Nhất Tâm Đảnh Lễ Vạn Phật Thánh Thành

Tuyển Tập Nhật Ký và Thư Từ

Hằng Thật và Hằng Triều

Quyển 3

Nguyên bàn Anh ngữ:

One Heart Bowing

A Collection of Journals and Letters

by Heng Sure Ph.D. and Heng Ch’au Ph.D.

Published and translated by: Buddhist Text Translation Society

1777 Murchison Drive, Burlingame, CA 94010-4504

© 2007 Buddhist Text Translation Society

Dharma Realm Buddhist University

Dharma Realm Buddhist Association

First edition 2007

  Hình ảnh

Welcome Dharma Master Heng Sure and Dharma Master Heng Chau – 11/1979

Các bài nói chuyện trong buổi lễ chào đón Thầy Hằng Thật và Thầy Hằng Triều về đến VPTT (11/1979)

 

Mục lục

Ban đầu tôi mất bình tĩnh, sau đó tôi mất ngón tay
Nương vào Pháp, không phải vào bản ngã
Nước Mỹ là cõi Tây Phương Cực Lạc
Tôi cảm thấy đã sẵn sàng để phát nguyện
Thùng nhựa cũ
Bước đi trên con đường chánh đạo
Gió hú! Ào! Rửa chén dĩa!
Chúng tôi chỉ trông nghèo ở vẻ bề ngoài
Cảnh giới bái lạy vô ngôn, tĩnh lặng
Nhìn chằm chằm vào màn hình tivi
Thầy Hằng Thật ở đâu?
Biểu hiện của sự phát tâm
Thị trấn Guadalupe nhỏ bé
Chăm sóc vườn cây trái Bồ Đề của họ
Sự sai lầm, là lỗi của cái nhìn
Ở trên nóc xe
Việc đó làm tôi cảm thấy thực sự tự hào
Điều đó không đến dễ dàng!
Mạch pháp tổ sư treo trên sợi chỉ mong manh
Bức thư xưa 20 năm
Đừng sợ gì cả ngoài sự lười biếng
Danh tiếng là ích kỷ và tham lam
Nhưng không phải thầy nên đi về hướng đông hay sao?
Dù việc gì đến, cũng đừng nổi giận
Bạn có thể truyền bí mật này đi không?
Khảo nghiệm hôm nay là sự tức giận
Một đầu tư tốt hơn so với đầu tư các cổ phiếu công ty lớn đáng tin cậy
Nhưng không ai thật sự làm!
Thầy ấy chỉ là không dùng dây thanh quản
Tất cả chỉ nhận vào và không cho ra
Ông có thể lễ lạy bằng tâm
Chúng tôi sẽ trình diễn khúc nhạc chiều cho Thầy
Con đường trở lại thành phố bị lãng quên
Hãy trở lại tay lái để đào luyện trở lại
Cho đến khi con nhớ thuộc được Kinh
Tiền làm người mê mờ
Hành giả thì vượt ra khỏi các cõi
Mọi chúng sanh đều sinh ra bình đẳng
Nhiều giá trị như lăng mộ của vua Tut

Hằng Triều – 25 tháng 10 năm 1977

Ban đầu tôi mất bình tĩnh, sau đó tôi mất ngón tay


Những vết sẹo.

Ai cũng có những vết sẹo, có lẽ vậy. Vài người trong chúng ta bị thiếu những chiếc răng hoặc cánh tay, cẳng chân. Vài người trong chúng ta có những vết sẹo phỏng cháy hay đi khập khiễng do bị té ngã và tai nạn.

Tại sao?

Tùy tâm phân biệt khởi
Như vậy các cõi nước
Không gì chẳng do nghiệp.
Ví như thấy chư Phật
Nhiều hình sắc sai khác
Tùy tâm hành chúng sanh
Thấy các cõi cũng khác.

Kinh Hoa Nghiêm
Phẩm Hoa Tạng Thế Giới

Khi chúng tôi đang làm chiếc xe đẩy kéo đồ cho chuyến bái hương trong một xưởng mộc trên một bờ sông ở San Francisco, tôi nhận thấy người thợ mộc bị cụt một ngón tay. Tôi hỏi “Này Alan, vì sao anh bị mất ngón tay vậy?”

Anh ta bình thản trả lời “Ban đầu tôi mất bình tĩnh, sau đó tôi mất ngón tay. Đó được gọi là nghiệp”. Anh ta tiếp tục kể mình đã đi làm việc với đầy niệm sân giận đối với cha mình vì cha anh bị bệnh và không chăm sóc nổi bản thân mình. Đầy nóng giận và mất tập trung, Alan đẩy tay vào một cái cưa máy tốc độ cao và bị vạt mất ngón tay. Anh ta nói “Giờ tôi luôn nhắc nhở mình rằng sân giận sẽ đưa mình đến đâu”.

Tôi đang bắt đầu nhìn những vết sẹo của lòng tham lam, sân giận, và vô minh chung quanh tôi khi chúng tôi lạy lên theo bờ biển phía Tây. Mỗi một xa lộ và khu mua sắm mới là một vết sẹo từ tâm tưởng của tôi “nhiều hơn và tốt hơn dành cho mình”. Các khu căn cứ quân sự, khu vực thử đầu đạn hỏa tiễn và nghĩa trang cựu chiến binh là những vết sẹo của niệm sân giận và thù địch của tôi. Những tấm bảng quảng cáo thuốc lá, rượu Vodka, và cờ bạc là những vết sẹo được tạo ra bởi tâm ngu si và điên đảo của tôi.

Mọi thảm họa và khổ đau trên thế giới này, sự ô nhiễm và cạn kiệt của môi trường, những tâm hồn bất ổn và đầy lo lắng của chúng ta, đến từ nghiệp được tạo ra bởi những tâm niệm tham, sân, si. Cũng giồng y như Alan cưa đứt ngón tay mình, nhưng tầm mức lớn hơn và phát triển hơn, chỉ có vậy.

Giới, định, huệ cũng để lại dấu vết, nhưng chúng ta không dễ dàng nhận thấy chúng. Tại sao? Dấu vết đó là tự nhiên và phù hợp với Trung Đạo. Như một câu ngạn ngữ đã nói “Khi giếng cạn mới biết quý nước”. Chúng ta để ý bàn tay với ngón tay bị cụt.

Những gia đình hạnh phúc là nơi trẻ em sống cùng với cha và mẹ, và không bị sợ hãi lo lắng, là nhứng dấu hiệu “vô tướng” của giới (đạo đức). Nơi nào mà mùa màng phì nhiêu tươi tốt, nơi có mưa thuận gió hòa, không thiên tai, là dấu hiệu “vô tướng” của định. Trí tuệ làm cho mọi thứ đến và đi thuận theo tự tánh của chúng, và nơi nào có sự tu hành, nơi đó ít có những cái chết gây ra do sử dụng ma túy và rượu. Nơi đây, những người già ra đi tự nhiên và không ở trong những “nhà dưỡng lão” đầy buồn chán và ngập tràn thuốc men.

Con đường tự nhiên để sống, Đạo (Trung Đạo) thật đơn giản và hài hòa với thiên, địa, nhân. Không có chiến tranh và thảm họa, không có đạn hỏa tiễn và những cánh cửa phải khóa 3 lần. Có sự quay trở lại bổn tánh “viên mãn” của chúng ta, Phật tánh. Khi chúng ta thanh tịnh tâm mình, nghiệp của chúng ta sẽ được thanh tịnh. Đi theo con đường tự nhiên này, chúng ta “Thấy Như Lai theo sở nguyện”. Như Lai là người đã viên mãn thanh tịnh và trở thành Phật.

Nay thế giới này không cấu nhiễm.
Phóng đại quang minh trụ không gian
Phong luân nhiếp trì không dao động
Phật tạng ma ni khắp nghiêm sức
Nguyện lực Như Lai khiến thanh tịnh.

Kinh Hoa Nghiêm
Phẩm Hoa Tạng Thế Giới

Những vết sẹo là do tâm tạo ra và sẽ được tâm xóa đi. Khi tâm thanh tịnh, bổn tánh hiện ra. Nó không có hình tướng, và trong nó, nơi nào cũng an bình, ai ai cũng hạnh phúc. Giữ bình tĩnh, giữ ngón tay, rời mọi tướng, thấy lại Phật!

Mọi thứ đều là tu hành; mọi thứ đều thuyết pháp. Thầy Hẳng Cụ trên đường đến Los Angeles đã ghé qua và thêm dầu máy, bít lại chỗ rỉ, thêm nước, thay bộ phận hư, dán lại và siết chặt ốc vít chiếc xe Plymouth. Thầy nói “Phải làm việc này thường xuyên, nếu không chúng sẽ trở về tứ đại”.

Nếu bị kẹt, bạn sẽ tan rã. Mọi thứ đều biếc dịch. Đây là đạo lý vô-chấp: “Tìm động trong tĩnh, và trong tĩnh tìm động”. Nếu để cho các bánh răng cưa của xe dính với nhau, chiếc xe sẽ hư hỏng. Nếu để cho tâm bám chấp, bạn sẽ chết.

Với chiếc xe, thì sử dụng dầu và mỡ. Với chúng tôi, đó là dùng “nhất tâm”. Có câu rằng “Khi định thì động và tĩnh là một”.

Chúng tôi cắm trại trên một cao nguyên nhìn về phía thung lũng. Con đường mà chúng tôi bái lạy ngoằng ngoèo hàng nhiều dặm phía trước và sau. Có một người đàn ông cúi người trên ngọn đồi ngay cạnh chúng tôi đang dùng ống nhòm dò quanh những ngọn đồi. Anh ta tên là Wesley. Anh ta đang tìm kiếm heo rừng.

“Tên tôi là Wesley. Rất vui được gặp các Thầy. Quanh đây có rất nhiều người thắc mắc là các Thầy tiêu biểu cho cái gì”. Anh ta đội một chiếc mũ cao bồi thô và có một gương mặt phong sương sau nhiều năm lăn lộn ngoài trời. Wesley là một người săn heo rừng đến từ tiểu bang Indiana. Anh ta thích ý tưởng bái lạy và giúp người. Anh ta nói lớn về Vạn Phật Thánh Thành “Đó chính là cái chúng ta cần có nhiều hơn. Mọi người sẽ rất vui khi nghe tôi kể về các Phật tử như Thầy”.

Anh ta tiến đến xe cắm trại của mình và trở lại với đồ cúng dường và khẩu súng rất mạnh của mình. “Không nhiều, nhưng tôi không muốn giữ nhiều những thứ không có thịt trong đó”. Tôi trả lại món Dậu Thịt Heo Pork’n Beans. “À, đúng, tôi đoán thịt heo cũng được coi là thịt, phải không?”

Đam mê là âm, từ bi là dương. Cho đi là dương, nhận lấy là âm. Cái tôi là âm ; bổn tánh chân thật là dương. Ủng hộ là dương, chỉ trích là âm. Có hàng trăm chim sáo ồn ào, rung cánh đậu trên các đường dây điện phía trước. Con chim đầu đàn bay và trong nháy mắt, chúng đều bay theo và biến mất, tưởng chừng như chỉ có một con chim. Chỉ còn dây điện trống, tĩnh lặng.

Có hàng trăm vọng tưởng ồn ào, rung lên trong cái tâm điên cuồng của tôi. Tìm về nguồn, niệm đầu tiên khởi lên và cho nó nghỉ ngơi. Tất cả những niệm khác sẽ theo thành bầy, giống như chỉ có 1 niệm. Tất cả đều là tâm rỗng rang, tĩnh lặng.

Thật sự, “mọi thứ đều ok”. Nếu không, tôi phải đổ lỗi cho cái tôi của mình. Tâm an nghỉ, tất cả đều giống nhau; không cơn gió nào có thể khấy động những ngọn lửa đã bị dập tắt. Chúng tôi đang nghỉ ngơi sau khi bái lạy dọc theo con đường trải dài cô lập. Tôi để cho chánh niệm của mình nghỉ ngơi và phóng tầm mắt đến những cánh đồng và những ngọn đồi xung quanh chúng tôi. Một người đàn ông và phụ nữ lái một chiếc xe hơi màu vàng đến. Bỗng chốc có cảm nhận sóng rung động lạ lùng. Người phụ nữ bước xuống xe và đi về phía chúng tôi. Cô ta mặc đồ màu trắng và có một mái tóc trăng trắng. Đột nhiên tôi nhớ lại giấc mơ về một con hải cẩu hay con chó sói màu trắng. Tôi nhớ con hải cẩu bơi về phía tôi và cắn vào tay tôi. Có thứ gì đó kết nối bên trong, cả thầy Hằng Thật và tôi đều không nói một lời nhưng cảm thấy một sự nguy hiểm và bủa vây. Người phụ nữ đang nịnh hót chúng tôi. Chúng tôi đều nhìn cô ta trong thoáng chốc rồi quay đi và tự xin lỗi vì có điều gì đó không chính trực. Giống như là cô ta không phải là thật.

Trong vài phút, tôi co mình vì bị chuột rút và đau bao tử. Đêm đó thầy Hằng Thật nằm mơ thấy mình vật lộn với một con quỷ và tỉnh dậy mà mồ hôi đầm đìa. Tôi vừa tỉnh dậy trước Thầy ấy, đang niệm chú Đại Bi sau khi mơ thấy mình bị bao vây bởi những bóng đen nguy hiểm. Những thứ lạ lùng đôi khi xảy đến.

Hòa Thượng đã cảnh báo chúng tôi ở L.A vào tháng trước rằng “Hành giả tu đạo không được dễ duôi hay cẩu thả dù chỉ một mảy may”. Cái nào là thật, cái nào không phải là thật? Chúng tôi mới chỉ là những kẻ sơ cơ, và do vọng tưởng, bám chấp của chúng tôi quá lớn nên chúng tôi không nhìn rõ, nhận rõ mọi thứ. “Hiểu rốt ráo” là Phật, và vì Phật không có tự ngã, nên mọi thứ đều phản chiếu hoàn hảo và được thấy “đúng thật”.

Nơi thật thấy chơn-thật
Chẳng thật thấy chẳng thật
Hiểu rốt ráo như vậy
Cho nên gọi là Phật.

Kinh Hoa Nghiêm
Phẩm Tu Di Ðảnh Kệ Tán