Chinese and English | Vietnamese

SINH TỬ TRONG ĐƯỜNG TƠ KẺ TÓC

 Bài nói chuyện của Sư Cô Hằng Quân vào ngày 23 tháng 3, 2003 tại Chánh điện Vạn Phật Thánh Thành

Fanny Chou dịch sang Anh ngữ. Varja Bodhi Sea, March 2004.

Hòa Thượng Tuyên Hóa đã viếng Việt Nam hai lần. Vào tháng Mười Một năm 1974, Ngài tới Việt Nam lần thứ hai, dùng tất ​​cả tâm huyết khuyên mọi người ​​cả​i ác hướng thiện, nhanh chóng niệm Phật, nhanh chóng tu hành. Nhưng có bao nhiêu người thấu hiểu nỗi khổ tâm của Ngài? Không lâu sau đó Việt Nam bị thất thủ. Lúc ấy có một cư sĩ đang ở Việt Nam, mãi cho đến nay, mỗi khi nghĩ đến tình hình Việt Nam thất thủ lúc đó​, trong tim bà vẫn còn nỗi kinh hoàng. Bà rất biết ơn Đức Quan Thế Âm Bồ Tát đã cứu mạng toàn gia đình bà được bình an, thoát hiểm rời khỏi Việt Nam.

Chồng bà từng làm việc trong Bộ Ngoại giao, là Bí thư của Đại sứ Đài Loan tại Việt Nam. Hôm đó có một nhóm người đến từ Đài Loan bị giữ lại tại phi trường Việt Nam và họ cần người thông dịch để ra khỏi phòng quan thuế phi trường. Tòa Đại Sứ Đài Loan tại Việt Nam nhận được cuộc điện thoại khẩn cấp từ phi trường, nhờ nhân viên ngoại giao nhanh chóng đến phi trường giúp việc thông dịch. Vị Đại Sứ hạ lệnh cho chồng bà đi, nhưng chồng bà nói: “Không được, không được, ông Đại Sứ à, tôi đang làm việc với một số hồ sơ khẩn cấp, tôi không thể đi được.” Vị Đại Sứ nói: “Không sao đâu, chuyện này rất cấp bách, còn khẩn cấp hơn những hồ sơ ông đang làm nhiều. Thế này nhé, ông hãy dùng xe tôi để đi, xe đó có đặc quyền của Đại Sứ, có thể lưu hành không bị ngăn chặn. Nhóm người đó bị lưu lại tại phi trường, ra vô đều không được. Ông đi nhanh lên!” Vì thế chồng bà không thể không bỏ dở số hồ sơ khẩn cấp trong tay, phải rời văn phòng nhanh chóng chuẩn bị ra phi trường. Tuy nhiên khi xe vừa rời đi, tòa đại sứ bị bom nổ tan tành.Vì sao? Thì ra Việt cộng phái người giả dạng thường dân trà trộn vào tòa đại sứ, lén đặt bom làm nổ tòa đại sứ.

Nữ cư sĩ này đang ở nhà nghe nói tòa đại sứ bị đặt bom, lại còn nghe nói vị trí bom nổ là văn phòng của chồng bà. Trong thoáng chốc, bà bỗng mất đi nơi nương tựa trong đời. Bà vừa khóc vừa nói với Bồ Tát Quán Thế Âm rằng: “Chuyện này như thế nào? Tại sao con gặp phải tai họa này? Chồng con có phải đã chết rồi không?” Trong khi đang khóc, thì chồng bà trở về. Chồng bà nói: “Nếu như lúc nảy ông Đại Sứ không ​​hối thúc tôi đi, không ​​hối thúc tôi lấy xe ông rời khỏi tòa đại sứ, thì giờ đây tôi không thể trở về đây rồi!”.

Vị nữ cư sĩ này nghĩ thầm: “Bồ Tát Quán Thế Âm thật linh ứng! Tôi vừa nghĩ rằng bình thường tôi vẫn lễ bái Bồ Tát Quán Âm, nhưng tại sao chồng mình lại gặp nạn như vậy? Thật may mắn có được Bồ Tát Quán Âm cứu mạng, chồng mình mới có thể thoát chết trong tai họa vừa rồi.”

Trong lúc đó, cả khu vực bà ở luôn có tiếng súng máy và tiếng nổ vang rền, cho nên mọi người đều chạy hướng về Sài-gòn để lánh nạn. Bà nữ cư sĩ lúc đó cũng chạy lánh nạn, chỉ mặc bộ đồ ngủ và ôm trong mình đứa con còn đang quấn tã. Gia đình ba người của bà vội vã đi theo sát dòng người chạy nạn. Bà ta nói đi bộ hết ba ngày, rất nhiều khó khăn và chỉ xin được chút nước cho con uống, còn bà và chồng không có một chút thức ăn nào. Trên đường đi, dầu không dễ dàng nhưng họ đã tìm được một chiếc xe cũ người ta vất bỏ để dùng. Khi gần tới khu Sài Gòn thì đã có những rào cản chắn lối vào, ngăn cản dân chạy nạn tràn vào thành phố. Mỗi ngày có ấn định số người được vào thành phố,​ khi đủ số người thì lối vào thành phố đóng lại, ngăn chặn không cho vào nữa. Bà đã ba lần xếp hàng để vào, nhưng đến lượt bà thì cổng đóng lại. Phía sau, tiếng bom đạn càng lúc càng gần, có thể cảm thấy là Việt cộng đã dữ dội ập vào Sài Gòn rồi. Nếu bà không vào được thành phố, không nhanh chóng đáp máy bay rời khỏi nơi này thì sinh mạng cả nhà bà sẽ gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào.

Cho nên khi sắp hàng lần thứ tư để vào thành phố, bà không dám mở mắt ra, chỉ chí tâm niệm danh hiệu Quán Âm Bồ Tát, đem hết sanh mạng để niệm, việc gì cũng không nghĩ đến, chỉ liên tục niệm Quán Âm Bồ Tát, gi​​ống như đang nắm chặt dây an toàn cứu mạng, hết sức cố gắng niệm. Sau đó thì nghe tiếng chồng bà nói: “Được rồi, em có thể nghỉ ngơi một chút, cuối cùng chúng ta vào thành phố rồi. Bà nói: “Anh đừng gạt em, chúng ta nhất định chưa vào được thành phố, chúng ta đã thất bại 3 lần rồi, em không tin là lần này mình có thể vào thành phố được.” Chồng bà nói: “Em mở mắt ra coi đi, thật mà! Mình đã tới Sài gòn rồi.” Bà ta mở mắt ra để xem, đúng là đã đến Sài gòn rồi.

Lúc đó chính phủ Đài Loan cử một chuyến bay của hãng China Airlines tới để đón toàn bộ nhân viên ngoại giao. Bà ta nói trong thời đó cho dù quý vị có bao nhiêu tiền cũng không mua được một vé đề lên máy bay, tại sao vậy? Vì lúc đó chỉ trông vào mối quan hệ và vận may của mình, nên không phải có tiền là có thể giải quyết được! Lúc đó rất nhiều người tại phi trường nói rằng họ có nhiều tiền, có thể cho họ lên máy bay được không? Phi trường đầy ngập người tìm cách dồn lên chiếc máy bay này. Họ đã rời Việt Nam ngay phút cận kề thảm họa. Đây là những điều cá nhân bà đã trải qua khi đào thoát khỏi Sài gòn.

Những người chưa từng trải qua chiến tranh như chúng ta không thể tưởng tượng được sự đau khổ của người phải đối diện với chiến tranh và với tất cả khó khăn họ phải chịu đựng. Đó là lý do vì sao khi niệm danh hiệu Phật chúng ta chưa đủ tích cực, thường chỉ niệm bằng miệng nhưng tâm không niệm, tâm khởi nhiều vọng tưởng. Trong chuyến đi tới Á Châu năm 1974, trước khi rời Hồng Kông, Sư Phụ có nói một câu: “Tôi sắp chết rồi!” Lời này là nói với chúng ta, lúc nào tâm chúng ta cũng nên duy trì ý niệm: “Tôi sắp chết đến nơi rồi. Trong lúc này tôi còn không niệm Phật thì niệm gì khác nữa chớ.” Để cứu sinh mạng, tâm niệm Phật của chúng ta cần phải chí thành khẩn thiết.

Sư Phụ đã nhọc tâm dạy bảo chúng ta những điều chính yếu của pháp môn niệm Phật. Nhưng khi niệm Phật, tâm chúng ta có thật sự cảm thấy như mình sắp chết không? Tâm của chúng ta có được ý chí khẩn thiết như thế không? Dường như rất khó thì phải. Tuy rằng rất khó, nhưng chúng ta vẫn cần phải dấn bước trên con đường tu tập này để thực hành cho tốt.