Chinese Audio
 | English| Vietnamese

Sự Liên Hệ Giữa Chính Trị (1) và Nghiệp Chướng

Bài nói chuyện của Hòa thượng Tuyên Hoá

Trích từ DVD của DRBA : An Encounter with a Good Knowing Advisor: Autobiographical Stories by Venerable Master Hsuan Hua (Gặp Gỡ với Môt Vị Thiện Tri Thức: Những mẩu tự truyện của Hòa thượng Tuyên Hoá)

 

 

Đa số người ta không tin vào quy luật nhân quả của Phật giáo. Tuy nhiên quy luật nhân quả này vẫn có cho dù quý vị có tin hay không. “Lười trời lồng lộng tuy thưa nhưng khó lọt thoát” (2). Nhân quả là pháp luật của Trời (của vũ trụ), trồng nhân lành thì gặt quả lành, trồng nhân ác thì gặt quả ác. Nếu giết hại cha người thì sẽ có người giết hại lại cha mình. Giết anh của người thì sẽ có người giết lại anh mình. Giết con của người thì sẽ có người giết con của mình. Tất cả những đìều này chính là nhân quả mà chẳng bao giờ sai sót.

Hầu hết mọi người trên thế giới không hiểu được Nhân Quả. Vì thế họ đã ra sức tỏ vẻ anh hùng hào kiệt và cố dùng quyền lực lấn áp hoặc đàn áp kẻ yếu hơn. Cả hai bên mạnh và yếu đều có những hành vi ngu muội. Kẻ yếu phảng kháng cũng là ngu muội. Nhưng thậm chí càng ngu muội hơn khi đàn áp kẻ khác. Cội nguồn của mọi vấn đề phải được công khai nói ra rõ ràng. Cần giải quyết vấn đề công bằng. Nếu có chỗ không công bằng thì sẽ phát sinh ra vấn đề.

Do đó, những người trị quốc (lãnh đạo quốc gia) phải dùng tâm thành thật với dân chúng. Tại sao các quốc gia lại có hệ thống quốc phòng? Hệ thống quốc phòng đó là để bảo vệ lãnh thổ hơn là đàn áp dân chúng.

Khi những người sinh viên (3) mới biểu tình lần đầu thì tôi đã đề nghị chính quyền và sinh viên không nên đối đầu xung đột nhau. Những xung đột thô bạo như thế khiến cho cả hai bên đều bị tổn hại. Quốc gia tổn hại, gia đình tổn thương, cá nhân thương tổn, và tài sản hư hại. Đối với bất cứ quốc gia nào muốn tốt đẹp đều phải nên quý trọng và bảo vệ dân chúng của mình.

Hãy dùng lý trí để giải quyết vấn đề thay vì dùng quyền hành và áp bức hay thủ đoạn. Hãy cố gắng hiểu nhau một cách hợp lý, tránh chống báng nhau. Về chính phủ, nếu không có dân chúng thì căn bản sẽ không có chính phủ. Dân chúng biểu tình vì lợi ích chung của dân chúng.

Đừng đàn áp dân chúng, nếu có điều gì đó mà dân chúng không hiểu, chính quyền nên thương thuyết với họ bằng phương pháp lý trí. Đây chính là nguyên do khi sự việc mới bắt đầu, tôi đã đề nghị chính quyền và sinh viên nên cùng nhau dùng môn Thái Cực Quyền. Chính quyền chỉ biết Thiếu Lâm Quyền mà không biết Thái Cực Quyền, còn dân chúng thì chỉ biết đến những thế võ quyết trảo tàn bạo của Nam Phái hay Bắc Phái (Hòa Thượng cười). Để quốc gia được tốt đẹp, mọi người dân đều nên có lý trí.

Nếu tất cả chúng ta thật sự yêu nước, yêu thương dân mình, yêu thương gia đình và tài sản của mình thì chúng ta nên đặt trọng tâm vào giáo dục. Dạy dỗ trẻ em thật tốt để chúng biết làm người phải như thế nào; để trân quý thân thể, yêu quý quê hương và gia đình thì phải làm sao; và thậm chí làm sao yêu thương luôn mọi nguời trên toàn thế giới. Đó chính là cách chân chánh trị quốc. Dùng những âm mưu thủ đoạn để đàn áp sẽ không được dân chúng tôn trọng.

Trong thời buổi này, chúng ta cần phải tỉnh giấc từ cơn ngủ mê. Đừng khống chế và dùng thủ đoạn với dân chúng vì nghĩ rằng họ ngu dốt. Điều này là sai! Dùng lực để thắng người nhưng không thắng được lòng người. Dân chúng sẽ không thật sự theo mình nếu mình dùng những thủ đoạn cứng rắn để đàn áp họ. Quý vị phải dùng nhân nghĩa. “Đức thắng trung thành và phục tùng” (4). Phải thật sự tốt với dân chúng thì họ sẽ không phản kháng chống lại mình. Tuy nhiên, những gì mình nói và làm lại mâu thuẫn với nhau thì dân chúng sẽ không bao gìờ tôn trọng mình. “Đức quân tử như gíó, đức tiểu nhân như cỏ. Gió thổi thì cỏ sẽ rạp xuống theo chiều gió” (5). Nếu quý vị thực sự tốt với dân chúng thì không có ai đối chọi cả. Tuy nhiên, nếu quý vi cứ giả vờ thì lúc nào cũng gặp sự kháng cự.

Những người sinh viên này là những thanh niên trẻ khá thiếu hiểu biết khi biểu tình chống lại nhà nước bằng tuần hành và tuyệt thực. Những người có trí tuệ sẽ không làm như thế. Chính quyền đã không quan tâm những đòi hỏi của các sinh viên này và dùng thủ đoạn đàn áp họ bằng lực lượng quân đội lớn, và việc này cũng thật quá sai. Không những nó làm tổn hại cho quốc gia mà còn đưa đến sự diệt vong của con người. Họ sẽ không thể nào tồn tại trên thế giới. Không có sự tôn phục của dân chúng, quý vị sẽ không còn hiện hữu.

Nếu muốn đất nước được hòa bình và yên ổn, quý vị phải công bằng, không thiên vị và không tư lợi. Đó là lý do khi Tổng thống Bush ra tranh cử Tổng thống, tôi đã bảo ông ấy : “Hoa Kỳ là một đại cường quốc. Sống ở đất nước hùng mạnh này, chúng ta có trách nhiệm bầu lên một vị Tổng thống thông minh và trí tuệ. Khi Tổng thống ban bố một lệnh gì đó thì có nghĩa là ông ấy làm để bảo vệ dân chúng không những ở Hoa Kỳ mà còn cả toàn nhân loại trên thế giới nữa. Vì thế, vị Tổng thống này phải không tranh, không tham lam, không ích kỉ, không tự lợi và không dối trá. Tất cả những ai có thể đạt được các tiêu chí đó thì sẽ thích hợp nhất để làm Tổng thống. ”

Đó là những gì tôi đã nói trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Lời nói ấy cũng dành cho bất cứ lãnh đạo quốc gia nào. Tuy nhiên, nếu tất cả họ đều không tranh, không tham, không ích kỉ, không tự lợi, không dối trá với dân chúng thì tôi không tin ai đó sẽ đủ ngốc nghếch để phản kháng những vị lãnh đạo như thế. Do đó, tôi đề nghị với những người ở vị trí lãnh đạo rằng nếu quý vị muốn hiến tặng tài sản của mình cho dân chúng để mọi thứ là tài sản công cộng thì tôi chắc chắn không ai sẽ chống đối lại những người lãnh đạo như thế. “Đại đạo được thực hành thì  thiên hạ là của chung (Thiên hạ vi công (6)). Người ta không riêng thương yêu cha mẹ mình, không riêng yêu con cái mình mà còn thương yêu cha mẹ và con cái người khác. Khiến cho người già có nơi nương tưa được hạnh phúc cuối đời, người khỏe mạnh có chỗ dùng tới, trẻ em có sự chăn dắt để lớn lên; hạng cô phu, quả phụ, côi cút, đơn chiếc và tàn tật đều được nuôi dưỡng.”  (7). Nếu quý vị có thể đạt được điều này, thì dân chúng sẽ không phản đối quý vị.

 

Ghi chú:

 

(1) Chính Tri: Câu của Đức Khổng Tử trong sách Luận Ngữ thiên Nhan Uyên:

季康子問政於孔子。孔
子對曰:“政者正也。子帥以正,孰敢不正?

Quý Khang tử vấn chính ư Khổng tử. Khổng tử đối viết: “Chính giả chính dã. Tử suất dĩ chính, thục cảm bất chính”.

Dịch: Quý Khang tử hỏi Khổng tử về chính trị. Khổng tử đáp: “Chính trị là chính trực (ngay thẳng). Ông lãnh đạo dân một chính sách chính trực thì ai dám không chính trực”.

(2) Nguyên văn Hoa ngữ:

天網 恢 恢 疏 而 不 漏

Thiên võng khôi khôi sơ nhi bất lậu

 

(3) Những sinh viên biểu tình hơn một tháng tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh và nhiều nơi (từ 15 tháng 4 đến 4 tháng 6 năm 1989). Bài nói chuyên này Hòa Thượng nói một thời gian ngắn sau vụ thảm sát Thiên An Môn.

(4) Nguyên văn Hoa ngữ:

徳 勝 忠服

Đức thắng trung phục.

(5) Câu của Đức Khổng Tử trong sách Luận Ngữ thiên Nhan Uyên – Nguyên văn Hoa ngữ:

季康子问政於孔子曰:“如杀无道,以就有道,何如?”孔子对曰:“子为政,焉用杀?子欲善而民善矣。君子之德风,小人之德草,草上之风, 必偃”。

 

Quý Khang tử vấn chính ư Khổng tử viết: Như sát vô đạo, dĩ tựu hữu đạo, hà như?Khổng tử đối viết: “Tử vi chính, yên dụng sát ? Tử dục thiện nhi dân thiện hĩ. Quân tử chi đức phong, tiểu nhân chi đức thảo, thảo thượng chi phong, tất yển.

 

Dịch: Quý Khang tử hỏi Khổng tử về chính sự: Giết kẻ vô đạo, khiến dân biết mà theo đạo, được không ? Khổng tử đáp: Ngài cầm quyền quốc gia, cần gì phải giết người ? Ngài thực sự làm điều thiện thì dân sẽ làm điều thiện. Đức hạnh quân tử như gió, đức hạnh kẻ tiểu nhân như cỏ. Gió thổi thì cỏ sẽ rạp xuống theo chiều gió.

(6) “Thiên hạ vi công” 天下為公 nguồn gốc ở thiên “Lễ vận” của sách “Lễ ký”: “大道之行也,天下為公”. Dịch âm: “Đại đạo chi hành dã, thiên hạ vi công”. Ý nghĩa nói lên xã hội lý tưởng “Đạo lớn thi hành, cả thiên hạ là của chung của tất cả mọi người”, thiên tử truyền ngôi nên truyền cho người hiền tài, chứ không nhất thiết phải truyền cho con mình. Về sau, bốn chữ này dùng để chỉ lý tưởng chính trị và trở thành phổ thông, được nhà cách mạng Trung Hoa Tôn Trung Sơn dùng làm tôn chỉ cải thiện xã hội.

Bốn chữ “Thiên Hạ Vi Công” ở chính giữa cổng vào phố Tàu (Chinatown) ở San Francisco.

(7) Tóm lược tinh thần Đại Đồng nguyên thủy của Đức Khổng Tử:

Nguyên văn chữ Hán:

大同

昔者仲尼與於蠟賓。事畢,出游於觀之上,喟然而嘆。仲尼之嘆,蓋嘆魯也。言偃在側,曰:”君子何嘆?”孔子曰:”大道之行也,與三代之英,丘未之逮也,而有志焉。大道之行也,天下為公。選賢與能,講信修睦。故人不獨親其親,不獨子其子。使老有所終,壯有所用,幼有所長,矜寡孤獨廢疾者皆有所養。男有分,女有歸。貨,惡其棄於地也,而不必藏於己﹔力,惡其不出於身也,而不必為己。是故謀閉而不興,盜竊亂賊而不作。故外戶而不閉。是謂大同。

Dịch âm:

Đại Đồng

Tích giả Trọng Ni dữ ư lạp tân, sự tất, xuất du ư quan chi thượng, vị nhiên nhi thán. Trọng Ni chi thán, cái thán Lỗ dã. Ngôn Yển tại trắc viết: “Quân tử hà thán?” Khổng Tử viết: “Đại đạo chi hành dã, dữ tam đại chi anh, Khâu vị chi đãi dã, nhi hữu chí yên. Đại đạo chi hành dã, thiên hạ vi công. Tuyển hiền dữ năng, giảng tín tu mục, cố nhân bất độc thân kỳ thân, bất độc tử kỳ tử. Sử lão hữu sở chung, tráng hữu sở dụng, ấu hữu sở trưởng, khâm quả, cô độc, phế tật giả, giai hữu sở dưỡng. Nam hữu phận, nữ hữu qui. Hóa, ố kỳ khí ư địa dã, bất tất tàng ư kỷ. Lực, ố kỳ bất xuất ư thân dã, bất tất vị kỷ. Thị cố mưu kế nhi bất hưng, đạo thiết loạn tặc nhi bất tác. Cố ngoại hộ nhi nhi bất bế, thị vị đại đồng.

 

Tạm dịch nghĩa:

Thế Giới Đại Đồng

Xưa, Trọng Ni (Khổng Tử) làm tân khách, dự lễ tế chạp ở nước Lỗ. Việc đã xong, đi ra du ngoạn trên lầu cổng ngoài, đột nhiên thở dài. Trọng Ni thở dài chừng thở dài cho nước Lỗ. Ngôn Yển đứng bên cạnh hỏi: “Người quân tử có gì mà phải thở dài?” Khổng Tử đáp: “ Đại đạo thi hành và các bậc anh hiền ở Tam đại (Hạ, Thương, Chu) thì Khâu này chưa được thấy, nhưng chí thì hướng về chỗ ấy. Đại đạo mà thi hành thì thiên hạ là của chung, tuyển chọn người hiền, cử người tài năng, giảng điều xác thực, thực hiện trên thuận dưới hòa, nên người ta không riêng thân người thân mình, không riêng yêu con cái mình, khiến cho người già có nơi nương dựa cuối đời, người khỏe mạnh có chỗ dùng tới, trẻ em có sự chăn dắt để lớn lên; hạng cô phu, quả phụ, côi cút, đơn chiếc và tàn tật đều được nuôi dưỡng; con trai có phận, con gái có nơi chốn để nương về. Về tài hóa, thì không nên để cho rơi vãi phung phí, mà cũng bất tất cất giấu cho mình. Về sức lực thì ưa được thi thố ra, thi thố thì chẳng cứ là cho riêng mình. Ấy cho nên mưu mô đều không dấy lên, trộm cắp giặc cướp không nổi dậy; cổng ngoài không phải đóng, thế gọi là Đại Đồng.”

 

Hình vẽ Đức Khổng Tử tại Đạo Nguyên Đường (道源堂) tại Vạn Phật Thánh Thành, bên phải là hàng chữ Vạn Thế Sư Biểu Khổng Tử Tượng.

Bức thư pháp “Lễ Vận Đại Đồng Thiên” của nhà thư pháp Trương Bình Hoàng khắc trên đá cẩm thạch tại Tòa Đô Chánh Đài Bắc, Đài Loan 臺北市市政大樓1樓沈葆楨廳牆上的《禮記》 禮運大同篇張炳煌書法刻石

 

Cổng vào phố Tàu (Chinatown) ở San Francisco với bốn chữ Thiên Hạ Vi Công ở chính giữa.