English|Vietnamese

Ngày 7 tháng 5 năm 1974, Thứ ba

Về Việc Ghi Chép Kinh Điển Bằng Tay

Hòa Thượng Tuyên Hóa

Trước khi tôi thảo luận về tình hình ở Hồng Kông và Đài Loan, tôi có một số tin tức để nói với quý vị, tôi mong quý vị sẽ cứu xét về vấn đề này. Tin tức này là gì? Quả Khiêm, lúc ở Hồng Kông, đã nhận ra rằng việc đánh máy các kinh điển trên máy đánh chữ không phải là một ý tưởng hay. Sao lại không? Bởi vì nó làm cho thầy ấy lướt qua bài kinh quá nhanh, giống như một con ngựa đang phi nước đại vậy, trước khi thầy ấy có thời gian để suy ngẫm và nghiên cứu về bài kinh đó. Kết quả là thầy ấy hơi lúng túng về các đạo lý trong kinh điển. Thầy ấy sẽ làm gì về điều này? Thay vì ghi ra lại bài giảng kinh trực tiếp trên máy đánh chữ, thầy ấy sẽ viết ra bằng tay. Một mặt, thầy ấy có thể thực hành cách viết tay và học cách viết nhanh hơn; mặt khác, thầy ấy có thể suy ngẫm về các đạo lý khi thầy ghi chép kinh văn xuống. Và vì vậy, thay vì đánh máy nhanh bài kinh trên máy đánh chữ, Quả Khiêm sẽ ghi chép ra bằng tay.

Tôi đã nói với quý vị trước đây đã lâu rằng máy thu âm là một điều tệ hại. Vì chúng ta có máy thu âm, nên không còn ai ghi chép nữa. Mọi người đều phụ thuộc vào máy thu âm. Thậm chí mọi người nghĩ rằng đây không còn là vấn đề nữa dù họ có lắng nghe bài giảng hay không. Họ nghĩ rằng họ có thể ngủ gật trong suốt buổi giảng kinh, bởi vì máy thu âm đang chuyển Đại Pháp Luân, ghi lại tất cả Phật Pháp. Họ cho rằng về sau họ có thể lắng nghe các băng ghi âm này. Trước hết, mọi người không ghi chép. Kế đến, họ trở nên phụ thuộc vào máy thu âm và bắt đầu ngủ gật tại các buổi giảng. Đó là hai điều bất lợi. Sau đó, họ bỏ quên các băng thu âm trong một thời gian dài mà không nghe tới chúng, và kết quả là họ quên đi tất cả các đạo lý đã được thuyết giảng. Sau cùng đến lúc họ có thời gian để nghe băng, trí nhớ của họ đã rất mù mờ và họ không thể lãnh hội được những gì thầy mình đã truyền đạt.

Do vậy, máy thu âm không hữu ích nhiều cho những học trò thực sự muốn nghiên cứu Phật pháp. Trong phạm vi nhỏ, máy ghi âm hữu ích vì nó có thể giúp mọi người bổ túc vào những gì họ thiếu sót trong các ghi chép của mình do họ không thể viết nhanh kịp. Khi quý vị bỏ sót một điều gì đó trong ghi chép của mình, quý vị có thể để lại một khoảng trống trong sổ ghi chép và sau đó lắng nghe băng để tìm hiểu những gì đã được giảng. Máy thu âm có hữu ích trong cách phạm vi nhỏ này, làm cho ghi chép của quý vị hoàn chỉnh hơn.

Nếu quý vị thật  sự muốn thông hiểu Phật Pháp, quý vị nên thường xuyên ghi chép Phật pháp bằng tay. Đó là một phương pháp rất hay.

Dịch từ sách “Timely Teachings”, trang 321 – 322.