三十二祖弘忍大師‧(東土五祖)

Tam thập nhị tổ Hoằng Nhẫn Đại Sư – Đông độ Ngũ tổ

Đại sư Hoằng Nhẫn tổ thứ 32 – Ngũ tổ Thiền tông Trung Hoa

Nguyên văn:

祖,蘄州黃梅人。先為栽松道者,托生於周氏之女,父母逐惡之。女無所歸,乞食裡中。及長,裡人呼為無姓兒。路逢信祖,問曰:「子何姓?」祖曰:「姓有,不是常姓。」曰:「是何姓?」祖曰:「是佛姓(性)。」曰:「汝無姓耶?」祖曰:「性空故無。」信默識之,乞為侍者。女以夙緣舍之,無難色。祖與剃度,後付衣法。偈曰:「華種有生性,因地種花生。大緣與性合,當生生不生。」遂以學徒委之。咸亨間,轉付衣法於大鑒。至上元元初化去,代宗諡大滿禪師,法雨之塔。

贊曰

岩松未老娘胎已托 笑倒松巢千歲玄鶴
死生往還如雲赴壑 偉哉儀風寄與玄學

或說偈曰◎宣公上人作

無形無情亦無名 有氣有血故有生
栽松品石清閒課 闖關奪舍勇士型
性空心淨離言說 道成德備宣妙音
東山黃梅演奇跡 儀範萬世照古今

Âm Hán Việt:

Tổ, Kỳ Châu Huỳnh Mai nhân. Tiên vi tải tùng đạo giả, thác sinh ư châu thị chi nữ, phụ mẫu trục ác chi. Nữ vô sở qui, khất thực lý trung. Cập trưởng, lý nhân hô vi vô tính nhi. Lộ phùng Tín tổ, vấn viết: “tử hà tính?” Tổ viết: “tính hữu, bất thị thường tính”. Viết: “thị hà tính?” tổ viết: “thị Phật tính”. Viết: “nhữ vô tính da?” Tổ viết: “tính không cố vô”. Tín mặc thức chi, khất vi thị giả. Nữ dĩ túc duyên xá chi, vô nan sắc. Tổ dữ thế độ, hậu phó y pháp. Kệ viết: “Hoa chủng hữu sinh tính, nhân địa chủng hoa sinh. Đại duyên dữ tính hợp, đương sinh sinh bất sinh”. Toại dĩ học đồ ủy chi. Hàm Hưởng gian, chuyển phó y pháp ư Đại Giám. Chí thượng nguyên nguyên sơ hóa khứ, Đại Tông thụy Đại Mãn Thiền Sư, Pháp Vũ chi tháp.

Tán viết:

Nham tùng vị lão nương thai dĩ thác

Tiếu đảo tùng sào thiên tuế huyền hạc.

Tử sinh vãng hoàn như tuyết phó hách

Vĩ tai nghĩa phong ký dữ huyền học.

Hoặc thuyết kệ viết: Tuyên công thượng nhân tác

Vô hình vô tình diệc vô danh

Hữu khí hữu huyết cố hữu sinh

Tài tùng phẩm thạch thanh nhàn khóa

Sấm quan đoạt xá dũng sĩ hình

Tính không tâm tịnh ly ngôn thuyết

Đạo thành đức bị tuyên diệu âm

Đông sơn Huỳnh Mai diễn kỳ tích

Nghi phạm vạn thế chiếu cổ kim.

Dịch:

Đại sư là người Kỳ Châu huyện Huỳnh Mai. Đời trước ngài vốn là người tu đạo chuyên trồng cây tùng tại núi Phá Đầu, sau đó đầu thai vào nhà cô gái họ Châu. Cha mẹ cô cho rằng cô là người không giữ tiết hạnh nên đuổi ra khỏi nhà. Vì không nơi nương tựa, cô phải bồng con đi vào làng xin ăn. Sau đứa bé lớn lên, người trong làng gọi là bé không họ. Một hôm, trên đường gặp được tổ Đạo Tín, tổ hỏi: “con họ gì?” đứa bé đáp: “thưa ông con có họ, nhưng chẳng phải họ như những người bình thường”. Tổ hỏi tiếp: “đó là họ gì?” Đứa bé đáp: “đó là Phật tính” (đó là họ Phật). Tổ lại hỏi: “con không có họ à?” đứa bé đáp: “vì thể tính không cho nên không có họ ạ”. Tổ Đạo Tín biết đây là bậc pháp khí, nên xin đứa bé cho làm đệ tử hầu cận bên ngài. Người phụ nữ này biết tổ Đạo Tín và đứa con mình trong kiếp quá khứ có duyên với nhau, nên cô ta bằng lòng, chẳng hề ngằn ngại hối tiếc. Sau đó Tổ cho cạo tóc xuất gia, về sau còn truyền trao y pháp và nói kệ rằng:

Trong hoa có tính sinh

Nhờ đất giống hoa sinh

Đại duyên hợp cùng tính

Tuy sinh nhưng chẳng sinh.

Sau đó tổ ủy thác đồ chúng cho Hoằng Nhẫn. Đến năm Hàm Hưởng, tại Đại Giám, tổ Hoằng Nhẫn lại truyền y bát cho ngài Huệ Năng. Vào đầu năm tiết thượng nguyên tổ viên tịch. Vua Đường Đại Tông ban thụy hiệu là Đại Mãn thiền sư, bảo tháp hiệu là Pháp Vũ.

Bài tán rng:

Thông trên núi chưa già

Người lại đi đầu thai

Cười nghiêng đổ hàng thông

Hạc ngàn năm linh ứng

Sinh tử hằng tự tại

Như mây xuyên khe núi

Bậc đạo phong uy nghiêm

Lưu truyền Phật tâm ấn.

Hoc k rng: Hòa Thượng Tuyên Hóa viết

Không tình không tướng cũng không tên

Khí huyết đủ đầy nên tự sinh

Vui thú thiên nhiên sống tự tại

Đồng nhi thị hiện nhưng dũng khí

Tánh không tâm tịnh lìa ngôn thuyết

Đạo thành đức đủ thuyết diệu âm

Huỳnh Mai núi Đông hoằng chánh pháp

Nghi dung vạn thế mãi lưu danh.

Giảng:

Đại sư Hoằng Nhẫn là vị tổ thứ 32 của nước Thiên Trúc, thuộc tổ thứ năm trong Thiền tông Trung Hoa.

Tổ, Kỳ Châu Huỳnh Mai nhân: Đại sư là người huyện Huỳnh Mai tỉnh Hồ Bắc. Mọi người không kêu tên ngài mà thường gọi ngài là Huỳnh Mai. Bởi vì ngài đắc pháp cũng tại huyện Huỳnh Mai, hơn nữa người xưa thường dùng địa danh để xưng gọi, chớ không gọi tên người, nên không nói Đại sư Hoằng Nhẫn thế này, thế kia, đó là tỏ ý tôn kính ngài.

Tiên vi tải tùng đạo giả, thác sinh vu Châu thị chi nữ, phụ mẫu ác trục chi: theo truyền thuyết đời trước Đại sư vốn là một vị tu hành chuyên trồng cây tùng, sau đầu thai vào gia đình người con gái họ Châu. Cha mẹ cô thấy con gái mình chưa lập gia đình lại sinh con, cả hai vị đều không vui, nên đã đuổi cô ra khỏi nhà, do vậy Đại sư Hoằng Nhẫn là đứa con chẳng phải do sự quan hệ của cha mẹ mà sinh ra.

Nữ vô sở quy, khất thức lý trung: người con gái này vì không có chồng, lại không nơi nương tựa, mỗi ngày đành phải bồng con đi vào làng xóm xin ăn.

Cập trưởng, lý nhân hô vi vô tính nhi: đợi đến lúc đứa bé lớn lên, vì không có họ, nên người trong làng đều gọi là “bé không họ”. Theo tục lệ người Trung Hoa dùng họ cha, nhưng đứa bé này lại không có cha, tất nhiên nó không có họ. Theo truyền thống ngày nay, đứa bé sẽ dùng họ Châu. Nhưng lúc bấy giờ tập tục còn cứng ngắt, chưa được tiến bộ thông thoáng như ngày nay, nay có thể đặt cho bé một cái họ, hoặc họ Lý, họ Vương, họ Triệu…Do đây mà nói đứa bé không có họ, nên trong làng thường gọi là bé không cha.

Lộ phùng Tín tổ, vấn viết: tử hà tính? Một hôm trên đường gặp được Tổ Đạo Tín, tổ bèn hỏi bé: “con họ gì?”

Tổ viết: tính hữu, bất thị thường tính: đứa bé (tức Tổ sư Hoằng Nhẫn) đáp, con có họ, nhưng chẳng phải họ như những người bình thường. Ý nói đứa bé vốn không có họ, nhưng lại nói có họ, chứng tỏ đứa bé này rất lanh lợi.

Viết: thị hà tính? Đạo Tín thiền sư tựu vấn: Tổ Đạo Tín hỏi tiếp, con nói có họ, vậy con họ gì?

Tổ viết: thị Phật tính: đứa bé đáp, dạ con họ Phật, tức nói nó có Phật tính.

Viết: nhữ vô tính da? Tổ Đạo Tín hỏi: “con không có họ ư?”

Tổ viết: tính không cố vô: Đại sư Hoằng Nhẫn đáp: “tính vốn là không, vậy những gì là tính?” do đây có thể thấy đứa bé này rất thông minh.

Tín mặc thức chi: Tổ Đạo Tín nghe đứa bé trả lời tự tính vốn không nên nói không, ngài im lặng không nói gì nữa, nhưng ngài bắt đầu tìm hiểu đứa bé này từ đâu đến, sao lại gặp nơi đây và khởi ý muốn nhận bé này làm đệ tử. Khất vi thị giả: qua vài ngày sau ngài tìm đến chỗ ở của mẹ bé hóa duyên. Hóa duyên ở đây chẳng phải xin vật thực ăn dùng, mà chính là xin đứa bé được xuất gia theo tu học với ngài. Ngài nói với mẹ bé rằng: “cô có thể cúng dường đứa con cô để nó theo tu học với tôi được không?”. Như trên chúng ta đã nói đến, nguồn gốc đứa bé này thật kỳ lạ, cô gái này hoàn toàn không có tiếp cận với người nam, nhưng lại thọ thai, nên người mẹ biết đứa bé này chẳng phải là ngẫu nhiên xuất hiện, chắc chắn đó không phải là người tầm thường.

Nữ dĩ túc duyên xá chi, vô nan sắc: suy nghĩ giây lát người phụ nữ này biết đứa bé này đời trước đã có duyên với tổ Đạo Tín, nên cô chẳng chút ngần ngại, đồng ý cúng dường đứa bé. Cử chỉ của cô không giống với những bà mẹ khác, tức quyến luyến, không nỡ rời xa con mình, nét mặt cô vẫn tự nhiên, không cảm thấy đau khổ, buồn rầu chút nào.

Tổ dữ thế độ, hậu phó y pháp: thế là Tổ làm lễ thế phát cho bé, về sau còn truyền trao y bát và đại pháp.

Kệ viết: sau đó tổ nói bài kệ rằng:

Hoa chủng hữu sinh tính, nhân địa chủng hoa sinh: trong chủng tử có một tính sinh khởi, do có đất này trồng giống hoa xuống, loài hoa mới mọc ra.

Đại duyên dữ tính hợp, đương sinh sinh bất sinh: hai chữ đại duyên ở đây tức chỉ vô số nhân duyên. Do vô số nhân duyên và tính sinh khởi kết hợp với nhau nên mới sinh ra, tuy sinh ra nhưng cũng chẳng có chỗ sinh. Vì tính sinh khởi ấy vốn là vô thường, do vậy chớ nên chấp trước tính sinh khởi ấy.

Toại dĩ học đồ ủy chi: vì vậy tổ Đạo Tín mới đưa những đồ chúng của mình giao lại cho Đại sư Hoằng Nhẫn giáo hóa. Hai chữ “ủy chi” trong đoạn chánh văn tức là ủy thác cho Đại sư Hoằng Nhẫn.

Hàm Hưởng gian, chuyển phó y pháp vu Đại Giám: “Hàm Hưởng” tức chỉ đời vua Đường Cao Tông, tổ Hoằng Nhẫn bắt đầu truyền trao đại pháp cho Lục tổ (tức Đại Giám Thiền sư).

Chí thượng nguyên nguyên sơ hóa khứ: vào năm đầu của tiết thượng nguyên, thuộc triều đại vua Đường Cao Tông, tổ bèn viên tịch. Đại Tông thụy Đại Mãn thiền sư: đến triều đại vua Đường Đại Tông, ngài đã ban tặng cho tổ Hoằng Nhẫn thụy hiệu là Đại Mãn thiền sư. Pháp Vũ chi tháp: bảo tháp hiệu là Pháp Vũ.

Tán viết:

Nham tùng vị lão, nương thai ký thác: vị đạo nhân trồng cây tùng này tuổi chưa già, nhưng ngài đã đi đầu thai rồi.

Tiếu đảo tùng sáo, thiên tuế huyền hạc: nụ cười đến đổi nghiêng đổ hàng thông, ngài ví loài hạc ngàn năm rất linh nghiệm.

Tử sinh vãng hoàn, như vân phó hách: lúc ngài thác sinh, tùy vào tâm nguyện muốn thọ sinh thì thọ sinh, không muốn thì không sinh, điều này diễn tả sự sinh tử đến đi tự tại, không cần trải qua sự giao cấu của cha mẹ, nên nói ngài không cha. Tợ như lúc mưa có áng mây vậy, khi có áng mây thì nước mưa tự nhiên chảy vào trong khe rãnh.

Vĩ tai nghi phong, ký dữ huyền học: gương hạnh, phẩm đức mẫu mực của tổ sư rất vĩ đại, tức chỉ đạo phong, khí phách của ngài rất đặc biệt. Ngài đã đem pháp môn tâm ấn của Phật truyền bá đến đời sau.      

Hoặc nói bài kệ rằng:

Hòa thượng nói: tôi không biết mình có nhớ hết không, nay đọc lên cho quí vị nghe thử.

Vô hình vô tình diệc vô danh

Hữu khí hữu huyết cố hữu sinh

Tài tùng phẩm thạch thanh nhàn khóa

Sấm quan đoạt xá dũng sĩ hình

Tính không tâm tịnh ly ngôn thuyết

Đạo thành đức bị tuyên diệu âm

Đông sơn Huỳnh Mai diễn kỳ tích

Nghi phạm vạn thế chiếu cổ kim.

Các vị nghe bài kệ tôi đọc có đúng không?

Phật tử thính chúng đáp: thưa đúng.

Hòa thượng nói tiếp: đúng ư? Chẳng sai chữ nào phải không? Tôi viết bài kệ xong rồi đến nói chuyện với Quả Châu, chẳng xem lại.

Vô hình vô tình diệc vô danh: ý nói đạo không có hình tướng, chẳng tình cảm, cũng không có tên họ. Trong bài Thanh Tịnh Kinh của Đạo giáo nói rằng: “Đạo không có hình tướng, sinh ra nơi trời đất. Đạo không có tình cảm, vận chuyển ánh nhật nguyệt. Đạo cũng chẳng họ tên, vốn trưởng dưỡng vạn vật”. Đoạn dẫn này có chứng cứ rõ ràng, chẳng phải nói suông. Lại có đoạn nói: “Ta chẳng biết tên ấy, phương tiện gọi là đạo”, ý nói chẳng biết tên của nó, tạm đặt cho nó một cái tên là đạo. Do đạo sinh, nên chẳng có hình tướng, cũng chẳng tình cảm và tên họ.

Hữu khí hữu huyết cố hữu sinh: do vì có đủ khí huyết, nên mới có sinh mạng hình thành, gọi là đứa bé nhỏ. Đứa bé này từ cõi tiên đến, do hạnh nguyện mà hiện thân.

Tài tùng phẩm thạch thanh nhàn khóa: đời trước ngài là một bậc tu đạo chuyên trồng loại cây tùng, tu đạo ở đây chỉ cho người chuyên bình luận về các loại đá, như nói: “loại đá này tròn, đá kia vuông, loại nọ hình tam giác, loại thì dẹp, loại thì dài…”. Ngoài ra, còn nghiên cứu “đá này cứng, đá kia mềm, đá này dễ điêu khắc…” Ngài sống trên núi chuyên vui với thú thiên nhiên này, gọi là “phẩm thạch” tức bình luận về tính chất của đá. Đây là một công khóa rất thanh nhàn, tự tại, vô quái ngại, không gì ràng buộc, không phiền não… gọi là “thanh nhàn khóa”.

Sấm quan đoạt xá dũng sĩ hình: qua đó, chúng ta thấy tuy nói ngài đầu thai vào gia đình cô gái họ Châu! Nên ngài chẳng có cha, chỉ bằng linh hồn đầu thai vào bụng người mẹ. Đây là một loại sinh lý siêu việt tạo hóa, nên gọi là “sấm quan đoạt xá” (tức xông vào nương gá ở bụng một cô gái). Vì vị tu đạo này tuổi đã già, đi đứng cũng không thuận tiện, nên ngài muốn chuyển thành thân trẻ, nên mượn chỗ gởi thân. Vì vậy nói ngài có khí phách, dũng cảm.[1]

Tính không tâm tịnh ly ngôn thuyết: vì sao nói ngài không có họ? vì tính vốn là không. Con người có họ, điều đó đều do họ chấp trước mà thôi! Chớ họ đó chắc chắn chẳng phải thật, đều là tạm mượn, nên nói tính không.

Lại nói, trong tâm của ngài đều rất trong sạch, chẳng có vật chi. Cảnh giới ấy không thể dùng lời để diễn đạt, cũng không thể suy lường, là cảnh giới bất khả tư nghì.

Đạo thành đức bị tuyên diệu âm: sau khi ngài tu tập đạo nghiệp đã thành tựu, phẩm đức cũng viên mãn, nên đến núi Đông để thuyết pháp cho mọi người nghe.

Đông sơn Huỳnh Mai diễn kỳ tích: ngọn núi này tọa lạc ở phía Đông chùa Đông Thiền tỉnh Hồ Bắc, Đại sư Huỳnh Mai Hoằng Nhẫn đã diễn thuyết giáo pháp nơi đó, cách giáo hóa của ngài rất đặc biệt, khác hẳn với mọi người.

Nghi phạm vạn thế chiếu cổ kim: phương thức giáo hóa của ngài đã lưu lại dấu ấn cho muôn đời, làm gương sáng chiếu tỏa khắp muôn phương từ xưa cho đến nay.

 


 

[1] Nói về công án “sấm quan đoạt xá” (tức xông vào bụng nương gá sinh thân) của Ngũ tổ, trong cuốn Bát Thập Bát Tổ Đạo ảnh Truyền Tán – Tam Thập Nhị Tổ Hoằng Nhẫn Đại Mãn Thiền Sư Truyện có ghi rằng: Đại sư Hoằng Nhẫn tổ thứ 5 tại Trung Quốc là người Kỳ Châu huyện Huỳnh Mai. Kiếp trước là một vị tu đạo cao niên chuyên trồng cây tùng tại núi Phá Đầu. Ngài đã từng gặp tổ Đạo Tín thưa rằng: “ngài có thể nói đạo pháp của Như Lai cho tôi nghe được không?” Tổ đáp: “ngươi tuổi đã già, có nghe cũng không thể hoằng hóa đạo pháp được, nếu ngươi tái sinh thì ta cũng rán đợi ngươi”. Thế rồi vị tu đạo này từ tạ trên đường xuống núi đi ngang qua bờ sông, gặp một người con gái đang giặt áo tại bờ sông, ngài chào hỏi và xin tá túc nghỉ nhờ nhà cô gái. Cô gái đáp: “tôi còn cha mẹ, ông có thể đến nhà hỏi cha mẹ tôi”. Vị tu đạo hỏi tiếp: “nhưng riêng cô có bằng lòng không. Cô gái gật đầu bằng lòng. Vị tu đạo này vội vã trở về núi ngồi thiền rồi viên tịch. Nói về cô gái họ Châu, khoảng hai ba tháng sau bỗng dưng không chồng mà lại mang thai, cha mẹ cô quá xấu hổ, bèn đuổi cô ra khỏi nhà. Lúc bấy giờ, không nơi nương tựa, ngày cô đi làm thuê kéo tơ, đêm đến nghỉ ở dưới quán. Chẳng bao lâu sinh được một đứa bé trai, cô cho đó là điềm xấu, vì vậy mới đem bỏ chỗ bến cảng nhơ bẩn, qua ngày sau nhìn thấy đứa bé trôi lên trên bờ, thân mình sạch sẽ. Cô rất kinh ngạc, bèn đem về nuôi dưỡng bé. Lớn lên hằng ngày bé theo mẹ vào làng xin ăn, người trong làng gọi là bé không họ. Một hôm trên đường gặp một bậc trí tuệ, bèn nói: “đứa bé này thiếu 7 tướng, không bằng Như Lai”. Về sau gặp tổ Đạo Tín nhận làm đệ tử và truyền trao pháp ấn, nối truyền mạng mạch Phật pháp, và hoằng hóa độ chúng ở núi Phá Đầu.