English and Chinese | Vietnamese

 

Đại Bi Với Tất Cả Chúng Sanh, Quán Thế Âm Bồ Tát Cứu Người Sanh Mạng Đang Lâm Nguy

Bài nói chuyện của Thầy Hằng Thuận tại Phật Điện Vạn Phật Thánh Thành ngày 9 tháng 5, năm 2012

 Trích dịch từ Nguyệt San Vajra Bodhi Sea số tháng 1, 2013, trang 38 -41

 

 

Vài tuần trước, tôi có kể một câu chuyện về cuộc hành trình Tam Bộ Nhất Bái đầu tiên (1973-1974) và làm thế nào Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đã giúp Thầy Hằng Cụ và Thầy Hằng Do vào lúc đó. Đặc biệt Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đã cho Thầy Hằng Cụ một lời dạy về tầm quan trọng của lòng yêu thương và từ bi với những người gần chúng ta nhất. Tối nay tôi sẽ kể chuyện về một nhân vật khác trong một tình huống nguy hiểm hơn, người này cũng đã được một vị Bồ Tát cứu.

Chuyện này xảy ra vào năm 1978. Câu chuyện trước đó Thầy Hằng Cụ kể lại với tôi nhưng tôi không thực sự là nhân chứng. Tuy nhiên, tôi đã may mắn là một nhân chứng trực tiếp vào đoạn cuối của câu chuyện hôm nay. Do đó, tôi có thể xác nhận rằng đây là sự thật. Câu chuyện này nói về một đệ tử của Hòa Thượng, Quả Lặc hay là Douglas Powers (1). Vào tháng 8 năm 1978, Hòa Thượng đã đem khoảng 10 người đến thăm nước Mã Lai trong một chuyến giảng Pháp. Những vị này bao gồm hai tăng sĩ, hai nữ tu sĩ và khoảng sáu cư sĩ trong đó có anh Doug. Thầy Hằng Thật và Marty (trước kia là Thầy Hằng Triều) thì đang giữa cuộc hành trình Tam Bộ Nhất Bái của họ (tại Mỹ). Hòa Thượng đã đem họ đến Mã Lai trong một tháng rưỡi, để cho họ lễ lạy tại đây. Doug là một phần tử của nhóm này, nhưng ông đã đi đến Hồng Kông trước trong một tháng rồi sau đó tham gia phái đoàn tại Mã Lai. Khi tới gần cuối sáu tuần ở Mã Lai, Doug có một ý tưởng về leo núi dãy núi Annapurna ở Hy Mã Lạp Sơn, trong số đó có nhiều chỗ cao hơn 25.000 bộ (hơn 7 ngàn 600 mét). Trong khi phái đoàn sẽ đi Tân Gia Ba, Thái Lan và Hồng Kông, tại mỗi địa phương ở khoảng một tuần, Doug lại muốn rời khỏi đoàn để đến nước Nepal leo núi.

 

Anh Douglas Powers (người ngồi ngoài cùng phía bên trái) cùng phái đoàn (nhấn vào hình để xem hình lớn hơn).

Anh Douglas Powers (đang đứng phía bên trái) cùng phái đoàn (nhấn vào hình để xem hình lớn hơn).

 

Doug tỏ bày với Hòa Thượng về mong muốn của mình, cho rằng nếu anh không đi ngay thì núi sẽ có nhiều tuyết và khó khăn để leo lên. Hòa Thượng khuyên ông ở lại với đoàn trong ba tuần nữa, rồi sau đó hãy leo núi. Hòa Thượng thậm chí nói với ông rằng Ngài bảo đảm sẽ không có thêm tuyết nếu ông đi sau này. Tuy nhiên, Doug vẫn muốn đi ngay. Anh nói với Hòa Thượng nếu anh chờ, chi phí di chuyển sẽ tốn hơn nhiều. Hòa Thượng nói Ngài sẽ trả cho chi phí phụ trội và một lần nữa khuyến khích anh nên chờ đợi. Tuy nhiên Doug vẫn khăng khăng ra đi. Anh nói với Hòa Thượng anh cảm thấy đây là đúng thời điểm để đi còn nếu đi trễ hơn thì sẽ khó khăn hơn. Hòa Thượng bảo đảm với anh rằng nếu đợi anh sẽ không gặp phải bất kỳ khó khăn nào. Như thế Hòa Thượng đã ba lần nói rõ ràng với anh hãy chờ đến sau này rồi hãy đi chuyến leo núi Annapurna. Mặc dù Doug đã không còn lý do nào để không thể chờ đợi, nhưng anh vẫn cứ rời và đi ngay lập tức.

Anh đã phải du hành băng qua Mã Lai Á đến Thái Lan, rồi tới Miến điện trước khi đến Nepal. Một thời gian ngắn sau khi bắt đầu cuộc hành trình, anh nhận ra mọi thứ đã không theo như ý anh đã dự định lúc ban đầu. Dường như mọi nơi anh đi tới đều có những trục trặc. Tại miền Nam Thái Lan những thành phần chính trị quá khích thậm chí đã bắn vào xe buýt của ông. Mặc dù xe buýt chạy thoát và không có ai trên xe buýt bị thương, nhưng những người khác gần đó thì bị thiệt mạng. Mọi sự đã bắt đầu không như ý. Anh nhanh chóng nhận ra rằng sẽ tốt hơn nhiều nếu anh đợi ba tuần như Hòa Thượng đã nói với anh. Sau khi gặp hết khó khăn này đến khó khăn khác, cuối cùng anh đã đến Nepal và bắt đầu leo một trong những ngọn của dãy núi Annapurna.

Sau khi đến một địa điểm trên núi cao khoảng 10.000 bộ (3 km) so với mặt biển anh đã có một kinh nghiệm rất lạ. Doug và một người bạn từ Đức tìm thấy một mặt phẳng gần một hang động trên núi và họ đã dựng trại để nghỉ qua đêm. Giữa đêm anh tỉnh dậy. Anh thề rằng cho đến nay anh đã ở cách xa mép của vách núi phải hơn 100 bộ (30 mét). Tuy nhiên, trong bóng đêm tối như mực anh sợ hãi và kinh hoàng khi mới bước một vài bước đã thấy mình rớt xuống núi. May mắn thay sau khi rơi xuống khoảng 40 bộ (12 mét) anh đụng vào một vách đá nhô ra từ núi. Nếu không nhờ vách đá này, anh sẽ rơi xuống 10.000 bộ (3 km) và chắc chắn sẽ chết. Khi anh đụng vách đá, anh đã té ngã bất tỉnh.

Anh không biết mình đã bị bất tỉnh bao lâu, nhưng khi tỉnh lại, anh bắt đầu rên rỉ trong bóng đêm. Anh đã bị một vết thương hở ra ở sọ bên phải, một số dây thần kinh bị hư hại khiến một bên mặt của ông bị tê liệt, nhiều xương sườn và một bàn chân của ông bị gãy, và ngực của ông đã bị ép. Mặc dù còn sống, nhưng hoàn cảnh anh thật tệ hại. Người bạn Đức của Doug tại trại cuối cùng đã nghe được tiếng la của anh và phát hiện ra Doug đã rớt xuống núi và bị thương nặng. Không thể với tay tới Doug, ông đã đi tìm sự giúp đỡ từ một số cư dân địa phương. Ông biết một người cha và đứa con trai, sống gần đó trên núi. Bằng cách nào đó và với một số dây thừng họ kéo anh ta trở lên hang động trên khu vực bằng phẳng, nơi mà lúc ban đầu họ đã cắm trại qua đêm. Anh đã nằm trong hang động nhiều ngày trong đau đớn khủng khiếp. Vì họ đã ở một vùng quá xa trên núi, phải mất hai ngày để người ta thông báo tai nạn, và hai ngày khác nữa để các trợ giúp y tế đến nơi.

Trong suốt bốn ngày, Doug chỉ không những ở trong cơn đau kinh khủng, mà còn có nỗi sợ hãi khủng khiếp về cái chết. Anh đã lo sự trợ giúp có thể không đến kịp thời, và sợ rằng anh sẽ chết. Chìa khóa cho sự sống còn của anh là niệm danh hiệu Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát, bất cứ khi nào anh ta tỉnh táo. Anh đã phải niệm một cách thành tâm và với rất nhiều sự tập trung, để không nhận thức những đau đớn và sợ hãi. Khi anh không thành tâm niệm, sự đau đớn và sợ hãi lại trở lại. Do đó, anh tiếp tục niệm danh hiệu của Quán Thế Âm Bồ Tát và quán tưởng Bồ Tát càng nhiều khi có thể.

Sau bốn ngày đội cấp cứu đã đến bằng trực thăng. Họ đem anh đến phi trường gần nhất và sau đó đưa ông đi trong chuyến bay hành khách 747 kế tiếp bay đến Bangkok, Thái Lan. Trên máy bay, ông nằm trên một băng ca đặt trên bốn ghế hành khách, có một bác sĩ được Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ gời đến đi theo. Khi anh đến Bangkok, thì có quyết định rằng cuộc phẫu thuật lớn và sự chăm sóc y tế mà anh cần thì tốt hơn là nên tại Hoa Kỳ, nơi mà anh có một cơ hội tốt hơn để hồi phục hệ thống miễn dịch bị suy yếu của anh. Do đó họ đặt anh trên một chuyến bay hành khách 747 khác bay trở về Mỹ đến San Francisco. Một lần nữa anh nằm trên băng ca đặt lên bốn chỗ ngồi trên máy bay. Khi máy bay hạ cánh, họ vội đưa ông đến bệnh viện để giải phẫu và cuộc giải phẫu kéo dài hơn mười tiếng. Phẫu thuật ban đầu được tiếp nối bởi các ca phẫu thuật phức tạp và một loạt các vi phẫu thuật khác.

Biến cố này đã xảy ra trên núi trong tháng 9. Tại thời điểm đó, Hòa Thượng đã trở lại Hoa Kỳ cùng nhóm còn lại của phái đoàn. Ngài đã mong gặp Doug tại Hồng Kông vào đoạn cuối của chuyến đi, nhưng Doug đã không đến. Hai tháng sau khi phái đoàn trở về (phái đoàn đã trở lại vào cuối tháng 9), Hòa Thượng hỏi Thầy Hằng Quán và tôi trong Tu Viện Kim Sơn Thánh Tự (trên đường 15) chuyện gì đã xảy ra cho Doug. Lúc bấy giờ, hầu hết tất cả các tăng ni và cư sĩ – những người sống ở Kim Sơn và Viện Dịch Kinh (nơi cư trú của nữ chúng) tại San Francisco đã dọn đến Vạn Phật Thánh Thành hơn một năm trước đó. Vì vậy, chỉ còn một vài người sống tại tu viện ở SanFrancisco. Các vị thường trú tại Kim Sơn bao gồm Thầy Hằng Quán, tôi và thư ký người Hoa của Hòa Thượng, ông Châu Quả Lập, người cũng từ Mãn Châu, Trung Hoa. Hòa Thượng thường ở ba ngày tại Vạn Phật Thánh Thành và bốn ngày tại Tu Viện Kim Sơn mỗi tuần. Do đó Thầy Hằng Quán đã gọi điện thoại cho Doug ngay để tìm hiểu những gì đã xảy ra.

Tôi nhớ lại đó phải là cuối tháng 11 hoặc 12. Doug đến Tu Viện Kim Sơn kể cho Hòa Thượng và chúng tôi những gì đã xảy ra. Tôi nhớ anh lúc đó đã trông giống như thế nào khi vẫn còn đang hồi phục từ tai nạn của mình. Anh ở trong nhân dạng khá xấu và một bên mặt của anh bị chảy xuống. Đó là hai tháng sau vụ tai nạn, và anh vẫn còn phải chịu trải qua thêm các phẫu thuật nữa để sửa chữa các bộ phận khác của cơ thể bao gồm khuôn mặt của anh.

Khi Doug viếng thăm, Hòa Thượng hỏi anh:

“Bao nhiêu lần ta đã nói con đừng đi?” Doug trả lời, “Ba lần.”

“Ba lần, và con vẫn cứ đi!”

Sau đó giọng nói của Hòa Thượng trở nên nghiêm trọng hơn khi Ngài nói, ” Thực sự là con đã chết. Bồ Tát đã đến và cứu mạng con.”

Tại thời điểm đó, tôi đã biết Doug được vài năm. Sau đó tôi nhận thấy anh đã trở nên tận tụy hết lòng hơn đối với Hòa Thượng. Anh thậm chí đã có nguyện riêng là cống hiến đời mình để duy trì và bảo vệ những giáo pháp của Hòa Thượng.

Nhiều tháng sau, Doug đã kể chuyện về những gì đã xảy ra cho đại chúng tại Vạn Phật Thánh Thành. Lúc bấy giờ Hòa Thượng không những đề cập đến việc làm thế nào Quán Thế Âm Bồ Tát đã cứu anh, mà còn nói với Doug, “Bồ Tát đã đến và cứu sống con, vì thế, đừng làm chuyện hồ đồ trong cuộc đời này. Hãy làm một cái gì đó tốt đẹp trong đời này.”

Một chú thích liên quan đến người thư ký Trung Hoa của Hòa Thượng, ông Châu Quả Lập (2): ông Châu Quả Lập đã phụ trách các thư từ Hoa ngữ cho Hòa Thượng. Ông cũng là người biên tập khoảng hai mươi tập của bộ Kinh Hoa Nghiêm bằng tiếng Trung Hoa với chú giải mà Hòa Thượng đã giảng. Bây giờ quý vị nghe các băng giảng và có thể hỏi tại sao một số đoạn và vài câu chuyện đã bị bỏ qua mà không ấn hành. Khi ông Châu Quả Lập biên soạn bản thảo bằng tiếng Trung Hoa, ông luôn luôn thảo luận về công việc của mình với Hòa Thượng. Tôi vẫn còn nhớ cứ hàng tuần, ông quỳ trước Hòa Thượng với chiếc bảng kẹp của ông trong tay, trình bày các chi tiết những công việc của mình với Hòa Thượng. Ông thường hỏi có những đoạn nào đó – đặc biệt là các câu chuyện – có nên được lấy ra và xuất bản trong những quyển sách riêng biệt không. Có một số câu chuyện hoặc các khai thị đặc biệt có nguồn gốc là được giảng trong những bài giảng Kinh này và đã được tách ra xuất bản riêng. Ông Châu Quả Lập đã rất cẩn thận để chắc chắn rằng tất cả các công việc biên tập của ông đã được phê duyệt bởi Hòa Thượng.

 

Câu hỏi từ thính chúng tại Vạn Phật Thánh Thành: “Có phải anh Doug bị đẩy ra khỏi bờ vách núi không?”

Trả lời: “Doug chưa từng nói rằng anh đã bị đẩy ra. Tuy nhiên anh ta nhớ rằng anh cách bờ vách núi rất xa. Dường như có một số lực khác đã tham dự vào, nhưng anh ta đã không bị đẩy ra”.

Giáo sư Douglas Powers, người ngoài cùng bên phải cùng một số Giáo Sư trong Ban Giảng Huấn Đại Học Phật Giáo Pháp Giới (DRBU – 2009). Nhấn vào hình để xem hình lớn hơn

 

 

Ghi chú:

(1) Xin xem Lời nói đầu do chính Giáo Sư Douglas Powers thuật lại trong quyển Phóng Tầm Mắt Nhìn Thế Giới

(2) Xin xem bài Nhân Quả Vay Trả, Mảy May Chẳng Sai của ông Châu Quả Lập