Chinese | English | Vietnamese
Những Kinh Nghiệm của Tôi với Hoà Thượng
Susan Mechling
Kinh nghiệm đầu tiên của tôi với Hoà Thượng là khi tôi đến đường Sutter (San Fracisco) để mướn phòng. Tôi có nghe qua về một vị sư Phật Giáo ở đó đã giữ mọi thứ đều bình an và yên tĩnh, và mặc dù tôi không phải là một Phật tử nhưng đó đúng là loại môi trường tôi cần để làm việc – vẽ tranh và sơn tranh. Sau khi gặp vị Sư, tôi nói cho ông biết là tôi muốn mướn phòng và ông đã dẫn cho tôi xem một căn phòng rất cũ, quá rộng lớn, tối tăm và ẩm mốc ở lầu ba . Bởi vì giá quá cao, cao hơn khả năng chi trả của tôi 20 đô la, tôi miễn cưỡng nói rằng tôi không thể mướn phòng đó được. Sau đó thì chúng tôi đi xuống lầu hai và ông chỉ cho tôi xem một căn phòng nhỏ hơn có đầy đủ ánh sáng tự nhiên, vừa mới được sơn lại, có một cái giá vẽ ở góc phòng và sàn gỗ nhà vừa mới được đánh bóng lại. Tôi ngay lập tức chọn phòng này và hỏi giá, lại cao hơn ngân sách của tôi 5 đô la. Dù vậy, tôi vẫn nói,” Tôi mướn phòng này.” Tiếp đó ông hỏi tôi, “Con là học trò phải không?” Tôi trả lời, “Không.” Ông nói,” Con là học một học trò. Tôi thích các học trò,” và sau đó cho tôi giá thuê phòng giảm bớt 5 đô la.
Sau này, khi đã trở thành đệ tử hay là “học trò” của Ngài, khi chúng tôi đã biết Ngài tôi phát hiện ra “Hoà Thượng”, qua cách gọi của chúng tôi, đã có kế hoạch cho thuê những phòng ở tầng lầu đó cho “những học trò của Phật Giáo” thuê. Và tôi cũng phát hiện thêm một chuyện khác nữa khá lâu sau đó (sau khi đám cưới với chồng tôi tên là Nick là người hàng xóm ở phòng kế bên trên tầng lầu đó) là chính Nick đã sơn và lau dọn sạch sẽ căn phòng đó khi anh thuê căn phòng đó và căn phòng kế bên, sau đó anh đã đóng cửa lại và giao lại cho Hoà Thượng để Ngài cho một người có tiềm năng là học trò sắp tới mướn. Nick cũng đặt thêm cái giá vẽ vào phòng
Trước khi cưới Nick, có một ngày tôi đang chú tâm vẽ một bức hoạ về một cái tay nắm cửa có nhiều trang trí trên đó trong phòng với cửa phòng để mở, bất thình lình tôi nhận ra rằng Hoà Thượng đang ở đó xem tôi vẽ. Vài giây sau đó, Ngài nói,” Con đang làm gì đó?” Tôi trả lời,”Con đang vẽ cái tay nắm cửa này,” và nói thêm,” Thật là không dễ dàng cho con làm điều này.” Sau đó thì Ngài nhấn giọng nói, “Hãy làm việc siêng năng!” và đột ngột đi ra khỏi phòng. Tôi không bao giờ quên được giây phút đó và cố gắng nhớ mãi. Ngài muốn tôi nhớ là tôi đã chú tâm như thế nào và cố gắng làm việc siêng năng.
Một lần khác, tôi đang bỏ rác vào thùng rác trong nhà bếp, và Hoà Thượng đi đến, lấy hộp đựng sữa nửa ga-lông (gallon) bằng giấy ra khỏi thùng rác, dùng chân đạp cho đến khi hộp giấy dẹp xuống, và bỏ trở vô thùng rác, ám chỉ là cần phải làm như thế. Thông thường, Ngài không can thiệp vào chuyện của người khác, nhưng cũng có thể là Ngài đi ngang qua bất cứ giờ nào trong ngày, bắt gặp ai đó trong một khoảnh khắc của cuộc sống.
Hoà Thượng tổ chức hôn lễ cho Nick và tôi tại Giảng Đường Phật Giáo ở đường Sutter. Nick đã quyết định rằng anh muốn Hoà Thượng làm hôn lễ cho chúng tôi vì anh quen Hoà Thượng khoảng hai năm nay và kính trọng Ngài hơn bất cứ người quen biết nào của anh.Tôi không biết hôn lễ sẽ diễn ra như thế nào nên chúng tôi quyết định sẽ chỉ mời những người sống chung ở trong toà nhà đó mà thôi. Sau khi hỏi Hoà Thượng về giờ hôn lễ, chúng tôi thông báo cho tất cả những người bạn cùng toà nhà về giờ cử hành hôn lễ (hai giờ chiều ngày 15 tháng Chín 1966). Chúng tôi được yêu cầu đến sớm hơn để chuẩn bị vì Hoà Thượng muốn nói chuyện với chúng tôi vào khoảng giờ trưa. Tôi mặc chiếc áo đầm dài màu trắng và cầm một bó hoa, nhưng vì chỉ cho một vài phút gặp gỡ không chính thức, tôi đã để đôi giày cao gót ở trên lầu (do không ai mang giày bên trong Giảng Đường).
Chúng tôi được yêu cầu lạy và tôi đặt bó hoa vào bình hoa trên bàn thờ để cúng dường. Tiếp đó, đại chúng mặc áo tràng Trung Hoa màu đen và nâu bắt đầu tụng kinh bằng tiếng Trung Hoa và lễ lạy. Chúng tôi lạy với họ và sau đó là quỳ xuống. Việc quỳ này tiếp tục khoảng nửa tiếng đồng hồ, nhưng dường nhưng dài hơn do tôi không hiểu được một lời nào cả và không quen với việc quỳ gối. Tuy thế âm thanh của khánh và chuông hoà cùng tiếng tụng kinh rất lôi cuốn, và tôi đã giữ được tư thế thẳng người cho tới cuối buổi lễ (mà sau này tôi hiểu ra đó là Lễ lạy Sám Hối 88 vị Phật).
Tiếp đó Hoà Thượng kêu chúng tôi lên đứng trước đại chúng và đứng hai bên Ngài hướng về đại chúng. Ngài bắt đầu hỏi chúng tôi vài câu hỏi. Ngài hỏi tôi, “ Susan, con có yêu Nick không?” Tôi cần suy nghĩ thật thận trọng vì một câu trả lời nông cạn như thế nào đó sẽ không có tác dụng. Câu trả lời phải là “hoàn toàn là sự thật” như ở trong toà án vậy. Sau một lúc suy nghĩ, tôi trả lời,”Có.” Sau đó Ngài lại hỏi tôi,”Ngày mai con vẫn sẽ yêu anh ta giống như hôm nay phải không?” Tôi trả lời,”Có” lần nữa sau một lúc suy nghĩ. Ngài cũng hỏi Nick hai câu hỏi này mà anh ta trả lời rất dứt khoát. Sau đó chúng tôi được thành hôn. Hoà Thượng sau đó ban tặng cho chúng tôi vài lời tiên đoán về tương lai tốt đẹp và sau đó vài cư sĩ người Trung Hoa chúc phúc bằng tiếng Trung Hoa rồi được dịch lại sang tiếng Anh.
Tôi rất lấy làm hoan hỷ rằng lễ cưới được tổ chức ở một nơi yên tĩnh của chùa với những cư sĩ không biết tên và Hoà Thượng, tôi đã thật sự chú tâm kỹ để trả lời hai câu hỏi của Hoà Thượng. Buổi lễ và những lời tự chúng tôi nói ra tạo một ấn tượng thật mạnh mẽ trong tôi và tôi không bao giờ quên được. Những lời nói này đã ảnh hưởng suốt cả cuộc hôn nhân của tôi với Nick (hiện nay là mốc 28 năm).
Sau khi liên tục sống ở toà nhà đó khoảng một năm, chúng tôi dọn đi vào thời điểm Hoà Thượng bán tòa nhà. Sau khi Hoà Thượng dọn đi, dường như sự bảo hộ của Hoà Thượng đối với tòa nhà đã mất đi, và nó không còn bình an và thiện lành nữa. Sau đó chúng tôi đi nghe giảng kinh ở toà nhà Hòa Thượng mới chuyển đến ở đường Waverly.
Vào năm 1967, anh Ron Epstein đã đi Đài Loan trong vòng một năm để học tiếng Hoa vào khoảng thời gian chúng tôi làm đám cưới và đã nhận bằng Cao Học (Master) của Đại Học Washington, anh trở về San Francisco với vài người bạn từ trường Đại Học Washington để giới thiệu họ với Hòa Thượng. Hầu hết là những sinh viên người Mỹ học tiếng Trung Hoa, nhiều người trong số họ cũng đã học những khoá học về triết lý Phật Giáo, vì thế đây là cơ hội để họ gặp một vị tu sĩ Phật Giáo thật sự, hơn nữa lại đang giảng các kinh Phật Giáo. Tất cả họ đều đến chùa và ở thăm trong vòng một hoặc hai tuần, trong suốt thời gian đó chúng tôi có những buổi lễ, những buổi thiền và giảng kinh.
Vào mùa hè năm 1968, thể theo yêu cầu của anh Ron Epstein và những người bạn, Hoà Thượng bắt đầu một loạt bài giảng về Kinh Lăng Nghiêm. Giờ giảng kinh là từ sáu giờ sáng đến chín giờ tối mỗi ngày, và Nick và tôi cũng cùng tham dự. Tại thời điểm đó, Nick đang làm việc toàn thời gian cho hãng điện Western Electric và chỉ có thể tham dự từ năm giờ chiều đến chín giờ tối sau giờ làm việc Tôi ghi chép lại để có thể giải thích lại cho Nick những phần giảng khi anh không có mặt tham dự.
Hoà Thượng giúp người rất hiệu quả nhưng với rất ít lời giảng đạo đức. Ví dụ như, đây là cách Ngài giúp tôi bỏ hút thuốc lá. Tôi đã hút thuốc khoảng sáu năm, và hầu như từ thời điểm tôi bắt đầu hút, tôi đã cố gắng bỏ hút thuốc nhưng đã không thành công. Có một lần không lâu sau khi dọn vào tòa nhà của Hoà Thượng ở đường Sutter, tôi đang cầm một đếu thuốc đã châm lửa trong tay khi Hoà Thượng đi ngang qua hành lang chúng tôi.Tôi nhanh chóng giấu đíếu thuốc ra đằng sau lưng như một đứa con nít phạm lỗi. Sau cùng tôi tự hỏi tại sao tôi lại hành động quá phản xạ vậy. Sự hiện diện của Ngài thật mạnh mẽ nhưng ở thời điểm đó tôi đã không biết được quan điểm của Ngài về việc hút thuốc. Tôi suy nghĩ,”Tại sao tôi lại quá xấu hổ như vậy?”
Sau đó, có một dịp, Hoà Thượng hỏi tôi với một giọng kỳ lạ, “Con thích hút —– thuốc?” Tôi tả lời,” Dạ không, không thực sự là vậy.” Rốt cuộc tôi tự hỏi – Tại sao tôi đang làm một việc mà tôi không thích? Cuối cùng thì sau khi cưới Nick, tôi đã có những nỗ lực nghiêm túc để ngừng hút thuốc. Một lần nọ, sau khi hút điếu thuốc đầu tiên sau ba tuần ngưng hút thuốc, tôi đang ở chùa ở nơi đường Waverly, đang đứng phía trước hành lang dài bên hông. Hoà Thượng thì đứng phía cuối hành lang, cách khoảng 20 bộ Anh (chừng 6 thước). Ngài lại hỏi với cùng một giọng châm biếm,” Con lại đang hút —- thuốc à?” Dĩ nhiên tôi lại trả lời là,” Dạ”, với một mức độ sợ sệt nào đó.
Chúng tôi đều đặn tham dự những buổi giảng kinh. Một ngày kia trong một buổi giảng kinh Hoà Thượng bắt đầu một cuộc thảo luận bình thường về việc hút thuốc, Ngài nói rằng khi còn có nhiều người trên thế giới phải chịu đựng sự nghèo đói, việc trả rất nhiều tiền cho những gói thuốc lá để chỉ đơn giản là hút để có cái cảm gíac của nó thì thật là một điều đáng xấu hổ. Ngài dường như thực sự đang dùng những lời phê phán nhắm vào một người nào đó nhưng những lý lẽ của Ngài đã thực sự đánh thẳng vào lương tâm của tôi và tôi đã quyết định ngừng hút thuốc. (Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh rõ ràng của Ngài lúc đang nói về điều đó). Tôi đã quyết tâm, nhưng tôi nghĩ nó sẽ giúp tôi nhiều hơn nếu tôi nói cho Hoà Thượng biết. Tôi kể cho Ngài nghe là tôi có quyết định sẽ ngưng hút thuốc cho đến năm tôi ba mươi tuổi (Tôi lúc đó hai muươi bốn tuổi, như thế có nghĩa là sáu năm). Ngài nhướng mày lên với sự ngưng lại nghiêm túc và nói,” Tại sao không phải là cả đời chứ?” Ngài đã chọn thời điểm cho câu hỏi của mình thật là hoàn hảo. Tôi nói, ”Ngài nói đúng. Dạ được, con sẽ từ bỏ hút thuốc trong suốt cả cuộc đời của con.”Trước đó thì khi tôi thấy hoặc ngửi mùi thuốc lá, tôi lại muốn hút. Tôi còn mơ thấy mình đi tìm và hút thuốc lá nữa. Nhưng từ khi đó trở đi, ngay cả khi thấy và ngửi nhằm mùi thuốc tôi đã không còn hứng thú và tôi cũng không còn những giấc mơ thèm muốn hút thuốc nữa.
Chúng tôi đã trở thành Phật Tử vào khoảng sau hai năm tham dự những buổi giảng kinh, ngồi thiền và những buổi lễ. Cả hai chúng tôi đều có những câu hỏi cần được gỉải đáp và không ai trong chúng tôi là có khuynh hướng “dễ dàng cải đạo.” Điều đã thuyết phục chúng tôi theo sự giáo hoá của Hoà Thượng và, thông qua Ngài, giáo Pháp của Phật Giáo, là tấm gương Ngài đã cho chúng tôi thấy ngay trước mắt của chúng tôi. Sống trong cùng một nhà với Ngài trong một năm và trong ba năm tham dự những buổi giảng kinh ba lần hoặc khoảng đó mỗi tuần, và ngồi thiền trong giảng đường của Ngài cũng như trãi qua cả ngày trong mỗi ngày với sự hiện diện của Ngài đã đủ để thuyết phục chúng tôi là Ngài là người mà Ngài đã nói.
Hầu hết thời gian Ngài không biểu lộ rõ bản thân mình nhưng chúng tôi đã để ý tất cả những điều Ngài không làm – Ngài không hút thuốc, không uống rượu, chỉ ăn chay. Ngài không tham lam, không vì lợi riêng của mình. Ngài dường như không bị hấp dẫn bởi người khác phái tính hay cùng phái tính. Ngài cố gắng giúp đỡ những người cần giúp đỡ nhưng Ngài cũng nhận ra những ai không làm đúng và có thể sẽ nói điều (thường thường) chạm đến ý thức của họ. Thỉnh thoảng có những người rất sợ Ngài vì những lý do mơ hồ (không rõ ràng). Những người này thường không làm điều đúng, hoặc ít ra là trong tâm trí của họ đang làm điều không đúng. Sau đó, nhờ thọ giới luật với Ngài, chúng tôi thật sự học được rằng, giữ giới luật có thể giúp rất nhiều trong việc tu đạo của mình —- không có giới luật, điều đó sẽ giống như bước tới trước một bước và kế đó sẽ là lùi lại ba bước.
Trong hai năm trước khoá Kinh Lăng Nghiêm, tôi đã tham dự những buổi giảng kinh nhưng không có ghi chép, với suy nghĩ là tôi muốn nghe và hấp thu bài giảng và việc ghi chép sẽ gây trở ngại cho việc đó. Có lần tôi thấy một vị khách cần mẫn ghi chép, và sau buổi giảng tôi đã hỏi người đó lý do của việc ghi chép. Anh ta trả lời là mặc dù có vài điều trong bài giảng vượt quá sự hiểu biết của anh ta lúc này, nhưng trong tương lai khi anh ta hiểu biết nhiều hơn thì những điều đó sẽ trở nên rõ ràng hơn. Tuy nhiên, đến lúc đó có thể anh ta sẽ quên về bài giảng này. Vì thế anh ta muốn ghi chép để sau này anh ta có thể hiểu rõ hơn. Đó dường như là một ý kiến hay vì thế tôi bắt đầu ghi chép.
Sau cùng suốt mùa Xuân trước khoá Kinh, tôi bắt đầu ghi chép nhiều hơn, nhưng hãy còn mâu thuẫn trong tôi. Nick đề nghị tôi hỏi Hoà Thượng có phải ghi chép là một ý kiến tốt không. Ngài nói,”Tốt, và con hãy viết càng nhỏ càng tốt.” Sau đó thì tôi bắt đầu ghi chép một cách nghiêm chỉnh và Nick cũng vậy. Không lâu sau đó tôi đã phát hiện ra một sự ích lợi khác của việc ghi chú. Việc lắng nghe tiếng Hoa là điều khó khăn cho tôi vì tôi không hiểu được ngôn ngữ này. Khi tôi chỉ lắng nghe tiếng Hoa thì thỉnh thoảng tôi lại buồn ngủ. Việc cố gằng ghi chép những từ ngữ và câu tiếng Hoa khi tôi nghe lại giúp tôi không buồn ngủ. Trong lúc bài giảng được dịch sang tiếng Anh, tôi bắt đầu ghi chép rất nhỏ và chừa những chổ trống ở những phần tôi không theo kịp. Điều đó tạo điều kiện cho tôi xem lại và cố gắng điền vào chỗ trống lúc giảng bằng tiếng Hoa. Tóm lại, dựa vào những gì Hoà Thượng chỉ dạy, tôi nhận thấy mình không chỉ tỉnh táo suốt buổi mà còn là chủ sở hữu những bản ghi chép khá hoàn chỉnh và dễ đọc bởi vì tôi có khá nhiều thời gian để trau chuốt cho chúng.
Mùa xuân đó Nick đề nghị xin Hoà Thượng dạy tiếng Hoa cho tôi. Hoà Thượng hỏi tôi tôi muốn học thứ tiếng Hoa nào, học tiếng Hoa đàm thoại hay học văn viết như trong kinh Phật. Tôi nói,”Văn viết như Kinh Phật” bởi vì học nói thì học từ ai cũng được nhưng học văn viết như Kinh Phật thì có người nào đủ tư cách hơn là một vị sư Phật Giáo đang giảng dạy những bộ Kinh Phật không? Ngài dạy học ở ngoài sân bên ngoài chùa nơi đó ngài có tấm bảng đen. Ngài viết những chữ lên bảng đen và chúng tôi sao chép chúng. Tôi nhớ Jan Vickers, Lonni Bauer, Steve Mechling và Gary Linebarger cũng như Nancy Lovett có đến học.
Ngài đã viết những chữ Hoa trước khi chúng tôi đến và chỉ xuất hiện để giảng nghĩa sau khi chúng tôi đã sao chép xong. Trước tiên Ngài vừa chỉ vào từng chữ vừa phát âm mỗi chữ. Một lần tôi hỏi Ngài cách phát âm của một chữ. Ngài nói chúng tôi cứ đọc theo cách chúng tôi muốn, chỉ như thế thì chúng tôi có thể học cách để nói chữ đó. Theo một cách nào đó, sự giới hạn ngôn ngữ của Hoà Thượng lại là một sự trợ giúp bởi vì số ít chữ Ngài nói thật sự dính vào trong tâm trí. Hơn nữa Ngài cũng dùng nét mặt và cử chỉ để giúp Ngài giảng giải, và những điều này thật rất in sâu vào tâm thức.
Một lần Ngài nói với tôi nhiều người không biết nấu ăn đúng cách và rằng thay vì thảy một rau cải đã cắt nhỏ vào chảo dầu sôi sùng sục thì cách nấu đúng đắn là xào trong cái chảo tương đối khá nóng với rất ít dầu rồi dùng muỗng gỗ hoặc đũa gỗ xào trong vài phút và nêm một chút muối. Tiếp đó thì thêm chút xíu nước vào, đậy nắp lại và vặn lửa nhỏ đến khi nấu xong. Đó là cách tôi nấu cho tới ngày hôm nay. Ngài bảo tôi không nên dùng muỗng kim loại khi nấu với chảo kim loại hoặc với nồi nhôm vì có thể dẫn đến ung thư. Ngài cũng có một lần nói là tất cả các thức ăn đều cần nên nấu chín, và tôi đã hỏi,” Kể cả trái cây hay sao?” Ngài nói,” Đúng rồi.” Tôi cũng còn nhớ khi Ngài nói với tôi đừng bỏ những lá rau cần tây đi vì chúng rất ngon khi nấu canh.
Một lân tôi đang phục vụ thức ăn trong khoá tu, tôi cảm thấy giận dữ. Khi tôi đặt thức ăn xuống gần chỗ Ngài, Ngài nhận ra sự giận dữ và hỏi,” Con đang giận à?” Tôi nói, “Không hẳn vậy, chỉ là giận bản thân con thôi.” Ngài nói,” Trong Phật Giáo ngay cả bản thân con con cũng không được giận.”
Tiếp đó, sau khi xong phần phát âm đoạn kinh, Ngài sẽ quay trở lại đoạn Kinh lần nữa và giảng nghĩa. Tôi quyết định dùng viết lông và mực, như một vài người khác. Sau khi thấy những cố gắng ban đầu của tôi trong việc dùng viết lông để vẽ chữ Ngài liền nói,”Con nên dùng viết chì cho đến khi con thật sự biết chữ.” Cuối cùng thì Hoà Thượng dạy những bài học về thư pháp. Ngài lấy một tờ giấy bổi lớn xếp thành nhiều hình vuông và đứng ở phía đằng cuối của những cái bàn dùng trong giảng kinh, hướng về chổ bàn thờ, Ngài dùng bút lông và mực viết những chữ trong Kinh. Có một lần, Ngài viết ngược cả một câu trích dẫn trong và viết rất hoàn hảo đến nỗi nhìn nó thật tự nhiên.
Khi còn ở chung nhà, tôi quyết định dọn dẹp khu vườn, và bắt đầu quét lá, cào lá, … Có một đệ tử, một phụ nữ trẻ với sự xúc động mạnh và cảm thấy rất phiền lòng khi thấy tôi làm việc này và nói là tôi đang làm tổn thương những con côn trùng nhỏ và những con kiến. Cô ta cảm thấy tôi cần phải ngưng làm việc này ngay lập tức và không nên tiếp tục những việc như thế nữa. Tôi cảm thấy bị giằng xé giữa ước muốn sắp xếp gọn gàng và sạch sẽ và lời buộc tội của cô ta. Tôi đi hỏi Hoà Thượng về việc khó xử này. Ngài nói,” Ta thích một khu vườn tươm tất. Con cứ tiếp tục cào lá và quét lá, chỉ là làm chậm chậm thôi.”
Lời nhắc nhở “chậm chậm thôi” là lời nói tôi được nghe Ngài nhắc rất nhiều lần, và đó là điều nhắc nhở hay nhất. Nó có thể được áp dụng trong nhiều việc. Khi tôi đi lên tầng bốn thang lầu để đến chùa (ở đường Waverly), ở đó có một khoãng có ngăn song gỗ ở phía cuối của cầu thang. Hoà Thượng rất hay thường ngồi ở đó. Và khi tôi leo lên hết đoạn cầu thang, Ngài nói, ”Chậm chậm, chậm chậm”. Tôi luôn thắc mắc tại sao Ngài lại nói hai lần như vậy, chỉ cho đến sau này tôi phát hiện ra trong tiếng Trung Hoa, Chậm chậm” là man-man, chữ chậm được lặp lại.
Thỉnh thoảng, Ngài hỏi một ai đó (bất cứ ai trong chúng tôi trong những lúc khác nhau), “Con đang làm gì đó?” Điều này hầu như luôn xảy ra khi chúng tôi hơi phân trí mộ cách nào đó. Tôi cũng để ý thấy Ngài cũng nói rõ ràng và chậm rãi khi hỏi những em nhỏ, ”Các….con….đang…..làm …. gì …đó?” nhưng không phải theo cách nghiêm trọng hay châm chọc. Đó là một sự nâng cáo ý thức thực sự.
Có lần khi một buổi lễ lớn và quan trọng sắp diễn ra, có những miếng vải toạ cụ may từ vải đỏ, vàng và đen. Tôi đã dành nhiều thời gian kể cả tối hôm trước buổi lễ để may những miếng vải tọa cụ – làm theo mẫu của miếng vải lót màu xanh dương, đỏ và đen. Theo mậu tọa cụ, tôi thấy dải vải màu đen một bên này lại rộng hơn dải vải màu đen phía bên kia một chút, và tôi nghĩ là ai đó may những miếng vải này đã không làm tốt lắm. Và tôi cẩn thận may tất cả những miếng vải tọa cụ đó có những dải màu đen có độ rộng bằng nhau ở cả hai bên.
Ngày tiếp theo đó, trước buổi lễ, khi đang ở trong một căn phòng lớn có rất đông người, thực ra là căn phòng đông nên chỉ được đứng mà thôi, Hoà Thượng hỏi lớn,” Ai may những miếng vải tọa cụ này?” Vỡ oà với sự tự hào nhưng không muốn phô trương, tôi lưỡng lự, sau đó tiến lên gần hơn và nói là tôi đã may những miếng vải đó. Tiếp đó Ngài nói, “Những miếng vải này đã may sai hết rồi! Dải vải màu đen phải rộng hơn ở phía bên này – hãy nhìn này, con không thể xếp chúng ngay ngắn được!” Sự việc này rất là đáng hổ thẹn và làm tôi luôn cảm thấy hơi khó chịu về những việc tôi làm. Điều này dường như vào ngay giây phút một người quá tự tán thán mình đó cũng là lúc cần phải cẩn trọng. Điều đó cũng nhắc nhở tôi về giá trị của việc lại hơn là cứ cho là ai đó đã làm sai.
Sau khi kết hôn được hơn mười năm mà chưa có con, tôi cảm thấy buồn chán. Kế đó tôi nghĩ là có thể cũng tốt khi không có con. Tôi quyết định đi gặp Hoà Thượng và nói cho Ngài nghe về sự nhận thức này của tôi. Ngài quả quyết rằng có con là một ý kiến rất hay — và ít nhất phải là hai đứa con. Ngài nói với tôi nếu tôi muốn có con, tôi hãy niệm “Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát”. Tôi đã làm theo và không lâu sau tôi có bầu đứa con trai đầu của tôi, là Nicholas. Thời kỳ mang thai diễn ra tốt đẹp, nhưng chúng tôi chưa nói cho Hoà Thượng biết chúng tôi đang sắp có con. Vậy mà, một đêm vào khi mang thai khoảng được năm tháng, Nick gọi tôi thức dậy lúc khoảng 4 giờ sáng và kể lại về giấc chiêm bao Nick đã thấy Hoà Thượng mặc áo choàng màu đỏ và vàng đứng trong ánh sáng vàng kim trong khi phía sau Ngài có một nền ánh sáng vàng toả ra nhiều màu sắc óng ánh ánh vàng. Ngài nói với Nick chúng tôi sẽ sinh ra một dứa con trai thông minh và khoẻ mạnh.
Nick đã không kể cho tôi nghe cho đến một thời gian sau khi tôi sanh Nicholas, là có thêm một phần khác trong giấc mơ; Nick phải coi chừng cho chúng tôi do sẽ gặp khó khăn trong lúc sanh. Một bộ phận của cơ thể em bé sẽ dường như lớn bất thường – lớn nhiều đến nỗi vài người có thể sẽ cảm thấy là không bình thường — nhưng con không cần lo vì đó là dấu hiệu của trí thông minh vượt bậc. Nick sợ điều này sẽ làm cho tôi lo lắng vì thế anh ta giữ trong lòng không nói ra. Do khó khăn trong lúc sanh nở, Nicholas phải sanh bằng phương pháp sanh mổ (caesarian section) tại bệnh viện Merrit ở thành phố Oakland. Các bác sỹ rất lấy làm ngạc nhiên với cái đầu rất lớn của em bé. Bé cân nặng 4.1 kilogram, nhưng rất dài và ốm. Do luật lệ của bệnh viện can thiệp vào quá trình sanh nở, chúng tôi không thể ẵm và vỗ về con trong vài tiếng đồng hồ sau đó dù bé rất tỉnh táo.
Tôi rất vui mừng vì được bảo đảm trong giấc mơ về Nicholas, bởi vì mặc dầu cái đầu của bé to quá cỡ nhưng đó chẳng bao giờ làm chúng tôi lo lắng. Lúc sáu tháng, cháu đã gặp Hoà Thượng lần đầu tiên tại Kim Sơn Thánh Tự, và đã rất yên lặng và tỉnh táo để cho Ngài ẵm. Ngài đặt tên Quả Mã (2) ở Vạn Phật Thánh Thành lúc hai tháng tuổi bởi vì cháu được sanh vào năm Ngựa (Mã).
Khoảng bốn năm sau đó, tôi lại mang thai lần nữa với đứa con trai thứ hai, Christopher. Gần tới ngày sanh, bác sỹ quan tâm về kích thước của cháu bé. Ông ta cảnh báo cho tôi khả năng sẽ sanh mổ lần nữa. Nick lại đề nghị đi hỏi Hoà Thượng làm thế nào để chắc chắn cho sự sanh nở không có khó khăn và khoẻ mạnh. Hoà Thượng bảo chúng tôi niệm “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát”. Tôi hỏi,” Chúng con nên niệm vào lúc nào, trước hay trong khi sanh?” Ngài nói, ”Trước và trong khi sanh – càng nhiều càng tốt.”
Chúng tôi làm theo lời khuyên của Ngài. Trong khi sanh, tôi không thể niệm tốt được vì thế việc Nick niệm liên tục đã giúp tôi. Trong lúc khó khăn khi sanh nở, tôi lại được nhắc nhở niệm Phật, và tôi đã làm. Khi tôi lăn mình qua một bên, thình lình Christopher được sanh ra không một chút khó khăn. Chúng tôi tắm cho bé và có thể ẵm và ở với bé ngay từ lúc bé vừa lọt lòng. Cháu cân nặng 4.5 kg và cũng là một em bé ốm dài với cái đầu rất to. Chúng tôi rất hoan hỷ với việc cháu không phải trãi qua những chấn thương của sự sanh khó khăn như khi sanh Nicholas, và cháu là một em bé rất hiền hoà với nước da rất hồng hào. Chúng tôi đã mang con đến thăm Hoà Thượng khi bé được hai tuần, Ngài đặt tên bé là Quả Đan (3) do nước da hồng hào của bé.
Đó là những kinh nghiệm của tôi với Hoà Thượng.
Ghi chú:
(1) Toạ cụ (坐具): tấm vải để ngồi thiền, còn được sử dụng trong những buổi lễ, như trải toạ cụ để quỳ lạy, lễ bái.
(2) Nguyên văn tác giả dịch Quả Mã 果瑪 là Fruit of Carnelian – là một loại đá khá quý có màu cam hoặc màu cam đỏ tương tự như mã não 瑪瑙. Chữ mã 瑪này đồng âm với chữ mã 馬là con ngựa.
(3) Nguyên văn tác giả dịch Quả Đan 果 丹, trong đó Đan 丹 là Cinnabar là một loại khoáng chất thủy ngân có màu đỏ sáng. Đan 丹 cũng còn có nghĩa màu đỏ.
You must be logged in to post a comment.