English|Vietnamese

 

Ngày 8 tháng Năm năm 1974, tối thứ Tư

Về việc quen thuộc với các đạo lý trong Kinh

Hòa Thượng Tuyên Hóa

 

[Chú thích của Ban Biên Tập: Hòa Thượng đang kể chuyện về chuyến đi châu Á.] Khi trở về Đài Loan, tôi giảng về Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện. Khi tôi giảng đến đoạn tả về đức Phật “đã lột da làm giấy, chẻ xương làm bút lông, rút máu làm mực” để sao chép những bản Kinh Hoa Nghiêm chất cao như Núi Tu Di, tôi hỏi mọi người về điểm này họ có ý kiến gì để mang ra thảo luận không? Quý vị có câu hỏi nào về đoạn này không? Trước kia tôi đã giảng qua đoạn này rồi, bây giờ tôi muốn nghe ý kiến của quý vị. Quý vị có rút ra được bài học nào không?

Lão cư sĩ họ Mã ở Đài Loan đã ngoài 80 tuổi mà giọng nói hãy còn sang sảng hỏi về đoạn kinh này. Tôi sẽ không đưa ra câu trả lời của tôi chừng nào quý vị chưa nói cho tôi nghe quý vị sẽ trả lời như thế nào về câu hỏi của ông ta. [Chú thích của Ban Biên Tập: Nhiều đệ tử bàn luận đoạn kinh đang được bàn đến.]

Tất cả quý vị đều có ý kiến riêng của mình, như những người mù sờ vào những bộ phận khác nhau của con voi và tự kết luận về hình dáng của voi như thế ấy, dựa vào chỗ họ sờ là chân hay vòi voi hoặc bụng của con voi. Đây là cách rất hay để nghiên cứu các đạo lý. Mỗi quý vị hãy dựa vào trí huệ và diễn đạt ý kiến của mình với người khác.

Tuy nhiên, vào lúc đó, không có nhiều người cùng nghiên cứu vấn đề này với tôi nên tôi đã tự trả lời. Tôi nói: ”Trước tiên, Phật nói một cách giả thuyết, giả sử có một người phát đại nguyện như thế và dùng xương mình để làm bút lông. Lẽ ra ông ta có thể dùng vật liệu khác để làm bút. Thế thì tại sao ông ta lại dùng xương là thứ không thường được dùng làm bút? Bởi đó là cách ông ta tỏ lòng thành kính với Kinh. Tại sao ông ta lại dùng da để làm giấy thay vì dùng những vật liệu khác? Đó cũng là cách ông ta tỏ lòng thành kính với Kinh. Dùng máu mình để chép Kinh là một cách khác để thể hiện sự quyết tâm chí thành của ông ta, điều đó khiến ông ta không còn sợ đau đớn, khổ sở, và khó khăn. Dù cho xương không thể làm bút, ông ta vẫn làm. Da vốn không thể dùng làm giấy, ông ta vẫn làm. Máu không thể dùng thay cho mực, ông ta vẫn dùng. Ông ta thực hiện pháp tu khổ hạnh mà người khác không làm được. Đoạn Kinh viết là “xương”, nhưng không phải là ông ta dùng tất cả xương trong cơ thể của mình. Mới đây có một vị đệ tử nói là có thể chặt một ngón tay là đủ. Anh ta nói đúng. Bút được làm từ xương của một ngón tay có thể dùng để viết được nhiều chữ. Đối với da, ông ta không lột tất cả da của toàn thân mình để dùng làm giấy. Có thể ông ta lột da một cánh tay hoặc một chân thôi. Bởi vì ông ta có hai tay và hai chân, ông ta có thể lột da được bốn lần, thỉnh thoảng lột chỗ này và thỉnh thoảng lột ở chỗ khác. Sau khi lột xong, vết thương sẽ từ từ lành lại. Khi lột da thì tự nhiên sẽ chảy máu. Máu đó có thể dùng để chép kinh. Vì thế người đó sẽ không chết. Đây chỉ là chuyện giả thuyết, nhưng nếu có người thật sự làm điều này, ông ta sẽ không chết bởi vì ông ta không dùng hết tất cả da, máu và xương trong cơ thể mình.

Lão cư sĩ họ Mã đồng ý với lời giải thích của tôi. Tôi nói đây chỉ là câu chuyện giả thuyết mà thôi; thực tế không có loại người như vậy. Kinh nêu lên đạo lý này nhằm khuyến khích mọi người phát tâm bồ đề với ý nghĩ: ”Có người có thể dùng xương mình để làm bút, da mình làm giấy, máu mình làm mực. Nếu ông ta có thể chịu đựng những đau đớn như thế thì chúng ta thì sao?” Ý nghĩ này sách tấn họphát tâm bồ đề.

Tôi lại đưa ra thêm một cách giải thích khác: Có thể có ba người anh em cùng hợp tác để hoàn thành công hạnh nói đến trong kinh. Có lẽ là người anh lớn nhất dùng xương của mình làm bút, người anh kế lột một ít da của mình làm giấy, và người thứ ba nói: “Được rồi, tôi sẽ dùng máu của mình”. Ba người này không những sẽ không chết mà còn có thể cùng hợp tác với nhau như thế hết đời này qua đời khác.

Chuyện này cũng giống như hai vị sư ở Tu Viện Kim Sơn Thánh Tự đang cùng nhau thực hiện “tam bộ, nhất bái”. Một người cứ mỗi ba bước lạy một lạy và người kia kéo chiếc xe cách một trăm thướchay xa hơn nữa ở đằng trước và lạy tại chỗ. Họ làm việc với nhau như một đội ngũ. Không phải là vị sư mang hành lý thì không lạy mà chỉ đợi trong khi vị sư kia lạy mà thôi.

Về tình huống được nhắc đến trong đoạn kinh, nếu nhiều người cùng nhau hợp tác để hoàn thành công việc đó thì làm sao họ có thể chết được? Họ sẽ không có nguy cơ bị chết.

Nếu tình huống này là giả thuyết và trong thực tế không có loại người như thế thì ai sẽ chết? Nếu một người chỉ dùng một phần nhỏ thân thể của mình, thì người đó cũng không chết. Thêm nửa, nếu có ba người cùng nhau thực hiện công việc này thì họ cũng sẽ không chết.

Khi lão cư sĩ họ Mã nghe xong lời giải thích của tôi, những nghi ngờ của ông ta biến mất và ông ta rất vui mừng. Ông ta nói với tôi: ”Khi lần đầu tôi nghe những đạo lý trong Kinh, tôi không ngủ được. Tôi tự hỏi, ’Tại sao có thể như thế được’. Bây giờ thì khi về nhà thì tôi có thể ngủ được rồi.”

Quý vị không nên xem thường những đạo lý đã được thảo luận ngày hôm nay và nghĩ rằng vấn đề chỉ là chuyện nhỏ. Chúng ta phải rất quen thuộc với những đạo lý trong mỗi đoạn kinh Phật. Khi có người nêu lên vấn đề để thảo luận, quý vị không thể không trả lời được. Nếu quý vị nghiên cứu thường xuyên, quý vị có thể giải quyết được tất cả các vấn đề khởi sinh giống như lưỡi dao sắc bén cắt xuyên mọi vật.

 

Dịch từ sách “Timely Teachings”, trang 102 – 105.