三十三祖惠能大師(東土六祖)

Tam thập tam tổ Huệ Năng Đại sư – Đông độ Lục tổ

Đại sư Huệ Năng tổ thứ 33 – Lục tổ Thiền tông Trung Hoa

 

Phiên bản pdf: Tam Thập tam tổ Huệ Năng Đại Sư

Nguyên văn:

祖,生新州,族盧氏。三歲喪父,母嫠居,采樵以給。遇客聞誦《金剛經》,感悟。以居士身來扣黃梅,入碓坊服勞八閱月。梅知付授時至,令眾述偈。祖有「菩提本無樹」語,梅默識;恐眾嫉,其衣法付,令宵遁。偈曰:「有情來下種,因地果還生。無情亦無種,無性亦無生。」祖得法,潛入獵隊一十六載。因析風旛論,始出衣缽,落髮。眾請興曹溪,嗣法三十餘人,青原、南嶽為上首。先天二年示寂,壽七十六。憲宗諡大鑒禪師,塔曰元和靈照。

贊曰

應無所住 碓嘴生花 本來無物 總欠作家
黃梅夜半 誤賺袈裟 流傳天下 五葉一華

又偈贊曰

不立文字傳衣缽 本來無物泯言說
悟徹心源破迷倒 了達性海遊太河
一華五葉續慧命  萬古千秋度世佛
曹溪法水流沙界 洗滌眾生垢沉痾

Âm Hán Việt:

Tổ, sinh Tân Châu, tộc Lô thị. Tam tuế tang phụ, mẫu li cư, thái tiều dĩ cấp. ngộ khách văn tụng “Kim Cang Kinh”, cảm ngộ. Dĩ cư sĩ thân lai khấu Huỳnh Mai, nhập đôi phường phục lao nhập duyệt nguyệt. Mai tri phó thọ thời chí, lệnh chúng thuật kệ. Tổ hữu “bồ đề bổn vô thọ” ngữ, mai mặc thức. Khủng chúng tật, kỳ y pháp phó, lệnh tiêu độn. Kệ viết: “hữu tình lai hạ chủng, nhân địa quả hoàn sinh. Vô tình diệc vô chủng, vô tính diệc vô sinh”. Tổ đắc pháp, tiềm nhập lạp đội nhất thập lục tải. Nhân tích phong phan luận, thủy xuất y bát, lạc phát. Chúng thỉnh hưng Tào Khê, tự pháp tam thập dư nhân, Thanh Nguyên, Nam Nhạc vi thượng thủ. Tiên thiên nhị niên thị tịch, thọ thất thập lục. Hiến Tông thụy Đại Giám Thiền Sư, tháp viết Nguyên Hòa Linh Chiếu.

Tán viết:

Ưng vô sở trụ

Đôi chủy sinh hoa

Bổn lai vô vật

Tổng khiếm tác gia

Huỳnh Mai dạ bán

Ngộ trám ca sa

Lưu truyền thiên hạ

Ngũ diệp nhất hoa.

Hựu kệ tán viết: Tuyên công thượng nhân tác

Bất lập văn tự truyền y bát

Bổn lai vô vật mẫn ngôn thuyết

Ngộ triệt tâm nguyên phá mê đảo

Liễu đạt tính hải du thái hà

Nhất hoa ngũ diệp tục huệ mạng

Vạn cổ thiên thu độ thế Phật

Tào khê pháp thủy lưu sa giới

Tiển địch chúng sanh cấu trầm kha.

Dịch:

Huệ Năng họ Lư, sinh tại Tân Châu, mồ côi cha từ năm lên ba, mẹ ở góa nuôi con. Một hôm đang lúc gánh củi giao cho khách, bổng nghe được tiếng tụng Kinh Kim Cang của người khách, ngài chợt tỉnh ngộ thông hiểu ý kinh. Sau đó với tư cách một cư sĩ đến đảnh lễ tổ Huỳnh Mai, được tổ thu nhận và cho xuống nhà trù giả gạo, làm những công việc cực nhọc trong suốt 8 tháng. Tổ Huỳnh Mai biết đã đến lúc truyền trao y pháp, bèn bảo đồ chúng trình kệ. Huệ Năng trình kệ trong đó có câu: “bồ đề vốn không cây”, Tổ đọc xong im lặng nhận biết Huệ Năng đã ngộ đạo, nhưng lo ngại đồ chúng đố kỵ, nên bảo Huệ Năng giữa đêm đến gặp và truyền y pháp cho ngài, sau đó bảo ngài hãy chạy trốn và nói kệ rằng:

Chúng sanh đến gieo giống,

Do đất quả nảy sinh.

Không tình cũng không giống,

Không tính cũng không sinh.

Huệ Năng sau khi đắc pháp, đến ẩn cư sống chung với đám thợ săn suốt 16 năm. Nhân lúc bàn luận, phân tích về gió động phướn động, nên ngài đưa ra y bát trình cho đại chúng xem, sau đó mới làm lễ xuống tóc xuất gia. Đại chúng thỉnh ngài về Tào Khê để sáng lập đạo tràng, đệ tử kế thừa pháp của ngài gồm hơn 30 người. Trong đó, Thanh Nguyên và Nam Nhạc là hai vị thượng thủ. Đến niên hiệu Tiên Thiên năm thứ 2 tổ Huệ Năng thị tịch, thọ 76 tuổi. Vua Đường Hiến Tông ban thụy hiệu cho ngài là Đại Giám Thiền sư, bảo tháp hiệu là Nguyên Hòa Linh Chiếu.

Bài tán nói:

Không chỗ trụ chấp

Miệng cối nở hoa

Vốn không một vật

Chẳng kẻ làm ra.

Huỳnh Mai nửa đêm

Bỗng được ca sa

Lưu truyền thiên hạ

Năm cánh một hoa

Hoc k rng: Hòa Thượng Tuyên Hóa viết

Truyền trao y bát chẳng văn tự

Vật vốn không ngôn từ cũng không

Thấu ngộ nguồn tâm phá mê lầm

Liễu đạt chân như thông pháp giới

Một hoa năm cánh nối mạng mạch

Ngàn thu muôn kiếp độ thế nhân

Nước pháp Tào Khê truyền pháp giới

Tẩy trừ cấu uế tịnh chúng sanh.

Giảng:     

Đại sư Huệ Năng tổ thứ 33, [1] cũng là tổ thứ 6 của Thiền tông Trung Hoa.

Tổ, sinh Tân Châu, tộc Lô thị: Lục tổ là người Tân Châu tỉnh Quảng Đông. Tổ tiên của ngài trước kia là người phương Bắc, về sau trong dòng tộc dời đến Quảng Đông, định cư tại huyện Tân Châu, nên trở thành người Tân Châu, cha của ngài họ Lô.

Tam tuế tang phụ, mẫu li cư: năm ngài lên ba cha mất, mẹ ngài ở góa nuôi con. Thái tiều dĩ cấp: sau khi ngài lớn lên, làm nghề đốn củi để duy trì sự sống của hai mẹ con.

Ngộ khách văn tụng Kim Cang Kinh, cảm ngộ: một hôm, ngài gánh củi đem đến tiệm bán cho người khách, trong tiệm có một người khách đang tụng Kinh Kim Cang, ngài nghe được câu “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” liền tỉnh ngộ.

Dĩ cư sĩ thân lai khấu Huỳnh Mai, nhập đôi phường phục lao bát duyệt nguyệt: do vậy ngài với tư cách là một cư sĩ tìm đến chỗ của Đại sư Hoằng Nhẫn tại Đông sơn. Sau được Tổ thu nhận cho vào nhà trù giả gạo, làm các việc lao nhọc trong 8 tháng.

Mai tri phó thọ thời chí, lệnh chúng thuật kệ: Tổ Huỳnh Mai biết lúc này nên truyền pháp cho Huệ Năng. Bởi vì hằng ngày tuy làm công việc lao nhọc, nhưng ngài vẫn luôn nhẫn nại, chuyên tâm làm việc. Nên Ngũ tổ biết cơ duyên truyền pháp đã đến, bèn ra lệnh cho toàn đại chúng mỗi người trình một bài kệ.

Tổ hữu “bồ đề bổn vô thọ” ngữ: Thần Tú lén viết một bài kệ, nội dung bài kệ nói:

Thân thị bồ đề thọ,

Tâm như minh cảnh đài.

Thời thời cần phất thức,

Vật sử nhạ trần ai.

Dịch:

Thân là cây bồ đề,

Tâm như đài gương sáng.

Luôn luôn phải lau chùi,

Chớ để dính bụi trần.

Huệ Năng đến chỗ bài kệ xem, rồi tự mình làm một bài kệ, nội dung nói:

Bồ đề bổn vô thọ,

Minh cảnh diệc phi đài.

Bổn lai vô nhất vật,

Hà xứ nhạ trần ai?

Dịch:

Bồ đề vốn không cây,

Gương sáng cũng chẳng đài.

Xưa nay không một vật,

Nơi nào dính trần ai?

Kỳ thật bài kệ này muốn phê bình bài kệ của Đại sư Thần Tú. Vì bài kệ của Thần Tú muốn nhấn mạnh lúc tu tập, cho nên ngài bảo “luôn luôn phải lau chùi”. Còn Lục tổ Huệ Năng đã thấy đạo, nên ngài chủ trương khi qua sông rồi, không cần thuyền nữa, nên nói: “bồ đề vốn không cây, gương sáng cũng chẳng đài, xưa nay không một vật, nơi nào dính trần ai?” trong thế gian tất cả vũ trụ vạn hữu đều là không có thật, đã không thật thì đâu có chỗ nào để trần bám níu, dính mắc?

Mai mặc thức: Ngũ tổ Huỳnh Mai đọc xong bài kệ chẳng nói lời nào, tự mình nhận biết người này đã ngộ đạo. Khủng chúng tật, kỳ y pháp phó, lệnh tiêu độn: vì lúc bấy giờ, những người học Phật pháp có thể vì tật đố, ganh ghét, cản trở lẫn nhau. Người này sợ người kia, đôi bên lo sợ đối phương đạt được ngôi vị của tổ, trong tâm họ lúc bấy giờ cứ mãi nghĩ đến việc được tổ truyền trao y bát. Tình cảnh này cũng giống những người tu hiện nay, người này muốn khai ngộ, kẻ kia cũng muốn thành Phật, tóm lại giữa đôi bên luôn có sự tranh chấp, nhưng công phu tu hành lại chưa thành tựu. Vì sợ đại chúng đố kỵ, ghen ghét, nên vào buổi tối tổ Huỳnh Mai truyền y bát cho Huệ Năng, đồng thời cũng dạy bảo nghĩa lý tu hành cho ngài. Sau đó tổ bảo Huệ Năng phải lập tức rời khỏi ngay đêm đó. Chúng ta thấy, ngay thời của chư vị tổ sư đã xảy ra tình trạng tranh chấp rồi, huống là hiện nay đạo đức con người còn trụy lạc hơn xưa.

Kệ viết: Ngũ tổ nói với Huệ Năng.

Hữu tình lai hạ chủng, nhân địa quả hoàn sinh: chữ tình ở đây tức chỉ cho sức sống. Muôn loài vạn vật chúng sanh đều có khả năng sinh diệt, thay đổi không ngừng, do đó mới gieo giống được, vì có đất để gieo trồng, mới trổ hoa kết trái.

Vô tình diệc vô chủng: vạn vật nếu không có sức sống tức sẽ không có chủng tử, khi ấy cho dù có đất cũng chẳng ích lợi gì. Khi có chủng tử rồi, nếu chúng ta không gieo trồng xuống đất cũng không có tác dụng. Do vậy hai chữ “hữu tình” là chỉ cho cá nhân, “vô tình” thì không có người gieo giống, như vậy cũng không có chủng tử. Vô tính diệc vô sinh: đây tức nói không có tính, cũng không có một năng lực của sự luân hồi lưu chuyển vô cùng.

Điều này muốn nói, người tu học dụng công tu tập, khi ấy chúng ta sẽ không sợ có vọng tưởng, nghĩa là không bị vọng tưởng chi phối, dẫn dắt. Như thế chắc chắn chúng ta cũng không sợ vọng sinh dục niệm, thậm chí dục niệm sinh, nhưng nếu chúng ta vẫn không duyên theo dục niệm ấy, tức sẽ được tự tại. Vì vậy, chúng ta cần phải thu nhiếp thân tâm, không chạy theo vọng niệm. Cho nên nói “vô tính diệc vô sinh”, nếu chúng ta không có bổn tính, thì sẽ không có sức sống, không có sức sống, cũng không có bổn tính.

Tổ đắc pháp, tiềm nhập lạp đội nhất thập lục tải: Lục tổ Đại sư sau khi được y bát, được chánh pháp nhãn tạng rồi, phải đến ẩn náu sống chung với bọn thợ săn trước sau gồm 16 năm.

Nhân tích phong phan luận: sau ngài thấy thời cơ đã thuần thục, bèn đến Quảng Châu nghe Pháp sư Ấn Tông giảng Kinh Niết Bàn. Lúc bấy giờ có hai vị tăng, một vị nói gió động, một vị khác cho rằng đó là phướn động. Vị này lập luận rằng, chúng ta không thể thấy được gió, còn phướn là vật có hình tướng. Khi ấy Lục tổ Đại sư liền nói: “chẳng phải gió động, cũng chẳng phải phướn động, chi do hai vị tâm động mà thôi”. Nếu tâm hai vị không động thì chẳng thấy có gì cả.

Thủy xuất y bát, lạc phát: nhân đây, Lục tổ Huệ Năng mới trình y bát cho mọi người xem, sau đó làm lễ xuất gia.[2]

Chúng thỉnh hưng Tào Khê: mọi người bèn thỉnh ngài đến Tào Khê để kiến tạo đạo tràng. Vì nơi đó xưa kia có tôn giả tên là Trí Dược Tam Tạng từng nói: sau 170 năm, nơi này sẽ có Bồ tát nhục thân đến đây để hoằng dương Phật pháp. Ngay thời điểm ấy đã đúng 170 năm, cho nên tổ đến nơi ấy tu sửa chùa Nam Hoa, kiến lập đạo tràng Tào Khê.

Tự pháp tam thập dư nhân, Thanh Nguyên, Nam Nhạc vi thượng thủ: đệ tử theo thọ pháp của ngài hơn 30 người, trong đó Nam Nhạc Hoài Nhượng thiền sư và Thanh Nguyên Hành Tư thiền sư, hai vị này là bậc đứng đầu trong hàng đệ tử của tổ.

Tiên thiên nhị niên thị tịch, thọ thất thập lục: vào triều Đường đời vua Đường Huyền Tông năm Thiên Tiên, tổ viên tịch, lúc ấy niên kỷ của ngài được 76 tuổi.

Hiến Tông thụy Đại Giám Thiền sư: đến đời vua Đường Hiến Tông, ngài ban cho tổ Huệ Năng thụy hiệu là Đại Giám Thiền sư. Tháp viết Nguyên Hòa Linh Chiếu: Bảo tháp hiệu là Nguyên Hòa Linh Chiếu.

Bài tán nói:

Ưng vô sở trụ, đôi chủy sinh hoa: phải như Kinh Kim Cang nói không chỗ chấp trước. Huệ Năng xem việc giã gạo và gánh nước như việc tu tập của ngài vậy vì vậy dường như cũng chính nơi đó khai hoa, trổ quả.

Bổn lai vô vật, tổng khiếm tác gia: vốn chẳng có vật gì, nhưng vẫn còn thiếu người sàng.[3]

Huỳnh Mai dạ bán, ngộ trám ca sa: Ngũ tổ Huỳnh Mai vào lúc nửa đêm bèn truyền y pháp cho Huệ Năng, từ đó y ca sa được trao truyền cho vị tổ thứ 6.

Lưu truyền thiên hạ, ngũ diệp nhất hoa: y bát được lưu truyền đến khắp thiên hạ, do đây mà nói một hoa nở năm nhánh. Hai chữ “ngũ diệp” tức chỉ cho năm phái thiền như: Vân Môn, Pháp Nhãn, Lâm Tế, Tào Động, Quy Ngưỡng. Từ năm thiền phái này lưu truyền mãi cho đến ngày nay.

Hoặc nói bài kệ rằng:

Bài kệ tụng này nói như vầy:

Bất lập văn tự truyền y bát: ý nói chẳng một văn bằng, cũng chẳng một chữ nào chứng nhận Ngũ tổ truyền y bát cho Lục tổ. Không giống ngày nay có văn bằng tốt nghiệp, còn ở đây chẳng có gì cả.

Bổn lai vô vật ngôn thuyết: xưa nay vốn chẳng có một vật gì, nên cũng chẳng có gì để nói.

Ngộ triệt tâm nguyên phá mê đảo: Tổ dạy do hiểu rõ cội nguồn của chân tâm, nên chẳng còn mê chấp, cũng chẳng điên đảo. Tất cả chúng ta vì còn tình cảm yêu thương quyến luyến riêng tư, do đó khiến tâm trí chúng ta phải điên đảo mê mờ. Nếu hiểu rõ thấu suốt tất cả vũ trụ vạn hữu trên thế gian này cho đến tình cảm yêu thương kia vốn chẳng có gì là thật, đã không thật vì sao chúng ta lại bị những thứ ấy chi phối, trói buộc?

Liễu đạt tính hải du thái hà:[4] nếu chúng ta hiểu rõ tính của biển chính là “lớn mà không ngoài, nhỏ mà không trong”, “pháp giới là thể không ngoài, hư không là dụng đều dung chứa tất cả. Vạn vật bình đẳng, lìa phân biệt, một niệm chẳng sinh, dứt tuyệt ngôn ngữ”. Nếu chúng ta thực hành được như vậy, tức đã liễu ngộ, thông đạt được nghĩa của tính biển, nó luôn thanh tịnh, không còn chút vô minh nào làm ngăn ngại chúng ta.

Nhất hoa ngũ diệp tục huệ mạng: từ Lục tổ trở về sau, phái thiền tông Trung Hoa được phát triển mở rộng thêm, trong đó bao gồm 5 tông phái như: Vân Môn, Pháp Nhãn, Tào Động, Lâm Tế, Quy Ngưỡng, đây gọi là một hoa trổ năm nhánh để nối truyền tuệ mạng của Phật.

Vạn cổ thiên thu độ thế Phật: muôn kiếp Đức Phật đều trong thế gian giáo hóa chúng sanh.

Tào khê pháp thủy lưu sa giới: nước pháp Tào Khê tuôn chảy đến tận hà sa thế giới trong khắp pháp giới hư không.

Tiễn địch chúng sanh cấu trầm kha: ý nói tẩy sạch tất cả những bệnh vô minh phiền não trong chúng sanh.

 


 

[1] Tên của Lục tổ, mỗi bản kinh ghi chép khác nhau, có bản ghi “Huệ Năng”, có bản ghi “Tuệ Năng”. Nay y theo Lục Tổ Pháp Bảo Đàn Kinh ghi là “Huệ Năng”, ở đây dùng chữ “Huệ”, tức lấy huệ pháp để ban cho chúng sanh, còn chữ “Năng” nghĩa là năng làm Phật sự.

[2] Công án “trình y bát và thế phát xuất gia” của Đại sư Huệ Năng, trong Lục Tổ Pháp Bảo Đàn Kinh có ghi như sau: Huệ Năng sau khi đến tào khê, lại bị kẻ xấu đuổi theo tìm bắt. Ngài ẩn cư sống chung trong nhóm người thợ săn trải qua 11 năm. Có lúc ngài cũng tùy duyên nói pháp cho nhóm người thợ săn, những người thợ săn thường bắt ngài giữ lưới, mỗi khi nhìn thấy sinh vật bị vướng lưới, ngài đều thả chúng ra. Trong mỗi bữa ăn, tổ đem rau luộc trong nồi thịt. Có người hỏi, ngài trả lời rằng: chỉ ăn rau trong nồi thịt.

Một hôm Tổ tư duy xét thấy: thời cơ hoằng pháp đã đến, không thể ẩn trốn mãi, tổ bèn tìm đến chùa Pháp Tánh tại Quảng Châu, gặp lúc Pháp sư Ấn Tông đang giảng Kinh Niết Bàn. Lúc bấy giờ, có hai vị tăng đang tranh cải về việc gió phướn, một vị tăng cho rằng gió động, vị kia thì lại nói phướn động, cứ thế bàn luận mãi không dừng. Tổ Huệ Năng bèn lên tiếng nói: “chẳng phải gió động, cũng chẳng phải phướn động”. Nghe tổ nói xong cả chúng đều kinh ngạc. Pháp sư Ấn Tông thỉnh tổ lên tòa ngồi và chất vấn ngài về nghĩa lý thâm sâu của câu nói đó. Thấy tổ Huệ Năng nói vắn tắt ngắn gọn, nhưng nghĩa lý rõ ràng, lại chẳng câu nệ văn tự. Nên Pháp sư Ấn Tông nói: “hành giả chắc chắn chẳng phải là người tầm thường! Từ lâu nghe nói tổ Huỳnh Mai truyền trao y bát đi về hướng Nam, lẽ nào ngài chính là người được truyền y bát ư?” Huệ Năng đáp: “không dám”, Pháp sư Ấn Tông vội cúi đầu đảnh lễ và xin tổ trình y bát cho đại chúng được thấy. Sau đó ngài Ấn Tông hỏi tiếp: “Tổ Huỳnh Mai phó chúc y bát và chỉ giáo thế nào?” Tổ Huệ Năng đáp: “chỉ giáo thì không, chỉ luận kiến tánh, không bàn thiền định giải thoát”. Ngài Ấn Tông nói: “vì sao không nói về giải thoát thiền định?” Tổ đáp: “đó là hai pháp, chẳng phải Phật pháp, Phật pháp là pháp không hai”. Ngài Ấn Tông hỏi tiếp: “thế nào là Phật pháp là pháp không hai?” Tổ đáp: “Pháp sư nói Kinh Niết Bàn, hiểu rõ Phật tính là pháp không hai trong Phật pháp. Như có đoạn nói Bồ tát Cao Quý Đức Vương bạch Phật rằng: phạm bốn giới trọng, phạm tội ngũ nghịch cho đến nhất xiển đề… những người như vậy có đoạn căn lành và Phật tính không? Đức Phật nói: căn lành có hai, một là thường, hai là vô thường. Phật tính chẳng thường chẳng phải vô thường, vì vậy không đoạn, gọi đó là pháp không hai. Một là thiện, hai là bất thiện. Phật tính chẳng thiện, chẳng phải không thiện, vì thế không hai. Uẩn và giới, hàng phàm phu thấy có hai, bậc trí thông đạt biết rõ tính ấy không hai, tính không hai chính là Phật tính”. Pháp sư Ấn Tông nghe lời tổ giải thích xong, vui mừng chắp tay, thưa: “đệ tử giảng kinh ví như đống gạch ngói vụn, bậc nhân giả luận bàn nghĩa lý ví như vàng thật”. Nói rồi thế phát cho tổ Huệ Năng và bái lạy tôn ngài làm thầy. Tổ Huệ Năng bèn ngồi dưới cội bồ đề diễn giảng pháp môn Đông Sơn.

[3] Công án “còn thiếu người sàng”, trong Kinh Pháp Bảo Đàn của Lục tổ có ghi rằng: qua ngày sau Ngũ tổ lén đến chỗ giã gạo, nhìn thấy Huệ Năng trên lưng đeo đá để giã gạo. Tổ bèn nói: “người cầu đạo, vì pháp quên thân, cứ nghĩ như vậy” rồi hỏi: “gạo giã trắng chưa?” Huệ Năng đáp: “gạo trắng đã lâu, chỉ còn thiếu người sàng”. Tổ lấy cây gậy gõ lên cái cối ba tiếng rồi đi. Huệ Năng liền hiểu ý tổ, đến canh 3 bèn đi đến phòng của tổ. Tổ dùng chiếc y ca sa che lại, để đại chúng không nhìn thấy, rồi nói Kinh Kim Cang cho Huệ Năng nghe, đến câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Huệ Năng bỗng hoát nhiên đại ngộ.

[4] Câu này được trích trong cuốn Tái Tăng Đinh Phật Tổ Đạo ảnh, trong đó có ghi rằng: “liễu đạt tính hải du thái hư”, nay y theo băng ghi âm của Hòa thượng Tuyên Hóa, nói là “liễu đạt tính hải du thái hà”.