BỒ TÁT ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM

Hoà Thượng Tuyên Hoá

Ngày 3 tháng 10 năm 1986

Bồ Tát Quán Tự Tại trong vô lượng kiếp về trước đã thành tựu Phật quả, hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai. Do nguyện lực từ bi, Bồ Tát chèo ngược thuyền từ trở lại Ta Bà, lần theo tiếng khẩn nguyện của chúng sanh cứu khổ. Cho nên nói “ngàn nơi nguyện cầu ngàn nơi ứng, biển khổ làm thuyền độ người qua” [1]. Bồ Tát nguyện đại từ với cả những người không có duyên và đại bi với tất cả muôn loài[2], nên có khả năng cứu được bảy nạn[3], giải trừ ba độc[4], ứng nghiệm hai điều mong cầu[5]. Bồ Tát khi còn tu tập Sơ địa[6], gặp được Thiên Quang Vương Tịnh Trụ Như Lai, được truyền cho thần chú Đại Bi, Đức Phật hiện ánh sáng vàng tía, lấy tay xoa đầu, Bồ Tát nhờ thần lực Phật đạt đến địa thứ tám (Bất Động địa), vui mừng hớn hở mà phát nguyện rằng: “Nếu đời vị lai con có thể làm lợi ích chúng sanh, nguyện cho con có được ngàn tay ngàn mắt”. Phát nguyện xong, quả đất liền chấn động theo sáu cách, mười phương Chư Phật đồng phóng hào quang chạm đến thân Bồ Tát, ngàn mắt ngàn tay liền được đầy đủ. Bồ Tát liền đối trước Phật thưa rằng: “Nếu chúng sanh nào trì tụng thần chú Đại Bi, ngay trong đời này nếu không thành tựu được tất cả những điều mong cầu thì không gọi là Đại Bi Tâm Đà La Ni”. Đời Hậu Lương thời Ngũ Đại[7], một hôm có một vị Tăng thỉnh tượng đồng Đại Sĩ về nước phụng thờ, khi thuyền đến núi Phổ Đà, vị Tăng dừng chân lại núi này, thấy xuất hiện vô số điều linh ứng, từ đấy núi Phổ Đà trở thành thánh địa Phật giáo. Có một câu liễn viết rằng: “Xin hỏi Bồ Tát sao ngồi nghịch hướng? Than rằng chúng sanh chẳng chịu hồi đầu”. Cho nên có câu “biển khổ vô biên, quay đầu là bờ”[8]. Vì sao chúng sanh không chịu hồi đầu? Do bị danh lợi và tình ái làm mê mờ, nếu ai có thể nhìn thấu và buông bỏ thì liền được tự tại.

Khen rằng:

Đại từ đại bi

Cứu khổ cứu nạn

Hết thảy chúng sanh

Cùng đến bờ kia.

 

Không từ gian khổ

Thị hiện muôn nơi

Độ khắp mọi loài

Không phân giàu khó.

 

Lại nói kệ rằng:

Phổ Đà thường hiện tiếng hải triều

Chúng sanh Ta Bà kết duyên sâu

Ngàn tay hộ trì cùng muôn loại

Mắt tuệ thấy khắp kẻ khổ đau

Bể khổ ba đào mong sớm lặng

Địa ngục thống khổ nguyện bình an

Xưng danh giải trừ tất cả nạn

Lễ bái phước huệ tự đong đầy.

 

TỰ TÁNH QUAN ÂM, TỰ TÁNH DI ĐÀ

Hôm nay tôi muốn chỉ quý vị ở ngay nơi tự tánh của mình diện kiến Đức Phật A Di Đà, ở nơi tự tánh biết được tất cả lỗi lầm.

Nếu quý vị muốn học theo hạnh Bồ Tát Quán Thế Âm, điều đó rất dễ, chỉ cần quý vị thực hành pháp từ bi, quý vị luôn có tấm lòng từ bi đối với tất cả mọi người. Tôi nhớ có hôm, Qủa Tiền nói: “Pháp từ bi này đối với con thật quá mới mẻ, trước kia con không hề biết thế nào gọi là từ bi”. Không chỉ một mình Qủa Tiền không biết, mà tôi tin có nhiều người Tây phương còn rất xa lạ đối với từ bi. Vì sao như vậy? Vì người Tây phương không nói đến từ bi, nên không biết từ bi, xa lạ đối với từ bi, và như thế đương nhiên khi đối mặt cũng sẽ không nhận ra Bồ Tát Quán Thế Âm. Đó là do quý vị không biết đến từ bi, cho nên cũng sẽ không biết, không nhận ra cái gì gọi là Bồ Tát Quán Thế Âm.

Nếu quý vị muốn biết Bồ Tát Quán Thế Âm thì nên thực hành pháp từ bi. Thế nào là pháp từ bi? Từ năng dữ lạc, bi năng bạt khổ. Nghĩa là “từ” có khả năng mang đến niềm vui cho tha nhân, “bi” là giúp dứt trừ nỗi khổ cho người. Vui này là niềm vui chân thật, không phải là niềm vui giải trí theo kiểu thế gian như đi đặt cược, cỡi ngựa, xem phim, khiêu vũ v.v.. Vui theo kiểu đó vui chính là khổ. Vậy thế nào là niềm vui chân thật? Quý vị làm cho người thật sự hiểu rõ, khiến cho người thật sự giác ngộ. Như vậy chính là mang đến cho người niềm vui thật sự. Không hề hồ đồ, dứt vô minh, hiển pháp tánh, đây mới chính là niềm vui chân thật. Nếu quý vị muốn học theo Bồ Tát Quán Thế Âm thì trước tiên nên thực hành pháp từ bi.

Thế nào gọi là Bồ Tát Đại Thế Chí? Đó là vui thích bố thí. Nơi Từ vô lượng, Bi vô lượng, Hỷ vô lượng, Xả vô lượng, ở nơi bốn vô lượng tâm từ bi hỷ xả này mà quý vị có thể thực hành hỷ và xả, đó chính là đang học theo Bồ Tát Đại Thế Chí. Bồ Tát Đại Thế Chí là đại hỷ đại xả, còn Bồ Tát Quán Thế Âm là đại từ đại bi.

Qúy vị có thể tự tịnh ý chí mình, tự tịnh tâm mình, quay trở về cội nguồn bản tâm sáng suốt mầu nhiệm, tánh giác tròn sáng, trở về với cội nguồn tánh như lai tạng của mình, đó chính là Phật Thích Ca Mâu Ni, là năng nhơn.

Nếu quý vị có thể giữ tâm công bình ngay thẳng, không hề có chút riêng tư, đối với bất kỳ ai đều bình đẳng mở lòng từ lớn, đó là cách hành xử của Đức Phật A Di Đà. Đức Phật A Di Đà là như thế. Đây là cách tôi ví dụ, quý vị không nên nói: “Ô, công bình ngay thẳng chính là Đức Phật A Di Đà”. Quý vị không nên sanh lòng chấp trước. Nghe kinh pháp, sợ nhất là chấp trước, rồi nói: “A, tôi nghe có một vị Thầy nói công bình ngay thẳng chính là Phật A Di Đà”. Nếu chấp như vậy thì quý vị đang làm cho hình tượng Đức Phật A Di Đà không có giá trị gì cả. Tóm lại, “nếu quý vị có thể giữ tâm công bình ngay thẳng, đó là hành vi của Phật A Di Đà”, đây chỉ là cách nói ví dụ của tôi.

A, quan trọng nhất là câu này – nhân ngã. Có nhân có ngã là có núi tu di; có núi tu di là không có cao như thế nữa. Qúy vị xem, đây đều do có ngã mà ra. Nhân có tướng của nhân, ngã có tướng của ngã; nhân có cái khuôn của nhân, ngã có cái khuôn của ngã. Cái khuôn này cũng cao như thể núi tu di vậy. Tiếng Phạn là tu di, tiếng Hoa gọi là “diệu cao”, cái diệu cao này không biết là bao cao, bởi nó quá mầu diệu. Cho nên người cống cao ngã mạn gọi là tu di. Quý vị còn phân biệt nhân và ngã thì còn có núi tu di. Hiện giờ quý vị nghe rõ rồi chứ? Nhân ngã chính là tu di. Cho nên công bình ngay thẳng là Phật A Di Đà, nó chỉ là một cách nói ví dụ. Ở đây tôi muốn hướng dẫn cho quý vị: ngay nơi tự tánh của mình đi gặp Đức Phật A Di Đà, ngay nơi tự tánh của mình để thấy biết rõ tất cả lỗi lầm.

Ghi Chú: 

[1] “Thiên xứ kỳ cầu thiên xứ ứng, khổ hải thường tác độ nhân thuyền”.

[2] Vô duyên đại từ, đồng thể đại bi.

[3] Nạn lửa, nạn nước, nạn la sát, nạn dao gậy, nạn ma quỷ, nạn bị giam cầm, nạn giặc cướp.

[4] Tham độc, sân độc và si độc.

[5] Cầu được như ý, cầu mạng sống lâu dài.

[6] Còn gọi là Hoan Hỷ địa, là một trong mười địa của Bồ Tát.

[7] Thời Ngũ Đại gồm có năm nước: Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu.

[8] “Khổ hải vô biên, hồi đầu thị ngạn”.