English|Vietnamese

Chiều Chủ Nhật, Ngày 28 tháng Mười, năm 1973

Về Việc Dịch Các Thuật Ngữ

Hòa Thượng Tuyên Hóa

Hòa Thượng: Có ai trong quý vị muốn nhận xét về ý nghĩa của bốn đoạn kinh vừa giảng hôm nay về bốn vị Chủ Không Thần không (1)? Nếu có hãy nhanh nêu ý kiến của mình để chúng ta cùng bàn luận về ý nghĩa của nó.

Sư Cô Hằng Ẩn [Chú thích của Chủ bút: Tên xuất gia của Quả Dật]: Về việc dịch chữ An trong 離障安住 (ly chướng an trụ) (2), 安住 (an trụ) gồm hai chữ, chữ thứ nhất là an giống với chữ an trong平安 (bình an). Chữ thứ hai là 住, nghĩa là “trụ”, như trong “vô sở trụ”. Vậy khi kết hợp nghĩa của chúng là “an trụ”, hay chữ này tạo thành chữ ghép với nghĩa đơn là “ở nơi an lạc”. Câu hỏi của con là khi chúng ta dịch hai chữ này sang Anh ngữ, chúng ta phải dùng thành hai chữ “an” và “trụ” hay 安住 (an trụ) với chỉ một nghĩa đơn?

Hòa Thượng: Thế nào là nghĩa đơn? Nó được hiểu thế nào?

Sư Cô Hằng Ẩn: Chúng ta có thể nói là “established” (thiết lập), nghĩa là định trú tại nơi nào mà không bị lay động nữa. Điều mà con không hiểu rõ lắm là liệu rằng hai chữ này sẽ kết hợp thành một đơn vị với một nghĩa, hay mỗi chữ riệng trong đó đều có ý nghĩa riêng của mỗi chữ?

Hòa Thượng: Hãy hỏi các bậc thánh nhân người Mỹ của chúng ta xem, quý vị nghĩ sao về điều này? Ai là bậc thánh nhân? Thánh nhân, hãy lên tiếng đi. Ngài không nói à? Vậy thì vị còn lại nên nói. [Chú thích của Chủ bút: chữ thặng 剩( còn thừa, còn lại) đọc giống như “thánh” (shèng) theo tiếng Trung Hoa]. Ai là vị còn lại?

Sư Cô Hằng Hiền: [Chú thích của Chủ bút: Tên xuất gia của Quả Phổ]: Sư phụ, đôi khi nơi an trú còn được gọi là A Lan Nhã (Aranya)Đôi khi có hai…

Hòa Thượng: A Lan Nhã à? A Lan Nhã là nơi tịch tĩnh.

Sư Cô Hằng Ẩn: Bởi vì thỉnh thoảng 安住 (an trụ) xuất hiện trong 安住道場 (an trụ đạo tràng) và khi nói là “peacefully dwelling” (nơi cư trú an lạc) cho chữ đó thì nghe không suông lắm trong tiếng Anh.

Hòa Thượng: Ồ vậy thì phải nói thế nào?

Sư Cô Hằng Ẩn: Có lẽ chúng ta có thể nói “established”

Hòa Thượng: Established? Chữ “established” có nghĩa gì vậy?

Sư Cô Hằng Ẩn: Nghĩa là định trú tại một nơi mà không bị lay động.

Thầy Hằng Tĩnh: Sư phụ, con nghĩ là trước đây con cũng đã từng hỏi câu hỏi này. Nếu chữ 安 (an) trong một đoạn kinh nào đó mang nghĩa 平安 (bình an), thì chữ 安 (an) phải được dịch là “bình an”. Tuy vậy, như trong đoạn kinh này, khi mà nghĩa bình an không rõ lắm, thì ý của vị ấy là có thể dùng nghĩa là “an định” hay “an trú”. Nhưng sư cô nói đúng, nếu hai chữ này được dịch sang tiếng Anh như hai chữ riêng biệt, thì nghe không hay lắm. Ngoài ra, nghĩa “bình an” có thể không hiện hữu trong tất cả trường hợp.

Hòa Thượng: Ở đây nó có nghĩa là không lay động (bất động).

Thầy Hằng Tĩnh: Dạ phải

Hòa Thượng: Nó liên quan đến chữ “ly chướng” trước đó. Nếu có chướng ngại, thì không thể không động (bất động), và cũng không thể 安住 (an trụ). Nếu không có chướng thì có thể 安住 (an trụ). 安住 (an trụ) trong mạch văn này có nghĩa là bất động. Bất động nghĩa là tĩnh lặng, vì thế nó có thể ám chỉ tịch và tĩnh. Như Quả Phổ mới đề cập A Lan Nhã – Tịch tĩnh xứ – một nơi tịch tĩnh, cũng có thể nói là định, ở trong định, trong Tam Muội. Tất cả những nghĩa này đều có thể chấp nhận được. Tuy nhiên khi dịch sang Anh ngữ, nếu quý vị cứ khăng khăng theo nghĩa “an trụ” thì quả thật nghĩa của nó không được chuyển đạt viên mãn, và đó cũng không phải là cách nói hay nhất. Vậy theo ý quý vị đề nghị dịch như thế nào trong trường hợp này?

Thầy Hằng Tĩnh: Established.

Hòa Thượng: “Established” là một chữ, đúng không?

Thầy Hằng Tĩnh: Dạ đúng

Hòa Thượng: Và nó không có nghĩa là 安 (an), nhưng có nghĩa là “trụ”?

Thầy Hằng Tĩnh: Nghĩa chính của “established” có nghĩa là đã được thiết lập.

Hòa Thượng: Vậy nó có nghĩa 安(an) không?

Thầy Hằng Tĩnh: Không hẳn vậy. Nhưng con nhớ có một chữ có nghĩa đó. Trong Phạn ngữ có một chữ như thế. Con không nhớ tiếng Phạn, nhưng được dịch là “settle in” (trú vào), là cách chỉ con chim được ổn định trong tổ của nó và không cử động. Thuật ngữ đó xuất hiện trong Kinh Đại Bát Nhã. Chữ đó có ý nghĩa là định trú ở nơi nào đó an toàn.

Hòa Thượng: Tôi không nghĩ là quý vị phải dịch thành “an trụ” trong mạch văn này. Quý vị cần xem xét mạch văn của nó đòi hỏi dùng chữ như thế nào rồi có thể đưa ra quyết định.

Timely Teachings, trang 331 – 333.

Ghi Chú:

(1) Kinh Hoa Nhiêm – Phẩm Thế Chủ Diệu Nghiêm http://www.dharmasite.net/KinhHoaNghiem1PhamTheChuDieuNghiem.htm Trong phần này Hòa Thượng đang giảng Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Thế Chủ Diệu Nghiêm, đoạn về các vị Chủ Không Thần

 http://www.drbachinese.org/vbs/publish/305/vbs305p002.htm http://www.drbachinese.org/vbs/publish/306/vbs306p002.htm

(2) Ly Chướng An Trụ Thần – tên một vị Chủ Không Thần trong Phẩm Thế Chủ Diệu Nghiêm:

Lại có vô-lượng Chủ-Không Thần: Tịnh-Quang-Phổ Chiếu Thần, Phổ-Du-Thâm-Quảng Thần, Sanh-Cát-Tường-Phong Thần, Ly-Chướng An-Trụ Thần, Quảng-Bộ-Diệu-Kế Thần, Vô-Ngại-Quang-Diệm Thần, Vô-Ngại-Thắng-Lực Thần, Ly-Cấu-Quang-Minh Thần, Thâm-Viễn-Diệu-Ấm Thần, Quang-Biến-Thập-Phương Thần, có vô-lượng Chủ-Không thần như vậy làm bực thượng-thủ.