Nhất Tâm Đảnh Lễ Vạn Phật Thánh Thành
Tuyển Tập Nhật Ký và Thư Từ
Hằng Thật và Hằng Triều
Quyển 3
Nguyên bàn Anh ngữ:
One Heart Bowing
A Collection of Journals and Letters
by
Heng Sure Ph.D.
and
Heng Ch’au Ph.D.
Published and translated by:
Buddhist Text Translation Society
1777 Murchison Drive, Burlingame, CA 94010-4504
© 2007 Buddhist Text Translation Society
Dharma Realm Buddhist University
Dharma Realm Buddhist Association
First edition 2007
Welcome Dharma Master Heng Sure and Dharma Master Heng Chau – 11/1979
Các bài nói chuyện trong buổi lễ chào đón Thầy Hằng Thật và Thầy Hằng Triều về đến VPTT (11/1979) |
Mục lục
Ban đầu tôi mất bình tĩnh, sau đó tôi mất ngón tay
Nương vào Pháp, không phải vào bản ngã
Nước Mỹ là cõi Tây Phương Cực Lạc
Tôi cảm thấy đã sẵn sàng để phát nguyện
Thùng nhựa cũ
Bước đi trên con đường chánh đạo
Gió hú! Ào! Rửa chén dĩa!
Chúng tôi chỉ trông nghèo ở vẻ bề ngoài
Cảnh giới bái lạy vô ngôn, tĩnh lặng
Nhìn chằm chằm vào màn hình tivi
Thầy Hằng Thật ở đâu?
Biểu hiện của sự phát tâm
Thị trấn Guadalupe nhỏ bé
Chăm sóc vườn cây trái Bồ Đề của họ
Sự sai lầm, là lỗi của cái nhìn
Ở trên nóc xe
Việc đó làm tôi cảm thấy thực sự tự hào
Điều đó không đến dễ dàng!
Mạch pháp tổ sư treo trên sợi chỉ mong manh
Bức thư xưa 100 năm
Đừng sợ gì cả ngoài sự lười biếng
Danh tiếng là ích kỷ và tham lam
Nhưng không phải thầy nên đi về hướng đông hay sao?
Dù việc gì đến, cũng đừng nổi giận
Bạn có thể truyền bí mật này đi không?
Khảo nghiệm hôm nay là sự tức giận
Một đầu tư tốt hơn so với đầu tư các cổ phiếu công ty lớn đáng tin cậy
Nhưng không ai thật sự làm!
Thầy ấy chỉ là không dùng dây thanh quản
Tất cả chỉ nhận vào và không cho ra
Ông có thể lễ lạy bằng tâm
Chúng tôi sẽ trình diễn khúc nhạc chiều cho Thầy
Con đường trở lại thành phố bị lãng quên
Hãy trở lại tay lái để đào luyện trở lại
Cho đến khi con nhớ thuộc được Kinh
Tiền làm người mê mờ
Hành giả thì vượt ra khỏi các cõi
Mọi chúng sanh đều sinh ra bình đẳng
Nhiều giá trị như lăng mộ của vua Tut
Hằng Triều – 25 tháng 10 năm 1977
Ban đầu tôi mất bình tĩnh, sau đó tôi mất ngón tay
Những vết sẹo.
Ai cũng có những vết sẹo, có lẽ vậy. Vài người trong chúng ta bị thiếu những chiếc răng hoặc cánh tay, cẳng chân. Vài người trong chúng ta có những vết sẹo phỏng cháy hay đi khập khiễng do bị té ngã và tai nạn.
Tại sao?
Tùy tâm phân biệt khởi
Như vậy các cõi nước
Không gì chẳng do nghiệp.
Ví như thấy chư Phật
Nhiều hình sắc sai khác
Tùy tâm hành chúng sanh
Thấy các cõi cũng khác.
Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Hoa Tạng Thế Giới
Khi chúng tôi đang làm chiếc xe đẩy kéo đồ cho chuyến bái hương trong một xưởng mộc trên một bờ sông ở San Francisco, tôi nhận thấy người thợ mộc bị cụt một ngón tay. Tôi hỏi “Này Alan, vì sao anh bị mất ngón tay vậy?”
Anh ta bình thản trả lời “Ban đầu tôi mất bình tĩnh, sau đó tôi mất ngón tay. Đó được gọi là nghiệp”. Anh ta tiếp tục kể mình đã đi làm việc với đầy niệm sân giận đối với cha mình vì cha anh bị bệnh và không chăm sóc nổi bản thân mình. Đầy nóng giận và mất tập trung, Alan đẩy tay vào một cái cưa máy tốc độ cao và bị vạt mất ngón tay. Anh ta nói “Giờ tôi luôn nhắc nhở mình rằng sân giận sẽ đưa mình đến đâu”.
Tôi đang bắt đầu nhìn những vết sẹo của lòng tham lam, sân giận, và vô minh chung quanh tôi khi chúng tôi lạy lên theo bờ biển phía Tây. Mỗi một xa lộ và khu mua sắm mới là một vết sẹo từ tâm tưởng của tôi “nhiều hơn và tốt hơn dành cho mình”. Các khu căn cứ quân sự, khu vực thử đầu đạn hỏa tiễn và nghĩa trang cựu chiến binh là những vết sẹo của niệm sân giận và thù địch của tôi. Những tấm bảng quảng cáo thuốc lá, rượu Vodka, và cờ bạc là những vết sẹo được tạo ra bởi tâm ngu si và điên đảo của tôi.
Mọi thảm họa và khổ đau trên thế giới này, sự ô nhiễm và cạn kiệt của môi trường, những tâm hồn bất ổn và đầy lo lắng của chúng ta, đến từ nghiệp được tạo ra bởi những tâm niệm tham, sân, si. Cũng giồng y như Alan cưa đứt ngón tay mình, nhưng tầm mức lớn hơn và phát triển hơn, chỉ có vậy.
Giới, định, huệ cũng để lại dấu vết, nhưng chúng ta không dễ dàng nhận thấy chúng. Tại sao? Dấu vết đó là tự nhiên và phù hợp với Trung Đạo. Như một câu ngạn ngữ đã nói “Khi giếng cạn mới biết quý nước”. Chúng ta để ý bàn tay với ngón tay bị cụt.
Những gia đình hạnh phúc là nơi trẻ em sống cùng với cha và mẹ, và không bị sợ hãi lo lắng, là nhứng dấu hiệu “vô tướng” của giới (đạo đức). Nơi nào mà mùa màng phì nhiêu tươi tốt, nơi có mưa thuận gió hòa, không thiên tai, là dấu hiệu “vô tướng” của định. Trí tuệ làm cho mọi thứ đến và đi thuận theo tự tánh của chúng, và nơi nào có sự tu hành, nơi đó ít có những cái chết gây ra do sử dụng ma túy và rượu. Nơi đây, những người già ra đi tự nhiên và không ở trong những “nhà dưỡng lão” đầy buồn chán và ngập tràn thuốc men.
Con đường tự nhiên để sống, Đạo (Trung Đạo) thật đơn giản và hài hòa với thiên, địa, nhân. Không có chiến tranh và thảm họa, không có đạn hỏa tiễn và những cánh cửa phải khóa 3 lần. Có sự quay trở lại bổn tánh “viên mãn” của chúng ta, Phật tánh. Khi chúng ta thanh tịnh tâm mình, nghiệp của chúng ta sẽ được thanh tịnh. Đi theo con đường tự nhiên này, chúng ta “Thấy Như Lai theo sở nguyện”. Như Lai là người đã viên mãn thanh tịnh và trở thành Phật.
Nay thế giới này không cấu nhiễm.
Phóng đại quang minh trụ không gian
Phong luân nhiếp trì không dao động
Phật tạng ma ni khắp nghiêm sức
Nguyện lực Như Lai khiến thanh tịnh.
Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Hoa Tạng Thế Giới
Những vết sẹo là do tâm tạo ra và sẽ được tâm xóa đi. Khi tâm thanh tịnh, bổn tánh hiện ra. Nó không có hình tướng, và trong nó, nơi nào cũng an bình, ai ai cũng hạnh phúc. Giữ bình tĩnh, giữ ngón tay, rời mọi tướng, thấy lại Phật!
Mọi thứ đều là tu hành; mọi thứ đều thuyết pháp. Thầy Hẳng Cụ trên đường đến Los Angeles đã ghé qua và thêm dầu máy, bít lại chỗ rỉ, thêm nước, thay bộ phận hư, dán lại và siết chặt ốc vít chiếc xe Plymouth. Thầy nói “Phải làm việc này thường xuyên, nếu không chúng sẽ trở về tứ đại”.
Nếu bị kẹt, bạn sẽ tan rã. Mọi thứ đều biếc dịch. Đây là đạo lý vô-chấp: “Tìm động trong tĩnh, và trong tĩnh tìm động”. Nếu để cho các bánh răng cưa của xe dính với nhau, chiếc xe sẽ hư hỏng. Nếu để cho tâm bám chấp, bạn sẽ chết.
Với chiếc xe, thì sử dụng dầu và mỡ. Với chúng tôi, đó là dùng “nhất tâm”. Có câu rằng “Khi định thì động và tĩnh là một”.
Chúng tôi cắm trại trên một cao nguyên nhìn về phía thung lũng. Con đường mà chúng tôi bái lạy ngoằng ngoèo hàng nhiều dặm phía trước và sau. Có một người đàn ông cúi người trên ngọn đồi ngay cạnh chúng tôi đang dùng ống nhòm dò quanh những ngọn đồi. Anh ta tên là Wesley. Anh ta đang tìm kiếm heo rừng.
“Tên tôi là Wesley. Rất vui được gặp các Thầy. Quanh đây có rất nhiều người thắc mắc là các Thầy tiêu biểu cho cái gì”. Anh ta đội một chiếc mũ cao bồi thô và có một gương mặt phong sương sau nhiều năm lăn lộn ngoài trời. Wesley là một người săn heo rừng đến từ tiểu bang Indiana. Anh ta thích ý tưởng bái lạy và giúp người. Anh ta nói lớn về Vạn Phật Thánh Thành “Đó chính là cái chúng ta cần có nhiều hơn. Mọi người sẽ rất vui khi nghe tôi kể về các Phật tử như Thầy”.
Anh ta tiến đến xe cắm trại của mình và trở lại với đồ cúng dường và khẩu súng rất mạnh của mình. “Không nhiều, nhưng tôi không muốn giữ nhiều những thứ không có thịt trong đó”. Tôi trả lại món Dậu Thịt Heo Pork’n Beans. “À, đúng, tôi đoán thịt heo cũng được coi là thịt, phải không?”
Đam mê là âm, từ bi là dương. Cho đi là dương, nhận lấy là âm. Cái tôi là âm ; bổn tánh chân thật là dương. Ủng hộ là dương, chỉ trích là âm. Có hàng trăm chim sáo ồn ào, rung cánh đậu trên các đường dây điện phía trước. Con chim đầu đàn bay và trong nháy mắt, chúng đều bay theo và biến mất, tưởng chừng như chỉ có một con chim. Chỉ còn dây điện trống, tĩnh lặng.
Có hàng trăm vọng tưởng ồn ào, rung lên trong cái tâm điên cuồng của tôi. Tìm về nguồn, niệm đầu tiên khởi lên và cho nó nghỉ ngơi. Tất cả những niệm khác sẽ theo thành bầy, giống như chỉ có 1 niệm. Tất cả đều là tâm rỗng rang, tĩnh lặng.
Thật sự, “mọi thứ đều ok”. Nếu không, tôi phải đổ lỗi cho cái tôi của mình. Tâm an nghỉ, tất cả đều giống nhau; không cơn gió nào có thể khấy động những ngọn lửa đã bị dập tắt. Chúng tôi đang nghỉ ngơi sau khi bái lạy dọc theo con đường trải dài cô lập. Tôi để cho chánh niệm của mình nghỉ ngơi và phóng tầm mắt đến những cánh đồng và những ngọn đồi xung quanh chúng tôi. Một người đàn ông và phụ nữ lái một chiếc xe hơi màu vàng đến. Bỗng chốc có cảm nhận sóng rung động lạ lùng. Người phụ nữ bước xuống xe và đi về phía chúng tôi. Cô ta mặc đồ màu trắng và có một mái tóc trăng trắng. Đột nhiên tôi nhớ lại giấc mơ về một con hải cẩu hay con chó sói màu trắng. Tôi nhớ con hải cẩu bơi về phía tôi và cắn vào tay tôi. Có thứ gì đó kết nối bên trong, cả thầy Hằng Thật và tôi đều không nói một lời nhưng cảm thấy một sự nguy hiểm và bủa vây. Người phụ nữ đang nịnh hót chúng tôi. Chúng tôi đều nhìn cô ta trong thoáng chốc rồi quay đi và tự xin lỗi vì có điều gì đó không chính trực. Giống như là cô ta không phải là thật.
Trong vài phút, tôi co mình vì bị chuột rút và đau bao tử. Đêm đó thầy Hằng Thật nằm mơ thấy mình vật lộn với một con quỷ và tỉnh dậy mà mồ hôi đầm đìa. Tôi vừa tỉnh dậy trước Thầy ấy, đang niệm chú Đại Bi sau khi mơ thấy mình bị bao vây bởi những bóng đen nguy hiểm. Những thứ lạ lùng đôi khi xảy đến.
Hòa Thượng đã cảnh báo chúng tôi ở L.A vào tháng trước rằng “Hành giả tu đạo không được dễ duôi hay cẩu thả dù chỉ một mảy may”. Cái nào là thật, cái nào không phải là thật? Chúng tôi mới chỉ là những kẻ sơ cơ, và do vọng tưởng, bám chấp của chúng tôi quá lớn nên chúng tôi không nhìn rõ, nhận rõ mọi thứ. “Hiểu rốt ráo” là Phật, và vì Phật không có tự ngã, nên mọi thứ đều phản chiếu hoàn hảo và được thấy “đúng thật”.
Nơi thật thấy chơn-thật
Chẳng thật thấy chẳng thật
Hiểu rốt ráo như vậy
Cho nên gọi là Phật.
Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Tu Di Ðảnh Kệ Tán
Hằng Thật – Tháng 10 năm 1977
Nương vào Pháp, không phải vào bản ngã
Nói từ trái tim.
Khi nói chuyện, hãy dùng Pháp. Nói chân thật, từ trái tim. Nếu bạn muốn mọi người hiểu những gì bạn hiểu, hãy tĩnh tâm, cung kính cầu nguyện Tam Bảo gia hộ, và nói chuyện theo cách bạn nói khi muốn cứu độ chúng sinh. Nương vào Pháp, không phải vào bản ngã; bạn là chiếc thuyền, không phải nguồn. Theo sát giáo lý mà bạn hấp thu được từ Hòa Thượng và nói ra qua kinh nghiệm của mình về ánh sáng và sự thật. Nếu bạn muốn khiến nó sống động, mọi người sẽ nghe bạn, và Pháp sẽ kết nối từ tâm sang tâm.
Hằng Triều – 26 tháng 11 năm 1977
Nước Mỹ là cõi Tây Phương Cực Lạc
“Các thầy lạy ai vậy?”
“Chúng tôi không lạy để nhận thứ gì hay tìm cầu điều gì, chúng tôi lạy để giảm sức nặng của sự ích kỷ”.
“Tại sao?”
“Vì lòng ích kỷ là nguyên nhân dẫn đến mọi thứ lộn xộn trên thế giới này. Nếu chúng tôi bái lạy để bỏ đi một chút sức nặng của sự ích kỷ, thì thế giới cũng sẽ nhẹ bớt đi chừng đó sức nặng sự ích kỷ”.
“Vẫn còn rất nhiều, nhưng dù sao đi nữa, tôi nghĩ những gì hai thầy làm là đúng ngay tâm điểm, vậy thì chúc các thầy may mắn”.
Ngôi sao sáng.
Chúng tôi cắm trại trên một mảnh đất bằng phẳng nhỏ ngay phía dưới một cây cầu vượt tách ra Xa Lộ 1 trong dãy núi Santa Yves phía nam của Lompoc. Những cơn gió lạnh xé da thổi từ phía bắc rít lên luồn qua chiếc xe hơi khi mặt trăng lên cao hướng chùm sao Kim Ngưu (Taurus), thắp sáng hàng dặm đồi và thung lũng.
Tối nay thầy Hằng Thật đọc phẩm Hiền Thủ trong Kinh Hoa Nghiêm:
Lại phóng quang-minh tên tế-độ
Quang này giác ngộ tất cả chúng
Khiến họ phát tâm đại thệ-nguyện
Độ thoát quần-sanh trong dục-hải
Ánh sáng này khởi đầu từ đâu, nơi được gọi là “tế độ”? Tối nay sau buổi thiền định, tôi bước ra ngoài và nghĩ về điểm đến của chúng tôi, Vạn Phật Thánh Thành. Có người gọi nơi này là “ngôi sao sáng trong một thế giới đầy rắc rối”. Thầy Hằng Thật đã phát nguyện bái hương đến Vạn Phật Thánh Thành để cố gắng xoay chuyển lại phần nào sự khổ đau và tai ương trên thế giới này và để hạn chế sự tạo ra vũ khí hủy diệt. Quá nhiều người bị giết trong chiến tranh, và nghiệp bất thiện tràn ngập mọi nơi. Tôi chỉ vừa mới phát nguyện đi cùng để giúp đỡ và bảo vệ thầy ấy. Trong tâm của cả hai chúng tôi, Vạn Phật Thánh Thành là niềm hy vọng cho nước Mỹ và thế giới. Đây là nơi một “sự đảo ngược vĩ đại” sẽ bắt đầu, có thể xoay chuyển tai ương sắp xảy đến và nỗi tuyệt vọng mà tất cả chúng ta đang đối mặt. Đây là nơi bắt đầu cuộc tìm kiếm bên trong, sự “hồi quang” sẽ bắt đầu. Con đường mà tất cả chúng ta tìm kiếm và có thể không bao giờ thấy để đến “thành phố giải thoát không còn lo âu” cuối cùng mở ra ở phương Tây. Chúng tôi đang bái lạy để đóng góp một phần nhỏ vào sự thành công của nó.
“Nếu có người có thể phát đại nguyện rộng lớn độ thoát tất cả những chúng sanh ra khỏi biển dục, thì người đó có thể vượt qua bốn cơn lũ dữ, và tìm ra con đường đi đến thành phố giải thoát không còn lo âu.”
Bốn cơn lũ dữ là 1) tham dục, 2) chấp hữu (bám chấp vào sự hiện hữu), 3) vô minh, và 4) tà kiến. Thế giới bị bao trùm bởi 4 cơn lũ này. Vạn Phật Thánh Thành là con đường để “vượt qua”, và chúng tôi biết con đường đó bắt đầu ngay nơi tâm mình. Con đường đến thành phố giải thoát được tìm thấy trong việc thanh tịnh hóa trái tim đầy tham, sân, si của chúng ta.
Ông Quả Lập đã nói “Thầy biết đấy, Mỹ là cõi Tây Phương Cực Lạc! Đó là cõi Tịnh Độ”. Có câu rằng « Khi phương Đông sang phương Tây thì phương Tây đi vào tâm ». (nghĩa là bên trong, « hồi quang phản chiếu »).
Lời nói của vị ấy đã thật sự tạo nên một mối liên kết cho thầy Hằng Thật và tôi. Câu này được nói ra trong một lần nọ khi ông Quả Lập, thầy Hằng Thật và tôi đang lái xe trở về từ Vạn Phật Thánh Thành. Khi chúng tôi lái xe qua cầu Cựu Kim Sơn (Golden Gate Bridge) để về Kim Sơn Thánh Tự, những mảnh ghép băt đầu ghép lại với nhau và rồi tôi nhớ ra việc này : Lục Tổ xuất hiện trước mặt Hòa Thượng khi ngài đang tu tập cạnh mộ thân mẫu khi còn trẻ và nói với ngài rằng sau này Hòa Thượng sẽ truyền bá Phật pháp sang phương Tây.
Này Thiện tri thức, chẳng ngộ tức Phật là chúng sanh, khi một niệm ngộ chúng sanh là Phật, thế nên biết muôn pháp trọn ở nơi tự tâm, sao chẳng từ trong tự tâm liền thấy được chân như bản tánh ?
Pháp Bảo Đàn Kinh – Phẩm Bát Nhã
Tối nay tôi có thể cảm thấy một thứ ánh sáng gọi là “tế độ” đến từ Vạn Phật Thánh Thành. Nó đang tỏa sáng ra mọi hướng từ Vạn Phật Thánh Thành, kêu gọi chúng sinh khắp nơi trở về nhà, để tìm ra “con đường giải thoát đi đến thành phố giải thoát không còn lo âu”. Sự ảnh hưởng và tầm quan trọng của Vạn Phật Thánh Thành sẽ rất to lớn và rất sáng lạng.
Thời gian: Một người phụ nữ dừng lại và nói “Các thầy đang có tiến bộ tốt đẹp đấy”. Cô ta theo dõi chúng tôi khi cô ta lái xe đi lại 60 dặm để đi làm mỗi ngày. Cô ta di chuyển trong một giờ bằng đoạn đường mà chúng tôi bái lạy trong khoảng hai tháng.
Hằng Thật – Tháng 10 năm 1977
Tôi cảm thấy đã sẵn sàng để phát nguyện
Các Nguyện.
Nguyện là chìa khóa, đi sau niềm tin và đi trước thực hành. Trong phẩm Thập Địa, Bồ Tát trú tại Hoan Hỷ Địa lập đại nguyện rộng lớn và đắc 10 loại tâm (Tâm lợi ích, tâm nhu nhuyến, v.v…) (1). Sư Phụ giảng giải Bồ Tát không có những trạng thái tâm thành tựu này trước khi ngài phát nguyện. “Tin sâu, nguyện chắc, và tu tập thật sự là những thành phần chính”.
Tôi cảm thấy đã sẵn sàng để phát nguyện Bồ Tát. Hôm nay trong khi lạy, những lời nguyện tôi muốn thực hiện đã xuất phát ra ngay từ nơi trái tim tôi. Tôi nói thành lời những gì tôi thực sự muốn, hy vọng, ao ước làm ngay bây giờ và mãi mãi: Cúng dường tất cả chư Phật; phụng sự chư Phật; tán thán chư Phật, tham dự tất cả Pháp Hội của chư Phật; tu tập tất cả trí tuệ, công hạnh và phương tiện của chư Bồ Tát; dẫn dắt đại chúng những người không tin và những người tin tham dự các Pháp Hội của chư Phật; độ thoát hết thảy chúng sinh; hiện thân ở mọi thế giới để thuyết pháp và chuyển hóa chúng sinh; dùng phương tiện sanh ra, chết đi, nhập Niết Bàn trong các nẻo sinh tử để dẫn dắt chúng sinh phát tâm Bồ Đề, để viên mãn công đức, viên mãn các tâm đại bi, viên mãn các Thiền định, giải thoát, và tam muội, để viên mãn vô lượng thủ nhãn, để được công năng vô ngại của đại đà-la-ni, để viên mãn thần thông và để viên mãn mười ba-la-mật, Thập Địa, hết thảy các nguyện, phương tiện và hạnh, mãi mãi suốt thời gian và không gian.
Ngay lập tức, tôi cảm thấy rất hạnh phúc và khinh an, rất thật và quyết tâm đến nỗi tôi biết thời điểm này là đúng. Tôi sẽ để các nguyện này phát ra, chiêm nghiệm quán sát từng lời nguyện trong trái tim tôi, tìm sự diễn tả đơn giản nhất, thật nhất của nó, và khi các nguyện này đầy đủ, tôi sẽ thông báo các nguyện này trước đại chúng. Ba-la-mật. Ta bà ha.
Ghi chú:
(1) Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Địa http://www.dharmasite.net/KinhHoaNghiem26-ThapDia.htm
Chư Phật tử ! Bồ tát trụ bực Hoan Hỷ Ðịa phát đại nguyện như vậy, dũng mãnh như vậy, đại dụng như vậy. Dùng mười nguyện môn này làm đầu đầy đủ trăm vạn vô số đại nguyện.
Chư Phật tử ! Ðại nguyện này do mười tận cú mà được thành tựu.
Ðây là mười tận cú :
Chúng sanh giới tận, thế giới tận, hư không giới tận, pháp giới tận, Như Lai giới tận, tâm sở duyên giới tận, Phật trí sở nhập cảnh giới giới tận, thế gian chuyển pháp chuyển trí chuyển giới tận.
Nếu chúng sanh giới tận thệ nguyện của tôi mới tận, nhẫn đến thế gian chuyển pháp, chuyển trí, chuyển giới tận thệ nguyện của tôi mới tận. Nhưng chúng sanh giới nhẫn đến trí chuyển giới không cùng tận, nên thiện căn đại nguyện của tôi đây cũng không cùng tận.
Chư Phật tử ! Bồ tát phát đại nguyện như vậy rồi thời được : Tâm lợi ích, tâm nhu nhuyến, tâm tùy thuận, tậm tịch tịnh, tâm điều phục, tâm tịch diệt, tâm khiêm hạ, tâm nhuận trạch, tâm bất động, tâm bất trược, thành bực tịnh tín, có công dụng của đức tin, có thể tin bổn hạnh chứng nhập của Như Lai, tin thành tựu được các môn Ba la mật, tin vào những bực thắng địa, tin sức thành tựu tin đầy đủ vô sở úy, tin sanh trưởng Phật pháp bất cộng bất hoại, tin Phật pháp bất tư nghì, tin xuất sanh Phật cảnh giới không trung biên, tin tùy nhập vô lượng cảnh giới của Phật, tin thành tựu quả. Tóm lại, tin tất cả Bồ Tát hạnh, nhẫn đến tin trí, địa, thuyết, lực của Như Lai.
Hằng Triều – 27 tháng 10 năm 1977
Thùng nhựa cũ
Tu hành và nền tảng nằm bên trong, ở tâm địa. Nếu trung tâm vững trãi, thì dù thứ gì đến, “mọi chuyện đều ổn”. Nếu bên trong không vững trãi, trong trái tim thật sự của bạn, thì dù bạn đang ở đâu cũng sẽ mắc sai lầm.
Tu hành chân chính mọi lúc trong mỗi lỗ chân lông của tâm trí và cơ thể của bạn là cách duy nhất để đoạn diệt nó. Hoàn toàn chân thành và thực hành đúng rèn luyện kiếm Pháp không hình tướng giúp bạn chặt bỏ các lớp vỏ và mạng nhện. Sau đó bạn sẽ không bao giờ bị kẹt, mà trở nên nhu nhuyễn, tinh khiết, nhẹ nhàng và “thường tươi sáng”.
Luôn bái lạy, luôn sáng.
Tâm dừng bái lạy, luôn tối.
Trong tấm kính Pháp, bạn kiểm tra tâm mình. Nếu bạn sạch đến cốt lõi, thì hình ảnh sẽ không có tỳ vết và tươi sáng. Nếu có một tỳ vết dù chỉ nhỏ như hạt cát, nó sẽ hiển thị lớn như Núi Tu Di trong ánh sáng của trí tuệ viên mãn. Mỗi lần tôi nhìn vào khuôn mặt và đôi mắt của Sư Phụ, cũng giống như nhìn vào tấm gương này.
Như mặt gương sáng sạch
Tùy theo cảnh đối tượng
Hiện bóng sai khác nhau
Nghiệp tánh cũng như vậy.
Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Bồ Tát Vấn Minh
Sau khi nghe tiếng kêu của một con hươu con bị một bầy chó ăn tươi nuốt sống, tôi đã phát nguyện nhịn ăn vào ngày 15 và 30 âm lịch hàng tháng để tụng Bồ Tát giới, và để tịnh khẩu. Âm thanh của khổ đau trên thế giới thật chói tai. Chúng đến từ nghiệp bất thiện “được tạo ra bởi thân, khẩu, ý dựa trên tham, sân, si”. Tôi đang nghe những tiếng vang vọng của chính lỗi lầm của mình, và tôi muốn thay đổi.
Những âm thanh của mọi khổ đau chỉ là một âm thanh. Chúng ta đều nói âm thanh này, chúng ta đều nghe âm thanh này. Khởi nguồn của tất cả chư Phật là một nguồn. Chúng ta đều có khởi nguồn này, chúng ta đều sẽ trở thành Phật. “Khởi nguồn của chư Phật” là Bồ Tát giới. Những ai siêng năng giữ những giới này thì sẽ thành Phật. Nguyện tất cả chúng sinh sẽ thọ nhận và giữ những giới này và làm tràn đầy Pháp giới bằng âm thanh của hỷ lạc.
Quay trở lại Santa Barbara, chúng tôi tìm thấy một thùng nhựa cũ trong một cái rãnh và sử dụng nó đựng cho y phục dơ bẩn. Nó có những vết sơn, nhưng nó chắc cứng và hữu dụng.
Đi bộ dọc theo xa lộ hôm nay, tôi nhìn thấy một cái thùng màu trắng giống như vậy ở bụi cây nào đó trên lề đường. Tôi tự nghĩ “A! cái này tốt hơn và sạch hơn cái thùng nhựa dơ bẩn chúng ta đang có!” Đó là tham.
Tôi nắm lấy cái thùng. Ái da! Đó là bụi tầm ma! Khắp mặt, cổ, cánh tay và bàn tay tôi bị sưng đốt. Tầm ma độc cho kẻ chọc. Tôi nhận được một bài học thực tế về việc những rắc rối và « thảm họa » của tôi đến từ lòng tham và tìm cầu như thế nào. Thế giới này không nguy hiểm và mê mờ. Mà là tôi.
Hằng Thật – Tháng 10 năm 1977
Bước đi trên con đường chánh đạo
Hôm nay, một biểu tượng tại tu viện Kim Sơn Thánh Tự đã quay trở lại với tôi. Một trong những loạt thấy trước của chuyển đi này đang chứng minh chính xác.
Chữ Trung Hoa biểu tượng này (1) bao gồm chữ “tranh luận” bên trên chữ “đầy đủ”, cũng có thể dùng mô tả là “cái chân”. Ý nghĩa: giữ cái lưỡi của tôi là điều quan trọng. Không nói chuyện. Theo dõi việc ăn uống thật cẩn thận. Luôn nhớ pháp giữ lưỡi uốn lên vòm miệng và thực hành điều đó càng nhiều càng tốt.
Đôi bàn chân: đặt chân vững chắc trên mặt đất. Bước đi trên con đường chánh đạo. Thực hành. Biết đủ. Biết lúc nào dừng. Chấm dứt tham lam keo kiệt.
Ghi chú:
(1) Chữ Trung Hoa biểu tượng này là biểu tượng, không có trong tự điển Trung Hoa.
Hằng Triều – 28 tháng 10 năm 1977
Gió hú! Ào! Rửa chén dĩa!
Chúng tôi đang cách phía nam thành phố Lompoc 2 hoặc 3 dặm. Trời lạnh. Những dòng chữ viết, cũng như những lời nói của chúng tôi, đều cảm thấy trống rỗng và nông cạn.
Chúng tôi đang thử với hơi thở trong khi bái lạy và thấy một số điều thú vị: 1) tập trung hít vào và thở ra theo một kiểu cố định là không tự nhiên và mang lại rất nhiều trạng thái bất bình thường và ảnh hiện chớp nhoáng. Chúng thú vị và tuyệt vời nhưng là cuộc rượt đuổi điên rồ vô vọng của bản ngã. 2) Khi bạn cần hít vào, hãy hít vào, và khi cơ thể muốn thở ra, hãy thở ra. Đừng ép nó hoặc thậm chí nghĩ về việc bạn thở như thế nào. Tập trung tâm ý, và mọi thứ khác sẽ theo trật tự và hài hòa tự nhiên, mà không cần sức.
Thành-tựu pháp lành trong
Đầy đủ các công đức
Đối với nhứt-thiết-trí
Chuyên niệm tâm chẳng bỏ.
Kinh Hoa Nghiêm – – Phẩm Đâu Suất Kệ Tán
Một phần đại tông chỉ của tu viện Kim Sơn Thánh Tự:
“Dù rét chết, không phan duyên;
Dù đói chết, không van nài;
Dù nghèo chết, không cầu cạnh.
Tùy duyên, không đổi; không đổi, tùy duyên.
Có một người nhận xét về cách chúng tôi có được thực phẩm, y phục, và chỗ cư trú “Vậy các thầy chỉ cần nhận lấy khi nó đến sao?” Đó thật sự là cốt lõi. Và “nó đến” ra sao phụ thuộc vào “nó đi” như thế nào. Nếu những điều tốt đến với tôi thì là do trong quá khứ chúng tôi đã làm điều tốt. Nếu chúng tôi không nhận được thứ gì và bị thêm rắc rối, thì đó là những gì chúng tôi đáng được nhận. Trong quá khứ chúng tôi đã không cho đi thứ gì và cản trở người khác bằng lòng tham lam và sân giận của mình.
“Không thay đổi” có nghĩa là chúng tôi không từ bỏ giới luật, từ bỏ nhất tâm, và trí tuệ. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi luôn tìm kiếm, luôn tìm tiện nghi lợi ích cho mình. “Tùy duyên” có nghĩa không bám chấp. Đó là đạo lý hiển lộ “tâm vô sở trụ”. Khi mọi chuyện đến, chúng tôi phản ứng mà không rời tự tánh. Nếu không có gì đến, chúng tôi không ra ngoài tìm kiếm nó. Không tức giận hay thèm thuồng một thứ gì đó chính là không bám chấp, không phan duyên.
Viết thì đễ, sống mới khó
Ăn và nhịn ăn, nhịn ăn và ăn, và sớm rõ biết cần ăn bao nhiêu và lòng tham tới đâu. Nếu ăn quá nhiều, ta sẽ bái lạy không đủ. Ăn quá nhu cầu, là đang nuôi lòng tham.
“Lìa điên đảo là chánh giác.”
Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Đâu Suất Kệ Tán
Thói quen ăn uống là những gì các nhà tâm lý học gọi là “hành vi củng cố chủ yếu”. Điều này có nghĩa là chúng không phản ứng với ý thức thông thường và rất khó thay đổi. Thay đổi những gì khó thay đổi là tu hành. Tu hành là từ bỏ những tập khí bất thiện và lỗi lầm. Khi bạn đã làm sạch ngôi nhà mà bạn bám chấp thì giác ngộ sẽ hé mở. Ăn, nói, và viết quá nhiều giống như trò hề của một con khỉ tinh nghịch – rất nhiều động tác, nhưng vẫn là theo đuổi những hột đậu phụng bên trong chuồng mà thôi.
Lại như gió lớn thổi
Xao động các cảnh vật
Chúng đều chẳng biết nhau
Các pháp cũng như vậy.
Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Bồ Tát Vấn Minh
Sau bữa thọ trai, thầy Hằng Thật và tôi bắt đầu viết câu Pháp kệ cho trẻ em. Tôi biết đó là chơi đùa, nhưng tôi đã nghĩ “Ồ, chỉ chút xíu thôi mà, không vấn đề gì”.
Một cơn gió bất ngờ ập đến thổi bay thức ăn. Chúng tôi lờ đi, và tiếp tục viết. Gió hú! Ào! Bùm! Tiếng va chạm mạnh. Một cơn gió mạnh khác thổi các bình nước và chai lọ bay khỏi nóc xe, nghiền chúng thành trăm mảnh “Không sao, không sao!” Tôi tự nhủ và hối hả đi ra rửa chén dĩa. Đó là gió đang thuyết pháp.
Một giọng nói vui vẻ vang lên từ phía sau tôi trên đường “Này bạn tôi, bạn tôi”. Tôi xoay người lại.
“Chào Mike!” Đó là Mike từ trạm xăng nhỏ cũ kỹ ở tận vùng Gaviota.
Anh ta nói, nhìn các dãy núi và thung lũng phía Đông “Vâng, thật vui gặp lại thầy. Thầy đang thực sự ra tận nơi này”.
Trông anh ta thật khỏ mạnh. Anh ta đang cười và có chút rực rỡ tỏa sáng ra. Anh ta nói hơi lúng túng, nhanh nhảu dúi một ít tiền vào tay tôi “À, tôi vừa ra ngoài để chọn vài con gà, và, à..ừ, đây …”. “À..tôi phải chạy đi đây va quý thầy phải làm việc …”.
Tôi nói “Trông anh khỏe mạnh, Mike. Rất vui gặp lại anh”. Khi anh quay lại chiếc xe tải nhỏ, anh ta cười rạng rỡ và vui vẻ, tôi nghĩ “Đây có phải đúng là cái người đã cố lừa chúng tôi 9 đô cách đây vài tuần không, sau đó quay lại với một món cúng dường súp tự nấu ở nhà và kéo chúng tôi ra khỏi một con mương mà không lấy tiền?” Phải, đúng anh ta, và cũng không đúng. Lúc đầu tôi đã vội đánh giá Mike. Tôi tưởng tôi biết điều gì đó: anh ta quá trần tục, và tôi thì khôn ngoan. Cuối cùng hóa ra anh ta lại dạy tôi.
Chúng sanh vọng phân biệt.
Là Phật là thế giới
Người liễu đạt pháp tánh
Không Phật không thế giới.
Kinh Hoa Nghiêm – – Phẩm Đâu Suất Kệ Tán
Thời tiết tháng Mười lạnh, nhiều gió. Frani Roeme và một người đàn ông có tên Rodruigez lại dừng lại với một lời mời khác “Tôi là người đạo Do Thái và Rodruigez là người đạo Công giáo, và cả hai chúng tôi đều nghĩ những gì thầy đang làm thật tốt đẹp”. Họ dừng lại mỗi ngày trên đường từ nhà đến chỗ làm để cúng dường và cầu chúc cho chúng tôi sức khỏe.
Ghi chú:
(1) Nguyên văn Hoa ngữ:
成就白淨法,
具足諸功德,
彼於一切智,
專念心不捨。
thành tựu bạch tịnh pháp,
cụ túc chư công đức,
bỉ ư nhất thiết trí,
chuyên niệm tâm bất xả。
Hằng Thật – 24 tháng 11 năm 1977
Chúng tôi chỉ trông nghèo ở vẻ bề ngoài
Đối với tăng đoàn, mỗi ngày đều là lễ Tạ Ơn. Mỗi ngày cũng đều là một loại lễ Giáng Sinh hoặc sinh nhật. Tăng đoàn là một trong những viên ngọc của Tam Bảo vì sự giữ giới thanh tịnh của các vị giúp họ ra khỏi cát bụi của thế giới vật chất. Vì thế họ tỏa sáng và là mô phạm cho mọi chúng sinh.
Một trong các giới là “Không giữ vàng, bạc và vật có giá trị ». Và họ cũng không cầu xin hay tìm cầu. Thầy Hằng Thật và tôi đang tìm thấy rằng con người cần rất ít để sống, và thậm chí cần ít hơn để hạnh phúc! Mọi đồ ăn, quần áo, và nơi trú ngụ được cúng dường lên tăng đoàn để làm “phước điền”. Trên đường cũng như vậy. Nếu đồ chúng tôi cần mà không được cúng dường, thì chúng tôi không cần đến nó. Nếu có thứ được cúng dường, thì chúng tôi cần nó. Tại sao? Vì nó là trái tim của bố thí được gieo trồng và nuôi dưỡng. Thế giới này cần sự bố thí nhiều hơn, vì vậy càng có nhiều người bố thí, càng tốt cho mọi người. Chúng tôi chỉ là thửa ruộng, kết quả gặt hái là của mọi người.
Tất cả chúng ta đều là một nguồn, một trái tim, đồng một thể cho đến tận cùng hư không. Dù chúng ta là ai, chúng tôi luôn ở nhà. Và chúng ta trải qua những kỳ lễ cùng “gia đình” của chúng ta!
Bữa ăn lễ Tạ Ơn: bơ đậu phụng và thạch, hột đậu, đậu đóng hộp, rau diếp, trái cây, và đậu phụ và bánh táo còn dư. Phần tuyệt vời nhất là bài kệ của Bảy vị Phật quá khứ:
Kiến thân vô thật thị Phật thân
Liễu tâm như huyễn thị Phật huyễn
Liễu đắc thân, tâm bản tính không
Tư nhân dữ Phật hà thù biệt. (1)
Nghĩa là
Thấy thân không thật là Phật thân
Biết tâm như huyễn là Phật huyễn
Biết rõ thân, tâm tánh vốn không
Người đó với Phật nào sai khác.
Matt, một biên tập tờ báo học sinh địa phương nói “Chúng tôi đang ngồi vòng quanh và ăn bữa tối của lễ Tạ Ơn và mẹ tôi nói ‘Những vị tu sĩ nghèo đó…’ Vậy là giờ tôi đang ở đây”. Anh ta cúng dường bánh mì và những đồ dự trữ mà gia đình tự làm.
“Hãy nói với mẹ anh rằng đồ cúng dường này được vui mừng đón nhận và về vẻ bề ngoài, chúng tôi trông nghèo. Bên trong, chúng tôi giàu có và hạnh phúc”.
Matt đáp “Phải! Tôi sẽ nói”.
Như người được bửu tạng
Lìa hẳn khổ nghèo cùng
Bồ Tát được Phật pháp
Tâm ly cấu thanh tịnh.
Kinh Hoa Nghiêm, PHẨM ÐÂU SUẤT KỆ TÁN
Phía trước, nơi chân vùng núi mặt bằng này là những ngọn đồi trùng điệp, với những cánh đồng cây dầu Casmalia điểm xuyết dàn khoan bơm. Thị trấn nhỏ Casmalia nằm trong tầm mắt. Nơi đó yên tĩnh, chỉ có âm thanh của vài chú chó, còi tàu, và tiếng rống của gia súc.
Ghi chú:
(1) Nguyên văn Hoa ngữ:
見 身 無 實 是 佛 身
了 心 如 幻 是 佛 幻
了 得 身 心 本 性 空
斯 人 與 佛 何 殊 別
Hằng Triều – 6 – 7 tháng 12 năm 1977
Cảnh giới bái lạy vô ngôn, tĩnh lặng
Lái xe quay trở lại nơi bái lạy cùng với chiếc xe buýt VW cũ kỹ nặng chở đầy đồ cúng dường cho Vạn Phật Thánh Thành, thầy Hằng Thuận ngồi nhét giữa hai thùng đựng Kinh sách đang dịch Kinh. Thầy Heng Cụ, Hằng Thật và tôi im lặng ngồi ở phía trước nhìn ra phía những ngọn đồi trùng điệp và những thung lũng dài. Mỗi người chúng tôi đang bái lạy bên trong và nhớ lại cảnh giới bái lạy vô ngôn, tĩnh lặng. Chia sẻ mà không nói ra lời, bái lạy mà không cử động.
Nghĩ ít, làm nhiều hơn
Nói ít, cho nhiều hơn
Ăn ít, lạy nhiều hơn
Nhất tâm, lạy nhiều nữa
Đến Vạn Phật Thánh Thành
Hằng Thật – Tháng 12 năm 1977
Nhìn chằm chằm vào màn hình tivi
Khi còn là một đứa trẻ, tôi thường dành ít nhất 2 đến 5 giờ mỗi ngày nhìn chằm chằm vào màn hình tivi. Tôi đã tìm hiểu các giá trị xã hội của mình từ đâu? Từ những bài học hàng ngày của tôi trong các hài kịch tình huống về hành vi gia đình. Sau đây là một phần danh sách các chương trình: My Three Sons (tạm dịch: Ba người con trai của tôi), Leave It to Beaver (Để nó cho Hải Ly) , Father Knows Best (Cha biết hết), Ozzie and Harriet (Ozzie và Harriet), Dick Van Dyke, Donna Reed, Gale Storm, Andy Griffith, Patty Duke, Lassie, I Love Lucy (Tôi yêu Lucy), Dobie Gillis, The Honeymooners (những người đi trăng mật). Thêm vào đó là vô số giờ dành cho phim cao bồi phương Tây, chương trình hình sự, thể thao, hoạt họa, huyền bí, các chương trình đa dạng, Ed Sullivan, Walt Disney, the 20th Century, Camera Three, chương trình đặc biệt, tin tức, Star Trek, loạt phim phiêu lưu, loạt phim quân sự, giờ hài kịch, hàng trăm phim, và tất cả loại quảng cáo thương mại và một đứa trẻ tâm trí bị nhồi nhét các tà tri tà kiến.
Có lẽ năm phần trăm của những gì tôi đã thấy đã mang lại lợi ích cho tôi theo một cách nào đó. Tôi không giữ lại gì trong số đó, bây giờ còn lại vài đoạn nhạc và bài hát chủ đề thương mại. Thế hệ tôi là thế hệ đầu tiên trong lịch sử bị thôi miên bởi một chùm tia sáng nhấp nháy dưới cái tên giải trí. Hàng ngàn giờ đó tôi đã có thể di động cơ thể của tôi, chơi, học hỏi, làm việc, khám phá, tạo lập mối quan hệ đến mọi người, đọc những quyển sách hay. Thay vào đó tôi ngồi, cúi người hoặc sụp xuống trên sàn phòng khách và nhìn chằm chằm và hấp thu những vọng tưởng và các chất độc.
Hằng Triều – 9 tháng 12 năm 1977
Thầy Hằng Thật ở đâu?
Thầy Hằng Thật đang ở đâu? Thầy Hằng Thật về cơ bản là gầy ốm. Khi mặt trời xuất hiện và làm ấm không khí, thầy ấy bắt đầu cởi y áo ấm của mình. Trước mắt tôi, thầy ấy trở nên nhỏ dần với từng lớp y áo được cởi bỏ. Trong một thời gian rất ngắn, vô thường sẽ lấy đi đôi mắt, tai, tóc, và cơ thể mạnh khỏe của thầy ấy, vậy thầy Hằng Thật sẽ ở đâu? Chúng tôi đều đang may mượn tứ đại và sống vào thời gian vay mượn. Hãy nhanh lên và tu hành! Thầy Hằng Thật ở đâu?
Hằng Thật – Tháng 12 năm 1977
Biểu hiện của sự phát tâm
Theo nghĩa đen, phát tâm có nghĩa là “đem hết tâm ra”. Bạn phải muốn tu tập để giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh trước khi có sự đáp ứng của Bồ Tát đạo. Phát tâm là biết/cảm nhận trong đầu/tâm điều bạn muốn rồi làm điều cần thiết để có được nó. Nếu bạn không phát tâm chân thật và trốn phía sau, thì mỗi cử chỉ đều là giả dối và bạn sẽ đi lệch ra ngoài.
Đâu là biểu hiện của sự phát tâm? Nguyện và hành dựa trên tín tâm. Tu hành là nói không với bản thân và nói có những người khác. Với mỗi lời nói không trong tâm thì cái tôi sẽ chết thêm một chút. Đến một thời điểm nào đó, bạn có thể nhìn thấu xuyên thủng đến tánh không của nó.
Hằng Triều – 10 tháng 12 năm 1977
Thị trấn Guadalupe nhỏ bé
Bái lạy qua thị trấn Guadalupe nhỏ bé. Bên trong người, năng lượng dồn lại không có chỗ thoát đi. Năng lượng tích tụ và dao động tạo nên những cơn nóng lạnh chớp nhoáng. Cảm thấy thiếu kiên nhẫn rất nhiều – giống như thủy triều đại dương dâng lên bên trong và bị ép lại trong một cái hộp tù túng.
Hằng Thật
Chăm sóc vườn cây trái Bồ Đề của họ.
“Lại như nước một vị
Nhân đồ đựng có khác
Phật phước điền cũng một
Do tâm người thành khác”
Kinh Hoa Nghiêm. – Phẩm Bồ Tát Vấn Minh thứ 10
Trên cuộc hành hương lễ lạy này, những người chúng tôi gặp ngày càng giống như gia đình, giống như bà còn trong một đại gia đình Phật Pháp. Điều gì trong hai nhà sư này khi thực hiện những động tác nghi lễ trên con đường ngoại ô đã khiến cho một số người bóp còi xe? Những người khác nhìn thấy gì mà khiến họ trở nên giận dữ ngay lập tức như vậy? Tại sao một số người lại ngừng thế giới hối hả của họ, dừng xe lại và bước tới để tìm hiểu về hai người đàn ông đang lạy? Hàng ngày, những người lạ xuất hiện, họ tự nhiên ủng hộ cho hành trình của chúng tôi bằng những túi thức ăn chay, tiền cúng dường, những lời nói tử tế và đề nghị giúp đỡ? Những người này chia sẻ điều gì chung? Tôi tin tằng, điều cốt lõi của công việc của chúng tôi đơn giản là ở đó, trên con đường công cộng và thành tâm hết khả năng mình thực hiện công việc Phật Pháp. Chúng tôi tán thán và rèn luyện hạt giống Phật ở bên trong. Chúng tôi lạy và cầu nguyện, nỗ lực cung cấp những gì cần thiết để đơm hoa và giúp cho quả Phật kết trái.
Có điều gì đó thật kỳ diệu trong đó: những người khác nhìn chúng tôi và cảm thấy hạt giống Phật của họ đang khuấy động. Nếu nhân duyên thuận lợi cho sự phát triển, thì phản ứng có cảm giác tích cực, và chúng tôi nghe được những lời “chúc được ban phước”, “chúc may mắn”, “đúng lắm, người anh em”. Nếu nhân duyên không cho phép hạt giống nảy nở, những người đó với nghiệp chướng nặng nề cảm thấy hạt giống trong họ đang chuyển và bực bội khi bị nhắc nhở về gánh nặng của họ. Chúng tôi nghe được những lời như “Về nhà đi!”, “Đồng bóng!” và những lời cay nghiệt hơn từ họ. Đức Phật nhìn thấy tất cả chúng sinh giống như chư Phật. Một số thì có tiềm năng, một số thì đã thành. Một số là chư Phật trong quá khứ nay quay trở lại để giúp những người khác chăm sóc vườn cây trái Bồ Đề của họ. Hòa Thượng khuyến khích tất cả chúng tôi khám phá ra tiềm năng Phật của mình. Ngài thuyết nói và các hạt giống trí huệ sinh động của chúng tôi đâm chồi và lớn mạnh sống lại cho dù ban đầu hạt giống ấy có kích cỡ nào đi nữa.
Tiến trình này ở một kích cỡ nhỏ hơn chính là những gì đang diễn ra khi mọi người dừng lại và nói chuyện với chúng tôi trên cuộc hành trình Ba bước, một lạy. Những người cúng dường giống như gia đình: gần như tất cả đều có cái vẻ giống nhau – cái vẻ hạnh phúc với vị Phật bên trong đang lớn mạnh. Khi họ cúng dường Tam Bảo, chính là họ đang trưởng dưỡng Tam Bảo ở bên trong họ. Có một điều kỳ diệu thật sự ở đây. Chúng tôi vẫn chưa hiểu hết được, nhưng cảm giác điều đó thật thanh tịnh và tươi sáng.
“Như nhà ảo thuật khéo
Làm mọi người hoan hỷ
Phật phước điền cũng vậy
Khiến chúng sinh kính vui”
Kinh Hoa Nghiêm. – Phẩm Bồ Tát Vấn Minh thứ 10.
Hằng Thật
Sự sai lầm, là lỗi của cái nhìn
“Tôi” là một sự dối trá
Tôi tìm kiếm trái tim chân thật trong chính mình. Chẳng có cái “tôi” nào ở trung tâm thế giới cả. Chúng tôi bỏ dở cuộc đua giành vị trí số một. Tất cả thời gian chúng tôi dành để tìm kiếm chính mình ở bên ngoài, cố tìm ra cái thật – trong mọi lúc, trong khi cái thật ấy lại đang chờ để được tìm thấy ngay bên trong người đang tìm kiếm ở bên ngoài đó. Cái “tôi” mà thường đấu tranh để có được vị trí nổi bật ở trung tâm sân khấu là một sự dối trá, là giả dối. Cái “Tôi” là sai lầm, là lỗi của cái nhìn, là thói quen xấu. Không chạy theo cái tốt nhất của mọi thứ một chút nào nữa. Điều gì đến cũng là tốt nhất. Tại sao lại nhìn vào quang cảnh ? Nó là gì ngoài những bức tranh của sự trống rỗng, của cái bản ngã đang tự tìm kiếm chính mình ?
Ngoài là trong
Trong là ở nhà
Canh chừng kỹ ‘cửa’
Tự bảo vệ mình
Chẳng ai nhớ mình
Chẳng ai quan tâm
Mất và lãng quên
Vốn sẵn đó rồi.
Hằng Triều – Ngày 23 tháng 12 năm 1977
Ở trên nóc xe
Cơn bão vẫn tiếp tục và phía trên đầu chúng tôi vẫn tiếp tục có khoanh tròn không có bão hình “chiếc bánh tròn donut”.
Mây đen dài hàng dặm, và ở giữa có đám mây xanh. Chúng tôi đang đi tới gần cuối vùng núi mặt bằng (Mesa) và có thể cảm thấy một loại năng lượng kỳ lạ đang hình thành.
Một số cư sĩ từ Kim Sơn Thánh Tự tới (gia đình Bachs và con họ), họ đến mang theo một bức tranh của Bồ Tát Quán Thế Âm và một bản kinh Thủ Lăng Nghiêm. Vừa mới hôm qua chúng tôi nghĩ về hai thứ này, và hôm nay, ngay giữa cơn bão, hai thứ này xuất hiện.
Ở phía chân của vùng núi mặt bằng, bình đựng nước của chúng tôi bị thổi bay ra khỏi nóc xe và bị một chiếc xe tải chạy ngay qua cán nát. Ngọn đồi dẫn ra khỏi vùng núi mặt bằng khá dốc và trượt nhanh, không có lề đường. Sẽ rất khó đi, dù là đi bộ dốc xuống. Con đường khác thì không được đi và Cảnh sát Tuấn Tra Xa Lộ Tiểu bang California không cho đi. Chúng tôi không ai thích cái “cảm giác” của con đường này, nhưng không có lựa chọn nào khác, ngày mai phải lạy trên đó. Giao thông dịp Giáng Sinh thật đông đúc, và nếu trời mưa – được, cũng phải chịu.
Khi để tâm vào ngay tại đây và bây giờ, thì cái giả sẽ quay về cái thật.
Lý do mà mấy bình đựng nước bị xe cán lên là vì tôi đã nghĩ về con đường lạy của ngày mai và lái xe đi khi mấy bình đựng nước đang ở trên nóc xe
Hằng Triều – 31 tháng 12 năm 1977
Việc đó làm tôi cảm thấy thực sự tự hào
Pismo Beach …
Một người phụ nữ có tên là Janie dừng lại với người mẹ già của mình. “Chúng tôi thực sự xúc động bởi những gì thầy đang làm. Chúng tôi đọc về việc này trên các báo. Rất hiếm để thấy một người thực sự còn tin tưởng vào những điều này vào thời nay. Mẹ tôi và tôi muốn giúp đỡ, “cô nói.
Hai người phụ nữ lớn tuổi trong một chiếc xe: “Chúng tôi vừa đi bác sĩ về. Thầy làm điều này để được sức khỏe phải không ? ” một người hỏi.
Một người đàn ông dừng lại và đề nghị chia sẻ một số lời cầu nguyện “với 2 x 4.” (1)
Một chàng trai tên là Roger: “Tôi đã đọc về chuyến đi của thầy. Tôi cảm thấy đồng ý với thầy. Tôi có thể làm điều gì cho thầy không? … Tôi thực sự cảm thấy một sự hiệp nhất với những gì thầy đang cố gắng làm. ”
Barry dừng lại cùng vợ và các con. Họ mang đến một kệ sách bằng gỗ có chạm trổ dành cho khối kinh sách của chúng tôi. Tất cả họ đều thực sự hạnh phúc và minh mẫn. Kệ sách đặt vừa vặn hoàn hảo trên ghế trong xe hơi.
Arthur, một chủ trạm xăng địa phương bước đến và nói, “Việc đó làm tôi cảm thấy thực sự tự hào rằng các thầy đã cầu nguyện tại trạm xăng của tôi … đó là một vinh dự. ”
Ông chủ của cửa hàng Thực Phẩm Thiên Nhiên Natural Foods: “Tôi có thể tặng thầy một cái gì đó để giúp đỡ thầy trên con đường của thầy không ? ”
Suốt ngày đều là năng lượng tích cực và tốt đẹp như thế. Một số người dừng lại vào buổi sáng sớm để cảnh báo chúng tôi, “Chúng tôi rất lo lắng cho các thầy. Pismo Beach là một thị trấn nhỏ dữ dằn. ” Tuy nhiên, chúng tôi thì thấy ngược lại. Về cơ bản, tất cả mọi thứ đều như nhau: chính vọng tưởng của chúng ta tạo nên sai khác
Trong phật pháp, không cấu, không tịnh, không tối, không sáng, không khác, không đồng, không thiệt, không vọng, không an ổn, không hiểm nạn
Kinh Hoa Nghiêm
Phẩm Thập Hạnh
Ghi chú:
(1) Thanh gỗ 2 x 4, loại cây gỗ có kích thước thông dụng là 2″ x 4″, ý nói cây đánh nhằm “nhắc thức tỉnh”.
Tháng Một, 1978
Hằng Thật – Tháng 1 năm 1978
Điều đó không đến dễ dàng!
Nếu tôi có tiến bộ trong Thiền, đó sẽ là điều đầu tiên trong đời mà tôi có được qua sự hy sinh chân thật, nỗ lực. Sự tiến bộ này không đến dễ dàng! Các thành quả thật tuyệt vời! Tôi phải ngồi và trải qua những gì cảm thấy như hằng bao nhiêu kiếp khó chịu trước khi tôi đi vào sự tĩnh lặng. Chấp vào chỗ này và mắc kẹt chỗ kia, đòi hỏi phải gắng hết sức, dùng mọi khéo léo và công cụ, để tiếp tục tiến bước một cách kiên nhẫn. Đôi khi tôi cảm thấy giằng co như trò chơi kéo dây giữa một xe tải và một con tê giác, còn tôi là sợi dây ở giữa. Và sau đó, khi đạt đến giới hạn cuối cùng – đột nhiên đó là điều thật đáng giá, tất cả mọi thứ. Kiên nhẫn hơn! Kiên nhẫn hơn nữa!
Hằng Triều – 1 tháng 1 năm 1978
Mạch pháp tổ sư treo trên sợi chỉ mong manh
Chúng tôi đã trải qua ngày cuối năm ngồi thiền trên một con đường đầy bùn cạnh cánh đồng rau súp lơ. Tôi đã có suy nghĩ này: một năm mới, một tâm trí mới. Không có thời gian; không có đo lường. Dù ngồi thiền hay quay cuốn vào công việc bận rộn của thế giới, mọi phân biệt đều là vỏ bọc hư giả. Tất cả mọi thứ trở về số không “0” (zero).
Ngay bây giờ hoàn toàn tốt đẹp để buông xả tất cả và đặt xuống hết. Tại sao tôi không phát tâm hôm nay để được “chân chánh” trong mọi ý nghĩ, lời nói và hành động, và không hề khoa trương chút nào. Bất gì cái gì đó đang kéo giữ tôi xuống là một ảo tưởng. Chấp trước của tôi có thể làm tan chảy như tuyết tan trong nước nóng với nhất niệm dành cho Đạo. Tôi thực sự có thể giải thoát và hạnh phúc và khiến nó là công việc của cá nhân tôi để đưa tất cả chúng sinh ra khỏi đau khổ để tất cả chúng ta cùng nhau được giác ngộ viên mãn. Yippee! Chúc mừng năm mới!
Ðối với tất cả tài vật, cõi nước, nhẫn đến ngôi vua, đại Bồ Tát đều thí xả được tất cả. Với mọi thế sự, lòng của đại Bồ Tát đều được tự tại, không ràng buộc, không luyến ái, lìa hẳn nghiệp ác, làm lợi ích cho chúng sanh
Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Hồi Hướng
Sáng nay chúng tôi đọc Kinh Phật Thuyết Kinh Pháp Diệt Tận (1). Đây là một tường trình chi tiết về những nhân duyên và những thay đổi sẽ xuất hiện ngay trước khi Chánh Pháp biến mất khỏi thế gian.
Tôi đã có được một cảm ứng mạnh mẽ. Mỗi từ ngữ, tôi cảm thấy như nó đến từ tim tôi. Tôi đã nhận ra Kinh này và cảm thấy hoàn toàn quen thuộc với nó. Tôi biết tôi đã từng nghe Kinh này trước đây rồi, trước đây từ rất lâu. Nước mắt bắt đầu chảy khi tôi nhớ lại những giấc mơ và những cái thấy về những điều mà Kinh mô tả sẽ xảy đến.
Bằng cách nào đó, nó trở nên rõ ràng như tiếng búa đánh vào thép rằng cuộc hành hương bái lạy, toàn bộ Tăng đoàn, và Sư Phụ, tất cả đan quyện chặt chẽ với nhau trong một lời nguyện thâm sâu và quan trọng để bảo vệ và nêu cao Chánh pháp. Công việc của chúng tôi là ngăn chặn những điều trong kinh này đề cập trở thành hiện thực. Thật sự là “mạch pháp Tổ Sư treo trên sợi chỉ mong manh”.
Không quan tâm đến thời gian hay nơi chốn hoặc cái tôi, chúng ta tụ hội cùng nhau từ kiếp này sang kiếp khác, nương theo một thệ nguyện bao la và thâm sâu rằng chúng ta cùng nhau tu tập thành Phật và không để cho thời Mạt Pháp xảy ra. Các thế giới và chúng sanh đến đi như đổi mùa nhưng các lời nguyện này sẽ không bao giờ cùng tận. Trong trái tim tôi, vượt qua tất cả ngôn từ, tôi biết việc này đúng thật như thế nào – trải qua hằng hà sa số kiếp, không ngừng nghỉ.
Lại phát đại nguyện : Nguyện thọ lãnh tất cả Phật pháp, nguyện nhiếp tất cả Phật trí, nguyện hộ tất cả Phật giáo, nguyện trì tất cả Phật pháp, rộng lớn như pháp giới, rốt ráo như hư không suốt tất cả kiếp số vị lai không thôi nghỉ.
Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Ðịa
Vô Thường
Mọi thứ không phải luôn như vẻ ngoài
Như mộng, huyễn, bọt, bóng,
Đến nhanh, đi nhanh,
Như sương, như chớp loé,Không ai ở lại và không có gì còn mãi –
Những phản ánh trong một tấm kính.
Không có gì còn mãi và không có ai ở lại,
Như trong ngôi nhà đang cháy, chúng ta vui chơi.Hãy cẩn thận, bạn của tôi, ai có thể nói được?
Đừng chờ khát mới đào giếng.
Trong mộ lắm kẻ đầu xanh
Bài hát ngu ngốc của tôi được hát trong vô vọng.
Quả Cao, Quả Đức cùng các con của cô ta dừng lại trên đường trở về Los Angeles. Họ đã tham dự khóa tu mùa đông ở Vạn Phật Thánh Thành. Họ bái lạy vào buổi sáng cùng chúng tôi và cúng dường bữa ăn. Quả Cao mới thọ giới Bồ Tát và là như một đứa trẻ, hào hứng và hoan hỷ.
Ghi chú:
(1) Xem bản dịch kinh này của Pháp Sư Hằng Thật trong các trang đầu của Kinh Lăng Nghiêm http://www.dharmasite.net/KinhPhapDietTan.htm
Hằng Triều – 2 tháng 1 năm 1978
Bức thư xưa 100 năm
Giả sử có chúng sanh nào đem lòng oán hại Bồ Tát, Bồ Tát này cũng vẫn thương mến họ trọn không hờn giận.
Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Hồi Hướng
Hai người đi xe gắn máy đến và dừng lại bên cạnh chúng tôi. Họ say rượu và có thái độ thù địch.
“Này! Các ông là gì vậy? “Một người hét lên.
“Thầy là người Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Krishnas, hoặc là gì ?!” một người khác hạch hỏi.
“Chúng tôi là tu sĩ Phật giáo.”
Một khoảng im lặng khi họ kiểm tra chúng tôi. “Ồ, Phật tử, hả? Tôi không có bất cứ điều gì chống lại họ. ” Một người nói khi anh ta đút tay vào túi áo khoác da màu đen. Anh ta rút ra một nắm tiền và nhét nó vào túi tu xách tu sĩ màu vàng của tôi. “Chúc may mắn, người bạn,” anh ta nói, và vỗ nhẹ vào vai tôi.
Dù mọi người đối xử với chúng tôi như thế nào, chúng tôi cố gắng cư xử tốt với họ. Nếu chúng tôi tốt với mọi người, họ sẽ tốt với chúng tôi. Ray, một người đàn ông lớn tuổi, người đã quan sát chúng tôi trong nhiều tuần trong khi lái xe qua lại trong chiếc xe Ford cũ, cuối cùng cũng dừng lại để hỏi về hành trình của chúng tôi.
“Cha mẹ của thầy nghĩ gì?” Ray hỏi.
“Nhờ gia đình tốt của tôi mà tôi đã gia nhập Phật giáo.”
“Phải rồi, thầy thật may mắn,” ông ta nói.
“Thầy biết đấy, con trai ở nhà tù San Quentin “, ông ta buồn bã nói.
“Ông có thăm anh ấy không ?”
“Có! Hai tuần một lần, “Ray nói đầy tự hào.
“Thật tuyệt!”
“Không thể để cho nó thất vọng, dù có vấn đề gì đi nữa. Nó bị tù chung thân …À, chúc thầy may mắn và cảm ơn, “Ray nói, bắt tay.
“Hẹn gặp lại, tôi hy vọng như vậy.”
Chúng tôi dừng lại để viết dưới một gốc cây ven đường tại Sheel Beach. “Tôi có thể mời thầy chút trà không?” Một bà già tốt bụng cúi người xuống phía chúng tôi. Bà ta có một giọng nói nặng của Đức. “Chúng tôi đóng cửa vào hôm nay, nhưng tôi có thể làm trà đặc biệt cho thầy, “bà ta mời và chỉ đến một Nhà hàng / nhà nghỉ Bavarian (kiểu Đức) cổ kính bên cạnh chúng tôi.
“Được rồi, chúng tôi chấp nhận.”
“Thầy không thể vào bên trong sao?” Bà ta nói sau khi nghe các lời nguyện của chúng tôi.
“À! Tôi có thể nói rằng các thầy ngủ ở ngoài…xem đôi mắt của thầy kìa! Chậc chậc! Chúng đều đỏ! Thầy đã không ngủ đủ giấc đêm qua! ”
Chúng tôi ngồi trên bậc cầu thang cổng sau và nhấm nháp trà. “Thầy sẽ ăn bánh quy chứ? Đặc biệt sản xuất tại Đức, “bà ta thì thầm.
“Chúng tôi ăn ngày một bữa, nhưng chúng tôi sẽ mang theo vài cái, nếu bà muốn.”
” Ngày một bữa duy nhất!” Bà ta kêu lên. “Thảo nào thầy rất gầy ốm! Chậc! Chậc! ”
Bà ta cùng chồng cô đã quen thuộc với những tu sĩ tu hạnh nghèo khó lang thang từ “những ngày xa xưa” ở châu Âu. Họ rất vui khi thấy truyền thống này vẫn còn tồn tại ở Mỹ và tiếp chúng tôi với niềm tự hào và nghi thức đặc biệt dành cho khách hành hương.
Tuy những tu sĩ lang thang đó ăn mặc rách rưới và từ bỏ thế gian, họ theo truyền thống có học vấn cao và dành cuộc đời mình để phục vụ nhân loại. Người phụ nữ rất vui mừng khi thầy Hằng Thật đồng ý dịch một bức thư xưa 100 năm viết bằng tiếng Trung Hoa mà họ có trong một hộp gỗ cổ xưa.
“Đó không phải là một cái gì đó đặc biệt sao, sau bao nhiêu năm dài!” Bà ta kêu lên. “Thầy có thực sự nghĩ rằng thầy đó có thể dịch được? ”
Thầy Hằng Thật đã dịch. Họ rất vui. Đó chỉ là điều đúng cần làm. “Như đã từng như vậy” hiện rõ trên khuôn mặt của họ.
Gìn giữ hạnh nguyện rộng lớn của Bồ Tát. Thường vui được kính thờ tất cả thiện hữu.
Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Hồi Hướng
Hằng Triều – 3 tháng 1 năm 1978
Đừng sợ gì cả ngoài sự lười biếng
Một ngày mùa đông yên tĩnh, u ám. Cơn mưa làm sạch vào buổi sáng, ngay trước khi bái lạy. Gió thổi và đơn độc. Đôi khi không có gì xảy ra. Về phương diện nào đó, mỗi ngày đều như thê.
“Tất cả thế-gian thảy đều tịch-tịnh,
…
Rõ biết pháp-giới thể-tánh bình-đẳng.”
Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Hạnh
Những lời khuyến khích: Đừng sợ gì cả ngoài sự lười biếng. Nếu bạn mắc sai lầm, đừng lặp lại. Nếu bạn làm tốt, đừng chú ý. Nghi ngờ hay sợ hãi tệ hơn bất cứ điều gì bạn thực sự có thể làm được. Nghi ngờ làm què quặt tinh thần; sợ hãi làm tê liệt tâm. Chỉ cần hoan hỷ và cố gắng hết sức. Tất cả mọi thứ đều OK. Thanh tịnh, an bình và hoan hỷ.
Hằng Thật – 3 tháng 1 năm 1978
Danh tiếng là ích kỷ và tham lam
Bồ Tát này liền suy nghĩ rằng : cảnh ngũ dục này là thứ chướng đạo, nhẫn đến chướng vô thượng bồ đề. Do đây nên Bồ Tát chẳng có một niệm dục tưởng.
Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Hạnh
Trong ngũ dục, danh được xem là món dục lớn. Mong muốn có được danh tiếng ở một người tu hành là điều vô cùng nguy hại. Nó phải được tẩy trừ ngay trong giai đoạn hạt giống, nếu không sẽ không gặt được quả giác ngộ. Không thỏa hiệp. Khi các niệm về “cái tôi to lớn” khởi lên, hãy đốn chặt chúng xuống.
Tại sao Tỳ Kheo này tìm kiếm sự nổi tiếng? Tại căn nguyên, bởi vì anh ta sợ chết. Liệu điều này có vẻ quen thuộc: “Danh tiếng. Cái tôi to lớn. Mọi người đều biết tôi. Tôi quan trọng. Tên tôi rất lớn. Quyền lực của tôi được tôn trọng. Chuyện sanh khong quang trọng. Bệnh tật và tuổi già thuộc về người khác. Trong tôi, tất cả lỗi lầm đều hào nhoáng bởi vì tôi nổi tiếng. Cuộc sống của tôi không phải là tẻ nhạt, không tầm thường, và không xấu xí. Cuộc sống của tôi thật đặc biệt, thú vị, tươi đẹp. ”
Có gì sai với độc thoại này? Chắc chắn chúng ta đã từng có tất cả những suy nghĩ này trước đây. Vấn đề là thế này: sự nổi tiếng dựa trên một sự dối trá. Cái tôi không tồn tại. Bạn không thể tìm thấy cái tôi ở bất cứ đâu, không phải trong cơ thể bạn, không phải trong gia đình bạn, không nằm trong của cải của bạn. Khi cái chết khiến bạn dừng chuyển động và lấy đi nhiệt và hơi thở của bạn, cái tôi ở đâu? Cái tôi có còn đang đọc báo trong bữa ăn sáng không? Liệu cái tôi vẫn lái xe để đi làm chứ? Bạn có thể tìm thấy cái tôi đang xem phim vừa đang ngồi ăn bắp chiên nở sau khi bạn chết không? Nếu cái tôi là thật, nó đi về đâu sau khi chết? Ngay từ đầu nó chưa bao giờ có. Danh tiếng dựa trên cái gì? Sự dối trá.
Danh tiếng không có trái tim. Danh tiếng là ích kỷ, tham lam. Nhưng khi đến lượt chúng ta ở trong sự chú ý của mọi người, ai có thể đứng sang một bên và trao danh tiếng cho người khác? Nó không phải là một món dục dễ khuất phục.
Tham công đức thì vẫn là tham
Làm thiện âm thầm mới là chân thiện.
Nếu bạn làm được nhiều việc tốt thì còn gì tốt hơn? Việc tốt khiến bạn tăng trưởng. Một nữ cư sĩ già nhìn thấy một ngôi chùa bị hư đổ và đã tự giao cho mình công việc sửa chữa chùa. Các tượng Phật bị mưa gió vì mái nhà bị dột. Người nữ cư sĩ không giàu có nhưng bà có lòng. Bà có ba mươi hai người bạn thích thú về dự án sửa chữa này. Bà khiến cho họ cảm thấy như bà là việc bảo vệ Phật pháp là công việc của chính họ – không thể chờ đợi người khác làm. Rất nhanh chóng, tất cả các mái nhà được xây, tượng Phật được phục hồi, và tất cả mọi thứ đã được hoàn chình. Ba mươi ba người bạn, nhờ công đức tuyệt vời của họ như vậy, đã được tái sinh lên cõi trời. Người nữ cư sĩ già là nhà lãnh đạo của họ.
Nếu bà ấy đi quanh làng và khoe khoang về đức hạnh tuyệt vời của mình, thì bà ấy có thể không thành công trong việc thực hiện lời nguyện của mình.
Nhưng bà có trí tuệ và hiểu rõ thành quả của những việc làm tốt có thể bay ra khỏi miệng trước khi chín muồi. Làm thiện âm thầm có thể có nghĩa đơn giản là: “Đừng nói về mình:” Nếu người khác không biết những gì bạn đã làm thì họ không thể bị phiền não hay ghanh tị. Bằng việc canh chừng cái lưỡi, bạn không những không mất công đức do khoe khoang mà còn tránh được tất cả các loại tội đến từ việc gây phiền não người khác. Tốt lành thay!
Chư Phật và Bồ Tát biết về sự vận hành của tâm trí bạn rõ hơn schính bạn. Các bậc thánh đều rõ biết từng hành vi thiện lành và từng hành vi tội lỗi của bạn. Về mặt tu hành, họ là những người mà ý kiến của họ về bạn là quan trọng nhất.
Như Lai hoàn toàn thấy biết tâm niệm của chúng sanh ba thời.
-Kinh Kim Cang
Nếu nổi tiếng trong các bậc thánh hiền vì đức hạnh tuyệt vời của mình thi không sao. Nhưng bạn đừng giành lấy danh tiếng đó bằng cách khoe khoang hoặc bằng cách giả tạo hoặc tự tìm kiếm trong loài người.
Hằng Triều – 11 tháng 1 năm 1978
Nhưng không phải thầy nên đi về hướng đông hay sao?
Người thanh niên đứng ở góc đường: “Vậy, trong việc này có gì cho thầy? Thầy được gì từ công việc này? Thầy được trả như thế nào? ”
Tu sĩ: “Khi anh tặng cha mẹ mình một món quà hoặc chăm sóc họ khi họ bị ốm yếu già nua, anh nhận được gì từ việc đó? Anh được trả bằng gì? Anh cảm thấy thế nào?
Người thanh niên: “À, không có gì cả. Ý tôi là, tôi chỉ là cảm thấy hạnh phúc và bình yên bên trong bởi vì họ…, À, như thầy biết … ”
Tu sĩ: “Phật sự cũng giống như vậy – giống như vậy”.
Người thanh niên: “À! Tôi nghĩ là bây giờ tôi hiểu rồi. Thầy chỉ muốn làm việc cho đi.”
Được đức tin bất hoại đối với tất cả chúng sanh, vì lòng từ bình đẳng xem chúng sanh đem thiện căn hồi hướng khắp lợi ích vậy. … tích nhóm công hạnh phước đức thật hành đại bố thí.
Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Hồi Hướng
Chúng tôi lái xe vào thành phố San Luis Obispo để gặp chính quyền địa phương. Cảnh sát trưởng của hạt là Đại Úy Wood ra khỏi văn phòng của mình, nhận ra chúng tôi và mời tôi vào. “Bọn trẻ nhà tôi đã thấy các thầy và tôi đã đọc những câu chuyện trên báo. Thầy sẽ không có vấn đề gì. Thầy có một lộ trình rõ ràng từ chúng tôi. ” Ông ta nói và đóng dấu vào giấy tờ của chúng tôi và bắt tay.
Ông ta đã rất bận rộn và phiền hà với hai, ba cái điện thoại reo lên cùng một lúc – ông ta đang điều tra một vụ buôn lậu ma túy lớn. Nhìn lên, ông ta nói, “Tất cả điều tôi có thể nói là các thầy hẳn phải rất tận tâm.”
“Ông không tận tâm sao?”, Tôi hỏi.
“Tôi cũng nghĩ thế,” ông ta trả lời, nhún vai như muốn nói, “Tôi không biết, mặc dù … đôi khi tôi tự hỏi …”
Ông ta đưa tôi đến cửa trước và cứ để cho chuông điện thoại reng. Chúng tôi thường có cảm giác rằng rất nhiều người chúng tôi gặp là bạn bè cũ từ rất lâu xa và muốn buông tất cả xuống và đi cùng.
Nguyện tất cả chúng sanh luôn nhớ thiện hữu lòng không đổi dời.
Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Hồi Hướng
Được Cơ Quan Tuần Tra Xa Lộ Tiểu Bang California làm trống lối đi và cho một bản đồ chi tiết mới về các đường xe đạp và đường thay thế. “Chúc may mắn. Một khi thầy đi trên Xa Lộ số 1 thì chắc chắn đến thành phố Monterey. Nhưng không phải thầy nên đi về hướng đông để đến thành Mecca hay sao?” (1). Viên cảnh sát nói đùa.
“Không. Chúng tôi là Phật tử. Chúng tôi đang đi đến Vạn Phật Thánh Thành. ”
“Thế thì, chúc may mắn. Các thầy thực sự chu đáo khi liên hệ với chúng tôi. Cảm ơn.”
Hướng đến Bồ Đề.
Một thanh niên đầy hứng khởi có tên Steve dừng lại khi chúng tôi cúi lạy trên đường nhỏ song song với xa lộ. “Tôi biết thầy đang bận rộn, nhưng thầy có thể dành một vài phút không? Ý tôi là, tôi biết những gì thầy đang làm … Tôi chỉ biết … và, à, tôi đã tìm kiếm điều này và tôi nghĩ rằng tôi đã tìm thấy nó! “, anh ta nói, thở hổn hển.
Steve để lại tất cả mọi thứ lại phía sau ở quận hạt Orange – công việc, gia đình, bạn gái, và ngôi nhà. Anh ta sống trong xe tải của mình trong khi tìm kiếm một nơi và một phương pháp mà, “tôi có thể vượt ra khỏi cơ thể da thịt này của tôi và “linh hồn” và tất cả các phần còn lại và đi tới chỗ tột cùng, sự hiệp nhất với tất cả mọi thứ, “anh ta nói. “Tôi thực sự nghiêm túc tìm kiếm một cộng đồng tâm linh để đi đến chỗ tột cùng và giúp đỡ người khác. Tôi không muốn chỉ làm việc của riêng mình và thối lui. ” Steve đang thuyết pháp Bồ Tát.
“Ngài chú tâm tìm cầu chánh giác để độ thoát tất cả chúng sanh. chưa từng giây phút nào rời bỏ ý nghĩ này. Bồ Tát cung kính quán sát và thực hành tất cả đại hạnh rộng lớn.”
Kinh Hoa Nghiêm
Steve quan tâm đến Vạn Phật Thánh Thành. “Thầy có thực hành Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo không? Một cư sĩ có thể nghiên cứu ở đó và làm việc trong cộng đồng không? Có bậc đạo sư giác ngộ ở đó để dạy những điều chân thật không? “Anh ta hỏi.
“Tôi muốn biết làm thế nào để giữ giới luật và đọc một bài kinh lần đầu. Tất cả những gì tôi đã từng nhìn thấy là những thứ bề nổi, không phải là rất sâu – thầy biết đấy, những cuốn sách Phật giáo bìa mềm. Tôi muốn thực sự đi vào trong nó. Tôi có thể làm điều đó ở đó không?”
“Được. Tất cả đều có ở đó. Mọi người đều giữ giới. Đó là một đạo tràng rất thanh tịnh. Mọi người ở đó đều chân thành để giác ngộ và chấm dứt khổ đau cho tất cả chúng sinh. Đó là cốt tủy của Vạn Phật.” Tôi nói.
Steve lấy một tấm bản đồ, cười toe toét “Cảm ơn”, và lái xe đến Ukiah bằng xe tải của anh ta. Hướng đến Bồ Đề và sống dựa trên tín tâm sâu sắc.
Thâm tín nơi Phật và phật-pháp
Cũng tin phật-tử đạo tu hành
Và tin vô-thượng đại bồ-đề
Do đây Bồ-Tát phát tâm nguyện
Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Hiền Thủ
Ghi chú:
(1) Thành Mecca, hay còn gọi là Makkah, nơi sinh của nhà tiên tri Muhammed, giáo chủ đạo Hồi, ở về hướng đông của Hoa Kỳ. Tín đồ đạo Hồi thường hướng về hướng Đông, hướng thành Mecca, để lạy.
Hằng Triều – 15 tháng 1 năm 1978
Dù việc gì đến, cũng đừng nổi giận
“Không bao giờ tức giận …”
Trên bãi cỏ, dưới gốc cây, chúng tôi đang đọc Kinh vào giữa buổi chiều. Một người đàn ông tên là Frank dừng cắt cỏ và tiến đến.
“Thầy đang cầu nguyện cho hòa bình phải không?”
Tôi gật đầu.
“Ồ, chúng ta thực sự cần điều đó phải không?”
“Chủ yếu là chúng tôi đang cố gắng chuyển hướng một số trong những thảm họa và đau khổ trên thế giới. Có quá nhiều động đất, tai nạn máy bay, xung đột gia đình và không chăm sóc tốt đẹp cho nhau, ” tôi nói. Frank ngồi xuống với chúng tôi trên bãi cỏ.
“Có rất nhiều những điều đó. Thầy biết không, tôi suýt chết cách đây hai năm, nhưng tôi đã khiến họ ngạc nhiên. Tôi từng là một gã thô kệch và khô khan, nhưng bây giờ tôi nhẹ nhàng lịch sự như một con mèo con,” ông ta cười nói. “Tôi không lo lắng và không bao giờ tức giận. Nếu không, mọi chuyện sẽ kết thúc. ”
Frank đã tạo lập sự kết nối giữa tình trạng bất ổn trên thế giới và tình trạng bất ổn trong chính mình. Tôi nhớ lại những lời của Hòa Thượng nói với chúng tôi chỉ mới gần đây:
“Con phải nhẫn nại trong mọi cảnh giới. Nhẫn sẽ thắng. Không được sân giận với bất kỳ thứ gì. Dù việc gì đến, cũng đừng nổi giận. Việc không nóng giận sẽ có ý nghĩa to lớn đối với tương lai Phật giáo ở Hoa Kỳ” .
Frank nhận biết sự nóng giận có thể giết ông ta và làm lộn xộn thế giới bằng năng lượng xấu như thế nào. Tất cả các thảm họa trên thế giới đến từ hành vi phá hoại xuất phát từ sự nóng giận. Về một phương diện, đó là trọng tâm của cuộc hành hương này: bằng cách loại trừ sự nóng giận của chính mình, chúng ta làm bớt đi một chút thảm họa và đau khổ trên thế giới .
Frank mang ra thức ăn cúng dường. Ông ta đã cho chúng tôi rất nhiều tiếng cười để nới lỏng khuôn mặt quá nghiêm trọng của chúng tôi và làm sáng lên con đường của chúng tôi. Lần đầu tiên Khi Frank đến, chúng tôi đang đọc phẩm Thập Hồi Hướng trong Kinh Hoa Nghiêm:
“Nguyện tất cả chúng sanh ngồi xe nhẫn nhục, rời lòng sân hận.”
Không bao giờ tức giận chính là “ngồi xe nhẫn nhục.”
Có những lúc quyển Kinh, những người chúng tôi gặp, và những tâm niệm riêng của chúng tôi đan xen và đồng nhịp với nhau. Tất cả mọi người và tất cả mọi thứ đều nói Pháp. Như thể cả thế giới được chứa trong tâm chúng tôi.
Ví dụ, tối nay chúng tôi đã cắm trại ở cuối một con đường cụt cạnh đường chính. Một cơn bão lớn khiến chúng tôi gần như vô hình. Chúng tôi vừa đọc xong đoạn Kinh nói về bố thí thì một chiếc xe dừng lại bên cạnh.
Một người đàn ông gõ vào cửa sổ xe. Khuôn mặt và đôi mắt ông ta trong sáng. Không khí đầy năng lượng tốt lành. Ông ta đưa ra một túi rau hữu cơ vừa hái. “Đây là những thứ từ vườn của cha tôi ở thành phố Merced. Tôi đã theo dõi các thầy mỗi ngày kể từ thành phố Guadalupe,” ông ta nói. “Đây là lần đầu tiên tôi dừng lại nhưng trong tâm tư tôi thì tôi có mặt cùng các thầy mỗi ngày. Chúng tôi tri ân sâu xa những nỗ lực của quý thầy đối với nền hòa bình và duy trì hành trình của các thầy gần gũi với tâm chúng tôi,” ông ta gật đầu về phía vợ và các con, mỉm cười và vẫy tay từ chiếc xe toa của họ. “Tôi hy vọng thầy sẽ chấp nhận túi rau cải này như là một biểu hiệu của lòng biết ơn và hỗ trợ này”.
Khi ông ta rời đi, cả hai chúng tôi tự hỏi làm thế nào mà họ tìm thấy chúng tôi trên con đường ít người biết vào một đêm mưa tối thế này. Chúng tôi vừa đọc từ quyển Kinh:
“Bồ Tát làm lợi ích chúng sanh như vậy, muốn chính thân mình là ngôi tháp đệ nhứt cho tất cả chúng sanh đều có lòng hoan hỷ, muốn làm ao nước mát mẻ cho chúng sanh, muốn ban cho chúng sanh tất cả sự an lạc”
Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Hồi Hướng
Hằng Thật
Bạn có thể truyền bí mật này đi không?
Như người ở vương-cung
Mà tự chịu đói rét
Nơi pháp chẳng tu-hành
Ða-văn cũng như vậy.
…
Như người trôi giữa dòng
Sợ chìm mà chết khát
Nơi pháp chẳng tu hành
Ða văn cũng như vậy.
Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Bồ Tát Vấn Minh
Giả sử bạn đang làm việc trong một thư viện và bạn gặp một quyển sách giải quyết được tất cả các vấn đề của mình. Thì bạn sẽ đặt sách đó trở lại kệ và quên nó? Hay bạn sẽ lấy sách đó ra và thử áp dụng các phương pháp của sách vào cuộc sống của bạn?
Giả sử bạn đang quản lý một vườn cây ăn trái và bạn kháp phá ra rằng những trái cây trong vườn bạn có thể cung cấp nuôi dưỡng tất cả những người đói khát trên trái đất. Thì bạn có thể truyền bí mật này đi không? Hay bạn chỉ tự mình ăn các trái cây này?
Những ví dụ này minh họa cho kinh nghiệm của tôi khi là một sinh viên hậu đại học sau khi gặp được Kinh điển Phật giáo. Tôi cảm thấy như một người chết đuối đột nhiên phát hiện ra một hòn đảo ngay dưới chân mình. Tôi hầu như không thể kiềm chế được mình và hét lên: “Này! Đây là điều thật! Hãy tỉnh dậy, tất cả mọi người! Đây là những gì chúng ta đang tìm kiếm! ”
Sự thiếu kiên nhẫn của tối đối với những người xem Phật Pháp như là một đề tài nghiên cứu, như là một “lãnh vực tìm hiểu” đã đẩy tôi ra khỏi trường đại học. Các đạo lý của Phật giáo là chân thật. Các đạo lý này vững chãi và hoạt động bên trong tâm trí. Các đạo lý này lành mạnh và tốt cho tất cả mọi người. Tôi cảm thấy một nhu cầu đạo đức để hành động, để mang Phật Pháp ra khỏi sách vở và đi vào các con nẻo đường. Sự cần thiết của phương thuốc Phật Pháp trong một thế giới bệnh hoạn là quá to lớn. Ai có thể để gia đình mình phải chịu khổ trong một con tàu đang bị chìm trong khi người đó sở hữu các kế hoạch và các nguyên vật liệu để làm một chiếc tàu cứu độ đủ lớn để chứa tất cả chúng ta?
Ví như nhà hàng hải
Mà tự chết trong biển
Nơi pháp chẳng tu hành
Ða văn cũng như vậy.
Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Bồ Tát Vấn Minh
Hằng Triều – 16 tháng 1 năm 1978
Khảo nghiệm hôm nay là sự tức giận
San Luis Obispo.
Những điều nhỏ bé: Một người nào đó đã cho chúng tôi một cái bánh trái cây và nói rằng nó “sạch”. Hóa ra chiếc bánh có đầy rượu. Cắn vài miếng, chúng tôi đỏ ửng và chóng mặt. Khó lạy suốt chiều hôm đó. Rượu đem đến sự tồi tệ nhất của con người.
Trạm xăng địa phương Beacon có một nhà vệ sinh có nước nóng. Thật hiếm thấy! Chúng tôi thay phiên nhau cạo râu và tắm, lần đầu tiên trong tuần.
Chúng tôi mặc áo mưa vào dưới mái che rộng giống như tiệm Quick-stop hay trạm xăng và lạy cả ngày. Vào ban đêm, nếu có tiệm giặt đồ, chúng tôi sẽ sấy khô áo quần và tập thái cực quyền. Nếu không có tiệm giặt đồ, chúng tôi chồng quần áo ướt lên ghế trước cho đến khi mặt trời mọc và chúng tôi phơi đồ lên các hàng rào hay cây cối bên ngoài để làm khô.
Trong năm ngày liên tiếp những cơn bão tan biến khi chúng tôi đang lạy. Khi chúng tôi dừng lại để ăn hoặc vào cuối ngày, bầu trời mưa bão tầm tã với tất cả sức mạnh của bão.
Thầy Hằng Thật và tôi chưa bao giờ thấy một trận mưa nào lớn hơn trận mưa trong ngày hôm nay. Trong vòng vài phút, đường phố chuyển thành sông và những chiếc xe hơi trông giống như những con thuyền rẽ sóng trên sông. Chúng tôi cắm trại cạnh một nghĩa trang ở Elks Road. Cây cầu phía trước đã bị chặn và không thể vượt qua. Đoàn công nhân với một cần cẩu làm việc suốt đêm, cố gắng phá các đoạn gỗ gây tắc nghẽn và các cây bị bật gốc kẹt lại ở chân cầu. Có một kim tự tháp lớn ở nghĩa trang. Chúng tôi đậu xe giữa kim tự tháp đá và cuộc sống bận rộn về đêm của câu lạc bộ Elks Club.
Bên trong cũng gió hú. Sự tìm kiếm nhỏ nhiệm nhất ra bên ngoài với sáu giác quan hoặc bị xoay chuyển bởi cảm xúc đều được cảm nhận ngay lập tức. Việc đó cảm thấy như thế nào? Giống như một cơn bão bất ngờ che lấp bầu trời đầy nắng không mây hoặc như có lớp sương mù phủ dày. Có câu rằng,
Nhất niệm bất sanh toàn thể hiện,
Lục căn hốt động bị vân giá.
(Một niệm không sanh: toàn thể hiện,
Sáu căn bỗng dậy: tâm che mờ.)
Khi tu hành, bạn thu thập “sức hơi nước”. Sức hơi nước thường bị mất khi bạn đuổi theo pháp thế gian. Đột nhiên bạn phát hiện ra một nguồn năng lượng mới và bạn cảm thấy mình trẻ hơn nhiều tuổi. Nếu bạn có thể giữ cái sức hơi nước ấy, nó sẽ tạo ra một con người mới của bạn và tinh luyện thành trí tuệ chân thật. Nếu không thể giữ sức hơi nước ấy, bạn sẽ mất tất cả và phải bắt đầu trở lại.
Lễ lạy trong mưa bão và gió lớn khiến việc tập trung tâm trí trở nên khó khăn hơn nhiều. Và bên trong, lò nung hơi nước bùng cháy. Ngay tại thời điểm bạn hầu như không thể chịu nổi áp lực, bạn có khảo nghiệm. Khảo nghiệm hôm nay là sự nóng giận. Tôi đã thất bại.
Sức hơi nước la hét để bắn ra cả ngày – bằng cách nói liên tục, nhìn xem người đến và đi, sự thôi thúc muốn ngủ, và mong muốn ăn quá nhiều. Nhưng tôi kềm giữ lại. Sau đó, vào cuối ngày, khi chúng tôi đi tìm một tiệm giặt đồ, tôi để cho mình nổi giận với thầy Hằng Thật về việc sấy khô quần áo. Ngay lúc đó tôi cảm thấy một cái gì đó đã rời bỏ tôi.
Vào buổi tối, tôi có những giấc mơ xấu về cái ác và bạo lực nặng nề. Những đàn chó hoang và những băng đảng của những kẻ bạo lực đã chạy khắp nơi, giết những người đạo đức. Các lực ác đã ra khỏi tầm kiểm soát. Chúng tấn công xe của chúng tôi. Sư Phụ đã ở đó với một nhà lãnh đạo tôn giáo khác, cố gắng dập tắt sự sụp đổ. “Chúng sợ kinh điển và rất khó chịu bởi sự xuất hiện của kinh điển ở phương Tây, đó là lý do tại sao”, Hòa Thượng nói.
Tỉnh dậy, tôi nhận ra giấc mơ đến từ tâm của tôi. Những con chó và ma quỷ là “chúng sinh” được thả chạy ra do sự tức giận của tôi. Tôi vừa nhìn thấy một mặt khác của tự tánh mình tôi. Vì vậy, trong Hoa Nghiêm co nói,
“Nghĩ sao thì sẽ nhận lại như vậy”.
Một tâm định tĩnh là một tâm bình an. Chỉ một niệm nóng giận trong tâm trí một người tu hành thì còn tệ hại hơn một quả bom nguyên tử.
Hằng Thật
Một đầu tư tốt hơn so với đầu tư các cổ phiếu công ty lớn đáng tin cậy
Thâm tâm, tin, hiểu thường thanh tịnh
Cung kính, tôn trọng tất cả Phật
Nơi Pháp và Tăng cũng như vậy
Chí thành cúng dường mà phát tâm. (1)
Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Hiền Thủ
Có một cách chắc chắn để thanh lọc những tâm niệm thâm sâu: bằng cách tu tập bất kỳ pháp môn nào trong 84.000 pháp môn mà Đức Phật đã để lại cho chúng ta. Bằng cách tăng trưởng niềm tin và sự hiểu biết trong Phật giáo thì không thể đi sai lạc. Tôn trọng tuyệt đối Tam Bảo là một đầu tư tốt hơn so với đầu tư vào các cổ phiếu công ty lớn đáng tin cậy (blue-chip). Bạn nhận được phần lời cao hơn được trả bằng trí tuệ, sự tự kiểm soát, hạnh phúc, và thiện báo trong một thời gian lâu dài hơn.
Thầy Hằng Triều đã xác định được một cái nhìn mà thầy ấy gọi là “Hộ Pháp Nhãn” quen thuộc với tất cả những vị Hộ Pháp mới, những người cúng dường Tam Bảo qua chúng tôi. Những cái nhìn rộng mở, vui vẻ, đầy ánh sáng và niềm tin. Đó là cái nhìn của một người cảm thấy hạt giống Phật chuyển mình và tỏa sáng khi họ quên mình bố thí. Tiếp đến là phát tâm giác ngộ!
Ghi chú:
(1) Nguyên văn Hoa ngữ:
深心信解常清淨
恭敬尊重一切佛
於法及僧亦如是
至誠供養而發心
Thâm tâm tín giải thường thanh tịnh
Cung kính tôn trọng nhất thiết Phật
Ư Pháp cập Tăng diệc như thị
Chí thành cúng dường nhi phát tâm
Hằng Thật
Nhưng không ai thật sự thực hành!
Thâm tín nơi Phật và Phật pháp
Cùng tin Phật tử Đao tu hành
Và tin vô thượng đại bồ đề
Do đây Bồ Tát phát tâm nguyện. (1)
Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Hiền Thủ
Vickie, một sinh viên đại học và là người nội trợ: “Mọi người đều nói về đời sống tâm linh. Tôi đã nhìn quanh và kiểm tra. Mọi người đều nói về con đường Đao nhưng không ai thật sự thực hành. Khi tôi nhìn thấy hai thầy lạy, tôi nhận ra rằng các thầy đang đi trên con đường Đạo. Tôi không thể không hoan hỷ suốt ngày. Quý thầy đang làm việc đó! Ngay ở đây và bây giờ! Và điều đó có nghĩa là tôi cũng có thể làm điều đó. ”
Ghi chú:
(1) Nguyên văn Hoa ngữ:
深信於佛及佛法
亦信佛子所行道
及信無上大菩提
菩薩以是初發心
Thâm tín ư Phật cập Phật pháp
Diệc tín Phật tử sở hành đạo
Cập tín vô thượng đại bồ đề
Bồ tát dĩ thị sơ phát tâm.
Hằng Triều – 20 tháng 1 năm 1978
Thầy ấy chỉ là không dùng dây thanh quản
Anh Salvador, từ một người học việc trẻ trở thành một người làm nghề thầy thuốc ở Sioux, ghé lại. Vì chúng tôi không ăn thịt hoặc cá, anh Salvador vui vẻ đề nghị để anh lấy vài chiếc bánh mì kẹp cá ngừ mà có ai đó để lại trên xe của chúng tôi. Anh ta nói rằng anh ta cảm thấy “được hướng dẫn” đến chỗ chúng tôi.
Anh ta nói “Thầy biết không, tôi ít khi chạy bộ và không bao giờ đi lối này. Sáng nay tôi có một cảm giác mạnh mẽ muốn chạy bộ và đi theo con đường đặc biệt này… Và bam! Các thầy đang ở đây! “Anh ta rất vui mừng hứng thú về mục đích của chuyến hành hương và cảm thấy một mối liên hệ với Phật giáo dù anh ta không hiểu rõ. “Thật khó nói thành lời. Tôi chỉ cảm thấy chúng ta có rất nhiều điểm chung và dưới hình thức nà đó đang trên cùng một con đường.”
Anh Salvador cũng nhận xét rằng sự im lặng của thầy Hằng Thật “đã nói” lớn như lời được nói ra.
“Ồ, thầy ấy nói, thầy ấy chỉ là không dùng dây thanh quản,” anh ta nói với một nụ cười hiểu biết.
Hằng Thật
Tất cả chỉ nhận vào và không cho ra
Tin hay ban cho, không bỏn sẻn
Tin hay hoan hỉ vào phật pháp
Tin hay thêm lớn trí, công đức
Tin quyết định được bực Như Lai.
Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Hiền Thủ
Niềm tin đưa tôi trở lại hạt giống Phật bên trong mình theo những cách kỳ lạ, vào những thời điểm kỳ lạ. Sáng sớm trên con đường đến trường hậu đại học, đạp xe xuống vùng đồi Berkeley Hills, nhìn qua Vịnh ở San Francisco trong sạch, nắng chói chang, đôi mắt tôi cố phát hiện tu viện Kim Sơn Thánh Tự. Suy nghĩ của tôi thường xuyên lang thang ở đó trước khi tôi đến gần nơi này. Cuộc sống sinh viên ngày càng giống như một guồng máy chạy quay. “Năng suất” là mục đích, không phải là “chân lý” hay “tấm lòng” là mục đích. Tôi đọc nguyệt san Phật giáo Kim Cang Bồ Đề Hải được xuất bản ở chùa Kim Sơn Thánh Tự và những hình ảnh về những bức tường trống trải và cuộc sống khổ hạnh khiến lòng tôi thắt lại. Nhưng tôi đã ngày càng mệt mỏi trong những thói quen xấu không có mục đích, tôi rơi vào. Cuộc sống của tôi thật ích kỷ, bao phủ bằng khói thuốc và rượu và quá nhiều thức ăn có đường. Lòng tôi đã không ở trong đó nữa. Theo các tiêu chuẩn của thế gian, tôi cư ngụ trong vòm nhà dục lạc. Tất cả các giác quan được nhồi nhét hết mức. Nhưng cốt lõi thì rỗng tuếch và đau đớn. Càng ngày tôi càng nhận ra những chất độc tôi đã đưa vào cơ thể mình chỉ là chất độc chấm dứt sự sống. Những gì đã thay đổi tôi là lời Phật như tôi đã nói ở trên. Tôi nhận ra rằng cuộc sống của tôi là “nhận vào” và không “cho ra”. Tôi đã học đòi theo học thiền Phật giáo, đủ để biết về các từ ngữ “giác ngộ” và “trí tuệ”. Dù tôi đào sâu vào những con đường bất thiện và những theo đuổi không lành mạnh, tôi không thể đánh mất hạt giống nhỏ tinh khiết đó. Hạt giống đó làm ngứa ngáy khi tôi cảm thấy buồn nản nhất. “Phải có cái gì tốt hơn thế này để làm với năng lượng của mình.” (Ngứa ngáy.) “Có, bạn có thể là một người giác ngộ”, hạt giống đó sẽ nói. Hạt giống đó sẽ dẫn tôi đi khi tôi cảm thấy hạnh phúc nhất. “Ồ, nếu hạnh phúc an lạc làm cảm thấy tốt đẹp như thế này, vậy thì cảm thấy hạnh phúc an lạc mọi lúc sẽ như thế nào, giống như Đức Phật ?” (Kéo giật lại.) “Tại chùa Kim Sơn, bạn có thể tìm ra chính mình.” hạt giống nhỏ nói.
Cái đó là gì ngoài niềm tin đang nói chuyện với tôi? Đi theo tiếng nói đó, tôi được dẫn đi để vui vẻ đi vào cửa chùa Kim Sơn Thánh Tự để nghiên cứu Phật pháp. Những hoài nghi của tôi giảm xuống khi niềm tin tăng lên. Chẳng bao lâu tôi đã có thể dần dần buông bỏ tập khí bất thiện của mình khi tôi có được thói quen và quan điểm chân thật, mới mẻ. Đó là một quá trình thiện lành tự nhiên, giống như chăm sóc một vườn cây màu mỡ, khỏe mạnh. Niềm tin là hạt giống luôn tin cậy được.
Hằng Triều – 21 tháng 1 năm 1978
Ông có thể lễ lạy bằng tâm
Morro Bay, 12 dặm về phía trước.
Chúng tôi đang hướng về phía tây bắc, vượt qua dãy núi Santa Lucia. Có một cơn gió mát mẻ, trong sạch quét xuống từ phía bắc. Những ngọn đồi xanh và mảnh đất đang cười, với những khe núi, chim ríu rít, và nụ xuân.
Đêm qua tôi mơ thấy chúng tôi đang vào giờ cuối cùng của ngày cuối Thất Quan Âm. Mọi người rất thành tâm và nhất tâm tu tập. Quan Âm Bồ Tát đã đến và giọng của mọi người lên cao. Phật điện chứa đầy một năng lượng tuyệt vời và ánh sáng mênh mông. Mọi người đều cảm thấy như cùng một thân thể. Quan Âm Bồ Tát hiện lên trong một sắc tướng rất vĩ đại và uy nghi. Mọi người cúi lạy và quỳ xuống trong niềm vui xen lẫn kinh ngạc. Khuôn mặt họ tràn đầy từ bi và tôn kính sâu sắc. Điều đó hoàn toàn có thật và cảm nhận được. Tất cả chúng sanh đều là Quan Âm Bồ Tát; Quan Âm Bồ Tát là tất cả chúng sanh.
Một số người nói rằng, “Quan Âm Bồ Tát lúc nào cũng ở đây, như thật và sống động như như bạn và tôi. Điều này thật lạ thường!” Tôi không cảm thấy giống như một giấc mơ thường thấy. Thức dậy, tôi vẫn có cảm giác rằng tuy điều như thế dường như không thể nghĩ bàn, nhưng tất cả chúng tôi đã “buông xả” đủ để kinh nghiệm điều này và biết nó có thể xảy ra và đó chỉ là khởi đầu. Không thể quay trở lại sau khi kinh nghiệm cảnh giới này. Sự không thể nghĩ bàn và điều không thể có này nằm trong trái tim của chúng ta và trong tầm tay. Mọi người đã rất hạnh phúc và tràn đầy ánh sáng. Nếu bạn có niềm tin và sự chuyên chú không giảm, thì có thể sẽ nhận được cảm ứng. Vì vậy, Kinh nói:
“Dùng Phật làm cảnh-giới
Chuyên niệm mà chẳng dứt
Người này được thấy Phật
Số đó cùng tâm đồng.
Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Đâu Suất Kệ Tán
Bill Ireland dừng lại và nói với chúng tôi rằng ông ta đã thu xếp để xe của chúng tôi được sửa chữa tại một tiệm sửa xe địa phương. “Thầy biết đấy, khi còn trẻ giống như quý thầy, quý thầy có thể quỳ xuống và lạy như thế này hàng ngày. Nhưng khi thầy đã lớn tuổi như tôi, thầy không thể làm điều đó. ” Bill quan sát.
“Có thể không phải với thân của ông, nhưng ông có thể cúi lạy bằng tâm. Tâm của ông không già. Nó bao giờ cũng luôn mạnh mẽ. ”
Bill nói “À … Có lẽ vậy”.
Có một đoạn trong phẩm Thập Hạnh của Kinh Hoa Nghiêm có nói Bồ Tát quán sát tất cả chúng sinh và sự vô thường không thể tránh khỏi của thân xác họ.
Lúc bấy giờ Bồ Tát quán thân của tất cả tam thế chúng sanh đều liền hoại diệt, mà nghĩ rằng : Lạ thay cho chúng sanh ngu si, vô trí, ở trong sanh tử, thọ vô số thân mỏng manh chẳng tạm dừng, mau về nơi hoại diệt, hoặc đã, hoặc hiện, hoặc sẽ hoại diệt, mà họ chẳng thể đem thân chẳng bền để cầu thân kiên cố.
Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Hạnh
Tôi phải học tập những điều mà chư Phật đã học tập, để được chứng nhứt thiết trí, biết nhứt thiết pháp, rồi vì chúng sanh diễn thuyết tam thế bình đẳng tùy thuận pháp tánh tịch tịnh bất hoại, khiến họ được vĩnh viễn an ổn khoái lạc.
Mặt đất dường như đã chết và khô héo. Giờ đây, với cơn mưa mùa xuân,mọi thứ lại sống và dẻo dai. Những ngọn cỏ, cây cối và sinh vật này chỉ ngưng hoạt động hoặc ngủ đông. Thời tiết khắc nghiệt mùa đông hoạt động giống như những vọng tưởng và chấp trước. Chúng che mờ Pháp-tánh của chúng ta như sương giá lạnh bao trùm trái đất. Những cơn mưa mùa xuân và ánh nắng làm hồi sinh những rễ cây khô héo. Phật Pháp làm hồi sinh tâm của chúng ta theo cùng cách đó. Sống và chết chỉ là một từ ngữ có bốn chữ cái. Tự tánh nguyên thủy của chúng ta là “tịch tịnh, và bất hoại (không thể hủy hoại).” Thân Pháp-tánh của chúng không bao giờ tan rã.
Chúng tôi đang lạy trên triền đá hẹp đi lên đường dốc trên núi. Một người đàn ông xuất hiện. Ông ta di chuyển mau lẹ và ông có năng lực chạy đua. Khi đưa cho tôi một ít tiền, ông ta nói, “Nếu có sự tôn kính chân thật, thì ngay cả răng một con chó cũng phát sáng.” Ông ta dừng lại để xem tôi có hiểu không, sau đó nói, “Chúc thầy một chuyến đi an toàn,” và đi ngược lên con đường núi .
Chớ để cho bụi bám
Khi mặt trời lặn, một chùm nắng dài xuyên qua những cây thông cao. Trong nắng có vô số các hạt bụi nhỏ quay cuổng và nhào lộn trong không khí. Những hạt bụi luôn luôn ở đó, nhưng không thể được nhìn thấy cho đến khi có ánh sáng mặt trời soi sáng.
Những vọng tưởng của tôi cũng vậy. Vào cuối ngày lễ lạy, có một ánh sáng nào đó tụ lại chiếu soi tâm trí. Tất cả các giác quan được trở thành sắc bén như dao cạo. Mỗi một vọng tưởng có thể được nhìn thấy. Quá nhiều để đếm, chúng cũng giống như các hạt bụi trong tia nắng.
Vọng tưởng uế trược điên đảo tạo ra từ vô thủy bởi sự tham, sân, si, chúng chồng chất lên nhau theo bạn đời đời kiếp kiếp. Trong phần đầu trước chú Lăng Nghiêm, tôn giả A Nan tụng đọc và cầu mong thần chú “Tiêu trừ điên đảo vọng tưởng từ ức kiếp của con”. (1)
Một kiếp là một khoảng thời gian rất dài gian. (Đai khái khoảng một triệu năm). Một ức kiếp thì không thể tính được. Tôi đã huân tập vọng tưởng và nghiệp mê lầm lâu như đến vậy. Tôi có thể – Tôi không biết chắc chắn là bao lâu…
Thầy Hằng Thật và tôi đang trở nên rất ý thức về giới luật và ngay cả những lỗi nhỏ nhất. Sớm hay muộn, tất cả đều sẽ trở lại để cản trở bạn.
Thân là cây Bồ Đề,
Tâm như đài gương sáng.
Thời thời phải lau chùi.
Chớ để cho bụi bám.
Đại sư Thần Tú – Lục Tổ Pháp Bảo Đàn Kinh
Một Cảnh Sát Tuần Tra Xa Lộ của Tiểu Bang California dừng lại để xem chúng tôi có cần bất cứ điều gì không. Anh ta chỉ về phía thầy Hằng Thật và hỏi xem có phải “Thầy ấy là người không nói chuyện” không và sau đó xin lỗi vì đã cố gắng nói chuyện với thầy ấy. Anh rất thân thiện, hay giúp đỡ, và luôn lo cho sự an toàn của chúng tôi khi chúng tôi lạy qua khu vực tuần tra của anh.
Ghi chú:
(1) Nguyên văn: 銷 我 億 劫 顛 倒 想 Tiêu ngã ức kiếp điên đảo tưởng. Trong Phần Công Phu Khuya của Kinh Nhật Tụng
DEEP AND WONDROUS DHARANI UNMOVING HONORED ONE
4 Diệu trạm tổng trì bất động tôn
妙 湛 總 持 不 動 尊
miào zhàn zǒng chí bú dòng zūn
SUPREME SHURANGAMA APPEARS MOST RARELY IN THE WORLD.
4 Thủ Lăng Nghiêm Vương thế hi hữu
首 楞 嚴 王 世 希 有
shǒu lèng yán wáng shì xī yǒu
EXTINGUISHING DELUDED THOUGHTS FROM COUNTLESS KALPAS PAST.
4 Tiêu ngã ức kiếp điên đảo tưởng
銷 我 億 劫 顛 倒 想
xiāo wǒ yì jié diān dǎo xiǎng
I NEEDN’T PASS THROUGH AEONS TILL THE DHARMA BODY’S GAINED.
4 Bất lịch tăng kỳ hoạch pháp thân
不 歷 僧 祇 獲 法 身
bú lì sēng qí huò fǎ shēn
I WISH TO NOW ATTAIN THE WAY: AND AS THE DHARMA KING.
4 Nguyện kim đắc quả thành bảo vương
願 今 得 果 成 寶 王
yuàn jīn dé guǒ chéng bǎo wáng
I’LL THEN RETURN TO RESCUE BEINGS MORE THAN GANGES’ SANDS.
4 Hoàn độ như thị hằng sa chúng
還 度 如 是 恒 沙 衆
huán dù rú shì héng shā zhòng
Hằng Thật
Chúng tôi sẽ trình diễn khúc nhạc chiều cho Thầy
Tin khiến lục căn sạch, sáng, lẹ
Tin sức kiên cố không bị hư
Tin hay dứt hẳn cội phiền não
Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Hiền Thủ
Chúng tôi rời khỏi đường xa lộ nơi bảng chỉ dẫn cho biết, “Cấm người đi bộ.” Chúng tôi đi vào đường Quintana, con đường dẫn tới Vịnh Morro, hai dặm về phía bắc. Bữa ăn trưa không có chuyện gì xảy ra; chúng tôi đã thử một nồi rau dại mới – cẩm quỳ, một loại cây mọc bên đường phổ biến, dùng với cơm. Không tệ lắm. Miễn phí và tươi. Giống như Phật Pháp, rau này mọc mọi nơi. Nhưng bạn phải nhìn thấu chấp trước vào danh sắc trước khi bạn nhận ra giá trị đích thực của nó. Trước là một loại cỏ dại, giờ là nhiên liệu để giác ngộ.
Lễ lạy trở lại sau bữa ăn trưa. Vừa tụng xong lời nguyện chấm dứt mọi ham muốn tình dục, một lời nguyện tôi lập mỗi ngày. Khi tôi đọc đến dòng này “Tôi nguyện rằng tất cả các hạt giống nghiệp bất thiện gieo trồng trong kiếp sống này qua hành vi tà dâm sẽ trở kết thành quả theo một cách khác để tôi không phải chịu đựng sự áp lực của tình dục để trả các món nợ của tôi và giải quyết các nhân duyên tiêu cực của tôi” – ngay lúc đó một chiếc xe tải nhỏ trượt đến và dừng lại, cách mũi của tôi 30 cm. Năm phụ nữ nhảy ra, cầm theo Kinh Thánh và những cây đàn tây ban cầm. “Chúng tôi sẽ trình diễn khúc nhạc chiều cho thầy”, họ nói. “Ca ngợi Chúa Giêsu.” Và họ đã làm như thế. Trong chín mươi phút trong khi tôi từ từ lạy đến đường Quintana, họ đã hát và nhảy múa thành một vòng tròn bao quanh tôi, lúc thì vỗ tay, lúc thì truyền cho nhau cuốn Kinh Thánh và đọc kinh thánh với âm thanh to nhất vào tai tôi. Thầy Hằng Triều nói họ trông giống như những con ong bâu vào mật ong. Tôi biết đây là một cảm ứng đặc biệt, không phải là một cuộc gặp gỡ thông thường. Những người phụ nữ là “những thiện tri thức” của tôi đến để kiểm tra sự kiên nhẫn và quyết tâm của tôi. Họ là những người bạn tốt của tôi, sẽ giúp tôi xóa đi những nghiệp bất thiện tôi đã được tạo ra do sự đam mê ích kỷ trong tà dâm.
Những người phụ nữ vênh váo đi lại tới lui mọi phía chỉ cách tôi vài phân. Một người đặt chân của cô ta trước mặt tôi, thách thức tôi va vào cô ta khi tôi cúi lạy. Tôi không thay đổi tốc độ và cô ta thu chân lại. Một người khác di chuyển dọc theo tầm mắt của tôi, thực hiện các cử chỉ quyến rũ và cố gắng thu hút cái nhìn của tôi với các biểu hiện tán tỉnh và bĩu môi. Tôi cúi lạy đều đặn, không thay đổi tốc độ hay biểu hiện của tôi. Tâm tôi nhẹ nhàng và hoan hỷ. Tôi cảm thấy tập trung và tự tại. Tôi rất biết ơn về cơ hội hiếm có này để thực sự kiểm tra “công phu kiên nhẫn ” của tôi. Người lãnh đạo của họ, một người đàn ông ba mươi tuổi với một giọng hát hay đã tham gia cùng họ và mang theo một cậu bé nhỏ. Anh ta đã nói chuyện với thầy Hằng Triều nhưng cũng giống như những người phụ nữ, sau khi trao đổi vài lời, anh ta gia nhập nhóm người vo ve lượn quanh tôi. Đó là tất cả buổi diễn của tôi trong ngày hôm nay. “Tôi biết nơi bạn đang ở. Tôi đã từng ở đó. Nhìn vào anh này: dơ bẩn, rách rưới, đổ mồ hôi, làm việc cực nhọc. Anh không cần phải làm tất cả điều đó. Anh nên nghỉ ngơi. Tôi có thể thấy anh đang thực sự mệt mỏi. Chúng tôi yêu anh. Anh chỉ cần tham gia cộng đồng này và bỏ việc này đi. Nó không thực sự là anh. Có rất nhiều phụ nữ ở đó sẽ lắng nghe câu chuyện của anh. Chúng tôi sẽ cung cấp cho anh một bữa ăn. Đó là một chỗ tốt đẹp. Tôi từng là một ca sĩ nhạc rock and roll trong một ban nhạc và tôi đã đi trên những con đường tối tăm giống như anh. Tôi đã thử tất cả mọi thứ. Điều này sẽ không làm cho anh tự do. Anh chỉ đang đi vào rắc rối. Anh biết có rất nhiều anh chàng ăn diện xấu ác ở phía trước, những người sẽ không thích những gì anh đang làm và họ sẽ đến đánh anh. Tôi biết điều đó. Thật ra, bây giờ tôi yêu anh, nhưng trước đó khi tôi nhìn thấy ánh sáng, tôi đáng lẽ là người đầu tiên đá mông anh, bởi vì tôi đã từng ghét những người như anh. Đây là một thế giới đầy khó khăn. Một trong những chiếc xe bán tải sẽ lăn khỏi đường và cán dẹp anh. Anh nên dừng lại ở ngay đây. ” Tôi tiếp tục lạy.
“Và chút im lặng này. Ở đây tôi đang cho anh cả buổi chiều giảng đạo của tôi và anh thậm chí không cho tôi bất kỳ điều phản hồi nào. Anh nói rằng anh muốn giúp đỡ? Làm thế nào anh có thể giúp đỡ mọi người nếu anh không nói? Chỉ cần nói cho tôi một lời anh đang ở đâu. Anh có thể cởi mở ra ngay tại đây. Bạn của anh ở phía sau kia sẽ không quan tâm. Anh ta cũng sai lầm như anh. Nào. Chúng tôi yêu anh … Vâng, tôi mệt mỏi với việc nói chuyện nhưng tôi không mệt ca hát.” Tiếng đàn tây ban cầm lại vang lên” Tôi biết anh đang cô đơn. Tại sao anh không buông xuống? Tại sao anh không rơi một chút nước mắt và để cho chúng tôi vào trong tim anh? ” và v.v. Anh ta bỏ đi khi bài hát được chơi đến một nửa.
Tôi cảm thấy sạch sẽ và nhẹ nhàng bên trong khi cúi lạy. Niềm tin đã vượt qua dòng nước mạnh và đưa tôi vào cảnh giới định tĩnh an lạc. Tôi cảm thấy tràn đầy sinh lực và kiên cố, chính xác như cảm giác mà bạn nhận được vào giờ thiền khó khăn cuối sau khi chịu đựng và vượt qua nỗi đau to lớn ở chân.
Hòa Thượng đã nói về kinh nghiệm của tôi, “Ha! Con đã khuất phục chúng! Con có thể nói rằng con đã có cảm ứng với lời nguyện của mình. Họ muốn con nói. Một lời nói và con sẽ làm thất bại tất cả. ”
Hằng Thật
Con đường trở lại thành phố bị lãng quên
Diệu lý Phật Pháp vốn không lời.
Khi ngộ một lời cũng quá nhiều !
Chỉ vì chúng sanh mê chướng nặng
Phật dùng thiện xảo nói phương tiện.-Hòa Thượng Tuyên Hóa
Arthur Waley cho chúng tôi biết rằng Phật giáo đã mang nhiều từ ngữ mới vào ngôn ngữ Trung Hoa. Quá trình tương tự đang xảy ra ở phương Tây. Tất cả chúng ta có thể tham gia vào lịch sử và di chuyển ý thức cao hơn của con người cùng với những từ ngữ quan trọng của Phật giáo, như Phật, Pháp, Bồ Tát, Tam Muội, Thiền. Những từ ngữ khác vốn đã có trong tiếng Anh thì có thêm ý nghĩa mới: tu hành, hồi hướng, giới, công đức. Những từ ngữ và ý tưởng này sẽ thay đổi thế giới khi chúng trở nên quen thuộc và có ý nghĩa với người phương Tây. Sử dụng một từ ngữ ngày hôm nay!
Công việc của Phật tử chúng tôi là bắt cầu nối khoảng cách giữa cái cũ và cái mới. Pháp là một đạo lý chân thật; nó đã sống trong tâm chúng ta. Trước tiên chúng ta phải tìm ra nó, nhận ra nó qua việc tu hành, và tự chính mình hiểu nó. Sau đó, chúng ta phải nhìn vào các chỉ dẫn và bản đồ của chúng ta để dán nhãn một cách chính xác những gì chúng ta khám phá ở bên trong. Mục đích không phải là để sửa đổi nó – Pháp không cố định; nó uyển chuyển. Không có giới hạn cho những ý nghĩa mà Phật pháp làm thành biểu tượng . Công việc của chúng ta là chỉ cho chính mình và gia đình phương Tây của chúng ta là Đức Phật đã đi tìm lại con đường trở về ngôi nhà vốn có của mình cách nay 3000 năm như thế nào và làm thế nào mà Ngài đã mở những cánh cửa của mình rộng ra, để tạo chỗ cho tất cả chúng sinh ở dưới mái nhà của mình.
Dù sử dụng ngôn ngữ nào, tất cả chúng ta đều có thể thuyết pháp. Đó là ngôn ngữ của trái tim. Chúng ta học cách nhận ra các đạo lý và ngôn từ bên trong bằng cách áp dụng các phương pháp vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Bằng sự dụng công, các từ ngữ tự nhiên trở thành sự thật, sống động. Trên đường xuất hiện dưới chân chúng tôi khi chúng tôi bước đi và lạy mỗi ba bước, con đường trở lại “thành phố bị lãng quên”, chúng tôi nhận thấy nhiều dấu chân. Những dấu chân của chư Phật và Bồ tát! Một con đường bằng phẳng rộng mở bắt đầu từ ngay bên dưới đôi chân của bạn.
Hằng Thật – Ngày 21 tháng 1 năm 1978.
Hãy trở lại tay lái để đào luyện trở lại
Kính thưa Sư Phụ,
Bây giờ, sau lưng chúng con là thành phố San Luis Obispo và khoảng 12 dặm về phía trước là vịnh Morro Bay; và kế đó, không gì khác ngoài những dặm đường dài tít mù quanh co uốn lượn dọc theo bờ biển dẫn đến thành phố San Francisco. Chặng đường San Luis có vẻ đặc biệt và trông giống một cổng thâu tiền xe không có cổng hơn. Nhiều thử thách lớn lao về sự quyết tâm và tâm chuyên nhất. Chúng con biết rất rõ tin là khoá thiền đang tiến hành tại Vạn Phật Thành và đều cảm thấy công việc của chúng con tựa hồ như một khóa Thiền ngoài xa lộ.
Các khóa Thiền thất phản chiếu sự tu hành của chúng con. Nếu công việc hàng ngày làm cẩu thả thì sẽ thấy ngay trong khi vào thiền thất . Áp lực cho thấy ngay nhựng chỗ rạn nứt và khiếm khuyết. Thay vì thu hoạch, thiền thất lại trở thành tiệm sửa chữa. Lạy trong thành phố cũng giống như vậy. Các tập khí xấu xa thường xem phớt qua hay không rèn luyện đều hiện rõ khi chúng con lễ lạy trong thành phố. Những phương diện giả tạo và che dấu của tâm chúng con đột nhiên hiện rõ dưới ánh đèn pha. Kệ rằng:
“Ờ vùng quê, hãy rèn luyện nó,
Thử tánh nóng ở thị thành,
Vượt qua hay không, vẫn tiến bước
Quán bản thể.”
Khi vị hành giả thật sự dụng công thì thử thách xảy đến không ngừng, ở cả thôn quê lẫn thành thị. Là đệ tử của Sư Phụ, chúng con biết rằng:
“Mọi việc là thử thách,
Xem coi ta làm gì,
Ðối trước mà không rõ,
Phải đào luyện trở lại.”
Thầy Hằng Triều thuật lại thử thách Thầy đối mặt: Nơi công viên quốc gia, Pismo, không một bóng người, Thầy ngước mắt để ngắm xem đôi vòng mống cầu rực rỡ trên nền trời hướng đông trong nhiều giây. Trong chớp mắt, trong đầu hiện đầy những hình ảnh tham dục và tập khí cũ. Ngay chớp mắt đó, thầy “Ngã lăn theo bánh xe.” như bài kệ:
Thấy việc rõ việc, xuất thế gian,
Thấy việc mê việc, đọa trầm luân.
Chỉ vì sai lệch chừng một kẽ tóc ngay lúc khởi đầu mà đến phút cuối, Thầy Hằng Triều đã trật xa cả ngàn dặm và phải luyện lại.
Con cũng đối mặt và thất bại trong một cuộc khảo nghiệm tương tự. Trong trường hợp này, nó sai lệch một khoảng cỡ bằng bề ngang của cá voi thì đúng hơn, nhưng kết quả vẫn là sự hồ đồ giống như vậy.
Chiều tối nọ, gần Căn cứ Không quân Vandenberg, một chiếc xe van quen thuộc tạt vào đậu ngay trước mặt. Đó là chiếc xe loại Chevy của Chùa Kim Sơn. Không mang kính nhưng con đã nghĩ đó đó là chiếc xe của Chùa. Lúc ấy là thời gian cuối của một ngày dài lễ lạy; bản ngã của con mong muốn một bất cứ sự biện minh nào đó cho sự phóng ra bên ngoài. Tự nghĩ “Thật tuyệt diệu! Một cuộc thăm viếng bất ngờ của gia đình chúng ta.” Con phóng chiếu rằng đó là một thầy Tỳ kheo mang đến kinh điển mới, hay thức ăn, hay có thể là lời nhắn nhủ của Sư Phụ. Ngay lập tức con có nguyên một cảnh tượng tham lam diễn bày trong đầu óc. “Nghĩ tức cười! Không ai bước ra khỏi xe đó cả. Không biết họ đang đợi gì? Tại sao thầy Hằng Triều chưa bước qua để đón họ? Ồ! Kệ, hãy lạy cho xong hôm nay rồi nhận phần thưởng sau cũng được. Kìa, cửa xe mở. Ai vậy cà?”
“Này bạn, bạn có nhận Chúa Giê su là đấng cứu rỗi không?”
“Ô không! Một người truyền đạo Thiên Chúa lại trùng hợp lái chiếc xe van Chevy màu xanh lá cây! đó.”
Hãy trở lại tay lái để đào luyện trở lại.
Tiến trình đào luyện cũng giống như công việc hằng ngày tại tu viện. Phải đúng giờ, đừng vội vàng, ăn vừa đủ, chớ tham nhiều, thời thời khắc khắc, nhất tâm nhất ý hành lý Trung đạo, hàng phục bản ngã mọi lúc. Nếu kiên nhẫn, tinh tấn, thành tâm rèn luyện, thì khi đường phố hiển hiện dưới đầu gối của chúng con là lúc đo được độ cứng và độ bền của kim loại. Những chỗ cứng vượt được thử nghiệm; chỗ yếu phải trở lại lò rèn thêm một vòng nữa. Cũng giống như trong khóa thiền, việc tu hành diễn tiến như bình thường, nhưng có phần nhiều hơn. Với sự tập trung tâm trí vào việc trì tụng và ngồi thiền, kết quả công việc hàng ngày được đưa vào kho (để kiểm điểm). Những cây trơ trụi phải tỉa cành ngắn lại để mọc ra vào mùa tới.
Một ví dụ về nội tâm đối thoại khởi lên trong quá trình rèn luyện: “Hàng phục tâm tham danh chưa? Định lực của mình như thế nào khi phóng viên địa phương đến chụp hình ‘cắc, cắc, cắc’ hàng giờ ? Mình có bị chệch ra khỏi tâm điểm và bắt đầu làm bộ dạng? Lăn theo bánh xe. Về thức thì như thế nào? Vẫn bám víu mùi vị cùng ăn cho no đầy phải không?” Hãy thử xem. Ông bà của Sa di Qủa Hữu, Bill và Pat đến với một mâm bánh mì nóng hổi vừa làm tại nhà. Tất cả sáu căn đều động cùng một lúc; tâm thì đầy cả mây mù vọng tưởng. Trở lại lò rèn! Nói đi, mình đang tu hành cái gì ngoài tâm tham bánh mì bắp nóng? Còn ngủ nghê thì thế nào? Giờ là tám giờ rưỡi tối; đã tụng Kinh Hoa Nghiêm xong; bây giờ mỏi mệt trong từng lằn gân tế bào; tập khí xấu làm mình thiếu kiên nhẫn, lại sắp sửa muốn đắm vào giấc ngủ. Đến giờ ngồi thiền, nhưng để làm gì? Mình sẽ chỉ ngủ gục. Sư Phụ, con phải làm gì? Con đã tuyệt vọng rồi! Càng đi sâu hơn vào tâm con, con càng quậy ra thêm nhiều bùn nhơ và rác rưởi. Không có hoa sen ở đây, chỉ có bùn lầy. Nghiệp chướng qúa thâm trọng. Được, đi hỏi thầy mình thì không bị sai, dù trường hợp của con là trường hợp tuyệt vọng. Lòng từ bi của Sư Phụ thâm sâu hơn sự ngu si của con. Con đang tận lực để tự đứng, nhưng đây là thời điểm cần sự giúp đỡ. Trước mặt là quyển Kinh Bốn Mươi Hai Chương Lược Giảng, hãy mở ra xem kinh nói gì:
“Bậc Sa môn học Đạo phải giữ lòng bền vững và tinh tấn lướt tới, chẳng sợ cảnh trước, phá diệt bọn ma, chứng được Đạo quả.
…. Liên kết ba sức mạnh của Giới, Định, Huệ với nhau, tất sẽ dứt trừ được những thói hư tật xấu và thói quen giả dối có từ vô thủy. Vô số thói hư tật xấu này được ví như chúng ma … chớ bỏ dở nửa chừng, và tinh tấn lướt tới, dũng mãnh dấn thân, chỉ có tiến chứ không chịu lùi bước.” (1)
Thật kỳ lạ! Dường như Sư Phụ đang ngồi ở ngay đây! Khi ấy, trong tai con nghe có tiếng Sư Phụ văng vẳng: “Này Quả Chân, con sâu lười biếng! Sao chưa làm xong công quả mà lại dám nghĩ tới chuyện ngủ nghê? Con phải lo làm công quả y hệt như con lo mặc y phục, hay lo ăn cơm vậy. Con có bỏ bữa thọ trai vì quá mệt mỏi không? Chắc chắn là không! Vậy thì, sao con lại không ngồi thiền? Mọi người đều đang nỗ lực dụng công trong kỳ thiền thất, còn con thì viện cớ gì chứ?”
Con ngồi thẳng dậy và bắt tréo chân ngồi kiết già. Bao nỗi mệt nhọc cùng nghi hoặc trong lòng con tan biến dần như màn sương mù trước ánh nắng ban mai. “Dầu thành hay bại, chúng ta vẫn tiếp tục quán tưởng về thực thể.” Ai dám hoài nghi việc thân cận bậc Thiện tri thức là tất cả (một trăm phần trăm) của Ðạo?
Vịnh Morro Bay – cách 13 dặm.
Monterey – cách 135 dặm.
San Francisco – cách 249 dặm.
Vạn Phật Thành – cách chỉ một niệm.
Ðệ tử Quả Chân (Hằng Thật)
kính cẩn đảnh lễ.
Ghi chú:
(1) Kinh Bốn Mươi Hai Chương Lược Giảng – Chương thứ 33.
Hằng Thật
Cho đến khi con nhớ thuộc được Kinh
Ví như những tượng màu
Của họa-sĩ sáng tác
Như vậy tất cả cõi
Tâm họa-sĩ làm thành. (1)
Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Hoa Tạng Thế Giới
Một đêm ở trong xe Plymouth , chúng tôi đọc Kinh Hoa Nghiêm. Trong tám tháng, chúng tôi đã tụng được bốn quyển – vẫn còn nhiều quyển chưa tụng đến. Đó là một bộ sách tuyệt vời: một sự tập hợp vĩ đại của trí tuệ siêu việt ở ngay dưới lớp bìa sách. Hầu hết các đạo lý của kinh đều quá cao thượng đến nổi những giới hạn của tâm chúng tôi chỉ đặt chúng tôi đến nấc thang đầu tiên, há hốc miệng, mở to mắt, nhìn chăm chú khi ánh quang minh và các bông hoa trong thế giới của Kinh hiện ra và lan tỏa đầy khắp vùng trời thanh tịnh.
Những người thường hay dự Pháp hội Hoa Nghiêm tại nơi Hòa Thượng trụ trì của chùa Kim Sơn Thánh Tự giảng Kinh này, đã thấy một điều kỳ diệu đến kinh ngạc: những gì xảy ra trong đời sống của những người trong pháp hội thường được đoán trước hay được bình phẩm trong Kinh văn. Bộ Kinh được đức Phật nói cách đây 3.000 năm nhưng lại thường lập lại, giống như nhật báo, phản chiếu những sự việc quan trọng của chúng ta ngày nay với sự rõ nét đáng kinh ngạc. Có quá nhiều thí dụ để đề cập đến nhưng những hiện tượng này đã gây ấn tượng với những người thường hay đến nghe kinh. Cách tốt nhất để nghiên cứu Kinh này là tự mình tham dự pháp hội và tìm tên của mình trong bộ Kinh văn phi thời gian này.
Chúng tôi vừa tụng xong phẩm Thập Hạnh. Tôi rất vui bởi sự tóm lược rõ ràng của Kinh về việc làm sao một vị Bồ Tát, đại Bồ Tát, hành xử và suy nghĩ đến nỗi tôi đã quay lại và dịch phẩm này sang tiếng Anh, mỗi tối dịch nửa giờ. Có gì đó trong phẩm này đã khiến trái tim tôi rung động – tiếng chuông bên trong rung lên. Tôi không kể điều này với ai, ngay cả thầy Hằng Triều. Tại chùa Kim Luân, cuối tuần trước, cuộc đối thoại sau đã diễn ra:
Đệ tử: Bạch Hòa Thượng, con muốn bắt đầu việc tụng Kinh như là công phu hằng ngày. Xin thầy chỉ dạy cho con phương pháp phù hợp được không?
Hòa Thượng: Thắp nhang, tán bà Tán Hương, tụng phần Khai Kinh, thành tâm và tôn kính. Nói chung, một phần thành tâm, đem lại một phần cảm ứng. Mười phần thành tâm đem lại mười phần cảm ứng.
Đệ tử: Con nên tụng nhanh hay chậm?
Hòa Thượng: Những gì ta làm là học thuộc Kinh văn từng phẩm một. Khi chưa nhớ thuộc được thì Kinh vẫn chỉ nằm trong sách, chứ chưa phải của con. Đó là cách ta làm. Kinh không phải chỉ để tụng một lần, con nên tụng đi tụng lại.
Đệ tử: Con hiểu rồi. Được lắm. Con không thể quyết định tụng kinh nào. Kinh Pháp Hoa thật tuyệt vời, Kinh Lăng Nghiêm là kinh khai mở trí tuệ và Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Avatamsaka, là cốt tủy và bản thể của hành trình bái lạy của chúng con. Con cảm thấy Kinh Hoa Nghiêm là Kinh tốt nhất để tụng.
Hòa Thượng: Được rồi. Vậy thì tụng Kinh Hoa Nghiêm.
Đệ tử: Con nên bắt đầu từ phẩm nào? Con có nên tụng từ đầu không? Thế phẩm Hiền thủ thì sao? Hay là phẩm Tịnh Hạnh? Cả hai đều là pháp căn bản, kiên cố.
Hòa Thượng: Con có thể bắt đầu từ phẩm Thập Hạnh. Con thấy sao?
Đệ tử: Tuyệt vời! Bạch Sư Phụ, thầy có biết con đang dịch phẩm đó không? Khi chúng con đọc phẩm này vào ban đêm, con rất nhập tâm, và con đã quay lại đọc lại.
Hòa Thượng: Thế à? Tốt lắm. Còn hỏi thêm gì không?
Chuyện thường luôn như thế xung quanh kinh Hoa nghiêm và Hòa Thượng trụ trì Như Lai Tự (2).
Ghi chú:
(1) Nguyên văn Kinh Hoa Nghiêm bản Hoa ngữ:
譬如眾繢像
畫師之所作
如是一切剎
心畫師所成
Thí như chúng hội tượng
Họa sư chi sở tác
Như thị nhất thiết sát
Tâm họa sư sở thành
(2) Như Lai Tự: Tu viện của chư Tăng bên trong Vạn Phật Thánh Thành, gồm có Tăng xá, Chánh Điện và Thiền Đường.
Hằng Triều – 23 tháng 1 năm 1978
Tiền làm người mê mờ
Chúng tôi đã đem xe đi sửa ở San Luis. Chiếc xe vẫn cứ chạy và duy trì nguyên vẹn bất chấp nhiều mối nghi ngại và dự đoán theo hướng ngược lại. Chúng tôi đã đi được nửa đường tới San Francisco.
“Nhìn thấu suốt”. (1)
Những việc lạ lùng và khó đoán trước xảy ra do lực đẩy trên chuyến hành trình như thế này. Tôi thường cảm thấy mình như chú cá con ngu ngốc – cả vạn thứ trên thế gian này đều là những lưỡi câu có mồi. Thiếu trí tuệ chân thật tạo ra nhiều sai lầm, còn hiểu biết thì ít.
Hôm nay, một phụ nữ trẻ quay trở lại để gặp chúng tôi. Cô ta rất dễ xúc cảm và nhiều vướng mắc, muốn được “ngồi xuống và nói chuyện”. Sa Di đáng lẽ không được một mình riêng cạnh nữ giới, huồng gì là ngồi trên cỏ nói chuyện. Nhưng tôi là Hộ Pháp nên việc của tôi là giải thích về hành trình này và nhận đồ cúng dường nếu mọi người muốn cúng. Cô ta muốn nói về hạnh không nằm ngủ của chúng tôi.
Tôi giải thích “Chúng tôi để cho việc lễ lạy tự nói lên, và giữ im lặng . Chúng tôi không có trí tuệ để nói”.
Cô ta nói “Tôi không tin điều đó. Ngay từ lúc tôi thấy gương mặt hai thầy, tim tôi đầy hoan hỷ.” Cô ta rất thành tâm, tôi tin là vậy, và xúc động sâu xa do hoàn cảnh không hoàn toàn đúng đắn. Tôi không thể phạm giới.
Cô ta hỏi “Thầy có muốn ăn gì không? Tôi sẽ đi mua bất cư thứ gì Thầy muốn”.
“Bất cứ cái gì mọi người muốn cúng dường chúng tôi đều là thứ chúng tôi muốn. Nhu cầu của chúng tôi đơn giản lắm”.
“Các thầy có nhận tiền không?” – cô ta hỏi, đưa tôi ít tiền mặt. Tôi nhận tiền và tiếp tục việc lạy. Cô ta theo sau và tiếp tục nhích lại gần hơn. Sau đó cô ta chạy đến xe cô ta và quay lại. Cô ta đứng trước mặt tôi.
“Tôi đã phạm một sai lầm. Tôi đã đưa cho thầy tiền của chồng tôi, chứ không phải tôi. Đây, thầy hãy cầm lấy!”, cô ta nói với ánh mắt mong mỏi, và đặt một số tiền lớn vào tay tôi. Tôi do dự. Cô ta cứ chờ tôi làm điều gì đó.
“Ô! Không sao … oh !”, cô ta vừ hét lên vừa để tay lên đầu cô ta. Sau đó cô ta quay mình và bỏ đi.
“Tiền làm con người mê mờ. Nó làm điên đảo mọi thứ. Đừng tham lam. Tiền về căn bản là dơ bẩn. Ai cũng bị nó khống chế”.
Hòa Thượng khai thị hai vị sư Tam Bộ Nhất Bái năm 1978.
Tôi không thật sự biết đó là gì nhưng tôi biết là tiền và tình dục làm con người điên đảo. Hai thứ này khó mà nhìn xuyên thủng được và buông bỏ. Bài kệ của Hòa Thượng hiện lên trong tâm trí tôi khi tôi đứng bên lề đường, tự hỏi mình đã đậu hay trượt bài khảo nghiệm này.
Thế sự vô thường, như mộng ảo!
Đừng chấp trước, tam muội tiêu dao.
Du hí thần thông tuỳ biến hoá,
Lặng quán vạn vật tự tàn phai. (1)
Người phụ nữ này đã cho tôi thấy những yếu điểm và sự bám chấp của tôi. Tốt hay xấu đều như nhau, chúng tôi học từ tất cả những người chúng tôi gặp. Họ là một tấm gương tuyệt vời, hoàn hảo phản chiếu những chỗ xấu khuyết của chúng tôi, phơi bày ra sự giả dối và tiềm năng của chúng tôi.
Và cuối cùng, tất cả đều là vô thường, và không một vật có thể nắm giữ được. Mọi thứ đều qua đi. Dòng kệ cuối vẫn tiếp tục vang lên trong tâm trí tôi.
Lặng quán vạn vật tự tàn phai.
Ghi chú:
(1) Nguyên văn Hoa ngữ của Hòa Thượng Tuyên Hóa:
看破了
世事無常莫執著
夢幻三昧且逍遙
遊戲神通隨變化
靜觀萬物自榮凋宣公上人作
Khán phá liễu
Thế sự vô thường, mạc chấp trước,
Mộng ảo tam muội thả tiêu dao.
Du hí thần thông tuỳ biến hoá,
Tĩnh quan vạn vật tự vinh điêu.
Hằng Thật
Hành giả thì vượt ra khỏi các cõi
Tháo gỡ mặt nạ thầy pháp.
Khi còn là Phật tử tại gia, tôi đã học chiêm tinh học. Việc tôi tiếp cận với thực tế phụ thuộc vào môn này. Tôi đã thấy những cá tánh và sức mạnh của thiên nhiên là một tổng thể to lớn với những ranh giới và thể loại có thật có thể kể tên ra và do đó được kiểm soát. Về cơ bản, chiêm tinh học chỉ là một thứ ngôn ngữ. Khi có thể thông thạo chiêm tinh, bạn có thể tiếp cận thông tin về con người và sự thay đổi của họ. Bât kỳ ai cũng học được môn chiêm tinh và nó khiến bạn có vẻ thông thái và quyền năng. Nên môn chiêm tinh bị bóp méo và lạm dụng dễ dàng và thường xuyên. Tôi đã nấp trốn sau dụng cụ tâm linh quyền năng này, dùng nó làm mặt nạ cho mình. Nếu mọi người thấy tôi là một thầy pháp trên hành tinh này, vậy thì cứ để họ thấy tôi như thế, tôi thấy không sao cả.
Sau khi xuất gia, vai trò này trở nên kém hấp dẫn. Phật pháp có thể đưa một người ra khỏi thế gian này. Chiêm tinh học chỉ có thể nhận dạng nó. Tôi đã hỏi Hòa Thượng về môn chiêm tinh. Ngài nói “Đó chỉ là thế gian. Ta từng học tất cả các môn thuật nghệ đó. Con nên biết là phàm phu thì chịu sự chi phối của các cõi trời, nhưng hành giả thì vượt ra khỏi các cõi. Khi giác ngộ rồi, con biết tất cả các thông tin đó mà không cần xem bảng số chiêm tinh. Chỉ đừng bám chấp vào môn chiêm tinh”.
Tôi đã mang theo những cuốn sách vế chiêm tinh trên hành trình lễ lạy và dành vài tháng đầu tiên để vẽ trước bản đồ về các thay đổi trên trời. Khi các lớp cá tánh mỏng bớt đi, tôi dần nhận ra là tôi đã không hề muốn đeo thêm chiếc mặt nạ nào. Tôi không muốn kiến thức và chân lý thế gian chen vào giữa tôi và tri giác trực tiếp về thực tế. Phần lớn động cơ để kiểm tra bằng môn chiêm tinh đến từ nỗi sợ hãi bị nguy hại. Chúng tôi lạy qua mọi thứ: thời tiết tốt và xấu, “những thị trấn gay go” và những chặng đường dài “dong thuyền suông sẻ”, và kinh nghiệm của chúng tôi về chúng là các pháp đều bình đẳng. Tất cả đều cùng mùi vị trong thế giới Ta Bà này: đắng và trống rỗng. Thứ duy nhất phải sợ là sự lười biếng. Không có gì để bám vào. Bất kể cái gì bạn dựa vào đều sẽ biến chuyển và cắn bạn vầ thậm chí có thể giữ bạn ở lại đây và ngăn bạn được độc lập tối hậu thoát khỏi sinh tử. Ai cần biết trước về thời tiết?
Tôi đã thấy điều này theo khía cạnh chiêm tinh học với sự giúp đỡ của thầy Hằng Triều. Tôi đã quyết định là đó chính là lúc tháo bỏ tấm biển “thầy pháp” ra khỏi cửa và không nhìn thế giới qua cặp kiếng chiêm tinh nữa. Không gian thật lớn trong tâm tôi bị kẹt đầy bởi các phương vị sao, các chòm sao, cung, và các hành tinh. Tôi cảm thấy tốt đẹp hơn nhiều khi mở toang tâm ra cho sự an bình và tĩnh lặng của vô vi. Tôi đã tạo chỗ trống bên trong cho trí huệ Phật Pháp bén rễ và phát triển bằng cách chặn lại từng tâm niệm chiêm tinh học khi nó khởi lên. Tôi tưởng tượng việc bỏ thuốc lá cũng đem lại cảm giác giống như vậy. Một khi bạn có lý do để thay đổi và quyết tâm thì vấn đề là thực hiện và kiên nhẫn trước khi những thói quen cũ nhường chỗ cho thói quen mới.
Sư Phụ đã làm việc thay đổi đó thành sự thật. Tôi đã bỏ đi lịch thiên văn, bảng theo dõi hành tinh, thứ đã cho tôi một dạng tính của nhà chiêm tinh học. Điều đó giống như một người thợ mộc treo bỏ không dùng búa và cưa. “Con đã nhìn thấu rồi, bạch Sư Phụ, con mong là thầy sẽ nhận cuốn sách này”.
“Không, con hãy giữ lấy. Ta không đọc nó được. Sao con muốn bỏ nó đi theo cách dễ dàng? Nếu con giữ mà không dùng đến nó, thì thế mới có giá trị. Nếu con đưa cho ta thì là đang ép buộc.”
A ha! Và bạn đã thấy tại sao Ngài lại là bậc Đạo Sư.
Hằng Triều – 24 tháng 1 năm 1978
Mọi chúng sanh đều sinh ra bình đẳng
Một ngày lạnh giá và yên tĩnh. Những người bạn từ thành phố San Luis lái xe đến cùng với chút trà ấm để đuổi đi cơn buốt giá buổi sáng sớm. Sau đó, họ dừng lại cùng một bữa ăn nóng và những lời khuyến khích.
Một thương gia đến gặp chúng tôi trong khi chúng tôi bái lạy trên lề đường. Ông ta nói nhẹ nhàng “Đây là món đồ cúng dường nhỏ nhoi của mẹ vợ tôi, người đã qua đời một năm trước. Xin cảm ơn”.
Ý nghĩ lúc lễ lạy.
Rất nhiều người hỏi rằng “Tại sao các thầy làm việc này?”. Chúng tôi trả lời “Chúng tôi đang cố gắng đẩy lùi tai ương và thảm họa trên thế giới. Chúng tôi đang cố gắng thanh tịnh thân, khẩu, ý của chúng tôi, do đó làm vô hiệu một số năng lượng xấu xa hắc ám đang ô nhiễm trái đất. Khổ là quả, tham, sân, si là nhân. Trái tim chúng ta đã đi lệch đường. Tâm chúng ta không ngay thẳng và trong sáng. Do đó có câu rằng “Hãy phản bổn hoàn nguyên”.
Nếu muốn làm điều đúng đắn trên thế gian và trong gia đình, chúng ta phải làm cho tâm ngay thẳng và thanh lọc tâm ý. Chuyển tâm tham, sân, si của chúng ta thành từ, bi, hỷ, xả. Đây chính là về với chân tánh.
Mọi thứ vốn đều tốt đẹp. Chẳng có vấn đề gì cả. Chỉ là chúng ta quên điều đó, lạc trong bụi trần và sự đảo điên của thế giới, đuổi theo những điều viển vông.
Càng thay đổi, thì càng nguyên như cũ. (1)
Ngạn ngữ Pháp.
Dấu chân của chúng tôi, sỏi và nhựa đường, thậm chí những con quạ và đám mây trên cao cũng đều giống như hôm qua. Phân tích tột cùng thì không có gì thay đổi. Ngay cả sự thay đổi cũng y nguyên như vậy. Vì vậy có câu rằng,
Vì biết khắp các pháp tánh thể không đổi dời nên được tất cả pháp bình đẳng.
Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập hồi Hướng.
Hầu hết năng lượng của tôi bị tiêu hao vào việc tạo ra phân biệt hư giả và độc đoán giữa mọi vật vốn có tự tánh giữ nguyên không đổi. Tâm phân biệt này là cốt lõi của truyền thống tri thức phương tây. Chia tách và phân chia, tách ra và cắt chẻ tất cả mọi thứ từ tâm và thân, thiên đường và trái đất, màu da và các phân tử.
Bây giờ chúng ta đang cắt chẻ nguyên tử và mọi thứ đã thực sự rối bời. Chẳng lâu sau các nguyên tử sẽ chia tách chúng ta. “Mọi người sinh ra đều bình đẳng” đang bị lấn đẩy bởi điều ghê rợn ngày càng gia tăng rằng “tất cả loài người có thể được hỏa táng bình đẳng” bởi vũ khí nguyên tử.
Ghi chú:
(1) Nguyên văn câu tiếng Pháp: Plus ça change, plus c’est la même chose (Jean-Baptiste Alphonse Karr).
Hằng Triều – 01 /02/1978
Nhiều giá trị như lăng mộ của vua Tut
Vịnh Morro, California …
Một học sinh trung học tên là Dave đã quan sát chúng tôi một lúc lâu rồi đến gặp vào cuối ngày.
“Điều này thật sự tuyệt vời! Con không biết phải nói thế nào, nhưng… à, chúng con có một nhóm mấy người bạn chơi cùng nhau và cùng có một số tâm tư – cố tìm chân lý và vượt qua tất cả những giả dối, các thầy biết không?” Tuy nhiên, chúng con chân thành quan tâm tới những gì mà các thầy đang làm”.
Cậu ta muốn biết thêm thông tin về Phật giáo để chia sẻ với các bạn. Cậu ấy hỏi một câu mà tất cả bọn họ đều băn khoăn:
“Điều gì là cốt tủy của Đạo Phật?”
“Bất cứ ai cũng có thể làm được”
Tất cả chúng sinh đều có Phật tính
Tất cả đều có thể thành Phật
Chỉ vì vọng tưởng và bám chấp khiến cho họ không thể đắc quả.
Đức Phật Thích Ca
Một người đàn ông ăn mặc sang trọng trên đường từ nơi làm việc về nhà. “Tôi nghĩ việc các thầy đang làm thật tuyệt vời. Tôi thực sự tin tưởng vào điều đó”. Anh ta cúng dường và chúc chúng tôi may mắn.
Người phụ nữ: “Tôi thực sự tôn quý cuộc sống của các thầy. Tôi ước là mình có thể làm được điều này”.
Sư: “Bất kỳ ai cũng có thể làm được”.
Người phụ nữ: “Ồ, không… nó đòi hỏi phải thật …thật … điều gì đó thì mới có thể làm được…”
Chồng của người phụ nữ: “Anh đoán là em có thể làm mọi việc một khi em để tâm vào việc đó”.
Người phụ nữ: “Đó là điều then chốt phải không? Quyết chí làm và không bao giờ từ bỏ”.
Kinh Hoa Nghiêm là ở trong tâm của mọi người. Hàng ngày chúng tôi nghe Phật Pháp vi diệu. Mỗi người trên đường chúng tôi đi nói lên chương kinh của riêng họ, theo cách riêng của họ. Những người này đang tụng “Phẩm Thập Hồi Hướng” vốn ở trong tim họ.
“… nơi trong mỗi niệm thêm lớn trí huệ, viên mãn phương tiện thiện xảo bất thối, tu hạnh Bồ tát không thôi nghỉ…”
Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm 25 – Thập Hồi Hướng
Vào lúc sáng sớm, những người trẻ tuổi chạy bộ và những người già thì đi bộ nhanh nhẹn thành từng nhóm ba và bốn người. Sáng nào họ cũng làm vậy.
Mọi thứ chỉ là vấn đề về thói quen. Tu Đạo là cố gắng tạo thói quen là “không có thói quen”.
“Giác ngộ Pháp Vương pháp chân thật
Trong đó không chấp cũng không lấy
Vô ngại tự tại tâm như vậy
Chưa từng thấy có một pháp sinh”
Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm 25 – Thập Hồi Hướng.
Do vì bám chấp vào những thứ hư hoại; việc bám giữ làm chúng bị lên men. Tại sao Bồ tát “Chưa từng thấy có một pháp sinh?” Bởi vì pháp thực sự là : Không có gì là cố định cả. Tất cả thay đổi liên tục.
Không bám chấp vào những thứ tiện nghi êm ái, chúng ta không bị đánh bại bởi những thử thách trở ngại hay sợ gian khó. Không bị trói buộc trong niềm vui, chúng ta không chịu khổ trong nỗi đau tột cùng.
Không bám víu sai lầm vào cuộc đời, thì làm sao chúng ta lại có thể sợ chết được? Đó là vì sao có câu rằng, “Chân không diệu hữu (trong cái không rốt ráo thì có cái hiện hữu vi diệu tuyệt vời”.
Chân không (cái không rốt ráo) nghĩa là không bám chấp. Không bám chấp chính là tự do rốt ráo nhất và tự tại. Trong nhiều kiếp trước, Đức Phật còn được gọi là “Tiên nhẫn nhục”, do Ngài tu tới cảnh giới thấy rằng tất cả mọi thứ đều vô thường và không sinh. Đối mặt với nhận biết đó, Ngài đã không sợ hãi. Ngài chỉ mỉm cười kiên nhẫn và chuyển cuộc đời của mình hướng tới “chân thật tánh”. Đức Phật là “ Đấng Pháp Vương”. Vấn đề là thói quen.
Frizt, một kỹ sư của sở cứu hỏa thành phố San Luis dừng lại. Anh ta đã nghe nói về cuộc hành hương này từ những người bạn lính cứu hỏa, những người đã nhìn thấy chúng tôi ở thành phố San Luis. “À, tôi chỉ dừng lại để nói lời chào và muốn nói rằng tôi rất sẵn lòng giúp đỡ các thầy, kiểu như bảo vệ các thầy trong một thời gian,”, Frizt nói. “Tôi lớn lên ở cạnh sa mạc và luôn có cảm giác gần gủi mỗi khi tôi đi ra những vùng có không gian rộng mở và trống trải, tâm trí tôi có chỗ để trải rộng ra. Tôi cảm thấy không hiểu sao chúng ta có nhiều điểm chung nào đó”, anh ta nói.
“Trong tất cả thế giới, tâm Bồ tát như hư không, không một chút dính mắc”
Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm 25 – Thập Hồi Hướng.
Biết đủ:
“Hãy bằng lòng với những gì mình có và đang có, thì không ai có thể tranh đoạt bạn”
Lão Tử
“Việc của chúng ta ở đời là biết khổ”
Hòa Thượng Tuyên Hóa. Trích từ “Những lời khuyên răn”
Bằng lòng với những gì quý vị có thì gọi là biết đủ. Không biết đủ đến từ việc có quá nhiều, không phải là quá ít. Tôi càng có nhiều thì càng ít thỏa mãn. Đôi khi, dù chỉ một chút cũng quá thừa, và thường thì luôn luôn quá nhiều lại là quá ít ỏi. Đó gọi là “không bao giờ đủ” để mang lại sự thỏa mãn, bởi vì tâm tham giống như một cái hố không đáy. Tôi là người tham lam. Tôi không bao giờ cảm thấy tôi có đủ. Cuộc hành hương này đang dạy cho tôi rằng tôi có tất cả những gì cần thiết để thỏa mãn. Sự mãn nguyện thật sự là không tìm kiếm gì cả, chứ không phải có được những gì đang tìm kiếm.
Một giáo viên tuổi trung niên ngồi lại với chúng tôi trong đám cỏ cao ven đường và kể về cuộc đời mình.
“Thầy có biết cái lúc, thời điểm duy nhất mà tôi đã thực sự hạnh phúc… phải rồi, mãn nguyện… đó là lúc tôi có tất cả những thứ tôi sở hữu và cần thiết trong một cái túi đeo trên lưng và đi bộ khắp đất nước một mình”, anh ta nói.
Có câu rằng,
“Bằng lòng với những gì mình có đó là giàu có”
Lão Tử.
Một người đàn ông lớn tuổi hơn trong chiếc xe tải nhỏ dừng lại. Ông ta nói tên mình là Geoge. Ông ta nói luôn về điều này.
“Tôi là người vô thần. Tôi không tin vào bất cứ gì hết. Tôi đã đọc về các thầy và thấy ảnh của các thầy trên các báo, và tôi đã luôn nghĩ đến các thầy trong suốt mấy tuần liền. Tôi không thể nào xóa bỏ hình ảnh của các thầy ra khỏi tâm trí mình”.
“Ồ vậy sao?” Tôi nói.
“Phải, tôi nghĩ mình phải đi ra ngoài và tìm gặp các thầy. Tôi có thể thấy là các thầy khá khác biệt; nếu không tôi sẽ chẳng bận tâm là gì. Ý tôi là các thầy rất giản dị. Các thầy ở ngoài này không vì bản thân mình. Các thầy có biếtđây là điều hiếm hoi lắm không !? Có lẽ chỉ có một số rất ít những người như thế này còn lại trên hành tinh đầy rẫy những lộn xộn này, những người thực sự làm để giúp đỡ rất nhiều cho nhân loại!”, George nói.
Ông ta đi bộ theo và nói chuyện khi chúng tôi lạy trên cỏ.
“Các thầy là Phật tử, đúng không?”
“Đúng vậy. Chúng tôi là những nhà sư Phật giáo ở Tu viện Kim Sơn Thánh Tự”. “Điều các thầy đang làm thực sự có giá trị ”, George nhẹ nhàng châm biếm. “ – về việc nhiều giá trị như là lăng mộ của vua Tut! Nó hoàn toàn vô ích! Một sự lãng phí! Hai thầy sẽ thay đổi mọi thứ bằng cách nào?”
Tôi giải thích chúng tôi bắt đầu như thế nào với những điều nhỏ bé và gần tầm tay. Chúng tôi đang cố gắng từ bỏ tính tham lam, sân hận và si mê của chính mình. Nếu thế giới nhỏ của tôi có thể tìm thấy bình yên thì lúc đó sẽ có thêm chừng đó hòa bình cho thế giới rộng lớn. Nếu chúng ta muốn cải thiện thế giới này, chúng ta cần phải bắt đầu bằng cách chỉnh đốn lại tâm trí của chính mình. George chăm chú lắng nghe và đáp lại, “Hmm. Được. Nhưng hãy chứng minh cho tôi thấy. Ý tôi là làm sao mà việc lạy lại có thể làm được cái gì đó?” anh ta một mực hỏi cho rõ. Chúng tôi nói tới nói lui một lúc, rồi tôi nói,
“Sau một lúc, nói chuyện dường như là vô dụng. Ông cần phải thực sự lạy để tìm hiểu xem việc ấy tác dụng như thế nào. Việc này có thể kinh nghiệm được chứ không thể giải thích được”. Tôi kể cho anh ta nghe về những đứa trẻ đã đi ra ngoài đường và chỉ lạy theo để tìm hiểu xem việc đó như thế nào thay vì cứ nói suông thôi.
“Không đâu!”, George ngắt lời. “Tôi sẽ không làm như thế! Không … tôi không thể”.
“Có hàng ngàn cách để tịnh hóa tâm và làm việc tốt. Lạy chỉ là một trong số đó”, tôi cố gắng chỉ cho anh ta thấy.
“À! Thầy chỉ nói cho tôi tên của một thứ mà tôi có thể làm, chỉ nói tên một thứ mà nó có ý nghĩa hay tác dụng. Hãy nói tên một thứ!”, George quát lên, thách thức và hoài nghi.
“Đừng nóng giận”. Những lời nói này nảy ra trong đầu tôi mà không kịp suy nghĩ. “Cho dù có chuyện gì xảy ra, hãy nhân từ, vui vẻ và không bao giờ được tức giận”. Tôi có cảm giác những lời ấy đi ngang qua tôi chứ không phải là từ trong tôi.
George ngừng ngay lập tức và nhìn tôi chăm chăm. Ông ta lần đầu tiên nhìn thẳng vào mặt tôi, nhìn liên tục và chân thành kể từ khi chúng tôi nói chuyện, rồi ông ta chậm rãi nói bằng một giọng bị chế phục.
“Thầy biết đấy, thưa Ngài, suốt 45 năm tôi đã cố gắng kiềm chế tính giận dữ của mình. Đúng rồi đó. Thực sự như vậy! Tôi nhận ra rằng mình chỉ là một gã nhỏ bé và không thể, thậm chí chạm vào tất cả những đau khổ và vấn đề trong thế giới này. Nhưng nếu tôi có thể không trở nên nóng nảy trong mọi lúc … phải, thì sẽ là điều gì đó (có ý nghĩa)”.
George thư giãn và yên lặng đi bộ cùng với chúng tôi. Mặt trời đang lặn. Giao thông giờ cao điểm đã qua.
“Einstein nói rằng, tất cả chúng ta đều có cùng một thể”, George suy tư nói. “Chỉ cần nghĩ rằng, nếu tất cả các “phân tử” của ta lắng dịu lại và không bao giờ tức giận, thì đó hẳn sẽ là một hiệu ứng to lớn lên tất cả nhân loại. Tôi mừng là mình đã dừng lại chỗ này. Thực sự rất mừng. Chúa phù hộ cho các thầy, Chúa phù hộ cho các thầy!”.
Chúng tôi bắt tay, như những người bạn cũ, rồi George lái xe rời đi, ngồi trên chiếc xe tải nhỏ cũ kỹ cười và vẫy tay chào.
“… thấy rõ Pháp giới an lập rộng lớn, hiểu các thế gian và tất cả Pháp đều bình đẳng, không hai, lìa tất cả chấp.
… và rốt ráo, Bồ Tát không có một mảy may niệm sân hận
Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm Thập Hồi Hướng thứ 25.
Một người phụ nữ lớn tuổi, vừa khóc nho nhỏ vừa đến lại gần. “Cảm ơn các thầy. Cảm ơn các thầy. Mong các thầy nhận cho”, bà ấy nói rôi lấy ra một ít tiền. Mọi thứ toát lên sự chân thật từ bà ấy.
Một gia đình ăn chay cùng tập yoga người địa phương, đã làm một số “thực phẩm thanh tịnh” để cúng dường. “Cảm ơn các thầy”, người mẹ nói. “Có rất nhiều người ăn chay trong khu vực này và cũng rất nhiều người nữa gởi ra rất nhiều ánh sáng và năng lượng cho hành trình của các thầy. Đây là vùng đất thiêng và chúng tôi rất hạnh phúc khi các thầy ghé qua nơi đây”.
Một thanh niên trẻ tên là Steve muốn giúp đỡ chúng tôi nhưng không biết làm thế nào. “Tất cả những gì tôi có là một vài hộp dầu máy xe hơi nằm trong xe của tôi. Các thầy có thể sử dụng dầu này không?”
Thật kỳ lạ. Tôi vừa kiểm tra máy xe hơi. Chiếc Plymouth đang bị khô cạn dầu. Chúng tôi rất cần dầu gấp. Vài giờ sau, Steve tới và cúng dường 3 hộp dầu máy.
(Còn tiếp)