Chinese and English | Vietnamese

Pháp Vũ Tâm Đăng Chiếu Cổ Kim

法雨心燈照古今

Mưa Pháp Đèn Tâm Chiếu Cổ Kim

(phần 24)

Bài nói chuyện của Hòa Thượng Tuyên Hóa vào tháng 12, 1974 tại tại Sài Gòn, Việt Nam nhân chuyến viếng thăm châu Á từ mùa đông 1974 đến mùa xuân 1975

Trích dịch từ Nguyệt San Vajra Bodhi Sea, số tháng 6, 2007, trang 22-23
(Shramanerika Jin Jing dịch sang Anh ngữ)

Xem Thêm: Hoằng Pháp Tại Việt Nam

Mãi đến năm 1962 tôi mới có đủ nhân duyên đến nước Mỹ với hy vọng mang đạo Phật đến với người phương Tây. Vào lúc đó, chỉ có vài người Mỹ quyết định xuất gia làm Tỳ kheo. Kể từ năm 1968 đến nay, chúng tôi bắt đầu công việc phiên dịch Kinh Phật. Chúng tôi đã làm việc cực lực trong nhiều năm. Chúng tôi đã làm việc đó rất trung thực và vì vậy chỉ có một số ít người biết chùa Kim Sơn làm công việc dịch Kinh. Bây giờ có nhiều người phương Tây đã thật sự xuất gia. Có lẽ Kinh do các vị này phiên dịch thì chính xác hơn. Trong quá khứ, Kinh cũng được dịch, có thể do một linh mục theo đạo Cơ đốc giáo hay một mục sư Tin Lành, hoặc do một học giả hay một vị giáo sư đại học phiên dịch ra. Họ dịch các Kinh Phật như là người bên ngoài đạo Phật. Kết quả là tính chính xác trong các tác phẩm dịch của họ thì không bảo đảm. Nhiều lần họ chỉ hiểu một vài thuật ngữ và phạm nhiều lỗi khi phiên dịch. Ví dụ một giáo sư đại học đã dịch từ lưỡng túc trong Kinh Pháp Hoa ra là “hai chân” thay vì phải dịch là “đầy đủ phước huệ”. Phần phiên dịch của ông ta đã làm cho câu “quy y lưỡng túc tôn” ra thành “quy y vị Phật có hai chân”. Tại sao ông ta không dịch luôn là “quy y với vị Phật có hai tay” hay “quy y với vị Phật có cái đầu” cho rồi? Ý nghĩa khác xa một trời một vực!

Tôi tin tất cả các vị đã biết lịch sử của đạo Phật ở Trung Hoa. Trong quá khứ Pháp sư Huyền Trang và Pháp sư Cưu La Ma Thập đã phiên dịch Kinh điển trong một tự viện thuộc triều đình nhà vua, nơi đó đã có ít nhất 800 người cùng tham gia công tác phiên dịch. Lúc nhiều nhất, có đến hơn 3.000 người tham gia vào công việc phiên dịch vĩ đại và thiêng liêng này. Vì đó là cố gắng của một tập thể nên Tam tạng gồm 12 bộ Kinh điển do đức Phật  thuyết đã được phiên dịch hoàn chỉnh. Tam tạng gồm có Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng. Kinh tạng bao gồm bất cứ điều gì do chính đức Phật thuyết ra trong khi Luật tạng bao gồm giới luật. Luận tạng là tất cả các bản luận giải về Kinh điển. Một vị giáo sư đại học có lần đã dịch chữ Tam Tạng có nghĩa gốc là Ba Kho Tàng hay Ba nhà kho chứa đựng các lời dạy của đức Phật ra thành “ba điều được dấu kín” (Ghi chú của dịch giả bản Anh ngữ: chữ Tạng trong tiếng Trung Hoa vừa có thể là một động từ, lúc đó được phát âm là Tàngcó nghĩa là “giấu kín” hay “che giấu”.)  Ông ta cho rằng “Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng cần phải được che giấu không để cho mọi người biết”. Quý vị có nghĩ đó là một sai lầm không? Phần dịch này do một vị giáo sư đại học thời nay dịch. Ông ta cũng giải thích về 12 bộ kinh điển (Thập Nhị Bộ Kinh: Mười hai chủng loại Kinh điển) trong Tam tạng Kinh điển như sau: Kinh Pháp Hoa là một bộ. Kinh Kim Cang là một bộ. Kinh A Di Đà lại là một bộ khác v.v… Bằng cách này, ông ta hình thành nên 12 bộ kinh điển. Cách làm này lại là một sai lầm nữa. Đó là lý do tại sao khi phiên dịch Kinh điển ở Trung Hoa, có đến hàng trăm, hàng ngàn người cùng sử dụng nhãn quan và trí tuệ của mình để quán chiếu nghĩa các câu Kinh. Sau đó, họ cùng quyết định nhan đề hoặc nghĩa của kinh và sau đó không sửa đổi nữa. Tuy nhiên, dịch giả chẳng hạn như các vị giáo sư đại học, các linh mục hay các mục sư Cơ đốc giáo chỉ sử dụng có cặp mắt, cái đầu của riêng mình khi phiên dịch Kinh. Về căn bản họ cũng phiên dịch Kinh, tuy nhiên, họ lại dịch theo ý của họ. Thỉnh thoảng, “cái đầu” sẽ được họ dịch là “cái chân”, còn “cánh tay” lại được họ dịch là “cái chân”; lỗi khi phiên dịch là điều không thể tránh khỏi. Do vậy, khi tham gia công việc phiên dịch, chúng ta nên đoàn kết mọi người lại cùng hợp tác làm việc. Khi một quốc gia phiên dịch Kinh ra ngôn ngữ của chính nước đó, nhiều người nên tham gia vào công việc này để công việc dịch này không còn bị phụ thuộc vào khả năng của chỉ một người.

Nếu mỗi quốc gia đều quan tâm và muốn dịch Kinh Phật ra ngôn ngữ của nước họ, tôi hy vọng chúng ta có thể tổ chức và dịch kinh ra nhiều thứ tiếng. Đó là hy vọng của tôi đối với nền Phật học hiện tại – tự chúng ta đứng ra tổ chức phiên dịch kinh. Chúng ta là những Phật tử nên gánh vác việc truyền bá đạo Phật mà không nên tự mình hạn hẹn trong phạm vi nhỏ hẹp của đất nước mình. Chúng ta nên đoàn kết lại thành một, không phân chia tông, phái hay thậm chí không phân chia Bắc tông hay Nam tông. Chúng ta là toàn thể, chứ không chỉ là một bộ phận riêng lẻ. Chúng ta nên gách vác trách nhiệm của mình đối với đạo Phật. Đừng tự cho rằng mình không quan trọng. Mọi người nên phát nguyện làm cho chánh Pháp tồn tại trên thế gian này mãi mãi và Pháp Phật sẽ không bao giờ bị suy tàn.

Thời kỳ Mạt Pháp nghĩa là gì? Thời kỳ Mạt Pháp do con người tạo ra. Nếu quý vị nghĩ đó là thời kỳ Mạt Pháp thì đó là thời kỳ Mạt Pháp. Nếu quý vị thực hành Chánh Pháp thì Chánh Pháp sẽ hưng thịnh. Tất cả điều đó tùy thuộc vào mỗi cá nhân chúng ta, không phải tùy thuộc vào Pháp. Pháp vô phân biệt là mạt hay hưng thịnh. Quý vị không nên tự mình không biết xấu hổ bào chữa rằng: “Phật pháp đâu có dính dáng gì đến tôi!”. Vì chúng ta là Phật tử, chúng ta nên làm mọi thứ vì đạo Phật. Bất cứ điều gì cần làm, chúng ta nên làm đến cùng. Mọi người nên có trách nhiệm và đó là một trách nhiệm thiêng liêng, một trách nhiệm vĩ đại, một trách nhiệm vô giá. Mỗi Phật tử chúng ta nên tiến lên thay vì lùi bước, nên hy sinh vì đạo Phật. Đó mới là điều vô giá thật sự.

Tôi muốn chỉ cho quý vị biết một quyển kinh mà chúng ta phải học. Kinh này là tấm gương chiếu yêu, một chày đập nát yêu ma và là thanh gươm chém loài ma quỷ. Đó là Kinh Lăng Nghiêm giúp chúng khai mở trí tuệ. Tuy nhiên, kinh này đã bị các học giả khắp thế giới phản bác. Tại sao? Họ tuyên bố rằng Kinh Lăng Nghiêm là ngụy tạo và không đáng tin cậy. Thế tại sao chúng ta lại phải nghiên cứu kinh này mặc dù họ bảo kinh này không đáng tin cậy? Bởi vì kinh này chứa đựng những điểm vô giá đáng cho chúng ta học tập. Kinh này chỉ ra các tà tri tà kiến mà các tà giáo và ngoại đạo rõ ràng diễn giải không đúng với Phật pháp. Vì vậy, đó là lý do tại sao kinh này là tấm gương chiếu yêu, chày đập nát yêu ma và là thanh gươm chém ma quỷ. Nếu mỗi người chúng ta hiểu rõ Kinh Lăng Nghiêm, thì bọn thiên ma và ngoại đạo sẽ tự nhiên biến mất và chiến tranh trên thế giới sẽ giảm bớt. Hơn nữa, tất cả nhân loại sẽ lại được hòa bình trở lại. Do vậy, kinh này là trọng yếu nhất.

Quý vị nên biết điều đó không thật sự dễ đâu. Nhiều học giả ngày nay không muốn bỏ các thói quen cố hữu của họ. Họ hút thuốc, uống rượu và chính họ tham gia vào việc hành lạc trong khi đồng thời họ lại chạy đuổi theo những phẩm vị cao trong đạo Phật, và hy vọng có thể thành Phật. Họ xem thường người xuất gia và phê bình những vị tăng ni kém học thức. Đó là kinh nghiệm mà tôi có được. Có thể trường hợp này không có ở Việt Nam, nhưng ở Mỹ điều này xảy ra rất nhiều. Vị giáo sư này am hiểu Phật học, còn vị giáo sư kia đã khai ngộ. Một lần tôi đã hỏi họ, “Ngài khai ngộ cái gì? Có phải là khai ngộ của bò hay chó? Dĩ nhiên ngài đã đạt được sự khai ngộ của một loài súc vật.” Đó là cách tôi đã quở trách họ và họ không trả lời. Chúng ta nên học Kinh Lăng Nghiêm, cùng nhau nghiên cứu tỉ mỉ và hiều thấu nó. Đây là một vấn đề hệ trọng nhất.

Tại sao chúng ta nên nghiên cứu Kinh Lăng Nghiêm? Vào thời Mạt pháp, Kinh Lăng Nghiêm sẽ là bộ kinh Phật đầu tiên bị biến mất. Tại sao kinh này biến mất? Đó là vị sự chỉ trích của các học giả, thậm chí người xuất gia cũng sẽ không còn tin vào bộ kinh này nữa. Họ sẽ nói: “Giáo sư tên gì đó nói rằng kinh này không chính thực. Thế học kinh này để làm gì?” Vì thái độ này, kinh này sẽ biến mất khỏi thế gian này. Đó là kinh đầu tiên biến mất. Chúng ta người xuất gia và Phật tử tại gia nên bảo vệ kinh này để không bị mất đi. Chừng nào Kinh Lăng Nghiêm còn, loài yêu ma sẽ còn lẫn trốn. Ngay khi Kinh Lăng Nghiêm biến mất, tất cả thiên ma và ngoại đạo sẽ xuất hiện! Mọi người nên thấu hiểu điểm này. Ở Trung Hoa, có một vị Đại Sư tên là Trí Giả (Wise One). Vị này khi vừa nghe đến tên của Kinh Lăng Nghiêm đã bắt đầu hướng về xứ Ấn Độ lễ lạy. Ngài đã lễ lạy như vậy suốt 18 năm trời hy vọng có thể nhìn thấy quyển kinh này, nhưng cuối cùng ngài vẫn không bao giờ nhìn thấy kinh này. Đó là điều đáng tiếc trong cuộc đời ngài! Bây giờ chúng ta gặp được kinh này, chúng ta phải nổ lực truyền bá sao cho kinh này chiếu sáng khắp Pháp giới. Chúng ta nên thông minh hơn là ngu đần. Chúng ta nên hoằng dương đạo Phật khắp toàn cầu.

Tuy nhiên chúng ta vẫn cần phải hồi quang phản chiếu. Chúng ta cũng nên luôn luôn nhận ra lỗi lầm  của chính mình, chứ đừng lo “giặt dùm áo người”. Đừng có cư xử giống như một cái máy giặt đồ. Bất kỳ vết dơ nào trên người khác, chúng ta nhận ra chúng đầu tiên. Tôi có vài lời rất hiệu nghiệm muốn nói cho quý vị nghe. Nó không phải là một bài chú, nhưng rất linh nghiệm như một bài chú vậy. Đó là cái gì? Tất cả các Phật tử nên hồi quang phản chiếu. Chúng ta nên nhìn lại chính mình và nhận ra sự thật rằng trong quá khứ chúng ta đã từng là những đệ tử không chân thật của Phật Thích Ca Mâu Ni và đã không nghe theo lời dạy bảo của Ngài. Chúng ta nên “chân thật nhận ra lỗi lầm của chính mình và không nên bình phẩm lỗi lầm của kẻ khác”. Chúng ta phải nhận ra lỗi của chính chúng ta; không được phê phán lỗi kẻ khác và không được xoi mói vào các vấn đề của kẻ khác. Vì theo giới luật, nếu quý vị bình phẩm về lỗi của tứ chúng, quý vị đã phạm giới. Vì vậy, đừng có đeo mắt kính đỏ rồi thấy người khác màu đỏ qua lăng kính của mình. Khi quý vị mang mắt kính xanh, quý vị nhìn thấy người khác màu xanh. Tóm lại, nhìn lỗi người mà không nhìn lỗi của chính mình là hành động giống như của một máy chụp hình, máy chỉ có thể chụp ảnh của người khác. Là một máy chụp hình, quý vị không thể quay ánh sáng lại và chiếu vào chính quý vị. Dầu quý vị là người xuất gia hay người tại gia: không nên là một máy chụp hình. Quý vị cần phải hiểu chính mình và không phê bình lỗi của người khác. Quý vị nên nghĩ rằng “lỗi người cũng là lỗi mình”. Tôi thấy anh ta như là chính tôi vậy, làm thế nào tôi có thể nói xấu về các lỗi lầm của người ấy được? Nếu quý vị có thái độ như vậy, quý vị sẽ không phê bình các lỗi của anh ta. Điều này được gọi là “đồng thể đại bi”. Chúng ta nên nhìn thấy mọi người đều bình đẳng; “nhìn thấy người và ta như nhau là đại bi chân thật”. Có câu nói: “Đại bi không duyên, Đại từ cùng thể” (Vô duyên đại từ, đồng thể đại bi: Đại bi với kẻ không có duyên với mình, đại từ xem tất cả đồng thể với mình). Nếu quý vị nghĩ được như vậy, quý vị hoàn toàn là một đệ tử chân thật của Phật Thích Ca Mâu Ni và sẽ thành Phật trong tương lai. Nếu quý vị có thái độ này mà không thể thành Phật, tôi sẵn sàng bị đọa vào địa ngục mãi mãi.

Tôi vẫn còn vài điều muốn nói nữa nhưng thôi hãy dừng ở đây. Nếu quý vị còn muốn nghe tôi nói nữa, có thể quý vị sẽ lại nghe tôi nói trong giấc mơ của quý vị. Tôi sẽ lại kết Pháp duyên với quý vị tại Trung tâm Phật giáo vào lúc 8 giờ 30 phút sáng mai. Từ 4 giờ cho đến 6 giờ chiều, tôi sẽ gặp quý vị tại chùa Xá Lợi. Ai trong quý vị muốn nghe tôi nói chuyện trong giấc mơ thì có thể đến đó.

Sài Gòn, Việt Nam, tháng 11 năm 1974