English | Vietnamese | PDF

Tu và Hành

Cuộc Nói Chuyện với Thầy Hằng Thật

Bela Shah và Audrey Lin ghi lại

A Conversation with Reverend Heng Sure: Cultivation and Practice by Bela Shah, Audrey Lin, Sep 16, 2014 http://www.conversations.org/story.php?sid=406

 

Vào đầu mùa hè năm 1977, hai vị tăng người Mỹ thuộc truyền thống Đại thừa Phật giáo Trung Hoa phát tâm thực hành tam bộ nhất bái 800 dặm dọc theo Xa Lộ số 1 ở tiểu bang California. Một cuộc hành hương để mang lại hòa bình bên trong và bên ngoài, hành trình đã đưa họ qua một số nơi tuyệt đẹp và một số nơi cũng thật nguy hiểm nhất của California. Sau hai năm rưỡi, họ hoàn thành cuộc hành hương tại ngưỡng cửa của Vạn Phật Thánh Thành, ở Ukiah, California.

Một trong các vị tăng này được ban pháp danh là Rev. Heng Sure, hoặc “Hằng Thật.” (Luôn Chân Thật) Sinh trưởng trong gia đình Kitô giáo ở miền Trung Tây thành phố Toledo, tiểu bang Ohio, anh Christopher Clowery, không có ý định quy y rồi trở thành một vị tăng Phật giáo Trung Hoa. Nhưng sau này thầy tự hồi tưởng lại, “Trở thành tu sĩ là một dấu hiệu của cái gì đó thâm sâu hơn, dấu hiệu của nhân duyên sâu xa từ quá khứ.”

Trước khi trở thành tu sĩ, Clowery là một thể thao viên trung học bốn mùa và sau đó sống ở một cộng đồng thí nghiệm trong khi theo học tại UC (University of California) Berkeley. Sau khi trở thành một tu sĩ, thầy phát nguyện tịnh khẩu trong gần ba năm. Là một Phật tử sáng tạo và từ bi, Thầy Hằng Thật lên tiếng chống lại các chính sách và chương trình của chính phủ thi hành bạo lực với hình thức ẩn dấu. Trong các bài giảng của thầy, quý vị có thể thấy thầy truyền đạt ý nghĩa của kinh điển Phật giáo với sự hỗ trợ của cây đàn guitar và những con rối (puppets).

Trong cuộc phỏng vấn này, Thầy Hằng Thật chia sẻ những câu chuyện trung thực, hài hước, thâm thúy và những phản ánh từ hành trình cuộc đời khó tin của Thầy.

— Bela Shah, Audrey Lin

 

Bela Shah: Thầy lớn lên trong một gia đình Thiên Chúa giáo ở miền trung nước Mỹ trong thập niên 1950. Làm thế nào Thầy đã gặp được tiếng Trung Hoa và Phật giáo?

Thầy Hằng Thật: Lúc 14 tuổi, người Dì của tôi làm việc cho Cơ Quan Thông Tin Hoa Kỳ và gửi cho tôi quyển sách về triển lãm nghệ thuật của một nghệ sĩ Trung Hoa. Tôi không thể ngừng xem các ký tự tiếng Hoa trong sách. Nghĩ chúng thật tuyệt vời và ám chỉ điều gì đó từ quá khứ. Tôi đã phải tìm xem chúng có ý nghĩa gì.

Vì vậy, tôi bắt đầu học tiếng Hoa, nhưng đã giữ yên lặng về điều này bởi vì nơi tôi lớn lên, mọi người là thể thao viên. Tôi có thể bị cho là rất kỳ dị nếu ai đó thấy tôi đọc tiếng Hoa!

Tôi tới trường trung học có lớp thực sự dạy tiếng Hoa; nó chỉ là một trong số ba trường trung học của cả nước có lớp dạy. Hãy tưởng tượng xem!

Một ngày nọ tại thư viện công, tôi tìm thấy một bản sách Đạo Đức Kinh. Sách này có cả tiếng Anh và Hoa ngữ, và tôi đã xem qua xem lại giữa hai ngôn ngữ, để xác định các ký tự. Ngay sau khi tôi đặt quyển sách đó vào lại, thì kế sát đó là Kinh Lục Tổ Pháp Bảo Đàn, là sách Phật giáo được viết tại Trung Hoa vào thế kỷ từ thứ 8 đến thế kỷ thứ 13.

Tôi mở sách ra và có cảm giác như mình đang ở trong cuộc trò chuyện với Lục Tổ. Nó thật quen thuộc và tôi cảm thấy như đã biết ngài mặc dù không có bối cảnh nào về nó. Nghĩa là lúc đó, tôi chỉ xem những chương trình như Mickey Mouse Club (Hội Chú Chuột Mickey) trên Ti Vi và chơi thể thao, và tại đây ngay phía trước tôi là Lục Tổ!

Lúc bấy giờ, tôi nhận ra có một cái gì khác đang xảy đến. Với tôi, gặp gỡ ngôn ngữ Trung Hoa, văn hóa Trung Hoa, và Phật giáo là xảy ra cùng một lúc.

Bela: Sau đó những gì đã xảy ra? Thời điểm nào thầy bắt đầu hành thiền và thực sự hành trì Phật giáo?

Thầy Hằng Thật: Tôi đã nghiêm túc hơn khi đến một trường Đại Học mỹ thuật nhỏ. Ngay ngày đầu tiên trong khi dọn vào phòng ký túc xá mới, tôi còn nhớ khi mở cửa phòng ra với va li còn trong tay và cha mẹ ở ngay phía sau, ngay trên sàn nhà, là người bạn học cùng phòng đang hành thiền ngồi trong tư thế hoa sen (kiết già). Một cái gì đó về tư thế của anh đã làm cho tôi rung động. Tôi nhận ra cái đó, nhưng không phải bằng kiến thức. Tôi phản ứng bằng cách đóng cửa lại vì không chắc là mình có nên vào và làm gián đoạn anh! Tên anh là David Bernstein và cuối cùng chúng tôi đã trở thành những người bạn thân.

Bela: Quý thầy hành thiền trong bí mật ở trường học luôn sao? [cười]

Thầy Hằng Thật: [Mỉm cười] Không, bởi thời điểm đó thì thiền khá phổ biến. Tôi tiếp tục nghiên cứu ngôn ngữ Trung Hoa, đó là cánh cửa mà tôi đi vào tất cả mọi điều về Phương Đông. Một cơ hội tuyệt vời đã đến khi trường Đại Học Oberlin đưa ra một chương trình thâm nhập Hoa ngữ tại Đài Loan trong mùa hè năm thứ ba của tôi.

Đó là một kinh nghiệm thực sự tạo ảnh hưởng. Một cuối tuần, chúng tôi đến Núi Sư Tử và ở lại tại một Tu Viện Phật giáo qua đêm. Chúng tôi mệt nhoài và nằm lăn xuống giường chiếu. Sau đó lúc 4 giờ sáng, tiếng tụng kinh đánh thức tôi dậy và tôi đã có cái kinh nghiệm ra khỏi thế gian đó nơi những âm thanh đang xuất phát từ bên trong tôi và khắp quanh tôi.

Bela: Hay quá! Vậy sau đó những gì đã xảy ra?

Thầy Hằng Thật: À, tôi trở lại trường sau 3 tháng sống tại một tu viện ở Nhật Bản. Mới hay rằng bạn cùng phòng tốt nghiệp sớm, đã trở thành một tu sĩ Phật giáo theo truyền thống Trung Hoa và di chuyển đến California!

Tôi thốt lên, “Ồ, trời ơi! Mình đang ở Tokyo, như là đang vui chơi, còn David Bernstein bây giờ trở thành Hằng Do và sống trong một tu viện.”

Vì vậy tôi nhận thức được điều đó và tự hỏi những bước kế tiếp sẽ là gì vì tôi sắp sửa tốt nghiệp. Sau đó tôi nghe nói về học bổng bốn năm sau chương trình đại học được cung cấp cho 100 sinh viên trên khắp cả nước. Để được học bổng, bạn phải chứng minh sự quyết tâm vào một cái gì đó mà không phải là những giá trị thế gian.

Tôi được phỏng vấn và người phỏng vấn là một giáo sư từ Đại học Texas.

Ông hỏi tôi, “Anh có thể chứng minh sự quyết tâm của anh vào cái gì đó khác hơn là đi thẳng tới sự chuẩn bị vào việc làm?”

“Um… Tôi sống trong một tu viện Phật giáo ở Nhật Bản và về nhà bằng cách trở thành một thủy thủ tàu buôn.”

“Hừm…thú vị quá. Anh có điều gì khác nữa không?”

“Vâng, tôi đang học diễn kịch điệu bộ và có thể diễn điệu bộ cho ông xem.

“Vì vậy tôi diễn điệu bộ của người thổi bong bóng và khi nó thật lớn đến nỗi người ta bị hút vào. Ông thích quá, thế là tôi được học bổng. Tôi hành trang lên đường đến UC Berkeley để học Hoa ngữ và Phật giáo.

Bela: Thầy có tìm anh David Bernstein khi thầy đến đó không? Học Phật giáo ở Berkeley vào thập niên 1960 giống như thế nào?

Thầy Hằng Thật: Thật ra một ngày nọ anh ấy gọi điện thoại cho tôi. Tôi lúc đó đang sống trên những ngọn đồi ở Berkeley trong một khu cộng đồng có tham gia vào tất cả các loại thí nghiệm. Do đó, tôi nhận được lần điện thoại này và anh yêu cầu tôi đi qua cầu Vịnh (Bay Bridge) đến thành phố (San Francisco) để gặp sư phụ của anh, vị trụ trì.

“Có nhớ chúng ta thường nói chuyện về các Tổ và nơi đâu chúng ta có thể tìm thấy truyền thống Phật Pháp sống động không? Anh có tìm thấy nó ở Nhật Bản không?”

“Có, một chút.”

“Giống như thế nào? Có hưng thịnh không?”

“À, nhà sư ở đó là người thực sự tốt.”

“Không, tôi đang nói về tam bảo, Phật, pháp, tăng. Có hưng thịnh không?”

“Giống như treo trên chỉ mành.”

“Thế thì qua đây và gặp vị trụ trì, Hòa Thượng Tuyên Hóa.”

“Anh ở chỗ nào?”

“Khu Mission District.”

“Thực sao! Tôi từng ở Nhật Bản. Phật giáo là những dòng suối chảy và những hạt thông, v.v…, còn anh đang ở một khu người Nam Mỹ (Hispanic) ở San Francisco?”

“Anh đang hoàn toàn bám chấp. Qua đây để gặp trụ trì. Chúng ta từng nói các Tổ ở đâu khi chúng ta nói chuyện lúc còn ở trường Đại Học?”

“Tôi không biết… có lẽ trong một hang động đâu đó ở Hy Mã Lạp Sơn.”

“Không, ngài ở đây tại Mỹ. Ngài đến đây từ Trung Hoa xa xăm. Anh có thể băng qua cầu để gặp Ngài.”

“Tôi không biết… Có thể.”

“Sẽ có thức ăn chay ngon lắm.”

“À, được rồi, tôi nghĩ tôi có thể đến.”

Audrey Lin: Sự lưỡng lự này đến từ đâu?

Thầy Hằng Thật: Tôi có dị ứng với các tổ chức. Nó có quá nhiều cấu trúc. Tôi thực sự thích phiên bản về Phật giáo của Alan Ginsberg và Jack Kerouac từ Phật pháp của kẻ lang thang (Dharma Bums) và Trên Con Đường (On the Road) và ý tưởng về thiền định bất cứ khi nào bạn muốn. Ở phía bên kia của quang phổ này, David Bernstein gửi cho tôi một tạp chí từ tu viện của anh, tu viện Kim Sơn. Tôi thấy hình ảnh của những những người da trắng đầu trọc trong áo tràng. Đối với tôi trông phô trương quá.

Audrey: [Cười] Nhưng thức ăn đã thu hút thầy phải không? Sự gặp gỡ đầu tiên của thầy với vị trụ trì như thế nào, người cuối cùng đã trở thành sư phụ của thầy?

Thầy Hằng Thật: Tôi có một kinh nghiệm rất lạ. Nhớ khi lái xe Volvo của tôi ngang qua cầu Vịnh và đậu trên đường 15. Lúc đó, tu viện đối diện với khu nhà dành cho những người có thu nhập thấp, và ma túy, bạo động ngay phía bên kia đường. Có những vụ thảm sát và giết người bên ngoài cửa, và khu Mission lúc đó không phải vùng tươm tất giống như bây giờ.

Tôi vội vã ra khỏi xe Volvo, tôi không muốn ở ngoài đó quá lâu! Và tôi nhớ có một vị tăng cao người Tây Phương trông xanh xao ra mở cửa.

“Dạ,” thầy đó nói với giọng trầm.

“Ừm… Tôi đến đây dự buổi lễ, hay đại khái là thế, cho Đức Phật?”

Bên ngoài mặt trời chiếu sáng, một ngày mùa xuân, và tiệm sửa xe toàn diện Smitty ở bên cạnh đang tạo ra tiếng điện ồn ào.

Bên trong thì lạnh và mờ ảo. Có hương nhang trong không khí và tất cả các tăng đang ngồi bất động hành thiền. Nhưng hoàn toàn có nhận biết. Cái gì đó trong tôi được tháo gút và nói, “Anh đang trở về; anh an toàn; bắt tay vào việc.”

Bela: Thầy đã làm gì!?

Thầy Hằng Thật: Tâm ý thức của tôi từ chối nó, nhưng tâm trí sâu xa nói, “Anh trở về.” Thật có quá nhiều để tiếp nhận.

Tôi quay lại và trở ra trên đường phố với tiếng ồn ào và ô nhiễm. Nhưng cường độ của nó, những chiếc xe, xe buýt, tiếng ồn từ tiệm sửa xe cũng quá nhiều, vì vậy tôi trở lại vào trong tu viện. Như chuyện hài huớc, đi ra đi vô giống như cánh cửa quay.

Khi trở lại bên trong lần này, nó như nút đậy được mở ra. Tất cả sự hồi hộp và căng thẳng đang có không biết từ bao giờ vụt biến mất, và tôi cảm thấy an toàn. Tôi nghĩ, “Chuyện gì đang xảy ra?”

Audrey: Điều đó có tương tự như khi thầy nghe tụng kinh ở Đài Loan không?

Thầy Hằng Thật: Có sự liên quan, và sự cảm nhận là bất cứ kinh nghiệm nào trong cả hai kinh nghiệm tôi tiếp xúc, tôi có cảm giác nó vẫn còn tồn tại ở một nơi không có thời gian. Không phải là câu hỏi bao nhiêu năm đã trôi qua kể từ khi tôi đi từ một kinh nghiệm này đến kinh nghiệm khác. Trong cảnh giới này, thời gian không tồn tại, và khi bạn đang ở đó, nó không còn là đường thẳng nữa; mà là thời gian xoắn. Tôi dự bữa ăn trưa và ra đi mà không trở lại trong 6 tháng. Kinh nghiệm đó là cái gì đó quá nhiều cho tôi!

Bela: Thầy có gặp vị trụ trì không?

Thầy Hằng Thật: Tôi nhớ trông thấy Hòa Thuợng Tuyên Hóa và bị nhức đầu ngay khi vừa thấy ngài. Giống như tâm của bạn đang rên rỉ, “Ồ, không,”bởi vì bạn biết đã tới lúc phải trở nên thật, không còn đi loanh quanh nữa. Vì vậy cái phần xấu trong tôi, phần gần gũi, rên rỉ, “Ồ, không.”

Hòa Thuợng nổi tiếng về biết cách dạy dỗ, và tất cả mọi người được dạy theo một cách khác nhau, tùy theo những gì anh có thể học và có thể hiểu. Nếu bạn là một đứa trẻ 4 tháng tuổi bò quanh trên sàn nhà, ngài sẽ ngồi xuống sàn với trẻ sơ sinh đó.

Nếu bạn là một học giả theo đạo Khổng và về hưu chơi với con cháu, ngài sẽ ngồi cạnh và đọc Luận Ngữ từ trí nhớ trong hàng giờ chỉ để làm hài lòng bạn, vì ngài đến gặp bạn ở vị trí của bạn. Ngài cũng làm như thế với thú vật.

Bela: Làm thế nào Hòa Thượng gặp thầy?

Thầy Hằng Thật: Sáu tháng sau đó Hằng Do gọi tôi và nói, “Anh nên thực sự ngừng chạy loanh quanh bên ngoài, hãy đến và quy y, chính thức trở thành một Phật tử. Như thế ít nhất bàn chân anh cũng vững chãi trên mặt đất. Chúng tôi đã hành thiền trong năm năm qua còn anh thì không quan tâm đến việc được rửa tội hoặc thành người đạo Do Thái. Vậy tại sao anh không trở thành một Phật tử và trở nên thật hơn. Hãy ngừng tìm kiếm đồ rẻ bên ngoài.” (Quy y trong Phật giáo cũng giống như được rửa tội trong Thiên Chúa giáo.) Vì vậy tôi giống như, “Tôi không biết nữa.”

Nhưng sau đó một điều thực sự thú vị xảy ra. Tôi cũng là một chiêm tinh gia vào lúc đó. (Tôi phải kiếm tiền bằng cách nào đó!) Trên bầu trời vào năm 1973 có sự kết hợp của 5 hành tinh sẽ tụ nhau trong chòm sao Nhân Mã (Sagittarius). Tất cả mọi người trong giới chiêm tinh đều nói rằng bất cứ nơi nào có năm hành tinh rơi trên bản tử vi chiêm tinh của bạn, đó là một vấn đề lớn, vì vậy phải quan tâm. Tôi nhìn vào và nó ở ngay trên sao hướng thiên của tôi, đó là tính của danh bạn.

Đó là cách bạn phóng chiếu và gặp gỡ thế giới và nó được quyết định khi bạn hít vào hơi thở đầu tiên và với góc độ nào đó của hoàng đạo ở chân trời phương đông lúc bạn có mặt trên thế giới. Nó quay 360 độ trong 24 giờ bởi vì đó là vòng quay của hành tinh, do đó với tôi nó là 3 độ của chòm sao Nhân Mã (Sagittarius.)

Vì vậy, tôi nhận ra sự giao tiếp đụng vào ngay trên sao hướng thiên của tôi vào lúc 3 giờ chiều ngày 28 tháng 7 năm 1973. Bất cứ điều gì xảy ra trong đời tôi tại thời điểm đó sẽ thực sự quan trọng để xác định danh tính bên ngoài của tôi và cách tôi đương đầu với thế giới và cách mọi người nhìn vào tôi.

Ngày 27 tháng 7 tôi nhận một cú điện thoại từ Hằng Do, anh nói, “Tôi chỉ muốn cho anh biết vì lý do nào đó Hòa Thượng nói rằng sẽ có lễ quy y vào ngày mai, ngày 28 tháng 7 lúc 03 giờ chiều. Anh có muốn đến không?”

Tôi trả lời, “Được, lần này tôi không thể thoát.” Hằng Do đã cố gắng muốn cho tôi được quy y và bây giờ là lễ quy y đặc biệt duy nhất xảy ra vào ngày 28 tháng 7 lúc 03 giờ chiều?

Tôi tự hỏi có phải là Hòa Thượng đọc được tâm tôi. Tôi nhận thức rằng chống lại cũng vô ích. Đó chính là nguyên do tôi trở thành một Phật tử. Nhưng tôi không trở lại tu viện suốt một năm sau đó.

Audrey: Nhưng Hòa Thượng đã tìm cách để cuối cùng gặp thầy tại vị trí của thầy, đúng không? Phương cách của ngài là gì?

Thầy Hằng Thật: [Mỉm cười] đó là qua việc học tiếng Hoa của tôi. Vào lúc đó tôi đã nghiên cứu tiếng Hoa gần và Hòa Thượng yêu cầu tôi tham gia vào việc dịch kinh điển Phật giáo. Hòa Thượng đã giảng dạy kinh điển mỗi đêm. Tôi bắt đầu đến tu viện vào cuối tuần để phiên dịch và từng chút từng chút có cái gì đó thay đổi trong tâm trí và trái tim tôi.

Khi tôi bắt đầu dành nhiều thời gian tại tu viện, cuộc sống của tôi bắt đầu có vẻ thực hơn cuộc sống tại khu cộng đồng, còn cuộc sống tại khu cộng đồng bắt đầu cảm thấy rất không thực. Bên ngoài tu viện, những cái tột đỉnh thì quá cao và những cái thấp lại quá thấp, tất cả mọi thứ tạo cảm giác phân tán và điên cuồng.

Người ta có ấn tượng khôi hài với các tu viện. Đó là hiểu không đúng lắm nhưng họ nghĩ rằng, “Ôi, nhà sư các anh chỉ đến đó tìm sự an lạc của tu viện để trốn tránh thực tế.” Nhưng thực sự thì ngược lại. Ở tu viện, bạn không thể tránh sự thật về bạn. Bất cứ điều gì làm qua thân, khẩu, ý của mình, bạn đều đối đầu với nó. Không có trò giải trí hoặc các cách làm chuyển hướng nào để giác quan của bạn tham gia vào. Các mối quan hệ và công việc của bạn thường là một cách làm chuyển hướng, nhưng trong tu viện, tất cả bạn có chính là thực tế của mình.

Bela: Bằng cách nào sự thật của thầy thách thức thầy khi ở tu viện?

Thầy Hằng Thật: Các tu sĩ luôn luôn nói chuyện về “bóng tối của tâm,” một hiện tượng xảy ra sau một số năm nhất định khoác áo tu sĩ. Tới mức nào đó, một cái gì đó dấy loạn và nếu bạn có thể nắm bắt lấy và chuyển hóa năng lượng đó, thì bạn làm tu sĩ thêm một thập kỷ nữa. Nếu không nắm bắt lấy, bóng tối của tâm phát khởi và có một khát vọng tiếp xúc với các giác quan. Nó giống như đang tới một vùng cao nguyên. Bạn đang leo lên núi Niết Bàn, và đến vùng cao nguyên khô cằn này nhưng rồi chỉ một bài tụng kinh thêm nữa thì dường như quá nhiều. Nó là một thử nghiệm, nhưng không biết thế nào tôi chưa bao giờ trải qua sự thử nghiệm đó.

Tôi tin rằng vì trong truyền thống Đại thừa, có một cái gọi là Phát Tâm Bồ Đề,là quyết tâm để thức tỉnh. Đó là một động lực thúc đẩy và Hòa Thượng Tuyên Hóa cho rằng nó là điều đơn độc quan trọng nhất để duy trì sự tu hành của bạn.

Phát Tâm Bồ Đề được chia thành hai phần. Phần đầu tiên, bạn nói, “Tôi nhận ra tiềm năng của tôi, làm người thì phải tỉnh thức và tôi có tất cả mọi thứ cần để trở thành giống như Phật. Tôi có lòng từ bi và phước đức mà mỗi Đức Phật hiện hữu trong khắp không gian và thời gian đã từng có.” Phần thứ hai là “độ chúng sanh,” như tham, sân, si. Lý do tại sao tôi chưa phải là Phật bởi vì tôi chưa thoát khỏi vô minh và chưa độ các chúng sanh này.

Bela: Nhưng làm thế nào thầy độ “những chúng sanh này”?

Thầy Hằng Thật: Mỗi khi tôi chán nản hay bực bội, và những lần đó xảy ra rất nhiều, tôi phải quay về sự phát tâm của tôi. Tôi tự hỏi, “Tôi ở đây để làm gì và làm thế nào tôi đến đó?” Câu trả lời là, “Tôi phải thức tỉnh.” Con người đang có nhiều đau khổ. Sự biến đổi của khí hậu sẽ thực sự làm tổn thương chúng ta và chúng tôi chỉ mới bắt đầu. Khi chạm vào đó, bạn hỏi, “Làm thế nào tôi có thể làm cho nó bớt đau khổ hơn?”

Bela: Làm thế nào thầy tích cực làm điều đó, làm cho nó bớt đau khổ hơn?

Thầy Hằng Thật: Những gì tôi thích nhất ngay hiện tại là kể chuyện, và đó là nơi mà âm nhạc và các con rối tham dự vào.

Có một câu chuyện rất buồn xảy ra ngay hiện tại do các sự vỡ bể của các hành tinh và đau khổ của mọi loài. Tôi cố gắng dùng các câu chuyện song song từ trong kinh điển Phật giáo để thức tỉnh con người. Có 1600 kinh điển riêng biệt trong Phật giáo có chữ “kinh” ở phần cuối. Đức Phật không bao giờ gọi chúng là “câu chuyện” nhưng bất cứ khi nào ai hỏi ngài về một vấn đề, giải đáp của ngài luôn luôn trong hình thức của một câu chuyện mà cá nhân đó có thể hiểu. Do đó, các kinh điển xuất hiện do việc giải quyết những vấn đề có thực của cuộc sống.

Trong xã hội hiện đại, một vấn đề rất thực là chế độ ăn uống của chúng ta với dự đoán là đến năm 2025, có 50% thanh niên Mỹ sẽ bị bệnh tiểu đường người lớn loại 2. Hiện tại một phần ba (1/3) người da trắng và 50% dân tộc thiểu số đang khởi phát bệnh tiểu đường loại này. Các thực phẩm chúng ta ăn khiến cho chúng ta bệnh rất nặng, và đó là một câu chuyện. Bạn có biết rằng 50% thanh thiếu niên Mỹ tham gia vào quân đội bị từ chối bởi vì họ không đủ tiêu chuẩn? Được gọi là “quá béo phì không thể chiến đấu.” Những gì xảy ra khi những người trẻ này đến tuổi 60 ? Bệnh liên quan đến tiểu đường đang gia tăng và chi phí chăm sóc sức khỏe sẽ là khổng lồ.

Bela: Nhưng làm thế nào thầy đem câu chuyện Phật nói từ 2500 năm trước đây để liên hệ đến thời hiện đại?

Thầy Hằng Thật: Bất cứ khi nào tôi sắp giảng kinh, cách hành trì của tôi là chắp hai tay phía trước đại chúng và cầu Bồ tát hộ trì và ban cho sự sáng suốt. Sau đó tôi mở kinh và bắt đầu giảng dạy mà không chuẩn bị trước, ngoại trừ sự hành thiền của tôi hàng ngày. Định lực của tôi, tự chính bản kinh, và hoàn cảnh lúc bấy giờ là những gì mang đến câu chuyện sống động. Có những lời đó được liên hệ rõ ràng đến thời đại chúng ta là điều tuyệt vời.

Audrey: Bồ tát là gì?

Thầy Hằng Thật: Họ là những người đã tỉnh thức, hiện hữu ở đây chỉ để thức tỉnh mọi người. Họ sống để phục vụ người khác mà không chỉ với loài người. Bồ tát hỏi, “Nơi đâu có khổ đau? Đó là nơi chúng tôi đến.” Các bà Mẹ thể hiện rất nhiều năng lượng của Bồ tát.

Sư phụ của tôi, Hòa Thượng Tuyên Hóa, có 18 lời nguyện mà ngài đã phát nguyện lúc ngài 19 tuổi. Đây là những lời nguyện chỉ có Bồ tát mới thực hiện, nhưng nếu bạn hỏi có phải ngài là một Bồ tát, ngài sẽ đối đáp lại với một sự châm chọc. Ngài là một người phi thường và có khả năng ra ngoài các cảnh giới bình thường. Bạn luôn luôn có cảm giác ngài đọc được tâm của bạn và biết về bạn còn rõ hơn bạn biết chính mình. Tôi không bao giờ có thể đánh lừa ngài với những lời ngọt ngào của tôi!

Trong số những lời nguyện của ngài là nguyện có thể du hành tự tại để truyền bá Phật Pháp. Tôi sẽ để bạn suy tư và hiểu thêm một chút.

Hòa Thượng không có phiền não. Bạn không bao giờ thấy những lúc ngài buồn hay bực bội. Tôi không bao giờ thấy ngài nhầm lẫn hoặc sân hận và không bao giờ bắt gặp ngài có một lời nói dối nhưng ngài luôn bắt gặp tôi. Ngài đi vào những góc tối của tâm trí tôi và phản chiếu nó ra còn tôi nhìn vào ngài rồi nhìn chính mình và nhận ra nơi chốn của ngài và nơi chốn của tôi thì trạng thái tâm của ngài thật khác biệt như thế nào. Và tôi nhận thức điều đó là do hành trì, thực hành Phật pháp. Sự phát Bồ đề tâm của ngài là sống để phục vụ và chỉ để thức tỉnh chúng sanh. Điều đó làm tôi xúc động và chuyển tôi khiến tôi muốn trở thành giống như ngài.

Bela: Có phải để làm tăng trưởng Bồ đề tâm của thầy là những gì gây cảm hứng cho cuộc đi bộ hành hương của thầy?

Thầy Hằng Thật: Một phần là thế. Cũng là do Kinh Hoa Nghiêm trong Phật giáo. Khi đọc, tôi cảm thấy như mình là một miếng sắt và kinh là một nam châm. Nếu cái gì đó khiến tôi thành nhà sư Phật giáo trong cuộc đời này, chính là nhân duyên một cách kỳ diệu và huyền diệu của tôi với kinh đó.

Bela: Những thông điệp gì trong kinh thực sự gây ấn tượng cho thầy?

Thầy Hằng Thật: Đó là về nhà hành hương tên Sudhana, hay “Thiện Tài Đồng Tử.” Ngài đã đi từ một thầy này đến thầy khác để tìm kiếm sự thật. Sau khi có thể học hết tất cả từ vị thầy đầu tiên, và vị thầy này nói, “Nếu con thực sự muốn biết làm thế nào để tu hạnh Bồ tát, thì còn có một thầy nữa.” (*)

Sudhana lạy thầy và đi nữa. Ngài đi đến 53 thầy, và trong mỗi trường hợp, ngài học cách để phục vụ. Hai mươi hai vị thầy là phụ nữ và mỗi vị dạy ngài về lòng từ bi, mỗi cuộc gặp gỡ là một câu chuyện. Ngài nhìn vào bóng hình của mình và thấy những điều khiến ngài thật kinh hoàng và được khuyến khích đừng hoảng sợ.

Sudhana là nhà hành hương bình thường; người vô danh không lai lịch để bạn có thể tự đặt mình vào đời sống của ngài. Ngài gây cảm hứng cho bạn để bạn nghĩ cách nào có thể bớt ích kỷ hơn. Bồ tát luôn luôn bị thử thách để vượt ra ngoài sự phân biệt và đi sâu hơn vào nơi mà tất cả mọi thứ hợp lại thành một.

Thầy Hằng Thật: Có đủ các câu chuyện. Một số hoàn toàn do sự huyền diệu và một số minh họa các đạo lý của kinh điển ngay trên quốc lộ, làm cho kinh điển trở nên sống động.

Ví dụ như khi chúng tôi đang lạy ngang qua thành phố Arroyo Grande. Đó là một ngày thật nóng, mọi người khác trú trong bóng râm còn chúng tôi nguyện tiếp tục lạy. Khi đến một chỗ quẹo, chúng tôi thấy một tiệm bách hóa và sự quyến rũ muốn nhảy ngay vào nơi có máy lạnh. Nhưng tôi biết nếu làm điều đó, tâm trí tôi sẽ hỗn loạn, tạo sự bám chấp, và làm cho tôi cảm thấy như mình gian lận.

Vì vậy, chúng tôi quyết định nghỉ 20 phút để viết dưới bóng cây. Trong khi đang viết, một người đàn ông say rượu tới chỗ chúng tôi. Bạn có thể thấy ông ta cô đơn và buồn chán, và đột nhiên ông ta thấy hai nhà sư đang lạy trên quốc lộ, là những người mà ông nghĩ là thấp kém hơn ông vì vậy ông có thể gây rắc rối cho chúng tôi.

Ông tiến đến chúng tôi và nói lè nhè, “Các ông nghĩ các ông đang làm gì? Các ông nghĩ điều này giúp thế giới sao?” Ông ta thực sự sắp sửa làm khó chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục viết. Đột nhiên một chiếc xe tải gầm rú tiến đến với hàng chữ Cơ Quan Chữa Lửa Thành Phố Arroyo Grande viết bên hông xe và một anh nhảy ra.

“Ồ các vị đây rồi! Quý vị khoẻ không? Tên tôi là Norman Hammond và tôi đang tìm kiếm quý vị. Tôi biết quý vị đang thực hiện cuộc hành hương cho hòa bình thế giới và tôi rất cảm kích bởi những gì quý vị đang làm nên vợ tôi nướng những cái bánh pie này cho quý vị. Quý vị có ăn bánh nướng không? Tôi đã đọc rất nhiều về Phật giáo và tôi nghĩ thật là điều rất tốt khi quý vị truyền bá Phật giáo vào Mỹ. Chúng tôi nói chuyện về điều này cả ngày trong nhà chữa lửa và muốn quý vị biết nếu tôi có thể giúp quý vị bất kỳ cách nào. Chúng tôi sẽ theo dõi phía trước để chắc chắn rằng quý vị được an toàn. Chúc quý vị may mắn, và Chúa ban phước lành.”

Sau đó, người say rượu nhìn vào chúng tôi và lẩm bẩm, “Tôi nghĩ thà tôi là người say rượu còn hơn giống những gì quý vị làm.” Norman Hammond hoàn toàn làm cho người say rượu bất ngờ!

Trên con đường đi hai ngày sau đó vào bữa trưa thì xe tải màu đỏ đến một lần nữa. Norman Hammond hỏi nếu anh có thể ăn trưa chung với chúng tôi và bắt đầu nói về căn nhà lửa trong Kinh Pháp Hoa của Phật giáo. Căn nhà lửa này có những đứa trẻ ở bên trong và chúng không nhận ra chung quanh nhà đang cháy bởi vì chúng quá bị phân tâm bởi các món đồ chơi và trò chơi.

“Đời sống thực chính là như thế,” anh nói. “Rất nhiều lần tôi vào nhà đang cháy để cứu người và họ chạy trở lại để lấy một số sở hữu và kết cuộc bị chết. Nó xảy ra thường xuyên lắm. Ôi chúng ta như đang mê ngủ. Điều tôi thích về Phật giáo chính là nói lên sự thật.” Sau đó anh hỏi chúng tôi, “Quý vị biết đời sống con người giống như gì không?”

“Đời sống con người giống như gì hở Norman?”

“Giống như những giọt mồ hôi đọng lại trên đĩa sau khi mảnh bánh mì nướng cuối cùng được ăn. Đó chính là thời gian của một kiếp người.”

Đó là câu chuyện về đạo lý của kinh điển sống dậy ngay trước chúng tôi.

Bela: Hòa Thượng phản ứng thế nào khi thầy thưa với ngài là muốn thực hiện cuộc hành hương này?

Thầy Hằng Thật: Ngài bác bỏ tôi sáu lần với lý do khác nhau. Một lý do là Marty chưa có mặt và một lần khác là cơn sóng thần đã đánh vào phía nam California và cuốn trôi đi một phần của Quốc Lộ 1. Tôi đã không bắt đầu lạy cho đến một năm hai tháng sau khi tôi nghĩ tôi muốn đi hành hương.

Tôi đã phải thực sự học hỏi từ bỏ ý tưởng mà những gì tôi cho là hay nhất và chỉ làm theo sự chỉ dẫn. Nếu không có thầy của tôi thì điều này sẽ không xảy ra. Thực sự là có ba người chúng tôi trong cuộc hành hương này. Ngài vô hình bảo vệ chúng tôi, còn chúng tôi phải lạy từng lạy.

Bela: Thầy cũng đề cập đến những kinh nghiệm thật huyền diệu. Ý thầy là gì?

Thầy Hằng Thật: Chúng tôi ở thành phố Malibu đang lạy về phía Bắc trên Quốc Lộ 1 và có một vị cảnh sát trưởng của cơ quan cảnh sát thực sự thích chúng tôi. Tên của ông là Johnson. Ông nói, “Tôi muốn giữ cho hai vị an toàn, và tôi nhiệt thành khuyên quý vị nên đi phía bên trái của quốc lộ. Ngoài ra, có một khoảng đường gồ ghề sắp tới vì vậy hãy thật cẩn thận. Hơn nữa, vợ tôi có làm những bánh ngọt dòn (cookies) này cho quý vị. Quý vị tiếp tục lên và chúng tôi sẽ giữ gìn cho quý vị!”

Một ngày nọ ông lái xe đến chỗ chúng tôi và hỏi, “Các thầy có thể, ừmm…áo tràng các thầy đang mặc đó, các thầy có thể mặc áo màu đỏ giống vị lão tăng đi phía sau đang mặc không? Bởi vì các thầy có thể được thấy từ đằng xa. Viên cảnh sát khu vực của chúng tôi lái xe ngang qua và thấy vị lão tăng với áo choàng đỏ nên nói rằng các vị kia nên mặc như thế bởi vì dễ thấy và ít nguy hiểm về xe cộ.”

Chúng tôi khựng lại một lát rồi trả lời, “Được. Ừmm, chúng tôi không mặc áo choàng đỏ, bởi vì nó đặc biệt.”

Không có lão tăng nào cả, chỉ có hai chúng tôi thôi. Khi đến San Francisco, chúng tôi có hỏi người nữ cư sĩ chăm lo thực phẩm cho Hòa Thượng Tuyên Hóa là vào ngày hôm đó trong tháng Bảy thì Hòa Thượng ở đâu. Bà ta suy nghĩ giây lát và nói, “Ồ, ngày hôm đó, tôi nhớ rồi! Chúng tôi đang nói chuyện với ngài trong phòng tiếp tân sau đó đột nhiên ngài với đôi mắt nhìn xa xăm và đứng dậy đi về phòng của mình. Ba giờ sau ngài đi ra và cho biết, “Bây giờ họ bình an rồi.” Chúng tôi không biết chuyện gì cả! Chuyện gì thế?

Thật rõ ràng rằng chỉ có sự bảo vệ của Hòa Thượng đã giúp chúng tôi qua được cuộc hành hương. Chúng tôi đã bị súng chĩa tới 2 hoặc 3 lần và nhiều lần gặp phải nhóm băng đảng.

Ở Los Angeles, chúng tôi gặp một băng đảng toàn màu trắng gần sân vận động Dodger. Họ là nhóm người gốc Nam Mỹ mặc quần áo trắng, da màu phấn trắng với một dòng máu nhỏ giọt ngoài miệng. Chúng tôi không biết chắc họ là ma hay người. Họ thực sự kỳ lạ cứ đi theo chúng tôi một thời gian, giữ xe của họ một vài bước phía sau chúng tôi và đôi khi chỉ im lặng ra khỏi xe mà không nói, đứng bên cạnh chúng tôi khi chúng tôi đang lạy. Trông giống như đang bảo vệ chúng tôi nhưng không phải. Chúng tôi không biết chắc họ đang làm những gì. Họ ở đó 3 hoặc 4 ngày!

Bela: Con đọc trong thư của Thầy viết cho Hòa Thượng rằng Thầy chỉ có thể sử dụng bốn “vũ khí” để bảo vệ mình qua các mối nguy hiểm như là: Từ, Bi, Hỷ, Xả. Có khó để thực hành các điều này khi Thầy cảm thấy sợ hãi không?

Thầy Hằng Thật: Như bạn biết, tôi phát nguyện tịnh khẩu trong toàn bộ cuộc hành hương. Tôi là người chuyên về ngữ học! Lớn lên, bởi vì không phải là người thích đánh đấm cho nên phải dùng ngôn ngữ để giữ thân mình an toàn. Vì vậy, ngôn ngữ quan trọng với tôi và khi bạn lấy mất đi,… đột nhiên tất cả sự bất an này nổi dậy. Còn Marty, người đồng hành và hộ pháp của tôi trong cuộc hành hương này được Hòa Thượng dạy không nên sử dụng bạo lực mặc dù ông có đai đen. Như bạn nói, ông chỉ có thể sử dụng công cụ sức mạnh của từ bi để bảo vệ tôi.

Do đó, nơi đây, hai đứa trẻ da trắng Trung-Mỹ đang lạy dọc theo bên đường. Điều duy nhất có thể cứu giúp của chúng tôi là phương pháp: đon giản là lạy và niệm tên kinh rồi hồi hướng. Nếu tôi thấy thây ma người chết đứng bên cạnh tôi trên xa lộ và tâm trí tôi ngăn cản tâm tôi không hồi hướng cho nó, thì đơn giản quay lại phương pháp. Tiếp tục lễ lạy. Đó gọi là nhất tâm đảnh lễ Vạn Phật Thánh Thành, và cầu cho hòa bình thế giới. Chúng tôi phải giữ niềm tin vào phương pháp.

Hãy nhớ rằng tôi là một sinh viên tốt nghiệp đại học, vì vậy tôi thường suy nghĩ theo ba thứ lớp, và tôi đã phải cắt bỏ tất cả để giữ cho tâm trí tập trung vào một phương pháp và tin rằng nó sẽ chuyển biến tôi thành một người tốt hơn -ý thức của tôi sẽ khai mở trí huệ và sự ích kỷ của tôi sẽ mở lòng từ bi. Nếu tôi có thể làm đươc điều đó, tin vào đó, thì mọi chuyện khác sẽ tốt đẹp. Công việc của tôi là yên lặng và lễ lạy.

Bela: Như vậy, đó là sức mạnh việc lạy sau mỗi ba bước.

Thầy Hằng Thật: Chợt nhớ đến một câu chuyện nữa. Có một nơi gọi là Lincoln Heights cạnh khu phố Tàu ở Los Angeles, mọi người nói với chúng tôi đừng đi qua trường trung học khi tan học bởi vì không muốn chúng tôi bị gặp rắc rối với đám học sinh. Cần nhớ là lúc đó mới chỉ 3 tuần sau khi khởi hành cuộc hành hương. Trên con đường về phía trường, chúng tôi gặp phải một đường vòng khiến chúng tôi đi hết 3 quãng đường, do đó khi vừa đến gần trường thì chuông reng lên lúc 3g50 chiều.

Đột nhiên chúng tôi bị những đứa trẻ bao quanh và chúng la lên, “Chuyện gì đây? Các ông đang làm gì đó? Điều này thật quá xa lạ.” Rồi nói “Ông sư kia, tôi tưởng các ông nghèo, nhìn xem giầy cao cổ Chuck Taylor và Converse kìa! Các ông lấy chúng ở đâu?

Tôi chỉ thấy chúng trong tủ quần áo. Tôi không biết chúng hiệu gì! Chúng tôi chỉ chú tâm lạy và nói với chính mình, “Đừng tranh luận hoặc kháng cự, chỉ cầu nguyện.”

Gạch và bê tông bắt đầu ném vào chúng tôi từ bên kia đường và sau đó hai cô gái da đen thật to lớn đến đứng giữa chúng tôi và những viên gạch cảnh báo những đứa kia, “Tất cả các bạn ngừng lại! Họ không làm hại ai. Các bạn dừng lại bằng không sẽ phải coi chừng chúng tôi!”

Thế là chúng tôi tiếp tục, “Khiếp quá.” Chúng tôi tiếp tục lạy xuống đồi và không nghe thấy âm thanh gì nữa trong một thời gian dài. Tôi không thể đứng dậy và nhìn quanh vì đang lạy. Nhưng khi tới lề đường, tôi đứng dậy kéo thẳng áo tràng và nhìn về phía sau. Tôi không thể tin những gì trông thấy.

Có 28 học sinh trung học lạy thành hàng phía sau chúng tôi. Tất cả chúng la lên, “Haha, hay quá bạn ơi. Hãy thử xem! haha.” Sau khoảng 30 phút chúng nói, “Quý thầy à, hay và lạ quá. Các thầy vẫn sẽ có mặt tại đây vào ngày mai chứ?”

Chúng tôi nghĩ ngày hôm nay là xong và bây giờ ở khu phố Tàu. Chúng tôi đứng dậy sau cái lạy cuối cùng và chạm phải những tay du đảng Trung Hoa to lớn và dữ dằn với những mắt kiếng đen, vết sẹo, và xăm mình chặn đường chúng tôi. Marty và tôi đang nghĩ, “Đây là một cách khó khăn để kết thúc một ngày!”

Sau đó một anh ở giữa hỏi với giọng thấp và gằn, “Các thầy làm điều này cho hòa bình thế giới sao?”

“Đúng vậy.”

“Các thầy nói tiếng Hoa?”

“Không. Ông ấy biết nhưng không thể nói chuyện.”

“Các thầy sẽ làm điều đó bao lâu?”

“À! Chúng tôi đang hướng đến 800 dặm về phía Bắc.”

“Chỉ như thế, lạy suốt con đường sao? Thôi được! Miễn là các thầy ở trong khu vực của chúng tôi thì các thầy không có gì phải lo lắng, các thầy an toàn. Chúng tôi thích những gì các thầy đang làm.”

Khi bạn bám chặt vào phương pháp thì đó là sự bảo vệ tốt nhất. Nhất tâm lễ lạy.

Bela: Hiện giờ Thầy vẫn còn lễ lạy khi trở lại đời sống trong tu viện không?

Thầy Hằng Thật: Bây giờ tôi không lạy hàng ngày, nhưng nó luôn ở trong tâm trí tôi. Về một phương diện thì tôi không ngừng lễ lạy.

Bela: Làm thế nào Thầy chuyển hóa sự nóng giận khi không thực sự lạy?

Thầy Hằng Thật: Bạn sử dụng lòng kiên nhẫn và ngồi với đống lửa. Bạn lắng nghe các âm thanh của thế giới. Nếu sự tức giận vẫn nổi dậy bên trong, thì đừng chuyển động vì bạn vẫn còn việc phải làm. Bạn phải chuyển hóa sự nóng giận vì bất cứ điều gì bạn làm với tâm nóng giận bên trong thì sẽ nổi lửa ra bên ngoài. Đến một lúc nào đó, nếu ngọn lửa của chính bạn có thể biến thành ánh sáng thay vì nhiệt lượng, bạn phóng ánh sáng này ra ngoài để thức tỉnh mọi người. Làm bất cứ gì cần làm. Bạn nói chuyện, ca hát, giải thích, làm múa rối là theo cách người ta có thể nghe thấy. Nếu họ không thể lắng nghe thì bạn phải chờ thôi.

Bạn cũng cần phải có ít trí huệ. Trí huệ làm nhớ lại những gì xảy ra trong lần cuối khi bạn để nóng giận chạy ra ngoài. Cái đó đem lại cái gì chi bạn? Có thể bạn cảm thấy khủng khiếp sau đó. Buông xả nóng giận, cho dù là nóng giận đúng hoặc tự vệ hoặc bất cứ gì đi nữa, nên nhớ nó là một thảm họa. Bạn bắt đầu thấy sự nóng giận như một công cụ mà thường thì tàn phá nhiều hơn là hữu ích. Bạn cần phải nhẫn nại chờ đợi, điều này khác với sự đè nén. Sự đè nén sẽ đi ra một bên giống như khi chặn dòng nước trong một vòi nước đang chảy.

Thay vào đó, những gì nên làm là suy nghĩ rồi nói, “Tôi sẽ không nóng giận lúc này. Lửa không phải là công cụ tôi muốn sử dụng.” Sau đó hãy tự hỏi, sự nóng giận đến từ đâu? Đức Phật nói hầu hết sự nóng giận đến từ nỗi mong cầu bị thất vọng. Ví dụ như bạn muốn người ta nhận biết về bạn. Nhìn vào đó và hỏi, “Ai là ‘tôi’ trong đó muốn được nổi tiếng?” Nó là một ‘tôi’ hão huyền, một ‘tôi’ khuôn khổ. Tại sao không tùy hỷ một cách sung sướng cho những người được thừa nhận? Sự mong cầu không còn thì sự nóng giận sẽ tan biến.

Hãy tự hỏi “Đời sống của tôi sẽ chạy theo thú vui và lẫn trốn niềm đau được bao lâu?” Khi hỏi điều này, bạn nhận thức rõ phải có một lựa chọn khác. Càng lớn tuổi bạn thấy lẫn trốn niềm đau thật khó hơn. Lựa chọn thứ ba là ngồi tĩnh lặng và suy tư. Xem, quan sát, và lắng nghe âm thanh của thế gian. Hầu hết các âm thanh đều liên quan đến lẫn trốn niềm vui và đau thương.

Vì vậy, nếu bạn có thể nghe được âm thanh của thế gian, hiểu ra, rồi hỏi, “Có vậy thôi sao?” Không, còn nhiều hơn nữa, nhưng nó ở bên trong. Phát tâm Bồ đề rồi hỏi, “Tôi tỉnh thức như thế nào?” Độ các chúng sanh. Nếu bạn muốn trở nên nghiêm túc về sự tỉnh thức, thì phải chú ý đến vọng tưởng sắp sửa đến rồi buông xả.

Nóng giận là một năng lực tiềm tàng khổng lồ. Nhận biết rồi tái chế biến nó. Sử dụng năng lực đang dấy lên để biến nó thành ánh sáng.

Nimesh Patel, Thầy Hằng Thật, Audrey Lin

 

Ghi chú:

(*) Xin xem thêm Phẩm Nhập Pháp Giới trong Kinh Hoa Nghiêm: http://www.dharmasite.net/KinhHoaNghiem39PhamNhapPhapGioi1.htm  http://www.dharmasite.net/KinhHoaNghiem39.htm