Members of the fourfold assembly intone mantras over some burros and give them the three refuges.

Tứ chúng đang niệm chú cho những con lừa và truyền Tam Quy Y cho chúng.

Có một giai đoạn sự sinh sản của một loại động vật không dùng để ăn được là lừa đã đe dọa các cánh đồng cỏ của các loại có thể dùng để ăn được. Việc nầy đưa đến những hành vi giết hại bừa bãi ở những nơi chính phủ cho phép giết hại tập thể loại động vật này, thực hiện bằng cách bắn chúng từ máy bay trực thăng.

Khi nghe được tin này, các thành viên Hội Phật Giáo Trung Mỹ (sau này đổi lại là Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới) đã liên lạc với chính quyền để sắp xếp việc chuộc lại một số lừa để phóng sanh, để chúng có thể được tự do chạy nhảy trong môi trường thiên nhiên của chúng mà không bị đe dọa. Một cuối tuần mùa xuân cuối tháng năm năm 1982, một số lừa được chở đến Vạn Phật Bảo Điện tại Vạn Phật Thánh Thành.

Đại chúng nhìn những con vật đáng thương này với ánh mắt từ bi và phát lòng từ bi thâm sâu. Mong cho chúng được thoát khổ, mọi người cùng tham gia buổi lễ phóng sanh. Đầu tiên là lễ sái tịnh đạo tràng và đại chúng đi ra khỏi chánh điện, vừa đi vòng chung quanh mấy con lừa vừa tụng Chú Đại Bi nhiều lần.

Mấy con lừa này, trước đây đã bị hành hạ nên mới đầu tỏ vẻ rất mệt mỏi và căng thẳng. Tình trạng bồn chồn này cũng xảy ra khi chúng sanh đọa vào cõi giới súc sanh, thần tánh ban đầu của con người bị chặt xẻo nên chúng trở nên đần độn và cứng đầu. Bị xâu xé bởi sự đau đớn, chúng chịu đau khổ cả bên trong lẫn bên ngoài. Hơn nữa, chúng liên tục bị đánh đập, roi vọt, bị đá, bị là mắng… tất cả những yếu tố này góp phần vào tình trạng luôn sợ hãi và bất an của chúng khi đứng giữa Đại Chúng đang vây quanh.

Vào lúc bất ngờ nhất, những con lừa này có thể chạy vọt đi, do đó ngay đầu buổi lễ người ta phải dùng dây thừng để kềm chế chúng. Nhưng một sự thay đổi lạ lùng đã xảy ra khi âm thanh bài Chú Đại Bị vừa đến tai những con lừa này. Âm thanh êm dịu của bài chú kỳ diệu cổ xưa tràn ngập không gian buổi chiều cuối xuân, đích thân Hòa Thượng cùng đi ra để giúp. Hòa Thượng gõ vào trán những con lừa này, an ủi chúng bằng những lời nói nhẹ nhàng từ bi, chú nguyện cho chúng và khuyên chúng từ bỏ mê lầm quay về bến giác. Những con lừa nầy biểu lộ rõ ràng vẻ thư thái và trở nên dễ bảo, thuần phục.

Lúc này có thể có bạn thắc mắc, nhân duyên gì đã đưa những con lừa này đến Vạn Phật Thánh Thành và chúng đã từng ở đâu trước khi trở thành lừa ?

(Adapted from Vajra Bodhi Sea, August 1982)

Những Con Lừa – Nhân Quả

Trường hợp này có thể là có lần trong kiếp trước, những con lừa này là những người giúp việc trong một ngôi chùa. Công việc hàng ngày của họ là nấu ăn, quét dọn, chẻ củi, nhóm lửa, tưới rau. Trước hết trong việc phục vụ Tăng chúng, người ta phải sẵn sàng chịu khó nhọc và không bao giờ than phiền mệt mỏi. Nhưng những người giúp việc này đã ôm một mối hận. Họ cảm thấy rằng ở chùa chỉ có làm việc mà không được đền bù, và thay vì hoan hỷ với sự may mắn có cơ hội phục vụ Tăng chúng, họ lại than phiền với nhau. Thêm nữa, họ có tánh ích kỷ và tham lam, do đó họ đã nhiều lần ăn cắp của Thường Trụ và lén lút hưởng thụ riêng. Trong các Kinh và Luật đã nói rõ ràng rằng tất cả thức ăn và đồ uống, thuốc men … đồ thí chủ cúng dường trước hết phải được dâng cúng cho chư Phật và chư Bồ Tát với lòng tôn kính thâm sâu, sau khi việc dâng cúng chư Phật và chư Bồ tát hoàn tất, tăng chúng mới thọ dụng và sau khi tăng chúng thọ dùng mới đến phiên cư sĩ.

Tuy nhiên, vì những người giúp việc này làm việc trong nhà bếp và dễ dàng đi đến các bàn thờ tại các Phật Điện nơi để đồ cúng dường, nên họ thường lấy những quà cáp mà ý nguyện của thí chủ là cúng dường cho Tăng chúng. Những người giúp việc này luôn có những nghi ngờ sâu đậm đối với kinh điển và chối bỏ nhân quả. Họ thường hay nói giỡn với nhau, “Ha! Tất cả mấy chuyện nhân quả chỉ là những câu chuyện do những vị sư già bày đặt ra để dọa nạt mấy bà nội trợ và con nít!”. Bởi vì ăn cắp của Tam Bảo, sự vi phạm này còn gồm cả lừa dối thí chủ, bởi vì ý nguyện ban đầu của thí chủ là muốn trồng phước với Tăng chúng là phước điền thanh tịnh. Bằng cách lấy đồ cúng dường đúng ra thuộc Tăng chúng, những người giúp việc này đã làm hư hoại nhân thanh tịnh của cư sĩ gieo trồng, do đó đã gây hư hoại tự tánh của chính họ mà không sửa lại được.

Những nghiệp tội gây tạo trong chùa nhiều hơn số công đức tạo được. Mặc dầu việc sai trái không quá lớn, nhưng vấn đề là “Một tội nhẹ như cọng lông phạm với Tam Bảo thì nặng bằng một tội thế gian lớn như núi Thái Sơn”. Cuối cùng các vị thần Hộ Pháp không vui với những vi phạm cứ lập đi lập lại này.

Và do đó, sau khi những người giúp việc chùa nầy chết đi, khi trương mục cá nhân của họ được tính toán trước mặt vua Diêm Vương, thì mới thấy họ đã xài quá mức trương mục công đức của họ. Kết quả là họ mất thân người và phải vào con đường súc sanh. Họ bị thọ nhận thân xấu xa, bao bọc bằng da thú đầy lông dơ dáy, hôi hám. Vô số còn trùng nhỏ và sâu bọ gặm nhấm lỗ chân lông, nhai cắn ngấu nghiến, làm họ luôn cảm thấy bực bội khó chịu. Ai có thể biết được nỗi khổ và sự đau đớn những con vật này phải chịu ? Bao nhiêu người có thể hiểu được sự than khóc của con lừa này?

Vì sao người ta trở thành trâu ngựa trong kiếp này? Bởi vì kiếp trước không trả nợ của mình đầy đủ. Kinh Nhân Quả Ba Thời

Chúng sanh ăn cắp tiền bạc và tài sản của Thường Trụ, lúa gạo, thức ăn đồ uống, áo quần hoặc bất cứ vật gì đúng ra không được lấy, sẽ bị đọa vào địa ngục vô gián, nơi đó họ tìm cách thoát ra trong ngàn vạn triệu năm cũng vô ích. Kinh Địa Tạng Quán Chúng Sanh Nghiệp Duyên phẩm thứ 3

Những nghiệp tội nói trên đã làm cho những người giúp việc đó bị tái sanh thành lừa – con vật làm nô lệ – để trả lại món nợ đã gây ra. Cho đến ngày nay, chúng vẫn còn là những con lừa, dầu đã bị tái sanh như vậy nhiều kiếp rồi. Do đó có câu rằng “một hạt gạo hay một sợi chỉ của thí chủ thì không được lạm dụng hay sử dụng cẩu thả. Mỗi phần cúng dường, dầu nhỏ như cây kim hay ngọn cỏ, đều có phần công đức đặc biệt của nó dẫu mắt không thấy được”. Những người tu hành thọ nhận cúng dường phải bảo đảm rằng họ đã làm đủ để xứng đáng thọ dụng đồ cúng dường, dầu món đó có nhỏ như thế nào đi nữa. Họ phải làm đủ tiêu chuẩn, có thể nói như vậy, để họ không thọ hưởng những ích lợi mà họ không xứng đáng được hưởng. Vì lý do này, việc tiết kiệm và đơn giản luôn được nhấn mạnh tại các Đạo Tràng từ thời xưa. Các vị thánh nhân tu hành đều ít ham muốn và biết đủ (thiểu dục tri túc). Họ trân quý trái đất và tài nguyên thiên nhiên của trái đất, không dám khai thác hoặc phí phạm cẩu thả. Và bởi vì họ biết trân quý, cuối cùng những vị thánh này đạt được sự giải thoát. Với nhân quả nặng nề như vậy, làm sao chúng ta dám làm điều lầm lỗi ?