English | Vietnamese
Tất Cả Là Thử Nghiệm Để Xem Quý Vị Sẽ Làm Gì: Một Câu Chuyện Về Đạo Hiếu
Bài nói chuyện cùa Thầy Hằng Thuận tại Chùa Vạn Phật ngày 12 tháng 9 năm 2018. Báo Vajra Bodhi Sea số tháng 10 năm 2018, trang 19 – 24.
(Ghi chú: Lời giải thích thêm của Ông Paul Hopp được in đậm).
Tôi đang nghĩ đến Kinh Địa Tạng, cũng được gọi là “Hiếu Kinh”, và sự liên quan của Kinh này đến một chuyện mới xảy ra gần đây. Tôi ban đầu dự định nói về một đề tài khác vào tối nay, nhưng tôi đã tiếp xúc được với một người mà khoảng ba mươi năm về trước đã tham dự vào một câu chuyện mà tôi nghĩ là một trong những câu chuyện hay nhất về lòng hiếu thảo mà tôi từng biết và đã nói đến nhiều lần trong những lớp học của tôi với các em trẻ trường nam trung học ở đây. Khi tôi liên lạc với người này khoảng một tuần trước, anh ta cho tôi biết thêm một số chi tiết mới của câu chuyện này. Vì vậy tối nay, tôi sẽ kể lại câu chuyện về một nhà sư đã được thử nghiệm về cách thực hành lòng hiếu thảo như thế nào.
Cũng giống như trong kinh Địa Tạng, kinh Phạm Võng cũng nói về tầm quan trọng của lòng hiếu thảo trong việc tu tập theo con đường Bồ Tát (Bồ Tát Đạo) và cuối cùng trở thành một vị Phật. Chúng ta đều biết rằng Hòa Thượng thủ hiếu bên mộ của mẹ mình trong ba năm sau khi mẹ ngài qua đời. Nhưng không có nhiều người biết về chuyện Hòa Thượng đã thực sự chăm sóc mẹ mình trong ít nhất sáu tháng đến một năm khi bà bị bệnh nặng trước khi mất. Hòa Thượng là con út trong số chín người con, và việc chăm sóc này dĩ nhiên là xảy ra khi ngài chỉ mới mười tám tuổi, trước khi ngài xuất gia. Hòa Thượng có mô tả về việc chăm sóc cho mẹ của mình trong khi bà bệnh nặng đến nỗi nhiều lúc ngài phải luôn giúp mẹ xoay mình để tránh bị lở loét khi nằm trên giường, và cũng có lúc làm sạch sẽ, tắm rửa và tất cả những thứ khác cho bà mà Hòa Thượng nói là không thành vấn đề khi làm cho mẹ.
Khi tôi còn làm thị giả cho Hòa Thượng, tôi có lần nghe ngài kể cho người ý tá nghe câu chuyện về lúc ngài bắt đầu thủ hiếu bên mộ mẹ trong thời gian 3 năm như thế nào. Khi mẹ ngài qua đời, Hòa Thượng kể, mọi người đã tổ chức tang lễ, lúc đó tất cả các anh chị của ngài đều tham dự. Họ rất nghèo vì vậy đó là một nghi lễ rất đơn giản. Sau đó thì ngài ngồi phịch xuống bên nấm mộ, ngài nói là sẽ ngồi tại đây bên mộ mẹ (và một lần nữa, đây là lúc trước khi Hòa Thượng xuất gia), và cứ ngồi ở đó, trong khi tất cả các anh chị của ngài nói, “Đi thôi! Hãy đi thôi!” Tuy nhiên, ngài nhất quyết không đi.
Hòa Thượng kể với người y tá: “Tôi thật sự rất bướng bỉnh. Tôi hoàn toàn phớt lờ họ.” Anh chị của ngài cuối cùng chịu thua và ra về để ngài lại bên mộ mẹ. Sau đó, Sư Phụ cho biết: “Mục đích ban đầu của tôi là chỉ ngồi đó và sẽ không ăn cũng không uống gì cả.” Có nghĩa là Sư Phụ nói là sẽ đi theo mẹ ngài và chết. Tất nhiên, chúng ta biết rằng không lâu sau đó, Hòa Thượng phát ý hướng xuất gia, và chúng ta đều biết phần còn lại của câu chuyện. Như vậy, giống như trong kinh Địa Tạng, lòng hiếu thảo là một trong những chất xúc tác chính khiến Sư Phụ xuất gia và là động lực cho ngài tu hành Bồ Tát Đạo.
Bây giờ câu chuyện tối nay là về Thầy Hằng Kỳ, tuy nhiên anh không còn được biết đến dưới tên Hằng Kỳ nữa mà hiện giờ được biết với tên là Paul Hopp. Thầy Hằng Kỳ là một nhà sư Mỹ gốc Âu châu, và anh đến tu viện Kim Sơn Thánh Tự vào khoảng năm 1977 để tu học với Hòa Thượng. Khi anh đến, anh đã là một thiền giả rất giỏi, anh có thể ngồi kiết già thật lâu trong nhiều tiếng đồng hồ liền. Sau khi anh xuất gia, tôi nghe nói là anh có lần ngồi thiền 24 giờ liên tục trong các thiền thất mà không ngủ hay hôn trầm. Anh ta quả là một thiền giả rất giỏi, rất nghiêm túc. (Lời phụ của anh Paul Hopp: Tôi nghĩ rằng đây là một sự nói quá đáng. Tôi nghe thuật lại rằng tôi có lần ngồi liên tiếp 16 giờ và điều đó là có thể đúng. Tôi nhớ tôi ngồi thiền vào lúc 3 giờ sáng vào giờ thiền đầu tiên, và ngồi thẳng luôn đến 7 giờ tối là giờ Hòa Thượng khai thị. Tôi cảm thấy nếu mình tiếp tục ngồi thiền trong lúc Hòa Thượng thuyết pháp làthiếu lòng tôn kính.)
Như thế là anh ta đến vào năm 1977, rồi xuất gia thành Sa-di vào năm 1978 và thọ giới Tỳ kheo năm 1979. Thầy Hằng Kỳ trước đó đã tốt nghiệp ngành âm nhạc tại trường Đại học St. Olaf’s ở tiểu bang Minnesota. Cho nên, các nghi lễ chúng ta thực hành vào buổi chiều và một phần nghi lễ công phu sáng bằng tiếng Anh thật ra là những sáng tác của thầy Hằng Kỳ. Thầy đã dành rất nhiều thời gian trong năm 1983 và 1984 đề viết nhạc cho các buổi lễ bằng Anh ngữ. Đầu thập niên 1980, Sư Phụ bổ nhiệm thầy Hằng Kỳ làm giám đốc điều hành Ủy Ban Phật Giáo Cứu Trợ và Định Cư Người Tỵ Nạn. Sau khi làm công việc này được vài năm thì thầy quyết định muốn nhập thất ẩn dật tu hành. (Lúc đó tôi vẫn chưa quyết định. Tôi đã từ lâu luôn mong muốn được nhập thất. Công việc giúp người tỵ nạn đối với tôi là một thử thách và đã kéo dài bốn năm rưỡi, và đó là một câu chuyện khác. Nhưng khi tôi nhận ra tôi đã vượt qua được sự thử thách đó, tôi biết tôi có thể xin Sư Phụ cho tôi đi nhập thất.)
Mới đây khi tôi nói chuyện với anh ấy về vấn đề này, anh nói rằng ý định của mình không chỉ để học thuộc lòng Kinh Lăng Nghiêm, là lời phát nguyện của anh trước đại chúng vào thời điểm đó. Thật ra anh muốn dùng mục tiêu học thuộc Kinh Lăng Nghiêm để giúp đỡ cho sự tu hành tâm linh của mình. Đó là năm 1985 khi Thầy Hằng Kỳ phát nguyện nhập thất và học thuộc lòng Kinh Lăng Nghiêm. (Học thuộc Kinh Lăng Nghiêm là một phần của lời nguyện của tôi vào năm 1983. Tôi kết hợp lời nguyện đó chung vào lời thỉnh cầu Hòa Thượng cho tôi nhập thất năm 1985).
Trước đó Thầy Hằng Kỳ đã hỏi Hòa Thượng là có có thể được làm điều này không. Mặc dù thầy Hằng Kỳ không biết tiếng Trung Hoa, thầy sẽ học thuộc toàn bộ Kinh Lăng Nghiêm bằng tiếng Trung Hoa. Kinh Lăng Nghiêm có khoảng sáu mươi ngàn chữ, nếu tụng với tốc độ bình thường thì sẽ mất khoảng tám đến mười giờ đồng hồ. Công việc căn bản của thầy là nhập thất theo truyền thống xưa và học thuộc lòng Kinh Lăng Nghiêm bằng tiếng Trung Hoa.
Vì vậy vào năm 1985, Sư Phụ đã làm một nghi lễ nhỏ mà tôi tình cờ tham dự. Hòa Thượng hướng dẫn mọi người làm nghi lễ nhỏ này khi chúng tôi đưa thầy Hằng Kỳ vào gian nhà số 5 (Annex 5) của khu vực Đại Bi. Vào lúc đó, gian nhà chỉ gồm có một căn phòng lớn. Đi vào bên trong, chỉ có một căn phòng lớn với các cửa sổ chung quanh bằng kiếng. Sư Phụ cho người chuẩn bị căn phòng trước với một ô mở lớn trong cửa sổ để người ta có thể mang lại thức ăn cho thầy Hằng Kỳ dùng. (Trong sân sau của gian nhà số 5 của khu vực Đại Bi hiện nay có một hàng rào bằng lưới sắt, hàng rào này nằm giữa gian nhà số 4 và số 5.) Nhưng vào năm 1985, Hòa Thượng cho người cất lên một hàng rào gỗ cao, được sơn màu đỏ tươi và cao khoảng 3 mét.
Vì căn phòng lớn có nhiều cửa sổ bằng kiếng nên giúp cho người bên ngoài có thể nhìn vào để biết là thầy Hằng Kỳ vẫn bình an mặc dù thầy đang nhập thất. (Các cửa sổ có màn ở phía bên ngoài là phía hành lang. Người ta có thể vén màn sang một bên và nhìn vào trong nhưng tôi thì không thể nhìn ra ngoài.) Và thầy Hằng Kỳ cũng có thể đi ra cái sân nhỏ phía sau để tập thể dục hoặc đi bộ quanh trong sân nhỏ này trong sự riêng tư. Và để tiếp tục câu chuyện, chúng tôi đã làm một nghi lễ nhỏ này nơi mà Sư Phụ đưa thầy Hằng Kỳ vào căn phòng thầy sẽ nhập thất. Chúng tôi đi ra và Sư Phụ đặt một con dấu niêm phong trên cửa, có nghĩa rằng thầy Hằng Kỳ sẽ không đi ra ngoài khu vực nhập thất của mình.
Trong thời gian nhập thất, mỗi ngày đều có người mang thức ăn đến cho thầy Hằng Kỳ và cũng như để mắt theo dỏi chăm sóc thầy. Một ngày nọ, sau khi thầy Hằng Kỳ nhập thất được khoảng ba năm, Sư Phụ vừa về đến Vạn Phật Thánh Thành. Vì là người lái xe cho Hòa Thượng vào lúc đó, sau khi đến nơi thì tôi đi vào văn phòng chính cùa Vạn Phật Thánh Thành. Khi tôi vào trong văn phòng, ai là người đang chờ trong văn phòng? Đó là ba và mẹ của thầy Hằng Kỳ. Thầy Hằng Kỳ khá cao, và ba của thầy cũng vậy. Ba của thầy là một mục sư đạo Tin Lành khá nghiêm. Tôi vào văn phòng và ba của thầy nói với tôi, “Ông biết không, tôi thực sự muốn gặp con trai tôi.” Ông nói, “Tôi giờ đây đã trên bảy mươi tuổi rồi và tôi không biết tôi sẽ còn ở thế gian này bao lâu nữa, tôi thực sự muốn nhìn thấy con trai tôi trước khi rời khỏi thế giới này.” Mẹ của thầy Hằng Kỳ cũng có mặt ở đó và bà cũng nói “Chúng tôi muốn gặp con trai của chúng tôi.”
Ba của thầy Hằng Kỳ là một người dễ xúc cảm và khi ông nói chuyện với tôi thì ông khá xúc động. Tôi đã giải thích với ba mẹ của thầy rằng thầy Hằng Kỳ đang nhập thất và không nói chuyện với ai trong suốt ba năm qua. Thầy ấy hoàn toàn tách biệt với tất cả mọi người và đang học thuộc bản Kinh văn linh thiêng này. Thầy ấy muốn phát triển tu tập tâm linh của mình. Tôi cố gắng hết sức giải thích để họ có thể hiểu. Mặc dù tôi không nói rõ ràng ra, nhưng hàm ý rằng “Quý vị không thể gặp con trai mình được”.
Ngay lúc đó, quý vị đoán thử xem ai đi vào văn phòng? Chính là Sư Phụ. Sư Phụ đi vào văn phòng và tôi giải thích lại toàn bộ tình hình với Ngài bằng tiếng Trung Hoa. Ngài trả lời tôi bằng tiếng Trung Hoa, “Được rồi, con hãy đi gặp thầy Hằng Kỳ nói rằng ba mẹ thầy ấy đang ở đây và giải thích mọi chuyện. Nói với thầy ấy rằng ta nói việc tạm ngừng nhập thất và nói chuyện với cha mẹ là việc hoàn toàn được làm. Nói với thầy ấy rằng ta nói việc gặp gỡ này là được, nhưng tùy quyết định của thầy ấy. Nếu thầy ấy muốn gặp cha mẹ thì việc ấy là được. Nhưng nếu thầy ấy không muốn gặp họ thì thầy ấy không phải gặp họ. Tùy thuộc ý của thầy ấy. Đó là quyết định của thầy ấy”. Vì thế, tôi nói với ba mẹ thầy Hằng Kỳ rằng tôi sẽ đi gặp thầy Hằng Kỳ.
Tôi đi đến thất của thầy Hằng Kỳ trong gian nhà số 5 (Annex 5). Tôi sẽ không bao giờ quên kinh nghiệm này cho dù đã 30 năm trôi qua từ năm 1988. Tôi đi vào trong gian nhà số 5 và qua kiếng cửa sổ, tôi có thể thấy thầy Hằng Kỳ đang ngồi thiền trong phòng. Rồi tôi nói, “Thầy Hằng Kỳ, đừng nói ra tiếng. Hãy chỉ gật đầu hay lắc đầu để thể hiện sự đồng ý hoặc không”. Rồi tôi giải thích toàn bộ tình hình và đợi thầy ấy trả lời. Tôi chờ thầy ấy trả lời mà lâu dài tưởng chừng cả kiếp, thật là một thời gian rất lâu. Thầy ấy không trả lời có lẽ trong một phút hoặc lâu hơn. Lúc ấy tôi nghĩ rằng trong đầu thầy đang quay vòng vòng suy nghĩ như “Tôi nên làm gì?” Tuy nhiên, mới đây anh ấy nói với tôi rằng lúc đó thực sự anh không cân nhắc về ưu và nhược điểm của việc nên gặp cha mẹ hay không lúc đó. Thay vào đó, chỉ giữ câu hỏi có nên gặp cha mẹ hay không trong tâm trong chừng một lúc.
Rồi một phút sau, một cách rất tự nhiên, thầy Hằng Kỳ lắc đầu “Không”. Thế là tôi quay trở lại văn phòng và thực sự sợ gặp ba mẹ thầy Hằng Kỳ. Ba của thầy đã khá xúc động và bây giờ tôi lại phải nói với họ rằng “Thầy Hằng Kỳ không muốn gặp quý vị”. Khi tôi nói điều đó với họ, mẹ thầy trở nên thất vọng. Thật ra, Hằng Kỳ, tức là Paul, mới đây đã nói với tôi rằng mẹ anh ấy mới mất gần đây. Bà ấy sống hơn một trăm tuổi và họ thỉnh thoảng có nói về câu chuyện này.
Lúc đó thì cả ba mẹ thầy Hằng Kỳ đang rất thất vọng, mẹ thầy thì đang khóc. Với tôi thì đây quả thật là một thảm họa. Cả hai người họ đang thực sự rất thất vọng, mẹ thầy thì đang khóc. Đột nhiên, ai đó lại đi vào văn phòng? Chính là Sư Phụ. Sư Phụ đi vào văn phòng và tôi kể cho Ngài nghe toàn bộ tình hình bằng tiếng Trung Hoa và Ngài nói, “Được rồi, con hãy nói với họ rằng bây giờ ta có một cuộc hẹn, sẽ lâu chừng hai mươi hoặc ba mươi phút, nhưng sau đó ta sẽ lo cho họ. Hãy nói họ chờ.” Sau đó, tôi nói với họ như vậy rồi rời văn phòng vì những trách nhiệm khác.
Tôi không biết chính xác điều gì đã xảy ra sau đó, chỉ hiểu một cách chung chung, nhưng tôi không biết chính xác những gì đã diễn ra cho tới gần đây. Hằng Kỳ đã kể tôi nghe chi tiết về những gì đã diễn ra. Sư Phụ đã đưa cha mẹ thầy tới thất của thầy. Tôi không biết ai đã đi cùng Ngài hoặc ai đã dịch cho Ngài. Nhưng gần đây, tôi mới biết rằng không ai đi cùng Ngài lúc đó. Sư Phụ đã tự mình đưa cha mẹ thầy tới thất. Hằng Kỳ nói với tôi rằng khi tôi phiên dịch cho Hòa Thượng và nói với cha mẹ thầy chờ để Hòa Thượng xong cuộc hẹn khác, rồi sau đó tôi rời đi, thì mẹ thầy đã đi ra xe của họ và khóc sướt mướt trong xe. Bà đã rất thất vọng. Sau đó Sư Phụ quay trở lại và đưa họ tới phòng của thầy Hằng Kỳ.
Tôi luôn nghĩ rằng Sư Phụ đưa họ thẳng tới phòng của thầy Hằng Kỳ. Nhưng thực tế, Sư Phụ đưa họ tới chỗ hành lang bên ngoài phòng của thầy Hằng Kỳ, chỗ có ô mở lớn trên cửa sỗ bằng kiếng. Sư Phụ nói với thầy Hằng Kỳ, “Ta chỉ muốn thử nghiệm xem con sẽ làm gì. Tất nhiên là con nên gặp cha mẹ mình!”. Rồi khi thầy Hằng Kỳ nhìn thấy mẹ mình khóc, thầy ấy vói tay qua ô cửa mở trên cửa sổ, nắm lấy tay bà an ủi cho bà bình tĩnh lại. Họ nói chuyện, và thầy Hằng Kỳ nói với họ rằng mình đang nhập thất và ngồi thiền là điều mà thầy rất muốn làm. Thầy Hằng Kỳ nói rằng, “Con chọn việc thực hành tâm linh của mình ở đây. Con có thể rời đi bất cứ khi nào con muốn. Con có thể rời đi ngay bây giờ nếu con muốn. Tuy nhiên, con thực sự muốn ở lại đây và thiền”. Họ đã hỏi thầy Hằng Kỳ, “Con hãy làm ơn, tại sao lại không rời đi chứ?” Thầy Hằng Kỳ khẳng định rằng mình rất an ổn, và đang làm những gì mình muốn
Một lần nữa, không ai biết tất cả những chi tiết này cho tới khi Hằng Kỳ giải thích cho tôi biết gần đây. Tôi luôn nghĩ rằng họ đã nói chuyện với thầy Hằng Kỳ cả tiếng đồng hồ hoặc lâu hơn, nhưng Hằng Kỳ nói rằng lúc đó thầy vẫn rất nghiêm túc về việc tu hành của mình. Anh ấy nói, “Ngay khi thấy cha mẹ bình tĩnh trở lại và yên tâm, tôi không cần phải nói thêm lời nào nữa”. Thầy Hằng Kỳ có lẽ đã nói chuyện với cha mẹ mình không quá mười hoặc mười lăm phút. Tôi hỏi anh ấy, “Sư Phụ lúc đó có ở đó không?” Anh ấy nói, “Tôi không nhớ Sư Phụ có ở đó hay là Ngài rời đi rồi”. Ba mẹ thầy Hằng Kỳ đã thực sự vui mừng được gặp thầy Hằng Kỳ một lần khi họ được an tâm và nói chuyện với thầy Hằng Kỳ chừng mười hay mười lăm phút. Họ đã rời đi sau khi nói chuyện với thầy Hằng Kỳ chừng mười hay mười lăm phút.
Bây giờ, một điều khác về sự kiện này đó là tôi luôn nghĩ rằng lúc gặp cha mẹ, thầy Hằng Kỳ vẫn chưa thuộc Kinh Lăng Nghiêm. Lúc đó là đã ba năm rồi, trước đây mỗi lần nói về chuyện này, tôi hay nói, “Thầy Hằng Kỳ vẫn còn nhập thất thêm một năm nữa bởi vì thầy Hằng Kỳ lúc đó vẫn chưa thuộc Kinh Lăng Nghiêm”. Nhưng gần đây anh ấy nói với tôi rằng anh đã thuộc kinh Lăng Nghiêm rồi sau ba năm nhập thất nhưng muốn ở thêm trong thất bởi vì thấy cần tiến bộ thêm trên con đường tu tập tâm linh. Vì thế, thầy Hằng Kỳ cuối cùng nhập thất thêm một năm nữa. Sau năm đó, thầy ấy nói rằng thầy cảm thấy sự tu hành của mình giống như nấu cát thành cơm (nghĩa là không tiến bộ thêm chút nào cả). Vì thế, sau bốn năm, thầy Hằng Kỳ ra thất.
Có hai điều thú vị xảy ra sau đó. Khi thầy Hằng Kỳ ra thất, Sư Phụ bổ nhiệm thầy Hằng Kỳ làm trụ trì Như Lai Tự. Thầy Hằng Thật là người đầu tiên trụ trì Vạn Phật Thánh Thành. Hầu hết mọi người đều không biết thật ra thầy Hằng Quán là vị trụ trì đầu tiên trong tất cả các vị tăng người Mỹ. Sư Phụ bổ nhiệm thầy Hằng Quán làm trụ trì chùa Kim Sơn Thánh Tự vào năm 1981. Như thế, thầy Hằng Thật là vị trụ trì đầu tiên ở Vạn Phật Thánh Thành vào năm 1987. Sư Phụ sau đó gởi thầy Hằng Thật tới chùa Kim Phật Thánh Tự ở Canada. Khi thầy Hằng Kỳ ra thất, Sư Phụ bổ nhiệm thầy Hằng Kỳ làm trụ trì. Ngay sau đó, Sư Phụ được mời đến trường Đại học ở Hawaii để giảng Pháp. Lúc đó, tôi là thị giả của Sư Phụ nên tôi được đi cùng Ngài và thầy Hằng Kỳ.
Thầy Hằng Kỳ vừa mới ra thất vài ngày hay một tuần gì đó theo như tôi nhớ. Theo tôi được biết, thầy Hằng Kỳ đã không nói chuyện với bất cứ ai trong suốt bốn năm trừ một lần ngoại lệ gặp cha mẹ mình. Do đó, thầy Hằng Kỳ đã không quen việc nói chuyện, và bộ não thầy đã có sự thay đổi. Phải mất khoảng một tháng thầy Hằng Kỳ mới trở lại bình thường. Tôi nhớ trong chuyến đi Hawaii, khi tôi hỏi thầy Hằng Kỳ điều gì thì thầy phải mất chừng mười giây hoặc hơn mới trả lời lại. Tôi nói, “Thầy Hằng Kỳ, Sư Phụ nói chúng ta nên làm cái này”. Tôi phải chờ, rồi một lát sau thầy Hằng Kỳ mới trả lời. Đó quả là một kinh nghiệm thú vị.
Một điều khác thậm chí còn thú vị hơn là gần đây anh ấy nói với tôi rằng mẹ anh đã qua đời hồi tháng 2 vừa qua, thọ 101 tuổi. Anh ấy nói anh ấy đã chăm sóc mẹ anh trong tuần cuối cùng của cuộc đời bà. Anh ấy tự mình chăm sóc mẹ trong nhà của bà. Anh ấy mô tả chính xác những gì mình đã làm cho mẹ trong suốt giai đoạn quan trọng và cuối cùng này của cuộc đời bà. Khi anh ấy mô tả những gì đã làm cho mẹ, tôi thật kinh ngạc. Nó thật giống những mô tả của Sư Phụ về việc Ngài đã chăm sóc mẹ Ngài như thế nào trước khi mẹ Ngài qua đời.
Tôi nghĩ đó quả là điều rất thú vị. Lòng hiếu thảo quả thật rất quan trọng cho dù quý vị có là tăng, ni hay cư sĩ. Chúng ta đã nghe điều này được nhấn mạnh rất nhiều trong Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện. Một lần nữa, điều đó rất quan trọng bởi vì đó chính là yếu tố thúc đẩy chúng ta tu Bồ Tát Đạo. Do đó, Hòa Thượng và thầy Hằng Kỳ là hai ví dụ sống trong thời hiện đại về việc chúng ta nên thực hành việc hiếu thảo thế nào. (Tôi thật sự không nên được ở trong cùng một câu với Sư Phụ về gương hiếu thảo!).
You must be logged in to post a comment.