Hòa Thượng Tuyên Hóa
(Trích từ Kinh Pháp Hoa Lược Giảng)
“A Nhã Kiều Trần Như” là một trong năm vị Tỳ kheo đệ tử Phật được thế độ đầu tiên. Phật ở dưới cội Bồ đề, đang đêm nhìn thấy ánh sao sáng mà giác ngộ; sau khi ngộ đạo, Đức Phật quán sát nhân duyên, xem mình nên độ ai trước? Người trên thế gian nhiều như thế, ai là người ta nên độ đầu tiên? Vì sao khi thành đạo Phật đã ngạc nhiên thốt lên ba lần: “Lạ thay! Lạ thay! Lạ thay! Chúng sanh trên trái đất đều có Phật tánh, đều có thể trở thành Phật.” Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ nói là chúng sanh trên trái đất đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật, chứ không hề nói “tất cả chúng sanh chính là Phật”; nhưng một số đệ tử nhà Phật đời sau, hoặc không phải đệ tử nhà Phật nhưng lại giả danh là đệ tử nhà Phật nói “mọi người đều là Phật!” Họ cho rằng chúng sanh và Phật vốn không có sự khác biệt. Đây gọi là “người mù dẫn kẻ đui, làm lòa mắt của trời và người”, làm lòa mắt của con người trên đời và lòa cả mắt của chúng tiên trên trời.
Sau khi Đức Phật Thích Ca ba lần cảm thán “lạ thay”, Ngài bèn dùng trí tuệ Diệu quan sát trí để quán sát xem ai là người nên độ đầu tiên? “Ồ! Nên đến vườn Lộc Uyển độ năm anh em ông Kiều Trần Như v.v… trước!”. Năm người này trong kiếp quá khứ chuyên môn phá hoại, hủy báng đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong vô lượng kiếp về trước, khi năm người này cùng nhau phát tâm tu đạo, họ chuyên môn ăn hiếp Đức Phật Thích Ca Mâu Ni; lúc thì đánh Phật, lúc thì chửi Phật, có lúc lại ăn thịt hoặc uống máu Phật. Qúy vị thấy có đáng ghê sợ không?
Nhưng khi Đức Phật Thích Ca còn đang hành đạo bồ tát, tuy bị năm người này đánh, Ngài không những không sân hận, lại còn phát nguyện rằng: “À! Các người quả là giúp đỡ cho sự tu đạo của ta! Nếu như sau này có thể thành Phật, ta phát nguyện nhất định phải độ các người trước! Vì bây giờ chẳng phải các ngươi đang đối tốt với ta sao? Ta cũng nên đối lại với các người tốt hơn một chút!” Khi năm người này mắng Đức Phật thì Ngài phát nguyện: “Chẳng phải bây giờ các người đang chửi ta sao? Nhưng ta không oán hận các người; chẳng những không oán hận mà sau khi thành Phật, ta phải độ các người trước tiên!” Đức Phật đã phát nguyện như thế đấy!
Nếu sự việc này rơi vào chúng ta, anh đấm tôi một đấm, tôi nhất định sẽ kính lại anh một đấm; anh đá tôi một đá, tôi cũng sẽ kính lại anh một đá. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không những không đánh trả lại mà còn đem tâm tốt ra đối đãi với họ. Có lúc năm người này kết thành một băng nhóm nhỏ bảo với Phật rằng: “Hiện giờ chúng ta đang không có thịt ăn, ngươi tu hành như thế, có thể cắt một ít thịt trên thân cho mấy người chúng ta ăn không?” Đức Phật Thích Ca liền cắt ngay một miếng thịt sạch nhất, dày nhất trên thân mình cho năm người bọn họ dùng. Năm người này vừa ăn vừa chê: “Thịt của nhà ngươi thật dở, chả thơm tí nào! Thịt chó còn thơm hơn thịt của ngươi! Ngon nhất là thịt heo, thịt bò, thịt dê. Hừ! Tuy ngươi cho chúng ta ăn, chúng ta vẫn không muốn ăn.” Miệng nói không muốn ăn, nhưng đều đã nuốt hết vào trong bụng; bọn họ cuối cùng đã ăn thịt của Phật, lại còn mắng Phật. Lúc này Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vốn muốn cúng dường thịt của Ngài để cảm hóa năm người bọn họ hồi tâm hướng thiện, sửa đổi làm mới lại chính mình; ai ngờ bọn họ vừa ăn thịt của Ngài, lại vừa mắng Ngài.
Quý vị nói xem, nếu đổi lại là người bình thường thì sẽ nổi giận thốt lên rằng: “Hiện giờ ta cho các ngươi thịt để ăn, không phải là thịt mua từ bên ngoài mà là thịt cắt từ trên thân ta xuống! Các ngươi đã ăn thịt ta, lại còn mắng ta!” Đức Phật Thích Ca Mâu thì không như vậy, “Tốt! Chẳng phải các người ăn thịt của ta sao? Tương lai ta tu hành thành Phật, nhất định sẽ độ các người trước; vì các người đã ăn thịt của ta, thịt của ta chính là hạt giống Phật, đã trồng xuống nơi các người rồi!” Qúy vị nhìn xem, Đức Phật Thích Ca Mâu đã phát nguyện như vậy. Bọn họ khi uống máu của Đức Phật cũng như thế; vừa uống máu, vừa chê máu hư, máu xấu… Cứ thế Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đều nhẫn thọ hết.
Có một công án lớn nhất đó là “Vua Ca Lợi và Tiên Nhẫn Nhục”. Vua Ca Lợi này là ai? Chính là Tôn giả A Nhã Kiều Trần Như.
Vào thời quá khứ, có một hôm vua Ca Lợi dẫn theo một nhóm cung nữ lên núi đi săn—vây bắt một số động vật như hoẵng, nai, hươu. Vào trong núi, số cung nữ này vốn từ xưa đến nay toàn ở trong thâm cung giống như ở tù vậy, không hề được ra ngoài; lần này được sổ lồng, có thể nhìn ngắm được trời mây. Ố! Nhìn quan cảnh núi rừng sao mà thoáng đãng, có núi, có nước, cây cỏ đâm chồi nẩy lộc, nước suối nhẹ nhàng êm trôi; trong hoàn cảnh như thế làm cho lòng người vô cùng hoan hỷ. Phong cảnh núi rừng xinh đẹp hùng vĩ, chuyến đi này thật không thể dùng lời tả xiết, các cung nữ mải mê chạy đi thăm thú khắp nơi. Bọn họ nhìn thấy trong một hang núi có một cụ già, lớp bụi đất bám trên thân người này dày không biết bao nhiêu mà kể, tóc dài đến nổi bện thành một cục rối sù sì. Những cung nữ này khi nhìn thấy một người như thế ở phía trước đều không dám tiến lên, bọn họ cho rằng trong hang núi này có một con yêu quái; sau đó nhìn kỹ lại, ồ! Thì ra là một cụ già, một cụ già rất kỳ quái!
Đó là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn tu hạnh bồ tát đã làm một vị tiên tu hạnh nhẫn nhục, Ngài cũng rất ít khi gặp người khác, nên lúc bấy giờ nhìn thấy nhiều cung nữ đến thế, Ngài cũng muốn hóa độ nhóm cung nữ này, nên lên tiếng: “Ây! Các cô không nên sợ tôi! Tôi không ăn thịt các cô đâu! Tôi không biết ăn thịt người, tôi cũng là người mà.”
Các cung nữ này vừa nghe, vui mừng: Ồ! Cụ già đã nói chuyện rồi! Bèn vây quanh lại hỏi: “Cụ ngồi ở đây làm gì? Cụ ở nơi đây có cơm ăn không? Quần áo của cụ đã rách nát hết rồi! Cụ đi được không? Tại sao cụ lại ngồi mãi ở đây? … ”
Tiền thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chính là vị tiên Nhẫn Nhục này, bảo các cung nữ rằng: “Tôi ở đây tu đạo, chuyên tu về hạnh nhẫn nhục!” Các cung nữ liền hỏi: “Nhẫn nhục? Nhẫn nhục là cái gì?” Nghe đến chữ “nhẫn nhục” bọn họ không hiểu. Tiên nhân Nhẫn Nhục liền giải thích: “Nhẫn nhục có nghĩa là người ta có đối xử tệ với mình, mình đều không được nổi sân, xem như không hề xảy ra việc ấy.” Sau đó, Tiên nhân giảng cho các cung nữ này nghe về pháp môn “nhẫn nhục”.
Giảng thuyết một hồi, người nói cũng sẵn lòng nói, người nghe cũng sẵn lòng nghe; vì các cung nữ này từ xưa đến giờ chưa từng nghe được diệu pháp như vậy. Lần này người nghe cũng nhập tâm, người nói cũng định tâm; xung quanh có xảy ra động tĩnh gì, tất cả đều không hay biết. Giống như chúng ta hiện nay, nếu như quý vị là người thật tâm ở đây nghe kinh thì dù bên ngoài có xảy ra chuyện gì, quý vị cũng không nghe thấy; còn nếu như quý vị là người không thật tâm nghe kinh thì ở ngoài phố có những khách du lịch nào, hoặc giả hiện giờ ở tại “Kim Sơn Thời Báo” giảng về nguồn gốc của Kim Sơn Thời Báo ra sao thì quý vị đều nghe biết hết. Nếu như quý vị nghe kinh bằng tất cả tấm lòng thì bên ngoài có âm thanh gì cũng đều không nghe thấy.
Vị tiên nhân Nhẫn Nhục này giảng cho các cung nữ nghe pháp môn “nhẫn nhục” khiến cho tất cả đều nhập vào định; vào lúc này vua Ca Lợi từ xa đi tới, đến thăm các cung nữ. Bình thường vua hay đùa nghịch với các cung nữ đã quen, lần này cũng vậy, Ngài đi nhè nhẹ, chầm chậm không để cho các cung nữ nhìn thấy; các cung nữ cũng đang nghe kinh một cách xuất thần, Tiên nhân Nhẫn Nhục cũng đang giảng một cách xuất thần, tất cả đều không hay biết đến những gì xảy ra xung quanh.
Vua Ca Lợi đi nhẹ nhẹ đến gần phía trước xem, Ồ! Thì ra có một cụ già! Các cung nữ của vua đều đang quây quanh cụ già nghe nói chuyện. Thế là vua liền khởi sanh tâm đố kỵ nghĩ “Các cung nữ này đều là những người nữ nhân của mình, bây giờ lại bị một cụ già như ông ấy mê hoặc, tất cả đều tỏ ra thích thú ông ấy!” Nghĩ như thế vua liền cất tiếng hỏi: “Nhà ngươi đang giảng gì vậy?” Tiên nhân Nhẫn Nhục nghe có người hỏi như thế, ngước lên nhìn, thì ra là một vị hoàng đế. Tiên nhân đáp: “Bần đạo đang giảng cho các cung nữ nghe về pháp môn ‘nhẫn nhục’!”
Vua hỏi: “Nhẫn nhục? Sao gọi là “nhẫn nhục””? Nhà ngươi có thể nhẫn được không? Chỉ dựa vào tấm thân già nua này, ngươi có thể nhẫn được không? Tiên nhân Nhẫn Nhục trả lời: “Bần đạo có thể nhẫn được!” Vua Ca Lợi hỏi lại: “Ngươi có thể nhẫn được à? Bây giờ ta muốn chứng thực lời nói của ngươi! Thử nghiệm xem nhà ngươi có thể nhẫn được không? Theo cách nhẫn nhục của ngươi thì dù có đau đớn gì nhà ngươi cũng có thể nhẫn được phải không?” Vị tiên trả lời: “Dạ phải!”
“Thế thì đầu tiên ta sẽ dùng kiếm báu của mình cắt cánh tay của ngươi, xem ngươi phản ứng như thế nào?” Tiên nhân trả lời: “Vâng, xin Ngài cứ thử!” Thế là, vút, vua Ca Lợi rút kiếm báu đeo bên mình ra; thanh bảo kiếm của vua có thể chẻ vàng cắt ngọc, vô cùng sắc bén, thanh kiếm báu vừa chạm vào tay Tiên nhân, cánh tay liền bị cắt lìa. Vua Ca Lợi hỏi: “Ngươi có đau không?” Tiên nhân Nhẫn Nhục đáp: “Không đau!” Vua tiếp: “Tâm ngươi có khởi lên sân hận không? Ngươi có oán hận ta không?” Tiên nhân đáp: “Không oán hận!” “Ngươi thật không oán hận? Tốt! Còn lại một cánh tay, ta cũng sẽ cắt nốt! Một cánh tay, ngươi đương nhiên không oán hận, thử hai cánh tay xem!” Thế là vua chém đứt luôn cánh tay còn lại. “Ngươi có đau không?”
Tiên nhân Nhẫn Nhục đáp: “Không đau!” “Tâm ngươi có oán hận ta không?” Tiên nhân đáp: “Không oán hận!” “Thế có gì chứng minh không? Ngươi nói ngươi không oán hận ta, nhất định là ngươi nói dối, khoác lát! Hừ! Há lại có đạo lý này! Ta chặt tay của ngươi, ngươi lại không oán hận ta? Trên đời này không có loại người như vậy! Ta không tin! Ta cắt thêm một cái chân của ngươi, xem ngươi có oán hận hay không? Ta vốn muốn ngươi nói lời chân thật! Ngươi lại nói dối với ta, ta không thể tha thứ cho ngươi được!” Nói xong, liền vung kiếm chém lìa một chân của Tiên nhân.
Quý vị xem! Hai tay và một chân của người ta đã bị cắt, chỉ còn lại một chân. A! Nếu là người bình thường sẽ rất đau khổ, nước mắt tuôn tràn như suối chảy; nhưng lúc này vị Tiên Nhẫn Nhục không có tâm trạng như vậy. Vua Ca Lợi lại hỏi Tiên nhân: “Bây giờ ngươi có đau không?”
Tiên nhân đáp: “Không đau! Việc này không đáng là gì!” “Ồ? Không đáng à? Tâm ngươi có hận ta không?” Tiên nhân đáp: “Bần đạo không hận Ngài!” “Sao? Thế thì tốt! Hai tay của ngươi đã không còn, chân chỉ còn lại một cái. Một chân cũng không làm được gì, không thể đi đứng, ta sẽ hoàn thành tâm hạnh nhẫn nhục không đau khổ cho ngươi bằng cách chặt đứt luôn cả chân còn lại của ngươi!” Thế là vua chém lìa luôn cả chân kia và hỏi Tiên nhân: “ Ngươi có đau không? Bây giờ hai tay và hai chân của ngươi đã không còn, ta xem ngươi còn làm thế nào được? Bây giờ ngươi có đau không? Phải nói lời chân thật! Nếu ngươi nói thật, sẽ không có việc gì; nếu nói dối, ta vẫn phải thử nghiệm tiếp!”
Tiên nhân Nhẫn Nhục trả lời: “Ồ! Bây giờ bần đạo vẫn cảm thấy không đau!” “Thế tâm ngươi có oán hận ta không?”, vua Ca Lợi hỏi. Tiên nhân vẫn từ tốn: “Bần đạo không oán hận Ngài!” Vua không tin “Ngươi ngoài miệng nói không oán ta, vì ta là một vị hoàng đế nên ngươi không dám oán, ngươi dám giận mà không dám nói, cho nên mới gắng chịu đựng đau đớn, cho nên phải nói dối mà không chịu nói thật, có phải như vậy không?” Tiên nhân Nhẫn Nhục vẫn trước sau như một: “Dạ, không phải! Nếu như bần đạo không có tâm oán hận bệ hạ thì xin cho tay chân của bần đạo được mọc dài ra; còn như bần đạo có tâm oán hận Ngài thì xin cho tay chân của bần đạo không thể trở lại như xưa.”
Tiên nhân vừa dứt lời, tay và chân quả nhiên mọc trở lại, như chưa hề bị chặt đứt. Lúc bấy giờ tất cả hộ pháp thiện thần đều phẫn nộ, từ trên không trung giáng mưa bão xuống, đánh vua Ca Lợi. Bấy giờ Tiên nhân Nhẫn Nhục xin với các vị hộ pháp thiện thần rằng: “Chư vị không nên trách phạt vua, vua chỉ thử bần đạo, giúp thành tựu đạo nghiệp cho bần đạo. Trong cùng tận những kiếp mai sau, nếu được thành Phật, trước tiên bần đạo sẽ độ cho vua cũng được thành Phật; bần đạo sẽ độ vua trước, vua sẽ được khai ngộ đầu tiên.”
Vua Ca Lợi kiếp trước nay chính là Tôn giả A Nhã Kiều Trần Như, kiếp trước Tôn giả đã không khách sáo đối với Phật như thế, nên sau khi thành đạo, Phật độ cho Tôn giả khai ngộ trước. Ngay cái tên “A Nhã” của Tôn giả dịch là “giải bổn tế”, hay còn gọi là “tối sơ giải”, nghĩa là được “khai ngộ đầu tiên” vậy.
You must be logged in to post a comment.