Chineser and English | Vietnamese

Cây Long Não 1,000 Năm Xin Quy Y Cửa Phật,

Thiện Nam Tín Nữ Bốn Phương Xin Xuất Gia!

 

Trần Tâm Bình

 

Thực vật cũng muốn quy y hay sao?  

Trong khuôn viên chùa Phổ Tế trên núi Phổ Đà thuộc tỉnh Chiết Giang, một cây Long Não sống lâu 1,089 năm đã xin quy y với Hòa Thượng Tuyên Hóa, một vị cao tăng tại Hoa Kỳ, qua trung gian một cư sĩ có thần thông. Và cây cổ thụ đó đã được quy y vào ngày 23 tháng 10 năm 1994 tại Tu viện Trường Đê ( Long Beach ), miền nam California.  

 

Nhìn ra biển Thái Bình Dương, chùa Trường Đê là đạo tràng Phật giáo thứ hai được Hòa Thượng thiết lập tại miền nam California , sau chùa Kim Luân ở Los Angeles .

Ngày 23 tháng 10 dương lịch, thời tiết tuyệt đẹp. Lúc 8 giờ sáng, 21 Phật tử chuẩn bị làm lễ Thế phát đã cùng với 300 Phật tử tham gia lạy Phật trước khi lễ xuất gia, và gồm có 4 nam và 17 nữ. Họ đã từ Phần Lan (Bắc Âu), Gia Nã Đại, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Đài Loan, Hương Cảng, Tân Gia Ba, Mã Lai Á và Việt Nam, và thuộc đủ lứa tuổi từ 6 tuổi đến 72 tuổi:

– Bà Ngô, một giáo sư kỳ cựu của một trường nữ trung học nổi tiếng ở Đài Bắc, đã lái xe suốt 4 ngày đêm từ Nữu Ước đến tiểu bang California để xin xuất gia với Hòa Thượng.

– Hai em thiều nhi, anh trai 10 tuổi và em gái 6 tuổi cũng xuất gia vào ngày ấy. Cô em đã thưa với cha mẹ từ khi mới tập nói: “Sau này con muốn thành một Sư Cô!” Cậu anh cũng đã có phát nguyện cách đây 3 năm là muốn làm một vị Pháp sư. Cha mẹ của hai an hem nguyên quán Đài Loan, làm nghề kỹ sư điện toán và giáo sư trung học. Họ thành khẩn ước mong con họ sớm thành Phật đạo để cứu độ chúng sanh.

– Một em bé gái Việt Nam 6 tuổi cũng theo gương bà ngoại và người anh trai 12 tuổi đã xuất gia, và đã có xin xuất gia nửa năm trước đây. Em đã được toại nguyện hôm 23 tháng 10. Được hỏi vì sao lại muốn đi tu khi tuổi còn nhỏ như vậy thì cô bé đã trả lời đầy tin tưởng và bằng tiếng Anh rất lưu loát là: “ Vì tôi muốn đi đến các nhà tù và thuyết pháp cho tù nhân!”

Trong dịp lễ Thế phát, Hòa Thượng Tuyên Hóa đã khuyến khích các vị Tăng, Ni mới gia nhập Tăng đoàn Phật giáo rằng:

“Trên con đường tu hành, vị Bổn sư chỉ dìu dắt đến cửa Phật, nhưng mỗi đệ tử phải tự mình tu luyện. Nếu các vị không chuyên cần và khổ công tu tập thì dù cho có lạy Đức Phật Thích Ca làm sư phụ thì cũng vô ích thôi. Tất cả các vị hãy suy nghĩ đi. Chúng ta xuất gia với mục đích đoạn sanh tử và đạt giác ngộ. Nếu chúng ta cứ tiếp tục lơ là để phí thời giờ thì xuất gia có ích lợi gì đâu. Hôm nay các vị xuất gia và đã đi bước đầu tiên để tiến tới cõi Phật. Tất cả các vị phải sớm hoàn thành Phật quả.”

Sau lễ Thế phát vào buổi sáng thì có lễ Thọ giới vào buổi chiều: Tam quy, Ngũ giới, Thập giới Sa Di, và Thức Xoa Ma Na Pháp Nghi Thức

Ngay trong buổi lễ, một đệ tử của Hòa Thượng là nữ cư sĩ họ Dương, pháp danh Quả Vân, đã điện thoại từ Đại lục Trung Quốc và kể chuyện có thật như sau:

“Khi thân phụ tôi và tôi đến viếng chùa Phổ Tế trên núi Phổ Đà thì có thấy một cây Long Não rất to đến mười người ôm. Cây cổ thụ đó nói với tôi rằng y muốn quy y với Hòa Thượng Tuyên Hóa. Tôi rất ngạc nhiên và hỏi:” Đã ở tại chùa bao nhiêu năm rồi mà chưa gặp vị chân tu và chưa quy y sao? Tại sao lại muốn quy y với Sư phụ?”

Cây cổ thụ trả lời là chưa hề gặp một vị chân tu để có thể quy y, và chưa có đủ nhân duyên.Nay thì y ước mong được quy y với Sư Phụ. Tôi nói: “Được! Hãy chờ tôi xin với Sư Phụ và sẽ tin cho biết.”

Sau đó, tôi trở về phòng, rồi đi ngủ vì quá mệt. Khi tôi thức dậy thì cũng quên mất lời hứa, không kể lại cho thân phụ tôi biết mà cũng không xin với Sư Phụ. Chiều hôm đó, chúng tôi sửa soạn đi viếng các tu viện khác nữa. Khi đi xuống cầu thang, tôi xoay mình để nói chuyện với cha tôi. Đột nhiên, tôi bị trẹo cổ, may mà không bị gãy cổ. Tôi tự hỏi: “ Mình có làm gì sai không?” Tôi liền quay người lại thì thấy cây Long Não và hiểu ra rằng tôi đã quên lời hứa.

Ngay lúc đó, cây Long Não nói: ”Tại sao có thể cẩu thả như vậy và đã quên lời yêu cầu của tôi?” Tôi trả lời: ”Xin lỗi. Tôi hay quên. Xin đừng giân. Tôi sẽ xin với Sư Phụ ngay.”

Sau đó tôi liền thỉnh thị Sư Phụ. Sư Phụ dạy: ”Có trở thành đệ tử của tôi hay không, điều đó không quan trọng. Nhưng y phải tinh tấn tu hành Giới, Định, Huệ và dập tắt tham, sân, si.” Tôi chuyển lời của Sư Phụ lại cho cây Long Não và nhắc thêm: “ Hễ còn giữ Sáu Đại Tông Chỉ của Vạn Phật Thánh Thành là Không tranh, Không tham, Không cầu, Không tư tư, Không tư lợi, Không nói dối, thì dầu cho không có duyên diện kiến Sư Phụ thì cũng là đệ tử của Sư Phụ rồi!”

Cây Long Não hứa sẽ tuân hành và còn nguyện noi gương Bồ tát Quán Thế Âm, quyết tâm phổ độ chúng sanh trong tương lai. Ngay khi đó, tôi thấy cây Long Não biến thành một Sa Di, quỳ xuống và chắp tay, trong khi Bồ tát Quán Thế Âm thị hiện trên không trung và rưới nước trong từ trong bình lên đầu vị Sa Di.

Tôi rất xúc động và kể lại chuyện này với Sư Phụ sau khi về nhà. Sư Phụ rất quan tâm và dạy tôi tìm hiểu thêm về cây Long Não này.

Tôi được biết rằng cây cổ thụ đó tên là Nhân Năng (仁能) và được trồng vào năm 905. Tôi hỏi y về phương pháp tu hành thì y nói thường tụng Tâm Kinh và nghiên cứu giáo lý trong Kinh. Tuy nhiên vì thiếu sự hướng dẫn của một chân sư nên đã không hoàn toàn quán triệt được đạo lý. ”

Do vì nữ cư sĩ họ Dương là một phật tử thuần thành có thần lực cảm thông với các chủng loại khác nên cây Long Não đã xin quy y với Sư Phụ qua trung gian của cô. Từ nay cây cổ thụ đó sẽ được một vị minh nhãn Thiện tri thức dìu dằt.

Cô hỏi y do đâu mà biết Sư Phụ và muốn quy y với Ngài. Y giải thích rất giản dị là tất cả mọi loài chúng sanh đều có thể nghe Sư Phụ thuyết pháp. Khi Ngài thuyết pháp, tất cả chúng sanh trong toàn cõi hư không Pháp giới đều có thể thấy và nghe Ngài. Tuy nhiên kẻ nào còn nặng nợ trần gian, còn ham danh lợi, tiền tài thì có thể nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu. Tất cả chúng sanh nào thanh tịnh tu hành thì đều thấm nhuần giáo pháp của Ngài và tăng trưởng được hạt giống Bồ đề. Vì thế cây cổ thụ đã từng nghe Sư Phụ thuyết pháp từ lâu lắm rồi.

Trước khi buổi lễ quy y bế mạc, Hòa Thượng đã đặc biệt lưu ý mọi người đến tầm quan trọng của sự tu hành. Ngài dạy:

“Bất cứ ai, nếu thành tâm, nếu không cẩu thả, nếu không làm những việc người đời thường làm mà làm ngược lại, thì đều sẽ tiếp thọ được lợi lạc của Phật giáo. Do đó, dù cho là xuất gia hay tại gia, các vị phải là những Phật tử chân chánh, phải khác với người thường.

Đừng bắt chước người đời, tham lam, tranh giành, mưu cầu, ích kỷ, tự tư tự lợi, từ sáng đến tối không bao giờ dứt vọng ngữ. Đó mới là điều quan trọng! Sáu đại Tông chỉ vừa kể là bước đầu để học hỏi về đạo Phật và tương lai sau này đạt thành được Phật quả. Đừng lãng quên!Đừng lơ là! Chúng ta phải tập chịu đựng thua thiệt và đừng lợi dụng hay lấn át người khác!”