English | Vietnamese
Sư Cô Thích Hằng Lương

Nguyên bản “How does the Master cross over westerners?” từ sáchHow Buddhism Changed My Life!” trang 16 – 18 – Ban Phiên Dịch Việt Ngữ Vạn Phật Thánh Thành chuyển dịch.


Tôi được nhận đề tài: “Làm thế nào Hòa Thượng có thể độ được người Tây Phương và làm thế nào ngài có thể giáo dục người khác?”. Hòa Thượng, dù đi đến bất cứ nơi nào, bất cứ chỗ nào trên thế giới hoặc vượt ra ngoài thế giới, bất cứ khi nào ngài gặp một chúng sanh, ngài đều có thể hoàn toàn hiểu rõ chúng sanh đó. Ngài có thể nhận ra mỗi người và nhận ra tất cả chúng ta. Ngài có thể biết các nhân duyên trong quá khứ và Phật quà tương lai của chúng ta. Ngài có thể biết điều tốt nhất và xấu nhất của mỗi người chúng ta. Điều tuyệt vời về việc gần Hòa Thường là ngài đã giúp chúng ta nhận ra điều xấu xa nhất của chúng ta, nhưng đồng thời ngài có khả năng phát huy những điều tốt nhất trong mỗi chúng ta. Ngài đã làm điều này bằng nhiều cách: bằng thân tướng trang nghiêm thanh tịnh của mình, bằng những lời ngài nói luôn luôn chân thật, và qua những hành trạng đạo đức nhiều vô số.

Ngai dạy bảo và chuyển hóa chúng sanh với từng hơi thở, từng mạch máu và từng nhịp tim của mình. Dẫu vậy ngài không bao giờ tìm cầu bất cứ một phần thưởng nào, không những không tìm cầu danh tiếng hay tiền bạc, ngài còn không muốn bất cứ người nào nhận ra ngài đã làm vì chúng sanh nhiều như thế nào. Ngài tự gọi mình là con kiến, con muỗi và là người ngu si nhất. Ấn tượng đầu tiên của chúng ta khi nghe như vậy có thể là: “Ồ, một con kiến hoặc một con muỗi thi rất nhỏ, một chúng sanh không đáng kể. Đó phải là những gì ngài muốn nói.” Trên thực tế, kiến là công nhân làm việc rất chăm chỉ, và Hòa Thượng là một công nhân rất chăm chỉ làm việc. Kiến giữ cho trái đất được sạch sẽ không còn những dơ bẩn; kiến dọn dẹp sạch sẽ tất cả những đống dơ bẩn do các chúng sanh khác để lại. Ngài làm sạch các nghiệp chướng của rất nhiều chúng sanh. Kiến mang rác rến trên lưng mình để đem đi chỗ khác, và Hòa Thượng đã mang nghiệp chướng của nhiều chúng sinh. Ngài đã thực sự tự mình gánh lấy bệnh tật của nhiều chúng sinh . Khi quý vị nghĩ về muỗi, quý vị nghĩ về âm thanh không ngừng của muỗi. Và Hòa Thượng cũng như thế, ngài liên tục nói Pháp; ngài không bao giờ ngừng nói Pháp. Và ngài tự gọi mình là kẻ ngu si nhất, vì trong một thế giới mà tất cả chúng ta đều biết làm thế nào để gian lận và nói dối, thì Hòa Thượng chỉ biết làm thế nào để nói thật và làm thế nào để chịu thiệt thòi. Và chỉ bằng cách đó, ngài đã có thể độ được vô số chúng sanh.

Người ta thường hỏi làm thế nào mà Hòa Thượng có thể độ được người Tây phương. Hôm nay tôi đã suy nghĩ về nhân duyên vì sao tôi xuất gia. Tôi nhớ lại thời gian khi tôi còn làm việc tại thành phố Berkeley. Tôi đã có một công việc rất tốt và hoàn cảnh sống tốt dep. Một lần nọ tôi đi vào một cửa tiệm để mua một đôi vớ. Tôi viết một chi phiếu để trả tiền, và cô bán hàng nói với tôi rằng để có thể đổi chi phiếu của tôi ra tiền mặt, cô cần lấy dấu tay của tôi. Ngay lúc đó tôi quyết định rằng thế giới đã trở nên quá phức tạp. Đó cũng là khoảng thời gian tôi bắt đầu nghĩ rằng tôi muốn làm cái gì khác. Đó cũng là khoảng thời gian tôi gặp Hòa Thượng. Hòa Thượng, so với thế giới tân tiến này của đường nhựa, sắt thép, máy tính và bom nguyên tử, thì ngài là một ốc đảo của lòng từ bi. Ngài là một khu rừng của lòng nhân đạo, và ngài nhấn mạnh chỉ cần đơn giản là con người. Ngài nhấn mạnh những phẩm chất của con người, và ngài dạy chúng ta rằng để trở thành một vị Phật và trở thành hoàn toàn giác ngộ, chúng ta cần hoàn thiện con người của mình.

Hòa Thượng đến Hoa Kỳ không phải để trở thành nổi tiếng như là một Pháp Sư độ người Hoa Kỳ. Ngài chỉ đơn giản nhận lãnh trách nhiệm của mình. Bởi vì Ngài là một người rất có tinh thần trách nhiệm và là một hành giả rất có tinh thần trách nhiệm, khi người ta quy y với Hòa Thượng, ngài nhận chịu trách nhiệm hoàn toàn về những người đó và về tiềm năng thành Phật trong tương lai của họ. Và ngài nhận lãnh rất nhiều nghiệp chướng. Tôi nhớ một lần nọ tại Vạn Phật Thánh Thành, có một Tỳ-kheo-ni phạm lỗi lầm, và phạm giới. Cô được Hòa Thượng dạy, giống như ngài đã dạy tất cả chúng ta, là thú nhận lỗi lầm và sám hối sửa đổi. Cô quỳ trong Phật điện giữa đại chúng và đối diện Hòa Thượng, cô sám hối và sau đó Hòa Thượng ngồi trên ghế cao nhìn xuống cô và nghiêm khắc nói, “Những gì con đã làm sẽ làm cho con đọa địa ngục.” Bởi vì vị Tỳ-kheo-ni này rất tin Hòa Thượng, nên cô rất sợ hãi. Cô hỏi “Con có thể làm gì để tự cứu mình?” Hòa Thượng trả lời với nụ cười rộng nở trên gương mặt: “Ta có một cách cứu con. Ta có thể tự mình xuống địa ngục thế con và chịu quả báo cho con.” Cô dĩ nhiên không chấp nhận điều đó, nhưng Hòa Thượng đã nói là ngài sẽ làm chuyện đó. Một lần khác, một vị Tỳ-kheo-ni khác kể với tôi rằng một tối nọ cô bị bệnh rất nặng và ói mửa hoài không ngừng lại được. Cô rất tin tưởng vào Hòa Thượng do đó cô lễ lạy trước bức hình của ngài, cầu nguyện Hòa Thượng ban phước và lấy đi sự đau khổ của cô. Sau đó đột nhiên cô thấy khỏe, và tối đó cô nghỉ ngơi rất dễ chịu. Sáng hôm sau cô đến buổi lễ quy y lúc đó Hòa Thượng đang truyền Tam Quy Ngũ Giới. Sau khi truyền Tam Quy xong, ngài quay về phía người Tỳ kheo ni đó và nói “Sáng nay thật là khó khăn cho tôi. Vì tối hôm qua tôi đột nhiên bệnh nặng và ói mửa suốt đêm, do đó hôm nay tôi không có sức.” Vị Tỳ-kheo-ni đó biết rất rõ ràng rằng Hòa Thượng đã gánh lấy sự đau khổ của cô.

Nhiều người tự hỏi rằng làm thế nào mà Hòa Thượng lại bệnh như vậy và tại sao ngài lại rời bỏ chúng ta qua hình thức như vậy. Nhưng nhiều người trong chúng ta đã ở gần ngài nhiều năm và chúng ta biết rằng chúng ta cần báo đáp ân từ bi bao la của ngài. Và cách duy nhất để báo đáp là cố gắng tu hành hết sức mình. ”

 

Ghi chú của Ban Phiên Dịch Việt Ngữ:

Sư Cô Hằng Lương là Khoa Trưởng Sinh Viên Vụ (Dean of Students Affairs) và là Giảng Viên tại Đại Học Pháp Giớihttp://www.drbu.org/info/academics/faculty/2