cttb.jpg (9027 bytes)

Pháp Luân



Hoằng Dương Phật Pháp — Trách Vụ chung của Mọi Người

(Khai Thị Tại Trung Tâm Phật Giáo Amaravati tại Anh Quốc ngày 6 tháng 10 năm 1990)

Trích Bồ Ðề Hải số 31, tháng 3/97

Bất cứ nơi nào tôi đặt chân đến thì đều giống như ở tại Vạn Phật Thánh Thành, chẳng có gì phân biệt, bởi vì chúng ta và Pháp Giới đều là một thể. Hôm nay, có được một cơ duyên rất khó gặp được đến nơi đây, lòng tôi rất hoan hỷ. Ðức Phật thuyết tất cả pháp vì để đối ứng lại với tất cả căn cơ của chúng sanh. Do đó bất luận Nam Tông hay Bắc Tông đều phải vì chúng sanh phát Bồ đề tâm, giúp cho mọi loài đều được liễu sanh thoát tử, ly khổ đắc lạc. Quý vị nên hiểu rõ ràng thế nào là Phật giáo chơn chánh, không nên nói rằng ông không thuộc Phật giáo chánh tông, còn tôi mới là Phật giáo chánh tông. Như vậy là cốt nhục tương tàn, chẳng có gì lợi ích cho Phật giáo cả. Do đó chúng ta nên khai thông tư tưởng Phật giáo Nam Tông và Bắc Tông để có thể đoàn kết dung-hợp thành một khối; hệ Nam Truyền không nên dồn hết xuống phía Nam, hệ Bắc Truyền cũng không nên chạy hết lên phía Bắc. Hai phái nên chọn một con đường giữa mà đi để hai phái cùng kết hợp lại bởi vì Nam Truyền hay Bắc Truyền đều là con của Phật, cháu của Phật, không nên mạnh anh anh làm, mạnh tôi tôi làm, chia bè kết phái, làm cho Phật giáo bị phân tán.

Lúc xuất gia tôi đã nghiên cứu tại sao giáo lý của Phật Ðà rất là viên mãn mà số người học Phật trên thế giới lại quá ít ỏi, nguyên nhân vì sao?

Sau khi nghiên cứu mới vỡ lẽ rằng kinh điển Phật giáo không được phiên dịch ra nhiều ngôn ngữ, do đó không thể phổ cập đến các quốc gia trên thế giới. Trái lại, Thánh kinh của đạo Thiên Chúa và đạo Gia-Tô đã được phiên dịch ra nhiều ngôn ngữ, nên mọi người trên thế giới đều có thể đọc và hiểu được. Do đó khi xuất gia, mặc dù chẳng biết ngoại ngữ nào cả, tôi đã phát nguyện mang kinh điển Phật giáo phiên dịch ra nhiều ngôn ngữ. Ðó là nguyện lực của tôi, nhưng mãi cho đến bây giờ ý nguyện đó vẫn chưa hoàn toàn thành tựu, và tôi vẫn tiếp tục đeo đuổi mục tiêu đó. Hy vọng các vị nào có cùng chí hướng, cùng nhau sát cánh với chúng tôi để hoàn thành công tác quan trọng này.

Do vậy, tại thành phố Burlingame (phía nam San Francisco) tôi đã thành lập một Viện Phiên Dịch Kinh Ðiển Quốc Tế, để làm công tác phiên dịch kinh điển. Tôi hy vọng bất luận tín đồ Nam Tông hay tín đồ Bắc Tông hãy cùng nhau hợp tác phiên dịch kinh điển Phật giáo ra nhiều ngôn ngữ. Ðây là một công tác rất quan trọng. Chúng ta chớ đừng tự mình chia rẽ lẫn nhau – Ðó chỉ làm cho làm lãng phí thời gian, lãng phí tinh thần, chẳng ích lợi chi cả. Thuở xưa, Phật độ chúng sanh đã từng thuyết pháp 49 năm, giảng kinh trên 300 hội, độ toàn là những tín đồ ngoại đạo, như Ma Ha Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất, Ma Ha Ca Diếp, v.v… Tuy là tín đồ ngoại đạo nhưng họ đã đến qui y Phật giáo. Là tín đồ Phật giáo tại sao chúng ta không thể bao dung lẫn nhau, khích lệ lẫn nhau để cầu tiến. Trái lại chúng ta dừng lại nửa đường để khích bác, chỉ trích lẫn nhau, ngươi phải ta sai, ta đúng ngươi quấy; có phải là cốt nhục tương tàn hay không?

Tôi chẳng biết ngoại ngữ nào cả, mà lại to gan dám đòi phiên dịch kinh điển, muốn mang kinh điển phiên dịch ra các ngôn ngữ trên thế giới. Với chỉ đơn thuần ý tưởng đó thôi, Phật cũng đã hoan hỷ rồi. Như tôi là người không biết ngoại ngữ mà muốn làm công việc đó, vậy thì những người biết ngoại ngữ càng cần phải thực sự nổ lực thực hiện công tác này.

Ðương nhiên sự tu hành của mỗi người rất quan trọng. Nếu tu chứng quả thành đạo cố nhiên sẽ giúp ích Phật giáo rất nhiều, nhưng đó chỉ có tánh cách nhứt thời. Nếu chúng ta có thể mang kinh điển Phật giáo phiên dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới, đưa Phật pháp vào trong tâm khảm mọi người, thì đó mới là sự nghiệp vĩnh cửu. Hoằng dương Phật pháp là một nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng đối với Phật giáo, phiên dịch kinh điển lại càng quan trọng hơn.

(Ghi chú của người biên soạn: Tháng 10 năm 1990 khi Hòa Thượng đến Ba Lan hoằng pháp lần đầu tiên có khoảng 50 người Ba Lan đến qui y Ngài. Sau đó họ thành lập một đoàn thể để phiên dịch kinh điển có chú giải ra tiếng Ba Lan. Họ đã hoàn tất phiên dịch và ấn hành quyển Ðịa Tạng Kinh Thiển Thích, do Hòa Thượng giảng giải. Hiện thời họ đang tiến hành phiên dịch quyển Lăng Nghiêm Kinh Thiển Thích cũng do Ngài diễn giảng.)



Giáo Dục Khởi Sự Từ Trong Bào Thai

Hòa Thượng Tuyên Hóa

Các vị Thiện Tri Thức! Hôm nay chúng ta họp mặt tại giảng đường này để cùng nhau thảo luận về vấn đề giáo dục. Giáo dục là căn bản của con người. Nếu chẳng quan tâm đến căn bản này thì tức là bỏ gốc theo ngọn, bỏ cái gần mà tìm cái xa.

Khi sự sống bắt đầu nơi bụng mẹ thì giáo dục bắt đầu; rồi những ảnh hưởng do tai nghe mắt thấy sẽ hun đúc thành hành vi của cả đời mình mai sau. Có câu rằng: “Gần đỏ thì đỏ, gần mực thì đen, nhuộm xanh ra xanh, nhuộm vàng ra vàng”. Chúng ta có thể nói chẳng cần chờ sau khi lọt lòng mẹ, thành người rồi thì việc giáo dục mới bắt đầu, thật ra ngay còn trong bụng mẹ, chưa chào đời thì thai nhi đã hấp thụ sự dạy dỗ rồi. Nếu người mẹ có học thức thì thai nhi hẳn sẽ chịu ảnh hưởng khiến trở thành rất thông minh, rất có học vấn. Nếu lúc đang mang thai người mẹ thường hay nóng giận, thì sau này đứa trẻ cũng có tính giận dữ như thế. Nếu người mẹ tánh tình bướng bỉnh, không nghe lời ai phê bình khuyên răn, thì con em sau này cũng thế: nghĩa là rất cứng đầu bướng bỉnh, không chịu nghe ai khuyên bảo, tự mình độc đoán, không biết lắng nghe kẻ khác. Do đó giáo dục lúc mang thai quan trọng lắm.

Người đàn bà là mẹ của dân, là gốc rễ của đất nước. Mọi người nữ nên biết cách dạy con trẻ; lúc đang mang thai nên hiểu phương cách dạy dỗ bào thai. Bà mẹ không nên tranh, không tham, không truy cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ. Nếu người mẹ cứ làm những chuyện tranh dành, tham lam, truy cầu, ích kỷ, nói dối, hay tự lợi thì bà sẽ ảnh hưởng đến bào thai khiến thai nhi cũng sẽ có cái tâm lý tương tợ. Và rồi sau này khi em nhỏ lớn lên, em không thể trở thành công dân tốt của xã hội. Vì vậy trong thời kỳ mang thai bậc cha mẹ phải hết sức chú trọng đến vấn đề giáo dục này.

Sau khi em trẻ ra đời, cha mẹ phải làm gương cho con noi theo; không nên tranh dành, cãi vả, ích kỷ, tự lợi, tham lam, cầu cạnh, dối trá. Nếu cha mẹ làm những việc ấy thì con cái thấy sao sẽ bắt chước làm vậy. Thí dụ như việc nói năng: người lớn ai cũng biết, trẻ em nghe rồi thì nhái theo, cuối cùng cũng nói được. Trẻ em chịu ảnh hưởng (của cha mẹ) rất lớn. Do đó bậc làm cha mẹ không thể nói rằng mình chỉ biết nuôi con, chớ không biết dạy con. Các bạn biết nuôi con tức là giúp quốc gia sanh ra một công dân tốt. Ngược lại nếu không dưỡng dục, không dạy dỗ con cái thì bạn chưa làm tròn trách nhiệm đối với xã hội và quốc gia. Con cái đẻ ra mà mình dạy không tốt, khiến nó trở thành thiếu niên phạm pháp, thậm chí thành kẻ nguy hại của xã hội, đất nước thì cha mẹ phải gánh lấy trách nhiệm.

Do đó phàm làm cha mẹ, bạn nên xem việc dạy dỗ con cái là một việc vô cùng cấp bách ngay bây giờ. Không nên xem chuyện kiếm tiền, đeo đuổi danh, lợi là số một. Hãy xem sự dạy dỗ con cái là việc khẩn trương nhất. Các bạn kiếm ra bao nhiêu tiền cũng không bằng dạy dỗ con em mình cho thật tốt. Bởi vì nhờ đó mà các em sẽ biết thế nào là đạo làm người, thế nào là giữ gìn thân thể này. Do vậy, giai đoạn mà các em còn ở trong nhà, chưa nhập học, thì việc giáo dục cũng là trách nhiệm của cha mẹ.

Tới khi các em cắp sách đền trường thì các trường học là khuôn mẫu. Các thầy các cô phải tự mình làm gương cho các em, để gây ảnh hưởng khiến các em biết thế nào làm người có phẩm hạnh đức độ, biết làm sao hiếu thảo với cha mẹ, biết làm sao kính trọng bậc trưởng thượng. Ngay từ đầu mình phải dạy các em đạo hiếu. – Vạn Phật Thánh Thành, trường tiểu học các thầy cô hết lòng dạy các em hiếu thảo với cha mẹ: rằng các em phải thay cha mẹ làm việc nhà, chìu theo ý tứ, vâng lời cha mẹ. Do đó khi các em bãi học về nhà, cha mẹ các em vô cùng sung sướng.

Các thầy cô nên lấy tinh thần “Ðược bậc anh tài trong thiên hạ để mình dạy dỗ” làm nghĩa vụ thiêng liêng của mình. Hãy nhận lấy trách nhiệm giáo dục em trẻ, dạy dỗ sao cho các em không hút thuốc, không uống rượu, không nghiện ma túy, không làm việc nam nữ loạn luân. Mình phải từ nơi đây mà tiến hành.


Vài Nét Về Vạn Phật Thánh Thành

Hằng Lý

Từ lâu ý nghĩ của tôi, cũng như các huynh đệ muốn giới thiệu sơ về đời sống tu học tại Vạn Phật Thánh Thành để các vị đồng tu ở xa có thể hiểu phần nào về Thánh Thành. Mãi đến nay mới có cơ hội. Tuy nhiên điều mắt thấy tai nghe không thể nào kể hết được, chỉ xin ghi lên đây ít điều giúp chư vị du lịch Thánh Thành qua những giòng chữ đơn sơ này.

Vạn Phật Thánh Thành hầu như rất nhiều người đã nghe đến và cũng lắm người hữu duyên đặt chân đến. Ðối với đời Mạt Pháp hiện nay rất hiếm có đạo tràng tu hành thanh tịnh. Ðó cũng là một trong những điều khó mà đức Phật thường nói : ‘Nan kiến hảo đạo tràng’. Ðạo tràng tốt không phải là cao sang mỹ lệ, lầu các nguy nga, để cho người thưởng ngoạn, chụp hình. Mà đạo tràng tốt là chỗ để kẻ thành tâm, chân thành tu hành : Nơi mà tiếng kệ lời Kinh không dứt đoạn; ngày đêm sáu thời luân phiên tụng niệm, lễ bái, tham thiền. Ai muốn tu pháp môn nào cũng đều có cả; nào niệm Phật, trì chú, tham thiền, lạy Phật, sám hối v.v.. đầy đủ mọi căn cơ, mọi Pháp môn. Và đặc biệt ở đây không phân biệt người Tây phương, người Hoa, hoặc người Việt … Ai muốn tu gì cũng được, đầy đủ mọi điều kiện, tiện nghi; từ chỗ ăn, chỗ ngủ, tới chỗ tu hành. Người tu khỏi lo việc gì cả, chỉ có điều là quý vị nào muốn tu thì hãy gác chuyện nhà, buông bỏ việc thế tục trước khi bước vào cổng Thánh Thành. Khi vào Vạn Phật Thánh Thành quý vị không còn cơ hội nghe việc thế tục, thị phi nữa; hầu như cũng không có ai rảnh, cũng không có ai hứng thú bàn việc đời chuyện thế với quý vị. Ai nấy suốt ngày đều lo tu, lo học, lo làm công quả. Họ đều có thời gian ở đây quý báu vô cùng. Nhiều vị đến rồi không muốn đi. Vì sao ? vì họ thích tu, thích cảnh thanh tịnh, không muốn bon chen, lăn lộn với đời. Ðời là bể khổ, còn ở đây đất thanh tịnh; mảnh đất thanh tịnh để cho những ai muốn thoát sanh tử luân hồi, vãng sanh cõi Phật.

Nghe đến tên Vạn Phật Thánh Thành tôi cảm thấy lòng bớt phiền não. Nếu ai nghe và đọc nó cũng gieo được nhân duyên với Phật Pháp. Vì đức Phật có nói rằng : ‘Nếu người nào chỉ cần nói một tiếng ‘Phật’ hoặc ‘Nam mô Phật’ thì người đó tương lai sẽ được Phật cứu độ và giải thoát. Có câu chuyện rằng : Thuở xưa có một chàng thanh niên, không biết gì về Phật Pháp, đang lúc đi vào rừng bị một con cọp hung dữ chạy rượt muốn ăn thịt anh ta. Anh ta hoảng hốt, sợ hãi, vội trèo lên cây trốn. Vì quá sợ anh luống cuống chỉ biết kêu lên một tiếng ‘Nam mô Phật’. Trải đến thời gian lâu xa đến thời kỳ đức Phật Thích Ca, anh ta nhờ nhân duyên niệm một tiếng ‘Nam mô Phật’ mà được Phật Thích Ca độ cho giải thoát.

Vạn Phật, tức là 10,000 vị Phật, cũng có nghĩa là vô biên vô số vị Phật, còn chữ Thánh là các bậc Thánh nhân, chư vị Bồ Tát, A-La-Hánh. Vậy niệm lên há không phải là gieo nhân duyên với Phật Pháp sao?

Vạn Phật Thánh Thành lấy lục đại tông chỉ làm căn bản: không tranh, không tham, không truy cầu, không ích kỷ, không tư lợi và không vọng ngữ. Ðặc biệt, các em học sinh, sinh viên lớn nhỏ đều không hút thuốc, không rượu chè, không xem truyền hình, cho đến các Phật tử cũng thế. Ở đây Tăng, Ni nam nữ đều sống riêng biệt, không chuyện trò với nhau.

Có nhiều người khi đến chùa họ hay nói chuyện đời, việc danh lợi, thị phi, phiền não, thậm chí nhiều cô cậu trẻ đến chùa để tìm ý trung nhân, chứ không phải lên chùa để tu. Nếu vậy, các vị ấy sẽ thất vọng lắm khi tới chùa đây. Có nhiều người độc thân, hoặc có vợ có chồng, đến đây trong khoảng một thời gian ngắn thì xin xuất gia tu đạo, nguyện sống đời tu hành thanh tịnh. Cũng có người xuất gia chưa được bao lâu lại hoàn tục, cho rằng tu ở đây quá khổ. Tuy nhiên, đâu có gì là khó, bởi vì việc tu ở đây chỉ là nối tiếp truyền thống của Phật xưa kia, và vô số người tu đạo đều làm đặng. Người quan niệm tu khổ vì họ chưa có cơ hội tìm hiểu sâu xa, cơ hội thích ứng và lòng nhẫn nại. Ở đây, mỗi ngày chư Tăng Ni chỉ ăn một bữa trưa. Khi chưa quen với một bữa cơm, bạn sẽ thấy đói lắm, khi quen rồi thì bạn sẽ thấy sao dễ dàng quá! Dầu một song chư Tăng sức khỏa đều đầy đủ. Chư Tăng Ni đa số đều phát nguyện ngủ ngồi, đêm ngủ khoảng bốn tiếng, 3 giờ rưỡi thức dậy, 4 giờ khóa lễ công phu sáng. Ngủ ngồi nếu tập được rất lợi như : ngủ ngồi khiến lòng tiết dục, giảm bớt khởi nghĩ tưởng điều xấu xa, tinh thần luôn tỉnh táo. Nhất là khi thức dậy, tinh thần minh mẫn hơn ngủ nằm. Trước hoặc sau khi ngủ có thể ngồi thiền tại chỗ. Và khi đi đâu xa, nhất là trường hợp đông người, phòng xá chật hẹp, khỏi phải lo về vấn đề chỗ ngủ. Nếu so sánh với thời xưa lúc Phật Tổ tu hành việc độ ngọ, ngủ ngồi đời nay thật quá sung sướng gấp trăm gấp ngàn lần. Xưa kia Phật Tổ phải đi khất thực, từ sáng đến trưa, thậm chí có ngày không được cúng dường, các Ngài phải nhịn đói. Còn bây giờ cơm canh có sẵn tại chùa. Song le của đàn na tín thí dâng cúng, để tạo điều kiện cho chúng ta khỏi mất thời giờ đi khất thực, chuyên tâm tu tập, phụng sự ngôi Tam Bảo. Nếu ăn không ngồi rồi, thì muôn kiếp phải trả, nên cổ nhân nói :

‘Thí chủ nhất lạp mễ
Trọng nhược Tu Di Sơn
Thực liễu bất tu đạo
Bì mao đãi giác hoàn.

Nghĩa rằng:
‘Hạt gạo thí chủ cho
Nặng bằng núi Tu Di
Ăn xong chẳng tu đạo
Ðeo sừng, đội lông trả’.

Còn ngủ thì thời xưa nhiều vị Thánh Tăng ngủ dưới gốc cây, hoặc ở nghĩa địa, chịu sương, chịu gió. Quý Ngài xem thân mạng nhẹ như sợi lông. Các Ngài ngày đêm chuyên cần hành đạo, trau giồi trí tuệ để thoát sinh tử luân hồi. Thời nay Vạn Phật Thánh Thành cũng muốn noi gương duy trì sự khổ hạnh của thời chư Phật, Tổ Sư xưa kia. Vả lại thời bây giờ ngũ dục quá thạnh hành, nếu thực hiện được lối tu khổ hạnh này thì sẽ diệt trừ đặng ngũ dục. Sở dĩ Tăng Ni ở đây tu khổ hạnh là nhờ có tấm gương của Hòa Thượng Tuyên Hóa, người sáng lập ra Vạn Phật Thánh Thành. Ngài là vị kế thừa vị Hòa Thượng Hư Vân bên Trung Hoa. Cuộc đời ngài Hòa Thượng Tuyên Hóa rất phi thường. Ðức độ và đạo hạnh của Ngài rất ít có trong đời Mạt Pháp bây giờ. Ngũ dục chẳng động tâm Ngài. Thành, bại, được, mất chẳng bận lòng Ngài. Lòng từ bi của Ngài vô hạn, phổ độ tất cả kẻ ác, người lành. Ðại nguyện của Ngài sâu rộng vô biên, cứu vớt tất cả kẻ khổ đau, thành tựu tất cả người tu hành. Những ai chân chánh phát tâm tu hành, Ngài đều hộ trì dẫn dắt khiến cho thành tựu đạo nghiệp.

Ðặc biệt tại Vạn Phật Thánh Thành, Kinh điển rất phong phú. Ngoài Tam Tạng Kinh Ðiển ra còn có rất nhiều Ngữ Lục, Thánh điển bằng Hán ngữ của các vị Thánh Tăng, các vị Tổ, Kinh bằng tiếng Anh cũng khá nhiều. Nhưng tiếng Việt quá ít. Mong sao trong tương lai có nhiều vị thiện trí thức đến đây tu học và góp phần phiên dịch Kinh điển ra Việt ngữ để cống hiến cho dân tộc Việt ta. Nguyện cùng chia xẻ hương vị giáo pháp, cùng nhau sách tấn tu hành giải thoát và giác ngộ.

 


Cảm Nghĩ Về Thất

Hằng Bồ

Vừa rồi Vạn Phật Thành có Quán Âm Thất và tháng 12 tới sẽ có Phật Thất A Di Ðà. Ðây là những dịp tốt để chúng ta dụng công lạy Phật, niệm danh hiệu Phật, Bồ Tát và quán tưởng hạnh nguyện của các Ngài qua các bài kinh, kệ, tán. Cũng là dịp để mọi người quán chiếu lại tâm đạo của mình mà tinh tấn hơn nữa trong sự tu hành. Bởi vì mình dụng công tu hành là định tâm để không khởi lên các vọng niệm. Việc này đòi hỏi thời gian lâu dài. Mặc dầu biết vậy nhưng tâm mình lại không được bền bỉ. Tinh tấn vài ngày lại sanh ra lười. Mỗi khi gặp chướng duyên lại thối chí và sinh ra giải đãi. Bởi vậy mình cần tham gia thất để khơi lại những tâm ban đầu lúc mới tu hành, vì những tâm này thường dũng mãnh và thành khẩn mong cầu Ðạo. Như một người chạy một đoạn đường dài mệt mỏi mong có được một ngụm nước. Khi được uống nước, người tỉnh táo trở lại và cảm thấy có thể tiếp tục được đoạn đường còn lại của mình. Cùng cách ấy, Thất là trạm tiếp sức cho chúng ta để được hưởng hương vị ngọt ngào, mát mẻ của Phật Pháp, ngõ hầu để tiếp tục đoạn đường dài trước mắt.

Trước đây tôi thường nghe tham dự thất để đạt được trí tuệ hay liễu ngộ Ðạo mà chẳng hiểu rõ tại sao? Cứ tưởng rằng mình sẽ ngồi tham thiền và nghĩ ra được những điều gì ghê gớm lắm mà không hiểu rằng trí huệ chẳng qua là sự thay đổi trong suy nghĩ của mình để có thẻ dùng được cái tâm diệu dụng của tự tánh. Cũng như người đần độn muốn lấy đồ bằng cái mu bàn tay thì làm sao được? Chỉ cần biết làm xoay bàn tay trở lại thì có thể cầm nắm mọi thứ một cách dễ dàng. Mu bàn tay có thể ví như sự si mê của mình bây giờ. Còn trí huệ có thể ví như lòng bàn tay giúp ta đạt được mọi việc dễ dàng. Muốn thay đổi sự suy nghĩ của mình không phải dễ vì từ bấy lâu nay mình đã quen sống với những lối suy nghĩ này và cho như vậy là đúng. Thật ra cái đúng này chỉ là sự thể hiện ở bên ngoài của cái bản ngã. Muốn thấy cái ngã để loại bỏ không hơn bằng tham dự các Thất. Vì trong thất mọi người đều tinh tấn dụng công nên mình vì thế cũng không thể giải đãi. Có đau cũng phải ráng lạy, có mệt cũng không dám bỏ câu niệm, có lạnh đói khát cũng không chịu nghỉ. Những lúc phải ráng sức như vậy tâm ta thường nảy ra những tư tưởng lo sợ cho cái thân xác hay bản ngã của mình. Mình cảm thấy đau chân và không muốn lạy nữa. Cảm thấy đói, khát, lạnh và muốn nghỉ dưỡng sức. Nếu chịu vượt qua những vọng niệm khởi lên do sự lo sợ của bản ngã và tiếp tục dụng công, mình sẽ ngạc nhiên và sẽ thấy rằng những vọng niệm này quả thật là hư vọng, giả dối. Cái thân xác tạm bợ này chỉ là cái bọc da bị chi phối bởi những vọng tưởng của mình. Nếu mình nghĩ chân đau thì sẽ thấy đau. Nếu nghĩ mình mệt không tiếp tục lạy được thì mình sẽ chẳng thể nào lạy được. Ngược lại nếu mình có đủ ý chí, không nghĩ đến cái đau thì mình có thể dụng công cả ngày mà không thấy có gì trở ngại hay không thể được. Thật đúng như câu :

‘Vạn sự do tâm tạo.’

Có kinh nghiệm qua như vậy mình mới dần dần bỏ cái chấp vào thân xác này, và không còn lo lắng quá đáng cho nó nữa. các Tổ thường bảo có chịu khổ cực thì mới mong đạt được tí trí tuệ, quả không sai. Tại sao mình có thể chịu được khổ cực? Có phải rằng vì mình đã bớt chấp vào thân xác này nên có khổ mà không có người thọ khổ? Những lúc định tâm được như vậy, bản ngã vắng mặt. Mình được tự tại trong lúc đó. Bản ngã mà vắng mặt thì trí tuệ hiện tiền. Càng định tâm được nhiều mình càng được tự tại, cho đến khi tâm mình dao động, nảy lên ý tưởng không thể chịu đựng được nữa. Ðó là lúc bản ngã trở lại nên mình lại thọ khổ. Người đời vì tâm luôn điên đảo, không định tâm được nên có tướng ngã và vì vậy, do các niệm mình tạo ra, mà thọ khổ triền miên. Ðối với các cư sĩ tại gia bận trăm ngàn việc, tâm sự ngổn ngang, đủ thứ ràng buộc, e rằng muốn buông bỏ mọi việc để tu ở nhà không phải là một việc dễ dàng. Bởi vậy Phật Thất được đặt ra để hành giả được thảnh thơi buông bỏ mọi sự mà dụng công quán chiếu tâm mình. Hoàn cảnh tốt vì mọi người đều tinh tấn, mọi việc ăn uống ngủ nghỉ đã được sắp xếp chu đáo. Và mỗi ngày lại được nghe mưa pháp cũa Hòa Thượng, các Thầy Cô hoặc nghe các bạn đồng tu kể lại kinh nghiệm tu trì. Như vậy các bạn còn chờ gì nữa không buông bỏ mọi sự để dự Thất, để thật sự dụng công.


 

Mười phương pháp tu hành thực tiển dành cho chư tăng ni hay bậc tu Bồ Tát hạnh

Trích Bồ Ðề Hải số 30, tháng 1-2/97

Ðây là mười phương-pháp dạy trong kinh Hoa-Nghiêm, nơi phần Trị-Ðịa-Trụ ở phẩm Thập Trụ. Thật sự ra phương-pháp này không hạn cuộc nơi chư Tăng Ni, mà dành cho mọi người tu Bồ-Tát Hạnh, tại gia và xuất gia. Song nói rằng dành cho chư Tăng Ni là bởi chư Tăng Ni có điều kiện, nhân duyên thù thắng để thực hiện phương-pháp này. Ðồng thời, sinh-hoạt của tăng chúng là sinh-hoạt hướng về sự giác-ngộ, phù-hợp hoàn-toàn với mười phương-pháp của kinh nêu ra. Phương-pháp ấy như sau:

1. TỤNG TẬP ÐA VĂN

Tức là học hỏi sâu rộng Phật-Pháp. Học để biết rõ Phật-lý, chân lý. Học để tài bồi đức-hạnh. Do đó đối tượng của việc học là chân lý, đưa tới sự giải-thoát phiền-não, phá tan sự mê hoặc của bản ngã.

2. HƯ NHÀN TỊCH TỊNH

Ðây là thái-độ tự tại với đời. Nếu “đa văn” có nghĩa là chất chứa những tri-kiến, chuyện thị-phi của thế-gian, thì mình chắc chắn chiêu-cảm lấy đủ chuyện thị-phi, phiền-não ở đời; do đó mình sẽ kẹt trong vòng luẩn quẩn của “việc đời”. Nếu “đa văn” có nghĩa là huân-tập chân lý trong kinh-điển, tiêu-hóa (internalize) đạo lý giải-thoát, thì mình sẽ trở nên tự tại. Bởi thế, hư nhàn tịch-tịnh là thái-độ vứt bỏ chuyện đời, chuyện hơn thua, tranh chấp, chuyện lợi lộc cho mình. Mọi thứ tính toán cho mình đều không phải là nhàn, là tịch.

3. CẬN THIỆN TRI THỨC

Nghĩa là gần gũi những bậc thầy có kiến-địa, giác-ngộ hay giải-thoát. Hoặc gần gũi những bậc thầy có trí-huệ và đạo-đức để dắt dẫn mình tu hành. Bậc thiện-tri-thức phải là bậc đi trước mình nhiều bước trên đường tu, do đó có thể khiến mình phát bồ-đề tâm, dạy mình trưởng dưỡng và thành-thục bồ-đề tâm; cứu giúp lúc mình gặp bế-tắc; chỉ bảo lúc mình còn đầy khuyết điểm. Do gần gũi thiện-tri-thức mình mới thành-tựu được đa văn, tức là nghe nhiều những lời chỉ dạy của bậc thầy.

4. PHÁP NGÔN HOÀ DUYỆT

Nghĩa là nói năng ôn-hoà vui-vẻ. Lời nói chỉ có thể ôn-hoà, duyệt-lạc khi mà tâm mình thật sự ôn-hoà. Do đó mình phải tập thái-độ không tranh: không tranh-chấp vơí ai; bất kỳ việc gì, hãy sẵn sàng nhận lỗi, chịu thua. Không đấu lý, không tự bào chửa. Khi tâm mình không thấy ai là kẻ thù, không có thành-kiến về ai cả, cũng không cho rằng mình hay mình giỏi, cách mình làm việc là độc nhất đúng đắn thì mình rất dễ tự tại, ôn-hoà. Nếu chú ý kỹ mình sẽ thấy có những lúc nhất định nào đó, mình hay thích lên giọng, cộc cằn. Những lúc ấy, trí-huệ hay tâm mình không còn khống-chế làm chủ lời nói nữa, bấy giờ thói quen hư xấu khống chế cái lưỡi mình. Bởi vậy, phải tập lắng nghe lời mình nói, quán-sát và chú ý từng lời, khiến lời không ngược lại với tinh-thần “Bất tranh”.

5. NGỮ TẤT TRI THỜI

Tức là nói cho đúng lúc. Cổ-nhân dạy rằng khi nói chuyện, hãy xem mặt đối phương. Nếu người ta tỏ thái-độ khó chịu, không muốn nghe, buồn-bực thì chớ nói nữa. Gặp lúc đối phương không chú ý, đang bận rộn, đang nói, thì chớ ngắt lời, chớ nói. Biết đối phương không thích, không muốn nghe một đề tài gì đó thì chớ đem nó ra nói, bàn luận. Biết đối phương không có thì giờ đàm luận, thì chớ giông dài. Việc vô-ích, vô nghiã, việc thế-tục thì người tu không nên nói. Người xuất gia nếu thích đàm luận chuyện thế-tục, chuyện tranh-chấp, lợi lộc riêng tư thì chỉ khiến người tại gia khinh thường và chỉ-trích. Chỉ nên nói những việc khiến người nghe phát khởi lòng tin, phát bồ-đề-tâm, hoặc giải-trừ được bế-tắc và phiền-não trong đời sống. Nên tập quán-sát thời-cơ, nhân-duyên rồi hãy phát biểu.

6. TÂM VÔ KHIẾP BỐ

Tức là tâm không sợ hãi , bố-úy. Không sợ hãi rằng pháp quá thâm sâu, mình không thể thọ nhận. Không bố-úy rằng pháp quá khó tu, mình không thể thực-hành. Khi tâm có hy-vọng, có mong cầu thì tâm ấy lúc nào cũng có bố-úy sợ hãi. Bởi vậy tập luyện tâm thái không khiếp-bố là tập luyện tính không cầu. Hễ được dạy pháp nào thì tu pháp ấy, không mong cầu quả báo, không nghĩ tới mình sẽ được lợi-ích gì.

7. LIỄU ÐẠT Ư NGHĨA

Tức là dùng trí-huệ tư-duy, giải đạt thâm nghiã. Ðây không phải là hiểu bề ngoài, hay học thuộc làu. Liễu đạt nghiã-lý tức là thấy được sự thể hiện của nghiã-lý ấy trong cuộc sống. Ví như khi nghiên-cứu đoạn: “Thế-gian vô-thường, quốc độ nguy thuý…” mình cần phải thấy sự vô-thường ấy, không phải chỉ qua mặt chữ, lời văn, mà là qua trực-giác và sự cảm nhận thực tại cảnh vô-thường ở trần-gian.

8. NHƯ PHÁP TU HÀNH

Trong quá trình liễu đạt thâm nghiã, sẽ có những lúc mình không dùng suy nghĩ để hiểu rõ, cũng không thể dùng cảnh-giới bên ngoài để minh chứng, những lúc ấy, đòi hỏi mình phải dùng cảnh-giới thiền-định để giải đáp. Bởi vậy người tu cần phải “Như pháp tu hành” để phát triển năng-lực thấu hiểu chân-lý bén nhạy hơn khả-năng của đầu óc suy tư này. Như pháp có nghiã là làm đúng theo sự chỉ dẫn, đúng với chân-lý, đúng với giới-luật, hợp với đạo đức nhân nghiã. Khi tu không như pháp thì tức là tu không đúng theo lời thiện-tri-thức chỉ dạy, hoặc giả không phù hợp với tinh thần của kinh Phật, hoặc là tự mình sáng tác ra phương-pháp cách thức hoàn-toàn không theo một tiền-đề, hệ-thống hay quy củ, giới-luật nào cả. Có kẻ ở trong chúng nhưng tự mình làm ra vẻ khác biệt, lập dị; Khi không cùng tu, không hoà-đồng với đại-chúng, mình phải quan-sát, xem mình có tu như pháp hay chăng. Hễ như pháp tu hành thì không bao giờ có “cái mình”, “cái tôi” đặc biệt “nổi” hơn kẻ khác cả.

9. VIỄN LY NGU MÊ

Gốc ngu mê là ở lòng dục-vọng, phiền-não, chấp-trước. Khi tu mình hãy nhớ mục tiêu là dứt trừ những thứ ấy. Càng tu phải càng bớt phiền-não, bớt nóng giận, bớt cống cao, bớt dục-vọng. Do đó sẽ thêm sáng-suốt, nên Phật dạy phải “siêng tu giới, định, huệ để dứt trừ tham, sân. si”. Phải để ý năm thứ mà dục-vọng thèm khát nhất: 1/ Tiền tài, vật chất, tivi, video. 2/ Sắc đẹp trai gái: cửa sắc dục mà không thoát được thì tu pháp môn cao siêu tới đâu cũng vô-ích, không thể giải-thoát. Kinh Lăng-Nghiêm dạy: “Dâm tâm không trừ, không thể thoát trần”. 3/ Danh vọng, địa vị, tên tuổi: Mong được kẻ khác cung kính, trọng vọng cũng là hình-thức mê-muội vô cùng. 4/ Ăn uống: Thích ăn ngon, ăn sang cũng là một dục vọng đáng sợ; bởi vì thực dục chỉ là biến hoá từ sắc dục mà ra. 5/ Ngủ nghỉ: Hay nói đúng hơn là lòng ưa thích hưởng thụ, sung-sướng, làm biếng, ngồi không cho qua ngày. Khi lòng ưa thích này biến thành nghiện thì càng nguy hại hơn nữa, ví dụ như ngày nay nhiều người nghiền thuốc, rượu, bài bạc, chơi computer hay xem phim bộ, v.v.. Năm thứ trên đều cần phải lánh xa. Nói về duyên của sự ngu mê thì có lẽ nên nói thêm về những thứ khiến mình nẩy sinh tà-kiến: 1/ Tivi, video với những chương-trình đầy dẫy bạo lực, dâm-dục, ô-nhiễm. 3/ Bạn xấu hay kẻ thiếu tri-kiến về chân-lý; Nếu người bạn có quá nhiều thói hư tật xấu thì khó thể giúp đở, gây ảnh hưởng tốt cho mình, mà mình nếu không đủ trí huệ và phương tiện, cũng không giúp đỡ gì y được.

10. AN TRỤ BẤT ÐỘNG

Tâm chỉ bất động khi nào tâm an-trụ hay thấy được sự thật, chân-lý bất biến. Bởi vậy trong mọi chuyện, mọi việc, mình phải phát-triển con mắt biết thẩm-thấu sự thật hay chân-lý, gọi là Trạch-Pháp-Nhãn. Phải biết nhìn xuyên thủng hiện-tượng hay hình-tướng để biết đặng chân-lý. Khi ấy tâm mình lúc nào cũng an-định, dù ở bất cứ hoàn-cảnh trắc-trở, xáo-động nào đi chăng nữa. Khi tâm không còn bị tình-dục, phiền-não, vọng tưởng quấy nhiễu, thì lúc ấy tâm mới thật sự an-trụ bất động.

Mười phương-pháp trên, đa số đều dùng trí-huệ để dẫn dắt, từ đó khởi thêm lòng đại bi thì mới tới được chỗ viên mãn. Song những phương-pháp trên, có thể nói, vô cùng thực tiễn cho những ai sống trong tùng lâm: cứ tu tập theo chúng thì đường đạo ắt phải tiến-bộ./.


Sáu loại phát tâm tà

Theo Thích Thiền Ba La Mật của Trí Giả Ðại Sư

Trích Bồ Ðề Hải số 31, tháng 3-4/97

Vì lợi dưỡng mà phát tâm thì sẽ nhập địa ngục
Vì danh văn mà phát tâm thì sẽ làm quỷ thần
Vì quyến thuộc mà phát tâm thì nhập vào hàng súc sinh
Do lòng tật đố, háo thắng mà phát tâm thì sẽ làm A tu la
Vì muốn cầu sung sướng tự tại mà phát tâm thì thành ma
Vì muốn có lợi trí, thông minh mà phát tâm thì làm ngoại đạo
Ðây là tấm gương để ta phản tỉnh về hành vi và động cơ phát tâm của mình. Mình chớ trách Phật Bồ tát hoặc pháp tu không linh nghiệm, mà nên tự hỏi lòng xem mình đã chính hay chưa.

Những Chấp Trước Ðưa Vào Ðường Tà

Trong khi hành giả đang trên đường tu hành, hãy cẩn thận những thái độ sau đây:
Phá tịnh giới, phá chính kiến, phá oai nghi, phá chính mệnh, thì tức là đã đi sai đường chính.
Không tin vào nhân quả, không phụng trì ngũ giới thập thiện, huỷ báng giới luật và phật pháp, thì tức là đã đi sai đường chính.
Chấp trước vào việc thấy hoa, thấy hào quang, thấy Phật, thấy Bồ tát, thấy dị tướng, hoặc thấy qủy thần,… thì tức là đã đi sai đường chính.
Trong hành vi, thái độ và suy nghĩ vẫn không giảm thiểu (hoặc càng tăng trưởng) tính tham lam, giận dữ ác độc, kiêu ngạo tự đại, không chịu sữa đổi kiến giải sai lầm, thì tức là đã đi sai đường chính.
Tự xưng là thánh, tự cho là đặc biệt hơn người, là thần nhân tái thế, là đã chứng đã đắc, đã giải thoát, thì tức là đã đi sai đường chính.
Ðây là cái gương soi, để mình tự phản chiếu chính mình và chiếu soi tà ma ngoại đạo, những kẻ giả mạo hay ngụy xưng.