Đại Bi Chú Cú Giải
Chú Ðại Bi bao gồm 84 câu và đã được Lão Hòa Thượng lược giải; chúng tôi sẽ lần lượt đăng lên báo với ước nguyện rằng nhiều người sẽ nhận chân Chú Ðại Bi. Hiện tại là thời kỳ “đấu tranh kiên cố”, thế giới không an lành, đầy hiểm họa chiến tranh & tai ách, ngưỡng mong nhiều người hơn, nhất là những người con Phật, phát tâm trì tụng Chú Ðại Bi cầu nguyện cho thế giới được an lành, cho người người được an lạc. Ngưỡng nguyện chú lực sẽ vãn hồi kiếp vận và khai phát lòng từ bi sẳn có của mỗi chúng ta.
bdh
(tiếp theo)
10. NAM MÔ TẤT KIẾT LẬT ÐỎA Y MÔNG A LỊ DA
Câu này có nghĩa là gì?
À! Câu trên cũng có chữ ” Nam Mô”, câu dưới cũng có chữ “Nam Mô”. Nam Mô, Nam Mô, luôn Nam Mô người khác mà không bao giờ Nam Mô chính mình. Người tu Ðạo không cần phải đi “Nam Mô” người khác, mà phải “Nam Mô” chính mình, không nên suốt ngày làm phép tính cho người ta, mà phải làm phép tính cho chính mình.
Chữ “Nam Mô” còn có nghĩa là tôi quy y với vô tận Tam Bảo trong mười phương.
“Tất Kiết Lật” nghĩa là “Hoàn toàn”, tức là toàn tâm Ðảnh lễ.
“Ðỏa Y Mông”, nghĩa là gì? Nghĩa là “Ngã”. “Tất Kiết Lật Ðỏa Y Mông” là dạy bạn phải hết lòng đảnh lễ “Cái Ngã”. Cái Ngã này là cái ngã của sự Vô Ngã, không phải là cái Ngã của sự Hữu Ngã. Thế nào là không có “ngã”? Tức là nếu người ta đánh bạn, bạn không biết đau; khi người ta mắng bạn, bạn không cảm thấy khó chịu; nhục mạ bạn mà bạn cảm thấy như không có điều gì xảy ra. Bạn không nhất thiết là phải nhẫn nhục bởi vì nếu bạn dùng “Nhẫn” thì thành đệ nhị nghĩa rồi, không còn “Ðệ Nhất Nghĩa” nữa. Ở đây, ngay cả Nhẫn cũng không cần bởi vì cơ bản là không có “Nhẫn” để dùng và người dùng “Nhẫn” ! Ðiều này gọi là “Ngã” trong sự “Vô Ngã” vậy.
“A Lị Da” trên đây đã giảng qua, có nghĩa là Thánh giả. Ở đây tức là phải hết lòng Ðảnh lễ các vị Thánh giả của cái “Ngã” ấy . Hết thảy chư Bồ Tát Ma Ha Tát, hết thảy thiên long bát bộ nên đảnh lễ các vị Thánh giả của “cái Ngã trong sự Vô Ngã” ủ. Các vị Thánh giả ấy rất nhiều, và là ai? . Dưới đây tôi sẽ nói cho các bạn biết.
11. BÀ LÔ KIẾT ÐẾ THẤT PHẬT RA LĂNG ÐÀ BÀ
“Bà Lô Kiết Ðế ” cũng chính là “Quán”
“Thất Phật Ra” dịch là “Tự Tại”, lại gọi là “Thế Âm”.
“Bà Lô Kiết Ðế Thất Phật Ra” là “Quán Thế Âm”, cũng tức là “Quán Tự Tại”. Hai hàm nghĩa “Quán Thế Âm” và “Quán Tự Tại” này không nhất định là Quán Thế Âm Bồ Tát mới gọi là Quán Tự Tại hay Quán Thế Âm. Nếu lúc bạn đã đạt được Tự Tại rồi thì bạn tức là “Quán Tự Tại”, lúc bạn có thể cứu độ chúng sanh thì bạn tức là “Quán Thế Âm”. Vì vậy, nếu bạn đã liễu nhập và hành dụng được những pháp này thì bạn là hóa thân của Quán Thế Âm và bất cứ ai cũng có thể.
“Lăng Ðà Bà” dịch là “Hải Ðảo”, tức là chỉ cho núi Phổ Ðà Lạc Già, nơi thị hiện của Ðức Quán Thế Âm. Có chỗ nói, đó là Phổ Ðà Sơn ở Trung Hoa.
“Phổ Ðà Sơn” còn gọi là “Tiểu Bạch Hoa Sơn”. Vì trên núi ấy có nở một loài hoa Tiểu Bạch. Trong vùng này có một cung điện bằng đá gọi là “Từ Ái Cung”, đó là chỗ cung điện trú hiện của Ðức Quán Thế Âm, bên trong phi thường trang nghiêm giống như thiên cung vậy. Nó được làm bằng thất bảo, nhưng không dễ ai đến được nơi này.
12. NAM MÔ NA RA CẨN TRÌ
Trong kinh “Ðại Bi Tâm Ðà La Ni” có đề cập đến mười loại tâm. Ðó là tướng mạo của “Chú Ðại Bi”, nên y theo mười loại tâm này mà tu hành.
“Nam Mô” cũng như trên, là “Quy Mạng Kính Ðầu”
“Na Ra” dịch là “Hiền”
“Cẩn Trì” dịch là “Ái”
Ở đây nói rằng sự Hiền Ái khéo hộ trì cho Hành giả tu tập. Sự Hiền Ái khéo hộ trì này cũng tức là Tâm Ðại Từ Bi, cũng là Tâm cung kính, cũng như trước đã nói là Vô Thượng Bồ Ðề Tâm.
“Na Ra Cẩn Trì” là Ðại Từ Bi Tâm, là Cung Kính Tâm, là Vô Thượng Bồ Ðề Tâm (tức là tâm thứ nhất, thứ sáu và thứ mười của mười loại tâm đề cập trong Kinh Ðà La Ni). Câu chú này đại biểu cho ba loại “Tâm” như vậy.
13. HÊ RỊ MA HA BÀN ÐA SA MẾ
“Hê rị” dịch là “Tâm”
Tâm này là cái tâm gì? Tức là Vô Nhiễm Trước Tâm. Vô nhiễm trước tâm (tâm thứ tư trong mười loại tâm) cũng còn gọi là thanh tịnh tâm của chính bạn. Nếu như bạn khởi niệm tham, sân, si, mạn, nghi… các loại này không phải là tâm thanh tịnh, như thế là đã biến thành ô nhiễm rồi! Không có những niệm ấy thì đó là vô nhiễm trước tâm.
“Ma Ha Bàn Ða Sa Mế”
“Ma Ha” là “Ðại” cũng có thể dịch là “Trường”
“Bàn Ða Sa Mế” có nghĩa là gì? Nghĩa là Quang Minh. Nếu không nói ra thì bạn không hẳn biết, cho nên cần phải giảng; nhưng một khi giảng ra thì bạn nói: “Ồ! Tôi cũng đã biết, nó vốn có nghĩa là như vậy.”
Cả câu “Ma Ha Bàn Ða Sa Mế” có nghĩa là “Ðại Quang Minh”. Cũng có nghĩa là “Trường Chiếu Minh” tức là mãi mãi chiếu soi.
Có người nói: “À cái Ðại Quang Minh này, tôi nghe giảng kinh, nghe qua rất nhiều rồi”.
Nghe qua rất nhiều lần rồi? Ý nghĩa Chú Ðại Bi, nếu tôi không giảng, bạn không thể biết được. Tôi bảo cho các bạn biết, Chú Ðại Bi không dễ gặp được người giảng cho các bạn minh tường. Tôi thành thật nói cho các bạn biết đó là khắp nơi trên thế giới, không có người biết giảng Chú Ðại Bi, không có người biết cứu cánh của Thần Chú Ðại Bi là gì, không biết thế nào phiên dịch Chú Ðại Bi.
Có người hỏi “Vậy thì Thầy làm sao biết được?”.
Chớ nên hỏi tôi. Vì tôi không hỏi bạn, bạn không thể hỏi tôi làm sao biết được! Làm sao tôi biết? Dĩ nhiên tôi biết!. Nếu tôi không biết thì tôi đã không thể giảng cho bạn nghe. Bạn chớ nên hỏi tôi làm sao biết được. Mà bạn cần phải hỏi lại chính bạn rằng làm sao mình không biết? Nếu bạn biết được làm sao bạn không biết thì bạn tức biết được làm sao tôi biết. Ngược lại, nếu bạn không biết làm sao bạn không biết thì bạn cũng không biết làm sao tôi biết… Chỗ vi diệu tức là ngay ở chỗ nầy vậy.
Giống như có người hỏi tôi: “Vì sao Thầy lại xuất gia”. Tôi không trả lời vì sao tôi đi xuất gia, mà tôi hỏi lại anh ta rằng: “Vì sao anh không xuất gia”. Nếu anh đã biết vì sao anh không xuất gia, thì anh đã hiểu vì sao tôi lại xuất gia. Cũng cùng một đạo lý như vậy! Bạn hỏi làm sao tôi hiểu, thì tự bạn phải hỏi chính bạn, làm sao bạn không hiểu? Nếu bạn biết làm sao bạn không hiểu tức sẽ biết làm sao tôi hiểu!
Các bạn hiện tại đã gặp được người giảng Chú Ðại Bi, vậy là các bạn đều là những người có thiện căn. Vì vậy, các bạn nên hộ niệm, hộ trì cái thiện căn của chính bạn, tự mình phải bảo trọng các thiện căn của chính mình, tự mình phải khéo dụng cái thiện căn ấy để liễu nhập Phật Pháp.
Hiện tại chúng ta đang sống trong đời mạt pháp, chư Phật, chư Bồ Tát rất ít thị hiện trên thế giới nầy. Ở vào thời đại mạt pháp này, Pháp Ðạo trong lòng người đang tiệm cận đến nơi hoang vu, điêu tàn; không dễ gì gặp được Chánh pháp, cũng không dễ gặp được người thật sự, chân chánh tu đạo.
Lần này ở Ðài Loan có nơi mở Giới Ðàn, tôi bảo năm người đệ tử đến đó để thọ giới. Họ từ Ðài Loan có gởi thư về hầu chuyện với tôi rằng: Có rất nhiều người ở đó bảo chúng họ “không cần phải tu hành”. Các bạn nói xem! Chúng ta là những chúng sanh như bao chúng sanh khác, nếu không tu hành thì làm sao có thể thành tựu Phật Ðạo! Không dụng công hành trì làm sao liễu ngộ Ðạo pháp! Nếu như bạn nói không cần dụng công tu hành mà cũng thành Phật, liễu Ðạo – như thế thì trước kia Ðức Phật cũng không cần ngồi sáu năm ở Tuyết Sơn, sau đó đến tọa thiền 49 ngày dưới gốc cây Bồ đề, nửa đêm sao mọc Ngài ngộ nhập Chánh Ðạo. Ðức Phật còn phải tu hành mới thành tựu Phật quả, còn mỗi chúng sanh như chúng ta, nếu không tinh tấn tu hành làm sao có thể thành Phật! Ai ai cũng đều biết có tu hành mới thành Chánh quả, nhưng người tu hành thì rất ít, ai ai cũng đều biết không tu hành thì có thể sa đọa địa ngục, nhưng người không chịu tu hành thì không sao đếm xuể. Này các Phật Tử! Ðang trong thời kỳ mạt pháp mà chúng ta thấy nghe được Phật Pháp, thì hãy dõng mãnh tinh tấn lên! Mỗi giờ mỗi khắc không được biếng nhác; một hướng dụng công, tinh cần đạo nghiệp mới mong ngày thành tựu. Nếu như không dõng mãnh tinh tiến mà muốn thành đạo thì không thể nào có được. Vì vậy, mỗi chúng ta không được sợ khổ cực, đắng cay, chướng duyên, tai ách… trăm điều nên quên; phải gióng trống dõng khí lên, phấn chấn tinh thần, trực hướng công phu mới mong ngày hái quả.
Phật Pháp tôi nói dầu vi diệu cho mấy, nếu bạn không tin thì đối với bạn cũng chẳng có ích dụng gì. Ngược lại, Phật Pháp tôi nói dẫu không có ý nghĩa gì cả, nhưng nếu bạn chân thật thật hành thì đối với bạn cũng là Diệu Pháp. Diệu Pháp tôi nói nếu bạn không thật hành thì đối với bạn không phải là Diệu Pháp nữa. Cho nên, chúng ta tu hành cần phải ở mọi lúc, mọi nơi một lòng tinh tấn, không nên thoái thất, không được sanh lòng biếng nhác. Ðây là điều tối yếu; bạn có thể ở mọi thời mọi khắc hướng về phía trước mà công phu tinh tấn, thì nhất định một ngày kia bạn sẽ trực nhận ra “Mặt mày xưa cũ” của chính mình.
Xưa, ở Triều đại nhà Lương có Thiền Sư Chí Công là một vị Ðại Ðức, Ðại Hạnh. Có một điều đặc biệt là không có người nào biết được cha mẹ của Thiền sư là ai.
Tiểu sử đời Ngài được kể rằng: Ngày nọ, có một phụ nữ nghe được tiếng khóc của hài nhi trên một cành cây nọ, leo lên cây thì phát hiện có một hài nhi đang nằm trong ổ chim ưng, bà ta liền bế hài nhi về nuôi dưỡng. Anh nhi này thân hình thì giống như người bình thường, nhưng bàn tay, chân thì giống như ngón chim ưng. Sau khi trưởng thành, xuất gia tu Ðạo và khai ngộ được ngũ nhãn, lục thông. Nhưng vì không có ai biết được cha mẹ của Ngài là ai, mà chỉ biết là được đem xuống từ ổ chim ưng. Nên người ta đều phỏng đoán là ông ta được ấp ra từ trứng chim ưng vậy.
Thời ấy, vua Lương Vũ Ðế rất kính phục Thiền sư và mọi người đương thời ai ai cũng rất tin phục. Bất kể là trong trường hợp nào: như sanh con, bạn chết, kết hôn, tang lễ … họ đều cung nghinh Thiền sư đến tụng Kinh cầu nguyện.
Một hôm, có người thỉnh Thiền sư đi tụng Kinh, Thuyết pháp nhân ngày hôn lễ của con gái họ. Vì mỗi khi Thiền sư đến thuyết giảng thường phú chúc cho họ, ít lâu thì mọi sự đều hanh thông, lợi lạc.
Ngày hôn lễ, Thiền sư đến nhà đó, lúc trông thấy cô dâu và chú rễ, Thiền sư liền quát lên: “Cổ cổ quái! Quái quái cổ! Cháu lấy bà ngoại”. Nghĩa là sự việc nầy trên thế gian xưa nay chưa từng có. Ðây là một sự kiện kỳ quái, không phải là chuyện thường xưa nay mà lại nghiễm nhiên có cháu lấy bà ngoại. Trên thế gian nầy, mọi mối quan hệ như cha con, vợ chồng, mẹ con, bè bạn… nếu bạn không biết nhân duyên trong đời quá khứ thì bạn không thể nào lý giải được. Vì sao? Mọi cái đều trong nhau, đều là “quá khứ của lòng nhau”. Ông nội trong quá khứ của bạn lại kết hôn với bạn trong đời này; hoặc là bà ngoại đời trước lại thác sanh làm con gái bạn, tất cả mọi khả năng đều có thể… và đều biến hóa khôn lường!
Sở dĩ có việc “cháu lấy bà ngoại” này là vì trước kia, lúc bà ngoại sắp mất, bà ta trăn trối: “Con trai của ta đã lấy vợ, vợ con của nó đầm ấm, con gái của ta cũng đã lấy chồng. Ta đã thỏa lòng không còn lo toan nữa. Nhưng ta còn một đứa cháu ngoại, tương lai sau này ai sẽ là người săn sóc cho nó? Bà vợ tương lai của nó biết có tốt với nó không? Ta không thể nào không lo cho nó”.
Lúc ấy bà nắm lấy tay nó mà nói rằng: “Cháu như thế này ta rất lo nhớ cháu, ta chết rồi mắt làm sao nhắm được”. Nói xong, bà ta ra đi không nhắm mắt được. Ðến gặp chỗ Vua Diêm La, Bà ta khóc lóc cầu xin rằng: “Diêm La Vương ơí! Tôi còn có một đứa cháu không có ai săn sóc cho nó, tôi rất lo lắng và thương nhớ nó”. Diêm La nói: “Ðược rồi bà cứ trở lại trần gian lo sóc cho nó!” Nói xong, bà ta tức khắc được tái sanh lên trần thế; huyền cơ duyên khởi đưa đẩy, về sau bà ta làm vợ đứa cháu đó. Vì vậy mà nói “cháu lấy bà ngoại”. Chỉ vì một niệm không buông xả được, mà là nguyên nhân của biết bao duyên nghiệp về sau. Bà ta chỉ vì ôm ấp một niệm lo toan về thằng cháu, mà về sau phải làm vợ lo cho nó. Bạn nghĩ xem, đây không phải là chuyện cổ quái, quái cổ hay sao!. Thiền Sư Chí Công biết điều đó là vì Ngài có đủ ngũ nhãn, lục thông, nên lúc thấy cô dâu liền biết rằng tiền kiếp vốn là bà ngoại của chú rễ. Ðúng là một niệm sai thì ngàn thu sai biệt. Một niệm thiện còn như thế huống là một niệm ác, hoặc trùng trùng niệm ác. Thì than ôi! Luân hồi lục đạo biết bao giờ dứt, tam đồ ác đạo khó có ngày ra khỏi!
Thiền Sư lại nhìn trong đám ấy có một cháu gái đang ăn một miếng thịt. Ngài lại nói: “Con gái ăn thịt mẹ”. Là vì miếng thịt đứa con gái đang ăn vốn là mẹ ruột của nó, bà ta vì nghiệp chướng sâu dày nên tái sanh làm dê; nay lại bị con mình cầm thịt này mà ăn. Vòng vô minh, oán nghiệp của chúng sanh không lời nào tả xiết. Bồ Tát đau cho chúng sanh cũng là ở chỗ này vậy!!!
Lúc Thiền Sư nhìn qua đám cổ nhạc, có một nhạc côâng đang đánh trống tấu nhạc. Ngài thấy vậy nói rằng: “Con trai đánh da bố”. Da trống của nhạc công này đánh làm bằng da lừa, chính là cha của anh ta. Lừa bị giết thịt, lột da làm mặt trống vậy. Thật tái tê cho kiếp luân hồi!
Thiền Sư lại đến xem trên giường, lúc thấy liền nói: “Heo dê ngồi ở trên”. Là vì đời trước họ là heo dê bị người ta giết ăn thịt, nay đều được chuyển kiếp làm người, đều là họ hàng thân thích, bằng hữu với nhau, cũng cùng là khách ngồi dự tiệc trong nhà này.
Nhìn trong bếp Ngài liền nói: “Lục thân oa lý chủng”, lục thân nấu trong nồi. Các bạn thấy đó chính cha, mẹ, anh, em, thân thích, bè bạn… của họ về trước đã ăn thịt heo, dê. Bây giờ lại hóa kiếp heo, dê, lại bị họ giết thịt bỏ vào nồi nấu ăn.
“Chúng nhơn lai hạ hỷ” mọi người đến đó xem họ cưới nhau và đều hớn hở nói chúc mừng bạn! Ðằng kia đến chúc mừng, đằng nọ đến chúc mừng. Ngài tự than với lòng mình rằng: “Ta trông thấy thật vô cùng chua xót” oán nghiệp chất chồng oán nghiệp. Ðau khổ là ở chỗ này vậy!
Nhờ Thiền Sư Chí công mà nhân quả, trả vay của gia đình này được sáng tỏ. Ngoài một “Típ” nhân quả, quả nhân của gia đình này, thì làm sao lường hết trùng trùng duyên nghiệp, trùng trùng oan trái của vô vàn “Típ” gia đình khác? Cho nên, người tu Ðạo cần phải cẩn trọng việc gieo nhân, nếu không chu tất thì kết quả sẽ thất thu và mang nợ về sau. Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả là vậy! Vì sao con người ta được làm người? Chúng ta được làm người tức là đang còn mang nợ. Còn mang nợ gì? Còn nợ luân thường, còn nợ nhân quả thế gian. Nếu bạn trả được nợ này thì nợ nần chấm dứt. Nếu bạn không tìm cách trả nợ thì nợ vẫn hoàn nợ, nợ chồng thêm nợ. Giống như chúng ta nợ tiền người ta thì chúng ta phải trả. Nếu không trả nổi thì nợ còn thêm nợ. Con người ta sống trên đời này cũng là như vậy.
À, tôi nhớ ra một câu chuyện này: Có một gia đình nọ nuôi một con lừa, hằng ngày dùng nó để kéo xay, chuyên chở. Người chăn lừa hay giận tức con lừa làm chậm, nên luôn ở bên nó, ngày ngày đều cầm một cây roi bằng tre đánh đập nó. Người này luôn thúc bách lừa làm việc, để nó làm được nhiều việc cho anh ta, nên ngày nào cũng như ngày nấy luôn đánh đập như thế. Sau khi nó chết, nó được chuyển kiếp làm thân nam nhi, còn kẻ đánh lừa chuyển thành thân nữ. À! Rồi hai người này lấy nhau. Bạn nghĩ như thế nào khi họ lấy nhau? Người chồng ấy mỗi ngày đều đánh đập vợ mình. Không kể là cầm đồ vật gì trên tay hoặc lúc đang ăn cơm cũng đánh. Ngày ngày cứ vào buổi chiều anh ta liên tiếp đánh chưởi, cô ta muốn làm gì cũng không được cả.
Ðánh hoài đánh hủy như vậy, cô ta không biết cách gì để hóa giải. May thay một ngày nọ cô ta gặp được Thiền Sư Bảo Chí, cô ta thưa rằng: “Than ôi! Tôi đây là một người hiền, nhưng chẳng biết vì sao hằng ngày tôi đều bị chồng tôi đánh đập? Thiền sư tu hành có ngũ nhãn, lục thông, xin bảo cho tôi biết đó là vì nhân quả gì, vì sao hằng ngày anh ta lại cứ đánh đập tôi vậy?”
Thiền Sư liền nói: “Ồ! Hai người nhân quả gì nữa! Tiền kiếp cô là một chàng trai có nuôi một con lừa để xay gạo. Hằng ngày anh ta luôn đập đánh con lừa ấy. Bây giờ, con lừa ấy đã chuyển kiếp thành thân trai rồi, còn cô tức là chàng trai đánh lừa, kiếp này làm thân nữ. Nhân quả đưa đường, duyên nợ chỉ lối cho hai người lấy nhau. Vì vậy, mỗi ngày anh ta đánh cô. Vì kiếp trước cô luôn dùng roi đánh lừa, một ngày không biết mấy trăm roi. Bây giờ, cô muốn hóa giải oan nợ, tôi sẽ bày cho cô một cách. Về nhà mọi đồ vật gì cô phải cất dấu hết, chỉ giữ lại một cái chổi đuôi ngựa (còn gọi là chổi dây). Lúc anh ta về nhà không thấy có vật gì để đánh, nên cầm cái chổi kia để đánh. Ðánh xong cô mới nói cho anh ta biết, vì tiền kiếp tôi là người đánh lừa kéo xay, còn anh kiếp trước là một con lừa. Vì hằng ngày bị tôi đánh đập, nêân bây giờ ngày nào anh cũng đánh tôi; đánh cái chổi nầy một cái thì thành mấy trăm roi. Cho nên anh đánh tôi một lần nầy nữa, ngày mai nợ dĩ vãng xem như đã trả xong. Cô hãy nói rõ ràng như vậy cho anh ta hay, thì về sau anh ta không còn đánh đập cô nữa”.
Ðúng vậy, về nhà cô ta cất dấu hết tất cả đồ vật trong nhà. Lúc chồng cô ta về, không cần phân giải điều gì, lập tức đánh cô, anh ta tìm khắp chỗ nào cũng không thấy có vật gì cả, chỉ tìm thấy một cây chổi đuôi ngựa, liền nhắm vào đầu mặt cô ta mà đánh. Trước đó anh ta đánh cô, cô ta đều bỏ chạy, lần nầy đánh cô ta cứ ngồi tại chỗ để cho đánh. Ðợi lúc anh ta đánh chán rồi, anh ta mới hỏi: “Này, sao lúc trước tôi đánh cô, cô đều bỏ chạy, hôm nay đánh sao cô lại không chạy”. Cô ta liền nói: “Anh đánh tôi vì anh chẳng biết nhân quả trước sau gì cả. Hôm nay có Thiền Sư Bảo Chí đến, tôi thỉnh giáo ông ta. Vì sao hằng ngày tôi bị đánh đập như thế? Ông ta bảo cho tôi biết rằng: Ðời trước anh là con lừa, nhưng vì hằng ngày tôi sai lừa kéo xay nên ngày nào tôi cũng đánh đập nó. Kiếp này con lừa ấy chuyển kiếp thành thân nam là anh, còn người đánh lừa là tôi hóa kiếp làm thân nữ, hai ta duyên nợ lấy nhau. Vì vậy, mỗi ngày anh phải đánh tôi, lão Thiền Sư ấy bảo tôi để cây chổi này ở đây, đợi lúc anh về cầm đánh tôi và tôi không được bỏ chạy. Như thế hôm nay anh đã đánh xong, nợ nần hai chúng ta không còn vay trả, trả vay nữa. Sau này không được đánh thêm nữa!”
Nghe xong anh ta liền nghĩ bụng: “À! Sự việc quá khứ thì ra là như vậy. Bây giờ ta không nên đánh nữa, vì hôm nay ta cứ đánh cô ta, nếu đánh nhiều, kiếp sau cô ta đánh trả lại cũng như vậy”. Từ đó về sau hai vợ chồng không còn đánh nhau nữa.
Từ chuyện này mà suy thì dễ biết con người trên thế gian này, người nào có duyên với người nào, còn người nào không có duyên với người nào, ai với ai kiếp trước là vợ chồng, anh em, cha con, bè bạn… duyên nghiệp lẫn nhau, mà kiếp này lại làm quyến thuộc của nhau. Nếu chúng ta đã rõ tin vào luật nhân quả này, thì chúng ta nên tìm cách biến cải duyên nghiệp. Phải cấp tốc quay về làm theo điều lành, chứ không được làm điều sai quấy.
Chuyện về Bảo Chí Thiền Sư trước đây tôi có giảng qua, chuyện kể rằng: Thiền Sư mỗi ngày đều ăn hai con bồ câu, ngày nào cũng đều ăn như vậy. Người nhà bếp cho rằng thức ăn này là loại thức ăn đặc biệt. Một ngày đó, anh ta dường như có ý và cũng dường như vô tình. Vì sao nói vậy? Trong ý là nghĩ phải nếm thử. Việc nếm thử này với hai ý nghĩ: Một mặt là muốn thử thức ăn hôm nay nấu có ngon không? Mặt khác anh ta cho rằng Chí Công ngày nào cũng ăn thức ăn này, nhất định là một món ăn rất ngon, vì thế phải nếm thử thưởng thức một chút rồi mới đem thức ăn đến cho Ngài. Chí Công ăn hết rồi liền hỏi: “Hôm nay có ai nếm trộm thức ăn bồ câu của ta ăn nhỉ”? Anh đầu bếp thưa “không có ai ăn trộm cả!”.
-Không có người nếm trộm? À, thì nhất định là anh ăn rồi!
Anh nhà bếp không nhìn nhận, nói rằng:
Tôi không ăn.
Nhưng Bảo Chí Thiền Sư nói: Anh không ăn à ? Tôi cho anh xem tận mắt, là anh có ăn hay không?
Nói xong, Ngài hả miệng một cái thì hai con bồ câu đi ra, một con thì bay, con kia thì một cánh bị gãy không thể bay được.
Thiền Sư bảo rằng: “Anh thấy đó, nếu anh không trộm ăn thử thì con bồ câu này sao nó không bay được? Cánh kia của nó đi đâu rồi?”. Chuyện này làm cho anh đầu bếp biết rằng Chí Công Thiền Sư không phải là người thường, mà là một vị Ðại Bồ Tát hóa thân. Vì vậy, những con bồ câu bị nấu ăn rồi. Sau đó có thể hóa lại bồ câu sống. Nếu như không phải cảnh giới Bồ Tát, làm sao có thể làm được việc này nhỉ?!
Thiền Sư Chí Công thường thường còn ăn một loại cá, loại cá này gọi là Tuệ Ngư, cũng là đem nấu nướng rồi ăn từ đuôi đến đầu, nhưng sau đó lại có thể khạc ra lại thành cá. Vì vậy, những sự việc này rất bình thường đối với cảnh giới Bồ Tát. Giống như Thiền Sư Chí Công, đây là một vị Bồ Tát đích thực. Nhưng có bao giờ Thiền Sư nói với một ai rằng: “Các ngươi có biết không, Ta là một vị Ðại Bồ Tát, Ta đang hành đạo với đại nguyện này hay hạnh nguyện nọ…”. Các vị ấy không bao giờ dấy khởi ý niệm đó. Cho nên, chúng ta là những kẻ phàm phu, dẫu có thấy chư Phật hay chư Bồ Tát cũng không thể nào nhận biết được. Việc làm của Bồ Tát và người thường là một, nhưng không bao giờ giống nhau. Không giống nhau là vì người phàm thì chỉ biết đến lợi ích của chính mình, không chuyên tâm giúp đỡ cho tha nhân. Bồ Tát thì chỉ vì lợi ích của tha nhân, chứ không nghĩ đến mình, khác nhau là ở chỗ này vậy! Bồ Tát thì tự lợi lợi tha, tự giác giác tha, tự độ hoàn toàn, lợi tha hoàn toàn. Vì vậy, chúng ta đang giảng Chú Ðại Bi, ý nghĩa của chú cũng là trong Ðạo lý này vậy.
(còn tiếp)