English | Vietnamese

 

Những Cầu Nguyện Của Phật Tử Mang Mưa Đến

Tỳ kheo Ni Hằng Hiền

Viện Phiên Dịch Kinh Sách Phật Giáo

Báo Vajra Bodhi Sea, Volume VII – Series 16, NO. 80 Series17, NOS. 81 & 82 số tháng Hai, 1977

 

Những ai có mặt tại Công Viên Golden Gate [ở San Francisco] vào ngày thứ Bảy, 19 tháng Hai năm 1977 để dự Lễ Hội Pháp cầu mưa do Kim Sơn Thánh Tự của Hội Phật Giáo Trung Mỹ ở số 1731 đường 15th San Francisco bảo trợ đều có thể xác nhận một điều: những người hiện diện tại nơi đó đều dốc sức cầu mưa. Đến nơi từ sáng sớm tinh mơ, những người bảo trợ Hội Trung Mỹ nhanh chóng tháo dở hành lý, quét dọn nơi đây sạch sẽ và vào lúc bình minh họ đã lập xong một bàn thờ trang nghiêm với một tượng vàng của vị Bổn Sư, Phật Thích Ca Mâu Ni, và bức hình của một vị thần mà lòng từ bi của ngài là điều đặc biệt được tìm cầu của ngày hôm nay: Bồ Tát Quán Thế Âm. Cúng dường hình tượng với hương, hoa, trái cây, trong khi những pháp cụ được đặt trên bàn thờ phủ vải nhung đỏ đang chờ được dùng đến. Một tấm băng vải vàng sáng chói cùng hàng chữ cầu nguyện: NAM MÔ QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT, được căng ngang ở phía xa cuối bãi cỏ, và gần hơn nữa là rải rác những tấm bảng hình rồng (rồng làm mưa) hướng lên những tấm băng rôn Hội Phật Giáo Trung Mỹ đang bay phất phới trong gió nhẹ, mỗi tấm bảng mang dòng thông báo: MƯA PHÁP. Số đông người tham dự buổi lễ mặc áo cà sa, màu đen, màu xanh hoặc xám nhạt và giới y (sashes) màu đất. Những người xuất gia như tăng và ni sư thì cạo đầu sạch sẽ, biểu tượng của sự buông xả. Mọi người đều cùng cảm nhận được niềm vui tột cùng cũng như mục đích quan trọng của họ. Họ đã cầu nguyện và đọc kinh cả tuần trước Lễ Hội. Để biểu hiện lòng thành, nhiều người trong số họ bao gồm những người đang thực hành việc ăn chay đơn giản ăn mỗi ngày một bữa đã quyết định nhịn ăn cả ngày và có thể là vào ngày tiếp theo nếu như trời vẫn chưa mưa. Có một vị sư đã nhịn ăn từ thứ Ba tuần trước để cầu chấm dứt hạn hán và đã nguyện là sẽ nhịn ăn lần nữa cho đến khi trời mưa.

Tin dự báo thời tiết vẫn không mang một chút hy vọng nào về mưa, ít nhất là trong vòng hai tuần tới do vùng áp suất cao ở bờ biển ngăn chặn những đám mây bão trái mùa. Nhiều ngày trước Lễ Hội [Cầu Mưa], nhiệt độ đã lên đến 75-76 độ [Farenheit] với thời tiết khô hạn nắng chói chang ở giữa mùa đông, cao điểm trong vòng hai năm khan hiếm mưa. Khi ngày tụng kinh và cầu nguyện chính thức bắt đầu lúc 7 giờ sáng, khoảng một phần ba số người hiện diện tại đó chồng chất lên chiếc xe Đại Thừa, được sửa lại từ xe buýt của thành phố của Hiệp Hội Phật Giáo Trung Mỹ và hướng về khu Bandshell trong công viên để bắt đầu cùng đi bộ về khu Marx Meadow trong công viên, vừa đi vừa tụng NAM MÔ QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT. NAM MÔ nghĩa là “quy kính về”, BỒ TÁT là “BỒ ĐỀ TÁT ĐOẢ” có nghĩa một chúng sanh được giác ngộ và giác ngộ những chúng sanh khác. QUÁN THẾ ÂM, tên tiếng Phạn là Avalokitesvara, là vị Bồ Tát hiện thân của sự từ bi vô lượng rất giống như Đức Mẹ Đồng Trinh Mary của phương Tây. Tuy nhiên Đức Mẹ Đồng Trinh Mary được biết là Mẹ của Chúa Giê Su còn Phật tử thì cảm nhận được Bồ Tát Quán Thế Âm là Mẹ Từ Bi của mọi người. Như lời của một vị ni sư từ Chùa Kim Sơn Thánh Tự nói trong ngày hôm đó, ”Quý vị có thể quên tên của Ngài; nhưng nếu quý vị nhìn thấy Ngài, quý vị sẽ không bao giờ quên được Ngàn Tay và những cái đầu của Ngài”. Việc có nhiều tay và mắt và cánh tay biểu hiện cho khả năng của Bồ Đề Tát Đoả cứu độ tất cả chúng sanh cùng một lúc, dưới mọi hoàn cảnh, mọi nơi. Phât tử tin rằng Quán Thế Âm Bồ Tát Quán Thế Âm quảng đại hồi đáp đến những sự cầu nguyện và rằng ai mà thành tâm sẽ nhận được sự hồi đáp, cứu khỏi khó khăn và đau khổ.

Tiếp theo đó những gì họ làm là tụng NAM MÔ QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT khi đi từ khu Bandshell đến khu Marx Meadow trong công viên, những bước chân dài chậm rãi và trang nghiêm, và hâu hết họ để đầu trần trong buổi sáng sương mù và lạnh buốt bất ngờ. Đoàn người đi một tiếng đồng hồ để đến khu Meadow, nơi các vị tăng, ni và cư sĩ đang tụng kinh trước bàn thờ. Số người tham dự tăng lên do nhiều công chúng tham gia, những người có thể tin hoặc không tin vào Phật Giáo, nhưng cùng đoàn kết vì ước mong cầu mưa của họ. Khi đoàn người tiếp tục tụng niệm, sương mù bắt đầu cuộn lên, gió bắt đầu đến và thổi qua cánh đồng cỏ. Buổi lễ tiếp tục: tụng NAM MÔ QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT lần nữa trong khi đi vòng quanh bàn thờ, kế đó ngồi xuống, tụng nhiều hơn nữa, tiếp theo là nghi lễ cúng ngọ. Những ai nhịn ăn thì tiếp tục tụng chú và được những người vừa ăn xong đến cùng tụng chung, lại bắt đầu cuộc đi khác, lần này thì từ khu Marx Meadow trở về khu Bandshell trong công viên.

Sự tụng chú sau đó nhường lại cho những câu chuyện thoải mái và những bản nhạc sống động khi những tăng và ni sư của Chùa Kim Sơn, không còn trang nghiêm và chăm chú nữa, giải thích với những người San Francisco tại sao họ bị hạn hán. Họ nói “Chúng ta rất tham lam và ích kỷ và chúng ta lãng phí rất nhiều nước. Nhưng nếu chúng ta có thể hối lỗi và thay đổi cho tốt hơn, sự thành tâm sám hối và sửa đổi có thể mang đến sự cảm ứng. Tuy nhiên nếu chúng ta không thay đổi cho tốt hơn, chắc chắn chúng ta sẽ gặp những rắc rối tồi tệ hơn nữa. Do càng ngày con người càng trở nên tham lam hơn và càng thù hằn hơn và càng u minh hơn, sự sống của mỗi chúng ta càng lúc càng nguy hiểm từng giây phút, vì chúng ta đã lên đến điểm mà những vũ khí của chúng ta có thể huỷ diệt tất cả sự sống trên hành tinh này. Đó là sự nguy hiểm thật sự mà chúng ta đang đối diện hiện nay, bên cạnh đó thì sự thiếu hụt nước hay cả sự thiếu ăn, sự thiếu thốn năng lượng hay thiếu thốn hàng hoá tiêu dùng thì không đáng kể.” Theo giáo huấn nhà Phật, thông điệp của họ là mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm trong mỗi tình huống mà họ tìm thấy chính mình trong đó và những người trong một tập thể cũng như vậy; có quả báo tương tự trong mọi việc một người làm hay không làm. “Gieo nhân tốt và bạn sẽ gặt quả tốt, gieo nhân xấu và bạn sẽ gặt quả xấu.” Họ nói với đám đông, có nghĩa là mỗi chúng ta sẽ chịu trách nhiệm về việc sẽ có mưa đúng lúc hay không.

Cầu mưa, những người tham dự trong Lễ Hội Pháp cầu Mưa, tổ chức ở khu Marx Meadow trong công viên Golden Gate Park, thành phố San Francisco, vào ngày 19 tháng Hai năm 1977, thành tâm và chuyên chú lạy trước bàn thờ Phật.

 

Sau những phát biểu tại khu Bandshell, một số đông người gia nhập đoàn người đi niệm hồng danh Quán Âm trở về khu Marx Meadow trong công viên trong khi những ký giả chụp hình và quay phim buổi lễ cho đài truyền hình. Một lần nữa trước bàn thờ, những người tham dự tập hợp lại xướng tụng thành tâm và hăng hái, họ lúc thì quỳ gối trên nền đất trần ẩm ướt, lúc thì lạy phủ phục xuống nền đất, lúc thì đi vòng quanh bàn thờ xướng tụng. Sau đó vào buổi trưa khi đang tụng chú, những đám mây tạo mưa thật sự bắt đầu thànhh hình, và một vài người thấy những con rồng vàng trên trời và trên những ngọn cây. Cho đến một lúc, trước khi Pháp Hội sắp sửa kết thúc vào lúc 6 giờ chiều, những đám mây tạo mưa vừa thành hình, từ phía Tây di chuyển đến bao phủ thành phố. Rõ ràng là không bao lâu nữa trời sẽ mưa. Khi đám đông giải tán vào lúc trời sẩm tôi, sau mười hai giờ nổ lực chú tâm cầu mưa, những Phật Tử từ Kim Sơn Thánh Tự trở về Chùa cho buổi giảng kinh 7 giờ tối mỗi ngày và lễ kinh tối.

Sau đó thì trời có mưa không? Tại Vạn Phật Thành, trụ sở mới của Hiệp Hội Phật Giáo Trung Mỹ ở Thung Lũng Ukiah, cách thành phố San Francisco một trăm mười dặm về phía Bắc, trời bắt đầu mưa vào sáng Chủ Nhật. Vào khoảng 11 giờ 30 sáng Chủ Nhật, những đám mây sinh mưa khổng lồ có thể thấy trên bầu trời toàn thành phố San Francisco trút mưa xuống. Người ta bắt đầu gọi điện thoại đến Kim Sơn Thánh Tự để hỏi mưa sẽ kéo dài trong bao lâu. Mưa vẫn tiếp tục rơi vào ngày thứ Hai khi cô Susan Hewitt, phóng viên cho chương trình tin tức Eyewitness News, đài truyền hình KPIX số năm, đã tường thuật về Lễ Hội vào ngày thứ Bảy trở lại khu Marx Meadow để tường thuật trực tiếp. Cô ta chỉ ra tại nơi có bàn thờ là nơi các Phật Tử đã cầu mưa. Bây giờ trời đang mưa, đúng như điều họ tìm cầu và nơi ở chỗ bàn thờ là một vũng nước lớn. Điều này xác nhận cho thành phố thấy và khi người ta thấy những vị tăng, ni ngoài đường, thường thì họ sẽ chạy đến cám ơn các tăng ni về việc cầu mưa. Nhưng như sau đó đã được chỉ ra, mọi người đều có thể đạt được một sự cảm ứng như thế bởi sự thành tâm không ích kỷ, tự quán xét, sám hối và sửa đổi và cầu khẩn. Uy lực của sự sám hối và cầu nguyện không chỉ là dành riêng cho một nhóm tôn giáo riêng biệt nào đó. Miễn sao người ta có thể thể nhập vào sự từ bi của Quán Thế Âm Bồ Tát, đừng đấu tranh với người khác, đừng lãng phí nước thì sẽ có hy vọng trời mưa đúng lúc.

 

Ghi chú:

Xin xem thêm Con Ăn Trưa Hôm Nay Chưa?