Chinese | English | Vietnamese

Món Quà Của Hòa Thượng Dành Cho Chúng Ta

Frederick Klarer (Quả Hộ)

Có ba sự việc nổi bật xảy ra trong tâm trí tôi về những năm tôi sống cùng Hòa Thượng Trụ trì và ba sự việc này đã như là nền tảng cho việc tu tập của tôi. Vì những sự việc này có thể là điều thú vị cho những người khác nên tôi xin kể ra như sau:

Sự việc đầu tiên xảy ra vào mùa thu hay mùa đông năm 1970-1971. Tiếp theo sau khoá tu mùa hè năm 1970, hình như có khoảng mười lăm người đàn ông đến sống và tu tập ở Giảng Đường Phật Giáo trên đường Waverly Place của khu phố Tàu ở San Francisco. Và cũng có khoảng chừng ấy số phụ nữ sống trong một căn nhà riêng cách nơi đó không xa lắm, ban ngày thì đến Giảng Đường Phật Giáo. Và lúc nào cũng có khoảng hai mươi người hoặc hơn chen chúc vào trong một căn phòng ấy. Để tránh sự đông đúc như thế, nhiều người nam đã di chuyển lên phía nóc nhà và làm những thùng để ngủ bằng các mảnh gỗ chở kiện hàng và ngồi ngủ trong đó. Đây chính là thời kỳ tu hành ban đầu của tất cả chúng tôi, một cố gắng đầu tiên, và những căng thẳng thường khá cao vì mỗi chúng tôi đều phải vất vả đấu tranh với lũ ma quỷ trong bản thân mình và phóng chiếu những ma quỷ này vào lẫn nhau. Khi cơn lạnh mùa đông kéo về, những áp lực ấy trở nên không thể chịu đựng được. Mỗi người chúng tôi lại bắt đầu mơ tưởng về một tu viện trong khu rừng mênh mông, yên bình, tuyệt vời mà ở đó chúng tôi không làm gì cả ngoài việc tu hành ngày đêm và sẽ không có những thứ được xem là chướng ngại ở Giảng Đường Phật Giáo này. Sự mơ tưởng đã nhanh chóng hóa kết thành nỗi ám ảnh cho vài người.

Chùa Thiên Hậu tại đường Waverly Place, San Francisco. Giảng Đường Phật Giáo ở lầu 4 phía trên cùng trong chùa Thiên Hậu.

Giảng Đường Phật Giáo (1968)

 

Giảng Đường Phật Giáo – Lễ Quy Y (1969)

 

 

Thế rồi, một tối nọ, sau buổi thuyết giảng trang nghiêm, Hòa Thượng Trụ trì đã thông báo rằng Ngài có một món quà đặc biệt dành cho chúng tôi. Ngài nháy mắt và tươi cười, nụ cười không ai có thể bắt chước được và tất cả chúng tôi cứ thèm muốn chờ đợi. Ngài bảo chúng tôi phải ráng đợi vì đó sẽ là món quà Giáng Sinh, nhưng sẽ là một cái gì đó vô giá, một món quà tốt đẹp nhất chúng tôi chưa từng nhận được.

Vào khoảng thời gian này, chúng tôi cũng đang xem một số khu nhà đất khắp trong và ngoài tiểu bang California. Vài người thông minh trong bọn tôi đã nhanh chóng gom những thông tin rời rạc lại với nhau và quyết định rằng Hòa Thượng Trụ trì sẽ tặng cho chúng ta một tu viện tuyệt vời trên núi làm quà Giáng Sinh. Sau khi đã suy luận được điều này, thì sự mong đợi của chúng tôi ngày càng lớn hơn. Những lúc đi xem các khu nhà đất khác nhau ở miền quê, chúng tôi lại vui sướng mong chờ. Cuộc sống sẽ thật tuyệt vời. Chúng tôi sẽ có môi trường hoàn hảo để tu hành. Tất cả những trở ngại chúng tôi đang đối đầu rồi sẽ biến mất để hướng đến một môi trường tuyệt hảo và tất cả sẽ tốt đẹp.

Khi ngày lễ Giáng Sinh gần kề, Hòa Thượng Trụ trì nhắc nhở chúng tôi về món quà mà chúng tôi mong đợi và tất cả đều vui sướng hơn nhiều, trông chờ “đồ chơi mới” cho lễ Giáng sinh. Cuối cùng, Hòa Thượng cũng đã báo cho chúng tôi biết sẽ được nhận quà vào ngày giờ nào. Vào buổi tối thuyết giảng đó, Giảng Đường Phật Giáo đông nghẹt người. Mọi người đều có mặt ở đó, ai cũng chờ đợi một thông báo không thể tránh khỏi rằng tất cả chúng tôi sẽ chuyển đến khu vực vùng quê mới hoàn hảo hơn cho đời sống quán niệm tu tập. Như thường lệ, Hòa Thượng vẫn giảng kinh. Các người thông dịch đã dịch xong, Ngài lại giảng tiếp và những người thông dịch cũng hoàn tất công việc thông dịch. Vẫn không có đề cập gì đến tu viện ở vùng quê. Tất cả chúng tôi bất đầu thấy hơi lo. Hòa Thượng chắp tay để tụng hồi hướng công đức – và rồi ngưng lại nói: “Ồ.. ” Ngài nói đã quên, hôm nay là ngày Ngài trao quà cho chúng tôi. Tất cả đều thở phào nhẹ nhõm. Vấn đề lo lắng của chúng tôi đã kết thúc ngay tại đây rồi.

Sau đó, Hòa Thượng nói: “Hôm nay tôi sẽ tặng cho mỗi người hai cuộn liễn viết tay rất đẹp. Đó là món quà quý giá mà quý vị không được bao giờ buông bỏ.” Không phải là một tu viện nhưng đó là một bước khởi đầu tốt. Tối thiểu là một cái gì đó thật đặc biệt và có giá trị. Ngài tiếp lời: “Trên cuộn liễn thứ nhất có viết chữ ‘Sanh’. Trên cuộn liễn thứ nhì có viết chữ ‘Tử”. Quý vị nên treo những cuộn liễn này, mỗi cái trên mỗi mí mắt để quý vị lúc nào cũng có thể thấy chúng. Nếu quý vị có thể thấy được những cuộn liễn này trong mọi thời khắc thì chắc chắn quý vị sẽ giác ngộ được ngay trong đời này.”

Tất cả chúng tôi đều ngạc nhiên. Đó cũng là điều hay và tốt thôi nhưng đây có phải là chuyện đùa chăng? Chắc chắn còn gì thêm nữa. Rồi Hòa Thượng lại cười và nhìn về đại chúng, và sau đó cò vẻ như sẽ nói thêm nữa. Rõ ràng đây không phải là sự kiện chính. Món quà lớn vẫn chưa đến. Ngài lại tiếp tục: “Nhưng nếu quý vị sẽ ngồi thiền ngày và đêm thì quý vị sẽ cần một nơi để làm điều ấy. Quý vị sẽ cần một Thiền đường.” À, mỗi chúng tôi lại nghĩ bây giờ món quà thật sự đã đến – đó là những gì tất cả chúng tôi chờ đợi trong nhiều tháng qua – mọi người chờ đợi. “Để thiền thì quý vị sẽ cần một Thiền đường, vì thế tôi sẽ tặng quý vị một Thiền Đường.” Cuối cùng thì đây là điều mà chúng tôi đã nghĩ đến. Ngài nói tiếp: ”Về những cột trụ cho Thiền đường của quý vị thì tôi tặng cho quý vị bốn phương hướng, về mái nhà thì tôi tặng cả bầu trời. Về nệm ngồi thiền thì tôi tặng quý vị luôn cả trái đất bao la này.” Ngài tươi cười rạng rỡ với chúng tôi như thể Ngài vừa mới khui mở thùng kẹo sô-cô-la ngọt thơm nhất và trao cho mỗi chúng tôi phần ngon nhất trong thùng. Sau đó Ngài tiếp tục: “Quý vị đã có thoại đầu rồi, quý vị đã có nơi chốn rồi. Bây giờ hãy ‘Dụng Công’ đi !” Ngài cười, nụ cười không ai có thể bắt chước được và rồi chắp tay vào nhau để bắt đầu tụng bài kệ hồi hướng công đức. Tất cả chúng tôi thật kinh ngạc và bàng hoàng. Khôi hài thiền là một chuyện, nhưng chuyện này là nghiêm túc. Buổi giảng kinh tối đã kết thúc và mỗi người ra về với những suy nghĩ riêng của mình. Vài người cho rằng toàn bộ sự việc này chỉ là khôi hài Thiền, nhằm giúp chúng ta rũ bỏ sự chấp trước. Những người khác thì khá thất vọng. Mỗi người chúng tôi đối phó với sự thất vọng và sự bàng hoàng của mình theo những cách khác nhau. Và sự việc trôi dần vào qúa khứ. Vài tháng sau, chúng tôi mua được toà nhà ở số 1731 đường 15 và bắt đầu nỗ lực hết mình xây cất đàng hoàng một chỗ mới cho việc tu tập. Thế là Kim Sơn Thánh Tự đã ra đời.

Tôi cứ nghĩ mãi về câu chuyện đó rất nhiều lần và dần dần mới hiểu được món quà quý giá mà Hòa Thượng đã ban tặng cho mỗi chúng tôi ngày ấy. Phải mất đến hơn 20 năm tôi mới bắt đầu sử dụng món quà đó, nhưng món quà vẫn còn mới như những viên kẹo sô-cô-la tưởng tượng khi thùng kẹo được mở ra lần đầu tiên. Mọi lúc, mọi nơi, mọi sự kiện đều không gì khác hơn là cơ hội để tu hành, nếu chúng ta có tấm lòng và quyết tâm kinh nghiệm cuộc đời theo cách đó. Lối vào Pháp giới luôn sẵn có trong mỗi phút giây. Đơn giản là chúng ta chỉ cần nhận ra được những cơ hội thường hằng như thế. Tôi kể lại câu chuyện này vì một món quà thật sự có ý nghĩa khi nó được tiếp tục truyền cho người khác. Tôi xin trao món quà của Hòa Thượng đến cho những ai vắng mặt ngày hôm nay và hy vọng quý vị sẽ sử dụng nó tốt đẹp hơn tôi nữa.

Sự việc thứ hai mà tôi cứ nhớ mãi là chuyến đi của thầy Hằng Khiêm, Hằng Thọ và tôi để xem xét những khu đất ở phía bắc tiểu bang California, ở tiểu bang Oregon, và tiểu bang Idaho. Chúng tôi đi bằng xe buýt hiệu Volkswagen, ngủ trong xe hay cắm trại để thăm dò những địa điểm khác nhau có thể là một tu viện mới ở vùng quê. Cuối cùng, sau khi xác định một vài chỗ mà chúng tôi nghĩ đầy hứa hẹn vì thầy Hằng Khiêm đã liên lạc qua điện thoại với Hòa Thượng. Ngài đi đến gặp và ở lại vài ngày với chúng tôi để lái xe quanh xem xét. Một buổi sáng nọ, chúng tôi ngừng xe ở một con suối rất đẹp ở phía bắc tiểu bang Idaho để chuẩn bị bữa ăn ngày một bữa của chúng tôi. Như cách tu hành thường lệ của ngài khi đi ra ngoài, Hòa Thượng hầu như không ăn uống gì cả – chỉ một trái chuối và có thể thêm chút trái cây. Lúc đó tôi cũng đang tập ngồi ăn chỉ một lần ngồi (nhất tọa thực) (1) và bảo đảm mình ăn đủ no để kéo dài đến trưa hôm sau dài như cả kiếp, trước khi đứng dậy hoặc trước lúc đồng hồ điểm giờ ngọ. Thầy Hằng Khiêm và Hằng Thọ thì chẳng ai thiết tha gì lắm đến ăn uống, chỉ đi lang thang qua bên kia suối, xa khu vực chúng tôi dừng chân, chuẩn bị bữa ăn và vu vơ chơi trò liệng đá nhảy trên mặt nước (2), rồi nghỉ ngơi đầy đủ cần thiết cho việc lấy lại sức sau những giờ lái xe. Hòa Thượng và tôi cùng ngồi với nhau trên một khúc gỗ; Ngài đang ăn trái chuối, còn tôi thì gắng ăn hết mọi thứ mà tay tôi có thể với tới. Hòa Thượng nhìn thầy Hằng Khiêm và Hằng Thọ chơi trò liệng đá nhảy trên mặt nước và hỏi tôi họ đang làm gì vậy. Tôi bèn giải thích giải thích cách chơi và người ta chơi trò liệng đá nhảy trên mặt nước như thế nào. Ngài hỏi họ chơi trò chơi đó giỏi như thế nào và tôi đã đưa ra sự đánh giá của tôi. Rồi Ngài lại hỏi tôi bằng giọng điệu như lo âu vì sợ rằng tôi bị bỏ rơi: “Tại sao con không đi ra chơi với bạn của con?” Tôi đáp lại rằng khi đến giờ ăn thì tôi phải ăn, rằng: “Con biết điều nào là quan trọng.” Ngài quay đầu lại phía tôi nháy mắt vui sướng: “À, con biết điều nào là quan trọng. Quả Hộ biết cái gì là quan trọng. Quả Hộ biết cái gì là quan trọng.” Ngài cứ cười khúc khích lập đi lập lại câu này. Rồi Ngài dùng xong trái chuối, đi qua phía thầy Hằng Khiêm và Hằng Thọ loan báo với họ: “Tôi có điều quan trọng để báo cho các người biết đây. Việc này rất quan trọng. Quả Hộ biết cái gì là quan trọng. Quả Hộ biết cái gì là quan trọng.” Tôi ngồi ăn, cảm thấy thật hài lòng với bản thân vì biết được điều gì là quan trọng với mình – ăn trưa khi đến giờ quan trọng hơn là lãng phí thời gian để chơi. Khi tôi đang ăn, Hòa Thượng đứng qua phía bên thầy Hằng Khiêm và Hằng Thọ xem họ tiếp tục chơi trò liệng đá nhảy trên mặt nước. Sau khi xem vài lần ném đá, Hòa Thượng đứng xa chừng một thước, quan sát mặt đất cẩn thận và nhặt lên một tảng đá lớn, hình dạng không đều và cân nặng ít nhất khoảng vài cân Anh. Ngài đi bộ lên triền suối và nhấc bổng ném tảng đá vào dòng suối. Tảng đá chìm ngay không để lại dấu tích gì. Rồi Ngài lại nhìn thẳng vể thầy Hằng Khiêm và Hằng Thọ đang ngắm nhìn những làn sóng lăn tăn trải rộng ra. Thầy Hằng Khiêm và Hằng Thọ ngước lên nhìn Hòa Thượng từ con suối đó. Cả ba người đứng ở đó trong giây lát, rồi nhìn nhau cười lớn cùng một lúc. Rồi cả ba người thong thả tiến về chỗ tôi đang ngồi ăn. Hòa Thượng nói với họ bằng thái độ rất nghiêm túc là tôi biết được cái gì là quan trọng như thế nào. Sau đó, thầy Hằng Khiêm và Hằng Thọ cũng dùng bữa ăn trưa. Khi ăn xong, tôi bèn đi qua bên triền suối và cũng ném liệng chơi vài hòn đá nhảy trên mặt nước rất là điêu luyện. Điều này chứng minh rằng một khi tôi hoàn thành được vần đề quan trọng rồi thì tôi cũng có năng lực về những vấn đề thứ yếu.

Từ đó về sau, mỗi khi chúng tôi đi xem một khu nhà đất nào đó, Hòa Thượng đều nghiêm túc quay về phía tôi và hỏi ý kiến tôi rồi loan báo rằng: “Quả Hộ biết điều gì là quan trọng”. Cuối cùng sau khi tất cả chúng tôi quay về Kim Sơn Thánh Tự, nhiều lần Hòa Thượng thông báo rằng mọi người nên hỏi ý kiến tôi khi bàn luận vấn đề gì đó vì “Quả Hộ biết cái gì là quan trọng”. Rốt cuộc thì việc giáo huấn đặc biệt này đã lắng dịu đi và cuộc sống tiếp diễn.

Nhưng tôi đã suy ngẫm về sự việc này rất nhiều lần. Lời dạy thực sự của Hòa Thượng biểu lộ lòng thương xót chúng sanh. Ngài nhận ra được điều gì là quan trọng đối với mỗi cá nhân chúng ta – như việc tự cho mình quan trọng và việc ăn uống, hoặc sự thư giản sau buổi làm việc vất vả bằng cách chơi liệng đá nhảy trên mặt nước bên suối, và Ngài luôn đáp ứng với từng người với càng nhiều giáo huấn càng tốt. Điều thật sự quan trọng không phải như tôi nghĩ lúc đó là tự chế phục mình vào kỷ luật mà đúng ra là nhận biết rằng Hòa Thượng đã chỉ giáo riêng cho từng người trong chúng ta. Và điều quan trọng nhất là hiểu được giáo huấn nào là dành cho mình và giáo huấn nào là dành cho người khác. Không nên nhầm lẫn giữa hai việc này, không nên mong mỏi người khác đạt được những gì Ngài đã chỉ giáo cho mình và cũng không nên mong mỏi đạt được những mục tiêu của người khác. Giáo huấn đó là sự biểu lộ sống động và sâu sắc của lòng từ bi và Bồ đề tâm, và giáo huấn đó, như tôi đã dần hiểu ra, là điều mà tôi tìm kiếm để nương theo trong mọi lúc.

Sự việc thứ ba tôi luôn nhớ suốt nhiều năm qua đã xảy ra khi chúng tôi đang xâu dựng Kim Sơn Thiền Tự ở đường số 15. Tòa nhà này trước đây là một hãng sản xuất nệm, qua nhiều năm đầy bụi bặm. Chúng tôi đã dọn dẹp rất nhiều, nhưng một vấn để dường như không vượt qua được là chính các bức tường gạch. Tòa nhà được xây cất rẻ tiền, và những viên gạch thì khá dễ bể. Tệ hơn nữa, vữa xi măng cũng đang rã ra. Tòa nhà gần như sắp sụp đổ, và mỗi lần quét vào tường đều làm rớt ra những miếng vữa và cát.. Không cách nào giữ bên trong sạch sẽ được nếu chúng tôi không giải quyết được vấn đề này. Thầy Hằng Khiêm mang vấn đề này để Hòa Thượng lưu tâm, và ngài lập tức có cách giải quyết. Ngài bảo mang đến một ít xi măng nguyên chất, nước, và cái chổi. Ngài biểu chúng tôi trộn nước vào thành một hỗn hợp xi măng lỏng. Sau đó ngài dùng chổi nhúng vào trong thùng nước xi măng lỏng và đánh chổi đó vào tường gạch. Sau vài lần thứ nghiệm thêm hoặc bớt xi măng và các cách đánh chổi vào tường khác nhau, và với vài cái chổi cũ, ngài tuyên bố là cách làm đã thành công. Ngài cẩn thận chỉ dẫn chúng tôi cách trộn xi măng với nước theo một tỷ lệ chính xác ngài đặt ra, dùng cái chổi cũ ngài lựa ra, và đánh cái chổi với hỗn hợp xi măng và nước đó vào tường như ngài đã chỉ dẫn. Chúng tôi sau đó chia ra thành nhiều nhóm làm việc và xúc tiến công việc. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó mọi người đều thấy là hỗn hợp đó quá lỏng đến nỗi hầu hết đều chảy xuống không dính vào tường. Có vẻ như sẽ không bao giờ có đủ thời gian để làm cho xong các bức tường.

Do đó một người trong chúng tôi có sáng kiến là làm hỗn hợp đậm đặc hơn một chút để tường sẽ giữ được tốt hơn. Đúng như vậy, hỗn hợp đậm đặc hơn giúp làm việc dễ dàng hơn và bao phủ tường nhanh hơn. Tiến trình làm việc này cũng không kéo dài lâu như chúng tôi lo sợ. Chúng tôi cũng khám phá ra rằng với cái chổi mới thì sẽ giữ được lượng hỗn hợp xi măng lớn hơn, và giúp công việc được làm nhanh hơn. Một lần nữa, những sáng kiến Hoa Kỳ tân thời và có sự hiểu biết biết cách làm sẽ giúp công việc hiệu quả hơn.

Một thời gian sau Hòa Thượng đến để xem chúng tôi làm như thế nào. Mới nhìn qua ngài la lên “Ngu ngốc quá, thật là ngu ngốc!”, ngài nói lớn “Đó không phải là cách để làm!” Chúng tôi phản đối, giải thích về những ích lợi do những cải tiến của chúng tôi. Ngài chỉ lập lại: “Ngu ngốc, thật là ngu ngốc!” . Quả đúng như vậy, khi hỗn hợp xi măng trên tường khô đi, những chỗ chúng tôi dùng hỗn hợp lỏng và dùng chổi cũ thì xi măng nguyên chất khô đi để lại lớp tráng phủ ngoài cứng chắc có thể tồn tại nhiều năm. Những chỗ chúng tôi dùng hỗn hợp đậm đặc hơn và dùng chổi mới thì lớp tráng khô đi thành những miếng dày và có thể lột ra dễ dàng. Cuối cùng chúng tôi phải lấy đi tất cả những phần đó và làm lại. Cố gắng của chúng tôi để được hiệu quả không đem lại gì ngoài phải làm nhiều việc hơn và phí phạm thêm tài nguyên.

Điều quan trọng về việc giáo hóa không phải là kiến thức của Hòa Thượng về kỹ thuật tráng xi măng lên tường – Tôi không biết chắc là ngài đã dùng kỹ thuật đó trước đây hay chưa. Điều quan trọng là sự thấy biết rõ ràng – sự tập trung và thấy rõ – mà ngài đã áp dụng cho công việc.

Ngài nhận thấy trực tiếp về vấn đề như thế nào, bao nhiêu là đủ để giải quyết vấn đề, và chỉ cần dùng đúng số lượng để giải quyết vấn đề. Ngài chỉ cho chúng tôi một cách chính xác làm cách nào để áp dụng kỹ thuật tu hành. Chinh khả năng nhận thức được hoàn cảnh thật sự như thế nào, đã hướng dẫn sự tự hành của người đó được hữu hiệu nhất. Nhận thức được chính xác những gì cần làm, những dụng cụ cần thiết cho công việc, và sự áp dụng chính đáng nằm ở tấm lòng những gì Hòa Thượng dạy. Một lần nữa, tôi đã phải cần gần hết cuộc đời tôi để nhận ra bài học này và bắt đầu áp dụng nó vào công việc của chính tôi.

Tôi đã cố gắng tu hành theo những bài học đơn giản mà Hòa Thượng đã dạy. Để hiểu rằng chỉ có một vấn đề – đó là sinh và tử – và rằng mọi khoảnh khắc mỗi ngày ở mọi nơi đều là thời điểm thích hợp và là đúng nơi để giải quyết vấn đề đó; và làm công việc của chính mình, chứ không phải làm công việc của người khác, là công việc trong tầm tay, và người ta không thể hiểu tâm trí hoặc hành vi của một bậc thánh nhân đối với người khác nếu người ta thậm chí còn chưa hiểu tâm trí hoặc hành vi của một bậc thánh nhân đối với chính mình, và cuối cùng, các dụng cụ tu hành chỉ hữu ích khi người ta hiểu được vấn đề cần giải quyết, lựa chọn những dụng cụ thích hợp và áp dụng chúng đúng cách, và sự tập trung cùng sự sáng suốt là phương tiện để nhận thức điều đó.

Với những lời này, tôi chỉ đơn giản là truyền lại ba kinh nghiệm của tôi với Hòa Thượng, hy vọng rằng việc ghi lại những kinh nghiệm này sẽ mang lại lợi ích cho những người khác, như chúng đã mang lại lợi ích cho tôi. Nếu có những người khác có mặt tại những sự việc xảy ra đó nhớ chúng theo cách khác, tôi chỉ có thể xin lỗi vì nhận thức và kinh nghiệm chỉ một phần nhỏ của mình và tin tưởng rằng họ sẽ sửa lại báo cáo của tôi. Tôi đã kể lại những kinh nghiệm đó một cách trung thực như tôi còn nhớ về chúng.

Ghi chú:

(1) Nhất tọa thực – 一坐食 : Một phương pháp tu hành về ăn uống, chỉ ngồi xuống ăn một lần và sau đó không đứng dậy lấy thêm thức ăn rồi ngồi xuống ăn thêm lần thứ hai.

(2) Trò chơi liệng đá nhảy trên mặt nước – https://www.youtube.com/watch?v=7deV22aWESc