English|Vietnamese

Ngày 29 tháng Mười năm 1973, tối thứ Hai

Về Vô Công Dụng Đạo

Hòa Thượng Tuyên Hóa

Hòa Thượng: Những ai có ý nguyện tu tập (giải thoát môn – phương pháp giải thoát – này) (1) đều có thể đạt được khả năng này [của việc hiện thân ở khắp các thế giới]. Từ nhỏ thành lớn, từ gần thành xa, từ tự mình đến với người khác, mà không cần rời khỏi bổn xứ của mình (2). Để tôi đưa ra một ví dụ chứng minh về điều gọi là không rời khỏi bổn xứ của mình nghĩa là gì. Đó là như khi quý vị làm rất nhiều việc, nhưng trong tâm trí của quý vị không cảm biết là đang lao nhọc khổ sở. Đó không phải là trường hợp khi quý vị chỉ làm một vài việc mà cảm thấy tinh thần đã mệt mỏi, “À, tôi mệt rồi.” Cảm giác của sự mệt mỏi là sự hư hoại của bổn xứ của quý vị. Nếu quý vị không cảm thấy mệt thì quý vị sẽ thấy rằng quý vị đang làm mà không làm (hành vô sở sự), biết là rất tốt khi làm những việc ấy, đó là vận động thân thể. Ví dụ như hôm nay Quả Hộ đi vận chuyển gỗ. Khi Quả Hộ không thể khiêng nổi cây gỗ, anh ta muốn khóc than lên. “Ôi! Nó nặng quá!” Có phải con đã thật sự khóc không?

Tỳ kheo Hằng Thọ [Quả Hộ]: Dạ không, nhưng công việc đó quả thật là rất khó khăn.

Hòa Thượng: À! “Vô công dụng Đạo” (2) là làm việc nhưng cảm thấy như là không có việc đang được làm. Đó chính là không rời khỏi bổn xứ của quý vị. Nếu tâm của quý vị không động tức quý vị không rời khỏi bổn xứ của quý vị, đó là tâm của quý vị.

Timely Teachings, trang 72.

Ghi Chú:

(1) Kinh Hoa Nhiêm – Phẩm Thế Chủ Diệu Nghiêm http://www.dharmasite.net/KinhHoaNghiem1PhamTheChuDieuNghiem.htm . Trong phần này Hòa Thượng đang giảng Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Thế Chủ Diệu Nghiêm, đoạn về vị Quang-Biến-Thập-Phương Chủ Không Thần được giải thoát môn chẳng động bổn xứ mà hiện khắp thế-gian.  http://www.drbachinese.org/vbs/publish/309/vbs309p002.htm

Kinh văn: Quang-Biến-Thập-Phương Thần được giải-thoát-môn chẳng động bổn xứ mà hiện khắp thế-gian.

(2) Nguyên văn Hoa ngữ: 由小而大,由近而遠,由自及他,不動本處,Do tiểu nhi đại, do cận nhi viễn, do tự cập tha, bất động bổn xử,

(3) Nguyên văn Hoa ngữ: 「無功用道」- “Vô công dụng Đạo”