựu được đạo quả Vô Thượng.


Giảng:

Trong thời Mạt Pháp, sau khi Như Lai nhập diệt, các ông nên nương theo và truyền bá giáo pháp này. A Nan ông nên hết lòng nương theo và thực hành giáo pháp mà ta đã giảng dạy cho các ông. Trong đời Mạt pháp, sau khi ta diệt độ, các ông phải truyền bá giáo pháp này. Đừng để cho thiên ma hoành hành; ủng hộ bảo toàn Pháp bảo, khiến cho đắc thành đạo quả Vô Thượng. Phải nên duy trì và bảo hộ Chánh Pháp, mới đắc thành được đạo quả Vô Thượng.